TT - Ngày 11-4, tại buổi làm việc với Ban kinh tế - ngân sách HĐND TP.HCM về tình hình cung cấp nước sạch trên địa bàn TP, Sawaco cho biết đang bị mất cân đối vốn cho việc đầu tư phát triển mạng lưới cấp nước.
Người dân ở huyện Cần Giờ (TP.HCM) vui mừng khi được sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước của Sawaco - Ảnh: Quang Khải |
Và một trong những giải pháp Sawaco (Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn) đưa ra để khắc phục việc này là... tăng giá nước.
Đầu tư trùng lắp
Nhiều nơi có nước máy nhưng dân vẫn dùng nước giếng
Theo ông Trần Đình Phú, mặc dù UBND TP đã có quy định hạn chế khai thác nước ngầm nhưng hiện nay vấn đề này đang bị buông lỏng. Một số khu vực người dân yêu cầu cấp nước sạch nhưng khi được gắn đồng hồ nước thì bà con không dùng nước máy mà dùng nước giếng. Cụ thể như khu vực xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn và P.Bình Hưng Hòa, Q.Bình Tân. Đây cũng là một trong những trở ngại cho việc thu hồi vốn, tái đầu tư mạng lưới cấp nước.
|
Mở đầu cuộc họp, ông Bạch Vũ Hải - phó tổng giám đốc Sawaco - thông tin đến cuối năm 2011, tỉ lệ hộ dân được cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước Sawaco đạt 86,04%, lượng nước bình quân đạt 122 lít/người/ngày (khu vực nội thành 140 lít/người/ngày). Đặc biệt, tỉ lệ thất thoát nước đã được kéo giảm còn 38,42% (trước đây 42%).
Theo kế hoạch năm 2012, Sawaco sẽ nâng tỉ lệ hộ dân được cấp nước sạch lên 87% và hạ tỉ lệ thất thoát xuống còn 37%. Đến năm 2015, tỉ lệ hộ dân được cấp nước sạch tăng lên 92%, thất thoát còn 32%. Để đạt mục tiêu này, Sawaco cho biết phải triển khai phát triển gần 1.400km đường ống, nâng cấp, mở rộng hàng loạt nhà máy cấp nước. Dự kiến tổng công suất cấp nước đến năm 2015 phải đạt 2,4 triệu m3/ngày (hiện nay hơn 1,5 triệu m3/ngày) mới đáp ứng được nhu cầu của người dân.
Ông Lê Chu Long, phó giám đốc Trung tâm nước sinh hoạt - vệ sinh môi trường nông thôn (Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn), cho biết hiện trung tâm đã cung cấp nước cho hơn 53.200 hộ dân, chủ yếu ở các huyện ngoại thành. Để đạt mục tiêu 100% người dân khu vực ngoại thành được sử dụng nước hợp vệ sinh đến năm 2015, theo kế hoạch phải mở rộng và xây dựng mới 28 trạm cấp nước với số vốn hàng trăm tỉ đồng.
Ông Nguyễn Văn Lâm, phó Ban kinh tế - ngân sách HĐND TP, cho rằng theo Sawaco, thời gian qua Trung tâm nước sinh hoạt - vệ sinh môi trường nông thôn có vai trò hết sức quan trọng trong việc cấp nước sạch cho người dân ở ngoại thành. Tuy nhiên, chủ trương chung của TP là sẽ hạn chế dần việc khai thác nước ngầm, chuyển sang sử dụng nguồn nước mặt do Sawaco cung cấp. Hơn nữa, Sawaco đã có kế hoạch phát triển mạng lưới cấp nước đến năm 2015 và đến năm 2025 sẽ cấp nước sạch cho 100% người dân trên địa bàn TP.
Ông Lâm lưu ý Trung tâm nước sinh hoạt - vệ sinh môi trường nông thôn cần chú ý để tránh đầu tư trùng lắp, gây lãng phí. Theo ông Lâm, cử tri phản ảnh nước do trung tâm này cấp tại một khu dân cư ở Q.12 bị nhiễm phèn. Khi Sawaco phát triển đường ống tới khu vực này, người dân muốn chuyển sang dùng nước của Sawaco nhưng không được vì Sawaco cho rằng mạng lưới đường ống của Trung tâm nước sinh hoạt - vệ sinh môi trường nông thôn không đồng bộ với đường ống của Sawaco.
Ông Nguyễn Tấn Tuyến, phó Ban kinh tế - ngân sách, đề nghị Trung tâm nước sinh hoạt - vệ sinh môi trường nông thôn làm việc cụ thể với Sawaco về vấn đề này. Ông Trần Đình Phú, tổng giám đốc Sawaco, cho rằng để tránh việc đầu tư trùng lắp thì phải tuân thủ quy hoạch cấp nước đã được phê duyệt. “Vấn đề này muốn đảm bảo hiệu quả phải có bàn tay của nhạc trưởng” - ông Phú đề xuất.
Vay càng nhiều, giá nước càng tăng
Theo Sawaco, để đạt các mục tiêu đã đề ra trong giai đoạn 2012-2015 cần phải có số vốn lên đến 12.740 tỉ đồng (riêng nguồn vốn đầu tư xây dựng trong năm 2012 chiếm hơn 2.000 tỉ đồng). Trong cơ cấu vốn cần cho đầu tư xây dựng, vốn từ ngân sách TP và vốn của Sawaco chiếm 40% (tương đương 5.087 tỉ đồng), phần vốn còn lại chủ yếu được vay kích cầu, vay ODA...
“Khó khăn lớn nhất mà Sawaco phải đối mặt là khả năng mất cân đối về vốn cho các dự án đầu tư xây dựng nên TP cần có cơ chế tạo nguồn vốn ưu đãi. Nếu không có cơ chế ưu đãi, các nguồn vốn vay tính lãi suất thương mại sẽ góp phần làm giá nước tăng thêm, bởi vì giá nước hiện nay được tính đúng tính đủ chi phí đầu vào” - ông Phú nói khi trao đổi thêm với Tuổi Trẻ. Ông Phú cũng nhận định thời gian qua TP đã có chủ trương xã hội hóa việc phát triển cấp nước, nhưng ít đơn vị tham gia vì giá nước hiện nay còn thấp, khó đảm bảo quá trình thu hồi vốn, sinh lợi.
Hiện nay giá nước bình quân do Sawaco sản xuất ở mức 7.500 đồng/m3 - rất thấp so với khung giá trần quy định của liên bộ Tài chính - Xây dựng là 18.000 đồng/m3. Theo ông Phú, cơ chế tạo nguồn lực tài chính cho Sawaco là việc xây dựng giá nước đúng và đủ. Thời gian qua, UBND TP đã làm được việc này là xây dựng lộ trình tăng giá nước nhưng chỉ tính tới năm 2013. Hiện Sawaco đang chuẩn bị xây dựng đề án giá nước mới cho giai đoạn 2014-2018 để trình UBND TP xem xét phê duyệt.
Ông Phạm Văn Đông, trưởng Ban kinh tế - ngân sách HĐND TP, lưu ý Sawaco thực hiện quyết liệt hơn nữa công tác chống thất thoát nước sạch. Liên quan đến một số kiến nghị của Sawaco, ông Đông cho biết sẽ báo cáo lại HĐND TP.
QUANG KHẢI ...Chật vật phát triển mạng lưới cấp nướcNgười Lao Động
Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TPHCM tổng kết khảo sát tình hình ...Đài Tiếng Nói TPHCM
Đẩy nhanh các dự án xây dựng đường ống cấp nướcTạp chí Kiến trúc Việt Nam
- - 6 năm nữa, lương 3 triệu đồng “quả là rất thấp”! – (RFA).
------