Thứ Năm, 16 tháng 10, 2014

GS Trần Đức Thảo : Vai trò của cố vấn Tàu trong Cải cách ruộng đất

Nguyen Tuan-

Vai trò của cố vấn Tàu trong Cải cách ruộng đất
Lời dẫn: Các viên cố vấn Tàu cộng đóng vai trò quan trọng trong cuộc "Cải cách ruộng đất" (CCRĐ) ở miền Bắc, và điều này thì ai quan tâm cũng đều biết. Nhưng chúng ta không biết cụ thể họ sang VN làm gì và bàn tay của họ có dính máu người Việt hay không? Qua mô tả dưới đây của GS Trần Đức Thảo, chúng ta đã có câu trả lời: có. Các viên cố vấn Tàu có dính dáng vào sự thảm sát người Việt trong CCRĐ. Nó còn là một minh chứng cho thấy VN lúc đó lệ thuộc ghê gớm vào Tàu.
Nhưng đoạn trích dưới đây còn nói lên một khía cạnh khác trong cuộc CCRĐ có liên quan đến Hồ chủ tịch. Từ trước đến gần đây tôi tưởng rằng HCM không có dính dáng gì đến việc giết người ân nhân của cách mạng là bà Nguyễn Thị Năm, nhưng bây giờ thì phải suy nghĩ lại. Theo GS Trần Đức Thảo thuật lại, qua viên cố vấn Tàu, thì Hồ chủ tịch biết trước và biết rất rõ rằng bà Nguyễn Thị Năm sắp bị đưa ra tử hình, nhưng ông không can thiệp. Đến khi bà bị tử hình thì chúng ta biết qua báo chí là ông cụ thản thốt nói sao lại giết phụ nữ, và ông khóc.
====

[… Trích "Những lời trăn trối" của Trần Đức Thảo]
Tối đến, một dân quân tới gọi đi họp khẩn để làm kiểm điểm, rút kinh nghiệm về phiên toà lúc ban ngày. […] Buổi họp kiểm điểm rút kinh nghiệm được triệu tập ở trong đình làng, dành cho đoàn viên trung ương đi phát động cải cách và các đội cải cách ở địa phương, là thành phần chủ động của phiên toà ban ngày. Tất cả đông khoảng 50 người, ngồi quanh hai chiếc đèn dầu lớn, đủ sáng cho mọi người thấy mặt nhau. Mọi người đều có mặt đăm chiêu vì đã biết cuộc họp kiểm điểm nào cũng rất căng thẳng. Thảo hỏi một người đồng chí trong đoàn trung ương ngồi cạnh:
- Còn chờ ai vậy?
- Chờ hai đồng chí cố vấn!
- Phiên toà ban ngày cũng gay go sôi nổi đấy chứ !
- Gay go, sôi nổi cái gì! Chờ lát nữa, vểnh tai lên mà nghe phê bình.
- Làm dữ thế mà còn bị phê bình sao?
- Không phải chỉ bị phê bình đâu! Lát nữa thì biết.
Hình như ai cũng biết trước điều gì nên đều tỏ ra lo ngại, im lặng chờ đợi một cách nặng nề.
Bỗng có ánh đèn pin và tiếng nói ở bên ngoài, tất cả vội vàng đứng dậy: hai đồng chí cố vấn đi vào theo say là cán bộ thông ngôn. Tất cả vỗ tay chào, cán bộ cố vấn cũng vỗ tay theo miệng nói lớn vài câu bằng tiếng Hoa, cán bộ thông ngôn để dịch ra tiếng Việt:
- Chào tất cả các đồng chí! Cám ơn! Cám ơn! Thôi, chúng ta ngồi xuống, cùng làm việc với nhau cho đạt kết quả tốt.
Tất cả ngồi xuống và im lặng. Cán bộ chủ toạ phiên toà ngồi ngay cạnh một ngọn đèn, từ từ mở tếp da đeo sau lưng, lấy ra một xấp giấy, ghé vào ánh đèn để xem những gì đã ghi rồi ngẩng mặt lên nói mỗi lúc lớn hơn:
- Chúng ta họp ở đây để cùng nhau đánh giá phiên toà hồi trưa hôm nay. Chúng ta phải thành khẩn nhìn nhận rằng đó là một phiên toà xét xử đạt tiêu chuẩn về mọi mặt! (Giọng quát lớn): Có thể nói là chúng ta đã không thành công! Vì sao? Vì đã không quản lí được trật tự, đã để cho đồng bào nói chuyện, cười giỡn, rồi thì trẻ con la khóc, thật là vô tổ chức …
Cả gian đình im lặng tuyệt đối, nên tiếng nói của cán bộ chủ toạ vang ra tới xa ở bên ngoài. Đồng chí chủ toạ kiểm điểm từng chi tiết để nhấn mạnh tính vô tổ chức:
- Dự phiên toà mà sao lại bế con nhỏ theo? Về thái độ từng thành phần tham dự, chỉ có các nhân chứng là theo dõi phiên toà, còn quần chúng thì thờ ơ, ồn ào nói chuyện riêng, bàn tán riêng, mấy cháu nhi đồng thì cười vui như đi dự liên hoan … Khi giải tán ra về thì y như tan hội diễn văn nghệ, ai cũng vui vẻ cười nói ầm ĩ … Tại sao lại để xảy ra những điều thiếu sót sai trái ấy? Đó là lỗi của chính mỗi cán bộ chỉ đạo, của mỗi đội viên cải cách chúng ta!
Sau cả tiếng đồng hồ kiểm điểm, cán bộ chủ toạ hướng về chỗ đồng ý cố vấn:
- Bây giờ kính mời đồng chí cố vấn giúp ý xây dựng cho công tác của chúng tôi!
Một cán bộ cố vấn đứng dậy, nhìn quanh mọi người ngồi dưới ánh đèn, như thể nhận diện vị trí từng người, rồi nói lớn và cán bộ thông ngôn đứng sát sau lưng cũng dịch lại thật lớn tiếng.
- Rất tiếc là phiên toà đã không thành công! Đồng chí chủ toạ đã phân tích những điểm sai sót của mỗi người. Nhưng phải tìm hiểu tại sao tất cả đều có sai sót như vậy? Lời giải thích nghiêm chỉnh là tại cái đầu của mỗi người đến hiện trường không nghĩ đây là phiên họp của toà án. Không ai hiểu rõ được mục tiêu của phiên toà. Chính bây giờ tôi hỏi từng đồng chí có mặt ở đây thì chưa chắc đã có được một lời đáp nhất trí.
Mục đích của phiên toà cải cách ruộng đất có phải là để kết án tử hình mấy tên phản động, phản cách mạng ấy không? Không! Không phải thế đâu! Vì chúng ta có thể xử tử, xử bắn mấy tên ấy dễ dàng, bất cứ lúc nào, mà ta không cần triệu tập nhân dân đông đảo đến để chứng kiến như vậy! Chúng ta họp phiên toà này chính là vì quần chúng nhân dân! Ta huy động họ tới tham dự, là để giáo dục, để dứt khoát biến quần chúng ấy thành quần chúng cách mạng.
Vụ xử tử bà Nguyễn Thị Năm
Vì thế, chúng ta phải xử sao cho quyết liệt, sao cho gây chấn động trong từng cái đầu! Ta phải xử sao cho có khí thế, để phát huy uy quyền của bạo lực cách mạng trong đầu mọi người. Ta phải chứng tỏ bạo lực cách mạng là dứt khoát, là không gì lay chuyển nổi. Chính Hồ chủ tịch đã nêu gương sáng cho chúng ta về vấn đề ấy. Các đồng chí có biết không? Tôi hỏi thật các đồng chí có mặt ở đây, có đồng chí nào biết rõ Hồ chủ tịch đã nêu gương sáng như thế nào không? Ai biết xin giơ tay!
Trong đám cán bộ họp nhau ở đấy, không có một cán bộ nào giơ tay! Cán bộ cố vấn đứng dậy, rồi giơ tay thật cao và nói:
- Rõ ràng là chúng ta chưa xử đúng mức! Chỉ vì đa số các đồng chí chưa nắm vững bài học Hồ chủ tịch đã dạy chúng ta! Một bài học quan trọng mà các đồng chí chưa biết rõ. Đấy là bài học vô cùng quan trọng của Hồ chủ tịch.
Mọi người hồi hộp chờ cán bộ cố vấn kể tiếp.
- Hồ chủ tịch đã nêu gương quyết tâm thực thi nghiêm chỉnh chính sách cải cách ruộng đất bằng một thái độ, một hành động, một lập trường vô cùng sáng tỏ: đó là việc Hồ chủ tịch vừa mới đây, đã không can thiệp vào đợt xử đầu tiên trong chương trình cải cách ruộng đất, cũng tại ngay vùng Phú Thọ này, một tên địa chủ, một nhà giàu khét tiếng. Nhà giàu này là một đại địa chủ rất có thế lực. Y thị đã nêu ra bằng chứng là có quen biết rất thân với tất cả các lãnh đạo ta, kể cả với Hồ chủ tịch.
Chúng đã chạy chọt tới chính Hồ chủ tịch để xin can thiệp, và ai cũng nghĩ sẽ có sự can thiệp này. Chính Hồ chủ tịch nói là cũng rất muốn can thiệp, "nhưng vì uỷ ban cải cách đã quyết định thì chính cụ Hồ cũng không dám can thiệp." Và tên nhà giàu Nguyễn Thị Năm này đã bị mang ra xử bắn để làm gương. Dù y thị đã kể công lao là đã cất giấu lãnh đạo cách mạng, mà là đã quyên tặng cách mạng hàng trăm lạng vàng. Nhưng chính Hồ chủ tịch đã tuyệt đối tôn trọng toà cải cách. Đấy là một mệnh lệnh của Hồ chủ tịch! Với lập trường cương quyết như vậy thì chính sách cải cách ruộng đất sẽ thành công mĩ mãn. Hậu phương ta sẽ sạch bóng tàn dư phong kiến, thực dân, trước khi đất nước này được sạch bóng quân thù!
[Hết trích đoạn]




Một "phiên toà" cải cách ruộng đất
Sau khi về VN, GS Trần Đức Thảo có dịp chứng kiến cuộc Cải cách ruộng đất (CCRĐ) ở Vĩnh Phúc. Ông mô tả một cách sinh động "phiên toà" CCRĐ, với những dàn dựng của những kẻ đứng đằng sau mà sau này chúng ta biết là các viên "cố vấn" Tàu cộng. Tất cả những trò đấu tố, thành phần tham gia đấu tố, thậm chí câu chữ dùng đều được lên kế hoạch cẩn thận và không qua được con mắt của các viên cố vấn Tàu. Dĩ nhiên, tất cả chẳng có luật pháp gì cả, chỉ là trò đấu tố dưới danh nghĩa "đấu tranh giai cấp". Dưới đây là trích đoạn một phiên toà đấu tố trong CCRĐ. Đọc để biết một thời mông muội ra sao. Thật ra, cho đến ngày nay trò đấu tố này thỉnh thoảng vẫn còn xuất hiện đây đó.
=====

[...]
Sau một tuần lễ chuẩn bị, một phiên toà cải cách ruộng đất đã được tổ chức trước sân gạch lớn nhất của đình làng.
Dọc hai bên sân đình có treo la liệt biểu ngữ lên án bọn trí, phú địa hào là tàn dư của phong kiến, thực dân, là kẻ thù của giai cấp công nông, là kẻ phá hoại xã hội, là kẻ muốn nối giáo cho giặc …
Khoảng 2 giờ trưa hôm ấy, trời nắng chói chang. Từ cả tiếng đồng hồ trước, dân chúng đã được điều động tới ngồu xổm trên gạch trước sân đình, Ông già, bà già, người lớn, trẻ con, bồng bế nhau đi coi xử địa chủ! Đám đông nói cười ồn ào, trẻ con khóc inh ỏi.
Nhưng rồi từ ngoài, một cán bộ dẫn tới một toán "thanh niên và nhi đồng cải cách", sắp xếp cho toán ấy ngồi trước mặt quần chúng và bắt đầu công tác văn hoá tuyên truyền để tạo không khí cách mạng, gồm có hô khẩu hiệu và ca hát. Cứ hô vài khẩu hiệu đả đảo tàn dư phong kiến thực dân xong, lại vỗ tay làm nhịp hát một bài. Lối hát cũng đặc biệt, vì thực ra đây là một bài vè ngắn đã thuộc lòng, rồi đọc lên cho có vần, có điệu theo nhịp vỗ tay, cứ y như cùng nhau niệm kinh theo nhịp mõ trong chùa. Hỏi ra mới biết đây là kiểu hát dân dã của sắc tộc miền núi bên Trung Quốc, gọi là "sơn ca", nội dung bài hát cũng là theo phong cách "đấu tố ca" bên Trung Quốc, Thảo thấy hay nên cũng lắng tai nghe. Nghe mấy đợt rồi cũng thuộc lòng một bài, rồi cũng vỗ tay ba nhịp để hát từng câu.
Nước chảy dưới dòng sông
Ai múc lên thì uống
Cũng như là đất ruộng
Ai có công thì hưởng bốn mùa
Mấy câu ca trên đây
Của nông dân Trung Quốc
Anh em ơi! Hãy học lấy cho thuộc!
Để vung tay phát động đấu tranh!
Nhưng nay vì quốc gia, vì đảng
Vì bước trường kì cách mạng
Nên ta còn cho chúng hướng phần tô
Nếu chúng còn gian dối mưu mô
Thì quyết liệt. Anh em ơi! Đấu mãi!
Đám đông hát xong, một cán bộ tuyên truyền hô lớn:
- Đả đảo địa chủ, con đẻ phong kiến, thực dân!
Quần chúng cách mạng cũng hưởng ứng hô tiếp:
- Đả đảo! Đả đảo! Đả đảo!
Rồi lại hát. Rồi lại hô khẩu hiệu. Cứ như vậy khoảng hơn nửa giờ thì ngưng để bắt đầu "phiên toà án cải cách".
Bàn chủ toạ đặt phía trong đình cũng đã bắt đầu đông đủ. Trên bãi sân trước bàn ngăn cách xa với đám đông bên ngoài là một cột cờ cao 6 thước, rồi tới hàng cọc tre. Ai cũng biết mấy cọc đó dành cho những tên phản động sắp bị mang ra đấu tố. Nhưng chính mấy cọc tre đó đã làm cho đám đông hồi hộp muốn chờ xem những tội nhân bị mang ra đấu tố là ai, sẽ trừng trị như thế nào. Càng hiếu kì hơn là ngay cạnh bên trái đình, là một mô đất nâu sẫm vì mới được đắp, là một hàng cọc tre khác với một tấm bảng ghi rõ "trường bắn"!
Bổng trống cái trong đình nổi lên ba tiếng: Thùng! Thùng! Thùng!
Bên ngoài, có tiếng quát liên tiếp:
- Tránh ra! Tránh ra! Tránh ra!
Đám đông tụ tập ngồi trước đình bị sáu dân quân tự vệ cầm súng trường có gắn lưỡi lê dẹp qua hai bên để mở đường cho đoàn cán bộ, đội viên đội cải cách vào đình. Chỉ có năm đội viên cải cách được vào ngồi trước bản nhìn xuống hàng cọc tre ở bên trái, và xa hơn là dân chúng. Số cán bộ đi phát động thì được mời ngồi ở hàng ghế phía sau. Một trong những cán bộ ngồi đầu bàn bên trái, có vẻ là người nắm công việc tổ chức, lớn tiếng ra lệnh cho một dân quân:
- Nổi trống lên để làm lễ khai mạc!
Ba hồi trống rền vang dậy báo hiệu phiên toà cải cách ruộng đất sắp bắt đầu. […] Sáu dân quân cầm súng ban nãy giơ súng thẳng ra trước ngực để chào cờ. Ba dân quân khác tiến ra: một người hai tay trịnh trọng mang lá cờ còn gấp vuông vức bước tối cột cờ, theo sau là người kéo cờ và chót hết là người bắt nhịp hát:
- Đoàn quân Việt Nam đi, chung lòng cứu quốc …
Bài quốc ca được hát vang dội. Lá cờ được từ từ kéo lên tới đỉnh cột cờ lúc bài ca chấm dứt. Người dân quân lại hô:
- Tất cả! Nghỉ! Tất cả! Ngồi!
Đám đông lao xao ngồi trên guốc, dép, số còn lại thì ngồi xổm hoặc ngồi bệt xuống gạch. Cán bộ cải cách ngồi giữa trước bàn đứng dậy tuyên bố khai mạc phiên xử 6 tên ác ôn phản động gồm 5 tên đều là địa chủ, phú nông. Còn một tên là lí trưởng cũ.
Bỗng có tiếng khóc lóc. Rồi từ bên ngoài hai dân quân dẫn 6 người bị trói quật tay ra sau lưng. Cả sáu bị buộc thành một chuỗi bằng những khúc dây thừng to vòng quanh cổ, người nọ tiếp nối người kia, cách nhau khoảng 2 thước. Dân quân đi đầu đeo súng trên vai, tay cầm đoạn dây thừng kéo chuỗi 6 người bị mang ra đấu tố, dân quân thứ nhì cầm súng đi bên cạnh. Tội nhân mặc quần áo xốc xếch, có vết bùn và vết máu, có kẻ vừa đi vừa khóc lóc. Trong số đó, có một bà cụ ngoài 60 tuổi, khi đi ngang qua đám đông thì gào khóc thật to:
- Con ơi là con ơi! Con ở đâu thì về cứu mẹ với con ơi!
Dân quân đi cạnh bước tới dùng báng súng đánh ngang vào bụng bà già và quát:
- Con mụ già này có câm mồm đi không? Câm ngay đi!
Bà cụ bị báng súng phang mạnh vào bụng, ngã chúi xuống, kéo hai người đi trước và sau cùng ngã ra làm tất cả chuỗi người chùng lại suýt cùng ngã theo. Hai dân quân vội nắm cổ lôi họ đứng dậy một cách vất vả. Đám nhi đồng thấy vậy cười khúc khích. Cán bộ chủ toạ đứng dậy quát lớn:
- Các cháu nhi đồng khôbg được cười đùa!
Đám trẻ con sợ hãi, vội lấy tay bịt miệng lại cho tiếng cười khỏi bật ra. Khi chuỗi tội nhân tội nhân bị đưa tới gần hàng cột tre, hai dân quân lần lượt tháo từng khúc giây thừng ra và bắt mỗi người quì xuống, mặt hướng về bàn chủ toạ, tay bị trói chéo ra sau dính vào một cột. Bà cụ già vẫn khóc lóc, nhưng không dám khóc to tiếng, vẫn than van:
- Con ơi là con ơi! Con ở đâu thì về cứu mẹ với con ơi!
Cán bộ chủ toạ lại đứng dậy, nói thật to:
- Hôm nay toà án cải cách ruộng đất huyện ta về đây để mang ra xét xử 6 tên phản động ở các xã thôn ta, do đồng báo tố cáo. Chúng thuộc giai cấp thống trị đã nổi tiếng là những tên địa chủ, phú nông, cường hào chuyên đè đầu dân, bóc lột bần cố nông, đánh đập dân nghèo. Vậy tất cả đồng bào, ai đã bị chúng bóc lột, hành hạ thì nay đều có quyền đứng ra làm nhân chứng kể tội chúng, rồi sau đó toà sẽ xét xử theo những bằng chứng và những lời buộc tội của đồng bào. Đồng bào có nhất trí xét xử 6 tên phản động này không?
Bị hỏi bất ngờ, đám đông lao xao:
- Nhất trí!
Thấy đám đông có vẻ thụ động, cán bộ chủ toạ lại quát hỏi thật to tiếng hơn nữa:
- Đồng bào có nhất trí không?
Hiểu rõ câu hỏi là một mệnh lệnh, đám đông vung nắm tay phải lên đáp đồng thanh hơn:
- Nhất trí! Nhất trí! Nhất trí!
- Bây giờ toà bắt đầu xét xử tên phản động đầu tiên là Nguyễn Văn Minh, y đã làm lí trưởng từ 12 năm nay, tên cường hào này là đày tớ của phong kiến và thực dân, đã nhiều lần ép buộc dân làng đi phu khổ sai, để đắp đường, đào kinh, lên rừng chặt cây nộp để làm đường xe lửa, chính tên lí trưởng này đã đốc thúc nhân dân phải nộp đủ các thứ thuế, từ thuế thân, thuế gạo, thuế muối, v.v. cũng chính tên này đã đánh đập những người cùng khổ vì không đủ sức lao động khổ sai, nghèo túng không nộp thuế … Vậy nay ai đã từng bị tên lí trưởng Nguyễn Văn Minh này hành hạ, bóc lột thì cứ xung phong đứng ra làm chứng để hạch tội tên phản động này để toà căn cứ vào đó mà xét xử.
Từ nãy, đã có một toán thanh niên gồm 12 người, tuổi độ trong khoảng từ trên 20 đến 30, đứng ở hàng đầu của đám đông, bên trái, ngay cạnh đám nhi đồng, toán này luôn luôn hô hoán mạnh nhất. Khi được hỏi có ai muốn là nhân chứng hạch tội thì cả toán đồng thanh giơ tay đáp:
- Tôi!
- Tôi!
- Tôi!
Chủ toạ ra lệnh:
- Mời nhân chứng số một!
Một người trong toán ồn ào ấy bước tới trước bàn định nói, nhưng cán bộ chủ toạ đưa tay ra lệnh:
- Nhân chứng ra gần chỗ tên lí trưởng để hạch tội!
Khi đứng ngay trước người lí trưởng bị trói và quì ở cột đầu phía trái, nhân chứng vỗ vào ngực đề trần và nói lớn:
- Mày có biết tao là ai không? Tao là Nguyễn Văn Đê, 27 tuổi, chuyên làm mướn y như bố tao và ông nội tao. Vì vậy, tao là bần cố nông từ 3 đời nay. Thế nên tao biết rất rõ tung tích của mày, là tên lí trưởng Nguyễn Văn Minh. Vì bố mày trước cũng làm lí trưởng và cả ông nội mày cũng vậy. Cả bố mày, ông nội mày và mày đều đã được phong kiến ban thưởng hàm cửu phẩm, vì có công thay mặt thực dân, phong kiến để đốc thúc dân đi phu, đốc thúc dân đóng thuế, và chính mày mới đây thôi, đã dùng roi mày đáng đập tao đến chảy máu lưng, mang thương tích còn đến bây giờ vì tội không thu mua đủ số lượng cây gai để mày giao nộp cho quân Nhật!
Sau khi vạch lưng ra để lộ mấy đám sẹo mờ mờ, nhưng rõ ràng không phải là vết roi mây, Đê tiến tới vung tay đấm mạnh vào mồm lí trưởng, miệng nói:
- Mày đã đánh, đã chửi tao, đã hà hiếp bao nhiêu đồng bào khác, mày nhớ không?
Thấy nấm tay vung tới gần miệng, lí trưởng vội né đầu xuống tránh, nhưng nấm đấm đánh trúng vào phía mắt phải, làm bật máu chảy ròng ròng ướt cả một bên mặt.
[…]
Một người khác, cũng trong nhóm nhân chứng, bước tới lí trưởng, kể các tội thật mơ hồ và mông lung:
- … Mày có thói đánh người khi say rượu. Mày đã ép người ta phải bán mấy sào ruộng thuộc loại tốt cho mày, rồi ép phải bán cả trâu khoẻ nhất cho mày, rồi mày vu cáo người ta nấu rượu lậu, để mày tịch thu tài sản, khiến cho bao người sạt nghiệp vì mày, rồi phải đi làm thuê, mò cua, mót lúa mà nuôi gia đình … Tội của mày kể ra không thể hết! Mày có nhận tội không?
Bị cáo cuối đầu im lặng.
Kể xong tội, nhân chứng tiến tới tát vào má bên trái lí trưởng, và nói:
- Chính mày đã dùng thủ đoạn, mưu kế để cướp đoạt hết tài sản của bao gia đình, mày có nhận tội hay không? Mày còn …
Bị hạch tội vu vơ, người lí trưởng không câm nín giữ im lặng được nữa, hỏi lại:
- Người ta là ai? Bao gia đình là gia đình nào cơ?
Cán bộ chủ toạ thấy buộc tội mơ hồ quá, nên quyết định:
- Tội lỗi của tên cường hào lí trưởng này như vậy đã rõ rồi. Bây giờ xử lí tới tên địa chủ Hoàng Văn Quân. Nhân chứng đâu?
Một người gầy còm tiến tới trước tội nhan bị trói quì ở cột thứ nhì, nêu rõ tên mình rồi lớn tiếng bắt đầu kể tội:
- Mày có hơn hai mẫu ruộng, mà cả đời chân không lội bùn, tay không chạm tới hòn đất, toàn thuê mướn dân nghèo khổ phát canh cho mày thu tô. Làm xong việc thì mày chê bai để bớt tiền này công nọ. Trong nhà thì vợ mày đẻ con, mà không nuôi, toàn nuôi vú sữa, mày bắt người vú phải gửi con về nhà ông bà để nuôi nó bằng cháo trắng …
Cứ mỗi lần kể xong một tội, nhân chứng lại tát vào mặt tội nhân và hỏi:
- Có phải mày đã làm như vậy hay tao nói sai?
Lần lượt các nhân chứng tới cạnh các tội nhân để hạch tội một cách mơ hồ, toàn là những lời đồn đại. Thỉnh thoảng còn tát vào mặt các tội nhân theo cùng một cách, vì đã được huấn luyện như thế. Cả năm tội nhân đều bị đánh, và phải cúi đầu im lặng. Chỉ có tội nhân nữ là bà cụ Vũ Thị Thanh là dám cãi lại.
Hai nhân chứng chót là phụ nữ, nói xoe xoé kể tội:
- Mày có nhà gạch lớn như dinh thự nhà quan với vườn rộng mênh mông, nuôi tới 3 con chó Tây để trong nhà, có đời sống xa hoa sang trọng mà không nghĩ tới bao gia đình cùng khổ sống ở chung quanh! Mày nuôi hai đày tớ với lương rẻ mạt … Người nghèo đói đến xin ăn thì mày xua chó đuổi đi, có khi chó xông ra cắn người qua đường đến bị thương nặng, mày có nhận tội không?
Trái với 5 tội nhân đàn ông, bà già này cãi lại chứ không nhận tội:
- Nhà tôi rộng vì con tôi ở Hà Nội gửi tiền về xây cho chứ tôi không bóc lột ai! Tôi sống ăn chay, tụng kinh Phật chứ không sống xa hoa! Tôi nuôi chó giữ nhà vì đã bị kẻ trộm vào nhà nhiều lần. Ngày rằm, mồng một, tôi đi chùa vẫn bố thí cho người nghèo. Năm đói Ất Dậu, chính tôi lo nấu cháo cứu người trong làng. Mỗi khi làng có việc, tới quyên góp, tôi là người xung phong ủng hộ nhiều nhất. Khi cách mạng về, tôi đã ủng hộ tiền mua súng cho đội dân quân của làng! Cả đời tôi không bóc lột ai, con tôi hiện đang đi bộ đội đang đánh pháp ngoài chiến trường …
- Mày nói láo! Mày không bóc lột ai, nhưng con mày ở Hà Nội có cày sâu cuốc bẫm đâu mà có của cải nhiều thế? Của cải ấy, không do bóc lột thì nó trên trời rơi xuống à. Câm mồm con đĩ già ngoan cố!
Nhân chứng vừa chửi vừa tiến lại tát mạnh vào mặt bà già! Bà cụ đau quá, càng gào khóc, gọi con cầu cứu:
- Con ơi là con ơi! Nó đánh mẹ, con ơi! Con về cứu mẹ với con ơi!
Người dân quân đừng đằng sau tiến tới lấy báng súng bổ vào lưng bà già quát:
- Câm mồm ngay! Còn khóc lóc nữa là tao nhét giẻ vào mồm đấy!
Bà già sợ hãi, khóc nhỏ hẳn đi nhưng miệng vẫn rên rỉ:
- Con ơi là con ơi!
Lần đầu tiên trong đời, Thảo được chứng kiến một "phiên toà" đánh đập thô bạo đến mức khủng khiếp như vậy. Đây là một trò hề công lí, chứ có luật lệ gì đâu! Bằng chứng tội lỗi toàn là do bần cố nông kể miệng như vu oan, chứ không do một văn bản điều tra nào. Không điều luật nào được nêu ra làm căn bản buộc tội. Bởi có ai biết gì, hiểu gì về công việc xét xử của một toà án bao giờ đâu. Thế nên đầu óc Thảo bị căng thẳng, tim đập mạnh, thân thể run lên vì xúc động ...
[…]
- Bắn bỏ mẹ chúng nó đi! Bọn phản động!
- Phải diệt hết lũ Việt gian phản động này!
- Con mụ đĩ già ngoan cố! Phải tịch thu nhà cửa của nó!
Toán nhi đồng coi cảnh hạch tội như thế cũng thấy vui nên cười nói vỗ tay theo. Cán bộ chủ toạ đứng lên tuyên bố:
- Bây giờ đồng bào có quyền góp ý quyết định án phạt trừng trị tội phạm.
Đám nhân chứng bên dưới đồng thanh hô to:
- Xử tử! Xử tử! Xử tử!
- Thế còn tài sản của chúng nó?
- Tịch thu! Tịch thu! Tịch thu!
Bỗng từ ngoài, một cán bộ đứng tuổi có vẻ quan trọng, hông đeo sắc cốt và súng lục chạy vào sát cán bộ chủ toạ, ghé tai nói điều gì. Rồi hai người thì thầm bàn luận với nhau có vẻ sôi nổi khá lâu. Cuối cùng cán bộ chủ toạ đứng dậy lớn tiếng nói:
- Nay toà long trọng tuyên án: tử hình đối với các tội nhân Nguyễn Văn Minh, Trần Văn Lễ, Nguyễn Sắc, Trần Văn Bắc, Đỗ Đình Lang và Vũ Thị Thanh! Tịch thu tài sản của chúng để chia lại cho nhân dân trong xã.
Đám nhân chứng và nhi đồng vui mừng vỗ tay và hét to:
- Hoan hô! Hoan hô! Hoan hô!
Có lẽ hai tiếng "tử hình" đã làm cho phần lớn đám đông sợ hải nên họ im lặng, Rồi cán bộ chủ toạ tuyên bố tiếp:
- Tiếp theo lời buộc tội và đề nghị án trừng trị của nhân dân, và toà tuyên án. Nay vì vừa có lệnh mới nên toà tuyên bố tạm hoãn thi hành án tử hình ngay tại chỗ! Vậy xin đồng bào tự động giải tán.

---


GS Trần Đức Thảo và những ngày tháng ở Sài Gòn
Nhắc lại câu chuyện: GS Trần Văn Giàu và ông Trần Bạch Đằng trong Nam thuyết phục GS Trần Đức Thảo nên vào Sài Gòn sinh sống vì không khí ngoài Hà Nội ngột ngạt quá. Sau vài tháng can thiệp, ông được phép vào Sài Gòn, dưới sự "quản lí" của thành uỷ. Trong thời gian ở đây, nhiều trí thức tới lui hàn huyên, và ông xuất bản được một quyển sách nhỏ. Mới phát hành sách một đợt thì có lệnh thu hồi. Đến khi "trung ương" mất kiên nhẫn với ông, vì thấy giới trí thức Nam Bộ và những người kháng chiến cũ lui tới thường xuyên, mà họ nghi là có "âm mưu" đen tối. Thế là đảng quyết định trục xuất ông khỏi Việt Nam. Như vậy ông đi từ Paris về Hà Nội, từ Hà Nội vào Sài Gòn, và từ Sài Gòn quay về Paris và chết ở Paris. Một cõi đi về.

=====
[Trích]
Tháng 3/1987, Thảo được phép vào thăm Sài Gòn và được thành uỷ cho trú ngụ tại khách sạn Bến Nghé, là một khách sạn loại bình dân dành cho cán bộ cấp thấp. Tuy vậy, giới trí thức cũng như thành uỷ Sài Gòn đã dành cho Thảo một sự tiếp đón thân tình.
- Đồng chí cứ sinh hoạt thoải mái, ở đây không có sự kiểm soát gắt gao như ở Hà Nội đâu. Còn về mặt vật chất thì thành uỷ sẽ cấp dưỡng chu đáo! Mong rằng từ đây đồng chí sẽ có cống hiến đóng góp vào sinh hoạt tư tưởng với anh em trí thức trong này.
Sự khuyến khích và giúp đỡ ấy là một thúc bách đối với Thảo: phải làm một cái gì đó để đáp lại tấm lòng tốt của anh em miền Nam, phải đáp ứng khát vọng của trí thức Sài Gòn, phải đề ra một phương hướng lí luận mới, không giáo điều, không nguỵ biện.
Được gợi hứng bởi môi trường phóng khoáng của miền Nam, Thảo viết một hơi, chỉ trong vòng 10 ngày một tập sách nhỏ ra đời. Đây là một thứ trích đoạn từ những phác thảo của cuốn sách lớn đã có sẵn trong đầu. Đoạn này phù hợp với nhu cầu của tình hình. Vì nó nêu ra sai lầm cơ bản của cách mạng là lối sùng bái lãnh tụ và lối lí luận nguỵ biện sơ cứng, không chịu nhìn nhận những giá trị sẵn có trong bản sắc, bản năng con người nói chung, không chịu coi con người là trọng tâm, là cứu cánh của mọi lí luận, mọi chính sách. Chính lối lí luận sơ cứng giáo điều, coi con người chỉ là dụng cụ này đã đưa đến bế tắc tư tưởng. Vì đã bỏ quên con người là cứu cánh. Đấy là nguyên nhân sâu xa khiến khối Liên Xô cho tới chế độ Khmer Đỏ đã bị phê phán nặng nề, đến phải lung lay, và đã sụp đỗ …
Kết quả của sự ra mắt tập sách nhỏ với nhan đề "Con người và chủ nghĩa lí luận không có con người" thật là một bất ngờ. Đây là một mốc sinh hoạt tư tưởng có ý nghĩa quan trọng trong cuộc đời nghiên cứu triết học của Thảo từ khi về nước. Đây là lần đầu tiên một tập sách mang tính lí luận triết học không chịu sự chi phối của đảng đã được công khai bán tại VN. Mà, tác giả của nó lại là Trần Đức Thảo, một nạn nhân, một tội đồ trong vụ "Nhân văn Giai phẩm"! Tập sách nhỏ này ra đời đúng vào lúc mọi người đang náo nức bàn luận về một xu hướng đòi hỏi phải thay đổi cả về tư duy lẫn đường lối chính sách. Cuốn sách được trí thức miền Nam đánh giá là một văn bản bác giáo điều, chống tệ nạn sùng bái cá nhân của thời đảng bao cấp, đảng thống trị.
[…]
Cuốn sách được xuất bản dễ dàng và đạt kết quả tốt. Chỉ trong 3 tháng, người ta đã phải cho tái bản vì độc giả tìm mua quá đông, mà sách không còn để bán.
Vì có những lời bình bàn vui mừng quá trớn, coi tập sách này như là một bùng phát của một tâm thức bị dồn nén đang muốn vùng dậy. Dư luận coi đó là lời tố cáo, gần như công khai, nguồn gốc của một chế độ đã có quá nhiều thủ đoạn kìm kẹp, bắt ép con người phải sùng bái một lí thuyết, sùng bái lãnh đạo … và cứ phải bưng bít sự thật, phải dối trá nguỵ biện trong lí luận để củng cố địa vị và để chạy tội.
Trước những lời bình bốc đồng như thế, Thảo lo ngại vì thấy có thể gặp phản ứng nguy hiểm, nên đã cố ý sửa lại cuốn sách trước khi cho tái bản, bằng cách đưa chương mở đầu nói về tệ nạn qui oan, tệ nạn sùng bái, vào bên trong, thành chương 8 ở cuối sách, cho nó bớt va chạm vào sự kiêu căng, tự ái của mấy ông "bảo hoàng hơn vua", của mấy ông "quan cách mạng" trong ban cục "tuyên giáo", "bảo vệ", và "tuyên huấn", "tư tưởng trung ương"... Rồi ở phần cuối thì tăng thêm vài trang nói về hiện tượng giáo điều cực đoan của chế độ … Pol Pot.
Nhưng kẹt cho thành uỷ Sài Gòn là có lệnh từ Hà Nội yêu cầu thu hồi cuốn sách và từ nay cấm phổ biến nó! Chờ cho vài tuần đi qua, thành uỷ báo cáo ra Hà Nội rằng "Rất tiếc, không thi hành lệnh thu hồi được, vì cuốn sách, cả ở lần tái bản, nay đã bán hết ra ngoài"!
Nhờ lần tái bản này với số lượng in ra nhiều hơn nên dễ mua hơn. Hậu quả là số trí thức lui tới khách sạn Bến Nghé tiếp xúc với Thảo tấp nập. Công an khu vực khách sạn được lệnh vào cuộc bằng cách lập danh sách những ai hay tới ghé thăm Thảo. Nhưng số người ghé thăm cứ tăng vọt lên khi có tin cuốn sách đã bị cấm bán. Để chấm dứt sự chiếu cố quá lộ liễu của giới trí thức và giới cựu kháng chiến của miền Nam, thành uỷ ra lệnh thay đổi chỗ ở của Thảo.
Những người bạn mới của Thảo thường ưa tới bàn chuyện chính trị đã bị cụt hứng khi tới khách sạn Bến Nghé và được nhân viên khách sạn trả lời:
- Đồng chí ấy đã trở về Hà Nội rồi!
Sự thật là Thảo đã được cấp cho một căn nhà nhỏ ở đường Đề Thám chứ không phải là đã bị đưa về Hà Nội. Nhưng người ta cũng khám phá ra địa chỉ mới của Thảo. Lần này thì có nhiều trí thức của chế độ cũ tới làm quen với Thảo.
[…]
Tới với Thảo giờ đây là cánh kháng chiến cũ của miền Nam, từng bị gạt ra bên lề chính trường ngay sau ngày chiến thắng. Giới này bao gồm hai thành phần: thành phần có uy thế văn hoá, văn chương, có bằng cấp, đã được dùng như đồ trang trí trong Phong trào hoà bình, hoà giải dân tộc trong Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam. Nay thì họ phê bình đảng một cách cay đắng vì bị lâm vào cảnh "vắt chanh bỏ vỏ". Còn thành phần đảng viên gốc miền Nam chính cống, thuộc lực lượng vũ trang, từng trực tiếp đóng góp xương máu cho sự nghiệp thống nhất, thì nay phẫn nộ ra mặt, để phản kháng chính sách phản bội anh em, đồng chí miền Nam của đảng.
[…]
Công an phường Cô Bắc đã được lệnh phải theo dõi chặt chẽ hơn, phải lập hồ sơ lí lịch những ai lui tới với Thảo. Cuối cùng thành uỷ Sài Gòn đành phải báo cáo lên trung ương về một "nguy cơ chính trị đang hình thành" do số người phức tạp đến gặp Thảo ngày càng đông. Có lúc họ ngủ lại trong nhà Thảo. Bản báo cáo này đi vòng vo rồi cũng tới tay … Sông Trường, với lời báo động của Ban tư tưởng văn hoá.
Rồi một hôm, trời tuy nắng nhưng do cuối năm nên không nóng mấy, Sông Trường tới thăm. Thảo ngạc nhiên!
- Đã lâu quá không gặp anh, nên hôm nay rảnh rỗi, tới thăm anh. Sức khoẻ anh độ này thế nào? Sao trông anh có vẻ hơi vàng vọt, bệnh gan của anh sao rồi, có thuốc men đầy đủ không? Anh có cần gì không?
- Cám ơn anh đã có lòng tới thăm tôi. Mà sao hôm nay anh lại chú ý đến sức khoẻ của tôi vậy? Sự thật là tôi chưa bao giờ cảm thấy khoẻ như lúc này. Nhưng anh tới là chuyện gì vậy anh? Giữa anh và tôi ta nên cứ thẳng thắn với nhau đi. Có phải là tại vì có nhiều người lạ đến thăm tôi? Tôi cũng thấy bị mất thời giờ với họ. Nhưng họ là những người tâm huyết của miền Nam, thấy họ tỏ ra rất trăn trở về tình hình đất nước như tôi, nên tôi không thể xua đuổi họ.
- Họ trăn trở về điều gì? Có phải họ than thở với anh về tình trạng các cán bộ miền Bắc vào đây quá đông nên đã chiếm chỗ làm của họ?
- Không phải vậy. Đấy là điều lần đầu tiên tôi được anh cho biết có tình trạng đó. Họ tới với tôi là để bàn về hiện tượng hủ hoá tràn lan của các cấp cán bộ cách mạng của ta ở trong này. Đại khái họ nêu ra những cách thức làm giàu, vơ vét của cải quá lộ liễu của các cán bộ cấp cao cũng như cấp thấp ở mọi nơi … Họ dùng quyền lực xin nhà, cấp nhà đất cho họ hàng, gia đình, thậm chí cho cả bạn bè hay người bên ngoài đảng nữa, để cấu kết với nhau kinh doanh bất hợp pháp đất đai rất trắng trợn. Xin nhà rồi thì đòi hợp thức hoá. Hợp thức hoá xong là bán cho tư nhân, rồi xin đổi đi tỉnh khác, lại xin trợ cấp vì lí do chưa có. Cứ như vậy, con cháu họ bị thuyên chuyển đi nhiều tỉnh làm việc là cuối cùng họ giàu lên quá nhanh.
Còn xin đất để phát triển công nghiệp, nhưng vừa được cấp xong là bị xẻ nhỏ ra để nhượng lại cho dân xây nhà ở. Có nơi vùng ven biển thì nhắm mắt cho phép kẻ gian lập bãi đáp cho dân đi chui di tản ra nước ngoài, chúng thu mỗi đầu người ra đi như vậy từ năm đến mười mấy "cây" vàng! Anh thử tính coi, từ bao nhiêu năm nay, có cả mấy trăm ngàn người đã bằng lòng mua bãi để được đi chui an toàn, và chúng đã thu được hằng mấy tỉ đô la Mĩ. Tôi nghe họ tính toán kinh hãi quá.
Hôm nọ, hai anh Trần Bạch Đằng và Trần Văn Giàu tới thăm tôi, hai anh ấy than là đảng và chế độ ta bị tai tiếng nhiều là do cánh tư tưởng văn hoá và cánh công an: cả hai cánh ấy đều quen thói vu khống, chụp mũ, chế tạo bằng chứng giả, sử dụng côn đồ, rồi toa rập với toà án tạo ra những án oan để đánh trí thức và làm tiền cho bọn nhà giàu, bịt miệng giới tranh đấu đòi các quyền dân chủ … Nhà nước mà tham lam, đầy thủ đoạn lộ liễu như thế thì còn gì là chính nghĩa, là công lí nữa?! Dân làm sao kính trọng một đảng, một nhà nước đầy thủ đoạn và thối nát như thế. Hai anh ấy hỏi tôi làm sao chấm dứt tình trạng này. Anh có biết gì về những tệ nạn ấy không?
- Tôi biết chứ! Đui mù cũng phải thấy chứ! Nhưng nay tệ nạn cán bộ "biến chất" tràn lan ra đều khắp, dẹp hết không nổi, mà dẹp hết thì sẽ không còn cán bộ mà sai khiến. Khó khăn, nan giải lắm, chứ không dễ thanh toán đâu.
- Thế anh có biết tại sao hiện nay cánh văn hoá tư tưởng, cánh công an cứ tự do thao túng và tệ nạn làm giàu bất hợp pháp lại trắng trợn và tràn lan như vậy không? Theo tôi là do chính quyền cứ bưng bít, không dám công khai hoá những vụ việc bất lương ấy ra trước ánh sáng dư luận. Nên bọn chúng cứ hoành hành như là vẫn được bóng tối che dấu, ít ai biết đến tội lỗi của chúng. Nhưng nhân dân đã thấy hết. Nếu cho báo chí của ta tự do khui các vụ ấy ra, thì tham nhũng sẽ phải chùn tay. Trước sau gì, muốn thắng tụi nó là phải có tự do báo chí! Tự do báo chí là để ánh sáng soi rọi vào những nơi có sai trái, tội lỗi!
- Không được! Không được đâu! Vì tự do báo chí là sẽ loạn ngay. Tụi thù địch sẽ nhảy vào lợi dụng. Chúng sẽ quậy nát chế độ ta. Vì chỗ nào mà chẳng có tham nhũng. Chúng nó sẽ dùng tự do báo chí để đẩy mạnh diễn biến hoà bình là ta sẽ sụp đổ y như Liên Xô trước đây thôi. Cái gì chứ tự do báo chí là tuyệt đối không được đâu.
- Tôi thấy sự sụp đổ ở Liên Xô là không phải do có tự do báo chí. Vì lúc đó phần lớn báo chí ở khắp nơi vẫn ở trong tay đảng kia mà! Sự sụp đổ ấy có nguyên nhân nội tại, nó đã tới từ nội bộ hoang mang, rối loạn trong đảng. Từ những sai lầm đã tích luỹ từ lâu …
- Thôi, anh đừng bận tâm về những chuyện chính trị phức tạp ấy. Nó khó giải thích lắm! Và, có lẽ là không thể giải thích được, ta nên tạm gạt nó qua một bên.
- Vậy thực sự là anh tới thăm tôi hôm nay có mục đích gì?
- Đúng như anh dự đoán, tôi tới anh với một mục đích rõ rệt đã được suy nghĩ rất kĩ. Tôi tới là để đề nghị với anh một giải pháp có lợi cho anh về mọi mặt. Tôi yêu cầu anh không trả lời ngay, mà cứ để suy nghĩ cho thật kĩ rồi hãy trả lời.
- Đề nghị gì mà ghê gớm thế?
- Tôi đề nghị anh nên trở qua Pháp nghỉ ngơi, tìm thuốc men chữa bệnh cho thật khoẻ rồi sau lại về đây. Lúc đó chúng ta sẽ tính với nhau một công tác triệt để và lâu dài. Vì tới đây, đất nước ta sẽ lột xác thành một con rồng Á châu, ít ra cũng có thể sánh với Đài Loan và Hàn Quốc. Anh cứ suy nghĩ cho thật kĩ đi, tôi biết rồi thế nào anh cũng hiểu ý tôi, để chấp thuận đề nghị này. Bởi vì nếu anh ở lại Sài Gòn hay trở lại Hà Nội, thì rồi cũng chỉ phí phạm thời gian của anh thôi. Nếu anh ra đi sẽ như đại bàng bay trở lại vùng trời cao, nó sẽ có thể thấy và làm được nhiều chuyện phi thường, khác với lúc nó bị nhốt trong chuồng, cho dù cái chuồng ấy tốt đẹp đến đâu, nhưng vẫn phải sống chung với đàn gà.
- Thật là một đề nghị quá bất ngờ đối với tôi. Như anh đã biết, trong thời gian kể từ khi về nước đến nay, đã có vài lần tôi được mời cùng phái đoàn của ta đi tham quan nước ngoài, và đã có lần chính người trong đoàn đề nghị để tôi cứ âm thầm ở lại nước ngoài để mà tiếp tục nghiên cứu y như hồi còn sinh hoạt ở Paris, nhưng tôi đã dứt khoát từ chối. Vì tôi nghĩ Thảo ngày nay y như một cây tùng đất Việt, nó chỉ có thể mọc và phát triển cho đúng là cây tùng khi nó được trồng ở đất Việt mà thôi. Ở nơi khác, nó sẽ không còn được vóc dáng của một cây tùng nước Việt! Bây giờ anh tính bứng nó đi để trồng ở một nơi khác.
- Không, tôi nghĩ bây giờ cây tùng ấy đã tăng trưởng đủ để, dù trồng ở đâu, vẫn có bản chất, vóc dáng, bóng mát của cây tùng. Anh cứ nghĩ cho thật kĩ đi rồi hay trả lời tôi. Anh chưa chán cảnh phượng hoàng phải sống chung với đàn gà à? Thôi, tôi về và chờ câu trả lời có suy nghĩ của anh.
- Anh không cần phải chờ! Tôi trả lời thẳng với anh rằng tôi không cần đi đâu cả. Anh phải biết rằng khi trở về đất nước này là tôi đã bồng bột mang theo một giấc mơ huy hoàng, một kì vọng vĩ đại là để mang con tim khối óc ra xây dựng một mô hình cách mạng mà loài người mong đợi! Nhưng khi trở về quê hương rồi, thì giấc mơ ấy, kì vọng ấy đã bị thực tại chỗ đạp cho tan tành. Rồi mãi sau, qua những trải nghiệm vất vả, tôi mới đứng dậy được, nhờ đã định ra cho mình một nghĩa vụ thiết thực hơn, nhờ đã tìm ra một kì vọng chắc chắn sẽ thành tựu, là sẽ góp ý làm cho cuộc cách mạng này có tính nhân bản, nhân đạo hơn, cho bớt tính chuyên chính độc đoán, tính hiếu chiến gây tai hoạ, để trở thành một nhà nước hoà bình, dân chủ hợp lòng dân, thực sự do dân và vì dân để mà sống còn với thời đại và thời gian. Anh không thấy, không hiểu thành tâm thiện chí và quyết tâm của tôi sao?
- Tôi rất hiểu lòng nhiệt thành của anh. Chính vì thể mà tôi muốn anh ra đi. Chúng tôi đã bố trí, đã chuẩn bị cho anh một lối thoát vừa danh dự, vừa lí tưởng, Vì anh chưa suy nghĩ thấu đáo đó thôi. Mai tôi sẽ trở lại, xin anh đừng thoái thác vội vã. Anh cứ suy nghĩ và suy nghĩ thêm đi, mai sẽ trả lời tôi. Vì tất cả đã sẵn sàng rồi, nhất định anh không thể lưu lại cái đất Sài Gòn này như vậy nữa đâu. Đảng đã quyết định, nhất định là anh phải ra đi thôi, không cưỡng lại được đâu, mà sự thật là không nên cưỡng lại, vì ra đi sẽ có lợi cho anh … Anh cứ suy nghĩ thấu đáo để thấy rõ đề nghị thực tiễn của tôi.
Sau khi Sông Trường ra về, Thảo suy nghĩ đến đau đầu. Tại sao lại có đề nghị này? Đây lại thêm một thủ đoạn để cô lập ta với những trí thức và cánh kháng chiến miền Nam. Lỗi ở ta đã không cảnh giác, cứ tưởng vào Nam là thoát cảnh bị kìm kẹp. Bây giờ họ muốn đẩy ta đi, mà ta từ chối thì chuyện gì sẽ xảy ra. Họ thì thiếu gì thủ đoạn. Chính Sông Trường đã nói thẳng ra mọi sự đã được bố trí sẵn sàng rồi là gì! Ta làm sao cưỡng lại được. Mà ra đi hay ở lại, lợi cho ai, hại cho ai? Tuổi ta đã gần đất xa trời, còn chống trả với quyền lực và thời gian được bao lâu nữa? Mà chống trả làm gì khi ta vẫn còn bị kìm kẹp và phong toả? Ta đi sẽ tới chân trời rộng mở. Ở lại là vẫn bị bao vây bởi bức tường cảnh giác và nghi kị. Vài năm nữa ta chết đi, mang vào cõi im lặng cả một khối lượng tư duy và bao công trình trải nghiệm … thế là rảnh nợ cho họ. Thôi cũng đành mang thân xác này ra gửi xứ người. Biết đâu ở bên ngoài ta lại có đủ thời gian và cơ hội để dàn trải trí óc ta lên trang giấy, trong một cuốn sách hầu lưu lại một cái gì cho hậu thế. Thôi thì nay chỉ còn một giấc mộng nhỏ, một kì vọng thật mong manh trong một cuốn sách, trước khi ta trở về với cát bụi.
[Hết trích]


GS Trần Đức Thảo và chuyến đi đổi đời
Lời dẫn: Sau vụ Nhân văn Giai Phẩm, GS Trần Đức Thảo bị quản chế tại gia ở Hà Nội. Ông không được dạy học, không được phép nghiên cứu gì cả. Ông li dị vợ (hay vợ li dị ông?), cuộc sống rất khó khăn, suốt ngày lẩm bẩm chuyện đâu đâu. Người ngoài nhìn vào tưởng ông điên, nhưng sau này ông nói ông chỉ đóng kịch thôi! Một hôm GS Trần Văn Giàu và ông Trần Bạch Đằng từ Nam ra thăm ông, thấy hoàn cảnh bi đát như thế nên đề nghị ông chuyển vào Sài Gòn sống. Họ nói dù sao thì Sài Gòn với cá tính Nam Bộ ông sẽ dễ thở hơn. Phải qua can thiệp vài nơi ông mới được phép chuyển vào Sài Gòn. Bài dưới đây là một trích dẫn từ cuốn "Những lời trăn trối" về cảm nhận của ông khi mới đặt chân đến Sài Gòn, một chuyến đi ông xem là đã đổi đời ông sau này.
====

Đang trong tình trạng mắc kẹt trong vòng cương toả của các cục "bảo vệ", "tuyên huấn", các ban "văn hoá, tư tưởng, khoa giáo trung ương" như vậy, thì Trần Văn Giàu, rồi Trần Bạch Đằng từ trong Nam ra thăm Hà Nội. Cả hai người miền Nam này đã kinh ngạc khi khám phá ra những ý tưởng mới mẻ của Tảo. Và nhất là họ thấy những điều kiện sống và làm việc quá tồi tệ như thế. Họ tính đề cập với các cấp lãnh đạo về vấn đề nên đối xử nhân đạo với Thảo. Nhưng sau khi giải phóng miền Nam, nay hầu hết các giới chức cách mạng cấp cao ở Hà Nội đều đổ vào Nam, nói là đi "công tác", nhưng thực ra là vào sống ở đó, để hưởng chiến lợi phẩm của chiến thắng. Hà Nội lúc đó chỉ là những trụ sở và chức vụ tượng trưng không có thực quyền hành động.
- Anh nên vào Nam mà sống, trong ấy không khí ấm áp dễ thở hơn và có sẵn mọi thứ có lợi cho sức khoẻ và công việc nghiên cứu cũng dễ hơn. Chứ ở ngoài Bắc này, không khí canh chừng ngột ngạt khó thở quá. Làm nghiên cứu chính trị và triết học sao được!
Cánh trí thức Nam bộ này khuyên Thảo nên tìm cách vào Sài Gòn sinh sống, vì trong đó khí hậu ấm áp hơn, đời sống cũng sung túc hơn, nên dễ có điều kiện cho phép làm việc thoải mái, cởi mở hơn. Nhưng Thảo hỏi lại:
- Các đồng chí tưởng là tôi là kẻ được tự do chọn lựa, muốn đi đâu thì đi, muốn sống ở đâu cũng được sao? Tôi đã nhiều lần xin đi dạy học trở lại, họ không cho, viện dẫn lí do là đã có lệnh cấm tôi dạy học từ thời "bác" Hồ còn sống, từ đó đến nay, tôi sống như người bị giam lỏng ở Hà Nội này. Thỉnh thoảng họ chỉ bố trí tôi được tham dự những sinh hoạt có tính tuyên truyền, cũng có lần tham gia phái đoàn đi tham quan nước ngoài. Sự có mặt của tôi trong các sinh hoạt ấy đều bị kiểm soát chặt chẽ và chỉ để đánh bóng chế độ!
- Tôi sẽ vận động để mời anh vào tham quan, và ở chơi với chúng tôi một vài tháng. Một khi vào rồi thì muốn ở lại cũng dễ thôi. Trong Nam anh có quen ai không?
- Có lẽ tôi chỉ quen biết có một người là Sông Trường, hình như đang làm việc gì đó ở Sài Gòn. Đồng chí ấy trước đây là người được trung ương trao nhiệm vụ trực tiếp cai quản tôi.
- Thế thì tốt quá. Tay ấy đang ở Sài Gòn, vừa trông coi Tạp chí Cộng sản, vừa chỉ đạo toàn bộ công tác tư tưởng ở trong Nam … Đồng chí ấy có thể viết thư mời anh vào trong ấy tham quan. Nếu không thì tụi tôi sẽ gửi thư mời anh để anh xin giấy di chuyển. Nhất là lúc này, đang có những sức ép của các gia đình cán bộ, đòi phải nới rộng việc đi lại giữa hai miền Nam Bắc cho dễ dàng hơn.
[…]
Mới đặt chấn xuống cái thủ đô của miền Nam này, mọi sự đã làm tôi kinh ngạc. Qua bao nhiêu năm chiến tranh gian khổ mà sao Sài Gòn nó lại khang trang hiện đại như vậy? Tôi cứ ngỡ cả miền Nam bị đói khổ vì bị Mĩ ngụy bóc lột đến nỗi miền Bắc đã phải "cắn hạt gạo làm tư" để cứu giúp miền Nam cơ mà. Vả lại, mọi người ở đây sao mà nói năng cởi mở thoải mái quá vậy? Ngay cả những cán bộ của đảng ở đây cũng có thái độ tự do quá. Họ đãi đằng tôi, họ giễu cợt tôi, coi tôi như anh mán, anh mường ở rừng mới được về thành phố.
Trịnh Công Sơn
Phải nói thẳng ra là có một điều của Sài Gòn đã làm tôi bàng hoàng đến cùng cực. Đó là những bài hát của một anh chàng nhạc sĩ trẻ của miền Nam, nói đúng hơn là của "Mĩ Nguỵ" chứ không phải của đảng. Tên anh ta là Trịnh Công Sơn. Các bài hát của anh ta mang nỗi niềm day dứt, oán trách chiến tranh. Cứ như anh ta khóc than thay cho cả chế độ ở cả hai miền Nam Bắc. Giữa những năm tháng chiến tranh một mất một còn ác liệt như thế mà sao anh ta dám cất lên tiếng kêu than như vậy. Những lời ca của những bài hát ấy đã lay động tâm hồn tôi.
Phải công nhận là trong đời tôi có hai lần bị thúc đẩy và thoát ra khỏi thái độ sợ hãi đến hèn nhát đã ngự trị trong đầu óc của bao trí thức, văn nghệ sĩ của Hà Nội. Lần thứ nhất là do nhà thơ trẻ Trần Dần, khi anh ta tới mời tôi tham gia nhóm Nhân văn Giai phẩm. Lần thứ nhì là khi tôi nghe mấy bài hát thấm thía của Trịnh Công Sơn! Đấy là thứ âm nhạc phát ra từ trái tim dân tộc.
[…]
Chế độ không tồi
Không hiểu sao chính quyền miền Nam lại để cho anh ta tự do sáng tác những bài ca làm mất tinh thần chiến đấu như thế? Điều này khiến tôi phải suy nghĩ trình độ dân chủ rất khác nhau giữa hai miền Nam, Bắc. Một chế độ để cho nghệ sĩ được tự do cất tiếng hát lên những nỗi niềm như thế không phải là một chế độ tồi tệ. Xét chung thì miền Nam đã có mức độ dân chủ rõ rệt. Cả giới trí thức lẫn dân chúng miền Nam đều bàn chuyện chính trị cởi mở, phê phán lãnh đạo và đảng rất tự nhiên. Ở miền Bắc thì không thể. Miền Bắc là cái lò của giáo điều, của chiến tranh. Không có chỗ cho một Trịnh Công Sơn, điều đó dễ hiểu.
Vì thế, tôi không ngạc nhiên khi nghe tin Dương Văn Minh đã ra lệnh buông súng, và đã được nghe theo. Vì có lẽ dân đã thấm mệt với bao nỗi khổ, chết chóc. Tôi cám ơn miền Nam đã sinh sản được một Dương Văn Minh, một Trịnh Công Sơn. Người nhạc sĩ trẻ ấy đã góp phần vào cái giờ phút thiêng liêng buông súng, thôi bắn giết nhau. Đấy thực sự là một anh hùng của hoà bình, chính anh ta đã nêu gương cho Trần Đức Thảo này! Tôi thú thật rất cảm ơn cái lệnh buông súng ấy, vì nó đã giải thoát hàng vạn thanh niên miền Bắc ra khỏi rừng núi đầy bom và muỗi, mòng. Vì nó đã cứu hàng vạn thanh niên với số phận "sinh Bắc tử Nam".
Chỉ tiếc rằng người cán bộ sĩ quan của "bộ đội cụ Hồ", khi tiến vào Dinh Độc Lập gặp Dương Văn Minh, thì đã tỏ thái độ thô bỉ quá kém cỏi với một lãnh đạo chính quyền miền Nam. […] Việc ứng xử thô bỉ như vậy đúng vào giây phút chiến tranh chấm dứt như thế đã làm cho sự tuyên truyền chính sách đại nhân, đại nghĩa "hoà giải, hoà hợp dân tộc" bỗng nhiên tự nó tố cáo nó là một quỉ kế để đánh lừa kẻ thù buông súng, chứ không phải là một sự giàn xếp cao thượng giữa anh em trong một nhà. Mấy anh em cách mạng miền Nam còn than phiền với tôi là có những người bộ đội miền Bắc khi tiếp quản Sài Gòn đã nhục mạ dân chúng về tội "ăn mặc lố lăng, bắt họ phải cạo sơn móng tay, bắt cắt quần ống loa". Rồi còn cảnh trả thù cả người chết bằng cách đập phá nghĩa trang của chế độ "Nguỵ" nữa! Thái độ ấy thật là thô lỗ quá trớn.


-Hồ sơ Trần Đức Thảo: Triết gia Trần Đức Thảo “Những ngày ấy” (viet-studies 31-3-12)  -- Bài rất quý của GS Nguyễn Đình Chú, có nhiều thông tin ít người biết xung quang vụ Nhân văn - Giai phẩm ◄◄
Những ngày ấy, tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội rồi thêm trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, giữa những tên tuổi của các ông trùm văn hoá của đất nước như: Đào Duy Anh, Đặng Thai Mai, Nguyễn Mạnh Tường, Cao Xuân Huy, Trương Tửu, Trần Văn Giàu… trong dư luận của giới thức giả, cũng như trong ấn tượng của thế hệ sinh viên Văn - Sử - Địa chúng tôi, giáo sư - triết gia Trần Đức Thảo vẫn là thần tượng số một. Trong các buổi giảng về lịch sử triết học phương Tây trước Mác của triết gia, có một hiện tượng lạ mà hơn nửa thế kỷ qua, làm nghề dạy học, tôi chưa thấy có trường hợp thứ hai. Thầy đến lớp, không một mẩu giáo án. Chỉ ngồi trên ghế hoặc ngồi ghé lên bàn, mắt hướng lên trần nhà và nói thì rất khó khăn.
Vậy mà không khí lớp học vẫn tĩnh lặng, trang nghiêm. Buổi giảng nào, ngoài số sinh viên thuộc 2 lớp Văn - Sử - Địa II, III học chung mà hầu như không ai vắng mặt còn rất nhiều giáo viên cấp III của Hà Nội, kể cả một vài sinh viên Y Dược, Đại học Sư phạm Khoa học tự nhiên cũng đến nghe nhờ. Nhà đạo học nổi tiếng của Việt Nam - Cao Xuân Huy - cũng nhiều lần có mặt. Đại giảng đường 35 Lê Thánh Tông, từ phòng học chính đến các chuồng gà ở tầng trên đều chật người. Đúng là một không khí sùng bái kỳ lạ. Chúng tôi thực sự không hiểu được gì đáng kể những điều thầy giảng nhưng cậu nào, cô nào cũng làm ra khoái chí, hiểu. Bởi nhận là không hiểu thì té ra mình dốt sao. Không ít bạn tập cách nói "Philôdôp" của thầy. Có hai bạn sau này một là giáo sư, một là nhà mỹ học đều nổi danh, viết bài tranh luận thế nào là "Hạt nhân duy lý trong triết học Hégel" đăng trên báo Sinh viên Việt Nam để khoe tài trong khi cùng đeo đuổi một bạn gái xinh đẹp nhất của lớp mà sau đó, có dịp tôi hỏi ý kiến nhận xét của thầy thì được thầy nói: "Cả hai đều nói rờ nói rận". Riêng tôi, về sau, trải qua nhiều năm dạy học lại nghiệm ra rằng: Theo cách nghĩ thông thường, trường hợp giảng bài của giáo sư Trần Đức Thảo là một hiện tượng phi sư phạm, phản sư phạm 100% (không giáo án, không quan sát đối tượng, nói năng thiếu trôi chảy, thuyết giảng một bề). Nhưng chính ở nhà giáo "phi sư phạm" này lại cho tôi một hiệu quả vô cùng lớn lao, chi phối, nâng đỡ tôi suốt hon 50 năm qua trong nghề dạy học và nghiên cứu văn học. Đó là cái ấn tượng vô cùng sâu đậm về cái gọi là năng lực tư duy trừu tượng, mà theo tôi nó là điều kiện cần có nhất, quyết định nhất cho bất cứ ai muốn dấn thân vào khoa học. Là điều mà theo tôi thì người Việt Nam ta vốn có hạn chế nhiều so với nhiều nước trên thế giới. Quả là về năng lực này, cho đến nay trên đất nước ta, tôi chưa thấy ai ngang tầm giáo sư Trần Đức Thảo. Và Trần Đức Thảo, sở dĩ làm nên một tên tuổi sáng giá, được dư luận thế giới, đây đó công nhận, tôn vinh cao độ, chính là nhờ có năng lực tư duy trừu tượng khoa học này.
Trở lại hiện tượng sùng bái giáo sư Trần Đức Thảo một cách kỳ lạ như trên đã nói là có nguyên nhân. ấy là sự đồn đại mà sau này kiểm chứng lại thì nói chung là có thật và nhiều sách báo cũng đều nói vậy. Trần Đức Thảo là một thanh niên Việt Nam đầu tiên (không biết tới nay đã có người thứ hai chưa) tốt nghiệp thủ khoa trường Cao đẳng sư phạm ở phố Ulm tại Paris nước Pháp, vốn là trường tuy chỉ mang danh Cao đẳng sư phạm nhưng thực tế là trường đứng đầu bảng  nền đại học Pháp, có lúc còn hơn cả Sorbonne. Muốn thi vào đây, thường sau khi đậu tú tài, phải chuẩn bị thêm một vài năm. Thi vào khoảng ngàn người, chỉ lấy đậu dăm chục. Tốt nghiệp trường này ra, viết sách chỉ ghi: Ancien élève de l'école normale supérieure de la rue Ulm (cựu học sinh trường Cao đẳng sư phạm phố Ulm) thì thanh danh đã có thể ngang với các danh hiệu cao sang khác. Không ít danh nhân văn hoá Pháp từng xuất thân từ trường này. Việt Nam ta, theo chỗ tôi biết không rõ có chính xác không thì người đầu tiên được học trường Cao đẳng sư phạm phố Ulm là ông Phạm Duy Khiêm (con cụ Phạm Duy Tốn) tốt nghiệp đứng gần chót (thứ 35?) nhưng báo chí trong nước bấy giờ đã tôn vinh là bậc anh tài, kỳ tài của đất nước. Còn Trần Đức Thảo thì đậu đầu nhưng vì là dân thuộc địa nên chỉ được đồng thủ khoa (premier ex aequo). Trần Đức Thảo từng tranh luận triết học với Jean Paul Sartre vốn là một triết gia nổi tiếng của Pháp mà dư luận cho rằng phần thắng thuộc về Trần Đức Thảo. Trần Đức Thảo làm thư ký cho Chủ tịch Hồ Chí Minh trong dịp Người sang Pháp dự hội nghị Fontainebleau, Trần Đức Thảo làm chủ tịch Hội Việt kiều tại Pháp. Khi thực dân Pháp rục rịch trở lại xâm chiếm Việt Nam, báo chí phỏng vấn thì Trần Đức Thảo trả lời: "Chỉ có nổ súng". Trần Đức Thảo bị Chính phủ Pháp bỏ tù 3 tháng vì bị quy tội gây mất an ninh cho nước Pháp. Đặc biệt, năm 1951, giữa lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đang ở thời kỳ gay go, không ít trí thức cao cấp từng đi kháng chiến, do không kham nổi gian khổ, đã bỏ về thành. Trong khi đó, triết gia Trần Đức Thảo, ngược lại, từ bỏ Paris hoa lệ, theo đường Tiệp Khắc, Liên Xô, qua Trung Hoa, về chiến khu Việt Bắc tham gia kháng chiến. Thuở ấy, những chuyện được nghe đồn đại về giáo sư Trần Đức Thảo như thế, với chúng tôi, một lớp thanh niên có học, vừa đi qua cuộc kháng chiến hào hùng của dân tộc và đang được hưởng không khí hoà bình tươi vui của miền Bắc, giữa thủ đô Hà Nội vừa được giải phóng, sao mà không mê li, không sùng bái được. Nhất là, một khi lại có thêm những lời nói, không phải là của người thường, mà của các bậc đại nhân về giáo sư Trần Đức Thảo. Tôi nhớ, ở năm thứ nhất, trong giờ giải lao sau giờ triết học Mác xít của giáo sư Trần Văn Giàu, thầy trò quây quần bên nhau tại sân trường, trò tán dương thầy dạy hay quá thì thầy nói: "Khoan, các cậu muốn biết thế nào là triết học thì hãy chờ sang năm thứ hai học với thầy Thảo. Thầy Thảo là người đọc gần hết sách của thư viện ở Paris".[1] Tôi lại còn biết chuyện: chính thầy Giàu sau ngày hoà bình lập lại (1954) đã đến mời kỳ được thầy Thảo bấy giờ đang công tác ở Ban Văn - Sử - Địa về đại học và tự nhường chỗ ở của mình tại 16Đ ngõ II Hàng Chuối cho thầy Thảo để sang ở nhà 16 Phan Huy Chú, không tốt bằng. Xin nói thêm, giáo sư Trần Văn Giàu cũng là một người từng được huyền thoại hoá ít nhiều như trong chuyện thầy Giàu là bạn học cùng Ti Tô (Tổng thống Nam Tư), Tô Rê (Tổng bí thư Đảng Cộng sản Pháp) và thủ khoa trường Đại học Phương Đông - mà còn nói về giáo sư Trần Đức Thảo như trên, chẳng gì mà không góp phần tạo thần tượng về Trần Đức Thảo trong lớp sinh viên trẻ bấy giờ là chúng tôi. Rồi nữa, thầy giáo dạy chính trị của chúng tôi bấy giờ là Hà Huy Giáp, một nhà cách mạng lão thành, vào Đảng Cộng sản Đông Dương từ ngày đầu có Đảng, lúc này lại là uỷ viên trung ương, thứ trưởng kiêm Bí thư Đảng đoàn Bộ giáo dục, trong giờ giảng, với cảm hứng tự hào dân tộc, đã nói:"Người Việt Nam ta rất thông minh - Có người như ông Trần Đức Thảo, học cho Tây thua liểng xiểng".
Đúng, những ngày ấy là những ngày vinh quang tột đỉnh của triết gia - giáo sư Trần Đức Thảo mặc dù có thể ông không hề nghĩ tới nó. Nhưng rồi! Trời đất ơi! Tổ quốc Việt Nam ta ơi! "Sự đâu sóng gió bất kỳ" đã ập đến cuộc đời Con người này, mà hôm nay trong cuộc hội thảo kỷ niệm 90 năm sinh của Người, tôi ngày ấy là học trò của thầy, rồi là trợ lý của thầy, được thầy thu xếp cho ở cùng nhà tập thể với thầy, hàng ngày được thầy vừa cho vừa bắt ngồi làm việc ở ngay bàn giấy tại phòng riêng của thầy, còn nay tôi là một giáo sư, một nhà giáo nhân dân đã rơi vào tâm trạng vừa muốn nói lại vừa không muốn nói lại cái sự thật đau lòng xót dạ này. Không muốn nói ra là vì thấy người đời vẫn có tâm lý cái gì không hay đã qua đi để nó qua đi, nói lại làm gì cho thêm nặng nề cuộc sống. Nhất là với những người đã có một vị trí xã hội thì lại thường phải né tránh chuyện đời rắc rối. Nhưng vẫn muốn nói vì nó là sự thật dù có đau lòng, cần nói ra để hậu thế rút kinh nghiệm mà tránh. Bởi ai dám cam đoan rằng, mai đây, trên đất nước ta, sẽ không còn những chuyện bi ai, đáng tiếc đó. Sau những giờ phút băn khoăn là nên nói hay không nên nói, cuối cùng thì tôi đã quyết định nói ra, trước hết xin coi như là một nén hương thơm để thêm một lần tạ ơn, để thêm một lần cảm thương, và cũng thêm một lần tạ tội với vị ân sư, nhân dịp kỷ niệm 90 năm sinh của Người. Dĩ nhiên là những gì tôi kể lại sau đây là theo chủ quan nhận thức của mình, có thể đúng với người này, không đúng với người khác trong một số chi tiết nhưng với tôi là có sao nói vậy, nhớ đến đâu nói đến đó, mong được chư vị thông cảm.
Đúng là những ngày ấy"sóng gió bất kỳ" đã ập đến cuộc đời triết gia Trần Đức Thảo. Triết gia bỗng chốc được "phong tặng" danh hiệu mới: Lãnh tụ tinh thần của phong trào Nhân văn Giai phẩm, phản cách mạng một cách nguy hiểm. Chuyện thật là dài dài. Xin tóm lược đôi điều như sau. Bấy giờ, sau khi sai lầm cải cách ruộng đất được thừa nhận và đã có lời nhận lỗi của Đảng và Nhà nước, nhưng tình hình tư tưởng của xã hội ở miền Bắc, đặc biệt là ở Hà Nội và chủ yếu trong giới tri thức, văn nghệ sĩ, đã tỏ ra không yên. Nhiều bức xúc vốn dồn chứa từ nhiều năm trước đã có cơ trỗi dậy. Ngoài xã hội, Giai phẩm mùa Đông (I-1956), Giai phẩm mùa xuân, Giai phẩm mùa thu (10-1956), Nhân văn, Ngôn luận (tờ này đã in nhưng không được phát hành) lần lượt ra đời, chủ yếu là với vai trò của một bộ phận văn nghệ sĩ. Một số giáo sư, giảng viên đại học, tham gia viết bài là: Trương Tửu, Phan Ngọc và Trần Đức Thảo. Đào Duy Anh vừa là người trả lời phỏng vấn của báo Nhân văn vừa là người cho NXB Minh Đức vay tiền in báo Nhân văn. Nguyễn Mạnh Tường thì chuyện lại là ở bài phát biểu tại Mặt trận Tổ quốc Hà Nội. Với giáo sư Trần Đức Thảo, theo chỗ tôi biết, vốn là người rất ít giao du nên cũng chẳng có quan hệ gì với số văn nghệ sĩ làm Nhân văn. Nhưng trước đó, trên Giai phẩm mùa đông, giáo sư đã có bài: "Nội dung xã hội và hình thức tự do". Nhân văn sau khi ra được 2 số, bị báo Nhân dân và một số người lên án thì đã định bỏ cuộc. Nhưng có người nghĩ ra kế lợi dụng uy tín giáo sư Thảo mời viết bài để mà tiếp tục. Do đó, Nhân văn số 3 đã có bài: "Nỗ lực phát triển tự do dân chủ" của giáo sư và Nhân văn ra thêm đến số 5 mới ngừng bản. Riêng trong phạm vi trường Đại học thì có tờ Đất mới do các anh Bùi Quang Đoài (tức nhà văn Thái Vũ hiện nay) Hà Thúc Chỉ (bút danh Thúc Hà, có bài thơ "Chờ con má nhé" được giải nhất trong liên hoan thanh niên thế giới tại Berlin năm 1955), Văn Tâm… đều là sinh viên lớp Văn 3 vừa mới tốt nghiệp được giữ lại làm tập sự trợ lý chủ trì mà khởi đầu không hẳn như báo chí về sau từng nói. Bởi đây có liên quan đến chủ trương của Đảng uỷ nhà trường (lúc này còn chung cho Sư phạm và Tổng hợp). Cụ thể là vào dịp đầu hè 1956 ngay sau khi lớp Văn 3, Sử 3 vừa kết thúc khoá học để ra trường thì thầy Hà Huy Giáp trực tiếp xuống Khu tập thể sinh viên tại Nhà C của Việt Nam học xá (ngày nay thuộc khu trường Đại học Bách Khoa Hà Nội) phát động cho tự do tư tưởng - dĩ nhiên là với ý muốn để xây dựng nhà trường. Nhưng một không khí gay gắt lên án lãnh đạo Đảng trong nhà trường một cách không bình thường đã diễn ra và tờ Đất mới đã ra đời ngay sau cuộc họp đó để rồi chịu chung số phận với các tờ Nhân văn, Giai phẩm. Sau này, trong một bài viết có nhan đề "Cho tôi nói lại đôi lời", nhà văn Thái Vũ đã thanh minh rằng, ngày đó, làm "Đất mới", các anh không hề có ý gì gọi là chống chế độ, chống Đảng. Chẳng qua chỉ có chuyện ấm ức mà phê phán một số đảng viên lãnh đạo trong trường kể từ ngày còn là Dự bị đại học ở Thanh Hoá.
Trong phạm vi trường đại học, ngoài việc một số thầy giáo viết bài trên Nhân văn , Giai phẩm, ngoài tờĐất mới, về dư luận cũng đã có chuyện này chuyện khác, mà lúc đầu cũng chưa có gì đặc biệt. Nhưng rồi không khí căng dần lên. ở ngoài trường thì cuộc đấu tranh chống Nhân văn - Giai phẩm đã diễn ra khá quyết liệt. Bấy giờ (8/1957), sau khi tốt nghiệp được giữ lại làm trợ lý cho giáo sư Trần Đức Thảo về bộ môn lịch sử tư tưởng, tôi bắt đầu nghe phong thanh về giáo sư Thảo có chuyện này chuyện khác với lãnh đạo trường nên đã trực tiếp hỏi anh Võ Ất thường trực Đảng uỷ nhà trường sự đánh giá của Đảng uỷ về giáo sư Thảo thì được anh Võ Ất cho biết: "Giáo sư Trần Đức Thảo là một trí thức lớn rất tốt. Có chuyện gì đó, chẳng qua là do cá tính. Anh yên tâm". Và tôi đã yên tâm như thế không chỉ với giáo sư Trần Đức Thảo mà còn là với các giáo sư khác. Nhưng không ngờ, sự việc đã bùng nổ một cách bất ngờ đối với tôi. Chiều hôm đó, tôi nhớ là khoảng  đầu năm 1958, bỗng nhiên trong cuộc họp công đoàn của Khoa Sử không có mặt hai giáo sư Trần Đức Thảo và Đào Duy Anh, nổi lên một không khí lên án giáo sư Thảo một cách vô cùng gay gắt. Tôi nhớ nhất là ý kiến của anh V.H.T. tự giới thiệu là người năm 1951, công tác tại văn phòng Tổng bí thư Trường Chinh, là thành viên ban đón tiếp giáo sư Trần Đức Thảo từ biên giới Việt Trung về an toàn khu để ngay ngày đầu được Thủ tướng Phạm Văn Đồng mời cơm, hôm sau được đưa lên gặp Hồ Chủ tịch và Bác nói: "Chú là một trí thức lớn. Nay chú về nước tham gia kháng chiến, Bác rất mừng. Mong chú đem hết nhiệt tình và tài năng phục vụ kháng chiến thắng lợi.[1] Sau đó thì được bố trí làm việc ở Văn phòng Tổng Bí thư. Câu chuyện của anh V.H.T là muốn nêu cho mọi người thấy Trần Đức Thảo là một người đã được Bác Hồ, Đảng, Nhà nước trọng vọng hết mức như thế nhưng nay thì quay ra chống phá cách mạng. Tối hôm đó, tôi đã kể lại những gì vừa xảy ra hồi chiều về giáo sư Trần Đức Thảo cho chị Nhất (lúc này là vợ của Thầy đã cưới được gần 3 năm) nghe, thì chị nói: "Các anh chị hiểu sai anh Thảo rồi. Anh Thảo không phải người như thế". Sau cuộc lên án giáo sư Trần Đức Thảo của cuộc họp công đoàn Khoa Sử, trên báo Nhân dân, giáo sư Phạm Huy Thông lúc này là Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội có bài vạch tội Trần Đức Thảo từ ngày còn ở Pháp cho đến bây giờ mà tôi nghe phụ giảng Hoàng Thiếu Sơn - người ở cùng phòng với tôi bấy giờ nói lại là: Cụ Chấn Hưng - thân phụ của giáo sư Thông đã trách con: "Tôi không ngờ anh đối xử với bạn anh như thế". Tiếp đó, cuộc đấu tranh chống Nhân văn - Giai phẩm trong hai trường đại học Sư phạm và Tổng hợp đã diễn ra sôi nổi, dĩ nhiên là có lãnh đạo hẳn hoi. Người bị đấu tranh đầu tiên là giáo sư Trương Tửu trong 2 ngày liền. Kế đến, hai giáo sư Đào Duy Anh và Nguyễn Mạnh Tường, mỗi người bị đấu tranh non một ngày. Riêng giáo sư Trần Đức Thảo vì bị đau răng sưng cả má, phát sốt, nên hơn một tháng sau mới bị đấu tranh. Dự đấu tranh, có Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên, Phó chủ nhiệm Uỷ ban khoa học Nhà nước Tạ Quang Bửu, Trưởng ban Văn - Sử - Địa Trung ương Trần Huy Liệu, hai Thứ trưởng Hà Huy Giáp, Nguyễn Khánh Toàn cùng nhiều quan chức khác, nhiều giáo sư thuộc các khoa Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội. Đại giảng đường 35 Lê Thánh Tông chật ních người tham dự (cuộc đấu tranh với mấy vị giáo sư khác trước đó thì chỉ ở Hội trường B). Trong những người đấu tranh, có giáo sư, có giảng viên, có trợ lý vốn là học trò giáo sư Thảo. Nội dung phê phán là đủ tội, nhưng nổi lên vẫn là vai trò lãnh tụ tinh thần của nhóm Nhân văn - Giai phẩm và các tội chính là:
- Dám phê phán Trung ương về triết học là duy tân chủ quan, sai tinh thần của Mác, vì đặt quan hệ sản xuất lên trước lực lượng sản xuất.
- Dám phê phán Đảng sau ngày dành được chính quyền đã tạo ra bộ máy quan liêu.
- Dám chê Mao Trạch Đông dốt - chê Mâu thuẫn luận và Thực tiễn luận là sai học thuyết Mác.
- Đòi tự do dân chủ một cách vô chính phủ.
Cuộc đấu tranh diễn ra cũng trọn hai ngày. Trước lúc kết thúc, Thứ trưởng Hà Huy Giáp lên diễn đàn nói: Vừa qua, ông Trương Tửu viết thư cho đồng chí Tố Hữu nhưng đồng chí không trả lời. Còn ông Trần Đức Thảo viết thư cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng thì Thủ tướng có bưu thiếp trả lời và yêu cầu Thứ trưởng đọc trước cử toạ. Trong nửa thế kỷ qua, tôi vẫn nhớ không sai là: "Thân ái gửi anh Thảo. Tôi  đã nhận được thư anh. Mong anh nghĩ lại những điều anh em nói. Chúc anh khoẻ mạnh - Phạm Văn Đồng". Tiếp đó, giáo sư Trần Đức Thảo phát biểu mà tôi cũng hy vọng nhớ không sai như sau: "Khi viết các bài báo đó là tôi có suy nghĩ. Nay các vị bảo tôi sai. Tôi sẽ nghĩ lại". Nói xong chỉ chừng ấy thì chắp hai bàn tay giơ lên rồi dang cả hai cánh tay ra và đi xuống chỗ. Tôi tin rằng cử toạ hôm đó không một ai hiểu trong cái cử chỉ cuối cùng đó của giáo sư Trần Đức Thảo có ý gì? Riêng tôi thì hiểu. Bởi trước hôm giáo sư bị kiểm thảo vài ngày, trong một tối, tôi đã lên phòng Thầy và hai thầy trò tâm sự với nhau nhiều chuyện, trong đó Thầy có nói: Mình có nhược điểm không khắc phục được là sống cô độc, ít có khả năng hoà nhập. Ngày còn học trong nước, thấy mấy thằng Tây thuộc địa kém quá. Nghĩ bụng sang Pháp học, may gì gặp được những anh Tây chính quốc giỏi dang. Không ngờ, rồi cũng chán. Do đó, quyết định về nước, tham gia kháng chiến cùng nhân dân mong tìm một sự hoà nhập. Nhưng rồi vẫn thế! Họ bố trí làm việc ở văn phòng ông Trường Chinh, được mấy tháng là chán. Mình xin đi theo văn nghệ quân đội, được ít lâu thì về Ban Văn - Sử - Địa Trung ương. Sống ở đâu, cũng thấy cô độc. Biết vậy là nhược điểm nhưng không bỏ được. Thầy lại nói chuyện ở Việt Nam đang đấu nhau thế này, là do ở Trung Hoa, sau phong trào"Trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng" (Bách hoa tề khai, bách gia tề minh) thì đang có phong trào chống phái hữu (Thầy muốn nói bấy giờ nếu Trung Quốc không có phong trào chống phái hữu thì Việt Nam cũng không có phong trào chống Nhân văn - Giai phẩm). Cuối cùng thì Thầy nói: Chuyện đời cứ ít mà xít ra nhiều. Vừa nói vừa làm cái cử chỉ mà hai hôm sau Thầy đã làm lại ở hội trường. Sau cuộc kiểm điểm toé lửa đối với giáo sư Trần Đức Thảo, anh L.K.T vốn là một sinh viên Sử vừa được giữ lại làm trợ lý đã viết bài "Quét sạch những nọc độc của Trần Đức Thảo trong việc giảng dạy triết" đăng Tạp chí Học tập [1958].  Trong cuộc đấu tố này, riêng tôi, theo yêu cầu của tổ chức do bạn H. và anh B, đảng ủy viên truyền đạt (trong lời truyền đạt, anh B còn nói với tôi: cậu phải thấy rằng chuyện ông Thảo không phải là “faute” mà là “crime”), vì đó phải viết bài phê phán Thầy. Bài viết xoay quanh một ý: Thầy từng là thần tượng lớn lao của tôi, vậy mà nay thầy lại nói với tôi là 40% người dân không tin vào Đảng nữa. Thầy muốn tôi cũng không tin vào Đảng. Lời kết bài là “mong thầy nghĩ lại để thầy trò ta mãi mãi vẫn là thầy trò ta”. Đọc xong bài phê phán Thầy, cả hội trường vỗ tay. Có người chúc mừng tôi đã được giải phóng tư tưởng. Sau đó, tôi còn được tổ chức giao việc chuẩn bị đến báo cáo tội trạng của Thầy ở lớp chỉnh huấn của giáo viên cấp Ba toàn miền Bắc tại trường Bổ túc công nông ở Giáp Bát. Thêm nữa, anh TQV cũng yêu cầu tôi góp ý cho bài viết của anh phê phán Thầy để đăng báo theo yêu cầu của lãnh đạo. Phúc may cho tôi là cả hai sự việc này sau không dùng đến. Đúng là bấy giờ, ở tư thế chim sợ làn cong sau ngày cải cách ruộng đất, thiếu bản lĩnh, nên tôi đã để hoàn cảnh đẩy vào tội phản Thầy, tuy chưa đến nỗi tệ mạt như mấy ai đó với Thầy, hoặc với Thầy Trương Tửu trong cuộc đấu tố này, nhưng ở tôi cũng đó là điều phải xấu hổ trong lương tâm hơn nửa thế kỷ nay không dứt.  
Tiếp theo đợt đấu tranh là việc xử lý kỷ luật. Giáo sư Trương Tửu bị khai trừ khỏi ngành. Giáo sư Đào Duy Anh bị đưa sang Ban Văn - Sử - Địa. Giáo sư Nguyễn Mạnh Tường bị đưa về làm nhân viên Nhà xuất bản Giáo dục. Phụ giảng Phan Ngọc đang là Tổ trưởng ngôn ngữ bị chuyển sang làm phiên dịch. Trợ lý Cao Xuân Hạo cũng bị chuyển làm phiên dịch. Các trợ lý khác: Văn Tâm, Phan Kế Hoành, Hà Thúc Chỉ, Bùi Quang Đoài bị chuyển về phổ thông hoặc cơ quan khác. Một số khác như Phạm Hoàng Gia, Đặng Đức Siêu bị hạ một bậc lương trong dịp xếp lương sau đó vào năm 1960. Riêng giáo sư Trần Đức Thảo, tôi được nghe nói là mấy tháng đầu nhà trường vẫn cho người đưa lương tới nhà nhưng Thầy chối không nhận với lý do: Không làm việc thì không nhận lương. Tiếp sau đó có chuyện Thầy lên nông trường Ba Vì (Sơn Tây) khoảng 3 tháng mà sau này người nói thế này, người nói thế khác. Có người nói là Thầy bị đưa đi lao động cải tạo, nhưng hôm Thầy đi (kể cả ngày về), tôi co chứng kiến. Chỉ thấy có xe còm măng ca đến đón đi, ngoài va ly đựng vật dụng còn khối là sách. Theo chị Nhất nói với tôi thì việc đi này là do chính Thầy yêu cầu, cho đi để giãn thần kinh sau những ngày căng thẳng. Lên nông trường, cũng nghe nói Thầy có dạy tiếng Pháp cho một vài cán bộ và trong một lần vừa thổi cơm vừa đọc sách, vô ý để lửa bốc cháy hết quần áo sách vở của mình, và cháy lây thêm một vài nhà của  nông trường. Do đó mà tổ chức cho đưa Thầy về lại 16Đ ngõ II, Hàng Chuối ngay.
Điều không thể không nói là sau đợt đấu tranh này, quan hệ giữa các thầy bị đấu tranh với mọi người, với các học trò, trong đó có quan hệ giữa thầy Thảo với tôi, coi như phải chấm dứt dù còn ở chung nhà tập thể. Cách đây vài năm, anh Cù Huy Chử cho tôi biết ngày Thầy sống ở Sài Gòn trước khi đi Pháp, có lần Thầy nói với anh: Nguyễn Đình Chú là người ghi bài giảng của Thầy để làm tài liệu học tập cho sinh viên nhiều nhất và tốt nhất nhưng sau cuộc đấu tố, gặp mình mà không chào. Quả có sự thật khốn nạn đó. Hàng ngày vẫn gặp Thầy lên xuống ở cầu thang mà tôi cứ phải cúi mặt xuống không dám chào Thầy vì sợ liên lụy, vì xấu hổ về tội phản Thầy. Chỉ một Đoàn Mai Thi là người duy nhất không sợ gì cả vẫn thường xuyên lui tới săn sóc Thầy trong hoạn nạn, để lại một điểm son về đạo tôn sư trong lòng chúng bạn. Một nhân cách như thế mà đã sớm qua đời! Các bạn trẻ hôm nay, khó lòng mà hình dung nổi cái không khí nặng nề thuở ấy mà chúng tôi đã trải qua. Năm 1960, tôi rời nhà 16Đ ngõ II Hàng Chuối về sống ở Khu tập thể Đại học Sư phạm tại Cầu Giấy. Giáo sư Trần Đức Thảo cũng chuyển nhà tới B6 Khu tập thể Kim Liên để rồi mấy năm sau đó sống một mình vì thầy cô chia tay nhau. Cảnh sống của triết gia Trần Đức Thảo ở Kim Liên ra sao, sau ngày triết gia qua đời, nhà văn Phùng Quán đã kể lại trong một bài viết có nhan đề "Chuyện vui về triết gia Trần Đức Thảo".[2]
Chuyện về triết gia giáo sư Trần Đức Thảo sau ngày từ giã giảng đường đại học nước nhà còn dài, không thể kể hết. Chỉ biết là sau ngày giáo sư qua đời tại Pháp, Sứ quán đưa tro về nước, mặc dù trước đó đã được an táng tại nghĩa trang Père Lachaise ở Paris. Lễ tưởng niệm được tổ chức tại đại giảng đường 35 Lê Thánh Tông nơi ngày trước giáo sư từng gắn bó. Chính phủ tặng Huân chương độc lập hạng II. Mộ hiện chôn ở khu A nghĩa trang Văn Điển. Năm 2000, thì được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh. Báo chí đã giành cho giáo sư nhiều lời tốt đẹp, kể cả những lời cảm thương. Trong đó, đáng chú ý có ý kiến của giáo sư Trần Văn Giàu nói rằng: "Trên đất nước ta, nếu có một người đáng gọi là triết gia, thì đó chính là Trần Đức Thảo. Giàu này chỉ là giáo sư dạy triết học". Đặc biệt, trong tác phẩm "Thầy và bạn" của ông Nguyễn Hoà Bình, vốn là Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Thường vụ Đảng uỷ, người trực tiếp làm các văn bản trong cuộc đấu tranh hồi 1957-1958 tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội trong bài viết "Nhà thơ Tiếng địch sông Ô" có kể lại chuyện ông được giao trách nhiệm viết báo cáo tường thuật tội trạng của các vị giáo sư bị đấu tranh, viết xong, đưa đến cho Hiệu trưởng Phạm Huy Thông thông qua thì chính con người đã từng viết bài phê phán giáo sư Trần Đức Thảo mà trên kia tôi có nhắc lại đã nói với ông Trưởng phòng Tổ chức cán bộ Nguyễn Hoà Bình bấy giờ có đoạn như sau: "Bản chất của con người trí thức chân chính là tôn trọng chân lý và rất tự trọng trên con đường chân lý. Chân lý được lĩnh hội bằng tự giác thông qua tinh thần dân chủ đối thoại đã trở thành lối sống của họ. Những người trí thức cụ thể này có cuộc đời của họ, phấn đấu vì chân lý, cũng có nghĩa vì sự nghiệp của dân tộc, của Đảng".[3]
Kính thưa quý vị, chuyện đời của triết gia - giáo sư Trần Đức Thảo những ngày ấy mà tôi kể lại sơ qua là thế. Quý vị nghĩ gì? Riêng tôi, tôi nghĩ: Chuyện đời quá ư khắc nghiệt. Hiểu cho đúng nhau cũng rất khó khăn. Sự khoan dung sẽ giúp làm vơi bớt sự khó khăn, khắc nghiệt đó. Cái bưu thiếp của Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi giáo sư Trần Đức Thảo trong những giờ phút éo le, nghiệt ngã kia, đã hé lên chân lý đó. Tiếc rằng, khắc nghiệt vẫn còn khắc nghiệt. Hôm nay, tôi xin nói lên những ý nghĩ này trong sự biết ơn, cảm thương và cũng là tạ lỗi với Thầy tôi - Thầy Trần Đức Thảo vô vàn kính yêu ơi!.
                                         (Bài viết nhân dịp kỷ niệm 90  năm sinh
                                        Giáo sư - Triết  gia Trần Đức Thảo -2007)



[1] Những dòng được để trong ngoặc kép còn có sau đây chủ yếu là ghi theo trí nhớ, mong được chấp nhận tính tương đối của nó.
[2] Xem: Phùng Quán - ba phút Sự thật - NXB Văn nghệ 2006.
[3] NXB Giáo dục - 2003, tr.25


-------

Tổng số lượt xem trang