SGTT.VN - Sau khi bộ Y tế ra quyết định thành lập hội đồng y đức, một số nhà báo tỉnh X nhóm họp để bàn bạc có nên kiến nghị lập hội đồng báo đức. Toàn thể đều thống nhất là nên, và còn bàn thảo kỹ về chuyện nhà báo có tham gia PR, chạy quảng cáo, nhận phong bì hay không. Tưởng đã có thể kết thúc thì một cánh tay đưa lên:
– Nãy giờ chúng ta chỉ bàn chuyện đạo đức chính mình, còn ngộ nhỡ có người bất chấp đạo đức mà hành hung nhà báo thì sao? Chúng ta có nên la lớn lên không?
Một nhà báo trẻ bật dậy:
– Đứa nào đánh thì phang ống kính vào đầu nó, ném máy ghi âm vào mặt nó, đâm bút vào mắt nó! Nên nhớ cụ Đồ Chiểu từng nói: “Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”...
Chờ cho tràng cười của cả hội trường trước một “ngựa non háu đá” lắng bớt, một nhà báo lão thành đăng đàn:
– Vấn đề la hay không la khi bị đánh, theo tôi là vấn đề hết sức nhạy cảm, vô cùng phức tạp, cực kỳ tế nhị...
Chủ toạ sốt suột:
– Yêu cầu bác nói nhanh!
– Nhưng trước khi đi vào vấn đề, chúng ta cần phân tích: bị đánh thì phải la, vì đó là bản năng của con người, nhưng đã là người làm báo thì phải biết điều khiển tiếng la, kiềm chế cảm xúc, la cho đúng chỗ đúng nơi thì tiếng la ấy mới phát huy được hiệu quả mà không bị kẻ xấu lợi dụng! Chắc các đại biểu ngồi đây đều nhớ đến các yếu tố 5W 1H?
Cả hội trường thở dài:
– Dạ nhớ, thưa bố!
– Tương tự như thế, trước khi la chúng ta phải hỏi 5Đ: Đánh ở đâu? Đánh khi nào? Đánh như thế nào? Đánh với mục đích gì? Đánh cho ai? Tuỳ thuộc vào cách trả lời mà chúng ta sẽ giải quyết được 4L: La lúc nào? La ở đâu? La với ai? La như thế nào: la lớn, la nhỏ hay chỉ vừa đủ nghe?...
Mọi người chưa kịp thấm thía nguyên tắc 5Đ 4L này thì đột ngột vang lên tiếng la của chủ toạ:
– Chết rồi! Giải tán! Họp báo mà quên xin giấy phép!
NGƯỜI GIÀ CHUYỆN
-@ sgtt 5 Đánh, 4 La