(Petrotimes) - Thông tin về các vụ cưỡng chế đất đai nhà cửa luôn làm nóng dư luận, nhất là các vụ cưỡng chế giải phóng mặt bằng cho các dự án của một số địa phương đã không nhận được sự đồng tình, thậm chí phản đối quyết liệt của người dân.
Bài học từ vụ Tiên Lãng, Hải Phòng vẫn còn nóng dư luận thì đã xảy ra các vụ cưỡng chế ở Văn Giang (Hưng Yên), Vụ Bản (Nam Định) chưa có hồi kết.
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo 4 năm (2008-2011), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc để giải quyết có lý, có tình, tận cùng những việc còn tồn đọng kéo dài. Thủ tướng nhấn mạnh, nếu như chúng ta chủ quan, xem thường, không tập trung giải quyết có hiệu quả sẽ là mầm mống dẫn đến mất ổn định an ninh trật tự. Người dân đặt câu hỏi tại sao việc giải phóng mặt bằng để phát triển kinh tế cho xã cho huyện cho tỉnh và cho đất nước lại không được nhân dân đồng tình ủng hộ?
Đã đến lúc các cơ quan dân vận phải đặt ra và trả lời câu hỏi: Vì sao một số dự án khu công nghiệp, khu đô thị, sân golf đã phải sử dụng biện pháp cưỡng chế giải phóng mặt bằng trong khi các dự án mở đường, xây trường học, bến cảng, sân bay… hầu như không phải cưỡng chế!
Rõ ràng ở đây có vấn đề lợi ích cộng đồng và lợi ích doanh nghiệp, điều gì lợi cho dân cho nước thì dân ủng hộ. Hóa ra có việc coi nhẹ công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục người dân. Phát biểu tại Hội nghị trên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo phải có người dân tham gia bàn bạc dân chủ, công khai theo đúng quy trình, để có sự đồng thuận và vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Đây là những chỉ đạo đúng đắn, sâu sát của người đứng đầu Chính phủ cho bài toán giải phóng mặt bằng phải nói là rất nan giải hiện nay.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy rằng: “Bất cứ việc gì đều phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương, rồi động viên và tổ chức toàn dân ra thi hành”. Xem ra người ta đã không làm đúng như lời Bác dạy. Trong việc thực hiện các dự án phải cưỡng chế gần đây dễ dàng nhận thấy công tác vận động, tuyên truyền, thuyết phục nhân dân không được quan tâm đúng mức mà còn có biểu hiện nặng về dùng vũ lực. Dân khiếu kiện kéo dài nhiều năm thì chắc chắn là dự án này có mùi kim tiền, lợi ích nhóm. Bị thúc ép quá, người ta bèn tính chuyện cưỡng chế.
Bị dân phản ứng chính quyền đổ cho có sự tiếp tay phá hoại này nọ, thậm chí các đoạn clip quay tại chỗ, có người thực việc thực lại đổ thừa là dàn dựng để “phá hoại”. Kẻ thù đâu không thấy, chỉ thấy hai nhà báo tác nghiệp tại Văn Giang đã bị chính lực lượng cưỡng chế bạo hành. Giá như ở Hưng Yên, chính quyền hết lòng, hết trách nhiệm để vận động, thuyết phục nông dân Văn Giang thì đâu đến nỗi! Vạn bất đắc dĩ mới phải dùng biện pháp cưỡng chế!
Thọ Vinh