Thứ Hai, 14 tháng 5, 2012

Một phần vạn

Huỳnh Văn Úc

Tối thứ tư 2/5/2012 hàng chục triệu khán giả truyền hình nước Pháp đã rất thú vị theo dõi cuộc tranh luận trực tiếp giữa hai ứng viên tổng thống Pháp-ông Nicolas Sarkozy và Francois Hollande. Hai ông đã có những lời lẽ chỉ trích nhau  nặng nề. Ông Hollande thì mô tả ông Sarkozy là người trốn tránh trách nhiệm, cáo buộc rằng chính ông Sarkozy là người đã hủy hoại nền kinh tế nước Pháp làm cho nước này rơi vào suy thoái và khủng hoảng nghiêm trọng, tỉ lệ người thất nghiệp lên đến mức kỷ lục, nước Pháp bị hạ bậc tín nhiệm. Ông Hollande hứa rằng nếu đắc cử, ông sẽ đứng về phía những người khốn khó, những người bình dân nhất, những người phải làm lụng vất vả nhất, những người dễ bị tổn thương nhất. Đáp lại ông Sarkozy nói rằng ông Hollande là người dối trá, là kẻ vu khống vặt vãnh, rằng những khó khăn mà nước Pháp đang phải đối đầu là do cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, lụt thì lút cả làng, các nước châu Âu khác đều khó khăn như thế chứ có riêng gì nước Pháp đâu...

- Hay thật! Có tranh luận thì mới nẩy ra được chân lý, cử tri người ta mới biết ai đúng ai sai, ai tài ai giỏi, nếu không như thế thì biết đâu mà lần, căn cứ vào đâu để sử dụng lá phiếu của mình mà chọn mặt gửi vàng.
- Chính vì hay như thế nên trong cuộc bầu cử vòng 2 vào ngày chủ nhật 6/5/2012 cử tri nước Pháp đã chọn ông Francois Hollande. Vào lúc 20 giờ ngày 6/5 (giờ Pháp) tức là 1 giờ sáng ngày 7/5 (giờ Việt Nam) Bộ Nội vụ nước Pháp đã thông báo ứng cử viên của Đảng Xã hội (PS) Francois Hollande đã giành chiến thắng trước tổng thống đương nhiệm Nicolas Sarkozy. Ông Francois Hollande được 52% số phiếu bầu, còn ông Nicolas Sarkozy chỉ được 48%. Bộ Nội vụ Pháp cũng thông báo: 80,6% cử tri Pháp đã tham gia cuộc bầu cử Tổng thống vòng 2, cao hơn so với vòng 1, cho thấy sự quan tâm của cử tri Pháp tới tương lai của nước nhà. Tổng thống đắc cử của Pháp là cử nhân luật, từng làm cố vấn kinh tế dưới thời Tổng thống Mitterrand . Ông là đại biểu quốc hội nhưng chưa từng đảm nhiệm một vị trí nào trong chính phủ Pháp.
- Rất hay!
- Chưa hay!
- Vì sao?
- Vì nước Pháp thuộc phe tư bản rẫy chết nên dân chủ của nó chỉ mới bằng một phần vạn nền dân chủ của nước mình. Nói cách khác, nếu dân chủ là một đại lượng có thể cân đo đong đếm được thì đem nền dân chủ của nước Pháp nhân lên một vạn lần mới bằng nền dân chủ của nước mình, hiểu chưa?

Theo trannhuong.com
----------------------





Âu Châu Hạ Màn
Nguyễn-Xuân Nghĩa - Ngày Nay ngày 120315

Các Nước Âu Châu Chưa Giảm Chi Mà Đã Bỏ Chạy Xuống Vực


* Hý hoạ tuyệt vời của Michael Ramirez trên tờ IDB:
Hai tay chèo Pháp Đức bên bờ vực, Hy Lạp ở dưới... *



Những biến cố chính trị dồn dập từ Hoà Lan qua Pháp và Hy Lạp báo hiệu sự tàn phai của giấc mơ thống nhất Âu Châu. Bỉnh bút Nguyễn-Xuân Nghĩa giải thích tại sao....



Người ta cứ nói rằng quần chúng Âu Châu quá mệt mỏi về việc giảm chi nên bác bỏ chủ trương khắc khổ của Đức. Đấy là ấn tượng chứ thật ra, đa số các nước Âu Châu vẫn tiếp tục tăng chi: 23 trong 27 nước Liên Âu vào năm ngoái và 24 nước trong năm nay. May lắm thì có nước chịu giảm tốc độ tăng chi mà thôi.

Nhưng, dù sao mặc lòng, truyền thông quốc tế vẫn kết luận rằng dân Âu Châu đồng loạt phản đối việc thắt lưng buộc bụng để trả nợ và nhiều đảng cầm quyền đã thất cử hoặc bị buộc phải từ chức. Chìm sâu bên dưới hiện tượng này còn có những phản ứng đáng ngại hơn: sự lớn mạnh của phong trào cực hữu và tinh thần quốc gia dân tộc cực đoan có thể khiến đồng Euro tiêu vong và Liên hiệp Âu châu tan rã...

Âu Châu đang rơi vào quá khứ.

Sau khi chính quyền Hoà Lan bị đổ dưới áp lực của phe cực hữu vào ngày 23 Tháng Tư, hai cuộc bầu tử tuần qua, tại Hy Lạp và Pháp, khiến chúng ta nhớ lại lịch sử. Vì vậy, trong khi các thị trường tài chính quốc tế cùng tơi tả với đồng Euro rơi rụng, xin hãy nói về lịch sử.


***


Sau ba trận đại chiến 1871, 1914 và 1939, Âu châu đã có 67 năm yên bình kể từ 1945. Sự yên bình đó có ba thành tố mà đa số người dân Âu Châu đã quên - và dân Mỹ thì... khỏi cần biết.

Thứ nhất là sức bảo vệ của Hoa Kỳ với lá chắn là Minh ước Phòng thủ Bắc Đại Tây Dương NATO dù Liên bang Xô viết vẫn đòi Tây tiến sau khi nuốt được phân nửa miền Đông của Âu Châu. Thứ hai là sự liên kết của hai cường quốc đã ba lần giao tranh, là Pháp và Đức. Trong cả ba lần này, Pháp bị đại bại và ăn mừng chiến thắng của hai lần sau là nhờ Hoa Kỳ can thiệp. Thứ ba, dưới lá chắn NATO và sự hợp tác Pháp-Đức rất khắng khít, Âu Châu đã xây dựng hai ảo tưởng là 1) việc thống nhất kinh tế sẽ đem lại thịnh vượng cho mọi người, để 2) tiến tới thống nhất chính trị qua quyết định xóa bỏ biên cương.

Công dân Âu Châu từ nay sẽ tự do di chuyển, di trú và di dân xứ này sẽ thoái mái sinh hoạt tại xứ khác. Chân trời viễn mơ là Liên hiệp Âu châu Thống nhất sẽ xuất hiện như Liên bang Hoa Kỳ thống nhất, United States of America. Tuần qua, giấc mơ đó đã tàn phai.

Xin nói về sự tàn phai đó, để cảnh báo nguy cơ tàn phá như Âu châu đã gặp ba lần trong lịch sử cận đại....

Đáng lẽ ra, người ta đã có thế thấy mối nguy từ năm 1991, khi Liên bang Xô viết tan rã và nước Đức tái thống nhất (lần trước là vào năm 1871...) Hai chục năm sau thiên hạ mới loáng thoáng nhìn ra vì có hai chục năm ảo, đánh dấu từ Hiệp ước Maastritch năm 1992 để lập ra Liên Âu và tiến tới United States of Europe. Bên kia có USA, bên ta có USE.

Bây giờ, trở lại chuyện bầu cử tại Âu Châu.

Từ năm 2008 đến nay, cuộc khủng hoảng Âu châu đã khiến 11 chính quyền tại chức bị cử tri đuổi về. Lần mới nhất là khi Tổng thống Nicolas Sarkozy của Pháp thất cử hôm mùng sáu vừa qua. Sau này và năm tới, sẽ còn nhiều trường hợp khác. Đó là về trung hạn. Trong ngắn hạn và lý do khiến các thị trường tài chánh tơi tả dù ai cũng đoán ra kết quả bầu cử tại Pháp chính là cuộc bầu cử quốc hội Hy Lạp.

Chính quyền Hy Lạp đã đổ từ năm ngoái và chính phủ lâm thời hiện do hai đảng lớn liên minh với nhau trên cái trục "tả-hữu" là đảng Pasok cánh tả và đảng Tân Dân chủ cánh hữu. Cuộc bầu cử Quốc hội hôm mùng sáu chẳng những làm liên minh này sụp đổ mà còn cho thấy sự xuất hiện của phong trào cực hữu, kết tinh vào đảng Kim Bình Minh (bình minh nạm vàng chứ không phải bình minh màu vàng).

Các đảng lớn đều bị cử tri trừng phạt và đưa lên những đảng cực đoan ở vùng biên tế, mạnh nhất là từ phe cực hữu với chủ trương đề cao tinh thần quốc gia dân tộc và bài ngoại.

Hiệu ứng cực hữu tại Hy Lạp cũng được phản ảnh tại Pháp khi đảng "Mặt trận Quốc gia" (Front National – FN) đã lần đầu tiên đạt được mức hậu thuẫn kỷ lục của 18% cử tri. Chủ đích của lãnh tụ FN, nàng Marine Le Pen, là cho Sarkozy về vườn, cho đảng trung hữu UMP của ông tan tác, để FN sẽ vào Quốc hội sau cuộc bầu cử Lập pháp tháng tới, và trở thành lực lượng đối lập chính. Nước Pháp cũng có bình minh nạm vàng với hiện tượng FN và nàng Marine.

Do đó, tương lai sẽ là sự vàng vọt.

***


Vì sau những biến động chính trị liên tục tại Tây Ban Nha, Ý Đại Lợi và Hoà Lan, kết của bầu cử Pháp-Hy đó cho thấy rằng người dân Âu Châu đã phủ nhận hai ảo tưởng vừa nói ở trên.

Thứ nhất, quyền tự do di trú trong một Âu châu hết cương vực là sai, và hiệp ước di trú ký kết tại Schengen năm 1985 là một lầm lẫn. Cánh hữu không muốn di dân xứ khác tràn vào sinh sống và móc túi hoặc cướp mất việc làm của họ. Trong cánh hữu đó của Pháp, có nhiều thợ thuyền đảng viên Cộng sản đã cực kỳ bất mãn mà bỏ phiếu theo đúng bản năng, là cực hữu, là cực kỳ bảo thủ, và dồn phiếu cho mặt trận FN của Marine Le Pen.

Người ta đã lầm theo trí thức Âu châu trong cả thế kỷ mà gọi cộng sản là cực tả, nhưng đấy là chuyện khác!

Khi bị thất thế, Tổng thống đương nhiệm (cho đến ngày 15 này) Sarkozy vội rượt theo con tầu đang lăn bánh mà đòi xét lại Hiệp ước Schengen, nhưng không kịp. Còn Tổng thống tân cử François Hollande thì tránh nói đến chuyện ấy, nhưng cũng biết là rất nhiều người trong cánh tả của đảng Xã hội của ông và những mảnh vụn cực tả khác rất hoài nghi việc thống nhất Âu châu.

Sở dĩ như vậy là vì ảo tưởng thứ hai, về kinh tế.

Việc thống nhất kinh tế Âu châu không đem sự thịnh vượng cho mọi người mà là một bất công!

Thiểu số ưu tú là doanh gia, nhà đầu tư, các ngân hàng, và giới công chức quốc tế trong cơ chế Âu châu đang ngồi mát ăn bát vàng tại Bruxelles hay Stratbourg thì thích chuyện ấy và ngợi ca kinh tế thị trường mở rộng ra toàn cõi Âu châu cho 500 triệu dân. Chứ thành phần trung lưu và bình dân thì bị thiệt hại từ vụ khủng hoảng 2008, mà lại còn cảm tưởng như bị... "cạnh tranh bất chính" từ đám di dân nghèo hơn. Từ miền Đông thì có dân Ba Lan tiêu biểu của Đông Âu rách rưới, từ miền Nam thì có dân Bắc Phi hay Hồi giáo....

Trong không khí bài ngoại đó mới có chuyện giảm chi và kế hoạch khắc khổ kinh tế mà 25 nước Âu châu đã đồng ý từ Tháng Ba và ngày nay từng nước đang đòi xét lại. Mới nhất và mạnh miệng nhất là Pháp. Sarkozy bị ghét bỏ vì phong cách riêng nhưng còn có tội vì là một kiến trúc sư cho kế hoạch đó, người kia là Thủ tướng Angela Merkel của Đức.

Thuộc dòng hậu duệ của Charles de Gaulle, kiến trúc sư của chiến lược liên minh với Đức thời xưa, Sarkozy là nạn nhân của liên minh đó.



***


Bây giờ mới đến chuyện Pháp-Đức.

Giàu có nhất, kỷ luật nhất về chi thu và nhờ đó cũng có lợi nhất trong dự án thống nhất kinh tế Âu châu - bên trong có 17 nước thống nhất tiền tệ - Cộng hoà Liên bang Đức thấy rằng các nước không thể chi quá sức thu và tiếp tục vay tiền để tăng chi quá mức nên chủ trương giảm chi. Nhất là khi Đức là quốc gia phải bóp bụng tài trợ việc chuộc nợ cho các nước đang bị khủng hoảng. Hãy cố giảm dần mức bội chi ngân sách để tiến tới quân bình. Một nền kinh tế nhỏ như Hy Lạp thì còn có thể cứu được nguy cơ vỡ nợ hầu còn cứu lấy đồng Euro, chứ nước nào cũng noi gương xấu của Hy Lạp mà tiếp tục chánh sách bao cấp và chi tiêu bừa phứa thì Âu châu sẽ không có tương lai.

Và nhất là cử tri Đức không chấp nhận việc dân Đức tung tiền cho các nước khác tăng chi để mua phiếu của dân chúng theo kiểu báo cấp cố hữu.

Trong ngần ấy cuộc bầu cử cục bộ tại Đức, đảng CDU và liên minh cầm quyền của bà Merkel đều thất cử. Nếu đà này tiếp tục, qua cuộc bầu cử cuối năm tới, bà Merkel cũng sẽ xếp hàng thất nghiệp sau các lãnh tụ như Luis Rodriguez của Tây Ban Nha, Sylvio Berlusconi của Ý, George Papandreou của Hy Lạp, Mark Rutte của Hoà Lan và Nicolas Sarkozy của Pháp....

Vì vậy, nước Đức sẽ khó nhượng bộ.

Từ ban đầu, kiến trúc Âu châu dựa trên liên minh Pháp-Đức, với sự hỗ trợ của Hoà Lan trong khối Benelux nguyên thủy. Kiến trúc đó đang rạn nứt và người ta không trở lại thời điểm 1992 huy hoàng của Hiệp định Maastricht, tờ khai sinh ra Âu châu thống nhất. Người ta trở lại Âu Châu thời 1930, hay xa hơn nữa....

Lý do là dưới sự lãnh đạo của một chính khách đắc cử bất ngờ - vì François Hollande vốn dĩ tài hèn sức mọn so với khuôn mặt sáng giá hơn của đảng Xã hội là Dominique Straus- Kahn, sáng giá đến tan nát vì mảnh quần hồng – nước Pháp từ nay bỗng dưng thành mũi xung kích đại diện cho các nước nghèo hơn ở miền Nam để đòi hỏi đại gia là nước Đức phải thoả mãn yêu cầu của họ.

Xin nói qua về địa dư chính trị: Pháp là quốc gia cực Tây của đại lục địa Âu Á, nhưng cũng là bản lề Nam Bắc của khu vực Tây Âu.

Pháp có miền Bắc tiến bộ và tiếp cận với biển Bắc của các nước Âu châu tiên tiến nhất. Nhưng Pháp cũng có miền Nam tiếp giáp với Địa Trung Hải và các nước nghèo nhất Âu châu. Nước Pháp đã thống nhất được ngôn ngữ, văn hoá và chính trị để thành cường quốc Âu Châu từ thế kỷ 17. Nhưng nhờ công lao tàn phá của Napoléon Đại đế mà Pháp không đương cự nổi nước Đức khi dân Đức thống nhất quốc gia. Chiến thắng năm 1871 đánh dấu việc đó.

Sau ba cuộc đại chiến, liên minh Pháp Đức đã phần nào duy trì được hòa bình và thịnh vưọng.

Chiến lược cực kỳ xuất sắc của Pháp, từ de Gaulle cho đến thời nay, là dùng cái lực của Đức mà tạo cái thế cho mình. Chuyện ấy đã xong. Khi quyết liệt tăng chi để tăng trưởng và chống lại kế hoạch kiệm ước khắc khổ của Đức, Pháp ra khỏi chiến lược đó  - và sẽ bẻ gãy bàn lề Nam-Bắc.

Nghĩa là để Âu châu trôi lại vào bản năng cố hữu. Đèn nhà nào nhà ấy rạng, mạng người nào người ấy giữ. Chủ nghĩa dân tộc cực đoan đang hồi sinh, dân Âu châu sẽ nhìn nhau như kẻ quịt tiền hay cướp việc của mình. Đấy là thời của các lãnh tụ cực hữu đầy chất hùng biện ma quái. Xuất sắc nhất trong số này là Adolf Hitler, nổi lên từ vụ Tổng khủng hoảng 1929.

Chúng ta đang chứng kiến màn cuối của một vở kịch đẹp. Qua màn sau, chúng ta có thể gặp bi kịch của sự tàn phá - mà sự tan rã của khối Euro chưa phải là kinh hãi nhất....




Tổng số lượt xem trang