Thứ Hai, 14 tháng 5, 2012

Phóng viên VOV bị đánh: Báo động tình trạng phạm pháp của cảnh sát


Việc 2 phóng viên VOV bị lực lượng cảnh sát đánh đập dã man trong vụ cưỡng chế ở Văn Giang đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng vi phạm pháp luật trong công tác thực thi nhiệm vụ của lực lượng này đối với người dân.
Ngày 24/4/2012, hai nhà báo của Trung tâm tin, Đài tiếng nói Việt Nam (VOV) là Nguyễn Ngọc Năm và Hán Phi Long, khi đang tác nghiệp trong vụ cưỡng chế đất tại xã Xuân Quang, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên đã bị lực lượng CA cả mặc sắc phục và thường phục của huyện Văn Giang, Hưng Yên đánh đập dã man. Clip về vụ "đánh hội đồng" này thực sự là tiếng chuông báo động đỏ về cách sự hành xử lạm quyền của nhiều cá nhân trong hệ thống lực lượng chấp pháp.
Việc các cán bộ công an, cảnh sát đánh đập người dân trong khi thực hiện nhiệm vụ đã thể hiện sự vi phạm pháp luật, mất đạo đức và cả sự yếu kém trong thực thi pháp luật.

Thậm chí trong một số trường hợp nhiều cán bộ công an, cảnh sát đã dường như 'mặc nhiên' coi mình có toàn quyền đàn áp dân để thỏa mãn bức xúc cá nhân trong từng hoàn cảnh cụ thể mà bỏ qua tư duy và qui định của người thừa hành nhiệm vụ giữ gìn ANTT trong khuôn khổ pháp luật. Điểm lại, thực tế trong các vụ việc vi phạm của cán bộ công an, có rất nhiều cán bộ, chiến sĩ mắc vi phạm với tuổi đời, tuổi nghề còn trẻ, như vậy hệ thống giáo dục đạo đức, tác phong, kiến thức nghiệp vụ của ngành công an quả là có vấn đề khi đào tạo ra những cán bộ non kém về nghiệp vụ dẫn đến hành xử trình độ kém, thiên về sử dụng 'vũ lực thô thiển'.
Báo động về tình trạng vi phạm pháp luật của lực lượng cảnh sát!
Hiện hai nhà báo cho biết, cả hai đều tác nghiệp trong khu vực cho phép.
Trở lại vụ 2 nhà báo VOV bị hành hung, nếu đúng như những gì được mô tả trên clip thì lực lượng cưỡng chế, với rất nhiều công an mặc thường phục và quân phục đã hành xử non kém, manh động. Cả nhóm công an, cảnh sát đã có hành vi đánh đập dã man 2 nhà báo theo kiểu đánh hội đồng, đánh theo tâm lý đám đông, 'đánh cho sướng tay' trong khi hai nhà báo thực tế đã không có hành vi chống đối nghiêm trọng nào. Rõ ràng trong vụ này, công tác phối hợp, điều hành của lực lượng công an tại hiện trường đã bị khủng hoảng, mất phương hướng, dẫn tới hành vi thực thi mất kiểm soát, thậm chí vi phạm pháp luật.
Việc 2 nhà báo của Đài Tiếng nói Việt Nam bị lực lượng công an hành hung khi đang tác nghiệp ở Văn Giang - Hưng Yên đang dấy lên nhiều luồng ý kiến khác nhau. Trong đó, không ít ý kiến cho rằng vị trí tác nghiệp của các nhà báo là vị trí bị cấm.
Tuy nhiên, trao đổi với báo Giáo dục Việt Nam, nhà báo Nguyễn Ngọc Năm, Bí thư chi bộ, Trưởng phòng Thời sự, Đài Tiếng nói Việt Nam cho biết: “Nơi mà chúng tôi đứng không phải khu vực cấm. Bởi vì đó là khu vực nhà văn hóa xã Thuận Quang, huyện Văn Giang.
Nhà văn hóa này nằm ở khu vực tiếp giáp với nghĩa trang xã Thuận Quang và là nơi ngăn cách lực lượng cưỡng chế đang dàn quân làm nhiệm vụ với bên kia là một số người dân huyện Văn Giang.
Sau một thời gian quan sát, tôi và anh Hán Phi Long tách nhau ra. Tôi đứng bên trong hành lang của nhà văn hóa, còn anh Long đi ra phía ngoài khu vực tường bao của nhà văn hóa. Ở tất cả các vị trí trên đều không có biển cấm hay bất kỳ dấu hiệu nào thể hiện đây là khu vực cấm".
Báo động về tình trạng vi phạm pháp luật của lực lượng cảnh sát!
Nhà báo Nguyễn Ngọc Năm (bên trái) và nhà báo Hán Phi Long (bên phải) đã bị những người mặc sắc phục công an hành hung ở Văn Giang - Hưng Yên khi đang tác nghiệp ngày 24/4/2012. (Ảnh: Người lao động)
Được biết, tại cuộc họp báo chiều 23/4 (trước vụ cưỡng chế 1 ngày), lãnh đạo tỉnh Hưng Yên đã thông báo là báo chí được tới những nơi không phải là hiện trường vụ cưỡng chế để tác nghiệp.

Trả lời báo chí, bà Nguyễn Lan Hương, Trưởng ban Thư ký biên tập, Đài Tiếng nói Việt Nam cũng khẳng định: “Hai nhà báo đã thực hiện đúng quy định và tác nghiệp ở những nơi không phải là hiện trường vụ cưỡng chế để tác nghiệp”.

Bà Hương cho biết thêm, ngày 3/5, Trung tâm Tin – VOV đã có văn bản gửi Giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên đề nghị làm rõ vụ việc. Bên cạnh đó Liên Chi hội nhà báo VOV đã có văn bản gửi Hội Nhà báo Việt Nam. Ngày 8/5, VOV đã có văn bản gửi Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ TT&TT về vụ việc này.

“Sự việc xảy ra đã nửa tháng nhưng đến nay Công an tỉnh Hưng Yên vẫn chưa có một động tác nào cả việc trả lời hay chưa trả lời” – bà Hương nói.
Theo lời ông Năm, trong bản tường trình, ông đã yêu cầu ông Giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên trả lời những vấn đề sau: Thứ nhất, yêu cầu lãnh đạo công an Tỉnh Hưng Yên có một cuộc làm việc riêng với lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam về vấn đề trên; thứ hai, chỉ rõ ai là người ra lệnh đánh phóng viên, những ai thực thi lệnh này, họ bị xử lý, kỷ luật như thế nào? Công an Tỉnh Hưng Yên phải có trách nhiệm bồi thường tổn hại sức khỏe, tinh thần cho các nhà báo bị hành hung.
Theo Luật sư Hoàng Ngọc Biên, Trưởng Văn phòng Luật sư Cát Tường – Đoàn Luật sư TP.Hà Nội, người cán bộ, chiến sỹ CAND trong khi thi hành nhiệm vụ là thực hiện việc duy trì an ninh trật tự; thu thập chứng cứ, lấy lời khai của người có hành vi phạm tội… chứ không có chức năng uy hiếp, đánh đập người có hành vi phạm pháp luật. Trong trường hợp người dân có hành vi chống đối thì người cán bộ, chiến sỹ Công an mới có thể sử dụng những biện pháp mà pháp luật cho phép để bảo đảm bắt tạm giữ, tạm giam... Do vậy, nếu người cán bộ, chiến sỹ CAND có hành vi sử dụng vũ lực ngoài những trường hợp cho phép thì hành vi này không những vi phạm điều lệ người chiến sỹ CAND mà tùy mức độ có thể bị xử lý kỷ luật, xử lý hành chính hoặc bị truy tố, xét xử theo điều 107 (tội “Gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác trong khi thi hành công vụ”) hay điều 97 (tội “Làm chết người trong khi thi hành công vụ”).
Trước đó đã xảy ra hàng loạt vụ cán bộ, chiến sỹ cảnh sát sử dụng vũ lực trái pháp luật khi thực hiện nhiệm vụ.
Cuối tháng 7/2010, dư luận xôn xao về vụ thiếu úy CA Nguyễn Thế Nghiệp (SN 1985), Đội CSĐT tội phạm về trật tự xã hội Công an huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang trong khi xử lý hành vi vi phạm giao thông đã có hành động đánh đập dẫn đến tử vong người vi phạm là anh Nguyễn Văn Khương (SN 1989, làm nghề lái xe, trú tại xã Hồng Thái, huyện Việt Yên). Sự việc đã gây bức xúc khiến người thân và hàng trăm dân địa phương kéo lên bao vây trụ sở UBND tỉnh Bắc Giang.
Ngày 28/2/2011 đã xảy ra vụ trung tá Nguyễn Văn Ninh, CA phường Thịnh Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội trong lúc xử lý vi phạm giao thông đã cùng với một số dân phòng đánh gãy cổ ông Trịnh Xuân Tùng (54 tuổi, ở Hai Bà Trưng). Ông Tùng bị chấn thương và tử vong 1 tuần sau đó.
Báo động về tình trạng vi phạm pháp luật của lực lượng cảnh sát!
Nguyên Trung tá công an Nguyễn Văn Ninh bị xử 4 năm tù vì đánh chết người vi phạm giao thông
Ngày 10/4/2011 Công an tỉnh Sóc Trăng cũng chính thức khởi tố vụ án “Cố ý gây thương tích dẫn đến chết người” xảy ra trước cổng Công an thị trấn Ngã Năm, H.Ngã Năm (Sóc Trăng). Sự việc liên quan tới 3 cán bộ công an thị trấn Ngã Năm đánh đập, tra tấn dẫn tới tử vong nạn nhân.
Ngày 8/5/2012, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa bắt tạm giam bốn tháng đối với hai bị can Nguyễn Đăng Khoa - nguyên thiếu úy, y sĩ và Võ Thành Phương - nguyên thượng sĩ, là cán bộ trại giam A2 Bộ CA (đặt tại xã Diên Lâm, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa) về tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người. Theo điều tra ban đầu của Công an tỉnh Khánh Hòa, ngày 28-4 hai ông Khoa và Phương đã có hành vi đánh phạm nhân Nguyễn Chí Dũng (35 tuổi, ở TP Nha Trang, đang thi hành án) khiến phạm nhân này tử vong sau đó. Vụ việc đã khiến nhiều phạm nhân kích động, la ó, đập phá, gây mất trật tự nghiêm trọng tại trại giam...
Trên đây chỉ là sơ bộ nhắc lại một số vụ việc tiêu biểu trong việc ra tay quá trớn của lực lượng CA thực thi công vụ, còn vô số các vụ khác ở mức độ nhỏ hơn chưa được đưa lên báo chí hoặc không được nhắc tới nhiều. Số lượng các vụ mắc lỗi đánh người, trấn áp quá mức cần thiết khi thi hành công vụ của lực lượng CA dường như xảy ra ngày càng nhiều và chưa có chiều hướng thuyên giảm. Chưa kể, có thể dễ dàng tìm kiếm trên Internet rất nhiều những đoạn clip ghi lại hình ảnh lực lượng cảnh sát cơ động, công an đánh đập người dân và bị phản đối.
Sau mỗi vụ việc nổi cộm, hầu hết các cá nhân CA mắc vi phạm trong ngành đều bị xử lý, nhiều cán bộ đã bị truy tố, tước quân tịch, phạt tù. Tuy nhiên với tình trạng vi phạm ngày càng tăng, số lượng các vụ việc công an, cảnh sát đánh dân xảy ra cũng ngày càng nhiều, và tạo nên một cái nhìn không đẹp, thậm chí là tiêu cực trong một bộ phận không nhỏ người dân về hình ảnh của lực lượng giữ gìn pháp luật.
HƯỚNG MINH – VĂN CHIÊU

Tổng số lượt xem trang