Chủ Nhật, 27 tháng 5, 2012

“Ngang qua cuộc chơi”…nào?

(Tamnhin.net) - Tôi chưa gặp Trần huy Thuận ngoài đời, chỉ gặp ông trong những bài viết mà tôi rất thích của ông.

Khi ông gửi cho tôi bản thảo cuốn sách mà ông sắp in, cuốn “Ngang qua cuộc chơi”, tôi được đọc thêm một số bài viết đăng ở các tờ báo khác.

 Thú thật, qua những bài viết của ông và khi biết ông cũng người Hà Nam,  tôi cứ tự hỏi, cái ông Trần Huy Thuận này có là cháu chắt, chút chít gì không với với cái ông họ trần nổi tiếng – Trần Tế Xương?

Bởi, ngòi bút Trần Huy Thuận cũng sắc bén, theo cách của “Hà Nam danh giá nhất ông cò”…

Đọc những bài viết như: Dân “hỗn” ; Ngu Lâu ; Cái mặt không chơi được ; Ngự ngay giữa mặt là cái mũi ;

Buôn gì lãi nhất?  vv…

Tôi thực sự thấy gai gai, thấy ngòi bút của ông đã lách vào từng đường gân, thớ thịt của cuộc sống, của vấn đề mà ông đặt ra.

Ông viết về cái mắt, cái mũi, cái mồm, cái tai…Những cái rất cụ thể, rất đời thường, nhưng lại sâu xa ở cái đích mà ông nhắm đến.

Đọc bài viết, biết ông là người có học. Cái có học mà tôi muốn nói là cái chiều sâu của ngôn từ, cái minh triết trong lý giải sự việc một cách thấu đáo, cái cách mà ông nhắm tới người đọc không hời hợt, qua loa,  một chiều như tình trạng nhiều bàì viết hiện nay.

Các bài viết của ông đều nhắm tới sự thật, sự thật đa chiều, sự thật của nhiều hiện trạng xã hội bức bối.

Nói thật mất lòng. Các cụ ngày xưa bảo thế.

Nói thật đôi khi không những mất lòng mà còn có thể mất nhiều thứ. Người nói thật được một sự thật: Mất

Được một sự thật: bạc đầu …

Tôi thấy (Qua ảnh) Trần Huy Thuận cũng đã bạc đầu rồi !

 Lại nhớ câu thơ của cụ Tú Xương “Tham tiền cột mỡ lắm anh leo”.

Bây giờ, tham tiền người ta đâu chỉ leo cột mỡ, có thứ cột còn trơn hơn mỡ mà vẫn khối người leo. Quyền lực ! Mà leo tài thật, loáng một cái đã lên tít trên cao …

Ấy là tôi nghĩ từ “Xung quanh một chữ… quyền” bài viết mới đây của Trần Huy Thuận …

Không biết Trần Huy Thuận ngang qua cuộc chơi nào, chứ ngang qua cuộc chơi nói thật mất lòng này là…Mệt lắm!

 

                     Dương Kỳ Anh

 
* Sách do nhà XB Văn Học ấn hành, công ty TNHH Sài Gòn phát hành trong cả nước

(Tamnhin.net) - Quyền có loại do tự nhiên mà có, Trời sinh ra đã có, cho dù người đó là người như thế nào, dòng dõi ra sao, sinh sống ở đâu và làm việc như thế nào - Đó là quyền con người, bao gồm những Quyền rất cụ thể như quyền bình đẳng, quyền tự do, quyền được học hành, quyền được sống, quyền được chăm sóc y tế...

 

 

Khi một người đến tuổi Công dân thì có thêm quyền công dân, quyền làm chủ đất nước. Nơi tập trung quyền lực của đất nước là Nhân dân (HCM: "quyền hành và lực lượng đều nơi dân ") – Quyền lực ấy được thể hiện tại Hiến pháp và Pháp luật. Và "Ý chí của nhân dân là cơ sở tạo nên quyền lực của chính quyền - Điều 21 Tuyên ngôn thế giới về quyền con người 1948». Cơ quan Lập pháp, cơ quan Hành pháp, cơ quan Tư pháp, các tổ chức chính trị, xã hội... đều có trách nhiệm tôn trọng và phát huy quyền này. Trình độ văn minh, dân chủ của một quốc gia được đánh giá bằng mức độ thực thi loại quyền tự nhiên này. Chế độ Phong kiến còn biết lấy dân làm gốc, không lý gì con người trong xã hội hiện đại, Người Dân lại không được thực thi quyền dân chủ. 
Có loại quyền được hình thành do vị trí và vị thế xã hội chính đáng của mỗi con người - quyền chức. Chức đến đâu Quyền đến đó. Quyền mà vượt chức là "tiếm quyền". Đồng phạm với tội tiếm quyền là tội "lợi dụng chức quyền" - Chức quyền trong tay mình hoặc "tay" người thân, để kiếm chác, để làm bậy, để chiếm đoạt, để hành hạ người dưới quyền... Chức càng cao quyền càng lớn – đó là lẽ thường tình. Điều cần ghi nhớ là càng có quyền cao chức trọng, càng không được quên quyền chức của người dưới quyền, cũng như quyền của người không có chức. Họ vừa là số đông, vừa là cái nôi nuôi dưỡng nên cái quyền chức hiện tại của anh ; không có sự tồn tại của họ, quyền chức của anh thành vô nghĩa. Và quan trọng hơn, anh cần nhớ rằng: Khi xưa, anh cũng là một trong số họ! 
Chức phải chính danh - phải là chức được tạo lập từ năng lực thực có, từ kết quả học tập, rèn luyện, phấn đấu, hy sinh của bản thân,.. kết hợp với cơ may gặp vận hội và môi trường sống thích hợp - phải nói như thế vì thực tế không hiếm những người có tài, có trí tuệ thông thái hơn người, có hy sinh và đóng góp lớn cho đất nước... vẫn chịu sống với vị thế không tương xứng, không ai biết đến, không được trọng dụng. Huyênh hoang tự đắc với chức quyền của mình là một sự lố bịch!
Quyền mỗi cá nhân được đặt trong quyền của tổ chức, quyền của tổ chức phải đặt trong quyền của cộng đồng, của xã hội... và phải chống độc quyền, dù là độc quyền cá nhân hay độc quyền tập thể. Quyền này đích thực là thực quyền, bởi nó do thực lực của người có nó; nó chung lợi ích và mục đích với tổ chức, cộng đồng, xã hội. Nhưng cũng không hoàn toàn như vậy - cuộc đời vốn chả có gì tuyệt đối cả, vẫn tồn tại một thực tế là nhiều khi người có thực lực không có thực quyền, chỉ có hư quyền. "Hữu danh vô thực" là như vậy! 
Lại có loại Quyền cũng được tạo ra từ vị thế xã hội, nhưng là thứ vị thế do mua bán, chạy chọt, thoán đoạt, lừa đảo... mà có. Loại quyền này tuy không chính đáng, là hư danh, nhưng trong chừng mực chưa bị tước đoạt, vẫn là thực quyền, thậm chí nhiều khi còn vượt cả thực quyền. Quyền loại này thường được củng cố và phát huy bằng LỰC - lực của tập hợp, tập thể, tập đoàn, bè cánh, "bè lũ", "cánh hẩu", "cùng hội cùng thuyền", cùng " nhóm lợi ích"... Ngu dốt cộng với quyền lực trong trường hợp này sẽ trở thành độc đoán, thành bạo chúa độc tài là điều hiển nhiên.
Đã có quyền tất có lợi. Lợi từ lộc. "Lộc" đúng nghĩa khi lộc đó là lộc của Bề trên "ban thưởng" hay của "bề dưới" thực sự tự nguyện trả nghĩa, trả ơn. Không phải như vậy, "Lợi" đó chỉ có thể là của "đút lót", của "hối lộ". 
Quyền cần sự hỗ trợ của uy. Uy được tạo lập nhờ đức, nhờ nhân, nhờ tín, nhờ lễ, nhờ nghĩa. Nhưng cũng có "uy" được tạo lập do áp bức, áp chế, do cậy quyền cậy thế, do làm liều, do liều lĩnh, bạt mạng, bất chấp... Uy ấy là uy của mãnh thú, của bạo chúa.
Quyền phải có hạn. trong bất kỳ trường hợp nào quyền cũng phải có giới hạn ; vượt quá giới hạn là lạm quyền. giới hạn cụ thể nhất là không được xâm phạm quyền tự nhiên của con người, không được xâm phạm quyền tự quyết của một dân tộc, quyền độc lập, quyền toàn vẹn lãnh thổ của một quốc gia,... quyền mà vô hạn, là cái họa lớn nhất đối với cộng đồng, đối với xã hội, đối với cả loài người. quyền lực đến đâu cũng không được thoát ra, không được đứng trên công ước, luật pháp quốc tế; đứng trên hiến pháp, luật pháp quốc gia.
Quyền luôn gắn với trách nhiệm, nghĩa vụ. Quyền càng cao, Trách nhiệm càng lớn, Nghĩa vụ càng nặng nề. khi nói "quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất đối với một quốc gia", phải hiểu rằng quốc hội đó có trách nhiệm đại diện cho quyền lợi chính đáng của nhân dân, có trách nhiệm đảm bảo quyền dân chủ, quyền lập hiến, lập pháp, quyền hành pháp của nhân dân được thực thi. Tương tự vậy, Nguyên thủ Quốc gia là người nắm Quyền lớn nhất trong bộ máy hành pháp, nhưng trách nhiệm cũng rất nặng nề: Đối nội phải đảm bảo mọi hoạt động phải theo đúng hiến pháp và luật pháp; phải làm cho Dân giầu Nước Mạnh, Xã hội Văn minh; đối ngoại phải mở rộng bang giao đi đôi với giữ vững quyền Độc lập và sự vẹn toàn Lãnh thổ Quốc gia do Cha Ông để lại... Không có thứ Quyền thoát ly Nghĩa vụ, Trách nhiệm. 
Thế đây ! Quyền - Ai ai cũng muốn, cũng ham, cũng mơ ước thậm chí... thèm khát. Nhưng trước tiên hãy cùng nhau tìm hiểu thấu đáo về nó, mặc dù nó chỉ có một từ: QUYỀN!
(Tamnhin.net) - Thông lệ, chúng ta chỉ thường nghe nói đến hai từ "Thằng con", "Thằng dân", chứ không mấy khi nghe thấy những câu ngược lại. 

 

Hình minh họa: internet

 


Nay nghe nhà sư nọ trong một cuộc họp cơ quan Mặt trận cấp cơ sở đã phát biểu: "Phải sống và làm việc thế nào để dân không gọi bằng thằng!" mà thấy giật mình: Đạo đức xã hội ngày nay suy đồi đến mức ấy ư? Tôi không được nghe trực tiếp nhà Sư nói câu đó, nhưng thường ngày không phải là không nghe dân chúng nói năng hỗn hào như vậy - đương nhiên là nói vụng, nói sau lưng,nói chung chung thì có !... 

Mặc dù trong thực tế cuộc sống xưa nay vẫn xảy ra ở nơi này nơi kia, chuyện con cái gọi bố mẹ bằng "Thằng", bằng "Con", nhưng chỉ là cá biệt, chỉ ở những gia đình đã tha hoá nghiêm trọng về đạo đức, như kiểu nhận xét của nhà thơ trào phúng đất Non Côi Sông Vỵ: "Nhà kia lỗi phép con khinh bố; Mụ nọ chanh chua vợ chửi chồng". 

Xưa, Lưu Quang Vũ có một vở kịch nổi tiếng, có tên "Ông không phải là bố tôi" - người bố trong vở diễn này vẫn còn được người con gọi bằng "Ông", cho dù gọi một cách hận thù, khinh bỉ. Gia pháp sẽ thực sự bị thoá mạ, nếu trở thành phổ biến tình trạng con cái không gọi những người sinh thành nuôi dưỡng họ bằng cái từ quen thuộc bố, mẹ nữa! 

Tương tự, thi thoảng ở chỗ này chỗ nọ, cá biệt có người dân tức tối gì đó với cách giải quyết sự việc,hiện tượng không hợp lý cũng... sinh tệ chửi đổng, nói bừa. Chứ đến mức dân phải gọi ông này bà kia bằng "Thằng" hay "con" một cách phổ biến đến nỗi nhà sư nọ phải rung chuông báo động như vậy, thì tình hình đã trở nên thật sự nghiêm trọng, không thể cho qua! Thời phong kiến đế quốc dân gọi quan phủ bằng "Thằng" cũng là điều dễ hiểu, bởi trong hàng ngũ họ, tuy có nhiều người thanh liêm chính trực, làm việc vì dân vì nước... nhưng cũng không hiếm kẻ chỉ chăm chăm bắt nạt, bức hại dân lành nhằm mục đích vinh thân phì gia. 

Nhưng nay thì khác. Hai từ Cán bộ (Cách mạng) do Bác Hồ đặt tên, nhằm nhấn mạnh trách nhiệm cũng như vinh dự được đem công sức và trí tuệ ra làm việc "có ích cho nước, có lợi cho dân", "chí công vô tư", "Hết lòng phụng sự tổ quốc, phụng sự nhân dân" và cũng còn bởi, Cán bộ "Là người đầy tớ trung thành tận tuỵ của nhân dân"... 

Suốt hai cuộc trường kỳ kháng chiến, Cán bộ với dân luôn tồn tại mối quan hệ gắn bó máu thịt. Dân không chỉ nuôi mà còn sẵn sàng hy sinh thân mình để bảo vệ Cán bộ - Bởi dưới con mắt người dân thời ấy, Cán bộ đồng nghĩa với Cách mạng, Cách mạng đồng nghĩa với Tổ quốc độc lập, đồng nghĩa với dân được dân chủ, tự do, ấm no hạnh phúc! Vì thế, hai từ Cán bộ luôn được dân vô cùng yêu quý, được nằm trang trọng trong trái tim mỗi người dân, từ người già đến con trẻ. 

Trong xã hội thời ấy, từ "Thằng" chỉ còn dùng để gọi bọn Việt gian bán nước, bọn tay sai đế quốc sài lang, bọn trộm cắp! Cuộc sống thời chiến gian khó nguy hiểm là thế, mà tình nghĩa Cán bộ - Nhân dân vẫn gắn bó một lòng, không mấy khi bị vẩn đục. Không chỉ dân yêu quý tôn trọng Cán bộ, mà chính Cách mạng - với người đại diện gần gũi là Cán bộ cũng rất hiểu và tin yêu dân. Có một câu hát nói về vai trò Nông dân nhưng cũng chính là nói về Nhân dân: "Không có Nông dân thì Kháng chiến ta không thể thành công!".

Vậy thì vì đâu mà bây giờ dân lại "hỗn" để nhà sư nọ phát biểu cảnh báo có tính báo động về quan hệ quan với dân không còn thân thiết nữa chăng? thậm chí coi thường nhau như vậy? Phải có nguyên nhân chứ? Người viết bài này xin phép được dẫn ngay một câu nói nổi tiếng của Hồ Chí Minh: "Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta. (Về Ðảng cầm quyền, ST, trang 15)" . Thì ra Hồ Chí Minh đã tiên lượng rất chính xác: Khi lòng dân bất ổn thì trước hết phải tìm nguyên nhân ngay  "Tiên trách kỷ hậu trách nhân" mà! Hồ Chí Minh còn cẩn thận căn dặn: "Dựa vào ý kiến của dân chúng mà sửa chữa cán bộ và tổ chức của ta. (Toàn tập, ST, 1984, T4, trang 521)".

Dân "hỗn" hay lòngdân bất an đều không thể được.Cần tìm ra nguyên nhân để sửa chữa sai lầm,phải tự kiểm tra lại cái tâm cái đức của con người ! Phải luôn ghi nhớ lời Bác dạy: "Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta". Câu ca dao cổ, nhưng vẫn rất "thời sự": "Bề trên ở chẳng chính ngôi, để cho kẻ dưới chúng tôi hỗn hào"!

Vậy đấy, dân "hỗn" hay bất an ? Đều cần thuốc chữa ?

Ngu Lâu ;
(Tamnhin.net) - Ngu lâu là sự ngu tệ hại nhất trong các loại ngu - tệ hại nằm ngay trong hai cái từ nghe có vẻ vô hại và hơi du dương ấy! Người ngu lâu là người chủ quan nhất trong những người chủ quan: Ngu mà chả bao giờ cho mình là ngu... 

 

 


Biết, nói không biết - ấy là biết!(Lão Tử) 

Ngu si hưởng thái bình (Lời cổ)

Ngu đồng nghĩa với dại. Ngược với ngu, dại là khôn. Vâng, “rồng vàng tắm nước ao tù, người khôn ở với người ngu bực mình!”. Lại nữa: “Làm tớ thằng khôn còn hơn làm thầy thằng dại!”. Ca dao xưa đã khẳng định như vậy. Ranh giới giữa ngu và dại là ngố. Dân An Nam ta xưa kia vốn rất tự tin, người ngoại quốc nào sang đến đất nước này cũng bị gọi là ngố: Tầu thì có ngố Tàu, Tây thì có Tây ngố, Nga ngố!

Để diễn tả cái sự ngu, dại, ngố, người xưa đã có rất nhiều hình tượng: dại như vích, ngu như lợn, ngu như bò, ngu như chó... Khi chê bai ai đó một cách nhẹ nhàng, thì nói: “Sao mà cậu dại như con vích vậy?”; hoặc “trông cứ như thằng Tây ngố ấy!”. Còn khi đã ví ai đó “ngu như chó” có nghĩa là đã tức về cái sự ngu của người ấy lắm rồi, tức đến tột đỉnh rồi, không thể chịu được nữa! 

Suốt nhiều thế kỷ, dân ta đã dùng những từ ngữ đó để nói về cái sự ngu, sự dại, sự ngố. Như vậy tưởng là đã quá đủ rồi, không khiến ai phải sáng tác thêm làm gì! 

Vậy mà mấy thập niên gần đây lại nảy nòi ra một hình tượng hoàn toàn mới: Ngu lâu! Mới nghe thì chả ra làm sao cả, chả có gì đặc biệt cả. Ấy thế mà càng ngẫm, càng thấy thấm thía. Ôi! Sao mà nó đúng đến dễ sợ vậy? Nếu tìm ra được tác giả đích thực của câu nói này, chắc đến phải đề nghị trao tặng bằng “tiến sĩ ngôn ngữ danh dự” cho người đó mất thôi (tiến sĩ danh dự thì không phải làm luận án, không mất công thi cử; hệ quả là không sợ bị gọi là học giả, bằng thật, cũng không bị nghi ngờ chạy điểm, cóp bài!). 

Ngu lâu là sự ngu tệ hại nhất trong các loại ngu - tệ hại nằm ngay trong hai cái từ nghe có vẻ vô hại và hơi du dương ấy! Người ngu lâu là người chủ quan nhất trong những người chủ quan: Ngu mà chả bao giờ cho mình là ngu; ngay khi đã nhận ra mình ngu lâu, mà vẫn cứ tiếp tục ngu, cứ ngu một cách vô tư trong suốt cả cuộc đời, ngu như kẻ “mộng du... ngu”, ngu triền miên và đôi khi còn đắc chí nữa! Cái tệ hại của ngu lâu là nó kìm hãm tất cả, cả người bị gọi là ngu lẫn người có liên quan đến anh ta! Đó là sự khác biệt cụ thể nhất của ngu lâu so với ngu như lợn, như bò, hay như chó!

Ngược với ngu là khôn. Song hành với khôn thường là ngoan! Cuộc đời có nhiều minh chứng (tuy không là tất cả) rằng kẻ khôn, thường là kẻ ngoan, chí ít cũng là kẻ biết cách ngoan! Dân gian gọi những kẻ khôn như thế là “khôn long khôn lỏi”, “khôn lọc khôn lõi”! Khi ở đâu đó hình thành hai ba phe phái, mà người phe mình khó thắng người phe đối thủ, thì cách lựa chọn đúng đắn nhất của mỗi phe, là dồn sự ủng hộ của mình cho kẻ ngoan, tức kẻ dễ sai khiến. Thế là ngoan nghiễm nhiên được đa số phiếu! Thực tế cuộc đời cho thấy, đã có không ít kẻ NGOAN leo lên đến tột đỉnh của sự “vinh quang”(!).

Cha ông ta, nhiều khi khiêm tốn cũng tự nhận mình không khôn: 

“Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn, người đến chốn lao xao!”

Nhưng đấy chỉ là một cách mỉa mai đời mà thôi. Các cụ đâu có dại? Năm tháng nếm trải mọi cay đắng, ngọt bùi của cuộc sống, mới rút ra được sự “dại” đó. Lớp hậu thế, nhất là khi còn đang ở thời buổi đua chen, đang ở tuổi hăng thi thố để “thiên hạ biết mình là ai”, thì học được chữ “dại” của các cụ là khó lắm lắm! Những kẻ ngu lâu, đâu có được cái cốt cách dại đó của cha ông!

“Khôn ngoan đến cửa quan mới biết!” là một kinh nghiệm đánh giá khôn - dại. Kinh nghiệm này cần nhìn ở cả hai phía: phía quan và phía dân. Được làm quan mà không biết tận hưởng lộc vua là dại, không khôn! Là dân mà đến chỗ công đường không biết biến báo, chạy vạy, không biết phong bao phong bì, có sao khai thật vậy, thì cũng là kẻ khờ khạo, chứ không khôn! 

Ở cái thành phố tôi, có tay Nghĩa xe bò nổi tiếng một thời. Anh ta chỉ làm nghề kéo xe bò thôi, vậy mà xây được nhà lầu lúc nào không hay! Cái thời mà tất cả đều là nhà cấp bốn (một tầng trệt, lợp ngói), thậm chí còn tranh tre nứa lá, mà nghe tin Nghĩa ngố xây nhà lầu, lấy mẫu tận Thủ đô, thì chả ngạc nhiên làm sao được? Thực khách dự bữa tiệc mừng nhà mới đều là những người khôn ngoan, rất muốn được Nghĩa ngố giải thích. 

Rượu vào rồi, Nghĩa mới thủng thẳng: “Có gì đâu, thiên hạ, kể cả các bác đây cũng vậy, đều chỉ thích khoe khôn, chẳng ai chịu nhận mình dại. Thế là Nghĩa này nhận mình dại, mình ngố! Mà đã ngố thì chả thằng khôn nào lại đi tranh giành thiệt hơn với ngố cả, đúng không? Thế là ngố đây vơ tất! Hóa ra chính thiên hạ dại, chính các bác dại, các bác ngố! Ngay như cái việc hôm nay, chỉ Nghĩa ngố này mới dám cả gan làm ngôi nhà lầu to đoành thế này, lại đàng hoàng mở tiệc khao nữa; chứ các bác có của nhiều đến mấy, bố bảo cũng chả dám. Lại không bị thanh tra kiểm tra ngay tắp lự ấy à! Còn Ngố thì chả ai thèm để ý, chả ai thèm chấp! Ai đi chấp với thằng Ngố kéo xe bò cơ chứ?”. Kết thúc buổi tiệc, có người mừng Nghĩa hai câu: 

“Khôn như chúng tớ - là khôn dại
Dại kiểu Nghĩa ngố - ấy dại khôn”!

Vậy ra hai chữ khôn, dại ở đời, không phải là chuyện dễ nhận biết! Bởi vốn dĩ, xưa nay: Đời chỉ toàn những người tranh khôn, mấy ai tranh dại như anh Nghĩa ngố ở thành phố tôi? Phải chăng đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự ra đời của hai chữ “ngu lâu”. Và phải chăng cũng còn bởi lẽ những người ngu lâu như chính người viết bài này, đâu có bao giờ tự cho mình là không... khôn? 
(Tamnhin.net) - Lâu nay chúng ta quen gọi loài người, với ý nói về một loại động vật cấp cao nói chung. Nhưng chỉ cần quan sát riêng cái bộ mặt, có lẽ cũng phải phân loài người ra nhiều loại, chí ít là hai: loại thứ nhất gọi là loại có tâm, có đức, có trí và loại thứ hai là loại không có những thứ đó. 

 

Ảnh minh họa nguồn Internet

 

Loại thứ nhất có đặc điểm như sau: Khi định làm một việc gì đó mà trong lòng cảm thấy không được thoải mái, phải đắn đo suy nghĩ nên hay không, thì người ta thường tự thấy ngượng ngùng, bẽn lẽn. Cao hơn tí nữa, thấy mình bối rối, mất tự nhiên sinh ra thẹn thò (thường thì cố giữ kín trong lòng nhưng nhiều lúc thì… thẹn ra mặt!). Lại có khi ngượng quá thì người ta còn nói: “ngượng chín cả mặt”. Thẹn gì chứ một khi thẹn với lương tâm thì cái sự thẹn ấy đã ở mức nghiêm trọng lắm lắm!

Xấu hổ là trạng thái nặng nề hơn ngượng và thẹn, ấy là khi người ta nhận ra mình thua kém người khác về một lĩnh vực nào đó; là khi người ta đã làm một điều không nên làm, một điều không xứng đáng với tư cách và trình độ của bản thân, không xứng đáng với sự tín nhiệm hoặc trông cậy của mọi người; hoặc là khi người ta nhận ra cái lỗi trong việc làm của mình. Xấu hổ có nhiều mức, nhẹ thì “xấu hổ quá, chả dám nhìn mặt ai”, nặng thì “xấu hổ chết đi được”! 

Tất cả các trạng thái dẫn ra ở trên đều xuất phát từ trong tâm, từ lòng tự trọng của mỗi người và được biểu hiện  một cách rất tự giác, rất tự nhiên. Nhiều khi việc sai quấy của họ chỉ mình họ biết, hoàn toàn không một ai biết, nhưng họ vẫn tự dằn vặt, tự thẹn với chính lương tâm họ… Ngay những người đóng vai hề mua vui cho thiên hạ (nghĩa là không phải kẻ thực sự làm điều sai quấy) cũng thường phải vẽ mặt, đeo râu, đeo mặt nạ chứ không dám chiềng cái mặt thật của mình ra.

 Loại thứ hai: Ngược lại với loại trên, khi làm một việc sai trái tỉ như nói một đáng làm một nẻo, tỉ như biết làm thế là sai quấy, là ti tiện, là tàn bạo, là dã man, là mọi rợ, là loạn luân, là thất đức… nhưng cứ phớt lờ đi mà làm, - miễn là việc làm ấy đem lại tiền của, danh vọng cho họ. Vì tiền, vì chức, họ không kể gi đến, không đếm xỉa gì đến thuần phong mỹ tục, đến truyền thống của tổ tiên, đến gia phong của gia đình, đến cái chuẩn mực văn hóa tối thiểu mà một con người sống ở trên đời cần phải có… Họ hành động không thấy ngượng, không thấy thẹn, không thấy xấu hổ, cứ chiềng cái mặt ra nhăn nhăn nhở nhở trước bàn dân thiên hạ… một cách trơ trẽn, trơ tráo, lì lợm. Đấy là những bộ mặt rất khó “lay chuyển”, nghĩa là rất khó phục thiện, khó trở thành người tử tế lắm – Như Nam Cao viết : Những bộ mặt “không thể chơi được”. Và trước những kẻ như vậy, người ta chỉ có thể nói: đồ mặt trơ trán bóng, đồ lì lợm, đồ mặt dày… 

Loại thứ hai này rõ ràng còn thua cả một số loài động vật, vì lẽ những phẩm chất biết thẹn, biết ngượng, biết xấu hổ không chỉ có ở mỗi loài người thứ nhất nói trên mà còn có ở cả một số loài động vật: Con mèo còn biết… giấu phân, con chó còn biết cụp duôi khi bị chủ mắng… 

Có người đã nói: “Nhìn mặt, tắt ti-vi!” – Nhưng với loại mặt thứ hai này, hẳn là không chỉ muốn làm có thế!

(Tamnhin.net) - Mũi là một bộ phận của cơ thể được "ngự" ngay giữa mặt, dưới mắt và trên mồm! Chỉ cái "vị thế" ấy của mũi đã cho thấy vai trò của nó quan trọng đến mức độ nào! 

 

 

mũi của con người (và động vật) có hai chức năng chính, thứ nhất là "hít thở" không khí (cùng với cái mồm), thứ hai là "ngửi" mùi (thông qua cơ quan khứu giác cư trú ở đây). 

Chức năng hít thở tác dụng đến sự sống mỗi người từng giây, từng phút như thế nào, chúng ta đều đã rõ - chỉ đến khi từ giã cõi đời, con người nói riêng và động vật nói chung mới không còn hít thở! 

Chức năng ngửi đối với con người tuy không ảnh hưởng trực tiếp đến sự sống còn, nhưng thiếu nó - mũi bị điếc chẳng hạn, trước mắt sự hưởng thụ của chúng ta sẽ mất đi một phần thi vị mà thiên nhiên ban tặng. Chẳng hạn đứng trước một bông hoa, chỉ thấy vẻ đẹp bên ngoài, ngoài ra không được thưởng thức hương vị thơm tho đặc trưng của nó... 

Và không chỉ có vậy, khứu giác còn giúp ta sớm nhận biết sự vật ngay cả khi mắt và tai chưa kịp phát hiện - ví dụ mùi khét của khói, sớm giúp phát hiện hoả hoạn, trước khi cái mắt nhìn thấy ngọn lửa bốc lên, còn đến lúc cái tai nghe thấy tiếng nổ "lốp bốp" của ngọn lửa thì thường là đã quá muộn! Thậm chí, có những công việc cái mắt, cái tai không làm được, mà chỉ duy nhất cái mũi làm được. Ví dụ, để phân biệt loại và chất lượng nước hoa, người ta phải nhờ đến tài ngửi của một số chuyên gia. Khi người ta yêu nhau, cái mũi là quan trọng lắm đó. Ấy là lúc nó "bén mùi" của nhau, đúng như Nguyễn Du đã mô tả: "Hương gây mùi nhớ trà khan giọng tình"!

Con người thông minh nói chung là nhờ bộ óc, còn con chó thông minh chủ yếu lại là nhờ... cái mũi. Chó khôn là chó có tài ... ngửi, tức tài đánh hơi (chẳng hạn, để phát hiện "ma tuý" của bọn buôn lậu "cái chết trắng", công an phải dùng đến tài đánh hơi của chó nghiệp vụ...) 

Nhưng chức năng của mũi không chỉ dừng lại ở hai cái đó, mà còn nhiều tác dụng khác không  kém phần quan trọng.

Đó là chức năng "biểu đạt tình cảm". Khi khó chịu điều gì đó mà chưa đến mức "đỏ mặt tía tai", thì người ta hay "nhăn mũi" lại. Ngược lại khi nghe được lời nói êm tai tâng bốc mình, thì trước khi "lên mây xanh", cái mũi thường phồng lên phập phồng! Lại nữa, khi con người đau khổ quá mà khóc, thì thường không chỉ đôi mắt chảy nước mà ngay cả cái mũi cũng có nước chảy ra!...

Đó là chức năng "can thiệp" vào nội tình của người khác, hoàn toàn không thuộc trách nhiệm của mình - chức năng... "nhúng mũi"! Cái trò nhúng mũi này có mặt ở khắp tất cả mọi lúc mọi nơi, từ công sở đến trường học, từ trong nhà ra ngoài đường... gây khó chịu, bực bội cho nhiều người! 

Đó là chức năng "do thám" hành vi của bạn bè, đồng nghiệp, hàng xóm... Dân gian gọi cái đó là trò "đánh hơi" vào công việc, vào đời sống riêng tư của người khác, để "tâng công" với chủ, để "lấy lòng" sếp, để "đẹp lòng" bề trên cũng như vì nhiều lẽ khác.... Muốn sống yên thân, mỗi chúng ta phải tìm cách lánh xa, cách ly những đối tượng ấy, càng sớm chừng nào càng tốt chừng ấy! 

Cái mũi còn là điểm yếu của một số loài vật mà từ lâu, con người đã biết khai thác rất... hữu hiệu: Để dễ dàng điều khiển, sai khiến con trâu, con bò, người ta dùng giây thừng xỏ mũi nó. Từ đó, muốn con vật đó đi theo hướng của mình, người chủ chỉ cần kéo cái giây thừng. Sau này, để ám chỉ một ai đó đã bị sống lệ thuộc người khác, chấp nhận sự sai khiến của người khác, dân gian cũng nói: "Cái thằng ấy đã bị... xỏ mũi rồi". 

Trẻ em nước ta không mấy em không từng đọc truyện chú người gỗ Pinochio. Sau khi đọc, các em sợ nói dối lắm, bởi truyện kể rằng, có một bà tiên đã làm phép cho chú mỗi khi nói dối thì chiếc mũi sẽ dài và nhọn ra mãi. Ôi! Giá mà ngày nay bà tiên còn có phép làm như thế đối với cả người chúng ta nữa nhỉ? Nếu vậy, ngoài đường sẽ tràn ngập những người mũi dài quá khổ mất?!.

Như vậy, vai trò của cái mũi trong cuộc sống là rất quan trọng. Quan trọng đến mức xưa nay mọi người vẫn bảo nhau: "Vuốt mặt phải nể mũi" - nghĩa là cái mặt có thể vuốt, nhưng cái mũi thì nên nể, đừng có động vào! Do đó, chúng ta nhất định phải luôn quan tâm chăm lo săn sóc, bảo vệ đến cái mũi của chính mình một cách chu đáo! Lại phải biết cách giáo dục nó làm sao để nó có được một đời sống văn hóa thực sự, không bao giờ làm cái việc nhúng mũi mũi hoặc đánh hơi kiểu súc vật đồi với đồng loại.


Buôn gì lãi nhất?  
(Tamnhin.net) - “Phi thương bất phú”! Nhưng thương gì, thương như thế nào để mau phú? Đó là câu hỏi thường trực của doanh nhân mọi thời đại. 

 

 

 

Lã Bất Vi thời xưa, học được cách làm giàu qua người bố: “Thưa cha, buôn gì lãi nhất?” – “Buôn vua!”. Lã Bất Vi thời nay không học bố mà học ở trường đời. Bố thì có một mà trường đời thì vô cùng; nên thời nay gần như nơi nào cũng có Lã Bất Vi, chả như thời Chiến Quốc, chỉ mỗi nhà Đại Tần có được một Lã Bất Vi, đã là ghê gớm lắm! 

Phương tiện buôn của Lã thời nào cũng giống nhau ở chỗ không chỉ dùng tiền mà còn dùng gái, dùng ngay chính vợ yêu của mình! Nhưng thời nay còn có những Lã sẵn sàng bỏ người tình để cưới vợ bé bất hợp pháp của vua – một kiểu Lê Lai liều mình cứu chúa, nhưng mang nội dung hoàn toàn hiện đại! Hiệu quả của phương tiện này thật khôn lường, vì nó trói vua suốt cả cuộc đời trong trách nhiệm của kẻ đỡ đầu, không thể dứt ra được. Quả là cách buôn thông minh nhất và cũng thật hời nhất!

Cách thức buôn của Lã thời nay khác xưa lắm lắm. Ngay đến Thuyết buôn vua cũng chỉ là con buôn của thế kỷ trước, của thời Năm Cam; chứ chưa thật sự… “đổi mới” như Lã thời hiện đại!

Tuy là một con người có tầm nhìn rất xa, nhưng Lã ngày xưa chỉ tập trung nuôi một Dị Nhân, công tử nước Tần thời đang bị làm con tin ở nước Triệu – như thế là… xoàng! Lã thời đại @ nuôi cùng một lúc hàng đống công tử mới – không phải là những con tin, mà là những người mấp mé trong quy hoạch. Cũng không chỉ nuôi một công tử nhà Tần, mà nuôi tất cả, bất chấp người đó thuộc Tần, Sở hay Triệu! Nghĩa là phải đa dạng hóa sản phẩm, phải quảng canh chứ không độc canh. Như vậy việc buôn mới thật sự chắc ăn, chắc ăn tới cả trăm phần trăm! 

Xưa Lã buôn vua chỉ nhằm kiếm lời thông qua mối quan hệ đặc biệt với vua, tức là một kiểu thu lợi nhuận gián tiếp – như thế cũng là… xoàng! Buôn vua để chính mình trở thành vua mới thật cao tay! Khi chính mình đã trở thành vua rồi, thì món hàng cũ rất dễ bị ném vào sọt rác và chính Lã lại biến thành hàng hóa cho các con buôn khác; nhưng để không bị sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đấy, Lã áp dụng chính sách hợp tác cùng có lợi, thực chất là lợi dụng nhau để thu lợi nhuận. Và điều đó chỉ Lã thời hiện đại này mới làm nổi. 

Thời bao cấp, thành phố quê hương tôi đã từng có hai nhân vật được dân gian đặt tên là “vua Đê”, “chúa Tịnh” cùng một số khác được phong ông hoàng như “hoàng Tập”, “hoàng Quynh”, “hoàng Túy” – cũng là những tay từ nghiệp buôn vua, trở thành một thứ vua chúa không ngai nổi tiếng lừng lẫy một thời, nhưng những « ông hoàng » này so với các vua không ngai thời nay thì làm nô tỳ cũng không đến lượt!

“Ra ngõ gặp Lã Bất Vi!” – Điều đó rồi đây rất có thể trở thành hiện thực, nếu như xã hội không có cách phát hiện và ngăn chặn chúng ngay từ bây giờ! Các bạn thử quan sát chung quanh mà xem! 

 

@ tamnhin.net -“Ngang qua cuộc chơi”…nào?

Tổng số lượt xem trang