Thứ Bảy, 12 tháng 5, 2012

Việc hai nhà báo bị hành hung ở Văn Giang, Hưng Yên: Chỉ lên tiếng khi không thể im lặng


Nguồn: /nguoicaotuoi

Khi tiếng kêu cứu “Chúng tôi là nhà báo đang làm nhiệm vụ, sao các anh lại đánh chúng tôi?”… của hai nhà báo Nguyễn Ngọc Năm, Hán Phi Long như lời cảnh báo, nhắc nhở chúng tôi, những đồng nghiệp về sự dấn thân trong nghề được coi là nguy hiểm này.
Sau buổi cưỡng chế thu hồi đất của 166 hộ dân tại xã Xuân Quan, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên trên các trang mạng xã hội xuất hiện video clip quay cảnh một nhóm người, trong đó có cả đối tượng mặc áo cảnh sát đánh người khiến cho dư luận hết sức bất bình. Ít hôm sau (sáng 2-5), báo cáo với Thủ tướng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Khắc Hào đánh giá, cuộc cưỡng chế “bảo đảm an toàn, không ai bị thương”. Không nói cụ thể clip nào, nhưng ông Hào còn cho rằng, “các phần tử chống đối trong và ngoài nước” đã “dàn dựng clip giả để vu khống, bôi nhọ chính quyền”. Ông còn mạnh miệng đánh giá, vụ cưỡng chế Văn Giang “các cơ quan thông tấn, báo chí chính thức đưa tin tuyên truyền ít, phản ứng chậm”, trong khi các mạng xã hội “phản ứng nhanh, đưa tin liên tục”. Tiếc rằng, khi nói điều này, ông Hào quên buổi họp báo trước đó cấp dưới của ông đã ban bố “lệnh cấm” các cơ quan báo chí có mặt trong buổi cưỡng chế (luật sư Bùi Đình Ứng đã phân tích lệnh cấm này trái phép). Chưa bàn về “lệnh cấm” này của tỉnh Hưng Yên, chỉ xin đề cập đến một vài nội dung liên quan đến video clip và hai nhà báo bị đánh tại buổi cưỡng chế.


Vì sao trong hai cuộc chiến tranh các nhà báo dấn thân vào mưa bom bão đạn để quay những thước phim, ghi chép những số liệu thì được bộ đội và các lực lượng dân quân hỏa tuyến, thanh niên xung phong sát cánh, chở che? Vậy mà trong thời bình thì nhà báo - đảng viên, trưởng phòng một cơ quan báo chí lớn của Trung ương phải oằn mình đau đớn dưới những cú đánh ác hiểm bằng gậy, dùi cui của những người “đồng chí”? Trong khi về lí thuyết, ở Việt Nam mọi công dân bình thường đều có quyền bất khả xâm phạm về thân thể và những nhà báo chân chính là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân được pháp luật bảo vệ.

Nguyên nhân nào khiến các nhà báo của một cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước trong tay không có bất kì thứ vũ khí nào lại bị chính lực lượng chức năng tham gia cưỡng chế, trong đó có cả công an mặc sắc phục, những người có trách nhiệm bảo vệ kỉ cương, pháp luật trực tiếp hành hung, đánh dã man như vậy? Trong khi công an và nhà báo có cùng mục tiêu là xây dựng và bảo vệ chế độ, bảo vệ Nhà nước. Và, không chỉ nhà báo mà với bất cứ ai, dù người vi phạm hay phạm nhân, thì quyền được nói, được trình bày không ai được phép truất đi, huống hồ ở đây lại là đồng chí, không có sai phạm gì mà họ còng tay, thu giữ điện thoại, Thẻ Nhà báo, Thẻ Đảng viên và tra cung như phạm tội? Gần đây ở nhiều địa phương, đơn vị, cán bộ hành xử với dân dối trá đến mất nhân cách, thậm chí coi thường kỉ cương, pháp luật, coi thường tính mạng người khác? Vụ việc ở Tiên Lãng, Hải Phòng cho thấy, dường như chính quyền chỉ lên tiếng khi không thể im lặng, chỉ nói thật khi không thể dối trá được nữa?
Nhà báo Nguyễn Ngọc Năm (trái) và Hán Phi Long
Vụ việc hành hung nhà báo ở huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên ngày 24-4-2012, khiến nỗi đau sẽ còn kéo dài không chỉ đối với hai nhà báo Ngọc Năm và Phi Long, mà nhiều người dân sẽ đặt câu hỏi, với nhà báo còn bị đối xử như vậy, thì với người dân bình thường họ sẽ ra sao(?).
Quả là khó lí giải khi Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Khắc Hào “trơn tru” báo cáo Thủ tướng: Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, các cơ quan chức năng của tỉnh và sự hỗ trợ tích cực của Bộ Công an, các lực lượng hỗ trợ thi công và cưỡng chế của huyện Văn Giang đã thực hiện tốt các phương án đề ra, bảo đảm an toàn về người và tài sản… vậy mà sau đó lại “bế tắc” khi vấp phải câu hỏi của nhà báo Nguyễn Ngọc Năm và Hán Phi Long ai là người ra lệnh đánh phóng viên, những ai thực thi lệnh này...! Việc chỉ ra ai là người ra lệnh, ai là người đánh hai nhà báo không khó khi việc cưỡng chế nằm trong kế hoạch của huyện, của tỉnh và việc phân công từng tổ nhóm phụ trách khu vực, ai chỉ huy đều hết sức rõ ràng.

Vì thế, khiến tôi và nhiều công dân khác sẽ đặt dấu hỏi về những báo cáo của Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hưng Yên với Thủ tướng liệu có đúng với thực tế (?).

Không chỉ báo cáo vụ cưỡng chế, ông Hào còn đánh giá “các cơ quan thông tấn, báo chí chính thức đưa tin tuyên truyền ít, phản ứng chậm”, trong khi trước đó, tại buổi làm việc về vấn đề xảy ra tại Tiên Lãng, Thủ tướng Chính phủ phát biểu: Báo chí của chúng ta trong trong thời gian qua, như cá nhân tôi đánh giá đã đóng góp rất tích cực trong việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, đồng thời làm tốt vai trò phản ánh, phản biện xã hội, tạo thành cầu nối, đa chiều, khách quan giữa chính quyền và người dân. Và những điều này đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận.

Với vụ việc trên, phải chăng chính quyền huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên không hiểu về những quy định của luật Báo chí? Cho nên, trong khi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo: Cưỡng chế cũng phải phù hợp quy định pháp luật với tinh thần không dùng vũ khí, không được để xảy ra chết người, không được dùng quân đội vào cưỡng chế… vậy mà huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên vẫn để xảy ra việc công an đánh hai nhà báo. Đau lòng ở chỗ, sau khi xảy ra vụ việc, trước sự kiên nhẫn tột cùng của hai nhà báo, thì huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên vẫn bình chân như vại và câu trả lời quen thuộc là chưa nhận được, chưa thấy báo cáo…(!?) Và, sau nửa tháng xảy ra vụ cưỡng chế và một tuần công văn của Đài Tiếng nói Việt Nam gửi đi, Chánh Văn phòng UBND tỉnh, đồng thời là Người phát ngôn của UBND tỉnh Hưng Yên Bùi Huy Thanh mới lên tiếng, phớt lờ giải thích về sự an toàn tuyệt đối mà trước đó Phó Chủ tịch báo cáo Thủ tướng và cho rằng chưa có cơ sở cho rằng người trong video clip là hai nhà báo Nguyễn Ngọc Năm và Hán Phi Long. Chưa cần xác định có phải nhà báo Nguyễn Ngọc Năm, Hán Phi Long là người trong video clip hay không và cũng không bàn tới việc tỉnh Hưng Yên nhận được công văn của VOV vào ngày tháng năm nào, nhưng việc các cơ quan liên quan huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên im lặng lâu đến thế khi sự việc hai nhà báo bị đánh và chiều cùng ngày (24-4) đã có báo cáo rõ ràng về vấn đề này đã đặt ra nhiều câu hỏi và đáng xem xét.

Ai đó nói rằng, chính quyền cơ sở chỉ trung thực khi không thể dối trá không phải là không có cơ sở. Có lẽ, việc thực hiện Nghị quyết TW 4 Khóa XI nên bắt đầu từ việc chấn chỉnh những cái tưởng chừng không lớn này?
Tuấn Đạt

Tổng số lượt xem trang