Thứ Năm, 14 tháng 6, 2012

Cải Tổ Lãi Suất Tại Trung Quốc

Nguyễn Xuân Nghĩa
Diễn đàn Kinh tế RFA - Ngày 120613
Thu tiền ký thác của dân để nuôi béo doanh nghiệp nhà nước

 
* RFA photo - Bảng lãi suất tiết kiệm ngân hàng SeABank tại Hà Nội hôm 11/6/2012 *

Ngày mùng bảy vừa qua, Trung Quốc đã cắt lãi suất ngân hàng để kích thích nền kinh tế có dấu hiệu trì trệ. Biện pháp đó được ban hành khi lãnh đạo kinh tế xứ này đang nói đến yêu cầu cải tổ hệ thống lãi suất của các ngân hàng để có một nền tảng tài chính lành mạnh hơn. Thật ra, việc hạ lãi suất vừa qua chỉ là phản ứng hốt hoảng chứ chưa là một bước cần thiết về cải cách như chuyên gia Nguyễn Xuân Nghĩa trình bày trong tiết mục Diễn đàn Kinh tế kỳ này.

 

Trung Quốc  và Việt Nam là ngoại lệ

Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nghĩa. Thưa ông, sau mấy tháng đầu năm có dấu hiệu lạc quan cho kinh tế toàn cầu, tình hình Tháng Năm bỗng lại có nhiều bất trắc khiến hàng loạt quốc gia cùng tung ra biện pháp kích thích kinh tế, trong đó có Trung Quốc và cả Việt Nam. Hôm Thứ Năm mùng bảy vừa qua, và là lần đầu tiên kể từ năm 2008, Trung Quốc giảm lãi suất huy động và tài trợ của các ngân hàng. Vì Bắc Kinh ban hành quyết định này khi đang nói đến yêu cầu cải tổ chế độ lãi suất ngân hàng, chúng ta cần tìm hiểu về sự yếu kém sâu xa của hệ thống ngân hàng Trung Quốc, với những liên tưởng tất yếu về trường hợp Việt Nam. Trước tiên, xin đề nghị ông trình bày cho bối cảnh của vấn đề.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Về bối cảnh, tôi xin được nhắc lại nguyên tắc vận hành của ngân hàng nói chung. Ngân hàng có chức năng ta gọi là "trung gian chuyển hóa tài chính", là huy động tiền bạc dư dôi trong kinh tế thành tiền ký thác và dùng một phần tiền đó tài trợ các sinh hoạt kinh tế dưới hình thức tín dụng. Khi huy động vốn như vậy, ngân hàng trả tiền lời cho người có tiền ký thác tính theo lãi suất ký thác. Khi cấp phát tín dụng thì ngân hàng thu tiền lời tính theo lãi suất tín dụng. Sai biệt giữa hai loại lãi suất tín dụng và ký thác là nền tảng của doanh lợi ngân hàng.

- Từ các ngân hàng mà nhìn ra ngoài thì lượng tín dụng cấp phát cho kinh tế có thể lên xuống, nhiều hay ít là qua hai yếu tố cơ bản. Thứ nhất là tỷ lệ của số tiền cho vay ra căn cứ trên số ký thác đã thu vào vì ngân hàng không thể tài trợ tất cả số tiền đã huy động được mà giữ một phần làm dự trữ để đáp ứng yêu cầu rút tiền ký thác của các trương chủ. Yếu tố thứ hai là lãi suất, vốn dĩ có chức năng điều tiết lưu lượng tiền bạc thu vào hay bơm ra. Chẳng hạn như nếu muốn bơm tiền kích thích sinh hoạt kinh tế thì người ta có thể giảm lãi suất tín dụng.

- Về kinh tế, khi cần quyết định về lượng tiền lưu hành nhiều hay ít, người ta có thể điều chỉnh mức dự trữ của ký thác, thí dụ như thu vào 100 đồng thì chỉ được cho vay ra 75 đồng thôi, và có thể khuyến khích việc gửi tiền vào ngân hàng nhờ lãi suất ký thác cao hơn, hoặc khuyến khích việc tiêu thụ và sản xuất nhờ lãi suất tín dụng thấp hơn. Những tính toán của nhà nước về điều tiết kinh tế như vậy chính là cơ sở cho các ngân hàng tính toán về kinh doanh.

Vũ Hoàng: Đó là nguyên tắc chung được áp dụng phổ biến cho các ngân hàng trên thế giới. Trường hợp của Trung Quốc thì sao mà người ta nói đến việc cải tổ chế độ lãi suất?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trung Quốc là một ngoại lệ quái đản mà Việt Nam lại học theo vì cùng một định hướng chính trị. Hôm 22 tháng trước, một giới chức Bắc Kinh nói tới yêu cầu cải tổ chế độ lãi suất hầu cho ngân hàng nhiều quyền hạn quyết định hơn để nâng cao hiệu năng chuyển hóa tài chính và khả năng cạnh tranh để phục vụ khách hàng. Sở dĩ có chuyện cải tổ vì các ngân hàng của xứ này bị kiểm soát chặt chẽ để làm công cụ cho chính sách kinh tế của nhà nước thôi chứ không để kiếm lời, với hậu quả là những lệch lạc và lãng phí tài nguyên.

 
VIETCOMBANK.-250.jpg
Chi nhánh ngân hàng Vietcombank Hà Nội hôm 11/6/2012. RFA photo   



Vũ Hoàng: Xin đề nghị ông mô tả hệ thống kiểm soát đó vì có thể giúp thính giả của chúng ta suy luận ra hoàn cảnh của các ngân hàng Việt Nam.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trên đại thể, các ngân hàng Trung Quốc và Việt Nam không có quyền quyết định về kinh doanh với chế độ lãi suất được nhà nước kiểm soát. Hệ thống ngân hàng của hai xứ này còn nằm dưới sự khống chế của ngân hàng quốc doanh, vốn được ưu đãi nhờ quy chế riêng. Bây giờ, ta nói về lượng tiền thu vào và bơm ra nhìn từ hai giác độ ký thác và tín dụng.

Trên đại thể, các ngân hàng Trung Quốc và Việt Nam không có quyền quyết định về kinh doanh với chế độ lãi suất được nhà nước kiểm soát. 
Ô. Nguyễn-Xuân Nghĩa
- Về tiết kiệm hay ký thác, sự quái tại Trung Quốc nằm trong chế độ kinh tế và xã hội xứ này. Chính sách mỗi hộ một con khiến đại đa số người trung niên ở vào tuổi năng động đều có tứ thân phụ mẫu trong nhà, là cha mẹ bên nội và bên ngoại. Một người đi làm là có bốn người cao niên ở nhà với yêu cầu về y tế, gia cư và hưu liễm rất cao mà vì xã hội chưa có đầy đủ những dịch vụ đó nên ai cũng phải tiết kiệm tiền bạc để phòng ngừa. Kết quả là Trung Quốc có mức tiết kiệm rất cao, đôi khi lên tới 50% lợi tức chứ không chỉ từ 30 đến 40% như các xã hội Á châu khác.

- Do chế độ lãi suất có kiểm soát, người có tiền tiết kiệm phải ký thác vào ngân hàng với lãi suất rất thấp, thực tế còn thấp hơn lạm phát, tức là lãi suất âm. Đó là hoàn cảnh chung của 300 triệu người sinh sống trong khu vực gọi là khá giả nhất tại miền Đông. 

- Về tín dụng tức là cho vay ra thì các ngân hàng thu nguồn tiền đó thì làm gì? Coi như khỏi trả tiền lời nhờ lãi suất ký thác quá thấp, các ngân hàng lại chủ yếu bơm tiền vào doanh nghiệp của nhà nước vì đấy là chính sách. Thành phần trung lưu khá giả và có quan hệ tốt với quan chức mà muốn kiếm lời cao hơn từ khoản tiết kiệm của họ thì có thể đem tiền vào nghiệp vụ đầu tư bất động sản và vì vậy càng thổi lên bong bóng đầu cơ.

 

Ngân hàng Nhà nước đổ tiền vào Doanh nghiệp Nhà nước

 

Vũ Hoàng: Ông vừa nhắc đến một chi tiết khiến thính giả Việt Nam rất quan tâm. Đó là các ngân hàng chủ yếu là của nhà nước lại ưu tiên trút tiền vào các doanh nghiệp cũng của nhà nước. Tức là ngân hàng và doanh nghiệp của nhà nước huy động tiết kiệm của dân chúng với lãi suất thấp để đưa vào những dự án đôi khi mà thường khi thì có giá trị kinh tế rất thấp. 

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa rằng từ một hiện tượng chung này, ta thấy ra hai chuyện. 

- Thứ nhất là sự bất công vì lấy tiền của dân với giá rất bèo mà người dân chẳng còn lối thoát nào khác. Thứ hai là sự bất lực khi doanh nghiệp nhà nước có nguồn tiền rẻ, không bị cạnh tranh nên cứ hay trút tiền vào nơi nào có lợi cho các đảng viên cán bộ mà bất kể tới giá trị kinh tế của dự án. Chế độ quái đản ấy mới giải thích vì sao mà hệ thống doanh nghiệp nhà nước có hiệu suất đầu tư rất kém nếu so với tư doanh mà vẫn tồn tại và lại còn được bảo vệ.

- Lý do chính trị ở đây là cầm đầu các doanh nghiệp hay ngân hàng của nhà nước lại là loại đảng viên cao cấp được ban Tổ chức Trung ương bố trí và cất nhắc vì các tiêu chuẩn ngoài kinh tế. Họ có thể là chủ tịch tổng giám đốc doanh nghiệp hay ngân hàng, thứ trưởng hay giám đốc cơ quan nhà nước có khi là chủ quản của doanh các nghiệp kia mà chỉ chịu trách nhiệm với đảng chứ không với quốc dân về quyết định của họ. Những vụ tai tiếng vang rền tại Trung Quốc và Việt Nam cho thấy điều ấy.

Doanh nghiệp nhà nước có nguồn tiền rẻ, không bị cạnh tranh nên cứ hay trút tiền vào nơi nào có lợi cho các đảng viên cán bộ mà bất kể tới giá trị kinh tế của dự án.
Ô. Nguyễn-Xuân Nghĩa
Vũ Hoàng: Chúng ta bước qua phần thứ hai là về yêu cầu cải tổ chế độ lãi suất. Thưa ông, có phải là lãnh đạo Bắc Kinh và Hà Nội thấy ra nhược điểm của chế độ kinh tế và chính trị này nên Trung Quốc nói đến cải tổ lãi suất và Việt Nam nói đến tái cấu trúc hệ thống ngân hàng? 

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Việt Nam thì nói cho vui thôi, hãy nghe lời phát biểu của lãnh đạo đảng thì ta biết. 

- Còn Trung Quốc có yêu cầu khách quan về kinh tế là phải nâng cao sức tiêu thụ của thị trường nội địa làm lực đẩy cho sản xuất thay vì chỉ trông cậy vào đầu tư và xuất khẩu. Về kinh tế thì vậy, về chính trị thì lãnh đạo xứ này cũng thấy ra nguy cơ động loạn xã hội trước sự bất mãn của dân chúng. Việc cải tổ chế độ lãi suất ngân hàng có thể đáp ứng hai yêu cầu kinh tế và chính trị đó.

- Chiều hướng cải tổ là các ngân hàng được nhiều quyền hạn kinh doanh hơn, như nâng lãi suất ký thác hầu huy động thêm tiết kiệm và trả tiền lời nhiều hơn thì cũng nâng cao lợi tức và khả năng tiêu thụ nội địa. Khi phải trả tiền lời cho khách ký thác theo sát với thực giá của thị trường, ngân hàng sẽ thận trọng hơn trong nghiệp vụ tài trợ tín dụng để tránh rủi ro vỡ nợ. Khi có nhiều quyền hạn về cạnh tranh qua khí cụ lãi suất, ngân hàng sẽ cải tiến khả năng kinh doanh và nhất là khả năng phục vụ khách hàng. Ngân hàng nào mà được dân chúng tin cậy và gửi tiền ký thác nhiều hơn thì sẽ rộng vốn kinh doanh và kiếm lời cao hơn.

Vũ Hoàng: Nhưng thưa ông, hiển nhiên là vì có trở ngại nên Bắc Kinh vẫn chưa tiến hành được chủ trương đó. Đâu là những trở ngại cho kế hoạch cải tổ này?

 
VP-BANK-1-200.jpg
Bảng niêm yết lãi suất tiết kiệm tại ngân hàng VP-Bank hôm 11/6/2012. RFA photo    



Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Lãnh đạo Bắc Kinh đang phải chuyển hướng sau 30 năm phát triển theo chiến lược cũ mà họ biết là không còn tác dụng nữa. Khi chuyển hướng trong lĩnh vực ngân hàng thì hàng loạt kết quả sau đây có thể xảy ra: khu vực xuất khẩu hết ưu tiên, doanh nghiệp nhà nước mất ưu thế, tư doanh được khuyến khích và ngân hàng sẽ chăm lo khách hàng nhiều hơn.

- Hậu quả là hết được ưu đãi bằng lãi suất quá rẻ thì nhiều doanh nghiệp nhà nước có khi phá sản, thất nghiệp nhất thời gia tăng vì tư doanh chưa kịp thu hút nguồn nhân lực bị sa thải, và nhiều ngân hàng nhà nước mất vốn vì không đòi được nợ từ các doanh nghiệp nhà nước. Nói cách khác, việc cải cách sẽ lại gây ra một số biến động xã hội mà lãnh đạo muốn tránh.

- Thứ hai, việc cải cách còn triệt tiêu đặc lợi và đặc quyền của nhiều đảng viên cao cấp nên họ càng viện dẫn nguy cơ biến động xã hội để trì hoãn hoặc phá hoại nỗ lực cải cách. Đã thế, Trung Quốc đang ở giữa giai đoạn chuyển giao quyền lực của Đại hội 18 nên ngần ấy vấn đề kinh tế, xã hội và chính trị cùng tác động vào tiến trình quyết định khiến lãnh đạo thêm lúng túng. Thật ra, Việt Nam cũng gặp các vấn đề tương tự cho nên chỉ có thể cải cách ngân hàng hay doanh nghiệp khi dám cải cách về chính trị, là chuyện chưa có nên càng dễ gặp rủi ro.

Vũ Hoàng: Trong bối cảnh đó, mình mới nói đến quyết định cắt giảm lãi suất vừa qua. Đấy là một bước đầu của cả tiến trình cải cách ngân hàng hay mới chỉ là phản ứng kích thích kinh tế?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Biện pháp vừa qua của Bắc Kinh gồm có hai phần. 

- Thứ nhất là cắt 25 điểm tức là 0,25% hai loại lãi suất tín dụng và ký thác ngân hàng có hạn kỳ một năm. Thứ hai là nâng định mức ký thác lên 10 điểm, từ 100 lên 110% và hạ định mức cho vay từ 90% xuống 80%. Kết quả là của thủ thuật này là hạ lãi suất cho vay mà không nâng lãi suất ký thác có hạn kỳ lâu hơn một năm, nghĩa là chỉ bơm thêm tiền vào kinh tế chứ không khuyến khích tiết kiệm bằng lãi suất ký thác cao hơn cho các trương mục hay tài khoản tiết kiệm trên một năm.

- Chi tiết chuyên môn ở đây là Bắc Kinh có thấy ký thác ngân hàng bị sút giảm, gần tới 90 tỷ đô la trong Tháng Tư vừa qua, nên nói là nâng lãi suất ký thác thêm 25 điểm để mời khách ký thác trở về, nhưng lại chỉ trả tiền lời cao hơn cho loại ký thác ngắn hạn dưới một năm mà thôi.

- Trên cơ sở đó ta có thể kết luận rằng lãnh đạo Bắc Kinh có dấu hiệu hốt hoảng và lại áp dụng bài bản năm 2008 là bơm thêm tín dụng để kích thích kinh tế với hậu quả tương tự là sẽ lại gây ra lạm phát chứ chưa hẳn là khởi sự cải tổ chế độ lãi suất như họ đã mong muốn hay trù tính.

Vũ Hoàng: Cũng về chuyên môn, nếu so sánh với yêu cầu cải cách chế độ lãi suất thì thưa ông biện pháp ngắn hạn vừa rồi có đặc tính gì?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi xin trở lại nguyên tắc kinh doanh ngân hàng ta đã trình bày trong phần mở đầu. 

- Ngân hàng kiếm lới nhờ sai biệt giữa lãi suất tín dụng và lãi suất ký thác. Khoảng sai biệt lãi suất ấy ảnh hưởng tới 80% mức lời của ngân hàng. Cho nên nếu có tự do về lãi suất, các ngân hàng có thể nâng cao khả năng cạnh tranh trong khi vẫn phải đảm bảo là dân ký thác phải có lời nhờ lãi suất cao hơn đà mất giá của đồng bạc vì nạn lạm phát. Đối chiếu với yêu cầu đó thì biện pháp tăng lãi suất ký thác ngắn hạn và giảm lãi suất tín dụng lại thực tế thu hẹp mức sai biệt lãi suất. Tức là thu hẹp khả năng sinh lời của ngân hàng, nhằm kích thích kinh tế, chứ không đáp ứng yêu cầu huy động thêm ký thác và trả tiền lời cao hơn cho người tiết kiệm.

- Lãnh đạo Bắc Kinh đã trù tính giảm đà tăng trưởng xuống mức 7,5% trong năm nay để còn chuyển hướng cải tổ cơ chế như Hội nghị Ban chấp hành Trung ương đã quyết định năm ngoái và Quốc hội đã chấp hành từ Tháng Ba vừa qua. Thế rồi, họ lại hốt hoảng khi thấy kinh tế trì trệ và lật đật tung ra biện pháp lãi suất để kích thích kinh tế, với hiệu quả thật ra rất thấp như chúng ta đã thấy năm 2008 và sẽ thấy sau này, nên họ sẽ còn phải kích thích nữa. Trong khi đó, nhu cầu cải tổ cơ chế và cải cách hệ thống lãi suất vẫn bị đẩy lui trong thực tế. Việt Nam cũng đang gặp các vấn đề tương tự, với hậu quả còn khó khăn gấp bội.

Vũ Hoàng: Xin trân trọng cảm tạ ông Nguyễn Xuân Nghĩa.

@ NXN: Cải Tổ Lãi Suất Tại Trung Quốc

--Liberty(Giang Le)

1.
Còn nhớ dạo thống đốc Lê Đức Thúy promote tiền xu và cho rằng phát hành tiền xu sẽ có lợi vì tiết kiệm chi phí và giúp phát triển các máy bán hàng tự động. Bắt chấp dư luận phản đối, cuối cùng NHNN vẫn phát hành tiền xu và kết cục thế nào chúng ta đã biết. Một điều thú vị là mấy năm gần đây ở Mỹ cũng có một cuộc tranh luận tương tự giữa hai phe ủng hộ và phản đối việc phát hành đồng xu 1 USD thay cho đồng tiền giấy có hình TT Washington. NPR có mộtpodcast rất hay về vấn đề này phân tích những ưu khuyết điểm của đồng tiền xu và đồng tiền giấy.

Nếu xét về chi phí, một đồng tiền giấy tốn 2.7cent để sản xuất, có tuổi thọ trung bình 4.5 năm. Trong khi đó một đồng tiền xu có chi phí 15cent nhưng có thời hạn sử dụng 30 năm. Do đó nếu tính chi phí trong một năm thì tiền xu rẻ hơn (0.5cent/year so với 0.6 cent/year), nghĩa là về mặt này tiền xu thắng thế. Tuy nhiên hầu hết mọi người ngại mang tiền xu theo người, do vậy số tiền xu bị để quên trong ngăn kéo hoặc đơn giản là được bỏ ống thường cao hơn tiền giấy rất nhiều. Một số nghiên cứu cho biết để đảm bảo đủ lượng tiền lẻ lưu thông, lượng tiền xu pháp hành phải cao hơn 50% so với lượng tiền giấy cùng mệnh giá. Nghĩa là nếu tính thêm yếu tố này thì chi phí phát hành tiền xu (cho đồng 1 USD ở Mỹ) sẽ là 0.5 cent/year * 1.5 = 0.75 cent/year, cao hơn tiền giấy. Tiền giấy hóa ra tiết kiệm chi phí hơn.

Vậy nhưng một báo cáo của Government Accountability Office thuộc QH Mỹ lại ủng hộ phương án phát hành tiền xu thay cho tiền giấy. Lý do là dù tiền xu tốn kém hơn về mặt chi phí nhưng cứ mỗi đồng tiền được phát hành chính phủ sẽ thu về được một lượng seigniourage như nhau bất kể đó là tiền xu hay tiền giấy. Vì số lượng phát hành tiền xu sẽ cao hơn số tiền giấy 50%, tổng seigniourage cho đồng 1 USD sẽ tăng lên 50%, tương đương 4.4 tỷ USD trong vòng 30 năm. Tính gộp seigniourage với chi phí sản xuất, rõ ràng phương án phát hành tiền xu có lợi hơn cho chính phủ Mỹ.

Tuy nhiên một câu hỏi đặt ra là tính như vậy có hợp lý hay thậm chí công bằng không cho người dân? Rõ ràng người dân phải đóng thêm một khoản thuế 4.4 tỷ chỉ vì họ không thích mang theo tiền xu lỉnh kỉnh trong người. Xét tổng thể xã hội số tiền xu "out of circulation" đó không đem lại lợi ích gì, nó làm lãng phí resource, tạo ra distortion trong nền kinh tế, và nhất là gây thêm phiền hà cho người dân vì buộc phải đem theo những đồng xu mà họ không muốn. Theo quan điểm kinh tế social welfare giảm vì quyết định chuyển sang dùng tiền xu không phải tối ưu cho xã hội. Do vậy nếu chính phủ thực sự quan tâm đến lợi ích chung của toàn xã hội (người dân) thì không có lý do gì thay đồng tiền giấy bằng tiền xu cho dù có thu được seigniourage cao hơn.


2.
Vừa rồi The Economist có một special report về kinh tế TQ, trong đó có một bài nhắc lại lập luận của Michael Pettis là chính phủ TQ kiểm soát rất chặt lãi suất tiết kiệm và cho vay nên trên thực tế real interest rate của TQ rất thấp, thậm chí negative, nên đã kích thích mạnh domestic investment. Cũng cùng quan điểm này, John Hempton cho rằng hệ thống chính trị của TQ là một dạng kleptocracy xoay quanh các ngân hàng và các SOE buộc người dân phải chấp nhận negative real interest rate như là một hình thức wealth transfer cho giới quan chức và thân hữu của họ. Cả series special reports của The Economist và bài viết về kleptocracy của John Hempton rất đáng đọc và suy ngẫm (đặc biệt recommend bài về kleptocracy cho BS Hồ Hải để dịch ra tiếng Việt :-)), nhưng ở đây tôi muốn đề cập đến một khía cạnh khác.

Một điểm cần thừa nhận là hệ thống ngân hàng của VN khá tự do và phát triển hơn so với hệ thống ngân hàng TQ. Mặt bằng lãi suất cho vay và tiết kiệm ở TQ được quản lý rất chặt, trên nguyên tắc các ngân hàng chỉ được huy động và cho vay với lãi suất trong một biên độ rất hẹp so với lãi suất chuẩn do PBoC đặt ra (việc PBoC vừa nới lỏng biên độ được giới finance quốc tế cho là một cải cách tài chính rất quan trọng). Vì PBoC giữ lãi suất tiền gửi rất thấp so với lạm phát, người dân TQ thường xuyên phải chấp nhận negative real rate như Michael Pettis và John Hempton nêu ra. Tuy nhiên một lý do cực kỳ quan trọng mà cả Pettis và Hempton không chỉ ra được là sở dĩ người dân TQ buộc phải gửi tiền với lãi suất thấp vì nền kinh tế TQ không bị đô la hóa và vàng hóa như VN. PBoC không bao giờ phải đau đầu như SBV khi áp đặt trần lãi suất thấp vì lo ngại người dân sẽ không gửi tiền vào ngân hàng nữa mà chuyển sang mua vàng hoặc đô la.

Như vậy có thể thấy xét trên quan điểm của SBV, đô la/vàng hóa nền kinh tế là một trở ngại rất lớn cho việc quản lý lãi suất nói riêng và điều hành chính sách tiền tệ nói chung. Rõ ràng chống đô la/vàng hóa là một chính sách đúng đắn và cần thiết cho SBV. Tuy nhiên nếu xét trên quan điểm của người dân, nếu kênh tiết kiệm bằng vàng và đô la bị xóa bỏ nhiều khả năng họ sẽ bị ép phải gửi tiền vào ngân hàng tiết kiệm với lãi suất thấp (có thể sẽ bị thực âm). Đây cũng là một loại thuế như trường hợp seigniorage bên trên và nó cũng sẽ làm giảm social welfare dù nhà nước có lợi (tất nhiên nếu tình trạng kleptocracy như Hempton cáo buộc gia tăng thì social welfare còn giảm nhiều hơn nữa). Rõ ràng người dân sẽ không muốn bị cấm mua bán vàng/đô la vì họ không muốn bị mất một lựa chọn tiết kiệm an toàn hơn gửi tiền ngân hàng.


Trong cả hai ví dụ trên lợi ích của người dân và nhà nước trái ngược nhau. Cấu trúc chính trị/xã hội sẽ quyết định lợi ích của ai thắng thế.


- Thống đốc NHNN: “Đã có phương án tái cơ cấu các ngân hàng yếu” (TBKTSG). - ‘Mua bán nợ 100.000 tỷ vẫn chỉ là ý tưởng’ (VNE).
- Lãi suất huy động VND lên mốc 13,5%/năm (VnEco). - Lãi suất huy động vàng đồng loạt giảm mạnh (VnEco). - Lãi suất huy động kỳ hạn dài tiếp tục tăng (TBKTSG). - Ngân hàng VN ‘được thưởng vì sai phạm’ (BBC).  – Tăng tới 4%, lãi suất liên ngân hàng sắp “đuổi kịp” huy động(VnEco).  -  Cải Tổ Lãi Suất (RFA).
- Sở hữu chéo ngân hàng: Nhiều đại gia chưa lộ (VEF). - Quanh chuyện cổ đông “mua chui, bán lén” cổ phiếu Sacombank (VnEco).

 

- Doanh nghiệp nhìn ngân hàng treo “cá gỗ” (NĐT).
- DN đường cùng: Bán tháo hàng tồn, đóng nhà máy (VEF). - Nhiều doanh nghiệp FDI sẽ phải chấm dứt hoạt động (TN).
- Việt Nam xếp hạng thấp về kiến thức tài chính (VOA).
- Một biểu tượng của kinh tế thị trường (Alan Phan).

- Xếp hạng của S&P về nền kinh tế Việt Nam: Mừng mà lo (TN).
- Phỏng vấn chuyên gia kinh tế Vũ Thành Tự Anh: Cần đảo ngược những gì đã làm sai ! (DNSG).
- Thời của những doanh nhân “gàn dở” (VnEco).

Tổng số lượt xem trang