Thứ Năm, 14 tháng 6, 2012

Tại sao điện nhập từ Trung Quốc có giá cao hơn mua trong nước?

Giá điện nhập từ Trung Quốc cao hơn nhiều giá điện mua của các doanh nghiệp sản xuất điện trong nước. Đây là thông tin được nêu trong chất vấn của đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc tới Bộ trưởng Bộ Công Thương, ông Vũ Huy Hoàng.

Từ thực tế “tai nghe mắt thấy” tại một số công trình thủy điện, đại biểu Quốc đã “nêu hai vấn đề có thể hiểu như sự góp ý với Bộ Công Thương nhưng cũng là sự chất vấn phản ánh ý kiến của cử tri”.

Một trong hai vấn đề đó có liên quan đến lá đơn của lãnh đạo công ty Linh Linh, chủ đầu tư nhà máy thủy điện Nậm Khóa 3 (nơi ông Quốc vừa đi thực tế - PV), phản ánh giá điện do Bộ Công Thương và Bộ Tài chính quy định với độ chênh cao giữa giá mua của Trung Quốc và của các nhà máy thủy điện nhỏ và vừa Việt Nam.

Đại biểu Quốc mở ngoặc giải thích, thư này đã được gửi cho lãnh đạo hai bộ nhưng chưa được hồi âm. 

Ông Quốc nêu vấn đề, cho dù nguồn điện của Trung Quốc có chất lượng về phương diện cung cấp ổn định, giao dịch mua bán “dễ” hơn, trong khi thủy điện nhỏ và vừa của Việt Nam bị phụ thuộc vào thời tiết cùng nguồn nước (theo mùa), nhưng mức chênh lệch quá cao là không hợp lý. Điều đó chưa cho thấy sự quan tâm của Nhà nước (ở đây là hai bộ Công Thương và Tài chính) đối với ngành thủy điện trong nước, cũng là một dạng “hàng hóa nội” mà lẽ ra cần được hỗ trợ nhiều hơn, nhất là trong thời kỳ kinh tế đang khủng hoảng này.

Ông Quốc cũng cho rằng đây không chỉ là khó khăn của một công ty cụ thể, mà nó là thực tế phải đối mặt với rất nhiều nhà đầu tư vào ngành thủy điện vừa và nhỏ. Họ mong muốn nhà nước, trong đó có Bộ Công Thương “tháo gỡ”. Điều đó góp phần giảm thiểu sự lệ thuộc vào nguồn năng lượng của nước ngoài, nhất là với Trung Quốc, quốc gia khống chế phần lớn nguồn nước thượng nguồn của các sông lớn nhất đổ vào Việt Nam (sông Hồng và sông Mê Kông).

Ở văn bản trả lời đại biểu Quốc, Bộ trưởng Hoàng cho biết, hiện tại có 195 dự án thủy điện, trong đó có 150 dự án thủy điện nhỏ đã đi vào vận hành, đóng góp hơn 1/3 sản lượng điện năng toàn quốc.

Về vấn đề giá điện đối với nhà máy thủy điện nhỏ, Bộ trưởng cho biết Bộ Công Thương đã có quyết định ngày 15/8/2008 quy định các nhà máy điện nhỏ sử dụng năng lượng tái tạo có quy mô từ 30 MW trở xuống bán điện cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) theo biểu giá chi phí tránh được được ban hành hàng năm.

Đây là biểu giá được tính theo các chi phí tránh được của hệ thống điện quốc gia khi có 1 kWh công suất phát từ nhà máy điện nhỏ sử dụng năng lượng tái tạo được phát lên lưới điện, Bộ trưởng Hoàng giải thích.

Theo Bộ trưởng, hầu hết các nhà đầu tư thủy điện nhỏ đều ủng hộ cơ chế giá này. Tính đến cuối tháng 2/2012 đã có 159 nhà máy thủy điện đã ký hợp đồng áp dụng biểu giá chi phí tránh được. Giá mua điện từ nhà máy thủy điện Nậm Khóa 3 cũng được áp dụng theo biểu giá này.

Biểu giá chi phí tránh được đều có mức giá năm sau cao hơn năm trước, năm 2010 tăng 4%, năm 2011 tăng 14%, 2012 tăng 5%. Bộ Công Thương đang tiếp tục nghiên cứu để điều chỉnh giá bán điện của các doanh nghiệp này phù hợp với điều chỉnh giá điện đầu ra của EVN, Bộ trưởng Hoàng trả lời.

Có mặt trong danh sách 5 thành viên Chính phủ sẽ trả lời chất vấn trực tiếp trước Quốc hội, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng sẽ trả lời chất vấn một số vấn đề đang được cử tri và đại biểu quan tâm. Trong đó có việc quy hoạch đầu tư và quản lý vận hành các nhà máy thủy điện đảm bảo an toàn, hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường; nguyên nhân tại sao giá điện nhập của Trung Quốc cao hơn nhiều giá điện mua của các doanh nghiệp sản xuất điện trong nước...

@ VnEco - Tại sao điện nhập từ Trung Quốc có giá cao hơn mua trong nước?

 

-- Năm 2012, Việt Nam mua điện Trung Quốc với giá 1.300 đồng/kWh

(Gafin) - Theo Bộ trưởng Bộ Công thương, năm 2012, giá mua điện từ Trung Quốc khoảng 1.300/kWh, trong khi giá mua từ nhà máy điện nhỏ trong nước khoảng 800-900 đồng/kWh.

Năm 2012, Việt Nam mua điện Trung Quốc với giá 1.300 đồng/kWh
Trả lời đại biểu Quốc hội trong phiên chất vấn sáng nay, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết, năm 2011, Việt Nam ký hợp đồng mua điện của Trung Quốc với giá 5,8 cent/kWh. Sang năm 2012, giá mua điện từ Trung Quốc tăng lên 6,08 cent/kWh (tương đương khoảng 1.300 đồng/kWh).

Trong khi đó, Bộ trưởng cho biết giá mua điện từ các nhà máy thủy điện nhỏ trong nước khoảng 800 - 900 đồng/kWh, giá mua điện từ các nhà máy nhiệt điện than khoảng 1.280 - 1.300 đồng/kWh và giá mua của điện chạy dầu là 5.500 - 6.000 đồng/kWh.

Theo tính toán, giá mua điện từ Trung Quốc đang cao hơn giá mua điện từ các nhà máy thủy điện nhỏ trong nước khoảng 400 - 500 đồng/kWh,

Việt Nam bắt đầu mua điện của Trung Quốc từ năm 2004 và thời gian qua mỗi năm đã nhập khoảng 5 tỷ kWh điện (riêng 5 tháng đầu năm 2012 đã mua của Trung Quốc hơn 1,16 tỷ kWh điện - số liệu Bộ Công thương).

Hợp đồng mua điện với Trung Quốc ký 5 năm một lần, giá mua điện được tính từ thời điểm ban đầu và phụ thuộc phía Trung Quốc.

Trước đó, nhiều doanh nghiệp thủy điện nhỏ và vừa đã phản ánh tình trạng Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) mua điện từ các nhà máy với giá quá thấp, gây tình trạng doanh nghiệp thua lỗ và phá sản. Do vậy, trong phiên họp báo của Bộ Công thương tháng 5/2012, lãnh đạo Bộ cho biết đã đồng ý cho EVN tăng giá mua điện thêm 5% so với năm 2011 đối với hơn 10 nhà máy thủy điện nhỏ công suất dưới 30 MW.

Về quy hoạch các nhà máy điện, Bộ trưởng Hoàng cho biết, theo quy hoạch đã duyệt sẽ có 1.097 dự án thủy điện được triển khai với công suất 24 nghìn MW. Hiện đã có 195 dự án hoàn thành và đưa vào hoạt động, công suất 12 nghìn MW, đáp ứng 35% sản lượng điện quốc gia, tương đương 41 tỷ kWh. Hiện ngành điện đang tiếp tục triển khai 245 dự án điện, công suất khoảng 7 nghìn MW.

"Những công trình điện đã và đang triển khai chiếm 40% về quy hoạch và 75% công suất toàn ngành", Bộ trưởng phát biểu.

Bên cạnh những mặt tích cực phát sinh từ các dự án điện, cũng nảy sinh những vấn đề tiêu cực như nhà máy thủy điện sẽ làm ảnh hưởng đến dòng chảy, việc tái định cư và rừng đầu nguồn. Do vậy, từ nay tới cuối năm Bộ Công thương sẽ rà soát để xem tiếp tục quy hoạch hay đưa ra khỏi quy định những công trình, dự án điện làm ảnh hưởng đến đất đai và tài nguyên rừng.

Phát biểu bổ sung về về đề quy hoạch điện, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng nói, thời gian qua Chính phủ đã chỉ đạo rà soát và loại bỏ 52 quy hoạch nhà máy thủy điện do khi thực hiện lập quy hoạch chi tiết thấy diện tích nhà máy chiếm rừng và đất quá lớn, không có nguồn cân đối trở lại. Thời gian tới, Chính phủ cùng các Bộ sẽ tiếp tục phải rà soát theo quy hoạch.

 

Tổng số lượt xem trang