Thứ Ba, 19 tháng 6, 2012

Thân phụ của anh Trần Huỳnh Duy Thức nói về phong trào Con đường Việt Nam


Trần Văn Huỳnh (Danlambao)
Ngày 19 tháng 6 năm 2012
Kính gửi: Dân Làm Báo
Đề nghị Dân Làm Báo giúp tôi đăng tải bức thư dưới đây để làm sáng tỏ những vấn đề liên quan đến phong trào Con Đường Việt Nam.

Xin cảm ơn và kính chào Dân Làm Báo.
Trần Văn Huỳnh
Địa chỉ: 439F8 Phan văn Trị, Phường 5, Quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh.
Điện thoại: 0903350117
*
Như một nhân duyên mà cả ba người khởi xướng Phong trào Con đường Việt Nam tôi đều có quan hệ và biết rất rõ về họ.
Người đầu tiên là Trần Huỳnh Duy Thức, con trai tôi.
Người thứ hai là Lê Thăng Long, vừa là bạn thân từ hồi học đại học của Thức vừa là đồng nghiệp với tôi trong gần 10 năm khi tôi làm cộng tác viên dịch thuật cho công ty mà Long điều hành.
Người thứ ba là Lê Công Định, cựu học sinh trường Phổ thông trung học Hoàng Hoa Thám (quận Bình Thạnh, Tp Hồ Chí Minh) – nơi tôi đã dạy học gần 10 năm, dù không trực tiếp học lớp tôi dạy nhưng Định vẫn gọi tôi là thầy.
Trong quãng thời gian mấy thập kỷ làm cha, làm thầy và làm đồng nghiệp tôi chưa bao giờ cảm thấy hạnh phúc và tự hào như lúc này.
Dù sẽ còn nhiều khó khăn phía trước nhưng tôi tin tưởng chắc chắn rằng Phong trào Con đường Việt Nam sẽ thành công, đạt được mục tiêu tối thượng của phong trào là: "Quyền con người phải được bảo vệ trên hết và bình đẳng tại Việt Nam".
Nói thật, tôi là người rất dè dặt, thỉnh thoảng còn bị cho là bảo thủ nhưng ngay từ lần đầu tiên đọc được mục tiêu, cương lĩnh, phương pháp, tổ chức, lời kêu gọi... của phong trào này trong tôi đã dâng lên một cảm xúc rất đặc biệt.
Nó nhanh chóng biến thành một niềm tin mạnh mẽ vào tính khoa học, tính quy luật và sự chính nghĩa cũng như sự hợp lòng dân của phong trào.
Có lẽ ngoài những người khởi xướng, tôi là người đầu tiên đọc được các tài liệu nói trên trong các files Con đường Việt Nam Thức để lại mà gia đình tìm thấy từ hơn một năm về trước.
Chính các tài liệu này đã làm cho tôi ý thức rõ về quyền con người – quyền công dân của mình mà tôi đã bị đánh mất trong suốt bao nhiêu năm dài. Các tài liệu này cũng cung cấp cho tôi những kiến thức pháp lý trong nước và quốc tế cũng như những lý luận cần thiết để tôi tranh đấu bảo vệ công lý cho con mình cũng như cho  những người bạn đồng cảnh ngộ với Thức.
Cuộc đấu tranh này đang dẫn đến một bước tiến rất quan trọng.  Những nhóm vận động ủng hộ cho nó đã rất ngạc nhiên vì những kiến thức nói trên của tôi.
Vì vậy mà tôi đã rất muốn phổ biến các tài liệu của Con đường Việt Nam cho công chúng.
Nhưng tôi nghĩ tài liệu của phong trào thì chỉ những người đủ tư cách mới có thể công bố nên tôi đã chỉ giới thiệu một phần của quyển sách Con đường Việt Nam. Giờ thì các tài liệu của Phong trào Con đường Việt Nam đã được anh Lê Thăng Long công bố rộng rãi, đúng như ý nguyện của Thức.
Nhớ lại hồi tháng 05 năm 2010, sau phiên tòa phúc thẩm gia đình đi thăm Thức. Tôi có cố gắng động viên Thức vì bản án quá nặng mà bạn bè thì đều được giảm nhẹ. Nhưng tôi không bao giờ quên được ánh mắt tự tin rạng ngời và nụ cười rạng rỡ của Thức vào lúc đó khi nói rằng: "Cả nhà đừng quá lo cho con. Cũng phải có người hy sinh để có thể tiếp tục Con đường con đi".
Giờ tôi đã hiểu rằng sự hy sinh đó không chỉ là phải chấp nhận bản án nặng nề để bảo vệ chính nghĩa mà còn là phải chịu đựng "nhận tội" để có thể về sớm mà tiếp tục sự nghiệp chính nghĩa đó.
Tôi rất hiểu Thức, Long, Định những người không bao giờ biết sống cúi đầu khuất phục để cầu danh lộc mà phải "nhận tội" cho việc làm chính đáng của mình thì không còn gì có thể khủng khiếp hơn như vậy. Chỉ với những tấm lòng trong sáng và ý chí phi thường vì mục đích cao cả, tôi nghĩ, mới giúp họ có động lực và nghị lực để vượt qua được điều khủng khiếp đó.
Không chỉ có vậy.
Họ không những chỉ bỗng dưng mất tất cả thành quả kinh tế gần 20 năm mà họ gầy dựng bằng tài năng và trí tuệ đáng tự hào của mình, mà còn phải đau xót vô cùng vì không làm tròn chữ Hiếu.
Tôi đến thăm Long cách đây vài hôm, mẹ Long bị ung thư nặng đã ở vào giai đoạn cuối nên chỉ mong Long sống yên ổn với gia đình để chăm sóc mẹ già và hai đứa con còn thơ mới 6 và 9 tuổi.
Tôi cũng nghe nói mẹ Định đã bệnh và yếu đi rất nhiều từ khi Định vào tù.
Còn mẹ Thức thì đã mãi mãi ra đi vào tháng 11 năm ngoái mà không được gặp lại đứa con trưởng nam thương yêu nhất của mình.
Hôm rồi Long kể Thức đã khóc đến cạn kiệt khi nghe tin mẹ mất. Trước đây chưa ai từng thấy Thức khóc bao giờ. Thế nhưng trong bài thơ tế mẹ Thức đã viết:


…Má ơi đạo nghĩa công bằng
Con vì chữ ấy đạp bằng gian lao…
…Má ơi con đã chơi vơi
Nghe tin má đã xa rời trần gian 
Má ơi con đã vững vàng 
An lòng má nhé Niết bàn thênh thang. 

Vâng, công bằng về quyền cho mọi người dân Việt Nam là mục đích cao cả mà Thức, Long, Định đã chấp nhận hy sinh quá lớn để tranh đấu, thể hiện qua mục tiêu tối thượng của Phong trào Con đường Việt Nam: "Quyền con người phải được bảo vệ trên hết và bình đẳng ở đất nước này". Hơn thế nữa, các anh ấy hoàn toàn có đủ tư cách để nói và đấu tranh cho công bằng, cho công lý.
Rất nhiều người đã biết về câu chuyện họ cùng nhau bảo vệ lẽ phải, bảo vệ khách hàng điện thoại internet của công ty OCI hồi năm 2003. Nhưng câu chuyện sau đây thì chưa nhiều người biết và chắc hẳn sẽ rất ngạc nhiên vì nó.
Ngay sau khi Thức, Long, Định bị bắt, hai công ty EIS và OCI mà Thức và Long điều hành bị "bất ngờ" thanh tra thuế. Việc thanh tra đó diễn ra trong bối cảnh họ vừa bị khởi tố về tội an ninh quốc gia trong một vụ án rình rang nhất vào lúc đó nên nó đã rất gắt gao. Thế vậy mà sau 03 tháng lục tung mọi ngõ ngách, thanh tra thuế đã không tìm thấy bất kỳ chứng cớ nào để kết luận hai công ty trên trốn thuế. Nhiều luật sư và những người am hiểu biết sự việc này đã lắc đầu sửng sốt "không thể tin được dù đó là sự thật". Họ nói với môi trường kinh doanh như Việt Nam thì quét nhà kiểu gì chẳng ra rác, ấy vậy mà có hai công ty như thế, chẳng khác nào chuyện thần kỳ.
Sau 03 năm lao tù, trở về nhà chưa một ngày ngơi nghĩ Long đã tiếp tục dấn thân ngay vào con đường mà mình và bạn bè còn đang dang dở dù biết thử thách hiểm nguy luôn chờ phía trước.
Trong suốt nhiều năm làm việc với Thức, Định, Long tôi nhận thấy họ là những người làm việc tranh thủ từng giờ, từng ngày để luôn nắm được thời cơ khi nó đến. Hôm rồi tôi có hỏi Long rằng có phải vì thời cơ mà cháu phải làm mọi cách để về sớm phải không. Long cười và chỉ nói rằng: "Bác luôn hiểu tụi cháu mà".
Tôi càng khâm phục Long khi được đài BBC hỏi chỉ trả lời về việc mình đã"nhận tội" nên được giảm 06 tháng tù mà không kèm theo bất kỳ lời giải thích, thanh minh nào cả. Chỉ có những người có tấm lòng và mục đích rất trong sáng mới có thể vững chải như vậy. Và tôi cũng tin rằng hầu hết mọi người đều hiểu và sẽ thấu hiểu tấm lòng và sự hy sinh của Long.
Thật sự là tôi không thể hiểu được khi đọc các ý kiến cho rằng việc Long vừa làm là "chim mồi" là "cạm bẫy". Tôi cũng là người được mời tham gia sáng lập Phong trào Con đường Việt Nam. Thư mời nói rất rõ ràng việc tham gia có thể dẫn đến những nguy hiểm rủi ro. Nội dung chung của thư mời này sau đó cũng được đăng tải rộng rãi mà ai cũng có thể đọc. Chẳng hề có một lời lẽ ngon ngọt hoặc gây ảo giác về sự an toàn nào để mồi, để bẫy gì cả. Nó chỉ thể hiện sự tự tin và tinh thần sẵn sàng dấn thân của người khởi xướng để động viên mọi người vượt qua sự sợ hãi. Tôi đã cảm thấy rất vinh dự nhận được một lời mời như vậy vì thấy rằng mình vẫn còn được nhìn nhận là có khả năng để đóng góp cho những việc có ích cho đất nước. Và với tôi, chẳng đòi hỏi ai muốn mời mình làm gì mà phải hỏi ý kiến trước cả. Việc mời đã là một sự hỏi ý kiến rồi.
Gặp Long vừa rồi, tôi cũng thử hỏi là vai trò của Thức trong Phong trào sẽ như thế nào. Long nói rằng: "Điều này cả anh Thức và cháu đều có chung quan điểm rất rõ là Ban quản trị phải là những người có điều kiện thực tế để điều hành hoạt động của Phong trào. Do vậy anh Thức hiện nay và cả cháu sắp tới nếu cháu bị quay lại nhà tù, cũng chỉ là những người khởi xướng mà không có vai trò hay quyền hạn gì đặc biệt trong việc điều hành hoạt động Phong trào. Ngay cả sau này, khi bầu ra Ban quản trị chính thức mà cháu không được trúng cử thì cháu cũng sẽ vui vẻ giữ vai trò không điều hành. Đây là Phong trào của mọi người chứ chẳng phải của riêng ai cả. Cháu chỉ tạm giữ quyền trưởng Ban quản trị đến khi nào Ban quản trị chính thức bầu nên người mới". Tôi đọc trong Qui chế quản trị điều hành của Phong trào cũng thể hiện như vậy.
Thật đáng trân trọng và tự hào về suy nghĩ của họ.
Trước khi kết thúc bức thư này, tôi muốn khẳng định với công chúng rằng, qua những tài liệu mà Thức đã để lại thì Phong trào Con đường Việt Nam đã được chuẩn bị từ đầu năm 2009 bởi Thức, Long, Định.
Nội dung của các tài liệu này hầu hết phù hợp với những nội dung tương ứng mà anh Lê Thăng Long vừa công bố sau khi chỉnh sửa và bổ sung theo cập nhật thời điểm hiện nay. Và Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Thăng Long, Lê Công Định đúng là ba người khởi xướng của Phong trào Con đường Việt Nam – điều này thể hiện rõ trong các files tài liệu mà tôi có.
Nhưng tôi thấy có một cách, một cách rất hiệu quả và chúng ta chẳng cần lệ thuộc vào ai cả để tự đánh giá được về phong trào này. Đó là hãy đọc, đọc kỹ những tài liệu trên blog của phong trào thì tự nhiên chúng ta sẽ sáng tỏ mọi chuyện đang bàn cãi rất nhiều trước công luận. Khi chúng ta đi sâu vào bản chất của một cái gì đó thông qua hiểu rõ nội dung của nó thì tự nhiên mọi cái hình thức của nó đều rất rõ ràng.
Tôi có một niềm tin to lớn vào sự lớn mạnh và thành công của phong trào này. Hiện nay tôi chưa xác nhận tham gia sáng lập phong trào vì một lý do duy nhất là tôi muốn đảm bảo rằng việc tham gia này không tạo ra xung đột lợi ích và tính vô tư của tư cách một người cha sẽ theo đuổi đòi lại công lý cho con mình đến cùng.
Cuối cùng, tôi xin được nói vài lời với những người khởi xướng Phong trào Con đường Việt Nam trước công chúng:
"Tôi rất tự  hào về Thức, con trai mình và tin chắc rằng Thức sẽ hoàn thành được sứ mạng cao cả của mình.
Long, bác rất cảm phục ý chí, nghị lực phi thường của cháu và tin tưởng sâu sắc vào sự thành công của sự nghiệp cao cả mà cháu đã gây dựng.
Và mong rằng người nhà của Định chuyển lời đến Định rằng tôi rất lấy làm vinh dự được một người như Định gọi bằng thầy và tràn đầy niềm tin vào những gì Định đã phải hy sinh để tạo ra Con đường Việt Nam."
Xin chào trân trọng quý công chúng.
Ngày 19/06/2012,
Văn bản, như đề cương hay lời hiệu triệu, đóng một vai trò rất khiêm tốn trong sự thành công của các phong trào vận động xã hội. Một phong trào xã hội thành công là vì nó đáp ứng đúng thời điểm cho những nhu cầu và bức xúc xã hội. Trong thời đại bùng nổ thông tin ngày nay hay một trăm năm trước, ít ai tự nguyện tham gia một phong trào xã hội chỉ vì tình cờ đọc được một đề cương hay hoặc một lời hiệu triệu nhiệt thành. Người ta tham gia một phong trào xã hội vì những nhu cầu bức thiết của cá nhân họ. Văn bản chỉ đóng vai trò xúc tác.
Ngược lại, nếu một phong trào xã hội thất bại thì sự thất bại này không nói lên được là các yếu tố nhu cầu và bức xúc xã hội có ở đó hay không. Sự thất bại có thể đến từ nhiều nguyên nhân, trong đó có thể có nguyên nhân của sự yếu kém của văn bản, nghĩa là sự yếu kém trong việc chuyển tải thông điệp đến với đại chúng. Kho thuốc nổ có ở đó nhưng ngọn lửa quá yếu, không đủ nhiệt lượng để làm bùng nổ một phong trào.
Mặt khác, ngôn ngữ là tư duy. Văn bản cho phép chúng ta, trong sự thiếu vắng những thông tin cá nhân làm nền tảng cho sự tin tưởng hoặc nguồn cảm hứng, có những đánh giá xác đáng về quy trình tư duy của những người khởi xướng. Cái note này là nhằm xem xét Phong trào Con đường Việt Namtừ gốc độ các văn bản cũng như sự hình các văn bản của nó. Ba tài liệu: Danh sách những người được mời tham gia sáng lập, Lời phát động phong trào, và Tổng quan về phong trào.
1. Danh sách những người được mời tham gia sáng lập
Đây là văn bản quan trọng nhất của Phong trào Con đường Việt Nam. Nếu không có văn bản này thì Phong trào Con đường Việt Nam đã không có sự quan tâm như nó đang có. Văn bản này liệt kê một danh sách gần 250 người được mời tham gia phong trào mà phần lớn là những gương mặt có thể nhận diện được trong các sinh hoạt chính trị, văn hóa, xã hội ở thời điểm này. Việc cho công bố danh sách này rõ ràng nằm trong chiến lược “tiếp thị” của những người khởi xướng. Chiến lược này thành công; nó lập tức tạo một tiếng vang trên không gian mạng.
Những phản ứng, có lúc rất mạnh mẽ, của một số người trong danh sách gợi ý rằng những người được mời chưa bao giờ đọc qua các văn bản hoặc nghe nói đến Phong trào Con đường Việt Nam trước khi tên của họ xuất hiện trên mạng. Đây là một việc làm thiếu chính đáng của những người khởi xướng. Trước khi mời một ai đó tham gia một việc nào đó thì anh phải giải thích cho họ hiểu công việc đó là gì, anh phải cho họ đọc trước đề cương, tôn chỉ của anh. Đây là một đòi hỏi tối thiểu để chứng tỏ rằng anh tôn trọng sự tham gia của họ. Những người được mời có thể là những nhân vật của công chúng, nhưng mối quan hệ giữa họ và công việc của anh, ngay cả khi công việc của anh phục vụ mục đích công, vẫn thuộc phạm vi cá nhân cho đến khi họ đồng ý cho phép anh công khai mối quan hệ đó. Việc tự ý công khai hóa các quan hệ dự định này để phục vụ cho công việc của anh là thiếu đạo đức.
Mặt khác, nhìn qua danh sách này không ai có thể nghĩ rằng những người khởi xướng thực sự tin vào chuyện những người được mời sẽ tham gia phong trào của họ. Điều này có nghĩa rằng việc công khai hóa danh sách này là để phục vụ những mục đích nào đó khác. Cho đến nay ông Lê Thăng Long vẫn chưa giải thích những mục đích này là gì. Cho đến khi có lời giải thích chính đáng cho việc công khai danh sách này, nó vẫn sẽ được coi là một “trò chính trị” mà những người khởi xướng đã lên án trong các tài liệu của họ.
Đấu tranh cho công lý và tự do là đấu tranh cho những giá trị lớn mà bất cứ một hành xử thiếu chính đáng nào đều phải được coi là sự phản bội các giá trị đó. Trong cuộc đấu tranh này, phương tiện là mục đích. Phương tiện thiếu chính đáng gợi ý những mục đích thiếu chính đáng, dù đề cương, tôn chỉ của anh hào nhoáng đến mức nào.
2. Lời phát động phong trào và Tổng quan về phong trào
Không có khác biệt gì lớn từ văn phong, từ ngữ, đến lập luận ở hai tài liệu này. Chúng có vẻ như đã được soạn thảo một cách vội vã, chứa những lỗi rất sơ đẳng về lý luận, và có nhiều đoạn tối nghĩa, có nhiều đoạn như là những đoạn văn dịch thuật vụng về. Đâu đó, như là để tạo thêm sự quyến rũ cho niềm đam mê dân tộc chủ nghĩa, chúng viện dẫn những cụm từ có tính trấn áp, không-thể-cải-lại-được như “dân tộc Lạc Hồng”, “văn minh Lạc Hồng”, “con Lạc cháu Hồng”, “hồn thiêng sông núi”, bên cạnh loại ngôn ngữ mệnh lệnh của tư duy tiền định như “quy luật khách quan tất yếu”. Những khái niệm này được nhào trộn không cần logic như là chỉ để tạo ấn tượng của loại tiếng vang lẻng kẻng hơn là để giúp người đọc hiểu về đề cương, tôn chỉ mà chúng muốn nhắm tới. Hãy đi vào văn bản:

Nếu như chính quyền cai trị của Pháp lúc đó không đàn áp thành công các phong trào yêu nước này thì giờ đây tinh thần “Khai dân trí, Chấn dân khí, Hậu dân sinh” đã đưa nước ta trở thành một quốc gia phát triển không thua kém gì Nhật Bản và các nước thuộc thế giới thứ nhất khác.

Câu này nằm ngay trong đoạn mở đầu. Cái giả định ấu trĩ trong lập luận này không cần phải nói thêm. Bên cạnh đó, “đàn áp thành công” không phải là lối nói của một lời hiệu triệu nghiêm túc. Người đọc khó tính có thể bỏ qua toàn bộ tài liệu mà không cần phải đọc thêm nữa. Nhưng chúng ta thì vẫn sẽ tiếp tục. Những đoạn trích bên dưới minh họa sự diễn đạt hoặc kỳ lạ, hoặc rắc rối, tối nghĩa của hai tài liệu. Trong vài trường hợp chúng có vẻ như không muốn người đọc hiểu:


Đây chính là căn nguyên cốt lõi khiến nước ta đến giờ vẫn còn chậm tiến cho dù nhân dân ta đã rất vất vả, luôn cần cù chịu thương chịu khó và luôn khát vọng vươn lên đến cháy bỏng.

Chỉ có như thế thì mọi quyền lực nhà nước mới có thể thực sự thuộc về nhân dân. Nhà nước đó mới thực sự là của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Những giá trị này không bao giờ có được do sự ban phát hay thiện ý của những người cầm quyền. Bất kỳ ai đó nếu đã có thể nghĩ, có thể nói mình làm được như vậy thì quyền lực đã thuộc về họ chứ không còn là của nhân dân nữa.

Hãy hưởng ứng phong trào Con đường Việt Nam để tiếp tục phong trào Duy Tân, làm cho nó lớn mạnh thành một hoạt động chính trị thực sự của nhân dân chứ không phải của bất kỳ đảng phái chính trị nào, vì bất kỳ một tư tưởng chủ nghĩa nào của bất kỳ ai để nói lên nguyện vọng của chúng ta, khẳng định mong muốn của chúng ta và đòi hỏi yêu cầu của chúng ta đối với bất kỳ thiết chế quyền lực nào muốn nhân danh nhân dân chúng ta.

- dứt khoát nhưng ôn hòa. - Ôn hòa nhưng cương quyết.


Sự rối rắm, tối nghĩa này thể hiện rõ hơn trong bản tiếng Anh của Tổng quan với những câu như:


Only with such a state can Vietnam obtain an indispensable basis for sustainable development to become a democratic and prosperous nation having the Lac Hong identity civilization.

The Movement of The Path of Vietnam strives for developing Vietnam following the below evolution in conformity with the objective principle of nature.


Về nội dung, các tài liệu của Phong trào không đưa ra được thêm ý tưởng nào mới. Cụm từ “Quyền con người” chỉ để thay cho một từ quen thuộc là “nhân quyền”, và cũng không được định nghĩa rõ ràng gồm những quyền gì ngoài việc đề cập đến Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền. Ý tưởng “nhân quyền” là nền tảng của phát triển cũng không phải là ý tưởng mới. Điều đáng nói ở đây là tác giả của các tài liệu này đã trộn lẫn “nhân quyền” theo truyền thống của Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân Quyền với các ý niệm của chủ nghĩa dân tộc. Đây là lối lập luận mang tính cơ hội chủ nghĩa. Dùng sự đam mê dân tộc chủ nghĩa để cổ xúy cho nhân quyền là một trò chơi nguy hiểm. Chủ nghĩa dân tộc, trong rất nhiều trường hợp, là kẻ thù tiềm ẩn của nhân quyền.

Cụm từ “quy luật khách quan tất yếu” (bản dịch tiếng Anh có lẽ đã mượn một cụm từ trong các trước tác của Kant là “objective principle of nature”) mà tác giả, hay những người khởi xướng, lặp đi lặp lại nhiều lần trong các tài liệu gợi ý hoặc là sự lười biếng về lý luận hoặc là chủ ý nhằm vào thói quen tư duy tiền định chịu ảnh hưởng nặng nề của chủ nghĩa lịch sử các loại, mà điển hình nhất là của chủ nghĩa Marx. Thế nào là “quy luật khách quan”? “Quy luật” này có tuân thủ cấu trúc của một lý thuyết khoa học không? Hay nó chỉ là một lối diễn đạt có tính áp đặt, ngay cả khi áp đặt những giá trị cao thượng?

Niềm tin vào các giá trị lớn của nhân loại, như nhân quyền, tự do, công lý, tự nó đã chứa đựng đầy đủ quyền lực đạo đức để hành xử nhân danh những giá trị này mà không cần phải viện dẫn bất cứ “quy luật” nào. Lối tư duy cho rằng có cái gì đó trong đời sống xã hội gọi là quy luật, nếu làm đúng thì xã hội sẽ tiến bộ và nếu đi ngược lại thì xã hội sẽ lụn bại, tiêu biểu cho lối tư duy độc đoán. Nhân loại trong hai thế kỷ qua đã phải trả những cái giá rất đắt cho lối tư duy này. Cũng như dân chủ, nhân quyền là kết quả mang tính sáng tạo của nhân loại trong hành trình đi tìm tự do và công lý. Cũng như dân chủ, nhân quyền là một lựa chọn, một xác tín giá trị. Nó không phải là kết quả của một “quy luật” nào cả. Và quan trọng hơn, nhân danh một thứ “quy luật” nào đó để cổ xúy nhân quyền tiềm ẩn nguy cơ chống lại nhân quyền.

Để kết luận, Phong trào Con đường Việt Nam bộc lộ trọn vẹn sự yếu kém của nó qua các văn bản. Việc công khai hóa danh sách những người được mời tham gia, mà không được phép của họ và không có lời giải thích chính đáng, là một “trò chính trị” thiếu đạo đức. Lời hiệu triệu và tôn chỉ của nó được soạn thảo một cách vụng về, vội vã với những lập luận cũ được bao bọc bởi lối diễn đạt nhằm lôi cuốn đam mê cảm tính của thói quen tư duy dân tộc và lịch sử. Nó ẩn chứa nguy cơ độc đoán, dù rằng nó đang cố gắng cổ xúy những giá trị của tự do.

Nhìn từ góc độ văn bản, Phong trào Con đường Việt Nam không hứa hẹn gì nhiều về tương lai của nó. Như đã nói ở trên, sự thất bại của một phong trào xã hội không nhất thiết phản ảnh đúng thực tại của nhu cầu và bức xúc xã hội. Có khi kho thuốc đã sẳn sàng bùng nổ nhưng ngọn lửa lại quá yếu.
-Con đường Việt Nam vẫn hot Đông A
Câu chuyện về Phong trào Con đường Việt Nam (PTCĐVN) vẫn đang là một đề tài hot trên mạng, như tôi quan sát. Đã có nhiều người được mời hơn đã từ chối công khai. Vẫn chỉ thấy có 2 người đồng ý tham gia Phong trào. Nhưng như tôi thấy những người từ chối đều nằm ở 5 nhóm Đà Lạt, Biểu tình, Bauxite, Truyền thông và độc lập. Những người ở những nhóm có khuynh hướng chính trị xã hội sắc nét như Diễn đàn, IDS, Kiến nghị, Thời cơ vàng đều thấy án binh bất động về mặt công khai. Nhóm Công giáo và dissident cũng chưa thấy có động tĩnh gì, nhưng Trần Huỳnh Duy Thức là một phật tử, Lê Thăng Long cũng có khuynh hướng thân giới Phật, thành ra có thể dự đoán nhóm Công giáo và dissident hoặc sẽ không mặn mà gì hoặc chờ chỉ thị của Vatican hay tổ chức tôn giáo ở nước ngoài, giống như mấy vụ đòi đất trước đây.

Vẫn chưa thấy chính quyền có phản ứng gì. Đấy là nói về mặt chính danh thôi, chứ phong trào phản đối PTCĐVN trên mạng có do chính quyền bật đèn hay không cũng thật khó nói.

Basam điểm 19/6:
-Trần Bình Nam: Con Đường Việt Nam (ĐCV).  – Vài nhận định sơ khởi về « LỜI PHÁT ĐỘNG PHONG TRÀO CON ĐƯỜNG VIỆT NAM » (Trương Nhân Tuấn).  – VIKILEAK! – (Quan Làm Báo).  – Con đường nào cho Việt Nam? — (Mẹ Nấm). “Đáng buồn là tâm huyết của những người đang còn ở trong tù, của Trần Huỳnh Duy Thức với bản án 16 năm tù có thể bị đồng hoá với những cái (bị) gọi là trò mèo.”  Đáng buồn thực của BS thì phải là sự bất ngờ với một Mẹ Nấm đầy kinh nghiệm đấu tranh mà nay bỗng nhiên lại ngây thơ đến lạ khi tin rằng  toàn bộ kịch bản, bản danh sách rất lạ và màn diễn quá lộ vừa qua là có sự tham gia của ông Trần Huỳnh Duy Thức, người được LTL cho là đã “thống nhất” theo “nguyên tắc quá bán”, rất không rõ ràng, từ … 2 năm trước. Liệu có phải chuyến đi rất đặc biệt qua Philippines (cả Thái Lan?) vừa qua đã làm thay đổi hẳn Mẹ Nấm?  - Con đường Việt Nam vẫn hot  —  (Đông A).   – Lê Thăng Long: ‘Tôi khẳng định không phải là cạm bẫy’ (BBC). Hỏi: có được anh định, anh Thức ủy nhiệm? Trả lời: chúng tôi đã thống nhất khi cả 3 người ở Xuân Lộc. Sau đó “anh Định được chuyển đi vào ngày 10 tháng 8 tại trại giam Xuân Lộc về Chí Hòa” (không nói năm nào. Trong khi cuộc phỏng vấn trước thì nói rõ: 10/8/2010). Được sự ủy nhiệm của anh Thức, chúng tôi theo nguyên tắc “đa số quá bán tức trên 2 phần 3 … thì sự thống nhất này là thống nhất chung của chúng tôi” (có nghĩa anh Định sau 2 năm có thể không đồng ý nhưng do là thiểu số thì phải phục tùng đa số?). 4 người công bố tham gia sáng lập (không cho biết là ai, trong khi trong thư mời gửi cho 20 người có ghi “sự xác nhận tham gia sáng lập của quý vị sẽ được công bố công khai rộng rãi trước công chúng”). Sự ủng hộ rất là nhiều … trong lòng của người dân.

- Huỳnh Văn Úc: Chim mồi (Trần Nhương). “Ông Lê Thăng Long cũng là một con chim mồi… Cái danh sách người được mời tham gia Phong trào Con đường Việt Nam cũng hoành tráng nốt và có những tên tuổi khiến người ta giật mình. Ta có thể xem những người này là những con chim trời. Mà là những con chim trời khôn ngoan, biết tỏng tòng tong là con chim mồi được buộc dây đậu sát mặt đất và lưới sập đã bố trí sẵn sàng quanh đó, sẵn sàng sập xuống để bắt chim theo kiểu gác lưới . Lộ vở quá sớm, nói theo kiểu Xuân Tóc Đỏ: Thế này thì còn nước mẹ gì nữa! Hỡi ông Lê Thăng Long!”
Vậy là cho tới hôm nay, sau chỉ có 10 ngày, cái gọi là phong trào “Con đường VN” được dựng lên vội vã, vụng thối vụng nát, đã nhanh chóng lộ ra bản chất trước bàn dân thiên hạ, đủ để kết thúc một màn kịch.
Cám ơn các vị nhân sĩ, trí thức, nhà hoạt động đã tỉnh táo, nhanh chóng phản hồi, phản đối có chừng mực, các độc giả cũng đóng góp nhiều ý kiến sáng rõ.
Ba Sàm xin phép được khép lại chủ đề này vào cuối ngày hôm nay, không điểm tiếp những bài viết liên quan và không khuyến khích bàn luận, dẫu có đề cập lại cũng chỉ để nói về ý thức cảnh giác, để bà con mình được rảnh tâm trí, đỡ mất thời gian, còn phải quan tâm tới bao vấn đề hệ trọng, nóng bỏng hàng ngày của đất nước.

Vậy là 2 ngày qua đã có kha khá các nhân vật bị nằm trong danh sách mời sáng lập “Con đường VN”, được cho là của ông Lê Thăng Long, lên tiếng phản đối. Từ những nội dung phản ứng của những người trong cuộc này, xin mạo muội tạm hình dung cảm giác và thái độ của họ.
1- Nếu như những bức thư mời, danh sách được tung lên mạng đó là của LTL, hoặc một thế lực nào đó ngoài chính quyền VN, thì đó không khác gì là một trò “chỉ điểm”, thống kê với cơ quan công an, theo nhãn quan của LTL – người trong cuộc – về những kẻ chống đối hiện hữu và tiềm tàng, rất nên có biện pháp thích hợp để quản lý, xử lý.
2- Nếu những danh sách, thư mời mọc đó không phải là của LTL (cho dù bữa nay đã được đưa lên trang web, cũng không có gì chắc chắn là của LTL), mà đích thị là của cơ quan công an VN, thì đó là hành động nhắm tới nhiều mục đích, trong đó có mục đích “bèo” nhất, nếu như không lừa được ai, không gây chia rẽ được muôn người, thì cũng là để “chỉ mặt”, “dằn mặt”, báo với những người “được mời” rằng: Các vị đã bị đưa vào sổ đen rồi đấy nhé. Hãy liệu cái thần hồn!
Có lẽ do không ngăn được làm sóng dân chủ văn minh loang trên mạng đến chóng mặt trong 1-2 năm qua, không đủ sức “quản”, thôi thì đành chơi trò mèo này vậy, để các vị này từ nay chớ có a dua với nhau làm những trò kiến nghị, lấy chữ ký, gặp mặt, viết bài, mở blog … này nọ làm chúng tôi điên đầu rồi. Tóm lại là phải “Sống trong sợ hãi!”
3- Dẫu có cho rằng ông LTL là người dấn thân, đi đầu tranh đấu cho quyền tự do của con người, thì những bức thư, danh sách mời được tung hê lên như vậy lại thể hiện một thứ văn hóa chợ búa, hoàn toàn xa lạ với xã hội văn minh, gần với “xã hội đen chính trị” diễn ra gần đây mà ta đều biết. Dễ khẳng định ngay rằng, nếu đó là việc làm của LTL, thì ông đã chứng tỏ ngay mình là con người không xứng đáng.
4- Nhưng chính chiến thuật “tung hê” nửa kín nửa hở đó lại rất sợ bị tung hê, công bố huỵch toẹt ra và lên án. Kẻ chơi trò “tung hê” chỉ còn nước là nấp sau lưng “nhà dân chủ”, giống như “nhà dân chủ” không đáng tin cậy đó lại nấp sau lưng một nhà dân chủ khác được dư luận tin tưởng hơn hẳn, nhưng đang bị ngăn cách với xã hội và dễ bị lợi dụng danh tiếng, đó là ông Trần Huỳnh Duy Thức.
Ngoài rất nhiều người tỏ ra nghi ngờ màn này, cũng có ý kiến độc giả và bài viết của những người “ngoài cuộc”, ở nước ngoài, ẩn danh như Nguyễn Ngọc Già,  Lê Nguyên Hồng,  Kami  thì có những cách nhìn, thái độ khác. Đó cũng là điều dễ hiểu. “Ở trong chăn … có rận, mới thấy nó khốn nạn đến thế nào”. Những “con rận” này đang quá lo lắng sắp sang tháng 7, khi cuộc “chỉnh đốn” sẽ vào màn quyết liệt nhất, nó có thể giải thích vì sao trong những bức thư mời mọc mang danh LTL có câu “thời gian quá cấp bách”, hay thư gửi riêng cho BS mời làm “Phó Ban quản trị” đã yêu cầu trả lời trong vòng 48 tiếng. Sự xuất hiện kinh hoàng blog “Quan làm báo” nghe chừng cũng liên quan tới cái “cấp bách” đó, nhưng lại như theo hướng ngược lại – tìm, giết “rận”; để rồi không biết có phải vì nó mà tức thì có một đợt ngăn chặn thông tin bằng dựng tường lửa trên mạng chưa từng thấy, được âm thầm phát động bởi chính VNPT – nhà cung cấp dịch vụ Internet quốc gia.
Nhân đây, cũng xin được nhắc lại với độc giả và một vài tác giả, trong đó có BBC Tiếng Việt, có (bài) viết về ý kiến của BS, mà hầu như đều phản ánh không đúng. Đó là, trong toàn bộ nội dung bình luận 4 ngày liên tiếp -  13141516/6 - BS chỉ đưa ra những gợi ý, phán đoán, mà hoàn toàn không đoan chắc về trường hợp LTL và những thư mời tung trên mạng. Thậm chí trong bình luận ngày 14/6, BS còn đặt giả thiết tin tưởng vào tấm lòng của ông LTL, chỉ khuyên ông bình tĩnh, tỉnh táo. Mặt khác, trong các bình luận đó, BS đã cố phân biệt một ông LTL có trả lời trên BBC với (những)kẻ gửi những email mời mọc, thậm chí cả tác giả của một số bài viết đứng tên LTL trênDân luận
, chưa dám khẳng định đó hoàn toàn là chỉ từ một LTL đang-được-tự-do.



- Lê Nguyên Hồng
Trước hết xin chúc mừng cho "Phong trào Con đường Việt nam" (PTCĐVN) vì ít nhất nó cũng đã thành công ở mức độ thu hút dư luận. Nhưng qua phản ứng nhiều chiều từ những góc dộ khác nhau, những người quan tâm đến hiện tình chính trị xã hội của Việt Nam cũng hiểu ra được nhiều vấn đề...
Ảnh minh họa

Thứ nhất, xét về mặt tích cực thì sự ra đời của PTCĐVN là một hiện tượng mang tính sáng tạo. Nó mang tính sáng tạo ở chỗ, dường như nó đã cố gắng tránh né đòn đàn áp của chế độ bằng cách công khai danh tính người khởi xướng và cũng công khai danh tính mộtsố đối tượng được mời tham gia, là những đảng viên Đảng Cộng Sản Việt Nam kỳ cựu như các ông Nguyễn Văn An, Tống Văn Công, bà Nguyễn Thị Bình vv...
Thứ hai, PTCĐVN chủ trương kêu gọi mọi người dân Việt Nam không cần phải theo bất kỳ một chủ thuyết, bất kỳ một chủ nghĩa nào. Họ cần hành động cho chính những lợi ích của bản thân họ, mà mục đích tối thượng để từ đó mỗi người có thể đạt được mọi quyền lợi chính đáng khác, đó là trước hết phải giành lấy "quyền con người”. Đây là cách đơn giản hóa vấn đề lợi ích, nhằm đánh vào tâm lý người dân “thế nào cũng được, miễn là có lợi cho mình”.
Nhưng có vẻ như ông Lê Thăng Long đã tính toán sai. Cái sai thứ nhất chính là việc chọn tựa đề để phát động lời kêu gọi PTCĐVN, vì trước đó đã có hẳn một cuốn sách gần như trùng tên, đó là cuốn "Con đường Việt Nam" của ông Nguyễn Sĩ Bình được phổ biến. Mà ông Bình lại có mối quan hệ mật thiết với nhóm của ông Lê Thăng Long trước lúc nhóm này bị cầm tù. Điều này đã gây nên một sự hiểu (lầm hay không) rằng PTCĐVN chính là do ông Nguyễn Sĩ Bình đạo diến...
Sai lầm thứ hai cũng vẫn nằm trong chữ PTCĐVN. Đã là "phong trào" thì người ta phải có ít nhất một nhóm người xác định, ví dụ "phong trào trồng cây gây rừng" thì phải có người trồng cây (nhân lực) trước đã. Hay phong trào phụ nữ sinh đẻ có kế hoạch chẳng hạn thì cần phải có "phụ nữ" trước, nếu không thì ắt hẳn nó cũng chẳng thể thành một phong trào. Điều nghịch lý là ở chỗ, ông Lê Thăng Long tuyên bố "phát động phong trào" nhưng chưa có nhân lực, ngoài chính bản thân ông Long.
Sai lầm thứ ba, đó chính là thay vì dùng một người khác (có thể tạm thời ẩn danh) đứng đầu tổ chức dân sự này, ông  Lê Thăng Long chỉ nên giữ vai trò người phát ngôn chẳng hạn, nhưng ông Long đã không làm như vậy. Bởi điểm yếu của ông Long chính là việc trong nhóm bị kết tội vô cớ, tội "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền" ngày 20/01/2010 gồm các ông Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Trần Huỳnh Duy Thức và ông Lê Thăng Long, thì vai trò của ông Long không nổi bật...
Đồng thời ông Lê Thăng Long có những điểm yếu khác, đó là việc ông được giảm án trong phiên tòa phúc thẩm từ 5 năm xuống còn 3 năm rưỡi, với lý do “thành khẩn nhận tội”(BBC). Ông Long lại được tha tù trước hạn là một điều dễ nảy sinh nghi ngờ, vì thông thường chỉ những thành phần "cải tạo tốt" hoặc lập "công" chuộc "tội" thì mới được chế độ cho hưởng ân xá. Những điểm yếu đó đồng nghĩa với việc ông Lê Thăng Long khó có thể trở thành một thủ lĩnh đấu tranh. Và vì vậy lời kêu gọi phát động PTCĐVN sẽ ít có ai hưởng ứng là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên, khi ông Lê Thăng Long phổ biến lời kêu gọi hưởng ứng PTCĐVN và những văn bản có liên quan, một số ý kiến đã đánh giá hành động của ông Long là "ấu trĩ", "ngây thơ" hay thậm chí là "nguy hiểm" lại là điều đáng bàn. Có thể ông Lê Thăng Long ngây thơ, hay ấu trĩ, nhưng "nguy hiểm" thì tất nhiên là không. Bởi vì chính việc ông Long công khai cuộc phát động này và mời gọi đích danh một số người trong ĐCSVN tham gia, đã là một yếu tố an toàn, nó chính là rào chắn trước đối với những hệ lụy pháp lý có thể xảy ra về sau.
Có người đã so sánh PTCĐVN với Khối 8406 về độ nguy hiểm thì quả là không tương xứng. Khối 8406 tuyên bố "thay thế triệt để thể chế chính trị hiện tại", nhưng PTCĐVN không hề đả động gì đến việc tấn công chế độ.  Ông Lê Thăng long chỉ nhắm đến một mục tiêu duy nhất, đó là thực hiện quyền con người mà thôi. Như vậy việc Khối 8406 bị đàn áp thẳng tay là vì lý do hoàn toàn khác.
Nói chung cho đến hôm nay, có thể khẳng định: Những người trong nước đối lập với chế độ Cộng Sản ở Việt Nam vẫn đang dọ dẫm tìm con đường đi cho mình. Nhưng có lẽ họ hãy nghĩ đến những giải pháp trước. Giải pháp thường mang tính ngắn hạn (tình thế) và nó có thể dễ dàng thay đổi tùy biến theo tình hình. Nhưng nếu đã là "con đường" thì người ta bắt buộc phải đi theo lộ trình đã vạch sẵn. Người ta chỉ có thể có con đường thực, một khi có đủ điều kiện về nhân vật lực mà thôi. Biến không thành có là điều ai cũng muốn làm. Nhưng xác xuất thành công thì chắc chắn là vô cùng thấp.
Thiết nghĩ, muốn một lời kêu gọi quần chúng có thể có nhiều người hưởng ứng, trước hết người chủ xướng phải là một người có tầm vóc. Trong đấu tranh, tầm vóc đó chính là sự thông minh, lòng dũng cảm, đức hy sinh, và một điều vô cùng quan trọng khác đó là vị thế (tạm hiểu là có nhiều người hâm mộ) đối với cộng đồng.
Gỉa sử như cuộc phát động PTCĐVN do tiến sĩ Nguyễn Quang A hay giáo sư Ngô Bảo Châu chủ xướng, chắc chắn nó sẽ được số đông tham gia. Vì "phong trào" có một đặc điểm chung là... phong trào. Nghĩa là có thể rất nhiều người tham gia vì thích, vì có cảm tình, hay một cái gì đại loại như vậy. Chính vì vậy người ta mới có câu "tính chất phong trào". Trên thế giới này và nhất là trong quá khứ lịch sử Việt Nam, nhiều người đã tham gia nhiệt tình vào các phong trào bằng cảm tính, mà đôi khi họ chẳng hiểu cặn kẽ gì mấy về phong trào đó.
Đối với PTCĐVN, có lẽ thành công của họ sẽ chỉ dừng ở chỗ nhất thời khuấy động được làn sóng dư luận mà thôi. Nhưng dẫu sao nó cũng sẽ đọng lại chút suy nghĩ cho những người còn có tâm với hiện tình đất nước. Nếu không thử thì không có bài học thực tế. Ông Lê Thăng Long đã dám làm, ta nên khích lệ thay vì dè bỉu, đàm tiếu. Con đường, nhất là đại lộ thì ai cũng muốn đi. Nhưng để có một con đường, người ta cần có những giải pháp để hình thành con đường đó trước đã…
Lê Nguyên Hồng




Tổng số lượt xem trang