Thứ Ba, 25 tháng 12, 2012

Nhiều sai phạm tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân

Tin liên quan: -Tháp ĐHKTQD “đắp chiếu” gây lãng phí hàng trăm tỉ đồng

--- Vẫn còn sai phạm ở ĐH Kinh tế Quốc dân? (Thanh tra).
(Thanh tra)- Nhiều dấu hiệu sai phạm trong hoạt động đào tạo ở Đại học (ĐH) Kinh tế Quốc dân (KTQD) đã được Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) kết luận. Tuy nhiên, dư luận cho rằng, vẫn còn nhiều vấn đề khuất tất tại đây.
Từ năm 2008 đến nay, những dấu hiệu không bình thường trong công tác đào tạo và hoạt động tài chính của nhà trường đã được một số cán bộ giáo viên, sinh viên (SV) phản ánh tới cơ quan chức năng và báo giới bằng nhiều đường khác nhau.

Cho đến khi sự việc không thể che đậy tại một trong ngôi trường thuộc tốp đầu của quốc gia thì đích thân Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT Nguyễn Huy Bằng đã trực tiếp chỉ đạo tổ công tác thực hiện thanh tra hành chính trong thời gian 2 tháng tại trường và phát hiện: Trong 2 năm 2009 và 2011, trường đã thu vượt 14 khoản quy định với tổng số tiền 51 tỉ đồng, trong đó thu sai kinh phí đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ 22 tỉ đồng; thu vượt quy định lệ phí tuyển sinh 7,9 tỉ đồng; thu ngoài quy định 18 tỉ đồng; thu vượt quy định học phí nâng điểm hệ chính quy hơn 3 tỉ đồng; thu phí trông xe vượt quy định gần 230 triệu đồng.

Hoạt động liên kết đào tạo với Trường ĐH Tây Bắc từ 2008 - 2012 đã có 54 SV từ ĐH Tây Bắc chuyển về ĐH KTQD tiếp tục học và được cấp bằng của trường này. Nhiều SV trong số đó có điểm thi vào ĐH Tây Bắc trúng tuyển trên điểm sàn theo Bộ GD&ĐT quy định từ 13 - 15 điểm. Tuy nhiên, vẫn có SV thuộc diện ưu tiên chỉ cần 10 điểm là trúng tuyển. Trong khi đó, điểm chuẩn vào ĐH KTQD khóa 50 là 26 (ngành tài chính ngân hàng), khóa 51 là 25,5. Theo phản ánh của một số SV đã ra trường thì việc xin chuyển về học trường Thủ đô chẳng hề khó. SV chỉ cần có đơn xin nơi đi và được nơi tiếp nhận “gật” thì thủ tục chuyển trường được thực hiện chóng vánh. Như vậy, 54 SV có mức chênh lệch điểm gần bằng một nửa so với điểm chuẩn, vẫn được sánh vai với những SV đỗ theo điểm chuẩn đầu vào quả là điều bất bình thường.

Chiểu theo các quy định của Bộ GD&ĐT đối với SV có nguyện vọng chuyển trường: SV có điểm thi thấp hơn điểm xét tuyển của trường xin chuyển tới thì không được xem xét nguyện vọng chuyển. Rõ ràng, việc hợp thức hóa số lượng SV nói trên với các thủ tục đơn giản đã khiến dư luận đặt vấn đề: Có hay không việc tiêu cực ở đây? Vậy nhưng, kết luận của Thanh tra Bộ GD&ĐT đã chưa làm rõ được những nghi vấn này.

Những sai phạm trong đào tạo sau ĐH cũng được Thanh tra Bộ GD&ĐT kết luận: Từ 2008 - 2012, trường đã ban hành và thực hiện nhiều văn bản về đào tạo sau ĐH trái với Luật Giáo dục, Quy chế Đào tạo thạc sĩ và Quy chế Văn bằng chứng chỉ. Cụ thể: Trường thực hiện chương trình bồi dưỡng sau ĐH và đã cấp 787 chứng chỉ cho học viên. Điều đáng nói là, những chứng chỉ này được phép thay thế một phần chương trình mà SV cần học bổ sung kiến thức để thi cao học. Theo một số giảng viên của trường thì, kiến thức của phần bồi dưỡng sau ĐH và kiến thức mà học viên cần bổ sung để thi cao học hoàn toàn khác nhau. Đó là lí do không thể thay thế. Vậy nhưng, trường lại thông báo rộng rãi rằng, chứng chỉ có giá trị trên toàn quốc. 

Thời gian qua, Trường ĐH KTQD còn đào tạo ngoài luồng, đó là đào tạo thạc sĩ thực hành. Trong khi chứng chỉ đặc thù này chỉ được Bộ GD&ĐT cho phép Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội thực hiện (chuyên về các lĩnh vực kĩ thuật thực hành). Phải chăng, Trường ĐH KTQD đã tự cho phép mình có thẩm quyền “vượt Bộ”?

Sau khi kết luận thanh tra được công bố, một số học viên của Trường ĐH KTQD băn khoăn lo lắng: Liệu các chứng chỉ mà trường cấp cho các học viên để được miễn học bổ sung kiến thức trước khi thi cao học có còn giữ nguyên giá trị bởi họ đã chi phí một khoản thời gian và tiền bạc không nhỏ cho việc học này? Về vấn đề này, lãnh đạo Thanh tra Bộ GD&ĐT khẳng định các quyết định mà trường đã ban hành sai phải được hủy bỏ. Nhưng, để bảo đảm quyền lợi cho các học viên, các chứng chỉ trên sẽ không bị thu hồi.



-Hiệu trưởng ĐH Kinh tế Quốc dân bị xử lý thế nào? (VTC 13-12-12)-
- ĐH Kinh tế Quốc dân tạo kẻ hở cho việc chạy trường (NĐT).
-Nội dung kết luận thanh tra (đột xuất) tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân
Thực hiện Quyết định số 2558/QĐ-BGDĐT ngày 13-7-2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) về việc thanh tra một số hoạt động của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (sau đây gọi tắt là Trường); từ ngày 24-7-2012 đến ngày 24-9-2012, Đoàn thanh tra đã tiến hành thanh tra (đột xuất) tại Trường với các nội dung: Công các tổ chức, cán bộ; công tác đào tạo sau đại học và liên kết đào tạo; công tác xây dựng cơ bản và các khoản thu chi, tài chính của Trường giai đoạn từ tháng 7-2008 đến tháng 5-2012.
Xét Báo cáo kết quả thanh tra ngày 7-11-2012 của Đoàn Thanh tra; Bộ GĐ&ĐT kết luận (trích) như sau:
A. KẾT QUẢ KIỂM TRA XÁC MINH
I. Về tổ chức, cán bộ
1. Về tổ chức
a. Tình hình chung
Trường đã ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động theo Quyết định số 1723/QĐ-ĐHKTQD-TCCB ngày 11-4-2010 và đã tiến hành tổ chức, sắp xếp lại 24 đơn vị, cụ thể:
- Thành lập mới 2 đơn vị;
- Tổ chức lại 17 đơn vị, trong đó: Sáp nhập 8; chia tách 2; đổi tên 2; chuyển đổi mô hình từ Khoa sang Viện, Trung tâm có tư cách pháp nhân 5 đơn vị;
- Giải thể 3 trung tâm trực thuộc phòng và 1 trung tâm trực thuộc Trường;
- Tạm ngừng hoạt động, đang làm thủ tục giải thể Trung tâm Tư vấn, nghiên cứu về kinh tế và kinh doanh.
Như vậy, số đơn vị trực thuộc Trường đã giảm từ 62 đơn vị năm 2008 xuống còn 52 đơn vị năm 2012.
b. Việc thành lập Viện Ngân hàng - Tài chính
Tháng 11-2011, Hiệu trưởng giao nhiệm vụ cho Phòng Tổ chức Cán bộ (TCCB) xây dựng Đề án để thực hiện chuyển đổi. Ngày 15-12-2010, Đảng ủy Trường họp và bỏ phiếu thông qua Đề án và phương án Hiệu trưởng kiêm Viện trưởng với tỉ lệ 17/17 phiếu đồng ý. Ngày 19-12-2010, Đảng ủy có Nghị quyết về việc thành lập Viện Ngân hàng - Tài chính. Cùng ngày, Hiệu trưởng ban hành Quyết định số 852/QĐ-ĐHKTQD-TCCB về việc thành lập Viện Ngân hàng - Tài chính trên cơ sở chuyển đổi mô hình tổ chức của Khoa Ngân hàng - Tài chính. Ngày 9-1-2012, Hiệu trưởng ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Viện kèm theo Quyết định số 08/QĐ-ĐHKTQD-TCCB (sau đây gọi tắt là Quy chế 08).
c. Thiếu sót, sai phạm trong công tác tổ chức
- Quy chế tổ chức, hoạt động của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân quy định: "Trường Đại học Kinh tế quốc dân là đơn vị sự nghiệp công lập được giao quyền tự chủ hoàn toàn về thực hiện nhiệm vụ, tài chính, tổ chức bộ máy, nhân sự" (khoản 2, Điều 2) là chưa phù hợp với quy định của pháp luật;
- Trường chưa xây dựng Phương án tự chủ về bộ máy, tổ chức trình Bộ GD&ĐT phê duyệt theo quy định tại khoản 3, Điều 31, Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25-4-2006 và khoản 1, Điều 4, Thông tư liên tịch số 07/2009/TTLT-BGDĐT-BNV;
- Trường chưa ban hành văn bản quy định về quy trình thành lập, chuyển đổi, chia tách, sáp nhập, giải thể các tổ chức trực thuộc, dẫn đến việc triển khai thành lập, sáp nhập, chuyển đổi các đơn vị thuộc Trường chưa thống nhất, chưa thực hiện đầy đủ quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 36, Điều lệ trường đại học ban hành theo Quyết định số 58/2010/QĐ-BGDĐT ngày 22-9-2010;
- Quyết định thành lập và Quy chế tổ chức và hoạt động của Viện Ngân hàng - Tài chính quy định Viện có tư cách pháp nhân là không phù hợp với Điều 41, Điều lệ Trường đại học và Điều 83 Bộ luật Dân sự. Một số quy định khác trong Quy chế cũng có sai sót;
- Khi tiến hành chuyển đổi Khoa Ngân hàng - Tài chính sang Viện Ngân hàng - Tài chính, Hiệu trưởng không tổ chức bàn bạc và tham khảo ý kiến của cán bộ, viên chức cơ sở là chưa thực hiện đầy đủ quy định tại khoản 2, Điều 5, Quy chế thực hiện dân chủ ban hành kèm theo Quyết định số 04/2000/QĐ-BGD&ĐT của Bộ trưởng Bộ GĐ&ĐT.
- Khi tiến hành tách Bộ môn Tài chính tiền tệ và Tài chính công thành hai bộ môn Lí thuyết tài chính tiền tệ và Tài chính công, Hiệu trưởng đã không lấy ý kiến của Ban Chủ nhiệm Khoa và của Hội đồng Khoa học Khoa là không phù hợp với quy định tại khoản 1, Điều 42, Điều lệ trường đại học.
Trách nhiệm đối với thiếu sót, sai phạm về tổ chức thuộc Hiệu trưởng, Đảng ủy Trường và đơn vị tham mưu về tổ chức, cán bộ.
2. Về cán bộ
a. Tình hình biến động cán bộ từ 2008 đến 2012
- Trường đã tổ chức tuyển dụng 150 giảng viên và 46 viên chức hành chính.
Theo báo cáo của Trường thì trong số giảng viên và viên chức hành chính được tuyển dụng có 5 người có quan hệ gia đình với Hiệu trưởng gồm 1 giảng viên, 3 chuyên viên, 1 nhân viên văn thư. Kiểm tra hồ sơ thấy 5 cá nhân này đều có quyết định tuyển dụng, hợp đồng làm việc theo quy định, có người đã làm hợp đồng tại Trường trước khi ông Nam làm Hiệu trưởng.
Trường có 13 giáo sư, 17 phó giáo sư nghỉ hưu và 27 tiến sĩ (trong đó có 11 PGS) chuyển công tác (năm 2008 có 5 người; năm 2009 có 9 người; năm 2010 có 4 người; năm 2011 có 7 người; năm 2012 có 2 người).
- Hiệu trưởng đã ban hành 113 quyết định bổ nhiệm cán bộ quản lí cấp phòng, khoa, viện, trung tâm, trong đó có 87/113 người từng giữ các chức danh lãnh đạo trong nhiệm kì 2003 - 2008: 26/113 người bổ nhiệm lần đầu. Trong số này có 62% thuộc diện quy hoạch.
b. Một số trường hợp cụ thể
- Việc điều động ông Phạm Ngọc Linh: Ông Phạm Ngọc Linh được bổ nhiệm Trưởng phòng TCCB năm 2008. Sáng 29-4-2010, Hiệu trưởng Nguyễn Văn Nam họp Ban Giám hiệu thông báo về tình hình công tác của Trường, trong đó có nội dung điều động ông Phạm Ngọc Linh làm Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và thôi giữ chức Trưởng phòng TCCB. Lí do là Phòng TCCB chưa triển khai được việc xây dựng quy chế tổ chức, hoạt động của Trường, tiến độ triển khai công việc quá chậm. Cũng trong sáng 29-4-2010, Thường vụ Đảng ủy Trường họp nhất trí với đề xuất của Hiệu trưởng. Cùng ngày, Hiệu trưởng đã kí Quyết định số 486/QĐ-TCCB “Điều động, bổ nhiệm có thời hạn PGS. TS Phạm Ngọc Linh giữ chức Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và phát triển theo nhiệm kì Hiệu trưởng 2008 - 2013 và cho thôi giữ chức Trưởng phòng TCCB". Căn cứ ban hành Quyết định số 486/QĐ-TCCB không có nội dung “xét đề nghị của Trưởng phòng TCCB".

Việc điều chuyển ông Linh không thông qua Đảng ủy và không có văn bản đánh giá cán bộ đã vi phạm quy định tại Quyết định số 1907/QĐ-ĐHKTQD và Quy chế đánh giá cán bộ công chức ban hành kèm theo Quyết định số 286-QĐ/TW ngày 8-2-2010 của Bộ Chính trị.

Trách nhiệm thuộc Hiệu trưởng và Thường vụ Đảng ủy Trường.


- Việc điều động bà Nguyễn Thị Thế Anh: Ngày 5-7-2011, Trưởng Khoa Kinh tế và Quản lí nguồn nhân lực có văn bản gửi Phòng TCCB đề nghị chuyển bà Nguyễn Thị Thế Anh sang công việc khác với lí do: Trong quá trình làm việc tại Khoa, bà Nguyễn Thị Thế Anh bộc lộ một số bất cập. Phòng TCCB của trường đã gặp gỡ trao đổi với bà Thế Anh và liên hệ với một số đơn vị để điều chuyển. Ngày 6-12-2011, Hiệu trưởng ban hành Quyết định số 832/QĐ-ĐHKTQD-TCCB điều chuyển bà Nguyễn Thị Thế Anh từ vị trí Trợ lí khoa Kinh tế và Quản lí nguồn nhân lực sang làm chuyên viên Hành chính - Văn thư - Lưu trữ, trạm Y tế. Kết quả kiểm tra, xác minh cho thấy: Trường và Khoa chưa có văn bản đánh giá trước khi điều chuyển, căn cứ để điều chuyển chưa đủ tính thuyết phục. Mặt khác, Trường không thực hiện giải quyết kiến nghị, khiếu nại theo đúng quy định mà lại đăng trả lời đơn khiếu nại cùng thông tin cá nhân của bà Thế Anh lên cổng thông tin của Trường, gây bức xúc đối với bà Thế Anh và dư luận trường.


Trách nhiệm thuộc Hiệu trưởng và đơn vị tham mưu về TCCB.


- Việc kỉ luật ông Hà Huy Bình: Ông Hà Huy Bình làm việc tại Tổ Giảng đường, Phòng Quản trị thiết bị. Ngày 7-5-2011, Hiệu trưởng nhận được đơn tố cáo kèm theo cuộn băng ghi âm lời nói chuyện của ông Bình với người tố cáo, trong đó có nội dung nói xấu Hiệu trưởng và một số cán bộ của Trường. Ngày 7-9-2011, Hiệu trưởng chỉ đạo tiến hành các thủ tục xem xét, xử lí kỉ luật ông Bình với hình thức cảnh cáo và hạ bậc lương tại Quyết định kỉ luật số 483/QĐ-ĐHKTQD. Sau khi ông Bình khiếu nại, Hiệu trưởng đã chỉ đạo xem xét, ban hành quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu số 602/QĐ-ĐHKTQD ngày 22-9-2011; Quyết định tổng hợp hai hình thức cảnh cáo và hạ bậc thành hình thức hạ ngạch. Việc xử lí kỉ luật đối với ông Bình của Trường đã vi phạm quy định về trình tự, thủ tục và nguyên tắc xử lí kỉ luật cán bộ, viên chức quy định tại Nghị định số 35/2006/NĐ-CP; không xác định đúng mức độ hậu quả của hành vi vi phạm.


Trách nhiệm thuộc Hội đồng Kỉ luật, Hiệu trưởng và Phòng TCCB.


- Việc kiêm giảng của ông Nguyên Xuân Huy: Ông Nguyễn Xuân Huy nguyên là sinh viên, học viên cao học của Trường và hiện đang công tác tại một cơ quan báo chí. Xuất phát từ nguyện vọng của ông Huy và nhu cầu của Trường, Hiệu trưởng đã ban hành Quyết định kiêm giảng số 1874/QĐ-ĐHKTQD ngày 6-10-2009, trong đó ghi “nay đồng ý để ThS Nguyễn Xuân Huy, cán bộ Cục Báo chí - Xuất bản, Bộ Thông tin - Truyền thông Việt Nam được kiêm giảng tại khoa Khoa học Quản lí kể từ ngày kí” là không đúng với chức danh thực của ông Huy. Trên cơ sở Đơn xin cấp thẻ kiêm giảng ngày 20-10-2011, Trường đã cấp thẻ kiêm giảng trong đó ghi "Tiến sĩ Nguyễn Xuân Huy, giảng viên kiêm giảng Khoa Khoa học Quản lí" là không đúng vì ông Huy không phải tiến sĩ. Trách nhiệm về việc ban hành Quyết định 1874/QĐ-ĐHKTQD thuộc Hiệu trưởng, Phòng TCCB, trách nhiệm dẫn đến việc cấp thẻ kiêm giảng sai thuộc bà Nguyễn Thị Thế Anh (người viết đơn thay ông Huy) và Phòng Hành chính Tổng hợp.


- Việc ông Đàm Văn Huệ sinh con thứ 3 vẫn được bổ nhiệm Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính. Ông Đàm Văn Huệ sinh con thứ 3 vào năm 2007. Ông Huệ đã báo cáo Đảng ủy Trường Khóa 25 (nhiệm kì 2005 - 2010), nhưng Đảng ủy đã không xem xét xử lí kỉ luật theo quy định. Đảng ủy Khóa 26 thống nhất để Hiệu trưởng bổ nhiệm ông Huệ giữ chức vụ Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính vào năm 2008 mà không tiến hành đánh giá cán bộ bằng văn bản.


Như vậy, Đảng ủy Khóa 25, Khoá 26 và Hiệu trưởng Trường đã vi phạm quy định của Đảng về việc xử lí đảng viên vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình và bổ nhiệm đảng viên vào chức danh lãnh đạo.


- Việc giải quyết tố cáo của bà Phạm Thị Hoa: Bà Phạm Thị Hoa có đơn tố cáo đề ngày 23-1-2012 gửi Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, tố cáo liên quan đến Hiệu trưởng và Trưởng phòng TCCB của Trường. Bộ GD&ĐT đã xem xét giải quyết theo đúng quy định của pháp luật và ban hành Kết luận số 453/KL-BGDĐT ngày 14-6-2012. Bà Hoa tiếp tục có đơn kiến nghị gửi Bộ nhưng bà không cung cấp được tài liệu, chứng cứ gì mới so với các nội dung đã được xem xét, giải quyết nên Bộ GD&ĐT không xem xét, giải quyết tiếp.


- Về việc nhận lót tay của Công ty ACOM: Trường và Công ty CP Đầu tư Phát triển Công nghệ Viễn thông truyền hình ACOM kí Hợp đồng số 31/HĐKT ngày 15-5-2009 về việc thuê mặt bằng và đầu tư lắp đặt hệ thống hạ tầng phục vụ phủ sóng di động trong tòa nhà Trung tâm Đào tạo Trường Đại học KTQD". Tuy nhiên, vì tòa nhà chưa xây dựng xong nên hợp đồng chưa được triển khai thực hiện. Kiểm tra hồ sơ tại Trường hiện không có bất cứ khoản thanh toán nào liên quan đến Hợp đồng số 31/HĐKT được chi trả.
--Nội dung kết luận thanh tra (đột xuất) tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (Tiếp theo)
Về 300.000 USD tiền bôi trơn của một doanh nghiệp: Theo phản ánh, có một doanh nghiệp thực hiện “bôi trơn” 300.000 USD cho Hiệu trưởng Nguyễn Văn Nam để được cung cấp gói thiết bị khoa học kĩ thuật tạo ION làm sạch, vô trùng cho các phòng thí nghiệm...
Cơ quan phản ánh có cung cấp cho Đoàn thanh tra 01 USB lưu 04 file ghi âm, ghi lại nội dung cuộc đàm thoại giữa một số cá nhân, trong đó có đoạn đề cập đến việc đại diện của công ty cung cấp thiết bị (không nêu rõ tên công ty) đã chuyển khoản 300.000 USD tiên “bôi trơn" cho ông Nam. Tuy nhiên, tổ chức phản ánh không cung cấp đủ xuất xứ thông tin. Vì vậy không có căn cứ để xác định nguồn gốc băng ghi âm và các nhân vật tham gia cuộc đàm thoại trong file ghi âm. Liên quan đến nội dung trên, Trường đã giải trình và cung cấp Công văn số 887/CAHN (PA83) ngày 12-11-2012 của Công an thành phố Hà Nội về việc xác minh nguồn gốc tài khoản số 1 2 1 1 00001 09652 tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam chi nhánh Hai Bà Trưng: Đây là tài khoản giao dịch cá nhân (tiền Việt Nam) của ông Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch phường Đồng Nhân, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Ông Hùng đã xác nhận không biết và chưa bao giờ có giao dịch chuyển tiền cho ông Nam. Số dư tài khoản lớn nhất, theo bảng kê tài khoản ngày 27-3-2012 (do công an xác minh) là 35.160.000 đồng. Vì vậy không có cơ sở để kết luận về nội dung phản ánh.
c) Một số thiếu sót, sai phạm khác trong công tác cán bộ
- Trường đã ban hành Quyết định số 1907/QĐ-KTQD ngày 27-10-2008 về việc quy định Quy trình bổ nhiệm cán bộ quản lí nhiệm kì 2008 - 2013 thiếu 02 bước so với quy định tại Quyết định 27/2003/QĐ-TTg (gọi tắt là Quy chế 27) của Thủ tướng ban hành Quy chế bổ nhiệm miễn nhiệm điều động cán bộ lãnh đạo. Trách nhiệm thuộc Hiệu trưởng và đơn vị tham mưu về tổ chức cán bộ;
- Trường đã bổ nhiệm 49 Phó trưởng Phòng, Ban và Khoa (giai đoạn 2008 - 2010) từ nguồn cán bộ tại chỗ mà không có sự tham gia nhận xét, đánh giá tín nhiệm của cán bộ, công chức trong cơ quan, đơn vị trước khi bổ nhiệm là không thực hiện đầy đủ quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 7, Quy chế 27 của Thủ tướng Chính phủ. Trách nhiệm thuộc Hiệu trưởng và Phòng Tổ chức Cán bộ;
Việc xử lí cán bộ một cách vội vàng, quyết liệt không cần thiết, không xem xét kĩ các tình tiết liên quan (trường hợp ông Linh, ông Bình), bỏ qua, không xử lí triệt để (trường hợp ông Huệ và các cá nhân, tổ chức liên quan đến vụ ông Huy); điều động, bố trí ông Linh từ Trưởng phòng xuống Phó Viện trưởng (chức vụ thấp hơn), song nhà trường không tổ chức đánh giá, không làm công tác tư tưởng trước thể hiện sự thiếu khách quan, thiếu công bằng, dẫn đến phát sinh các ý kiến bất bình trong một số cán bộ, viên chức và gây ra dư luận không tốt về Trường.
Trách nhiệm đối với những thiếu sót, sai phạm trong công tác tổ chức cán bộ thuộc về Hiệu trưởng, Đảng ủy Trường và Phòng Tổ chức Cán bộ.
II. VỀ ĐÀO TẠO SAU ĐẠI HỌC VÀ LIÊN KẾT ĐÀO TẠO VỚI TRƯỜNG ĐẠI HỌC TÂY BẮC
1. Đào tạo sau đại học
a) Việc đặt lớp đào tạo trình độ thạc sĩ
Năm 2008, Trường được Bộ GD&DT cho phép đặt lớp đào tạo trình độ thạc sĩ tại Trường Đại học Tây Bắc, Trường Đại học Tây Nguyên, Trường Đại học Đồng Tháp, Nam Định, Ninh Bình, Đồng Nai. Các lớp này chỉ tuyển sinh tháng 5-2008, đã kết thúc đào tạo và không tổ chức tuyển sinh thêm khóa mới. Năm 2011, Trường được Bộ giao đào tạo thạc sĩ theo địa chỉ cho tỉnh Lai Châu. Trường tổ chức thi tuyển chung tại Trường Đại học Tây Bắc, tổ chức lớp học tại Lai Châu theo chỉ tiêu riêng của Bộ GD&ĐT giao cho Lai Châu (CV số 4480/BGDĐT-GDĐH ngày 1-17-201l). Năm 2012, Trường được Bộ giao đào tạo cao học theo địa chỉ cho tỉnh Tuyên Quang và Điện Biên. Trường tổ chức thi tuyển chung cùng đợt thi tại Đại học Tây Bắc và sẽ tổ chức các lớp học tại Tuyên Quang và Điện Biên theo chỉ tiêu riêng của Bộ GD&DT (CV số 1734/BGDĐT-GDĐH ngày 27-3-2012 và CV số 1733-BGDĐT-GDĐH ngày 27-3-2012).
Năm 2011, Trường được giao bổ sung thêm 50 chỉ tiêu để đào tạo cán bộ cho Trường Đại học Kinh tế Kĩ thuật Hải Dương (CV số 7074/BGDĐT-KHTC ngày 24-10-2011). Trường đã tổ chức giảng dạy 6 học phần tại Trường Đại học KT-KT Hải Dương là trái với quy định tại khoản 1, Điều 24, Thông tư 10/2011/TT-BGDĐT ngày 28-2-2011 ban hành Quy chế đào tạo thạc sĩ của Bộ.
Trách nhiệm thuộc Phó Hiệu trưởng phụ trách đào tạo và Viện Đào tạo sau đại học
b) Bảo vệ luận văn và cấp bằng thạc sĩ
Việc tổ chức bảo vệ luận văn tốt nghiệp cho học viên cao học từ khóa 17 (từ năm 2010) trở về trước được thực hiện ngay khi mỗi học viên cao học hoàn thành luận văn, đủ điều kiện bảo vệ. Từ khóa 18 (bảo vệ cuối năm 2011), Trường đã quy định tổ chức bảo vệ luận văn theo hai đợt, do vậy từ năm 2012 Trường làm thủ tục và tổ chức 2 lần bảo vệ luận văn và cấp bằng thạc sĩ.
Trường hợp bảo vệ luận văn của Bà Phạm Thị Hoa: Bà Hoa là học viên cao học khóa 18 của Trường đã gửi đơn đến Bộ GD&ĐT phản ánh về việc: Bị trù dập, cản trở không cho bảo vệ luận văn Thạc sĩ. Bộ GD&ĐT đã có Văn bản số 441 TTr-HCPCTN, ngày 14-5-2012 chuyển Trường xem xét, giải quyết theo đúng thẩm quyền.
c) Bồi dưỡng sau đại học và bổ sung kiến thức
Ngày 11-11-2010, Hiệu trưởng ban hành Quyết định số 2160/QĐ-ĐHKTQD quy định về Bồi dưỡng sau đại học (BDSĐH) của Trường. Theo đó, học viên phải học tối thiểu 7 học phần trong số 214 học phần đang được giảng dạy tại Trường. Kết thúc khóa học, học viên phải viết Báo cáo tốt nghiệp, bảo vệ trước một Tiểu ban chấm điểm tốt nghiệp và được cấp Chứng chỉ BDSĐH. Trường quy định chứng chỉ này có giá trị trên toàn quốc. Kiểm tra sổ cấp chứng chỉ BDSĐH của Trường từ khóa 1 (năm 2010) đến nay, Trường đã cấp chứng chỉ cho 767 học viên và tổ chức các lớp BDSDH cho cán bộ của một số cơ quan, doanh nghiệp và địa phương.
Theo báo cáo của Trường, có một số trường đại học đã công nhận kết quả BDSĐH của Trường để thay thế cho việc học bổ sung kiến thức trước khi thi thạc sĩ. Hiện tại có 83 học viên đang theo học thạc sĩ tại Trường thuộc đối tượng này.
Việc làm này trái quy định của Luật Giáo dục, Quy chế văn bằng chứng chỉ và Quy chế đào tạo thạc sĩ do Bộ GD&ĐT ban hành. Trách nhiệm thuộc Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng phụ trách đào tạo và Viện Đào tạo sau đại học.
2. Liên kết đào tạo với Trường Đại học Tây Bắc
a) Căn cứ pháp lí
- Quyết định số 2905/QĐ/BGD&ĐT-ĐH ngày 15-5-2001 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT; Thông báo số 2195/VP ngày 24-3-2005 của Bộ GD&ĐT về kết quả Hội nghị triển khai xây dựng Trường Đại học Tây Bắc thực hiện Nghị quyết 37/TW Bộ Chính trị;
- Văn bản giao chỉ tiêu tuyển sinh các năm của Bộ GD&ĐT cho hai trường.
- Biên bản ghi nhớ, Hợp đồng liên kết đào tạo giữa 2 trường.
b) Việc tổ chức thực hiện
- Về tuyển sinh. Từ năm 2005 đến nay, Trường đã mở 7 lớp trong đó có 4 lớp ngành Quản trị Kinh doanh tổng hợp. Chỉ tiêu tuyển sinh từ năm 2005 đến năm 2010 được tính trong chỉ tiêu của Trường, từ năm 2011đến nay tính trong chỉ tiêu của Trường Đại học Tây Bắc. Trường Đại học Tây Bắc tổ chức thi tuyển sinh theo ủy nhiệm của Trường. Hai trường phối hợp dự kiến điểm chuẩn báo cáo Bộ GD&ĐT. Trường Đại học Tây Bắc triệu tập và làm thủ tục cho sinh viên trúng tuyển. Tất cả các sinh viên đang theo học chương trình phối hợp đào tạo này đều có tên trong danh sách trúng tuyển.
- Về chương trình đào tạo: Qua kiểm tra hồ sơ liên quan thấy các khóa tuyển sinh năm 2008, 2009 được tổ chức đào tạo theo học chế mềm dẻo kết hợp đào tạo theo niên chế và học phần; các khóa tuyển sinh năm 2010, 2011 được tổ chức đào tạo theo hệ thống tín chỉ. So sánh hai chương trình đào tạo tại Trường và Đại học Tây Bắc thấy không có sự khác biệt về khối lượng kiến thức mà sinh viên được thụ hưởng vì:
+ Từ năm 2006 Trường chuyển từ hệ thống đào tạo niên chế sang đào tạo theo hệ thống tín chỉ. Tuy nhiên, do thời gian hạn hẹp khi chuyển đổi sang đào tạo tín chỉ, chương trình đào tạo vẫn được xây dựng trên cơ sở phương pháp giảng dạy niên chế, mỗi tiết giảng thực hiện 45 phút, khối lượng kiến thức 1 tín chỉ (TC) tương đương 1 đơn vị học trình (ĐVHT);
+ Từ khóa 50 (tuyển sinh năm 2010), Trường Đại học Tây Bắc đã chuyển sang đào tạo theo hệ thống TC (l tiết học 50 phút). Vì vậy, căn cứ vào khoản 4, Điều 3 của Quy chế 43 về đào tạo đại học, cao đẳng chính quy theo hệ thống tín chỉ, trong kế hoạch đào tạo của Trường Đại học Tây Bắc đã quy đổi tương đương chương trình đào tạo của Trường từ 180 ĐVHT thành 120 TC;
- Về văn bằng và bảng điểm: Trường cấp bằng với mã số riêng theo quy định hiện hành của Bộ GD&ĐT. Hai trường thống nhất về hình thức và nội dung Bảng điểm: Có chữ kí của Hiệu trưởng và đóng dấu của hai trường; trên bảng điểm ghi rõ địa điểm đào tạo tại Trường Đại học Tây Bắc để phân biệt với các sinh viên được đào tạo tại Trường.
- Kết quả thực hiện liên kết. Có 3 khóa sinh viên chuyên ngành Quản trị kinh doanh tổng hợp (khóa 46, 47, 48) đã ra trường; trong đó có 2 sinh viên trở thành giảng viên Trường Đại học Tây Bắc. Bên cạnh đó, Trường đã giúp Trường Đại học Tây Bắc mở hai ngành Kế toán và Tài chính - Ngân hàng. Việc cử các giảng viên lên Trường Đại học Tây Bắc giảng dạy theo kế hoạch phối hợp đã góp phần nâng cao trình độ cho giảng viên Trường Đại học Tây Bắc.
- Việc gửi học: Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và Trường Đại học Tây Bắc đã tiến hành gửi 54 sinh viên từ Khóa 49 đến Khóa 52 về học tại Trường (Khóa 49 có 5 sinh viên, Khóa 50 có 11 sinh viên; Khóa 51 có 17 sinh viên; Khóa 52 có 21 sinh viên). Việc gửi học tiến hành như sau: Sinh viên hoặc người nhà sinh viên làm đơn gửi Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân hoặc Trường Đại học Tây Bắc; Sau khi có ý kiến đồng ý nhận gửi học của Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Bắc kí quyết định gửi học. Hiệu trưởng Trường kí Quyết định nhận gửi học. Sinh viên gửi học tại Trường trong 7 học kì, học kì thứ 8 về Trường Đại học Tây Bắc để thực tập, hoàn thành chương trình đào tạo còn lại. Việc xét tốt nghiệp và công nhận tốt nghiệp cho sinh viên được Trường Đại học Tây Bắc thực hiện như tất cả các sinh viên trúng tuyển vào lớp liên kết đào tạo giữa hai trường. Trên cơ sở báo cáo xét tốt nghiệp của trường Đại học Tây Bắc, Trường Đại học Kinh tế quốc dân rà soát, công nhận tốt nghiệp và cấp bằng.
Theo quy định hiện hành, việc gửi học 54 sinh viên không có cơ sở pháp lí và nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 2905/QĐ-BGDĐT. Số lượng sinh viên gửi học từ Tây Bắc về Hà Nội hằng năm tăng dần (từ 5 trường hợp khóa 49 lên 21 trường hợp khóa 52) ảnh hưởng đến mục tiêu liên kết đào tạo. Việc gửi học không có chủ trương chung và không tiến hành công khai mà do Hiệu trưởng hai trường thỏa thuận, quyết định vì vậy đã phát sinh dư luận không tốt.
- Chuyển ngành. Theo báo cáo của Trường có 2 sinh viên là Đào Văn Hướng và Thiều Hữu Long dự thi nguyện vọng 1 vào Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhưng không trúng tuyển mà trúng tuyển nguyện vọng 2 vào khoa Quản trị Kinh doanh Trường Đại học Tây Bắc. Hai sinh viên này đã được chuyển sang lớp Ngân hàng - Tài chính, lớp liên kết đào tạo với Trường Đại học Tây Bắc do Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cấp bằng: Sinh viên Đào Văn Hướng được Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân quyết định chuyển sang lớp Ngân hàng - Tài chính (K50) và đang học tại Tây Bắc. Sinh viên Thiều Hữu Long được Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Bắc đồng ý chuyển ngành sang lớp Ngân hàng - Tài chính K52 và được Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đồng ý cho gửi học tại Trường.
Việc chuyển ngành cho sinh viên Đào Văn Hướng (K50) và chuyển ngành, gửi học về Trường cho sinh viên Thiều Hữu Long (K52) là vi phạm Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng chính quy năm 2009 và 2011;
Trách nhiệm thuộc Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Bắc.
III. VỀ THU CHI TÀI CHÍNH
1. Khái quát
1. 1. Trường Đại học Kinh tế quốc dân là đơn vị sự nghiệp có thu, tự đảm bảo chi phí hoạt động thường xuyên. Trường quản lí 20 đơn vị sự nghiệp có thu. Các đơn vị sự nghiệp có thu xây dựng nội dung và định mức thu trình Hiệu trưởng phê duyệt. Tình hình thu chi từ năm 2008 đến 2011 như sau:
Tổng thu là: 1.252.573.156.164 đồng, trong đó, NSNN cấp: 119.325.761.430 đồng; thu sự nghiệp: 1.133.247.394.734 đồng.
- Tổng chi là: 1.144.832.218.163 đồng, trong đó (chi đã quyết toán: 818.792.786.601 đồng; chi phí, lệ phí: 654.735.116.830 đồng; chi khác: 44.899.239.430 đồng).
- Quy chế chi tiêu nội bộ. Trường đã ban hành Quy chế chi tiêu nội bộ theo Quyết định số 1329/QĐ-TCCB ngày 01-6-2006 và Quyết định số 75/QĐ-ĐHKTQD ngày 19-01-2011. Tuy nhiên, Quy chế chi tiêu nội bộ còn một số sai sót sau:
+ Quy định một số khoản thu phí và lệ phí trái quy định của Nhà nước;
+ Chưa có quy định về quản lí mức thu cho các đơn vị thực hiện khoán thu;
Chưa có quy định trích lập quỹ học bổng theo Quyết định số 44/QĐ-BGDĐT ngày 15 tháng 8 năm 2007;
+ Quy định phụ cấp ưu đãi ngành cho cán bộ là viên chức trạm y tế mức 20%, phụ cấp 15% đối với các đối tượng hành chính, phục vụ và phụ cấp viên chức làm việc tại thư viện là không đúng Nghị định số 204/2004/NĐ-CP của Chính phủ về tiền lương.
Hoạt động thu chi tài chính các năm 2008 và 2010 đã được Kiểm toán Nhà nước kiểm toán kết luận, Đoàn thanh tra chỉ kiểm tra việc thực hiện các kết luận của Kiểm toán và tiến hành thanh tra tài chính hai năm 2009 và 2011.
1.2. Về các khoản thu
a) Thu từ ngân sách nhà nước
Từ khi được giao tự chủ toàn bộ kinh phí chi thường xuyên, Trường chỉ còn thu từ ngân sách nhà nước các khoản có tính chất đặt hàng hoặc giao nhiệm vụ, theo kế hoạch hằng năm của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
b) Nguồn thu mang tính chất học phí, lệ phí
Tổng số các khoản thu vượt, thu sai quy định trong năm 2009 và 2011 với 14 khoản tổng số là 51.559.992.732 đồng.
- Các khoản thu này có tính chất phí, lệ phí và các khoản thu mang tính bắt buộc thu một lần khi sinh viên nhập học. Là khoản thu phục vụ hoạt động đào tạo, không phải thu dịch vụ và được Trường hạch toán vào tài khoản TK 511 (tài khoản phí, lệ phí) và được hạch toán vào nguồn kinh phí hoạt động trên TK 46121 để thực hiện kiểm soát chi theo quy định.
- Việc sử dụng nguồn kinh phí trên, chủ yếu là phục vụ trực tiếp cho công tác chuyên môn, phần tích lũy được Trường đã thực hiện trích quỹ phát triển sự nghiệp, quỹ phúc lợi và đã thực hiện một số nhiệm vụ khác. Hằng năm Trường đều được Bộ Giáo dục và Đào tạo xét duyệt quyết toán chung và các cơ quan chức năng như Bộ Tài chính; Kiểm toán nhà nước thanh, kiểm tra.
- Phân loại các khoản thu ngoài quy định của Trường.
+ Kinh phí hỗ trợ đào tạo sau đại học: Số tiền thu trong hai năm 2009 và 2011 là 22.173.153.000 đồng (trong đó thu kinh phí hỗ trợ đào tạo thạc sĩ là 20.963.953.000 đồng và thu hỗ trợ đào tạo tiến sĩ là 1.209.200.000 đồng). Đây là khoản thu không có trong quy định và Trường thực hiện thu theo kiến nghị của Thanh tra Bộ Tài chính tại Kết luận số 106/KL-TTr ngày 21-5-2008;
+ Đối với học phí nâng điểm hệ chính quy: Để cải thiện điểm trung bình chung tích lũy cho sinh viên đối với các học phần bị điểm D, Trường đã tiến hành tổ chức thu học phí theo tín chỉ ở mức thu vượt khung quy định tại Nghị định số 49/2010/NĐ-CP ngày 14-5-2010 với tổng số tiền thu vượt năm 2011 là 3.073.772.482 đồng. Đây là khoản thu học phí chính quy vượt quy định hiện hành.
+ Đối với lệ phí tuyển sinh các hệ: Bao gồm các khoản thu lệ phí tuyển sinh đào tạo từ xa, văn bằng 2, thi tốt nghiệp, liên thông, thu học khối kiến thức A1 và hoàn chỉnh kiến thức. Tổng số thu vượt mức quy định hiện hành trong 2 năm 2009 và 2011 là 7.906.046.500 đồng. Đây là khoản thu lệ phí tuyển sinh vượt mức quy định tại Thông tư liên tịch số 28/2003/TTLT/BTC-BGDĐT (áp dụng cho năm 2009) và Thông tư liên tịch số 21/2010/TTLT/BTC-BGDĐT (áp dụng cho năm 2011), phục vụ cho việc tổ chức các kì thi tuyển sinh, có tính chất bù đắp chi phí và thực tế các khoản thu nói trên đã chi dùng hết cho công tác tuyển sinh của trường. Trong thực tế với mức thu hiện nay theo quy định tại các văn bản hiện hành thì lệ phí tuyển sinh quá thấp không đủ bù đắp chi phí.
+ Đối với các khoản thu một lần vào đầu năm học và thu khác: Số tiền thu trong hai năm 2009 và 2011 là: 18.407.020.750 đồng. Đây là các khoản thu không có trong quy định của Nhà nước, chủ yếu là khoản thu mang tích chất thỏa thuận, thu hộ, chi hộ… để bù đắp các chi phí liên quan. Theo báo cáo thì hầu hết các khoản thu này nhà trường đã chi hết cho các nội dung thực hiện. Một số hoạt động có chênh lệch thu, chi nhà trường đã chấp hành nghĩa vụ với ngân sách nhà nước và tạo lập các quỹ theo quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị. Theo báo cáo kết luận kiểm toán năm 2010 đối với các khoản thu mang tính thỏa thuận này, Kiểm toán yêu cầu nhà trường rà soát lại các nguồn thu cũng như mức thu và chấn chỉnh công tác quản lí các nguồn thu, không thực hiện thu hồi đối với các khoản thu nói trên.
1.3. Thực hiện các khoản chi
- Tổng chi từ ngân sách nhà nước giai đoạn 2008 - 2011 là 1.144.832.218.163 đồng, trong đó:
+ Chi lưu học sinh Lào, Cam-pu-chia theo kí kết giữa hai Nhà nước: Tổng chi lưu học sinh giai đoạn 2008 - 2011 là: 14.856.870.000 đồng, toàn bộ kinh phí này được sử dụng để chi trả phụ cấp thêm giờ và các khoản viện trợ.
+ Chi nghiên cứu khoa học: Tổng chi từ 2008 đến 2011 là: 31.225.435.000 đồng.
+ Chi hoạt động đào tạo theo hiệp định, chương trình tiên tiến: Tổng chi. từ năm 2008 đến 2011 là 73.076.125.000 đồng.
- Chi từ nguồn thu phí, lệ phí: Tổng chi 4 năm 2008 - 2011 là 654.735.117.000 đồng chiếm 80% kết cấu chi hoạt động và tăng dần qua các năm (năm 2008 là 63%, năm 2009 là 81%, năm 2010 là 83% và năm 2011 là 87%)
Chi từ nguồn thu khác: Tổng chi là 44.899.239.000 đồng chiếm 5,48% kết cấu chi hoạt động của nhà trường và giảm dần qua các năm (năm 2008 là 18,8%, năm 2009 là 3,16%, năm 2010 là 2,67% và năm 2011 là 0,92%).
1.4. Thiếu sót, sai phạm
- Thu vượt, thu sai quy định số tiền là 51.559.992.732 đồng.
- Chưa thống nhất cách thức hạch toán doanh thu và chi phí của Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ đào tạo với báo cáo tài chính do Phòng Tài chính - Kế toán lập, số liệu của đơn vị trực tiếp thu - chi và số liệu đơn vị tổng hợp báo cáo còn sai lệch.
- Một số khoản thu, chi chưa được phản ánh vào quy chế chi tiêu nội bộ của trường. Ví dụ: Các khoản chi cho bộ phận quản lí của Trường tại Dự án Việt - Bỉ không được đưa vào quy chế chi tiêu nội bộ, không có định mức phí quản lí mà ấn định số tuyệt đối, không dựa vào tiêu chí nào. Các mục chi được phê diệt theo quyết định của lãnh đạo nhà trường.
Giai đoạn 2008 - 2011 việc trích lập các quỹ đạt tỉ lệ quy định. Tỉ trọng trích lập quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp đạt mức quy định, tuy vậy phần dành cho đầu tư xây dựng Tòa nhà trung tâm từ năm 2007 đến thời điểm kiểm tra Trường đã chuyển vào tài khoản góp vốn 24,765 tỉ đồng, trong đó số giải ngân là 4,848 tỉ đồng.
Để xảy ra những thiếu sót, sai phạm trên, trách nhiệm thuộc Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng phụ trách về tài chính, Phòng Tài chính - Kế toán và các đơn vị có liên quan.
2. Công tác quản lí tài chính năm 2011
2.1. Kinh phí không thường xuyên
Năm 2011, đơn vị được cấp một số khoản kinh phí không thường xuyên gồm:
Loại 370-371; 490-502; 340-348; 490-348; 430-432; 490-504, kết quả kiểm tra chọn mẫu cho thấy:
- Đối với kinh phí thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học: Năm 2011, Trường được NSNN cấp 9.070.600.000 đồng, kinh phí đề nghị quyết toán trong năm 9.682.421.000 đồng;
-Kinh phí đào tạo Lào - Cam-pu-chia và theo hiệp định: Kinh phí được cấp 3.546.000.000 đồng, quyết toán 100%, trong đó chi chính sách chế độ cho sinh viên là 3.509.100.000 đồng đạt 98,96%, kinh phí sửa chữa thiết bị phục vụ cho công tác giảng dạy là 36.900.000 đồng. Kinh phí hoạt động điều tra: Được cấp 777,5 triệu đồng, kết thúc năm ngân sách đơn vị thực hiện quyết toán 277,5 triệu đồng, số còn lại 500 triệu đồng để thực hiện xây dựng giáo trình An toàn lao động.
2.2. Kinh phí thường xuyên
- Chương trình tiên tiến: Kinh phí được giao 7.181.500.000 đồng, kinh phí quyết toán 10.918.586.072 đồng (do chuyển kinh phí từ năm 2010 sang). Trường chưa có quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo, Ban điều hành đào tạo Chương trình tiên tiến gắn với quyền lợi được hưởng mức thù lao, dẫn đến khó khăn cho việc xác định, đánh giá mức độ và nội dung hoạt động của các thành viên. Trường mới sử dụng một phần kinh phí do học sinh đóng góp là 1.399.142.000 đồng nhưng chưa sử dựng nguồn kinh phí của Trường để đối ứng theo cơ cấu kinh phí được duyệt (NSNN 60%, Trường 25% và 15% học phí).
- Kinh phí từ nguồn thu học phí, lệ phí
+ Trích quỹ học bổng số tiền 9.811.802.110 đồng chỉ đạt 5,4 % so với quy định là 15%.
+ Thanh toán vượt giờ chuẩn: Chiếm 78% chi phí tiền lương cho hệ đào tạo đại học và sau đại học. Mức thanh toán là 45.000 đồng/giờ sau khi đã quy đổi số giờ theo trình độ, học hàm, học vị của giảng viên.
+ Thực hiện chưa đầy đủ việc kiểm soát chi học phí qua kho bạc (tỉ lệ học phí được kiểm soát chi qua kho bạc đạt 67% số học phí thu được).
2.3. Thiếu sót trong công tác quản lí tài chính
Việc kiểm soát các nguồn thu chưa chặt chẽ. Cụ thể: Chưa có các tài liệu kèm theo để kiểm soát tính đầy đủ khi phát sinh các khoản thu từ học viên (danh sách kí nộp tiền của học viên, hoặc báo cáo số lượng học viên thi lại, học lại, học bồi dưỡng). Chưa có quy định thống nhất đối với việc quản lí nguồn thu, chi từ hoạt động liên kết đào tạo (chưa theo dõi được số thu của các học viên theo năm học và số lượng học viên còn chưa thu học phí).
Chi hoạt động quản lí đối với bộ phận quản lí liên kết đào tạo tại trường chưa được quy định trong Quy chế chi tiêu nội bộ, chưa có quy định về nội dung, mức chi hoặc xây dựng tiêu chí phân bổ chi phí quản lí chung đối với các chương trình liên kết.
- Nhiều khoản tạm ứng cuối năm của các cá nhân trong đơn vị chưa được đối chiếu, xác nhận đầy đủ để có biện pháp xử lí dứt điểm. Nợ tạm ứng tính đến 31-12-2011 là 14.977.842.994 đồng, trong đó nợ tạm ứng của năm 2010 chuyển sang là 10.234.034.911 đồng. Có những khoản tạm ứng giá trị trên 100 triệu đồng, chưa thanh toán nợ cũ, vẫn tiếp tục cho tạm ứng mới.
Những sai sót nêu trên thuộc trách nhiệm của Phòng Tài chính Kế toán và Phó Hiệu trưởng phụ trách tài chính.
3. Một số nội dung xem xét cụ thể
a) Việc xây dựng phươmg thức trả lương 1, 2, 3 cho người lao động
Từ năm 2011, trường thực hiện chi trả lương 1, 2 và 3 cho công chức, viên chức, người lao động trong trường. Các khoản lương được công khai trong quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị và việc trả lương cũng được tính toán dựa trên cơ sở người hoàn thành tốt nhiệm vụ, có nhiều đóng góp với trường thì được hưởng theo mức đóng góp, trên cơ sở kết quả bình bầu cuối năm.
b) Hoạt động trông giữ xe đạp, xe máy của Trung tâm Dịch vụ Hỗ trợ Đào tạo
Nguồn thu dịch vụ trông giữ xe được phản ánh trong hệ thống sổ sách của Trung tâm theo quy định hiện hành. Số thu từ hoạt động của các bãi xe giai đoạn 2008 - 2011 là 9.720.747.000 đồng (năm 2008 là 1.928.480.000 đồng; năm 2009 là 1.985.672.000 đồng; năm 2010 là 2.438.910.000 đồng; năm 2011 là 3.367.685.000 đồng).
Trung tâm thu giữ xe và các vật dụng đi kèm theo xe cao hơn giá quy định; việc sử dụng các loại vé cứng, vé in không ghi mệnh giá dẫn đến tình trạng nhân viên trông giữ xe sử dụng vé này thu tiền của khách một cách tùy tiện dẫn đến việc doanh thu từ loại vé này không được thống kê đầy đủ trong các kì báo cáo của Trung tâm. Đối chiếu với quy định của UBND thành phố Hà nội thì tổng phí thu vượt là 229.536.000 đồng.
Trách nhiệm thuộc Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Hỗ trợ Đào tạo và Phó Hiệu trưởng phụ trách.
c) Hoạt động phô-tô in ấn tài liệu tại Trung tâm Dịch vụ Hỗ trợ Đào tạo
Hoạt động in ấn: Các đơn vị in ấn tài liệu từ nguồn kinh phí của trường tại Trung tâm. Thu chi của các hoạt động in, ấn được thể hiện trên sổ sách kế toán, kèm chứng từ. Tuy nhiên, quy trình kí kết hợp đồng giữa bên nhận in và bên đặt hàng chưa hợp lí: Bên đặt in chỉ biết đặt in, bên nhận in là xưởng in không có báo giá cụ thể, khi in xong, bên đặt in chỉ biết nhận hàng mà không biết số tiền phải trả cho bên in là bao nhiêu. Phòng Tài chính Kế toán căn cứ vào Phiếu đặt hàng để thanh toán cho Trung tâm, vì vậy không đủ cơ sở để khẳng định giá in là hợp lí hay chưa và “thấp hơn giá thị trường” như khẳng định của Trung tâm.
- Về việc sử dụng các máy photocopy: Qua kiểm tra chứng từ kế toán năm 2011 cho thấy đơn vị không mua máy photocopy mà dùng mà dùng phương thức góp vốn liên doanh với một công ty khác có máy, chi phí thuê được trả theo đợt.
Để xảy ra thiếu sót trong quản lí tại Trung tâm Hỗ trợ Đào tạo, trách nhiệm thuộc Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Hỗ trợ Đào tạo, Phòng Tài chính Kế toán, Phó Hiệu trưởng phụ trách tài chính.
d) Việc thu - chi tại Viện Đào tạo sau đại học
Viện Đào tạo sau đại học không quản lí thu - chi riêng, 100% nguồn thu từ các khoản nêu trên đều nộp về Phòng Tài chính Kế toán để hoạch toán chung vào tổng thu của trường.
đ) Về tiền trông giữ xe ô-tô
Trên sổ sách kế toán có phản ánh tiền thu giữ xe ô-tô, nộp trực tiếp qua Phòng Tài chính Kế toán và đưa vào thành một nguồn thu của Trường để cân đối cho các nhiệm vụ chi. Số thu phản ánh trên sổ sách khớp với số hợp đồng, số tiền ghi trên hợp đồng và số chỗ đỗ xe đã được chia vạch ở các khu vực. Tuy nhiên, nguồn thu này chưa được phản ánh đầy đủ (số tiền thu được của các xe gửi qua đêm không thường xuyên, xe của khách ra, vào làm việc tại Trường) có khả năng dẫn đến thất thu.
IV.Về xây dựng cơ bản
Đối với các dự án đã được kiểm toán hoặc thanh tra, Đoàn chỉ kiểm tra việc chấp hành của Trường đối với các kiến nghị của Thanh tra và Kiểm toán. Đối với các Dự án đầu tư xây dựng công trình còn lại, Đoàn thực hiện thanh tra quy trình, thủ tục lập thẩm định Dự án, thiết kế bản vẽ thi công; công tác đấu thầu; quản lí Dự án và việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư, mua sắm trang thiết bị.
1. Dự án nhà Trung tâm đào tạo
a) Khái quát về Dự án
Là công trình cấp I được phê duyệt theo Quyết định số 124/QĐ-TTg ngày 28-1-2003 của Thủ tướng Chính phủ, chủ đầu tư là Trường Đại học Kinh tế quốc dân. Hình thức quản lí Dự án: Chủ đầu tư trực tiếp quản lí Dự án. Tổng mức đầu tư khi phê duyệt là 518.100 triệu đồng. Nguồn vốn: Ngân sách Nhà nước, vốn tự huy động của nhà trường và các nguồn vốn hợp pháp khác. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 27-9-2005 Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tạo đã ban hành Quyết định số 5377/QĐ-BGD&ĐT về việc điều chỉnh bổ sung một số nội dung với tổng mức đầu tư là 792.587,992 triệu đồng.
Đến thời điểm thanh tra (tháng 7 năm 2012), Dự án đang dừng thi công tại sàn tầng 7 (cốt + 32,1 m) do nhà thầu đang đợi thanh toán các khối lượng công việc đã hoàn thành (thực tế công trình đã dừng thi công vào tháng 10 năm 2011).
b) Vấn đề huy động vốn xây dựng và trách nhiệm của Trường
Từ năm 2003 đến năm 2011, Bộ GD&ĐT đã cấp vốn đầu tư xây dựng cơ
bản tập trung từ nguồn ngân sách Nhà nước cho Dự án nhà Trung tâm tổng cộng là 352.656 triệu đồng, đạt tỉ lệ 44.5% tổng mức đã được phê duyệt; vốn đóng góp của Trường là 24,7 tỉ đồng, trong đó đã thực hiện giải ngân 4.484 triệu đồng (năm 2007), đạt tỉ lệ 0,56%. Giai đoạn 2008 - 2011, Trường chưa giải ngân được nguồn vốn đối ứng cho công trình này.
Từ năm 2007 đến tháng 4-2012, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT đã thường xuyên nhắc nhở, yêu cầu Trường đưa ra các giải pháp và xây dựng cơ chế huy động vốn ngoài vốn ngân sách Nhà nước để đẩy nhanh tiến độ xây dựng Dự án và phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư, thời gian thực hiện Dự án. Tại thời điểm thanh tra, Trường chưa hoàn thành việc xây dựng giải pháp khả thi về cơ chế huy động vốn.
Ngày 19-4-2012, Trường có Công văn số 403/ĐHKTQD-QTTB đề xuất Nhà
trường cam kết đối ứng cho Dự án là 10% trong tổng mức đầu tư được phê duyệt. Ngày 9-7-2012, Bộ GD&ĐT có Công văn số 4340/BGDĐT-CSVCTBTH đồng ý cho Nhà trường làm thủ tục gia hạn các hợp đồng Tư vấn Quản lí Dự án, Tư vấn Giám sát thi công và lắp đặt thiết bị công trình, xây lắp phần thân.
c) Thiếu sót, sai phạm
Là một trường Đại học có quy mô và nguồn thu lớn nhưng tiến độ và lượng vốn huy động cho công trình Nhà trung tâm là rất hạn chế (Trường chuyển vào tài khoản góp vốn 24,765 tỉ đồng, trong đó số giải ngân chỉ là 4,848 tỉ đồng đạt tỉ lệ 0,56% tổng giá trị công trình). Giai đoạn 2008 - 2011, Trường chưa giải ngân nguồn vốn đối ứng cho công trình này, trong khi đó tổng đầu tư tăng cường cơ sở vật chất hằng năm của trường trong giai đoạn này trung bình trên 40 tỉ đồng. Sau hơn 4 năm, Trường vẫn chưa hoàn thành việc xây dựng cơ chế huy động vốn ngoài ngân sách Nhà nước mang tính khả thi.
Trách nhiệm thuộc: Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng phụ trách xây dựng cơ bản, tài chính và các phòng chức năng, tham mưu trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, tài chính.
3. Dự án nhà 5 tầng
a) Khái quát Dự án
Là công trình cấp III được phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư và thời gian thực hiện Dự án tại các Quyết định số 2564/QĐ-BGDĐT ngày 6-5-2008 và Quyết định số 6398/QĐ-BGDĐT ngày 23-9-2008 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT với tổng mức đầu tư 22.157.903.000 đồng từ nguồn vốn thu sự nghiệp của Trường. Công trình được bàn giao đưa vào sử dụng ngày 14 tháng 5 năm 2010.
b) Một số vấn đề cụ thể liên quan đến Dự án
Về việc thay đổi cửa đi, cửa sổ từ nhôm kính sang cửa nhựa UPVC
Theo yêu cầu của chủ đầu tư, để đảm bảo chất lượng, mĩ quan, công trình đã được thay đổi vật liệu của toàn bộ cửa đi, cửa sổ từ khung nhôm kính sang cửa nhựa UPVC. Việc thay đổi này đã có sự thống nhất tại Biên bản làm việc ngày 27 tháng 11 năm 2009 giữa chủ đầu tư, đơn vị tư vấn thiết kế, đơn vị thi công, tư vấn giám sát thi công là được phép theo quy định tại Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về quản lí chất lượng công trình. Theo Báo cáo quyết toán A-B, việc thay đổi này đã làm tăng chi phí cửa từ 1.239.894.561 đồng lên 2.356.910.405 đồng. Qua xác minh, giá trị cửa nhựa UPVC trong Báo cáo quyết toán A-B bị tăng 189.959.000 đồng so với giá trị trong hóa đơn giá trị gia tăng. Như vậy, giá trị tăng thực tế từ việc chuyển vật liệu cửa từ nhôm kính sang nhựa UPVC tăng 927.056.844 đồng (không làm vượt tổng mức đầu tư đã được phê duyệt).
Toàn bộ số cửa đi, cửa sổ bằng vật liệu nhựa UPVC được Chi nhánh Công ty Cổ phần Đầu tư và xây dựng số 4 - Xí nghiệp Xây dựng số 5 (đơn vị trúng thầu xây lắp công trình) kí hợp đồng với Công ty Cổ phần Xây dựng - Thương mại Cát Thành (đơn vị gia công, lắp dựng cửa nhựa UPVC) theo Hợp đồng kinh tế số 912/HĐ-XN5 kí ngày 9 tháng 12 năm 2009, Phụ lục hợp đồng kinh tế số 01 kí ngày 12 tháng 12 năm 2009.
- Về việc thay đổi chủng loại gạch đặc sang gạch chỉ 2 lỗ. Ngày 3 tháng 5 năm 2009, tư vấn giám sát thi công xây dựng và đơn vị thi công đã lập biên bản làm việc xác nhận đơn vị thi công đã sử dụng 4.000 viên gạch chỉ 2 lỗ để xây dựng. Ngày 5 tháng 5 năm 2009, đại diện chủ đầu tư, tư vấn giám sát thi công, đơn vị thi công đã tổ chức cuộc họp và có biên bản về việc này. Tại Biên bản làm việc, các bên đã xác định vị trí tường được xây bằng gạch chỉ 2 lỗ là tường bao che, không ảnh hưởng đến kết cấu công trình nên giữ nguyên và thống nhất giảm trừ giá trị của 4.000 viên gạch chỉ 2 lỗ này khi quyết toán công trình. Tại báo cáo quyết toán A-B lập tháng 7 - 2011 giữa Trường và đơn vị thi công không tính chi phí của 4.000 viên gạch chỉ 2 lỗ này (7.620.000 đồng).
Trách nhiệm của việc này thuộc đơn vị Tư vấn giám sát thi công (Công ty Cổ phần Tư vấn kiến trúc đô thị Hà Nội) và đơn vị thi công (Công ty Cổ phần Đầu tư và xây dựng số 4 - Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội).
4. Dự án nhà học 1 tầng
a) Khái quát Dự án
Là công trình cấp IV, được phê duyệt đầu tư tại Quyết định số 5533/QĐ-BGDĐT ngày 29-11-2010 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT với tổng mức đầu tư 4.104.858.000 đồng từ nguồn vốn thu sự nghiệp của Trường. Công trình được bàn giao đưa vào sử dụng ngày 28 tháng 2 năm 2011.
b) Kết quả kiểm tra xác minh
Công tác lập Báo cáo Kinh tế kĩ thuật, thẩm định thiết kế bản vẽ, thi công và tổng dự toán, đấu thầu, lập báo cáo quyết toán vốn đầu tư có sai sót. Tại Báo cáo kinh tế kĩ thuật, tính thiếu khối lượng của một số nội dung công việc và chi phí dự phòng phí; Thiết kế bản vẽ thi công thiếu một số bản vẽ chi tiết (mặt cắt san nền...); Tư vấn thẩm tra không đưa ra được bảng chênh lệch khối lượng, dự toán giữa kết quả thẩm tra và tính toán của đơn vị lập Báo cáo kinh tế kĩ thuật và không nêu việc thay đổi trần từ vật liệu nhựa sang vật liệu kim loại alumin trong Báo cáo kết quả thẩm tra.
- Công tác đấu thầu, điều chỉnh dự toán, quyết toán dự án hoàn thành có sai sót. Trường phê duyệt giá trúng thầu trong kết quả chỉ định thầu của một số gói thầu vượt giá gói thầu trong kế hoạch đấu thầu được phê duyệt tăng từ 117.213.979 đồng lên 119.700.000 đồng; gói thầu tư vấn kiểm toán quyết toán dự án hoàn thành tăng từ 15.000.000 đồng lên 26.271.000 đồng; Một số quyết định phê duyệt kết quả chỉ định thầu của các gói thầu chưa đầy đủ nội dung theo quy định tại Luật Đấu thầu, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản số 38/2009 ngày 19-6-2009; Trường chưa thực hiện phê duyệt dự toán điều chỉnh khối lượng phát sinh của hợp đồng xây dựng; Thiếu văn bản xin ý kiến của cấp có thẩm quyền khi thực hiện lựa chọn tư vấn kiểm toán quyết toán dự án hoàn thành.
Tính đến tháng 7-2012, Trường chưa nộp Báo cáo quyết toán dự án hoàn thành theo hướng dẫn tại Thông tư số 19/2011/TT-BTC ngày 14-2-2011 của Bộ Tài chính quy định về quyết toán dự án hoàn thành thuộc nguồn vốn Nhà nước.
- Về độ sâu chôn móng 2m của công trình
Đơn vị tư vấn lập Báo cáo kinh tế kĩ thuật đã sử dụng Báo cáo khảo sát địa chất công trình Nhà thực hành tin học kinh tế và quản trị kinh doanh (trên đúng vị trí khu đất xây dựng Nhà học 1 tầng) để tính phương án móng. Theo thuyết minh tính toán, phương án móng để đảm bảo khả năng chịu lực của công trình là móng đơn bê-tông cốt thép, có độ sâu chôn móng 1,5m so với cốt nền sân (-0,45m). Việc đưa vị trí đặt đáy móng vào trong lớp đất sét dẻo cứng (lớp đất tốt và ổn định để đặt đáy móng) xuống sâu 0,45m là do khu đất nằm cạnh đường Trần Đại Nghĩa là tuyến đường giao thông chính hiện nay có nhiều phương tiện giao thông qua lại với mật độ cao và bên dưới là sông Sét vẫn đang hoạt động.
Qua xác minh trên cơ sở bản vẽ hoàn công và Báo cáo quyết toán A-B, móng của công trình được thi công là móng đơn bê-tông cốt thép, có độ sâu chôn móng thực tế là 1,5m. Như vậy, độ sâu chôn móng của công trình đã được thi công theo phương án móng của đơn vị Tư vấn lập Báo cáo kinh tế kĩ thuật, tuy nhiên có thay đổi về độ sâu của lớp cát san nền (giảm 0,1m), tăng độ sâu chôn móng trong lớp đất sét dẻo cứng (tăng 0,1 m).
c) Ngoài các thiếu sót đã nêu cụ thể lại điểm b trên đây còn có một số sai sót, vi phạm sau:
Chất lượng công tác tư vấn của các nhà thầu: Tư vấn lập Báo cáo kinh tế kĩ thuật, tư vấn thẩm tra thiết kế bản vẽ thi công, tổng dự toán, chưa thể hiện rõ chức năng của đơn vị chuyên môn giúp chủ đầu tư trong các bước lập Báo cáo kinh tế kĩ thuật, thẩm định thiết kế bản vẽ thi công và tổng dự toán;
Chủ đầu tư chưa thực hiện đầy đủ các quy định về công tác đấu thầu, thực hiện kiểm toán quyết toán dự án hoàn thành Dự án nhóm C theo Điều 40 của Luật Đấu thầu; khoản 12 Điều 2 của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Điều 14, Thông tư số 19/2011/TT-BTC ngày 14- 2-2011 của Bộ Tài chính.
Trách nhiệm thuộc Phòng Quản trị thiết bị, Phó Hiệu trưởng phụ trách đầu tư xây dựng cơ bản và Hiệu trưởng.
5. Dự án công trình xây dựng cầu nối giảng đường D-B và D-C
a) Khát quát về công trình
Công trình được xây dựng bằng nguồn tài chính do các cá nhân và tổ chức tài trợ cho Trường. Khi nhận tài trợ, Trường đã kí cam kết với nhà tài trợ về việc triển khai, thực hiện công trình theo sự ủy quyền của người cấp vốn; vì vậy loại tiền này đã được nhà trường hạch toán vào tài khoản tạm thu 3.318 (tài khoản thu hộ chi hộ). Khi tiến hành xây dựng nhà cầu nối giảng đường D-B và D-C, Trường chỉ thực hiện phê duyệt giá trị dự toán tại các Quyết định số 85a/QĐ-ĐHKTQD-QTTB, 85b/QĐ-ĐHKTQD-QTTB ngày 20-9-2011 mà không theo quy định của Luật Đấu thầu và Luật Đầu tư mua sắm tài sản.
b) Thiếu sót, sai phạm
Qua xác minh, 2 hạng mục công trình này không được thực hiện theo quy định của Nhà nước về quản lí dự án đầu tư xây dựng công trình và Luật Đấu thầu cụ thể:
- Không lập Báo cáo kinh tế kĩ thuật xây dựng công trình, không thực hiện thẩm định thiết kế bản vẽ thi công và dự toán công trình.
- Không có quyết định phê duyệt Báo cáo kinh tế kĩ thuật xây dựng công trình của cấp có thẩm quyền;
- Không lập và phê duyệt kế hoạch đấu thầu để làm cơ sở lựa chọn các nhà thầu, chưa thực hiện đúng các quy định của Luật Đấu thầu và quy định của Luật Xây dựng về quản lí dự án xây dựng công trình.
- Tính đến thời điểm tháng 7-2012, Trường chưa thực hiện được công tác lập báo cáo quyết toán dự án hoàn thành, theo hướng dẫn tại Thông tư số 19/2011/TT-BTC ngày 14-2-2011 của Bộ Tài chính. Trách nhiệm thuộc: Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng phụ trách xây dựng cơ bản, Phòng Quản trị thiết bị và Phòng Tài chính kế toán.
6. Dự án xây dựng công trình thang máy Nhà đào tạo sau đại học
a) Khát quát chung về Dự án
Ngày 31-5-2010, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành Quyết định số 2162/QĐ-BGDĐT về việc phê duyệt Báo cáo kinh tế kĩ thuật xây dựng công trình thang máy Nhà đào tạo sau đại học của Trường với tổng mức đầu tư là 1.458.859.000 đồng bằng nguồn thu hợp pháp của Trường. Thời gian thực hiện trong năm 2010. Công trình được bàn giao đưa vào sử dụng ngày 25-8-2010.
b) Về công tác lập báo cáo kinh tế kĩ thuật, thẩm định thiết kế bản vẽ thi công và tổng dự toán, đấu thầu, lập báo cáo quyết toán vốn đầu tư:
Qua kiểm tra xác minh cho thấy:
- Theo các quyết định của các cấp có thẩm quyền, việc lắp đặt hệ thống thiết bị thang máy được thực hiện theo hình thức chỉ định thầu, trong khi đó đơn vị tư vấn lại phát hành hồ sơ, quy trình lựa chọn nhà thầu theo hình thức chào hàng cạnh tranh mà không có Quyết định phê duyệt điều chỉnh hình thức đấu thầu theo quy định tại Nghị định 85, không báo cáo chủ đầu tư khi thay đổi hình thức lựa chọn nhà thầu.
- Báo cáo đánh giá hồ sơ đề xuất thực hiện không đúng với hình thức lựa chọn nhà thầu, còn nhiều sai sót như: Tiêu chuẩn kĩ thuật của thang máy là 60m/phút trong khi đó trong báo cáo đánh giá hồ sơ đánh giá là 1,0m/phút, Báo cáo đánh giá hồ sơ là gói thầu lắp đặt thiết bị thang máy nhưng lại giải trình nhầm sang công trình nhà học 1 tầng.
Về đấu thầu, lập báo cáo quyết toán vốn đầu tư: Hồ sơ yêu cầu (HSYC) được phát hành cho các nhà thầu vào ngày 14-6-2010 và các nhà thầu nộp hồ sơ yêu cầu ngày 19-6-2010, tuy nhiên khi kiểm tra hồ sơ quyết toán của nhà thầu thì: Nhà thầu đã tiến hành nhập khẩu thiết bị trước thời gian phát hành HSYC (Number and date of invoices ngày 3-6-2010) và thư cam kết chất lượng thiết bị của nhà sản xuất gửi kèm Packing list cho dự án được xác lập ngày 12-6-2010 là chưa thực hiện đúng các quy định về chỉ định thầu theo Nghị định 85/2009/NĐ-CP.
c) Thiếu sót sai phạm
- Chủ đầu tư yếu về năng lực quản lí các dự án đầu tư, mua sắm trang thiết bị. Đơn vị tham mưu của chủ đầu tư yếu về năng lực, thiếu trách nhiệm trong việc thẩm tra hồ sơ, dẫn đến tham mưu cho chủ đầu tư không đúng với quy định của Nhà nước. Chủ đầu tư không căn cứ vào các cơ sở pháp lí để phê duyệt các báo cáo đánh giá hồ sơ, kết quả lựa chọn nhà thầu, không áp dụng các biện pháp xử lí tình huống trong đấu thầu.
- Lựa chọn đơn vị tư vấn không đáp ứng được yêu cầu, yếu về năng lực. Đơn vị tư vấn không thực hiện đầy đủ các quy định pháp luật để thực hiện công việc của mình.
- Chậm thanh toán cho nhà thầu xây lắp (Công ty CPXD Kiến trúc Thăng Long) với số tiền: 116.084.175 đồng).
- Tính đến thời điểm tháng 7-2012, Nhà trường chưa thực hiện được công tác lập báo cáo quyết toán dự án hoàn thành, chậm 18 tháng so với hướng dẫn tại Thông tư số 19/2011/TT-BTC ngày 14-2-2011 của Bộ Tài chính quy định về quyết toán dự án hoàn thành thuộc nguồn vốn Nhà nước.
Trách nhiệm thuộc: Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng phụ trách xây dựng cơ bản và Phòng Quản trị thiết bị.
7. Một số dự án khác
a) Các dự án
- Dự án kí túc xá số 1, số 3 và nhà kí túc xá dân số: Là công trình cải tạo sửa chữa; được phê duyệt đầu tư tại Quyết định số 5530/QĐ-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ GDĐT ngày 29-11-2010 với tổng mức đầu tư 2.109.723.000 đồng từ nguồn kinh phí không thường xuyên (loại 490 - 502). Hình thức quản lí dự án: Thuê tư vấn quản lí (80% khối lượng công việc). Công trình được bàn giao đưa vào sử dụng ngày 31-2-2010.
- Dự án nhà ăn, Giảng đường B, C, D và nhà làm việc số 6, 7, 7B, 10: Là công trình cải tạo sửa chữa được phê duyệt tại Quyết định số 5532/QĐ-BGDĐT ngày 29 tháng 11 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT với tổng mức đầu tư là 2.737.203.000 đồng, từ nguồn kinh phí không thường xuyên (loại 490 - 502). Hình thức quản lí Dự án: Thuê tư vấn quản lí Dự án (80% khối lượng công việc). Công trình được bàn giao đưa vào sử dụng ngày 31 tháng 12 năm 2010.
- Dự án cải tạo, sửa chữa kí túc xá số 2, 4, 11: Là công trình được phê duyệt tại Quyết định số 5531/QĐ-BGDĐT ngày 29 tháng 11 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT với tổng mức đầu tư là 3.132.261.000 đồng từ nguồn kinh phí không thường xuyên (loại 490 - 502). Hình thức quản lí Dự án: Thuê tư vấn quản lí Dự án (80% khối lượng công việc). Công trình được bàn giao đưa vào sử dụng ngày 31 tháng 12 năm 2010.
b) Thiếu sót, sai phạm
Qua kiểm tra xác minh, các dự án trên đều có những thiếu sót, sai phạm sau:
Chất lượng công tác tư vấn của các nhà thầu Tư vấn quản lí Dự án, Tư vấn lập hồ sơ yêu cầu và đánh giá hồ sơ đề xuất đều chưa thể hiện đúng, đủ chức năng là các đơn vị có chuyên môn sâu giúp chủ đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện Dự án.
- Công tác đấu thầu, kí hợp đồng chưa được thực hiện đầy đủ theo quy định cụ thể như sau:
+ Trường phê duyệt giá trúng thầu trong kết quả chỉ định thầu của một số gói thầu vượt giá gói thầu trong kế hoạch đấu thầu được phê duyệt (thiếu thủ tục phê duyệt điều chỉnh kế hoạch đấu thầu).
+ Một số quyết định phê duyệt kết quả chỉ định thầu của các gói thầu chưa đầy đủ nội dung theo quy định tại Điều 40 của Luật Đấu thầu.
+ Phạm vi công việc trong Hợp đồng tư vấn quản lí dự án còn chung chung chưa cụ thể, chưa thể hiện rõ được phạm vi công việc mà tư vấn quản lí dự án thực hiện, chính vì vậy công tác quản lí dự án còn sai sót.
+ Hồ sơ yêu cầu của gói thầu xây lắp công trình cải tạo sửa chữa kí túc xá số 1, số 3 và Nhà kí túc xá Học viện Dân số.
+ Báo cáo đánh giá hồ sơ đề xuất công trình cải tạo sửa chữa kí túc xá số 1, số 3 và Nhà kí túc xá Học viện Dân số sai tên của nhà thầu nộp hồ sơ đề xuất và đưa ra 2 giá đề xuất.
- Thiếu văn bản xin ý kiến của cấp có thẩm quyền trước khi thực hiện lựa chọn tư vấn kiểm toán quyết toán dự án hoàn thành theo quy định tại Điều 14, Thông tư số 19/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính và chưa nộp Báo cáo quyết toán dự án hoàn thành theo theo hướng dẫn tại Thông tư này.
Những sai sót, vi phạm trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng cơ bản do trách nhiệm Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng phụ trách xây dựng cơ bản, đơn vị tư vấn và thi công và Phòng Quản trị thiết bị.
C/ NHẬN XÉT VÀ KẾT LUẬN CHUNG
1. Ưu điểm
Trường Đại học Kinh tế Quốc dân là cơ sở giáo dục đại học lớn, có truyền thống đào tạo, nghiên cứu khoa học các chuyên ngành về kinh tế ở nước ta. Trường đã cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, được phong tặng danh hiệu Anh hùng trong thời kì đổi mới. Trường đã và đang giúp đỡ có hiệu quả một số trường đại học mới thành lập trong hệ thống giáo dục quốc dân về công tác tổ chức đào tạo, xây dựng chương trình, biên soạn giáo trình và đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên.
Trong giai đoạn 2008 - 2012, Trường tiếp tục duy trì các ngành đào tạo theo thế mạnh đồng thời phát triển chương trình theo hướng tiên tiến. Trường đã chú trọng đổi mới quản lí theo tinh thần tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của đơn vị sự nghiệp công lập; đã tập trung ban hành được hệ thống văn bản khá đồng bộ để phục vụ công tác quản lí của nhà trường trong đó có Quy chế tổ chức và hoạt động của Trường, Quy chế chi tiêu nội bộ với các quy định cụ thể. Trên cơ sở đó, Trường đã tiến hành sắp xếp tổ chức lại một số đơn vị thuộc Trường theo hướng tinh gọn; tăng nguồn thu, cải thiện đời sống cán bộ, giáo viên; đã dành ra kinh phí để đầu tư xây dựng mới và sửa chữa nâng cấp một số hạng mục công trình nhà học, nhà làm việc đáp ứng ngày càng tốt hơn công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học của Trường.
2. Thiếu sót, sai phạm
2.1. Trong việc ban hành văn bản việc ban hành văn bản quản lí nội bộ chưa bám sát và cập nhật đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật dẫn đến một số quy định không phù hợp với pháp luật hiện hành. Cụ thể như sau:
- Quy chế tổ chức hoạt động của Trường có một số sai sót, trong đó có quy định “tự chủ hoàn toàn về thực hiện nhiệm vụ, tài chính, tổ chức bộ máy, nhân sự là không phù hợp với quy định tại Nghị định 43/2006/NĐ-CP;
- Quy chế chi tiêu nội bộ của Trường ban hành kèm theo Quyết định số 75/QĐ-ĐHKTQD-TCCB ngày 19-11-2011 đã căn cứ vào một số văn bản đã hết hiệu lực thi hành; một số nội dung về mua sắm tài sản, đấu thầu và một số khoản thu chưa đúng với quy định hiện hành;
Quy trình bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo Trường ban hành kèm theo Quyết định số 1907/QĐ-ĐHKTQD ngày 27-10-2008 thiếu hai bước so với Quyết định 27/2003/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ;
- Quy định về bồi dưỡng sau đại học ban hành theo Quyết định số 2160/QĐ-ĐHKTQD ngày 11-11-2010 có nhiều điểm không phù hợp với Luật Giáo dục, Quy chế đào tạo thạc sĩ và Quy chế văn bằng, chứng chỉ;
- Quyết định số 08/QĐ-ĐHKTQD ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Viện Ngân hàng - Tài chính có nhiều điểm chưa phù hợp với Điều lệ Trường đại học.
2.2. Trong việc triển khai các hoạt động
Thiếu sót, sai phạm xảy ra trong việc triển khai các hoạt động của Trường ở 4 nhóm vấn đề thanh tra đã được nêu chi tiết tại mục B của Kết luận thanh tra này. Dưới đây là những nội dung tổng hợp, khái quát ở 4 nhóm vấn đề:
a) Thiếu sót, sai phạm trong công tác tổ chức, cán bộ
Chưa xây dựng quy trình thành lập, sáp nhập, chia tách, chuyển đổi các đơn vị thuộc Trường để thực hiện thống nhất; Việc thành lập, sáp nhập và chuyển đổi một số đơn vị thuộc Trường thiếu nhất quán về quy trình; việc chuyển đổi các Khoa sang Viện đào tạo có tư cách pháp nhân là không phù hợp với quy định của Điều lệ Trường đại học và không đúng với quy định tại Điều 83, Bộ luật Dân sự; một số đơn vị không thực hiện bàn và lấy ý kiến công khai, dân chủ từ cơ sở là vi phạm khoản 2, Điều 5, Quyết định số 04/2000/QĐ-BGDĐT ngày 1-3-2000 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về việc ban hành quy chế dân chủ trong hoạt động của nhà trường; khi tiến hành tách bộ môn, Trường đã không thực hiện lấy ý kiến của Hội đồng Khoa học Khoa/ Viện, trái với quy định tại Điều 42, Điều lệ trường Đại học; Công tác bổ nhiệm, điều động luân chuyển cán bộ, chưa thực hiện đánh giá cán bộ bằng văn bản và không lấy phiếu tín nhiệm với nguồn cán bộ tại chỗ là không đúng quy trình quy định tại Quyết định 27/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Quy chế đánh giá cán bộ công chức ban hành kèm theo Quyết định số 286-QĐ/TW ngày 8-2-2010 của Bộ Chính trị;
Việc thực hiện pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo còn nhiều hạn chế bất cập (vụ việc ông Hà Huy Bình, bà Phạm Thị Hoa, bà Nguyễn Thị Thế Anh và ông Phạm Xuân Huy). Chưa thực hiện đủ quy trình và chưa kết hợp giữa biện pháp tổ chức hành chính với công tác tư tưởng trong công tác tổ chức cán bộ (việc liên quan đến ông Phạm Ngọc Linh, ông Hoàng Xuân Quế); việc xử lí cán bộ trong một số trường hợp còn nóng vội, thiếu công bằng, có biểu hiện thiếu dân chủ, gây bức xúc cho đối tượng; tạo dư luận không tốt và làm ảnh hưởng đến uy tín của Trường;
Không tổ chức kiểm điểm, xử lí trách nhiệm đối với các cán bộ liên quan các vấn đề sai phạm mà thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị, vì vậy, một số sai phạm tiếp tục tái diễn.
b) Thiếu sót, sai phạm về công tác đào tạo
- Việc chuyển 54 sinh viên từ Trường Đại học Tây Bắc về học tại Trường là không phù hợp với Quy chế đào tạo đại học, cao đẳng và các Hợp đồng liên kết; việc chuyển ngành cho sinh viên Đào Văn Hướng và Thiều Hữu Long là vi phạm Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng của Bộ GD&ĐT; cách chuyển không công khai, minh bạch gây dư luận xấu.
- Việc triển khai chương trình bồi dưỡng sau đại học và cấp chứng chỉ cho 787 người học; việc sử dụng kết quả này thay thế nội dung bổ sung kiến thức thi cao học cho 83 người là không phù hợp Luật Giáo dục và Quy chế đào tạo thạc sĩ.
- Việc đào tạo một số học phần trong chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ cho Trường ĐH Kinh tế Kĩ thuật Hải Dương tại Hải Dương là sai quy định tại Quy chế đào tạo thạc sĩ.
c) Thiếu sót, sai phạm về công tác tài chính
- Về các khoản thu sai, thu vượt:
+ Thu kinh phí đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ không có trong quy định với số tiền là:22.173.153.000 đồng;
+ Thu vượt quy định về học phí nâng điểm hệ chính quy số tiền là: 3.073.772.482 đồng;
+ Thu vượt quy định lệ phí tuyển sinh các hệ số tiền là: 7.906.046.500 đồng;
+ Thu ngoài quy định số tiền là: 18.407.020.750 đồng;
+ Thu phí trông xe vượt quy định số tiền là: 229.536.000 đồng.
Trường chưa đôn đốc đối chiếu và quyết toán học phí kịp thời với các đơn vị liên kết đào tạo, chưa rà soát chi tiết nội dung trong từng lần thu mà đơn vị liên kết chuyển tiền theo hợp đồng, chưa có các tài liệu kèm theo để kiểm soát tính đầy đủ khi phát sinh các khoản thu từ học viên dẫn đến khó khăn trong công tác quản lí nguồn thu; không thống nhất trong công tác quản lí tài chính của Trường (hạch toán khác nhau về doanh thu và chi phí trên báo cáo của đơn vị trực thuộc là Trung tâm hỗ trợ dịch vụ đào tạo và số liệu của phòng Tài chính Kế toán).
- Một số khoản chi tiền tạm ứng chưa được thực hiện đúng quy định; một số khoản chi cho hoạt động quản lí liên kết đào tạo chưa được phản ánh đầy đủ vào Quy chế chi tiêu nội bộ của Trường.
d) Thiếu sót, sai phạm về xây dựng cơ bản
Trường đã vi phạm quy định về đấu thầu và lựa chọn nhà thầu tại các công trình: Dự án nhà học 1 tầng; Dự án công trình xây dựng cầu nối giảng đường D-B và D-C; Dự án xây dựng công trình thang máy nhà đào tạo sau đại học và một số dự án tại 7. Mục IV trên đây.
- Nhà trung tâm: Sau hơn 4 năm, Trường chưa thực hiện được ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của Bộ GD&ĐT về xây dựng phương án khả thi huy động vốn ngoài ngân sách Nhà nước để thực hiện Dự án. Từ năm 2008 đến nay, Trường chưa giải ngân được nguồn kinh phí nào cho Nhà Trung tâm trong khi kinh phí thu sự nghiệp của Trường rất lớn, thể hiện sự thiếu trách nhiệm của Chủ đầu tư.
- Chưa thực hiện đầy đủ công khai, minh bạch quá trình quản lí, sử dụng các khoản đóng góp tự nguyện theo quy định tại Thông tư 19/2005/TT-BTC ngày 11-3-2005 của Bộ Tài chính và Thông tư 09/2009/TT-BGD&ĐT ngày 7-5-2009 của Bộ GD&ĐT; nhiều hạng mục công trình bị chậm thanh, quyết toán cho nhà thầu tạo nên dư luận xấu.
3. Nguyên nhân và trách nhiệm
a) Nguyên nhân chủ quan
- Nhận thức của Hiệu trưởng và lãnh đạo một số đơn vị tham mưu về tự chủ, tự chịu trách nhiệm và một số quy định của pháp luật chưa đầy đủ, có điểm chưa đúng dẫn đến việc ban hành văn bản có những điểm sai cơ bản, từ đó hoạt động của Trường có những thiếu sót, sai phạm cụ thể đã được nêu ở trên;
- Trong chỉ đạo điều hành còn thiếu thận trọng, có biểu hiện thiếu dân chủ, thiếu công bằng;
- Công tác tự kiểm tra chưa đạt hiệu quả cao; chưa kết hợp tốt giữa biện pháp tư tưởng và biện pháp hành chính, tổ chức trong một số công việc;
- Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo một số vụ việc chậm, chưa thực sự cầu thị.
- Việc thực hiện kiến nghị thanh tra, kiểm toán chưa nghiêm túc, đặc biệt chưa thực hiện kiểm điểm trách nhiệm các cá nhân liên quan đến sai phạm phát hiện qua thanh tra, kiểm toán;
Một số cá nhân trong Trường có những phản ứng thiếu xây dựng khi bị ảnh hưởng quyền lợi làm phức tạp hóa tình hình.
b) Nguyên nhân khách quan
Hệ thống văn bản pháp luật nhất là văn bản quy định về tài chính, về tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ sở giáo dục đại học chưa đủ, thiếu đồng bộ, thường xuyên thay đổi;
- Trách nhiệm đôn đốc của cơ quan quản lí nhà nước đối với người đứng đầu các đơn vị trực thuộc còn hạn chế, chưa kịp thời; thiếu cơ chế giám sát, kiểm tra việc thực hiện các kết luận của thanh tra và kiểm toán; khi kết luận sai phạm thường có xu hướng quy trách nhiệm tập thể mà không làm rõ và gắn với trách nhiệm cá nhân người đứng đầu;
- Nguồn ngân sách nhà nước những năm gần đây còn nhiều khó khăn;
c) Trách nhiệm
- Đảng ủy cơ sở chưa thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ trong nhà trường dẫn đến có một số việc làm chưa đúng quy định nhưng vẫn đưa ra bàn và biểu quyết nhất trí;
- Theo quy định của Luật Cán bộ công chức và Điều lệ Trường đại học, Hiệu trưởng với tư cách là người đứng đầu nhà trường, chịu trách nhiệm chung về mọi thiếu sót, sai phạm trong quản lí ở cả 4 nhóm nội dung thanh tra; đồng thời chịu trách nhiệm trực tiếp về một số vấn đề sau:
+ Việc điều động ông Phạm Ngọc Linh;
+ Việc gửi học của 54 sinh viên;
+ Chịu trách nhiệm với tư cách là Chủ đầu tư các công trình xây dựng và chủ tài khoản số 1 của Trường;
- Các Phó Hiệu trưởng: Chịu trách nhiệm về những sai sót, vi phạm trong phạm vi trách nhiệm được Hiệu trưởng phân công trong các lĩnh vực: Đào tạo, tài chính, XDCB.
- Các đơn vị tham mưu gồm: Phòng Tài chính Kế toán, Phòng Tổ chức Cán bộ, Phòng Quản trị thiết bị; Viện Đào tạo Sau đại học; Trung tâm Dịch vụ đào tạo và các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm về việc tham mưu, triển khai thực hiện nhiệm vụ; khắc phục các kiến nghị, kết luận thanh tra, kiểm tra thiếu hiệu quả.
I. CÁC BIỆN PHÁP XỬ LÝ ĐỐI VỚI TRƯỜNG
1. Chấn chỉnh công tác quản lí của Hiệu trưởng
Yêu cầu Hiệu trưởng tổ chức thực hiện ngay những nội dung sau:
a) Thu hồi các Quyết định số 1907/QĐ-ĐHKTQD, Quyết định số 08/QĐ-ĐHKTQD và Quy định bồi dưỡng sau đại học ban hành theo Quyết định số 2160/QĐ-ĐHKTQD để ban hành văn bản thay thế theo đúng quy định của pháp luật; Tổ chức rà soát sửa đổi, bổ sung các văn bản do Trường ban hành, đặc biệt đối với Quy chế tổ chức hoạt động và Quy chế chi tiêu nội bộ của Trường phù hợp với quy định của pháp luật (xong trước 30-3-2013).
Khẩn trương xây dựng Phương án tổng thể về tổ chức bộ máy, cán bộ trình Bộ GD&ĐT phê duyệt; Tạm dừng việc: sắp xếp bộ máy và bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều chuyển cán bộ, viên chức cho đến khi có phương án được phê duyệt; Đối với 49 cán bộ đã được bổ nhiệm từ nguồn tại chỗ nhưng không lấy phiếu tín nhiệm tại đơn vị công tác, cần tổ chức đánh giá, lấy phiếu tín nhiệm lại trong đơn vị; những trường hợp không đủ uy tín, nhà trường có phương án thay thế; tổ chức đối thoại, giải quyết dứt điểm vụ việc đối với bà Nguyễn Thị Thế Anh (xong trước ngày 30-12-2012).
b) Chuyển 54 sinh viên gửi học về Trường ĐH Tây Bắc; Chuyển sinh viên Thiều Hữu Long về đúng ngành QTKD của Trường ĐH Tây Bắc (hoàn thành trong tháng l-2013); Báo cáo Bộ GD&ĐT phương án giải quyết trong tháng 12-2012 và giải quyết dứt điểm theo đúng Quy định về đào tạo thạc sĩ của Bộ và của Trường đối với trường hợp học viên cao học Khóa 18 Phạm Thị Hoa.
c) Xây dựng Đề án tự chủ về tài chính trình Bộ GĐ&ĐT phê duyệt (hoàn thành trong quý II năm 2013); Chấm dứt việc thu phí, lệ phí sai, vượt mức quy định; Chấn chỉnh công tác quản lí tài chính của Trường; các nguồn thu, chi phải tập trung và thống nhất quản lí tài chính qua phòng Tài chính Kế toán; chứng từ của toàn bộ các khoản thu chi phải lưu giữ và kiểm soát theo đúng quy định.
Điều chỉnh sổ sách, báo cáo quyết toán theo kiến nghị của Đoàn. Điều chỉnh quy chế chi tiêu nội bộ đảm bảo bao quát toàn bộ các hoạt động tại đơn vị và theo đúng các quy định tại Thông tư số 71/2006/TT-BTC hướng dẫn thực hiện Nghị định số 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập.
d) Khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của Bộ GD&ĐT cũng như các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Chính phủ trong việc xây dựng phương án huy động vốn ngoài ngân sách để xây dựng Nhà trung tâm; lập báo cáo quyết toán dự án hoàn thành theo hướng dẫn tại Thông tư số 19/2011/TT-BTC ngày 14 tháng 2 năm 2011 của Bộ Tài chính; Trên cơ sở các quy định của Nhà nước, kiện toàn lại bộ máy quản lí về đầu tư xây dựng công trình, mua sắm trang thiết bị và đấu thầu theo hướng tập trung, chuyên nghiệp.
Chấn chỉnh lại quy trình lựa chọn đơn vị tư vấn, kiến nghị không mời các đơn vị (nêu trên) tham gia các dự án của Trường; chấn chỉnh công tác quản lí Dự án, đặc biệt trong công tác thẩm định thiết kế bản vẽ thi công và dự toán, thẩm tra và phê duyệt hồ sơ yêu cầu, kết quả lựa chọn nhà thầu và các hợp đồng tư vấn; chấn chỉnh trong công tác thực hiện kiểm toán quyết toán dự án hoàn thành đối với dự án nhóm C, không được thực hiện khi chưa có ý kiến của cấp có thẩm quyền; triển khai các bước lập, thẩm định thiết kế kĩ thuật, dự toán, tổng dự toán theo đúng quy định (đối với công trình nhà cầu nối giảng đường D-B và D-C).
2. Xử lí hành chính
a) Tổ chức kiểm điểm xác định rõ trách nhiệm của Hiệu trưởng, các Phó Hiệu trưởng trong việc quản lí điều hành và ban hành văn bản trái quy định dẫn đến thiếu sót, vi phạm 4 nội dung nêu trên. Báo cáo Bộ GD&ĐT (qua Vụ TCCB) trước ngày 28-2-2013.
b) Hiệu trưởng Trường tổ chức kiểm điểm, xử lí kỉ luật đối với tập thể và cá nhân thuộc phạm vi quản lí để xảy ra vi phạm trong 4 lĩnh vực nêu trên theo đúng quy định của pháp luật và báo cáo kết quả về Bộ Giáo dục và Đào tạo (qua vụ Tổ chức Cán bộ trước ngày 30-3-2013).
3. Xử lí kinh tế
a) Thu hồi số tiền 3.073.772.482 đồng thu vượt học phí nâng điểm của sinh viên hệ đại học chính quy năm 2011 về Ngân sách Nhà nước qua tài khoản tạm giữ của Thanh tra Bộ GD&ĐT: TK số 3949.1.1086600 - Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo, Kho bạc Nhà nước Hai Bà Trưng, Hà Nội.
b) Giảm trừ trong quyết toán A-B gói thầu xây lắp 189.959.000 đồng của giá trị cửa nhựa UPVC (công trình nhà học 5 tầng) và đề nghị thu hồi giá trị quyết toán gói thầu xây dựng với giá trị 23.983.000 đồng (công trình cải tạo sửa chữa kí túc xá số 2, 4, 1l);
c) Căn cứ khoản 2, Điều 10 của Nghị định số 23/2009/NĐ-CP ngày 27-2-2009, kiến nghị phạt 20.000.000 đồng đối với chủ đầu tư về hành vi vi phạm quy định về điều kiện khởi công xây dựng công trình (khởi công xây dựng đối với công trình nhà cầu nối giảng đường D-B và D-C khi chưa đủ điều kiện khởi công).
II. KIẾN NGHỊ ĐỐI VỚI CÁC CƠ QUAN CÓ THẨM QUYỀN
1 Đối với Thành ủy Hà Nội
Kiến nghị Thành ủy Hà Nội, Đảng ủy khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội:
- Chỉ đạo Đảng ủy Trường tiến hành kiểm điểm trách nhiệm tập thể và trách nhiệm của cá nhân đảng viên theo đúng các quy định của Đảng gắn với việc kiểm điểm theo Nghị quyết Trung ương 4.
- Tiếp tục phối hợp với Bộ GD&ĐT theo dõi, chỉ đạo Trường khắc phục thiếu sót, tạo điều kiện để Trường nhanh chóng ổn định và phát triển.
2. Đối với UBND thành phố Hà Nội
Kiến nghị UBND thành phố Hà Nội xử phạt hành chính Trường: Hình thức cảnh cáo theo quy định tại Điều 75 Luật Đấu thầu và điểm a, khoản 1, Điều 5, Nghị định số 53/2007/NĐ-CP ngày 4-4-2007, do vi phạm các quy định về đấu thầu; xử phạt số tiền 20.000.000 đồng theo quy định tại khoản 2, Điều l0 Nghị định số 23/2009/NĐ-CP ngày 27-2-2009 của Chính phủ.
III. GIAO CÁC ĐƠN VỊ CHỨC NĂNG CỦA BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO THỰC HIỆN NHIỆM VỤ SAU
1. Vụ TCCB căn cứ vào các thiếu sót, sai phạm thuộc trách nhiệm của Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng Trường, đề xuất biện pháp xử lí kỉ luật theo đúng quy định pháp luật; Giám sát việc thực hiện Kết luận thanh tra liên quan đến công tác TCCB.
2. Vụ Giáo dục Đại học giám sát việc thực hiện kết luận liên quan đến công tác đào tạo của Trường; Tổ chức đánh giá công tác liên kết đào tạo giữa trường Đại học Tây Bắc và trường Đại học Kinh tế Quốc dân đồng thời chấn chỉnh, đảm bảo mục tiêu liên kết.
3. Vụ KHTC kiểm điểm, rút kinh nghiệm về việc tham mưu thực hiện quyết toán hằng năm, Thẩm định Quy chế chi tiêu nội bộ của Trường liên quan đến nội dung về tài chính và xây dựng cơ bản; giám sát việc thực hiện Kết luận thanh tra liên quan đến công tác tài chính
4. Cục CSVC,TB&ĐCTE tiếp tục đôn đốc Trường thực hiện trách nhiệm Chủ đầu tư đối với Nhà trung tâm; Giám sát việc thực hiện Kết luận thanh tra liên quan đến công tác xây dựng cơ bản.
5. Vụ KHCN&MT kiểm tra, chấn chỉnh việc thực hiện nội dung và quyết toán các đề tài khoa học nêu tại khoản 2, Mục III, Phần B, Kết luận thanh tra theo đúng quy định của pháp luật.
6. Các vụ chức năng sớm tham mưu xây dựng các quy định cụ thể hướng dẫn các đơn vị sự nghiệp thực hiện thống nhất về thẩm quyền phê duyệt, trình tự, thủ tục, hồ sơ thành lập đối với các đơn vị trực thuộc Trường; Thực hiện các khoản thu, chi theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước; Tổng kết mô hình các đơn vị được giao tự chủ; Theo dõi, phối hợp, giúp đỡ Trường khắc phục những khó khăn, yếu kém, phát huy những thế mạnh để tiếp tục ổn định, phát triển.
KT/ Bộ trưởng Bộ GD&ĐT
Thứ trưởng
Bùi Văn Ga






- ĐH Kinh tế quốc dân: Chưa thanh tra toàn diện đã lộ đầy sai phạm (LĐ).

-Bộ Giáo dục và Đào tạo:Công bố Kết luận thanh tra (đột xuất) tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân

-Nhiều sai phạm tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân
Chiều 11/12, Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo đã gặp gỡ một số cơ quan báo chí chính thức công bố kết luận thanh tra một số hoạt động của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

Trước đó sáng 11/12, Thanh tra Bộ Giáo dục Đào tạo đã công bố các nộ dung kết luận thanh tra này tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

Đoàn thanh tra đột xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tiến hành thanh tra trường từ tháng 7-24/9/2012. Kết quả thanh tra chỉ ra các thiếu sót, sai phạm của trường từ công tác tổ chức cán bộ, đào tạo, tài chính và xây dựng cơ bản.

Chánh Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Huy Bằng cho biết đoàn thanh tra đã tiến hành thanh tra hoạt động của trường trong giai đoạn 7/2008 đến 5/2012.

Theo kết luận thanh tra, trường đã có sai sót trong việc bổ nhiệm, điều động, luân chuyển cán bộ như: chưa thực hiện đánh giá cán bộ bằng văn bản và không lấy phiếu tín nhiệm với nguồn cán bộ tại chỗ.

Việc thực hiện pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo còn nhiều hạn chế, bất cập; chưa thực hiện đủ quy trình và chưa kết hợp giữa biện pháp tổ chức hành chính với công tác tư tưởng trong công tác tổ chức cán bộ, xử lý cán bộ nóng vội, thiếu công bằng có biểu hiện thiếu dân chủ.

Trong công tác đào tạo cũng có sai phạm khi để 54 sinh viên trường đại học Tây Bắc về học tại cơ sở đào tạo của trường Kinh tế Quốc dân tại Hà Nội không phù hợp với Quy chế đào tạo đại học và các hợp đồng liên kết. Ngoài ra, trường còn thực hiện việc chuyển ngành cho sinh viên một cách không công khai, minh bạch, gây dư luận xấu.

Bên cạnh đó, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân còn triển khai chương trình bồi dưỡng sau đại học và cấp chứng chỉ cho 787 người và sử dụng kết quả đó thay thế nội dung bổ sung kiến thức thi cao học cho 83 người không phù hợp Luật Giáo dục và Quy chế đào tạo thạc sỹ…

Cũng theo Kết luận của Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong công tác tài chính giai đoạn 2008-2012 của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân mắc thiếu sót, sai phạm.

Quy chế thu chi nội bộ của trường đã căn cứ vào một số văn bản đã hết hiệu lực thi hành, một số nội dung về mua sắm tài sản, đấu thầu và một số khoản thu chưa đúng với quy định hiện hành.

Trường Đại học Kinh tế Quốc dân chưa đôn đốc, đối chiếu quyết toán học phí kịp thời với các đơn vị liên kết đào tạo; không có tài liệu kèm theo để kiểm soát tính đầy đủ khi phát sinh các khoản thu từ học viên dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý nguồn thu. Một số khoản chi tạm ứng chưa được thực hiện đúng quy định, một số khoản chi cho hoạt động quản lý liên kết đào tạo chưa được phản ánh đầy đủ vào quy chế chi tiêu nội bộ của trường.

Đáng chú ý, trong hoạt động thu, chi tài chính, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã thực hiện thu vượt, thu sai quy định hơn 51 tỷ đồng. Trong đó thu kinh phí đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ không có trong quy định hơn 22,1 tỷ đồng, thu vượt quy định về học phí nâng điểm hệ chính quy hơn 3 tỷ đồng (vượt từ 30 đến 33.000 đồng/sinh viên/môn), thu vượt quy định lệ phí tuyển sinh các hệ hơn 7,9 tỷ đồng, thu ngoài quy định (11 khoản khác nhau) số tiền hơn 18,4 tỷ đồng và thu phí trông xe vượt quy định hơn 229,5 triệu đồng.

Cùng với công tác thu chi tài chính có nhiều sai phạm, trong xây dựng cơ bản, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cũng vi phạm quy định về đấu thầu và lựa chọn nhà thầu tại một số công trình. Đặc biệt, Dự án nhà trung tâm sau hơn bốn năm Trường Đại học Kinh tế Quốc dân chưa thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo về xây dựng phương án khả thi huy động vốn ngoài ngân sách nhà nước để thực hiện dự án. Từ năm 2008 đến nay, trường chưa giải ngân được nguồn kinh phí nào cho Nhà trung tâm trong khi kinh phí thu sự nghiệp của trường rất lớn, thể hiện sự thiếu trách nhiệm của chủ đầu tư…

Theo ông Nguyễn Văn Phương, Trưởng phòng Thanh tra hành chính-Phòng chống tham nhũng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) những sai phạm của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân do công tác chỉ đạo, điều hành còn thiếu thận trọng, có biểu hiện thiếu dân chủ, thiếu công bằng. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của trường còn chậm và thiếu cầu thị. Việc thực hiện kiến nghị thanh tra, kiểm toán của trường chưa nghiêm túc, nhất là việc kiểm điểm trách nhiệm cá nhân liên quan đến phát hiện sai phạm phát hiện qua thanh tra, kiểm toán trước đây.

Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo đã kiến nghị các biện pháp xử lý đối với các sai phạm tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Theo đó, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân là người đứng đầu phải chịu trách nhiệm chung về những thiếu sót, sai phạm cả trong công tác tổ chức cán bộ, đào tạo, thu chi tài chính lẫn xây dựng cơ bản. Ngoài ra, cần thu hồi một số khoản thu sai thu vượt; một số gói thầu xây lắp sẽ bị giảm trừ, thu hồi. Phạt chủ đầu tư 20 triệu đồng vì khởi công xây dựng khi chưa đủ điều kiện. Các sai phạm liên quan đến công tác đào tạo cũng được đoàn thanh tra yêu cầu nhà trường xử lý ngay./.
- ĐH Kinh tế Quốc dân lạm thu hơn 51 tỷ (VNN). – Nhiều sai phạm của Đại học Kinh tế Quốc dân được Thanh tra Bộ GD&ĐT làm rõ (GD&TĐ). - Trường ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội thu sai hơn 51 tỉ đồng (TN). - Bộ Giáo dục công bố nhiều sai phạm tại ĐH Kinh tế Quốc dân (GDVN). - Cấp nhầm gần nửa tỷ đồng tiền miễn giảm học phí (DV). - ĐH Kinh tế quốc dân thu sai hơn 50 tỉ đồng (TT). – Hàng loạt sai phạm động trời tại ĐH Kinh tế Quốc dân (VTC).

ĐH Kinh tế quốc dân: Bất ổn lắm, sai phạm nhiều (PetroTimes 23-7-12)

(Petrotimes) - Không thể khoanh tay đứng nhìn “đứa con tinh thần” của mình đi vào con đường “sa ngã”, nhiều cán bộ, giảng viên của trường đã lên tiếng tha thiết đề nghị: “Hãy cứu lấy trường ĐHKTQD”!
Với bề dày truyền thống của mình, trường Đại học Kinh tế quốc dân (ĐHKTQD) được biết đến là cái nôi nuôi dưỡng đội ngũ cán bộ, lãnh đạo ngành tài chính, ngân hàng ở Việt Nam. Tuy nhiên, thời gian gần đây, trường lại được biết đến nhiều hơn bởi những “lình xình”, bê bối trong công tác cán bộ, đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất.


Bài I: Chuyện khó tin có thật

Theo những thông tin mà Nhà giáo nhân dân, GS.TSKH Lê Du Phong - người từng giữ vị trí quyền Hiệu trưởng trường ĐHKTQD cho biết thì trường đang tồn tại quá nhiều bất ổn.Ông Nguyễn Văn Nam, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng trường ĐHKTQD khi đã nắm được quyền lực gần như tuyệt đối trong trường, sự chuyên quyền, độc đoán đã được ông Nam bộc lộ bằng nhiều Quyết định “sét đánh” làm ngỡ ngàng toàn bộ cán bộ, giảng viên của trường.



Hiệu trưởng trường ĐHKTQD Nguyễn Văn Nam.



Manh nha một “đế chế” quyền lực

Quyền lực là một thứ mà đại đa số trong chúng ta đều rất mong muốn giành lấy nhưng để đạt được nó lại không phải chuyện đơn giản. Để nắm được quyền lực trong tay, mỗi người cần phải qua một quá trình phấn đấu, khẳng định tài năng của mình trong một môi trường nhất định và thứ quyền lực đó sẽ được những người xung quanh kính nể tôn trọng. Tuy nhiên, nếu khi đạt được quyền lực, người ta không biết dùng thứ quyền lực đó vào mục đích chung, tốt đẹp, mang lại lợi ích cho tập thể thì chắc chắn sự kính nể, tôn trọng đó sẽ dần mất đi và thay vào đó là sự bất mãn của những người xung quanh. Theo GS.TSKH Lê Du Phong "quyền lực" của ông Nam và những bộ hạ thân tín ở trường ĐHKTQD chính là một minh chứng điển hình cho điều đó.

Đầu tiên, GS.TSKH Lê Du Phong kể tới trường hợp của PGS.TS Phạm Ngọc Linh - người đã bị “đẩy” khỏi vị trí Trưởng phòng Tổ chức cán bộ của trường một cách không thể “sốc” hơn.

Là một trong số ít cán bộ được ông Nam đích thân tìm đến, trao đổi trước khi được đề bạt nhưng PGS.TS Phạm Ngọc Linh, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ lại bất ngờ bị điều chuyển sang làm Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển của trường. Quyết định được xem là đã giáng chức vì phụ cấp trách nhiệm đã giảm từ 0,5 xuống 0,3. Điều này đã gây dư luận xôn xao trong trường ĐHKTQD vì trong suốt quá trình công tác, PGS.TS Phạm Ngọc Linh luôn thể hiện là một cán bộ có năng lực, phẩm chất tốt và từng có thời gian dài làm Phó Chủ nhiệm khoa Kế hoạch và Phát triển.

Vẫn biết việc điều chuyển, luân chuyển cán bộ là những việc hết sức bình thường nhưng vấn đề nằm ở cái cách ông Nam ra quyết định trên - một quyết định được thực hiện một cách rất “âm thầm” mà ngay cả PGS.TS Phạm Ngọc Linh – lúc đó vẫn là Trưởng phòng Tổ chức Cán bộ cũng chẳng hay biết, còn Đảng ủy trường cũng chỉ được thông báo “lấy lệ” vào buổi sáng hôm đó vì ngay chiều cùng ngày quyết định đã ban hành. Chính vì cách làm như vậy của ông Nam, sau đó không lâu, PGS.TS Phạm Ngọc Linh đã phải “cắn răng” xin chuyển công tác.

Tuy nhiên, mọi chuyện chưa dừng lại ở đó, cũng trong chiều cùng ngày, ông Nam tiếp tục công bố các quyết định: Phân công PGS.TS Trần Thọ Đạt, Phó Hiệu trưởng kiêm phụ trách Phòng Tổ chức cán bộ; Phân công PGS.TS Phạm Quang Trung, Phó Hiệu trưởng kiêm nhiệm phụ trách Phòng Quản trị Thiết bị.

GS.TSKH Lê Du Phong cho rằng: Những quyết định trên của ông Nam thực sự là quá bất ngờ, là một bí ẩn gây xôn xao trong một thời gian dài ở trường ĐHKTQD. Và rồi mọi chuyện cũng “2 năm rõ 10”, khi mà nhiều cán bộ trong trường nhất loạt khẳng định: Thực chất việc điều động này chỉ là bước đệm, để ông Nam đưa người của ông ta vào nắm giữ hai phòng có “quyền sinh, quyền sát” này (Phòng Quản trị Thiết bị, với chức năng, nhiệm vụ là quản lí các khoản mục mua sắm và đầu tư...). Điều này đã được thể hiện bằng việc ông Nam tổ chức họp Ban Giám hiệu và Đảng ủy biểu quyết bằng hình thức giơ tay, bổ nhiệm Thạc sĩ Nguyễn Đức Hiển giữ chức Trưởng phòng Tổ chức cán bộ; bổ nhiệm Thạc sĩ Vũ Anh Trọng giữ chức Trưởng phòng Quản trị Thiết bị.

Thậm chí, dưới sự giúp sức của ông Nam, Hiển và Trọng đã từng bước hạn chế quyền của các Phó Hiệu trưởng. Không chịu nổi sự vô lý này, Phó Hiệu trưởng Bùi Anh Tuấn đành chấp nhận xin chuyển công tác.

Dường như đã có một sự thao túng được hình thành, gây lên sự hoang mang, lo sợ bao trùm toàn bộ mọi hoạt động của trường ĐHKTQD.

Từ quyết định vô lối



Trường ĐHKTQD đang phải đối diện với quá nhiều vấn đề "xấu"

Theo phản ánh của Nhà giáo nhân dân, GS.TSKH Lê Du Phong thì, khi đã nắm quyền lực gần như tuyệt đối trong tay, ông Nam đã ban hành một loạt quyết định như cho PGS.TS Nguyễn Xuân Quang thôi giữ chức Giám đốc Trung tâm Dịch vụ, để đưa ThS Cấn Anh Tuấn vào thế chỗ. Chưa hết, TS Nguyễn Quang Hồng cũng bị cho thôi giữ chức Phó Chủ nhiệm khoa Tại chức, PGS.TS Nguyễn Thị Mai phải thôi giữ chức Viện trưởng Viện Chính sách công... Ông Nam còn kí quyết định số 832/QĐ-ĐHKTQD-TCCB, điều động bà Nguyễn Thị Thế Anh, đang làm Trợ lí giáo vụ Khoa Kinh tế và Quản lí nguồn nhân lực, xuống làm văn thư lưu trữ tại Trạm Y tế của trường.

Đáng chú ý nhất trong số quyết định trên là việc điều chuyển công tác đối với bà Nguyễn Thị Thế Anh theo Quyết định số 832/QĐ-ĐHKTQD-TCCB ngày 6/12/2011 - một quyết định được đưa ra với nguyên nhân là bà Thế Anh chưa tận tâm, chưa chấp hành tốt kỉ luật lao động, thường xuyên không thực hiện các nhiệm vụ... Nếu chỉ nghe như vậy thì thấy có vẻ hợp lý nhưng đối với những ai đã biết bà Thế Anh thì đó lại là sự hài hước vô lí. Hơn chục năm công tác, bà Anh luôn thể hiện tinh thần phấn đấu, nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ nên đã được cử đi học Thạc sĩ. Nói như vậy để thấy rằng, những khuyết điểm được cho là nguyên nhân điều chuyển bà Thế Anh là quá vô lí, thậm chí là có vấn đề.

Nhưng đó chưa phải là tất cả, theo bà Nguyễn Thị Thế Anh cho biết, ngay sau khi bà bị điều chuyển một cách bất thường sang vị trí khác, anh Hiển đã lập tức cho bà Thuỷ (Làm thủ thư tại Trung tâm tư liệu – Thư viện trường) về làm Trợ lí giáo vụ Khoa Kinh tế và Quản lý nguồn nhân lực. Quá bất bình với quyết định này, bà đã làm đơn kiến nghị nhưng lại bị Hiển thẳng thắn đe doạ là sẽ cho thôi việc để tinh giảm cán bộ theo điều lệ tự chủ của trường. Thậm chí, lá đơn bà viết cho Bí thư Đảng uỷ, Hiệu trưởng Nguyễn Văn Nam cũng bặt vô âm tín, chìm vào yên lặng.

"Mọi chuyện tưởng chừng đã dừng lại ở đó nhưng đến ngày 28/12/2011, trên trang Web của trường đã đăng tải thông báo trả lời tôi với những biên bản, thông tin sai lệch, bịa đặt về cá nhân tôi và toàn bộ lý lịch của tôi gồm cả những thông tin cá nhân của tôi, gia đình, anh em, cha mẹ tôi, thậm chí là cả thông tin, đơn thuốc khám chữa bệnh của tôi.

Đây là hành vi vi phạm pháp luận vô cùng nghiêm trọng về quyền riêng tư quy định tại điều 226, Bộ Luật tố tụng hình sự, là hình thức bôi nhọ, loan truyền có dụng ý xấu”, bà Thế Anh bức xúc nói.

Sự vô lối không chỉ thể hiện trong các quyết định điều chuyển cán bộ mà còn thể hiện ở hàng loạt quyết định thành lập các Viện mới và đổi tên hàng loạt khoa, trung tâm thành Viện: Khoa Quản lí Đào tạo quốc tế thành Viện Đào tạo quốc tế, Trung tâm Ngoại ngữ thành Viện Ngoại ngữ, Trung tâm Việt Nam - Hà Lan thành Viện Chính sách công Việt Nam - Hà Lan, Trung tâm Tin học kinh tế sáp nhập bộ môn Công nghệ thông tin thành Viện Tin học kinh tế; thành lập Viện Quản lí châu Á - Thái Bình Dương.

Đáng chú ý trong đó là quyết định chuyển Khoa Ngân hàng -Tài chính thành Viện Ngân hàng - Tài chính mà ông Nam đích thân kiêm chức Viện trưởng. Sự vô nguyên tắc thể hiện ở chỗ, mặc dù đây là những việc lớn của trường nhưng mọi quyết định đều không được bàn bạc, thống nhất trong Đảng ủy, Chi ủy, Ban Chủ nhiệm các khoa... Thậm chí, trong Nghị quyết số 161-NQ/ĐU ngày 19-12-2011 của Đảng ủy nhà trường khóa XXVI, về việc thành lập Viện Ngân hàng - Tài Chính ghi rõ ràng là Nghị quyết nhưng nội dung lại như một văn bản hành chính, với những quy định rất cụ thể về vị trí pháp lí, chức năng nhiệm vụ, tổ chức bộ máy...

Đến scandan ồn ào

Mỗi khi nói về những bê bối hay vấn đề gì đó không hay về một cá nhân nào đó, người ta thường bảo “lắm tài nhiều tật” nhưng quả thật chuyện ở trường ĐHKTQD là không thể chấp nhận được. Tài thì chẳng thấy đâu nhưng tật thì nhiều vô kể.

PGS.TS Đào Văn Hùng, PGS.TS Phạm Quý Thọ, PGS.TS Nguyễn Văn Áng, PGS.TS Nguyễn Văn Định, PGS.TS Nguyễn Đình Hòa, PGS.TS Nguyễn Văn Phúc, PGS.TS Bùi Anh Tuấn, TS Vũ Thiện Vương, TS Lê Trung Thành, TS Trần Thị Thanh Tú, TS Nguyễn Văn Dinh, TS Trần Thị Minh Hòa... là những người có năng lực, có trình độ phải dứt áo ra đi, còn đối với những người ở lại thì luôn mang trong mình tâm lý hoang mang, lo lắng. Và đây cũng chính là nguyên nhân của những nhiều xì – can – đan đã xảy ra trong trường.

Tiêu biểu nhất, ồn ào nhất trong đó là vụ việc bà Phạm Thị Hoa - Kế toán tại Hội Khoa học kinh tế Hà Nội có trụ sở đặt trong khuân viên trường ĐHKTQD đã đến phòng làm việc của Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, đòi ông Hiển trả lại 55 triệu đồng tiền chạy việc và đến nhà riêng của ông Nam tố cáo việc làm trên của ông Hiển.

Theo trình bày của bà Hoa thì, ngày 18/11/2011, bà có đến gặp ông Nam nói về vấn đề công việc và được ông Nam trả lời “em tìm xem đơn vị nào muốn nhận thì báo lại, thầy sẽ xem xét”. Đến ngày 19/11/2011, tôi mua một bó hoa, kèm theo đó là phong bì 2.000.000 đồng đến gặp ông Nam và được ông Nam vui vẻ nhận.

Cũng trong ngày, bà Hoa cũng mua một bá hoa, một phong bì 5.000.000 đồng đến gặp ông Hiển và được hứa hẹn “chị cứ yên tâm đi, riêng chỗ GS Nam để em giải quyết hết, chị về chuẩn bị hồ sơ mang cho em…” Sau khi được ông Hiển hứa hẹn, ngày 12/12/2010, bà Hoa đã chuẩn bị một gói quà kèm theo phong bì tiền 50.000.000 đồng đến nhà Hiển.

Bà Hoa cho biết: Sau khi nhận túi quà và chiếc phong bì, bà và ông Hiển đã nói chuyện rất vui vẻ và cởi mở. Ông Hiển bảo: “Chị chờ em một thời gian nữa để em sắp xếp lại đội ngũ nhân viên hành chính, sau đó em sẽ tìm cách chuyển chị từ Hội sang Viện thì đỡ vất vả cho chị”.

Tuy nhiên, đợi mãi vẫn không thấy phản hồi, quá sốt ruột, ngày 19/1/2012, tôi đã gọi điện vừa là để chúc Tết và cũng là hỏi xem công việc của tôi có còn hy vọng không thì được ông Hiển trả lời: “Em không quyết định được việc này, để em hỏi các sếp nhưng mà khó đấy chị ạ”. Quá thất vọng, tôi đã bày tỏ ý muốn xin rút lại số tiền đã chuyển cho ông Hiển để lo việc nhưng ông Hiển nhiều lần tìm cách thoái thác, lẩn tránh.

Và đến ngày 20/1/2012, tại phòng làm việc của ông Hiển, ông Hiển đã nói thẳng với tôi là “chị vụ không cho tôi, chị có bằng chứng không” và có hành vi thô bạo cùng nhiều lời nói xúc phạm tôi.

“Quá bất bình với một loạt những hành vi không đáng mặt đàn ông sau đó, tôi đã tìm nhà ông Nam để báo cáo sự việc nhưng chưa kịp nói gì thì đã bị ông Nam thoá mạ, đuổi đi. Nhiều ngày sau đó cũng vậy, tôi tìm đến gặp ông Nam nhưng vẫn bằng thái độ hống hách, ngạo mạn và đuổi tôi đi”, bà Hoa nói.

Sự việc ồn ào được đẩy lên đỉnh điểm khi sáng 30/1/2012, khi bà Hoa đến văn phòng Hội Khoa học kinh tế Hà Nội làm việc, thì thấy văn phòng đã bị thay khóa và gần như ngay lập tức 3 bảo vệ của trường có mặt yêu cầu bà Hoa ra khỏi khu vực, vì ông Cấn Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm dịch vụ chỉ thị như vậy. Sau đó, ông Cường (Trưởng phòng Bảo vệ), ông Cấn Anh Tuấn, ông Lê Anh Tuấn và ông Lâm, Văn phòng Trung tâm dịch vụ (là cháu ông Nam) đến, giải thích rằng trường lệnh cho Giám đốc Trung tâm không cho cô Hoa vào khu vực kí túc xá của trường.

Không chỉ tạo ra nhiều xì – can – đan trong khâu tổ chức cán bộ, chuyện ông Nam cho lắp ca-me-ra giám sát cửa phòng làm việc của mình, đồng thời giám sát luôn cửa phòng làm việc của hai Phó Hiệu trưởng cũng có thể xem là chuyện khôi hài xưa nay hiếm. Đặc biệt từ sau vụ kỷ luận ông Hà Huy Bình – Chuyên viên kỹ thuật phòng Quản trị thiết bị thông qua một đoạn băng ghi âm “lén” thì tất cả cán bộ, giáo viên trong trường rơi vào tình trạng nơm nớp sợ hãi, đi đâu, làm gì, gặp ai đều phải cảnh giác.

Và chính mức độ và tính chất nghiêm trọng của những vấn đề mà trường ĐHKTQD đang phải đối diện mà Nhà giáo nhân dân, GS.TSKH Lê Du Phong đã phải thốt lên rằng: Trong suốt 56 năm lịch sử trường ĐHKTQD, đây là lần đầu tiên Hiệu trưởng kiêm luôn Bí thư Đảng ủy. Nếu nhằm mục đích nhất thể hóa trong lãnh đạo, chỉ đạo của trường là cần thiết nhưng thực chất Bí thư Đảng ủy - Hiệu trưởng Nguyễn Văn Nam đã thâu tóm quyền lực, nắm giữ các lĩnh vực có “quyền sinh, quyền sát” hoặc có nhiều tiền, đó là: kinh tế, tổ chức, xây dựng cơ bản, đào tạo sau đại học...

(Còn tiếp)--Thanh tra toàn diện Trường Đại học Kinh tế Quốc dân
Ngày 19-7-2012, Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi Tổng Biên tập Báo Người cao tuổi Công văn số 4653/BGDĐT-TTr, cho biết: Ngày 13-7-2012, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã kí Quyết định số 2558/QĐ-BGDĐT về việc thành lập đoàn thanh tra do ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh thanh tra Bộ làm trưởng đoàn để thanh tra trường Đại học Kinh tế Quốc dân với bốn nhóm nội dung sau:
- Công tác tổ chức, cán bộ;

- Công tác đào tạo sau đại học và liên kết đào tạo;

- Công tác xây dựng cơ bản;

- Các khoản thu, chi tài chính của trường.
Văn bản này cũng đề nghị: "Để công tác thanh tra đạt kết quả tốt, đúng pháp luật, Bộ Giáo dục và Đào tạo trân trọng đề nghị quý Báo cung cấp thông tin, chứng cứ mà quý Báo đã tập hợp được liên quan đến nội dung thanh tra nêu trên". Theo tin từ cơ quan Bộ GD và ĐT, ngày 24-7-2012 tại Trường ĐHKTQD, lãnh đạo Bộ GD và ĐT công bố quyết định trên và đoàn thanh tra cũng bắt đầu vào cuộc.

Được biết, thời gian qua, cơ quan An ninh Văn hóa - Giáo dục và Thanh tra Thuế Hà Nội cũng đã tiến hành xác minh một số sai phạm thuộc lĩnh vực chuyên ngành xảy ra ở trường này




 >>  Bài 1: Một kiểu đầu tư “cha chung không ai khóc” 
(Dân trí) - Tòa nhà trung tâm Trường Đại học Kinh tế quốc dân (ĐHKTQD) Hà Nội là một dự án nhóm A được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2003, là một công trình hiện đại nhất của ngành giáo dục nhưng sau 9 năm triển khai nay đã “đắp chiếu” với 7 tầng xây thô.
Nguyên nhân chính do Cục Cơ sở vật chất, Thiết bị trường học và đồ chơi trẻ em thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có dấu hiệu thiếu trách nhiệm trong xử lý vốn; đề xuất “úp nóc” công trình xây dở này, khiến dự án rơi vào tình trạng “thân voi đầu chuột”, gây lãng phí hàng trăm tỷ đồng…
Bài 1: Một kiểu đầu tư “cha chung không ai khóc”
Phối cảnh Tòa nhà trung tâm Trường Đại học KTQD sẽ là tòa nhà hiện đại nhất của nền giáo dục Việt Nam


Tiền ít muốn xây nhà…cao tít
Ngày 28/1/2003, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 124/QĐ-TTg phê duyệt dự án xây dựng Nhà trung tâm đào tạo Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (ĐHKTQD).  Trong số dự án nhóm A của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) được Chính phủ phê duyệt năm ấy, chỉ có 3 dự án nên đây là một sự quan tâm đặc biệt, với kỳ vọng ưu tiên đào tạo nhân lực cho ngành kinh tế và hiện đại hóa giáo dục, giúp Việt Nam sớm có một cơ sở đào tạo đạt đẳng cấp quốc tế. Theo đó, công trình sẽ là một tòa tháp đôi 19 tầng và 13 tầng, tổng diện tích gần 96.000 m3 sàn. Công trình được xây dựng trên khuôn viên 14 ha do Trường ĐHKTQD quản lý, nằm ở đường Giải Phóng, cửa ngõ phía Nam thủ đô, riêng diện tích sử dụng đất của tòa nhà chiếm hơn 3,67 ha. Tổng mức đầu tư của dự án năm 2003 là 518,1 tỷ đồng và hiện nay khoảng 1400 tỷ đồng.
Năm 2006, dự án mới được khởi công, Tổng công ty 36 (Bộ Quốc phòng) là nhà thầu. Thời gian thực hiện dự án được xác định đến năm 2010 sẽ hoàn thành. Tuy nhiên, đến nay đã là giữa năm 2012, hai tòa tháp mới đến tầng thứ 7 thì tạm dừng, “đắp chiếu”. Chiều 22/6 vừa qua, chúng tôi có mặt tại công trường thì thấy tòa nhà chìm trong vắng lặng, cẩu tháp, giàn giáo đứng chỏng chơ, các cột thép chờ thi công như những cánh tay chới với giữa trời trong tuyệt vọng và phần lớn các cột thép này đã han rỉ sau 2 năm dãi dầu mưa nắng. Đi sâu vào khu tầng hầm, thấy ngổn ngang vật liệu và nước đọng.
Hứa thật nhiều, thất hứa thật nhiều
Trao đổi với PV Dân trí, Đại tá Nguyễn Đăng Giáp, Tổng giám đốc Tổng công ty 36 bức xúc cho biết: “Theo hợp đồng đã ký thì chủ đầu tư phải bảo đảm vốn cho nhà thầu theo tiến độ nhưng chúng tôi không ngờ sau khi ký hợp đồng, tiếng là dự án trọng điểm của một Bộ được Chính phủ đầu tư ngân sách cực lớn, chiếm tới 20% tổng chi ngân sách Nhà nước nhưng việc bố trí vốn cho nhà thầu lại “lôm côm” như vậy. Tổng công ty của tôi đến nay đã làm hàng nghìn dự án, cho hàng chục bộ, ngành, địa phương nhưng chưa thấy ở đâu “ông chủ quản” làm ăn “tiền hậu bất nhất”, thiếu chữ tín như ở đây”.
Để triển khai dự án, ông Giáp nhiều lần phải chấp nhận “bỏ tiền túi” của đơn vị ra làm trước. Nhưng rồi, đến năm 2010 thì chuyện thiếu vốn lên đến đỉnh điểm, buộc tòa nhà xây đến tầng thứ 6 thì tạm dừng.
Đâm lao phải theo lao, với doanh nghiệp xây dựng, công trình đắp chiếu đồng nghĩa với tiền tỷ đi nuôi…ngân hàng nên dù không phải nhiệm vụ của mình, đúng ra là việc của chủ đầu tư, ông Giáp vẫn phải nhiệt tình đi cùng ông Nguyễn Văn Nam hiệu trưởng đi gõ cửa các quan chức của Bộ GD&ĐT, xin được họ “rủ lòng thương” xử lý bế tắc của dự án.
…và tòa nhà dở dang “đắp chiếu” 9 năm xây dựng
…và tòa nhà dở dang “đắp chiếu” 9 năm xây dựng
Tại một cuộc gặp gỡ vào cuối năm 2010, Cục trưởng  Cục cơ sở vật chất, thiết bị trường học và đồ chơi trẻ em Trần Duy Tạo ghi nhận, hứa sẽ giải quyết vướng mắc về vốn, thủ tục kèm theo cái bắt tay trấn an ông Giáp “cứ yên tâm”. Trong nhiều cuộc gặp gỡ khác, phía Trường ĐHKTQD cũng như Bộ GD&ĐT còn “hứa” với ông Giáp rằng cứ yên tâm đầu tư rót vốn cho công trình, chắc chắn sang năm 2011, nhân dịp kỷ niệm 55 năm ngày thành lập trường, Bộ sẽ rót vốn cho dự án hoàn thành, ra mắt. Những lời hứa hẹn khiến ông Giáp tin tưởng, tiếp tục dốc hầu bao ngót trăm tỷ đồng đầu tư cho dự án hi vọng ngày “về đích”. Không những thế, lễ ra quân đầu xuân năm 2011, ông Giáp cũng cho chọn Trường ĐHKTQD làm nơi ra quân, hi vọng hoàn thành dứt điểm dự án.
Nhưng sự đời ai học được chữ ngờ, theo ông Giáp, sang năm 2011, ông Tạo bắt đầu “quay ngoắt 180 độ”, không chấp nhận ký gia hạn hợp đồng, cũng không  tăng thêm vốn để công trình hoàn thiện như lời ông đã hứa với nhà thầu.  Gần một năm trời, tòa nhà chỉ được xây thêm có một tầng, đến tầng thứ 7 thì phải dừng lại lần thứ hai.
Ngày 19/11/2011, Trường ĐHKTQD đành tổ chức lễ kỷ niệm 55 năm thành lập, các cơ quan chức năng một lần nữa ghi nhận và hứa sẽ quan tâm tới công trình có ý nghĩa rất quan trọng này. Nhưng rồi, đúng là “bộ về rồi bộ lại quên thôi”.
Kết thúc năm 2011, việc gia hạn hợp đồng cũng không được ký.  Không những thế, phần vốn ngân sách bố trí cho dự án chỉ có 30 tỷ đồng nhưng khi giải ngân, thanh toán, Tổng công ty 36 được 18,3 tỷ đồng, còn 11,7 tỷ đồng bị Bộ GDDT thu về, cấp cho dự án khác, khiến Tổng công ty 36 rơi vào cảnh khóc dở mếu dở vì gần 100 tỷ đồng đầu tư cho dự án không thu hồi vốn được mà vẫn phải chịu lãi ngân hàng rất lớn. Việc điều chuyển vốn này theo ông Phạm Thanh Giang, Phó TGĐ Tổng công ty 36 là “không bình thường” nếu không muốn nói là có dấu hiệu khuất tất bởi Bộ GD&ĐT hoàn toàn có thể cho phép ký gia hạn hợp đồng trước khi trình Thủ tướng phê duyệt phương án dự toán mới. Phần vốn 30 tỷ vẫn trong tổng mức đầu tư đã được Thủ tướng phê duyệt.
Vô cảm trước thiệt hại ngân sách?
Từ đó đến nay, đã gần 2 năm trời, Tổng công ty 36 đã gửi hàng chục công văn tới Trường Đại học KTQD, Bộ GD&ĐT yêu cầu xử lý nhưng chủ đầu tư hoàn toàn…im lặng. Trong công văn gần đây nhất gửi tới nhà trường và Bộ trưởng Bộ GDDT, ông Giáp nêu rõ: Nhà thầu đã đầu tư gần 180 tỷ đồng cho dự án nhưng mới được thanh toán 115 tỷ, còn thiếu tới 65 tỷ đồng chưa được thanh toán trong khi phải chịu lãi suất vốn vay và khấu hao máy móc lên tới 3,1 tỷ đồng/mỗi tháng. Đặc biệt, chỉ riêng hệ thống cáp dự ứng lực để chống động đất phải nhập khẩu 100% với số lượng 120 tấn, theo đúng thiết kế 13 tầng đã lên tới 16 tỷ đồng, nay bị tồn kho 9,6 tỷ… “Nếu việc xử lý công nợ còn để kéo dài, chúng tôi sẽ kiện Trường ĐHKTQD ra tòa vì đã vi phạm hợp đồng, vi phạm Luật Đấu thầu và Luật Xây dựng…” – Đại tá Nguyễn Đăng Giáp cho biết.
Xét cho cùng thì toàn bộ những thiệt hại này, phần lãi ngân hàng và chi phí phát sinh do công trình hư hỏng phải sửa chữa do đắp chiếu cuối cùng sẽ vẫn rơi vào gánh nặng ngân sách Nhà nước. Và để xảy ra tình trạng đó, không ai khác chính ông cục trưởng Trần Duy Tạo là người phải chịu trách nhiệm khi đại diện cho bộ chủ quản mà không tính đến hiệu quả đầu tư, sử dụng vốn ngân sách. Khó có thể đổ lỗi cho cơ chế hay do khách quan khi mà công trình bị đắp chiếu gần 2 năm nhưng ông Tạo mới chỉ tổ chức có…hai cuộc họp để tháo gỡ vấn đề. Ông Nguyễn Minh Mẫn, Vụ trưởng vụ III, Thanh tra Chính phủ khẳng định: “Lỗi trước hết thuộc về Bộ GD - ĐT, bởi những công trình đang làm dở dang cần phải ưu tiên số một …”.      

Kết luận của Thanh tra Chính phủ từ tháng 9/2010 đã kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư có kế hoạch bổ sung nguồn vốn, Bộ GD-ĐT và trường ĐHKTQD xác định rõ tỉ lệ từng nguồn vốn để sớm hoàn thành dự án. Kiến nghị này đã được Thủ tướng chấp thuận và yêu cầu thực hiện, nhưng thay vì thực hiện chỉ đạo này, ông Trần Duy Tạo đã tham mưu cho Bộ GD-ĐT đề xuất theo hướng “úp nóc” phần đã xây thô đi vào sử dụng để khi nào có tiền đầu tư tiếp. Nếu phương án này được chấp thuận thì sẽ xảy ra chuyện hi hữu trong ngành xây dựng Việt Nam khi một công trình có kết cấu hiện đại, đầu tư rất lớn vào phần móng và các tầng hầm nhưng lại chỉ sử dụng 7 tầng, đồng nghĩa với việc rất nhiều tiền bị “chôn vào lòng đất” một cách lãng phí, khiến công trình rơi vào cảnh “mình voi đầu chuột”.
Theo nhà thầu thì hiện những phần phức tạp nhất đã đầu tư xong, phần tháp từ tầng 7 lên tầng 19 không quá tốn kém, chỉ có đầu tư hoàn thiện đi vào khai thác mới bảo đảm hiệu quả kinh tế. Việc úp nóc chờ đầu tư sẽ gây lãng phí lên tới hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng khi mà toàn bộ hệ thống cầu thang máy, cáp điện, nước, điều hòa… cùng nhiều thiết bị khác sẽ phải bỏ đi khi thực hiện giai đoạn 2, chưa kể chi phí thiết kế lại.

Vũ Văn Tiến

>>  Bài 2: Sốc trước “sáng kiến” “mình voi đầu chuột”

(Dân trí) - Sau khi Dân trí đăng bài “Một kiểu đầu tư “cha chung không ai khóc” nhiều chuyên gia, nhà quản lý và bạn đọc đã có ý kiến phản hồi bức xúc, cho rằng cơ quan chủ quản cần phải chịu trách nhiệm về sự chậm trễ và “biến dạng” của một dự án lớn.
 Dư luận cũng phản đối “sáng kiến” phân kỳ, úp nóc tòa nhà theo kiểu “chữa lợn lành thành lợn què”…

Một góc “đại công trường” dang ở do sự chậm trễ, thiếu trách nhiệm của cơ quan chủ quản
Một góc “đại công trường” dang dở do sự chậm trễ, thiếu trách nhiệm của cơ quan chủ quản
Ông Vũ Anh Trọng, Trưởng phòng Quản trị Thiết bị (Trường ĐHKTQD): Thêm lãng phí và bế tắc
Nếu úp nóc rồi để đưa vào sử dụng sau đó vừa sử dụng vừa xây dựng là chuyện không thể. Mà nếu xây dựng thì toàn bộ hệ thống thang máy, điều hòa, điện nước cùng nhiều hạng mục sẽ phải đập đi hoặc dỡ bỏ, gây lãng phí hàng trăm tỷ đồng. Chỉ riêng cáp dự ứng lực chống động đất phía nhà thầu phải nhập ngoại theo thiết kế từ đầu, khi thi công luồn từ tầng 1, giờ phân kỳ không cắt đi được, cũng không bán lại cho dự án khác được. Nếu phân kỳ sẽ phải 2 lần dỡ bỏ, nhập khẩu mới, lãng phí hàng chục tỷ đồng, ai là người chịu trách nhiệm?. Phương án phân kỳ còn “cực kỳ dở” ở chỗ phải thiết kế lại, trình phê duyệt lại, riêng phê duyệt một năm chưa chăc đã xong, phải trình lên tận Thủ tướng Chính phủ, dự án sẽ tiếp tục rơi vào vòng luẩn quẩn, bế tắc!
Đại tá Đại tá Nguyễn Thanh Giang, Phó tổng giám đốc Tổng công ty 36 (Bộ Quốc phòng): Phân kỳ, úp nóc là phản khoa học!
Tôi thực sự ngạc nhiên trước ý kiến đề xuất phương án chia công trình trên thành hai dự án, làm từng tòa nhà một từ năm 2003 cũng như đề xuất phương án phân kỳ, úp nóc tòa nhà như hiện nay. Ai đưa ra đề xuất trên cho thấy họ chẳng hiểu biết gì về xây dựng cả.
Nên nhớ rằng dự án tòa nhà trung tâm được thiết kế hiện đại, đồng bộ với hai tòa tháp, làm hết tầng này mới làm được tầng kia, có nhiều thiết bị đi kèm nên làm gì có chuyện làm từng tòa nhà một. Công trình này do Tập đoàn Site Architecture của Pháp là đơn vị thiết kế, có kết cấu hiện đại nhất Việt Nam chứ không nói là hiện đại nhất trong ngành giáo dục, đầu tư cho phần móng và hai tầng hầm rất hiện đại, có thể nói là phần đắt nhất của hai tòa tháp. Chỉ riêng phần hầm hiện nay, do đắp chiếu nên Công đoàn đơn vị chúng tôi đang tính dọn dẹp cho thuê để gửi xe ô tô cũng để được hàng nghìn chiếc, thu về hàng tỷ đồng mỗi tháng.
Phần thân xây thô cũng rất hiện đại từ tầng 1 đến cốt 00 đã lên tới 17 tỷ đồng/ sàn theo thời giá 2010 nên nếu phân kỳ, úp nóc chỉ dùng 7 tầng thì tòa nhà sẽ rơi vào tình trạng “mình voi đầu chuột”, vô cùng lãng phí và kém mỹ quan, khiến hàng trăm tỷ đồng bị “chôn vào lòng đất”.
Còn phương án phân kỳ, úp nóc rồi chờ nay mai làm tiếp cũng không thể thực hiện được. Làm gì có công nghệ nào úp nóc rồi mà bên dưới học bên trên vẫn làm. Thang máy, thiết bị điện, nước, cáp dự ứng lực….phải đồng bộ chứ đâu có thể làm lôm côm, tùy tiện được. Nếu cứ để người không hiểu biết gì về xây dựng tham mưu và ra các quyết sách như thế này thì sẽ gây lãng phí, thiệt hại vô cùng lớn cho Nhà nước!
Ông Nguyễn Minh Trường (Công ty TNHH Tây Bắc – Hà Nội): Không nên hủy hoại một công trình đẳng cấp!
Là dân kiến trúc, tôi có nghiên cứu về dự án tòa nhà trung tâm Đại học KTQD và nhận thấy đây là một công trình có thiết kế đẹp, hiện đại, một trong những công trình hiện đại nhất của ngành giáo dục.
Trước đây, Trường ĐHKTQD từng lấy tòa tháp đôi này làm biểu tượng của nhà trường. Thế mà hiện nay, do thiếu vốn, công trình đã bị “đắp chiếu” hơn 2 năm, tầng hầm bị ngập nước, nhiều cột sắt bị han rỉ, có nguy cơ ảnh hưởng tới kết cấu và chất lượng công trình, quả thật rất đáng lo ngại. Đặc biệt, phương án phân kỳ, úp nóc tòa nhà theo tôi hoàn toàn không khả thi, chẳng những lãng phí mà còn không có cơ sở khoa học, đúng là một kiểu “đẽo cày giữa đường”, có thể làm biến dạng công trình, khiến nó rơi vào tình trạng “chân voi, đầu chuột” khi thiết kế 19 tầng nhưng lại chỉ làm 7 tầng rồi làm tiếp thế nào?
Chưa kể nếu phân kỳ gây lãng phí hàng trăm tỷ đồng cùng nhiều chi phí cho việc thiết kế, phê duyệt lại thì cách tốt nhất, hiệu quả kinh tế cao nhất vẫn là đầu tư dứt điểm, xây dựng hoàn thiện công trình đưa vào sử dụng ngay. Với công trình đầu tư cho giáo dục ở một trường đại học lớn như Trường KTQD thì sự đầu tư này hoàn toàn hợp lý và cấp thiết, mang hiệu quả cao.
Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư Hà Nội): Những cách nghĩ, cách làm làm nghèo đất nước
Hiện nay có nhiều sinh viên của trường ĐHKTQD phải đi học tại giảng đường thuê của trường dân lập Phương Nam, khiến số đông sinh viên quá buồn trước cảnh tòa nhà trung tâm, biểu tượng của nhà trường bị đắp chiếu nhiều năm qua.
Trường ĐHKTQD là nơi đào tạo các nhà quản lý kinh tế hàng đầu đất nước làm sao có thể giáo dục cho sinh viên những bài học hay về quản lý kinh tế khi ngay tại giảng đường đã có một công trình vô cùng thất bại về quản lý, đồng thời là điển hình của siêu lãng phí và thiếu trách nhiệm quản lý? Thật buồn khi hàng ngày các thầy cô dạy sinh viên những bài học về quản lý dự án, tự hào về mái trường dạy sinh viên về quản lý dự án mà lại không thể quản lý nổi dự án quan trọng nhất của mình.
Nhiều sinh viên thực sự “sốc” khi thấy thầy đề xuất phương án phân kỳ, úp nóc tòa nhà theo kiểu “không giống ai”, tưởng như tiết kiệm song thực chất lại là siêu lãng phí. Những cách nghĩ, cách làm như thế thực sự chỉ làm nghèo đất nước. Các cơ quan chức năng nên hoàn thiện tòa nhà một cách thực sự nhanh chóng, hiệu quả chứ không phải theo kiểu “chữa lợn lành thành lợn què” như công luận từng cảnh báo.


- “Tháp đôi đại học” nghìn tỷ “mình voi đầu chuột”: Bài 3: “Bức tử” công trình nghìn tỷ vì thiếu trách nhiệm (DT).

(Dân trí) - Vụ việc công trình tòa nhà trung tâm Trường Đại học Kinh tế Quốc dân bị chậm trễ 2 năm, gây lãng phí hàng trăm tỷ đồng, thiệt hại do người quản lý thiếu trách nhiệm, dẫn đến lãng phí đôi khi còn lớn và nghiêm trọng hơn cả các vụ tham nhũng.

Một góc công trình nghìn tỷ “đắp chiếu” hiện nay
Tòa nhà trung tâm Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội là một dự án nhóm A được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2003, là một công trình hiện đại nhất của ngành giáo dục nhưng sau 9 năm triển khai nay đã “đắp chiếu” với 7 tầng xây thô.
Sau khi báo Dân trí nêu vụ việc “Tháp đôi đại học” nghìn tỷ “mình voi đầu chuột”, gần đây, Bộ Giáo dục &Đào tạo đã có động thái bước đầu “sửa sai”. Tuy nhiên, việc xử lý trách nhiệm người gây ra lãng phí như thế nào thì vẫn bị bỏ ngỏ. Tổng thiệt hại do thiếu trách nhiệm là bao nhiêu?
Lãng phí hơn 100 tỷ đồng do sự chậm trễ của dự án
Là Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất, Thiết bị trường học và đồ chơi trẻ em, đơn vị quản lý cấp phát vốn cho dự án Tòa nhà trung tâm Trường ĐHKTQD, nên cơ quan này phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về việc để công trình “đắp chiếu” suốt hai năm qua.
Tháng 9/2010, Trường ĐHKTQD đã có tờ trình số 925/TTr-KTQD/QTTB xin điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 1.160 tỷ đồng và kéo dài thời gian thực hiện dự án đến năm 2012. Song, Cục trưởng Trần Duy Tạo không cho nhà trường ký gia hạn hợp đồng với Tổng công ty 36. Theo Đại tá Nguyễn Thanh Giang, Phó TGĐ Tổng công ty 36 thì việc gây khó khăn này là khó hiểu. Nếu chưa thể phê chuẩn tổng mức đầu tư điều chỉnh, ông Tạo vẫn có thể cho phép gia hạn hợp đồng để công trình được tiếp tục triển khai, hoàn toàn không vướng một khó khăn nào về cơ chế.
Việc không cho ký gia hạn không khác gì một kiểu “bức tử” công trình hết sức vô lý, thiếu trách nhiệm. Không cho gia hạn hợp đồng, ông Tạo với tư cách đại diện cho cơ quan chủ quản đã đẩy chủ đầu tư là Trường ĐHKTQD vào chỗ vi phạm Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng đối với nhà thầu là Tổng công ty 36. Theo công văn số 686/CV-KTQD ngày 5/6/2012 của Tổng công ty 36 gửi Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, chỉ tính riêng những thiệt hại do vi phạm hợp đồng gồm những khoản tiền sau:
Một là, nhà thầu đã đầu tư gần 180 tỷ đồng (trong đó có phần đầu tư phát sinh năm 2011 do ông Tạo hứa với chủ đầu tư và nhà thầu sẽ gia hạn hợp đồng nhưng sau đó bị “bội tín”) nhưng mới được thanh toán 115 tỷ đồng, còn gần 65 tỷ đồng chưa được thanh toán, phải chịu lãi suất vốn vay 1,7 tỷ đồng/tháng; chưa kể 60 tỷ đầu tư trang thiết bị máy móc thi công phải chịu khấu hao và lãi vay hàng tháng 1,4 tỷ đồng/tháng. Tính tổng cộng hai khoản riêng tiền lãi ngân hàng là 3,1 tỷ đồng/tháng.
Tham chiếu theo các điều quy định trong hợp đồng đã ký giữa chủ đầu tư và nhà thầu thì thời điểm kết thúc hợp đồng là 31/12/2010. Tới nay, số tháng chậm thanh toán đã lên tới 18 tháng thì số tiền lãi ngân hàng phát sinh phải trả do sự chậm trễ của ông Tạo đã lên tới 55,8 tỷ đồng. Số tiền này ngân sách Nhà nước sẽ hoàn toàn phải gánh chịu.
Hai là, thiệt hại do thời gian thi công kéo dài dẫn đến giá nhân công tăng cao. Lúc đấu thầu hệ số điều chỉnh nhân công là 1,138 nay lên tới 4,44, tăng gấp gần 4 lần chi phí nhân công. Theo tính toán của Tổng công ty 36, riêng giá trị phát sinh về nhân công do thanh toán chậm đã lên tới 25 tỷ đồng.
Ba là, thiệt hại do công trình chậm trễ khiến Trường ĐHKTQD đến nay vẫn không có phòng học cho sinh viên, phải đi thuê với chi phí 6 tỷ đồng/năm, tính ra sự chậm trễ sẽ kéo dài ít nhất khoảng 4-5 năm, đồng nghĩa với thiệt hại chi phí thuê phòng học lên tới 25-30 tỷ đồng.
Bốn là, việc làm trái nguyên tắc tài chính, điều chuyển 11,7 tỷ đồng kinh phí cấp cho dự án năm 2010 cho dự án khác, khiến nhà thầu không thể thi công, công trình bị đình trệ. Cộng với đó, chậm trễ cấp vốn 30 tỷ đồng của dự án năm 2012 suốt 6 tháng qua cũng gây ra thiệt hại lớn cho dự án.
Năm là, thiệt hại hàng trăm tỷ đồng nếu Bộ GD&ĐT áp dụng phương án “úp nóc”, phân kỳ thi công tòa nhà như đề xuất của ông Tạo tại công văn trình Bộ GD&ĐT, sau đó đã được một cuộc họp bàn về dự án của Bộ thông qua. Tuy nhiên, phương án này đã bị các chuyên gia xây dựng cho rằng phản khoa học. trả lời báo chí gần đây, ông Trần Duy Tạo cho hay sẽ “sửa sai”, không áp dụng phương án này nên chúng tôi không bàn ở đây.
Tính sơ bộ những khoản tiền trên, lãng phí gây ra cho dự án đến nay đã là hơn 100 tỷ đồng, chưa kể nhiều thiệt hại khác như về thương hiệu của chủ đầu tư, nhà thầu, ảnh hưởng tới môi trường, cuộc sống của cư dân trên địa bàn, hiệu quả giáo dục và đào tạo…
Trách nhiệm thuộc về ai?
Chiều 23/6, trả lời báo chí, Cục trưởng Trần Duy Tạo cho biết: “Ngày 22-6, Bộ GD&ĐT đã tổ chức một cuộc họp để tiếp tục giải quyết các vướng mắc. Liên quan đến trách nhiệm của mình, ông Tạo cho hay sẽ “sửa sai”. Ông đã trình Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ký công văn cho phép chủ đầu tư gia hạn hợp đồng với Tổng công ty 36, có thể trong tuần cuối tháng 6 sẽ hoàn thiện ngay các thủ tục thanh toán công nợ cho nhà thầu.
Phần vốn 30 tỷ đồng cho dự án năm 2012 cũng sẽ được cấp ngay, cộng với gần 12 tỷ đồng bị điều cho dự án khác vào năm 2011 sẽ được ông Tạo “điều chỉnh hợp lý”. Ông Tạo cũng cho biết, phương án “phân kỳ, úp nóc” mới chỉ là “đề xuất”, nếu chưa hợp lý thì sẽ tìm phương án khác”.
PV
PV Dân trí có mặt tại công trường thì thấy tòa nhà chìm trong vắng lặng, cẩu tháp, giàn giáo đứng chỏng chơ, các cột thép chờ thi công như những cánh tay chới với giữa trời trong tuyệt vọng và phần lớn các cột thép này đã han rỉ sau 2 năm dãi dầu mưa nắng. Đi sâu vào khu tầng hầm, thấy ngổn ngang vật liệu và nước đọng.
Chiều 24/6, ông Vũ Anh Trọng, Trưởng phòng Quản trị thiết bị Trường ĐHKTQD cho biết thêm: “Trong ngày, Ban QLDA đã nhận được công văn của Bộ GD&ĐT do Thứ trưởng Bùi Văn Ga ký, cho phép gia hạn gói thầu với Tổng công ty 36 đến hết năm 2013”.
Như vậy, những vấn đề mà báo Dân trí nêu đã phần nào được Bộ GD&ĐT tiếp thu, khắc phục, sửa sai. Tuy nhiên, còn hậu quả gây lãng phí lên tới hơn 100 tỷ đồng do một số cán bộ thiếu trách nhiệm, để công trình chậm trễ thì chưa được đề cập hướng xử lý.
Về vấn đề này, theo Luật sư Trương Anh Tú, Trưởng Văn phòng Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho hay: Hành vi có dấu hiệu sai phạm của các cán bộ để xảy ra vụ việc trên được xem xét tại Điều 144 của BLHS 1999 về Tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước. Theo đó, nếu gây thiệt hại trên 500 triệu đồng  có thể bị phạt tù từ 7-15 năm và bị cấm đảm nhiệm chức vụ quản lý tài sản của Nhà nước.

Chiều 27/6, trao đổi với chúng tôi, một cán bộ thuộc Văn phòng Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng trung ương cho biết: “Nếu cán bộ quản lý thiếu trách nhiệm gây lãng phí của dự án lên tới hơn 100 tỷ đồng thì lãnh đạo Bộ GD&ĐT cần phải chỉ đạo làm rõ, xử lý nghiêm minh, gắn với triển khai Nghị quyết Trung ương 4”.

 Vũ Văn Tiến – Nguyên Minh

Tổng số lượt xem trang