Thứ Năm, 14 tháng 6, 2012

“Vua diệt sói dữ” và cuộc đời tàn phế trong ân hận

(VTC News) - Ông Que đã phải trả máu cho đại ngàn. Khuôn mặt và cơ thể rúm ró của ông, là bài học đau đớn nhưng sinh động nhất về cái lời nguyền “ăn của rừng rưng rưng nước mắt”. 

Chỉ cách đây hơn chục năm, đường vào Quỳnh Nhai còn khủng khiếp lắm. Mùa mưa, đường liên huyện trơn nhẫy, lầy lội, chỉ có nước cuốc bộ. Để ra khỏi huyện lỵ Quỳnh Nhai, cách đi thuận tiện nhất là cưỡi thuyền xuôi sông Đà.

Từ bến phà Bắc Uân, người ta đi thuyền ngược lên huyện lỵ. Lên Cà Nàng cũng đi bằng thuyền mấy chục cây số. Từ dưới thuyền, bước lên bờ đã là rừng già rậm rịt. Từ sườn Huổi Luông nhìn xuống, huyện lỵ Quỳnh Nhai gồm vài nóc nhà chìm nghỉm trong rừng già. Rừng ngút ngát tầm mắt. Những thân nghiến cổ thụ mọc… giữa cánh đồng.

“Vua diệt sói dữ” và cuộc đời tàn phế trong ân hận
Bến Quỳnh Nhai. 


Nhưng, giờ huyện lỵ nghèo xác nghèo xơ ấy đã chìm nghỉm dưới ngót trăm mét nước. Nhiều bản làng cũng đã biến mất dưới lòng hồ thủy điện Sơn La mênh mông. Đường bộ, đường thủy đều thuận tiện và đó cũng là lý do rừng ở Quỳnh Nhai mỗi ngày một thu hẹp.

Rừng ít dần, những con thú bị dồn lại, và lần lượt gục dưới nòng súng kíp, thứ súng vốn nhiều như cây rừng ở Quỳnh Nhai. 

Anh Lò Văn Định, kiểm lâm huyện Quỳnh Nhai bảo rằng, chẳng năm nào ở Quỳnh Nhai không có người bị gấu, sói tấn công. Loài thú hoang tuy ác hiểm, nhưng chúng lại thường tấn công những thợ săn muốn tìm cách giết chúng, chứ chẳng bao giờ mò về bản tấn công dân lành. 

“Vua diệt sói dữ” và cuộc đời tàn phế trong ân hận
Đoàn thợ săn gấu. 


Loài thú hung dữ, tấn công người nhiều nhất không phải hổ, báo, bò tót, chó sói, mà lại là gấu, con vật vốn khá chậm chạp, ì ạch. Bụng dạ con gấu ác hiểm, nhưng sở dĩ nó quay sang tấn công con người là vì con người đã dồn nó đến chân đường cùng, khiến nó trở nên cục cằn.

Nhiều năm nay, mật gấu rừng là thứ quý hơn vàng. Thịt gấu ngon. Tay gấu ngâm rượu bán mấy chục triệu một bình. Con gấu có giá vài trăm triệu đồng khiến thợ săn lóa mắt. Hễ nghe tin ở đâu có gấu, là họ tổ chức cả đoàn thợ săn, lên đến vài chục người vào rừng diệt gấu.

Ông Định kể cho tôi nghe hàng chục trường hợp thợ săn thương tật cả đời, thậm chí mất mạng vì bị gấu tấn công. Hầu như bản làng nào quanh đại ngàn Huổi Luông cũng có người bị gấu vật chết, hoặc tàn tật vĩnh viễn. 

Ông Định chỉ tay lên tấm bản đồ, nơi có bản Nà Mùn, cuối xã Chiềng Khay. Bản ấy ở lưng chừng núi, giữa đại ngàn, phải đi bộ 2 ngày mới đến nơi. Trong bản, có hai anh em ông Lường Văn Tun, bị gấu tấn công thảm khốc. 

“Vua diệt sói dữ” và cuộc đời tàn phế trong ân hận
Thú nhồi bông trong nhà thợ săn Điêu Chính H. 


Người em của ông Tun vác súng bắn gấu, con gấu không chết, nó lao đến tát ông những cú trời giáng. Người thợ săn ấy bất tỉnh rồi, nó vẫn chưa nguôi cơn giận. Nó cắn nát đầu khiến ông mất mạng. 

Bản thân ông Tun, cũng một lần bắn gấu bị chệch. Con gấu lồng lộn xông vào tát rách bụng, khiến ruột ông xổ ra ngoài. Nó dùng móng vuốt xé nát mặt ông. Từ bấy, ông nằm một chỗ, sống đời thực vật.

 Để bảo vệ đàn gấu cũng như các loại thú trong rừng Quỳnh Nhai, UBND huyện đã chỉ đạo kiểm lâm và công an huyện tiến hành thu hồi súng ống mà những năm trước phát cho dân chống phỉ, biệt kích, kể cả các loại súng kíp tự chế. Nhân dân đều hưởng ứng rất tích cực, tuy nhiên, một số người dân sống ở sâu trong rừng thì vẫn tự chế ra súng kíp để đi săn.


Từ nơi xưa kia là bến phà Bắc Uân, giờ là cây cầu khổng lồ bắc ngang sông Đà từ hai sườn núi, tôi phải đi vòng mãi, xuyên qua lớp lớp đại ngàn, mới đến được xã Mường Giôn, xã giáp với Than Uyên của Lai Châu. Rồi phải đi bộ nửa ngày nữa mới đến lưng chừng núi Pú Coong Khẩu, nơi có bản Phiêng Mựt. 

Cuối bản ấy, có thợ săn Lò Văn Que, vẫn còn đang sống, vẫn đang tỉnh táo và vẫn hằng ngày kể cho con cháu nghe tuổi trẻ lừng lẫy, ngang dọc đại ngàn, bắn hạ vô số ác thú, trừ hại cho dân. Nhưng, ông đã phải trả máu cho đại ngàn. Khuôn mặt và cơ thể rúm ró của ông, là bài học đau đớn nhưng sinh động nhất về cái lời nguyền “ăn của rừng rưng rưng nước mắt”. 

Nghe tiếng khách lạ, ông Que cứ ngơ ngáo. Đôi mắt giả của ông vô hồn, không nhìn được gì cả. Mũi ông bị gấu xơi mất, nên ông thở bằng cái lỗ khoan ở sống mũi, ngay dưới hốc mắt. Bộ dạng ông còn thảm hại hơn thợ săn Lường Văn Khặm ở đối diện bên kia Huổi Luông. 

“Vua diệt sói dữ” và cuộc đời tàn phế trong ân hận
Tác giả (ngoài cùng bên phải) trong một lần đi theo nhóm thợ săn gấu. 


Ông Que kể, đại ngàn Huổi Luông nhiều gấu lắm. Chó sói thì vô số đàn. Bọn sói hung ác xơi không biết bao nhiêu trâu bò mà kể. Mấy chục năm vác súng, vác cung, ông tiêu diệt không biết bao nhiêu sói. Gấu ông cũng giết quá nhiều. Chúa sơn lâm cũng đã gục dưới nòng súng của ông.

Nhưng giờ, người con của đại ngàn, mạnh mẽ như hổ báo ấy, chỉ còn là một ông già ngoài 60 nhỏ thó, cả ngày chỉ ngồi một chỗ, ngâm đôi bàn chân phù nề vào nồi thuốc ấm. Đôi mắt giả ấy mở thao láo cả lúc ông ngủ. Mi mắt đã bị gấu móc mất rồi, không khép được hai con mắt giả.

Ông Que kể, đợt đó là năm 1997, khi đuổi theo bọn sói, qua đỉnh Pú Coong Khẩu (dịch nghĩa là đống thóc lớn), đến núi Huổi Cha, thì ông dừng lại khi phát hiện dấu vết của gấu. 

Bọn gấu rất tinh ranh khi săn mồi, nhưng lại rất ngố khi đi đâu cũng để lại dấu vết. Những vết móng vuốt cào trên thân cây còn rõ mồn một. Nó dùng tay bẻ tơi tả những thân gỗ mục để tìm tổ ong, côn trùng. 

“Vua diệt sói dữ” và cuộc đời tàn phế trong ân hận
Đạn dành cho súng kíp. Loại đàn này có thể giết gấu. 


Những thợ săn như ông Que đều rất am tường tập tính các loài thú. Hễ ở đâu có tiếng gà rừng gáy râm ran, thì ở đó dễ có gấu. Gấu và gà rừng luôn đi kiếm ăn với nhau. Khi gấu lật đá, phá gỗ mục bắt côn trùng ăn thì gà rừng cũng sà đến kiếm chác.

Trên ngọn cây nghiến nham nhở vết cào có một tổ ong. Ông Que thừa biết rằng, tên gấu này đang ngòm ngó tổ ong và chắc chắn nó sẽ còn quay lại.

Ông Que không đuổi theo bầy sói nữa, mà kiếm một chỗ ẩn nấp ở xuôi chiều gió. Những đám mây cô đơn chợt đến chợt đi đưa ông vào giấc ngủ xế chiều. 

“Vua diệt sói dữ” và cuộc đời tàn phế trong ân hận
Ông Que và khuôn mặt tật nguyền vì bị gấu tấn công. 
“Vua diệt sói dữ” và cuộc đời tàn phế trong ân hận
Cả ngày ông ngâm đôi bàn chân phù nề trong nồi thuốc. 


Tiếng roạc roạc vang lên khiến ông choàng tỉnh. Vạch bụi rậm, ông Que nhìn rõ con gấu ngựa to tướng đang ôm gốc cây nghiến. Đôi mắt nó hấp háy nhìn lên tổ ong. Nó bám vào thân cây, chậm chạp bò lên. Nó vục bàn tay hộ pháp vào tổ ong, xé từng mảng đưa lên miệng mút lấy mật, trong sự giận dữ của bầy ong.

Nó chậm rãi thưởng thức từng giọt mật. Đôi mắt hấp háy, cái miệng nhe ra với hàm răng nhọn hoắt, trắng ởn, tỏ vẻ no nê. 

Ông Que nhẹ nhàng tiến đến phía gốc cây nghiến. Một tiếng nổ đanh gọn. Con gấu rơi uỵch xuống đất. Lùm lùm một đống đen sì. Lông bay tơi tả.

Ông Que khoác súng lên vai, tiến lại kiểm tra chiến lợi phẩm. Không ngờ, khi ông vừa tới gần, nó vùng lên. Đôi mắt long sòng sọc. Nó lao thẳng về phía ông Que. Nó nhằm thẳng mặt ông Que mà tát. Nó lao vào cắn xé ông. Nó dùng móng sắc lột từng mảng da mặt, da đầu, da cổ.

“Vua diệt sói dữ” và cuộc đời tàn phế trong ân hận
Ông Que giờ sống nhờ vợ. 


Chưa hả cơn giận, con gấu ngoạm vỡ xương hàm, nhai nát vụn miếng xương đó. Nó đớp mất mũi và cả hàm răng trên của ông Que. Nó móc hai mắt ông ra. Nó lột cả da, bóc cả thịt ở cánh tay phải và đớp gãy xương tay trái của ông. Tưởng ông Que chết rồi, con gấu hung dữ lững thững bỏ đi. 

Ông Que kể, gấu thường trèo lên ngọn cây ăn ong, rồi thả cho cơ thể rơi xuống đất. Nó chỉ bất tỉnh một lát, rồi trở dậy mà không việc gì. Phát súng của ông tưởng trúng đầu, nhưng hóa ra chỉ sượt da. Cả đời cầm súng, nhưng chỉ một phút chủ quan, ông phải trả giá bằng toàn bộ sức khỏe của mình.

Dù tiếng súng nổ trong rừng đã vọng về bản, nhưng đến đêm mà không thấy ông Que, nên dân bản đốt đuốc đi tìm. Mọi người phát hiện ông Que chỉ còn là đống thịt bầy nhầy, nhưng vẫn thoi thóp thở. 

Khiêng ông xuống Bệnh viện Sơn La, bác sĩ lắc đầu bảo không cứu được. Người nhà đưa ông về Bệnh viện Việt Đức, không ngờ ông sống. Nhưng, mười mấy năm nay, ông rơi vào cảnh dở sống dở chết. Ông mắc đủ thứ bệnh. Đôi chân phù nề, lúc nào cũng phải ngâm trong nồi thuốc ấm. Cứ trái gió trở trời, đầu ông đau như muốn nổ tung.

Phạm Ngọc Dương

 

@- “Vua diệt sói dữ” và cuộc đời tàn phế trong ân hận (VTC).

 

Đọc đọc những bài trước

» Đời bi thảm của thợ săn bị gấu trả thù (bài 6)
» Diệt ác thú trong đại ngàn Sơn La (bài 5)
» Bí ẩn loài ác thú giết hại hàng loạt trâu bò ở Sơn La (bài 4)
» “Võ Tòng” kể đêm hạ sát ác thú khổng lồ trừ họa cho dân (bài 3)
» Thợ săn hổ giải nghệ và phát súng trượt đêm trăng xế (bài 2)
» Tận thấy “bảo tàng giết chóc thú” khủng khiếp ở Sơn La (bài 1)

 

 

Đời bi thảm của thợ săn bị gấu trả thù

(VTC News) - Nó ngoạm vỡ cả mảng xương mặt, xương mũi, dùng móng vuốt kéo cả hai con mắt của ông ra ngoài, lột tanh bành từng mảng da đầu. 
Trong những bài viết trước, độc giả đã được lạc vào “bảo tàng giết chóc thú rừng” ở Sơn La của một thợ săn, được đắm mình vào những câu chuyện diệt thú dữ và đau lòng trước một thực trạng tàn sát thú rừng…

Xưa kia, đồng bào miền rừng coi những thợ săn diệt thú dữ như hổ, sói, là những anh hùng. Nhưng giờ, hành động đó là phạm pháp, bởi những loài thú quý đang trên đà tuyệt chủng. 

Các cụ thường nói “ăn của rừng rưng rưng nước mắt”. Câu nói ấy chẳng sai tẹo nào. Chẳng phải thợ săn nào cũng may mắn như ông Điêu Chính H., đã sát hại vô số thú rừng, mà vẫn bình an vô sự. Không ít thợ săn đã phải bỏ mạng chốn rừng thiêng, hoặc sống cảnh đời tàn tật vì thú dữ tấn công. Đó cũng là cái giá phải trả cho những người tàn sát đại ngàn.

Đời bi thảm của thợ săn bị gấu trả thù
Toán thợ săn chuẩn bị vào rừng diệt gấu. 


Trong bài viết này, tác giả đưa bạn đọc đến câu chuyện về những thợ săn, đã phải trả giá đại ngàn, một cái giá quá đắt, là bài học cho những ai còn có ý định “ăn của rừng”.

Cà Nàng ở cuối huyện Quỳnh Nhai. Cà Nàng là xã giáp ranh của 3 huyện Quỳnh Nhai (Sơn La) và Than Uyên, Sìn Hồ (Lai Châu). Xã Cà Nàng nằm bên sông Đà, lọt thỏm trong đại ngàn nghiến triệu tuổi Huổi Luông. 

Tôi phải cuốc bộ suốt một ngày trời từ bến Cà Nàng bên sông Đà mới đến được bản Phát trên lưng chừng ngọn núi mù sương. Đêm trăng vằng vặc, bên bếp lửa bập bùng, ông Lường Văn Khặm kể về quãng đời ngang dọc trong rừng hạ hổ, diệt sói.

Đời bi thảm của thợ săn bị gấu trả thù
Tác giả trên đường vào Cà Nàng. 


Câu chuyện của ông nhuốm màu huyền thoại. Ông như anh hùng trong những câu chuyện cổ tích, như Võ Tòng của dân bản Phát mù sương.

Chuyện ấy đã mấy chục năm rồi, khi đàn voi rừng còn thung thăng gặm cỏ bên bờ suối, sói, hổ về bản bắt trâu bò. Chàng thanh niên tên Khặm vác súng vào rừng bắn chết vố số hổ, diệt cả đàn sói dữ. Bọn gấu, lợn rừng về phá nương rẫy cũng gục ngã trước nòng súng của Khặm.

Có không ít thợ săn không tìm được lối về. Khi Khặm vác súng vào rừng, chỉ còn thấy bộ xương khô bên bờ suối, với khẩu súng hoen rỉ bên cạnh. Chàng trai bản Phát chỉ nhận ra bạn săn qua tấm áo tả tơi.

Đời bi thảm của thợ săn bị gấu trả thù
Bến Cà Nàng bên sông Đà. 


Ông bảo, cả thời thanh niên trai trẻ của ông, là những tháng ngày ngang dọc trong rừng, theo đuổi đam mê săn thú. Ông đi khắp đại ngàn Huổi Luông, xuyên sang Sìn Hồ, vòng đến tận Mường Nhé để săn thú. Chúa sơn lâm trót để lại dấu chân bên mép suối, thì tính mạng khó bảo toàn trước họng súng của ông.

Chỉ cần nghe nơi nào có gấu về bẻ ngô, là ông tìm đến. Đồng bào bị bọn gấu, lợn rừng, hổ, sói phá hoại hoa màu, cũng gọi ông. 

Dù bắn hạ vô số thú rừng, nhưng ông vẫn nghèo kiết xác. Hành động vác súng vào rừng hạ thú là niềm đam mê, chứ không hẳn vì kiếm sống. Giờ đây, trong căn nhà sàn lạnh lẽo, ông Khặm bảo rằng, đôi mắt là cái giá ông phải trả cho đại ngàn. Ông khuyên con cháu không nên bắn thú rừng nữa. Ông dùng uy tín người già của mình khuyên con cháu nên nộp súng săn cho Nhà nước.

Đời bi thảm của thợ săn bị gấu trả thù
Gấu đã sắp tuyệt chủng ở tự nhiên, nhưng lại có rất nhiều trong các trang trại nuôi nhốt lấy mật. 


Khuôn mặt thiếu đôi mắt của ông, câu chuyện gấu vật lại thợ săn Lường Văn Khặm là một câu chuyện kinh hoàng, còn nguyên tính thời sự cảnh báo cho những thợ săn có thú vui tận diệt rừng già.

Giờ đây, ngồi trước mặt tôi, trong ánh sáng nhờ nhờ hắt vào căn nhà sàn với những cột gỗ đen bóng, là ông già Lường Văn Khặm tật nguyền, với khuôn mặt rách nát, đôi mắt bị lớp sẹo phủ kín. 

Từ hai hốc mắt đỏ lòm đó, từng giọt nước vàng cứ lớn dần, nhểu ra. Ông ngồi bất động trên chiếc phản kê ở góc nhà. Tuy vậy, cơ thể ông Khặm vẫn rất rắn rỏi với nước da màu đồng.

Cách đây 15 năm, tại cánh rừng Huổi Cúc, phía Bắc đại ngàn Huổi Luông xuất hiện một con gấu khổng lồ. Bà con bảo thỉnh thoảng nó về nương phá ngô. Chẳng ai đủ can đảm để diệt con gấu đó. Không ai dám lên nương, sợ mất mạng. Dân bản kéo đến đề nghị ông Khặm tiêu diệt nó, trả lại cuộc sống yên bình cho đồng bào.

Đời bi thảm của thợ săn bị gấu trả thù
 
Đời bi thảm của thợ săn bị gấu trả thù
Thợ săn Lường Văn Khặm và khuôn mặt tật nguyền vì bị gấu tấn công. 


Ông Khặm dẫn đầu nhóm thợ săn, cuốc bộ suốt 3 tiếng thì đến mảnh nương nơi con gấu đang phá phách suốt mấy ngày. 

Ông Khặm phân chia mỗi nhóm một hướng truy lùng dấu tích con gấu. Một mình ông đi một hướng. Tay ông dắt con chó săn, vai khoác khẩu K44, loại súng mà ngày trước ông dùng để diệt phỉ và biệt kích.

Từ mảnh nương, ông Khặm tiến sâu vào rừng già. Chú chó săn bỗng lao vào bụi cây sủa ầm ĩ. 

Ông Khặm lò dò lại gần dùng nòng súng vạch bụi cây. Một khối đen vọt ra. Con gấu đứng lên bằng hai chân. Túm lông trên đầu lòa xòa như cái bờm ngựa. Con gấu này phải nặng cỡ 2 tạ. Nó há miệng gầm gừ khoe những chiếc răng nhọn trắng ơn ởn. Nó bổ thẳng về phía ông Khặm. 

Đời bi thảm của thợ săn bị gấu trả thù
Giờ ông Khặm khuyên dân bản nộp súng cho Nhà nước. 


Nhanh như chớp, ông lộn qua phải, tránh cái tát kinh hoàng, rồi giương súng bóp cò. Nhưng đen đủi thay, súng không nổ. Con gấu tát văng khẩu súng, rồi cứ nhè mặt ông mà ngoạm. 

Nó ngoạm vỡ cả mảng xương mặt, xương mũi, dùng móng vuốt kéo cả hai con mắt của ông ra ngoài, lột tanh bành từng mảng da đầu. 

Khi ông bất tỉnh, nó còn ngoạm thêm một miếng bung cơ đùi rồi mới hậm hực bỏ đi. Nó còn tát chết thẳng cẳng con chó săn dám lao vào cứu chủ. 

Tưởng ông Khặm đã chết, con gấu lững thững bỏ đi. Khoảng một tiếng sau, ông Khặm tỉnh lại. Ông quơ xung quanh, tay phải chạm khẩu súng, tay trái vơ được miếng da mặt bầy nhầy.

Ông bình tĩnh lên đạn, kéo cò, súng nổ hai phát liền. Bắn xong, ông Khặm lại bất tỉnh. Ông sống thực vật suốt 3 tháng sau mới tỉnh lại làm người.

Đời bi thảm của thợ săn bị gấu trả thù
Tác giả trò chuyện với ông Khặm. 


Nghe tiếng súng nổ, thợ săn Lò Văn Muội, cũng là trưởng bản Phát, đã lần đến và bàng hoàng khi thấy khuôn mặt đỏ lòm lộ xương của ông Khặm. Gần như toàn bộ da đầu của ông Khặm cũng bị gấu lột sạch. Đôi mắt như con ốc nhồi vương vãi bên cạnh. Hốc mũi chỉ còn hai cái lỗ, nhưng vẫn phập phồng thở.

 
Đời bi thảm của thợ săn bị gấu trả thù

» Chuyện tội tỗi của người trừ họa cho dân bản

 


Ông Muội cở áo buộc mặt ông Khặm lại, rồi kêu mọi người thay nhau khiêng ông Khặm bất kể ngày đêm ra sông Đà, rồi xuôi thuyền về huyện lỵ. 

Huyện đội đã điều xe Com-măng-ca chở ông Khặm về Sơn La. Bệnh viện Sơn La đưa ông về Hà Nội để làm các thủ thuật vá xương, đắp da. Ông nằm viện gần một năm.

Ông Khặm kể, con gấu đứng bằng hai chân, nhìn ông với đôi mắt hằm hằm trước khi tấn công. Với cự ly gần như thế, nếu đạn nổ, chắc chắn con gấu đã bị hạ. Nhưng, có lẽ, rừng già đã đòi nợ máu của ông.

Giờ đây, cứ mỗi khi trái gió trở giời, ông Khặm lại quằn quại đau đớn. Đôi lúc đau quá ông quẫn trí rồi lên cơn điên điên, khùng khùng. 

Một người con của ông cũng bị tâm thần. Hai cha con sống với nhau, một người mù, một người điên nên quanh năm thiếu đói.

Còn tiếp…

Những bài viết liên quan đến thợ săn, săn thú

» Thợ săn hổ giải nghệ và phát súng trượt đêm trăng xế
» “Kỳ nhân” mù leo núi, lội rừng săn ba ba và rắn độc
» Săn "hùm xám chốn phòng the"
» Kỳ thú chuyện săn chuột đá trên đỉnh Lung Tang
» Chuyện lạ về làng săn cá mập ở Quảng Ngãi
» Kỳ lạ tục chọn người hùng bằng tài... săn chuột
» Chuyện lạ về ấp săn chuột người Việt ở Campuchia
» Người cắt đầu 2 con hổ và cái chết của “vua săn hổ"
» Chuyên gia nước ngoài cứu rùa khổng lồ khỏi thợ săn
» Độc đáo nghề săn cá bằng xà beng ở Sa Pa
» Hành trình tìm người săn rùa khổng lồ ở Yên Bái
» Săn “trâu mộng” dưới đáy sông Đà
» Công nghệ săn “khủng long” Hồ Tây
» Săn “thủy quái" Hồ Tây
» Theo chân 40 "thợ săn gấu" vào rừng thẳm 
» Ly kỳ chuyện săn bò tót

 

 


- Voi vườn thú Hà Nội ‘tái hiện’ sau khi chết (VNE).
- Đà Nẵng: Hàng trăm hộ dân khốn khổ vì ruồi (DT).
- Ly kỳ cây sanh 14 tỷ của Ngô Đình Cẩn (PNTD).
 
- Dân làng bệnh viêm da lạ thiếu máu, nghèo vi chất (VNE).  – Quảng Ngãi có thêm một chứng bệnh “lạ”(SGTT).
- Giảm tải bệnh viện tuyến TW”: Nói dễ, làm… khó (NĐT).
- Việt Nam: Trung bình mỗi ngày có hai sản phụ tử vong (VTC).
- TP.HCM: Bé gái 3 tuổi bị xâm hại tại bệnh viện (VNN).
- TP Hồ Chí Minh: Những quán cơm dưới 10.000 đồng (GĐ).
- Mục sở thị khu ăn chơi của Tây khét tiếng Sài Gòn (NĐT).
- Tiệm cầm đồ ‘hốt bạc’ mùa Euro (VNE).
- Chặt phá rừng xây nhà, mắc điện… chính quyền làm ngơ? (ĐĐK).

- Thông tin thêm về vụ việc cô gái “người rừng” tố cha đẻ cưỡng bức (PL&XH).  - Cha “người rừng” phủ nhận cưỡng hiếp con (NLĐ).

Tổng số lượt xem trang