Chủ Nhật, 2 tháng 9, 2012

Báo Người Việt và vấn đề tự do ngôn luận

--Trúc Giang: Nhận Xét Về Bài Tham Luận Của Thẩm Phán Phan Quang Tuệ

1* Mở bài
Bài tham luận của Thẩm phán Phan Quang Tuệ có tựa đề “Anh em xâu xé gia đình tất phải đổ” đọc tại Minnesota ngày 27-7-2012 được phổ biến dưới 2 văn bản có nội dung khác nhau. Bài trên báo Người Việt thì thiếu một số chi tiết, trong khi đó, trên Đàn Chim Việt ngày 18-8-2012, thì có nội dung đầy đủ hơn.
Căn cứ trên trang Đàn Chim Việt, trong bài viết nầy, tôi nhận xét bài tham luận dưới hai khía cạnh, khía cạnh ông Thẩm phán là một giáo sư diễn giảng, hướng dẫn và giáo dục quần chúng, khía cạnh thứ hai là trên cương vị của một quan toà làm công việc phân tích, nhận xét, đánh giá, luận tội và kết án, trong vấn đề “Tự Do Ngôn Luận và Tự Do Báo Chí trong đời sống quốc gia và sinh hoạt cộng đồng”.
Cả hai khía cạnh đều có nhiều điểm thiếu sót, tức là khuyết điểm và sai sót.

2* Trên khía cạnh ông là một giáo sư thuyết giảng
Ông Phan Quang Tuệ là một thẩm phán, nói về luật pháp, cho nên có thể xem như một giáo sư đang thuyết giảng, hướng dẫn và giáo dục quần chúng về ngành chuyên môn của ông.
2.1. “Anh em xâu xé gia đình tất phải đổ”
“Anh em xâu xé gia đình tất phải đổ” (A house divided against itself cannot stand-Abraham Lincoln, 1858) Câu nầy được đưa lên đầu bài tham luận, xem như có mục đích khuyên nhủ cộng đồng người Việt ở Cali, là không nên xâu xé nhau vì sẽ đưa cộng đồng đến đổ vở.
Câu nói nầy của ông Abraham Lincoln, năm 1858 trước khi ông đắc cử Tổng thống Hoa Kỳ trong cuộc bầu cử năm 1860. Câu nói cách đây 154 năm, áp dụng cho xã hội Hoa Kỳ vào thời đó, thời nội chiến 4 năm từ 1861 đến 1865. Câu nói không sai, nhưng cho đến nay, nó chỉ còn là một khái niệm rất tổng quát, rất chung chung, cho nên không thể áp dụng vào những hoàn cảnh và tình huống phức tạp của ngày nay.
Trước hết, anh em người Mỹ miền Bắc và miền Nam “xâu xé” nhau trong nội chiến, nhưng gia đình không “tất phải đổ”, mà ngày nay trở thành một nước Hoa Kỳ văn minh, tiến bộ ở vị trí một siêu cường trên thế giới. Anh em xâu xé nhau, kết quả là lẻ phải và công bằng của miền Bắc đã thắng, và chế độ chiếm hữu nô lệ đã bị đặt ra ngoài vòng pháp luật.
Anh em xâu xé nhau nhưng gia đình không đổ. Đó là một cái sai.
Khuyết điểm 1. Là nhìn “gia đình” một cách phiến diện
Phiến diện là không đầy đủ, không toàn diện, chỉ thấy bề mặt bên ngoài. Nhìn phiến diện là chỉ thấy một gia đình trong đó có cha, mẹ và anh chị em, và gia đình nào cũng giống như gia đình nào, mà không thấy trong đó, có những đấu tranh gay gắt, mâu thuẩn nặng nề giữa cái tốt và cái xấu, cho thấy đó là cái nhìn của người bàng quang, đứng bên lề, và thiếu hiểu biết về một thực tế trong gia đình.
Cho một thí dụ cụ thể. Người anh cả trong gia đình có máu mê cờ bạc, có thói quen rượu chè, xì ke ma túy, đất đai tổ tiên để lại, đem bán hết lấy tiền bê tha trụy lạc. Thế là xung đột xảy ra. Đương nhiên là sự xung đột và xâu xé nhau, làm cho gia đình suy yếu, nhưng nếu lẻ phải chiến thắng, thì xây dựng được một gia đình lành mạnh, tiến bộ, như Hoa Kỳ sau nội chiến vậy.
Cũng tương tự như thế, người cha muốn có sức mạnh để cướp tài sản của các nhà hàng xóm, bắt buộc các con phải làm việc như lao động khổ sai, bao nhiêu tiền bạc đem mua mã tấu, gươm đao, mà không mua thực phẩm và áo quần. Các con phản đối, thì mời bọn du côn, du đảng về nhà trấn áp. Rõ ràng là 2 gia đình đó đang xâu xé nhau, nhưng không nhận ra bên nào tốt, bên nào xấu, như thế là hời hợt, phiến diện thiếu sâu sắc.
Ông Thẩm phán Phan Quang Tuệ mang hình ảnh cái gia đình chung chung, tổng quát vào vụ báo Người Việt với cộng đồng VN ở Cali, cho thấy, ông không thấy rõ vấn đề đang tranh chấp nói riêng, và vấn đề của người VN ở ngoài nước với chế độ độc tài Cộng Sản trong nước, nói chung. Ông không rõ lý do tại sao phải “xâu xé” nhau, không thấy rõ cái tốt và cái xấu, cái chính nghĩa vì dân tộc, và cái phi nghĩa của độc tài Cộng Sản.
Những người anh em ở Lybia, Algeria, Ai Cập và hiện nay ở Syria, họ đã và còn đang “xâu xé” nhau, mà người lương thiện, có lương tri thì đã ủng hộ và binh vực lẻ phải của người dân đòi dân chủ, tự do như HK và Liên Âu đang làm. Trái lại, bọn độc tài, những kẻ xấu như Trung Cộng, Iran, Nga thì ủng hộ chế độ tàn bạo ở đó. Việc ủng hộ phe nào, cho thấy bản chất của người đó.
2.2. Khuyết điểm 2. Là không hiểu rõ vụ báo Người Việt
Ông Thẩm phán đứng bên ngoài khuyên nhũ, anh em “xâu xé” nhau gia đình tất phải đổ. Ông chỉ thấy cộng đồng người Việt “ăn hiếp” tờ báo, mà ông cho rằng Tự Do Ngôn Luận và Tự Do Báo Chí là một cái quyền phải được tôn trọng.
Cộng đồng người Việt ở Mỹ không giống như cộng đồng người Nhật, người Nam Hàn, người Phi, bởi vì những cộng đồng đó không có “Nghị Quyết 36” đang vây đánh họ. Trái lại, cộng đồng người Việt tỵ nạn Cộng Sản đang ở trên một mặt trận chính trị, là đang nổ lực đấu tranh đòi Nhân Quyền cho đồng bào của mình trong nước, và cũng đang bị tay sai nằm vùng của CS đánh phá dưới mọi hình thức, công khai và hợp pháp.
Không biết nội tình của người Việt Nam là một thiếu sót. Không thấy cái chính nghĩa của cuộc đấu tranh đòi nhân quyền cho dân tộc VN là một khuyết điểm trầm trọng. Không ủng hộ, binh vực cho chính nghĩa của dân tộc là thiếu trách nhiệm.
2.3. Khuyết điểm 3. Là không đứng về phía đại nghĩa của dân tộc
Là một giáo sư diễn giảng về hai thứ tự do nói trên, mà không nêu lên việc ứng dụng các quyền tự do, là một khuyết điểm của ông thầy.
Bởi vì học phải hành, hiểu biết về tự do chỉ là bước đầu, mà điều quan trọng là áp dụng, là thực hiện, mà cụ thể là phải nhấn mạnh đến những hạn chế của tự do, những lạm dụng của tự do. Không thể lấy một quan niệm, một ý tưởng làm chỉ đạo cho hành động, mà phải dựa vào luật pháp. Luật pháp quy định những hạn chế của các quyền tự do, một mặt bảo vệ các quyền tự do cá nhân, một mặt bảo vệ lợi ích của xã hội, của quốc gia.
Bất cứ thứ tự do nào cũng có hạn chế cả. Tự do của người nầy không thể vi phạm đến danh dự, tài sản, tính mạng và tự do của người khác. Tự do không được xâm phạm thuần phong mỹ tục hay an ninh quốc gia.
Quyền tự do cũng phải được xử dụng cho đúng chỗ. Trường hợp MS Terry Jones thuộc nhà thờ Tin Lành Dove World Outreach Centre, tại Gainsville, Florida, tuyên bố sẽ đốt kinh Koran của Hồi Giáo trong ngày 11-9, làm cho cả thế giới Hồi Giáo phản đối và trả đủa, khiến cho công dân Mỹ trên khắp thế giới bị đe dọa. Chính Tổng thống Obama, Ngoại trưởng Clinton, Bộ trưởng QP, Tướng Tư lịnh chiến trường Afghanistan phải lên tiếng phản đối và ngăn cản. CIA phải đến “làm việc” với MS Jones. Và Interpol cho biết, bạo động đối với kiều dân Mỹ có thể xảy ra. Hành động của MS Jones hợp pháp, nhưng có hại đến dân tộc và quyền lợi của quốc gia.
Kế đến, 5 binh sĩ Mỹ ở Afghanistan đốt kinh Koran, khiến cho Tổng thống Obama phải lên tiếng xin lỗi, sau khi 12 người Mỹ bị giết.
Có ông nào dám xử dụng quyền tự do để lưu trữ hàng trăm tấm hình con nít ở truồng máy computer của mình thử coi, có được yên ổn không?
Ông Thẩm phán được báo Người Việt mời đi nói cho báo Người Việt, nói về việc có liên quan đến báo Người Việt ở bang Minnesota, mà ông không đá động gì tới sự lạm dụng các quyền tự do để tiếp tay với bạo quyền độc tài VC trong nước, là ông không đứng về phía đòi Nhân Quyền cho đồng bào của mình. Dù vô tình hay cố ý, cho thấy ông không đứng về phía chính nghĩa của dân tộc Việt Nam.
Nhiều người Mỹ đã và đang hăng hái, nhiệt tình, đòi nhân quyền cho VN, như bà DB Loretta Sanchez, DB Frank Wolf, Christopher Smith, Daniel Lungren, Joseph Pitts và nhiều dân biểu trong Ủy Ban Nhân Quyền Tom Lantos.
Ông Thẩm phán là một cựu Sĩ Quan QLVNCH với cấp bậc trung úy, ông cũng thuộc về thành phần như chúng tôi và đa số những quân nhân khác, đã bị VC chửi bới thậm tệ, nào là “những thành phần rác rưỡi, lưu manh, đĩ điếm, phản động, phản quốc, bỏ nước ra đi theo Mỹ ngụy” (Tuyên bố của Nguyễn Cơ Thạch, Bộ trưởng Ngoại Giao Hà Nội)
Đến đây, tôi nhớ đến một nhà cách mạng, đấu tranh chống độc tài mà bị tù, đày đi Côn Đảo, Bác Sĩ Phan Quang Đán, thân phụ của Thẩm phán Phan Quang Tuệ. Trúc Giang tôi có nhiều dịp gặp gỡ và tiếp xúc với BS Đán, khi ông được cho ra khỏi nhà giam, đến Ty Y Tế Côn Sơn khám bịnh cho quân nhân, công chức và gia đình của họ, đồng thời cũng khám bịnh cho những phạm nhân khác. Được ra ngoài, một phần do ông tỉnh trưởng chiếu cố tù chính trị quốc gia, một phần là trưởng ty Y Tế Côn Sơn lúc đó là một cán sự y tế.
Được theo BS ra ngoài gồm có ông Trương Bảo Sơn, Phan Bá Cầm (Hoà Hảo), ông Phan Đình Nghị và Vũ Đình Lý (2 ông nhân sĩ miền Trung). Những phạm nhân khác và tôi, đều kính trọng BS Đán, là do nhân cách vượt trội của ông trong hoàn cảnh tù tội, thiếu thốn đủ thứ, nhất là thực phẩm. Có môt thời gian ông dạy Anh Văn cho tôi và người bạn là cán sự y tế, trước khi được trả tự do, sau ngày 1-11-1963.
Sau đó, ông phục vụ trong chính phủ Đệ Nhị Cộng Hoà đến những ngày sau cùng.
Tôi muốn nói Bác Sĩ Phan Quang Đán là một nhà cách mạng đã đấu tranh chống độc tài và phục vụ dân tộc nước VNCH.
Tóm lại, cái thiếu sót của một vị giáo sư thuyết giảng là không nói đến phần quan trọng của các quyền tự do, đó là sự áp dụng vào xã hội, vào cộng đồng và quốc gia. Áp dụng tức là nói đến những hạn chế và lạm dụng luật pháp.
Ông đứng bên lề tranh chấp của cộng đồng, cho thấy ông không hiểu thấu tình hình của VN, cho nên không đứng về phiá đồng bào trong việc đòi nhân quyền mà nhiều người Mỹ nói trên đã làm.
3* Nhìn bài tham luận dưới khía cạnh của một quan toà
Ở cương vị của một quan toà, người chánh án chỉ căn cứ vào những hành vi cụ thể mà bị can đã vi phạm, xem nó thuộc về bộ luật nào, chương, mục, điều nào, với tội danh gì, từ đó kết tội và tuyên án. Quan toà không thể tưởng tượng ra, không thể nêu giả thuyết, về những gì cho rằng có thể xảy ra trong tương lai để chỉ trích, cảnh cáo bị can. Về mặt pháp lý, những điều đó chưa xảy ra nên không có vi phạm nào.
Cho một ví dụ cụ thể.
Một chiếc xe ngừng lại trước mặt cảnh sát, thì người nhân viên công lực nầy chỉ căn cứ vào những gì mà người lái xe đã vi phạm và đang vi phạm, như vượt đèn đỏ, chạy quá tốc độ và lái xe dưới tình trạng DUI (Driving Under the Influence) hoặc DWI (Driving While Intoxicated). Người cảnh sát không thể tưởng tượng ra, suy diễn ra, những hệ quả có thể sẽ xảy ra trong một tương lai nào đó, ví dụ như chạy xe như thế có thể tông vào một xe bồn đầy xăng, phát nổ ở khu vực đông người, gây thương vong cho nhiều người… rồi từ đó chỉ trích, cảnh cáo hoặc lên lớp, giảng morale cho người lái xe.
3.1. Khuyết điểm 4. Nêu những trường hợp chưa xảy ra để cảnh cáo
Trong bài tham luận, ông Thẩm phán làm công việc mà người cảnh sát tuởng tượng để cảnh cáo người lái xe. Cụ thể là những việc chưa xảy ra trong một tương lai, như là: “Sau khi báo Người Việt bị đóng cửa rồi đến phiên tờ báo nào đây? Cơ sở thương mại nào? chợ búa nào? Tiệm cà phê, hủ tiếu, tiệm phở, tiệm nail, phòng mạch nào, pharmacy nào sẽ bị dóng cửa đây?
Không có ai vi phạm một sự việc chưa bao giờ xảy ra cả. Nếu ông quan toà nêu những giả sử, tưởng tượng như thế ra để cảnh cáo quần chúng, thì chắc hẳn ông toà đó bị tửng tửng hoặc tào lao thiên đế. Đó là một khuyết điểm.
3.2. Khuyết điểm 5. Lấy ý kiến một cá nhân gán cho tập thể
Ý kiến của 1 người trong buổi họp không phải là ý kiến của cộng đồng. Ý kiến của một dân biểu trong phiên họp không phải là quyết định của Hạ Viện, vì nó chưa được biểu quyết đồng thuận theo nguyên tắc.
Trong buổi họp ngày 25-7-2012, một ý kiến cho biết nên có một ủy ban theo dõi những bài báo phỉ báng, mạ lỵ, đánh phá VNCH. Ý kiến đó không được ai tuyên bố ủng hộ và cũng không được biểu quyết chấp thuận, thì nó cũng giống như ý kiến của người dân biểu nói trên vậy. Và không nên xem đó là ý kiến của cộng đồng, rồi căn cứ vào đó mà chỉ trích cộng đồng. Nếu muốn chỉ trích thì nên chỉ giới hạn ở một cá nhân mà thôi.
Về nguyên tắc, đó là một khuyết điểm, và càng nguy hiểm hơn nữa là “cái miệng nhà quan có gang có thép” hoặc là “khuôn vàng thước ngọc” là một lời nói rất nặng ký, được tin tưởng.
Từ một ý kiến cá nhân đó, ông thẩm phán lại liên tưởng đến, nào là “lập ban kiểm duyệt cộng đồng, lập ban kiểm soát chỉ đạo tư tưởng, quy định những điều lệ mọi người phải tuân theo như “phủ cờ, chào cờ, hát quốc ca VNCH, đặt bàn thờ tổ quốc, lập đội cảnh sát”. Ông thẩm phán, phán ra một tràng đại liên, tưởng tượng, cường điệu hoá vấn đề cho vui miệng đó thôi, chứ thật ra, không có cộng đồng nào nghĩ đến những chuyện tào lao vô lý đó cả.
Có ai bị bắt buộc phải đi hội họp không? Có ai bị bắt buộc phải tuân theo điều nầy điều nọ không? Luật pháp Hoa Kỳ còn hiệu lực và phân minh. Người Việt Nam chào cờ, hát quốc ca VN, là một bổn phận tự nguyện của người công dân tốt.
Còn nhớ vụ chào cờ cuối cùng của người Việt miền Nam trong chiến dịch di tản Frequent Wind vào ngày 6-5-1975. Xin trích lại một đoạn như sau:
“Hạm trưởng Jacobs của chiếc Kirk kể lại: “Chính phủ Philippines không cho phép chúng tôi vào cảng Subic và đề nghị những con tàu nên trở về Việt Nam”.
Đại tá Đỗ Kiểm và ông Armitage đưa ra một giải pháp buộc Tổng thống Ferdinand Marcos phải chấp nhận. Đó là cờ VNCH được hạ xuống và trương cờ Mỹ lên, chứng tỏ những con tàu nầy là của Hoa Kỳ.
Mà thật, những con tàu nầy là của HK. Cơ sở lý luận là, trong chiến tranh, tàu HK được trao cho VNCH như là một khoản cho mượn để chống Cộng Sản, nhưng bây giờ chiến tranh kết thúc, HK thu hồi những chiếc tàu nầy trở lại.
Buổi lễ hạ cờ chính thức ngày 6-5-1975 30,000 người VN trên các con tàu bắt đầu hát quốc ca. Cờ VNCH hạ xuống trong những tiếng bật khóc. Khóc. Và khóc nức nở… Chưa bao giờ có một buổi lễ hạ cờ đầy xúc động đến như thế.
Lãnh thổ VNCH cuối cùng đã mất thật sự. Cái đau gậm nhấm khôn nguôi của người Việt miền Nam là mất nước. Những người còn lương tri thì không nên quên nổi nhục đó.” (hết trích)
Cộng đồng không có lập “ủy ban theo dõi”, nhưng những người cảm thấy có trách nhiệm trong việc đấu tranh cho nhân qwuyền VN, họ tự nguyện theo dõi những biện pháp đánh phá của bọn VC nằm vùng, cho nên đã phát hiện ra những điều phỉ báng đó. Chính ông thẩm phán cũng theo dõi, nên mới biết có 2 bác sĩ là Trần Văn Tích và Nguyễn Ngọc Khôi đã nêu nhận xét về bài tham luận của ông.
Trên thực tế, sự thật là đã có NQ 36, đã có những cơ quan truyền thông phục vụ cho độc tài CS trong nước. Xin trích nguyên văn một đoạn trên tờ báo đảng CS là tờ Nhân Dân, ra ngày 14-8-2012 như sau:
“Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài đã có tác động quan trọng, tạo những chuyển biến tích cực đối với cuộc sống của người Việt Nam ở nước ngoài. Nhân đây, chúng tôi xin được hân hạnh giới thiệu tuần báo Viet Weekly, nơi đã công khai đăng tải những tin tức ở trong nước. Những người chủ trương Viet Weekly thuộc thành phần trẻ, họ là những nhà báo yêu sự thật, yêu tự do cho nên đã không hề nao núng trước sự biểu tình phản đối của các thành phần CCCÐ (Chống Cộng Cực Đoan) kéo dài hai tháng trời. Vừa qua, những người làm báo Viet Weekly đã được mời về nước làm phóng sự. Cùng với Viet Weekly là Radio Internet Tiếng quê hương, và không nói đến kbchn.net (khu bưu chính hải ngoại) là một bất công. Kbchn.net viết và phê bình rất thẳng thắn. Phải nói rằng, việc làm của những người làm báo này là can đảm và rất đáng khen ngợi. Ngoài ra còn có các website do Việt kiều yêu nước chủ trương như tuoixanh.net, tre.com.
Tuy nhiên, ở Mỹ hiện vẫn tồn tại một số nhóm người Mỹ gốc Việt còn nuôi mối hận thù, chống cộng cực đoan, thường xưng là “người quốc gia”, là “cờ vàng”. Thế nhưng, có một điều dị hợm là bọn CCCÐ không biết suy xét, phát ngôn bừa bãi, rất lố bịch.
Theo thiển ý của chúng tôi, khi ở miền nam Việt Nam còn có hơn 500 nghìn lính Mỹ, Ô-xtrây-li-a, Ðại Hàn, Thái-lan… cùng đội quân đến một triệu người; rồi là các loại máy bay B.52, F.5, xe tăng, trọng pháo mà còn bỏ chạy, thì qua Mỹ tiếp tục chống cộng bằng mồm thì phỏng có làm nên trò trống gì? (hết trích)
3.3. Khuyết điểm 6. Không ai đóng cửa tờ báo Người Việt cả
Cho đến bây giờ, tờ Người Việt vẫn còn mở cửa và không có ai kêu gọi đóng cửa tờ báo nầy cả.
Báo NV đã xử dụng các quyền tự do, đã ra tay 11 lần phỉ báng VNCH, Cờ Vàng. Cộng đồng cũng đã xử dụng các quyền tự do hiến định, để bày tỏ ý kiến phản đối. Cả hai bên, không có bên nào vi phạm luật pháp cả. Vì thế, ai đó chỉ trích cộng đồng người Việt là bất công, thiên vị.
Cộng đồng đã đối thoại với báo Người Việt trong tinh thần anh em, vì nếu không, thì không có đối thoại. Ông Ngô Kỷ tuyên bố, nếu như báo Người Việt xác nhận mình là cơ quan ngôn luận của CSVN, thì ông tức khắc ngừng tất cả mọi phản đối. Cộng đồng người Việt cũng nghĩ như thế. Hoa Kỳ có luật pháp công minh và còn hiệu lực, nên không ai có quyền đóng cửa một tờ báo nào cả.
Nói thêm về việc đóng cửa
Mục đích của sự giao dịch thương mại là phục vụ khách hàng. Có câu, khách hàng bao giờ cũng có lý cả, hoặc phương châm làm ăn là “làm vui lòng khách đến, làm vừa lòng khách đi”. Một cơ sở thương mại không phục vụ cho nhu cầu và thị hiếu của khách hàng là tự làm thiệt thòi mình.
Một ví dụ.
Ở khu vực toà tháp đôi WTC, New York, một nhà hàng của người chủ Hồi giáo, trương tấm hình của Bin Laden to tướng trước cửa, bên trong ghi những khẩu hiệu kêu gọi thánh chiến, đối với họ, đó là lý tưởng, là công lý và là một nghĩa vụ. Người chủ có quốc tịch Mỹ, được luật pháp Mỹ bảo vệ những quyền tự do, vậy thử hỏi, người Mỹ có ùn ùn kéo nhau đến đó ăn uống hay không? Nếu nhà hàng đóng cửa vì ế ẩm, thì quy trách nhiệm hay đổ tôi cho ai? Có thể đổ tôi cho người Mỹ không?
Đó là chuyện của Tây. Đây là chuyện của người Việt. Trần Trường có quyền bảo vệ quan điểm chính trị của mình bằng cách treo hình Hồ Chí Minh, treo hình không phạm pháp. Khách hàng cũng có quyền bày tỏ quan điểm và tẩy chay, vẫn hợp pháp.
Hai bên không ai vi phạm pháp luật cả. Và Trần Trường tự đóng cửa tiệm. Đó là sự lựa chọn. Đó là bày tỏ quan điểm chính trị không đúng chỗ nên bị thiệt thòi. Người ngoài không nên trách và đổ tội cho bên nào cả.
3.4. Khuyết điểm 7. Cắt nguồn sống của nhân viên
Ông thẩm phán đặt câu hỏi: “Nhân danh điều gì, lý tưởng nào, để cắt nguồn sống của bao gia đình?”.
Xin chứng minh.
Nếu cơ sở của Trần Trường có nhiều nhân viên, nếu “nhà hàng Hồi Giáo Bin Laden” có nhiều nhân viên, vậy khi 2 cơ sở thương mại đó đóng cửa, thì ai chịu trách nhiệm cho những nhân viên vô tôi bị mất việc, bị cắt nguồn sống?
Một ví dụ khác nữa. Một công ty đã vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm luật thuế, vi phạm tội rửa tiền, hoặc cung cấp tài chánh cho khủng bố quốc tế, vậy với cương vị của một quan toà, ông thẩm phán xử phạt hay là bỏ qua vì nguồn sống của hàng ngàn nhân viên vô tôi bị mất việc? Trong trường hợp đó, nhân viên vô tội trách cứ ông quan toà, trách luật pháp hay đổ tội cho việc ông chủ làm bậy?
Hai ví dụ trên trả lời câu hỏi của ông thẩm phán “Nhân danh điều gì, lý tưởng nào để cắt nguồn sống của bao gia đình?”.
4. Kết
Tóm lại, bài tham luận nói về quyền “Tự Do Ngôn Luận và Tự Do Báo Chí trong đời sống quốc gia và trong sinh hoạt cộng đồng” của ông thẩm phán Phan Quang Tuệ, có nhiều điểm thiếu sót, gọi là khuyết điểm, như đã trình bày ở trên. Nó không sát vào thực tế đang xảy ra trong “vụ việc báo Người Việt” cho nên đã tạo ra nghi ngờ, ông thẩm phán không công bằng trong nhận định, nói rõ ra là họ nghi ngờ ông thẩm phán binh vực cho báo Người Việt. Tôi cũng nghĩ thế.
Báo Người Việt xử dụng quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí, đã đánh 11 cú vào VNCH, trái lại, cộng đồng người Việt tỵ nạn Cộng sản, cũng xử dụng các quyền tự do của mình để bày tỏ ý kiến phản đối, cả hai phía, người Việt quốc gia và “phía bên kia” không có ai phạm luật cả. Như vậy là huề.
Người có lỗi là kẻ tấn công trước, chủ động đánh phá. Nếu không phỉ báng, không mạ lỵ thì không có gì xảy ra cả. Trần Trường thiệt thòi vì bảo vệ quan điểm chính trị không đúng chỗ, mặc dù có quyền tự do. Đó là không nói đến bọn tay sai VC nằm vùng trong hàng ngũ quốc gia để đánh phá.
Trúc Giang
Minnesota
ngày 31-8-2012

-http://nguoivietboston.com/?p=10423
*****************

Đỗ Thái Nhiên: CƯC ĐOAN TƯ NHÂN Và CƯC ĐOAN NHÀ NƯỚC
Đỗ Thái Nhiên
Trên blog “ vqhn.wordpress.com ”, ngày 5 tháng 8 năm 2012, ông Vũ Quý Hạo Nhiên đã phổ biến một bài viết mang tên “Cực đoan tư nhân và cực đoan nhà nước”. Bài viết này có hai ý kiến chính xin được trích dẫn nguyên văn:
1) Người cực đoan là người cho rằng mình luôn luôn đúng, và ai nghĩ khác, nói khác, làm trái ý mình, đều là kẻ thù.
Theo định nghĩa này thì trong dân tộc Việt Nam toàn cầu có ít nhất hai nhóm cực đoan.
a)   Nhà cầm quyền Cộng Sản, khi nhìn thấy ai nghĩ khác mình, đều cho là phản động hoặc bị thế lực thù nghịch lợi dụng. Đây là nhóm cực đoan nhà nước.
b)   Những người tự xưng chống Cộng, khi thấy ai nghĩ khác mình, nói khác mình, đều cho là Cộng Sản và tay sai. Nhóm này là một nhóm cực đoan tư nhân.

2) Nguy hiểm nhất là khi nhóm-cực-đoan-không-cầm-quyền lại được trao quyền do sự đầu hàng của người khác chẳng hạn. Khi đó yếu tố phân biệt giữa cực đoan Bolsa với cực đoan Hà Nội bỗng biến mất và cực đoan Bolsa bỗng có dịp triển khai tính cách giống-hệt-cộng-sản của họ.


Bình luận:
Đối tượng của người cầm bút là người đọc. Vì vậy, điều quan trọng là độc giả đã nghĩ gì về bài viết của tác giả, chứ không là tác giả đã nghĩ gì trong khi cầm bút. Bài viết của Vũ quý Hạo Nhiên đã đẩy người đọc đi tới các nhận định sau đây:
1)      VQHN đã gợi ý đồng hóa những-người-không-chấp-nhận-CS, những nạn nhân của chế độ CS dưới danh xưng diễu cợt: cực đoan Bolsa. VQHN lên án “cực đoan Bolsa” giống-hệt-cọng-sản, nếu có quyền. Như vậy VQHN đã biến cuộc tranh cãi giữa “cưc đoan Bolsa với nạn nhân của cực đoan thành cuộc chiến chụp mũ lẫn nhau. Do đó VQHN là hiển nhiên là một phần tử trên đấu trường cực đoan.
2)      Theo VQHN quyền của “cực đoan Bolsa” là quyền của kẻ được người khác đầu hàng. Làm thế nào phân biệt được sự khác nhau giữa đầu hàng trên trận địa quân sự và nghệ thuật “mềm nắn, rắn buông” trong đấu tranh chính trị? Chính nghệ thuật này vừa làm “hạ hỏa” mọi tranh cãi, vừa giúp các phe phái dị biệt ý kiến dần dần tìm ra đồng thuận.
3)      Cực đoan là gì? Cực đoan bao gồm cực đoan làmcực đoan không làm điều gì đó. Nói cách khác: đời sống bao gồm ba loại hành động:
a)   Cực đoan không làm ( bất cập)
b)   Cực đoan làm ( thái quá )
c)   Hành động chừng mực ( trung dung)
Hành động (a) và (b) là bệnh thái, là Động.
Hành động (c) là thường thái, là Tĩnh.
Giông bão (động) phải tìm về gió thuận mưa hòa ( tĩnh )
Chiến tranh (động ) phải tìm về hòa bình ( tĩnh)
Các loại cực đoan (động ) phải tìm tới hòa hoãn ( tĩnh ). Đó là qui luật hằng cửu của đời sống. Thời gian để “hòa hoản hóa” các loại cực đoan là dài hay ngắn? Câu trả lời tùy thuộc ở vai trò tích cực hay không của xã hội trong viec vận dụng giáo dục, tuyền thông, luật pháp  nhằm chuyển hóa thái độ ứng xữ của người dân. Sở dĩ truyền thông được gọi là quyền thứ tư bên cạnh hành pháp, lập pháp và tư pháp bởi vì truyền thong có tác dụng rất mạnh mẽ lên dòng suy nghĩ của xã hội, và trên nổ lực giải trừ mọi cực đoan.
Mặt khác, tất cả va chạm trong xã hội bao giơ cũng là va chạm hai giai đoạn. Giai đoạn một là cuộc tranh cãi gay gắt giữa đôi bên. Bên này là chính đề. Bên kia là phản đề. Trong va chạm này có thể xảy ra cực đoan chính đề hay cực đoan phản đề. Giai đoạn hai: Kết thúc cuộc va chạm vừa nói sẽ là trạng thái tổng hợp đề, trạng thái hòa hoản. Đó là qui luật nghiêm trang của lịch sử.
Lời nhắn kính gửi Vũ Quý Hạo Nhiên:
Hạo Nhiên là ngay thẳng, là chính trực. Vũ Quý là sức mạnh quý giá.
VQHN hãy nương vào sức mạnh quý giá của chính trực để ngưng phản công những người bị VQHN gọi là cực đoan bằng các nhóm chữ “ Cực đoan Bolsa” hoặc “ giống-hệt-cọng-sản”
Thay vào đó VQHN hãy vận dụng luật tắc động tìm về tĩnh của triết học, luật tắc chính đề, phản đề tìm về tổng hợp đề của lịch sử để bình tĩnh và nhẹ nhàng bào mòn mọi cực đoan mà trên trận doanh bút mực VQHN không thể không đương đầu. Đó còn là nội dung căn bản của nghiệp làm báo trong xã hội dân chủ đa nguyên./.
Đỗ Thái Nhiên
(9.8.2012)

-Cực đoan tư nhân và cực đoan nhà nước


Biểu tình chống đêm nhạc Trịnh Công Sơn, tại Garden Grove tháng 3, 2008. (Hình: Vũ Quí Hạo Nhiên)
Hôm tôi mới mất việc ở báo Người Việt, một bạn lên Facebook hỏi một câu thế này:
“Thầy ui, có thành lập mặt trận đấu tranh tự do báo chí cho báo chí tiếng Việt ở Mỹ không Thầy ui?”
Ý của bạn ấy chắc hẳn là blogger trong nước bị cộng sản đàn áp mình lập mặt trận đấu tranh cho họ, thì nay báo chí tiếng Việt ở Mỹ bị những người giống cộng sản đàn áp mình cũng lập mặt trận đấu tranh.
Bạn ấy nói thế vì chỉ mới nhìn thấy mặt nổi của vấn đề, là nhũng đám người cộng-sản và giống-cộng-sản uy hiếp tự do ngôn luận. Điều đó đúng, nhưng nhu cầu lập một “mặt trận tranh đấu” thì ở hai chỗ lại không giống nhau. Vì tuy cực đoan ở đâu cũng gần như nhau, có sự khác nhau rất lớn giữa cực đoan có cầm quyền, như chính phủ Việt Nam, và cực đoan không cầm quyền, như một nhóm người ở Bolsa.
Sụ khác biệt đó nằm ở cái quyền. Khi cực đoan cầm-quyền mà ra tay, thì có người đi tù. Khi cực đoan không-cầm-quyền mà ra tay, thì kết quả là tùy mình. Mình đầu hàng cái tay chém gió đó, thì nhóm cực đoan này mới có ảnh hưởng. Nhưng ngược lại, cái nguy hiểm là tự dưng trao quyền cho nhóm cực đoan, thì, y như chính quyền cộng sản, họ sẽ lấn tới gây thiệt hại cho cả cộng đồng. Đó là những ý tôi triển khai trong bài blog này.
.
Cực đoan trong xã hội
.
Có người hiểu chữ “cực đoan” khác với tôi. Họ cho rằng những kẻ nào bạo động, hay là tục tĩu, mới là cực đoan. Năm 1989, có người đốt xe báo Người Việt và xịt chữ “Nguoi Viet neu may VC we kill.” Còn trong hình trên là một ông chổng mông đưa đít lên trong cuộc biểu tình chống chường trình nhạc Trịnh Công Sơn năm 2008. Những người như vậy nhiều người công nhận là cực đoan.

“Đả đảo ai đó mừng ngày T.C.S.” trên biểu ngữ bên phải. (Hình: Vũ Quí Hạo Nhiên)
Tôi cho rằng định nghĩa đó chưa đúng. Đối với tôi, một người mà phán đoán rằng “ai hát nhạc Trịnh Công Sơn người đó là cộng sản” – đã đủ là một kẻ cực đoan rồi. Cái đầu óc phải lệch lạc dữ lắm, mới lấy một chuyện như thế rồi nối nó được tới kết luận “là cộng sản.”Trong bài này, tôi định nghĩa cực đoan như này:
Người cực đoan là người cho rằng mình luôn luôn đúng ,và ai nghĩ khác, nói khác, làm trái ý mình, đều là kẻ thù.
(Cũng có thể có định nghĩa khác, nhưng chuyện đó ngoài tầm bài này.) Định nghĩa này xem vậy chứ khá hẹp. Không phải ai cũng được là cực đoan theo định nghĩa này. Một người tự cho mình bao giờ cũng đúng, ai nghĩ khác mình là sai, là dốt, thì chỉ mới kiêu ngạo, hay vĩ cuồng, chứ chưa cực đoan. Phải cho người nào nghĩ khác mình là kẻ thù cơ, mới là cực đoan.
Theo định nghĩa này, thì trong dân tộc Việt Nam toàn cầu có ít nhất hai nhóm cực đoan.
(1) Nhà cầm quyền cộng sản, khi nhìn thấy ai nghĩ khác mình, nói khác mình, làm khác mình, đều cho là phản động hoặc bị thế lực thù nghịch lợi dụng. Đây là nhóm cực đoan nhà nước.
(2) Những người tự xưng chống cộng, khi nhìn thấy ai nghĩ khác mình, nói khác mình, làm khác mình, chống cộng khác mình, đều cho là cộng sản và tay sai. Nhóm này là một nhóm cực đoan tư nhân.
Người cực đoan thường hay hành xử giống nhau. Lý do, họ xem những người khác ý kiến không chỉ là người sai trái, người nhầm lẫn, mà họ cho những người này là kẻ thủ, đã là kẻ thù thì không thể chừa một biện pháp nào.
Khi Điếu Cày bị bắt, cực đoan nhà nước Việt Nam bắt đầu hạch sách gia đình, kiểu như đúng ngày thi bắt lên đồn trình diện, khám xét nhà, gây khó khăn cho việc làm ăn. Mẹ của Tạ Phong Tần bị hành tới mức tự thiêu. Nhà nước không khác gì thực dân Pháp uy hiếp mẹ của Mai Xuân Thưởng, của Nguyễn Trung Trực.
Cực đoan Bolsa cũng một chiêu đó. Ở Philadelphia có tờ báo Người Việt Đông Bắc, một tờ báo độc lập mua tin, hình và một số dịch vụ của Người Việt. Để uy hiếp Trần Đông Đức, chủ bút báo này, đám cực đoan Bolsa tìm tới cha và mẹ kế của ông ở Quận Cam, gây áp lực với người già để hy vọng uy hiếp được người con.
Nhưng cái khác, là khi công an bắt con Điếu Cày lên đồn làm việc, thì em phải lên, vì đó là công an có súng, có quyền, nắm luật pháp trong tay. Còn cực đoan Bolsa thì có thể cưỡng được nếu muốn. Cực đoan cầm-quyền ép buộc được, chứ cực đoan không-cầm-quyền thì không.
.
Khi cực đoan không-cầm-quyền bỗng dưng có quyền
.
Nguy hiểm nhất là khi nhóm cực đoan không-cầm-quyền lại được trao quyền, do sự đầu hàng của người khác chẳng hạn. Khi đó, yếu tố phân biệt giữa cực đoan Bolsa với cực đoan Hà Nội bỗng biến mất, và cực đoan Bolsa bỗng có dịp triển khai tính cách giống-hệt-cộng-sản của họ.
Điều đó đã xảy ra năm 2008, khi cuộc biểu tình cái chậu rửa chân bắt đầu. Báo Người Việt cho nghỉ một loạt nhân viên, trong đó có tôi. Chuyện nhân sự là chuyện nội bộ một công ty, chuyện đuổi việc mất việc là sinh hoạt bình thường trong nền kinh tế tư bản. Nếu báo Người Việt khẳng định đó là chuyện riêng, thì không ai nói gì được. Nhưng lãnh đạo Người Việt khi đó lại nhầm lẫn ở chỗ công khai nói chúng tôi làm thế để trấn an quý vị biểu tình.
Không có cái gì hại cho cộng đồng, bằng tờ báo lớn nhất ở đó lại đầu hàng người cực đoan.
Ngay sau đó, cực đoan Bolsa lấn tới. Trong đầu họ say men chiến thắng; đã đánh được Người Việt là có thể đánh bại tất cả – tư duy kiểu Lê Duẩn thời sau 1975. Bất cứ ai ở Quận Cam đều có nguy cơ trở thành mục tiêu của họ. Báo Người Việt đăng bài của ông Tưởng Năng Tiến bàn phiếm về chuyện Hồ Chí Minh nuôi cây vú sữa. Tất nhiên kèm bức hình nổi tiếng “bác Hồ tưới cây vú sữa.” Thế là ăn đạn. Một thời gian dài bản chụp trang báo đó nằm trong bộ sưu tập của đoàn biểu tình trưng ra mỗi tuần.
Các chính trị gia cũng bị nhắm. Một số đi đêm với họ, trong hy vọng không bị tấn công công khai. Kết quả là nhóm này liên kết với với chính trị gia A, thì chụp mũ chính trị gia B là cộng sản. Và nhóm kia làm ngược lại.

Một email năm 2008 tường thuật cuộc biểu tình chống Lễ Tưởng Niệm Nạn Nhân Mậu Thân ở Việt Báo.
Tôn giáo cũng không được để yên. Đại nhạc hội Ánh Đạo Vàng Phật Đản năm 2008 bị kêu gọi “tẩy chay nhạc hội Ma Tăng.” Bên Công Giáo thì khi biết tin Hồng Y Phạm Minh Mẫnsẽ tới Đại Hội Lòng Thương Xót Chủa của dòng Chúa Cứu Thế tổ chức tại Long Beach, họ cũng đòi biểu tình nếu không rút lại lời mời Đức Hồng Y. Rốt cuộc Hồng Y vẫn tới, biểu tình khoảng mươi người.
Nghệ sĩ bị tấn công. Tấm hình biểu tình chống đêm nhạc Trịnh Công Sơn ở trên là diễn ra chỉ hơn một tháng sau khi họ thắng Người Việt.
Một số người hạ quyết tâm triệt cho được ngôi sao Khánh Ly. Nhà văn Nhã Ca (tác giả “Giải Khăn Sô Cho Huế”) và tòa soạn Việt Báo tổ chức tưởng niệm nạn nhân Tết Mậu Thân nhân dịp 40 năm. Ca sĩ Khánh Ly được mời đến hát, và thế là những người đang đứng biểu tình trước cửa báo Người Việttràn qua biểu tình Việt Báo, không cần biết gì tới nạn nhân vụ tàn sát Mậu Thân.
Cảnh sát phải tới đưa cô Khánh Ly vào trong. (Xem phản ứng độc đáo của cô trong video này, bắt đầu phút 1:55.) Tuy nhiên, ở đây, phần nào cực đoan Bolsa đã thành công, dọa được một vài người viết báo cho tới nay vẫn sợ không dám nhắc tới Khánh Ly và Trịnh Công Sơn.
Tình trạng này kéo dài trong mấy năm, và chỉ bớt đi sau khi đám cực đoan vì tự tranh chấp lẫn nhau (ai nghĩ khác mình là kẻ thù mà) nên đổ vỡ từ bên trong.
Và chuyện được đằng chân lân đằng đầu của cực đoan Bolsa đang có nguy cơ lập lại hôm nay.
Vài tuần trước, sau khi tôi mất việc lần nữa, có một tác giả hay gửi bài vào, lên tiếng rằng dấu hiệu cộng sản trà trộn trong tòa báo là bài này bị cắt, bài kia bị không đăng. Nói như thế có khác nào cảnh cáo tòa soạn rằng từ giờ trở đi, đứa nào mà còn cắt, còn không đăng bài của ta, đứa đó là cộng sản!
Một khi những người này đã lấn được một phần quyền biên tập của tờ báo, người ta sẽ nỗ lực lấn sang những phần khác. Và phương pháp người ta lấn, sẽ là cùng với phương pháp đã dùng để lấn được phần đầu: Chụp mũ cộng sản.
Thẩm phán Tòa Di trú Phan Quang Tuệ, viết về tự do ngôn luận, có câu này:
“Và chúng ta có muốn tiếp tục theo con đường và áp dụng những biện pháp tương tự cho đến khi tất cả chúng ta chỉ còn những tờ báo đồng một tiếng nói, một luận điệu, một ngôn ngữ với một lời cảnh cáo: ai nói khác sẽ bị tận diệt!”
Ý ông Tuệ hẳn muốn nói rằng chuyện báo chí nào nói khác sẽ bị tận diệt – là chuyện không tốt, chuyện nên tránh.
Điều ông không ngờ, là chính đó là mục tiêu của những kẻ thích đưa huấn thị cho báo chí: Họ đang muốn tất cả những tờ báo ở đây đều đồng một tiếng nói, một luận điệu, một ngôn ngữ, và báo nào nói khác đều cần phải bị tận diệt. Họ sẽ đạt đích khi mà, giống báo chí trong nước, báo đài Quận Cam tự biết thân biết phận mà kiểm duyệt nội bộ cấm nói cấm viết khác ý đoàn biểu tình.
Đó là mục tiêu của cực đoan Bolsa. Nhưng họ có thực hiện được mục tiêu đó không – là tùy người đối diện có để cho họ làm tới hay không.
-Cực đoan tư nhân và cực đoan nhà nước  Nguồn: Blog Vũ Quý Hạo Nhiên

**********************************
-Phan Quang Tuệ - A HOUSE DIVIDED AGAINST ITSELF CANNOT STAND - Anh em xâu xé, nhà tất sụp!
(Diễn Đàn Thế Kỷ)
A HOUSE DIVIDED AGAINST ITSELF CANNOT STAND
Anh em xâu xé, nhà tất sụp! (Abraham Lincoln, 1858)

                                 Phan Quang Tuệ - 

(Ngày 22 tháng 7 vừa qua tại St.Paul, Minnesota tôi đọc một bài tham luận với đề tài: “Tự Do Ngôn Luận và Tự Do Báo Chí trong đời sống quốc gia và sinh hoạt cộng đồng”.  Bài nói chuyện được đọc nhân dịp kỷ niệm một năm phát hành báo Người Việt Minnesota và Ngày Truyền Thông Báo Chí Việt Ngữ tại Minnesota.  Bài nói chuyện được phổ biến rộng rãi trên báo chí và các trang mạng Việt Ngữ, gây nên nhiều phản ứng.
Những phản ứng chống đối cho rằng bài viết của tôi nhằm mục đích bênh vực báo Người Việt California sau khi báo này chọn đăng một lá thư của một độc giả trong đó có đoạn viết: “Ngày 30 tháng 4, 1975 là một ngày vui mừng của dân tộc, và VNCH là bè lũ tay sai của giặc Mỹ”.  Trong số phản ứng trên hệ thống trang mạng Việt Ngữ  có 2 bài gởi đích danh cho tôi là của Bác Sĩ Trần Văn Tích và Bác Sĩ Nguyễn Ngọc Khôi.  Tôi đã liên lạc với hai vị trên qua điện thư và hứa sẽ có bài trả lời.  Đây là lý do của bài viết này, vừa trả lời hai vị bác sĩ, vừa trả lời chung cho những quý vị đã lên tiếng về vấn đề này.  Tôi sẽ đề cập đến hai vấn đề: (1) Nói rõ thêm về tự do ngôn luận và tự do báo chí trong Tu Chính Án Thứ Nhất và (2) Trả lời câu hỏi phải chăng sự có mặt của tôi tại St. Paul, Minnesota cũng như bài nói chuyện của tôi nhằm mục đích bênh vực cho báo Người Việt California hay không?)

Thẩm phán tòa di trú liên bang, Phan Quang Tuệ, 
phát biểu trong đại hội kỳ 10, Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam, 
vào ngày 21 tháng 10, tổ chức tại Nhật báo Người Việt. 
(Hình: Dan Huynh)

Tự Do Ngôn Luận và Tự Do Báo Chí trong Tu Chính Án Thứ Nhất:
Bản Hiến Pháp Hoa Kỳ được đại biểu của 13 tiểu bang biểu quyết chấp thuận ngày 17 tháng 9 năm 1787 tại Philadelphia.  Toàn bộ Hiến Pháp thực ra không dài lắm, chỉ gồm 7 điều khoản.  Bản văn chỉ quy định mà không giải thích.  Bản văn cũng chẳng đưa ra một lý thuyết hay nguyên tắc căn bản nào như kiểm soát và cân bằng(checks and balances), phân quyền (separate powers), hay vai trò phán xét của tư pháp (judicial review).  Muốn tìm hiểu ý nghĩa và giải thích thẩm quyền (authoritative interpretation) bản Hiến Pháp Hoa Kỳ và 10 tu chính án đầu tiên, người ta cần phải đọc 85 bài khảo luận được viết bởi ba cây viết: James Madison, Alexander Hamilton và John Jay cùng viết chung dưới một bút hiệu là “Publius”.  Bài đầu tiên được viết ngày 27 tháng 10, 1787.  Bài thứ 85 được viết ngày 28 tháng 5, 1788.  Họ viết đều đặn, liên tục, các bài viết xuất hiện 4 lần một tuần.  Tất cả các bài viết này được gọi chung là The Federalist Papers.

Tu Chính Án Thứ Nhất nói về tự do báo chí và tự do ngôn luận nằm trong 10 Tu Chính Án gọi chung là Bill of Rights được biểu quyết thông qua ngày 15 tháng 12, 1791 tức là hơn 3 năm sau khi Hiến Pháp Hoa Kỳ được ban hành.

Muốn tìm lời giải thích về tự do ngôn luận và tự do báo chí trong Tu Chính Án Thứ Nhất, người ta phải trở về với bài Federalist số 84 viết vào ngày 28 tháng 5, 1788, tức 3 năm trước đó, mà tác giả là Alexander Hamilton.

Hamilton viết như sau:
“Why, for instance, should it be said, that the liberty of the press shall not be restrained, when no power is given by which restrictions may be imposed?....


What is the liberty of the press?  Who can give it any definition which would not leave the utmost latitude for evasion?  I hold it to be impracticable; and from this, I infer, that its security, whatever fine declarations may be inserted in any constitution respecting it, must altogether depend on public opinion, and on the general spirit of the people and of the government.  And here, after all, as intimated upon another occasion, must we seek for the only solid basis of all our rights.  (Gạch dưới là do tác giả thêm vào).

"Tại sao, chẳng hạn, lại nên nói rằng tự do báo chí sẽ không được kiềm chế khi không có quyền lực nào được tạo ra để có thể dùng vào việc kiềm chế đó?...

"Tự do báo chí là gì?  Liệu ai có thể định nghĩa được nó mà không để hở ra một không gian tối đa cho sự chạy thoát.  [Bởi thế mà] tôi cho điều đó là bất khả; và từ đó tôi rút ra kết luận rằng sự an toàn về mặt tự do báo chí là, dù bạn có thể đưa những lời lẽ đẹp đẽ nhất vào trong một hiến pháp tôn trọng nó, sẽ bắt buộc phải tuỳ thuộc vào công luận cũng như vào tinh thần chung của người dân và của chính quyền.  Và, cuối cùng thì như tôi đã ngụ ý trong một dịp khác, chính ở đây là nơi ta phải tìm cơ sở độc nhất cho tất cả mọi quyền của chúng ta." (Gạch dưới do tác giả thêm vào)

Hoá ra là như vậy!!  224 năm trước đây một tác giả lỗi lạc nhất của Bản Hiến Pháp Hoa Kỳ, của Tu Chính Án Thứ Nhất, đã viết trong lá thư Federalist paper thứ 84 là tìm cách định nghĩa tự do báo chí là một điều không thực tế, và mọi cố gắng để mang lại một ý nghĩa cho ý niệm tự do báo chí đều phải tùy thuộc vào công luận(public opinion) và dân trí (general spirit of the people).  Và theo Hamilton, đây mới là nơi chúng ta cần phải dựa vào để tìm căn bản vững chắc duy nhất cho mọi thứ dân quyền.

Không những thế, làm sao có thể quy định rằng tự do ngôn luận không bị hạn chế trong khi không có bất cứ một điều khoản nào quy định quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí là gì??  Và suy ra từ những câu hỏi và phương cách đặt vấn đề của Hamilton thì câu trả lời là ý dân và dân trí.  Quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí bắt nguồn từ ý dân, và giới hạn của hai quyền này cũng lại là … ý dân.  Và vì thế mới có Tu Chính Án Thứ Nhất:
“Congress shall make no law…. abridging the freedom of speech, or of the press!!”

"Quốc hội sẽ không làm ra luật nào... giới hạn tự do ngôn luận hay tự do báo chí!!"

Bênh vực một tờ báo hay bênh vực quyền tự do ngôn luận?
Vị trí đúng nhất của lá thư của độc giả Sơn Hà là sọt rác.  Tờ Người Việt California đăng lên mới thành có chuyện.  Và gây công phẫn.   Mới đầu còn nhỏ, sau lan rộng.  Có nhiều buổi họp được triệu tập.  Có tuyên cáo chung.  Có kêu gọi tẩy chay, biểu tình.  Có áp lực đòi sa thải nhân viên đã chọn đăng lá thư.  Có áp lực đòi tờ báo phải công bố lý lịch của độc giả Sơn Hà trong khi đây chính là điều tối kỵ trong ngành báo chí luôn luôn giữ kín nguồn tin.  Có ý kiến lập Ủy Ban theo dõi phân tách các bài của báo Người Việt. Nói cách khác cần lập ngay một Ban Kiểm Duyệt ngay giữa lòng cộng đồng người tỵ nạn Cộng Sản đi tìm tự do!

Vậy có nên lập luôn một uỷ ban kiểm soát và chỉ đạo tư tưởng hay không?  Cộng Đồng có nên thành lập một ủy ban quy định những điều mọi người tỵ nạn phải tuân theo trong những sinh hoạt của cộng đồng như chào cờ, phủ cờ, hát quốc ca VNCH, hay đặt bàn thờ tổ quốc.  Và khi quy định những điều khoản này thì phải lập ra những đoàn cảnh sát để kiểm soát việc thi hành.  Đây có phải là điều chúng ta muốn cho cộng đồng dân Việt tỵ nạn trở thành hay không?

Báo Người Việt California, hay bất cứ tờ báo nào khác, không những là một cơ quan ngôn luận mà còn là một cơ sở thương mại, cung cấp công ăn việc làm cho nhân viên, và nhờ đó những nhân viên này nuôi sống gia đình, đóng thuế, đóng góp vào ổn cố và thịnh vượng của cộng đồng chúng ta nói chung.  Nhân danh điều gì, lý tưởng nào, để cắt nguồn sống của bao gia đình?

Và sau khi đóng cửa được báo Người Việt California rồi thì đến phiên báo nào?  Cơ sở thương mại nào?  Phòng thuốc nào?  Phòng mạch nào?  Tiệm ăn nào?  Chợ nào? Quán cà phê nào?  Tiệm phở nào? Tiệm hủ tíu nào?  Tiệm bánh mì nào?  Tiệm làm móng tay, cắt tóc nào? Có phải đây là điều chúng ta muốn cộng đồng dân Việt trở thành không?

George Orwell là một nhà văn Anh Quốc của đầu thế kỷ 20.  Ông căm thù cộng sản và nổi tiếng qua hai tác phẩm Animal Farm (Trại Gia Súc) và “1984”.  Trại Gia Súc là một truyện giả tưởng về một cuộc nổi loạn của các gia súc.  Sau khi chiếm được trại, hai con heo lãnh đạo, Napoleon và Snowball, đã họp toàn thể các gia súc trong trại và đưa ra Bảy Điều Răn (The Seven Commandments) cho mọi gia súc phải tuân theo,  Bảy Điều Răn (The Seven Commandments) như sau:
  • Whatever goes upon two legs is an enemy
  • Whatever goes upon four legs, or has wings, is a friend
  • No animal shall wear clothes
  • No animal shall sleep in a bed
  • No animal shall drink alcohol
  • No animal shall kill any other animal
  • All animals are equal
  1. Bất cứ cái gì đi trên hai chân đều là kẻ thù
  2. Bất cứ cái gì đi trên bốn chân, hay có cánh, đều là bạn
  3. Không súc vật nào được ăn mặc quần áo
  4. Không súc vật nào được ngủ trên giường
  5. Không súc vật nào được uống rượu
  6. Không súc vật nào được giết một súc vật khác
  • Mọi súc vật đều bình đẳng
Thời gian qua, các khẩu hiệu và 7 điều răn thay đổi.  Khẩu hiệu hai chân, bốn chân được đổi như sau: “Four legs good, two legs better! Four legs good, two legs better”!  ("Bốn chân tốt, hai chân tốt hơn!  Bốn chân tốt, hai chân tốt hơn!")

Và 7 điều răn chỉ còn lại một điều thứ 7 được sửa lại như sau:
“All animals are equal
But some animals are more equal than others!!”

"Mọi súc vật đều bình đẳng
"Nhưng cũng có vài con bình đẳng hơn những con khác!"

Nghe đâu giống như “Kinh Tế Thị Trường theo Xã Hội Chủ Nghiã” của Cộng Sản Việt Nam ngày nay!

Tất cả mọi người đều quen với một bức ảnh ô nhục nói lên bộ mặt áp bức của chế độ Cộng Sản.  Đó là bức ảnh một tên công an bịt mồm linh mục Nguyễn Văn Lý.  Ai trong chúng ta muốn làm bàn tay bịt miệng quyền tự do phát biểu của người khác?

Mục đích bài nói chuyện của tôi ở St. Paul, Minnesota không nhằm bênh vực báo Người Việt California hay bất cứ báo nào khác.  Mục đích và ý nghĩa bài nói chuyện là để nhắc nhở về sự cần thiết bảo vệ quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của tất cả mọi người dân Việt yêu chuộng tự do.

Rudyard Kipling là một nhà văn, nhà thơ Anh Quốc đầu thế kỷ thứ 19.  Ông là nhà văn Anh Quốc đầu tiên được giải Nobel về văn chương.  Tôi biết đến Kipling qua một bài thơ mà thân phụ tôi đã gửi cho tôi khi tôi còn là một thiếu niên mới bắt đầu vào ngưỡng cửa trung học.  Thân phụ tôi giờ đã qua đời, và tôi cũng đã trên 70, nhưng bài thơ này luôn là một ngôi sao Bắc Đẩu làm kim chỉ nam đối với tôi.  Tựa bài thơ là “If”, bài thơ nổi tiếng nhất của Kipling, xuất hiện vào năm 1910.  Tôi muốn trích dẫn vài đoạn để làm kết luận cho bài viết này.

“If you can keep your head when all about you
Are losing theirs and blaming it on you,
If you can trust yourself when all men doubt you,
But make allowance for their doubting too;
…..
If you can bear to hear the truth you’ve spoken
Twisted by Knaves to make a trap for fools,

Yours is the Earth and everything that’s in it,
And, which is more, you’ll be a Man, my son.”


"Nếu con giữ được cái đầu bình thản
"Trong khi mọi người đã mất mà còn trách móc con,
"Nếu con vẫn tin được ở mình dù bị mọi người ngờ vực
"Mà vẫn không chấp điều người ta ngờ vực;
"...........

"Nếu con chịu đựng được những sự thật mà con đã nói ra
"Bị vặn vẹo bởi những kẻ tồi tàn để bẫy những thằng điên,
"...........

"Thì, con ạ, Trái Đất thuộc về con và tất cả trên Đất ấy,
"Và hơn nữa, con ạ, bởi con đã thành Người."

Qúy vị cùng thế hệ với tôi chắc rất quen thuộc với những bài học trong ngụ ngôn của La Fontaine, một nhà thơ Pháp thế kỷ thứ 17.  Trong bài vịnh về cái bị có hai túi (la besace), có đoạn thơ như sau:
“Nous nous pardonnous tout, et rien aux autres hommes

Le fabricateur souverain,
Nous créa besaciers tout de même manière,
Tant ceux du temps passé que du temps d’aujourd’hui:
It fit pour nos défauts la poche de derrière,
Et celle de devant pour les défauts d’autrui.”
"Chúng ta tự tha thứ cho nhau hết cả, trừ tha cho người khác
"............


"Đấng Tạo Hoá tối cao
"Dựng ra tất cả chúng ta cùng một kiểu,
"Từ trong quá khứ xa xưa đến tận hôm nay:
"Cho bao sai trái của ta vào túi sau
"Và để hết sai trái của người vào túi trước."

Một nhà báo Anh Quốc, John Morley, đã viết:  “You have not converted a man because you have silenced him!”("Bạn chưa thuyết phục được tôi chỉ vì bạn cấm được tôi nói.")

Tôi muốn kết thúc bài này với một niềm hy vọng.  Thứ sáu vừa qua Thế Vận Hội Mùa Hè 2012 đã long trọng và tưng bừng khai mạc tại Luân Đôn.  Có 204 quốc gia tham dự.  Sau những nghi thức khai mạc cả vận động trường im lặng và từ trên khán đài giọng ca của Paul McCarney của ban nhạc The Beatles cất lên.

Giọng ca không còn mạnh như xưa.  Nhưng lời ca đã đưa tâm hồn tôi trở về những năm 60.  Trở về một không gian của tuổi thanh niên mới vào đời, của những giấc mơ không những cho đời mình mà còn cho cả một bầu trời quê hương yêu dấu.  Lời ca giản dị đến mộc mạc.  Hai câu đầu của bài hát như sau:
“Hey Jude, don’t let me down
Take a sad song and make it better!!”

"Ê Jude, đừng bỏ rơi anh
"Hãy lấy một bài hát buồn mà làm thành lạc quan hơn!!"

Có thể nào tất cả chúng ta nhận lấy bài ca buồn và cùng nhau biến bài ca buồn thành khúc hoan ca cho những thế hệ mai sau??

Phan Quang Tuệ
Danville, California
Ngày 1 tháng 8, 2012
Ghi chú: Những phần dịch các câu trích dẫn trong tiếng Anh, tiếng Pháp là do NNB.


***********************************
-Báo Người Việt và vấn đề tự do ngôn luận

Trụ sở báo Người Việt
Mấy tuần nay sự việc báo Người Việt tại quận Cam đăng bài của Sơn Hà trong mục Thư Ðộc Giả, số báo ra ngày Chủ Nhật, 8 Tháng Bảy 2012 đã gây xôn xao Cộng đồng người Việt hải ngoại. Bài này viết để phản bác bài của ông Nguyễn gia Kiểng về “Vết Thương Ngày 30 tháng 4”. Đại khái nội dung bài của Sơn Hà nói ngày 30-4-1975 là ngày dân tộc ta là kẻ chiến thắng, đế quốc Mỹ và Ngụy quyền tay sai là những kẻ bại trận, Đế quốc Mỹ chỉ là thực dân mới, bài ca ngợi cách mạng nhân đạo không trả thù Ngụy quân Ngụy quyền… Tóm lại nội dung chỉ là bài tuyên truyền rẻ tiền của Việt Cộng đã bị người tỵ nạn lên tiếng phản đối dữ dội. Nội dung bài tuyên truyền quá nhàm chán nhưng người ta chú ý tới nó vì được đăng trên một tờ báo lớn ở quận Cam, thủ đô người Việt tỵ nạn, tôi xin đăng lại phía dưới bài viết này.

Báo Người Việt phủ nhận bài này, cho rằng đây là việc làm sai lầm cá nhân chứ không phải chủ trương của Người Việt, họ vẫn tự nhận là tờ báo chống Cộng của người Việt tỵ nạn. Trong vòng mười năm trở lại đây, bao Người Việt đã bị đồng bào phản đối dữ dội khoảng 4, 5 lần về những lỗi lầm tương tự như vậy, mỗi trường hợp họ cũng đều xin lỗi cộng đồng vì sự sai lầm của một vài cá nhân và vẫn tự nhận là tờ báo chống Cộng, họ đã nhiều lần sa thải hoặc cách chức những người phạm lỗi.
Sở dĩ tờ báo tiếng Việt lớn nhât Hải ngoại này đã nhiều lần phải xin lỗi Cộng đồng không phải vì sợ áp lực của Cộng đồng hoặc sợ người tỵ nạn thưa kiện mà họ sợ bị “bể nồi cơm”, chính họ cũng đã nhìn nhận thế. Báo Người Việt nằm trong lòng thủ đô tỵ nạn, họ sống nhờ quảng cáo của Cộng đồng tỵ nạn cũng như con cá nó sống vì nước !!! họ phải nhiều lần xin lỗi cộng đồng vì sợ bị người tỵ nạn tẩy chay không đăng quảng cáo.
Mặc dù báo Người Việt đã xin lỗi cộng đồng và đã có biện pháp kỷ luật với người phạm lỗi nhưng nhiều hội đoàn, báo chí tại Hải ngoại vẫn tiếp tục gửi văn thư phản đối tờ báo và yêu cầu giải thích rõ ràng hơn về sự việc này. Nói chung làn sóng phẫn nộ có khuynh hướng kéo dài.
Cũng có một vài vị giáo sư, luật gia đăng bài trên internet cho rằng báo Người Việt có quyền tự do ngôn luận của họ, các ông này giảng giải dài dòng văn tự về quyền tự do ngôn luận cho người Việt Hải ngoại để mọi người hiểu đây là xứ tự do, quyền tự do ngôn luận đứng vào hàng đầu. Ý các vị này muốn nói báo Người Việt có quyền tự do ngôn luận, có quyền đăng những bài như vậy. Trong một bài viết về vấn đề này, một ông giáo sư có nói mọi người tại Hoa Kỳ có quyền phát biểu tư tưởng của mình, dù lời nói ấy có chối tai người nghe tới đâu chăng nữa vì đó là tự do ngôn luận.
Các ông này đã đánh giá quá thâp trình dộ hiểu biết của người tỵ nạn, làm như không ai biết gì về tự do ngôn luận, ai cần các ông giảng giải dài dòng văn tự về tự do ngôn luận? Tại Mỹ chuyện này dù là giới cu li cu leo khố rách áo ôm ai cũng đều biết cả. Ngoài ra các ông này bênh vực cho báo Người Việt, ý nói báo Người Việt có quyền tự do ngôn luận, có quyền đăng những bài như vậy, có quyền nói những vấn đề như vậy dù là tuyên truyền cho CS…
Mắc mớ gì mà các ông bênh vực? người ta đâu cần các ông bênh? Báo Người Việt phủ nhận không có nói như vậy. Họ chối đây đẩy nó không phải chủ trương của tờ báo mà do một cá nhân, người phụ tá chủ bút tính nết ngang ngược đã làm khổ cả tờ báo. Đầu đuôi câu chuyện là việc của một cá nhân phụ trách mục Thư Độc Giả chứ không phải là chủ trương của tờ báo mà ra, họ cần sự thông cảm của Cộng đồng tỵ nạn. Các ông xúi dại người ta, đâm bị thóc chọc bị gạo, đổ dầu vào lửa vô tình đập bể nồi cơm của họ, báo Người Việt chỉ cầu xin hai chữ bình an, xin các ông thông cảm mà yên lặng giùm.
Nhưng dù là xứ tự do tôi nghĩ vấn đề phát ngôn chắc cũng phải có một giới hạn nào đó không lẽ cứ nói bừa đi à? Tôi thí dụ nước Pháp tự do nhất thế giới, họ căm thù Đức Quốc Xã vì đã bi Đức quốc xã cái trị tàn ác, nếu có ai nói “ông Hitler tốt lắm” thì tôi nghĩ chắc người đó sẽ không còn cái răng ăn cháo!!
Bàn về quyền tự do ngôn luận như trên sẽ có thêm một số vấn đề, theo tôi biết người Mỹ không chấp nhận chủ nghĩa Cộng Sản và chủ nghĩa Quốc Xã vì những lý do như sau:
- Khi ra phỏng vấn phái đoàn tại Sài Gòn để đi tỵ nạn sang Hoa Kỳ như chúng tôi cách đây hơn 20 năm, người nhân viên Mỹ bảo chúng tôi dơ tay tuyên thệ: Tôi không nghiện sì ke ma túy, tôi không phải là đảng viên Cộng Sản.
- Khi thi vào Quốc tịch Mỹ, trong bảng những câu hỏi có hai câu: bạn có phải là đảng viên Cộng sản không? Bạn có phải là đảng viên Quốc Xã không? Dĩ nhiên ai cũng phải nói không, ví nói có không những không được vào Quốc tịch mà còn bị FBI hỏi thăm sức khỏe là khác.
- Khoảng mười năm trước FBI có đăng thông báo nhờ người tỵ nạn giúp đỡ tố cáo Cộng Sản nằm vùng để họ bắt, họ cho biết nay nhiều đảng viên CS đã xâm nhập vào Mỹ hoạt động, dọa nạt người tỵ nạn.
- Người Mỹ đã cho lập tượng đài tưởng niệm nạn nhân CS, họ đã chính thức xác nhận chế độ CS đã tàn sát 100 triệu người trên thế giới. Ngày thứ ba 12 tháng 6 năm 2007, Tổng thống Bush đã tham dự lễ khánh thành Tượng đài Tưởng niệm nạn nhân Cộng Sản (Victims of Communism Memorial) tại Hoa Thịnh Đốn.Trong bài diễn văn Tổng thống Bush cho biết ý thức hệ CS đã tiêu diệt khoảng 100 triệu người vô tội gồm cả đàn ông, đàn bà và trẻ nít (Communism, an ideology that took the lives of an estimated 100 million innocent men, women and children).
Tóm lại Hoa Kỳ không chấp nhận chế độ CS và Quốc xã và kết án hai chế độ này hiện thân của sự tàn ác chống nhân loại. Họ cũng đã xếp CS vào hàng tệ đoan xã hội ghê tởm ngang với xì ke ma túy như đã nói trên.
Hoa kỳ vẫn coi Cộng sản là kẻ thù mặc dù có bang giao với CS.
Từ những yếu tố trên sẽ nẩy sinh ra những thắc mắc, tôi không rành về luật, xin các vị biết rõ hơn giải thích dùm. Hoa Kỳ không chấp nhận chế độ CS, như vậy báo chí tại đây có quyền đăng bài tuyên truyền cho CS không? có được chửi Đế quốc Mỹ là thực dân mới không?
Ngoài ra tôi cũng thắc mắc một điểm nữa, những người vào Mỹ theo diện bảo lãnh và lấy Việt Kiều thì không nói chi, còn vào Mỹ, ở Mỹ theo diện tỵ nạn thì có được quyền ủng hộ CS, thân CS hoặc có cảm tình với CS không? Nếu có bằng cớ cụ thể có bị đuổi về nước không vì khi xin tỵ nạn anh khai là bị CS đàn áp, nay anh khen CS tốt, ủng hộ CS… tức là trước đây anh đã khai gian, anh là tỵ nạn giả, tỵ nạn zổm. Cái này mình thí dụ như vậy thôi chứ không có ác ý, tôi chỉ nêu để xin các bạn hiểu hiết hơn giải thích dùm thôi!
Vấn đề nóng bỏng này thu hút sự chú ý của nhiều người, mấy anh Vẹm, mấy anh cò mồi thừa cơ nước đục thả câu nhẩy vào ăn có, được thể la làng ầm ĩ trên các diễn đàn nào là tại Cộng đồng VN Hải ngoại từ 37 năm qua không có tự do báo chí mà chỉ có một chiều. Nào là Cộng đồng Hải ngoại bịt miệng nhà báo, chà đạp quyền tự do ngôn luận hơn CS..vân vân và vân vân. Nghe mà phát ớn xương sống, nhiều người tỵ nạn nơm nớp sợ bị các anh cò mồi, các anh nằm vùng thưa ra tòa vì tội chà đạp quyền tự do ngôn luận!! những người yếu bóng vía ai nấy sợ xanh mặt vì sắp phải vác chiếu ra tòa, khiếp quá!
Sự thực người Việt tỵ nạn có bịt miệng ai đâu? Có quyền hành gì mà bịt miệng người ta, họ chỉ biểu lộ sự phẫn uất phản đối những lời nhục mạ họ thôi, họ có quyền phản đối ầm ĩ, biểu tình ầm ĩ khi bị nói xấu như câu dưới đây
chỉ có đội quân xâm lược Mỹ và bè lũ Việt gian tay sai của Mỹ là thất thủ, là mất miền Nam, mất Sài Gòn, còn dân tộc Việt Nam, cả Nam lẫn Bắc là người thắng trận, thu giang sơn về một mối, chấm dứt ách thống trị của thực dân mới”
Chửi cha người khác thì họ có quyền chống đối, đơn giản vậy thôi, không lẽ tại xứ tự do họ không được quyền chống đối, biểu tình, phản ứng? Người Việt tỵ nạn đã từng là nạn nhân của chế độ, đã từng chạy trốn chế độ CS rất gian khổ có quyền chống đôi chế độ mà họ đã không chấp nhân sống chung, thế thôi. Nếu nói Cộng đồng VN bịt miệng nhà báo thì lại phạm cái tội vu cáo.
Phải công nhận mấy anh Vẹm vừa đánh trống vừa ăn cướp tài thiệt, một mặt các anh bịt miệng bóp cổ các nhà tranh đấu dân chủ trong nước le cả lưỡi ra, một đằng các anh thò tay ra Hải ngoại định bóp cổ bọn Ngụy không cho chúng phát ngôn phản động, nói xấu chính sách đảng và nhà nước, chống đối chế độ CS…. Hay thiệt!
Trong bài viết của một ông giáo sư như trên có nói mọi người tại Hoa Kỳ có quyền phát biểu tư tưởng của mình, dù lời nói ấy có chối tai người nghe tới đâu chăng nữa vì đó là tự do ngôn luận. Theo tôi nghĩ những người thích nói những lời chối tai cả một tập thể thì chẳng có gì đáng khen cả mà ta cần phải giúp đỡ đưa họ vào nhà thương Biên Hòa điều trị cho hết bệnh. Nói những cấu chối tai cho cả một tập thể tức là tâm trí có vấn đề rồi.
Rất nhiều người tại Hải ngoại có cảm tình với CS, khen CS hoặc tuyên truyền cho CS nhưng lại không có ai chịu về nước sống với CS vì “Ở Mỹ vẫn sướng hơn”, đơn giản vậy thôi. Họ đã đánh lừa chính cả bản thân họ, ngay cả những người thích CS khi về nước cũng đã mang theo cái bùa hộ mệnh đó là bằng Quốc tịch Mỹ. Mặc dù chê chửi Đế quốc nhưng họ vẫn sống bằng sự che chở của Đế quốc thế không là hèn thì là gì? Hồi xưa tại miền nam VN trước 1975 cũng vậy, nhiều người khen CS, có cảm tình với CS, thân CS nhưng chẳng có ai muốn về Bắc sống với CS cả, khen CS cho vui thì có chết chóc gì, nói zậy chứ không phải zậy.
Từ ngày 30/4/1975 Việt Cộng đưa rất nhiều năm vùng giả dạng tỵ nạn vào Mỹ để chờ thời cơ quậy phá, sau ngày Việt Cộng bang giao với Mỹ nhiều anh Vẹm hý hửng tưởng mình là bồ tèo với Mỹ tới nơi rồi, sắp được vào Tòa Bạch Ốc yết kiến Tông Tông tới nơi rồi. Mặc dù Hoa Kỳ đã bang giao với CS như Sô Viết trước đây trong thời kỳ chiến tranh lạnh, bang giao chỉ là ngoại giao nhưng Mỹ vẫn coi CS là kẻ thù. Ngay cả cựu CS Nga bây giờ cũng vẫn không phải là bạn của Hoa Kỳ. Mặc dù nay Mỹ có bang giao với vài nước CS nhưng họ không coi đó là bạn mà có thể là thù, bang giao chỉ có tính cách ngoại giao, kinh tế.
Các anh Vẹm nằm vùng hồi xưa che mắt được Nha Cảnh sát Đô thành Sài Gòn nhưng nay không thể che mắt FBI được, với phương tiện tinh vi tối tân hiện nay không dễ gì qua mặt họ được. Bây giờ hòa bình không nói chi, trong trường hợp Mỹ có chiến tranh với CS, thí dụ Bắc Hàn hay Trung Quốc chẳng hạn thì sẽ là lúc họ sờ gáy các chú nằm vùng.
Các chú cứ yên chí đi, FBI sẽ không quên các chú đâu, khi ấy họ sẽ cho xe Mercedes đến tận nhà đón các chú vào Viện Dưỡng lão nghỉ mát!
© Trọng Đạt
© Đàn Chim Việt
———————————————————



LTS. Thẩm phán Toà án di trú San Francisco trong bài nói chuyện tại St.Paul, Minnesota, ngày 22 tháng 7, 2012 nhân dịp kỷ niệm một năm phát hành báo Người Việt Minnesota và Ngày Truyền Thông Báo Chí Việt Nam tại Minnesota đã nói rằng, "Không ai phủ nhận là cộng đồng người Việt được hưởng hoàn toàn và được Tu Chính Án Thứ Nhất bảo vệ hoàn toàn trong việc xử dụng quyền tự do ngôn luận.  Vấn đề là có những cá nhân và tổ chức trong cộng đồng muốn xử dụng tự do ngôn luận của họ để dập tắt tự do ngôn luận của những ai không đồng chính kiến với họ.  Đăng một bài phỏng vấn hay một lá thư có thể gây phẫn nộ cho độc giả.  Sự phẫn nộ có thể được chia xẻ bởi rất nhiều người, và được xem là một sự phẫn nộ chính đáng.  Câu hỏi cần được đặt ra là đây có phải là lý do chính đáng để kêu gọi tẩy chay tờ báo, làm áp lực đóng cửa toà báo.  Và chúng ta có muốn tiếp tục theo con đường và áp dụng những biện pháp tương tự cho đến khi tất cả chúng ta chỉ còn những tờ báo đồng một tiếng nói, một luận điệu, một ngôn ngữ với một lời cảnh cáo: ai nói khác sẽ bị tận diệt!




Và nếu như thế thì lợi ích và mục tiêu chính đáng của Tu Chính Án Thứ Nhất có còn cần thiết nữa hay không?



Ngày 3 tháng 5 năm 2012 vừa qua, Liên Hiệp Quốc đã tổ chức mừng ngày Tự Do Báo Chí Thế Giới.  Ông Ban Ki-moon, Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc và bà Irina Bokova, Giám Đốc UNESCO đã ra một tuyên bố chung có đoạn như sau: Freedom of Expression is one of our most precious rights.  It underpins every other freedom and provides a foundation for human dignity.  Free, pluralistic and independent media is essential for its exercise. Tự do ngôn luận là một trong những quyền quý báu nhất của chúng ta.  Nó là căn bản cho các quyền tự do khác và đặt nền móng cho phẩm cách của con người.  Tự do, đa dạng và độc lập của báo chí là điều tối cần thiết cho việc thực thi quyền tự do ngôn luận.”


Dưới đây là nguyên văn bài nói chuyện:

Kính thưa Quý Vị,

Khi chọn đề tài Tự Do Ngôn Luận và Tự Do Báo Chí cho buổi nói chuyện hôm nay, tôi chỉ nhằm mục đích chọn một đề tài thích hợp với ý nghĩa nhân dịp kỷ niệm một năm phát hành báo Người Việt Minnesota và Ngày Truyền Thông Báo Chí Việt Nam tại Minnesota.  Tôi không ngờ đã vô tình mở cánh cửa bước vào một vũ trụ bao la vô tận.  Một biển cả mà càng đi tới, chân trời càng xa.  Tôi xin giải thích tại sao tôi có cảm tưởng như vậy.  10 ngày trước đây tôi khởi sự ngồi xuống để soạn bài nói chuyện.  Tôi vào Google và đánh hai chữ:”free speech”.  Trên màn ảnh của máy computer hiện ra con số 63,100,000 tài liệu liên quan đến đề mục tôi muốn tìm hiểu.  Con số tài liệu lớn lao này cho thấy tầm quan trọng của vấn đề tự do ngôn luận và tự do báo chí.  Năm 1993, Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc đã chọn ngày 3 tháng 5 hàng năm là ngày Tự Do Báo Chí Thế Giới hầu cổ võ cho quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí trên toàn cầu.  Thomas Jefferson, tác giả Bản Tuyên Ngôn Độc Lập Hoa Kỳ công bố vào ngày 7 tháng 4, năm 1776 và là vị Tổng Thống thứ
3 của Hoa Kỳ, đã tuyên bố như sau:
“The basis of our government being the opinion of the people, the very first object should be to keep that right; and were it left to me to decide whether we should have a government without newspapers, or newspapers without a government, I should not hesitate a moment to prefer the latter.  But I should mean that every man should receive these papers and capbable of reading them.” “Nền tảng của các chính quyền của chúng ta đặt trên lòng dân, vì thế quyền phát biểu phải là đối tượng được bảo vệ trên hết.  Nếu phải chọn lựa giữa một chính quyền không có báo chí và một tình trạng báo chí không có chính quyền, tôi sẽ chọn tình trạng thứ hai.  Nhưng tôi cần nói thêm là với điều kiện mọi người đều có cơ hội đọc báo và có đủ hiểu biết để đọc và hiểu các bài báo!”  Và đó là lời phát biểu 236 năm trước đây của tác giả Bản Tuyên Ngôn Độc Lập!

Câu tuyên bố của Thomas Jefferson chỉ nhằm nhấn mạnh đến vai trò không thể thiếu trong một xã hội không có báo chí, không ngờ lại đã xảy ra trong thực tế hơn hai trăm năm sau, không phải tại Hoa Kỳ, mà là tại một quốc gia ở Âu Châu!!  Đó là Vương Quốc Bỉ.  Thực vậy, sau ngày bầu cử Quốc Hội Bỉ vào tháng 6, 2010 đã không có một đảng phái nào hội đủ túc số để thành lập nội các.  Các cuộc thương thuyết nhằm thành lập nội các giữa 11 đảng phái đã kéo dài từ tháng 6, 2010 cho đến khi đạt được thỏa hiệp và một nội các đã được thành lập ngày 5 tháng 12, 2011.  Tổng cộng nước Bỉ và dân tộc Bỉ đã có một đời sống quốc gia 540 ngày mà không có một chính quyền.  Nhưng tất cả các cơ quan báo chí, truyền thông, hệ thống Internet tại quốc gia này vẫn tiếp tục trong suốt thời gian gần hai năm đó!!  Đời sống quốc gia, sinh hoạt hằng ngày của người dân, các phương tiện giao thông, chuyên chở công cộng vẫn tiếp tục trong vòng trật tự cho thấy tầm quan trọng của dân trí và ý thức trách nhiệm của người công dân Vương Quốc Bỉ.

Tuy tự do ngôn luận và tự do báo chí có một vị thế quan trọng như vậy trong đời sống con người, quyền tự do này lại không phải là một quyền sở hữu, gắn liền với con người như con người có tay và chân cùng các bộ phận khác!  Tự do ngôn luận quan trọng vì con người là một con vật xã hội.  Khi chúng ta sống một mình cô quạnh như Robinson Crusoe trên một hoang đảo chơi vơi giữa biển cả mênh mông xung quanh không có gì khác hơn là một cây dừa lẻ loi thì quyền tự do ngôn luận không cần thiết phải đặt ra.

Theo cuộc kiểm kê dân số vào năm 2010 thì dân số Minnesota hơn 5,300,000 triệu người mà trong đó dân số người Việt có hơn 27,000 người, đứng hạng thứ 13 về dân số người Việt so với toàn quốc.  Twin Cities, mà tôi thấy có quý vị địa phương dịch là Song Thành có dân số gần 2,500 người ở St.Paul và 2,000 người ở Minneapolis.  Dẫu tỷ lệ dân số nhỏ so với dân số toàn tiểu bang, báo Việt ngữ vẫn là một nhu cầu cần thiết vừa để thông tin, vừa làm nhịp cầu liên lạc giữa cộng đồng người Việt, đồng thời nhằm nuôi dưỡng tiếng Việt, vốn là một nét đặc thù của văn hoá Việt Nam.

Tự Do Ngôn Luận và Tự Do Báo Chí được xem là đệ tứ quyền trong hệ thống luật pháp Hoa Kỳ, sau quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.  Tuy gọi là đệ tứ quyền nhưng tự do ngôn luận, tự do báo chí lại không được quy định trong 7 điều khoản chính của Hiến Pháp.  Thực vậy tự do ngôn luận, tự do báo chí được quy định trong nửa phần thứ hai của Tu Chính Án Thứ Nhất của Hiến Pháp Hoa Kỳ:
“Congress shall make no law…abridging the freedom of speech, or of the press…”  “Quốc Hội sẽ không làm luật…hạn chế tự do ngôn luận, hay tự do báo chí”

Chúng ta cần lưu ý đến kỹ thuật thảo hiến điêu luyện của những nhà lập hiến Hoa Kỳ mà các tài liệu lịch sử đều nhắc đến họ như là: the Framers of the Constitution, những con người đã gầy dựng nên nền móng khuôn khổ của Hiến Pháp.  Phần lớn các bản Hiến Pháp của các quốc gia trên thế giới đều viết đại loại như: Quốc Gia công nhận quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí.  Hay: Công Dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền được thông tin theo qui định của pháp luật như điều 70 trong Hiến Pháp 1992 của Cộng Sản Việt Nam.  Tu Chính Án thứ nhất của Hiến Pháp Hoa Kỳ qui định một cách rõ ràng và vắn tắt: Quốc Hội sẽ không làm luật…hạn chế tự do ngôn luận, và tự do báo chí.

Kỹ thuật thảo hiến của các nhà lập hiến Hoa Kỳ 225 năm trước đây đưa đến hai hệ quả song hành: thứ nhất, xác nhận ý chí của nhà lập hiến không cho cơ quan lập pháp, nghĩa là Quốc Hội Liên Bang, quyền làm luật hạn chế tự do ngôn luận, tự do báo chí.  Thứ hai, đặt nguyên tắc căn bản cho việc giải thích tính cách hợp hiến đối với những văn kiện luật pháp hay lập qui, cho dầu trực tiếp hay gián tiếp liên quan đến tự do ngôn luận, tự do báo chí.

Hệ thống công quyền của Hoa Kỳ được đặt trên nguyên tắc căn bản checks and balances, kiểm soát và cân bằng.  Cả ba ngành luật pháp, hành pháp, tư pháp đều có mối liên hệ hỗ tương, ngành này kiểm soát ngành kia.  Thí dụ Lập Pháp có quyền làm luật, biểu quyết ngân sách, phê chuẩn các hiệp ước quốc tế.

Hành Pháp có quyền đề nghị các dự luật, phủ quyết các đạo luật do lập pháp biểu quyết.  Tư Pháp có quyền giải thích Hiến Pháp, tuyên bố tính cách hợp hiến hay không của các đạo luật của ngành lập pháp.

Nhưng còn tự do ngôn luận, tự do báo chí vốn được xem như là đệ tứ quyền thì sao?  Ngoài điều khoản công nhận tự do ngôn luận và tự do báo chí trong Tu Chính Án Thứ Nhất, không có một giới hạn hiến định nào khác được trù liệu để giới hạn hay kiểm soát quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí.

Một sử gia Anh Quốc, Lord Acton, trong thế kỷ 19 đã từng nói:”Power tends to corrupt, and absolute power corrupts absolutely”.  Quyền hạn dễ đưa đến lạm dụng, và quyền hạn tuyệt đối sẽ đưa đến lạm dụng tuyệt đối.

Quyền lực, hay quyền hành, tự bản chất thực ra không hẳn đối ngịch với đời sống dân chủ.  Vấn đề là làm sao để điều hành quyền lực như thế nào cho phù hợp với sinh hoạt dân chủ.  Chúng ta đã thấy các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp được giới hạn và kiểm soát hỗ tương như thế nào.  Trong lãnh vực tư, chúng ta cũng thấy mối tương quan hỗ tương giữa các công ty sản xuất và nghiệp đoàn nhân công, và những giới hạn của cả hai bên bởi luật pháp và các cơ quan hành chánh.  Nhưng còn tự do ngôn luận, tự do báo chí được công nhận trong Tu Chính Án Thứ Nhất thì sao?

Ai cũng đồng ý tự do báo chí là điều cần thiết cho tự do chính trị, và nơi đâu mà con người không được chuyển đạt, bày tỏ tư tưởng giữa con người với con người, nơi đó không có tự do.  Nhưng nếu tự do này bị lạm dụng thì sao?  Và phải chăng tự do bị lạm dụng sẽ đưa đến sự hủy diệt của tự do?  Nhưng câu hỏi trên chính là vấn đề khó xử khi thảo luận về tự do ngôn luận, tự do báo chí.  Và đâu là ranh giới phân biệt giữa những điều có thể chấp nhận và những điều không chấp nhận được mỗi khi hành xử quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí.

Không ai có thể nghĩ rằng qua Tu Chính Án Thứ Nhất, những nhà thảo hiến có thể chủ trương rằng tất cả mọi người dân đều có quyền tự do phát biểu không giới hạn về bất cứ vấn đề gì theo ý muốn, bất cứ ở đâu và bất cứ vào lúc nào.  Thí dụ, khai gian trước toà hay phổ biến tài liệu khích dục có được bảo vệ như là một phần của tự do ngôn luận hay không?  Thí dụ viết bài đặt điều nói xấu người khác, phỉ báng (libel) hay phát biểu nói xấu gây thiệt hại cho người khác (mạ lỵ, slander) có phải là tự do ngôn luận được Tu Chính Án Thứ Nhất bảo vệ hay không?

Khi giải thích những vấn đề liên quan đến tự do ngôn luận và tự do báo chí, án lệ Toà Án thường đối chiếu quyền tự do ngôn luận với những quyền khác cần được bảo vệ trong một xã hội tự do dân chủ.  Đó là những quyền như quyền được sống an toàn, quyền được bảo vệ trong đời sống riêng tư, quyền của những người khác trong một xã hội mà mọi người đều có quyền được đối xử bình đẳng.  Khi mang đối chiếu với các quyền lợi khác, Toà Án thường đặt quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí vào một điạ vị ưu tiên, preferred position vì đây là hai quyền tự do căn bản cho đời sống dân chủ.  Đặc biệt toà án có khuynh hướng bảo vệ tự do ngôn luận trong lãnh vực các phát biểu về những vấn đề chính trị.

Trong lãnh vực này, phán quyết của Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ trong vụ án New York Times v. Sullivan (1964) là một án lệ căn bản trong lãnh vực tự do báo chí.  Trong phán quyết này, Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ đã phán rằng giới chức chính quyền phải chứng minh là người chủ nhiệm hay chủ bút tờ báo đăng bài chỉ trích phải biết là điều chỉ trích không đúng với sự thật và người chủ nhiệm có ác ý (malice) khi đăng bài báo chỉ trích.  Trách nhiệm dẫn chứng (burden of proof) này đặt một tiêu chuẩn quá cao khó cho các nguyên đơn có thể đạt được.  Từ tiêu chuẩn áp dụng cho các giới chức chính quyền (government officials) lý luận của án lệ Sullivan đã dần dà nới rộng cho những người tuy không phải là giới chức chính quyền nhưng vì điạ vị và hoạt động của họ, được xem như là những khuôn mặt công cộng (public figures).

Ngoài tiêu chuẩn “preferred position”, vị trí ưu tiên, Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ còn áp dụng 4 tiêu chuẩn khác cần phải chứng minh trước khi một đạo luật giới hạn tự do ngôn luận được công nhận là hợp hiến.

Tiêu chuẩn thứ nhất, luật giới hạn tự do ngôn luận phải không là một luật nhằm mục đích ngăn chận trước, prior restraint.  Điều này nhằm tránh tình trạng kiểm duyệt và tiêu chuẩn này được xem như là trách nhiệm dẫn chứng khó khăn nhất trong phạm vi luật pháp.

Thứ hai, luật giới hạn tự do ngôn luận, tự do báo chí phải có nội dung vô tư, neutral.  Thí dụ, nếu một thành phố ra quyết định cấm dán giấy quảng cáo trên các cột đèn, thì quyết định này phải nhằm cho tất cả các quảng cáo, không phải cho một loại quảng cáo nào đặc biệt.

Thứ ba, điều giới hạn phải không quá bao quát, too vague, khiến cho ai cũng ngần ngại.  Một đạo luật như vậy sẽ có thể gây một tác dụng mà án lệ gọi là chilling effect sẽ làm tất cả mọi người ngần ngại, chùn bước không dám hành xử quyền tự do ngôn luận.

Tiêu chuẩn thứ tư là khi một đạo luật hay một nghị định đi quá xa trong mức giới hạn tự do ngôn luận thì đạo luật hay nghị định có thể bị xem là bất hợp hiến.  Thí dụ tất cả mọi người đều có thể đồng ý là trật tự và an toàn lưu thông là cần thiết cho ích lợi chung.  Nhưng khi một thành phố quyết định cấm hết tất cả mọi cuộc diễn hành hay biểu tình trên đường phố thì quyết định hành chánh này có thể bị xem là bất hợp pháp.  Thành phố có thể giới hạn cuộc diễn hành vào một thời gian và trên một số đường phố thì giới hạn này có thể được xem là không vi phạm quyền tự do ngôn luận.

Những tiến bộ trong kỹ thuật thông tin ngày nay, đặc biệt là Internet, cho thấy những khó khăn mà Toà Án gặp phải khi phân biệt thế nào là tự do ngôn luận khả chấp và tự do ngôn luận bất khả chấp.  Khi Tu Chính Án Thứ Nhất ra đời 221 năm trưoóc đây nào đâu đã có Internet!!  Ngày nay qua Internet, hệ thống liên mạng, tất cả mọi công dân bình thường đều có thể nhận được vô vàn tin tức trong đủ mọi lãnh vực và liên lạc hầu như ngay tức khắc với một số người hầu như không giới hạn mà không cần phải rời nhà của mình.  Trong số lượng những tin tức thông tin này có cả những tài liệu, hình ảnh khiêu dâm, bạo hành rất có hại cho trẻ em.  Năm 1995, Quốc Hội liên bang đã biểu quyết đạo luật Communications Decency Act, gọi tắt là CDA, xem việc xử dụng Internet để chuyển các tài liệu “indecent material”, xúc phạm công sĩ, là tội hình sự có thể bị phạt 2 năm tù và phạt vạ $250,000 Mỹ kim cho mỗi vi phạm.

Đạo luật CDA đã bị Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ tuyên bố bất hợp hiến trong phán quyết Reno v. ACLU (American Civil Liberties Union), 521 U.S.844 ((1997).  Phán quyết này được biểu quyết thuận bởi tất cả 9 thẩm phán Tối Cao Pháp Viện, với thẩm phán John Paul Stevens là tác giả thảo ra phán quyết.  Reno v. ACLU là phán quyết quan trọng đầu tiên của Tối Cao Pháp Viện đối với những luật lệ quy định cách thức và nội dung các tài liệu gửi qua trên hệ thống Internet.  Trong phán quyết này, TCPV đã phán đạo luật CDA bất hợp hiến vì đã không tôn trọng các tiêu chuẩn quá mơ hồ (too vague), nội dung không khách quan (content not neutral), vì đã gộp chung tài liệu khiêu dâm với những tài liệu thuộc loại khác dưới một danh xưng quá rộng “indicent material”, và sau cùng đã không tìm những biện pháp ít cực đoan hơn nhằm bảo vệ các trẻ em không được xem các tài liệu khiêu dâm.

Mặc dầu có phán quyết Reno v. ACLU, án lệ về tự do ngôn luận trong lãnh vực Internet vẫn chưa rõ ràng và TCPV và các toà án còn nằm ở giai đoạn dò dẫm trong lãnh vực mới mẻ này.

Nói chung, luật lệ giới hạn quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí có thể được xếp vào 3 loại: giới hạn về nội dung, content restriction, giới hạn về nơi chốn, place restriction, và tự do ngôn luận có tính chất biểu tượng, symbolic speech.  Cộng thêm vào đó là loại phát biểu gây nên mối nguy hiểm rõ ràng và tức khắc, clear and present danger.  Thí dụ giới hạn về nội dung là những tài liệu khiêu dâm.  Giới hạn vì lời phát biểu có thể gây nên mối nguy cơ rõ ràng và tức khắc là trường hợp trong một rạp hát đông nghẹt có một người đứng lên hô to “cháy, cháy” tạo nên hỗn loạn.  Giới hạn về biểu tượng, symbolic speech, như khi chống chiến tranh bằng cách đốt thẻ động viên.  US v. O’Brien, 391 U.S.367 (1968) là một phán quyết liên quan đến phong trào phản chiến.  Trong phán quyết này, Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ phán rằng hành vi đốt thẻ động viên không phải là một hành vi có tính cách tự do ngôn luận được bảo vệ bởi Tu Chính Án Thứ Nhất.

Các mục quảng cáo trên báo chí, truyền hình, đài phát thanh được xếp chung vào loại commercial speech.  So với political speech được luật pháp bảo vệ nhiều thì commercial speech được bảo vệ ít hơn.   Nói thế không có nghĩa là các mục quảng cáo không được Tu Chính Án Thứ Nhất bảo vệ.  Nhưng nếu quảng cáo sai lạc, thổi phồng quá đáng, gây nên thiệt hại cho người tiêu thụ thì lại là vấn đề khác.

Bài nói chuyện của tôi sẽ thiếu sót nếu tôi không đề cập đến tự do ngôn luận trong công tư sở, hãng xưởng.  Đa số chúng ta thường hay nói: tôi có quyền tự do của tôi khi phát biểu về vấn đề gì.  Điều này đúng nhưng không đúng cho nơi làm việc, work place.  Nguyên tắc chung là quyền tự do ngôn luận rất giới hạn tại nơi làm việc, nhất là khi nơi làm việc là một hãng xưởng hay công ty tư, không phải công sở.   Mục đích của chủ nhân thâu nhận chúng ta vào làm việc là để làm việc, không phải để xử dụng tự do ngôn luận.  Tu Chính Án Thứ Nhất quy định: Quốc Hội không làm luật … hạn chế tự do ngôn luận, tự do báo chí.  Tu Chính Án này không hề quy định là chủ nhân không được sa thải một nhân viên khi nhân viên này nói quá nhiều, không chịu làm việc!

Tôi vừa trình bày cùng quý vị về tự do ngôn luận và tự do báo chí dưới khía cạnh hiến pháp, luật pháp, trong đời sống quốc gia.  Bây giờ chúng ta thử xét vấn đề trong đời sống cộng đồng.  Cộng đồng đây là Cộng Đồng người Việt tại Hoa Kỳ, không phải là cộng đồng người Việt tại Twin Cities Song Thành ở đây.

Theo cuộc kiểm tra dân số thực hiện năm 2010 vừa qua thì dân số người Việt tại Hoa Kỳ là 1,548,449 người, xếp hạng thứ tư trong dân số người Á Châu.  Bốn thành phố có người Việt đông nhất là San Jose, Garden Grove, Westminster và Houston.

Tôi sẽ đơn cử 4 trường hợp liên quan đến quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí trong đời sống cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ.  Bốn trường hợp này đều xảy ra tại 4 thành phố nói trên.

Trường hợp đầu tiên là trường hợp tờ Thời Báo xuất bản ở San Jose, California.  Vào khoảng đầu năm 1984, tờ Viêtnam, nhật báo đầu tiên của người Việt tại hải ngoại ra đời.  Sau đó, người chủ báo tách ra làm tờ Thời Báo, phát hành 5 số một tuần, số báo ra cuối tuần có trên 80 trang.  Năm 1986, số Xuân Thời Báo đăng hai bài phỏng vấn xếp cạnh bên nhau, một bài phỏng vấn thẩm phán Phan Quang Tuệ, một người quốc gia, một bài phỏng vấn Nguyễn Xuân Phong, lãnh sự Cộng Sản tại San Francisco.  Ngay lập tức có phản ứng chống đối tờ Thời Báo vì đã đăng bài phỏng vấn viên lãnh sự Cộng Sản.  Các người chống đối tổ chức biểu tình 86 lần, kéo dài hơn 100 ngày.  Ngày ngày họ kéo đến trước toà soạn tờ Thời Báo chửi rủa.  Họ điện thoại đến toà báo chửi rủa.  Họ làm áp lực với các thân chủ quảng cáo trên tờ Thời Báo chấm dứt quảng cáo.  Họ đòi hỏi tờ báo phải công bố tên người ký giả đã phỏng vấn trực tiếp 2 nhân vật cho hai bài phỏng vấn.  Tờ Thời Báo cho tới nay vẫn còn tồn tại nhưng không còn mạnh mẽ như trước.

Vụ thứ hai xảy ra gần đây tại Houston, Texas.  Luật sư Hoàng Duy Hùng nộp đơn kiện cựu Đại Tá Trương Như Phùng đã phỉ báng ông qua những lời tố cáo LS Hùng đã thụt két công quỹ Fema, đã liên lạc với Toà Lãnh Sự Việt Nam tại Houston và đã làm ăn với Việt  Cộng.  Tin mới nhất cho biết vụ kiện đã được Toà Án bãi nại chiếu theo đạo luật Anti-Slap.  Anti-Slap là một đạo luật ở Texas và ở 26 tiểu bang khác cộng với vùng Hoa Thịnh Đốn nhằm mục đích giảm thiểu các vụ kiện về phỉ báng, mạ lỵ giữa các người tố cáo và các nhân vật có khuôn mặt công chúng (public figure).

Trường hợp thứ ba lại cũng xảy ra ở San Jose.  Tháng Sáu vừa qua một số người đứng ra tổ chức mời ông Bùi Tín, cựu Đại Tá Cộng Sản, đã ly khai đảng Cộng Sản và từ năm 1990 là một nhà báo sống tại Paris, đến nói chuyện.  Một số người Việt tổ chức biểu tình phản đối.  Xem cuộc biểu tình trên YouTube, còn thấy một người đi dự buổi nói chuyện bị một người biểu tình nhổ nước miếng vào mặt.

Trường hợp thứ tư là trường hợp mới nhất xẩy ra tại quận Cam vào đầu tháng 7 này.  Báo Người Việt phát hành tại Westminster, đăng một lá thư của một độc giả đã viết “..ngày 30 tháng 4 là ngày vui mừng của dân tộc và Việt Nam Cộng Hoà là bè lũ tay sai của giặc Mỹ”!  Lập tức có phản ứng ngay từ các cá nhân, hội đoàn, và ngay cả các báo khác.  Chủ nhiệm của báo Người Việt quận Cam có thư xin lỗi ngay trên trang đầu, công nhận “đã phạm lỗi nặng nề nên xin lỗi toàn thể cộng đồng”.  Thư xin lỗi cho biết tờ báo đã điều tra và cho nhân viên phụ trách chọn đăng bức thư độc giả nghỉ việc.  Ban Điều Hành báo Người Việt Westminster đã tổ chức một cuộc tiếp xúc giữa Ban Điều Hành và đại diện cộng đồng để trình bày những biện pháp kỷ luật mà tờ bào đã áp dụng với những nhân viên trách nhiệm trong việc đăng lá thư nói trên.
Khi các nhà thảo hiến soạn thảo Tu Chính Án Thứ Nhất vào năm 1791, hơn 200 năm trước đây, họ nhằm bảo vệ quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của người công dân đối với với nhà cầm quyền.  Tu Chính Án nhằm đến chính quyền và quy định: Quốc Hội sẽ không làm luật hạn chế tự do ngôn luận và tự do báo chí.  Các nhà thảo hiến đã xem chính quyền là nguồn gốc chính đe dọa quyền tự do báo chí.

Trong 4 trường hợp đơn cử, không có một trường hợp nào có sự can thiệp của chính quyền, dẫu cho là cấp liên bang, tiểu bang, quận hạt, hay thị xã, để giới hạn tự do ngôn luận, tự do báo chí của cộng đồng người Việt.  Không ai phủ nhận là cộng đồng người Việt được hưởng hoàn toàn và được Tu Chính Án Thứ Nhất bảo vệ hoàn toàn trong việc xử dụng quyền tự do ngôn luận.  Vấn đề là có những cá nhân và tổ chức trong cộng đồng muốn xử dụng tự do ngôn luận của họ để dập tắt tự do ngôn luận của những ai không đồng chính kiến với họ.  Đăng một bài phỏng vấn hay một lá thư có thể gây phẫn nộ cho độc giả.  Sự phẫn nộ có thể được chia xẻ bởi rất nhiều người, và được xem là một sự phẫn nộ chính đáng.  Câu hỏi cần được đặt ra là đây có phải là lý do chính đáng để kêu gọi tẩy chay tờ báo, làm áp lực đóng cửa toà báo.  Và chúng ta có muốn tiếp tục theo con đường và áp dụng những biện pháp tương tự cho đến khi tất cả chúng ta chỉ còn những tờ báo đồng một tiếng nói, một luận điệu, một ngôn ngữ với một lời cảnh cáo: ai nói khác sẽ bị tận diệt!

Và nếu như thế thì lợi ích và mục tiêu chính đáng của Tu Chính Án Thứ Nhất có còn cần thiết nữa hay không?

Ngày 3 tháng 5 năm 2012 vừa qua, Liên Hiệp Quốc đã tổ chức mừng ngày Tự Do Báo Chí Thế Giới.  Ông Ban Ki-moon, Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc và bà Irina Bokova, Giám Đốc UNESCO đã ra một tuyên bố chung có đoạn như sau: Freedom of Expression is one of our most precious rights.  It underpins every other freedom and provides a foundation for human dignity.  Free, pluralistic and independent media is essential for its exercise. Tự do ngôn luận là một trong những quyền quý báu nhất của chúng ta.  Nó là căn bản cho các quyền tự do khác và đặt nền móng cho phẩm cách của con người.  Tự do, đa dạng và độc lập của báo chí là điều tối cần thiết cho việc thực thi quyền tự do ngôn luận.

Tôi xin mượn đoạn trên trong bản tuyên bố chung làm kết luận cho bài nói chuyện hôm nay.

Xin cám ơn quý vị!

(Thẩm-phán Phan Quang Tuệ tốt nghiệp Trường Luật Sài Gòn năm 1965, lấy bằng Tiến-sĩ Luật-khoa tại Trường Luật Viện Đại-học Drake vào năm 1985.Trước đó, từ năm 1986 đến 1988, ông là Thẩm-phán về Luật Hành-chánh rồi Phụ-tá Bộ-trưởng Tư pháp Tiểu-bang Iowa ở thủ-phủ Des Moines, Iowa. Đến năm 1995 ông được bà Tổng-trưởng Tư pháp Janet Reno chỉ-định làm Thẩm-phán Di Dân.  Ông là thẩm-phán gốc Việt đầu tiên được cử vào chức-vụ này. Thân phụ ông là Phó Thủ Tướng Phan Quang Đán; trước 1975 ông là Trung Úy của Quân Lực Việt Nam Cọng Hòa. Ông có một người em phi công bị mất tích trong một phi vụ ở Cam Lộ miền trung VN.)
“Trận chiến” trên Diễn Ðàn Đỗ Thái Nhiên
Thống nhất trong đa dạng
Trên mục diễn đàn của báo Người Việt số ra ngày Chủ Nhật 08 tháng 7, 2012 đột nhiên xuất hiện một bài viết ký tên Sơn Hào. Bài này hết lời ca tụng biến cố 30 tháng 4, 1975 bằng ngôn ngữ ấu trĩ, thô thiển, bóp méo sự thực của lịch sử.

Lập tức trận chiến bùng nổ: Bên này là đông đảo độc giả yêu nước, yêu lẽ phải, căm ghét chế độ bạo quyền Cộng Sản. Bên kia là Ban Lãnh Ðạo báo Người Việt. Thay vì đấm đá lẫn nhau, trận chiến vừa kể diễn ra hết sức đặc biệt: Ðộc giả tấn công Người Việt bằng nhiều lời tiếng khác biệt: Khi thân tình, khi căm ghét; khi khuyên lơn, khi mắng mỏ, khi văn vẻ, khi cộc cằn; khi nhẹ nhàng độ lượng, khi “căm thù muôn năm”…

Ngược lại, Ban Lãnh Ðạo báo Người Việt đã đáp lễ độc giả qua cung cách tôn kính không thể tôn kính hơn, chân thành không thể chân thành hơn. Tất cả những tôn kính và chân thành kia chỉ để phát âm thật rõ ràng hai chữ: “Xin Lỗi”.

Người-Việt-Nam-không-chấp-nhận-Cộng-Sản đang đấu tranh cho dân chủ đa nguyên. Ða nguyên là đa ý kiến, đa tư tưởng… Tuy nhiên đa nguyên rất dễ bị rơi vào tệ trạng đa ốc đảo, tệ trạng quần chúng cấu xé lẫn nhau, xã hội rối loạn, đất nước chia năm xẻ bảy…

Làm thế nào xã hội vừa tôn trọng đa nguyên vừa có khả năng tiến tới đồng thuận để hợp tác và phát triển? Muốn vậy, sinh hoạt dân chủ đa nguyên cần diễn ra trên nền tảng lương hảo. Ða nguyên không là sân chơi bình đẳng giữa thiện và ác. Ða nguyên không chấp nhận kẻ gian manh trà trộn vào đám dân lành để đục phá xã hội. Muốn vậy đa nguyên phải loại bỏ ngay từ đầu, loại bỏ dứt khoát những nguyên của ung thối, nguyên của trộm cắp tham ô, nguyên của các tội ác hình sự, nguyên chống dân chủ nhân quyền, nguyên Cộng Sản độc tài phản quốc… Người phụ trách mục Diễn Ðàn của báo Người Việt đã hiểu sai ý nghĩa của đa nguyên trong dân-chủ-đa-nguyên nên đã cho phép tội ác 30 tháng 4, 1975 được tự do nhảy múa trên sân khấu dân chủ đa nguyên có tên gọi là “Diễn Ðàn Người Việt”.

Ðây là điều lỗi hiển nhiên của báo Người Việt. Ðây là nguyên nhân trọng tâm dẫn đến sự việc được gọi là Trận Chiến Trên Diễn Ðàn.

Nhận biết điều lỗi của mình, ngày 13 tháng 7, 2012 Ban Lãnh Ðạo Báo Người Việt đã tổ chức một buổi gặp gỡ các hội đoàn trong cộng đồng Việt Nam cùng cơ quan truyền thông Việt ngữ để công bố Thư Xin Lỗi Cộng Ðồng về vụ việc tạm gọi là “hồ sơ Sơn Hào 8 tháng 7, 2012”. Một người dầu khó tánh tới đâu cũng không thể phủ nhận tính chất mở cửa, chân thành, tích cực và tôn kính của báo Người Việt trong hành động xin lỗi vừa kể. Ðón nhận lời xin lỗi kia, Ðộc Giả của Người Việt nghĩ gì? Thưa rằng có ba suy nghĩ đáng quan tâm:

1. Ban Biên Tập Báo Người Việt bao gồm những cây bút thượng thặng, chuyên nghiệp và dồi dào kinh nghiệm báo chí. Nếu báo Người Việt tri tình tuyên truyền cho Cộng Sản thì họ có thừa khôn ngoan để KHÔNG sử dụng kiểu viết của Sơn Hào, một kiểu viết của kẻ tâm thần không bình thường, viết chỉ để gây phản tác dụng. Như vậy lỗi của báo Người Việt là lỗi không tri tình.

2. Báo Người Việt không tri tình phạm lỗi. Báo Người Việt không hề vi phạm luật pháp Hoa Kỳ thông qua hồ sơ Sơn Hào. Vì vậy cung cách xin lỗi của Người Việt đối với đồng hương hoàn toàn không do áp lực từ lưỡi kiếm trên tay của Thần Công Lý. Trung tâm của cung cách ứng xử kia chính là quả tim hồng mà báo Người Việt kính tặng đồng hương Việt Nam. Người làm báo, người viết báo hay người đọc báo, tất cả chúng ta đều xuất thân từ thân phận u ám xoáy tim óc của những người tị nạn Cộng Sản Việt Nam.

3. Như đã trình bày ở trên, muốn xã hội dân chủ đa nguyên tiến tới đồng thuận và hợp tác phát triển thì đa nguyên phải lấy dân chủ nhân quyền làm điểm đồng qui, đồng thời phải loại bỏ những nguyên chống dân chủ nhân quyền. Tiến tới điểm đồng qui dân chủ nhân quyền phải là đồng tiến. Phải nhìn nhận lẫn nhau để đồng tiến. Nhìn nhận và đồng tiến mà bài viết này muốn đề cập tới rõ ràng là sự chấp nhận thư xin lỗi của báo Người Việt để báo Người Việt và Ðồng Hương Việt Nam tiếp tục sinh hoạt dân chủ đa nguyên trong quyết tâm loại bỏ những nguyên độc tài tham ô kiểu CSVN.

© Đỗ Thái Nhiên

© Đàn Chim Việt


-- Tờ Người Việt sợ biểu tình? (BBC). - Ba thao tác giúp báo Người Việt triệt để sửa sai (pro&contra). - Lê Diễn Đức: Người Việt không thể hoà hợp hoà giải mà cần một khẩu hiệu khác (RFA’s blog).- Trò chuyện với nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Phan về những “hũ mắm thúi” của cựu thiếu tá cảnh sát Liên Thành ở Mỹ (Quê Choa). - Những lá thư của binh sĩ Mỹ thiệt mạng ở Việt Nam trở về nhà sau 40 năm (VOA). – Cựu binh Úc tìm mộ liệt sĩ VN (PLTP). - Chuyện mộ chôn hàng vạn quân Minh giữa cánh đồng Mồ (Công Lý). - Quảng Trị mùa hè 1972 (I) – (Vương Trí Nhàn).
- Hồi ức ghê rợn của lính Pháp về cuộc xâm lược An Nam (ĐV).
-Báo trong nước xen vào chuyện báo của người Việt ở Mỹ:
Nhà báo Etcetera Nguyễn - Tổng thư ký báo Việt Weekly (quận Cam, bang California, Hoa Kỳ): Cần đối thoại để hòa giải dân tộc (ĐĐK 17-7-12) --

-Người Việt không thể hoà hợp hoà giải mà cần một khẩu hiệu khác
-Lê Diễn Đức
Tôi thường dị ứng với câu "Hãy quên đi quá khứ, nhìn về tương lai".
Làm sao một con người có thể quên được quá khứ của mình.
Khi về già ai cũng nghĩ đến những ký ức của thời tuổi trẻ.
Khi sống đầy đủ, hạnh phúc con người có thiên hướng nhớ lại những thời điểm khó khăn, đau khổ, hiểm nguy và bất hạnh đã trải qua.
Quá khứ luôn hiện hữu ở trong ta, là kho lưu trữ tư liệu đời sống phong phú nhất và tốt nhất cho những quyết định trong lộ tình kế tiếp của mỗi nhân sinh.
Victor Hugo (1802-1885), nhà văn Pháp nổi tiếng, một trí thức dấn thân tiêu biểu của thế kỷ 19, đã nhận định:
"Lịch sử là gì? Là tiếng vọng của quá khứ phản ánh tương lai. Là sự phản ánh của tương lai ném vào quá khứ".
Leszek Kolakowski (1927-2009), triết gia Ba Lan, một trong số ít các triết gia của Đông Âu giành được sự thừa nhận ở đỉnh cao tri thức ở châu Âu và thế giới, nói:
"Có vẻ như quá khứ là sở hữu của chúng ta. Nhưng trái lại - chúng ta mới là sở hữu của nó, bởi vì chúng ta không có khả năng thay đổi nó, ngược lại nó chứa đầy toàn bộ sự tồn tại của chúng ta".
Vì thế, có thể đừng để sức nặng của quá khứ đè lên vai, hoặc làm chúng ta mất khôn ngoan, sáng suốt khi bước vào tương lai, nhưng quên thì nhất định không.
Tôi tin có nhiều người giống tôi. Rằng, nếu một kẻ nào đó đã cướp đoạt tài sản của tôi, giết hại người trong gia đình tôi, đẩy tôi vào sự khốn cùng, phải đối diện hiểm nguy để đi tìm kế mưu sinh ở xứ khác, thì tôi sẽ thù hận kẻ đó suốt đời, và khi có cơ hội tôi sẽ trả thù.
Sự trả thù không đồng nghĩa với việc lấy ác trả ác, nợ máu phải trả bằng máu, mà có rất nhiều cách có tình, có lý khác nhau.
Có thể tôi sẽ tạo điều kiện cho kẻ đó sám hối trong day dứt khốn khổ của lương tâm để hoàn lương, trở về với xã hội trong một con người lương thiện, tử tế.
Có thể tôi sẽ đưa kẻ đó ra trước công lý để xác định rõ tội ác mà y gây ra và một nền pháp lý công bằng, dân chủ sẽ trừng phạt y theo đúng theo các tiêu chuẩn nhân đạo.
Khi quá khứ chưa được thanh toán sòng phẳng thì luơng tâm con người rất khó thanh thản.
Tôi quan niệm rằng, không thể tha thứ cho tội phạm và tội ác giết người không bao giờ hết thời hiệu.
Tôi có thể cư xử với kẻ gây tội ác bằng thái độ hiểu biết, bao dung và văn minh, nhưng tha thứ thì tuyệt đối không.
Chính vì lẽ đó những khẩu hiệu của Đảng Cộng Sản Việt Nam (ĐCSVN) và của nhiều tổ chức chính trị, phong trào xã hội của người Việt rằng, chiến tranh đã trôi qua mấy chục năm, hãy quên đi quá khứ, nhìn về tương lai, hoà hợp hoà giải dân tộc, đoàn kết xây dựng đất nước, là sáo rỗng, không thực tế.
ĐCSVN đã gây nhiều tội ác, hành xử tàn nhẫn với quy mô và mức độ lớn đối với hàng trăm ngàn quân dân cán chính của thể chế Việt Nam Cộng Hoà và dân chúng miền Nam sau 1975, làm tan nát lòng người, tạo ra hận thù chia rẽ chồng chất, và hiện vẫn tiếp tục gây tội ác với nhân dân trong nước.
Ở đây khoan đề cập và bàn luận về những tội ác khác trong các hồ sơ Cải Cách Ruộng đất, Nhân văn - Giai Phẩm, Thảm sát Mậu Thân 1968 tại Huế, và chiến dịch đàn áp thô bạo những người bất đồng chính kiến và yêu nước chống Trung Quốc trong giai đoạn gần đây.
Gần 40 năm chiến tranh trôi qua. Đúng thế. Nhưng kẻ cướp kia vẫn ngông nghênh, hãnh tiến. Truớc tội ác y vẫn trâng tráo khẳng định mình "làm đúng" và "bình tĩnh" - giống như lời của tên trung tá công an Hà Nội Nguyễn Văn Ninh, kẻ đã dã man đánh chết ông Trịnh Xuân Tùng, trong phiên toà ngày 17/7/2012 vừa qua.
Gần 40 năm chiến tranh trôi qua, đã chưa hề có một chút ăn ăn, một lời xin lỗi nào từ phía ĐCSVN, chí ít vì sai lầm lịch sử không thể nào chấp nhận trong đối nhân xử thế với đồng bào ruột thịt của mình!
Vậy hỏi nạn nhân làm sao có thể quên đi quá khứ?
Những ai khuyên nạn nhân quên đi lúc này nên nhanh chóng được đưa vào nhà thương điên!
Và càng trớ trêu, trơ tráo hơn khi chính tên kẻ cướp ấy kêu gọi nạn nhân quên đi quá khứ!
Phiên toà ngày 17/7/2012 không gì khác hơn là hình ảnh sắc nét thu nhỏ của một nhà nước bất nhân, một hệ thống chính trị độc quyền đang lũng đoạn mọi kỷ cương xã hội, mục rữa vì tham nhũng, làm kiệt quệ đất nước từ tiềm lực đến các giá trị đạo đức, nhân văn.
Những tên quan toà không gì khác hơn là hình ảnh sắc nét thu nhỏ của một tập đoàn cai trị ngồi xổm lên công lý và bình đẳng xã hội. Là những đại diện tiêu biểu của hệ thống mà trong đó đám quân vô chính phủ mặc sức tung tác, tiếp tay cho các Ác lộng hành, cái Thiện bị vùi dập.
Hãy tưởng tượng những tên quan toà này gặp cô Trịnh Kim Tiến và gia đình của nạn nhân, vỗ vai nói thôi nhé, hãy quên đi quá khứ đau thương để nhìn về tương lai, cùng đoàn kết xung quanh ĐCSVN xây dựng đất nước!!!!
Làm sao có thể quên quá khứ và hoà hợp, hoà giải trong bối cảnh đầy ắp nghịch chướng và phi lý như thế!
Gần ba triệu người Việt dù buộc phải bỏ đất nước ra đi, không có bất kỳ thù hận nhỏ nào với gần 90 triệu đồng bào trong nước. Nếu còn, nếu có, thì phải xác định thật rõ ràng, cụ thể: họ chỉ thù hận bộ máy cai trị của ĐCSVN.
Bởi vì hàng năm vẫn có hàng trăm ngàn người Việt từ nước ngoài trở về thăm quê hương, hoà mình vào cuộc sống bình thường với tất cả mọi người từ Bắc chí Nam.
Suốt mấy chục năm nay, hàng năm họ vẫn gửi về nhiều tỷ đôla giúp đỡ thân nhân, gia đình và đầu tư làm ăn tại Việt Nam.
Ngoài ra, cần nhấn mạnh thêm rằng, khẩu hiệu "hoà hợp hoà giải dân tộc" không những bất khả thi với Việt Nam, mà với mọi dân tộc.
Trong xã hội loài người, ở đâu trên hành tinh này cũng tồn tại sự chia rẽ, đố kị, và những đối tượng quá khích, cực đoan trong cách sống và tư tưởng riêng của mình. Ở môi trường nào xã hội loài người cũng có những mâu thuẫn xung khắc không thể hoà hợp hoà giải, nhưng có thể chấp nhận nhau bằng thoả hiệp trên cơ sở tiêu chuẩn và nguyên tắc nào đó.
Chúng ta hay lấy người Hoa như là tấm gương để nói về sự tương trợ, đoàn kết. Nhưng nếu đọc tác phẩm "Người Trung Quốc xấu xí" của Bá Dương (đã được dịch giả Nguyễn Hồi Thủ chuyển sang Việt ngữ), thì người Hoa đâu có khá gì hơn người Việt. Họ có đủ mọi tính xấu xa mà chúng ta vẫn nói về bản thân.
Các dân tộc nhỏ trên Trung Hoa lục địa mênh mông vẫn mặc cảm bị coi thường, phân biệt đối xử bởi thái độ ngạo mạn, kẻ cả của người Hán và chính sách Hán hoá của nhà cầm quyền Bắc Kinh.
Người Đài Loan khi được hỏi "Are you Chinese?" thường trả lời "I'm from Taiwan". Hay ở Houston (Texas, Hoa Kỳ) có hiện tượng người Đài Loan và Hongkong không mua sắm hàng ở các siêu thị do di dân Trung Hoa lục địa làm chủ.
Mẫu hình thứ hai mà chúng ta ngộ nhận là dân tộc Do Thái. Tôi có người bạn thân, cựu giám đốc Cơ quan Thương mại Mỹ - Ba Lan tại Warsaw. Khi tôi khen người Do Thái đoàn kết nên nhà nước Israel mới tồn tại, phát triển và đứng vững trong một khu vực bị bao bọc toàn các quốc gia thù địch, đã bị ông bạn cười và nói tôi nhầm to. Ông ta giải thích người Do Thái có rất nhiều đạo phái, chia rẽ và đố kị nhau sâu sắc. Họ chỉ chung tay khi đất nước lâm nguy hoặc cần đến sự hỗ trợ vì lợi ích chung của dân tộc Do Thái.
Tương tự như người Ba Lan. Czesław Miłosz (30/6/1911 - 14/8/2004), nhà văn Ba Lan, Giải thưởng Nobel Văn học năm 1980, trong một số tác phẩm ông đã chế nhạo người Ba Lan, lòng yêu nước và tính anh hùng dân tộc của họ. Tuy nhiên ông vẫn được Quốc hội Ba Lan dân chủ tôn vinh (lấy năm 2011 làm "Năm Czesław Miłosz" nhân dịp 100 năm ngày sinh của ông).
Stefan Żeromski (1864-1925), một nhà văn lớn khác của Ba Lan đã viết: “Khu nhà tự thân nô lệ là Ba Lan, nơi các đảng phái sừng sộ với nhau và nền báo chí vu khống đưa ra các bản án”.
Người Ba Lan đã đoàn kết tranh đấu xoá bỏ chế độ cộng sản, nhưng ngay sau khi Ba Lan giành được tự do đã có hơn 1000 đảng ra tranh cử vào quốc hội dân chủ đầu tiên trong năm 1991, đến nay còn hơn 80 đảng phái và tổ chức chính trị hoạt động, cạnh tranh gay gắt, chỉ còn thiếu đánh nhau vỡ đầu. Nhưng đất nước Ba Lan suốt 23 năm qua ổn định, phát triển và cuộc sống ngày mỗi thịnh vượng hơn.
Vì thế, chúng ta nên dẹp bỏ tư duy "quên đi quá khứ, nhìn về tương lai", "hoà hợp hoà giải dân tộc" mà hướng về một mục tiêu khác: tạm (chỉ tạm thôi) gác lại khác biệt và quá khứ, cùng xắn tay áo tạo ra một sân chơi dân chủ, bình đẳng cho tất cả mọi người. Sân chơi này có luật nghiêm minh và trọng tài độc lập. Mỗi phần tử trong xã hội có thể vào sân tranh tài bình đẳng, quyết giành chiến thắng không khoan nhượng, nhưng "fair play" trong khuôn khổ các quy tắc được mọi bên đồng thuận.  
Sân chơi này chính là hệ thống chính trị dân chủ pháp trị, là xã hội dân sự trong đó ai có nhu cầu đều có thể tham gia vào quá trình quản lý và điều hành đất nước với điều kiện tôn trọng luật chơi của các định chế dân chủ - là những phương tiện bền vững kiểm soát mọi hoạt động của nhà nước, được hiến pháp bảo hộ.
Như vậy chìa khoá của toàn bộ vấn đề, cội rễ của mọi vấn đề dân tộc, nguyên nhân của mọi bế tắc có thể giải quyết, đó là phải thay đổi hệ thống chính trị độc quyền, đặc quyền và đặc lợi, một cơ cấu maphia gắn với chủ nghĩa tư bản thân hữu lạc hậu và vong bản hiện nay tại Việt Nam.
Để đạt được mục tiêu này cần hai yếu tố mang tính quyết định.
Thứ nhất, nhân dân trong nuớc phải nâng khát vọng tự do và tinh thần tranh đấu lên cấp độ quyết liệt, chấp nhận thiệt thòi, hy sinh, tạo áp lực bão táp lên tập đoàn lãnh đạo ĐCSVN.
Thứ hai, tự thân các đảng viên ĐCSVN còn có lòng yêu nước, biết đặt lợi ích dân tộc lên trên hết. Những đảng viên này thức thời nắm bắt cơ hội, thúc đẩy và quyết định đứng chung vào con đường xây dựng Việt Nam theo trào lưu tiến bộ không thể đảo ngược và tránh được nguy cơ xảy ra sự hỗn loạn và đổ máu thêm cho dân tộc vốn đã bị quá nhiều tổn thất sinh mạng qua các cuộc chiến tranh. Từ đây tạo ra một cuộc chuyển hoá, nhưng phải lột xác thực sự để thay đổi ý thức hệ tư tưởng, đoạn tuyệt dứt khoát với ý thức hệ cộng sản và trang bị cho lực lượng của mình một vũ khí tư tưởng dân chủ văn minh, cạnh tranh lành mạnh với lực lượng khác trong cộng đồng dân tộc.
Thông qua bầu cử tự do, thậm chí ĐCSVN lúc ấy với bộ mặt mới, giành được đa số phiếu ủng hộ của nhân dân thì vẫn tiếp tục cầm quyền. Luật chơi dân chủ là vậy. Điều này đã và đang diễn ra bình thường tại các nước cựu cộng sản Đông Âu.
Lộ trình này cũng đã được lịch sử trải nghiệm và chứng minh tính khả thi và thực tiễn ở nhiều quốc gia. Miến Điện là bài học nhãn tiền.
Sự ủng hộ cuộc tranh đấu dân chủ trong nước của cộng đồng người Việt ở nước ngoài hay sự hỗ trợ, thậm chí can thiệp của cộng đồng các quốc gia dân chủ trên thế giới cũng quan trọng, nhưng không mang tính quyết định như hai yếu tố đã nêu.
Chưa có hai yếu tố quyết định trên đây, chúng ta sẽ tiếp tục sống trong tình trạng của một "xã hội mà cái ác, cái xấu đang hoành hoành và chưa có biểu hiện dừng lại, bởi vì những người trong bộ máy công quyền dường như không cố gắng để làm người mà quyết sống trọn đời, trọn kiếp làm dã thú" - nhà văn Phạm Thành đã "ghê rợn" thốt lên như thế sau phiên toà phúc thẩm ngày 17/7 tại Hà Nội đã nói tới.
Ngày 18/7/2011
© 2012 Lê Diễn Đức - RFA Blog

- Nhà báo Etcetera Nguyễn – Tổng thư ký báo Việt Weekly (quận Cam, bang California, Hoa Kỳ): Cần đối thoại để hòa giải dân tộc (ĐĐK).
"Trường hợp báo Người Việt - tờ báo Việt ngữ lâu đời và có bề dày ở Nam California (Hoa Kỳ), sa thải một nhà báo kỳ cựu chỉ vì cho đăng thông tin có xu hướng đối thoại đa chiều đã cho thấy con đường hòa hợp, hòa giải dân tộc còn gặp không ít chông gai”, nhà báo Etcetera Nguyễn - Tổng thư ký báo Việt Weekly (quận Cam, bang California, Hoa Kỳ) nhấn mạnh trong cuộc trao đổi nhanh với phóng viên Đại Đoàn Kết xung quanh vụ nhà báo Vũ Quý Hạo Nhiên bị báo Người Việt sa thải vào ngày 13-7 vừa qua.

Theo anh, lý do vì sao báo Người Việt đã sa thải một nhà báo kỳ cựu có tiếng như ông Vũ Quý Hạo Nhiên - phụ tá chủ bút của tờ báo này?


Nhà báo Hạo Nhiên
Đây không phải là lần đầu nhật báo Người Việt sa thải nhân viên do áp lực của các hội đoàn "chống Cộng”. Vào năm 2008, Hạo Nhiên từng chọn và giới thiệu một bài báo liên quan đến thông tin đối thoại đa chiều, dẫn tới việc báo Người Việt bị biểu tình, chống đối liên tục, kéo dài từ tháng 1-2008 cho tới nay vẫn chưa chấm dứt. Nhà báo Hạo Nhiên lúc đó là Tổng thư ký của báo Người Việt, trước sự cuồng nộ của người chống đối, ông đã bị đuổi việc cùng với Chủ bút của tờ báo. Mãi đến sau này, khi bộ máy lãnh đạo mới về tiếp quản tờ báo, họ đã mời Vũ Quý Hạo Nhiên trở lại, với vai trò Phụ tá chủ bút. Trên cương vị mới, Hạo Nhiên tiếp tục thể hiện quan điểm tự do, chủ trương diễn đàn đa chiều. Tính cách này tiếp tục khiến Hạo Nhiên gặp bất lợi, cụ thể là qua việc đưa ý kiến của một độc giả (bút danh Sơn Hà lên trang "Thư độc giả” để phản biện lại một ý kiến khác trên trang diễn đàn. Ý kiến này có khuynh hướng đối thoại, kêu gọi hòa giải dân tộc và ngay sau khi đăng, tờ báo Người Việt đã bị phản ứng quyết liệt. Sau đó, báo Người Việt đã nhanh chóng đưa ra quyết định sa thải nhà báo Hạo Nhiên lần thứ hai.

Theo tôi, lý do chủ yếu dẫn tới báo Người Việt phải sa thải nhân sự quan trọng một cách chóng vánh là nhằm xoa dịu những người "chống Cộng”, có thể trở thành một nguy cơ lớn, gây thiệt hại về mặt uy tín của báo. Ngoài ra, còn một số lý do nội bộ khác nữa, mà nói chung là để bảo vệ "nồi cơm” của chính báo Người Việt.

Anh có nhấn mạnh tới xu hướng báo chí "đối thoại” trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại và cho rằng bất cứ một tờ báo nào cực đoan đều sẽ tự tách mình ra khỏi cộng đồng. Anh có thể nói rõ hơn về xu hướng này không?

Đối lập lại với khuynh hướng làm báo "bảo vệ nồi cơm” của Người Việt và nhiều tờ báo khác ở hải ngoại, một khuynh hướng tự do ngôn luận, thông tin trung thực khách quan, mở diễn đàn đa chiều,… đã được một số tờ báo, như: Việt Weekly, Phố Bolsa TV, KBCHN, Việt Media Agency,… chủ xướng từ gần 10 năm qua. Xu thế phải đối thoại thẳng thắn, trình bày vấn đề minh bạch trong tinh thần dân chủ, văn minh, ôn hòa do Việt Weekly chủ trương đã thổi một làn gió mới trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại nói chung và ở vùng Nam California nói riêng. Tuy nhiên, để theo đuổi tiêu chí này, các tờ báo đã phải trải qua nhiều khó khăn vì bị cô lập, chụp mũ, biểu tình, phá hoại,…

Do xu hướng báo chí đối thoại bắt đầu hình thành, dần dần thuyết phục được cộng đồng kiều bào ở hải ngoại mà những tờ báo theo khuynh hướng cực đoan ngày càng bị thu hẹp thị phần và đánh mất niềm tin nơi bạn đọc

Từ sự việc xảy ra tại báo Người Việt, anh có quan điểm như thế nào về chủ trương "hòa giải, hòa hợp dân tộc” mà Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam đang nỗ lực thực hiện?

Chủ trương "hòa giải, hòa hợp dân tộc” của Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam hiện nay theo tôi là một xu hướng cần thiết. Chiến tranh đã lùi xa gần 40 năm và những khuynh hướng cực đoan không thể mãi tự ép mình vào khuôn khổ thù hằn, cố chấp. Nhà nước Việt Nam cũng đã và đang mở rộng cửa đón kiều bào về nước đầu tư và sinh sống, điều đó cho thấy thiện chí rất đáng trân trọng.

Theo đánh giá chủ quan của anh thì những vấn đề nào ở trong nước hiện nay đang thu hút sự quan tâm nhiều nhất của cộng đồng người Việt Nam ở hải ngoại nói chung và ở Nam California nói riêng?

Kể từ năm 1995, khi Hoa Kỳ tuyên bố xóa bỏ cấm vận Việt Nam đến nay, chính sách của Hoa Kỳ đã có nhiều thay đổi đối với Việt Nam và hiện nay hai nước đang tiến tới những chương trình hợp tác rất quan trọng. Cộng đồng người Việt Nam ở Hoa Kỳ, tuy có những ký ức, quá khứ đau thương khi rời bỏ đất nước ra đi từ năm 1975, nhưng với nhu cầu mới hiện nay, đại đa số người Việt ra đi đã có đời sống ổn định ở hải ngoại. Phần lớn người Việt ở hải ngoại đã có được sự bình tĩnh để đánh giá vấn đề hơn trước. Họ vẫn chưa quên được những nỗi đau, sự mất mát, nhưng với tình hình thực tế là chính sách mở cửa, mời đón kiều bào trở lại thăm quê hương, làm ăn, dựng vợ gả chồng,… sự thông thương qua lại giữa người Việt trong và ngoài nước đã tạo nên một xu hướng hòa hợp, hòa giải dân tộc rất lớn. Về mặt đời sống, người Việt ở hải ngoại rất muốn biết các thông tin ở Việt Nam ra sao? Làm ăn thế nào để thành công, hoặc để tránh thất bại? Mang hàng hóa gì từ Việt Nam qua Hoa Kỳ bán có lời?,... Một số khác, vì nhiều lý do chưa thể về Việt Nam chỉ dựa vào những thông tin từ các tờ báo "chống Cộng”, báo hội đoàn chính trị. Những thông tin từ các nguồn như thế thường bị bóp méo, trình bày tiêu cực, do đó vẫn còn tạo nên những tình huống, sự việc bị kích động.

Tuy nhiên, hiện một số kênh báo chí chủ trương mở rộng đối thoại đa chiều đã dần dần thiết lập các kênh thông tin khách quan phục vụ hàng triệu bà con kiều bào ở hải ngoại. Do đó, có thể nói rằng, suy nghĩ, tâm lý của kiều bào ở hải ngoại hướng về đất nước đang là xu hướng chính, và xu hướng này chắc chắn sẽ tiếp diễn trong những thập kỷ tiếp theo.

Xin chân thành cảm ơn anh!

THÀNH LUÂN (thực hiện)

  Việt Weekly . - Người Việt gặp sóng gió (BBC). - Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng vừa lập cơ quan ngôn luận tại Hoa Kỳ? (Cầu Nhật Tân).

Xả súng ở Mỹ, hai người gốc Việt thiệt mạng
TTO - Ngày 17-7, cảnh sát thành phố Falls Church, bang Virginia, Mỹ đã thông báo danh tính của hai người gốc Việt thiệt mạng trong một vụ xả súng vào cuối tuần tại trung tâm Eden. Tai Peter Phan, 49 tuổi và The Vu, 39 tuổi, đã thiệt mạng tại trung tâm ...
Mỹ: Nổ súng tại Trung tâm thương mại Eden, hai người Mỹ gốc Việt ...Sài gòn Giải Phóng
Mỹ: Nghi án giết người – tự tử của người gốc ViệtXãLuận.com tin tức việt nam 24h cập nhật
Nổ súng tại Mỹ, hai người gốc Việt thiệt mạngVNExpress
Thanh Niên -Người Việt

-Ðại diện Người Việt gặp gỡ cộng đồng (NV 13-7-12)
-Lùm xùm ở Quận Cam: Ðại diện Người Việt gặp gỡ cộng đồng (NV 13-7-12) -- Báo Người Việt ở Little Saigon phải xin lỗi vì một bức thư độc giả có vẻ "thân cộng".  Một phụ tá chủ bút bị cho thôi việc. ◄

“Sẽ chấn chỉnh, cẩn trọng với nội dung, tin tức," tái xác nhận lời xin lỗi và biện pháp kỷ luật
Hà Giang/Người Việt

WESTMINSTER (NV) - Chiều 13 Tháng Bảy, tại nhật báo Người Việt, khoảng 50 thân hào, nhân sĩ, đại diện các đoàn thể và nhiều cơ quan truyền thông Việt ngữ tại Little Saigon đã có cuộc gặp gỡ với đại diện Ban Ðiều Hành Nhật Báo Người Việt, liên quan đến một bức Thư Ðộc Giả đăng trên tờ báo này.
Một phần quang cảnh buổi gặp gỡ giữa đại diện Nhật Báo Người Việt và đại diện hội đoàn, đoàn thể, báo chí cộng đồng. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)
Mục đích của buổi gặp gỡ là để Nhật Báo Người Việt trình bày nguyên ủy sự việc lá thư của độc giả ký tên Sơn Hào, với nội dung, lời lẽ xúc phạm đến tập thể người Việt tị nạn, và tuyên truyền cho chế độ Cộng Sản, được đăng trong mục Thư Ðộc Giả, số báo ra ngày Chủ Nhật, 8 Tháng Bảy.
Gửi lời chào cử tọa, Luật Sư Phan Huy Ðạt, Chủ Nhiệm nhật báo Người Việt, trình bày rằng, sự xuất hiện của lá thư này trên Nhật Báo Người Việt là một “tai nạn” và là “lỗi lầm nghiêm trọng,” gây nhiều phẫn nộ trong cộng đồng; và đại diện Nhật Báo Người Việt, ông “chân thành xin lỗi đến toàn thể độc giả, các đoàn thể, tổ chức cựu quân, dân, cán chính Việt Nam Cộng Hòa”.
“Chúng tôi muốn lắng nghe ý kiến của quý vị, sự bận tâm của quý vị. Chúng tôi sẽ trình bày rõ ràng sự việc, đồng thời ghi nhận ý kiến và lời khuyên bảo của quý vị.” Luật Sư Ðạt nói.
Ông Phạm Phú Thiện Giao, Chủ Bút nhật báo Người Việt, trình bày rằng lá thư gây phẫn nộ cho cộng đồng là do một độc giả gửi vào, bàn về bài viết “Vết Thương Ngày 30 Tháng Tư,” của tác giả Nguyễn Gia Kiểng, đăng trên trang Diễn Ðàn Người Việt ngày 17 Tháng Tư, 2012.
Ông Thiện Giao cho biết, ngay sau khi lá thư được đăng ra, tòa soạn đã nhận được nhiều phản hồi bày tỏ sự phẫn nộ; và khi được hỏi tại sao lại đăng lá thư đó, ông được ông Vũ Quí Hạo Nhiên, Phụ Tá Chủ Bút, người phụ trách mục Thư Ðộc Giả, giải thích rằng: “Thời buổi này còn có kẻ bênh vực Cộng Sản ngu dốt như vậy thì phải cho thế giới thấy.”
“Khi chọn đăng lá thư này, người phụ trách đã phạm lỗi lầm lớn là đăng bức thư độc giả mà không đăng kèm theo lời giải thích, tạo sự ngỡ ngàng cho độc giả.” Ông Thiện Giao trình bày.
Luật Sư Phan Huy Ðạt nói với cử tọa, ngay trong những ngày sau đó, Hội Ðồng Quản Trị và Hội Ðồng Chủ Biên của công ty Người Việt đã có buổi họp khẩn, thừa nhận đây là lỗi lầm lớn, cần phải có lời xin lỗi chính thức và chân thành đến tất cả cựu quân nhân VNCH và độc giả.
Trong lời xin lỗi đăng trên số báo ngày Thứ Năm, 12 Tháng Bảy, Nhật Báo Người Việt thừa nhận lá thư độc giả có “lời lẽ hàm hồ có lợi cho chế độ Cộng Sản và còn xúc phạm toàn thể quân, dân, cán, chính Việt Nam Cộng Hòa”.
Cũng trong lời xin lỗi ấy, Luật Sư Phan Huy Ðạt tái xác định trong cuộc gặp gỡ cộng đồng, rằng các biện pháp kỷ luật đã được đưa ra. Người chịu trách nhiệm trực tiếp trong việc để lá thư độc giả ấy xuất hiện trên mặt báo, là Phụ Tá Chủ Bút Vũ Quí Hạo Nhiên, phải thôi việc; đồng thời Hội Ðồng Quản Trị đã có khiển trách nghiêm khắc cùng biện pháp chế tài đối với hai người liên đới trách nhiệm, là chủ nhiệm và chủ bút.
Mở đầu phần ý kiến và câu hỏi của cử tọa, Bác Sĩ Trần Văn Cảo, thuộc Nguyệt San Diễn Ðàn Giáo Dân, phát biểu rằng “lời xin lỗi (được đăng trên báo Người Việt ngày 12 Tháng Bảy) là không chân thành, không đúng mức, và không đúng lúc”.
Bác Sĩ Trần Văn Cảo, thuộc Nguyệt San Diễn Ðàn Giáo Dân, cho rằng “lời xin lỗi (được đăng trên báo Người Việt ngày 12 Tháng Bảy) là không chân thành, không đúng mức, và không đúng lúc”. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)
Bác Sĩ Cảo nêu ý kiến rằng, phải đến Thứ Năm mới có thư xin lỗi là quá chậm; và chữ “ngưng việc” ông Vũ Quí Hạo Nhiên là không có ý nghĩa rõ ràng, vì hàm ý sau này, khi hết ngưng, người đó sẽ làm việc lại.
Phần phát biểu tiếp theo, cựu Trung Tá Phạm Ðình Cung, Binh Chủng Nhảy Dù, nói rằng ông đến để “nghe xem lời xin lỗi có thành thật không,” và nay thì hài lòng khi “được nghe rõ là ông Vũ Quí Hạo Nhiên đã được cho nghỉ việc”. Ông Cung nhấn mạnh, đăng lá thư nói trên là thái độ “coi thường mọi người” giữa một cộng đồng tỵ nạn toàn cựu tù cải tạo.
“Sa thải rồi thì tôi cám ơn, đó là một việc làm đúng. Còn việc đụng một cái là mình hăm he biểu tình, thì để làm gì? Có chống được Cộng Sản không?” Cựu Trung Tá Cung nhấn mạnh.
Ông Phan Tấn Ngưu, chủ tịch Liên Hội Cựu Chiến Sĩ, tâm sự rằng ông tuy đã lớn tuổi, vẫn không lúc nào quên chiến sĩ VNCH, và chủ trương luôn tận tụy bảo vệ danh dự bằng mọi giá.
“Tôi muốn cộng đồng mình thực sự mạnh, đoàn kết, chứ nếu cứ chia 5 xẻ 7 thì làm sao hỗ trợ được việc đấu tranh đòi dân chủ ở Việt Nam.”
Hướng về phía đại diện nhật báo Người Việt, ông hỏi thẳng: “Công ty Người Việt có chịu áp lực của bất cứ thế lực nào không?”
Ðại diện nhật báo Người Việt, ông Ðinh Quang Anh Thái, phụ tá chủ nhiệm, khẳng định rằng “Nhật Báo Người Việt chưa bao giờ, không bao giờ, và mãi mãi sẽ không bao giờ chịu áp lực hay nhận yểm trợ của bất cứ thế lực nào.”
Chủ Nhiệm Phan Huy Ðạt cũng nhân câu hỏi ấy, trình bày rằng công ty Người Việt có quy chế “ESOP” (Employees Stocks Ownership Plan), có nghĩa là công ty do Quỹ Hưu Bổng Nhân Viên Người Việt làm chủ, và vì vậy “không thể có thế lực bên ngoài ảnh hưởng vào”. Ngoài ra, với quy chế làm việc tập thể, “mọi quyết định đều phải được mang ra bàn thảo và bỏ phiếu, Việt Cộng muốn lọt vào công ty này cũng khó lắm, và nếu có lọt vào được thì cũng không làm gì được, vì làm gì cũng phải ‘vote.’”
Tác giả Huy Phương, một cộng tác viên kỳ cựu của nhật báo Người Việt, nhận xét rằng “quyết định để cho ông Vũ Quí Hạo Nhiên nghỉ việc như vậy cũng là quyết định nhanh,” nhưng khuyến cáo ban biên tập tương đối trẻ của Nhật Báo Người Việt là “đừng cao ngạo” và phải “rất cẩn trọng trong công việc”.
Một số người trong cử tọa cho rằng lời giải thích lý do lá thư độc giả xuất hiện trên mặt báo là “không được thỏa đáng” khiến Chủ Bút Phạm Phú Thiện Giao phải giải thích nhiều lần, rằng đây là một “lỗi lầm về phán đoán,” vì khi đăng lá thư, người chọn đăng nghĩ rằng độc giả sẽ phản ứng với những lời viết hàm hồ xuẩn động của tác giả lá thư, nhưng không ngờ đã gây phẫn nộ cho độc giả.
“Chúng tôi rút kinh nghiệm, và sẽ cẩn trọng trong cả cách thức trình bày nội dung, để mọi điều đều nằm trong một ngữ cảnh trọn vẹn.” Ông Thiện Giao nói với cử tọa.
Bác Sĩ Trần Văn Cảo, ông Nguyễn Tấn Lạc, phóng viên Khúc Minh (Radio Bolsa) bày tỏ “sự thất vọng” với Chủ Bút Phạm Phú Thiện Giao, và cho rằng chỉ sa thải Vũ Quí Hạo Nhiên thôi thì nhẹ quá, và đề nghị là cả chủ bút cũng phải chịu trách nhiệm, và “nên từ chức”.
Là người phát biểu cuối cùng, ông Trần Phong Vũ, thuộc Nguyệt San Diễn Ðàn Giáo Dân, nói rằng chỉ cần đọc những bài bình luận hàng ngày của ông Ngô Nhân Dụng trên nhật báo Người Việt thì cũng hiểu rõ chủ trương của tờ báo, và ông mong mọi người đừng để biến cố này khiến cộng đồng thành một nơi “đánh qua đánh lại”.
Cựu Trung Tá Nhảy Dù Phạm Ðình Cung nói rằng ông hài lòng về các biện pháp kỷ luật đối với nhân sự chịu trách nhiệm trong vụ lá thư độc giả xuất hiện trên mặt báo. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)
Và rồi ông tỏ ra phẫn nộ về sự có mặt của hai nhân vật trong phía cử tọa. Ông Trần Phong Vũ hỏi phía Nhật Báo Người Việt: “Hai ông Etcetera Nguyễn, tổng thư ký tờ Việt Weekly, và Nguyễn Phương Hùng, là hai người ai cũng biết đã công khai hợp tác với phía bên kia, tại sao lại có mặt ở đây?”
Ông Ðinh Quang Anh Thái trả lời rằng, “Hai nhân vật nói trên không có trong danh sách mời tham dự buổi gặp gỡ, nhưng vì tinh thần tự do báo chí, Nhật Báo Người Việt không thể cấm cửa hay ngăn cản sự có mặt của họ, cho dù họ đã chọn một chiến tuyến khác với tập thể người tị nạn.”
Kết thúc buổi họp, Luật Sư Phan Huy Ðạt cảm ơn sự có mặt của cử tọa. Và ông tái xác định lời xin lỗi của tờ báo: “Ðây là một sự việc hết sức đau buồn, tôi chỉ biết một lần nữa gửi lời xin lỗi chân thành đến quý vị.”
Trước khi ra về, một cụ bà lớn tuổi, cũng có mặt trong giới cử tọa, nói với phóng viên Nhật Báo Người Việt: “Phải hết sức cẩn thận, đừng đụng vào những vết thương còn mưng mủ, hãy để yên cho nó lành.”
Thư xin lỗi của Chủ Nhiệm nhật báo Người Việt
Kính gửi quý độc giả, quý đoàn thể, tổ chức cựu quân, dân, cán, chính Việt Nam Cộng Hòa.
Nhật báo Người Việt mới phạm một lỗi nặng nề nên chúng tôi viết thư này để xin lỗi toàn thể cộng đồng.
Ngày Chủ Nhật vừa qua, mục Thư Độc Giả trên báo Người Việt đã in một lá thư với lời lẽ hàm hồ có lợi cho chế độ cộng sản và còn xúc phạm toàn thể quân, dân, cán, chính Việt Nam Cộng Hòa. Những ý kiến và lời lẽ đó hoàn toàn trái ngược với lập trường mà nhật báo Người Việt vẫn theo đuổi từ hơn 30 năm qua.
Chúng tôi trân trọng gửi tới quý vị cùng toàn thể đồng bào lời xin lỗi chân thành của cá nhân tôi và nhật báo Người Việt.
Lỗi lầm đáng tiếc trên xảy ra là do nhân viên phụ trách chọn Thư Độc Giả. Sau khi tìm hiểu sự việc, chúng tôi đã quyết định ngưng việc người phạm lỗi.
Ngoài ra, Hội Đồng Quản Trị Công Ty Người Việt đã nghiêm khắc khiển trách và chế tài những người liên đới trách nhiệm, gồm Chủ Nhiệm và Chủ Bút.
Chúng tôi sẽ cố gắng có thêm biện pháp ngăn ngừa những sai lầm như vậy trong tương lai, tiếp tục cùng toàn thể đồng bào đấu tranh xóa bỏ chế độ cộng sản độc tài, xây dựng một nước Việt Nam dân chủ, tự do.
Chúng tôi trân trọng bày tỏ lòng biết ơn quý độc giả và thân hữu đã cho biết ngay phản ứng về lá thư độc giả nêu trên trong mấy ngày qua; và một lần nữa mong toàn thể quý vị lượng thứ.
Phan Huy Đạt
-- Ðại diện Người Việt gặp gỡ cộng đồng   –   (Người Việt).


-trả lời Nguyễn Gia Kiểng “Vết Thương Ngày 30 tháng 4” 

Lời lẽ bóp méo sự thật của Nguyễn Gia Kiểng. 
Sơn Hà
“Kỷ niệm ngày chiến thắng 30-4 liền kề với ngày quốc tế lao động ngày 1-5 làm cho niềm vui của chúng ta được nhân lên gấp bội. Cả dân tộc vui mừng, tự hào, tất cả những người lao động vui mừng, tự hào. Nhưng lạ thay, ông Nguyễn gia Kiểng đã viết bài “Vết thương ngày 30 tháng 4” đưa lên mạng Internet, theo đó đã sặc mùi chia rẽ Nam Bắc, làm như thể miền Nam, Sài gòn là một miền đất khác Việt Nam, một dân tộc khác Việt Nam, làm như thể từ ngày 30 tháng 4, 1975 thì miền Nam Sài Gòn mất tất cả, bị xâm lăng tất cả! Không hiểu ông có thâm thù gì với cách mạng, thâm thù gì với dân tộc mà lại than thở như vậy. Ông quên mất điều đơn giản, tối thiểu là chỉ có đội quân xâm lược Mỹ và bè lũ Việt gian tay sai của Mỹ là thất thủ, là mất miền Nam, mất Sài Gòn, còn dân tộc Việt Nam, cả Nam lẫn Bắc là người thắng trận, thu giang sơn về một mối, chấm dứt ách thống trị của thực dân mới. Chỉ có người mất trí mới viết như ông Nguyễn Gia Kiểng rằng “Ngày 30 tháng 4 năm 1975 đã không đến trong niềm vui thống nhất đất nước, hòa giải và hòa hợp dân tộc mà mọi người mong ước”. Viết như vậy là hoàn toàn xuyên tạc và bóp méo sự thật. Sự thật là sau ngày chiến thắng 30 tháng 4, 1975 thì một loạt sự kiện lịch sử ra đời, đánh dấu sự thống nhất nước nhà. Đó là Việt Nam có một nhà nước thống nhất, bao gồm một Quốc Hội thống nhất, một chính phủ thống nhất, có cơ cấu tổ chức chính quyền các cấp thống nhất cả nước, nói chung có cơ cấu hệ thống chính trị các cấp thống nhất cả nước, có nền giáo dục thống nhất cả nước, có nền y tế thống nhất cả nước, cả nước có đồng tiền chung và một thị trường thống nhất, người Việt Nam đi lại tự do trên toàn cõi Việt Nam… Ngày 30 tháng 4, 1975 là ngày hội của toàn dân đoàn kết, chiến thắng. Đặc biệt, Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, bao gồm các giai cấp, các tầng lớp, các dân tộc, đồng bào các tôn giáo và không tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, các nhân sĩ, các cá nhân tiêu biểu… xóa bỏ hận thù, thành kiến giai cấp, gác quá khứ, nhìn về tương lai, nêu cao tinh thần độc lập tự chủ, tự lực tự cường cùng nhau xây dựng và bảo vệ tổ quốc thống nhất. Nhân dân trong nước và cả thế giới chứng kiến sau 30 tháng 4, 1975 không hề có tắm máu, không hề có trả thù. Có một số người trong ngụy quân ngụy quyền, trong đó có số nợ máu với nhân dân, thậm chí đã có tội ác tày trời, đã được tổ chức học tập, cải tạo, nhằm khêu gợi lòng yêu nước, tình đồng bào, nghĩa dân tộc, biết phân biệt chính nghĩa và phi nghĩa, trở lại cuộc sống có đạo lý, có nhân phẩm, làm ăn lương thiện, trở thành công dân của nước Việt Nam mới, thống nhất. Như thế là việc làm vô cùng nhân đạo, rất nhân quyền của cách mạng, chứ sao lại xuyên tạc “chính sách cải tạo là để tiêu diệt đại bộ phận thành phần tinh nhuệ và trí tuệ của miền Nam”!

Tổng số lượt xem trang