Thứ Ba, 31 tháng 7, 2012

Bà con ASG: “Chúng tôi không phải là nô lệ”

Mặc dù thời gian chuẩn bị hết sức gấp gáp nhưng cuộc biểu tình của bà con ASG trưa nay đã rất thành công. Thứ Hai thông thường là ngày buôn bán được, nhưng phần lớn bà con đã tự giác đóng quầy tham gia biểu tình. Khoảng 300- 400 người đã có mặt nơi sảnh chính và phía sân trước của trung tâm ASG.

Đầy tính sáng tạo

Cuộc biểu tình sôi động và đầy tính sáng tạo. Ngoài vài chiếc biểu ngữ tự tạo bằng vải đỏ, là những tờ giấy A-4 với các thông điệp phong phú.

Có thể đọc được bằng cả 2 thứ tiếng Việt Nam và Ba Lan những dòng chữ như “Chúng tôi không phải là những nô lệ”“phản đối những kẻ lừa đảo, bóc lột“, “trả lại quyền lợi cho bà con”.v.v.

Nhưng sốc nhất có lẽ là tấm biểu ngữ mang hàng chữ “9,5 triệu đô- la của chúng tôi đâu?“. Đây là số tiền mà bà con cho rằng, ASG đã thu từ các Hala 1, 2, 3 và dẫy V. Mỗi quầy trung bình 25.000 USD, cho khỏang 400 quầy.

Ai nghĩ bọn em vạch áo cho người xem lưng, thì mặc kệ họ. Bọn em chẳng còn gì mà mất cả, bọn em sẽ chơi tới cùng“- cô gái trẻ mới 2 năm trước mua chiếc quầy giá cao ngất ngưởng vẫn chưa kéo lại được vốn chia sẻ.

Con số ấn tượng tới mức 2 anh phóng viên TVN cứ hỏi đi hỏi lại xem 9,5 triệu tiền gì, Zua-ty hay đô la? Đúng là một con số quá lớn, khiến những người yếu bóng vía có thể chết ngất.

Màn bất ngờ nhất là một hình nộm bằng bao tải đen, với chiếc đầu đội mũ phớt, trên có dán ảnh ông Hoàng Mạnh Huê, kèm theo hoa cúng và cáo phó.

Hình nộm kèm cáo phó

Một thanh niên cầm loa khóc ỉ eo như gọi hồn và đám đông cười rộ lên, rồi hùa theo “ối anh Huê ơi, huhuhu…”

Sử dụng hình nộm cũng là cách người Ba Lan thường dùng để bày tỏ sự tức giận. Họ giẫm, đạp hay đốt các hình nộm, có khi đó là hình bộ trưởng hay thủ tướng. Về mặt này, xem ra người Việt Nam rất cập nhật với văn hóa biểu tình của Ba Lan.

“Phải dậy cho chúng nó bài học, chúng nó ăn bẩn lắm, chị ạ” - cô gái trẻ đứng bên nói. “Chúng kinh doanh trên xương máu bà con, cả tiền điện, tiền Internet, rồi lại còn điện thoại tường nữa chứ, tháng nào cũng thu mấy chục đồng, chừng này quầy, chị tính xem bao nhiêu tiền. Điện thoại tường giờ còn ai gọi nữa, mà báo cắt đi không được, thế có tức không. Nhà vệ sinh thì bẩn thỉu, có khi mấy hôm mới dọn một lần, bảo vệ thì cắt giảm” – cô tiếp lời.

Lại khất

Lãnh đạo trung tâm không có mặt ngày hôm nay. Có lẽ họ đã biết trước cuộc biểu tình, nên có tình tránh mặt. Sau một hồi hò hét, hô khẩu hiệu, mọi người vây lấy anh Thắng giám đốc điều hành yêu cầu trả lời bà con.

Anh Thắng buộc phải gọi điện cho ông Hoàng Mạnh Huê và cho bà con một cái hẹn..

- “Mai trung tâm sẽ trả lời, còn trả lời như thế nào thì tôi không thể biết được” - anh Thắng nói.

Không tin vào lời hứa đó, bà con đã kéo nhau lên văn phòng, bắt gíam đốc điều hành phải viết giấy, có ký tên đóng dấu rõ ràng và đưa cho bà con giữ.

“Nếu không chúng ta sẽ biểu tình tiếp, buôn bán đang kém, biểu tình cả tuần cũng được”- một anh nói giọng miền Trung lên tiếng.

- “Không ai ký hợp đồng hết, nếu tất cả cùng không ký thì họ không thể đuổi hết chúng ta đi được.” – cậu đứng bên tiếp lời.

- “Tất cả không trả czynsz thì chúng nó cạp đất ra mà ăn đấy chứ” - một chị sồn sồn lên tiếng.

Mai sẽ không có biểu tình, nhưng 12 giờ trưa, bà con sẽ tập trung tại sảnh chính để nghe trả lời chính thức của trung tâm. Nhưng không ai có thể đoán được, điều gì sẽ xảy ra, nếu câu trả lời là “nguyễn y vân”.

Hội đoàn lúng túng

Sau chừng 2 giờ, cuộc biểu tình kết thúc. Ngoài 2 tờ báo cộng đồng, cô nhà báo trẻ của Polityka, còn có 2 phóng viên của TVN tới tác nghiệp. Tuyệt nhiên không thấy bóng dáng hội đoàn nào, dù cộng đồng, những lúc tiệc tùng, cỗ bàn, hay tuyên dương đón rước, thấy không thiếu mặt hội đoàn nào.

Ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau là thế“- anh bạn từng một thời hoạt động cộng đồng cười khẩy nhận xét.

Hôm biểu tình thứ Ba tuần trước, có thấy ông Lê Thiết Hùng, chủ tịch hội người Việt tại Ba Lan. Chia sẻ với báo chí khi đó ông nói, “hội Người Việt sẽ không đứng về phía bên nào mà chỉ làm trung gian hòa giải”.

Vai trò hòa giải của ông đã thất bại ê chề ngay sau đó.

Sau vài lần đi lên, đi xuống khu văn phòng, ông đọc lời kêu gọi bà con bình tĩnh, giải tán để tiếp tục đàm phán. Lời kêu gọi của ông đã không được đáp ứng, ngược lại bà con hô vang “không giải tán”. Từ hôm đó, không thấy ông chủ tịch xuất hiện trong các sự kiện tại ASG nữa.

Sứ quán Việt Nam cũng mất mặt. Ngoài sự thờ ơ với số phận bà con như thường thấy, có lẽ họ bị rơi vào thế khó xử, khi ông Huê là chủ tịch hội Doanh Nghiệp và là mạnh thường quân trong nhiều sự kiện do Đại sứ quán tổ chức. Thấp thoáng trong cuộc biểu tình chống chủ Tầu hồi năm ngoái, người ta thấy ông Phạm Văn Mích đứng xa xa. Nhưng đã không có chiếc xe ngoại giao nào trong khuôn viên ASG suốt tuần qua.

Những sự kiện sống còn liên quan tới đời sống của cả ngàn bà con mà các hội đoàn không giúp được gì, kể cả sự có mặt mang tính động viên tinh thần, thì có lẽ đã đến lúc, chúng ta nên xét lại sự cần thiết của họ trong đời sống cộng đồng.

© Đàn Chim Việt -

-Bà con ASG: “Chúng tôi không phải là nô lệ” Đàn Chim Việt 

Xem thêm video và hình ảnh biểu tình tại đây

Đọc các bài liên quan: 

Bằng chứng về việc thư 25.000 USD tại ASG

Đàm phán tại ASG lại thất bại

Lãnh đạo ASG không có thời gian?

Khi người Việt biểu tình chống lại người Việt

Lời kêu gọi của tiểu thương ASG

******************************

-  Khai giảng lớp văn hóa Hàn Quốc cho cô dâu Việt (SGGP).

- Nga : 89 lao động Việt Nam bị bỏ đói và giam giữ tại 1 xưởng may bất hợp pháp    –   (RFI).

 

Tổng số lượt xem trang