Tháng 8 24, 2012
Tôi tìm được bản tin khá là thú vị về vụ án chục năm trước. Tên của bốn người bị kết án trùng khớp với những tên tuổi xuất hiện trong các bức thư được cho là của các cựu quan chức trôi nổi trên mạng liên quan tới vụ T4 nổi tiếng. Bản tuyên án tại tòa, theo bản tin của VnExpress , thuần túy về chuyện tiền nong. Không thấy có tên Phạm Chí Dũng tại phiên tòa đang nói tới. Thú vị nữa là bản tin này được VnExpress đưa theo nguồn từ TTXVN. Nếu ai đó nói rằng có những phiên tòa mà cả bị cáo lẫn hội đồng xét xử đều biết rằng tội danh tuyên cáo chỉ là một thứ tội danh bình phong cho một tội danh khác thì sao lại không tin chứ?
20 năm tù cho 4 kẻ chiếm đoạt tiền của Nhà nước
Từ năm 1997 đến 1999, Nguyễn Quang Vinh, Đỗ Ngọc Chấp, Nguyễn Thái Nguyên và Đặng Diệu Hà đã cấu kết tạo dựng nhiều tài liệu, hồ sơ giả để chiếm đoạt 780 triệu đồng của Nhà nước. Ngày 21/5, TAND Hà Nội đã mở phiên sơ thẩm vụ án này.
Trong số tiền 780 triệu đồng nói trên, bị cáo Vinh (sinh năm 1965, trú tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) chiếm đoạt gần 360 triệu đồng, Chấp (cùng đơn vị quân đội với Vinh) chiếm đoạt hơn 420 triệu đồng. Vinh đã chi cho Hà (cán bộ Sở Văn hóa Thông tin TP HCM) tổng cộng 50 triệu đồng và một máy điện thoại di động, một máy fax. Ngoài ra, Chấp còn chiếm dụng 20.000 USD. Sau khi bị phát hiện, gia đình Chấp đã nộp trả số tiền này cho cơ quan Nhà nước.
Trên cơ sở thẩm tra chứng cứ tại phiên tòa, HĐXX nhận định các bị cáo đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong công tác để vụ lợi vì mục đích cá nhân, phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
HĐXX đã tuyên phạt Vinh 6 năm tù giam, cộng với 30 tháng tù chưa chấp hành xong hình phạt của một bản án trước, tổng hợp hình phạt là 8 năm 6 tháng tù. Ba bị cáo Chấp, Hà và Nguyên lần lượt chịu các mức án 5, 4 và 4 năm 6 tháng tù. Ngoài ra, cả 4 bị cáo bị áp dụng hình phạt bổ sung là cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định trong thời hạn 3 năm kể từ khi chấp hành xong hình phạt tù.
(Theo TTXVN)
Phạm Thị Hoài
Điều gì sẽ xảy ra, nếu Di chúc Chính trị mà Lenin viết trên giường bệnh cuối năm 1922 và bổ sung lần cuối đầu năm 1923 về vấn đề nhân sự ở tầng cao nhất của ĐCS Liên Xô được tung lên mạng ngay tại thời điểm đó? Và chủ blog “Lenin Làm báo” không ai khác, chính là Varlam Šalamov [1]? Rất có thể toàn bộ lịch sử thế giới cận hiện đại sẽ thay đổi. Và lịch sử văn học cũng vậy, không có tác gia Varlam Šalamov, nhà văn Nga yêu thích nhất của tôi cạnh Maxim Gorky. Song không có gì chắc chắn là phong trào cộng sản quốc tế vì thế sẽ bớt tai họa hơn, bớt đẫm máu hơn. Bị đánh bật khỏi đế chế của Stalin, lý thuyết “Cách mạng thường trực” của Trotsky tìm được chỗ đứng nơi học thuyết của Mao Trạch Đông. Hậu quả của cuộc thanh trừng định mệnh ấy, không dân này thì dân kia gánh chịu. Trong hệ thống toàn trị, phe nào thắng nhân dân cũng bại.
Thanh trừng nội bộ là một trong những truyền thống lâu đời và khét tiếng nhất của các đảng cộng sản. Số phận những nạn nhân của nó không có gì đáng ghen tị. Các đồng chí của họ không bao giờ quên viết hàng chữ “kẻ phản bội” lên ngực họ trước khi đâm nhát dao kỉ luật của tổ chức vào đó, và điều chua chát là bi kịch được biểu quyết trong bóng tối của họ cũng khép lại trong bóng tối, nếu họ vẫn giữ lòng trung thành với cái tổ chức mà họ dường như đã phản bội. Cho đến khi qua đời, một người như ông Nguyễn Hữu Đang vẫn không hé răng về những oan khuất trong vụ án “gián điệp phản cách mạng” đã đày ải ông mười lăm năm trời. Một người từng thâu tóm mọi cương vị chủ chốt của hệ thống quyền lực vào mình như ông Hồ Chí Minh cũng lặng thinh diễn nốt vai biểu tượng khi đã bị vô hiệu hóa. Luật omertà, của Cosa Nostra Đỏ.
Những người đang nín thở xem vở tuồng nội chiến của Đảng Cộng sản Việt Nam được quảng cáo rầm rộ trên sân khấu ảo rồi sẽ rất bực mình. Màn một, với diễn viên nổi tiếng Nguyễn Đức Kiên trong một vai phụ, hứa hẹn kịch tính tiếp nối kịch tính, và công chúng đang đòi quyền được xả tất cả những bất mãn dồn nén với thực trạng xã hội của mình vào một hồi kết nếu không có đầu rơi máu chảy thì ít nhất cũng loảng xoảng tiếng gông cùm. Nhưng tôi tin rằng ngoài vài ba nhân vật phụ khác mà số lượng không thể nhiều hơn trong các vở lừng danh như Năm Cam, Minh Phụng, PMU 18, Vinashin, Vinalines…, sẽ không có cao trào ngoạn mục nào cống hiến cho sự chờ đợi của công chúng nữa. Để biểu dương sức mạnh đoàn kết của mình và củng cố ấn tượng về ổn định chính trị [2], Đảng sẵn sàng trả một cái giá cao hơn sự ấm ức của khán giả rất nhiều. Các vai chính sẽ chỉ ra sân khấu để trình diễn một kết thúc có hậu.
Tôi cũng tin rằng cuộc hỗn chiến thông tin trên mạng hiện tại với ngôi sao vụt hiện là Quan Làm báo và những blog bí ẩn khác như Tư Sang,Anh Ba Dũng… nằm ngoài dự liệu của tất cả các phe đang tham chiến. Điều mà những người đứng đầu chế độ này, bất kể phe nào, ít cần đến nhất là sự rò rỉ thông tin về cuộc thanh trừng trong bóng tối của họ, áp lực của dư luận và cảnh hỗn quân hỗn quan. Việc bộ máy an ninh Việt Nam không triệt hạ nổi những kênh thông tin này có thể có một nguyên nhân rất đơn giản: bất lực, cũng như toàn bộ hệ thống đang bất lực trước phần lớn những vấn đề hệ trọng của đất nước. Từ nhiều năm nay một mạng lưới cả trăm website giả danh các quan chức Đảng và Nhà nước Việt Nam từ cỡ Phó Bí thư Tỉnh ủy và Thứ trưởng trở lên đã ung dung tồn tại, được chăm sóc và cập nhật hàng ngày [3]. Việt Nam có lẽ là quốc gia duy nhất trên thế giới có một chính quyền ma như vậy tháp tùng từng bước, với đầy đủ lệ bộ, đóng ngoài biên giới, ngoài tầm kiểm soát, mà chính quyền thật dường như cũng đành bó tay thây kệ.
Vậy ai là người thủ lợi trong cuộc hỗn chiến thông tin này?
Tôi không có hứng thú nào tham dự những phỏng đoán ngả nghiêng theo mỗi cơn bão tin tức thật giả lẫn lộn, đang gây nên một cơn cuồng tập thể cho những người Việt vốn đói sự thật dù không biết mặt mũi của nó và thiếu kinh nghiệm chọn lựa thông tin, vì xưa nay họ không có nhiều hơn một chọn lựa. Trong trường hợp đáng quan tâm nhất, khi người thổi nên trận cuồng phong này là một hay những thế lực đối lập với chính quyền cộng sản Việt Nam, với cái đích cuối cùng không phải là anh Ba hay anh Tư mà toàn bộ các anh đã được đánh số, thì tôi tin rằng một khởi đầu tử tế cho một xã hội sáng sủa hơn không thể đi từ sự lên ngôi của một quyền lực mờ ám. Lũng đoạn và mafia hóa thông tin không thể là công cụ cho một mục tiêu tốt đẹp.
Một người bạn rất thân của tôi lại cho rằng bóng tối chỉ có thể xua bằng bóng tối, rồi ánh sáng sẽ khắc đến. Tôi không mong rằng anh có lí.
© 2012 pro&contra
[1] Varlam Šalamov bị bắt khi đang in ronéo bản Di chúc này và bị kết án tù khổ sai 3 năm. Cùng với 5 năm tù lần thứ hai trong chiến dịch Đại Khủng bố của Stalin và 10 năm tù cải tạo tiếp theo vì đã tuyên bố rằng Ivan Bunin là nhà văn Nga kinh điển, ông đã trải qua tổng cộng 18 năm trong các Gulag Xô-viết. Các tác phẩm của ông chưa có trong bản dịch tiếng Việt.
[2] Việc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng xuất hiện rất kịp thời với tư cách Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, trái với dư luận rằng ông mất chức này vào tay Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cũng như thông tin về việc chính ông đã “chỉ đạo chặt chẽ” việc khởi tố và bắt giam bầu Kiên, là những tín hiệu rõ ràng về điều này.
Đáng chú ý là mặc dù không phải thành viên chính phủ hay lãnh đạo Đảng cao cấp, con gái Thủ tướng là cô Nguyễn Thanh Phượng, người đang ăn mì tôm trong bếp nhà tôi theo tin mật do Quan Làm báo tiết lộ, cũng được dành riêng một website giả danh như vậy.
************************
-- Báo quan Tháng 7 23, 2012
Phạm Thị Hoài
Ngay trước Ngày Báo chí Cách mạng, khi làng báo Việt Nam còn bận rộn lườm nguýt nhau “anh lá cải, tôi lá cải, chúng ta không lá cải”, một thành viên mới bất ngờ xuất hiện: blog Quan Làm báo . Như một vế đối phụ họa hơn là chọi lại Dân Làm báo , một diễn đàn đối lập với truyền thông nhà nước, theo phương châm “Mỗi người chúng ta là một chiến sĩ thông tin”, Quan Làm báo chưa treo biển “Mỗi đày tớ của nhân dân là một sĩ quan thông tin”, song nó đang gây chú ý tột độ. Kể từ ngày 29.5.2012, chỉ trong vòng chưa đầy hai tháng hiện diện, nó đã đứng ở vị trí 569 trong bảng xếp hạng truy cập tại Việt Nam [1] và nhiều ngày đã lọt vào top 50.000 trên toàn thế giới, một kỉ lục hiếm thấy trong khu vực mạng tiếng Việt.
Điều gì đang diễn ra ở đây?
Quan Làm báo không phải là một vật thể lạ. Nó kết hợp mọi đặc điểm quen thuộc của đa số báo chí Việt Nam và đưa chúng lên đỉnh cao: hình thức hàng chợ, phong cách bát nháo, nghiệp vụ thô sơ và nội dung đáng ngờ. Xấu. Huếnh. Rởm. Cẩu thả. Rẻ tiền.
Không có gì ở đây không khiến tôi dị ứng: Từ bức banner đúng dòng thẩm mĩ xông pha và gào thét của tranh cổ động cách mạng [2] đến những phông chữ, co chữ và mầu sắc tung tóe [3]; từ những lỗi chính tả thản nhiên như cảnh sát giao thông ăn mãi lộ đến những hàng tít quát tháo; từ trình độ ngôn ngữ của những bài viết như thể tác giả vừa qua bình dân học vụ đến cung cách lập luận theo tinh thần hệ chuyên tu của Trường Đảng cao cấp… Nhưng những điều kể trên đều trở nên mờ nhạt trước sáng kiến truyền thông kinh hoàng của blog này: Tiêu diệt phương châm cốt tử của báo chí – tính khả tín của thông tin. Chưa nói đến chuẩn mực của báo chí chất lượng trong một nền báo chí tự do, rằng một thông tin chỉ có giá trị thông tin khi nó được xác nhận từ ít nhất hai nguồn độc lập nhau, Quan Làm báo loại trừ ý niệm nguồn thông tin khỏi hoạt động truyền thông. Nó không cung cấp thông tin mà truyền bá tin đồn. Những tin đồn hoàn toàn nặc danh, không thể kiểm chứng, không ai chịu trách nhiệm, thả nổi cho mọi phỏng đoán và suy diễn, được tung ra vô tội vạ bởi một chủ blog giấu mặt, đến nay không ai rõ là một người hay một nhóm người[4].
Song chính cái sáng kiến quái thai này lại là công cụ không thể thích hợp hơn để Quan Làm báo thực hiện cuộc tấn công ào ạt của mình vào một mục tiêu nổi bật: không phải bản thân chế độ và hệ thống hiện hành, không, mà chỉ riêng nhân vật được coi là giầu quyền lực nhất trong bộ máy chính quyền Việt Nam hiện tại, người đứng đầu chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và những nhóm được coi là nhóm lợi ích vây quanh ông, gồm cả con gái, con trai, gia đình vợ ông và những nhân vật đầy quyền hành khác trong các ngành công an, quân đội, tư pháp, các tập đoàn kinh tế chủ lực và đặc biệt là ngân hàng-tài chính… Trong cái tiệm thông tin sặc mùi đảo chính này, nơi kết tinh hai phẩm chất hàng đầu của chính báo chí nhà nước, lá cải và tuyên truyền, khách ghé thăm được thết những món lạ lùng sửng sốt mà cả đời mình chưa bao giờ hình dung là sẽ có ngày được thưởng thức. Triều đình cộng sản luôn là cái nồi chõ bịt kín, chỗ này trong nồi không biết chỗ kia sôi đến đâu, nên nghe hơi nồi chõ trở thành tập quán thông tin máu thịt, không chỉ của dân thường. Nhưng những chuyện ở kích thước như kế hoạch ám sát Chủ tịch nước, gia đình Thủ tướng chuẩn bị trốn chạy, con rể Thủ tướng bỏ của chạy lấy người, cuộc hôn nhân ma quỷ giữa tập đoàn quyền lực chính trị với các “sói Nga”, các bố già mafia, những vụ đi đêm quyền lợi khuynh đảo cả hệ thống quốc phòng và an ninh quốc gia… trên Quan Làm báo, dù thông điệp thường đầu voi mà nội dung đuôi chuột, gây ấn tượng rằng những thông tin ấy phải do người trong cuộc cung cấp, phải đúng không nhiều thì ít. Một lúc nào đó, câu hỏi đặt ra cho người đọc không phải là về tính xác thực của những thông tin ấy nữa [5], mà ai đứng đằng sau chúng, ai là kẻ giật dây. [6]
Ai? Bất luận đó là ai, hiện tượng Quan Làm báo không phải là một dấu hiệu lành mạnh cho tự do báo chí tại Việt Nam. Sự “thành công” dễ dàng và dễ dãi của trang tin này chỉ cho thấy một điều: người tiêu thụ thông tin đổ xô ra chợ giời và chấp nhận tất cả nguy cơ bị lừa ở đó, khi hệ thống mậu dịch quốc doanh không làm họ thỏa mãn, và nhất là khi thông tin quốc doanh lại chẳng kém đáng ngờ. [7] Chợ đen, chợ giời, chợ đuổi không thể là giải pháp mà báo chí Việt Nam khao khát. Sự tồn tại của chúng chỉ là câu trả lời đáng buồn của Việt Nam cho thời đại thông tin này.
Bất luận đó là ai, tôi không tin rằng một hay một nhóm kẻ giấu mặt có thể tác động tích cực đến một xã hội đầy ràng buộc và dường như bất lực trong những ràng buộc đó, như xã hội Việt Nam trong thời đại này. Để tác động tiêu cực thì giấu mặt dĩ nhiên là thượng sách.
Quan Làm báo từng trưng khẩu hiệu “Nhân dân Việt Nam muôn năm” trước khi thay bằng “Còn cái lai quần cũng chống tham nhũng” hiện tại. Tôi hơi ngạc nhiên. Lẽ ra khẩu hiệu của nó phải là “Vì đầy tớ của nhân dân phục vụ” mới hợp lý. Người dân được gì, khi quan này muốn tắm máu quan kia? Quan oan có thể là một tầng lớp xã hội thú vị đang hình thành, song nó có gì chung với dân oan?
© 2012 pro&contra
[1] Theo Alexa ngày 23.7.2012. Để so sánh, vị trí tại Việt Nam của Tia sáng: 6037, Boxitvn: 5643, Nguyễn Xuân Diện: 2930, Tuần Việt Nam: 2599, Nhân dân: 2580, Quê Choa: 1647, Trương Duy Nhất: 1356, Anh Ba Sàm: 1079, Quân đội Nhân dân: 845, Công an Nhân dân 400, Tuổi trẻ: 23, VnExpress: 5.
[2] Có thể tham khảo tranh cổ động cách mạng cũng được dùng làmbanner trên blog của cây bút chống phản động và diễn biến hòa bình trên báo Quân đội Nhân dân, thiếu tá Nguyễn Văn Minh .
[3] Cách đây không lâu, nền giao diện của Quan Làm báo được trang trí bằng những mầu loang lổ, theo phong cách mà tôi tạm gọi là “phồn thực xã hội chủ nghĩa”. Về phong cách này, xin trở lại trong một dịp khác.
[4] Một nhà báo được coi là có nhiều liên lạc với giới an ninh Việt Nam, bà Hồ Thu Hồng, vừa tiết lộ trên blog của mình rằng người “sản xuất nội dung trang Quan Làm báo” là ông Phạm Chí Dũng, người vừa bị bắt ngày 17.07.2012 vì “hành vi câu kết với một số tổ chức phản động lưu vong ở Mỹ, biên soạn nhiều tài liệu có nội dung bịa đặt, xuyên tạc, phá hoại nội bộ nhằm lật đổ chính quyền nhân dân“. Song chất lượng thảm hại của các bài viết trên Quan Làm báo cho thấy nó không thể là sản phẩm từ ngòi bút của chính ông Phạm Chí Dũng ấy, một nhà văn và nhà nghiên cứu với nhiều tác phẩm đã xuất bản, và đồng thời lại là tác giả có bút danh Viết Lê Quân trên các báo Doanh nhân Sài Gòn, Tuần Việt Nam, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam và Tầm nhìn (việctrang báo có tiếng là cởi mở này bị đình bản gần như ngay sau khi ông Phạm Chí Dũng bị bắt có phải là ngẫu nhiên không?), với nhiều bài chính luận vượt hẳn lên phong cảnh bằng phẳng của báo chí Việt Nam hiện tại.
[5] Tuy nghiệp vụ báo chí của Quan Làm báo hết sức thô sơ, nhưng sự láu cá của nó lại thuần thục. Nó biết trộn tài tình những thông tin nặc danh vào những thông tin đăng lại từ báo chí chính thống để đánh bạt sự bán tín bán nghi của người đọc và củng cố những phỏng đoán theo chiều hướng mà nó muốn đạt được. Hiện nay, đó là phỏng đoán về một cuộc thanh trừng nội bộ trên tầng cao nhất của bộ máy quyền lực Việt Nam, giữa “phe tham nhũng” mà Quan Làm báo chỉ mặt gọi tên, và “phe chỉnh đốn” được nó quan tâm lo lắng.
[6] Ở điểm này và với Quan Làm báo, có vẻ như Việt Nam cũng đang dần tiến vào giai đoạn các tập đoàn quyền lực thuộc giới đầu sỏ kinh tế-chính trị lũng đoạn truyền thông như tại Nga hiện thời.
[7] Trong một bài viết gần đây trên blog của mình , ông Alan Phan, một chuyên gia độc lập về kinh tế tài chính, cho biết ông “có cảm giác là các quan chức và chuyên gia Việt Nam cố tình đưa ra những con số rất đối nghịch với mục đích làm rối mù thực tại, khiến không ai có thể rút ra một kết luận chính xác hay hợp lý“, trong khi những tin đồn trên mạng thì không được xác nhận hay bác bỏ thẳng thắn.
-- Báo quan
Đọc lại bản tin cũ
Đông ATôi tìm được bản tin khá là thú vị về vụ án chục năm trước. Tên của bốn người bị kết án trùng khớp với những tên tuổi xuất hiện trong các bức thư được cho là của các cựu quan chức trôi nổi trên mạng liên quan tới vụ T4 nổi tiếng. Bản tuyên án tại tòa, theo bản tin của VnExpress , thuần túy về chuyện tiền nong. Không thấy có tên Phạm Chí Dũng tại phiên tòa đang nói tới. Thú vị nữa là bản tin này được VnExpress đưa theo nguồn từ TTXVN. Nếu ai đó nói rằng có những phiên tòa mà cả bị cáo lẫn hội đồng xét xử đều biết rằng tội danh tuyên cáo chỉ là một thứ tội danh bình phong cho một tội danh khác thì sao lại không tin chứ?
20 năm tù cho 4 kẻ chiếm đoạt tiền của Nhà nước
Từ năm 1997 đến 1999, Nguyễn Quang Vinh, Đỗ Ngọc Chấp, Nguyễn Thái Nguyên và Đặng Diệu Hà đã cấu kết tạo dựng nhiều tài liệu, hồ sơ giả để chiếm đoạt 780 triệu đồng của Nhà nước. Ngày 21/5, TAND Hà Nội đã mở phiên sơ thẩm vụ án này.
Trong số tiền 780 triệu đồng nói trên, bị cáo Vinh (sinh năm 1965, trú tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) chiếm đoạt gần 360 triệu đồng, Chấp (cùng đơn vị quân đội với Vinh) chiếm đoạt hơn 420 triệu đồng. Vinh đã chi cho Hà (cán bộ Sở Văn hóa Thông tin TP HCM) tổng cộng 50 triệu đồng và một máy điện thoại di động, một máy fax. Ngoài ra, Chấp còn chiếm dụng 20.000 USD. Sau khi bị phát hiện, gia đình Chấp đã nộp trả số tiền này cho cơ quan Nhà nước.
Trên cơ sở thẩm tra chứng cứ tại phiên tòa, HĐXX nhận định các bị cáo đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong công tác để vụ lợi vì mục đích cá nhân, phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
HĐXX đã tuyên phạt Vinh 6 năm tù giam, cộng với 30 tháng tù chưa chấp hành xong hình phạt của một bản án trước, tổng hợp hình phạt là 8 năm 6 tháng tù. Ba bị cáo Chấp, Hà và Nguyên lần lượt chịu các mức án 5, 4 và 4 năm 6 tháng tù. Ngoài ra, cả 4 bị cáo bị áp dụng hình phạt bổ sung là cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định trong thời hạn 3 năm kể từ khi chấp hành xong hình phạt tù.
(Theo TTXVN)