Thứ Ba, 14 tháng 4, 2015

Giáo sư Việt kiều bị truy tố hình sự tại Việt Nam

-THƯ CỦA CÁC NHÀ KHOA HỌC QUỐC TẾGỬI CHO CHÍNH PHỦ VIỆT NAM PHẢN ĐỐI VỤ KIỆNDO HIỆU TRƯỞNG ĐẠI HỌC TÔN ĐỨC THẮNG CHỦ TRƯƠNG
“Chúng tôi cho rằng nếu GS. Nguyễn Đăng Hưng bị quấy rối như thế này thì những ai trong cộng đồng các nhà khoa học gốc Việt ở nước ngoài sẽ trở về phục vụ đất nước Việt Nam?”
Luxembourg, ngày 5 tháng 4 năm 2015


Kính gửi:
– Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Chủ tịch Hội Đồng Quốc gia về Cải cách Giáo dục
Đồng kính gửi:
– Ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội
– GS. Phạm Vũ Luận, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo
– GS. Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo

Kính thưa Phó Thủ tướng,
Là các thành viên Ban Biên tập của Tạp chí APJCEN (the Asia Pacific Journal of Computational Engineering), chúng tôi cảm thấy cần gửi đến Phó Thủ tướng lá thư này để bày tỏ ý kiến của chúng tôi phản đối việc TS. Lê Vinh Danh, Hiệu trưởng trường Đại học Tôn Đức Thắng nộp đơn ở tòa án kiện GS. Nguyễn Đăng Hưng, Tổng Biên tập của chúng tôi.
Chúng tôi xin trình bày tóm tắc vấn đề như sau:
Để phát triển và khuyến khích nghiên cứu khoa học ở Việt Nam, GS. Nguyễn Đăng Hưng với uy tín và khả năng của mình, trong thời gian từ năm 2012 đến đầu năm 2014, đã thúc đẩy việc thành lập một tạp chí quốc tế về kỹ thuật tính toán. Ông đã mời trên 40 chuyên gia quốc tế trong lĩnh vực này để thành lập Ban Cố vấn và Ban Biên tập cho tạp chí.
Hợp đồng xuất bản [1] giữa nhà xuất bản Springer (Cty Springer+Business Media Singapore) và GS. Nguyễn Đăng Hưng được ký kết ngày 1/3/2015 với những điểm quan trọng sau:
– Nhà xuất bản là chủ sở hữu của Tạp chí (Tạp chí truy cập mở có tên “Asia Pacific Journal of Computational Engineering”).
– Tổng Biên tập sẽ đề cử, bổ nhiệm và bảo đảm hoạt động của Ban Biên tập gồm các chuyên gia tiêu biểu quốc tế và thuộc nhiều lĩnh vực.
– Cả hai bên đồng ý rằng Tổng Biên tập sẽ tổ chức việc in ấn và phát hành bản in của Tạp chí với sự hợp tác của đại học mà ông làm việc và phát hành Tạp chí ở Việt Nam với mục đích phi thương mại.
– Cả hai bên đồng ý rằng trang bìa của Tạp chí sẽ có logo của Springer và của trường đại học.
Qua đây, trường Đại học Tôn Đức Thắng nơi mà Tổng Biên tập làm việc sẽ được thừa nhận và biết đến nhiều và gia tăng uy tín do liên kết với Tạp chí.
Tuy nhiên TS. Lê Vinh Danh, Hiệu trưởng trường Đại học Tôn Đức Thắng không hiểu nguyên tắc và thông lệ của thỏa thuận xuất bản này, do đó trong thư (ngày 27/2/2013) của ông [2] gửi GS. Nguyễn Đăng Hưng ông Danh khẳng định rằng:
- Trường Đại học Tôn Đức Thắng là đơn vị sáng lập Tạp chí và Tạp chí là của nhà trường về mặt khoa học. GS. Nguyễn Đăng Hưng không phải là người sáng lập Tạp chí.
- GS. Nguyễn Đăng Hưng là người được nhà trường phân công làm Tổng Biên tập theo hợp đồng lao động.[3]
Chúng tôi đã gửi một số email [4] giải thích cho TS. Lê Vinh Danh rằng: “Tạp chí mà Tổng Biên tập làm việc không phải là tài sản sở hữu của trường đại học mà Tổng Biên tập làm việc… Hơn nữa tất cả các nhà xuất bản trên thế giới đều sẽ khẳng định rằng vị trí Tổng Biên tập không phải là vấn đề thuộc quyền hạn trường đại học mà Tổng Biên tập làm việc, nhưng đó là vấn đề của Ban Biên tập và nhà xuất bản mà không một quyền lực nào bên ngoài có quyền bổ nhiệm Tổng Biên tập cả”.
Vì những bất đồng này, Hợp đồng lao động giữa trường Đại học Tôn Đức Thắng và GS. Nguyễn Đăng Hưng đã được chấm dứt vào tháng 3 năm 2014, do đó trường Đại học Việt Đức nơi GS. Nguyễn Đăng Hưng cũng làm Cố vấn cao cấp trở thành đơn vị liên kết với Tạp chí.
Theo những điều nêu trên, đơn của TS. Lê Vinh Danh, Hiệu trường trường Đại học Tôn Đức Thắng, kiện GS. Nguyễn Đăng Hưng, Tổng Biên tập của chúng tôi, không có cơ sở chính đáng.
Mặc dầu đơn kiện lúc đầu đã được bên nguyên đơn rút lại vào tháng 9 năm 2014, nhưng Hiệu trưởng trường Đại học Tôn Đức Thắng gần đây nộp lại đơn kiện GS. Nguyễn Đăng Hưng vào tháng giêng năm 2015.
Hầu hết những người trong lĩnh vực của chúng tôi biết rõ những hoạt động của GS. Nguyễn Đăng Hưng cho Việt Nam từ 1990 đến 2007 trong việc giúp những người trẻ được đào tạo có uy tín chất lượng về Cơ học Tính toán như với chương trình EMMC ở Tp. Hồ Chí Minh và chương trình MCMC ở Hà Nội.
Do đó chúng tôi thực sự cho rằng nếu GS. Nguyễn Đăng Hưng bị quấy rối như thế thì những ai trong cộng đồng các nhà khoa học gốc Việt ở nước ngoài sẽ trở về phục vụ đất nước Việt Nam?
Chúng tôi cho rằng vụ kiện này đã gây tác hại nghiêm trọng đến uy tín hoạt động học thuật của Việt Nam, làm suy giảm nghiêm trọng sức hấp dẫn hoạt động nghiên cứu khoa học trong nước và góp phần cho việc tiếp tục mất chất xám của Việt Nam.
Trân trọng,
Stephane Bordas
  1. Cơ học Tính toán, Đại học Luxembourg ở Luxembourg và Đại học Cardiff ở Anh quốc.
Danh sách những người ký tên:
  1. Stéphane Bordas, Coordinator of the group, Professor of Computational, Mechanics at Luxembourg University, Luxembourg & Cardiff University, UK, Associate Editor of APJCEN.
  2. Nguyen Thien Tong, Representative of the group in Vietnam, Former Head of Aerospace Engineering Department, Ho Chi Minh University of Technology, Vietnam.
  3. Alain Combescure, INSA de Lyon, Universite de Lyon, France.
  4. Pierre Ladevèze, Professor ENS Cachan, Paris, France.
  5. Nicolas Moes, Professor ECN, Nantes, France.
  6. Joseph Pastor, Université de Savoie, France.
  7. Jean Philippe Ponthot, Computational Mechanics, University of Liege, Belgium.
  8. Gery de Saxce, University of Lille 1, France, President of the Committee of AUM, Academic group of the French Association of Mechanics (AFM), Member of the National Council of Universities (CNU, committee carrying out the evaluation of Academics).
  9. Bernhard Schrefler, Department of Civil, Environmental and Architectural Engineering, University of Padua, Italy.
  10. Dang Van Ky, Ecole Polytechnique, France.
  11. Klaus Hackl, Ruhr-Universität Bochum, Germany.
  12. Nhan Phan-Thien, Department of Mechanical Engineering/Bio Engineering, Faculty of Engineering, NUS, Singapore.
  13. Francis Tinloi, University of New South Wales, Australia.
  14. Nguyen Xuan Hung, Vietnamese- German University, Binh Duong, Vietnam. Deputy Editor-In-Chief, Vietnam.
Tài liệu trích dẫn
[1] APJCEN publising agreement between Editor-in-Chief and Springer
[2] Dr. Le Van Danh’s letter to Prof. Nguyen Dang Hung (27.2.2014)
http://www.ndanghung.com/wp-content/uploads/thư_LVD1.pdf
[3] Working contract between Ton duc Thang University and Prof. Nguyen Dang Hung (27.6.2012)
[4] Emails of 3 members of APJCEN Editorial Board.
http://www.ndanghung.com/wp-content/uploads/e_mail-phan-doi-của-GS-Ponthot-De-saxce-va-Bordas.pdf


--Thú thật tôi có cảm giác vụ kiện này chỉ làm tôi mất thì giờ, có một cái gì rất siêu thực!
GS Nguyễn Đăng Hưng- Tuesday, March 17th, 2015

.Hình chụp cùng Luật sư Trí và luật sư Học
TÔI ĐI HẦU TOÀ

Nguyễn Đăng Hưng

Sáng nay, ngày 17/3/2015, theo giấy triệu tập của thẩm phán Lê Long Toàn, tôi cùng hai luật sư của tôi lên Toà án nhân dân quận 9 tham gia phiên toà hoà giải lần thứ nhất. Theo thủ tục sẽ có 3 phiên hoà giải như thế này mới đến ngày xét xử.


Chúng tôi đến Toà án nhân dân Q9, một cơ ngơi ở giữa cánh đồng, đúng giờ hẹn: 8h30’

Chờ đến 9h30’ mà bên nguyên đơn vẫn chưa có ai đến.

Tôi quyết định rút lui giao cho hai luật sư ở lại làm việc. Tôi mang tập hồ sơ mới của nguyên đơn về và ghé lại tiệm photocopy cho in một bản làm hồ sơ cho tôi. Bản chính sẽ dành cho luật sư.

Về nhà mãi đến 11:30 giờ, hai vị luật sư của tôi mới ghé lại nhà tường trình nhanh vụ việc.

Bên nguyên đơn đến toà gồm luật sư Thắng và đại diện Hiệu trường Tôn Đức Thắng: Trịnh Minh Trung.

Theo tường thuật của các luật sư Trí và Học thì buổi hoà giải đã diễn ra như họ chờ đợi.

Bên nguyên đơn phải giải bày những đòi hỏi và phải minh chứng lý do về những đòi hỏi đưa ra.

Họ rất lúng túng, thiếu chuyên nghiệp.

Thí dụ, họ bắt đầu bằng những đòi hỏi lạc đề không có trong hồ sơ nguyên đơn. Bị luật sư phía bị đơn phản bác, họ đành quay trở lại 4 điểm có ghi trong đơn khởi kiện.

Và họ đã không có minh chứng được lý do cũng như tính chính đáng hay khả thi của những đòi hỏi ấy.

Thí dụ điểm 1 bên nguyên đơn đòi:

“Đăng thông tin cám ơn trường (TDTU) với tư cách là nhà sáng lập trên số 1 của tạp chí APJCEN, nội dung phải được đồng ý của trường bằng văn bản”.

Bên bị đơn cho rằng không có điều luật nào đòi hỏi công dân phải nói lời cám ơn. Đây là hành vi đạo đức dân sự không thể cấu thành luật dân sự. Còn đòi hỏi tư cách nhà sáng lập thì Hiệu trường ĐH Tôn Đức Thắng phải trực tiếp liên lạc với nhà xuất bàn Springer, người chủ thật sự của tạp chí APJCEN. Giáo sư Hưng không thể đáp ứng và toà cũng không thể bắt Giáo sư Hưng làm cái việc ngoài thẩm quyền của mình. Giáo sư Hưng chỉ là người được nhà xuất bản Springer và Ban Biên Tập tín nhiệm làm Tổng Biên Tập mà thôi.

Còn điểm 2, 3 đòi :

Ngưng việc phát tán những nội dung sai sự thật làm ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của TDTU, đính chính và xin lỗi bằng văn bản.

Thì bên bị đơn phản bác ngay là e-mail nói đến là e-mail mà GS NĐH viết cho Ban Ban Tâp APJCEN (Editorial board), là e-mail nội bộ làm sao HT TDT có được mà nay đưa ra làm bằng chứng. Bên nguyên đơn có minh chứng được đây e-mail thực thụ của GS Nguyễn Đăng Hưng mới có giá trị pháp luật. Bản minh chứng phải có thị thực của Đại học Liège nơi đặt server họp thư điện tử của giáo sư Hưng. Dù có minh chứng được đi chăng nữa cũng không nói được gì vì e-mail nội bộ thì làm gì có việc tán phát?

Còn lại là điểm 4 với yêu cầu:

“Hoàn trả cho Trường tổng số tiền 461.364.522 đồng mà trường đã chi trả để ông Hưng thực hiện công việc xây dựng tạp chí APJCEN”.

Đây là một yêu cầu không hợp lý. Bởi vì:

Không có 1 hoá đơn nhỏ nào liên can đến chi tiêu trực tiếp cho APJCEN (Springer đầu tư 100%). Hồ sơ nguyên đơn chỉ là tiền lương cố vấn trong 1,5 năm. Có luật nào cho phép đi đòi lương một hợp đồng lao động đã thanh lý?
Hồ sơ thanh lý có bản ký kết trên đó ghi rõ: ““không có gì phải bàn giao trách nhiệm liên quan đến việc tôi (GS NĐH) phụ trách.””. Ở đây có dấu hiệu vi phạm luật lao động và phạm tội bội ước?

Cuối cùng bên nguyên đơn bảo sẽ cố gắng có thêm minh chứng, và sẽ mời thêm nhân sự (ông Lê Văn Út) tham gia để đưa ra minh chứng rõ ràng hơn trong lần tới!

Buổi hoà giải kết thúc và biên bản chờ xác thực của thẩm phán mới giao lại cho hai bên.

Thú thật tôi có cảm giác vụ kiện này chỉ làm tôi mất thì giờ, có một cái gì rất siêu thực!

Trên đây tôi chỉ thuật lại lời báo cáo nhanh của các luật sư.

Mọi chi tiết xin trực tiếp liên lạc với:

Luật sư Đặng Đức Trí, Hãng luật ROMA, Đoàn luật sư TP HCM. ĐTDĐ: 0906 344 997

TP HCM ngày 17/3/2015

Nguyễn Đăng Hưng,



-14/03/2015
Thử lật lại hồ sơ để hiểu bản chất vụ ông Hiệu trưởng trường ĐH Tôn Đức Thắng kiện GS Nguyễn Đăng Hưng
Thái Doãn Hiểu

Chúng tôi đã có điều kiện theo dõi việc tranh chấp về tờ báo khoa học “Asia-Pacific Journal on Computational Engineering (APJCEN)”, khởi động từ ngày 30/4/2014 khi ông Hiệu trưởng trường Đại học Tôn Đức Thắng (HT.TĐT) viết thư [1] cho Ban Biên tập quốc tế, rồi sau đó việc khởi kiện tại Tòa án Nhân dân Quận 9 TP. HCM, và cùng một lúc khởi tố hình sự tại Công An Q7, TP. HCM tháng 7/2014.

Bài này đã được chuẩn bị từ tháng 9/2014, nhưng hay tin HT.TĐT rút đơn kiện vào ngày 22/8/2014 và GS. Nguyễn Đăng Hưng (GS NĐH) đã cho qua, không phản tố, chúng tôi đã ngừng lại phản ứng, đồng ý để cho vụ việc lắng xuống.

Nhưng nay chúng tôi có được tin là vụ rút đơn kiện chỉ là một động tác tình thế, HT.TĐT đã vào đơn kiện lần 2 cũng tại quận 9 và GS NĐH đang ở nước ngoài, đã nhận giấy triệu tập ngày 18/12/2014 của thẩm phán Lê Long Toàn.
clip_image002
Không thể im lặng được nữa, chúng tôi bắt buộc phải lên tiếng.
Được GS NĐH cung cấp đầy đủ hồ sơ (xem các tài liệu đính kèm), chúng tôi cho rằng việc này không chỉ là việc tranh chấp giữa cá nhân ông HT.TĐT và GS NĐH mà còn là việc liên quan đến học thuật nước nhà, đến việc nghiên cứu và công bố khoa học ra quốc tế, đến thể diện giới giáo dục và khoa học Việt Nam trước các nhà khoa học và nhà xuất bản quốc tế, đến các chính sách mới của Chính phủ Việt Nam vừa mới ban hành nhằm khuyến khích các nhà khoa học Việt kiều hay nước ngoài tham gia phát triển giáo dục và khoa học Việt Nam.
Chúng tôi công bố bài này trước công luận, cho rộng đường dư luận, với mục đích thông tin cho cả nước và giới khoa học quốc tế quan tâm đến nội dung đích thực của vụ kiện, ngõ hầu ngăn chặn kịp thời những tác hại có thể gây ra vì hành động thiếu sáng suốt của HT.TĐT.
Hành động bất cập của HT.TĐT đã sớm tỏ rõ trước mặt 60 nhà khoa học quốc tế cuối tháng 5/2014 vừa qua [1].
Bài này có mục đích nhìn lại diễn tiến, xem xét các dữ liệu hồ sơ để thấy rõ tường tận trắng đen, đúng sai.
Chúng tôi xin trình bày sự việc một cách khoa học, nói có sách, mách có chứng bằng những hồ sơ đính kèm đánh số từ [1] đến [10].
Ngày 27/7/2012, một hợp đồng đã được ký kết giữa GS NĐH và Hiệu trưởng ĐH. Tôn Đức Thắng [2], trong đó GS NĐH với tư cách là cố vấn cao cấp, không ràng buộc thời gian hiện diện; nội dung công việc là tư vấn cho việc hoàn chỉnh kế hoạch, hỗ trợ phát triển nhóm nghiên cứu khoa học, quy tụ nhân sỹ quốc tế giúp ĐH Tôn Đức Thắng (TĐT) phát triển khoa học công nghệ.
Điểm thứ tư liên quan đến vụ kiện là Lên kế hoạch với sự hỗ trợ nhân sự và tài chính của ĐH TĐT, xây dựng mộttạp chí khoa học bằng tiếng Anh với mục tiêu được cộng đồng quốc tế công nhận theo tiêu chuẩn ISI trong tương laiCủng cố và đào tạo nhân lực có thể vận hành và đảm đương việc thẩm định bài vở cho tạp chí”.
Như vậy, qua năm 2013, khi tạp chí APJCEN ra đời, GS. NĐH đã hoàn thành nhiệm vụ đề ra, chẳng những lên kế hoạch mà còn cùng với nhà xuất bản danh giá Springer thực hiện một tạp chí quốc tế thường trực trên mạng hội đủ điều kiện để đạt mục tiêu.
Sự có mặt của logo ĐH TĐT trên trang bìa, của ban Thư ký đặt địa chỉ chính thức tại ĐH TĐT xuất hiện trên trang giao diện của APJCEN ngay ngày đầu tiên đã giúp cho uy tín thương hiệu của ĐH TĐT sáng chói và vươn ra quốc tế. Một cách nghiễm nhiên ĐH TĐT đã trở thành thành viên song hành với cố vấn cao cấp của mình cùng với nhà xuất bản Springer sáng lập tờ báo.
Những tưởng HT.TĐT sẽ bằng lòng với vị trí danh giá ấy, nhưng không! Trước khi số thứ nhất của APJCEN xuất hiện trên mạng, ngày 27/2/2014 ông HT.TĐT đã gởi cho GS NĐH một thư bảo đảm [3], trong đó HT.TĐT khẳng định:
“TDTU là đơn vị sáng lập tạp chí và GS là người được nhà trường phân công (bổ nhiệm) là TBT theo hợp đồng”.
Đây chính là một thư khai chiến đi đến việc chấm dứt mối tương quan nồng thắm giữa GS NĐH và ĐH TĐT.
Trước nhất, chưa bàn đến sự khiếm khuyết về những cơ sở học thuật, những đòi hỏi trên đây đã trắng trợn vi phạm hai văn bản có giá trị pháp luật. Thật vậy, thứ nhất, điều 4 của hợp đồng làm việc mà ông đã ký không hề nói đế việc phân công bổ nhiệm Tổng Biên Tập cũng như việc xác định TDTU là đơn vị sáng lập.
Thứ hai, để tránh phải vi phạm Hợp đồng sáng lập APJCEN [4] mà GS NĐH đã ký với Springer, GS NĐH đã bắt buộc nói không trong thư từ nhiệm [5] ngày 23/3/2014 như sau:
“TDTU đã phân công (bổ nhiệm) tôi là TBT qua văn bản nào và trên cơ sở gì? Hợp đồng tôi ký với TDTU chưa hề nhắc tới từ TBT!
TDTU có cơ sở nào để tự phong cho mình là nhà sáng lập và việc phân công bổ nhiệm là việc của ban biên tập gồm 45 nhà khoa học tiếng tăm được nhà xuất bản danh giá SPRINGER tín nhiệm. TDTU không thể tự nhận cái của người khác và TDTU không có tư cách chuyên môn uy tín khoa học gì để phân công bổ nhiệm các chuyên gia khoa học cao cấp cả…”.
Điều lạ lùng là HT.TĐT đã biết rõ nội dung Hợp đồng sáng lập vì GS NĐH đã chuyển cho ông ngay sau ký một bản sao. Văn bản đó xác nhận ai đã ký Hợp đồng sáng lập APJCEN [4], và theo thông lệ những người ký hợp đồng sáng lập là đương nhiên được luật pháp coi như thành viên sáng lập thực thụ.
Tuy sau này HT.TĐT tìm cách nói không có ý định tranh dành tờ tạp chí vì phản ứng đanh thép của Springer – thành viên chủ quản tạp chí. Nhưng ai cũng biết, nhất là từ ngày GS NĐH công bố một hồ sơ gốc [6], ngay từ đầu (7/2/2013), HT.TĐT đã muốn: “Thành lập một tạp chí tiếng Anh có tầm quốc tế của Trường đại học Tôn Đức Thắng và tạp chí này thuộc về Trường đại học Tôn Đức Thắng”.
Sự tránh né của HT.TĐT trong đơn kiện tại Q9 đã mâu thuẩn với nội dung khởi tố hình sự GS NĐH tại Công an Q7. Báo chí đã đăng tải nội dung này [7] vì luật sư của HT.TĐT đã công bố nội dung nguyên đơn, bất chấp đây chính là hành động vi phạm luật tố tụng nhằm mục đích bôi nhọ GS NĐH. Đọc nội dung sau đây, ta thấy HT.TĐT đã không che dấu được chủ tâm đoạt lấy vai trò chủ quản APJCEN:
“Trường ĐH Tôn Đức Thắng cũng tố cáo ông Hưng “lừa đảo” khi “ngầm thỏa thuận với nhà xuất bản để gạt vai trò sáng lập, chủ quản của trường ra khỏi tạp chí...”.
Quả thật HT.TĐT đánh giá quá thấp nhà xuất bản Springer, một trong ba nhà xuất bản lớn của thế giới! Họ chọn lựa ký Thỏa thuận với Ban Biên tập vì họ cần các nhà khoa học chuyên ngành mà GS NĐH là đại diện. Sau khi văn bản thỏa thuận đã có, GS NĐH đã chuyển ngay về cho nhà trường một bản sao. GS NĐH đã hành xử danh chính ngôn thuận như vậy mà HT.TĐT lại cho là “lừa đảo”, “ngầm thỏa thuận để gạt vai trò sáng lập của trường ĐH TĐT”?! Những lời trên đúng là những lời phỉ báng vậy.
Ngoài ra, trong thư cho toàn bộ Ban Biên tập APJCEN và Nhà xuất bản Springer [1], HT.TĐT đã cố tình xúc phạm GS NĐH khi viết:
1.      Tôi đặt vấn đề về đạo đức và tính trung thực của Tổng biên tập Nguyễn Đăng Hưng (TBT NĐH).
2.      Tôi không chắc là TBT NĐH có bằng Tiến sỹ đặc biệt như đã nhắc đến trong lý lịch khoa học.
Vậy mà trong đơn kiện tại Tòa án Q9, HT.TĐT đòi GS NĐH phải xin lỗi ông! Ai phải xin lỗi ai đây cho phải đạo?
Cũng xin nhắc lại là trong thư trả lời [8] ngày 3/5/2014, GS NĐH đã có lời ôn tồn cùng ông HT.TĐT như sau:
“Tôi rất tiếc là trong thư nội bộ tôi viết cho Ban biên tập APJCEN (mà ông đọc được) tôi đã dùng chữ "arrogant" (để nói về nội dung thư của ông [3]) có thể làm ông cảm thấy bị xúc phạm. Tôi xin rút chữ ấy có thể gây cảm tính và xin thay bẳng các chữ khác diễn tả sự việc khách quan và phù hợp tình thế hơn. Đó là chữ "incorrect" hay "irrelevant".
GS Hưng thêm:
“Tôi rất tiếc là chúng ta đã có bất đồng về APJCEN và bất đồng này đã làm sự cộng tác giữa chúng ta đã chấm dứt. Tôi mong mỏi sự chia tay này sẽ không phải quá căng thẳng vì thực lòng tôi vẫn còn giữ những kỷ niệm đẹp tại ĐH TĐT, nhất là giai đoạn tổ chức Hội nghị khoa học ACOME”.
Một thái độ cầu thiện làm lành như vậy mà HT.TĐT không đáp ứng lại còn đưa đơn kiện, đòi đăng báo xin lỗi chính thức! Đây là một thái độ cố chấp quá đáng vậy!
Nội dung đơn kiện của HT.TĐT cũng có một điểm đáng ngạc nhiên: HT.TĐT đòi GS NĐH phải bồi thường 461.364.522 VNĐ, số tiền mà ĐH TĐT đã phải chi trả cho việc thực hiện tạp chí APJCEN”. Được biết để minh chứng cho việc chi tiêu, nguyên đơn chỉ có bằng chứng là tiền lương trả cho GS NĐH theo hợp đồng lao động [2] từ 1/7/2012 cho đến 31/3/2014.
HT.TĐT đã không có một hóa đơn nhỏ nào minh chứng cho chi tiêu trực tiếp cho tạp chí APJCEN. Làm sao có được, vì APJCEN là của Springer và nhà xuất bản đã đầu tư 100% cho tờ báo.
Thực chất vấn đề là HT.TĐT đòi lại tiền lương về một hợp đồng lao động với GS NĐH, một hợp đồng đã được thanh lý theo thoả thuận [9] có văn bản và chữ ký của đôi bên. Chẳng lẽ HT.TĐT và các luật sư của ông không biết là đi kiện về nội dung một hợp đồng đã thanh lý là vi phạm Luật Lao động? Trên thực tế hành động này còn mang một tội danh khác là tội BỘI ƯỚC. Thật vậy, trên thoả thuận chấm dứt hợp đồng GS NĐH đã có nghi rõ [9]: “KHÔNG CÓ GÌ PHẢI BÀN GIAO VÀ TRÁCH NHIỆM LIÊN QUAN ĐẾN CÔNG VIỆC”.
Ngoài ra xem xét hồ sơ của nguyên đơn chúng tôi thấy có chuyên gia chung quanh ông tìm cách giành công, tự nhận đã làm đề cương và đã đứng ra thuyết phục nhà xuất bản Springer ủng hộ cho việc ra đời tạp chí APJCEN. Chúng tôi cho rằng HT.TĐT đã lầm to khi nghe lời họ. Thật vậy, nếu đúng như thế tại sao họ không viết đề cương mới, tập hợp các nhà khoa học khác và thuyết phục Springer ủng hộ cho ra đời một tạp chí mới cho ông vui vẻ hả hê? Tại sao họ tư vấn cho HT.TĐT tiếp đi làm cái việc kiện tụng lung tung, gây tai tiếng không hay cho chính mình và trường mình?!
Tóm lại, sau khi nghiên cứu đầy đủ các hồ sơ, sau khi xét vấn đề ở mọi khía cạnh chúng tôi không thấy có cơ sở gì cho một vụ kiện tụng. Có chăng chỉ là những thông tin thất thiệt với mục đích triệt hạ thanh danh của GS.TSKH Nguyễn Đăng Hưng, một giáo sư đại học, một nhà khoa học đã bỏ ra gần 20 năm của cuộc đời để về Việt Nam góp phần đào tạo nhân lực, phát triển giao lưu quốc tế cho các trường Đại học Việt Nam với những thành quả không thể phủ nhận được.
Thiết nghĩ những phát biểu vô căn cứ, những âm mưu nặc danh hay ra mặt nhằm mục đích xấu sẽ không thể nào đánh chìm được 40 năm hoạt động giáo dục và khoa học của GS NĐH, nhất là gần 20 năm đóng góp to lớn và hữu hiệu cho nền giao dục nước nhà.
Việc GS NĐH, tuy đã nghỉ hưu còn đứng ra thành lập tạp chí khoa học APJCEN, có sự ủng hộ của nhà xuất bản danh giá Springer, lại là một đóng góp đáng kể thêm, giúp các nhà khoa học trẻ Việt Nam nhanh chóng công bố các công trình quốc tế ra thế giới. Đây là một cống hiến đáp ứng yêu cầu phát triển, tăng cường giao lưu quốc tế mà Nghị quyết Trung ương 6 về phát triển Khoa học và Công nghệ đã khẳng định.
Công việc này không có thù lao nhưng khá phức tạp, cần nhiều tập trung công sức.
Việc HT.TĐT kiện tụng quấy rầy GS. NĐH đã gây không ít phản cảm cho Ban biên tập quốc tế  tạp chí APJCEN, cũng như đến lãnh đạo Nhà xuất bản Springer.
Trong một bài viết trong tháng 8/2014 vừa qua [10], GS Phạm Quang Tuấn (Đại học New South Wales, Úc) đã phải thốt lên:
“Cho dù là thắng hay thua kiện, vụ kiện sẽ ảnh hưởng tai hại cho tiếng tăm của Đại học Tôn Đức Thắng… Giả sử Đại học Tôn Đức Thắng thắng kiện thì hậu quả lại càng tệ hơn vì sẽ gây công phẫn trong giới đại học và Việt kiều. Các giáo sư, chuyên viên ngoại quốc hay Việt kiều hẳn sẽ nhiều người ngần ngại hợp tác với trường. Không những thế, vụ này còn có thể gây tăm tiếng chung cho toàn thể giới Đại học Việt Nam”.
Liệu HT.TĐT có sớm ý thức được những tai hại nói trên để chấm dứt những hành động sai trái, không đi đến đâu, trở lại với lẽ phải vì quyền lợi chung của việc phát triển khoa học, công nghệ nước nhà, trong đó có việc phát triển Đại học Tôn Đức Thắng.
T.D.H.
TP. Hồ Chí Minh ngày 11/3/2015
Tài liệu minh chứng:
[2] Hợp đồng ĐH TĐT - NĐH
[4] Hợp đồng sáng lập APJCEN TBT-Springer
http://www.ndanghung.com/.../APJCE-Agreement-Springer_NDH...
[5] Thư từ nhiệm của NĐH
http://www.ndanghung.com/wp-content/uploads/Kính-gởi-TS-Lê-Vinh-Danh.pdf
[6] Thư điện tử đêm giao thừa
[7] Nội dung đơn tố cáo của ĐHTĐT tại Q7
[9] Thoả thuận chấm dứt hợp đồng lao động TĐT-NĐH
http://www.ndanghung.com/.../upl.../thoa-thuan-nghi-viêc.jpg
[10] Vài ý kiến về việc Đại học Tôn Đức Thắng kiện Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng
http://www.ndanghung.com/bai-viet/2014/08/29/gia-su-dai-hoc-ton-duc-thang-thang-kien-thi-hau-qua-lai-cang-te-hon-vi-se-gay-cong-phan-trong-gioi-dai-hoc-va-viet-kieu-cac-giao-su-chuyen-vien-ngoai-quoc-hay-viet-kieu-han-se-nhieu-nguoi-ngan-ngai.html/#more-9072



-Giáo sư Việt kiều bị truy tố hình sự tại Việt Nam


 08/21/2014 - 20:08
Một trí thức Việt kiều, sau nhiều năm góp sức để hỗ trợ các chương trình đại học tại Việt Nam, đã bị một đaị học tại Sài Gòn yêu cầu công an khởi tố hình sự.

Theo bản tin trong nước, Ông Lê Vinh Danh- hiệu trưởng Trường Đại Học Tôn Đức Thắng- đã ủy quyền cho ông Nguyễn Quốc Bảo đứng đơn tố cáo Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng đến cơ quan Cảnh sát Điều tra công an quận 7. Đơn tố cáo cho rằng ông Nguyễn Đăng Hưng có hành vi bịa đặt và phát tán các thông tin sai lệch, có tính vu khống hiệu trưởng Trường Đại Học Tôn Đức Thắng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín nhà trường. Bên cạnh đó, Trường Đại Học Tôn Đức Thắng cũng tố cáo ông Hưng lừa đảo, khi ngầm thỏa thuận với nhà xuất bản để gạt vai trò sáng lập, chủ quản của trường ra khỏi tạp chí.


Trao đổi với báo Tuổi Trẻ, GS Nguyễn Đăng Hưng cho biết ông đã không thể đến làm việc theo giấy mời của công an vì lý do sức khỏe. Nếu cần phải tới đồn công an trong những lúc triệu tập khác, ông sẽ mời đại diện Đại sứ quán Bỉ đi cùng. Ông chỉ đến đồn công an khi có đại diện của Đại sứ quán Bỉ.

Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng sinh năm 1941, cựu học sinh trường trung học Pétrus Trương Vĩnh Ký Sài Gòn, du học từ 1960, tốt nghiệp Kỹ sư vật lý Hàng không & Không gian. Tiến sĩ khoa học, đã có số năm giảng dạy đại học tới 40 năm, sáng lập bộ môn cơ học phá hủy (LTAS-Fracture Mechanics) cho Đại học Liège ở Bỉ năm 1985, được nhiều huy chương của Bỉ, trong đó có huy chương Hàn Lâm Viện Khoa học, Văn học và Nghệ thuật Hoàng gia Bỉ và được vinh danh là một trong 12 người nước ngoài làm cho nước Bỉ đổi thay. Ông có nhiều đóng góp cho khoa học Việt Nam, như huy động thành công 10 trường Đại học Châu Âu cộng tác với 10 trường Đại học của Việt Nam để tham gia chương trình đào tạo 50 tiến sĩ cho Việt Nam. Đến nay GS Nguyễn Đăng Hưng bắt đầu bị gây rắc rối. (T. Lan)

21/08/2014
SAIGON -- Một trí thức Việt kiều sau nhiều năm góp sức để hỗ trợ các chương trình đại học tại Việt Nam đã bị một đaị học tại Sài Gòn yêu cầu công an khởi tố hình sự.

Báo Dân Trí kể rằng ĐH Tôn Đức Thắng đã đề nghị khởi tố hình sự GS Nguyễn Đăng Hưng.

Bản tin nói, Ông Lê Vinh Danh, Hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng, đã ủy quyền cho ông Nguyễn Quốc Bảo (SN 1972, ngụ P.Tân Phong, Q.7, TPSG) đứng đơn tố cáo Giáo sư (GS) Nguyễn Đăng Hưng đến cơ quan CSĐT công an quận 7.

Trong đơn tố cáo, ông Bảo cho biết, căn cứ hợp đồng làm việc được ký giữa ĐH Tôn Đức Thắng và GS Hưng thì GS phải có trách nhiệm xây dựng một tạp chí khoa học theo tiêu chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, GS Hưng đã bế tắc trong công việc này và trợ lý của ông là TS Lê Văn Út đã thuyết phục được nhà xuất bản (NXB) Springer cho ra tạp chí APJCEN.

Bản tin nói:

“Sau khi tạp chí ra đời, GS Hưng phủ nhận vai trò sáng lập của ĐH Tôn Đức Thắng, tự ý thỏa thuận để NXB Springer và Ban biên tập là nhà sáng lập song hành, Springer là chủ tạp chí.

Khi hiệu trưởng ĐH Tôn Đức Thắng yêu cầu trả tạp chí về đúng nghĩa như ban đầu trong đề án thì không được GS Hưng chấp thuận. Từ những email qua lại, lãnh đạo Trường ĐH Tôn Đức Thắng cho rằng GS Hưng đã có hành vi bịa đặt, phát tán các thông tin sai lệch, có tính vu khống, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của trường cũng như lãnh đạo. Trường ĐH Tôn Đức Thắng cho rằng hành vi này của GS Hưng đã đủ yếu tố cấu thành tội vu khống được quy định Điều 122, Bộ luật Hình sự.

Cũng liên quan đến tạp chí APJCEN, Trường ĐH Tôn Đức Thắng tố cáo GS Hưng có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 139 Bộ luật Hình sự.”

Ghi nhận, nhiều trang blog đã bênh vực GS Nguyễn Đăng Hưng vì cho rằng GS Nguyễn Đăng Hưng không vi phạm hợp đồng nào hết, sau khi Giáo sư 2 quốc tịch Bỉ và VN này đã trình bày sự vụ trên trang nhà riêng ở: http://www.ndanghung.com/

Được biết, GS Nguyễn Đăng Hưng sinh năm 1941, cựu học sinh trường trung học Pétrus Trương Vĩnh Ký Sài Gòn, du học từ 1960, tốt nghiệp Kỹ sư vật lý-Hàng không & không gian, Tiến sĩ khoa học, đã có số năm giảng dạy đại học tới 40 năm, sáng lập bộ môn cơ học phá hủy (LTAS-Fracture Mechanics) cho Đại học Liège ở Bỉ năm 1985, được nhiều huy chương của Bỉ, trong đó có Huy chương, Hàn Lâm Viện Khoa học, Văn học và Nghệ thuật Hoàng gia Bỉ (1984), và được vinh danh là một trong 12 người nước ngoài làm cho nước Bỉ đổi thay (tuần báo VIF-EXPRESS, 16/7/1999).

Tuy nhiên, sau nhiều đóng góp cho khoa học VN -- như đã huy động thành công 10 trường Đại học Châu Âu cộng tác với 10 trường Đại học của Việt Nam để tham gia chương trình đào tạo 50 tiến sỹ cho Việt Nam (2001-2010); Đã vận động thành công trong năm 2004 và 2005 trên 50 Trí thức, chuyên gia Việt kiều ưu tú tham gia thành lập Câu Lạc Bộ Khoa học Kỹ thuật Việt Kiều tại Thành phố Sài Gòn... -- GS Nguyễn Đăng Hưng bắt đầu bị gây rối.

Giới công tác khoa học và giới trí thức Việt kiều đang quan sát về hồ sơ trí thức Việt kiều bị đaị học yêu cầu công an truy tố hình sự này.


Phỏng vấn GS Nguyễn Đăng Hưng: Việt Nam: những bức xúc trong việc thu hút trí thức Việt kiều- Võ Thái
Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng: “Việt Nam vẫn chưa tin tưởng vào Việt kiều. Điều này thể hiện một thực tế là lãnh đạo có nhiều hạn chế về hiểu biết và thiếu tầm nhìn.”


"Cơ chế ‘xin cho’ hoàn toàn đi ngược với tư cách, tâm tư và nguyện vọng của trí thức." (Credit: ABC)
Hình ảnh: Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng
Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, sinh năm 1940, nguyên quán tại Quảng Nam. Ông đi du học từ 1960, sau đó giảng dạy và nghiên cứu tại Đại học Liège (Vương quốc Bỉ) về Toán và Cơ học. Giáo sư Hưng đã có công đào tạo hơn 300 Thạc sĩ lấy bằng của Bỉ tại Việt Nam. Hơn 50 người trong số này đã có bằng tiến sĩ.
Ngày 26.3.2004, Bộ Chính trị Việt Nam đã đưa ra Nghị quyết 36 với mục đích thu hút Việt kiều về nước góp sức xây dựng đất nước.

GS Hưng về sống tại Việt Nam từ 2006 đến nay. Ông đã có nhiều đóng góp tích cực cho giáo dục, khoa học công nghệ của quê hương.
Mới đây Radio Australia đã có dịp trò chuyện với GS Hưng để tìm hiểu về kinh nghiệm và nhận định của ông đối với chính sách thu hút Việt kiều của Việt Nam.
Đây là bài đầu tiên trong một loạt bài tìm hiểu về vấn đề này.
Radio Australia: Theo Giáo sư chính sách thu hút Việt kiều của Việt Nam trong những năm qua đã thành công chưa?
GS Nguyễn Đăng Hưng: Từ khi Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị cách đây 8 năm, chính sách thu hút Việt kiều không thể nói là thành công. Nghị quyết 36 không có khâu thực hiện, không có chính sách cụ thể thỏa đáng, chưa tạo dựng được môi trường cần thiết cho trí thức Việt kiều hoạt động.
Thật vậy, người trí thức cần có môi trường tự do. Trường đại học cần có tự do tư tưởng. Nghiên cứu khoa học cần có môi trường dân chủ, cần người có thực tài, đam mê khoa học. Người tài không khom lưng, nhà nước phải biết trân trọng giao việc cho họ công việc với lòng tin. Đây là điều kiện để họ xây dựng nền công nghệ cho đất nước.
Trên thực tế hiện nay, Việt kiều về nước làm việc dù có giỏi chuyên môn cũng chỉ được làm cao nhất chỉ cấp phó.
Chính sách nghiên cứu khoa học công nghệ của Việt Nam hiện nay vẫn còn là giải quyết giữa nội bộ bên trong. Tiếng nói Việt kiều gần như không lọt vào.
RA: Vậy trong thực tế trí thức kiều bào vẫn chưa được tin dùng tại Việt Nam?
GS NĐH: Đúng, nhà nước Việt Nam vẫn chưa tin tưởng vào Việt kiều. Điều này thể hiện một thực tế là lãnh đạo có nhiều hạn chế về hiểu biết và thiếu tầm nhìn. Những người lãnh đạo trong nước chỉ thấy và tin dùng những người gần gủi, tin cậy.
Lớp Việt kiều đầu tiên tầm cỡ như Trần Đại Nghĩa, Tạ Quang Bửu đã được tin dùng trong thời gian đầu, nhưng sau này đã bị vô hiệu hóa và bị gạt ra khỏi các vị trí lãnh đạo từ những ngày mà tư duy giáo điều Mao-Ít thao túng học thuật Việt Nam. Những người khác như Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường… sau khi về nước đã có những số phận hẩm hiu mà ai cũng biết. Trừ một vài cá nhân cá biệt với vai trò và cống hiến khiêm tốn, phải nhìn nhận là từ 70 năm qua cho đến bây giờ trí thức Việt kiều vẫn bị đối xử như vậy.
RA: Do hoàn cảnh lịnh sử, theo Giáo sư Việt Nam có những thuận tiện cũng như khó khăn nào cho chính sách thu hút trí thức Việt kiều?
GS NĐH: Hoàn cảnh lịch sử của đất nước vô tình tạo lợi thế cho dân tộc Việt Nam. Trí thức kiều bào Việt Nam hiện nay rất đông đảo và sống ở nhiều nước tiên tiến trên thế giới. Không có ngôn ngữ, công nghệ nào mà trí thức Việt kiều không có chuyên môn.
Nhưng cái khổ, cái tệ hại là nhà nước Việt Nam chưa có tính thần cởi mở vì quyền lợi chung của dân tộc. Thói quen e ngại các Việt kiều dường như là chủ đạo. Nhất là các Việt kiều từ phương Tây.
Nếu muốn có công nghệ tiên tiến, tồn tại được trên thị trường thì phải tiếp cận công nghệ từ Nhật, Pháp, Mỹ, Đức… nhưng đây lại là các nước tư bản.
Dù công nhận tư bản có thành công rực rỡ, nhưng trong tư duy của một bộ phận quan quyền vẫn cho tư bản đang giẫy chết. Ngay cả bà phó chủ tịch nước mới đây đã ngang nhiên tuyên bố: “Việt Nam có dân chủ tiên tiến hơn các nước phương Tây gấp nghìn lần”. Tư duy kiểu vậy, nên người dân chịu thiệt thôi.
RA: Ngoài vấn đề ý thức hệ, theo ông còn những cản trở nào?
GS NĐH: Đó chính là tư duy ‘nhiệm kỳ’. Ai lên làm lãnh đạo cũng ít nghĩ đến việc phải làm được những gì cho đất nước, mà chỉ nghĩ đến chuyện thủ lợi cho bản thân. Cho nên bao nhiêu năm nay nền giáo dục, khoa học công nghệ của Việt Nam không có được cái nào ra hồn.
Thêm nữa là quyền lợi của các nhóm chuyên mưu cầu lợi ích tư và tư duy toàn trị trong khoa học. Người nằm trong chính quyền, hay có liên quan với giới quyền thế dễ dàng nắm được thông tin, có hợp đồng, tức là họ nắm trong tay điều kiện phát triển, làm giàu. Cho nên họ không đưa thông tin đó ra cho đại chúng để mọi người cùng có kế sách làm giàu cho đất nước.
Câu chuyện Vinashin là một ví dụ rất sinh động, cụ thể. Nếu từ đầu Vinashin tin tưởng giao cho một Việt kiều tại Pháp, tại Mỹ… có kinh nghiệm đóng tàu lâu năm, mời họ về làm lãnh đạo thì bây giờ đã có được ngành công nghiệp đóng tàu, chứ không phải nát bét như bây giờ.
Tuy nhiên vì lợi ích nhóm, nhà nước đã giao ‘quả đấm thép’ cho ông Phạm Thanh Bình. Ông Bình không biết gì đến tàu là gì trừ trường hợp lên tàu đi chơi. Cho nên sau khi lên nắm Vinashin ông chủ tịch này chỉ có khả năng đi mua tàu thôi. Ông mua thế nào cho có giá và huê hồng cao.
RA: Có những trí thức kiều bào về nước làm việc, ban đầu được tung hô, nhưng lại không đóng góp được gì nhiều sự phát triển. Theo Giáo sư nguyên nhân nằm ở đâu?
GS NĐH: Điều này là do Việt Nam không có cơ chế thẩm định độc lập. Trong tổ chức của Việt Nam, từ Đảng, Đoàn, đến một số bộ phận Việt kiều đều không thấm nhuần bản lĩnh độc lập, nên không thể tự xét đoán con người, trình độ, khả năng làm việc.
Trong tương tác với Việt kiều, tư duy bè phái đã dẫn đến những sai lầm cố hữu. Ngay cả thành phần trí thức Việt kiều từ Pháp, bên Canada, bên Bỉ… những ai giỏi nịnh với nhà nước Việt Nam thì được đưa lên; còn vị nào biết tự trọng, nghiêm túc, không nịnh bợ, có lời nói thẳng thắn thì bị cho ra ngoài lề.
Đã là người trí thức giỏi thực thụ thì không bao giờ phải xu nịnh ai cả. Cơ chế ‘xin cho’ hoàn toàn đi ngược với tư cách, tâm tư và nguyện vọng của họ. Nhưng khổ là cái ở Việt Nam, cơ chế ‘xin cho’ đang thống trị hoàn toàn trong mấy chục năm nay và vẫn chưa chấm dứt.
Xưa nay đầu óc của thành phần phong kiến đã rất quen với tư duy ‘nịnh trên, đạp dưới’. Đây là tư duy phi trí thức. Bởi vì một nước hay một lĩnh vực, nếu muốn tiến triển phải có phản biện. Để phản biện có hiệu quả thì phải có những tư duy độc lập. Mà muốn có đầu óc độc lập thì phải có trình độ và thông tin đa chiều. Nhưng nhà nước Việt Nam phủ nhận thông tin đa chiều, không chấp nhận ý kiến khác, nên tư duy độc lập vẫn chưa phát huy được.
RA: Theo ông để thu hút trí thức Việt kiều về nước làm việc, chính sách Việt Nam cần phải có những điều gì?
GS NĐH: Trí thức cần có một môi trường dân chủ và một nền văn hóa biết trọng khoa học để hoạt động. Muốn có các điều kiện đó ta cần thay đổi và sửa chữa lỗi trong hệ thống. Việt Nam cần có một thế hệ lãnh đạo mới, có đủ bản lĩnh, có đủ tâm đủ tầm, nhất là có lòng tin ở một tương lai sáng lạn của dân tộc.
RA: Xin cảm ơn Giáo sư.
 Phỏng vấn GS Nguyễn Đăng Hưng: Việt Nam: những bức xúc trong việc thu hút trí thức Việt kiều (radioaustralia.net.au).

Tổng số lượt xem trang