Thứ Ba, 31 tháng 7, 2012

Tờ tiền giấy

 Tạp chí Da Màu - Dazai Osamu Hoàng Long dịch

Truyện ngắn sau đây được dịch từ nguyên tác Kahei (貨幣)
trong tập truyện ngắn “Nữ sinh” (
女生徒) của văn hào Dazai Osamu (太宰治),
do Nhà xuất bản Kadokawa (
角川文庫) tái bản lần thứ năm năm Bình Thành 21 (2009)
in khổ bỏ túi, từ trang 204 đến 214.

100-yen

 Trong tiếng nước ngoài, danh từ được chia làm danh từ giống đực và giống cái.

Tiền tệ là một danh từ thuộc giống cái.

 Tôi là tờ tiền giấy một trăm yên số hiệu 77851. Bạn thử kiểm tra mấy tờ tiền một trăm yên trong ví mình thử xem. Biết đâu chừng có tôi ở trong đó đấy. Bây giờ tôi đã mệt mỏi quá rồi nên cũng không biết được là mình đang nằm trong túi ngực áo ai hay bị ném vào sọt giấy vụn mất rồi. Gần đây tôi có nghe nói là sẽ có những mẫu tiền giấy mới được in ra còn những tờ tiền cũ như chúng tôi sẽ bị đốt hết. Cứ sống trong tâm trạng phấp phỏm không biết sống chết thế nào như vậy thì chẳng thà bị đốt cháy rồi thăng thiên còn hay hơn. Sau khi bị thiêu cháy rồi thì việc lên thiên đàng hay xuống địa ngục tôi đều phó mặc cho thần linh thôi nhưng chắc là tôi sẽ phải xuống địa ngục đấy.

Lúc mới được sinh ra tôi không có hình dáng bần hàn như thế này đâu nhé. Mặc dù sau này có rất nhiều loại tiền mệnh giá hai trăm yên và một ngàn yên được phát hành ra nhưng thuở mới chào đời tôi là nữ vương của tiền đấy. Lần đầu tiên khi rút tôi ra từ một ngân hàng lớn ở Tokyo, tay người nhận đã hơi run run. Là chuyện thật mà. Đó là một người thợ mộc trẻ tuổi. Chàng ta không gấp tôi lại mà cứ thế đút tôi vào túi tạp dề[1], lấy lòng bàn tay trái áp nhẹ lên túi như người bị đau bụng rồi cứ thế mà đi bộ rồi chuyển sang đi tàu điện; nghĩa là từ ngân hàng về đến tận nhà, chàng ta đều để lòng bàn tay áp vào túi áo miết như vậy. Ngay khi về đến nhà, chàng ta đặt tôi ngay lên bàn thờ[2] mà khấn vái. Chuyến khởi hành đầu tiên của tôi đến với cuộc đời này hạnh phúc như thế đó. Tôi cứ muốn ở lại nhà chàng thợ mộc này mãi mãi. Nhưng đâu ngờ là mình chỉ trọ duy nhất có một đêm. Đêm đó chàng ta vô cùng cao hứng, uống rượu say túy lúy rồi hướng về người vợ nhỏ bé trẻ tuổi mà huyênh hoang rằng “đừng có mà khinh thường anh nhé. Anh cũng được việc đấy phải không?” Chốc chốc anh ta lại đứng dậy, lấy tôi từ trên bàn thờ xuống làm điệu bộ khấn vái để chọc cười nàng ta. Nhưng ngay lúc đó hai vợ chồng lập tức lại xảy ra cãi vã rồi cuối cùng tôi bị người vợ trẻ ấy gấp lại làm tư và nhét vào chiếc ví nhỏ. Đến sáng hôm sau, nàng ấy đưa tôi ra tiệm cầm đồ đổi lấy mười tấm áo kimono. Tôi bị nhét vào trong két sắt lạnh giá và đóng im ỉm của tiệm cầm đồ. Vừa may sao khi tôi cảm thấy lạnh cóng và đau bụng khốn khổ thì được đưa ra ngoài nhìn ánh sáng mặt trời. Lần này tôi được đổi lấy một cái kính hiển vi của một chàng sinh viên y khoa. Anh chàng này dẫn tôi đi du lịch thật xa rồi cuối cùng tôi bị anh vứt bỏ trong một lữ quán nơi hòn đảo nhỏ ven biển Seto. Tôi trú ngụ trong ngăn kéo của chiếc tủ nhỏ nơi quầy tính tiền gần một tháng trời. Tôi nghe mấy người hầu đồn rằng sau khi vứt bỏ tôi, chàng sinh viên rời lữ quán và chẳng bao lâu sau thì nhảy xuống biển Seto[3] mà chết. Có cô hầu gái mập ú, mặt đầy mụn, chừng bốn mươi tuổi nói đùa rằng “Sao chết một mình ngu ngốc quá vậy? Với một mỹ nam tử như vậy, lúc nào mình cũng sẵn sàng chết chung[4] mà?”.

Sau đó trong khoảng bốn năm năm tôi cứ lưu lạc qua lại miền Shikoku với Kyushu và trở nên già yếu hẳn. Tôi dần dần bị người đời khinh miệt. Cho đến năm thứ sáu, khi quay trở về Tokyo thì tôi biến dạng đến mức mình cũng chán ngấy mình luôn. Quay trở về Tokyo tôi chỉ còn là một mụ chạy bàn trong cái quán ẩm thấp tối tăm. Trong năm năm trời xa cách kinh đô, tôi đã thay đổi nhiều nhưng Tokyo thì còn thay đổi khủng khiếp hơn. Tôi được một tay môi giới say rượu dẫn đi vào lúc tám giờ tối từ nhà ga Tokyo đến Nihonbashi rồi đến Ginza và Shinbashi. Trong khoảng thời gian đó, đường xá tối đen khiến tôi có cảm giác như lạc vào trong rừng sâu vậy. Không có một bóng người nào đã đành rồi nhưng tôi cũng không thấy có bóng con mèo nào chạy ngang qua cả. Đúng là những dấu hiệu bất thường của một thành phố chết chóc đáng sợ. Rồi chẳng bao lâu sau những tiếng rít véo véo vun vút vang lên và trong cảnh hỗn loạn cả ngày lẫn đêm tôi cứ bị chuyền từ tay người này sang người khác cứ như cây gậy trong cuộc chạy đua tiếp sức, chẳng có phút nào được nghỉ ngơi. Vì thế mà tôi không những trở nên nhăn nhúm như thế này mà còn dính đủ thứ xú uế, khiến tôi xấu hổ nhục nhã không bút nào tả xiết. Lúc giờ, Nhật Bản cũng đang trong thời kỳ nhục nhã tuyệt vọng nhỉ. Tôi bị chuyền qua tay những ai, với mục đích gì và với những câu chuyện bi thảm như thế nào thì chắc mọi người cũng đã biết rõ ràng rồi, đã chán phải nghe, phải nhìn đến nên tôi không nói chi tiết làm gì nữa nhưng tôi nghĩ rằng cái việc biến thành quái thú ấy chẳng riêng gì bọn lính lác mà thôi đâu. Đó cũng chẳng riêng gì là người Nhật Bản mà còn là một vấn đề lớn của tính người nói chung. Tôi cứ nghĩ rằng nếu như biết được tối nay mình sẽ chết thì con người phải quên hết đi vật dục và sắc dục thì mới phải thế nhưng hình như là không phải vậy. Con người hễ đến đường cùng của sinh mạng là không còn cười với nhau được nữa, là ăn tươi nuốt sống nhau vô độ. Chỉ cần trong thế giới này còn có một người bất hạnh thì chính cái việc nghĩ rằng mình không thể nào buông bỏ cái hạnh phúc được (có lẽ là một thứ tình cảm của con người thực sự) rồi để đạt được an lạc cho mình hay chỉ cho gia đình mình thôi thì nguyền rủa, lừa đảo lẫn nhau, đạp đổ người khác (không đâu, ngay cả bạn cũng đã làm điều ấy một lần rồi đó. Và vì làm một cách vô ý, đến mức ngay cả bản thân mình cũng không thể nhận thức được thì còn đáng sợ hơn nữa đấy. Hãy biết xấu hổ đi. Nếu còn là người thì hãy biết xấu hổ vì cảm giác xấu hổ là một thứ chỉ có ở riêng con người).

Quả thật, thế giới này chỉ toàn phơi bày ra những bức tranh bi thảm và hài hước như những oan hồn địa ngục xâu xé lẫn nhau. Tuy nhiên chính bản thân tôi, trong cuộc sống đầy tớ hạ đẳng này, không phải không có lần từng nghĩ rằng mình được sinh ra thật là tuyệt diệu biết bao. Mặc dù bây giờ tôi đã mệt đứt hơi, ngay cả việc mình đang ở đâu cũng không nhận thấy nữa nhưng trong dáng vẻ già cả lú lẫn này vẫn lưu giữ những kỷ niệm vui mà đến bây giờ vẫn không sao quên được. Một trong số đó là lần tôi được một bà buôn lậu dẫn tôi đến thành phố nhỏ cách Tokyo chừng ba, bốn giờ tàu chạy (tôi muốn nói thêm một chút về điều này). Cho đến giờ tôi cũng qua tay nhiều tên buôn lậu lắm rồi nhưng hình như con buôn chợ đen này sử dụng tôi hiệu quả gấp đôi so với bọn đàn ông. Dục vọng của đàn bà còn có chỗ triệt để ghê gớm hơn nhiều nữa. Người đàn bà dẫn tôi đến chỗ này hình như cũng không phải là kẻ tầm thường. Sau khi trao cho người đàn ông nọ một chai bia, bà ta mang tôi đi mua rượu vang ở thành phố nhỏ đó. Giá chợ đen bình thường của rượu vang là năm mươi hay sáu mươi yên một thăng nhưng bà ta cứ lân la to nhỏ thì thầm một lúc lâu, đôi khi lại mỉm cười đưa đẩy lẳng lơ thế nào đó mà cuối cùng chỉ đưa có một mình tôi ra mà mua được đến bốn thăng rượu vác vai mang về với vẻ mặt không thấy mệt nhọc một chút nào. Có nghĩa con buôn chợ đen này dùng thủ đoạn đưa một chai bia đổi lấy bốn thăng rượu rồi pha thêm chút nước vào san ra được gần hai mươi chai bia. Dục vọng đàn bà thật quá hạn độ. Vậy mà mặt mũi bà ta không có lấy một chút vui vẻ nào, lúc quay về cứ nghiêm mặt phàn nàn “cái cõi đời này tệ mạt quá thể”. Còn tôi thì được nhét vào trong cái ví to của người bán rượu vang. Vừa chập chờn ngủ lơ mơ được một chút thì đã bị lôi tuột ra ngoài. Lần này bị rơi vào tay một viên đại úy lục quân tuổi gần bốn mươi. Hình như ông này là bạn bè của tay buôn chợ đen kia. Tôi được đổi lấy một trăm điếu thuốc Homare chuyên dụng dành cho quân nhân. (Đó là nghe viên đại úy nói vậy nhưng sau đó tay buôn rượu mở ra kiểm tra thử xem thì chỉ có tám mươi sáu điếu nên mới phát phẫn lên mà kêu là “cái thằng bẩn thỉu”). Sau khi trao bọc giấy đựng trăm điếu thuốc, viên đại úy gấp tôi lại và nhét vào túi quần. Đêm đó tôi theo ông ta lên lầu hai một quán nhỏ dơ dáy nằm xa thành phố. Viện đại úy quả là tay tửu đồ có hạng. Rượu brandy quý hiếm như vậy mà hắn từ từ từ làm tới. Hình như những kẻ say rượu đều không ra gì hay sao nên hắn cứ luôn miệng rủa xả cô hầu rượu:

“Cái mặt mày nhìn từ góc độ nào đi nữa cũng thật là giống con truồng[5]. (Chồn mà phát âm thành “truồng”, không biết là phương ngữ vùng nào đây). Nhớ kỹ vào nhé. Trên mặt truồng có cái mỏ nhọn hoắt râu ria. Cái ria ấy bên phải ba sợi, bên trái bốn sợi. Chồn mà đánh rắm là không thể nào chịu nổi đâu. Chỉ thấy một làn khói vàng đậm đặc bốc lên, chó mà ngửi thấy là cứ xoay vòng vòng rồi ngã lăn chiêng ra. Không phải vậy đâu, đùa đấy. Mặt mày vàng vọt nhỉ. Một màu vàng kì diệu. Chắc mặt mày bị nhuộm vàng bởi cú rắm của tao đấy. Mẹ thối hoắc. Mày mới làm đấy hả? Chẳng phải quá thất lễ hay sao? Mẹ, tao đây tuy ti tiện vậy chứ cũng đường đường là quân nhân của đế quốc, dám đánh rắm trước mặt tao chẳng phải quá vô lễ hay sao? Tao nhạy cảm vô cùng đấy. Bị chồn đánh rắm trước mặt mình tao đây cũng không bình tĩnh nổi đâu”

Hắn cứ rủa xả hết mức bằng những lời lẽ đê tiện như vậy. Rồi thoáng nghe tiếng trẻ con khóc dưới lầu, hắn lại nguyền rủa:

“Đồ quỷ đói ồn ào làm tao mất cả hứng. Tao đây nhạy cảm vô cùng đấy. Đừng trêu ngươi tao. Đó là con mày à? Kỳ diệu nhỉ. Mẹ, con của truồng mà có tiếng khóc giống người làm tao kinh ngạc quá. Mày cũng quái đản nhỉ. Vừa chăm con vừa buôn bán chẳng phải quá lợi hại hay sao? Vì những loại đàn bà ti tiện xa lạ như mày mà Nhật Bản đang chiến đấu khổ sở đấy. Mày thử nghĩ xem vì những loại đàn bà ngu ngốc như mày, Nhật Bản có thắng được không cơ chứ? Ngu, quá ngu. Thôi không nói về chiến tranh nữa. Truồng và chó quay vòng vòng rồi ngã lăn ra. Làm sao mà thắng được cơ chứ? Thành ra mỗi đêm tao đều như thế này, uống rượu và mua gái thôi. Tạo tệ quá nhỉ?”

“Quá tệ”, cô hầu rượu nói, mặt xanh xám lại. “Chồn thì đã làm sao? Nếu không ưa thì còn đến đây làm gì nữa. Bây giờ ở Nhật Bản vừa uống rượu vừa xỉ vả đàn bà thì chỉ có bọn chúng mày thôi. Tiền lương của mày lấy từ đâu ra, nghĩ thử xem nào. Quá nửa phần bọn tao kiếm được là đưa cho chính phủ đấy. Rồi người ta mới dùng số tiền đó trả lương cho bọn mày để cho bọn mày uống rượu ở quán đấy chứ. Đừng làm nhục tao. Làm đàn bà thì phải nuôi con chứ? Cái nỗi truân chuyên của người đàn bà có con bú sữa thời bây giờ bọn mày làm sao mà hiểu được. Ngực bọn tao giờ không còn một chút sữa nào đây này. Thằng bé cứ bú chùn chụt cái bầu vú không mà dạo này nó thậm chí không còn có sức để mà bú nữa. À, mà đúng đấy. Con của chồn đấy. Cằm nhọn, mặt đầy nếp nhăn gào khóc tối ngày. Bọn tao cũng đang chịu đựng đây. Bọn mày thắng trận cho bọn tao nhờ. Chuyện này với bọn mày quá khó à?”

Vừa nói đến đó, còi báo hiệu có không kích chợt vang lên và cùng với lúc đó là tiếng bom nổ, những tiếng rít vun vút veo véo, cửa kính nhuộm màu đỏ au.

“Đến rồi à? Cuối cùng cũng đến rồi à?”, viên đại úy gào lên rồi đứng dậy nhưng có lẽ vì say quá nên cứ lảo đảo.

Cô hầu rượu nhanh nhẹn như con chim chạy ngay xuống dưới rồi chẳng bao lâu sau cõng đứa bé lên lầu hai.

“Này chạy trốn thôi, nhanh lên. Nguy hiểm lắm đấy. Tỉnh táo lại đi. Dù cho vô dụng thì ông cũng là một mảnh nhỏ của binh đội quan trọng của đất nước này mà”. Cô hầu rượu vừa nói vậy vừa lấy tay xốc lại người viên đại úy mềm nhũn như không xương từ đàng sau rồi dìu đi xuống tầng dưới, xỏ dép vào rồi nắm tay dẫn gã đến một đền thần xã[6] gần đó để ẩn nấp. Viên đại úy nằm vật ngửa ra, giang hai tay hai chân lên trời như hình chữ đại (大) rồi hướng về tiếng bom trên trời cao mà nguyền rủa kịch liệt. Mưa lửa rơi xuống khắp nơi. Đền thần xã bắt đầu phát hỏa.

“Nhờ ông đấy, ông lính à. Ráng chạy trốn thêm chút nữa đi. Cứ ở đây chết uổng thì chán lắm. Hãy gắng chạy trốn trong tầm có thể đi”

Trong cuộc đời tăm tối của tôi đến bây giờ đây là lần đầu tiên nhìn ra một tia sáng le lói huy hoàng nhất từ người đàn bà xanh xao gầy yếu làm cái nghề bị coi là hạ đẳng nhất trong các nghề nghiệp của con người này. Dục vọng à, biến đi. Hư vinh à? Biến đi. Nhật Bản bị bại trận vì hai thứ này đây. Người hầu rượu này không hề có chút dục vọng hay hư vinh, chỉ muốn cứu người khách say túy lúy trước mặt mình mà dùng hết sức kéo viên đại úy dậy, kẹp gã dưới nách, lảo đảo dìu đi đến ruộng lúc mà ẩn nấp. Ngay khi vừa trốn xong, cả đền thần xã biến thành biển lửa.

Kéo viên đại úy nấp vào bờ ruộng vừa mới gặt xong hơi nhô cao lên, người đàn bà cũng ngồi bệt ra đó thở hổn hển. Viên đại úy đã cất tiếng ngáy đều.

Đêm đó cả khu phố nhỏ bị thiêu rụi. Đến gần sáng hôm sau, viên đại úy thức dậy, nhìn mơ màng ngọn lửa vẫn đang tiếp tục thiêu tàn thành phố rồi nhận ra người hầu gái đang gục đầu ngủ bên cạnh mình, bất thần có ý bỏ chạy, được chừng năm sáu bước gã ta quay trở lại, lôi từ túi áo khoác năm tờ một trăm yên bạn bè tôi, rồi móc túi quần, lôi tôi ra gấp đôi lại sáu tờ tiền nhét vào sâu trong lớp áo lót trong cùng của đứa bé rồi vội vàng bỏ chạy như ma đuổi. Lúc này đây tôi cảm thấy mình hạnh phúc. Tôi nghĩ rằng nếu tiền mà được sử dụng theo kiểu này thì thật là hạnh phúc cho chúng tôi biết bao. Lưng đứa bé khô ráp và gầy đét nhưng tôi nói với các bạn mình.

“Chỗ tuyệt diệu như thế này không có ở nơi nào khác đâu. Chúng ta cùng hiệp lực nhé. Cho đến khi nào còn được ở đây, tôi muốn sưởi ấm và làm đầy đặn hơn tấm lưng của em bé này”

Các bạn tôi đều nhất loạt im lặng mà gật đầu.

 

Dịch xong tại Nagoya ngày 22/7/2012
Hoàng Long dịch từ nguyên tác Nhật ngữ.

 

 


[1] Nguyên văn “haragake” (腹掛け), một dạng tạp dề của người lao động, có một cái túi lớn ở phía trước.

[2] Nguyên văn “Kami dana” (神棚), bàn thờ Thần đạo (神道), tôn giáo bản địa Nhật Bản.

[3] Vùng biển Seto (瀬戸内海) là vùng biển Nhật Bản vây quanh các đảo Honshu (本州), Kyushu (九州) và Shikoku (四国).

[4] Tức Shinju (心中) , tự sát đôi vì tình, một nét đặc trưng của văn hóa Nhật Bản. Bản thân Dazai từng hai lần tự sát vì tình, lần đầu tiên với một nữ phục vụ quán cà phê tên Shimeko (1912-1930) nhưng được cứu thoát, chỉ có cô gái Shimeko chết. Lần thứ hai với Yamasaki Tomie (1917-1948), trầm mình tại hồ nước ngọt Tamagawa, chấm dứt cuộc đời 39 năm ngắn ngủi.

[5] Nguyên văn là chữ “hồ” (狐) đọc là “kitsune” (きつね) nhưng viên đại úy lại đọc chệch thành “ketsune” (けつね) nên chúng tôi dịch tạm như trên.

[6] Jinja (神社) đền thờ thần đạo Shinto (神道), tôn giáo bản địa Nhật Bản.

@--Tờ tiền giấy

Tổng số lượt xem trang