Thứ Hai, 23 tháng 7, 2012

Tướng Có đã sám hối?

Lữ Giang
(Phần I)
Theo tin của báo Tuổi Trẻ online ở trong nước ngày 4.7.2012, Trung Tướng Nguyễn Hữu Có, người đã tham gia vào nhiều biến cố và giữ nhiều chức vụ quan trọng dưới thời VNCH, đã qua đời ở trong nước ngày 3.7.2012 tại Sài Gòn, hưởng thọ 87 tuổi.
Một số người đã hỏi tôi một số vấn đề liên quan đến Tướng Nguyễn Hữu Có. Tôi có biết nhiều chuyện về ông, nhưng tôi nghĩ rằng trong lúc này điều tốt hơn cả là nghe chính ông kể lại cuộc đời của mình trong bài “Gặp Chúa trong tù cải tạo” đăng trên website tinlanhhyvong.com. Vì bài này khá dài, chúng tôi sẽ cho phổ biến trong ba kỳ.
***
GẶP CHÚA TRONG TÙ CẢI TẠO

Tác giả: Trung Tướng Nguyễn Hữu Có

(Phần I)

Thân Thế và Sự Nghiệp

Từ thuở nhỏ cho đến lúc trưởng thành, tôi không theo một tôn giáo nào cả. Gia đình tôi chỉ thờ cúng ông bà. Năm 1958, tôi đã được 15 năm trong binh nghiệp. Với cấp bậc Đại tá tôi giữ chức vụ Tư Lệnh Quân khu I, gồm 9 tỉnh miền Đông Nam bộ. Lúc đó các thầy tướng số và các nhà sư khuyên tôi nên lập trang thờ các vị thần hộ mệnh. Tôi tin vào lời khuyên và bắt đầu thờ Ông (Quan Công - Lưu Bị - Trương Phi), Đức Phật Thích Ca và Phật Bà Quan Âm. Mặc dù thờ Phật, nhưng tôi không hề đi chùa, không đọc kinh Phật, nên chẳng hiểu biết giáo lý Phật giáo. Sự thờ phượng của tôi chỉ với mục đích bảo hộ bản thân. Vì bận công việc hằng ngày, tôi không có thời giờ tìm hiểu các vấn đề cơ bản trong Phật giáo, nhất là sự ăn năn, sự tha tội, và sự cứu rỗi linh hồn.
Cuối năm 1963, tôi được vinh thăng Thiếu tướng vì có công trong cuộc đảo chính lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm. Cuộc đời binh nghiệp của tôi từ đây có những bước tiến vọt đáng kể:
· 1964-1965: Làm Tư Lệnh Quân đoàn IV, rồi làm Tư Lệnh Quân đoàn III.
· 1965-1966: Tổng tham mưu trưởng quân lực Việt Nam Cộng Hoà - Phó Thủ tướng kiêm Tổng trưởng Quốc phòng.
Địa vị tôi càng cao càng vững vàng tôi càng tin nơi các đấng hộ mệnh. Tôi biệt riêng ra một phòng ở tư thất, dành cho việc thờ cúng. Tôi cũng thờ thêm nhiều vị Phật khác như: Phật Di Lặc, Phật Bà Chúa Xứ, Phật Đầu Xà (Thái Lan), các Thần Tài, Thổ Địa, v.v. Tôi chi tiền rộng rãi mua sắm hương đèn, hoa quả, còn việc thờ cúng thì giao cho quản gia và người chị vợ trách nhiệm mỗi đêm thắp hương, niệm Phật. Các vị thượng khách khi đến Việt Nam, biết tôi mộ đạo (dù chỉ bằng hình thức), đã tặng tôi nhiều tượng Phật quí thỉnh từ các Chùa ở Lào, Thái Lan và Miên. Tôi cũng đeo trong người hàng chục tượng Phật nhỏ bằng vàng, ngà voi , đá quí do nhiều người gởi tặng, để lúc nào tôi cũng được che chở hộ mạng. Gia đình tôi quan niệm rằng nếu muốn cho linh hồn mình được cứu rỗi trong đời sau thì đời nầy phải lo đạo đức, làm lành lánh dữ, dâng hiến cho các chùa và làm công tác từ thiện.
Đời binh nghiệp và chính trị của tôi lên đến tột đỉnh từ giữa năm 1965 đến đầu năm 1967. Với địa vị đứng hàng thứ ba sau hai tướng Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ, tôi chẳng những có thanh thế trong nước, mà còn có tiếng tăm ở nước ngoài. Tôi đã đi thăm và hoạt động ngoại giao ở nhiều nước trên thế giới. Ở Châu Á tôi đã đi thăm Thái Lan, Đài Loan, Phi Luật Tân và Đại Hàn. Ở Châu Âu, tôi đã đến các nước Anh, Đức và Ý. Đặc biệt tôi đã được Đức Giáo Hoàng Paul VI tiếp kiến tại Toà Thánh Vatican. Ở Châu Phi, tôi đã thăm và gặp gỡ các vị Tổng Thống Bourguiba của Tunisie, Tổng Thống Houphouet của Côte d Ivoire. Ở Hoa Kỳ, tôi đã được mời thăm 1 số lớn căn cứ quân sự Mỹ tại Hawai và trên đất liền.
Những Bước Thăng Trầm
Thử thách thứ nhất
Cuộc đời không có gì bền vững cả! Địa vị, danh vọng, tiền bạc, hạnh phúc, v.v. chúng đến khi gặp thời và ra đi khi vận hết. Năm 1967, với địa vị Phó Thủ Tướng chính phủ, kiêm Tổng Trưởng Quốc phòng, tôi được hai tướng Thiệu, Kỳ yêu cầu tôi đi Đài Loan với tư cách đại diện Quân đội và Chính phủ Việt Nam để cảm ơn Tổng Thống Tưởng Giới Thạch và chính phủ Đài Loan về những sự giúp đỡ quân sự, ngoại giao, và sự chân tình ủng hộ công cuộc chống cộng của Miền Nam Việt Nam.
Trong chuyến công du bảy ngày nầy tôi còn được giao phó:
- Khai trương đường bay Air Việt Nam Sài Gòn - Tapei.
- Thăm trường Đại học Quân sự và trường Võ bị.
- Nghiên cứu tổ chức, hoạt động Hội Cựu chiến binh Đài Loan.
Tôi được đón tiếp như một thượng khách với các nghi lễ đầy đủ. Báo chí Đài Loan cũng đề cao ca tụng tôi. Cuộc công du đang diễn ra tốt đẹp thì đến ngày thứ ba, bất trắc đã xảy ra cho tôi. Đại sứ Việt Nam tại Đài Loan là tướng Trần Thượng Khiêm và Đại sứ Trung Hoa Quốc Gia tại Việt Nam là Hồ Liên xin đến gặp tôi tại khách sạn ban đêm để trao cho tôi bản tin nhận được từ Sài Gòn. Tôi bị Hội Đồng Quân Lực xét xử và cách chức Phó Thủ Tướng và Tổng Trưởng Quốc Phòng, đồng thời bị giải ngũ khỏi quân đội. Tôi hơi bàng hoàng vì trước ngày tôi lên đường, mọi việc có vẻ bình thường. Tôi lấy lại bình tĩnh và nhận định đây là một âm mưu gạt tôi ra nước ngoài để loại tôi ra khỏi chính quyền. Hôm sau tướng Nguyễn Văn Thiệu gửi điện văn qua yêu cầu tôi sau khi chấm dứt công tác ở Đài Loan, tiếp tục dẫn phái đoàn đi thăm Đại Hàn. Tôi liên lạc điện thoại về Sài Gòn nói chuyện trực tiếp với Tướng Thiệu. Tôi trình bày rằng tôi không thể đi Đại Hàn được vì các anh đã "cách chức tôi", hơn nữa cuộc công du nầy chưa chuẩn bị. Thiệu cố ý ép tôi đi Đại Hàn với dụng ý đưa tôi đi xa để khỏi trở về nước. Nhưng tôi xin được đến Hong Kong tị nạn chính trị. Cuối cùng Thiệu ưng thuận.
Ngày 20 tháng giêng năm 1967, tôi rời Đài Bắc với lễ nghi tiễn đưa bình thường. Tôi rất cảm kích về sự chân tình của Tổng Thống Tưởng Giới Thạch và chính phủ Đài Loan đã thông cảm hoàn cảnh tôi. Về đến khách sạn Fortuna ở đường Nathan thì có thiếu tướng Linh Quang Viên điện thoại đến xin gặp. Anh Viên được Thiệu cử sang Hong Kong gấp để trao cho tôi bức thư Thiệu viết tay với nội dung ngắn gọn đầy sự hăm dọa. Thiệu khuyên tôi tạm ở nước ngoài, để anh em bên nhà sắp xếp công việc. Nếu tôi tìm cách trở về thì Thiệu không bảo đảm sinh mạng. Anh Viên là người ôn hoà được tôi yêu mến. Anh đang giữ chức vụ Bộ trưởng bộ An Ninh. Tôi vui vẻ bảo với anh Viên về trình với Thiệu, tôi sẽ không làm gì gây khó khăn cho anh em bên nhà, miễn các anh em xử đẹp với tôi thôi.
Tôi mau chóng ổn định cuộc sống ở Hong Kong. Tôi thuê được một căn hộ nhỏ để tôi và hai sĩ quan tùy viên trung tín ở chung. Đó là đại uý Đoàn Văn Sanh và Nguyễn Văn Hưỡn (về sau tôi cho Sanh về nước, còn Hưỡn ở với tôi một năm). Tôi dần dần có nhiều bạn bè ở Hong Kong. Một số bạn bè do tòa Tổng lãnh sự Đài Loan giới thiệu (tổ chức chìm không có văn phòng). Họ là những người giàu có trong Tổ chức Quốc Dân Đảng ở Hong Kong. Những người nầy tìm cách an ủi tôi bằng những cuộc chiêu đãi vui chơi, ăn uống, du ngoạn. Có một số khác là người Việt Nam sinh sống lập nghiệp ở Hong Kong, trong số nầy đáng kể nhất là cụ Lưu Đức Trung, 67 tuổi, trước làm cố vấn cho vua Bảo Đại, lúc cựu Hoàng Đế nầy sống lưu vong ở Hong Kong (1946-1949).

Một người nữa là Hồng Hữu Ba (40 tuổi) quê ở Bạc Liêu, có vợ người Hoa làm ở bệnh viện Hong Kong, còn ông làm Chấp sự Hội Thánh Tin Lành Hong Kong. Ông Ba thường đến nhà tôi để chia sẻ về Đức Chúa Trời, về Đấng Cưứ Thế Jesus. Ông ba tặng tôi quyển Kinh Thánh Tân Ước và khuyên tôi nên đọc và suy gẫm lời Chúa. Tôi ghi nhận lòng tốt và sự sốt sắng của ông Ba, nhưng thú thật lúc đó cửa tâm hồn còn đóng kín, ánh sáng chân lý chưa lọt được vào trong. Tôi chẳng chú tâm tìm hiểu và cũng lười đọc Kinh Thánh.
Tôi tạm yên vui với cảnh sống Hong Kong. Vợ con tôi mỗi năm sang thăm và ở lại với tôi vài lần. Gia đình tôi bên nhà cũng yên ổn sau vài tuần gặp khó khăn ban đầu. Với thời gian thì việc gì cũng qua. Việc của tôi bị lãng quên khỏa lấp với những sự việc mới.
Sau khi đắc cử Tổng Thống, Thiệu triệu hồi tôi về nước, Tướng Trần Thiện Khiêm đại sứ ở Đài Loan, Tướng Đổ Cao Trí đại sứ ở Đại Hàn. Giữa năm 1969 Thiệu cũng nhờ Tướng Trần Văn Đôn (Nghị Sĩ) sau khi đi công tác ở Đài Loan ghé Hong Kong. Ngài cho tôi biết Thiệu đã đồng ý cho tôi về nước. Nhưng mãi đến 29-01-1970 Thiệu mới gởi điện cho tôi trở về.
Ba năm ở Hong Kong đã làm cho tôi đủ thời gian suy gẫm định hướng tương lại cuộc đời. Tôi quyết định sau khi trở về nước sẽ xoá hết mọi thù hiềm, quên đi chuyện cũ. Tôi dứt khoát không tham gia chính trị và chỉ lo làm ăn nuôi sống gia đình.
Thử thách thứ hai
Trong năm 1970 tôi lập một trại nuôi gà ở xã Phước Long, Thủ Đức, thu nhập tạm đủ cho gia đình chi dùng. Cuối năm 1970, do giao dịch với Tín Nghĩa ngân hàng, tôi gặp lại anh Nguyễn Tấn Đời và nối lại tình bạn cũ ngày trước. Anh Đời mời tôi hợp tác với Tín Nghĩa ngân hàng. Tôi chấp nhận ngay, vì việc chăn nuôi cũng bấp bênh, không có tương lai. Sau khi học việc một thời gian, anh Đời cho tôi làm phó tổng giám đốc các chi nhánh. Với chức vụ nầy tôi thường đi thanh tra các chi nhánh ở Sài Gòn và các tỉnh, từ 9 lúc ban đầu phát triển đến 22 chi nhánh, lúc Tín Nghĩa Ngân hàng bị rút giấy phép. Tháng 4 năm 1973, Tín Nghĩa ngân hàng bị rút giấy phép hoạt động vì Đoàn Thanh tra ngân hàng đã thấy nhiều hồ sơ cho vay bất hợp lệ. Anh Đời và các nhân viên chủ chốt bị bắt giam ở Chí Hoà và bị truy tố ra toà. Tôi cũng bị truy tố ra tòa, nhưng được tại ngoại, có lẽ vì tôi không dính líu đến việc làm ăn và cho vay ở trụ sở Trung Ương. Thế là tôi bị mất việc, phải xoay ra nghề khác sinh sống. Tôi mở một tiệm buôn xe đạp ở Sài Gòn, và lập một cơ sở chế biến khô mực xuất khẩu ở Vũng Tàu.
Thử thách thứ ba
Năm 1975, sau khi Phước Long rồi Ban Mê Thuộc bị thất thủ. Tôi bắt đầu lo lắng cho số phận miền Nam Việt Nam. Khi Chính Phủ quyết định rút bỏ Kontum, Pleiku, tình hình quân sự suy sụp mau chóng. Trọn tháng 4, tôi đã bỏ hết công việc làm ăn để tìm phương tiện đưa gia đình ra nước ngoài. Nhưng số phận tôi đã an bài. Tất cả những lo liệu của tôi đều thất bại. Gia đình chúng tôi bị kẹt sau ngày miền Nam hoàn toàn thất thủ. Tôi không trách bạn bè sao không giúp đở vì trước cảnh dầu sôi lữa bỏng, ai cũng lo cho bản thân mình trước đã. Là kẻ chiến bại còn ở lại, tôi phải chấp nhận mọi tình huống nguy hiểm xảy ra. Trước hết là mất tài sản, tôi được lệnh lên Đà Lạt và ra Vũng Tàu giao nhà cho Uỷ Ban quân quản. Cơ quan nầy từ chối không chấp cho tôi biên lai nhận nhà. Đây là một sự tước đoạt cứ không phải là chuyển giao. Nhà tôi đang ở 181-Cách Mạng cũng giao cho ông chủ mới. Lúc đó mạng sống của tôi còn không bảo đãm được nữa là nói chi đến tài sản. Cuối cùng là lệnh gọi đi trình diện cải tạo. Từ đây những ngày dài vô tận và vô cùng đen tối đã bao trùm lên tôi và gia đình tôi.
(Còn tiếp)


-Tướng Có kể về cuộc đời sự nghiệp
- Nguyễn Hữu Có, Tướng VNCH ‘ủng hộ hòa giải’ qua đời - (BBC).
It looks like U.S. won Vietnam War after all (CT Post 6-7-12)

-Đi nông trường và ngộ đạo



Lữ Giang

(Phần II)


Trong phần đầu của tập bút ký “Gặp Chúa trong tù cải tạo” đăng trên website tinlanhhyvong.com, Tướng Nguyễn Hữu Có đã cho chúng ta thấy thêm một số bí ẩn đàng sau cuộc thanh toán nhau giữa các vai chủ chốt trong cuộc đảo chánh năm 1963 để mở đường cho hai nhân vật được Mỹ chọn lên cầm quyền, đó là hai tướng Nguyễn Văn Thiệu và Trần Thiện Khiêm. Tuy nhiên, Tướng Có đã không nói gì đến hai biến cố quan trọng trong đời ông đã đưa ông đi lên và đi xuống, đó là chuyện ông tham gia cuộc đảo chánh 1963 và chính phủ Vũ Văn Mẫu trong những ngày cuối cùng của VNCH.
Giáo sư Bùi Tường Huân, Phó Thủ Tướng của chính phủ Vũ Văn Mẫu, kể cho tôi nghe rằng hôm 29.4.1975, anh em định cử Trung Tướng Nguyễn Hữu Có làm Tổng Trưởng Quốc Phòng, nhưng Thủ Tướng Vũ Văn Mẫu nói trước đây Phật giáo đã lên án “Thiệu, Kỳ Có” là ba thành phần đàn áp Phật giáo, nay nếu để Tướng Có làm Tổng Trưởng Quốc Phòng, họ sẽ phản đối. "Ông đề nghị tôi làm Phó Thủ Tướng kiêm Tổng Trưởng Quốc Phòng, còn Tướng Có làm Phụ Tá Tổng Trưởng Quốc Phòng." Mọi người đều đồng ý.
Trong suốt chiều 29 và sáng 30.4.1975, Tướng Có là người liên lạc với các đơn vị quân đội và báo cáo tình hình. Chuẩn Tướng Nguyễn Hữu Hạnh chỉ được Tướng Dương Văn Minh gọi vào trong những giờ cuối để tuyên bố đầu hàng mà thôi.
Tướng Có cũng là người ngồi cạnh Tướng Minh trong suốt đêm 29 và rạng ngày 30.4.1975 để đợi Thích Trí Quang đưa người “phía bên kia” vào nói chuyện, cuối cùng Tướng Minh bị Thích Trí Quang cho leo cây. Chuyện này đã được Tướng Có kể lại cho một số anh em trong trại nghe và tôi đã tường thuật lại.
Trong Phần II dưới đây Tướng Có tường thuật chuyện ông và một số tù nhân khác đang bị giam đã bị Bộ Nội Vụ lừa, đưa vào Thanh Hoá để lập nông trường quy tụ các tù nhân chính trị và xin viện trợ ngoại quốc. Khi viện trợ bị từ chối, ông bị trả về lại trại Hà Tây. Phần chính, ông nói về sự ngộ đạo của ông.
***
GẶP CHÚA TRONG TÙ CẢI TẠO
Tác giả: Trung Tướng Nguyễn Hữu Có
(Phần II)

Tôi nhìn biết Đức Chúa Trời
Mùa hè 1977, tôi và ban tướng lãnh (31 người) đang ở trại 5 Yên Bái. Chúng tôi từ trại Quang Trung đã được chuyển ra đây bằng phi cơ từ mùa hè trước (1976). Ở đây chúng tôi phải lao động nặng nhọc. Mỗi tuần trừ những người đau yếu, chúng tôi phải lên núi đốn củi đem về đun. Hôm ấy trời nóng bức oi ả. Sau khi đốn xong 1 vác củi đúng chỉ tiêu (khoảng 25 Kg), tôi ngồi nghỉ mệt trên đồi dưới bóng mát, chờ anh em đốn xong để được lính canh đưa về trại một lượt. Tôi nhìn xem cảnh vật chung quanh. Trên cành cây có chim đang nhảy nhót. Từng đàn bướm lượn quanh khoe cánh với đủ màu sắc sặc sỡ. Trên trời từng đàn mây trắng bay với nền trời xanh trong trẻo. Các chú chuồn chuồn bay chập chờn như những chiếc trực thăng cực nhỏ. Bất giác tôi tự hỏi ai tạo ra vạn vật trong thiên nhiên. Chẳng lẽ mọi vật tự nó có và vũ trụ đặt ra qui luật phát triển và tồn tại ư? Từ suy nghĩ đó, tôi nhìn lên trời cao và nghỉ đến một Đấng mà thế gian gọi là Ông Trời hay là Thượng Đế. Tôi nghĩ phải có đấng tạo hoá dựng nên thế gian và mọi loài vạn vật. Với ý nghĩ đó tôi so sánh ông Trời với ông Phật. Người ta thường nói Trời mưa, Trời nắng, Trời gió, Trời lạnh, v.v. Còn ông Phật thì không được gọi như thế. Sau chuyến đi lấy củi hôm ấy, tôi có một nhận thức mới. Đó là điểm khởi đầu nhìn biết Đức Chúa Trời. Từ đấy tôi nhìn và lối suy nghĩ khác hẳn trước. Đối với hoạn nạn tôi đã trải qua tôi không qui cho số phận may rủi nữa. Tôi nghĩ rằng Đức Chúa Trời là Đấng dựng nên tôi ắt có quyền trên đời sống tôi. Mọi việc xảy ra trong đời tôi đều do ơn Ngài quyết định.

Chúa làm phép lạ trong gia đình tôi

Ngài cứu con trai tôi
Gia đình tôi có 12 người con, 4 trai, 8 gái. Chúng tôi rất khổ tâm khi có đứa con trai hư đốn nghiện ngập xì ke. Đó là đứa con trai thứ nhì Nguyễn Hữu Trung, sinh năm 1955. Trung đã nghiện ngập xì ke trước ngày mất miền Nam. Sau năm 1975, gia đình túng thiếu, cuộc sống chật vật, nhưng Trung vẫn tìm mọi cách moi tiền đi hút. Gia đình có gởi Trung vào Trường Phục Hồi nhân phẩm cải tạo xì ke, ma tuý, và gái điếm) ở Bình Triệu. Được một thời gian, trường cho về nhà nhưng Trung vẫn không bỏ được xì ke. Đến tháng 08-1979, Trung bị nghiện nặng bỏ nhà ra đi một thời gian. Vì thiếu tiền, thiếu thuốc, Trung bị cơn nghiền dày vò hành hạ nên trở về nhà. Hai hôm sau Trung lên cơn sốt nặng, người gầy yếu chỉ còn da bọc xương (Trung cao 1m72 chỉ còn có 28Kg). Gia đình chở Trung lên bệnh biện Nguyễn Văn Học (Gia Định) lúc chiều. Các bác sĩ khám cho Trung, lúc ấy Trung đã hôn mê nằm như người gần chết. Bác sĩ thử tủy cột sống, Trung không còn tủy nữa . Các bác sĩ cho biết Trung không thể nào sống được tới 12 giờ đêm, và khuyên gia đình nên chuẩn bị mai táng. Hôm đó nhằm ngày thứ bảy. Gia đình tôi đã có vài đứa con tin Chúa (2 con gái Nguyễn thị Ngọc Thu, Nguyễn thị Thanh Loan , và Nguyễn thị Minh Trang là vợ Trung).
Tối hôm ấy, chúng nó đi nhóm nhà thờ Tin Lành Trần Cao Vân và xin Mục Sư Hồ Hiếu Hạ dâng lời cầu nguyện xin Chúa chữa bệnh cho Trung. Cả Hội Thánh cầu nguyện. Tan buổi nhóm, Mục sư Hạ và một số thanh niên đến nhà chúng tôi cầu nguyện cho Trung đến 11 giờ đêm. Nhưng vợ tôi vẫn chuẩn bị mọi việc để mai táng Trung. Ngày hôm sau, trời vừa mờ sáng, Ngọc Thu đã đến bệnh viện. Vì có lời dặn của bác sĩ hôm trước, nên Thu đi thẳng xuống nhà xác, không có xác Trung ở đây. Thu hơi mừng, đi gấp lên phòng bệnh chổ Trung nằm, vừa đi vừa cầu nguyện Chúa. Đến nơi Thu rất đổi ngạc nhiên thấy Trung đã tỉnh táo, đòi ăn cháo. Các bác sĩ cũng ngạc nhiên nói chỉ có phép lạ Trung mới sống được như thế. Sau một tuần nằm điều trị ở bệnh viện, Trung hầu như hồi phục và được xuất viện.

Chúa chữa bệnh phổi cho Trung
Về nhà được ít lâu, Trung bị bệnh lại, đó là bệnh phổi tái phát, vì năm 1973 lúc Trung còn học tại trường Hạ Sĩ quan Nha Trang, có lần đã nằm viện giải phẩu lấy mủ ở phổi. Ngọc Thu đưa Trung vào bệnh viện Hồng Bàng trong Chợ Lớn trị lao. Nơi đây sau khi chụp hình phổi, thử máu, thử đàm bác sĩ cho biết Trung đã bị lủng phổi rất nặng, phải chịu nằm viện và cách ly với vợ con. Tạm thời Trung phải trở về nhà đợi một tuần vì bệnh viện chưa có chổ nằm. Cả gia đình cầu nguyện Chúa thương xót chữa lành cho Trung một lần nữa. Tuần sau, Trung trở lại bệnh viện để làm thủ tục nhập viện. Bác sĩ cho chụp hình trở lại. Rất kỳ lạ là hai lá phổi đều tốt hoàn toàn. Các kết quả khác đều cho kết quả tốt. Các bác sĩ đều ngạc nhiên về trường hợp nầy. Một lần nữa Đức Chúa trời đã chữa lành cho Trung, để qua đó cả gia đình đều đến với Ngài. Halêlugia, cảm tạ Chúa!
Ghi chú: sau sự việc nầy vợ Trung là Minh Trang được người cô ở Pháp giúp đở mua nhà ở riêng và làm ăn phát đạt. Hiện vợ chồng Trung có đứa con gái xinh đẹp và rất hạnh phúc. Nguyền xin Chúa ban ơn gìn giử gia đình Trung để chúng nó đứng vững trong đức tin mà theo Ngài.

Chúa chữa lành bệnh khó cho vợ tôi
Đầu năm 1983, vợ tôi bị bệnh tiểu đường, nước tiểu trắng đục như vôi. Nhà tôi nhờ bác sĩ Nguyễn Sào Trung chữa trị. Bệnh không thuyên giảm. Bác sĩ Trung đề nghị vợ tôi đi xét nghiệm và hội chẩn của các bác sĩ. Thạc sĩ Ngô Gia Hy cho biết vợ tôi bị một chứng bệnh kỳ lạ, hàng triệu người bệnh mới có trường hợp như vậy. Có một loại giun chỉ ở trong thận, dùng thuốc không thể trục chúng ra được, mà giải phẩu mới mong cứu sống vợ tôi. Nhưng giải phẫu cũng không chắc thành công vì bệnh viện thiếu phương tiện. Hơn nữa, vợ tôi sức khoẻ sa sút khó có thể chịu nổi cuộc giải phẩu kéo dài những 7 tiếng đồng hồ. Thạc sĩ Ngô Gia Hy đề nghị vợ tôi xin đi nước ngoài để chữa trị mới có hy vọng được cứu sống. Đề nghị nầy thực khó thực hiện vì gia đình không có tiền, ngoài ra thủ tục xin xuất ngoại chữa bệnh cũng khó khăn. Trong cảnh tuyệt vọng, gia đình tôi chỉ còn có một con đường là mọi người hết lòng cầu nguyện, nài xin Chúa thương xót vợ tôi. Lúc nầy Hội Thánh Trần Cao Vân đã bị nhà nước tịch thu và ngưng hoạt động, còn Mục sư Hồ Hiếu Hạ và các tôi tớ Chúa ở đây đã bị bắt giữ. Gia đình chuyển qua sinh hoạt tại một nhà thờ Tin Lành cách nhà chúng tôi vài trăm thước. Mục sư Lê Quốc Chánh, Chủ tọa Hội Thánh, đặt tay lên người vợ tôi cầu nguyện xin Chúa chữa lành cho. Vợ tôi kiêng ăn cầu nguyện. Cả gia đình cũng hết lòng cầu nguyện. Vài ngày sau, vợ tôi đi ngoài và phát hiện một con giun đủa lớn kéo theo một chùm giun nhỏ cứ theo ra ngoài. Vợ tôi lấy cả đám giun đem đến bệnh viện Bình Dân xét nghiệm. Thạc sĩ Ngô Gia Hy xác nhận đây chính là giun chỉ ở thận của vợ tôi. Ông rất ngạc nhiên không hiểu tại sao giun lại theo đường tiêu hoá ra ngoài. Chúa cho phép bệnh tật xảy ra, thì cũng có cách chữa lành bệnh. Không việc gì Chúa không làm được vì Ngài là Đấng Toàn Năng, Toàn Tri. Halelugia, cảm tạ Chúa.

Chúa mở đường cho tôi đến với Ngài
Đầu năm 1979 do tình hình chiến sự bộc phát ở biên giới Tây Bắc Việt Nam do Trung Quốc gây ra nên các trại cải tạo ở gần biên giới phía Bắc được di tản đưa về nhập với các trại phía Nam xa biên giới. Tập thể tướng lãnh chúng tôi đang ở trại Hà Tây (cách Hà Nội 25Km về phía Tây) cũng được phát tán qua các trại khác. Tôi và các tướng Lê Minh Đạo, Lý Tòng Bá và Phạm Ngọc Sang được chuyển về trại Nam Hà (Phía Tây Phủ Lý 30Km). Đến giữa tháng 04 năm 1979, thình lình tôi được lệnh tha cùng một lúc với bảy anh em khác ở trạiAnh em bàn tán xôn xao cho rằng tôi được lệnh tha là do nhu cầu chính trị, để tuyên truyền cho chính sách khoan hồng nhân đạo của chính phủ. Rồi sau đó tôi được đưa về trại Hà Tây. Nơi đây cũng có có anh em khác từ các trại cải tạo ở Thanh Hoá đưa về. Tất cả chúng tôi là 13 người, được hưởng chế độ ăn uống bồi dưỡng và được đi tham quan Hà Nội, có vẻ như sắp được cho về với gia đình. Thủ tục nầy được áp dụng từ trước đến nay như một thông lệ. Sau hơn một tuần lễ sống trong tâm trạng hồ hởi, phấn khởi, chúng tôi được lệnh tập trung lên phòng họp của trại để nghe cấp trên nói chuyện. Chúng tôi mừng hụt vì không phải được thả về mà để nghe động viên giải tinh thần buộc đi vào Thanh Hoá nghiên cứu thành lập một nông trường cho Bộ Nội Vụ (Cục cải tạo). Trước vẻ mặt tiu nghỉu của chúng tôi, trại hứa hẹn chỉ đi vài tháng thôi "rồi cho các anh về". Về sau tôi nghe các anh em kể lại: khi chúng tôi vào Thanh Hoá, và nói rằng tôi được cử làm giám đốc nông trường ở Thanh Hoá, (tôi còn là tù nhân thì làm sao làm giám đốc được!). Tin nầy làm cho anh em phẫn nộ và có ác cảm với tôi. Đây là lần thứ hai tôi bị tai tiếng. Lần trước tai tiếng đã từng xảy ra khi miền Nam bị mất, ở đâu người ta cũng đồn tôi là Thượng tá Việt Cộng. Xin Chúa chứng giám và biện minh cho con. A-Men!
Tôi vào Thanh Lâm (Thanh Hoá) gần hai năm. Đến giữa năm 1981, tôi được trở về trại Hà Tây để bị giam chung với các tướng lãnh. Ai cũng chê tôi gầy và đen quá.
Trong hai năm 1980-1981, trại Thanh Lâm bị bão lụt tàn phá nhiều lần, thiên tai gây tốn kếm rất nhiều hoa màu, cây cối bị thiệt hại nhiều lần làm cho nông trường bị giải thể, các trại viên được chuyển về nam ở trại Hàm Tân. Thời gian ở Thanh Lâm, gia đình tôi chỉ gởi quà tiếp tế chớ không ra thăm nuôi vì đường đi khó khăn trắc trở. Về đến Hà Tây thì có người nhà tôi ra thăm (sui gia và con gái). Ngoài quà cáp, tôi còn nhận được một quyển Kinh Thánh toàn bộ. Tôi phải cất giấu mới đem được vào trại. Ở trang đầu quyễn Kinh Thánh, Mục sư Hồ Hiếu Hạ có ghi tặng tôi câu Kinh Thánh ở Thi Thiên 119:105: " Lời Chúa là ngọn đèn cho chân bác ... là ánh sáng cho đường lối bác ... ... "
Lúc bấy giờ Chúa đã làm cho tôi hai việc: (1) Chúa trang bị cho tôi hành trang tâm linh để cho tôi để cho tôi đọc hàng ngày dọn mình đến với Chúa. (2) Chúa an bài sắp xếp cho tôi ở chung với một số con cái Chúa.
Thật lạ lùng khi tôi nghĩ ra điều nầy. Tôi được giam ở buồng 4 có cửa thông qua buồng 3, nơi đây có ba Cơ Đốc Nhân là các tướng Lê Trung Trực, Đoàn Văn Quảng, và Nguyễn Chấn Á.

Chịu Báp Têm
Cuối tháng 3/1983, toàn trại Hà Tây được chuyển về trại Nam Hà. Các tướng lãnh được tập trung ở một dãy buồng lớn. Tôi rất vui mừng là trại nầy có giam Mục sư Tuyên uý Tin Lành và một Mục sư dân sự (Mục sư Điểu Huynh).
Ngày Chủ Nhựt 20 tháng 3 năm 1983 là ngày đáng ghi nhớ trong đời tôi. Sáng hôm ấy, sau khi tập hợp điểm danh trước buồng, đáng lẽ người cán bộ phụ trách khoá cửa vòng ngoài cửa buồng như thường lệ, thì anh ta lại quên khoá cửa. Chế độ giam giử cấp tướng là biệt giam. Chúng tôi không được ra ngoài liên hệ với buồng khác. Sau khi thấy được việc quên không khoá cửa, các anh em Cơ Đốc Nhân chúng tôi bàn với nhau nên lén lút thoát ra ngoài tìm chổ nhóm họp của các Mục sư. Sau khi đồng ý, chúng tôi hé cửa thoát ra ngoài hỏi thăm chổ nhóm của các Mục sư rồi đến ngay nơi ấy.
Chúng tôi vào buồng 11 leo lên trên (chổ ngủ phía dưới là bệ xi măng, còn phía trên là sạp ván). Đang nhóm họp tại đây có các Mục sư Dương Kỳ, Nguyễn Văn Nghi, Võ Xuân và một số tín hữu ở buồng khác đến. Chúng tôi tham gia thờ phượng Chúa và nghe Mục sư Dương Kỳ giảng. Xong bài giảng tôi ngỏ ý xin Mục sư Dương Kỳ làm phép Báp têm cho tôi vì nếu bỏ lỡ cơ hội nầy, khó có thể có dịp khác. Được Chúa cảm động Mục sư Dương Kỳ chấp thuận ngay. Thế là tôi được làm phép Báp têm bằng nước trong bi-đông tưới lên đầu. Tôi cảm động đến rơi lệ vì tình thương của Chúa đã cứu chuộc tôi, Chúa đã rữa sạch tội lỗi cho tôi. Kẻ từ hôm ấy, tôi được địa vị làm con cái Ngài và được gọi Ngài là Cha Thiên Thượng. Rõ ràng Ngài đã dọn đường cho tôi đến với Chúa theo cách Ngài muốn. Vì tôi là cựu Tổng trưởng Quốc phòng nên tôi nghỉ Chúa muốn chính Mục sư Dương Kỳ, Đại tá Tuyên Uý Trưởng ngành tuyên uý quân đội, làm lể Báp têm cho tôi. Nghi thức nầy được thực hiện ngay trong chốn lao tù, nơi tôi bị giam giữ.

(Còn tiếp)

-Tướng Có đã sám hối?

Trong Phần III của bút ký “Gặp Chúa trong tù cải tạo”, Tướng Nguyễn Hữu Có nói về cách sống đạo của ông sau khi đã theo Chúa, nhưng một số độc giả lại hỏi chúng tôi rằng Tướng Có đã tham gia cuộc đảo chánh 1963 như thế nào mà sau khi đảo chánh thành công, ông được lên mau như vậy.
Tướng Nguyễn Hữu Có và Tướng Nguyễn Văn Thiệu đều học khoá sỹ quan Đập Đá ở Huế 1947 – 1948. Ông Có đậu thủ khoa. Cả hai ông cùng được Tổng Thống Ngô Đình Diệm gởi đi học khóa “Command and General Staff College” ở Fort Leavenworth, Kansas, tại Hoa Kỳ 1957 – 1958. Có lẽ cả hai đã được CIA móc nối từ lúc đó và sau này giao cho chỉ huy hai sư đoàn “bảo vệ thủ đô” tấn công vào Sài Gòn để lật đổ ông Diệm. Vấn đề này chúng tôi đã trình bày chi tiết trong một cuốn sách sắp xuất bản. Ở đây chúng tôi chỉ ghi lại những nét chính.
Để bảo vệ Thủ Đô, vào những ngày sắp bị tấn công, ông Ngô Đình Nhu đã giao cho Quân Đoàn III chỉ huy luôn Sư Đoàn 7 ở Định Tường và cử Đại Tá Lâm Văn Phát làm tư lệnh sư đoàn này thay Đại Tá Bùi Đình Đạm. Ông Nhu nghĩ rằng Sư Đoàn 5 giữ phía Bắc và Sư Đoàn 7 giữ phía Nam sẽ tạo thành một “thế gọng kềm Nam – Bắc” bảo vệ Thủ Đô khi có nguy biến. CIA biết rõ điều đó, nên đã biến hai sư đoàn này thành hai lực lượng chính thực hiện cuộc đảo chánh. Sư đoàn 5 mở cuộc tấn công trước, nếu không thanh toán nổi, sư đoản 7 sẽ tiếp ứng.
Đại Tá Phát được lệnh của ông Nhu phải đến trình diện Quân Đoàn III vào ngày 30 hay 31.10.1963 và đến nhận chức ở Mỹ Tho vào ngày 1.11.1963. Nhưng khi đến trình diện ở Quân Đoàn III, Đại Tá Phát đã bị nhóm thuộc đơn vị tham mưu do Đại Tá Nguyễn Hữu Có chỉ huy, bí mật giữ lại tại Quân Đoàn III trước khi Trung Tá Nguyễn Khắc Bình tố cáo với ông Nhu rằng Đại Tá Có rủ rê ông tham gia đảo chánh. Tướng Trần Văn Đôn cho biết:
Tối ngày 31 tháng 10, sau khi dùng cơm ở nhà hàng Trung Hoa, Tướng Weede, Tham Mưu Trưởng của Tướng Harkins, ông có ghé thăm Tướng Đính tại Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn III vào lúc 11 giờ 30 và nói quyết định của ông đưa Đại Tá Nguyễn Hữu Có xuống làm Tư Lệnh Sư Đoàn 7 kể từ ngày 1.11.1963. Trưa 1.11.1963, Tướng Đính gọi điện yêu cầu Tướng Trần Văn Đôn ra lệnh cho Đại Tá Đạm bàn giao Sư Đoàn 7 cho Đại Tá Có. Tướng Đôn đã ra lệnh ngay.
Thiếu Tá Trần Ngọc Giang, Trưởng Phòng An Ninh Quân Đội Bộ Tổng Tham Mưu, nguyên là Chánh Văn Phòng của Tướng Khiêm, cho biết sáng sớm ngày 31.10.1963 (thật ra là sáng 1.11.1963) Thiếu tướng Khiêm gọi ông lên văn phòng. Khi ông bước vào thì thấy Đại Tá Nguyễn Hữu Có đã có mặt ở đó. Thiếu Tướng Khiêm chỉ thị cho ông cầm công điện hỏa tốc đi cùng với Đại Tá Có xuống Mỹ Tho để bàn giao chức vụ Tư Lệnh Sư Đoàn 7 hiện do Đại Tá Bùi Đình Đạm làm tư lệnh. Ông nói rằng sở dĩ Thiếu Tướng Khiêm ra lệnh cho ông đi với Đại Tá Có là để Đại Tá Đạm tin rằng đó lệnh thật do chính Thiếu Tướng Tham Mưu Trưởng Liên Quân ký vì Đại Tá Đạm từng biết sự thân cận giữa Thiếu tướng Khiêm và ông.
Như vậy, cái “thế gọng kìm Nam – Bắc” mà ông Nhu thành lập để bảo vệ Thủ Đô đã bị CIA biến thành cái gọng kìm đánh sập chế độ. Ông Nhu không hề hay biết gì về chuyện này. Biết rõ những diễn biến đó, chúng ta sẽ hiểu tại sao Tướng Có lên mau như thế.
Làm theo lệnh của CIA, sau khi thi hành xong “sứ mạng”, Tướng Có bị loại, còn Tướng Thiệu làm mất miền Nam. Những ngày cuối đời, Tướng Có đã sám hối, còn Tướng Thiệu vẫn kênh kênh..., không hề biểu hiện một tâm tình ăn năn nào. 
Tướng Có nói về cách sống đạo của mình khá dài, chúng tôi chỉ ghi lại một số đoạn chính.

***

GẶP CHÚA TRONG TÙ CẢI TẠO
Tác giả: Trung Tướng Nguyễn Hữu Có
(Phần cuối)

Sau khi tin Chúa

Những thay đổi bước đầu
Sau khi tin Chúa, tôi cảm thấy vui mừng trong nội tâm. Vui mừng vì tất cả tội lỗi của mình trong quá khứ đã được Chúa tha thứ tẩy sạch. Đó là một gánh nặng mà tôi phải mang cho đến chết nếu không được Chúa cứu. Lời Chúa trong Kinh Thánh còn hứa chắc chắn rằng Ngài dành cho tôi một chổ ở trên Thiên Đàng khi linh hồn tôi rời bỏ trần thế nầy. Trước đây khi còn thờ hình tượng, không có đấng nào dám hứa với tôi như thế. Tôi quyết tâm ăn năn tội lỗi, sống một cuộc sống mới, thanh sạch gương mẫu. Tôi tuyệt nhiên không hút thuốc lá, uống rượu, cờ bạc là những điều dể vấp phạm trong hoàn cảnh buồn khổ ở trại giam. Được lời Chúa dạy dỗ, nhắc nhở hằng ngày, tôi sống vui vẻ và hạnh phúc hơn, được tình thương yêu lớn lao của Chúa bao bọc, tôi nhìn bạn bè xung quanh tôi với sự yêu thương chân thật. Tôi luôn luôn tìm cách giúp đở bạn bè trong các công việc lặt vặt như vá quần áo, sữa chữa đồ dùng (tôi được anh em khen là khéo tay). Tôi tích cực chia sẻ công việc khó khăn, nặng nhọc ở buồng như vét giếng, sửa nhà v.v. Đối với bạn bè nóng tính, tôi luôn luôn nhường nhịn và sẵn sàng tha thứ mỗi khi bị xúc phạm. Tôi sẵn sàng chia sẻ những gì tôi có cho bạn bè thiếu thốn từ thức ăn, thuốc uống cho đến các nhu cầu khác...
.......
Mục sư Dương Kỳ cắt cử Mục sư Võ Ngọc Thiên Lộc phụ trách chăn giử nhóm tín hữu buồng 3 của chúng tôi. Tôi rất quý mến Mục sư Lộc, người còn trẻ chưa lập gia đình, tánh tình cởi mở, rộng rải, hào phóng. Mục sư Lộc rất được ơn trước mặt Chúa. Hằng tuần đều cố gắng trèo rào vô buồng nhóm họp thờ phượng rao giảng Lời Chúa cho chúng tôi.
Một điều lạ lùng ngoài sức tưởng của tôi là Chúa đã gìn giử, che chở cho chúng tôi được bình an trong suốt 229 tuần lể kể từ ngày tôi tiếp nhận Chúa đến ngày tôi được tha về với gia đình (2-9-1987). Bình thường, mọi sự xuất nhập ở buồng 3 chỉ trong khoảng khắc là được hệ thống báo cáo viên đặt ở các buồng chung quanh chúng tôi trình lên cán bộ ngay. Điễn hình là đã có 4 anh em tướng lãnh vừa ra khỏi buồng 3 để liên hệ với bạn bè thì bị cán bộ trực trại xuống tập họp điểm danh làm kiểm điểm ngay. Đó là các tướng Trần Bá Di, Hồ Trung Hậu, Lam Sơn, Trần văn Cẫm. Thế nhưng trong suốt 229 tuần lễ, Mục sư ra vào buồng sinh hoạt tôn giáo với anh em Cơ Đốc Nhân chúng tôi thì được Chúa che chở bình an vô sự.
........ 
Được che chở nhờ đức tin
Giữa năm 1985, nhà tôi ra trại Nam Hà thăm nuôi. Tôi được tin nầy từ chiều hôm trước và chuẩn bị sáng hôm sau ra gặp vợ. Tối hôm ấy, một số anh em ngỏ ý xin tôi cho gửi thư về nhà. Đây là loại thư mang tay viết ngắn gọn để xin thuốc men, lương thực. Việc làm nầy đầy rủi ro bất trắc. Nếu ra cổng trại bị khám xét có thư trong người thì sẻ bị đuổi trở vô, không cho ra gặp người thân. Thật ra nếu tôi từ chối thì anh em cũng thông cảm thôi, nhưng tôi cậy ơn Chúa che chở, bảo anh em cứ viết cho thật ngắn gọn, sáng mai sẽ tùy cơ ứng biến. Tôi cầu nguyện xin Chúa giúp đở, che chở cho tôi mang thư ra được bình an. Tôi cảm thấy lòng nhẹ nhàng, bình an, tin quyết nơi Chúa.
Sáng hôm sau tôi nhận 12 lá thư xếp nhỏ gọn đễ dể mang ra trại. Thay vì cất giấu trong người, tôi nghỉ ra một cách là cầm gọn trong tay trái, nếu cán bộ bắt giử thì có cớ nói mang ra công khai để xin phép cán bộ chớ không có ý gian. Với ý nghĩ đó, tôi mạnh dạn bước ra cổng trại theo các anh em đi thăm nuôi. Hôm đó trời mưa lấm tấm, tôi mang theo áo mưa khoác ở tay trái. Khi đến trước mặt cán bộ trực trại, anh ta hỏi: "Anh có mang theo thư từ gì ra ngoài không?" Tôi không dám nói dối, vì nói dối là vấp phạm. Tôi bình tĩnh trả lời, xin cán bộ cứ khám xét người tôi, vừa nói tôi vừa giơ hai tay lên cao đưa người cho anh ta khám. Anh ta nhìn vào mắt tôi để dò xét rồi sờ mó qua người tôi từ trên xuống dưới, xong bảo tôi đi. Qua khỏi chổ đó, tôi hết sức vui mừng cảm tạ ơn Chúa. Lòng tôi nhẹ nhõm, lâng lâng hạnh phúc vì sắp gặp lại vợ, lại sung sướng làm xong nhiệm vụ đối với anh em trong buồng giam.

Sự qua đời của một con cái Chúa
Giữa mùa đông năm 1985, vào tháng Ba, trời trở rét đậm, cả ngày trời âm u ảm đạm. Cuộc sống nơi buồng 3 (giam cấp tướng) trong những ngày nầy bớt sinh động so với những ngày đầy nắng ấm. Ai cũng thích ngồi gần bếp lửa để sưởi ấm. Bốn anh em Cơ Đốc Nhân chúng tôi (Đoàn văn Quảng, Nguyễn Chấn á, Lê Trung Trực, Nguyễn Hữu Có) đang quan tâm đến 2 vấn đề: ấy là chị Quảng đang trên đường ra thăm anh và việc tổ chức buổi nhóm thờ phượng cuối tuần.
........

Ngày thứ 2 đầu tuần lể, sinh hoạt ở buồng 3 như thường lệ. Trong khuôn viên giữa 4 bức tường rào quen thuộc vẫn là: tập thể thao, nấu ăn, tắm giặt, nghĩ ngơi, đọc sách, v.v.
Buổi chiều sau giờ nghĩ trưa, tôi đang ngồi chơi ngoài sân thì anh Quảng qua chỗ tôi ngồi, anh đùa giỡn với tôi và phấn khởi nói với tôi chị Quảng sắp ra thăm anh rồi. Sau đó anh về phòng. Chỉ vài phút sau, anh em trong phòng nhốn nháo la to lên: anh Quảng bị ngất xỉu mau gọi cấp cứu. Tôi chạy nhanh vào phòng đến chổ anh Quảng nằm, thì thấy anh đang nhắm mắt, tim không còn đập, hơi thở cũng không còn nữa, chúng tôi vừa xoa dầu, thoa bóp chân tay anh, vừa làm hô hấp nhân tạo. Chúng tôi vừa làm vừa theo dõi mong có được một dấu hiệu hồi sinh. Nhưng dần dần chúng tôi tuyệt vọng vì anh vẫn nằm bất động. Kế đó, buồng 3 tràn ngập đầy người: Bác sĩ, ý tá, cán bộ của trại, bạn bè ở các buồng khác. Nhưng tất cả đều thất bại. Anh Quảng đã vĩnh viễn ra đi.
........
Hai hôm sau, tức ngày thứ 5, chị Quảng và người con út đến trại. Anh Vũ Văn Giai và tôi được phép đến nhà thăm nuôi gặp chị Quảng. Chúng tôi thuật lại sự ra đi của anh Quảng, yên ủi chị trong nước mắt và trao cho chị di sãn hiếm hoi của anh Quảng trước khi chị ra về.
Kỹ niệm đau buồn trên đây, tôi hằng nhớ mãi. Những việc lạ lùng mà Đức Chúa Trời đã làm khiến cho mắt tôi thấy được sự hiện diện của Ngài trong mỗi giây phút cuộc đời tôi. Thật Ngài là Đấng Toàn Tri, việc gì chưa xãy ra thì Ngài đã biết trước.
.....
Qua sự việc anh Quãng mà tôi đã chứng kiến, tôi càng vững tiến niềm tin nơi Chúa, hết lòng tôn thờ và vâng phục theo Ngài. A-Men
Thưa các bạn đọc thân mến,
Sau khi đọc xong bài làm chứng nầy, nếu lòng các bạn thấy cãm động muốn tin nhận Đức Chúa Jesus Christ làm cứu Chúa của mình, tôi khẩn thiết nài xin các bạn hãy quyết định ngay để tội lỗi các bạn được tha, linh hồn các bạn được cứu rỗi, đời sống các bạn được Chúa biến đổi.
.....
(Hết trích dẫn)
Ngày 17.7.2012
Lữ Giang


Tổng số lượt xem trang