Thứ Năm, 9 tháng 8, 2012

Biểu tình ở Việt Nam do tức giận về việc Trung Quốc gia tăng ‘bắt nạt’

The Guardian

Tác giả: Esmer Golluoglu – ở Hà Nội và TP HCM

Người dịch: Thủy Trúc

6-8-2012

Căng thẳng gia tăng sau khi Bắc Kinh tuyên bố nâng cấp một thành phố – mà Việt Nam cũng khẳng định chủ quyền – lên thành chính quyền đô thị mới nhất của họ.

Các biểu ngữ, áo phông và poster viết tay đã nói lên tất cả. “Trung Quốc! Cút khỏi Việt Nam!” – một biểu ngữ viết như thế. “Láng giềng đáng xấu hổ” – một biểu ngữ khác viết. “Chấm dứt leo thang và xâm lược Biển Đông” – biểu ngữ thứ ba tuyên bố.

Khi những người biểu tình len lỏi theo những con phố đông đúc của Hà Nội, đi qua các khu biệt thự xây kiểu thực dân và các cửa hiệu dành cho dân thượng lưu, bán thiết bị âm thanh nổi và hàng hiệu Versace, họ hướng về phía đại sứ quán Trung Quốc, nơi mà họ hy vọng có thể đứng cùng nhau để chống lại cái họ gọi là “sự hung hãn không ngừng của Trung Quốc”.

 Một biểu tình viên khoảng 40 tuổi nói khàn giọng vì hô khẩu hiệu nhiều: “Tôi ghét Trung Quốc. Đức xâm lược Ba Lan trong Thế chiến II, giờ thì Trung Quốc cũng muốn làm thế với Việt Nam. Lịch sử có thể lặp lại nếu cộng đồng quốc tế không ý thức được về hành vi bắt nạt của Trung Quốc”.

Từ các cơ quan nhà nước cho đến đường phố ở Việt Nam, căng thẳng giữa Bắc Kinh và Hà Nội đã tăng lên trong những tuần qua, xoay quanh cái mà Trung Quốc gọi là biển Nam Trung Hoa còn Việt Nam gọi là Biển Đông, một khu vực có những mỏ dầu khí lớn, những tuyến đường hàng hải quốc tế quan trọng, và quyền đánh bắt cá – tất cả đều mang lại lợi ích không chỉ cho Bắc Kinh và Hà Nội, mà còn cho Philippines, Malaysia, Đài Loan và Brunei.

Nhưng trong tâm trí những người biểu tình hồi tháng qua chỉ nghĩ đến Trung Quốc. Sau khi bắt một nhóm ngư dân Việt Nam ở gần quần đảo tranh chấp, Bắc Kinh tuyên bố công ty quốc doanh của họ – Tập đoàn Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) – mời thầu thăm dò dầu khí ở khu vực mà Việt Nam cho rằng thuộc chủ quyền của mình.

Bắc Kinh cũng tuyên bố thành phố Tam Sa – trên đảo Phú Lâm (Yongxing) tí hon thuộc quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam đòi chủ quyền – là chính quyền đô thị mới nhất của Trung Quốc. Cuộc biểu tình chống Trung Quốc lần này là lần thứ ba trong tháng 6 ở Hà Nội. “Tham vọng chủ quyền của Trung Quốc là mối đe dọa chung, không chỉ đối với Philippines hay Việt Nam mà còn đối với tất cả các quốc gia trên thế giới” – ông Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế hàng đầu, nói. Ông Doanh nguyên là cố vấn chính phủ, gần đây ông đã ký tên vào một thư ngỏ kêu gọi Trung Quốc từ bỏ “yêu sách chủ quyền biển kỳ quặc” trong khu vực. “Vùng mà Trung Quốc đòi chủ quyền bây giờ còn lớn hơn chính nước Trung Quốc”.

Hà Nội, nằm cách biên giới Trung Quốc 125 dặm (khoảng 200 km – ND), biết rằng họ phải chơi một trò chơi rất tinh vi. Năm ngoái, thương mại giữa hai nước đã đạt tới con số ước tính 40 tỷ USD, và các nhà phân tích cho rằng quan hệ giữa hai nhà nước độc tài, độc đảng gần gũi hơn rất nhiều so với mức độ mà cả hai bên chính quyền chịu thừa nhận.

Sự xa cách bề ngoài đã đẩy Mỹ vào cuộc chơi, với những chuyến thăm gần đây của Ngoại trưởng Hillary Clinton và Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta, làm rõ thêm lợi ích của Mỹ ở nước cựu thù. Chuyến công du của ông Panetta tới vịnh Cam Ranh – một căn cứ hải quân của Mỹ thời chiến tranh Việt Nam – đã gây nên sự tò mò đặc biệt về những ý định của Mỹ nhằm “bảo vệ những quyền tự do hàng hải quan trọng đối với tất cả các quốc gia trên Biển Đông”, khi họ rục rịch triển khai 60% tàu hải quân đến Thái Bình Dương từ nay tới năm 2020.

Ông Carlyle Thayer, một chuyên gia về Việt Nam tại học viện quốc phòng Úc, nói rằng Việt Nam chắc chắn sẽ bảo vệ chủ quyền của mình bằng cách hợp tác – nhưng không liên minh – với Mỹ, song ông cảnh báo rằng tình hình trên Biển Đông có thể sẽ tồi đi trước khi có sự tiến triển. “Rất có khả năng sẽ xảy ra một sự vụ gì đó, từ một tai nạn bất ngờ giữa hai con tàu đối đầu nhau, cùng đến một nơi vào cùng một thời điểm” – ông nói. “Hiện tại, [cả hai phía] đều kiểm soát được tình hình, nhưng theo phân tích, nhiều cơ quan của Trung Quốc đang hoạt động độc lập, và chính quyền trung ương thì chật vật trong chuyện khẳng định quyền lực… vấn đề ở đây là kỹ năng quản lý khủng hoảng [của cả hai nước] đều không lấy gì làm tốt lắm”.

Các cuộc biểu tình ở Hà Nội xảy ra vào thời điểm tương lai chính trị-xã hội của Việt Nam đầy bất định. Nền kinh tế của họ đã đi theo một quỹ đạo ấn tượng từ chủ nghĩa thực dân, sang chủ nghĩa cộng sản, tới chủ nghĩa tư bản đổi mới (“kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”) của những năm 1990 và sau đó. Những biệt thự trang trí nghệ thuật đã bị san bằng để lấy chỗ cho những khu cao ốc văn phòng, và các tòa nhà cầu kỳ lòe loẹt làm cho những đại lộ nhiều bóng râm ở TP.HCM và Hà Nội nhỏ hẳn đi. Hai thành phố này là nơi đàn ông mặc quần ở nhà và phụ nữ mặc quần soóc, đi giày gót nhọn, lái ôtô đi lại, trong những chiếc Mercedes và BMW 4×4 bóng nhoáng.

Ở đây, người giàu đã trở nên rất giàu, đến mức một doanh nhân Việt Nam gần đây đã mua cả một thị trấn của Mỹ, được rao bán ở Wyoming. Nhưng Việt Nam đang chịu thâm hụt thương mại khổng lồ với Trung Quốc (1,85 tỷ USD chỉ tính riêng trong hai tháng đầu năm nay) và 3 triệu đảng viên Đảng Cộng sản đang nỗ lực tìm cách duy trì quyền kiểm soát dân số hơn 90 triệu, mà 70% trong số đó ra đời sau năm 1975, một phần ba được tiếp cận Internet.

Người biểu tình không chỉ căm giận tham vọng chủ quyền của Trung Quốc, mà còn phẫn nộ vì khoảng cách giàu nghèo ngày càng rộng hơn, tần suất ngày càng nhiều những vụ công an bạo hành, hành động đàn áp ngày càng mở rộng đối với những người bất đồng chính kiến, và con số ngày càng gia tăng những vụ cưỡng chế đất đai và vi phạm nhân quyền. Tổ chức Phóng viên Không Biên giới tuyên bố, Việt Nam là “kẻ thù của Internet”, khi có một nghị định cho rằng việc nặc danh đưa thông tin lên mạng là bất hợp pháp. Hàm ý của nghị định này là blogger Việt Nam đặc biệt ở trong tình trạng bị tấn công. Facebook bị chặn, cũng như nhiều blog khác, và các nhà hoạt động cho rằng email, điện thoại, cũng như chỗ ở của họ, thường xuyên bị giám sát. Ủy ban Bảo vệ Các nhà báo gọi Việt Nam là tên cai tù tồi tệ thứ tư trên thế giới đối với các nhà báo. “Việt Nam quả thật là một Myanmar mới” – ông Phil Robertson, tổ chức Human Right Watch, nói.

Chúng tôi đang chứng kiến nhiều biểu hiện của một sự đàn áp tự do ngôn luận, của tình trạng vô luật pháp ngày càng nghiêm trọng xét về cách công an đối xử với người dân, của một nỗ lực không ngừng nhằm truy đuổi các blogger nổi tiếng, nhằm tìm ra các nhà hoạt động và tống giam người bất đồng chính kiến. Họ đang cố gắng ngăn chặn bất kỳ biến cố kiểu mùa xuân Ảrập nào, tại những nơi mà sự kết hợp giữa thông tin trên Internet và những người dân giận dữ biểu tình có thể bùng lên thành một cái gì hơn thế. Việt Nam rất lúng túng, bởi vì trước kia họ là những người có ảnh hưởng trong việc khuyên nhủ Myanmar, mà lúc đó nước này hoàn toàn là vô vọng”.

Giờ thì Myanmar không còn là kẻ lạc đàn nữa – nhờ việc bầu chọn bà Aung San Suu Kyi vào quốc hội và nhờ hàng loạt cải cách do nhà cải cách – Tổng thống Thein Sein – khởi xướng. Ngôi sao đang lên Thein Sein là người mà Việt Nam từng một thời hạ thấp đáng kể. Một nhà phân tích sở tại cho biết: “Đầu tư trực tiếp nước ngoài đang đổ vào Myanmar và giảm sút ở Việt Nam. Chính phủ Việt Nam biết là họ đang bị mất tín nhiệm. Việt Nam chấp nhận cho khối tư nhân phát triển, nhưng đã không cải cách hệ thống chính trị. Đó là một sai lầm chết người”.

Luật sư bất đồng chính kiến, Lê Quốc Quân – một trong những nhà hoạt động nhân quyền nổi bật nhất Việt Nam, liên tục bị bắt giam và đánh đập vì các nỗ lực dân chủ của ông – nói rằng, Việt Nam đang thua trận. Ông Quân nói: “Ngày càng nhiều người biết về các quyền của họ, vì thế họ ngày càng chiến đấu mạnh mẽ hơn vì quyền ấy, ngày càng có thêm nhiều đàn áp, bắt bớ. Nhưng dấu hiệu lạc quan là người ta không hề sợ”.

Vẫn còn hy vọng sẽ sớm đạt được một giải pháp ngoại giao về vấn đề Biển Đông, tuần trước, Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á đã nhất trí với một “bộ quy tắc ứng xử” – có thể sẽ được đàm phán với Trung Quốc, bắt đầu từ tháng 9. Nhưng cũng có khả năng tương tự là căng thẳng sẽ tiếp tục. Ông Lê Đăng Doanh nói: “Vấn đề Việt Nam-Trung Quốc là câu chuyện của hơn 2000 năm rồi. Nếu Trung Quốc tiếp tục gây hấn, 1 triệu người dân [Việt Nam] sẽ xuống đường biểu tình. Rồi bạn sẽ thấy”.

• Bài báo này được sửa vào ngày 7-8-2012. Bản gốc viết rằng Mỹ sẽ triển khai 60% tàu hải quân đến Thái Bình Dương trước năm 2020, chứ không phải triển khai thêm 10% nữa. Nghĩa là tỷ lệ triển khai quân sẽ là 40% hạm đội đến Đại Tây Dương và 60% hạm đội đến Thái Bình Dương.

Chú thích ảnh: Người biểu tình Việt Nam ở Hà Nội tuần hành phản đối yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông. Ảnh: Luong Thai Linh/ EPA

Nguồn: The Guardian

Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2012

 

Biểu tình ở Việt Nam do tức giận về việc Trung Quốc gia tăng ‘bắt nạt’(Guardian/ Ba Sàm). - Tại sao Việt Nam sợ biểu tình chống Trung Quốc? (VOA). Biểu tình chống Trung Quốc ngày càng lớn: Protests in Vietnam as anger over China's 'bullying' grows (Guardian 6-8-12) -- Love-hate thy neighbor in Vietnam (Asia Times 8-8-12)
 
 –Ân xá Quốc tế yêu cầu Việt Nam đình chỉ trấn áp quyền hội họp ôn hòa và tự do ngôn luận    –   (RFI).

- Phỏng vấn GS Carl Thayer: Để Trung Quốc hết ‘bắt nạt láng giềng’ (TVN). - Tranh chấp biển Đông, các nước có thể làm rõ các tuyên bố chủ quyền lãnh hải của mình như thế nào: The South China Sea Disputes: How Countries Can Clarify Their Maritime Claims – Analysis (Eurasia Review).
- Các công ty dầu khí xem xét rủi ro trong việc khai thác ở biển Đông: Oil Companies Weigh S. China Sea Exploration Risks (VOA English). Bản tiếng Việt: Các công ty dầu khí cân nhắc rủi ro khai thác tại vùng tranh chấp ở Biển Đông (VOA). - Bùi Tín: Tim đen của bành trướng: Dưới cá là dầu (VOA).
- Mỹ sẽ triển khai máy bay không người lái tới Senkaku (Gafin).  - Ấn Độ sắp chạy thử tàu ngầm hạt nhân (PLTP).

Tổng số lượt xem trang