Thứ Năm, 2 tháng 8, 2012

'Hãy để chúng chết đi'

 Một giải pháp thật đơn giản mà tôi đề nghị: "đừng làm gì cả". Hãy tin dân và giao quyền lại cho các doanh nghiệp tư nhân tự ứng xử.


Chúng ta có thể thường thỏa mãn mọi đòi hỏi về công lý khi ngồi im và không làm gì cả - Adam Smith.

Năm 1976, New York ngập chìm trong công nợ vì chính quyền thành phố liên tục tiêu xài cho những chương trình gọi là "xã hội" và cho "phe nhóm". Ngân sách gia tăng cùng hệ thống quan chức và sưu cao thuế nặng khiến các doanh gia bỏ chạy khỏi New York. Đối diện với thảm họa phá sản, thành phố kêu gọi chính quyền liên bang cứu trợ khẩn cấp. Tổng thống Ford trả lời với một câu nói đi vào lịch sử, "Drop Dead" (Hãy chết đi). Hơn 90% dân Mỹ hoan nghênh quyết định sáng suốt này.

Tìm giải pháp

Chưa bao giờ tôi thấy các chuyên gia Việt Nam hăng hái và bận rộn như lúc này. Ngày nào cũng có vài ba giải pháp trên các báo cho đủ mọi vấn đề kinh tế. Và chưa bao giờ các thành phần kinh tế lại ỉ ôi như thế này. Ai cũng xin chính phủ cứu giúp với OPM (tiền người khác) và tốt nhất là "cho luôn" thì khỏi phải hạch toán lôi thôi.

Về nợ xấu ngân hàng, nhà nước đề nghị một công ty mua bán nợ xấu 100 ngàn tỷ, nhưng vài ông viện nghiên cứu nói 30 tỷ là đủ rồi. Một chuyên gia có giấy phép thì cho rằng 200 ngàn tỷ là tối thiểu; trong khi vài ông không có giấy phép thì đòi 600 ngàn tỷ.

Còn chuyện mua nợ xấu để bán cho ai, với giá nào, thu tiền ra sao, ai được ưu tiên...thì cũng có vài chục giải pháp đề nghị.

Qua đến việc giải cứu các doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực bất động sản và vật liệu xây dựng, các chuyên gia còn năng động hơn vì chuyện nhà cửa thì ngay cả các bác xe ôm cũng là "sư tổ". Dễ hiểu nhất là lấy tiền chính phủ (OPM) mua nhà tặng cho người nghèo; rồi gay cấn hơn là hạ lãi suất xuống còn 5% hay 8% hay 10%?

Còn chuyện giãn hay khoanh nợ thì các ngân hàng đã âm thầm làm cả chục năm nay, không ai thắc mắc. Hiệu quả chắc chắn đã gây thêm nhiều hệ quả xấu mà tình trạng hiện tại đã chứng minh.

Các nhà làm chính sách còn định tung ra giải pháp là gia tăng tiêu xài và đầu tư công. Ngân sách của chính phủ Việt Nam (34% của GDP) đã cao hơn hẳn Thái Lan (18%) và Singapore (19%) tạo một gánh nặng khủng cho các doanh nghiệp tư nhân. Cộng thêm với đầu tư, chi tiêu và thua lỗ của những doanh nghiệp nhà nước, nền kinh tế bắt buộc như người chỉ nặng có 34 kg mà lại phải vác một ba lô nặng 66 kg. Chả trách ngày nào dân cũng đi uống bia để phục hồi sinh lực, mai còn vác tiếp.

Xây thêm vài chục ngàn cây số đường cao tốc thì GDP sẽ tăng trưởng ngay, nhưng chất lượng chỉ tốt cho các cỗ xe bò thì coi như vứt tiền cho các ngân hàng ngoại quốc.

Tam thập lục kế, dĩ đào vi thượng

Tuần vừa rồi, tôi ghé nhà một người bạn ăn tối. Vợ chồng hắn có 2 đứa song sinh 2 tuổi và 1 đứa 4 tuổi. Khi vừa nhập tiệc thì 3 đứa tranh nhau đồ chơi và đồ ăn, cãi nhau ỏm tỏi và la khóc lớn hơn cả các diễn viên trong một phim tình bi đát của Việt Nam. Hai vợ chồng thử mọi giải pháp, từ các gói cứu trợ đến các dọa dẫm trừng phạt. Sau 20 phút, bọn hắn thua cuộc và không ai ăn uống gì được. Tôi đề nghị một giải pháp đơn giản: 5 người lớn sẽ ra tiệm ăn và để lại căn nhà cho 3 đứa bé và 2 bà ô sin. 15 phút sau, từ quán ăn, ông chồng gọi điện thoại về, bà ô sin xác nhận là lũ trẻ đã vui vẻ chơi đùa và ăn uống trong hòa thuận.


Các thành phần kinh tế của mọi quốc gia cũng giống như lũ trẻ. 
Họ thích tạo những quấy phá ôn ào để nhận những ban phát "miễn phí" 
từ các nguồn lực tài chính hay hành chính.

Thực ra, các thành phần kinh tế của mọi quốc gia cũng giống như lũ trẻ. Họ thích tạo những quấy phá ôn ào để nhận những ban phát "miễn phí" từ các nguồn lực tài chính hay hành chính. Khi họ biết chắc chắn rằng những ân huệ này sẽ không đến, họ sẽ phải chịu đựng và tìm giải pháp khác, sáng tạo từ trí óc, con tim và ý chí.

Trở lại câu chuyện New York, mọi thành phần có lợi ích nơi đây cũng kêu la và nguyền rủa chính quyền liên bang vài tháng sau quyết định của Ford. Nhưng họ đã làm những gì phải làm: cân bằng ngân sách, cởi bỏ thủ tục rườm rà, năng động trong việc khuyến khích các doanh nhân, kêu gọi đầu tư... Năm năm sau, tình thế ổn định.

Với một tư duy quản trị sáng tạo mới mẻ, chính phủ và người dân đã đạt những thành tích ấn tượng đem New York về lại vị trí hàng đầu của Mỹ.

Cho nên, nếu các bác hỏi tôi về nợ xấu, tôi sẽ nói "Hãy Để Chúng Chết Đi". Ngân hàng nhà nước chỉ cần bảo đảm khoảng 100 triệu đồng tối đa cho mỗi người gửi tiền, và chúng ta có thể chấp nhận sự sụp đổ của những ngân hàng yếu kém.

Hỏi về các doanh nghiệp bất động sản, tôi sẽ nói "Hãy Để Chúng Chết Đi". Các căn hộ và các lô đất sẽ bị hạ giá rẻ mạt, tạo một cơ hội tuyệt vời cho nhũng người dân có thu nhập trung bình.

Hỏi về các doanh nghiệp nhà nước yếu kém, tôi sẽ nói "Hãy Để Chúng Chết Đi". Dòng tiền OPM đã cạn kiệt. Các anh chị nào có lãi thì cứ tiếp tục. Còn lỗ thì tôi bán ngay cho các nhà đầu tư, nội hay ngoại. Trên hết, mọi đặc lợi đặc quyền sẽ chấm dứt. Chỉ khi đối diện thực sự với cạnh tranh thị trường, chúng ta mới biết ban quản trị nào có trí tuệ và  lực để sinh tồn.

Đau một lát, mát cả đời...

Nhiều thân hữu sẽ hỏi tôi là ông không lo ngại gì về những xáo trộn xã hội và nạn thất nghiệp khi các công ty thi nhau lăn ra chết? Tôi xin thưa rằng KHÔNG. Bởi vì 2 lý do.

Thứ nhất là số tài sản nhàn rỗi trong dân được ước tính là khoảng 50 tỷ đô la bởi các nguồn dữ liệu đáng tin cậy. Số vàng và đô la này đang bị rút giấu trong dân bởi thiếu lòng tin vào tương lai kinh tế vốn dựa nhiều vào quan hệ và xin cho. Khi họ nhận ra là chính phủ không can thiệp vô ích vào cách kiếm tiền của một thị trường tự do, dòng tiền này sẽ chảy vào nền kinh tế tạo một cú hích ngoạn mục. Các Việt kiều và các nhà đầu tư nước ngoài cũng sẽ có khả năng bơm thêm 20 tỷ đô la, dư đủ để kích thích nền kinh tế xứ này.

Lý do thứ hai là tôi tin vào tài năng và sự bền bỉ của doanh nhân Việt. Chỉ trong vòng 5 năm khi đến Mỹ, phần lớn những người dân thất học và không vốn đã gây dựng cho mình và con cái những tài sản đáng kể. Hiện nay, 3 triệu Việt Kiều tại Mỹ tạo ra một GDP ngang hàng với trong nước. Một triệu Việt Kiều khác ở Âu Châu, Úc và toàn thế giới cũng đã có những thành công tương tự.

Một giải pháp thật đơn giản mà tôi đề nghị lên là "đừng làm gì cả".  Hãy tin dân và giao quyền lại cho các doanh nghiệp tự ứng xử. Trong sáng tạo và hồi sinh sẽ có mồ hôi và nước mắt. Trong quá trình trưởng thành, các em thường phải chịu nhiều gian truân đau đớn. Vài em sẽ không qua khỏi. Nhưng đây là định luật của thiên nhiên.

T/S Alan Phan

  • T/S Alan Phan là một doanh nhân bôn ba làm ăn trên 43 năm qua tại Mỹ và Trung Quốc. Ông cũng là tác giả của 8 cuốn sách Anh và Việt ngữ về kinh tế tài chánh của các nền kinh tế mới nổi. Ông tốt nghiệp tại các đại học Penn State, American Intercontinental (Mỹ), Sussex (UK) và Southern Cross (Úc). Web site cá nhân là www.gocnhinalan.com.

@>- 'Hãy để chúng chết đi'

 

**********************************

-TS. Vũ Thành Tự Anh: Đề án tái cơ cấu chưa chạm đến nội dung cốt lõi


Đề án tái cơ cấu DNNN đã bỏ qua nội dung cốt lõi ở cả ba cấp độ: môi trường kinh doanh, quản trị doanh nghiệp và quản lý kinh doanh.

Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) mới được phê duyệt ngày 17/7/2012, và cũng là một trong ba đề án trọng tâm để tái cơ cấu nền kinh tế trong năm nay. TBKTSG đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Vũ Thành tự Anh, chuyên gia kinh tế, Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, xung quanh nội dung của đề án này.


Nhận định chung của ông về Quyết định 929/QĐ-TTg phê duyệt đề án “Tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011-2012”, những điểm được và chưa được lớn nhất của đề án này là gì?

Cái được lớn nhất của quyết định này là nó khẳng định lại một số chủ trương quan trọng và đúng đắn của Chính phủ về cải cách DNNN, trong đó quan trọng nhất là tạo ra môi trường pháp lý cạnh tranh bình đẳng, hướng tới áp dụng thông lệ quản trị quốc tế, minh bạch báo cáo tài chính và kinh doanh nhằm tăng trách nhiệm giải trình, và thoái vốn nhà nước trong các hoạt động ngoài ngành kinh doanh chính. Trong mấy năm trở lại đây, những chủ trương này được Chính phủ nhắc đi nhắc lại nhiều lần, nhưng đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự và cấp thiết.

Những điểm chưa được của quyết định này khá nhiều. 

Thứ nhất, nó bỏ qua một số nội dung cốt lõi của tái cơ cấu DNNN ở cả ba cấp độ: môi trường kinh doanh, quản trị doanh nghiệp và quản lý kinh doanh. 

Thứ hai, quyết định có một số điểm không nhất quán, thậm chí mâu thuẫn với thực tế và mâu thuẫn với nhau. Thứ ba, nhiều nội dung quan trọng của quyết định được trình bày mập mờ, chắc chắn sẽ tạo ra sự tùy định cao khi thực hiện. 

Thứ tư, thiếu sự cẩn trọng trong việc soạn thảo văn bản. Chẳng hạn như mặc dù quyết định được phê duyệt ngày 17/7 nhưng có tới năm nhiệm vụ của các bộ, ngành phải được hoàn thành trong quí 2/2012. Bên cạnh đó, hai nhiệm vụ khác ở tầm nghị định và đề án quan trọng được yêu cầu phải hoàn thành ngay trong tháng 7. Đấy là chưa kể tới các lỗi ngữ pháp và chính tả có thể tìm thấy khá dễ dàng trong quyết định này.

Ông có thể nói rõ thêm về một số nội dung cốt lõi của tái cơ cấu DNNN nhưng chưa được đề cập không?

Cạnh tranh là một điều kiện tiên quyết để buộc mọi doanh nghiệp, trong đó có DNNN, phải hoạt động hiệu quả. Đề án tuy có nói tới việc tạo ra môi trường pháp lý cạnh tranh bình đẳng, nhưng thực ra điều này đã được khẳng định trong Luật Doanh nghiệp 2005. Điều cần hơn hiện nay là môi trường chính sách và hoạt động thực sự bình đẳng và cạnh tranh giữa các doanh nghiệp bất kể thành phần kinh tế. Đây chính là cái chúng ta còn rất thiếu. Ví dụ như về phương diện chính sách, DNNN (đặc biệt là các tập đoàn và tổng công ty) luôn được Nhà nước ưu ái trong việc tiếp cận thị trường, đất đai, vốn đầu tư, tín dụng, mua sắm công...

Điều kiện tiên quyết thứ hai để buộc bất kỳ doanh nghiệp nào, kể cả DNNN, phải trở nên hiệu quả là “giới hạn ngân sách cứng”, hay theo cách nói thông thường là “lời ăn lỗ chịu”. Tuy nhiên, điều này không hề được đề cập trong Quyết định 929. Trên thực tế, ngay trong quá trình tái cơ cấu hiện nay, Chính phủ đã và đang hỗ trợ cho một số tập đoàn “tái cơ cấu” nhiều khoản nợ khổng lồ của mình bằng tiền thuế đánh lên người dân và các doanh nghiệp khác.

Về phương diện quản trị công ty, mặc dù quyết định khẳng định rằng sẽ áp dụng các thông lệ quản trị quốc tế, tuy nhiên lại không thấy nhắc đến yêu cầu thay đổi cơ chế trộn lẫn “3 trong 1” giữa quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp và quản lý kinh doanh - điều tối kỵ của quản trị hiện đại. Chính cơ chế “3 trong 1” này là nguyên nhân của rất nhiều sự lẫn lộn về mục tiêu, chức năng, nhiệm vụ cũng như về quy trình, kỹ năng và công cụ chính sách, từ đó tạo ra các mâu thuẫn, xung đột lợi ích, làm triệt tiêu hiệu quả tổng thể như TS. Nguyễn Đình Cung ở CIEM đã phát biểu nhiều lần.

Thế còn những điểm thiếu nhất quán, thậm chí mâu thuẫn với thực tế và với các chủ trương khác thì sao?

Mâu thuẫn đầu tiên là trong khi Nhà nước giao cho các tập đoàn và tổng công ty rất nhiều quyền lực kinh tế, thậm chí là vị thế độc quyền trên thị trường nội địa, nhưng Quyết định 929 lại không đề cập một cách thỏa đáng tới các biện pháp kiểm soát để đảm bảo quyền lực này không bị lạm dụng. 

Hiện nay, nhiều tập đoàn nhà nước có vị thế chi phối, thậm chí là độc quyền, và do vậy cơ chế thị trường ít phát huy tác dụng. Khi không áp đặt được kỷ luật thị trường thì lẽ đương nhiên là phải sử dụng đến các công cụ điều tiết của nhà nước. Thế nhưng cơ chế “3 trong 1” đề cập ở trên, cùng với vai trò “chủ đạo” và vai trò điều tiết vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội và bình ổn kinh tế được giao, đã và sẽ tiếp tục làm xói mòn hiệu lực của hoạt động điều tiết.

Mục “Hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách” của quyết định cũng viết: “Đối với doanh nghiệp 100% vốn nhà nước: Hoàn thiện khung pháp lý để doanh nghiệp kinh doanh hoạt động trong môi trường pháp lý chung và cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác...”. Điều này mâu thuẫn trực tiếp với cách phân loại DNNN trong quyết định, theo đó nhóm doanh nghiệp mà Nhà nước nắm 100% vốn đều thuộc các lĩnh vực độc quyền nhà nước như quốc phòng, an ninh, xuất bản... Khi nhà nước đã nắm độc quyền 100% thì không thể nói đến cạnh tranh của khu vực tư nhân, huống hồ là cạnh tranh bình đẳng.

Theo đề án, “các DNNN thua lỗ kéo dài, không có khả năng khắc phục sẽ thực hiện bán, chuyển nhượng doanh nghiệp; tái cơ cấu lại nợ để chuyển thành công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn nhiều thành viên, giải thể, phá sản”. 

Cần lưu ý rằng việc thua lỗ và không có khả năng khắc phục không phải là tiêu chí để quyết định bán hay giải thể một doanh nghiệp. Thay vào đó, cần căn cứ vào vai trò của Nhà nước, và do vậy của DNNN, trong nền kinh tế để quyết định doanh nghiệp nào nên được bán hay chuyển nhượng. 

Điều này có nghĩa là ngay cả những DNNN có lãi nhưng trong lĩnh vực mà tư nhân làm tốt hơn (như dệt may chẳng hạn) thì cũng nên bán chứ không nên giữ. Bên cạnh đó, tiêu chí “không có khả năng khắc phục” rất mập mờ. Chẳng hạn như trường hợp của Vinashin, và gần đây hơn là Vinalines, tất nhiên là đều có khả năng khắc phục nếu Nhà nước dang tay ra cứu, chỉ có điều chi phí và hệ lụy như thế nào thì không để lường hết được.

Nguồn Thời báo Kinh tế Sài Gòn

(Dân trí) - Theo UB Kinh tế, những khoản nợ xấu của khu vực DNNN mà rất có thể sẽ phải dùng NSNN để trả là mầm mống đe dọa tính bền vững của nợ công Việt Nam. Riêng năm 2012, nghĩa vụ trả nợ xấp xỉ 5,4 tỷ USD, tương đương 4,5% GDP năm 2011.

Nợ công Việt Nam đã vượt xa ngưỡng an toàn
Rủi ro tiềm tàng lớn nhất đối với nợ công của Việt Nam có lẽ không phải ở những khoản nợ được ghi nhận trên sổ sách.

Tại bản thảo nghiên cứu Nợ công Việt Nam - Quá khứ và Tương lai do Ủy ban Kinh tế Quốc hội và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) thực hiện có ghi nhận, số liệu ước tính đến hết năm 2011, tổng nợ công của Việt Nam vào khoảng 58,7% GDP. Trong đó, nợ công nước ngoài và nợ công trong nước lần lượt là 31,1% và 17,6% GDP.

Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cho rằng, rủi ro tiềm tàng lớn nhất đối với nợ công của Việt Nam có lẽ không phải ở những khoản nợ được ghi nhận trên sổ sách.

Theo đó, những khoản nợ xấu của khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) mà rất có thể sẽ phải dùng ngân sách nhà nước để trả mới là mầm mống đe dọa tính bền vững của nợ công Việt Nam.

Cụ thể, khoản nợ nước ngoài của khu vực tư nhân và doanh nghiệp nhà nước không được chính phủ bảo lãnh chiếm 11,1% GDP. Ngoài ra, nợ trong nước của khu vực DNNN theo ghi nhận trong Đề án Tái cấu trúc DNNN của Bộ Tài chính năm 2012 cũng chiếm xấp xỉ khoảng 16,5%.

Nhóm nghiên cứu của UB Kinh tế và UNDP đánh giá, tính đến các con số kể trên, nợ công Việt Nam đã vượt xa so với ngưỡng an toàn (60% GDP) được khuyến cáo bởi các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB) hay Quỹ tiền tệ Thế giới (IMF).

Nợ công Việt Nam đã vượt xa ngưỡng an toàn

Tại báo cáo thẩm tra về Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2011 - 2015 và năm 2012, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu đồng ý với Chính phủ, chỉ tiêu dư nợ công năm 2012 không quá 60%GDP, đến năm 2015 không quá 65%GDP, dư nợ của Chính phủ không quá 55%GDP, dư nợ quốc gia không quá 40%GDP. 

Dự kiến, nợ công sẽ còn tăng đến 2015 và được đề xuất bắt đầu giảm từ 2016 nhằm tránh ách tắc trong phát triển KT-XH. 

Nghĩa vụ trả nợ năm 2012 tương đương 4,5% GDP năm 2011

Báo cáo lưu ý, trong vài năm trở lại đây, quy mô của các khoản vay thương mại trong nợ nước ngoài với lãi suất cao đang có xu hướng tăng lên. Tính đến hết ngày 31/12/2010, đã có gần 6,8% tổng nợ nước ngoài của Chính phủ có lãi suất lên tới 6-10% và hơn 7% tổng nợ nước ngoài của Chính phủ có lãi suất thả nổi.

Bên cạnh đó, bản dự thảo báo cáo chỉ ra, cơ cấu kỳ hạn của các khoản nợ công trong nước cũng gây rủi ro khá lớn. Trong khi các khoản nợ nước ngoài có kỳ hạn dài tới vài chục năm, có hơn 88,7% nợ trái phiếu chính phủ và trái phiếu chính phủ bảo lãnh có kỳ hạn chỉ từ 2-5 năm. 

Do vậy, nghĩa vụ nợ nước ngoài được dàn khá đều với 1,5-2 tỉ USD/năm, trong khi đó nghĩa vụ nợ trong nước lại dồn trong thời gian gần, với xấp xỉ 4,5-5 tỉ USD/năm trong vòng 4 năm tới. Như vậy, cùng với triển vọng cán cân ngân sách cơ bản tiếp tục thâm hụt thì sức ép phát hành trái phiếu để đảo nợ trong nước những năm tới là rất lớn.

Với tỉ trọng đang có xu hướng tăng nhanh trong những năm gần đây, nhóm nghiên cứu cho rằng, nợ công trong nước đang hàm chứa những rủi ro do lợi suất cao cộng với kỳ hạn ngắn của nó.

Chỉ tính riêng năm 2012, nghĩa vụ trả nợ lãi và gốc của Việt Nam lên tới xấp xỉ 5,4 tỉ USD hay tương đương với 4,5% GDP của năm 2011. Theo nhóm nghiên cứu, đây chính là những nguyên nhân chính của hiện tương chi tiêu công lấn át chi tiêu tư nhập, kết hợp lạm phát cao do sức ép tài trợ trái phiếu thông qua tăng cung tiền.

Nợ công Việt Nam đã vượt xa ngưỡng an toàn

Theo số liệu được cung cấp bởi Kiểm toán Nhà nước, tính đến hết năm 2010 nợ phải trả nước ngoài dùng để cho vay lại tương đương 11,2 tỷ USD, tăng hơn so với 9,203 tỷ USD năm 2009. Trong đó, số dư mà Bộ Tài chính cho vay lại tại 11 tổ chức cho vay lại và 7 đơn vị vay lại khoảng 8,4 tỷ USD. 

Lũy kế đến hết năm 2011, số tiền Bộ Tài chính ứng trả nợ thay cho các đơn vị được Chính phủ bảo lãnh vay công nước ngoài gần 2.437 tỷ đồng.

Tổng số lượt xem trang