Thứ Sáu, 10 tháng 8, 2012

Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia: Phải coi nợ của doanh nghiệp nhà nước là đối tượng quản lý như nợ công

-Nếu tính cả hơn 1 triệu tỷ đồng nợ của doanh nghiệp nhà nước vào nợ công, thì nợ công của Việt Nam sẽ vượt xa ngưỡng an toàn (60% GDP).

 Phải coi khoản nợ của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là  là đối tượng quản lý nợ công, đó là ý kiến của ông Hà Huy Tuấn, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia trong bài phỏng vấn trên Báo Đầu tư ngày 10/8.

Nhiều chuyên gia tài chính cho rằng, Việt Nam không tính nợ của DNNN vào nợ công khiến bức tranh về nợ công chưa sát thực tế?

Nhiều tổ chức tài chính quốc tế khuyến cáo, nợ của doanh nghiệp nói chung là tự vay tự trả, nên không thống kê vào nợ công, vì không ảnh hưởng tới ngân sách. Ngược lại, cũng có không ít tổ chức tài chính quốc tế khuyến cáo, mặc dù tự vay tự trả, nhưng cuối cùng, ngân sách vẫn phải chịu trách nhiệm với khoản nợ của DNNN, nên phải coi khoản nợ của đối tượng này là nợ công.

Do có những quan điểm trái chiều, nên có nước coi khoản nợ của DNNN là nợ công, có nước không coi khoản nợ đó là nợ công và ngay cả nước coi nợ của DNNN là nợ công, thì cách xác định khoản nợ này cũng rất khác nhau. Chính vậy, việc chúng ta không coi nợ của DNNN là nợ công không phải là ngoại lệ.

Vậy quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

Tính đến đầu năm 2012, cả nước còn 1.309 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, khoảng 1.900 doanh nghiệp có vốn nhà nước trên 50% và hàng ngàn doanh nghiệp vẫn còn vốn nhà nước ở những mức độ khác nhau. Trong số doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, có hơn 700 doanh nghiệp do địa phương quản lý. Vì vậy, có nên coi nợ của doanh nghiệp có vốn nhà nước là nợ công hay không là vấn đề hết sức phức tạp, cần phải có tính toán, nghiên cứu cẩn trọng.

Theo quan điểm của tôi, nợ công chỉ tính nợ chính phủ, nợ chính phủ bảo lãnh và nợ của chính quyền địa phương, như quy định của Luật Quản lý nợ công, là phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của nền kinh tế nước ta hiện nay. Tuy nhiên, dù không thống kê nợ của doanh nghiệp có vốn nhà nước vào số nợ công, nhưng cũng cần coi khoản nợ này như nợ công để đưa vào đối tượng quản lý, giám sát tương tự như đối với nợ công.

Thưa ông, nếu coi khoản nợ của doanh nghiệp có vốn nhà nước là đối tượng để quản lý, giám sát như nợ công, nhiều người lo ngại nợ công sẽ tăng lên?

DNNN nói chung, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước nói riêng có tỷ lệ vay nợ trên vốn chủ sở hữu cao hơn rất nhiều so với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp tư nhân.

Theo số liệu của Bộ Tài chính, có đến 30/85 tập đoàn, tổng công ty có tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu gấp hơn 3 lần, trong đó 7 tập đoàn, tổng công ty có tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu hơn 10 lần.

Trong cả một thời gian dài, chúng ta không quản lý chặt việc vay nợ của doanh nghiệp có vốn nhà nước, hậu quả là tình trạng đầu tư tràn lan diễn ra phổ biến. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phải đặt ra hạn cuối cùng là đến cuối năm 2015, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải thoái toàn bộ vốn đầu tư ngoài ngành.

Vì vậy, phải coi nợ của doanh nghiệp có vốn nhà nước là đối tượng quản lý nợ công, còn việc có thống kê khoản nợ này là nợ công hay không thì cần phải tính toán, cân nhắc. Chính phủ muốn quản lý nợ của doanh nghiệp có vốn nhà nước, thì phải có chế tài để quản lý, giám sát.

Quản lý, giám sát việc vay nợ của DNNN như nợ công liệu có quá chặt không?

Để bảo đảm an ninh tài chính quốc gia, cần phải thắt chặt vay nợ của DNNN. Theo Chiến lược Nợ công và Nợ nước ngoài của quốc gia vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thì từ nay đến năm 2015, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ nghiên cứu để thiết lập cơ chế đăng ký khoản vay khu vực công, trong đó có nợ của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trong giới hạn theo các tiêu chí an toàn về nợ công được Quốc hội phê chuẩn; thực hiện công khai mức vay để tạo điều kiện cho các đơn vị vay chủ động triển khai dự án sử dụng vốn vay.

Cũng theo Chiến lược này, từ năm 2012 trở đi, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát việc vay nợ, sử dụng vốn vay và thanh toán nợ của DNNN; bảo đảm không để xảy ra tình trạng đổ vỡ, phá sản do không trả được nợ; tiếp tục khống chế mức vay của tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trên vốn chủ sở hữu không được quá 3 lần…

Nguồn Báo Đầu tư

-

Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia: Phải coi nợ của doanh nghiệp nhà nước là đối tượng quản lý như nợ công

 

Khó kiểm soát hết các dự án đầu tư công
Đại diện Kiểm toán Nhà nước lo ngại rằng cơ quan giám sát này khó kiểm tra hết được các dự án đầu tư công do quy mô hoạt động nhỏ.  Tại hội thảo “Kiểm toán hiệu quả đầu tư công” ngày 8/8 tại Hà Nội, ông Vũ Thanh Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kiểm toán Nhà nước cho biết: “Quy mô hoạt động kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước còn rất nhỏ so với yêu cầu kiểm tra, kiểm soát các đối tượng sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước”.
Theo ông Hải, mỗi năm cơ quan này chỉ kiểm toán được khoảng 200 dự án. Đây là con số rất nhỏ so với tổng số 38.420 dự án đầu tư công đang được thực hiện trong năm 2011, theo ông Nguyễn Xuân Tự, Vụ Trưởng Vụ Giám sát và Thẩm định đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Theo báo cáo tổng hợp giám sát, đánh giá đầu tư hàng năm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi Thủ tướng Chính phủ, năm 2005 có 24.460 dự án được triển khai, 2006 có 27.371 dự án, 2007 có 28.706 dự án, 2008 có 28.914 dự án, 2009 là 29.680 dự án.
Ông Hải cho biết, hàng năm Kiểm toán Nhà nước mới chỉ kiểm toán được khoảng 50% số tỉnh, thành phố và 40% số bộ, cơ quan trung ương; trong mỗi tỉnh (bộ) cũng chỉ kiểm toán được khoảng 50% số huyện, và mỗi huyện chỉ kiểm toán được khoảng 2 đến 3 xã.
Tuy nhiên, ở tất cả các cơ quan được kiểm toán, theo ông Hải, đều có rất nhiều những biểu hiện sai phạm như nhau về tình trạng: thi công chậm tiến độ; nghiệm thu sai khối lượng, đơn giá, định mức; nghiệm thu thanh toán khống; thanh toán vượt giá trị quyết toán được duyệt; thanh toán cho dự án không được bố trí vốn, vượt so với kế hoạch vốn; đặc biệt việc xử lý số dư tạm ứng của các dự án còn chậm, kéo dài qua nhiều năm nhưng vẫn chưa có biện pháp để thanh toán và hoàn ứng kịp thời, nhất là đối với các dự án đã dừng thi công.

Theo ông Tự ở Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong năm 2011 có 38.420 dự án đang thực hiện với tổng giá trị khoảng 438.938 tỉ đồng. Trong số đó, bộ này chỉ phát hiện 100 dự án có vi phạm quy định về thủ tục đầu tư; 47 dự án vi phạm về quản lý chất lượng; 145 dự án có thất thoát, lãng phí.


Ông Hải nói: “Chúng tôi còn phát hiện một số địa phương còn điều chuyển vốn đầu tư sang chi thường xuyên”.
Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho biết số vốn đầu tư cho các hạng mục đã nằm trong kế hoạch của trung ương, hoặc địa phương lên đến gần 15 tỉ USD mỗi năm trong giai đoạn 2010-2020.
Số vốn này là để thực hiện các dự án như sân bay (7,1 tỉ USD), khu kinh tế ven biển (13,2 tỉ USD), đường bộ cao tốc Bắc - Nam (13 tỉ USD), giao thông đô thị TPHCM (19,2 tỉ USD), cơ sở hạ tầng ngành điện (48,8 tỉ USD), thực hiện quy hoạch Hà Nội (90 tỉ USD),…
“Tôi khẳng định, nguy cơ thiếu vốn là rõ ràng. Mà thiếu vốn thì các dự án sẽ kéo dài, sẽ xảy ra tranh chấp nguồn lực giữa các ngành, các địa phương. Nhà nước không đủ nguồn lực, dù chỉ để khởi động cho các dự án đang được triển khai. Kết cục sẽ là lãng phí, thất thoát và tụt hậu”, ông Thiên nói.
Ông Thiên kiến nghị cần sửa Luật Ngân sách, trong đó tập trung vào ba điểm chính là thiết lập lại kỷ luật tài khóa; giảm thâm hụt ngân sách không phải bằng việc tăng thu (hay tận thu) như hiện nay mà là giảm chi trên cơ sở tăng hiệu quả chi tiêu, và cuối cùng là các khoản thu vượt dự toán không được dùng để tăng chi tiêu mà phải được dùng để bù thâm hụt ngân sách.

Hiệu quả đầu tư công… khó biết!(Đầu tư). – 

Nợ công Việt Nam tăng kinh hoàng ddkt
Nợ quốc gia bằng trái phiếu tăng 4,16 tỉ USD trong 6 tháng đầu năm, và tăng 3,89 tỉ trong năm ngoái.
Như vậy trong 18 tháng qua, nợ quốc gia BẰNG TRÁI PHIẾU MÀ THÔI đã tăng 8,05 tỉ USD, theo tin công bố sau đây (dùng tỉ giá 1 USD = 21000 VND):
“…Theo Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), thị trường trái phiếu chính phủ trong sáu tháng đầu năm 2012 tăng mạnh, tổng khối lượng trúng thầu đạt 87.464 tỷ đồng trong khi cả năm 2011 là 81.716 tỷ đồng…” (Gafin, 17/07/2012)
——————-
Và đây là TRÊN số nợ quốc gia vô cùng khổng lồ qua việc in tiền tung ra thị trường cứu giúp các ngân hàng, công ty, tổng công ty, cứu BĐS, cứu CK, v.v…
Khó biết chính xác số tiền này là bao nhiêu. Theo nhiều nguồn tin, trong 6 tháng đầu năm đã tung ra ít nhất 300 ngàn tỉ đồng, tức 14,29 tỉ USD, để mua vô 9 tỉ USD và cho các mục đích trên (Vef, 08/06/2012).
Trong 6 tháng cuối năm, ước lượng sẽ tung ra 70 ngàn tỉ đồng/ tháng, tức là 420 ngàn tỉ đồng cả thảy, tương đương thêm 20 tỉ USD (Vef, 14/06/2012).
Như vậy, chỉ tính các nguồn trên, thì nợ quốc gia VN tăng thêm 34,29 tỉ USD trong năm nay bằng tiền mặt mới in ra, và cộng thêm số trái phiếu bán ra trong 6 tháng qua thì nợ quốc gia đã tăng 38,45 tỉ USD trong năm nay.
Trong 6 tháng cuối năm, nếu trái phiếu lại được tung ra bằng 6 tháng đầu năm, thì năm nay nợ bằng VND của VN TĂNG THÊM 42,62 tỉ USD.
Tính theo tiền VN, đó là [(87464 ngàn tỉ) x 2] + 300 ngàn tỉ + 420 ngàn tỉ = 894.928 tỉ.
——————-
Xin nhắc lại lần nữa, TIỀN MẶT LÀ MỘT LOẠI NỢ QUỐC GIA.
In tiền mặt tung ra không khác gì in trái phiếu ở chỗ cả hai loại đều là nợ quốc gia, tuy có khác là tiền mặt không được trả tiền lời, còn trái phiếu thì phải trả.
CP Việt Nam in tiền ra vô số kể, họ không tính vào nợ quốc gia. Đó là một sự lừa bịp vĩ đại mà tại VN KHÔNG MỘT KINH TẾ GIA NÀO HIỂU NỔI VÀ/HOẶC CÓ CAN ĐẢM VẠCH RA.
Và số nợ trên đây còn chưa tính số nợ trước đó, nợ các cty, tập đoàn quốc doanh đang thiếu trong nước (1 triệu tỉ đồng, tức 47,62 tỉ USD), nợ các nơi này thiếu nước ngoài, v.v… (Dân trí, 02/07/2012)
Trong khi đó, nợ quốc gia bằng ngoại tệ vẫn tăng đều đều. Không có con số chính xác, dứt khoát, nhưng khó dưới 50 tỉ USD.
——————-
Nói tóm:
1. Nợ quốc gia bằng trái phiếu VND tính tới cuối tháng 9/2011: 321.112 tỉ, tức 15,29 tỉ USD (Asia Bond Monitor, 11/2011).
2. Nợ quốc gia bằng trái phiếu VND tăng thêm trong năm nay: 8,32 tỉ USD (dự đoán 6 tháng cuối năm bán ra bằng 6 tháng đầu năm) (Gafin, 17/07/2012).
3. Nợ quốc gia bằng tiền mặt in ra tính đến cuối năm 2011, theo ông Giàu từng tuyên bố, là 125% GDP VN, và theo chính VN công bố thì GDP VN là 106 tỉ USD. Như vậy, tiền mặt tính đến cuối năm 2011 tương đương 132,5 tỉ USD.
4. Nợ quốc gia bằng tiền mặt TĂNG THÊM trong năm nay, 720 ngàn tỉ đồng, tức 34,29 tỉ USD.
5. Nợ quốc gia bằng ngoại tệ: trên 50 tỉ USD.
6. Nợ quốc doanh (cty, tập đoàn 100% sở hữu nhà nước) bằng VND: 47,62 tỉ USD (Dân trí, 02/07/2012).
7. Nợ quốc doanh bằng ngoại tệ: không rõ.
Chỉ tính 1 + 2 + 3 + 4 + 5 + 6 trên đây, thì nợ công VN hiện đang ít nhất là 288.02 tỉ USD = 272% GDP.
———————
Tôi hoan nghênh Hồng vệ binh phản biện các bài toán đơn giản trên đây.
Báo Công an VN, báo Quân đội, báo VEF, CAFEF, VNECONOMY, v.v… xin mời vào cuộc hội thảo.
Quý vị có thể làm 1 nick nào đó rồi đăng lên, hoặc viết bài đăng lên báo VN, không cần phải nhắc đến bài trên, chỉ ĐẶT CÂU HỎI “Nợ công Việt Nam thật sự đang là bao nhiêu”, là được.
Các bài toán trên không phức tạp chút nào, chỉ trình độ lớp 3.
Cần là cần LÒNG TRUNG THỰC mà thôi. Tiếc là điều này RẤT HIẾM tại VN ngày nay.
Hy vọng tôi sai, qua việc này, nếu có báo VN dùng LÒNG TRUNG THỰC tính ra con số nợ công VN thật sự, không ngại ngùng, không dấu giếm.
——————————-
Gafin, Lượng trái phiếu Chính phủ huy động 6 tháng qua vượt cả năm 2011, 17/07/2012,http://gafin.vn/20120717100048289p0c34/luong-trai-phieu-chinh-phu-huy-dong-6-thang-qua-vuot-ca-nam-2011.htm
Vef, Ngân hàng Nhà nước đã mua vào 9 tỷ USD, 08/06/2012, http://vef.vn/2012-06-08-ngan-hang-nha-nuoc-da-mua-vao-9-ty-usd
Vef, Bơm hơn 70.000 tỷ đồng/tháng từ nay đến cuối năm?, 14/06/2012,http://vef.vn/2012-06-14-bom-hon-70-000-ty-dong-thang-tu-nay-den-cuoi-nam-
Dân trí, Các doanh nghiệp nhà nước đang nợ hơn 1.000.000 tỷ đồng!, 02/07/2012,http://dantri.com.vn/c76/s76-613330/cac-doanh-nghiep-nha-nuoc-dang-no-hon-1000000-ty-dong.htm
Asian Bond Monitor, Vietnam Market Summary, 11/2011,http://asianbondsonline.adb.org/vietnam/market_summary/vn_market_summary_201111.pdf 

Tổng số lượt xem trang