Thứ Sáu, 31 tháng 8, 2012

Quan hệ Việt – Trung: Thực tế bẽ bàng hơn nhiều (Nguyễn Gia Kiểng)

Son Tran CÂU HỎI

Trích:
-"Tại sao một thay đổi đột ngột và toàn diện như thế trong chính sách đối với Trung Quốc, từ chống đối hung hăng sang thần phục ngoan ngoãn, lại có thể được quyết định và thực hiện bởi một vài người lãnh đạo thiển cận mà không bị chống đối? "

-"Và tại sao các trí thức Việt Nam cũng chỉ nhận ra thay đổi này khi nó đã hoàn tất? Phải đánh giá thế nào trình độ nhận thức chính trị của trí thức Việt Nam?"
*
"Sẽ là một sai lầm lớn nếu chúng ta tránh né những câu hỏi này.
Vì rất có thể chính quyền cộng sản lại sắp đưa đất nước vào ngõ cụt một lần nữa".
Nguyễn Gia Kiểng.
(Tháng 8/2012)

“…Nếu ở Việt Nam có một người không được quyền lên án bất cứ ai là tay sai Trung Quốc thì người đó chính là Lê Đức Anh…”

 Giờ này, khi mà nhiều người nghĩ và tin rằng Việt Nam chỉ còn một chọn lựa là ra khỏi thế lệ thuộc Trung Quốc và nhanh chóng tiến đến thế đồng minh chiến lược với Hoa Kỳ và các nước dân chủ, chúng ta cần nhận định lại quan hệ Việt Trung một cách chính xác hơn. Lý do là vì sự thực còn phũ phàng hơn nhiều người nghĩ. Và nếu quá khứ có khả năng tiết lộ những gì có thể sẽ tới thì chúng ta phải rất cảnh giác nếu không muốn hụt hẫng một lần nữa.

Cho tới nay, theo cái nhìn của nhiều người, Trung Quốc, sau khi thất bại trong chiến tranh biên giới 1979,  đã cố lôi kéo Việt Nam vào quỹ đạo của họ và đã thành công; Đại Hội VI của Đảng Cộng sản Việt Nam đã là một bước đổi mới đầy hy vọng không may bị khựng lại và đảo ngược; Nguyễn Văn Linh là con người của một cách canh tân dang dở; trong nội bộ ĐCSVN đã có đấu tranh giữa hai phe canh tân thân phương Tây và bảo thủ thân Trung Quốc và sau cùng phe bảo thủ đã thắng v.v. Nhưng sự thực rất khác.

  Cái nhìn này không giải thích được một cách thuyết phục tại sao ĐCSVN đã có thể đổi hẳn chính sách đối với Trung Quốc từ thế tử thù sang thế chư hầu ngoan ngoãn mà không gây ra một chấn động lớn, bằng cớ là cho đến nay ít người có thể nói một cách quả quyết ĐCSVN đã quyết định thay đổi thái độ đối với Trung Quốc vào lúc nào, hay tại sao mặc dù Việt Nam hết sức chiều lòng Trung Quốc mà Trung Quốc lại cứ tiếp tục hạ nhục và chèn ép Việt Nam. Lý do là vì nó vẫn nằm trong một logic bình thường theo đó mọi chính quyền trước hết mưu tìm quyền lợi cho đất nước mình, họ có lầm lẫn hay không là chuyện khác. Logic này không đúng trong trường hợp của quan hệ Việt – Trung  như chúng ta sẽ thấy.

Nhìn lại quan hệ Việt – Trung đòi hỏi một phân tích thấu đáo những gì đã xảy ra, điều này không dễ vì sự đảo ngược quan hệ Việt Trung đã diễn ra một cách bí mật trong nội bộ của nhóm cầm quyền cao nhất trong đảng cộng sản, nghĩa là bộ chính trị (BCT) và ban bí thư (BBT), ngay cả tuyệt đại bộ phận đảng viên cao cấp cũng không biết. Hơn nữa nó lại chủ yếu được quyết định qua những thảo luận miệng trong tập đoàn lãnh đạo mà các biên bản hoặc không có hoặc vẫn còn được giữ kín. Trong hoàn cảnh đó ta chỉ có thể dựa vào hồi ký của những người trong cuộc cuối đời hoặc có những tâm sự muốn nói ra hoặc có những ân oán giang hồ muốn thanh toán.

Tập Hối Ức và Suy Nghĩ của Trần Quang Cơ là một tài liệu quí. Ít ai có điều kiện để theo dõi biến chuyển trong quan hệ Việt – Trung bằng ông. Ông chủ trì nhóm CP87 một nhóm nghiên cứu chiến lược đối ngoại của đảng vào giai đoạn chuyển hướng này. Ông cũng là thứ trưởng đặc trách vấn đề Campuchia, vấn đề gai góc nhất giữa Việt Nam và Trung Quốc vào lúc đó. Ông đại diện Việt Nam đàm phán với đại diện Trung Quốc Từ Đôn Tín vào tháng 6-1990, cuộc đàm phán gay go cuối cùng trước khi chính quyền cộng sản Việt Nam thực sự đầu hàng, đúng ra là được Trung Quốc cho phép hàng phục. Quan trọng hơn, Trần Quang Cơ là một trong những người hiếm hoi có kiến thức về thế giới và bang giao quốc tế, một khả năng mà không ai trong số những lãnh tụ cộng sản cao nhất có. Tuy vậy ông Cơ chỉ là một người thừa hành ngoan ngoãn. Nếu đôi khi ông có những tâm sự u uất thì đó cũng chỉ là những trăn trở của một tôi trung. Trần Quang Cơ không có cái nhìn của người lấy quyết định, do đó ông quan tâm trước hết đến những gì thuộc phần nhiệm của mình. Vì vậy trong hồi ký này các sự kiện không được chọn lựa và sắp xếp theo tầm quan trọng đối với chính sách đối ngoại mà theo tầm quan trọng của chúng đối với cá nhân ông. Ông kể khá chi tiết những thảo luận về giải pháp Campuchia và những cuộc phỏng vấn của ông với các báo dù chúng chỉ có một giá trị rất tương đối nếu ta muốn tìm hiểu động cơ và não trạng của những người quyết định chính sách của Việt Nam vào lúc đó. Những điều Trần Quang Cơ kể lại vì vậy cần được hội nhập vào dòng thời sự của cả một giai đọan dài mới có giá trị giải thích và soi sáng.

Trước hết hãy nhìn lại một cách tổng quát quan hệ Việt Trung.

Một cách ngắn gọn có thể nói cho tới cuối thâp niên 1960 ĐCSVN đã giữ được thế cân bằng của một đứa em ngoan giữa anh cả Liên Xô và anh hai Trung Quốc, dù có phần gần với Trung Quốc hơn vì lúc đó Liên Xô không khuyến khích cuộc chiến chinh phục miền Nam mà ĐCSVN coi là mục tiêu sống còn. Năm 1957 Liên Xô còn đề nghị cho cả hai miền Nam và Bắc Việt Nam vào Liên Hiệp Quốc. Nhóm "xét lại chống đảng" chung quanh ông Hoàng Minh Chính đã bị đàn áp thẳng tay vì bị tình nghi là theo đường lối "xét lại" của Khruchev. Tuy vậy sau khi triệt hạ xong nhóm bị coi là thân Liên Xô này, ban lãnh đạo ĐCSVN, đứng đầu là Lê Duẩn và Lê Đức Thọ, vẫn duy trì quan hệ mật thiết với Liên Xô. Thế cân bằng này đã dần dần thay đổi sau khi Brezhnev lên thay Khruchev (tháng 10-1964) và chọn đường lối cứng rắn hơn trong chiến tranh lạnh, trong khi Trung Quốc suy yếu vì những tranh chấp nội bộ mà cao điểm là cuộc "Đại Cách Mạng Văn Hóa" không còn khả năng để yểm trợ đắc lực cuộc "chiến tranh giải phóng miền Nam" của Hà Nội nữa. Sang đầu thập niên 1970, khi xung đột biên giới giữa Trung Quốc và Liên Xô trở thành dữ dội và Trung Quốc rõ ràng tìm cách bắt tay với Hoa Kỳ  (Kissinger bí mật sang Bắc Kinh tháng 6-19971 chuẩn bị cho Nixon sang thăm Trung Quốc tháng 2-1972 mà kết quả là Tuyên Ngôn Thượng Hải mở đầu tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa hai nước), Hà Nội chọn đứng hẳn về phía Liên Xô, và quan hệ Việt Trung dần dần chuyển từ bạn sang thù. Năm 1976 Đảng Cộng Sản Trung Quốc không gửi phái đoàn tham dự Đại Hội  IV của ĐCSVN. Nước Việt Nam thống nhất chọn toàn bộ mô hình tổ chức Đảng và Nhà Nước của Liên Xô. Trung Quốc xúi dục và hỗ trợ chính quyền Khmer Đỏ gây chiến với Việt Nam, Việt Nam đem quân đánh đổ chế độ Pol Pot tháng 12-1978, một tháng sau khi gia nhập khối COMECON và ký xong hiệp ước liên minh quân sự với Liên Xô. Trung Quốc đem quân tấn công tàn phá các tỉnh biên giới phía Bắc để "dạy cho Việt Nam một bài học". Các báo đài của hai bên mạt sát nhau thậm tệ. Trung Quốc bới móc đời tư để bôi bẩn Hồ Chí Minh trong khi Việt Nam lố bịch hóa Mao Trạch Đông như một bạo chúa quê mùa lỗ mãng không tắm, không đánh răng, khạc nhổ bừa bãi và mắc bệnh tim la. Nhân dân hai nuớc được huy động để xuống đường lên án đối phương hàng ngày. Chính quyền CSVN xua đuổi người Việt gốc Hoa.

Năm 1980 hiến pháp Việt Nam được sửa đổi để thêm vào lời nói đầu một đoạn tuyên chiến với Trung Quốc. Trong đại hội đảng V, tháng 3-1982, bản điều lệ của ĐCSVN cũng được sửa đổi với lời nói đầu đề cao cuộc chiến tranh biên giới Việt – Trung như một chiến công lịch sử oanh liệt. Nguyễn Văn Linh, người có công lớn trong cuộc "chiến tranh giải phóng miền Nam" bị loại khỏi bộ chính trị vì lập trường thân Trung Quốc. Nhiều công thần bị loại chỉ vì có tội là người Việt gốc Hoa. Chiến tranh biên giới giữa hai nước vẫn tiếp tục. Thế thù địch đạt đến cực điểm.

Thế rồi, một cách lặng lẽ nhưng nhanh chóng và quả quyết, tình thế đã thay đổi hẳn. Việt Nam trở thành một chư hầu khép nép của Trung Quốc. Thay đổi đã diễn ra như thế nào và vào lúc nào?

Mặc dù tình hữu nghị Việt – Trung đã nhạt dần và hầu như không còn gì vào thời điểm Đại Hội IV tháng 12-1976 nhưng ngòi nổ đã đưa đến xung đột vũ trang giữa hai nước là cuộc chiến Campuchia trong đó cả hai bên đều có những mưu tính không thú nhận. Cuộc chiến khởi đầu tháng 4-1977 khi quân Khmer Đỏ, với sự hỗ trợ và xúi dục của Trung Quốc, tấn công các tỉnh biên giới phía Tây Nam. Cuối năm 1978 Việt Nam đem quân đánh chiếm Campuchia, lập nên chính quyền Heng Samrin – Hun Sen và chỉ rút quân năm 1989 trước áp lực quốc tế, đặc biệt là áp lực Trung Quốc.

Với thời gian người ta có thể nhận thấy là vào thời điểm 1977 chế độ Pol Pot là một gánh nặng cho Trung Quốc vào lúc mà Đặng Tiểu Bình muốn tìm kiếm sự hợp tác của Hoa Kỳ và các nước dân chủ. Chế độ diệt chủng Pol Pot quá hung bạo và bị cả thế giới lên án như một bọn quỉ sứ, nhưng nó cũng là một chư hầu của Trung Quốc và vì thế nó khiến Trung Quốc cũng bị lên án lây. Còn gì tốt hơn cho Trung Quốc là chế độ Pol Pot bị Việt Nam tràn ngập? Trung Quốc bớt được một gánh nặng và Việt Nam, kẻ thù đáng ghét nhất của Trung Quốc, bị thế giới nhìn như một mối nguy cho vùng Đông Nam Á và bị cô lâp. Ngược lại chế độ CSVN cũng muốn đánh gục chính quyền Pol Pot và dựng lên một chính quyền chư hầu tại Campuchia. Lúc đó những người lãnh đạo cộng sản Việt Nam đang say men chiến thắng. Họ đặt điều kiện để cho phép Mỹ được bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Họ tưởng mình vĩ đại, chủ nghĩa Mác-Lênin nhất định toàn thắng và sắp toàn thắng đến nơi, chủ nghĩa tư bản đang dẫy chết. Ý đồ tái lập Liên Bang Đông Dương như một không gian Việt Nam nới rộng là có thực chứ không phải chỉ là một bịa đặt vu khống của Trung Quốc, dù danh xưng "Liên Bang Đông Dương" không được sử dụng. Trong những năm kế tiếp cuộc xâm lăng Campuchia không ngày nào các báo đài Việt Nam không đưa tin về "ba nước Đông Dương". Một định chế được thành lập và thường được nhắc tới là "Hội nghị ngoại trưởng ba nước Đông Dương". Cụm từ "ba nước Đông Dương" được đưa vào lời nói đầu của hiến pháp 1980 cùng cụm từ "bọn bá quyền Trung Quốc". Một danh xưng được đề nghị lúc đó là KALAVI (Kampuchia, Lào, Việt Nam) để chỉ thực thể bao gồm ba nước thay cho cụm từ Đông Dương.

Chính sách khôn ngoan cho Việt Nam vào lúc đó là chỉ đẩy lùi và đánh tê liệt quân Khmer Đỏ nhưng không tràn vào chiếm đóng Campuchia. Như thế Trung Quốc sẽ không khạc được khúc xương Khmer Đỏ và sẽ tiếp tục bị thế giới lên án như là quan thày của chế độ diệt chủng gớm ghiếc Pol Pot. Nhưng chính sách này ban lãnh đạo ĐCSVN không hề nghĩ đến. Họ đang say men chiến thắng và tự đặt cho mình sứ mạng cao cả là làm đội tiên phong kiên cường của phong trào cộng sản thế giới do Liên Xô lãnh đạo mà theo họ thắng lợi đã gần kề. Hơn nữa họ cũng tin một cách mù quáng vào sức mạnh của Liên Xô và họ tin Liên Xô thừa sức che chở cho họ. Tháng 11-1978 Việt Nam gia nhập khối COMECON và ký hiệp ước liên minh quân sự với Liên Xô, một tháng sau quân Việt Nam tràn vào Campuchia. Các biến cố kế tiếp nhau theo một kế hoạch. Vào thời điểm này tuy kinh tế Việt Nam  đang suy sụp bi đát - trong các tiệm ăn người ta cân từng bát cơm - và Hoa Kỳ không còn sẵn sàng bình thường hóa quan hệ ngoại giao không điều kiện nữa, nhưng niềm tin vào "chủ nghĩa Mác-Lênin bách chiến bách thắng" vẫn còn nguyên vẹn vì ảnh hưởng của Liên Xô vừa mở rộng một cách ngoạn mục. Trong vòng năm năm, từ 1975 đến 1980, một loạt quốc gia theo nhau rơi vào quỹ đạo Liên Xô -Việt Nam, Lào, Somalia, Yemen, Ethiopia, Granada, Nicaragua, Angola, Afghanistan… Chính sự phình to này đã khiến Liên Xô kiệt quệ và sụp đổ nhanh chóng sau đó nhưng trong nhất thời nó khiến ban lãnh đạo cộng sản Việt Nam mê cuồng đến mất trí. Trong khi đó Trung Quốc dưới Đặng Tiểu Bình, ngược lại, dồn mọi cố gắng để tranh thủ sự hợp tác của phương Tây và khai thác triệt để thái độ hung hăng đắc thắng của Việt Nam để xuất hiện như một lực lượng bảo vệ hòa bình tối cần thiết tại Đông Nam Á. Đặng Tiểu Bình không ngần ngại tuyên bố "Trung Quốc là NATO ở phương Đông, Việt Nam là Cuba ở phương Đông". Thực tế đã cho thấy Trung Quốc khôn ngoan bao nhiêu thì Việt Nam khờ dại bấy nhiêu. Khi Trung Quốc tấn công Việt Nam tháng 2.1979, trừ Liên Xô và một vài đồng minh, thế giới gần như cho rằng đây là hành động đúng và cần thiết.

Trung Quốc không phải chỉ đã tấn công để "dạy cho Việt Nam một bài học" rồi thôi. Quân Trung Quốc vẫn còn liên tục tấn công vào Việt Nam sau đó. Đã có hai đợt tấn công lớn sau 1980, đợt đầu trong hai tháng 1 và 2.1982, đợt sau trong từ tháng 4 đến tháng 7.1984. Đợt sau cùng này đặc biệt dữ dội, trong đó có trận Lão Sơn (hay Cao Điểm 1509, thuộc huyện Vị Xuyên, Hà Giang). Nhiều tài liệu Trung Quốc nói rằng ba quân đoàn của họ đã đánh lui và gây thiệt hại nặng cho ba sư đoàn Việt Nam trong trận này. Lão Sơn ngày nay đã thuộc về Trung Quốc. Trận này được nhớ tới như là một chiến công lớn của quân đội Trung Quốc. Ngay sau trận đánh tổng bí thư Hồ Diệu Bang đã đến khen thưởng binh sĩ Trung Quốc. Trong Thế Vận Bắc Kinh 2008 trường đua xe đạp được đặt tên là Lão Sơn. Hoàn cảnh Việt Nam lúc đó hoàn toàn tuyệt vọng, kinh tế sụp đổ, sa lầy tại Campuchia và bị cả thế giới lên án. Liên Xô đã không cứu giúp còn khuyên Việt Nam nên  hòa với Trung Quốc. Lúc đó chính Liên Xô cũng đang tìm cách bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc – các cuộc thương luợng giữa hai bên đã bắt đầu từ năm 1982 - nên không thể có vấn đề Liên Xô giúp Việt Nam đánh nhau với Trung Quốc. Hơn nữa, tình trạng bi đát của Liên Xô ngày càng rõ rệt: kiệt quệ về kinh tế, sa lầy về quân sự tại Afghanistan và chao đảo ngay trong nội bộ. Hoa Kỳ dưới sự lãnh đạo của Ronald Reagan đang phục hồi một cách ngoạn mục và quả quyết đánh sụp Liên Xô. Reagan thản nhiên gọi Liên Xô là "Đế Quốc Ác Quỷ" (Evil Empire) và thách thức chạy đua võ trang trong khi Liên Xô đã kiệt quệ. Trong các nước vừa lọt vào quỹ đạo Liên Xô các lực lượng chống cộng phản công dữ dội và ngày càng thắng thế. Andropov, kế vị Brezhnev từ tháng 11.1982, nhìn nhận tình trạng nguy ngập và tuyên bố nhu cầu cải tổ toàn diện, điều mà sau đó Gorbachev sẽ làm nhưng cũng không cứu được Liên Xô. Phải hiểu rằng ban lãnh đạo cộng sản Việt Nam đã rất hốt hoảng. Cũng cần phải nói lại rằng chiến tranh biên giới hoàn toàn không phải là một chiến thắng cho Việt Nam. Trong cả ba đợt tấn công Việt Nam đã tổn thất hơn hẳn Trung Quốc; trong đợt cuối cùng trận Lão Sơn là một thất bại nặng cho Việt Nam. Cái ảo tưởng chiến thắng chỉ là một sản phẩm tuyên truyền của chính quyền CSVN. Trung Quốc đã không cải chính tuyên truyền này vì nó có tác dụng che giấu sự kiện họ lấn chiếm lãnh thổ Việt Nam: Việt Nam thắng trận thì không thể mất đất. Nhưng sự thực là Việt Nam đã mất nhiều đất, trong đó có Lão Sơn, Bản Giốc, Nam Quan. Có thể lấy tháng 7.1984 như là thời điểm mà Hà Nội , sau khi thua trận Lão Sơn, không còn sức để phản công và cũng không còn chỗ dựa Liên Xô, đã quyết định cầu hòa với Trung Quốc.

Và sự hàng phục đã diễn ra một cách rất thành khẩn. Ngôn ngữ chống Trung Quốc biến mất trong diễn văn của các lãnh tụ hàng đầu, sau đó trên các báo, đài Việt Nam. Tháng 6.1985, Nguyễn Văn Linh, con người đã thất sủng vì thân Trung Quốc, được đưa trở lại bộ chính trị, để rồi một năm sau trở thành thường trực ban bí thư, nghĩa là nhân vật thứ 2 trong đảng, nhưng thực tế là nhân vật toàn quyền vì Lê Duẩn đã chết, Trường Chinh đã già nua lỗi thời. Lê Đức Thọ, người kiểm soát bộ máy đảng không còn chọn lựa nào khác là ủng hộ Nguyễn Văn Linh. Một năm sau ông Linh trở thành tổng bí thư sau Đại Hội VI. Phải hiểu rằng đây là sự hàng phục chúng ta mới giải thích được thái độ quỵ lụy của ĐCSVN đối với Trung Quốc sau đó.

Còn một chọn lựa khác cho ĐCSVN là quả quyết hòa giải với Hoa Kỳ và sáp lại với các nước dân chủ để được bảo vệ bởi công pháp quốc tế và để phát triển đất nước qua trao đổi và hợp tác với các nước giầu mạnh, nhưng chọn lựa này, vào thời điểm đó và cho tới hết thập niên 1980 không một lãnh tụ cộng sản Việt Nam nào nghĩ đến. Một lý do là vì những vết thương của cuộc chiến và của chính sách tiếp thu miền Nam vẫn còn quá mới, đảng cộng sản đã đi quá xa trong thái độ huênh hoang đắc thắng, nhiều sĩ quan và viên chức miền Nam vẫn còn trong các trại cải tạo, thế giới vẫn còn xúc động vì làn sóng thuyền nhân. Nhưng đây không phải là lý do chính.

Lý do chính là tất cả các lãnh tụ cộng sản lúc đó, không trừ môt ngoại lệ nào, đều tin một cách cuồng nhiệt vào chủ nghĩa Mác-Lênin và thù ghét dân chủ. Trong mọi trường hợp họ chỉ tìm kiếm những giải pháp trong khuôn khổ chủ nghĩa Mác-Lênin. Với logic này một khi không dựa vào Liên Xô được nữa thì chỉ còn một con đường là theo Trung Quốc. Đặc điểm chung của các cấp lãnh đạo cộng sản Việt Nam là họ rất thiếu văn hóa, họ chỉ biết có một chủ nghĩa Mác-Lênin mà họ học một cách cung kính như một giáo lý chứ không phải một cách có phê phán như một tư tưởng chính trị. Đối với họ chủ nghĩa Mác-Lênin là một tín ngưỡng tuyệt đối. Đã thế họ còn trưởng thành trong chiến tranh và được huấn luyện để không bao giờ thắc mắc về đường lối và mệnh lệnh. Đặc tính của những người thiếu văn hóa là họ thường có những xác quyết chắc nịch không thể thay đổi. Các lãnh tụ cộng sản lúc đó đều coi bảo vệ chủ nghĩa xã hội là bổn phận trước hết và trên hết. Kể cả ông Nguyễn Cơ Thạch, con người hiểu biết và sáng suốt nhất trong các thành viên bộ chính trị. Ông Thạch chỉ chủ trương mở rộng quan hệ với Hoa Kỳ và các nước phương Tây để đừng quá cô lập và bị Trung Quốc bắt chẹt chứ ông không hề nghĩ là phải kết bạn với những nước  này. Ông Trần Quang Cơ thuật lại lời phát biểu của ông Thạch trong một cuộc thảo luận tháng 5.1987  của tổ CP87:  "Phải thỏa thuận cả với Mỹ, chỉ húc đầu vào một con đường nói chuyện với Trung Quốc là không đúng."  Ý kiến này, theo ông Cơ, là một ý kiến động trời vào lúc đó, vì nói tới quan hệ với các nước phương Tây là một điều húy kỵ. Còn chính ông Trần Quang Cơ? Cuốn "Hồi ức và suy nghĩ" của ông có thể khiến người đọc nghĩ rằng ông là một người rất cởi mở, nhưng trong báo cáo trình bộ chính trị vào năm 1993 ông vẫn coi "diễn biến hòa bình", nghĩa là chuyển hóa về dân chủ, như một mối nguy và tới năm 2000, khi viết những dòng cuối cùng của cuốn sách, ông vẫn thấy lập trường này "xem ra chưa phải đã lỗi thời". Quan điểm của ông Cơ đáng chú ý ở chỗ ông không phải là thành viên bộ chính trị hay ban bí thư, ông chỉ là một người thừa hành và một chuyên gia và do đó có thể nói thực những gì mình nghĩ. Chính vì thế mà những gì ông nói phản ánh một cách thực thà "não trạng cộng sản" lúc đó.

Người duy nhất trong số các lãnh đạo cấp cao dám có lập trường đổi mới mạnh dạn, dù muộn màng, là ông Trần Xuân Bách. Ông là thành viên của cả bộ chính trị lẫn ban bí thư và phát biểu lập trường đa nguyên đa đảng trong một bài nói chuyện tại trường đảng Nguyễn Ái Quốc tháng 1 năm 1990. Ngay sau đó ông bị kỷ luật, khai trừ khỏi cả bộ chính trị lẫn ban bí thư và cả trung ương đảng.

Có lẽ chỉ trừ ông Trần Xuân Bách tất cả bộ chính trị đều tán thành đường lối cầu hòa với Trung Quốc. Sự khác nhau chỉ là ở chỗ có những người, như Nguyễn Cơ Thạch, muốn đa dạng hóa quan hệ để đừng bị cô lập và chèn ép; có những người chấp nhận phục tùng Trung Quốc nhưng vẫn còn ấm ức như Võ Chí Công, Võ Văn Kiệt, còn đa số hầu như không có tâm sự nào cả.

Riêng hai ông Nguyễn Văn Linh và Lê Đức Anh thì không những chỉ chấp nhận mà còn tỏ ra rất nhiệt tình với lập trường qui phục Trung Quốc không điều kiện. Nguyễn Văn Linh vốn là một người thân Trung Quốc và đã từng bị loại khỏi bộ chính trị trong Đại Hội V, năm 1982. Trong cuộc gặp gỡ với tổng bí thư đảng cộng sản Lào Kaysone Phomvihan tháng 10.1989, Đặng Tiểu Bình trong khi phê phán nặng lời Lê Duẩn đã hết lời ca tụng Nguyễn Văn Linh, nhắc lại năm 1963 đã tổ chức đưa ông Linh sang Bắc Kinh qua ngả Hồng Kông để gặp Đặng. Việc ông trở lại bộ chính trị rồi ngay sau đó lên làm tổng bí thư đánh đấu sự toàn thắng của khuynh hướng cầu hòa với Trung Quốc. Trong tất cả mọi phát biểu của Nguyễn Văn Linh lập trường trước sau như một là phải bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc bằng mọi giá. Câu nói quen thuộc của ông là: "Trung Quốc và Việt Nam là hai nước xã hội chủ nghĩa cùng chống âm mưu của đế quốc Mỹ xóa bỏ chủ nghĩa xã hội, phải cùng nhau chống đế quốc. Trước hết phải phát triển quan hệ giữa hai nước, các vấn đề khác giải quyết sau". Lê Đức Anh cũng hăng say không kém Nguyễn Văn Linh trong lập trường qui phục Trung Quốc. Nhân vật Lê Đức Anh đặc biệt ở chỗ là ông đã được thăng thưởng rất nhanh chóng trong giai đoạn thù địch với Trung Quốc - từ đại tá lên đại tướng bộ trưởng quốc phòng và ủy viên bộ chính trị trong vài năm - nhưng lại đột ngột trở thành thân Trung Quốc sau khi Nguyễn Văn Linh trở lại cầm quyền, có lẽ là vì hai người đã thân nhau từ giai đoạn cùng chỉ huy cuộc chiến tại miền Nam. Từ khi Nguyễn Văn Linh trở lại Lê Đức Anh hoàn toàn rập khuôn theo ông Linh trong thái độ đối với Trung Quốc. Đôi khi Lê Đức Anh còn tỏ ra thù ghét "đế quốc Mỹ" và ngưỡng mộ Trung Quốc hơn cả Nguyễn Văn Linh. Thí dụ như khi sang Phnom Penh, cùng với Nguyễn Văn Linh và Đỗ Mười, để thuyết phục chính quyền Hun Sen chấp nhận cái mà Hà Nội gọi là "giải pháp Đỏ" ông nói: "Mỹ muốn xóa cộng sản. Nó là kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm nhất, phải tìm đồng minh, đồng minh là Trung Quốc". Nhờ lập trường này và sự hỗ trợ của Nguyễn Văn Linh mà Lê Đức Anh gần như trở thành nhân vật quyền lực thứ nhì trong chế độ. Tuy chỉ là quân nhân và hoàn toàn không biết gì về bang giao quốc tế ông lấn át cả ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch trong chính sách đối ngoại.

Ông Trần Quang Cơ thuật lại rằng trước khi ông đàm phán với đại diện Trung Quốc Lê Đức Anh đã gọi ông cho chỉ thị và ông đã nghe lời khiến ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch phải hỏi gằn một cách bực bội: "Vậy đồng chí theo ý kiến bộ trưởng quốc phòng hay bộ trưởng ngoại giao?". Trong Đại Hội VII năm 1991 tuy phải nhường chức tổng bí thư cho Đỗ Mười nhưng quyền lực của ông cũng ngang ngửa với tổng bí thư. Ông là uỷ viên thường trực bộ chính trị kiêm bí thư trung ương phụ trách ba ngành quốc phòng, ngoại giao và an ninh, đồng thời là chủ tịch nước. Tại sao ông phải ôm cả ngoại giao và an ninh nếu không phải là để đảm bảo rằng chính sách phục tùng Trung Quốc vẫn tiếp tục và để bóp nghẹt những tiếng nói phản đối? Trong dịp đại hội 11 năm trước Lê Đức Anh, dù đã 91 tuổi, bỗng nhiên tái xuất hiện kêu gọi ủng hộ thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và lên án ông Nguyễn Phú Trọng là "tay sai Trung Quốc". Khi được một người bạn trong nước báo tin và hỏi ý kiến tôi đã trả lời: "Đừng nên lấy thái độ, nếu ở Việt Nam có một người không được quyền lên án bất cứ ai là tay sai Trung Quốc thì người đó chính là Lê Đức Anh". Sau lưng Nguyễn Văn Linh và Lê Đức Anh là những người hoặc ủng hộ tận tình lập trường hàng phục Trung Quốc hoặc chống Mỹ kịch liệt và do đó phải chấp nhận cầu hòa với Trung Quốc.

Tới đây cần giải tỏa một số lấn cấn và hiểu lầm.

Điều đáng lưu ý là cách suy nghĩ rất lạ của những người lãnh đạo cộng sản mà một cách vô tình cuốn hồi ký của Trần Quang Cơ mô tả khá rõ. Họ không lý luận một cách bình thường như người ta có thể hình dung: Trung Quốc muốn gì, sẽ làm gì, có thể làm gì, có những điểm mạnh và điểm yếu nào, có thể giúp gì hay gây thiệt hại nào cho Việt Nam, ngược lại Việt Nam có thể bị đe dọa như thế nào và có thể làm gì v.v. Họ lý luận một cách thuần túy ý thức hệ, theo đó Trung Quốc có hai mặt, một mặt xã hội chủ nghĩa và một mặt bá quyền. Trong bảy năm trời lý luận của ĐCSVN chỉ loanh quanh xem mặt nào quan trọng hơn với kết luận sau cùng là cả hai mặt đều quan trọng. Nghị quyết 13 của bộ chính trị, ngày 25.05.1988, nhấn mạnh là "phải khắc phục những tư tưởng lệch lạc chỉ thấy Trung Quốc là bá quyền mà không thấy Trung Quốc là chủ nghĩa xã hội hay chỉ thấy Trung Quốc là chủ nghĩa xã hội mà không thấy Trung Quốc là bá quyền".Dầu vậy mục tiêu của Đảng vẫn là "phấn đấu bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, mọi vấn đề khác đều có thể giải quyết sau". Trong các "vấn đề khác" có vấn đề Trường Sa vì hai tháng trước đó, ngày 14.03.1988 hải quân Trung Quốc đã đánh chiếm một số đảo của Việt Nam tại Trường Sa và làm thiệt mạng hơn 60 binh sĩ Việt Nam. Cách lý luận này ngày nay nhìn lại ta có thể cho là dở hơi nhưng nó nói lên não trạng của những người lãnh đạo cộng sản vào lúc đó và nó cũng có hậu quả cụ thể là ĐCSVN chấp nhận trước những thiệt thòi và mất mát đối với Trung Quốc, vì đã chấp nhận "bình thường hóa quan hệ" dù biết trước Trung Quốc có bản chất bá quyền. Theo ông Trần Quang Cơ đây không phải là bình thường hóa quan hệ mà chỉ là lệ thuộc hóa. Vả lại, điều khó tin nhưng có thực, quyền lợi quốc gia không hề là một quan tâm của các lãnh tụ cộng sản vào lúc đó. Theo Trần Quang Cơ chỉ mãi về sau này trong cuộc họp kéo dài ba ngày của bộ chính trị từ 15 đến 17.05.1991, khi chính sách đối với Trung Quốc đã quyết định xong, câu hỏi mới được đặt ra là nên chọn đồng minh theo "lợi ích dân tộc" hay theo ý thức hệ. Và câu trả lời cũng vẫn là phải chọn đồng minh theo ý thức hệ.

Trái với một nhận định khá phổ biến, Nguyễn Văn Linh không phải là con người của của đổi mới mà là con người của Trung Quốc. Đại Hội VI, tháng 12.1986, không phải là đại hội đổi mới và một cơ hội dân chủ hóa không thành mà chỉ là đại hội của chọn lựa thần phục Trung Quốc và chống dân chủ. Cái gọi là "đổi mới" của đại hội này chỉ là rập khuôn theo mô hình "kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" của Trung Quốc. Đại Hội VII kế tiếp là đại hội khẳng định dứt khoát sự thần phục đối với Trung Quốc, những phần tử có chút tâm sự lấn cấn với lập trường này, như Trần Xuân Bách và Nguyễn Cơ Thạch, đều bị loại khỏi ban lãnh đạo. Các đại hội VIII và IX chỉ tiếp tục một đường lối đã thành nền nếp. Khuynh hướng đối đầu với Trung Quốc trong đảng chỉ bắt đầu xuất hiện từ đại hội X trở đi và xuất phát từ lớp đảng viên trẻ sau hai thập niên trao đổi với phương Tây, trong bối cảnh chủ nghĩa xã hội đã trở thành vô nghĩa và nhất là vì Trung Quốc quá xấc xược.

Cũng trái với một nhận định đã được phản ánh qua nhiều bài viết, kể cả của nhiều người dân chủ, Trung Quốc không hề có mưu mô lôi kéo Việt Nam vào quỹ đạo của họ. Thực tế bẽ bàng hơn nhiều. Chính quyền cộng sản Việt Nam đã nài nỉ được phụ thuộc Trung Quốc trong khi Trung Quốc xua đuổi; họ chỉ coi ĐCSVN như một bọn bội bạc và tráo trở bị dồn vào đường cùng. Trần Quang Cơ tiết lộ:"Từ năm 1980 đến năm 1988 ta đã ngót hai mươi lần đề nghị đàm phán, Trung Quốc chỉ làm ngơ". Đúng ra là từ 1984 trở đi, khi Hà Nội thấy là không còn dựa vào Liên Xô được nữa, như chính ông Cơ kể lại trong cuốn hồi ký. Sự khẩn khoản còn gia tăng hơn nữa sau năm 1988. Việt Nam nhiều lần cầu xin Trung Quốc giương cao ngọn cờ chủ nghĩa xã hội thay thế Liên Xô trong khi Trung Quốc trả lời dứt khoát là họ không có ý định bảo vệ chủ nghĩa xã hội trên thế giới. Ưu tiên của họ là tranh thủ sự hợp tác và các thị trường của phương Tây để hiện đai hóa và phát triển kinh tế. Một lần đại sứ Trung Quốc Trương Đức Duy nói công khai với quan chức Việt Nam trong buổi tiếp tân của đại sứ quán Ai Cập là "Trung Quốc không chủ trương giương cao ngọn cờ chủ nghĩa xã hội về mặt đối ngoại". Đây phải là chọn lựa rất quả quyết của Trung Quốc nên một đại sứ mới có thể nói công khai và tự nhiên như vậy. Hà Nội muốn lập lại tình anh em xã hội chủ nghĩa trong khi Trung Quốc nói thẳng là họ chỉ có thể chấp nhận một quan hệ láng giềng "thân nhi bất cận" (thân nhưng không gần). Nhu cầu hòa giải với Trung Quốc còn mạnh đến nỗi nó khiến ban lãnh đạo CSVN thúc đẩy Lào lập quan hệ với Trung Quốc để mong nhờ Lào làm trung gian đàm phán với Trung Quốc. Họ còn cố làm một điều tưởng là vừa lòng Trung Quốc trong khi Trung Quốc không những không muốn mà còn bực mình. Đó là "giải pháp Đỏ" cho Campuchia. Sau khi Gorbachev gợi ý rằng Việt Nam nên cố gắng tìm cách thỏa hiệp với Trung Quốc để giải quyết cuộc xung đột tại Campuchia, ban lãnh đạo Việt Nam bèn nghĩ ra "giải pháp Đỏ", nghĩa là thỏa hiệp giữa hai phe cộng sản Campuchia - Pol Pot do Trung Quốc đỡ đầu và Hun Sen do Việt Nam dựng lên - gạt phăng đi các lực lượng không cộng sản Sihanouk và Son Sann. Họ tưởng như thế sẽ làm hài lòng Trung Quốc, nhưng Trung Quốc lại không chấp nhận. Bắc Kinh muốn một giải pháp do Liên Hiệp Quốc bảo trợ và dành ưu thế cho các lực lượng không cộng sản bởi vì họ đang muốn tranh thủ cảm tình của thế giới và nhất là phương Tây. Ban lãnh đạo Việt Nam thật quá chậm hiểu! Và đồng minh Hun Sen của Hà Nội cũng không chấp nhận "giải pháp Đỏ" này bởi họ nhất quyết không đội trời chung với bọn Khmer Đỏ. Giải pháp này cũng phản bội cả hàng trăm ngàn bộ đội Việt Nam đã chết hoặc bị thương tật tại Campuchia dưới danh nghĩa tiêu diệt bọn diệt chủng Khmer Đỏ. Với một sự ngoan cố khó tưởng tượng, Nguyễn Văn Linh và Lê Đức Anh sẽ còn cố gắng áp đặt giải pháp này lên Hun Sen trong một thời gian dài để hy vọng cùng với Hun Sen thuyết phục Trung Quốc, ngay cả sau khi đã chấp nhận giải pháp do Trung Quốc đưa ra tại Thành Đô. Kết quả là Hà Nội thất bại và còn mất luôn cảm tình của chế độ Hun Sen mà họ dựng lên.

Con đường cầu hòa đã rất nhục nhằn cho Hà Nội. Trung Quốc đã đặt ra nhiều điều kiện để chấp nhận nói chuyện về bình thường hoá quan hệ giữa hai nước và mỗi khi Hà Nội thỏa mãn xong một điều kiện thì họ lại đặt ra một điều kiện mới và Hà Nội lại phải thỏa mãn. Có khi họ chỉ định cả người đại diện Việt Nam để nói chuyện với họ. Tại hội nghị Paris ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch xin gặp ngoại trưởng Trung Quốc Tiền Kỳ Thâm và được trả lời rằng Tiền Kỳ Thâm không có thì giờ để tiếp Nguyễn Cơ Thạch nhưng nếu thứ trưởng Trần Quang Cơ muốn gặp thì đồng ý. Tháng 6.1990, sau sáu năm nhẫn nhục của Hà Nội, khi Trung Quốc cuối cùng chấp nhận gửi Từ Đôn Tín, một trợ lý ngoại trưởng, sang đàm phán với thứ trưởng Trần Quang Cơ, cả Nguyễn Văn Linh lẫn Lê Đức Anh đều đã tiếp riêng đại sứ Trung Quốc Trương Đức Duy trước ngày Từ Đôn Tín sang để tỏ lòng kính trọng với Trung Quốc. Từ Đôn Tín đã đến một cách ngạo nghễ như một sứ giả thiên triều và tuyên bố: "Lần này tôi sang Hà Nội để xem xét nguyện vọng của các đồng chí…". Từ Đôn Tín tự cho phép mắng ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch và khi ông Thạch trả lời thì nổi giận bỏ đi. Năm sau khi Lê Đức Anh (chủ tịch nước) và Hồng Hà (trưởng ban đối ngoại trung ương đảng) sang thăm Trung Quốc họ đã xin gặp Từ Đôn Tín để xin lỗi, mặc dù trước đó ông Thạch đã bị gạt ra khỏi bộ chính trị và mất chức bộ trưởng ngoại giao để làm vừa lòng Trung Quốc. Lê Chiêu Thống cũng không đến nỗi khúm núm như thế. Nhục nhã hơn nữa cuộc gặp gỡ Thành Đô. Trần Quang Cơ thuật lại như sau: ngày 28.08.1990 đại sứ Trung Quốc Trương Đức Duy thông báo cho chính quyền Việt Nam biết tổng bí thư Giang Trạch Dân và thủ tướng Lý Bằng muốn gặp tổng bí thư Nguyễn Văn Linh và thủ tướng Đỗ Mười cùng với cố vấn Phạm Văn Đồng để bàn về quan hệ giữa hai bên ngày 3.9.1990 tại Thành Đô (thuộc tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc). Đây là lệnh triệu tập chứ không phải đề nghị. Trung Quốc ấn định ngày giờ, địa điểm và những ai sang Trung Quốc. Họ cũng buộc hai nhân vật quyền lực nhất chế độ, tổng bí thư đảng cộng sản và thủ tướng, phải bỏ ngày quốc khánh Việt Nam để sang họp. Theo Trần Quang Cơ Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Linh và Đỗ Mười đã có mặt tại Thành Đô ngày 02.09.1990. (Theo Trương Đức Duy thì họ đến ngày 3-9). Ba ông này sau đó chấp nhận toàn bộ những gì Giang Trạch Dân và Lý Bằng đưa ra. Nhục nhằn như vậy chỉ vì Hà Nội muốn được Bắc Kinh nhận làm đàn em trong khi Bắc Kinh không cần gì cả. Và mối "quan hệ bình thường" này sẽ còn kéo dài về sau. Trong Đại Hội X, năm 2001, để lật đổ tổng bí thư Lê Khả Phiêu, Lê Đức Anh buộc tội Phiêu là đã dâng đất và độc đoán, khi sang Trung Quốc đàm phán về biên giới không đem theo ngoại trưởng Nguyễn Mạnh Cầm để dễ "thậm thụt". Nguyễn Chí Trung, trợ lý của Lê Khả Phiêu, biện hộ cho Phiêu như sau: Nguyễn Mạnh Cầm không đi vì thành phần phái đoàn Việt Nam do Trung Quốc quyết định.

Chưa hết, hiện nay mọi người Việt Nam đều phẫn nộ và thế giới cũng phẫn nộ vì cái lưỡi bò liếm hết Biển Đông của Trung Quốc. Nhưng cái lưỡi bò đó do đâu mà có? Đó là vì Bắc Kinh viện cớ họ có một số đảo ở Trường Sa. Đó là những đảo mà họ đã đánh chiếm của Việt Nam năm 1988 sau khi giết hại 64 binh sĩ Việt Nam. Câu hỏi mà nhiều người đặt ra là tại sao Trung Quốc không nhân dịp chiếm luôn tất cả mọi đảo của Việt Nam tại Trường Sa mà lại chỉ chiếm một vài đảo đá? Câu trả lời là họ không thể chiếm hết. Thực ra nếu chính quyền CSVN không muốn họ cũng không thể chiếm một hòn đảo nào cả. Trường Sa nằm ngoài tầm hoạt động của không quân Trung Quốc và trong tầm hoạt động của không quân Việt Nam. Các tầu chiến của Trung Quốc lúc đó cũng còn khá sơ sài và chưa đủ sức đương đầu với máy bay chiến đấu. Chính quyền CSVN hoàn toàn có thể phản công lấy lại các đảo đã mất và đuổi tàu chiến Trung Quốc ra khỏi Trường Sa nếu muốn nhưng họ đã không làm. Họ đang muốn cầu hòa với Trung Quốc bằng mọi giá.

Những ai nghi ngờ điều này có thể nhìn những gì xảy ra ngay sau đó. Ngày 14.03.1988 Trung Quốc đánh Trường Sa. Ban lãnh đạo CSVN đã im lặng. Báo chí của Đảng và Nhà Nước loan tin qua loa rồi thôi. Hai tháng sau, ngày 25.05.1988 bộ chính trị họp và ra nghị quyết 13 khẳng định phải "phấn đấu bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, mọi vấn đề khác đều có thể giải quyết sau". Tháng 9, hiến pháp Việt Nam được tu chỉnh để bỏ đoạn coi Trung Quốc là kẻ thù. Trung Quốc không còn là kẻ thù sau khi đã đánh chiếm Trường Sa!

Chúng ta đều phẫn nộ vì sự thần phục quá đáng của Việt Nam đối với Trung Quốc nhưng ít ai ý thức rằng để được thần phục Trung Quốc đảng CSVN đã bắt nước ta trả giá rất đắt.

Nhìn lại giai đoạn lịch sử vừa qua cũng chua xót như nhìn lại giai đoạn nhà Nguyễn bị quân Pháp chinh phục hồi thế kỷ 19. Cũng bám lấy Trung Quốc và một chủ nghĩa đã lỗi thời để từ chối một thay đổi vừa đúng vừa bắt buộc. Chủ nghĩa lỗi thời lần này là chủ nghĩa Mác-Lênin thay vì Khổng Giáo. Chính trị Việt Nam vẫn giữ nguyên sự mù quáng sau một thế kỷ. Điểm khác nhau là ngày trước triều Nguyễn bám lấy Trung Quốc để chống một kẻ thù, lần này Đảng Cộng Sản bám lấy chính kẻ thù.

Người ta khó có thể không đặt những câu hỏi tương tự trong hai trường hợp.

Nếu ở thế kỷ 19 nhà Nguyễn thay vì bám lấy Khổng Giáo và ngoan cố làm chư hầu Trung Quốc mạnh dạn mở cửa ra với phương Tây?  

Nếu sau năm 1975 hay vào năm 1984 thay vì bám lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và chọn làm đàn em Liên Xô rồi hàng phục Trung Quốc đảng cộng sản chọn dứt khoát chuyển hóa về dân chủ?

Gần hơn và khẩn cấp hơn, trong lúc này khi mà khả năng đất nước tách khỏi quỹ đạo Trung Quốc và ra khỏi bế tắc khá lớn nhưng chưa chắc chắn, là những câu hỏi nhức nhối:

Tại sao một thay đổi đột ngột và toàn diện như thế trong chính sách đối với Trung Quốc, từ chống đối hung hăng sang thần phục ngoan ngoãn, lại có thể được quyết định và thực hiện bởi một vài người lãnh đạo thiển cận mà không bị chống đối? Như vậy có thể nói tới một thành phần sáng suốt trong ĐCSVN không?

Và tại sao các trí thức Việt Nam cũng chỉ nhận ra thay đổi này khi nó đã hoàn tất? Phải đánh giá thế nào trình độ nhận thức chính trị của trí thức Việt Nam?

Sẽ là một sai lầm lớn nếu chúng ta tránh né những câu hỏi này. Vì rất có thể chính quyền cộng sản lại sắp đưa đất nước vào ngõ cụt một lần nữa.

Nguyễn Gia Kiểng.

(Tháng 8/2012)

Ghi chú:

Diễn tiến quan hệ Việt –Trung

04.1977: Quân Khmer Đỏ tấn công biên giới An Giang, tiến sâu vào trong lãnh thổ Việt Nam, sau đó liên tục khiêu khích. Tháng 9.1977 thêm một đợt tấn công dữ dội khác. Ngày 31.12 Việt Nam tung sáu sư đoàn phản công, đuổi quân Khmer Đỏ sâu trong lãnh thổ Campuchia trong một tuần lễ rồi rút về.

19.07.1977: Mỹ không phủ quyết việc Việt Nam gia nhập LHQ. Ngày 20.09.1977 Việt Nam trở thành thành viên Liên Hiệp Quốc. Thứ trưởng ngoại giao Phan Hiền đưa đề nghị nên mềm dẻo với Mỹ nhưng "bốn vị lãnh đạo chủ chốt của ta lúc đó" (lời thứ trưởng ngoại giao Trần Quang Cơ) gạt đi. Lập trường của ĐCSVN là chỉ chấp nhận bình thường hóa quan hệ với Mỹ nếu viện trợ cho Việt Nam 3,2 tỷ USD theo hiệp định Paris 1973, một hiệp định mà chính họ đã không tôn trọng.

Các thành viên bộ chính trị lúc đó là Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ, Phạm Hùng, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Duy Trinh, Lê thanh Nghị, Trần Quốc Hoàn, Văn Tiến Dũng, Lê Văn Lương, Nguyễn Văn Linh, Võ Chí Công, Chu Huy Mân. Dự khuyết : Tố Hữu, Võ văn Kiết, Đỗ Mười.

          Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Nguyễn Duy Trinh, Nguyễn Văn Linh đồng thời cũng là thành viên ban bí thư.

          It lâu sau ngày 30.04.1975, ngày 12.06.1975, Mỹ gửi thông điệp cho sứ quán Việt Nam tại Paris đề nghị bình thường hóa quan hệ giữa hai nước. Ngày 23.06.1976 Kissinger gửi thông điệp cho Nguyễn Duy Trinh bày tỏ ý muốn bình thường hóa. Lãnh đạo CSVN vẫn kiên định lập trường: Mỹ phải viện trợ 3.2 tỷ USD mới được bình thường hóa quan hệ với Việt Nam.

19.05.1978: Brzezinski, cố vấn an ninh của Jimmy Carter thăm Trung Quốc. Mỹ chọn liên kết với Trung Quốc để chống Liên Xô. Lúc đó ảnh hưởng Liên Xô phát triển rất nhanh chóng. Sau Việt Nam, Lào và Campuchia năm 1975, một loạt quốc gia rơi vào quỹ đạo Liên Xô: Angola, Ethiopia, Yemen, Somalia, Nicaragua. Phần lớn các nước Ả Rập cũng thiên về Liên Xô. Ngăn chặn sự bành trướng của Liên Xô trở thành quan tâm hàng đầu của Hoa Kỳ và khối tư bản. Cùng với chọn lựa liên kết với Trung Quốc Hoa Kỳ không còn tìm cách bình thường hóa quan hệ với Việt Nam nữa.

23.08.1978: Đặng Tiểu Bình tuyên bố Trung Quốc là một đồng minh của Hoa Kỳ và phương Tây: "Trung Quốc là NATO ở phương Đông, Việt Nam là Cuba ở phương Đông",  và Trung Quốc "chống đại bá Liên Xô, tiểu bá Việt Nam".

1978: Trung Quốc chính thức cắt viện mọi trợ cho Việt Nam.

Thực ra từ lâu viện trợ Trung Quốc chỉ còn là hình thức, Việt Nam đã đứng hẳn về phía Liên Xô trong thế kình địch Liên Xô : Trung Quốc. Năm 1976 ĐCSTQ không gửi phái đoàn tham dự đại hội IV  ĐCSVN.

Theo Trần Quang Cơ vào năm 1978 Việt Nam và Albania là hai nước chống đế quốc dữ dội nhất.

09.1978: Thứ trưởng ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch và vụ trưởng vụ Bắc Mỹ Trần Quang Cơ sang New York đàm phán với Richard Holbrooke, đồng ý bình thường hóa quan hệ Việt Mỹ không điều kiện nhưng đã trễ, Mỹ không còn sẵn sàng nữa. Holbrooke nói Mỹ lo ngại Liên Xô lập căn cứ tại Cam Ranh. Trước đó Mỹ đề nghị bình thường hóa không điều kiện nhưng Việt Nam không chịu, đòi Mỹ bồi thường chiến tranh 3.2 tỷ USD theo hiệp định Paris.

03.11.1978: Việt Nam gia nhập COMECON và ký hiệp ước liên minh quân sự với Liên Xô. Henri Kissinger tuyên bố:"Mỹ cần Trung Quốc để hạn chế ảnh hưởng của Việt Nam trong khu vực."

23.12.1978: Quân Việt Nam tấn công Campuchia, ngày 06.01.1979 chiếm Phnom Penh. Cuộc tiến công này được thế giới nhìn như nằm trong khuôn khổ cuộc tiến công toàn cầu của khối cộng sản dưới sự lãnh đạo của Liên Xô. Quân Liên Xô tràn vào Afghanistan ngày 25.12.1979 (để rồi tháo chạy tháng 2/1989). Mỹ và phương Tây phản công quyết liệt. Ngoại trưởng Mỹ Cyrus Vance tuyên bố các cuộc đàm phán để bình thường hóa quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam đã tan vỡ.

29.01 – 04.02.1979: Đặng Tiểu Bình thăm viếng Mỹ xiết chặt bang giao giữa hai nước. Cả thế giới đánh giá chuyến công du là rất thành công.

17.02.1979:Trung Quốc tấn công các tỉnh phía Bắc để "dạy cho Việt Nam một bài học". Quân Trung Quốc rút lui sau 1 tháng nhưng vẫn chiếm giữ nhiều địa điểm. Đây chỉ là đợt tiến công đầu trong ba đợt quan trọng. Chiến tranh Việt – Trung vẫn tiếp tục cho tới 1989.

Đợt 2 trong hai tháng 5 và 6.1981

Đợt 3 từ tháng 4 đến tháng 7.1984. Nga và Mỹ không lên tiếng. Không những thế Nga còn khuyên Việt Nam nên điều đình với Trung Quốc và Hoa Kỳ.

08.03.1980:Trung Quốc đơn phương chấm dứt vòng 2 đàm phán Việt Trung về bình thường hóa quan hệ giữa hai nước. Việt Nam không cần vì đang thách thức Trung Quốc.

Vòng 1 từ 18.04-1979 đến 18.05.1979 (một tháng sau đợt 1 chiến tranh biên giới)

Vòng 2 từ 28.06.1979 đến 06.03.1980

18.12.1980: Biểu quyết và ban hành hiến pháp 1980 với lời nói đầu thù địch với Trung Quốc.

          "Vừa trải qua ba mươi năm chiến tranh giải phóng, đồng bào ta thiết tha mong muốn có hoà bình đểxây dựng Tổquốc, nhưng lại phải đương đầu với bọn bá quyền Trung Quốc xâm lược cùng bè lũ tay sai của chúng ởCam-pu-chia. Phát huy truyền thống vẻvang của dân tộc, quân và dân ta đã giành được thắng lợi oanh liệt trong hai cuộc chiến tranh bảo vệTổquốc chống bọn phản động Cam-pu-chia ởbiên giới Tây Nam và chống bọn bá quyền Trung Quốc ởbiên giới phía Bắc, bảo vệđộc lập, chủquyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổcủa mình."

27-31.03.1982: Đại hội V của ĐCSVN.

ĐCSVN xác định lập trường chống Trung Quốc. Nguyễn Văn Linh, thân Trung Quốc, nguyên phó bí thư đảng ủy cục R, bị loại khỏi bộ chính trị.

Bộ chính trị gồm: Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng, Lê Đức Thọ, Văn Tiến Dũng, Võ Chí Công, Chu Huy Mân, Tố Hữu , Võ Văn Kiệt, Đỗ Mười,  Lê Đức Anh,  Nguyễn Đức Tâm. Ủy viên dự khuyết: Nguyễn Cơ Thạch, Đồng Sỹ Nguyên.

Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Võ Chí Công, Nguyễn Đức Tâm đồng thời cũng là thành viên ban bí thư.

Bản điều lệ Đảng được sửa đổi với lời nói đầu đề cao cuộc chiến tranh biên giới Việt – Trung như một chiến thắng vẻ vang và khẳng định sự gắn bó với Liên Xô và chủ nghĩa Mác – Lênin, đồng thời cũng nhấn mạnh quan hệ đặc biệt giữa "ba nước Đông Dương":

(…)Đảng ra sức giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin và đường lối, chính sách của Đảng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, làm cho tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin chiếm ưu thế tuyệt đối trong đời sống tinh thần của xã hội và trở thành hệ tư tưởng của toàn dân.  (…) Đảng thường xuyên chăm lo tăng cường tình đoàn kết chiến đấu và sự hợp tác toàn diện giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân ta với Đảng, Nhà nước và nhân dân Liên Xô, Lào, Campuchia…

10.1982: Bắt đầu đàm phán Trung Quốc – Liên Xô để bình thường hóa quan hệ sau hơn một thâp niên xung đột. Một bất ngờ choáng váng cho ĐCSVN. Từ đó Trung Quốc không đàm phán với Việt Nam nữa.

Cuộc đàm phán kéo dài tới vòng 7, tháng 10.1985.

15.04.1984: Trần Quang Cơ trả lời phỏng vấn của báo Kledlap của Thái Lan, tỏ ra vẫn chống Trung Quốc.

06.1984: Ngay giữa lúc quân đội Trung Quốc đang tấn công dữ dội vào Lạng Sơn, Liên Xô không cứu giúp Việt Nam mà còn tuyên bố cần phải có một giải pháp thương lượng cho vấn đề Campuchia; Liên Xô đòi Việt Nam giải quyết qua thương lượng với Trung Quốc. Việt Nam hốt hoảng cầu hòa. Trung Quốc không chịu, đòi "Việt Nam phải rút hết quân khỏi Campuchia thì hai bên mới có thể đàm phán".

08.01.1985: Nguyễn Cơ Thạch gửi thư cho ngoại trưởng Trung Quốc Ngô Học Khiêm xin đàm phán. Ngày 21.01.1985 Ngô Học khiêm trả lời, từ chối đàm phán: "Chỉ sau khi Việt Nam cam kết và thực hiện rút quân khỏi Campuchia thì đàm phán mới có ý nghĩa".

06.1985: ĐCSVN họp Hội nghị Trung Ương 8. Nguyễn Văn Linh được bầu vào bộ chính trị và làm bí thư thành ủy Sài Gòn. Một năm sau, tháng 6.1986, ông Linh lại được bầu vào ban bí thư và làm thường trực ban bí thư. Việt Nam chính thức thay đổi chính sách đối với Trung Quốc, từ chống đối sang thần phục.

 

21.08.1985:  Bộ ngoại giao Việt Nam gửi công hàm cho Trung Quốc tuyên bố sẽ rút hết quân khỏi Campuchia trong năm 1990 và đề nghị đàm phán.

06.09.1985: Đại sứ quán Trung Quốc trả lời: Trung Quốc vẫn không chấp nhận đàm phán, Trung Quốc coi việc Việt Nam đặt đàm phán như là điều kiện để rút quân là vô lý và thiếu thiện chí, đàm phán như vậy vô ích. Nếu Việt Nam cần nói gì thì cứ trao đổi qua hai tòa đại sứ.

03.1986: Chính phủ Liên Hiệp Campuchia Dân Chủ (Sihanouk, Son Sann, Khmer Đỏ) ra tuyên ngôn 8 điểm.

Trung Quốc tuyên bố Việt Nam phải nói chuyên với CPLHCDC. Trung Quốc chỉ nói chuyện với Việt Nam sau khi vấn đề Campuchia đã được giải quyết theo cách của Trung Quốc.

07.1986: Lê Duẩn chết, Trường Chinh thay thế Lê Duẩn đảm nhiệm chức vụ tổng bí thư đến đại hội VI, tháng 12.1986

9.07.1986:Bộ chính trị ĐCSVN họp và ra nghị quyết 32/BCT xác định cần có giải pháp chính trị cho vấn đề Campuchia để có thể bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc ("điều chỉnh chính sách ngoại giao và tiến tới giải pháp về Cam-pu-chia"; "cùng tồn tại hòa bình với Trung Quốc, ASEAN, Mỹ". Theo Trần Quang Cơ tác động mạnh nhất và trực tiếp nhất lên Việt Nam và Campuchia là việc Liên Xô hòa hoãn với Trung Quốc (và không còn đỡ đầu cho họ để chống Trung Quốc nữa).

10.1986: Trung Quốc tuyên bố Việt Nam phải rút xong quân khỏi Campuchia Trung Quốc mới chấp nhận đàm phán với Việt Nam. Trước đây Trung Quốc chỉ đòi Việt Nam cam kết rút quân.

10 – 11.12.1986: Trần Quang Cơ được cử sang Lào giúp Lào bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, với hy vọng nhân đó bắt liên lạc với Trung Quốc.

12.1986: Đại hội VI của ĐCSVN.

Nguyễn Văn Linh lên làm tổng bí thư.

Bộ chính trị gồm Nguyễn Văn Linh,  Phạm Hùng,  Võ Chí Công,  Đỗ Mười,  Võ Văn Kiệt,  Lê Đức Anh,  Nguyễn Đức Tâm,  Nguyễn Cơ Thạch,  Đồng Sỹ Nguyên,  Trần Xuân Bách,  Nguyễn Thanh Bình,  Đoàn Khuê,  Mai Chí Thọ. Uỷ viên dự khuyết: Đào Duy Tùng.

Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Đức Tâm, Trần Xuân Bách, Đào Duy Tùng đồng thời là thành viên ban bí thư.

Đỗ Mười làm thường trực ban bí thư và trở thành thủ tướng thay Phạm Văn Đồng năm 1988.

07.02.1987: Đàm phán Liên Xô Trung Quốc vòng 10. Trung Quốc buộc Liên Xô phải buộc Việt Nam giải quyết xong vấn đề Campuchia thì mới bình thường hóa quan hệ Xô – Trung.

07.03.1987:BCT họp và lấy quyết định đề nghị đàm phán mật với Trung Quốc. BCT nhận định Trung Quốc có hai mặt, vừa xã hội chủ nghĩa vừa bá quyền, và chọn đường lối hợp tác hữu nghị thay vì đối đầu như từ gần hai thập niên qua. BCT khẳng định chủ trương giải quyết vấn đề Campuchia qua thương thuyết với Trung Quốc.

Ngay sau buổi họp, Lê Đức Thọ sang Lào họp với BCT đảng cộng sản Lào.

04.1987: Lê Đức Thọ sang Campuchia cùng với Lê Đức Anh và Trần Quang Cơ đưa "giải pháp Đỏ" (Hòa giải giữa Hun Sen với Khmer Đỏ để cùng cầm quyền) vói niềm tin là giải pháp này làm vừa lòng Trung Quốc)

09.04.1987:Thành lập nhóm nghiên cứu chiến lược đối ngoại CP87 do Trần Quang Cơ điều khiển. Trần Quang Cơ trở thành thứ trưởng ngoại giao chuyên trách Campuchia.

Nhóm CP87 gồm Trần Quang Cơ, Đặng Nghiêm Hoành (vụ trưởng vụ tổng hợp) tổ phó, Nguyễn Phượng Vũ (vụ trưởng vụ Trung Quốc), Trần Xuân Mận (vụ trưởng vụ Á Châu 2). Thành viên không thường trực: Đặng Nghiêm Bái (vụ trưởng vụ Bắc Mỹ), Tạ Hữu Canh (vụ trưởng vụ Liên Xô), Nguyễn Can (vụ trưởng vụ Á Châu 3), Trịnh Xuân Lãng (Vụ trưởng vụ báo chí).

CP87 có nhiệm vụ giúp BCT thực hiện nghị quyết 32/CP (bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, giải quyết vấn đề Campuchia, phối hợp với Liên Xô)

CP87 làm việc với nhóm B1 của Campuchia do thứ trưởng ngoại giao Dith Munty đứng đầu.

14.05.1987: Đặng Tiểu Bình tiếp tổng thư ký LHQ Javier de Cuellar và nhờ nhắn với Việt Nam: chỉ khi nào vấn đề Campuchia được giải quyết theo ý Trung Quốc, nghĩa là có chính phủ liên hiệp 4 bên và quân Việt Nam đã rút hết thì mới có thể có đàm phán để bình thường hóa quan hệ Việt Trung.

14.05.1987: Họp CP87 thảo luận sôi nổi;

 Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch nói: "Phải thỏa thuận cả với Mỹ, chỉ húc đầu vào một con đường nói chuyện với Trung Quốc là không đúng."

Nhận định của nhóm CP87:

-Ta chỉ biết có Trung Quốc thì Trung Quốc sẽ chèn ép vì ta yếu và cô lập. Đó là lý do khiến Trung Quốc đã buộc ta làm hết nhượng bộ này đến nhượng bộ khác;

-Trong ban lãnh đạo cộng sản lúc đó nói đến quan hệ với các nước phương Tây là điều húy kỵ

-Việc bộ ngoại giao đề nghị mở rộng quan hệ hợp tác ngoài thế giới XHCN là chuyện động trời.

25.05.1987: Bộ ngoại giao (Nguyễn Cơ Thạch và Trần Quang Cơ) kiến nghị xin sửa lời nói đầu của hiến pháp để bỏ đoạn coi Trung Quốc là kẻ thù.

26.07.1987:Nguyễn Cơ Thạch gặp đại sứ Trung Quốc chuyển lời thủ tướng Phạm văn Đồng xin thương thuyết bí mật. Hai ngày sau, 28.07.1987, Ngô Học Khiêm nhắn lại là chưa trả lời  Phạm văn Đồng. Theo Trần Quang Cơ (Hồi ức và suy nghĩ) thì từ 1980 đến 1988 Việt Nam đã xin đàm phán "ngót 20 lần" nhưng Trung Quốc đều từ chối.

22.12.1987: Liên Xô đề nghị gặp gỡ giữa Cộng Hòa Nhân Dân Campuchia ( Heng Somrin và Hun Sen) và Khmer Đỏ để hòa giải. Trung Quốc không chấp nhận.

14.03.1988: Hải quân Trung Quốc đánh chiếm nhiều đảo đá của Việt Nam tại Trường Sa, gây nhiều thương vong cho quân đội Việt Nam (64 chết, 11 bị thương, 9 bị bắt làm tù binh). Chính quyền CSVN không tổ chức một cuộc biểu tình lên án nào, cũng không có một tuyên ngôn mạnh nào.

25.05.1988: BCT ra nghị quyết 13: Giải quyết vấn đề Cam-pu-chia; phấn đấu bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, mọi vấn đề khác đều có thể giải quyết sau. Khắc phục những tư tưởng lệch lạc chỉ thấy Trung Quốc là bá quyền mà không thấy Trung Quốc là chủ nghĩa xã hội hay ngược lại.

30.07.1988: Chủ trương cầu hòa với Trung Quốc của Việt Nam đã quá rõ ràng; tại hội nghi JIM1 (Jakarta) Hun Sen cay đắng nói: "Chúng tôi căm thù bọn Khmer Đỏ, nhưng Việt Nam cần bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc nên buộc chúng tôi thỏa hiệp với chúng…"

26.08.1988: Quốc hội Việt Nam sửa lời nói đầu hiến pháp, bỏ đoạn coi Trung Quốc là kẻ thù

15.12.1988: Bộ trưởng ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch gửi thư cho Tiền Kỳ Thâm đề nghị đàm phán (sau khi được Liên Xô cho biết là ngoại trưởng Trung Quốc Tiền Kỳ Thâm đã sang thăm Liên Xô hôm 6.12.1988 và tỏ ra sẽ chấp nhận đàm phán với Việt Nam)

24.12.1988: Tiền Kỳ Thâm trả lời Nguyễn Cơ Thạch; yêu cầu Việt Nam gửi một thứ trưởng ngoại giao sang Bắc Kinh để chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ cấp ngoại trưởng.

16-19.01.1989: Đàm phán Việt – Trung vòng 1 (Đinh Nho Liêm và Lưu Thuật Khanh)

8-10.05.1989: Đàm phán Trung Quốc-Việt Nam vòng 2. Không kết quả. Trung Quốc sau đó tuyên bố muốn bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc Việt Nam không những phải rút hết quân khỏi Campuchia mà còn phải giải quyết các hậu quả của việc đem quân vào Campuchia.

01.1989: Hun Sen xuất bản cuốn "Campuchia, con đường mười năm"  bác bỏ giải pháp Đỏ

30.07 – 30.08.1989: Hội nghị Paris.

03.08.1989: Tại hội nghị Paris ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch xin gặp ngoại trưởng Trung Quốc Tiền Kỳ Thâm; thứ trưởng Lưu Thuật Khanh trả lời: Tiền Kỳ Thâm không có thì giờ nên không thể gặp Nguyễn Cơ Thạch nhưng nếu Trần Quang Cơ muốn gặp thì đồng ý.

07.10.1989: Đặng Tiểu Bình tiếp Kaysone Phomvihan, phê phán nặng lời Lê Duẩn và hết lời ca tụng Nguyễn văn Linh, nhắc lại năm 1963 đã tổ chức đưa Nguyễn Văn Linh sang Bắc Kinh qua ngả Hồng Kông để gặp Đặng.

12.10.1989: Hun Sen tuyên bố dứt khoát không chấp nhận Khmer Đỏ.

09.11.1989: Bức tường Berlin sụp đổ. Các chế độ cộng sản đều hốt hoảng. Trước đó, đầu tháng 10,  Nguyễn văn Linh vừa đi dự lễ kỷ niệm 40 năm quốc khánh CHDCĐ và rất phục Đông Đức. Nguyễn Văn Linh cũng gặp Ceaucescu trong dịp này và đánh giá rất cao Ceaucescu. Ngày 25.12.1989 Ceaucescu bị lật đổ và hành quyết. Nguyễn Văn Linh và bộ chính trị hoảng hốt. Theo TQC (Hồi ức và suy nghĩ) lập trường áp đảo trong bộ chính trị là nhấn mạnh Trung Quốc là một nước XHCN và phải bắt tay ngay với Trung Quốc bằng mọi giá để bảo vệ chủ nghĩa xã hội, để chống Mỹ và các thế lực đế quốc khác.

06.11.1989: Nguyễn Cơ Thạch nhờ đai sứ Trung Quốc chuyển thông điệp miệng của tổng bí thư Nguyễn Văn Linh mong sớm bình thường hóa quan hệ Việt Trung.

Ba tuần sau Nguyễn Cơ Thạch lại gửi thư cho Tiền Kỳ Thâm nhắc nhở thỉnh cầu này.

12.12.1989: Đại sứ Trung Quốc đến gặp Nguyễn Cơ Thạch chuyển thông điệp miệng của Trung Quốc trả lời Nguyễn Văn Linh: Trung Quốc chỉ xem xét yêu cầu bình thường hóa của Việt Nam sau khi vấn đề Campuchia đã được giải quyết theo ý của Trung Quốc (cơ chế giám sát LHQ để kiểm chứng rằng quân Việt Nam đã rút hết, chính phủ liên hiệp 4 bên do Sihanouk đứng đầu).

03.1990: Hội nghị trung ương 8, Trần Xuân Bách, bị kỷ luật, loại khỏi bộ chính trị và trung ương đảng vì tuyên bố thuận lợi cho đa nguyên, đa đảng

03.4.1990: Trung Quốc đột ngột chấp nhận Đinh Nho Liêm tới Bắc Kinh để đàm phán cấp thứ trưởng.

10.4.1990: Họp bộ chính trị. Nguyễn văn Linh, Lê Đức Anh, Đào Duy Tùng, Đồng Sỹ Nguyên tỏ ra cuồng nhiệt chống Mỹ nhấn mạnh âm mưu của đế quốc Mỹ muốn xóa bỏ chủ nghĩa xã hội, coi việc bức tường berlin sụp đổ là do âm mưu của Mỹ.

Nguyễn Văn Linh nói: "Trung Quốc và Việt Nam là hai nước xã hội chủ nghĩa cùng chống âm mưu của đế quốc Mỹ xóa bỏ chủ nghĩa xã hội, phải cùng nhau chống đế quốc. Trước hết phải phát triển quan hệ giữa hai nước, các vấn đề khác giải quyết sau". Nguyễn Cơ Thạch lưu ý có thể ưu tiên của Trung Quốc là tranh thủ sự hợp tác với Hoa Kỳ và phương Tây chứ không phải là bảo vệ chủ nghĩa xã hội nhưng không ai nghe. Quan điểm chung của bộ chính trị là phải cùng Trung Quốc bảo vệ chủ nghĩa xã hội chống đế quốc.

16.04.1990: Nguyễn Cơ Thạch sang Campuchia đề nghị giải pháp chính phủ liên hiệp hai bên. Phnom Penh phản đối. Lãnh đạo ĐCSVN cố tìm cách áp đặt "giải pháp Đỏ" để làm vừa lòng Trung Quốc trong khi Trung Quốc lại chỉ muốn một giải pháp vừa lòng Hoa Kỳ và phương Tây!

02.05.1990: Đinh Nho Liêm đến Bắc Kinh đàm phán với Từ Đôn Tín, phụ tá bộ trưởng ngoại giao. Việt Nam không nói Khmer Đỏ là diệt chủng nữa. Trung Quốc tỏ ra thờ ơ với lời kêu gọi hai nước xích lại gần nhau để cứu chủ nghĩa xã hỗi. Phía Trung Quốc thông báo trợ lý ngoại trưởng Trung Quốc Từ Đôn Tín sẽ sang Việt Nam đầu tháng 6.

30.5.1990: ĐCSVN họp BCT. Nguyễn Văn Linh thông báo dự định gặp đại sứ Trung Quốc và Từ Đôn Tín trước khi Từ Đôn Tín gặp Trần Quang Cơ. Đỗ Mười và nhiều người khuyên không nên nhưng Lê Đức Anh lại nhiệt liệt ủng hộ.

05.06.1990: Nguyễn Văn Linh mời đại sứ Trương Đức Duy đến nhà khách Trung Ương nói chuyện thân mật trước khi Từ Đôn Tín đến để tỏ lòng kính trọng đối với Bắc Kinh. Sau đó, ngày 09.06. Trương Đức Duy tiết lộ cho vụ Trung Quốc bộ ngọai giao biết những điểm chính mà Nguyễn Văn Linh đã nói cuộc nói chuyện này: 1/ Nguyễn Văn Linh nhìn nhận Việt Nam đã có sai phạm đối với Trung Quốc, đang sửa sai và mong gặp cấp cao Trung Quốc để "trao đổi những vấn đề lớn giữa quan hệ giữa hai nước; 2/ Liên Xô đã lung lay, Trung Quốc cần dương cao ngọn cờ XHCN, Việt Nam sẽ theo. Những người cộng sản chân chính phải đoàn kết bảo vệ chủ nghĩa xã hội; 3/ Cùng là cộng sản, Pol Pot và Hun Sen phải hợp tác với nhau.

06.06.1990: Lê Đức Anh cũng mời Trương Đức Huy ăn cơm nói chuyện riêng không cho ai trong BCT biết. Mãi đến 16.9 mới tiết lộ có cuộc gặp gỡ này.

11,12,13.06.1990: Đàm phán Trần Quang Cơ –Từ Đôn Tín tại Hà Nội. Trước đó Lê Đức Anh gọi điện thoại dặn dò Trần Quang Cơ phải thận trọng và kiên nhẫn nghe nhiều hơn nói. Nguyễn Cơ Thạch hỏi TQC: "vậy đồng chí theo ý kiến bộ trưởng quốc phòng hay bộ trưởng ngoại giao?". Rạn nứt lớn giữa bộ ngoại giao và bộ quốc phòng. Từ Đôn Tín tỏ ra xấc xược. Theo TQC qua hai buổi tiếp xuc với Trương Đức Huy Nguyễn Văn Linh và Lê Đức Anh đã "quá nhún mình, quá sơ hở" và gây khó khăn cho bộ ngoại giao trong việc đàm phán.

Nguyễn Cơ Thạch đụng chạm lớn với Từ Đôn Tín vì thái độ cao ngạo của Từ.

19.06.1990:BCT họp để đánh giá cuộc đàm phán với Từ Đôn Tín. Nguyễn Văn Linh vào Sài Gòn không tham dự, dặn cứ thảo luận nhưng đừng bàn về phương hướng tới. Trần Quang Cơ báo cáo: Từ Đôn Tín đã nói rõ là Trung Quốc không chấp nhận đề nghị hai nước đoàn kết chống đế quốc bảo vệ chủ nghĩa xã hội. Trung Quốc chỉ coi quan hệ với Việt Nam sau này như là quan hệ giữa hai nước láng giềng. Từ Đôn Tín nhấn mạnh quan hệ này không được gây lo ngại cho Mỹ và ASEAN.

17.07.1990: Thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc Lưu Thuật Khanh nói với Đặng Nghiêm Hoành, đại sứ Việt Nam tại Bắc Kinh, là Trung Quốc không chấp nhận giải pháp Đỏ. Khanh nói thêm: " cần giải pháp 4 bên do Sihanouk đứng đầu mới được thế giới chấp nhận".

27.07.1990: Trong một cuộc chiêu đãi của sứ quán Ai Cập tại Hà Nội, đại sứ Trung Quốc Trương Đức Duy nói với vụ phó vụ Trung Quốc Vũ Thuần rằng :"giải pháp Đỏ không thực tế vì làm như vậy là hút tất cả các mũi tên về mình, tự cô lập mình. Hiện nay Trung Quốc không chủ trương giương cao ngọn cờ XHCN về mặt đối ngoại".

Theo Trần Quang Cơ: Gorbachev là cha đẻ của giải pháp này, song người "bảo dưỡng" giải pháp Đỏ nhất lại là lãnh đạo Việt Nam. (Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Võ văn Kiệt, Đào Duy Tùng, Đoàn Khuê, Nguyễn Hà Phan). Trung Quốc không chỉ không chấp nhận giải pháp Đỏ mà còn tiết lộ với Hoa Kỳ và phương Tây rằng Việt Nam đã đề nghị giải pháp Đỏ để chứng tỏ Việt Nam giả dối lật lọng, ngoài thì lấy cớ Pol Pot diệt chủng để xâm lăng Campuchia, trong thì đề nghị với Trung Quốc giải pháp Đỏ để bắt tay với Pol Pot.

02.08.1990: Họp BCT ĐCSVN, Nguyễn Văn Linh hỏi Nguyễn Cơ Thạch trước khi vào họp rằng có nên nhắc lại với Trung Quốc yêu cầu gặp gỡ cấp cao và giải pháp Đỏ không. Nguyễn Cơ Thạch trả lời rằng Trung Quốc đã ba lần khẳng định là họ không chấp nhận giải pháp Đỏ. Võ Chí Công nói thêm đó chỉ là ảo tưởng ngây thơ.

05.08.1990 và 13.09.1990: Hai cuộc thảo luận giữa Trần Quang Cơ và đại sứ Trương Đức Duy.

TQC: "Hai nước chúng ta cần hợp tác với nhau trước mắt cũng như lâu dài".

TĐD: "Trung Quốc coi trọng quan hệ Trung - Việt nhưng phải làm từng bước".

28.08.1990: Đại sứ Trung Quốc Trương Đức Duy thông báo cho chính quyền Việt Nam biết tổng bí thư Giang Trạch Dân và thủ tướng Lý Bằng muốn gặp tổng bí thư  Nguyễn Văn Linh và thủ tướng Đỗ Mười cùng với cố vấn Phạm Văn Đồng để bàn về quan hệ giữa hai bên ngày 3.9.1990 tại Thành Đô.

Đây là lệnh triệu tập chứ không phải đề nghị. Trung Quốc ấn định ngày giờ, địa điểm và những ai sang Trung Quốc. Họ cũng buộc hai nhân vật quyền lực nhất chế độ, tổng bí thư đảng cộng sản và thủ tướng phải bỏ ngày quốc khánh Việt Nam để sang chầu. Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Linh và Đỗ Mười đã có mặt tại thành Đô ngày 02.09.1990,ngày quốc khánh của chế độ CSVN. (Trong Hồi ức và suy nghĩ  Trần Quang Cơ nói rằng phái đoàn Việt Nam đã đến Thành Đô ngày 02.09.1990 nhưng theo  Trương Đức Duy viết trong một bài báo thì ba vị này ra đi ngày 03.09 chứ không phải 02.09).

Phái đoàn gồm Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười. Tháp tùng có Hồng Hà (chánh văn phòng Trung Ương đảng, Hoàng Bích Sơn (trưởng ban đối ngoại TƯĐ) và Đinh Nho Liêm.

Việt Nam chấp nhận giải pháp 6+2+2+2+1 mà Từ Đôn Tín đã từng đưa ra và Trần Quang Cơ thay mặt chính quyền Việt Nam bác bỏ. Trung Quốc bác giải pháp Đỏ. Lý Bằng nói: "trong tình hình hiện nay hai đảng cộng sản mà bắt tay nhau thì không có lợi".

Hôi nghị Thành Đô là bí mật trên nguyên tắc nhưng Trung Quốc gián tiếp hay trực tiếp thông báo cho nhiều nước trong khi Việt Nam tiếp tục giữ bí mật.

Bộ chính trị họp nhiều lần bàn cãi về chuyến đi này nhưng chỉ đến khóa họp ba ngày từ 15 đến 17.05.1991, khi thảo luận về chính sách đối ngoại cho đại hội VII, mới thảo luận kỹ. Buổi họp có Nguyễn văn Linh, Phạm văn Đồng, Võ Chí Công, Đỗ Mười, Võ văn Kiệt, Nguyễn Cơ Thạch, Lê Đức Anh, Mai Chí Thọ, Nguyễn Đức Tâm, Đào Duy Tùng, Đồng Sỹ Nguyên, Đoàn Khuê, Nguyễn Thanh Bình. Phạm Văn Đồng ân hận, Nguyễn Văn Linh nguỵ biện chạy tội. Đỗ Mười tiếc là đã không có Nguyễn Cơ Thạch cùng đi.

Trần Quang Cơ: "Cuộc gặp gỡ Thành Đô là một sai lầm hết sức đáng tiếc" và" Sở dĩ ta dễ dàng bị mắc lừa ở Thành Đô là vì chính ta đã tự lừa ta. Ta đã tự tạo ra ảo tưởng là Trung Quốc sẽ giương cao ngọn cờ chủ nghĩa xã hội, thay thế cho Liên Xô làm chỗ dựa cho cách mạng Việt Nam và chủ nghĩa xã hội thế giới, chống lại hiểm họa diễn biến hòa bình của chủ nghĩa đế quốc do Mỹ đứng đầu.Trung Quốc vừa bác đề nghị liên kết chống tư bản bảo vệ CNXH vừa tiết lộ cho các nước khác biết đề nghị của Việt Nam để cô lập Việt Nam.

05.09.1990: Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Nguyễn Cơ Thạch sang Phnom Penh thông báo kết quả hội nghị Thành Đô nhưng lại không nói là đã chấp nhận công thức 6+2+2+2+1 mà vẫn thuyết phục Hun Sen chấp nhận "giải pháp Đỏ". Lê Đức Anh: "Mỹ muốn xóa cộng sản. Nó là kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm nhất, phải tìm đồng minh, đồng minh là Trung Quốc".

Hun Sen bác giải pháp Đỏ.

19.09.1990: Báo Bangkok Post tiết lộ toàn bộ nội dung thỏa hiệp Thành Đô.

Hun Sen cho Nguyễn Cơ Thạch hay là Trung Quốc đưa toàn bộ băng ghi âm cuộc nói chuyện ở Thành Đô cho Hun Sen.

Theo Ngô Điền, đại sứ Việt Nam tại Campuchia, thì từ sau hội nghị Thành Đô chính quyền Hun Sen không còn tin tưởng Việt Nam nữa.

13.04.1991: BCT họp để thảo luận về đường lối đối ngoại chuẩn bị cho đại hội VII. Bất đồng ý kiến giữa bô ngoại giao và bộ quốc phòng. Bên ngoại giao ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch đọc báo cáo "Tình hình thế giới và chiến lược đối ngoại của Đảng và nhà nước ta". Bên bộ quốc phòng Lê Đức Anh giới thiệu đại tá Lân cán bộ của Cục 2 trình bày báo cáo: "Tình hình thế giới và mưu đồ đế quốc". Theo ý kiến của cố vấn Phạm Văn Đồng BCT đồng ý ba ngành ngoại giao, quốc phòng và an ninh gặp nhau để "nhất trí về tình hình còn công tác thì mỗi ngành làm riêng".

Về sau Cục 2 bộ quốc phòng trở thành Tổng Cục 2 và không thấy đại tá Lân, tức Lân Thọt, xuất hiện nữa.

02.05.1991: Ba ngành ngoại giao, quốc phong và an ninh gặp nhau. Bên ngoại giao có ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch và bốn thứ trưởng, bên an ninh có bộ trương công an Mai Chí Thọ, bên quốc phòng có Lê Đức Anh, Trần Văn Quang và đại tá Lân, bên ban đối ngoại TƯĐ có ba phó ban Nguyễn Thị Bình, Trịnh Ngọc Thái và Nguyễn Quang Tạo.

Trần Quang Cơ nhận định: "Thu hoạch của cuộc họp khá nghèo nàn, không đem lại được sự nhất trí trong nhận định tình hình, chỉ nhất trí được mấy điểm lý luận chung chung.

15,16,17.05.1991: Một tháng trước đai hội 7, bộ chính trị họp để thảo luận về "dự thảo báo cáo về tình hình thế giới và việc thực hiện đường lối đối ngoại của Đại hội 6 và phương hướng tới.

Bàn cãi gay go. Nguyễn Cơ Thạch "xin được nói thẳng" phe phán "hai ông anh" (Nguyễn Văn Linh và Phạm Văn Đồng) nhượng bộ "hơi sớm". Võ Văn Kiệt "Mình bị nó (Trung Quốc) lừa nhiều cái quá. Tôi nghĩ Trung Quốc là cạm bẫy". Họp ba ngày không nhất trí. Nguyễn Đức Tâm kết luận: "Chưa làm dự thảo nghị quyết ngay được, (…) bộ chính trị còn khác nhau về đánh giá đúng thành tích, đúng bạn thù, đối sách. Tuy vậy vẫn phải có kết luận vì không còn thì giờ nữa. Bản kết luận chứa đựng rất nhiều điểm "có tranh luận" mà không có kết luận.

          -diễn biến hòa bình và tụt hâu kinh tế nguy cơ nào lớn hơn? Đa số có vẻ tin rằng sức mạnh của một nước là an ninh quốc phòng chứ không phải là sức mạnh kinh tế , xã hội.

          -Tập hợp lực lượng (chọn đồng minh) theo ý thức hệ hay theo lợi ích dân tộc?

          -Mỹ đang mạnh hơn hay yếu đi?

          -Thế giới đang tiến tới trật tự một cực (Mỹ là siêu cường duy nhất) hay trật tự đa cực?

          -Tại sao các nước trong khu vực đều muốn Mỹ có mặt để bảo đảm ổn định trong khi Việt Nam lại coi Mỹ là mối đe dọa nguy hiểm nhất?

          -Tại sao các nước trong khu vực đều lo ngại Trung Quốc trong khi Việt Nam lại muốn Trung Quốc là đồng minh chiến lược?

          -Trong hai mặt của Trung Quốc, bành trướng bá quyền và xã hội chủ nghĩa mặt nào là chính?

          -Mỹ cần Việt Nam để kiềm chế Trung Quốc hay Mỹ đặt quan hệ với Trung Quốc làm ưu tiên hàng đầu nên Mỹ sẵn sàng thí Việt Nam để làm vừa lòng Trung Quốc?

          -Việt Nam có nên sớm gia nhập ASEAN không?

17-27.06.1991: Đại hội VII ĐCSVN

Đỗ Mười thay Nguyễn Văn Linh làm tổng bí thư.

Lê Đức Anh: Uỷ viên thường trực bộ chính trị kiêm bí thư trung ương phụ trách ba ngành quốc phòng, ngoại giao và an ninh, đồng thời là chủ tịch nước.

Võ Văn Kiệt, thủ tướng.

Đào Duy Tùng thường trực ban bí thư,

Võ Nguyên Giáp ra khỏi BCH TƯ

Nguyễn Cơ Thạch ra khỏi bộ chính trị.

Bộ chính trị gồm: Đỗ Mười ;  Lê Đức Anh ;  Võ Văn Kiệt ;  Đào Duy Tùng;  Đoàn Khuê;  Vũ Oanh;  Lê Phước Thọ;  Phan Văn Khải;  Bùi Thiện Ngộ;  Nông Đức Mạnh;  Phạm Thế Duyệt ;  Nguyễn Đức Bình;  Võ Trần Chí ;  Lê Khả Phiêu (bổ sung từ tháng 12-1993);  Đỗ Quang Thắng (bổ sung từ tháng 12-1993);  Nguyễn Mạnh Cầm (bổ sung từ tháng 12-1993); Nguyễn Hà Phan (bổ sung từ tháng 12-1993).

Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Đào Duy Tùng, Lê Phước Thọ, Nguyễn Hà Phan, Lê Khả Phiêu đồng thời cũng là thành viên ban bí thư.

28.07.1991: "Đoàn đại diện đặc biệt của  Đảng CSVN", gồm Lê Đức Anh, Hồng Hà (bí thư TƯĐ phụ trách đối ngoại) và Trịnh Ngọc Thái (phó ban đối ngoại TƯĐ) sang Bắc Kinh thông báo về kết quả đại hội VII.

Theo Trần Quang Cơ, mặc dù mục đích chính thức của đoàn là để gặp lãnh đạo cao cấp Trung Quốc nhưng Lê Đức Anh (chủ tịch nước) và Hồng Hà (trưởng ban đối ngoại trung ương đảng)  đã xin gặp Từ Đôn Tín (phụ tá ngoại trưởng) tới hai lần để tạ tội bất kính trong chuyến viếng thăm Việt Nam năm trước của Từ Đôn Tín mặc dù chính Từ Đôn Tín đã xấc xược chứ không phải Nguyễn Cơ Thạch. Lê Đức Anh nói : "Năm ngoái khi đồng chí Từ Đôn Tín sang Việt Nam đã xảy ra một số trục trặc không hay lắm do phía chúng tôi gây ra…"

Để dự trù cho cuộc thảo luận cấp thứ trưởng Việt Trung sắp tới Hồng Hà hỏi Từ Đôn Tín : "Tôi muốn hỏi đồng chí phương hướng giải quyết nên như thế nào để chúng tôi có thể góp phần đạt kết quả tốt?". Xin lệnh đối phương trước khi thương thuyết!

04.08.1991:Sau khi từ Bắc Kinh về. Lê Đức Anh và Hồng Hà gặp Trần Quang Cơ và Nguyễn Dy Niên (thứ trưởng ngoại giao, người sắp sang Bắc Kinh đàm phán).

Trần Quang Cơ thông báo rằng đại sứ Việt Nam tại Bắc Kinh vừa điện về báo tin cuộc đàm phán cấp thứ trưởng sẽ chỉ có một ngày thay vì ba ngày như dự trù. Bắc Kinh chỉ muốn áp đặt chứ không muốn thảo luận.

Hồng Hà nói: "Trung Quốc lo cho cuộc đàm phán thất bại. Họ muốn bình thường hóa quan hệ với ta nên họ lo".

Trần Quang Cơ: "Về mặt này thì phải nói là Việt Nam lo hơn vì Việt Nam mót bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc hơn".

23.10.1991: Ký kết hiệp định Paris về Campuchia với nội dung rất gần với yêu cầu của Trung Quốc và các nước phương Tây.

05.11.1991: Tổng bí thư Đỗ Mười và thủ tướng Võ Văn Kiệt sang Bắc Kinh đánh dấu sự bình thường hóa, Trần Quang Cơ gọi là sự lệ thuộc hóa  đối với Trung Quốc.

1992: Bill Clinton đắc cử tổng thống Mỹ. Mỹ giảm sự hiện diện quân sự tại Châu Á – Thái Bình Dương. Chính sách kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (mở cửa kinh tế nhưng vẫn duy trì độc tài đảng trị) của Trung Quốc mà Việt Nam cố bắt chước không gặp khó khăn.

11.07.1995: Bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ.

28.07.1995: Việt Nam gia nhập khối ASEAN

31.12.1999: Việt Nam và Trung Quốc ký hiệp định biên giới Việt – Trung trên đất liền. Ngày 20.06.2000 Quốc hội Việt Nam đã phê chuẩn. Hai nước đã hoàn tất việc cắm mốc biên giới.

25.12.2000: Việt Nam và Trung Quốc ký hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ và hiệp định hợp tác nghề cá. Ngày 15 tháng 6 năm 2004 Quốc hội Việt Nam khoá XI thông qua hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ và lễ trao đổi văn  thư phê chuẩn đã diễn ra ngày 30 tháng 6 năm 2004

03-11.01.2001: Tại đại hội toàn quân chuẩn bị cho đại hội 9 cuả ĐCSVN Lê Đức Anh đã tố cáo Lê Khả Phiêu (tổng bí thư ĐCSVN từ 1998) là trong lúc đi Trung Quốc đàm phán với Giang Trạch Dân đã dâng đất cho Trung Quốc, không đem theo ngoại trưởng Nguyễn Mạnh Cầm để dễ "thậm thụt". Nguyễn Chí Trung, thiếu tướng, trợ lý của Lê Khả Phiêu biện hộ cho Lê Khả Phiêu như sau:

          -Về nhượng đất: "Ta thỏa thuận chữa lại cột mốc biên giới ở…do Trung Quốc yêu cầu, họ lập luận trước kia do công nhân đưa cột mốc không tới đỉnh núi đành bỏ lại sườn núi, bây giờ đưa cột mốc lên đỉnh núi".

          -Về sự vắng mặt của ngoại trưởng Nguyễn Mạnh Cầm trong phái đoàn đàm phán biên giới: "Cầm không dự vì không đúng thành phần do Trung Quốc quyết định".

11.01.2007: Việt Nam gia nhập Tổ Chức Thương Mại Quốc Tế (WTO). Trung Quốc gia nhập ngày 11.12.2001. Việt Nam đã có thể gia nhập năm 1998 nhưng giờ chót đã đổi ý mà không đưa ra lý do nào. ĐCSVN không cải chính dư luận cho rằng Việt Nam không dám gia nhập WTO trước Trung Quốc.

-Quan hệ Việt – Trung: Thực tế bẽ bàng hơn nhiều (Nguyễn Gia Kiểng)

 

Tổng số lượt xem trang