Thứ Tư, 22 tháng 8, 2012

Viết tiếp bài Dân mất đất kêu than, “quan” biến thành “địa chủ”: Lại chia đất bất minh!

Báo Người cao tuổi các số 997, 998, 999 ra từ ngày 10 đến 16-12-2011 có loạt bài điều tra nêu rõ hàng trăm ha đất của bà con nông dân hai huyện Hòn Đất và Kiên Lương (tỉnh Kiên Giang) bị thu hồi, sau đó chia cho cán bộ để họ đem bán, cho thuê... Sau khi báo phát hành, dư luận cả nước hết sức quan tâm, bức xúc. Thế nhưng...    

Làm trái chỉ đạo của Thủ tướng

Trong loạt bài của mình, Báo Người cao tuổi đã phác họa bức tranh chia cấp đất đai cho cán bộ (CB) với quy mô “khủng”, lên đến hàng nghìn ha tại Tứ giác Long Xuyên… Dư luận đặt câu hỏi, có hay không một chủ trương từ cấp lãnh đạo cao nhất tại địa phương, để theo đó, đại “phong trào xẻ đất” được các cấp, các ngành “răm rắp” thấm nhuần, quán triệt? Bởi, không chỉ các ban ngành, đoàn thể như Liên đoàn Lao động, Hội Phụ nữ... mà cả những cơ quan, đơn vị uy quyền, "đỉnh cao" là Văn phòng Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Công an tỉnh, Thanh tra, Toà án... cũng có phần chia đất. Hơn thế, trong danh sách "hưởng lộc" có cả tên những “công bộc” thuộc hàng đầu ngành, đầu tỉnh (không ít người hiện đã chuyển công tác lên Trung ương)... Tuy nhiên, vì lợi ích "CB nhà", chủ trương ấy (nếu có) cũng là điều dễ hiểu. Song, một khi đã có sự cảnh báo, chỉ đạo từ cấp quốc gia nhưng việc chia cấp vẫn "vô tư" diễn ra, thì quả thật, không thể nào hiểu nổi!

Năm 2000, Quân khu 9 chuyển 700 ha đất lại cho tỉnh Kiên Giang quản lí và Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu tỉnh giao diện tích trên cho những gia đình không có đất sản xuất (Công văn 2.815 ngày 3-7-2000). Thế nhưng, bất chấp, gần như toàn bộ số đất này cùng hàng trăm ha đất khác được đem chia cho CB. Đáng lưu ý, trong số đó có tới hơn 400 ha là đất người dân đã bỏ công sức khai phá, cải tạo và đang sử dụng, canh tác...

Giờ đây lão nông này chỉ được “mân mê” thửa ruộng của mình trên tấm sơ đồ 
đứng tên người khác.

Lại bất minh chia đất

Sau khi Báo Người cao tuổi lên tiếng về khu đất 200 ha tại Kênh 9 thu hồi của dân mà không có quyết định, không bồi thường rồi bỏ hoang hoá mười mấy năm trời, tháng 5-2012, UBND xã Bình Giang đã tiến hành lập danh sách chia số đất này cho bà con. Tuy nhiên, trong danh sách nhận đất rất nhiều hộ mất đất không có tên. Chẳng hạn, ông Nguyễn Hoàng An, ngụ tại ấp Ranh Hạt có cha, chú và cậu ruột là liệt sĩ. Năm 1996, gia đình ông bị thu hồi 5 ha, hiện không có đất sản xuất phải đi làm thuê, kiếm sống qua ngày. Gia đình ông Nguyễn Hoàng Em (cùng ấp) có hai liệt sĩ, bản thân ông là bộ đội xuất ngũ, bị thu hồi 16 ha, hiện đang phải thuê lại đất của CB. Tương tự, hộ bà Trần Thị Đẹp, ngụ tại ấp Kênh 9 cũng là gia đình liệt sĩ, bị thu hồi 20 ha, hoàn cảnh hiện rất khó khăn về đời sống do thiếu đất canh tác...

Ngược lại việc hàng trăm hộ không có tên đang khiếu nại gay gắt thì trong danh sách xét chia đất lại xuất hiện những cái tên "lạ". Theo tố cáo, tên lạ là những CB (hoặc thân nhân họ), là những người năm 1998 đã được chính quyền cấp đất nhưng bán đi và nay không hề thiếu đất... Ví dụ, tại ấp Ranh Hạt, ông Nguyễn Văn Chót, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã được cấp 3 ha nhưng sau đó bán cho ông Mười Hai ở Sóc Xoài và đang canh tác tới 4 ha. Tương tự, ông Nguyễn Thành Công, công an ấp cũng được cấp 3 ha và đã từng cùng một số CB ấp khác bán 50 ha cho ông Phúc (ngụ tại huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp). Bà Nguyễn Thị Vân, vợ ông Hạnh, Trưởng ấp cũng được cấp 2 ha nhưng đã bán tới 6 ha cho ông Lại cùng ấp (ông Hạnh cũng là người cùng ông Công bán 50 ha cho ông Phúc)...

Ngoài “nghịch cảnh” trên, nhiều người dân còn cho biết, họ không được họp hành, thông báo về việc chia 200 ha này. "CB âm thầm ngồi ban phát từ khi nào chúng tôi đâu có biết. Đã thế, chỉ có 2/5 ấp niêm yết danh sách xét chia”, một người dân bức xúc.

Không “ăn” được thì... để đấy?

Tiếp xúc phóng viên, ông Giang Quang, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòn Đất cho rằng, danh sách trên mới chỉ là “khảo sát, thống kê, dự kiến… Sau đó mới họp dân, công khai, làm đúng quy trình". Tuy nhiên, lời trình bày của vị lãnh đạo này xem ra mâu thuẫn với thuộc cấp khi ngay dưới bản danh sách xét giao đất, ông Chủ tịch UBND xã Bình Giang ghi rõ: Trong vòng 15 ngày nếu có khiếu nại, thắc mắc gửi về UBND xã hoặc thanh tra huyện, sau thời hạn trên sẽ không được giải quyết, vậy, làm gì có chuyện họp dân “công khai, minh bạch”?

Về đối tượng nhận đất, theo ông Quang, đó là những hộ bị thu hồi đất năm 1996 chưa được bồi hoàn, hộ làm ruộng có hoàn cảnh khó khăn và hộ gia đình chính sách. Thế nhưng, khi phóng viên hỏi có bao nhiêu hộ bị thu hồi chưa được bồi thường thì ông bảo “huyện không nắm”. Tương tự, trả lời câu hỏi về tổng số hộ có nhu cầu cấp đất, vị Phó Chủ tịch phụ trách nông lâm nghiệp cũng nói "không thống kê được". Còn về những CB có tên xét cấp, ông cho hay "sẽ xem xét lại"...

Xem xét lại là việc phải làm. Song, không hiểu sao, đã gần một quý trôi qua, việc chia đất "công khai, theo đúng quy trình" vẫn chưa thấy diễn ra. Trong lúc, mùa vụ trồng cấy đã “khuất xa” rồi!

Điều tra của Mạc Hồng Kỳ

Viết tiếp bài Dân mất đất kêu than, “quan” biến thành “địa chủ”: Lại chia đất bất minh!

-


Biến đất “vàng” của dân thành bãi chăn bò

Một số gia đình liền kề tiếc đất bỏ hoang tranh thủ trồng rau. Hai năm trở lại đây, lô đất được xây tường bao kín chỉ chừa một lối vào, trở thành nơi lí tưởng cho những cậu bé chăn trâu tha hồ chơi không sợ trâu lạc…

Ông Lê Bá Sáu, Chủ tịch UBND xã Quảng Tân cho biết: “Trước đây, là đất canh tác của nhiều hộ dân. Mảnh đất đồng chiêm màu mỡ, nước tưới tiêu thuận lợi mỗi năm cho hai vụ bội thu”. Ngày 26-4-2004, UBND tỉnh Thanh Hóa quyết định thu hồi 33.087m2 khu đất trên tạm giao cho Công ty TNHH Nguyên Hà (trụ sở tại 341 đường Giải Phóng, phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) thuê để hoàn thiện hồ sơ sử dụng đất và chuẩn bị dự án đầu tư. Đến gần một năm sau, ngày 4-2-2005, lô đất trên mới được UBND tỉnh ra Quyết định số 422/QĐ-UB giao 26.900 m2 đất cho Công ty TNHH Nguyên Hà thuê 50 năm để xây dựng nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi. Diện tích còn lại 6.187m2 đã bồi thường giải phóng mặt bằng giao cho UBND huyện Quảng Xương quản lí (theo Công văn số 423 ngày 4-2-2005, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Văn Ninh kí).

Thửa đất đã tám năm nay để hoang hóa thành bãi chăn bò.

Một năm sau, ngày 16-10-2006 Công ty TNHH Nguyên Hà có văn bản trả đất, sau đó 10 ngày Công ty Cổ phần Thương mại Hải Hà (CTy CPTM Hải Hà) có văn bản thuê lại lô đất trên. Ngày 1-12-2006, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Mai Văn Ninh kí Quyết định số 3541/QĐ-UB thu hồi đất của Công ty TNHH Nguyên Hà tại xã Quảng Tân giao cho CTy CPTM Hải Hà thuê xây dựng Trung tâm thương mại và làm dịch vụ phân phối ô-tô. Thời hạn thuê đất đến năm 2055. Nhưng tới tận ngày 1-9-2010, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến chính thức ra Quyết định số 3087/QĐ-UBND, thu hồi quyết định giao đất trước đó và giao lại cho CTy CPTM Hải Hà thuê lô đất trên với 29.310m2.

Tuy nhiên, qua nhiều lần báo cáo tiến độ dự án, Trung tâm Thương mại vẫn chẳng thấy đâu. Người dân trong thôn chỉ còn biết tiếc hùi hụi vì đất “nạc” bỏ hoang hóa nhiều năm, số tiền đền bù ít ỏi thì chẳng thấm vào đâu so với cuộc sống nghèo khó quanh năm chỉ trông vào đồng ruộng. Trước, đường dẫn vào thôn đi qua cánh đồng lúa bát ngát, nay “án ngữ” là những bức tường bao cao quá đầu người. Nhưng vì sự phát triển của quê hương, người dân trong thôn vẫn hi vọng dự án được nhanh chóng triển khai. Song cái vòng luẩn quẩn vẫn cứ kéo dai dẳng hết năm này qua năm khác: Người dân kêu đến xã, xã ý kiến lên huyện, huyện báo cáo tỉnh, tỉnh thúc giục doanh nghiệp, còn doanh nghiệp thì trì hoãn. Công ty cam kết hoàn thành đầu tư xây dựng đưa công trình vào sử dụng trước tháng 12-2011 nhưng đầu tháng 4-2012, CTy CPTM Hải Hà lại có văn bản xin chuyển đổi mục đích sử dụng lô đất trên. Tuy nhiên, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ra văn bản yêu cầu Công ty hoàn thiện hồ sơ chuyển mục đích sử dụng, thời hạn quy định trước ngày 20-5-2012 gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường. Quá thời hạn trên, Công ty vẫn không có tín hiệu, ngày 30-5-2012, UBND tỉnh Thanh Hóa ra Quyết định số 3549/UBND-NN giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường tiến hành thực hiện trình tự, thủ tục, lập hồ sơ thu hồi đất của CTy CPTM Hải Hà, giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất Thanh Hóa. Ông Nguyễn Đức Hạnh, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết: Hiện Sở Tài nguyên và Môi trường đã trình hồ sơ thu hồi đất của CTy CPTM Hải Hà sang UBND tỉnh xem xét.

Vậy là sau hơn tám năm chờ đầu tư dự án vẫn nằm trên giấy. Luật Đất đai đã quy định sau 12 tháng dự án không được triển khai Nhà nước sẽ tiến hành thu hồi đất. Việc Công ty CPTM Hải Hà cố tình kéo dài việc triển khai dự án, chứng tỏ năng lực tài chính của doanh nghiệp này kém? Liệu còn hay không những thửa ruộng chịu chung số phận với lô đất trên?

Thanh Thảo

Tổng số lượt xem trang