Bí Mật Ngũ Giác Đài – Phần IV – A3
QUAN HỆ GIỮA VIỆT NAM VÀ HOA KỲ
1945 – 1967
IV-A-3
DIỄN BIẾN CỦA CHIẾN TRANH
HOA KỲ VÀ PHÁP RÚT KHỎI VIỆT NAM
1954 – 1956
Lời người dịch:
Từ thuở nhỏ mãi đến bây giờ tôi chỉ biết thông tin là ông Diệm do Hoa Kỳ đưa về và hệ luận tuyên truyền tất nhiên là ông Diệm chỉ là một thứ bù nhìn con rối cho Hoa Kỳ. Biết Hoa Kỳ thay chỗ cho Pháp nhưng không biết diễn biến ra sao? Biết Bảo Đại mời Diệm về làm Thủ Tướng nhưng rồi Diệm truất phế Bảo Đại kéo theo lời kết án kẻ phản thùng, phản chủ.
Phần IV-A-3 này kể lại rất rõ:
Bảo Đại đã bổ nhiệm ông Diệm làm Thủ Tướng ngày 16-06-1954 (*). Khi ông Diệm nắm chức Thủ Tướng Miền Nam Việt Nam, Pháp, Hoa Kỳ, quân đội (đứng đầu là các Tướng tay sai của Pháp), các giáo phái tất cả đều chống ông. Khi ông Diệm cho quân đội tấn công Bình Xuyên, Bảo Đại muốn truất quyền ông Diệm (cũng do Pháp áp lực). Bình Xuyên vốn dĩ là một tập hợp của 6 ngàn thảo khấu trùm cờ bạc và đĩ điếm (Sòng bạc Kim Chung Đại Thế Giới ở Chợ Lớn) đứng đầu là Lê Văn Viễn tức Bảy Viễn. Tổng Nha Cảnh Sát Đô Thành cũng dưới tay của Bảy Viễn. Bảy Viễn nộp tô hàng năm 40 triệu đồng Đông Dương cho Bảo Đại. Chỉ nội chuyện này cũng đủ thấy Bảo Đại không xứng đáng làm vua nói chi ông ta chỉ là kẻ ăn chơi cờ bạc. Điều này, theo tôi, không những rữa được tiếng oan phản chủ, ông Diệm và các nhân sĩ chính trị thời đó đã rất thức thời và xứng đáng. Pháp cho rằng ông Diệm là kẻ bất tài và điên khùng. Người Hoa Kỳ cũng không thấy ông Diệm có tài cán gì cũng muốn thay ông nhưng rồi tìm mãi cũng không thấy ai khá hơn và họ chỉ thấy ở ông Diệm một con người liêm chính.
Đến khi ông Diệm móc nối được với Cao Đài và Hòa Hảo (với Bình Xuyên là cả ba nhóm đều được Pháp tài trợ và trang bị) dẹp được loạn Bình Xuyên, xác nhập quân giáo phái Cao Đài và Hòa Hảo vào quân đội VNCH thì Hoa Kỳ đổi thái độ quay ra ủng hộ ông Diệm hết mình. Điều này, đối với tôi, rõ ràng là không có chuyện ông bù nhìn Diệm được Hoa Kỳ đưa về.
Phần tài liệu này cũng cho thấy ông Diệm là người không phải là loại dễ bảo, ông là người có tình thần bài Pháp, bài ngoại. Ngay từ đầu người Hoa Kỳ cũng thấy ông là người chính trực theo kiểu “cây ngay không sợ chết đứng” – có lẽ tính này đã góp phần vào cái khư khư “tôi đâu có làm gì sai” trong vụ nổ lựu đạn chết người ở Đài Phát Thanh Huế khởi đầu cho biến cố Phật Giáo rồi đưa đến cái chết thương tâm của hai anh em ông (Phần IV-B-5 Lật Đổ Ngô Đình Diệm cũng có nói về ý này).
Trong phần IV-3-2 này cũng khẳng định rất rõ là Hoa Kỳ muốn giữ Miền Nam Việt Nam không bị mất vào tay Cộng Sản trong khi người Pháp còn muốn níu kéo, tính chuyện hợp tác với miền Bắc về kinh tế, văn hóa; tính chuyện cài thế tròng vòng Kim Cô lên chính phủ miền Nam Việt Nam để bảo vệ những quyền lợi Thực Dân của họ.
Ông Diệm tổ chức Trưng Cầu Dân Ý truất phế Bảo Đại, dù có tin là bầu cử không ngay thẳng, 98% người bầu đã đồng ý. Chính thể mới Việt Nam Cộng Hoà được thành lập vào ngày 26 tháng 10 năm 1955 và ông được bầu làm Tổng thống nền Đệ nhất Cộng hòa Việt Nam vào ngày 23 tháng 10 năm 1955. Sau chiến thắng “vang dội” cuộc Trưng Cầu Dân Ý, Hoa Kỳ quay ra hết lòng hổ trợ cho ông Diệm .
Hội nghị ba bên gồm Anh, Pháp, Hoa Kỳ vào tháng 5, 1955 đã thúc đẩy sự ra đi của Pháp – đến tháng 4, 1956 quân Viễn Chinh Pháp chỉ còn 5000 và Bộ Tư Lệnh Quân Sự của Pháp bị giải tán. Sau hội nghị ba bên, từ nay Hoa Kỳ sẽ tự lo liệu thẳng với Việt Nam – Thực Dân Pháp chính thức “foudre le camp” khỏi Việt Nam.
Vụ Tổng Tuyển Cử quy định trong Hiệp Định Geneve bị ông Diệm từ chối thi hành – Nhiều năm rồi tôi cứ nghĩ là ông Diệm lật lọng vì nghe lời Hoa Kỳ. Hóa ra không phải vậy, ông kiên quyết chỉ tổ chức bầu cử khi phía bên kia (VNDCCH) chấp nhận bầu cử hoàn toàn tự do, bầu kín và có quốc tế kiểm soát – Điều mà trong tài liệu cho biết là phía bên kia không đồng ý – Vả lại, chính phủ miền Nam Việt Nam đã phản đối và không ký kết Hiệp Định Genève . Đất Nước bị tạm chia 2 năm thành 20 năm, hai mươi năm chiến tranh tàn phá để rồi thống nhất với giá đau thương là 3 triệu người chết … Tôi không thể phán xét gì vì trò chơi chính trị này nó lớn quá nhưng nhìn dưới lăng kính của những gì xảy ra trong mấy mươi năm qua, liệu Đất Nước thống nhất năm 1956 như theo Hiệp Định Genève có thành một thứ Bắc Triều Tiên đầy đau khổ và sắc máu không? Liệu hai tiếng Độc Lập Tự Do trước quãng trường Ba Đình tháng 9 năm 1945 còn vang dội hay không hay đã tan biến trong lá cờ Búa Liềm dưới vòm trời năm, sáu sao lớn nhỏ?
Hôm nay đọc bài nhận lỗi của TT Nguyễn Tấn Dũng trước Quốc Hội có câu “tất cả vì Tổ quốc vì nhân dân, vì Đảng vì chế độ, vì sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước”. Hai chữ “Tổ Quốc” và “Nhân dân” đước trước “Đảng” hình như có gì khác thường – từ trước đến nay từ “Đảng” luôn luôn là đứng trước. Một sự khác thường đáng trân trọng … miễn đó là thực tâm thực lòng của những kẻ kế thừa cho thế hệ Điện Biên … Rất mong.. rất mong…..
Xem thêm
(2) các phần chữ nghiêng nằm trong dấu móc vuông là tác giả ghi thêm cho rõ nghĩa
Nguyễn Quốc Vĩ
Paris, tháng 10/2012
Phần này của nghiên cứu liên quan đến quan hệ giữa Pháp, Hoa Kỳ và Nhà nước Việt Nam theo thứ tự thời gian trong những hậu quả của Hội nghị Genève. Sau đây là các phần:
Tóm Lược
Diễn Tiến Theo Thời Gian
Nội dung
Phần chú thích
IV-A-3
HOA KỲ VÀ PHÁP RÚT KHỎI VIỆT NAM
1954 – 1956
Tóm Lược
Diễn Tiến Theo Thời Gian
Nội dung
Phần chú thích
Việt Nam là một thử thách của Pháp thời đó. Thất bại quân sự [của Pháp] trước Việt Minh -- chưa từng có việc Châu Á chiến thắng Châu Âu - chỉ là một trong những thuốc thử về chính trị: đã có sự thất vọng và chán ngán mãnh liệt giữa cánh hữu Pháp đã xác tín rằng nông dân chân lấm tay bùn Châu Á có thể làm mất đi công lao một thế kỷ lao động tốn kém của Pháp trong "nhiệm vụ khai hóa, " và gây nguy hiểm cho những đầu tư lớn nhất của thủ đô nước Pháp ở vùng Viễn Đông. Khu vực đồng bằng Bắc Bộ được xem là nơi tiêu biểu một cách đặc biệt tất cả những gì Việt Nam có về Pháp [Pháp hóa]. Bắc Bộ, so với toàn cõi Việt Nam, là nơi Pháp có phần kinh tế cao nhất, nơi mà phong cách sống của dân bản địa đã hoàn toàn hào nhoáng theo văn hóa Pháp, là nơi tập trung giáo dục Việt Nam - Đại học Hà Nội, với toàn cán bộ giảng dạy là người Pháp - và là nơi mà Công giáo phát triển mạnh mẽ trong những vùng nông thôn dân giả. Như vậy, triệt thoái khỏi Bắc Bộ theo các điều khỏan giải quyết của [Hiệp Định] Genève là một đau đớn, so với cảm giác thua trận Điện Biên Phủ dù nhục nhã thế nào vẫn còn ít hơn với một cảm giác bị bỏ rơi: một kỷ nguyên đã khép lại, Pháp đã bị xuống cấp.
Nếu việc giải quyết đã được được hoàn thành đúng như Hiệp Định Genève, Pháp đã có thể đã giữ lại một sự hiện diện và ảnh hưởng của họ ở Việt Nam, việc đã có thể xoa dịu cả hai phe Hữu và phe Tả. Bất kể thế nào, đã không có một hình thành dư luận đáng kể ở Pháp muốn Pháp nên tiếp tục lèo lái chính trị Việt Nam hoặc quân đoàn viễn chinh Pháp nên giữ nguyên vẹn ở đó không suy giảm – [nhưng] trước thực tế về VNDCCH và nhu cầu cấp bách ở Bắc Phi làm như vậy là không thể kham nỗi [*]. Phe Tả và phe Đứng giữa là khá sẵn sàng để Pháp rút theo công thức Genève, thậm chí có phe "Đông Dương" trong quân đội công nhận ưu tiên là dành cho Algeria. Nhưng cuối cùng, Pháp đã phải chấp nhận triệt thoái, cùng lúc với Hoa Kỳ, mà không lo giải quyết [điều khoản] tổng tuyển cử [đã được qui định trong Hiệp Định Genève], và như thế đã tham gia thêm một lần thứ hai vào việc bị bỏ rơi cuối cùng.
[*] lời bàn người dịch: kháng chiến Algerie chống Pháp thời đó đang 50/50 giữa phe cải lương muốn dành Độc Lập bằng con đường chính trị - nghị viện + cải lương, phe muốn dùng vũ khí chiến đấu. Ngay khi nhân tin Việt Nam thắng Pháp ở trận Điện Biên Phủ, lập tức kháng chiên Algerie đêm đó đã bỏ phiếu lấy quyết định tiến hành vũ trang kháng chiến.
Việc Hoa Kỳ thế chỗ cho Pháp ở miền Nam Việt Nam, và sự thất bại của việc thi hành Hiệp Định Genève, cả hai cũng diễn tiến thuận lợi vào giữa năm 1956, đã ngăn cản cánh Tả của Pháp đạt triển vọng hợp tác với Hồ Chí Minh trong một kinh nghiệm sống chung như một tiền lệ. Nó làm các phe nhóm ôn hòa, những người đã hy vọng sẽ duy trì ảnh hưởng văn hóa và cứu vớt tài sản của người Pháp, thất vọng. Nó gây tức giận cho phe nhóm cánh Hửu, trong đó mỗi cá nhân tự giải thích chính sách của Hoa Kỳ ở Việt Nam. Không một phe phái nào tìm cách giữ chân Pháp ở đó, nhưng tất cả đã cố gắng để phác họa những nuôi dưỡng chính trị phát xuất từ những đối xử gay gắt của Hoa Kỳ.
Trong quá trình Pháp rút quân ra khỏi Việt Nam, trên thực tế, đã gây căng thẳng cho liên minh phương Tây. Việc Pháp đã suýt từ chối gia nhập Cộng đồng Quốc Phòng Châu Âu ngày 30 Tháng 8 năm 1954, có thể một phần vì Liên Xô đã giúp đỡ cho nước Pháp tại Genève [*]. Nhưng chắc chắn rằng nhiều người Pháp đã tự thuyết phục mình rằng Hoa Kỳ và Vương quốc Anh đã không hổ trợ đủ cho Pháp trong giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh, và tại Hội nghị. Và nó cũng không kém phần chắc chắn rằng chính sách của Hoa Kỳ sau Genève đã làm cho tình cảm xa lánh Hoa Kỳ ở Pháp trở nên rộng rãi, và nó đã tạo ra sự mất tin tưởng [lẫn nhau] mà trong cuộc khủng hoảng Suez vào mùa hè năm 1956, nó đã trở thành việc hoàn toàn không tin tưởng nhau.
[*] Lời người dịch: Ý kiến chia hai Việt Nam là do Ngoại Trưởng Liên Xô đưa ra – ý kiến này phù hợp với ý đồ của Trung Cộng và Pháp (giúp Phát rút lui trong “danh dự”)
Sau Hội nghị Genève, tất cả các nước tham gia Hiệp Định, với một ngoại lệ quan trọng, đều dự đoán rằng nước Pháp sẽ ở lại Việt Nam. Trường hợp ngoại lệ đó là nhà nước Việt Nam, mà Thủ Tướng là ông Ngô Đình Diệm, một người có quyết tâm nhổ gốc ảnh hưởng của Pháp đồng thời với tiến tới việc thành lập một chính phủ dân tộc thật sự độc lập. Bước đầu, chính sách của Hoa Kỳ là hướng tới một quan hệ đối tác với Pháp, cùng Pháp bảo trợ ông Diệm và quốc gia mới được độc lập mà ông đứng đầu.
Tuy nhiên, hầu như cùng lúc, chính sách của Hoa Kỳ đã bắt đầu đáp ứng khẩn cấp về quân sự, và điều này lần hồi đã đưa Hoa Kỳ vượt qua mối quan hệ đối tác để vào vị trí người cầm chịch. Tháng Chín năm 1954, SEATO [Hiệp Ước Liên Phòng Đông Nam Á] đã mỡ rộng việc bảo vệ của nó để bao gồm Việt Nam [Cộng Hòa] thông qua Nghị Định Thư Hiệp Ước Manila. Hoa Kỳ muốn thông qua SEATO để ngăn chận việc sự bành trướng củA cộng sản nhiều hơn nữa, và đã thấy việc biến Việt Nam thành một tiền đồn quan trọng trong phòng tuyến ngăn chặn đó. Hoa Kỳ đã xác định rằng Việt Nam sẽ trở thành tiếng nói chính trị, đầy đủ về kinh tế, và có khả năng quân sự để tự bảo vệ mình, đối phó với cuộc xâm lược từ miền Bắc Việt Nam, và đóng góp vào sức mạnh răn đe của liên minh SEATO. Pháp, sau đó dính với các chia rẽ chính trị nội bộ, và bị phiền phức với vấn đề Algeria, sinh ra nghi ngờ, do dự, và miễn cưỡng không thường xuyên có mặt trong việc hỗ trợ cho Việt Nam đối với các mục tiêu nói trên. Hoa Kỳ đã không sẳn sàng chờ đợi. Vào cuối tháng chín năm 1954, Hoa Kỳ cắt bỏ vai trò trung gian của Pháp trong tất cả các hỗ trợ cho Việt Nam, và bắt đầu đối tác trực tiếp với Diệm, chính phủ, và các lực lượng vũ trang của ông.
Pháp không sẵn sàng chấp nhận vai trò mở rộng này của Hoa Kỳ, cũng không hoàn thành thỏa thuận với Chính phủ Hoa Kỳ rằng Hoa Kỳ nên theo đuổi tiếp tục gánh vác [một mình] bên cạnh Pháp. Sau sự sụp đổ năm 1954, mối quan hệ Pháp-Hoa Kỳ trở nên tồi tệ, và một cuộc tranh luận về chính sách đã phát sinh ở Washington. Một lần nữa, quân sự đã được nổi lên như là một vấn đề tối quan trọng cần được xem xét. Hội Đồng Tham Mưu Trưởng Liên Quân nguyên thủy trước kia đã phản đối lấy trách nhiệm đào tạo quân đội Việt Nam [Cộng Hòa]. Tuy vậy họ đã lấy lập trường rằng nếu các cân nhắc về chính trị chi phối việc tham gia của Hoa Kỳ" Hội Đồng Tham Mưu Trưởng Liên Quân sẽ đồng ý phân công một đoàn công tác đào tạo MAAG ở Sài Gòn, với các biện pháp bảo vệ chống lại sự can thiệp của Pháp trong nhiệm vụ đào tạo của Hoa Kỳ." Cho kế hoạch này, ngày 26 tháng 10, 1954, Bộ trưởng Quốc phòng, hành động thay mặt cho Tổng Thống, hướng dẫn Hội Đồng Tham Mưu Trưởng Liên Quân để chuẩn bị triển khai một "chương trình dài hạn cho việc tổ chức và đào tạo một số lượng tối thiểu các lực lượng Việt Nam Tự Do cần thiết cho an ninh nội bộ của họ." và chuẩn bị một quan hệ làm việc thích hợp để tiếp tục với người Pháp đến năm 1955, và đòi hỏi phải gửi tướng J. Lawton Collins đến Việt Nam, với tư cách Đại sứ, để có được một thỏa thuận ba bên gồm Sài Gòn, Paris và Washington cùng chấp nhận. Trong tháng Chín 1954, JCS [Joint Chiefs Of Staff tạm dịch là Hội Đồng Tham Mưu Trưởng Liên Quân] bày tỏ những nghi ngại nghiêm trọng về sự thành công của một cam kết đa thành phần như vậy. Tuy nhiên, NSC [Hội Đồng An Ninh Quốc Gia] coi trọng tiếng vang của chính sách, và phán quyết này đã được khẳng định từ Nam Việt Nam của Tướng Collins. Collins báo cáo rằng:
“Sẽ là thảm hoạ nếu quân viễn chinh Pháp được rút sớm vì từ lúc đó Việt Nam sẽ bị tàn phá bởi một cuộc tấn công của đối phương trước khi các cường quốc Hiệp ước Manila có thể khởi sự...”
Collins đề nghị rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục viện trợ quân sự cho Pháp để "khuyến khích người Pháp để giữ lại đủ lực lượng." Trong khi chờ đợi, các sự kiện đang xảy ra tại Việt Nam dường như ủng hộ những người, như JCS, tiếp tục thoải mái đưa ra những ý kiến dè chừng một cách mạnh mẽ về tương lai của Ngô Đình Diệm và chính phủ của ông. Diệm đã xoay sở để sống sót sau nhiều cố gắng đảo chính bởi các nhà lãnh đạo quân đội, và ông đã thành công trong việc duy trì một nền hòa bình mà không ai hài lòng với nhiều phe phái vũ trang ở Nam Kỳ. Tuy nhiên, tương lai chính trị của ông vẫn còn có vấn đề, ngay lúc tốt nhất. Đồng thời, phái bộ Pháp tại Hà Nội đã gây sức ép một cách mạnh mẽ để bảo vệ đặc quyền kinh tế và văn hóa của Pháp ở miền Bắc Việt Nam, và một số lãnh đạo chính trị Pháp ở Paris đã nói một cách khoa trương về hình thái hợp tác dựa trên nguyên trạng (modus vivendi) với VNDCCH để trở thành một mô hình cho mối quan hệ Đông-Tây – một chủ trương đầy băn khoăn gửi cho Ngoại trưởng Hoa Kỳ và cho những ai trong Chính quyền đang chia sẻ niềm tin với họ. Cuối cùng, song song với những phát triển của tình hình, Hoàng Đế Bảo Đại, để chống lại chiến dịch chính trị hay những chưởi rủa chống lại ông của Diệm, đã tích cực tìm kiếm người khác để thay thế Diệm.
Tất cả sự căng thẳng nói trên đã dồn vào hai vấn đề trọng tâm giữa Hoa Kỳ và Pháp. Việc đầu tiên là câu hỏi làm thế nào và bởi ai lực lượng vũ trang của Việt Nam sẽ được đào tạo. Thứ hai, và sâu rộng hơn, là liệu Ngô Đình Diệm là vẫn còn là người đứng đầu chính phủ Việt Nam, hay ông sẽ bi thay thế bởi một lãnh tụ quốc gia khác được cảm tình của Bảo Đại và Pháp. Vấn đề đầu tiên đã được giải quyết tương đối nhanh. Tướng Collins đã đạt được một thỏa thuận với Tướng Ely tại Việt Nam, bất chấp những quan ngại nghiêm trọng tại Paris, Pháp đã đồng ý để chuyển việc đào tạo quân đội Việt Nam sang cho Hoa Kỳ và rút đi nhân viên Pháp. Ngày 12 tháng Hai năm 1955, Hoa Kỳ [chính thức] đảm nhận trách nhiệm đào tạo lực lượng Việt Nam, và việc chia cách với Pháp bắt đầu.
Tuy nhiên, những tranh cãi chính trị về Diệm không dễ dàng giải quyết. Diệm làm trầm trọng thêm vấn đề với thái độ ngày càng kịch liệt chống Pháp và Bảo Đại. Về phần mình, Hoa Kỳ không chú ý với tác động lên Pháp bởi các chiến binh chống cộng sản của Diệm - thường xuyên nhắm vào cánh Tả của Pháp - và [cũng không chú ý tới] sự hận thù được khuấy động bởi những tuyên bố mô tả Hoa Kỳ như là người bạn duy nhất của chủ nghĩa dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, Hoa Kỳ đã cảnh báo với Pháp là Diệm là người không có khả năng thống nhất chủ nghĩa dân tộc Việt Nam. Do đó, ý kiến thay thế Diệm do Pháp tư vấn cho Hoa Kỳ, đã được đồng tình từ Đại sứ Collins tại Việt Nam. Trong suốt mùa đông và mùa xuân, Ngoại trưởng Dulles và Bộ Ngoại Giao nói chung dường như sẳn sàng xem xét thuận lợi cho đề nghị là cần đưa một người khác lên thay [Diệm] nắm quyền lãnh đạo Việt Nam. Tuy nhiên, mặc dù đã có một cuộc tìm kiếm kỹ lưỡng, nhưng kết quả đã được xác định là không một lãnh tụ quốc gia nào có phẩm chất cạnh tranh được với Diệm.
Cả Hoa Kỳ và Pháp sau đó đã bị quyện dính trong vòng vây các các sự kiện. Các giáo phái vũ trang trực tiếp thách thức thẩm quyền của Diệm, và ông Diện đã trả lời bằng vũ lực. Một cuộc đình chiến không dễ dàng đã kết thúc các cuộc đụng độ đầu tiên vào tháng Ba, và trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trong tháng 4 năm 1955, Hoa Kỳ, Pháp, và Bảo Đại tích cực tìm kiếm để mang lại một sự thay đổi trong Chính phủ Việt Nam. Ngày 28 tháng 4, Diệm, chống lại tư vấn của Hoa Kỳ, chống lại lời khuyên của Pháp, và chống lại lời khuyên của chính nội các của ông, đã tiến hành một lần nữa tấn công các giáo phái. Khi Bình Xuyên nổ dậy ở Sài Gòn, ông đã điều quân đội Việt Nam đến đánh họ. Lực lượng của Diệm đã giành được một chiến thắng quân sự ngay lập tức, và đồng thời lúc đó, em trai của Diệm, [Ngô Đình] Nhu, cùng tham gia một Ủy Ban của những người quốc gia đã kêu gọi loại bỏ Bảo Đại, và chuyển giao quyền lực dân sự và quân sự cho Diệm.
Được cổ vũ bởi thành công của Diệm, Hoa Kỳ tuyên bố sẽ rõ ràng hỗ trợ cho Diệm chống lại Bảo Đại. Sự lựa chọn của Hoa Kỳ gây ra những khó khăn nghiêm trọng cho Pháp. Chính phủ Pháp tin rằng "Ủy Ban Cách Mạng" của Nhu là có ảnh hưởng của Việt Minh, và họ rất bực bội về việc tái diễn một chiến dịch của Chính phủ Việt Nam chống lại sự hiện diện của Pháp. Trong tháng 5 năm 1955, Pháp, Hoa Kỳ và Anh đã gặp nhau tại Paris để thảo luận về việc phòng thủ Châu Âu, nhưng Pháp đã kịp thời đưa Việt Nam thành một điểm chính của chương trình nghị sự. Pháp khẳng định rằng Hoa Kỳ, trong việc ủng hộ Diệm, đã nhất thiết buộc Pháp phải rút hoàn toàn ra khỏi Việt Nam. Bộ trưởng Ngoại giao Pháp, ông Faure đã cho rằng Diệm là "không những không có khả năng mà còn là kẻ điên... Pháp không thể chấp nhận rủi ro với ông ta." Bộ trưởng Dulles trả lời rằng Hoa Kỳ có lưu tâm về các điểm yếu của Diệm, nhưng nhấn mạnh thành công gần đây của Diệm bù lại đã cho thấy phẩm chất [của ông ta]. Tuy nhiên, Dulles nói "Việt Nam không đáng để [Hoa Kỳ] cãi nhau với Pháp," và đề nghị Hoa Kỳ sẽ rút đi để dành ưu tiên cho việc Đồng Minh không bị mất đoàn kết. Không quyết định nào được thực hiện ngay lập tức, và trong giờ nghỉ, Ngoại trưởng Dulles nhận được lời khuyên từ Hội Đồng Tham Mưu Trưởng Liên Quân rằng Diệm dường như là con đường hứa hẹn nhất để đạt được các mục tiêu của Hoa Kỳ, và việc rút quân viễn chinh Pháp "sau rốt là điều được mong muốn", cần ngăn chận một cuộc rút quân hấp tấp vì nó sẽ dẫn đến một tình hình ngày càng không ổn định và bấp bênh" và cuối cùng là mất miền Nam Việt Nam vào tay cộng sản. Bộ trưởng Dulles sau đó đề xuất với người Pháp rằng họ tiếp tục ủng hộ Diệm cho đến khi một quốc hội được bầu. Việc Anh hỗ trợ cho Diệm dường như đã ảnh hưởng tới Faure, và ông này đã chấp nhận đề nghị của Dulles. Cuộc họp ba thành phần đã kết thúc với một lưu ý về sự hòa hợp, nhưng rốt cuộc là khác biệt: những ngày của chính sách hỗn hợp Hoa Kỳ-Pháp đã chấm dứt, sau đó, Hoa Kỳ sẽ hành động độc lập với Pháp tại Việt Nam.
Được hỗ trợ bởi Hoa Kỳ, Diệm từ chối tham khảo ý kiến với Bắc Việt liên quan đến cuộc tổng tuyển cử mà ngày dự định tiến hành [theo Hiệp Định Genève] vào tháng Bảy năm 1955. Siết chặc các lợi thế quân sự của mình chống lại các giáo phái, ông tiến hành những động tác chính trị để củng cố vị trí của mình ở miền Nam Việt Nam. Trong tháng Mười, ông đã giành chiến thắng vang dội trong cuộc trưng cầu dân ý trong đó cử tri lựa chọn giữa Diệm và Bảo Đại. Khi sức mạnh chính trị của Diệm tăng, quan hệ của Diệm với Paris cũng xấu đi. Tháng 12 năm 1955, Diệm đột nhiên chấm dứt các thỏa thuận kinh tế và tài chính hiện có với Pháp, và kêu gọi Pháp phủ nhận hiệp định Genève và phá vỡ mối quan hệ với Hà Nội. Ngay sau đó, ông rút những đại biểu đại diện Việt Nam ra khỏi Quốc Hội Liên hiệp Pháp.
Ngày 02 tháng 1 Năm 1956, cuộc tổng tuyển cử ở Pháp đã tạo ra một chính phủ Xã Hội Guy Mollet, trong số đó 1/3 các thành viên là cộng sản hoặc tự thừa nhận là trung lập. Vào đầu tháng Ba, Bộ trưởng Ngoại Giao của Mollet, ông Pineau, đã tuyên bố trong một bài phát biểu trước Hiệp Hội Báo Chí Anh-Hoa Kỳ ở Paris rằng lập trường của Pháp là tích cực tìm kiếm một chính sách làm cầu nối giữa Đông và Tây, và cho rằng là đã không có sự nhất trí về chính sách giữa các nước Hoa Kỳ, Anh, và Pháp. Ông trích dẫn chính sách Trung Đông của Anh và sự hỗ trợ của Hoa Kỳ cho Diệm là trái với lợi ích của Pháp, và lên án cả hai cường quốc đã khuấy động thế giới Hồi giáo gây khác biệt có hại cho Pháp ở Bắc Phi. Một vài ngày sau đó, tại một cuộc họp của Hội đồng Điều Hành SEATO tại Karachi, Pineau tuyên bố kết thúc "kỷ nguyên xâm lược", và kêu gọi một "chính sách cùng tồn tại."
Hành động được tiếp theo lập trường của Pineau. Ngày 22 Tháng Ba năm 1956, Pháp đã đồng ý với Diệm để rút hoàn toàn FEC [French Expeditionary Corps: quân Viễn Chinh Pháp]. Ngày 26 tháng 4 năm 1956, Bộ Tư Lệnh Pháp tại Sài Gòn bị giải thể. Vào ngày cuộc tổng tuyển cử thống nhất đất nước đến hạn như đã thỏa thuận tại Genève, Pháp không còn sở hữu một lực lượng quân sự nào tại Việt Nam. Và ngày phải hoàn tất thực hiện các phần chính trị của thoả thuận đã được thu xếp vào tháng 7 năm 1956, lại trùng hợp với thời gian khởi đầu cuộc khủng hoảng Suez.
IV-A-3
HOA KỲ VÀ PHÁP RÚT KHỎI VIỆT NAM
1954 – 1956
Diễn tiến theo thời gian
Ngày
|
Sự Kiện hay Tài Liệu
|
Mô Tả
|
07-07-54
|
Diệm được bổ nhiệm làm Thủ Tướng Nam Việt Nam
|
Được Hoa Kỳ và Pháp kêu gọi, vua Bảo Đại bổ nhiệm Ngô Đình Diệm làm Thủ tướng Nam Việt Nam (Tự Do). Bảo Đại vẫn là người Lãnh Đạo Tối Cao hợp pháp, và hợp hiến. Pháp trở thành người bảo lãnh cho chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam (Tuyên Bố Cuối Cùng của Hội Nghị [Genève], Điều 7); với PAVN [quân đội Nhân Dân VN], bảo lãnh thỏa thuận đình chiến (Hiệp Định Genève, Điều 22, 23), và cuộc Tổng Tuyển Cử trên toàn cõi Việt Nam (Tuyên Bố Cuối Cùng của Hội Nghị, Điều 7)
|
21-07-54
|
Hiệp Định Genève được ký kết
|
Pháp đồng ý rút quân viễn chinh Pháp theo yêu cầu của chính quyền Bản Xứ (Tuyên Bố Cuối Cùng của Hội nghị, Điều 10, Tuyên Bố Đơn Phương, Pháp)
|
8, 12-8-54;
20-08-54
|
Hội Đồng an Ninh Quốc Gia họp;
NSC 5429/2
|
Chính sách của Hoa Kỳ đối với Việt Nam sau Genève. Kinh tế: tách Pháp ra khỏi mọi cấp độ lấy quyết định, tích hợp việc cải cách ruộng đất chung với việc tái định cư người tị nạn, làm việc với người Pháp nhưng "khuyến khích" họ chuyển giao tài chính, hành chính, kiểm soát kinh tế qua cho người Việt Nam. Trực tiếp cung cấp cho hỗ trợ cho người Việt Nam không thông qua Pháp. Quân sự: làm việc với Pháp, trong chừng mực cần thiết để xây dựng lực lượng quân đội bản địa để họ có thể tự lo an ninh nội bộ. Chính trị: Pháp phải trao hoàn toàn Độc Lập (bao gồm cả quyền rút khỏi khối Liên Hiệp Pháp) cho Nam Việt Nam và hỗ trợ một chính phủ bản địa mạnh. Diệm phải mở rộng chính phủ đến nhiều thành phần chính trị khác, bầu một Quốc Hội, dự thảo một Hiến Pháp và truất ngôi Bảo Đại một cách hợp pháp. Việc Pháp hỗ trợ và hợp tác trong các chính sách này là cần thiết; việc giữ lại FEC [quân Viễn Chinh Pháp] là cần thiết đối với an ninh của miền Nam Việt Nam.
|
8/1954
|
Phái Bộ Saiteny
|
Jean Sainteny được gửi đến Hà Nội để tìm cách bảo vệ quyền lợi kinh tế và văn hóa của Pháp ở VNDCCH. Ngụ ý chính trị của sứ mệnh làm Hoa Kỳ và tướng Paul Ely khó chịu, Cao Ủy Pháp ở miền Nam Ely nhận được một đảm bảo vững chắc từ Mendes-France rằng Pháp không chơi một "trò chơi hai mặt", không gửi Sainteny với mục đích xây dựng cầu nối chính trị. Mendes-France khẳng định lại sự ủng hộ của Pháp cho một miền Nam Việt Nam độc lập, mạnh mẽ.
|
08-09-54
|
Hiệp Ước Manila được ký kết
|
Liên minh quân sự chống cộng của Dulles đã được thực hiện tại SEATO. Các nước Đông Dương đã được bao phủ bởi một nghị định thư riêng bảo đảm các quốc gia SEATO sẽ chung sức bảo vệ trong trường một nước thành viên bị hợp lật đổ hoặc xâm lược.
|
27-29 tháng 9/54
|
Hội Nghị Washington
|
Pháp đồng ý hỗ trợ Diệm (ngược lại niềm tin của Pháp tin rằng Diệm sẽ không thể thống nhất hay bình ổn đất nước); đồng ý giữ FEC [quân Viễn Chinh] ở miền Nam Việt Nam, nhưng sẽ không chấp nhận bất cứ chỉ thị nào từ Hoa Kỳ phát xuất từ những viện trợ tài chính của Hoa Kỳ cho các lực lượng Pháp có thể xảy ra. Pháp biết rằng viện trợ kinh tế và quân sự sẽ được trao trực tiếp đến Việt Nam nhưng báo cáo không rõ ràng do Hoa Kỳ soạn thảo đã dẫn đến việc Pháp đã tin rằng họ sẽ thể nhúng tay vào việc phân phối viện trợ. Vai trò của quân đội Hoa Kỳ ở Việt Nam đã không được thảo luận vì một sự chia rẽ giữa JCS và Bộ Ngoại Giao (Dulles muốn chịu trách nhiệm đào tạo; JCS không muốn làm vì những bất ổn chính trị, vì sự hiện diện của quân đội Pháp và những hạn chế của Genève).
|
22-10-54
|
Chương Trình hành động của NSC
|
Hoa Kỳ quyết định có những bước đi vững chắc hơn để cũng cố Diệm, đã nói với Paris rằng Pháp đã hỗ trợ không đầy đủ [cho Diệm]. Trước đó một nhượng bộ của JCS nhằm xem xét lại chương trình huấn luyện cho quân Nam Việt đã mở đường cho quyết định khai trương một vai trò “giới hạn" [của Hoa Kỳ] trong vấn đề quân sự.
|
24-10-54
|
Eisenhower gửi thư cho Diệm
|
Công bố Hoa Kỳ trực tiếp viện trợ kinh tế và quân sự; không yêu cầu Việt Nam có những động tác đối ứng. Pháp gọi đó là một nước bài của Hoa Kỳ, cho rằng việc đó vi phạm nguyên tắc hành động chung được thông qua vào tháng Chín.
|
08-11-54
|
Phái Bộ Collins
|
Tướng J. Lawton Collins, được giao thẩm quyền rộng rãi để phối hợp tất cả các chương trình của Hoa Kỳ và - với sự hỗ trợ của Pháp – để cho công việc được triển khai, đến Việt Nam.
|
13-12-54
|
Biên Bản Ghi Nhớ giữa Collins và Ely
|
Pháp sẽ trao quyền tự chủ cho quân đội Miền Nam vào tháng 7 năm 1955, Hoa Kỳ sẽ chịu trách nhiệm đào tạo, MAAG Đông Dương của Hoa Kỳ sẽ chỉ đạo các chương trình đào tạo – dưới quyền tổng chỉ huy của Tướng Ely, huấn luyện viên Pháp và Hoa Kỳ sẽ được rút đi khi hiệu quả của quân đội Miền Nam đã tăng lên. Washington phê duyệt Bản Ghi Nhớ; Paris phản đối, đặc biệt là việc rút huấn luyện viên người Pháp. Pháp không dịu lại và mãi cho đến ngày 11 tháng 2 năm 1955 mới chịu đồng ý.
|
16-12-54
|
Collins khuyến nghị thay thế Diệm
|
Diệm không đưa BS [Phan Huy] Quát vào nội các làm Bộ trưởng Quốc phòng đã xác nhận việc nghi ngờ của Collins về khả năng ổn định chính phủ của Diệm, hay khả năng được lòng dân đối với chế độ của ông. Ông đề nghị trở lại xem xét [giải pháp] Bảo Đại, nhưng nếu điều này là đạt được, đề nghị Hoa Kỳ rút khỏi Việt Nam.
|
19-12-54
|
Hội Nghị 3 bên ở Paris (Hoa Kỳ, An và Pháp)
|
Mendes-France khẳng định đã đến lúc phải xem xét việc thay thế Diệm. Nghiên cứu của hai Tướng Collins và Ely đưa ra đề xuất một sự thay đổi vào giữa tháng. Pháp cảm thấy Bảo Đại nên tham gia vào kế hoạch thay thế. Dulles: Diệm là người lãnh đạo thích hợp duy nhất, nhưng chúng tôi sẽ xem xét việc thay thế và sẽ cho phép Collins và Ely xem xét vấn đề này. Nhưng Dulles cũng nói rõ rằng Quốc hội có thể sẽ không cấp ngân quỹ cho một nước Việt Nam mà không có Diệm. Nghiên cứu lựa chọn thay thế của Hoa Kỳ như thế là trôi qua nhanh; tuy nhiên, Dulles chắc chắn Diệm có thể thành công, với định hướng đúng đắn, Dulles chắc chắn rằng không thể có nhà lãnh đạo khác [khá để thay Diệm].
|
20-01-55
|
Báo Cáo của Collins gửi NSC
|
Niềm tuyệt vọng vào tháng Mười Hai về Diệm đã tiêu tan. Diệm đã thành công trên một số vấn đề. Collins đề nghị tiếp tục hỗ trợ cho Diệm vì không có Diệm, miền Nam Việt Nam chắc chắn sẽ rơi vào tay cộng sản và phần còn lại của Đông Nam Á khác sẽ sớm rơi theo. NSC phê duyệt báo cáo của Collins.
|
12-05-55
|
Phái Bộ Liên Lạc Huấn Luyên và Đào Tạo được mở (TRIM: Training Relations and Instruction Mission)
|
Tướng O'Daniel, dưới quyền giám sát chung của Tướng Ely, phụ trách các chương trình đào tạo và tổ chức lại quân đội Nam Việt Nam theo đường lối của Hoa Kỳ. Mặc dù có những cọ sát giữa Pháp và người Hoa Kỳ ở Sài Gòn và mặc dù có những tranh chấp Paris-Washington, nhân viên TRIM dường như đã có thể vượt lên trên sự khác biệt và bắt đầu một chương trình vững chải cho quân đội Việt Nam
|
22-02-55
|
Mặt Trận Liên Minh công bố
|
Tài trợ của Pháp cho các quân đội giáo phái Hòa Hảo và Cao Đài - khoảng 40.000 người – được chấm dứt vào tháng Hai. Khi Diệm từ chối đáp ứng các yêu cầu hỗ trợ tài chính, hội nhập các lực lượng giáo phái vào quân đội Việt Nam và công nhận vùng ảnh hưởng [của các giáo phái], sự hợp tác trước đây của các trước giáo phái với Diệm chấm dứt. Đại diện các lực lượng vũ trang của Cao Đài, Hòa Hảo, Dân Xã (Ba Cut), Liên Minh (Trịnh Minh Thế) và Bình Xuyên (Bảy Viễn) gặp nhau tại Tây Ninh, đồng ý làm việc cùng nhau để chống lại Diệm. Giáo chủ Cao Đài [Phạm Công] Tắc đứng đầu nhóm.
|
22-03-55
|
Tối hậu thư của Mặt Trận Liên Minh
|
Tuyên bố họ nói cho ý chí của toàn dân, Mặt Trận Liên Minh [tên đúng là Mặt trận Thống nhất Toàn Lực Quốc gia] đã yêu cầu Diệm hình thành một chính phủ quốc gia đoàn kết và thực hiện những cải cách chính trị, kinh tế, quân sự. Diệm gọi đó là một tối hậu thư và từ chối xem xét các yêu cầu. Mặt Trận sau đó gửi một sứ giả gặp Bảo Đại [đang ở Pháp] yêu cầu ông nhân danh họ mà can thiệp. Bảo Đại từ chối.
|
29-30
Th. 3, 1955
|
Diệm tấn công Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát
|
Chất chứa trong nhiều tháng, cuối cùng trận chiến nổ đã ra giữa Diệm và Bình Xuyên (một liên minh các băng đảng và thảo khấu chuyên tổ chức cờ bạc và mại dâm ở Chợ Lớn [sòng bạc Kim Chung Đại Thế Giới], và cảnh sát Sài Gòn - Chợ Lớn, Bảo Đại đã được trả tiền để bảo vệ cho họ và họ được hưởng một số hỗ trợ của Pháp). Một đại đội lính nhảy dù đã chiếm Bộ Tư Lệnh Trung ương của Cảnh Sát, đẩy Bình Xuyên vào Chợ Lớn. Diệm sau đó muốn truy tố Cảnh sát trưởng [Lại Văn] Sang và kết thúc sự kiểm soát của Bình Xuyên. [Dương Văn] Minh, Bộ trưởng Quốc phòng từ chức khi Diệm từ chối không chịu tham khảo ý kiến nội các trên các việc này. Tuy nhiên, đại diện Pháp thuyết phục Diệm không nhận lực lượng 6000-người của Bảy Viễn tại thời điểm này, và người Pháp sau đó đã đàm phán một thỏa thuận ngừng bắn giữa Diệm và Bình Xuyên.
|
07-4-55
|
Tướng Ely và Tướng Collins đồng ý là Diệm phải ra đi
|
Collins nói Diệm đã chứng tỏ mình không có khả năng thúc đẩy đoàn kết, và phải được thay thế. Dulles do dự, sau đó đồng ý xem xét một sự thay đổi nếu Collins bay về Washington để tham vấn.
|
23-04-55
|
Diệm đồng ý mở rộng thành phần chính phủ
|
Diệm kêu gọi trưng cầu dân ý và bầu cử quốc hội trong vòng sáu tháng. Mặt Trận đồng ý đề nghị.
|
26-04-55
|
Diệm sa thải Sang
|
(Collins đã rời Sài Gòn để về Washington.) Diệm thay thế Sang với một người trung thành với chế độ của ông nhưng Sang từ chối từ chức và nói chỉ có Bảo Đại là người có thẩm quyền pháp định để loại bỏ anh ta.
|
27-04-55
|
Dulles đồng ý thay thế tại Saigon
|
Collins gặp Dulles ở Washington. Dulles đồng ý xem xét việc thay Diệm, nhưng xác định phải giữ kín với Pháp cho đến khi mục đích của họ đã trở nên rõ ràng và lời hứa rõ ràng của họ là hỗ trợ cho chế độ mới. [phái bộ Hoa Kỳ ở] Sài Gòn được thông báo về chính sách mới này.
|
28-04-55
|
Diệm tấn công Bình Xuyên
|
Diệm tấn công vào lực lượng An Ninh [=Cảnh Sát] và Sang - sau khi giao tranh nổ ra giữa quân đội Việt Nam và lực lượng Bình Xuyên ở Chợ Lớn. Người Pháp nói Diệm đã gây chiến; Hoa Kỳ ủng hộ luận cứ của Diệm rằng Bình Xuyên đã khởi sự bắn phá trước tiên. Dù nguồn gốc của nó thế nào, cuộc chiến đã kết thúc với chiến thắng của quân đội Việt Nam. Bình Xuyên bị đánh đuổi ra khỏi Chợ Lớn và chạy vào vùng đầm lầy Rừng Sát.
|
30-04-55
|
Hội Đồng Cách Mạng công bố
|
Nhu, em trai của Diệm đã ra tay tổ chức một tập hợp bao gồm rộng rãi các phe phái chính trị đằng sau một chương trình kêu gọi hỗ trợ chính quyền Diệm chống lại Bình Xuyên, các giáo phái và Bảo Đại, ủng hộ có nhiều đại diện trong chính phủ. Tướng [Trịnh Minh] Thế và [Nguyễn Thành] Phương, mệt mỏi về sự "yếu kém" của Hội Đồng Cách Mạng, thành lập một Ủy Ban Cách Mạng mà khi hình thành là có thêm phần chống Bảo Đại và chống Pháp hơn so với Hội Đồng Cách Mạng [trước đây]. Có những người đang là hay là cựu Việt Minh là thành viên của Hội Đồng Cách Mạng và Uỷ ban.
|
01-05-55
|
Tối hậu thư của Bảo Đại
|
Bảo Đại triệu tập Diệm để thay Tư Lệnh Quân Đội với người của mình. Diệm bỏ qua yêu cầu triệu tập và các lệnh truyền [của Bảo Đại].
|
01-05-55
|
Hoa Kỳ: quay trở lại ủng hộ Diệm
|
Bởi vì chiến thắng của Diệm - mặc dù nó có thể là có vẻ [thắng] - trên Bình Xuyên, bởi vì quân đội Việt Nam ủng hộ Diệm, Dulles hủy bỏ công điện ngày 28 tháng Tư: một lần nữa, Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ Diệm.
|
08-05-55
|
Một chiến dịch toàn quốc được tung ra
|
Diệm công bố một chiến dịch toàn quốc để lấy lại tỉnh “bướng bỉnh” và thống nhất đất nước. Nói cách khác, ông đã tuyên bố một cuộc chiến chống các giáo phái. quân đội Việt Nam đã chiến đấu hơn một năm chống lại lực lượng Hòa Hảo và Bình Xuyên, nhưng cuối cùng kiểm soát được chúng, kiểm soát các khu vực mà trước đây các giáo phái có ảnh hưởng và kiểm soát.
|
8-11/5/55
|
Cuộc họp ba bên ở Paris
|
Faure: Chúng tôi không thể hỗ trợ Diệm, nhưng Việt Nam không có giá trị để gây chia rẽ trong quan hệ Pháp-Hoa Kỳ. Vì vậy, Pháp sẽ tiến hành rút khỏi Việt Nam. Dulles: Chúng ta phải hỗ trợ Diệm. Nhưng nếu việc Hoa Kỳ rút quân sẽ ngăn chặn được sự bất hòa, Hoa Kỳ sẽ xem xét rút quân. Sau đó, sau khi nghe JCS và Collins lập luận chống lại sự hấp tấp trong việc rút quân của Pháp hay việc rút lui của Hoa Kỳ, Dulles kêu gọi Faure chấp nhận một đề nghị mới: hỗ trợ Diệm một thời gian dài trên cơ sở rằng Diệm sẽ mở rộng chính phủ và kêu gọi các cuộc bầu cử. Faure đồng ý – trái với mong muốn riêng của chính mình và trái với áp lực mạnh mẽ của công chúng [Pháp] và trái với một số điều kiện (hầu hết trong số đó là những hành động yêu cầu Diệm thực hiện và Dulles thì không thể đảm bảo). Dulles sau đó đề nghị Pháp và Hoa Kỳ thông tin cho nhau biết về chính sách và hành động của mỗi bên nhưng họ đã tiến hành công việc một cách độc lập hơn so với quá khứ. Những ngày của chính sách chung: liên kết với nhau tại Việt Nam - đã cáo chung.
|
Tháng 7/1955
|
Diệm từ chối gặp VNDCCH về vấn đề Tổng Tuyển Cử
|
Pháp và Anh thúc giục Diệm tổ chức hiệp thương với Hà Nội để tổ chức Tổng Tuyển Cử trên cả nước Việt Nam, như đã quy định trong Hiệp định Genève. Hoa Kỳ cũng đề nghị [Diệm] hiệp thương nhưng cũng đề nghị Diệm phải đòi hỏi những đảm bảo chắc chắn (bỏ phiếu kín, phải có Liên Hiệp Quốc hoặc quốc tế giám sát) là những điều đã được dự kiến là mà VNDCCH sẽ từ chối. Nhưng Diệm từ chối gặp Bắc Việt. Ông đã không ký kết trong hiệp định Genève và từ chối bị ràng buộc với chúng trong bất kỳ cách nào.
|
24-10-55
|
Trưng cầu Dân Ý
|
Với 98% số phiếu bầu, Diệm trở thành Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa và Bảo Đại bị truất ngôi.
|
Tháng 8 tới tháng 12, 1955
|
Hội Nghị Pháp – Việt
|
Diệm muốn thương lượng lại các hiệp định kinh tế và tài chính đã ký trong năm 1954, chuyển giao các vấn đề Việt Nam từ Bộ Các Nước Đông Dương[tức Bộ Thuộc Địa Pháp] qua Bộ Ngoại Giao [Pháp], bãi bỏ chức vụ Toàn Quyền cũ của Cao Ủy Ely; chấm dứt Bộ Tư Lệnh Quân Sự Tối Cao và những chức sắc Việt Nam trong quân đội Pháp còn lại ở Việt Nam. (35.000 quân Viễn Chinh trong tổng số lực lượng 150.000 người được giữ lại ở Việt Nam như đã thỏa thuận trong Hội nghị Washington tháng Chín năm 1954). Pháp không thể chấp nhận yêu cầu chót của Diệm, gặp khó khăn trong việc đáp ứng những yêu cầu khác, nhưng cuối cùng đã nhượng bộ lớn. Phản ứng của Diệm là rút các đại diện Việt Nam ra khỏi Quốc Hội Liên hiệp Pháp.
|
26-04-56
|
Bộ Tư Lệnh Tối Cao Pháp giải tán
|
Chỉ còn khoảng 5.000 quân Pháp vẫn còn ở lại Việt Nam, hầu hết các huấn luyện viên Pháp đã rời TRIM. Một phái bộ liên lạc Pháp với ICC vẫn còn hoạt động, dầu vậy, và Pháp vẫn phục vụ trong Ủy Ban Đình Chiến chung với các đại diện quân sự Bắc Việt.
|
Tháng 7/1956
|
Bầu cử toàn quốc
|
Diệm đã từ chối không tham khảo ý kiến với VNDCCH về cuộc Tổng Tuyển Cử năm 1955, ông đã từ chối tham gia nó vào năm 1956. Diệm đã đồng ý đảm nhận trách nhiệm thay cho Pháp để hỗ trợ cho ICC [Ủy Ban Quốc Tế Kiểm Soát Đình Chiến], Pháp sẽ tiếp tục tài trợ cho hoạt động của ICC. Ủy Ban Đình Chiến Hỗn hợp dần dần chết đi vì không hoạt động.
|