Thứ Tư, 10 tháng 10, 2012

Động lực nào thúc đẩy Trung Quốc hoạch định chiến lược biển?

Mọi thứ cho thấy biển đảo sẽ là ván cá cược lớn trong cuộc chiến quyết liệt của Trung Quốc nhằm áp đặt ảnh hưởng của mình, về phương diện chuỗi đảo cũng như yêu sách lãnh thổ. Việc nước này đóng thêm hai tàu sân bay cũng như lập trường chính trị của Mỹ, Ấn Độ và Ôxtrâylia dường như cho thấy đây sẽ là một cuộc chạy đua vũ trang mới. Đó là nhận xét của Trung tá Jérôme Lacroix-Leclair. Vị sĩ quan cao cấp Pháp này, cũng là phi công lái máy bay chiến đấu trong Không quân Pháp, tốt nghiệp Trường quân sự Pháp và Trường quân sự Canađa tại Tôrôntô, phân tích viễn cảnh chiến lược biển của Trung Quốc trên tạp chí "Đại Tây Dương" như sau: 
Trong lịch sử của mình, Trung Quốc chưa bao giờ thực sự khẳng định mình như một cường quốc hàng hải lớn. Phải trở lại thế kỷ 15 và, đặc biệt hơn, 7 chuyến đi biển trong thời gian từ năm 1405 đến năm 1433 của nhà hàng hải Trung Quốc Trịnh Hòa mới thấy có một tiền lệ. Trịnh Hòa đã đưa tàu của Trung Quốc đến không những bờ biển châu Phi mà cả các vịnh Pécxích và Aden để phát triển thương mại giữa Trung Quốc thời nhà Minh với vùng Tây Nam Á và Ấn Độ Dương. Màn trình diễn phụ trên biển đó dẫu sao cũng kéo dài không lâu do mối đe dọa Mông Cổ xuất hiện trở lại buộc Vĩnh Lạc (tức Minh Thành Tổ), hoàng đế nhà Minh thứ ba, phải tập trung bảo vệ đường biên giới phía Bắc và Tây-Nam. Nhiều nhà sử học coi việc tái định hướng chiến lược này như đoạn kết của cuộc đột phá đầu tiên và ngắn ngủi này của Trung Quốc đến các vùng biển xa. Từ đó đến nay, phải thấy là Trung Quốc được coi trước hết là một cường quốc lục địa có vẻ bỏ bễ các vấn đề liên quan đến lĩnh vực biển. 
Tuy nhiên, chiến lược bám đất liền của Trung Quốc giờ đây được xem xét lại sau khi Bắc Kinh đưa ra nhiều tham vọng mới về biển. Việc Mỹ chính thức chuyển hướng chiến lược sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng như chuyến thăm của Tổng thống Barack Obama ở khu vực này cho thấy mối quan tâm cũng như mối lo ngại trước sự hồi sinh của Hải quân Trung Quốc. Mỹ và Nhật Bản cũng đặc biệt quan tâm đến sự phát triển và hiện đại hóa Hải quân Trung Quốc, hơn nữa vì việc phát triển một thành phần đáng tin cậy trong lực lượng này dường như là một ưu tiên đối với các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Chiếc tàu sân bay Varyag mua lại của Ucraina được cải tạo và quân số lực lượng Hải quân Trung Quốc tăng lên nhanh chóng là những bằng chứng cho thấy điều đó. Năm 2010, Hải quân Trung Quốc có 225.000 người và 58 tàu ngầm - trong đó có 6 chiếc chạy bằng năng lượng hạt nhân, hơn 50 khinh hạm và 27 tàu khu trục, cho phép Hải quân Trung Quốc hiện nay được coi là hạm đội hàng đầu châu Á, nếu không kể hạm đội của Mỹ. 
Việc Hải quân Trung Quốc phát triển hùng hậu như vậy khiến người ta nhớ rằng Trung Quốc, ngoài chiến lược bám đất liền, còn là một nước có thiên hướng biển với gần 18.000 km bờ biển và có chủ quyền đối với hơn 5.000 hòn đảo lớn nhỏ. 
Nói chung, tính chất biển đảo giúp hiểu dễ dàng hơn chiến lược biển của Đế chế Trung Hoa và việc thực hiện chiến lược này ở mức độ nào? Để giải đáp vấn đề này, cần phân tích những lý do tạo điều kiện cho mối quan tâm đến biển tái xuất hiện, thể hiện ở việc tìm kiếm chiều sâu chiến lược, gia tăng yêu sách lãnh thổ và quyết tâm bảo đảm an toàn các tuyến giao thông đường biển.
Trước hết cần thấy rằng Trung Quốc thay đổi hình mẫu chiến lược. Cho đến năm 1840, mối đe dọa đến từ biển là tương đối nhỏ. Do đó, trong hai thế kỷ qua, các chính phủ kế tiếp nhau ở Trung Quốc trước hết tập trung thực hiện chiến lược ưu tiên đất liền do có các mối nguy hiểm đến từ lục địa và nỗi lo sợ nổ ra bạo loạn ở trong nước. Tuy nhiên, mối quan tâm đến đất liền nay được xem xét lại. hình mẫu chiến lược cũng thay đổi, thể hiện trong các cuốn Sách trắng Quốc phòng. Đặc biệt là Sách trắng quốc phòng năm 2004 ưu tiên phát triển Hải quân có khả năng kiểm soát biển và tiến hành các vụ phản đòn chiến lược. Sự chuyển hướng chiến lược đó, hoàn toàn mang tính cách mạng so với trạng thái tinh thần của các nhà lãnh đạo Trung Quốc (kéo dài từ khi kết thúc các chuyến đi biển của đô đốc Trịnh Hòa), khiến ta phải phân tích các yếu tố khiến nó xuất hiện.

altTừ những năm 1980, Trung Quốc bắt đầu ý thức được ván cá cược mới về biển mà mình phải đối mặt


Trái ngược với những gì hiểu được qua các văn kiện chính thức, việc tái định hướng chiến lược này không đột ngột diễn ra vào năm 2004, mà là kết quả của nhiều yếu tố nảy sinh trong những năm 1980 cộng lại. Một trong số đó là không còn các mối đe dọa nhãn tiền dọc biên giới của Trung Quốc nữa. Quả thực là Bắc Kinh, vì sợ Liên Xô xâm lược với sự hậu thuẫn của Hải quân, nên đã xây dựng một lực lượng hùng hậu trên bộ để ngăn chặn khả năng này, đồng thời đẩy Hải quân xuống hàng thứ yếu chuyên thực hiện các chiến dịch ven biển. Tuy nhiên, vào đầu những năm 1990, môi trường an ninh biến đổi mạnh đến mức khả năng Liên Xô tấn công ngày càng ít có khả năng xảy ra. Liên Xô sụp đổ (năm 1991) và căng thẳng nảy sinh từ bất đồng biên giới với Nga, các nước Cộng hòa Trung Á, Việt Nam, Bắc Triều Tiên, Mông Cổ và Ấn Độ giảm bớt là những điều kiện không còn thích hợp với chiến lược hoàn toàn tập trung vào việc bảo vệ biên giới trên bộ. Các mối đe dọa trên đất liền giảm bớt tạo cơ sở cho việc định hướng lại tư duy chiến lược của Trung Quốc. Dấu hiệu đầu tiên của sự thay đổi này xuất hiện từ năm 1985 khi phòng thủ được gọi là "biển xa" được xác định là một ưu tiên, và các chỉ thị chiến lược và mệnh lệnh tác chiến cho Hải quân Trung Quốc yêu cầu lực lượng này phải chuyển từ thế tác chiến gần bờ sang thế tác chiến ngoài biển xa. 
Kinh tế Trung Quốc phát triển mạnh mẽ và việc nước này lệ thuộc vào vận chuyển đường biển là hai yếu tố góp phần làm thay đổi chiến lược này. Quả thực là trong thời kỳ từ năm 1980 đến năm 2000, Trung Quốc có mức tăng trưởng trung bình khoảng 9,7%/năm. Đồng thời, nền kinh tế nước này trở nên phụ thuộc nặng nề vào các tuyến giao thông trên biển và các nguồn năng lượng được vận chuyển qua đó, từ đó khiến Trung Quốc phải tính tới các mối nguy tiềm tàng nếu các tuyến vận chuyển này bị cắt đứt. Ngoài tăng trưởng kinh tế ngoạn mục còn có vai trò to lớn ngày càng được khẳng định trên trường quốc tế của Trung Quốc như nước duy nhất thực sự có khả năng thách thức và chống lại thế vượt trội về kinh tế của Mỹ. Nhận thức về hệ quả tốt lành nhờ nguồn lực của nước mình gia tăng thể hiện rõ rệt trong tư duy của các nhà lãnh đạo Trung Quốc nước này thông qua ý chí phải có được phương tiện quân sự và đặc biệt là một lực lượng hải quân phản ánh đúng vị thế quốc tế mới đó. 
Từ những năm 1980, Trung Quốc bắt đầu ý thức được ván cá cược mới về biển mà mình phải đối mặt. Tuy nhiên, nếu không có một số nhà tư tưởng chiến lược có ảnh hưởng, trong bối cảnh động lực địa chính trị đang chuyển động đó, có thể tư duy này sẽ không nhận được hồi âm từ các nhà lãnh đạo chính trị cao cấp. Các nhà tư tưởng Trung Quốc đó lấy cảm hứng nhiều từ Alfred Mahan (đô đốc, nhà sử học và chiến lược gia Mỹ, với tư duy về sức mạnh biển, đã tác động đáng kể và vẫn tiếp tục tác động vào lực lượng hải quân của nhiều nước, đặc biệt là Mỹ, theo đó nước có khả năng tác động được nhiều nhất vào sân khấu chính trị quốc tế là những nước có lực lượng hải quân mạnh - TTXVN) và xác định cách thức mà Trung Quốc cần nhìn nhận lĩnh vực biển, vốn là một môi trường bị Mao Trạch Đông lơi là trong một thời gian dài. Đô đốc Lưu Hoa Thanh là một trong số đó và rõ ràng là người khởi xướng vĩ đại nhất sự hồi phục của Hải quân Trung Quốc. Thậm chí, một số người còn nhất trí cho rằng Lưu Hoa Thanh là Mahan của Trung Quốc. Ông là kiến trúc sư của cuộc cách mạng chiến lược đó và "cha đẻ của Hải quân Trung Quốc hiện đại". Lưu Hoa Thanh, người không những là Tư lệnh Hải quân Trung Quốc (1982-1988) mà còn là Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương (1989-1997), giúp biến Hải quân ven bờ Trung Quốc thành một phương tiện quân sự đáng tin cậy có khả năng hoạt động xa Đế chế Trung Hoa. 
Sự tiến triển hướng tới chiến lược mới thiên về biển được khẳng định trong các cuốn Sách trắng Quốc phòng kế tiếp nhau. Trong Sách trắng năm 2006, Trung Quốc thừa nhận an ninh của mình gắn chặt với việc tự do tiếp cận năng lượng và các nguồn tài nguyên thiên nhiên, từ đó thực tế phải bảo đảm an toàn cho các tuyến đường hàng hải quốc tế. Để đạt mục đích này, Trung Quốc cần phát triển năng lực "biển xa" của Hải quân, đồng thời tăng chiều sâu chiến lược của lực lượng này. Trong cuốn Sách Trắng năm 2008, Bắc Kinh cũng thừa nhận cạnh tranh gia tăng trong vấn đề tiếp cận nguồn năng lượng do vị trí của chúng, do đó cần phải chuyển thế của phòng thủ ven bờ thành thế phòng thủ biển xa. Lưu Hoa Thanh còn xác định chiến lược biển mới của Trung Quốc bằng cách đưa vào đây tính chất biển đảo như một yếu tố chủ chốt trong khái niệm chiều sâu chiến lược. 
Tính chất biển đảo và đảo chính là chiều sâu chiến lược của Trung Quốc. Các quan chức Hải quân Trung Quốc thường giải thích cho nước ngoài khái niệm phòng thủ "biển xa" bằng những thuật ngữ không rõ ràng. Họ biện minh cho việc Trung Quốc có quyền bảo vệ yêu sách chủ quyền của mình đối với Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ), nhưng không hề nói rõ giới hạn chính xác của các vùng này. Tuy nhiên, các đảo cho phép xác định về mặt địa lý cái mà Bắc Kinh xác định như vùng tác chiến ưu tiên của Hải quân nước mình. Các hòn đảo cũng cho phép hiểu được Trung Quốc tìm kiếm chiều sâu chiến lược nào sau khi chuyển mối quan tâm chính của mình về vùng ven biển và nơi Hải quân tập trung triển khai chiến lược của mình. 
Năm 2004, Lưu Hoa Thanh xác định hai chuỗi đảo là vùng địa lý được Bắc Kinh coi là vùng trách nhiệm cận kề của mình. Chuỗi đảo thứ nhất là không gian diễn ra phần lớn hoạt động tác chiến hiện nay của Hải quân Trung Quốc, bao gồm Nhật Bản và các quần đảo của nước này ở phía Bắc và phía Nam (quần đảo ở xa nhất về phía Nam bị Trung Quốc đòi chủ quyền), Hàn Quốc, Đài Loan và Philíppin. Chuỗi đảo thứ hai mà Lưu Hoa Thanh dự tính hoàn toàn nằm trong khuôn khổ hoạt động trong tương lai của Hải quân Trung Quốc, bao gồm các bãi biển từ miền Nam quần đảo Nhật Bản đến đảo Bonin và quần đảo Marshall, trong đó có cả Guam. Nếu hai chuỗi đảo này cho phép xác định được về mặt địa lý cái mà Trung Quốc hoạch định là vùng trách nhiệm của mình, các vấn đề liên quan đến tính chất biển đảo ở đây cũng nảy sinh do có nhiều yêu sách lãnh thổ.

altCác quan chức Hải quân Trung Quốc thường giải thích cho nước ngoài khái niệm phòng thủ "biển xa" bằng những thuật ngữ không rõ ràng


Các đảo mà Trung Quốc đòi chủ quyền là những đảo quan trọng đối với nước này vì hai lý do khác: trước hết là vị trí địa chiến lược của chúng và sau đó là các đảo này cho phép tiếp cận nguồn dầu mỏ. Như vậy, hai yếu tố này cộng lại tạo thành quan điểm lập luận ẩn giấu trong chiến lược biển đảo của Trung Quốc. Các hòn đảo này cũng là nơi diễn ra cạnh tranh khốc liệt. Cuộc đấu tranh giành năng lượng khiến Bắc Kinh có lập trường ngày càng không khoan nhượng. Từ năm 1985, Lưu Hoa Thanh đã chính thức đưa ra ý tưởng bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc, quyền hợp pháp của nước này trên biển và đặc biệt là tài nguyên thiên nhiên ở phía Đông và phía Nam các vùng biển xung quanh Trung Quốc, đến tận phía Nam biển Hoàng Hải. Quyết tâm đó đã và nay vẫn được thể hiện qua nhiều yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc đối với toàn bộ các đảo nằm bên trong chuỗi đảo đầu tiên. 
Theo Công ước Liên hợp quốc về Luật biển, từ năm 1982, Trung Quốc đòi chủ quyền đối với khoảng 3,2 triệu km² ở Thái Bình Dương. Theo công ước đó, nước nào kiểm soát các đảo ở phía Nam các vùng biển xung quanh Trung Quốc thực tế có quyền đòi chủ quyền đối với 8 triệu cây số vuông. Nhưng Trung Quốc trở thành nước nhập khẩu dầu mỏ thứ hai thế giới, đến mức vấn đề tiếp cận nguồn tài nguyên có tính sống còn đối với nước này để tiếp tục vận hành nền kinh tế ngày càng ngốn nhiều năng lượng hơn. Nhiều đảo có nguồn tài nguyên này nằm ở bên trong chuỗi đảo thứ nhất, do đó, nếu kiểm soát được sẽ cho phép Bắc Kinh dễ dàng tiếp cận được nguồn tài nguyên hóa thạch vô bờ này. Bước đi đòi chủ quyền đó dĩ nhiên kích thích và làm gia tăng căng thẳng trong khi căng thẳng đã tồn tại từ nhiều thập kỷ nay. Năm 1992, Trung Quốc chính thức đòi chủ quyền đối với phần lớn các vùng biển xung quanh Trung Quốc. Mục đích của nước này là khai thác tài nguyên dưới đáy biển ở đây, quanh nhiều hòn đảo mà Philíppin, Đài Loan và Việt Nam cũng đòi chủ quyền. Hệ quả của các yêu sách này là các vụ đụng độ gia tăng và xung đột xảy ra với các nước láng giềng từ hơn 30 năm nay. Thêm vào đó là Hải quân Trung Quốc bành trướng và Bắc Kinh đưa ra yêu sách đòi chủ quyền càng làm gia tăng căng thẳng. 
Biển Nam Hải (Biển Đông) cũng là một không gian đối đầu. Quần đảo Hoàng Sa từ tháng 1/1974 bị quân đội Trung Quốc chiếm đóng. Năm 1996, Việt Nam lại tái khẳng định chủ quyền đối với quần đảo này, nhưng không có kết quả.

alt"Trung Quốc đang định thiết lập một thành trì hay một căn cứ cho tàu ngầm hạt nhân phóng tên lửa có thể phát động tấn công Mỹ bằng tên lửa đạn đạo hạt nhân trong trường hợp cần thiết"


Quần đảo Trường Sa, Trung Quốc gọi là Nam Sa, nằm ở phía Nam biển Nam Hải, bao gồm một số đảo và bãi đá ngầm, cũng là ván cá cược lớn do có nhiều tài nguyên dầu mỏ. Việt Nam , Philíppin, Malaixia, Brunây, Trung Quốc và Đài Loan đều thèm muốn và đòi chủ quyền đối với quần đảo này. Mischief (Đá Vành Khăn) là một trong những đảo thuộc quần đảo này được Bắc Kinh đặc biệt quan tâm. Tuy đánh giá về tài nguyên thiên nhiên ở đây còn khác nhau, song hòn đảo này dường như có trữ lượng khí đốt và dầu mỏ lớn khiến các nước thèm muốn, từ đó sinh ra căng thẳng. Trung Quốc khẳng định đã xây ở đây một nơi trú ngụ cho ngư dân của mình, trong khi Manila giải thích đó trước hết là một cơ sở quân sự lấn vào lãnh thổ của mình. Hơn nữa, từ năm 1988, Trung Quốc đưa quân đến quần đảo này, đặc biệt là ở bãi đá ngầm Fiery Cross (Đá chữ thập) chiếm được từ tay Việt Nam . 
Chiếm đóng quân sự như vậy dẫn đến nhiều cuộc xung đột. Năm 1992, Việt Nam cáo buộc Trung Quốc đưa quân đến bãi Đá Lạc. Nhiều vụ đụng độ xảy ra trong thời kỳ 1995-1997 với Philíppin xung quanh đảo Mischief, rồi các đảo Capones, Panata và Kota . Yêu sách chủ quyền của Trung Quốc dường như không dừng lại mà, trái lại, còn gia tăng trong những năm gần đây. Trung Quốc tỏ ra ngày càng nóng vội trong yêu sách đòi chủ quyền đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Năm 2007, một khu hành chính đặc biệt được thành lập để chính thức quản lý các quần đảo này. Năm 2010, Bắc Kinh đòi chủ quyền đối với quần đảo Điếu Ngư (Senkaku) ở biển Hoa Đông, đặc biệt vì ở đây có nhiều tài nguyên dầu mỏ. Hơn nữa, ngoài khía cạnh kinh tế, các đảo thuộc quần đảo Trường Sa còn có vị trí chiến lược lớn đối với Hải quân Trung Quốc, đặc biệt là lực lượng hạt nhân. Nhiều chuyên gia cho rằng như vậy, "Trung Quốc đang định thiết lập một thành trì hay một căn cứ cho tàu ngầm hạt nhân phóng tên lửa có thể phát động tấn công Mỹ bằng tên lửa đạn đạo hạt nhân trong trường hợp cần thiết". Như vậy, ngoài cái được mất về năng lượng còn có cái được mất về chiến lược, trong đó Đài Loan là biểu hiện của một yêu sách mang ý nghĩa biểu tượng nhất. 
Bước ngoặt lớn trong yêu sách của Bắc Kinh đối với Đài Loan xuất hiện vào năm 1996 khi Hải quân Mỹ triển khai trong eo biển Đài Loan. Hai nhóm tàu tấn công được đưa đến đây để bảo đảm cuộc bầu cử một tổng thống theo khuynh hướng đòi độc lập diễn ra xuôn xẻ. Đối với Trung Quốc, chuỗi đảo đầu tiên là rào cản được Mỹ lập ra để kiềm chế sức mạnh của mình, như một số người vẫn nói khi trích dẫn lời Ngoại trưởng Mỹ Dean Acheson. Năm 1950, nhân vật này xác định giới hạn phòng thủ của Mỹ ở Thái Bình Dương có ranh giới hoàn toàn trùng khớp với chuỗi đảo đầu tiên. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc ngày càng lo ngại vì Đài Loan chính là cái chốt trong chuỗi đảo đầu tiên. Quyền tự do đi lại trong eo biển này là điều chủ chốt đối với nhập khẩu năng lượng cho ngành công nghiệp Trung Quốc. 
Hậu quả kinh tế của một cuộc xung đột ở vùng này là điều hiển nhiên. Mỹ và đồng minh có thể dễ dàng cắt đứt đường tiếp tế năng lượng bằng cách đóng nút thắt cổ chai Đài Loan. Đối với các học trò Trung Quốc của đô đốc Lưu Hoa Thanh, Đài Loan, Nhật Bản, bán đảo Triều Tiên và các quần đảo ở Tây Nam Á là một bức tường bao bọc bờ biển Trung Quốc, một rào cản về địa lý ngăn cản Hải quân Trung Quốc triển khai sức mạnh. Như vậy, bảo đảm quyền tự do đi lại qua các tuyến đường này là một cái được mất có tính sống còn đối với Bắc Kinh để bảo đảm nguồn cung ứng dầu mỏ, khí đốt và nguyên liệu được thông suốt. Giành lại được quyền kiểm soát Đài Loan sẽ cho phép Bắc Kinh thiết lập bức tường riêng, đồng thời mở rộng đáng kể quyền tự do hành động của mình. 
Như vậy, Hải quân Trung Quốc cần phải được chuẩn bị để kiềm chế kẻ thù tiềm tàng, chống lại một cuộc xâm lược từ biển vào, bảo vệ chủ quyền quốc gia và giữ gìn sự thống nhất dân tộc và quyền về biển. Năm 1992, tại một kỳ họp Quốc hội, Trung Quốc thông qua một đạo luật đơn phương tuyên bố mình có quyền "áp dụng mọi biện pháp cần thiết để phòng ngừa và ngăn chặn tàu đi vào vùng lãnh hải quốc gia", kể cả các vùng tranh chấp ở phía Nam và phía Đông các vùng biển của Trung Quốc. Học thuyết mới cũng xác định vai trò mới của Hải quân tập trung vào việc tái thống nhất với Đài Loan, các tranh chấp lãnh thổ trên biển và chống lại mọi cuộc tấn công từ biển vào và đặc biệt là bảo đảm an ninh cho các tuyến giao thông trên biển. Sứ mệnh này của Hải quân Trung Quốc thể hiện qua cái mà các nước phương Tây gọi là luận thuyết chuỗi đảo trong đó các đảo đóng vai trò đặc biệt. 
Trung Quốc đang đứng trước hai ván cá cược địa chính trị lớn. Ván cá cược thứ nhất liên quan đến nhiệm vụ mới được giao cho Hải quân Trung Quốc sau tuyên bố của Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào năm 2004. Như vậy, ngoài cái mà Trung Quốc coi là vùng ảnh hưởng và trách nhiệm cận kề ở phía trong hai chuỗi đảo, Hải quân Trung Quốc phải không những chuẩn bị bảo vệ lợi ích biển trong vùng và các tuyến đường hàng hải mà còn phải có khả năng đến cứu giúp công dân của mình và sơ tán họ trong trường hợp cần thiết. Hải quân Trung Quốc phải tham gia hoạt động cứu trợ nhân đạo và đấu tranh chống cướp biển. Sách Trắng Quốc phòng năm 2008 cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng phải đáp trả các mối đe dọa phi truyền thống, có nghĩa là Trung Quốc hỗ trợ về quân sự đối với một loạt các chiến dịch khác không phải chiến tranh. Các chiến dịch này cũng phải đặt ra các phương án nhằm giảm nhẹ mối lo ngại ngày càng tăng của Bắc Kinh về vấn đề an toàn của số nhân viên hoạt động ở nước ngoài. Việc triển khai ba tàu chiến tiến hành hoạt động hộ tống tàu chở hàng ở vịnh Aden và việc sơ tán kiều dân Trung Quốc trong cuộc khủng hoảng Libi là những ví dụ điển hình của quan điểm mới này. Việc Trung Quốc can dự vào sân khấu chính trị thế giới buộc Hải quân nước này phải bảo đảm các tàu của mình được hỗ trợ đầy đủ về hậu cần. Tuy nhiên, chiều dài các tuyến cung ứng hậu cần giữa Trung Quốc và các vùng mà Hải quân nước này có thể triển khai hoạt động, trở thành một vấn đề. Nhiều chuyên gia thống nhất cho rằng vẫn còn khó khăn trong việc bảo đảm bảo dưỡng và sửa chữa tàu do thiếu cơ sở thích hợp. Như vậy, thiếu mạng lưới hậu cần mạnh tác động trực tiếp và tiêu cực đến năng lực tác chiến của Hải quân Trung Quốc như các báo cáo khác nhau liên quan đến việc triển khai liên tiếp lực lượng tác chiến xung kích của Trung Quốc ở vịnh Aden từ năm 2008 đã cho thấy. Giải pháp cho vấn đề này, theo một bài báo của đô đốc Yin đăng vào tháng 12/2009 là bảo đảm tự do tiếp cận các cơ sở hàng hải nằm ở gần các vùng tác chiến của Hải quân Trung Quốc, đặc biệt là ở Ấn Độ Dương.

altSách Trắng Quốc phòng năm 2008 cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng phải đáp trả các mối đe dọa phi truyền thống, có nghĩa là Trung Quốc hỗ trợ về quân sự đối với một loạt các chiến dịch khác không phải chiến tranh


Mục tiêu thứ hai, đi liền với tiến triển bối cảnh địa chiến lược đã nói ở trên, liên quan đến việc bảo đảm an toàn các tuyến đường giao thông của Trung Quốc. Đây là hệ quả của việc bùng nổ thương mại bằng đường biển và luôn là một ván cá cược lớn về cung ứng năng lượng. Trên thực tế, yếu tố cung ứng năng lượng trở thành ưu tiên chính trong chính sách đối ngoại, trong khi tiêu thụ năng lượng của Trung Quốc đã tăng gấp đôi. Việc triển khai về dài hạn cho thấy xu hướng này sẽ còn tiếp diễn và nhu cầu sẽ còn tăng gấp đôi trong hai thập kỷ tới. Như vậy, bảo đảm an toàn các tuyến đường vận tải biển là điều sống còn để nền kinh tế Trung Quốc vận hành được lâu dài. Nhưng, cũng giống như Đài Loan, eo biển Mắlacca nằm giữa bán đảo Đông Dương và Inđônêxia, cũng là một nút thắt cổ chai. Đây là con đường ngắn nhất nối Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương. Đó là một trong những eo biển quan trọng nhất thế giới với 60% lượng nhập khẩu dầu mỏ được vận chuyển qua đây. Tháng 11/2003, Hồ Cẩm Đào kêu gọi phải có chiến lược thích hợp để khắc phục mối đe dọa có thể xảy ra này. 
Alfred Mahan, nhân vật được người Trung Quốc tìm đọc nhiều nhất, mang đến các yếu tố của câu trả lời cho hai vấn đề nói trên. Theo ông, sức mạnh trên biển là điều thiết yếu để một nước nổi lên được với tư cách là cường quốc thế giới. Sức mạnh đó có tính đặc biệt sống còn để bảo vệ lợi ích thương mại. Từ đó, điều quan trọng là phải bảo vệ các tuyến đường giao thông nối với các thị trường nước ngoài bằng cách dựa vào một mạng lưới căn cứ dùng để bảo đảm tiếp tế cho tàu chiến. Các căn cứ tiền tiêu này có vai trò quyết định đối với sức mạnh biển và sự thịnh vượng của một dân tộc. Các căn cứ đó có thể là quân sự, dân sự hay cả hai, và phải cho phép bảo vệ các tuyến đường giao thông từ bến đầu đến bến cuối, đồng thời bảo đảm tiếp cận được các cơ sở để bảo dưỡng tàu. 
Như vậy, chiến lược chuỗi đảo cho thấy các dự tính của Mahan được áp dụng đối với lợi ích của Trung Quốc. Chiến lược đó ra đời năm 2004 trong một báo cáo nội bộ của Bộ Quốc phòng Mỹ có tên gọi "Tương lai năng lượng ở châu Á" do Booz-Allen Hamilton soạn thảo cho Bộ trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld. Gần đây hơn, một báo cáo năm 2011 do Văn phòng Nghiên cứu Quốc hội soạn thảo củng cố thêm luận thuyết này. Thông qua chiến lược mở rộng này, trong đó tính chất biển đảo đóng vai trò chủ chốt, Trung Quốc muốn xây dựng một số cảng và căn cứ Hải quân từ Ấn Độ Dương qua bờ Đông châu Phi cho đến tận eo biển Hormuz. 
Nói cụ thể hơn là chiến lược này bao gồm hai mảng. Mảng thứ nhất bao gồm việc thiết lập một số căn cứ trên các đảo nằm ở bên trong chuỗi đảo thứ nhất đã được Lưu Hoa Thanh xác định. Chẳng hạn, Bắc Kinh đã xây dựng một căn cứ trên quần đảo Hoàng Sa bao gồm một đơn vị lính thủy đánh bộ. Đảo Woody (đảo Phú Lâm), cũng nằm trong quần đảo đó, tiếp nhận được máy bay tuần tra biển. Đảo Hải Nam trở thành căn cứ tàu ngầm hạt nhân. Còn đảo Fiery Cross có căn cứ có thể tiếp nhận máy bay trực thăng lớn nhất của Trung Quốc. Cuối cùng, liên quan đến đảo Mischief, ảnh vệ tinh năm 2007 cho thấy có nhiều mặt bằng và cấu trúc có thể sử dụng được vào mục đích quân sự. Như vậy, Trung Quốc phát triển các "đảo" trong cái mà nước này gọi là vùng ảnh hưởng của mình. Như vậy, có thể dễ dàng hiểu được lý do thúc đẩy Trung Quốc tỏ thái độ thù hằn và hung hãn liên quan đến nhiều hòn đảo mà nước này đòi chủ quyền, ngoài lý do về nguồn năng lượng: Trung Quốc muốn gắn kết việc chiếm giữ các hòn đảo với chiến lược của mình.

altTrung Quốc đang thương lượng với Thái Lan để xây dựng một con kênh vắt qua dẻo đất Kra nhằm giải quyết vấn đề được đặt ra nếu eo biển Malắcca bị phong tỏa.


Tuy nhiên, giống như điều mà Mahan đã dự tính, Trung Quốc không phải là một nước thực dân có thể dựa vào các vùng lãnh thổ nước ngoài như Pháp và Anh. Muốn phát triển mạng lưới hậu cần của mình, Trung Quốc phải phụ thuộc vào các nước khác. Như vậy, mảng thứ hai trong chiến lược chuỗi đảo của Trung Quốc được thực hiện thông qua một chiến lược hợp tác ngoại giao và tiếp cận căn cứ quân sự của nước ngoài, từ vùng Tây-Nam Trung Quốc đến tận Trung Đông, trong đó một số lớn nằm đúng ở các đảo. Trái lại, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa không triển khai quân thường trực. Khi khẳng định quân đội mình sẽ không bao giờ chiếm đóng hay sẽ không bao giờ chính thức được đưa ra nước ngoài, Trung Quốc dường như không muốn có căn cứ thường trực theo nghĩa của Mỹ. Tuy nhiên, Bắc Kinh loại trừ việc tạm thời sử dụng cơ sở của nước ngoài. Có nhiều đảo trong chuỗi đảo có liên quan, chẳng hạn Chittagong ở Bănglađét, Thái Lan và Campuchia. Trung Quốc cũng muốn tiếp cận một số căn cứ hải quân ở Pakixtan, Mianma và Bănglađét. Nói một cách chính xác hơn, Trung Quốc hiện có cảng Gwadar ở Pakixtan và đã khởi công xây dựng một công trình tại Hambantota với chi phí nhiều tỷ USD. Một số cơ sở khác có thể đang được xây dựng: Salalah ở Ôman, Aden ở Yêmen, Gibuti, Karachi ở Pakixtan và đặc biệt hơn là Xri Lanca và Xinhgapo. Trung Quốc đang thương lượng với Thái Lan để xây dựng một con kênh vắt qua dẻo đất Kra nhằm giải quyết vấn đề được đặt ra nếu eo biển Malắcca bị phong tỏa. 
Ngoài những dấu ấn trên đất liền đó, các đảo chiếm vị trí đặc biệt trong chiến lược bành trướng này. Trung Quốc phát triển mối quan hệ chặt chẽ với Mianma. Được sự đồng ý của lãnh đạo nước này, Trung Quốc đã xây dựng một số cấu trúc quân sự, đặc biệt là ở đảo Coco . Đó là trạm rađa, cơ sở trinh sát biển và tình báo điện tử. Ngoài các căn cứ nghe trộm và đánh chặn trên đảo này, Trung Quốc cũng được phép xây dựng trên các đảo Katan và Zadaikyi. Ở gần eo biển Malacca, Bắc Kinh đang nhòm ngó đảo Hainggyi vì nếu kiểm soát được sẽ cho phép bảo đảm an toàn cho 80% lượng dầu mỏ nhập khẩu. Chiến lược của Trung Quốc dựa trên các cơ sở biển đảo cũng mở rộng sang Ấn Độ Dương. Nhiều hòn đảo được Trung Quốc để ý đến vì thấy có thể có khả năng thiết lập tại đó một căn cứ như kiểu Diego Garcia cho mình, như quần đảo Xâyxen hay Manđivơ mà Hồ Cẩm Đào đã đến thăm. Tuy nhiên, cho đến lúc này, không một hiệp định quân sự chính thức nào được phê chuẩn cho dù có tin đồn về việc xây dựng một căn cứ tàu ngầm tại Marao, cách thủ đô Manđivơ khoảng 40 km về phía Nam, và được cho Trung Quốc thuê trong 25 năm. 

Chắc chắn là yếu tố biển đảo nằm ở trọng tâm chiến lược biển mới của Trung Quốc. Tính chất đó cho phép hiểu được ván cá cược mà Hải quân Trung Quốc phải giải quyết về mặt chủ quyền, bảo đảm an toàn các tuyến đường vận tải biển và không gian can thiệp ở nơi mà nước này coi là vùng trách nhiệm của mình. Tính chất biển đảo cũng là chiếc chìa khóa nếu Trung Quốc không có sẽ không thể bảo đảm tiếp tục lớn mạnh thông qua chiến lược chuỗi đảo được. Chắc chắn Hải quân Trung Quốc hiện mới chỉ ở bước phát triển ban đầu. Nhưng sự phát triển đó đã khiến Hải quân Ấn Độ nghi ngại khi thấy Hải quân Trung Quốc phát triển nhanh chóng. Tổng thống Barack Obama dường như cũng không nhầm. Rõ ràng ông chọn cách chuyển trọng tâm về châu Á-Thái Bình Dương vì khu vực này có thể là nơi diễn ra cuộc đấu tranh giành ảnh hưởng để thống trị các vùng biển mà Mỹ dường như không sẵn sàng trao quyền kiểm soát cho người khác. Việc triển khai máy bay không người lái trên đảo Coco của Ôxtrâylia chỉ là bước đầu của cuộc chiến tranh giành vị thế này. Mọi thứ cho thấy biển đảo sẽ là một cuộc chơi lớn trong cuộc đấu quyết liệt này, ở cả cấp độ chuỗi đảo lẫn yêu sách lãnh thổ. Việc Trung Quốc đóng thêm hai tàu sân bay cũng như lập tường chính trị của Mỹ, Ấn Độ và Ôxtrâylia dường như cho thấy sẽ diễn ra một cuộc chạy đua vũ trang mới giống như những gì mà Mahan đã thấy trong những năm 1980. Vấn đề còn lại là hy vọng cuộc chạy đua vũ trang đó sẽ không dẫn đến một cuộc xung đột lớn./.

-Động lực nào thúc đẩy Trung Quốc hoạch định chiến lược biển? -

Tổng số lượt xem trang