Chủ Nhật, 21 tháng 10, 2012

Số phận kỳ lạ của chiếc trực thăng UH-1 số hiệu 60139 - Phi vụ đầu tiên ở Trường Sa

-Số phận kỳ lạ của chiếc trực thăng UH-1 số hiệu 60139 - Kỳ 1:
Phi vụ đầu tiên ở Trường Sa
TT - Đầu tháng 1-1976, trung đoàn không quân 917 nhận nhiệm vụ đưa thiếu tướng Lê Ngọc Hiền (phó tổng tham mưu trưởng) và đoàn cán bộ của Bộ Tổng tham mưu đi thị sát tình hình và kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu của bộ đội hải quân trên quần đảo Trường Sa.

Chiếc máy bay trực thăng UH-1 của Mỹ số hiệu 60139 được lệnh đưa xuống tàu ra đảo! Đó là lần đầu tiên trong lịch sử, máy bay của không quân nhân dân VN thực hiện một phi vụ ở quần đảo Trường Sa.


Từ phải qua: Lê Quang Vinh, Hồ Duy Hùng, Lê Đình Ký, Hoàng Đức Ngư, Lê Hồng Nhị trong chuyến bay đầu tiên hạ cánh xuống đảo Trường Sa - Ảnh tư liệu trung đoàn 917

Chuyến đi nhớ đời
Đoàn công tác cả trăm người gồm lãnh đạo của Bộ tư lệnh Không quân và Hải quân cùng các bộ phận liên quan đến... chiếc máy bay UH-1. Trung đoàn trưởng trung đoàn 917 khi đó là anh Lê Đình Ký lái chính, Hồ Duy Hùng lái phụ, anh Lê Quang Vinh lái phụ kiêm dẫn đường và kỹ thuật mặt đất, kỹ thuật trên không. Đặc biệt, một xe chở xăng dầu chỉ chuyên phục vụ chiếc máy bay UH-1 cũng được xuống tàu ra Trường Sa. Càng của chiếc máy bay UH-1 được ràng buộc rất kỹ xuống sàn tàu. Đoàn công tác đi bằng tàu đổ bộ của Mỹ trọng tải 4.000 tấn sản xuất từ năm 1942, mỗi lần sóng đánh tàu kêu răng rắc. Tàu cũ nên tốc độ chỉ 7-8 hải lý/giờ.
Tàu lắc liên tục. Sóng gió lớn quá. Nhiều người say lả. Hùng cũng bị say sóng nhưng chỉ qua một ngày là quen sóng ngay. Lái phụ số 2 kiêm dẫn đường Lê Quang Vinh nằm bẹp một chỗ, tổ bay chỉ còn Lê Đình Ký và Hồ Duy Hùng. Càng gần đến quần đảo Trường Sa sóng càng lớn. Mờ sáng ngày thứ ba, sau hành trình ba ngày hai đêm, đảo Trường Sa Lớn đã hiện ra trong tầm mắt. Đây là hòn đảo lớn nhất thuộc các đảo do quân ta đóng giữ. Tàu đậu cách đảo Trường Sa Lớn chừng 2 hải lý.
Nhiệm vụ của tổ bay là chở đoàn cán bộ cao cấp của quân đội thị sát năm đảo vừa tiếp quản và hạ cánh trên đảo. Chiếc máy bay UH-1 khi đó như taxi, chở lần lượt từng đợt cho tới khi hết đoàn công tác. Ở nơi sóng gió khắc nghiệt này, để một chiếc máy bay cất cánh không đơn giản, nhất là lại cất cánh ở trên boong một con tàu không ngừng chao lắc. Phi công phải căng tất cả giác quan, chú ý không cất cánh khi độ nghiêng của tàu lớn quá, cánh máy bay sẽ đập vô boong tàu. Hạ cánh còn gian nan hơn. Con tàu cứ chòng chành, lắc lư. Phi công phải treo máy bay, canh đúng khoảng ngưng chỉ 1-2 giây ngắn ngủi giữa độ lắc của tàu là hạ cánh xuống. Nhưng nếu chọn không đúng thời cơ đặt càng hạ cánh, chỉ với độ nghiêng lớn có thể đánh bật chiếc trực thăng rớt xuống biển! “Phi công bay biển thường cao hơn phi công đất liền một bậc vì bay biển khó hơn rất nhiều. Đường chân trời mờ mịt, không biết đâu là trời, đâu là biển, dễ bị cảm giác sai, nhưng khi đó tôi cứ nhằm vào vật đối chứng là tàu và đảo mà canh chừng để bay, cất hạ cánh” - ông Hùng nhớ lại chuyến đi lịch sử ấy.
Đoàn công tác ở Trường Sa hơn hai tuần, đi qua năm đảo: Trường Sa, Nam Yết, Sinh Tồn, Sơn Ca, Song Tử Tây - những cái tên mà trước đó Hồ Duy Hùng chỉ nghe qua và ước ao được một lần bay đến. “Tôi đã bay nhiều đảo ở Lý Sơn, Phú Quốc, Thổ Chu, cù lao Xanh... toàn đảo lớn, cây cối um tùm. Còn các đảo ở Trường Sa khi đó nhỏ và hoang vu lắm. Nhiều đảo chìm nước lên là ngập. Bản đồ Nhật Bản vẽ đảo Trường Sa Lớn năm 1942 chỉ dài 450m nhưng khi tôi bay ra đảo lớn hơn, dài trên 600m. Hồi đó sâm đất trên đảo rất nhiều. Mùa chim đẻ trứng, các bãi cát mênh mông trắng màu trứng chim, nếu chở phải dùng xe tải!” - ông Hùng bồi hồi nhớ lại.
Chiếc UH-1 số hiệu 60139, sau khi huấn luyện bay chuyển loại cho hai tổ bay đầu tiên xong là hết giờ bay, đã được giao lại cho Bộ tư lệnh Phòng không không quân, kết thúc hành trình lịch sử, nhưng nó tiếp tục kể lại câu chuyện độc đáo và thú vị của mình cho hậu thế tại Bảo tàng Phòng không không quân Việt Nam.
Còn thiếu úy không quân nhân dân VN Hồ Duy Hùng, người tham gia lái chiếc UH-1 ở Trường Sa năm ấy, sau này trở thành tổng giám đốc Công ty Du lịch Phú Thọ, là người có công rất lớn để biến bãi đầm lầy thành khu du lịch nổi tiếng Đầm Sen. Ông nghỉ hưu năm 2008. Nhưng không nhiều người biết được: Hồ Duy Hùng là sĩ quan không quân quân đội Sài Gòn.
Hồ Duy Hùng là ai?
Năm 1968, theo sự chỉ đạo của mạng lưới điệp báo, Hồ Duy Hùng gia nhập quân đội Sài Gòn. Tháng 8-1968, anh được tuyển đi học Trường Sĩ quan bộ binh Thủ Đức. Do có khả năng và kiến thức, Hùng lọt vào những sinh viên sĩ quan được chọn học tiếng Anh phi hành. Cuối năm 1969, sau khi hoàn thành khóa học tiếng Anh, Hồ Duy Hùng được chọn đi học lái trực thăng ở Mỹ. Sau khi tốt nghiệp loại giỏi phi công lái chính UH-1, Hùng được học bay thêm một tháng gunship (trực thăng vũ trang). Tháng 10-1970, anh tốt nghiệp và về Việt Nam, được tổ chức phân công về công tác tại tổ điệp báo E4.
Và như vậy, “Việt cộng nằm vùng” Hồ Duy Hùng bắt đầu hoạt động với tư cách thiếu úy phi công trực thăng UH-1 thuộc phi đoàn 215 (không đoàn 62, sư đoàn 2 không quân quân đội Sài Gòn đóng ở Nha Trang). Do có điều kiện đi về bằng máy bay từ Nha Trang vào Sài Gòn nên Hùng thường xuyên liên lạc với tổ E4 và đồng chí Sáu Bán - người phụ trách trực tiếp. Anh đã cung cấp cho B7 nhiều tài liệu quý, trong đó có tập tài liệu tối mật in toàn bộ bản đồ, không ảnh các sân bay lớn nhỏ ở miền Nam và các nước Đông Nam Á cùng các tần số liên lạc với các sân bay và các căn cứ pháo binh. Toàn bộ tài liệu quý này được chuyển về Khu an toàn.
Ngày 12-3-1971, khi vừa thực hiện một phi vụ trở về, Hồ Duy Hùng bị hai sĩ quan của phòng an ninh sư đoàn 2 không quân tịch thu súng và bắt ngay trước phòng trực ban của phi đoàn ở sân bay Nha Trang! Đó là một ngày không may mắn vì buổi sáng trước đó, khi đi đổ quân ở Di Linh, anh bị quân giải phóng bắn suýt thiệt mạng.
Sau năm tháng giam giữ với dồn dập những cuộc thẩm vấn, ngày 30-7-1971 Hồ Duy Hùng bị sa thải khỏi không lực Việt Nam cộng hòa vì “khai man lý lịch, có nhiều thân nhân hoạt động cho cộng sản, có tư tưởng thiên cộng”. Sau đó, anh còn bị giam thêm ba tháng ở Tổng nha Cảnh sát với những cuộc thẩm vấn kỹ hơn. Cuối cùng vẫn không khai thác được gì thêm, Tổng nha Cảnh sát chuyển Hồ Duy Hùng về bót Ngô Quyền làm các thủ tục giải giao về cho Ty Cảnh sát Gia Long (Đà Nẵng) để quản lý ở địa phương.
MY LĂNG
_____________________
Điều rất thú vị là chiếc UH-1 số hiệu 60139 bay trên bầu trời Trường Sa năm ấy chính là chiếc trực thăng bị đánh cắp tại Đà Lạt năm 1973. Và người đánh cắp chiếc máy bay ấy cũng chính là Hồ Duy Hùng, thiếu úy không quân Sài Gòn.
Kỳ tới: Chiếc trực thăng bị đánh cắp- Số phận kỳ lạ của chiếc trực thăng UH-1 số hiệu 60139 – Kỳ 1: Phi vụ đầu tiên ở Trường Sa (TT).



-– Số phận kỳ lạ của chiếc trực thăng UH-1 số hiệu 60139 – Kỳ 2: Chiếc trực thăng bị đánh cắp (TT).

TT - Hồ Duy Hùng được lệnh phải bằng mọi giá lấy được một chiếc trực thăng mang ra vùng giải phóng. Và chiếc trực thăng UH-1 số hiệu 60139 đậu gần bờ hồ Xuân Hương (Đà Lạt) đã biến mất. Đây là vụ mất cắp máy bay hi hữu, dẫn đến một “vụ án tản thất quân dụng” trong quân đội Sài Gòn lúc đó.
Thiếu úy Hồ Duy Hùng (đứng) trong thời gian tại ngũ trong quân đội Sài Gòn - Ảnh tư liệu

Giờ hành động
Đầu tháng 5-1972, Hồ Duy Hùng được gọi vào căn cứ ở vùng Sở Cốt (Trảng Bàng, Tây Ninh) để gặp cấp trên. Đó là một cuộc gặp gỡ bí mật vào ban đêm. Hùng được một người không biết mặt, chỉ nghe giọng nói, tự giới thiệu là Ba Tú, giao nhiệm vụ tuyệt mật: đánh cắp một chiếc máy bay để kêu gọi phản chiến, hỗ trợ chiến dịch Nguyễn Huệ.
Sáng hôm sau, Hùng trở lại Sài Gòn, rồi đi một số nơi mà trực thăng thường đến trực cấp cứu hoặc hạ cánh như Phan Thiết, Quy Nhơn, bãi đáp máy bay ở sân vận động Buôn Ma Thuột...tìm cơ hội thực hiện nhiệm vụ. Chuyến đi này bất thành vì không có cách nào vào sân bay có lính gác. “Tôi nghĩ chỉ còn cách lấy máy bay ở sân bay dã chiến hoặc chỗ nào máy bay thỉnh thoảng hạ cánh”.
Sau đó phát hiện có người theo dõi, Hồ Duy Hùng lập tức rút lên Đà Lạt. Ở được một thời gian ngắn, anh lánh ra Phan Rang đi đốt than để tránh mật thám. Được vài tháng, Hùng được lệnh của cấp trên yêu cầu phải vào khu gấp vì đang bị truy bắt! Giữa tháng 10-1973, Hồ Duy Hùng chủ động đề xuất với ông Năm Hà (Lê Nam Hà, phó ban quân báo, khi này là người trực tiếp phụ trách anh) kế hoạch: quay trở ra, lấy cắp một chiếc trực thăng bay về căn cứ!
“Đó là một đề xuất rất mạo hiểm, không chỉ là tình huống không may bị địch bắt” - ông Năm Nhưỡng, phó ban quân báo, nhận xét. Bởi Hùng mới có gần 400 giờ bay tích lũy, tính cả thời gian huấn luyện ở trường! Với phi công, giờ bay tích lũy như thế chỉ mới là con chim non nớt. Phi công giỏi phải trên 1.000 giờ bay. Hơn nữa, anh đã dừng bay trên 2 năm 8 tháng, một thời gian gián đoạn quá dài, gấp 10 lần cho phép! “Tôi vẫn quyết định thực hiện lại nhiệm vụ này dù biết rất khó khăn và vô cùng nguy hiểm”, ông Hùng giải thích.
9g30 sáng 7-11-1973, bầu trời Đà Lạt vẫn mù sương. Trên con đường dốc gần hồ Xuân Hương, một thanh niên chừng 25 tuổi, choàng áo pardessus xanh đen của phi công, đi giày đen, đội mũ lưỡi trai đen, đeo kính Pilot, vội vã bước những bước rất nhanh về bãi đất trống sát bờ hồ. Đó là Hồ Duy Hùng. Chiếc trực thăng UH-1 số hiệu 60139 đang đậu gần đấy. Hùng đảo mắt nhìn xung quanh. Bên kia hông trực thăng là chốt gác có mấy tay nhân dân tự vệ. Anh vòng lên đầu ra phía đuôi máy bay. Nếu có ai đó nhìn từ ngoài đường vào, phía này sẽ được che khuất bởi máy bay.
“Mình sẽ lấy được chiếc UH-1 này nếu nó còn đủ xăng và điện”, Hùng nhớ lại cảm giác lúc đó. Anh bình tĩnh mở cửa trước máy bay, leo vô buồng lái. Lượng xăng còn đủ để bay được khoảng 105 phút. Bật công tắc bình ắcquy, đủ để nổ máy. Kiểm tra nhiên liệu và điện xong, người thanh niên leo xuống đóng cửa lại, quan sát xung quanh và dọc con đường lên chợ Đà Lạt. Trong khoảng cách gần 300m, không thấy có người theo dõi, cũng không thấy phi hành đoàn. Chỉ có một đứa bé chừng 10 tuổi đang tò mò đến gần chiếc máy bay, mở đôi mắt trẻ con to tròn ngắm nhìn!
“Phải hành động thật nhanh, chỉ sợ đám an ninh đột ngột xuất hiện hoặc phi hành đoàn bất ngờ trở lại”, Hùng quyết định trong sự hồi hộp. Anh nhanh chóng tháo dây buộc cánh máy bay khỏi đuôi, rồi leo lên buồng lái, gấp rút thực hiện những thao tác khởi động động cơ. Từ hôm trước khi đề xuất nhiệm vụ đầy táo bạo và nguy hiểm này, anh đã cố nhớ lại hết các động tác khởi động và cất cánh chiếc UH-1, nhưng lúc này anh như một thí sinh sắp hết giờ...
Thời điểm này một giây cũng là vàng. Không dám chần chừ, anh quyết định nổ máy theo điều kiện khẩn cấp, chỉ mất 40 giây. Tuy nhiên, lựa chọn này sẽ rất căng thẳng. Phải giữ đồng hồ chỉ nhiệt độ động cơ ở vạch vàng, chỉ cần qua vạch đỏ 3 - 5 giây sẽ bị cháy động cơ ngay lập tức! Người thanh niên căng mắt nhìn đồng hồ nhiệt độ và giữ tay ga đúng 40 giây, rồi kéo cần điều khiển.
Chiếc UH-1 cất cánh khỏi bờ hồ Xuân Hương...
Đánh cắp “Ngọc hoàng”, đưa về “Thượng đế”
Hồ Duy Hùng đã có mặt ở Đà Lạt 7 ngày để “săn tìm” trực thăng theo kế hoạch đã đề xuất. Thời gian cấp trên cho Hùng thực hiện nhiệm vụ này là hai tháng. Nếu sau hai tháng không lấy được, Hùng phải ra ngay chiến khu vì anh đang bị an ninh quân đội Sài Gòn săn lùng khắp nơi. “Anh em đã bàn tính rất kỹ, rất cẩn trọng trước khi để Hùng hành động. Đã vào hang bắt cọp thì chuyện mất còn dễ như chơi. Nhưng chúng tôi tin Hùng sẽ làm được dù rất khó khăn, nguy hiểm!” - ông Năm Nhưỡng, một lãnh đạo của Hồ Duy Hùng, nhớ lại.
“Buổi sáng hôm ấy, khi chạy xe gần tới nhà người cô ở đường Thái Phiên thì tôi nghe tiếng máy bay trực thăng hạ cánh phành phạch xuống bờ hồ Xuân Hương - Hồ Duy Hùng nhớ lại - Hôm nay trời mù lại nhiều mây như thế này mà sao vẫn có máy bay đến? Tôi khá ngạc nhiên vì trực thăng không hạ cánh xuống được sân bay dã chiến trong điều kiện thời tiết không thuận lợi như thế. Có lẽ do thời tiết quá xấu nên các phi công chiếc UH-1 này phải đáp xuống đây để chờ trời tốt lên”. Anh vội vàng quay về trả xe cho người cô, chỉ kịp nói: “Nếu con không về là con đi luôn nghe cô”, rồi tức tốc xuống bến xe trước chợ Đà Lạt trong bộ quần áo rất... pilot.
“Trước đó hai tháng, chúng tôi đã thống nhất hai phương án: đánh cắp hoặc cướp máy bay nếu có bảo vệ. Kế hoạch lúc đầu chỉ có một mình Hồ Duy Hùng hành động. Nhưng sau đó nhận thấy phải có thêm một người hỗ trợ để khi cần, một người khống chế lực lượng bảo vệ để người còn lại lấy máy bay. Hùng chọn Tư Đen”, ông Năm Nhưỡng cho biết. Tư Đen tên thật là Hoàng Đôn Bảnh, một chiến sĩ tình báo, khoảng 20 - 22 tuổi, rất gan dạ, chuyện gì cũng dám làm. Và Tư Đen đã có lúc làm nhân viên kỹ thuật máy bay trực thăng ở sân bay Biên Hòa.
Họ hẹn nhau 8g sáng 30-10-1973 ở quán phở Tùng - một quán phở khá nổi tiếng ngày đó - nằm sau bến xe nhỏ của Đà Lạt. Nhưng Tư Đen không đến. Rồi đến ngày 1 và 2-11, Hồ Duy Hùng vẫn đến điểm hẹn ở phở Tùng và cà phê Ngọc Lan nhưng không gặp được Tư Đen. Sau này anh mới biết Tư Đen bị phục kích ở bàn đạp (vùng đệm giữa vùng giải phóng và tạm chiếm) nên ra trễ mất ba ngày.
Không có Tư Đen, Hồ Duy Hùng vẫn quyết thực hiện nhiệm vụ một mình.
“Theo bàn bạc, Hùng sẽ bay thật thấp để tránh rađa địch theo dõi và tránh súng phòng không, súng bộ binh của ta khi bay qua vùng giải phóng - ông Nguyễn Trung Hiếu, nhân viên kỹ thuật điện đài của ban quân báo, kể - Hùng sẽ dùng tần số FM của máy thu phát trên trực thăng gọi về máy PRC 25 của bộ phận trinh sát kỹ thuật điện đài ở nhà (vùng giải phóng). Mật danh để gọi ở nhà là “Thượng đế”, máy bay là “Ngọc hoàng”. Thời gian trực máy từ 10g - 15g hằng ngày”.
Đường bay từ Đà Lạt về đến điểm hẹn bí mật dài 235km, thời gian bay khoảng 90 phút nếu không có gió lớn. Nhưng thực tế việc đưa chiếc UH-1 về vùng giải phóng là một hành trình đầy rẫy chết chóc, nhất là 15 phút đầu tiên trên không đầy kịch tính...
MY LĂNG
------------------------------------------------
Kỳ tới: Chuyến bay sinh tử





-- Số phận kỳ lạ của chiếc trực thăng UH-1 số hiệu 60139 – Kỳ 3: Chuyến bay sinh tử (TT).


TT - Vừa cất cánh lên, chiếc UH-1 lập tức chui vào biển mây khổng lồ dày đặc và xám xịt của một ngày xấu trời. Đó là điều rất kiêng kỵ với phi công còn ít kinh nghiệm và lại dừng bay quá lâu như Hồ Duy Hùng!
Ông Hồ Duy Hùng kể lại khoảnh khắc sinh tử khi đưa chiếc UH-1 về chiến khu - Ảnh: GIA TIẾN
“Bịt mắt” bay trong mây mù
Vì quá căng thẳng và khẩn cấp, Hồ Duy Hùng không kịp nhớ phải bật công tắc đảo điện AC. Tất cả các đồng hồ chỉ trạng thái máy bay, đồng hồ la bàn điện và nhiều đồng hồ khác - đặc biệt là đồng hồ chỉ đường chân trời, “bảo bối” rất quan trọng với phi công khi bay trong thời tiết xấu - không hoạt động. “Tôi không khác gì người mù - ông Hùng kể - Chỉ còn cách dùng tốc độ để cân bằng một phần trạng thái máy bay. Nếu kim đồng hồ tăng nhanh là máy bay chúc đầu xuống, còn khi giảm tốc độ thì máy bay sẽ dựng đầu lên. Nhưng máy bay không giữ được thăng bằng, nghiêng qua đảo lại điên cuồng như con chim hoảng loạn giữa bầu trời đầy mây dông xám xịt”.
Anh cứ sợ máy bay đụng núi Lang Bian cao trên 2.000m ở phía bắc Đà Lạt. Phía trước là núi hay là mặt đất Hùng cũng không kịp rõ, cứ thấy bay được là bay. Anh chỉ biết mình phải kéo máy bay lên cao để tránh đâm vào núi. Nhìn đồng hồ cao độ, Hùng biết mình đã bay ở độ cao cần thiết! Nhưng bay ở độ cao này rất nguy hiểm vì rađa của đối phương ở đài kiểm báo Buôn Ma Thuột có thể sẽ phát hiện! “Tôi và chiếc máy bay như con chim nhỏ bị bao vây đến cùng đường, vùng vẫy trong cảnh hỗn mang - ông Hùng kể - Tử thần đã đùa giỡn không biết bao lần. Lúc thấy đất, thấy núi giây lát rồi lại vào mây mù dày đặc. Cứ thoát ra được đám mây này máy bay lại chui vào đám mây khác, mù mịt, tối sầm. Tôi chống chọi quá lâu với tử thần trong hoang mang không gì bấu víu, hoàn toàn tuyệt vọng. Tôi kiệt sức tưởng chừng không thể thở nổi nhưng nghĩ phải đưa bằng được máy bay về chiến khu an toàn”.
Bình thường một tổ bay phải có hai phi công, một người lái chính còn người kia làm dẫn đường, coi bản đồ chỉ hướng, độ cao... vì phi công lái chính không thể quan sát hết hệ thống 30-40 đồng hồ, bảng tín hiệu. Nhưng khi đó trên máy bay chỉ có một mình Hồ Duy Hùng. Anh không thể buông tay và không thể để nhiệm vụ quan trọng này thất bại! “Thật sự lúc đó tôi không xác định được hướng nữa, thấy mình chưa đụng vô núi thì cứ bay!” - người chiến sĩ tình báo nhớ lại.
Trong những phút giây cùng cực nhất của tuyệt vọng thì bất ngờ ánh sáng của sự sống chói lóa trước mắt Hồ Duy Hùng! Nhờ một sự may mắn trời cho, chiếc UH-1 bỗng chui ra khỏi mây. Trời trong veo và an lành quá. Khi ánh sáng hắt vào buồng lái, anh vội sửa lại ngay tư thế bay. Hùng nhìn xuống, bên dưới độ cao hơn 1.600m là sân bay Liên Khương! Anh như bừng tỉnh sau những giây phút hoang mang, bế tắc tột độ. Hùng chợt nhớ ra, đưa tay bật công tắc điện AC. Các đồng hồ và các bảng điện báo đồng loạt hoạt động. Anh đã mất 15 phút để bay đoạn đường chỉ gần 13km theo đường chim bay. “Chỉ 15 phút mà tôi thấy dài khủng khiếp. Cũng may tôi lạc đúng hướng về vì hướng này núi thấp nên ít mây hơn - ông Hùng cho hay - Nếu chếch lên các hướng khác toàn núi cao, đầy mây thì cơ hội sống sót không còn”.
Người chiến sĩ tình báo lập tức hạ độ cao để rađa địch không phát hiện rồi điều chỉnh hướng, giữ tốc độ và vòng quay cánh quạt có lợi nhất để bay về. Lúc này anh mới nhận ra người mình đã ướt đẫm mồ hôi dù 15 phút quay cuồng, nhào lộn trên không nhiệt độ chỉ khoảng 5-10 độ! Anh nhớ lại từ Đà Lạt về đến điểm hạ cánh sẽ mất khoảng 90 phút nếu không có gió. Vừa khi đó, dưới đất, những đám khói đốt rẫy trải dài ngược chiều bay lại. Gió tây nam đang thổi! “Thật là họa vô đơn chí. Đã mất gần 15 phút vô ích giờ lại gặp gió ngược! Tôi lo sợ không đủ nhiên liệu để về nhà...” - ông Hùng kể lại cảm giác khi đó.
“Ngọc hoàng gọi...”, “Thượng đế” không trả lời
Cựu thiếu tá không quân nhân dân VN Lê Thành Chơn, người được một hạ sĩ quan VN cộng hòa trao cho tập hồ sơ liên quan đến vụ việc này, kể lại:
Ngay buổi chiều 7-11-1973, hình ảnh từ Trung tâm Không ảnh không quân (nằm trong sân bay Tân Sơn Nhất) cho thấy tại khu rừng ở Bến Cát, nơi khu vực bị cháy vài chỗ, lọt thỏm trong thảm xanh có đốm màu nâu, được nghi là chiếc máy bay UH-1. Tư lệnh không quân VN cộng hòa - trung tướng Trần Văn Minh - đã ra lệnh cho máy bay trinh sát L-19 nhiều lần bay đến gần khu vực nghi ngờ có chiếc UH-1 ngay buổi chiều hôm đó... Sang hôm sau 8-11, một phi đội F-5E được lệnh trút bom xuống một cái trảng tọa độ đã xác định, hòng phá hủy chiếc UH-1 khỏi rơi vào tay Việt cộng...
Điểm hạ cánh đã ấn định trước là bàu Cà Tông (huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương), cách căn cứ Quân khu Sài Gòn - Gia Định chừng 20km. “Tôi phải bay thật thấp để tránh rađa địch theo dõi và tránh súng phòng không, súng bộ binh của ta khi bay qua vùng giải phóng - ông Hùng kể - Trên đường bay, sợ nhất là qua vùng rừng thưa. Súng bộ binh của ta có thể bắn rất dễ vì nhìn thấy từ xa. Còn không quân địch thì không sợ vì tôi bay rất thấp, khó rađa nào bắt được. Các căn cứ máy bay tiêm kích của địch đều ở xa, nếu có cất cánh đi tìm tôi thì cũng không dễ tìm ra”.
Chiếc UH-1 men theo rìa phải của Di Linh, rồi Bảo Lộc. Những đồi chè xanh mướt chạy ngút ngàn dưới tầm mắt Hồ Duy Hùng. Một lát sau sông Đồng Nai uốn lượn phía dưới. Khi qua sông Đồng Nai và sông Bé, thấy trực thăng địch, từ
dưới căn cứ quân ta bắn lên dữ dội. “Tôi nhìn thấy có nhiều anh em bộ đội chạy đuổi theo ở mép sông chĩa súng lên. Mở máy liên lạc gọi về nhà mấy lần nhưng không nghe trả lời. Bây giờ tôi mới thấy việc tìm ra bàu Cà Tông rất khó. Nâng độ cao lên thì tìm được nhưng dễ ăn đạn của quân ta hoặc rađa của địch ở Biên Hòa, Tân Sơn Nhất sẽ phát hiện ngay. Còn bay thấp mà lệch mục tiêu mấy trăm mét thì không thấy được. Chắc chắn tôi đã bị lệch tương đối nhiều vì đường bay khá xa và bị tác động của gió”, ông Hùng nhớ lại.
Những cánh rừng mênh mông lần lượt lướt qua dưới máy bay.
Chưa đến đường 13 thì đèn nhiên liệu bật đỏ nhấp nháy, báo dầu chỉ còn 20 phút bay! Không còn đủ nhiên liệu bay tiếp để tìm ra được bàu Cà Tông. Hồ Duy Hùng quyết định sau khi vượt qua đường 13 sẽ tìm cách hạ cánh vào vùng giải phóng nằm lọt giữa ba căn cứ của địch là Dầu Tiếng, Chơn Thành và Bến Cát. “Hạ cánh trong khu vực này là một quyết định rất mạo hiểm và đòi hỏi phải cực kỳ chuẩn xác - người chiến sĩ tình báo nói - Chỉ cần tiến lên một chút hay lệch về bên phải, bên trái, lui đằng sau đều trúng căn cứ địch!”.
Vừa bay vượt đường 13 chừng mấy phút thì cánh rừng cao su trong vùng giải phóng đã hiện ra. Từ trên máy bay nhìn xuyên qua tán lá cây, thấy lấp ló một số lán trại của bộ đội. Người chiến sĩ trẻ tìm mãi mới chọn được chỗ hạ cánh là một đầm lầy có nền đất khá cứng (sau đó anh mới biết đây là làng 18 cao su Minh Thành). Hùng nóng lòng gọi lại cho “Thượng đế”. Gọi mấy lần vẫn không có tín hiệu trả lời. “Trưa 7-11, bộ phận kỹ thuật của ta có bắt được bức điện từ đài kiểm báo Buôn Ma Thuột gửi về Bộ tư lệnh Quân đoàn 3. Nhưng khi giải mã xong bức điện của địch với nội dung báo lúc 10g hơn có phát hiện một chiếc máy bay lạ trên không phận Đà Lạt độ 10 phút rồi biến mất, anh em biết là Hùng đã lấy được máy bay nhưng không biết có về được hay không. Máy mở liên tục nhưng tần số rất nhiễu, nghe không được và gọi cho Hùng cũng không được” - ông Nguyễn Trung Hiếu, kỹ thuật điện đài của Ban Quân báo, người được phân công trực máy theo dõi Hồ Duy Hùng, cho biết.
Trong thời gian đó, không lực VN cộng hòa đã tung các máy bay trinh sát và ba chiếc A-37 ráo riết truy tìm chiếc UH-1 60139. Thế nên khi vừa hạ cánh, Hồ Duy Hùng đã nghe tiếng động cơ máy bay từ xa. Hùng vội lấy sình bôi lên phần sơn trắng trên cánh quạt và bôi lên kính để chống phản chiếu, rồi bẻ lá cây phủ ngụy trang máy bay...
MY LĂNG
_____________
Kỳ tới: Vụ án tản thất quân dụng




--Hé lộ 'món quà' Việt Nam tặng Liên Xô sau 30/4/1975 (đv)
Đại tá Victor Kyznechov có những kỉ niệm khó quên tại Việt Nam, liên quan đến nhiệm vụ nghiên cứu các chiến đấu cơ F-5, A-37.

(ĐVO) Sau đây là những dòng cảm nhận được ông ghi lại trong những ngày tháng nhiều cảm xúc đó:
Một buổi tối tháng 11/1975, cố vấn kỹ sư trưởng của Không quân Nhân dân Việt Nam, Đại tá Mitin đến gặp chúng tôi. Ông chọn tôi, vì tôi có nhiều  kiến thức trong lĩnh vực vô tuyến, cho một nhiệm vụ mà ông không nói trước. Sau đó, chúng tôi rời Hà Nội và bay vào Đà Nẵng, nơi có căn cứ quân sự lớn nhất của Việt Nam.
Căn cứ quân sự này có 2 đường băng cất và hạ cánh hướng ra biển. Ở giữa căn cứ có một trung tâm quản lý. Ngoài ra, tại căn cứ này còn có 2 điểm điều phối bay, 1 trong 2 điểm đó được bảo vệ. Trong căn cứ lúc đó có 150 trực thăng và máy bay do Mỹ sản xuất. Tất cả đều trong tình trạng tốt.
Tại đây chúng tôi có trách nhiệm đảm bảo tình trạng kỹ thuật cho những phương tiện hàng không này, chuẩn bị di rời chúng bằng đường biển, đường bộ sang Liên Xô.
Đầu tiên chúng tôi có nhiệm vụ nghiên cứu một chiếc F-5. Bởi các máy bay đều ở tình trạng tốt nên chúng tôi có thể xem xét kỹ từng chi tiết tại nhà chứa máy bay.
Chiếc F-5 đầu tiên đã bị chảy dầu ở bộ tản nhiệt và hỏng hệ thống liên lạc với trạm vô tuyến. Chúng tôi buộc phải chọn chiếc thứ 2, trong tình trạng hoàn hảo, và niêm phong lại để tránh bị đánh tráo thiết bị.





Máy bay tiêm kích hạng nhẹ F-5 hoạt động trong Không quân Nhân dân Việt Nam.

Cảm nhận đầu tiên của chúng tôi là F-5 có nhiều điểm nổi trội hơn so với MiG-21. Hầu hết các bộ phận đều có kích thước khá lý tưởng.
Chẳng hạn bộ phận máy phát có kích thước chỉ bằng 1/2, 1/3 so với máy bay của Liên Xô. Máy bay dễ dàng sử dụng đến nỗi hầu như chúng tôi không phải dùng đến tài liệu hướng dẫn. Để nạp thêm dầu thì dùng một chiếc xe đẩy chuyên dụng có chứa diesel.
Về cấu tạo, khoang lái của F-5 khá giống với MiG-21, tuy nhiên các bộ phận lại nhỏ gọn hơn, rất nhiều trong số đó có chỉ thị dạng băng chuyền. Khoang lái đựoc sơn màu ngọc lam nhẹ (giống màu của MiG-23 sau này).
Cùng với máy bay, chúng tôi được nhận thêm rất nhiều bộ phận thay thế và tài liệu kỹ thuật.
Ngoài ra, các bạn Việt Nam còn chuyển cho chúng tôi rất nhiều trang thiết bị mặt đất: cả một hệ thống đầy đủ cần thiết để phục vụ cho việc kiểm tra, sửa chữa máy móc cho máy bay, cả một hệ thống bao gồm cả thiết bị kiểm tra và đo đạc, dùng cho 4 máy bay…
Chúng tôi cũng có cơ hội xem xét một chiếc máy bay cường kích A-37 cùng các thiết bị phụ tùng thiết yếu và các tài liệu kỹ thuật đi kèm. Máy bay này còn đơn giản hơn cả F-5. Khoang lái có cấu tạo theo kiểu tổ hợp nhưng lại vô cùng thuận tiện, các thiết bị được lắp đặt giống như trên 1 chiếc trực thăng.





Cùng với F-5, máy bay cường kích A-37 đã được Không quân Nhân dân Việt Nam sử dụng hiệu quả trên chiến trường Campuchia.

Phía Việt Nam chuyển giao lại cho chúng tôi 2 động cơ dự phòng, được đóng trong 2 container đóng kín, có bơm khí trơ bên trong.
Đây là cách giúp thiết bị không chịu tác động xấu của môi trường và giúp bỏ qua khâu kiểm tra trước khi lắp đặt động cơ vào máy bay.
AC-119 là loại máy bay vận tải hạng nhẹ được mệnh danh là “máy bay chống du kích”, có khả năng lắp đặt thêm vũ khí để tấn công mục tiêu trên mặt đất, cũng được các bạn Việt Nam gửi đến cho chúng tôi xem xét. Tuy nhiên, loại máy bay này không gây cảm hứng với chúng tôi ngoại trừ các trang thiết bị đặc biệt trên máy bay.
Trực thăng CH-47 Chinook và UH-1 biến thể chiến đấu là 2 loại trực thăng thu hút được sự chú ý của chúng tôi.
So với Mi-8, UH-1 có nhiều ưu thế hơn. Máy bay nhỏ gọn hơn, nhưng lại được trang bị nhiều vũ khí hiện đại hơn: 2 súng máy 6 nòng, rocket và tên lửa có điều khiển. Khoang lái được thiết kế thấp, 2 bên sườn trực thăng được bọc thép.
Trong vòng 10 ngày chúng tôi đã xem xét kĩ lưỡng, tỉ mẩn từng loại máy bay trên và gửi chúng sang Liên Xô. Những chiếc máy bay này sau đó được Viện Nghiên cứu khoa học thuộc Lực lượng Không quân Liên Xô nghiên cứu.
Những chiến lợi phẩm trên chắc chắn đã giúp ích ít nhiều cho các kỹ sư Nga trong việc nghiên cứu và chế tạo các mẫu máy bay mới, hiện đại và tiện dụng.
>> Cánh quân thứ 6 trong chiến dịch Hồ Chí Minh
>> Máy bay Mỹ trong biên chế QĐND Việt Nam
>> Tạp chí nước ngoài viết về lịch sử không quân VN
>> Bí ẩn đặc nhiệm Liên Xô trong chiến tranh Việt Nam







Hiền Thảo (theo Airwar)

http://quocphong.baodatviet.vn/Home/QPCN/He-lo-mon-qua-Viet-Nam-tang-Lien-Xo-sau-3041975/20126/214562.datviet

Tội đồ trong cuộc chiến Việt Nam 'về hưu'
Là tàu sân bay năng lượng hạt nhân đầu tiên, hoạt động lâu nhất thế giới tới nay, USS - Enterprise là biểu tượng cho sự can thiệp của Đế quốc Mỹ.

-Tàu bị đụng chìm trên biển, 6 ngư dân thoát chết
Tuổi Trẻ
Tàu bị đụng chìm trên biển, 6 ngư dân thoát chết. TTO - 9g sáng 19-10, sáu ngư dân trên tàu cá TTH- 94122 bị tàu sắt tông chìm trên vùng biển Quảng Trị đã được một tàu cá đưa vào bờ. Hai người phải chuyển đến Bệnh viện Trung ương Huế cấp cứu.
Bị đâm chìm tàu, 6 ngư dân may mắn được cứuThanh Niên
Tàu cá bị đâm chìm, 6 ngư dân được cứu sốngDân Trí
Thừa Thiên- Huế: Tàu buôn cá bị tông, 4 người bị thươngLao động
--Bắt được 2 tàu đâm chìm tàu cá của ngư dân Thanh Hóa
---Bắt được 2 tàu đâm chìm tàu cá của ngư dân Thanh Hóa
(Dân trí) - Sau nhiều ngày xác minh, tìm kiếm, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Thanh Hóa phối hợp với Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng Nam Định đã tìm thấy 2 tàu đâm va khiến tàu TH - 3138TS của ngư dân Thanh Hóa chìm trên biển.  Cứu sống 9 ngư dân bị hai tàu đâm chìm

Như Dân trí đã thông tin, vào khoảng 14h ngày 3/10, trong khi đang đánh lưới ghẹ trên biển tại khu vực tọa độ 19­­­­­­­­­­­­ 054’N - 106018’E, phương tiện TH - 3138TS công suất máy 18 CV, do anh Lê Nhữ Khanh (sinh năm 1982), thường trú tại khu phố Trung Kỳ, ph­ường Trung Sơn, thị xã Sầm Sơn làm chủ tầu, kiêm thuyền tr­ưởng (trên tầu có 9 lao động) đã bị 2 tàu khác đâm chìm.

Ngư dn đi đnh c trn biển cần được bảo vệ.
Ngư dân đi đánh cá trên biển cần được bảo vệ.


Theo ngư dân trên tàu TH - 3138TS khẳng định, 2 tàu gây tai nạn nói trên là tàu đánh giã của tỉnh Nam Định. Bộ chỉ huy bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa, Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống bão lụt và tìm kiếm cứu nạn Thanh Hóa đã liên lạc với Bộ đội Biên phòng tỉnh Nam Định cùng phối hợp triển khai truy tìm.

Ngay sau đó, Đồn Biên phòng Sầm Sơn đã báo cáo Bộ chỉ huy cùng với phòng phòng chống tội phạm ma tuý phối hợp với Đồn Biên phòng Quất Lâm và phòng phòng chống ma tuý Bộ đội biên phòng tỉnh Nam Định tiến hành truy xét, truy tìm đư­ợc 2 phư­ơng tiện đâm va bỏ trốn.

Hai tàu gây tai nạn được xác định là tàu NĐ - 91142TS, do anh Trần Văn Hảo (sinh năm 1971, trú Giao Thuỷ, Nam Định) làm chủ tàu kiêm thuyền tr­ưởng, và tàu NĐ - 91047TS, do anh Đặng Văn Tiệp (sinh năm 1980, trú Quất Lâm, Giao Thuỷ) làm chủ kiêm thuyền tr­ưởng.

Hai tàu này đâm vào tàu cá của anh Lê Nhữ Khanh ở Thanh Hóa khiến tàu anh Khanh bị h­ư hỏng nặng, 120 treo l­ưới cư­ớc bị cuốn trôi, toàn bộ số ghẹ đánh bắt đ­ược cũng bị hai tàu kia lấy đi, tổng thiệt hại khoảng trên 200 triệu đồng. Hai tàu Nam Định bị thiệt hại khoảng 55 triệu đồng do hư hỏng nhẹ và bị mất giã.

Sau khi sự việc xảy ra, hai tàu phía Nam Định đã quay lại tìm giã nh­ưng không thấy nên bỏ đi. Trong khi đó tàu của anh Lê Nhữ Khanh đang dần chìm, đ­ược tàu TH - 0944TS do anh Đinh Văn Định (sinh năm 1973, ở thị xã Sầm Sơn) làm thuyền trư­ởng, cùng 7 thuyền viên khác đang hoạt động gần đó tới hỗ trợ, cứu vớt ng­ười bị nạn và cùng tát nư­ớc cứu tàu.

Sau khi tìm ra 2 tàu Nam Định va chạm với tàu TH 3138, cơ quan chức năng đã cho hai bên tự thoả thuận dân sự. Hai chủ tàu cá phía Nam Định đã bồi thường, hỗ trợ cho chủ tàu cá phía Thanh Hoá số tiền là 35.000.000đ để khắc phục hậu quả.

Về xử lý vi phạm, công dân bên nào có hành vi vi phạm pháp luật trong vụ việc này sẽ do Bộ đội biên phòng tỉnh đó hoàn chỉnh hồ sơ và xử lý theo quy định của pháp luật.



--http://dantri.com.vn/c728/s728-652666/bat-duoc-2-tau-dam-chim-tau-ca-cua-ngu-dan-thanh-hoa.htm
- -- Mỗi người một cuốn sách vì học sinh Trường Sa thân yêu (CATP).  – 419.860.000 đồng ủng hộ chương trình “Tấm lưới nghĩa tình vì Trường Sa, Hoàng Sa (LĐ).  – Những đóa hồng can đảm nơi Trường Sa(ictpress). - BINH ĐOÀN MỒ MA BIÊN GIỚI (Quỳnh Trâm).  - Hà Nội treo cờ rủ tưởng niệm cựu vương Campuchia (TTXVN).  – Norodom Sihanouk, vị quốc vương ngả nghiêng cùng thăng trầm lịch sử (RFI).
-Mất tích vì làm thơ chống Trung Quốc?
- Quảng Ngãi: Gần 2.000 ngư dân đã được kết nạp vào nghiệp đoàn nghề cá (BP). - Tiếp xúc cử tri TP. Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định: Chủ quyền biển đảo là thiêng liêng và bất khả xâm phạm (ĐĐK). – VNIF phát động chương trình góp sách cho học sinh Trường Sa (SGTT). – Nhịp sống biển Đông (TT).
- Pháp tổ chức hội thảo về biển Đông: “Đường lưỡi bò” không có cơ sở pháp lý (TT). – Hội thảo tại Paris: Đường lưỡi bò không thuyết phục (TTXVN). – Học giả quốc tế bác đòi hỏi của Trung Quốc trên biển Đông  (VOV).  – Trung Quốc – Philippines đàm phán giải quyết tranh chấp ở Biển Đông (Petrotimes).
- Trung Quốc tập trận ở Biển Hoa Đông (BBC).  – 11 tàu chiến Trung Quốc tập trận ở biển Hoa Đông(VnMedia). – Xem Hạm đội Biển Đông Trung Quốc huấn luyện chống tàu ngầm (Petrotimes).  – Nhật đau đầu ngăn chặn máy bay Trung Quốc xâm phạm (DT). – Đền Yasukuni, ngòi nổ mới (TT).  – Hải quân Trung Quốc tập trận gần đảo tranh chấp với Nhật (Infonet).
- Căng thẳng Trung-Nhật-Hàn lại tăng nhiệt (Petrotimes).
- Trung Quốc điều tàu chiến tới Điếu Ngư/Senkaku, tập trận ở biển Hoa Đông (TP).  – Nhật lý giải việc quốc hữu hóa quần đảo Senkaku (TTXVN).
- Báo chí Hàn Quốc: Ngư dân Trung Quốc không khác gì cướp biển (GDVN).
- Campuchia sẽ gắn bó chặt chẽ với chính sách hướng tới Trung Quốc (GDVN).
- Trung- Hàn chỉ trích chính trị gia Nhật thăm đền Yasukuni (VOV). - Triều Tiên “thề” tấn công nếu Hàn Quốc rải truyền đơn (TN).
- Cháu nội ông Kim Jong-Il tiết lộ bí mật của gia đình (TTXVN). – Cháu nội Kim Jong-il mong được về Triều Tiên (VNE). – Cháu đích tôn Kim Jong-il lên tiếng chưa từng gặp ông nội, chú ruột (GDVN).
-Phương Tây điêu đứng vì gián điệp mạng Trung Quốc
-http://sgtt.vn/Quoc-te/171382/Phuong-Tay-dieu-dung-vi-gian-diep-mang-Trung-Quoc.html
On Cybersecurity, India Begins to Embrace the Private Sector
theDiplomat.com
-- Nga – Mỹ chuẩn bị cho chiến tranh mạng (NLĐ).

Tổng số lượt xem trang