Thứ Hai, 4 tháng 5, 2015

Tội ác CSVN: Nhân ngày 30/4 : Cuộc chiến 'cả nước là diễn viên'

-Nhân ngày 30/4 : Cuộc chiến 'cả nước là diễn viên'
Bùi Tín 04.05.2015
Bài viết trước – “Cuộc chiến biệt vô tăm tích” - đã đề cập đến một nét đặc thù của cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Bài này lại nói đến một nét đặc thù nữa, chỉ người trong cuộc mới có thể nhận rõ, Đây là một nét không thể bỏ qua khi nghiên cứu, tổng kết về cuộc chiến tranh này.
Trước hết là những màn kịch của đảng. Rất điêu luyện, cao tay, tinh vi. Xin kể vài thí dụ.

Năm 1940, phát xít Nhật bắt đầu tiến công xuống phía Nam Châu Á, đe dọa Việt Nam. Đảng CS Đông Dương liền tổ chức ra Mặt trận Việt Nam Độc lập Đồng minh là tổ chức quần chúng của đảng CS, bao gồm các tổ chức Hội Thanh niên Cứu quốc, Hội Phụ nữ Cứu quốc, Hội Công nhân Cứu quốc…để che dấu kỹ bản chất CS của mình, thực hiện sứ mạng của Đệ Tam Quốc tế CS là nhuốm đỏ ba nước Đông dương thuộc Pháp.
Đây là màn kịch đầu tiên dấu kỹ tung tích CS, đề cao lòng yêu nước dành Độc lập để mở rộng thanh thế của đảng CS dưới chiêu bài chống Pháp đuổi Nhật. Lãnh đạo CS hiểu rất rõ là nếu trưng ra chiêu bài CS thì sẽ thất bại to vì nhân dân VN vẫn còn dị ứng với phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930-1931, một phong trào tả khuynh nguy hiểm đề cao khẩu hiệu «chống trí-phụ-địa-hào, đào tận gốc, trốc tận rễ». Chính do màn kịch này mà phong trào Việt Minh lên cao, lên nhanh để Đảng CS cướp được chính quyền tháng 8/1945, lợi dụng lòng yêu nước của toàn dân.
Khi thảo ra bản Tuyên ngôn Độc lập 2/9/1945, Hồ Chí Minh đã hoàn toàn có ý thức dấu kỹ tung tích CS và lập trường CS của mình, chỉ trưng ra tinh thần của cuộc cách mạng dân chủ tư sản, chỉ dẫn ra các tuyên ngôn cách mạng tư sản của Hoa Kỳ và Pháp, dấu kỹ Tuyên ngôn CS mà ông ta luôn coi là kim chỉ Nam cho mọi hành động của mình.
Đây là màn kịch cao thủ thứ 2, khi ông ta đóng kịch với nhà báo Pháp: «Tôi không phải CS, đảng tôi là Việt Nam». Trong 3 bức thư gửi Tổng thống Hoa Kỳ Truman để mong tranh thủ sự ủng hộ của nước Mỹ trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, ông đóng kịch như không dính dáng gì đến cộng sản. Thế nhưng phía Mỹ đã hiểu rõ Hồ Chí Minh là nhân viên kỳ cựu và trung thành của CS Quốc tế, không thể tin là người quốc gia, đó là nhân vật nguy hiểm cho cộng đồng quốc tế, cần xếp ở bên kia của trận tuyến «chiến lược be bờ chặn đứng chủ nghĩa CS» (Containment- of-Communist Strategy).
Ngày 11/11/1945 khi bị lộ tẩy đich danh là CS rồi , ông Hồ và lãnh đạo đảng CS lại dựng lên màn kịch «tự giải thể đảng CS Đông Dương», sự thật là chỉ rút vào bí mật và còn phát triển đảng CS mạnh hơn trước.
Mặt trận Liên Việt, Mặt trận Tổ quốc, Đảng Lao động VN cũng là các màn kịch làm bình phong che dấu bản chất CS. Học thuyết Mác - Lê đề cao Đảng CS, giai cấp vô sản thế giới, tinh thần quốc tế vô sản, trong khi hạ thấp, coi nhẹ và phủ định các khái niệm quốc gia, đồng bào, tổ quốc, xã hội, gia đình, tôn giáo. Cho đến khi toàn thắng rồi họ mới hạ màn kịch, lại công khai tự nhận là Đảng Cộng sản. Mặt trận Tổ quốc bị phơi bày cái mặt nạ bằng mo không còn chút giá trị trước nhân dân, do một ủy viên Bộ Chính trị Đảng CSVN chăn dắt một cách thô thiển vụng về sau khi kịch đã hạ màn.
Cho đến nay, vào ngày 30/4 lãnh đạo Dảng CS vẫn còn đóng kịch. Họ vẫn viết trên báo chí đây là «Ngày toàn thắng chống đế quốc Mỹ xâm lược», «Ngày kết thúc vẻ vang sự nghiệp chống Mỹ cứu nước», «Ngày đánh bại ngụy quân ngụy quyền tay sai Mỹ». Họ không nhầm lẫn đâu. Họ biết rõ Hoa Kỳ không xâm lược. Chính họ là kẻ rắp tâm thôn tính, xâm lược bằng vũ lực, chà đạp «quyền tự quyết của nhân dân miền Nam» do các Hiệp định Geneve và Paris đều long trọng khẳng định, mà chính họ đã ký tên cam kết. Họ phải bịa ra kẻ xâm lược để tự nhận là người chống xâm lược, phủi trách nhiệm, tự nhận là chính nghĩa, trong khi quân đội Mỹ chỉ hành động để bảo vệ thế giới dân chủ, trong đó có VNCH, theo chiến lược «be bờ chặn đứng thảm họa quốc tế cộng sản». Chính CS Việt Nam mới là một kiểu ngụy quân ngụy quyền do CS Moscow và CS Bắc Kinh nuôi dưỡng thành một tiền đồn của Quốc tế CS, một quân tốt thí. Lẽ ra lúc này họ phải bỏ đi cái trò đóng kịch nhầm vai, lộn vai như thế, nói lên đúng sự thật, khi chính họ đã bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ 20 năm chẵn và đang cần sự đầu tư và hỗ trợ của Hoa Kỳ và phương Tây.
Do CS chuyên nghề lừa dối và bịp bợm như thế nên cả xã hội VN một thời gian dài cũng nhiễm phải thói đóng kịch một cách trầm trọng và rộng khắp. Đây là một hiện tượng chưa được phát hiện, nêu lên thành hệ thống để nhận rõ thêm bộ mặt xấu xa của chủ nghĩa CS hiện thực. Nhà thơ Chế Lan Viên, người được coi là nhà thơ xuất sắc bậc nhất ở miền Bắc, khi chết đã để lại Di cảo nói rõ rằng ông ta đã lừa dối, đóng kịch ra sao. Trong bài «Trừ Đi» Chế Lan Viên viết: «Sau này anh đọc thơ tôi nên nhớ, Có phải tôi viết đâu, Một nửa cái cần viết vào thơ, Tôi đã giết đi rồi!». Trong bài «Ai? Tôi!» Chế Lan Viên viết: «Mậu Thân, 2000 xuống đồng bằng, Chỉ một đêm còn sống sót có 30, Ai chịu trách nhiệm về cái chết 2000 người đó? - Tôi !- người viết những câu thơ cổ võ Ca tụng người không tiếc mạng mình trong mọi lúc xung phong… ». Đó là sự kiện ở Bình Định, Tết Mậu Thân đảng tung 2000 quân lính và cán bộ từ căn cứ xuống đồng bằng kêu gọi dân tổng khởi nghĩa và tổng nổi dậy, nhưng thất bại thê thảm, chết gần hết.
Chế Lan Viên viết Di cảo để lại, khi sống ông không dám nói ra. Ông có dũng khí nhận tội ác về mình, thật ra tội ác thuộc về lãnh đạo đảng CS đã coi sinh mạng thanh niên quân lính cán bộ như cỏ rác, ném vào cuộc chiến một cách mù quáng. Cả một lớp văn nghệ sỹ cũng như nhà báo của đảng đều đóng kịch như thế để có kế sinh nhai, về hùa với tội ác mà cứ ngỡ mình là chính nghĩa. Chính tôi cũng đã phải đóng kịch trơ trẽn như thế.
Người dân thường hồi ấy cũng đóng kịch. Tôi xin dẫn chứng sống về 2 bà chị tôi. Bà chị ruột tôi ở Hải Phòng có con trai cả là Hưng, sau khi học xong trung học, cháu 17 tuổi được gọi đi nghĩa vụ quân sự. Ở lớp cháu trước khi hết học kỳ cuối cả lớp hơn 30 nam sinh là đoàn viên Thanh niên CS Hồ Chí Minh đều làm đơn tình nguyện 100% đi nghĩa vụ quân sự. Trong đơn gọi là «tình nguyện» còn nêu rõ sẵn sàng đi đâu khi Tổ quốc cần, ngụ ý là sẵn sàng vào Nam chiến đấu. Thư tình nguyện còn được ghi thêm ý kiến cùng chữ ký của bố hoặc mẹ rất đồng tình với ý tự nguyện của con mình. Bà chị con ông bác ruột tôi cũng có con trai là Hiệp học rất giỏi, chuyên là lớp trưởng. Cháu cũng đến tuổi làm nghĩa vụ quân sự. Cháu cũng được quận đội Hoàn Kiếm tuyển mộ, lớp cháu hầu hết đều tình nguyện nhập ngũ, chỉ trừ các bạn quá nhẹ cân, có cố tật. Hai bà chị tôi đều lo âu, buồn khổ, nhưng tuyệt nhiên không dám lộ ra ngoài. Với láng giềng, với chính quyền khu phố cứ phải tươi cười đóng kịch trong khi nước mắt tràn ra khi đêm xuống. Các chị dò hỏi tôi có cách nào xin cho các cháu được miễn đi quân dịch để vào học tiếp Đại học, và nhất là làm sao nếu vẫn phải đi lính thì không phải đi Nam, vì câu chuyện «sinh Bắc tử Nam» là một cơn ác mộng khủng khiếp dai dẳng cho các bà mẹ đó. Có thể nói các bạn trẻ 10 đi chỉ chừng 2, 3 phần trở về lành lặn. Vậy mà các bà chị tôi vẫn thản nhiên đóng kịch dự lễ tuyển quân, rồi sau vài tháng lại dự lễ tiễn đưa đoàn quân có con mình lên đường vào Nam, với những vòng hoa vàng đỏ choàng quanh cổ. Đó là thời kỳ chiến sự miền Nam sôi động 1965-1970. Các bà chị tôi đau khổ biệt tin con mình hằng 3,4 năm trời, có khi được tin láng máng là cháu Hưng vào khu 5, Quảng Nam hay Quảng Ngãi, cháu Hiệp vào Tây Nguyên, Kontum hay Pleiku, để rồi cuối cùng 2 bà đều thót tim nhận giấy báo tử, chậm đến hơn một năm. Cháu Hưng hy sinh ở huyện Đức Phổ còn cháu Hiệp hy sinh ở chiến trường Tây Nguyên, cả hai đều mất xác, không biết chôn ở đâu. Sau này các bà đều đi vào Nam, lặn lội nhiều nơi, dùng cả những người có ngoại cảm đi tìm mộ, nhưng đành chịu. Các tấm bảng tuyên dương Liệt sỹ, tuyên dương Mẹ Liệt sỹ, Gia đình vẻ vang, được vỗ tay chào đón trong các cuộc họp khu phố không hề an ủi được các bà chị tôi. Nỗi xót xa đau buồn khôn nguôi kéo dài hàng chục năm, vẫn không thể biết 2 cháu hy sinh như thế nào, ở đâu, lúc nào, cũng không có một di vật dù nhỏ làm kỹ niệm. Hàng triệu gia đình, hàng triệu bà mẹ đau khổ dằn vặt khôn nguôi.
Có thể nói hàng triệu gia đình có con vào Nam chiến đấu đều bị cưỡng bách một cách tinh vi như thế, đều buộc phải cùng đảng và theo đảng đóng kịch như thế. Các thanh niên đều 100% bị «cưỡng bách tự nguyện» như thế để bị cho vào lò sát sinh, vào bộ máy nghiến thịt khổng lồ mang tên «cuộc kháng chiến thần thánh chống ngoại xâm» phục vụ cho tham vọng quyền lực vô biên của Đảng CS tuân theo lệnh của Quốc tế CS do ông Hồ Chí Minh dắt dẫn suốt 85 năm từ khi thành lập Đảng CS năm 1930.
Cuộc đóng kịch dai dẳng về mọi mặt, cuộc lừa bịp chết người, hủy diệt oan uổng vô vàn sinh mạng trai tráng của dân tộc giữa tuổi thanh xuân cần kết thúc lúc này đã là quá muộn. Tất cả các «từ ngữ» liên quan đến màn kịch hủy diệt con người này cần xem xét và vĩnh viễn từ bỏ để thay vào những «từ ngữ» chính xác. Ai xâm lược, ai là ngụy quân ngụy quyền? Ai cứu nước hay gây tai họa cho nước? Ai chính nghĩa ai phi nghĩa? Toàn thắng cái gì? Giải phóng cái gì? Công lao nỗi gì? Vẻ vang, vĩ đại gì?
Sao tiếng nói riêng của Đảng CS lại vẫn cứ mang cái lốt giả là báo «Nhân Dân», sao Tòa án Nhân dân lại kết tội những người dân yêu nước chống bành trướng, sao Ủy ban Nhân dân quận Hoàn Kiếm lại có quyền cấm nhân dân thủ đô biểu tình bảo vệ cây xanh, sao Công an nhân dân lại ngang nhiên buôn sinh mạng người dân để kiếm cơ man nào là vàng khi bán bãi, bán tàu, thuyền, bán chỗ trên các tàu thuyền ọp ẹp trong thảm kịch «thuyền nhân» 40 năm về trước. Tất cả đã đến lúc phải sáng tỏ rõ ràng, minh bạch.
Cái tội cực lớn của Đảng CS là đã lấy dối trá làm lẽ sống của mình, rồi làm gương dối trá cho toàn xã hội - nhà nhà dối trá, người người dối trá, nhà trường dạy đối trá, học trò học dối trá - phá hoại nếp lương thiện, cương trực, chất phác của xã hội, phá hoại nền đạo đức và văn hóa thuần khiết của dân tộc, đến bao giờ mới hồi phục được.
Đảng CS phải hạ ngay các màn kịch đã kéo dài và nhân dân cũng không còn ai muốn cùng đảng đóng kịch trơ trẽn hay bi thảm ở mọi nơi mọi lúc như xưa nữa.

-Có Những Cổng Trời
Loạt bài về “Trại Giam Cổng Trời” (qua lời nhân chứng)  của biên tập viên Mặc Lâm – RFA – được mở đầu bằng lời của giáo sư Phùng Văn Tại:
“Ngày 24 tháng 12 năm 1959 tức là chiều hôm trước chuẩn bị trang trí nhà thờ chính tòa để đón Noel, thì Ủy ban Liên lạc Công giáo, tức là Ủy Ban Đoàn Kết Công giáo đến gây chuyện… Tranh giành như thế cha chính Vinh cho kéo chuông. Hai cái tháp nhà thờ Chính Tòa của Hà Nội có 6 quả chuông cha chính Vinh cho ca đoàn lên kéo cùng một lúc, cứ như thể một cuộc báo động lớn năm 1959 cho nên kinh khủng lắm, và họ hô nhau đến bắt cha chính Vinh... Cha chính Vinh bị bắt và cuối cùng ngài bị đày lên Cổng Trời. Cổng Trời là một cái địa ngục nhốt cho đến chết thì thôi….”
Cái địa ngục nhốt cho đến chết thì thôi này ở đâu, vậy Trời? Ngó bộ cao à nha. Mà cao thiệt, theo như Mặc Lâm cho biết:
Trại giam này rất hiếm người biết tới, kể cả những người tù lâu năm nhất cũng chỉ nghe kể lại vì muốn lên đó phải có bị kêu án 15 năm đối với tù hình sự, còn đối với tù chính trị thì phải là gián điệp, biệt kích hay các linh mục, tu sĩ. Điểm đặc biệt của trại giam Cổng Trời là độ cao của nó. Không ai biết chính xác trại nằm ở độ cao bao nhiêu nhưng từ 2.000 cho đến 2.500 mét là con số được nhiều tù nhân dùng để diễn tả.”
Người tù Trần Nhật Kim, tác giả cuốn Cuộc Chiến Chưa Tàn cho biết thêm:
”Từ trại giam Cổng Trời đi đường bộ xuống Thị xã Hà Giang chừng 36 cây số. Ngược lên phía Bắc là huyện Quản Bạ nằm sát biên giới Việt Trung, chỉ cách trại khoảng 10 cây số. Qua đỉnh núi, phía bên kia là biên giới. Mặt trước của trại Cổng Trời hướng về đường lộ, hai bên là vách núi thẳng đứng tiếp xúc với những cánh rừng già trải rộng dưới chân. Phía sau trại dựa vào sườn đồi tiếp nối với rặng núi cao. Một vùng đất rộng sau trại được dùng làm nghĩa trang mang tên đồi Bà Then nơi vùi lấp  những người xấu số. Cho tới nay những điều mà người ngoài biết về trại giam Cổng Trời vẫn còn rất hạn chế.


Đường lên trại Cổng Trời. 
Ảnh: baothuathienhue.vn

Và cuộc sống bên trong Cổng Trời đã được ông Nguyễn Hữu Đang, một trong những người tù nổi tiếng nhất miền Bắc, tóm gọn như sau:
Trại này có truyền thuyết là vào thì không ra, đến đây là phải bỏ xác chớ không hy vọng gì để trở về với gia đình. Trại Cổng Trời là một lò sát sinh đầy bí mật, tàn bạo và khoa học của Hà Nội. Trại này đã bí mật chôn vùi 300 anh em tù biệt kích miền Nam và hàng ngàn tù chính trị, tu sĩ và linh mục Công giáo cũng như giới trí thức chống chủ nghĩa CS của chính miền Bắc.”
Cái cách mà “lò sát sinh bí mật” này “chôn vùi” con người, xem chừng, cũng giản đơn thôi. Trước hết là giá rét. Hãy nghe Mặc Lâm so sánh:
Những trang sách trong tác phẩm Quần Đảo Ngục Tù của Aleksandr Soltzhenitsyn diễn tả cái lạnh giá mà người tù nước Nga phải chịu đựng suốt mùa đông đã đánh động con tim nhân loại bao nhiêu, thì khi nghe người tù trại giam Cổng Trời kể lại chính bản thân họ chịu đựng cái lạnh của đất trời Hà Giang sẽ khiến người nghe chạnh lòng đến rơi lệ bấy nhiêu.”
Rồi đến đói khát:
-“Ăn thì ăn đói không có gì cả. Đói điên cuồng, đói quá hóa điên. Ai trải qua rồi thì mới thấy nó khủng khiếp. Có những thanh niên không chịu được đói đập đầu vào tường để tự tử. Có người dùng mảnh chai cắt veine để cho máu chảy ra mà chết. Tôi chứng kiến nhiều trường hợp như thế, đói một cách kinh khủng.” (Nguyễn Chí Thiện)
– “Chúng tôi đói đến nỗi phải sàng phân mà ăn. Là vì ăn hạt bo bo của Ấn Độ, mà bo bo thì cứng lắm thanh niên như tôi mà nhai còn nhủng nhẳng thì huống chi mấy ông già, nhai kỹ bao nhiêu thì vẫn còn phân nửa. Một nửa còn lại nguyên si nó vào xong nó lại đi ra. Mà phân thì lại không có mắm muối, cá thịt gì nên không hôi thối. Do đó các người đói quá sau khi những người tù đi ngoài thì họ vào họ xúc phân đó. Những toán đi ra ngoài đồng đem xuống suối rửa sạch rồi hầm lại và ăn lại cái bo bo đó! (Đặng Chí Bình)
Và đòn cuối là sự cách ly:
Án bao nhiêu năm chẳng quan trọng, chẳng đáng kể. Không một mối liên hệ với bên ngoài, không thư từ, không thăm nom, không tiền hay quà hay lương thực gửi tới – không, anh không nhận được chút gì của bạn bè hay gia đình. Anh không có quyền nhận thăm nom, không tiếp xúc với bên ngoài. Anh chỉ sống chuyên giữa các anh với nhau, những người tù, những tù nhân chính trị. Thế giới của anh, nhân loại đối với anh là 200 người tù – không có những người đồng tổ quốc, đồng công dân; với anh, không có gì hết, chỉ có 200 người đồng ngục cùng một số phận…” (Nguyễn Hữu Đang)
Cổng Trời được giải toả, vào năm 1978, trước khi Trung Cộng tấn công Việt Nam. Tù nhân được chuyển về trại Thanh Cẩm. Đây là một tin vui giữa giờ tuyệt vọng – vẫn theo như ghi nhận của  Mặc Lâm:
Cái ngày nó bị xóa sổ đến rất bất ngờ và những tù nhân trong trại chào đón tin này với một niềm hân hoan tột độ. Người tù biết rằng mặc dù họ không được trả tự do nhưng sẽ không phải tiếp tục sống trong cái địa ngục trần gian này. Hy vọng đó đã làm cho hầu hết tù nhân thắp lại niềm tin sống sót mà bao nhiêu năm qua đã tắt ngúm trong lòng họ.
Những kẻ sống sót này, mãi cho đến hôm nay, vẫn “chiêm bao hàng đêm về cuộc sống quá lâu và quá tàn bạo trong trại giam mang tên Cổng Trời.” Tuy thế, theo lời Mặc Lâm:
Chưa từng có người nào đứng ra đòi công lý khi chính họ hoặc thân nhân của họ bị cầm giữ trong các trại tù mà không qua xét xử. Nhà nước dửng dưng như không phải chính mình ra lệnh đàn áp và vì vậy chưa có bất cứ một động thái nào có thể nói là làm dịu bớt nỗi đau của những nạn nhân này.”
…..
Trong khi chuẩn bị cho bài viết này chúng tôi đã phỏng vấn rất nhiều người, nói chuyện với những nạn nhân và gia đình họ trong và ngoài nước. Đã sử dụng hàng trăm trang tài liệu chỉ với mục đích duy nhất là trả lại sự thật cho một giai đoạn lịch sử. Giai đoạn mà người cộng sản Việt nam bị trượt theo đà tiến của cơn lốc cách mạng Xô Viết đến từ nước Nga xa xôi.”
Cơn lốc cách mạng Xô Viết đã qua. Tuy thế, cú “trượt” của những người cộng sản Việt Nam, xem chừng, vẫn còn dài lắm – theo như tin đã loan, của RFI, nghe được vào hôm 17 tháng 1 năm 2012:
Từ giữa năm 2011 đến những ngày cuối năm, tại Việt Nam đã xảy ra nhiều vụ bắt giữ người bất ngờ, không thông qua các thủ tục được pháp luật quy định. Trong số những người bị bắt, có nhiều người theo đạo Thiên chúa.”


Ảnh những người bị bắt (từ trái qua phải, từ trên xuống dưới)
Trần Vũ Anh Bình, Tạ Phong Tần, Trần Minh Nhật, Thái Văn Dung, Hồ Văn Oanh, Nguyễn Văn Duyệt, Nguyễn Xuân Anh, Nông Hùng Anh, Lê Sơn, Chu Mạnh Sơn, Trần Hữu Đức, Đậu Văn Dương, Hồ Đức Hòa, Đặng Xuân Diệu, Nguyễn Văn Oai.
Ảnh: hrw.org
Blogger Hoàng Quân cho biết thêm:
 Khi bắt, không có văn bản giấy tờ của bất cứ cơ quan trách nhiệm nào. Điểm chung tiếp theo là, kể từ khi bị bắt, gia đình thân nhân họ không được thông báo bất cứ thông tin nào, ngay cả khi gia đình họ đôn đáo tìm hỏi khắp nơi thì các cơ quan từ địa phương đến chóp bu đều chối quanh, hoặc chỉ nói lòng vòng.”
Nghe cứ y như lời tường thuật của ông Kiều Duy Vĩnh, một người tù ở Cổng Trời, hồi giữa thế kỷ trước:
Mẹ tôi đến Bộ Công An ở phố Trần Bình Trọng hỏi về anh con bị tù. Gác cửa không cho vào. Nhưng từ nhà tôi ở chợ Hôm ra hồ Thiền Quang chưa đến 1 km nên hầu như liên tục khi nào mẹ tôi đi đâu là mẹ tôi lại tạt vào Bộ Công An quấy rầy họ. Đến nỗi người thường trực cứ trông thấy mẹ tôi là tránh mặt không tiếp.
Mẹ tôi cứ đến hỏi. Hỏi mãi. Riết rồi họ phải trả lời. Nhưng cũng mất hơn 3 năm họ mới cho mẹ tôi cái địa chỉ trại tù Cổng Trời: Công Trường 75A Hà Nội. Mẹ tôi lại hỏi tiếp: Thế cái công trường này nó ở chỗ nào ở cái đất Hà Nội này? Họ bảo họ không biết…”
Tuy thế, theo Mặc Lâm:
So với Kiều Duy Vĩnh thì người tù Lưu Nam còn bi thảm hơn, ông không bao giờ được gặp mặt gia đình cho tới khi chết mặc dù con cái hết lòng tìm kiếm. Con trai của ông là ông Lưu Đức Tâm kể:
“Ông bố ở trại giam Quyết Tiến ở Hà Giang, còn gọi là trại giam Cổng Trời. Trong 10 năm đó gia đình không có tin tức gì thì dẫu biết cũng không thể đi thăm được. Cho đến năm 1961 gia đình nhận được một bức thư của ông cụ gửi về nên mới biết ở trại đó.
Lúc bấy giờ gia đình cũng không có điều kiện để ra đi thăm được bởi vì mẹ ở nhà ốm đau bệnh tật, con cái thì còn nhỏ thành ra không đi thăm được, cho nên có gửi lên cho ông bố một ít quà qua cái địa chỉ đó. Gửi bằng con đường bưu điện nhưng không biết ông cụ có nhận được hay không, tới năm 1962 thì ông cụ mất...”
Không biết còn bao nhiêu người khác (nữa) cũng đã “mất tích”, theo kiểu tương tự, ở trại Cổng Trời. Dù vậy, sự tàn bạo và bất nhân – của chế độ hiện hành –  không vì vậy mà ngưng lại. Ở Việt Nam, hiện nay, vẫn có hàng ngàn (hay hàng vạn?) người vợ và người mẹ ngày đêm, tất tả ngược xuôi, tìm kiếm chồng con – một cách vô vọng – nơi những trại tù không tên, như trại Cổng Trời, hồi năm mươi năm trước.
Có người, mãi cho đến khi nhắm mắt vẫn không có cơ hội nhìn thấy lại được mặt con – theo như tin vừa loan của VRNs:


Paulus Sơn và thân mẫu, bà Đỗ Thị Tần. Ảnh: Dân Làm Báo
 Bà Maria Đỗ Thị Tần, mẹ của phóng viên Paulus Lê Sơn đã qua đời lúc 5:00, sáng nay, ngày 21.04.2012, tại Thanh Hoá. Trong tháng 2 năm 2012 vừa qua, khi luật sư Trần Thu Nam báo tin mẹ của Paulus Lê Sơn lâm trọng bệnh, những người bạn đã đưa bà Maria Đỗ Thị Tần ra Hà Nội chữa trị. Nhiều người hảo tâm và chuyên môn đã góp công góp của lo chữa chạy cho bà. Khi trở về lại Thanh Hoá, tình trạng sức khoẻ của bà có cải thiện hơn. Nhưng do đau buồn lâu ngày, vì người con duy nhất và vô tội của của mình bị bắt giam cách bất công, sức khoẻ bà yếu dần. Khi lâm trọng bệnh, bà Maria mong gặp Lê Sơn và mong con bình an, dù phải như thế nào.”
Tưởng Năng Tiến


-Chuyện Ông Tuân Nguyễn
S.T.T.D Tưởng Năng Tiến 
         09/1933 –  04/1983
Có những người / Nếu thêm được mười năm/ Sẽ trở thành thi sĩ / Nhưng cuộc sống không mỉm cười đến thế/  Đã chết sớm mười năm / Để lại những tuần trăng chưa đến dộ rằm
Việc xảy đến với Tuân… thật đột ngột và bất ngờ. Nó cứ như tai họa từ đâu bỗng giáng xuống gia đình Vương Thúy Kiều vào năm Gia Tĩnh triều Minh… Trong một khoảng thời gian ngắn, tai họa đến với ba người bạn tôi: Tuân Nguyễn, Bùi Ngọc Tấn, Vũ Huy Cương.”
Hà Nhật tâm sự như trên, trong bài viết có tựa là: “Tuân Nguyễn, Kẻ Mộng Mơ.” Tôi không quen nhưng biết cả ba nhân vật này, cùng với những tai hoạ “đính kèm” trong cuộc đời (lao đao) của họ. Câu chuyện hôm nay xin (chỉ) đề cập đến ông Tuân Nguyễn, như một nén hương lòng – gửi người đã khuất!
Trong một bài viết khác (“Người Bạn Lính Cùng Tiểu Đội”) Phùng Quán kể lại:
Hòa bình lập lại, Tuân ra khỏi quân ngũ, đi học tiếp và tốt nghiệp Đại học Sư Phạm, làm thầy giáo. Sau đó được điều về Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam…Còn tôi, lâm vào cảnh khổ nạn văn chương Nhân văn Giai phẩm phải về tá túc bên bờ hồ Tây, nhập phường câu cá trộm…

Trong khi bạn bè thân thích, kể cả máu mủ ruột thịt, người yêu, đều xa lánh tôi, thì Tuân Nguyễn vẫn gắn bó, cưu mang tôi. Mặc dầu lúc này anh là người có chức danh của một cơ quan quan trọng, bắt đầu có tiếng tăm trên thi đàn. Tuân mò tìm được nơi tôi tá túc, thường xuyên mang cho tôi áo quần, tem gạo, phiếu thịt, kẹo, thuốc lá căng tin…

Một lần, tôi hỏi Tuân:

- Cậu hay gặp mình, thế nào cơ quan họ cũng biết. Cậu không ngại à…?

- Có ngại cái con cặc. Đù mạ …!
(Phùng Quán, “Người Bạn Lính Cùng Tiểu Đội.” Ba Phút Sự Thực. NXB Văn Nghệ: Sài Gòn 2007, 180-181)
Ở Việt Nam mà quan hệ và nói năng “linh tinh” như thế thì (e) sẽ lắm chuyện lôi thôi. Và rồi Tuân Nguyễn bị lôi thôi thật, lôi thôi lâu,và lôi thôi lớn. Ông bị bắt vào ngày 21 tháng 10 năm 1964, và được thả … mười năm sau đó! Sau đó, vẫn theo lời Phùng Quán:
Một buổi vào giữa trưa, tôi đang ngồi đun bếp, thì cửa liếp xịch mở. Tôi ngẩng lên, ngồi lặng đi một lúc khá lâu. Tôi bật gọi, cổ nghẹn tắc:

- Trời… Tuân!

Phải, người đang đứng trước mặt tôi là Tuân Nguyễn. Da mặt vàng úa và hơi phù nề. Cặp kính cận vành đồng rỉ xanh và hai gọng được thay bằng hai vòng dây gai xe. Cái miệng vẫn rộng nhưng không còn tươi nữa. Cặp môi nhợt nhạt vì thiếu máu. Như bừng tỉnh, tôi loạng choạng đứng dậy. Và hai chúng tôi ôm chặt lấy nhau lúc nào không biết. Phút chốc hai gương mặt dãi dầu, bầm dập khổ nạn trần gian, đẫm lệ. Tôi thì thầm qua nước mắt:

- Thế mà đã gần mười năm rồi… Mười năm tốt đẹp nhất của một đời người…

Tuân cười buồn:

- Chắc cậu không tin mình còn có ngày trở về?

- Cậu gầy yếu quá… Người của sách vở, của mộng mơ… Cậu đâu được chuẩn bị để nhận một đòn chí mạng như vậy…

Tuân ngồi xuống cạnh bếp lửa, hơ hơ hai bàn tay gầy guộc, nói:

- Sức thích nghi vô tận cũng là một điều bí ẩn của con người, cậu ạ.

Tôi thổi cơm, rán cá, nấu canh chua. Hai đứa ngồi ăn ngay bên bếp.
- Nghĩ cho cùng, không có cái rủi nào lại không chứa sẵn ít nhiều cái may. Có lẽ nhờ vậy mà con người mới có thể tồn tại trong những hoàn cảnh nghiệt ngã nhất.
- Cậu thử nói cái may cậu tìm thấy trong mười năm qua xem nào, tôi hỏi.

- Trước hết, mình có dịp suy gẫm thêm về cuốn tiểu thuyết mình định viết, vì đã viết được hai chương đầu… Nhưng điều may mắn này mới là quan trọng hơn cả: trong mười năm qua, mình đã sống giữa những con người vô cùng phong phú và phức tạp, chất liệu sống vàng ròng cho các nhà văn… 
(P. Quán, sđd, tr. 152-153).
Số “vàng ròng” qúi báu này, tiếc thay, Tuân Nguyễn không bao giờ có dịp dùng đến. Ông đột ngột qua đời vì một tai nạn lưu thông. Hà Nhật bùi ngùi kể lại:
Vào bệnh viện Chợ Rẫy thăm Tuân rồi đưa Tuân đến nghĩa địa Gò Dưa bên Thủ Đức, cúng ‘mở cửa mả’ cho Tuân, những chuyện ấy dồn dập xảy ra cứ như là không có thật. Buổi chiều ấy, ngồi nói chuyện với Cao Xuân Hạo về Tuân Nguyễn, Hạo buông một câu nghe mà lạnh người:

- Tuân Nguyễn sinh ra ở đời là để đóng cái vai trò này: khi có ai đó muốn kêu lên ‘Trời ơi, sao mà tôi khổ thế?’, thì nhìn vào Tuân Nguyễn, sẽ thấy mình chưa phải là người khổ.

Có lẽ vì “xót” bạn nên nhà ngữ học Cao Xuân Hạo đã nói (hơi) quá ra như thế. Chứ những mảnh đời te tua bầm dập, với chung cuộc thê thảm và lảng xẹc (cỡ) như Tuân Nguyễn – hay chỉ hơn thua chút đỉnh – đâu có nhằm nhò hay hiếm hoi gì, ở Việt Nam. Nơi mà Phùng Quán mô tả là “chín người  mười cuộc đời rạn vỡ.Bị ruồng bỏ, và bị lưu đầy.”
Và những kẻ đã bị lưu đầy, theo lời Nguyễn Chí Thiện, không mấy ai trở lại:
Trại lính, trại tù người đi không ngớt…
Người về thưa thớt, dăm ba!
Nghe mà thấy ghê!
Ông Tuân Nguyễn chỉ là một đại diện tiêu biểu – cho hàng chục triệu người “đi không ngớt” vào những “trại lính, trại tù,” và cả chục triệu những “cuộc đời rạn vỡ”  khác – ở Việt Nam, thế thôi! Hy vọng là giáo sư Cao Xuân Hạo đủ bao dung, cho phép kẻ hậu sinh này đổi lại vài chữ trong câu nói (“lạnh người”) của ông – như sau:
- Người Việt sinh ra ở đời để đóng vai trò này: khi có ai đó muốn kêu lên “Trời ơi sao dân tộc tôi khổ thế này,” khi nhìn vào Việt Nam sẽ thấy nỗi khổ của dân tộc mình … cũng chưa đến nỗi nào!
Khổ như thế, đã đành. Chuyện không đành là ở đất nước này khi đề cập đến những chuyện khốn nạn, tàn ác, bất nhân, vô luân … (đại loại như những chuyện nát lòng đã xẩy ra cho Tuân Nguyễn) thì mọi người bỗng dưng nhỏ giọng, thì thào; nếu không, cũng phải vội vàng rào đón hay che chắn trước sau.
 Nghe mà phát mệt!
Thử đọc một đoạn trong bài “Tuân Nguyễn Phận Mỏng Cánh Cò” ( của nhà thơ Vũ Từ Trang) trên tờ Việt Báo:
“Giá như anh không va vấp, không gục ngã, thì anh đã thành đạt như bao bạn bè trang lứa mê văn chương chữ nghĩa một thời… Cái chết của anh như một định mệnh. Một tai nạn giao thông với một con người lầm lũi sống và yêu cuộc sống. Một cái chết của một cánh cò trắng đang bay…”
-  Ủa, chớ ông Tuân Nguyễn “va vấp” vào cái (con cặc) gì vậy Trời?
Giúp đỡ bạn bè trong cơn hoạn nạn, thẳng thắn trình bầy quan niệm sống của mình trước mọi người là cách hành xử bị coi là “va vấp,” đáng bị bỏ tù – hay sao? Ra tù, với “da mặt vàng úa hơi phù nề và cặp môi nhợt nhạt vì thiếu máu,” lúc phải ở nhờ, lúc thì sống chui rúc trong một căn phòng chỉ rộng bằng … chiếc chiếu. Xin đi làm việc thì bị khước từ vì có “thành tích là một tên phản động.” Vậy mà khi lìa đời thì được ông thi sĩ đồng nghiệp mô tả đó là “cái chết của một con cò trắng đang bay.”
-         Đụ mạ, “bay” kiểu chi mà kỳ cục rứa hè?
Nếu không “đãi bôi” như vậy thì mọi người cũng chỉ dám buồn rầu, khe khẽ thở dài, ái ngại đổ thừa cho “số phận” (không may) của Tuân Nguyễn mà thôi. Ông Hà Nhật đã nhắc lại điệp khúc “mất mùa vì tại thiên tai” – theo cung cách đó – để kết luận cho bài viết (thuợng dẫn) như sau:
“Tên thật của Tuân Nguyễn là Nguyễn Tuân, ngẫu nhiên mà trùng tên với nhà văn tài hoa bậc nhất nước ta. Có lẽ khi đặt tên cho con, các vị thân sinh của anh không hề nghĩ gì đến chuyện này, vì phải rất lâu sau khi con trai họ ra đời thì Nguyễn Tuân mới có Vang bóng một thời cho người đời ca tụng. Tránh việc trùng tên cho người ta khỏi ngộ nhận, hóa ra Tuân Nguyễn đã tự nhận mình như một sự đảo ngược của số phận: một người thì có đủ thứ vinh quang, một người thì gặp toàn nghiệt ngã.”
Cái được mệnh danh là “đủ thứ vinh quang” này, theo như chính Nguyễn Tuân xác nhận, ông gìn giữ được suốt đời là nhờ biết … sợ! Mà sợ hãi tới cỡ đó, vào thời buổi đó, nghĩ cho cùng, cũng phải (giá) thôi. Thời phải thế, thế thời phải thế.
Bỉ nhất thời dã.
Thử nhất thời dã.

Hồi đó là một thời. Bây giờ là thời thế khác. Người Việt hôm nay ăn nói và hành xử (đã) khác xưa chăng? Đ...mẹ, không dám (khác) đâu. Đọc thử poster giới thiệu Hoàng Hưng, cách đây chưa lâu, của một “nhà thơ đương đại” là biết liền chớ gì:
Tên thật Hoàng Thụy Hưng, con một gia đình trí thức Hà Nội, có thơ đăng báo từ năm 11 tuổi… Mười tám thi đỗ vào Khoa Văn Đại học Sư phạm Hà Nội… ông đã bỏ học, tình nguyện lên Tây Bắc…Hai mươi ba tuổi, ông về dậy văn cấp ba tại Hải Phòng… Về Hà Nội … Hoàng Hưng rẽ sang một hướng khác: ông không nhìn đời toàn mầu hồng nữa, ông kết bạn với những thành phần ‘phức tạp’, và đến năm 1982, vì một lý do ‘đáng tiếc’, ông phải bước vào trại cải tạo.
Nghe cứ y như thể Hoàng Hưng đang là một thanh niên trí thức, lý tưởng, tràn đầy nhiệt huyết (bỗng) đâm ra đổ đốn, giao du toàn với bọn đầu trộm đuôi cướp, rồi đến năm 1982 vì “một lý do đáng tiếc” không tiện nói (kiểu như móc túi hay giựt đồ và bị bắt gặp quả tang) ông phải bước vào trại cải tạo vậy!
Cái được mô tả là “thành phần phức tạp,” và “lý do đáng tiếc” – khiến Hoàng Hưng phải vào tù – được chính ông tường thuật như sau, qua RFA:
Cái lý do trực tiếp của nó là khi tôi cầm trong tay tôi bản thảo tập thơ Về Kinh Bắc của nhà thơ Hoàng Cầm vào năm 1982 khi tôi từ Thành Phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội nhà thơ Hoàng Cầm có tặng tôi bản thảo chép tay Về Kinh Bắc…Tôi không nghĩ là nó có vấn đề gì nhưng không ngờ họ lại bắt tôi và họ bảo tôi lưu truyền văn hóa phẩm phản động…
Chữ “họ” trong đoạn văn thượng dẫn là một đại danh tự, dùng để chỉ (hay ám chỉ) cái tập đoàn cộng sản – những kẻ đã hành xử quyền lực một cách bất nhân và bạo ngược hơn nửa thế kỷ qua – ở Việt Nam. Bao giờ mà người dân Việt còn “kiêng,” chưa chỉ thẳng vào mặt, và đặt thẳng tên cho chúng nó (rõ ràng) như vậy thì “họ” vẫn tưởng mình là những người của “Đảng Cộng Sản Việt Nam Quang Vinh Muôn Năm,” và vẫn còn có thể tiếp tục tác yêu tác quái, trên đầu muôn dân trăm họ.



-Cuộc chiến ‘biệt vô tăm tích
09.04.2015
Cuộc nội chiến Nam - Bắc ở Việt Nam đã chấm dứt được mấy mươi năm, biết bao tài liệu sách báo, hồi ký đã được viết ra, biết bao tư liệu tuyệt mật của các bên đã được công bố, nhiều cánh cửa đã được mở ra để nhìn rõ bản chất, nguyên nhân, diễn biến, các góc cạnh của cuộc chiến.

Trong suốt hơn 20 năm qua, tôi đã được đọc không biết bao nhiêu là sách báo, tài liệu của Ngũ Giác Đài, của Bộ Quốc phòng Liên Xô, Pháp, Anh, của Đệ Tam Quốc tế CS, các hồi ký của các tướng tá cả của Quân đội Nhân dân (QĐND) và của Quân lực VN Cộng Hòa, hồi ký về nhà tù CS, hồi ký về thuyền nhân, rồi những tài liệu tù mù thật giả lẫn lộn, phóng ra từ ổ đen tình báo Hoa Nam Trung Quốc. Vậy mà theo tôi vẫn còn nhiều «góc khuất» của cuộc chiến tranh rất nên làm rõ, để cuộc chiến được tái hiện đúng như nó từng diễn ra trên mọi khía cạnh.
Có những sự kiện nhỏ bé ít người nói đến nhưng lại đóng vai trò rất lớn, có khi có ý nghĩa quyết định đối với sự thành bại của cuộc chiến.
Xin nêu lên một vấn đề làm thí dụ. Tôi tạm gọi vấn đề này là «cuộc chiến biệt vô tăm tích». Đó là tình trạng quân nhân trong QĐND ở miền Bắc khi đã lên đường vào Nam chiến đấu là cắt đứt mọi quan hệ với gia đình, bạn bè thân thuộc trong một thời gian dài, cho đến khi sống sót được trở ra miền Bắc.
Có thể nói có hàng mấy triệu lượt quân nhân QĐND vượt tuyến như thế, và hàng triệu người đều ở trong hoàn cảnh như thế. Họ lên đường, rồi «biệt vô tăm tích», vì bưu điện Bắc - Nam bị cắt đứt hoàn toàn. Nhưng không hề có một văn bản nào ghi nhận thành chính sách «biệt vô tăm tích» như thế.
Có lẽ rất hiếm quân đội nào trong thời chiến cùng gia đình họ chịu cảnh chia ly triệt để, kéo dài, chịu một cuộc tra tấn đày đọa tinh thần thâm hiểm đau xót triền miên như thế.
Trong thời chiến tôi có dịp hỏi chuyện một số sỹ quan phi công Hoa Kỳ bị bắt, họ còn mang theo cả thư, ảnh vợ con, bố mẹ nhận được trước đó vài hôm từ Mỹ gửi sang Thái Lan hay Hạm đội 7. Họ chiến đấu ở xa hàng ngàn dặm mà mối quan hệ tình cảm được đều đặn. Quân nhân của chế độ Cộng sản miền Bắc nước ta chiến đấu trên đất nước mình mà cứ như bị tha hương, đến một tinh cầu nào xa lạ, không một lá thư nào, một hình ảnh nào.
Bao nhiêu bà mẹ, ông bố, người vợ đêm nằm thương nhớ khôn nguôi người con, người chồng yêu quý của mình, thế rồi chỉ còn có cách nuốt nước mắt vào lòng, cầu Trời khấn Phật cho người thân «biệt vô tăm tích» của mình sống sót trở về.
Các ông cha bà mẹ, người vợ ấy càng chua xót, đau đớn vì cái tỷ lệ sống sót trở về ngày càng hiếm hoi, «sinh Bắc tử Nam» đã thành số phận gần như thiên định, do cuộc chiến ở miền Nam hết sức ác liệt, do bộ phận lãnh đạo CS sùng bái bạo lực, sắt máu, có dã tâm quyết hy sinh không hạn độ sinh mạng công dân cả nước mình cho tham vọng nhuộm đỏ toàn thế giới của Đệ Tam Quốc Tế CS. Chiến tranh để dành độc lập, rồi «chống Mỹ cứu nước» chỉ là nhãn hiệu bề ngoài che đậy dã tâm trên đây.
Nếu như đảng CS Việt Nam để cho quân nhân mình được phép liên lạc với gia đình, tổ chức ngành bưu điện quân sự tỏa rộng vào các chiến trường, theo tôi nghĩ, bộ mặt cuộc chiến đã khác hẳn. Chỉ riêng cảnh rùng rợn của chiến trường, số chết và bị thương phía CS miền Bắc quá lớn, do quân đội miền Nam và lực lượng Hoa Kỳ có hỏa lực quá mạnh (từ trước năm 1964 chiến trường miền Nam, QĐ miền Bắc nói chung chưa đưa chiên xa vào miền Nam, pháo binh còn thưa thớt, không quân miền Bắc chưa hoạt động được) nên thường thương vong các trận đánh là 3/1, 5/1, có khi 10/1. Theo một số báo cáo tuyệt mật tôi được biết khi đi trong các đoàn quân sự cao cấp do tướng Võ Nguyên Giáp và tướng Văn Tiến Dũng dẫn đầu, với nhiệm vụ là bí thư báo chí của Bộ trưởng Quốc phòng, sau các đợt «Tổng tiến công và tổng nổi dậy» năm 1968, lực lượng QĐND bị tổn thất nặng hơn bao giờ hết, cơ sở nhân dân bị lộ, nhiều nơi bị mất trắng, có nơi phải đưa bộ đội chính quy miền Bắc vào làm bộ đội địa phương quận huyện. Nhiều đại đội, tiểu đoàn, cho đến cả trung đoàn phải giải thể, sáp nhập vào nhau, có khi đến 2 hay 3 lấn, phải lấy phiên hiệu A, B, C, như Trung đoàn 275 A, 275B, 275C. Ở Khu 5 hồi ấy sỹ quan tử trận nhiều phải đôn gấp tiểu đội trưởng lên đại đội trưởng, tiểu đoàn phó lên trung đoàn trưởng do miền Bắc cử vào không kịp.
Nếu như thư từ thông suốt, các trận đánh thua tơi bời, chết và bị thương như ngả rạ, người bị thương không được cứu chữa, người chết chôn vội rồi đơn vị di chuyển, giải thể không còn biết ở đâu, nếu như cả xã hội được thông tin từ chiến trận, biết rõ những thất bại chồng chất khi ấy thì hậu phương sẽ không cho phép đảng đem con em mình vào lò thiêu sống như thế. Ở Hoa Kỳ khi các trận đánh qua màn TV đi vào phòng ngủ người dân, số tử vong lính Mỹ lên đến 50 ngàn trong 5 năm là toàn xã hội lên tiếng đòi chấm dứt chiến tranh.
Tôi từng tham dự nhiều buổi tiễn đưa một số đơn vị vào Nam, khi qua binh trạm cuối «làng HO» thuộc đất Vĩnh Linh là anh em vĩnh biệt miền Bắc trong cảnh tượng xé lòng mà vẫn phải làm ra vẻ bình thản. Ai nấy đều giống nhau, hiểu nhau, cùng nhau đóng kịch. Lúc ấy không còn đường rút lui. Cứ như qua cầu bắc ngang sông là cầu bị cắt. Đã có một số anh em mất tinh thần, liều mạng, muốn quay lui, vào tù cũng được, nhưng không sao lọt. Vì trách nhiệm của các chính ủy đoàn, các chính trị viên, của các chi bộ là ngăn chặn hiện tượng «B tụt», «B tạt», «B quay», nghĩa là tìm cách lẩn vào rừng, tụt lại sau, tạt ra các bản người dân tộc, rồi tìm cách quay về nhà. Rất ít ai thoát được.
Những anh em ấy bị truy lùng ráo riết, bị giải về hậu phương, bị tù đày không xét xử, cuối cùng ra tù còn phải chịu cuộc sống bị chính quyền CS phường xóm giám sát, khinh thị, cả họ hàng không sao ngẩng đầu lên được.
Thời gian «biệt vô tăm tích» người thân của mỗi gia đình một khác, có khi 2, 3 năm, có khi 5, 6 năm, nhiều khi trên 10 năm, tùy chiến trưòng Trị Thiên, Tây Nguyên, Nam Bộ, hay chiến trường Lào, Miên. Không ai biết rõ con em mình ở nơi nào. Rất hiếm khi có những tin tức của bạn bè, đồng hương bị thương trở ra, được biết là người thân ở Khu 5 hay Nam Bộ, hay Tây Nguyên, còn sống, vắn tắt, sơ sài thế thôi. Những quân nhân tử trận được báo tử rất chậm, chậm 1 năm được coi là bình thường, có khi chậm đến 2, 3 năm, do các đơn vị di chuyển sâu, sổ sách luộm thuộm mất mát, các đơn vị chia ra, nhập vào, thay phiên hiệu, cán bộ tử thương. Vì lẽ ấy mà đến nay QĐND miền Bắc có đến 300 ngàn trường hợp quân nhân mất tích, không biết bị tử trận ngày nào, ở đâu.
Đây là món nợ xã hội của đảng CS đối với nhân dân cho đến nay vẫn không sao trả được. Trong cuộc chiến tranh chống Pháp, con số chính thức của phía Pháp cho biết số tù binh bị phía Việt Nam bắt giam là 5.782 người, đã trao trả nhiều đợt là 3.290, số còn lại là 2.492 phía Việt Nam không giải thích được là sống chết ra sao, vì sao, ở đâu. Đối với tù binh là người Mỹ cũng vậy, số bị bắt giam là gần 2.000, được trao trả là 591 người, số còn lại là 1.350 hay là 1.469 người, (tùy theo tài liệu của Ngũ Giác Đài hay của Quốc hội Mỹ), phía Việt Nam vẫn không giải thích được.
Đây là thêm chứng minh về lãnh đạo đảng CS cực kỳ vô trách nhiệm đối với sinh mạng con người trong chiến tranh, mặc dầu đã có những quy định quốc tế về trách nhiệm các bên đối với tù binh, về cấm tra tấn, về nuôi dưỡng, chữa bệnh, cho nhận thư từ gia đình, trao trả tù binh đầy đủ sau chiến tranh. Không thể để «biệt vô tăm tích» hàng ngàn trường hợp như thế.
Có thể nói chính sách «biệt vô tăm tích» là quốc sách rất thâm và cực kỳ độc ác, phi nhân có tính toán của đảng CS trong thời chiến.
Nó được thực hiện cùng với chính sách cắt đứt triệt để quan hệ Bắc - Nam trong suốt gần 30 năm chiến tranh, nhằm triệt hạ mọi tình cảm ruột thịt, gia đình, bạn bè ở 2 miền, đặc biệt là giữa hàng triệu bà con di cư từ Bắc vào Nam với người thân ngoài Bắc, buộc phải coi nhau là thù địch, cũng là để bóp ngẹt tinh thần phản chiến âm thầm của bà con ta ở cả 2 miền.
Đây phải chăng cũng là một tội ác, trời không dung đất không tha, của đảng CS để làm nên cái gọi là toàn thắng giả tạo và tạm thời cách đây 40 năm?
* Blog của Nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

-
-Triển lãm và hội thảo tội ác Cộng Sản Việt Nam Nguoi Viet Online
WESTMINSTER (NV) - Nhân cuộc triển lãm về tội ác Cộng Sản Việt Nam, được tổ chức trong hai ngày Thứ Bảy, 29 và Chủ Nhật, 30 Tháng Chín, 2012 tại hội trường Văn Lang, Westminster, các tổ chức tranh đấu chống Cộng Sản tại Nam California đã mở một cuộc thuyết trình và hội thảo về tội ác Cộng Sản Việt Nam (CSVN).
Quang cảnh hội trường Văn Lang trong cuộc hội thảo về tội ác của Cộng Sản Việt Nam, được tổ chức trong hai ngày 29 và 30 Tháng Chín 2012, tại Little Saigon. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)

Buổi thuyết trình phân tích những manh tâm trong Nghị Quyết 36 của CSVN, đồng thời đề ra những phương thức đấu tranh tích cực, chống lại những hoạt động phá hoại cộng đồng người Việt của cán bộ và tay sai CSVN len lỏi trong cộng đồng.
Năm thuyết trình viên là các vị Phan Tấn Ngưu (đại diện Liên Hội Cựu Chiến Sĩ), Tiến Sĩ Mai Thanh Truyết (đại diện tổ chức Chống Tàu Diệt Việt Cộng), ông Phan Kỳ Nhơn (đại diện Ủy Ban Phối Hợp Chống Cộng Sản và Tay Sai), Luật Sư Nguyễn Xuân Nghĩa (chủ tịch Cộng Ðồng Việt Nam Nam California) và ông Tạ Ðức Trí (nghị viên thành phố Westminster), đã thay nhau thuyết trình các đề tài liên quan trong buổi sinh hoạt này.
Ðiều Hợp Ðoàn trong cuộc hội thảo. Từ trái: Nghị Viên Tạ Ðức Trí, Tiến Sĩ Mai Thanh Truyết, ông Phan Kỳ Nhơn, Luật Sư Nguyễn Xuân Nghĩa và ông Trần Vệ. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)

Hàng trăm đồng hương gốc Việt đã đến tham dự đông kín hội trường Văn Lang.
Về cuộc triển lãm tội ác Cộng Sản, phòng triển lãm trưng bày gần cả ngàn bức hình về những hành động dã man của Cộng Sản trong lịch sử Việt Nam; từ vụ đấu tố Cải Cách Ruộng Ðất, đàn áp ngăn trở cuộc di cư vĩ đại của người dân miền Bắc năm 1954, đến những cuộc đàn áp của CSVN với người dân và dân oan trong nước khi họ biểu tình đòi đất đai nhà cửa, biểu tình chống sự xâm lăng của Trung Cộng diễn ra trong nhiều năm nay.
Cuộc triển lãm trong hai ngày thu hút khá đông đồng hương, và đặc biệt giới trẻ Việt Nam, đến tham dự. (N.H.)

Tổng số lượt xem trang