Thứ Hai, 19 tháng 11, 2012

Mỹ, Nga, Trung Quốc và Hội nghị Đông Á

 TTCT - Điều gì khiến hơn 1.600 phóng viên thế giới (không tính số phóng viên tháp tùng nguyên thủ các nước) có mặt tại Phnom Penh (Campuchia) từ ngày 15 đến 20-11?

Lực lượng an ninh Campuchia tuần tra quanh khu vực tổ chức Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 21 và Hội nghị Đông Á lần thứ 7 tại thủ đô Phnom Penh - Ảnh: Reuters

Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 21 và Hội nghị Đông Á lần thứ 7 sẽ diễn biến như thế nào với sự hiện diện của lãnh đạo ba siêu cường Mỹ, Nga, Trung Quốc?“Tất cả lãnh đạo các nước thành viên ASEAN, Tổng thống Mỹ Barack Obama, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung Bak, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo và Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda đã xác nhận sẽ tham dự, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng ngoại giao Campuchia Hor Namhong loan báo với báo giới hôm 22-10... Phát ngôn viên chính phủ kiêm Bộ trưởng thông tin Khieu Kanharith cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin có lẽ cũng sẽ tham dự...

Trong tuần trước, Thủ tướng Campuchia Hun Sen tuyên bố Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 21 sắp tới sẽ thúc đẩy tiến trình hội nhập ASEAN và tăng cường vai trò trung tâm của khối trong sự phát triển cấu trúc kinh tế và xã hội của khu vực”. Trang web về ASEAN của Trung Quốc (1) cho biết như vậy, theo Tân Hoa xã ngày 8-11.

Theo phuketgazette.net, hội nghị này còn chứng kiến việc ký kết hai hiệp định tự do thương mại: loại bỏ các hàng rào thương mại liên quan đến tiêu chuẩn thú y và cây trồng; tạo thuận lợi cho việc trao đổi thương mại giữa Trung Quốc và ASEAN. Nhưng tâm điểm của hội nghị còn là những phát biểu của các ông Putin, Obama và Ôn Gia Bảo trong lúc Đông Á, từ Bắc chí Nam, đang nổi lên như là điểm nóng “nóng” nhất hành tinh.

Giằng co Mỹ - Trung Quốc

Kể từ sau Thế chiến thứ hai, chưa bao giờ Thái Bình Dương lại nổi sóng suốt từ biển Nhật Bản xuống đến biển Đông như hiện nay. Những yêu sách chủ quyền cưỡng đặt dẫn đến những phản ứng tự vệ chính đáng của các bị hại cô thế buộc lòng phải tìm đến những trợ giúp tứ phương. Thật ra đây mới là chương thứ nhất của cái gọi là “thế kỷ 21 là của châu Á” mà trong đại thể không khác mấy “giấc mộng Đại Đông Á” đầu thế kỷ 20. Và đó chính là lý do dẫn đến điều gọi là “trở lại châu Á” vội vã trong muộn màng của ông Obama.

Vì vậy, chuyến thăm Myanmar của ông Obama - mà có báo gọi là “lịch sử” (2) - vào lúc cuộc xung đột mang tính phân biệt tôn giáo bùng nổ từ hơn một tháng qua, phản ánh sự tranh giành ảnh hưởng quyết liệt tại đất nước vốn từng nghiêng về phía láng giềng lớn ở phía bắc nay muốn tìm kiếm một sự cân bằng.

Thật vậy, từ năm 1988 sau khi phe quân nhân “cướp chính quyền” ở Myanmar, Trung Quốc đã là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất của quân đội nước này: 1,3 tỉ USD riêng trong năm 1993 để tăng cường khả năng tác chiến của phe này. Đổi lại cho sự hào phóng này là hơn 62 dự án thủy điện, khai thác dầu khí, mỏ của Trung Quốc, một lối ra biển Andaman bên cạnh vịnh Bengal - tức thọc vào sườn phía đông của Ấn Độ bằng chuỗi căn cứ hải quân ở Coco Island, Haigyi Island, Mergui và Thilawa, chi chít các dàn rađa và tháp ăngten kiểm thính (3).

Đó là chưa kể đến các xa lộ nối liền tỉnh Vân Nam với vịnh Bengal cùng các đường ống dẫn dầu khí có khả năng truyền dẫn 22 triệu tấn dầu và 12 tỉ m3 khí đốt mỗi năm, cũng từ tỉnh Vân Nam đến bờ biển Arakan của Myanmar, rút ngắn con đường vận chuyển dầu, khí của Trung Quốc cùng tránh những bất trắc ở eo biển Malacca (4).

Trong bối cảnh đó, việc Tổng thống Thein Sein được dân chúng Myanmar bầu lên đột ngột dừng dự án thủy điện Myitsone của Trung Quốc chính là một bước ngoặt lịch sử nhằm tìm kiếm sự cân bằng đối ngoại hầu có thể giữ vững tự chủ. Việc đón tiếp Tổng thống Mỹ Obama trong những ngày này cũng như việc đón tiếp một thủ tướng Ấn Độ (ông Manmohan Singh) lần đầu tiên sau 1/4 thế kỷ vào cuối tháng 5 năm nay chính là những động thái tìm kiếm sự cân bằng cần thiết, phản ánh một sự tái ý thức về lợi ích quốc gia, dân tộc.

Trong cuộc tranh giành ảnh hưởng đó, không lấy làm lạ khi Trung Quốc tăng sức người, sức của ở Campuchia và Lào. Thành ra sau Myanmar và Thái Lan, ông Obama có ghé thăm Lào cũng không là “sớm sủa” cho lắm.

Nga và thế chân vạc ở Đông Á

Sự quay trở lại của ông Putin vào chức vụ tổng thống Nga đầu tháng 5 đã được một số nước ASEAN đón nhận như là một thời cơ mới, ngay cả từ phía Thái Lan, một nước vẫn bị xem là gần gũi với Trung Quốc. Sau khi ông Putin trở lại, hôm 14-5-2012, nhật báo The Nation của Thái Lan đã đăng ngay một bài của Kavi Chongkittavorn, trợ lý chủ bút tập đoàn này (5) mà đoạn dưới đây phản ánh mong mỏi một thế “tam quốc” gồm Trung Quốc, Mỹ và Nga: “...Muốn hay không, nhiệm kỳ thứ ba này của ông Putin cũng sẽ tác động đến châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là ASEAN, hơn bao giờ hết.

Do mối ám ảnh của toàn khu vực trước sự trỗi dậy của Trung Quốc và sự quay trở lại châu Á của Mỹ, Nga nhất thiết phải nắm bắt lấy những gì còn lưu lại tại Đông Nam Á... Đối với Trung Quốc và Mỹ, vấn đề là làm sao tái cân bằng thế lực của họ, còn đối với Nga là làm sao phân bố lại thế lực...

Cũng giống Mỹ, Nga tự xem mình là một cường quốc châu Á - Thái Bình Dương với chính sách quay trở lại châu Á của mình. Ông Putin thừa rõ rằng Nga cần thận trọng hơn trong việc phân bố lại thế lực và ảnh hưởng vượt quá khuôn khổ các nước láng giềng của mình, đặc biệt là tại khu vực mà một thời Nga đã từng ngự trị”.

Ông Putin đã không có mặt tại hội nghị ASEM ở Lào mới đây như tờ The Nation của Thái mong đợi. Nhưng thật ra nước Nga cũng đã có ý quay trở lại Đông Nam Á. Một trong những sắc lệnh đầu tiên ông Putin ký sau khi nhậm chức là về “những biện pháp thực thi chính sách đối ngoại của Liên bang Nga”, trong đó có những chỉ thị đặc biệt liên quan đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Vladimir Kolotov - GS Đại học quốc gia Saint Petersburg, thành viên Ủy ban quốc gia của Hội đồng hợp tác an ninh châu Á - Thái Bình Dương của Nga - trong một bài phân tích về cái nhìn của Nga về tình hình an ninh tại Đông Á (6) đã quả quyết rằng “mục đích chính sách đối ngoại của Nga tại Đông Á là bảo toàn lợi ích quốc gia của Nga, phát triển hợp tác quy mô lớn với các “anh hào” thế giới và khu vực, và tránh đối đầu cùng chạy đua vũ khí”.

Để thực hiện điều đó, theo GS Kolotov, trong số những việc Nga cần phải làm là tìm ra các khả năng “làm thay đổi cán cân lực lượng trong khu vực”, mà “điều này, cho đến nay vẫn chưa được tận dụng”. Có thể hiểu trong “cán cân lực lượng” đó có bộ ba Nga, Mỹ, Trung Quốc và cả các “đối tác chiến lược” của Nga trong khu vực mà theo GS Kolotov, Nga có thể “cung cấp vũ khí hiện đại một cách cân nhắc sao cho có thể giữ được hòa bình và ổn định”.

Trong thực tế, quá trình quay lại Đông Nam Á của Nga cũng đã được phía Mỹ quan sát. Trong bài viết mang tựa đề “Mỹ có thể học được gì từ các quan hệ của Nga với các nước ASEAN?” trên đặc san Châu Á - Thái Bình Dương của Trung tâm Đông - Tây của Mỹ, GS Stephen Blank của Học viện Chiến tranh thuộc lục quân Mỹ đã đánh giá rằng “Nga tìm kiếm một sự giảm thiểu thế lực của Mỹ tại châu Á chứ không phải thay thế hoàn toàn Mỹ bằng một Trung Quốc bành trướng”, và rằng “tuy các lãnh đạo nước Nga vẫn luôn lặp đi lặp lại rằng lợi ích của Nga và Trung Quốc đồng quy..., song hơn bao giờ hết, các lãnh đạo quân sự Nga đang biểu thị sự lo âu trước tiềm lực và đường hướng quân sự của Trung Quốc” (7).

Một thế chân vạc vẫn quân bình hơn là một cái cân hai đầu.

DANH ĐỨC

___________

(1): http://www.asean-cn.org/Item/6475.aspx
(2): http://blogs.the-american-interest.com/wrm/#post-43092
(3): http://idsa.in/system/files/5_3_HShivananda.pdf
(4): http://www.mizzima.com/news/inside-burma/5886-security-of-oil-gas-pipeline-to-china-cannot-be-guaranteed-report.html
(5): http://www.irrawaddy.org/archives/4153
(6): http://www.brookings.edu/research/opinions/2012/09/17-russia-east-asia-kolotov

(7): http://www.eastwestcenter.org/sites/default/files/apb096.pdfMỹ, Nga, Trung Quốc và Hội nghị Đông Á (TTCT).-

 

Trong khuôn khổ ASEAN21 và EAS7: Lực hút mới do tương tác (TVN). Biển Đông là một trong những chủ đề nổi cộm tại các cuộc gặp giữa những quan chức Mỹ với các nhà lãnh đạo trong khu vực. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn từ chối đàm phán cấp cao về COC.

Khu vực và thế giới đang chứng kiến đoàn tầu ngoại giao của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ lao vun vút sang Á châu.

Ngoại giao quốc phòng và ngoại giao nguyên thủ đan quyện, giao thoa. Mấy ai lường trước được hiệu ứng các tương tác giữa quyết tâm mới của tổng thống đắc cử với một Đông Nam Á (ĐNÁ) năng động.

Tất cả diễn ra bên thềm Cấp cao ASEAN lần thứ 21 và Thượng đỉnh Đông Á lần thứ 7.

Chiến lược "xoay trục sang châu Á" của Hoa Kỳ cũng vừa tròn một năm càng tăng thêm kịch tính cho các sự kiện thường niên này.

Hai hội nghị Cấp cao năm nay được tổ chức trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc đều đã/đang thay đổi dàn lãnh đạo, với hai thủ lĩnh là Barack Obama và Tập Cận Bình.

Lịch trình các chuyến thăm "chéo cánh sẻ" của phái đoàn Mỹ thật ấn tượng. Từ 11-20/11, Ngoại trưởng Clinton thăm 5 nước: Úc, Singapore, Thái Lan, Myanmar và Campuchia (CPC). Ngày 17/11, bà có mặt ở Bangkok để tháp tùng ông Obama để 18/11 tham dự hội đàm cấp nhà nước với phía Thái.

Ngày 19/11 bà cùng Tổng thống tiến hành chuyến thăm lịch sử tới Myanmar. CPC là trạm dừng chân cuối cùng để dự EAS7. Bộ trưởng Quốc phòng Panetta cũng có chuyên công du tại: Úc, Thái Lan và CPC.

Nổi bật trên tất cả và quan trọng nhất, đương nhiên là chuyến thăm 3 nước ĐNÁ của Tổng thống: Thái Lan, Myanmar và CPC từ 17-21/11. Các thượng đỉnh diễn ra từ ngày 18/11. Hội nghị gồm các nguyên thủ/các vị đứng đầu chính phủ các nước ASEAN, giữa ASEAN với 8 nhà lãnh đạo trong vùng.

Trong sự sôi động của các chuyến thăm chính thức, giới quan sát không chỉ nhìn ở các nhát cắt về hợp tác quốc phòng. Ví dụ một trong những mục tiêu của bà Clinton ở Singapore là tham khảo ý kiến đồng minh về giới lãnh đạo mới tại Trung Quốc.

Nhưng sự chọn lựa của tổng thống Mỹ cho chuyến công du ngoài châu lục đầu tiên ngay sau khi tái đắc cử đã tạo ra nhiều sự chú ý nhất.

Sớm xây dựng COC

Các quốc gia ĐNÁ họp lại tại Phnom Penh hôm 18/11 đã yêu cầu Trung Quốc nhanh chóng khởi sự các cuộc thương thuyết ở cấp cao về một bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC). Thủ tướng CPC Hun Sen đưa ra đề nghị này với đồng nhiệm Trung Quốc Ôn Gia Bảo vào tối Chủ nhật 18/11 trong cuộc họp song phương, nhưng Trung Quốc đã từ chối.

Sau cuộc họp, người phát ngôn bộ Ngoại giao Trung Quốc cho báo chí biết là Bắc Kinh vẫn muốn tiếp tục khung tham khảo hiện thời, thông qua các cuộc đàm phán cấp dưới đã được nhất trí từ 10 năm trước đây.

Phát biểu sau cuộc họp ASEAN21, Tổng thư ký Surin Pitsuwan xác định: "Về phía ASEAN, chúng tôi đã sẵn sàng, đã quyết tâm và rất mong muốn mở đàm phán với Trung Quốc. Có điều là bước nhảy tango thì phải có hai người... ASEAN đã sẵn sàng, chỉ còn chờ người bạn Trung Quốc tiến bước".

Theo ông Pitsuwan, các lãnh đạo ASEAN muốn khởi động "càng sớm càng tốt" các cuộc đàm phán chính thức hơn về bộ Quy tắc ứng xử mang tính chất ràng buộc về pháp lý nhằm giảm bớt căng thẳng ở Biển Đông (COC).

Trong buổi khai mạc ASEAN21 sáng 18/11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có bài phát biểu quan trọng về các đề mục xây dựng cộng đồng, triển khai kết nối và đối thoại toàn cầu ASEAN. Thủ tướng cũng cảm ơn các đồng nghiệp đã ủng hộ đề cử thứ trưởng Lê Lương Minh cho vị trí Tổng Thư ký ASEAN nhiệm kỳ 2013-2017.

Tại hội AMM, Ngoại trưởng Phạm Bình Minh đã nhấn mạnh ổn định, an ninh an toàn hàng hải ở Biển Đông, giải quyết hòa bình các tranh chấp, tuân thủ luật pháp quốc tế và UNCLOS, trong đó có các quy định về tôn trọng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các quốc gia ven biển, thực hiện đầy đủ DOC, Tuyên bố nguyên tắc 6 điểm, cũng như sớm xây dựng COC.

Sau AMM, Tổng Thư ký ASEAN Surin Pitsuwan nói rằng ngoại trưởng các nước trong khối đã nhất trí ủng hộ kế hoạch do Indonesia đề xuất thiết lập một "đường dây nóng" với Trung Quốc nhằm xoa dịu căng thẳng liên quan đến Biển Đông.

Từ trước đến nay, Trung Quốc vẫn liên tục tuyên bố đơn phương khẳng định phần lớn khu vực Biển Đông thuộc chủ quyền của mình, cho dù phạm vi mà TQ "đòi chủ quyền" lấn sâu vào vùng đặc quyền kinh tế của nhiều nước ĐNÁ, trong đó có Việt Nam.

Trên thực tế, quan điểm xưa nay của Trung Quốc là vẫn không chủ trương giải quyết vấn đề Biển Đông bằng con đường đối thoại đa phương, thay vào đó chỉ muốn các đàm phán song phương với từng nước liên quan. Quan điểm "song phương" này bị hầu hết các nước ĐNÁ phản đối.

Biển Đông là một trong những chủ đề nổi cộm tại các cuộc gặp giữa những quan chức Mỹ với các nhà lãnh đạo trong khu vực. Ảnh: Lê Anh Dũng

Mỹ giành lại thế chủ động

Yếu tố nổi trội nhất trong "đợt ra quân đồng loạt" của tổng thống Obama là "mẻ lưới lớn" của Mỹ tại ĐNÁ. Dường như Hoa Kỳ muốn thổi bạt dư  luận lởn vởn đâu đó rằng Mỹ không có đủ nguồn lực vật chất để thực hiện "pivot".

Việc Hoa Kỳ gắn thêm "toa" Myanmar vào đoàn tầu trở lại châu Á về mặt quân sự có thể là một quyết định táo bạo. Hoa Kỳ đang từng bước tái lập quan hệ với giới quân nhân Miến Điện, mà cho đến gần đây còn bị Washington tẩy chay nghiêm ngặt.

Lầu Năm Góc đang xem xét việc khôi phục quan hệ song phương, bước đầu là hợp tác trong những cuộc thao diễn mang tính chất phi sát thương như y tế, giáo dục và cứu trợ thiên tai.

Dự kiến ông Obama không tới Naypyidaw, thủ đô mới được xây dựng một cách ẩn dật trong giai đoạn chính quyền quân đội trước đây và là nơi thường để tiếp khách và các đoàn ngoại giao.

Trong một động thái nhượng bộ bất thường, Tổng thống Thein Sein từ Naypyidaw xuống Rangoon để gặp Tổng thống Mỹ. Được biết, yêu cầu này là của bà Aung San Suu Kyi, người mà ông Obama tới gặp tại căn nhà nhỏ ven hồ, nơi bà bị quản chế hơn 15 năm.

Những thay đổi ở Myanmar từ năm ngoái xẩy ra bất ngờ tới mức vẫn còn quá nhiều điều dư luận chưa thể đánh giá hết được. Các nhà phân tích đang hỏi tại sao một chuyến đi có tính biểu tượng và quan trọng như vậy lại được thực hiện quá sớm, trước khi tiến trình cải cách được tiến hành một cách toàn diện?

Hẳn nhiên ông Obama và các nhà hoạch định chính sách Hoa Kỳ không chơi trò cá cược và "mẻ lưới" Mỹ đan trên thực tế rộng lớn hơn thế nhiều.

Theo Cố vấn An ninh Quốc gia Donilan, mục tiêu tối hậu của Mỹ là "duy trì một môi trường an ninh lâu dài và một trật tự khu vực được đặt trên nền tảng kinh tế cởi mở và việc giải quyết hòa bình các cuộc tranh chấp, quyền cai trị dân chủ và các quyền tự do chính trị".

Trong chuyến công du của "bộ đôi" Panetta-Clinton, Washington khuyến khích hình thành liên minh quân sự giữa Mỹ-Nhật-Úc-Ấn như để giăng "mẻ lưới" lớn trên Thái Bình Dương.

Vấn đề là làm sao Hoa Kỳ hài hòa được hai mục tiêu nhìn bề ngoài thật khó tương thích: thực thi "tái cân bằng" mà vẫn 'tái khởi động" được các mối quan hệ xây dựng với Bắc Kinh.

Tại các trạm dừng chân, Hoa Kỳ đều cam kết thúc đẩy một giải pháp đa phương cho cuộc tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc với các láng giềng, trong đó có Biển Đông. Trong khi Trung Quốc chưa có dấu hiệu gì sẽ thay đổi lập trường về tranh chấp lãnh hải trên Biển Đông và Hoa Đông.

Để đánh tan các mối hoài nghi nhân một năm công bố chiến lược "pivot", các chuyến thăm châu Á lần này không chỉ là màn dạo đầu cho một kịch bản lớn, mà còn nhằm khẳng định "chuyển trục" là một kế hoạch khả thi!

Ông Panetta nói với báo chí rằng Hoa Kỳ cam kết  theo đuổi đến cùng kế hoạch đó, dù Trung Đông gặp khủng hoảng và hiện có vấn đề khó khăn về tài chính ở trong nước.

Ông Panetta nhấn mạnh, kế hoạch "tái cân bằng" là một lộ trình xác tín và lâu dài.

Cho đến nay, có thể nói là mạng lưới quan hệ quân sự của Mỹ hầu như đã tỏa khắp vùng ĐNÁ, chỉ còn một vài điểm trống trong đó có Myanmar.

Với kế hoạch thắt chặt liên lạc với Myanmar, Hoa Kỳ đang lấp đầy khoảng thiếu vắng đó, một động thái không khỏi làm cho Trung Quốc quan ngại. Lý do là vì cho đến gần đây, Myanmar vẫn được xem là một nước hoàn toàn nằm trong quỹ đạo của Bắc Kinh.

Mọi việc thay đổi từ khi Myanmar phát sinh các mối quan hệ không thuận buồm xuôi gió với người láng giềng khổng lồ. Phải phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc khiến họ cảm thấy bất an, có nguy cơ mất nhiều hơn được.

Cân bằng bên trong châu Á

Chặng dừng chân ghé Bangkok của ông Obama là dịp để Hoa Kỳ củng cố thêm quan hệ hợp tác với Thái Lan, đối tác quân sự chủ yếu của Mỹ trong khu vực, một đồng minh lịch sử và chiến lược của Washington tại vùng ĐNÁ.

Sau hội đàm chính thức, Tổng thống Obama và Thủ tướng Yingluck Shinawatra đã mở cuộc họp báo chung để nói về các mối quan hệ ngoại giao trong gần 180 năm nay giữa hai nước, cũng như tái khẳng định các mối quan hệ sâu đậm về an ninh, kinh tế, và chính trị.

Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Thomas E. Donilon phát biểu trước chuyến thăm châu Á của ông Obama: "Chúng tôi không chỉ cân bằng lại theo hướng "pivot" về châu Á, mà chúng tôi đang cân bằng lại các nỗ lực ngay bên trong lòng châu Á. Trước đây, đây chúng tôi từng đầu tư mạnh tại Đông Bắc Á vì các lý do lịch sử và các lý do khác, nhưng giờ đây chúng tôi đang thực sự tập trung theo cách tiếp cận mới mẻ cho Đông Nam Á và ASEAN".

Hoa Kỳ đã cam kết tăng cường hơn nữa quan hệ với Thái Lan và ASEAN; sẽ gia tăng số lượng, quy mô các cuộc tập trận mà Mỹ tham gia tại Châu Á-Thái Bình Dương cũng như sẽ dành nhiều khoản ngân quỹ mới cho mục tiêu này.

Bốn lĩnh vực hợp tác quốc phòng giữa Mỹ và Thái Lan trong thời gian tới gồm: 1) Phát triển quan hệ đối tác mạnh mẽ nhằm bảo đảm hơn nữa an ninh khu vực ĐNÁ; 2) Hỗ trợ sự ổn định khu vực Thái Bình Dương và xa hơn nữa; 3) Tăng cường tính sẵn sàng và khả năng hoạt động chặt chẽ các lực lượng của hai bên; và 4) Củng cố hợp tác quốc phòng song phương ở mọi cấp độ.

Mỹ khẳng định việc tăng cường quan hệ quân sự chặt chẽ này nhằm giữ ổn định cho cả ĐNÁ! Hẳn nhiên, đằng sau tuyên bố đàng hoàng, không úp mở này là quy chế đồng minh với Mỹ của Thái Lan.

Sâu xa hơn nữa là mối quan hệ song phương đã có 180 năm nay, riêng về các liên hệ quân sự thì đã được thiết lập từ 62 năm về trước.

Chậm trễ là mất cơ hội!

Trước đó, khi gặp các đồng nhiệm ASEAN tại CPC trong tuần qua, bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta tuyên bố, Mỹ sẽ gia tăng hợp tác quân sự với Ðông Nam Á.

Theo ông Panetta, cam kết mới của Hoa Kỳ là một phần trong sự thay đổi nhanh chóng và lâu dài về sự hiện diện của Mỹ ở Châu Á. Ông nói: "Hoa Kỳ sẽ gia tăng tầm cỡ và số lượng các cuộc diễn tập với các đối tác ÐNÁ ở Thái Bình Dương".

Tuy nhiên, "noel một năm chỉ đến một lần"! Dường như trong chiến lược "chuyển trục", Mỹ đang lựa chọn các đối tác mới để "can dự" và có thể "ngó lơ" những đối tác cũ nhưng không hiệu quả cho quá trình "tái cân bằng".

Ông Panetta cho hay quân đội Mỹ sẽ tham dự các cuộc tập trận với 3 quốc gia trong năm tới. Mỹ sẽ lần lượt tham dự cứu trợ thiên tai do Brunei tổ chức, tập trận chống khủng bố do Mỹ và Indonesia cùng thực hiện và an ninh hàng hải do Malaysia cùng Úc tổ chức.

Tại Thái Lan và CPC, ông đều lên tiếng ủng hộ và kêu gọi các nước liên quan sớm thỏa thuận COC. Theo ông Panetta, sự gia tăng chú ý của Mỹ vào Á Châu sẽ có tính cách lâu dài và gồm cả các nỗ lực kinh tế cũng như ngoại giao bên cạnh hợp tác an ninh./.- Việt Nam & Trung Quốc trong cuộc đua thông tin chủ quyền (TVN).

Obama ở Myanmar: Obama’s Road to Myanmar Is Paved With New Asia Intentions (NYT 17-11-12) -- Head Over Heels (FP 16-11-12) -- Kurlantzick: Why Washington's love affair with Myanmar might be too much, too soon.
Thất bại cho Mỹ?: Asean curbs US regional security role (FT 18-11-12)

- Mỹ tăng cường hiện diện quân sự tại “sân sau” của Trung Quốc (Petrotimes). – Obama công du ĐNA: Vì tương lai nước Mỹ (Khampha). – Mỹ khẳng định “chính sách trở lại Châu Á” (LĐ).

- Báo Nhật: Cần phải có một chính phủ mạnh đối phó Trung Quốc (Infonet).- Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông (RFI).  –Quốc hội nghe báo cáo về Biển Đông (VNN).

- “GÁC TRANH CHẤP, CÙNG KHAI THÁC” LÀ CHIÊU BÀI ‘SÓI GỬI CHÂN’ (Bùi Văn Bồng).
- Hội nghị cấp cao ASEAN khai mạc tại Phnom Penh (VOA). – Hội nghị cấp cao ASEAN thứ 21 chính thức khai mạc (TTXVN/ ĐV).  -Những vấn đề nóng tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN (GD&TĐ). –Tranh chấp Biển Đông hâm nóng hội nghị ASEAN (VNE). – Không để vấn đề biển Đông làm lu mờ Thượng đỉnh ASEAN 21 (RFA). – ASEAN giục Trung Quốc đàm phán về tranh chấp biển (VNE).  – Biển Đông: Toàn khối ASEAN nhất trí đòi Trung Quốc nhanh chóng đàm phán quy tắc ứng xử (RFI).  - ASEAN đề nghị Trung Quốc đàm phán ngăn chặn xung đột ở Biển Đông (DT).
- ASEAN đẩy mạnh xây dựng Cộng đồng (CP).   - Đẩy mạnh xây dựng Cộng đồng ASEAN, gia tăng kết nối và liên kết khu vực (QĐND).  – Bước tiến mới trong tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN (VOV). –ASEAN: Một cộng đồng, một vận mệnh (NLĐ). – Thành lập Viện Nghiên cứu hòa bình và hòa giải ASEAN(Infonet).  – Hòa bình ở Biển Đông có ý nghĩa hết sức quan trọng (TP).  – Thông qua những văn bản trình lên Hội nghị Cấp cao ASEAN 21 (CAND).  – Lãnh đạo các nước ASEAN ra Tuyên bố Phnom Penh (ĐV).  - ASEAN muốn có hiệp ước ngăn xung đột Biển Đông (TTXVN).
- Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN khai mạc : Bản Tuyên bố nhân quyền được thông qua bất chấp dư luận dè dặt (RFI).  – Asean thông qua tuyên bố nhân quyền (BBC).  – Xã hội dân sự phản đối bản Tuyên ngôn Nhân Quyền đầy sai sót của ASEAN (VN Human Rights Defenders).
- Những hình thức mới trong hợp tác Mỹ – Đông Nam Á (SGTT).  - Thái Lan giữa hai thế lực Mỹ – Trung (TN). - Những hình thức mới trong hợp tác Mỹ – Đông Nam Á (SGTT). - 26 tàu chiến Mỹ – Nhật phô diễn sức mạnh trên Thái Bình Dương (GDVN).

- Phỏng vấn các ông Nguyễn Trọng Vĩnh, Dương Danh Dy: Lãnh đạo mới Trung Quốc ảnh hưởng thế nào đến Việt Nam? (RFA).  - (TVN).

- Một thanh niên Tây Tạng tự thiêu đã qua đời (VOA).
- Đảng Cải Cách hay Đảng Luồn Lách? (Dainamax).
- Tổng thống Obama khẳng định mối quan hệ với Thái Lan (VOA).  – Myanmar tiếp tục ân xá tù nhân (TN). – Obama tới Myanmar, mở rộng “bàn tay hữu nghị” (DT).
- Những bí ẩn trong việc Campuchia ồ ạt mua vũ khí (Infonet). – TQ viện trợ bổ sung cho Campuchia 53 triệu USD (TTXVN).
- Hé lộ những khả năng phi thường của nhà lãnh đạo Triều Tiên (LĐ).

- Nghiên cứu Biển Đông: Quyết thì không biết – Biết không được quyết(TVN).
- Tranh chấp Biển Đông: Ưu tiên trong nghị trình thượng đỉnh ASEAN (VOA).  –Biển Đông : Philippines thúc giục ASEAN đoàn kết trước Trung Quốc (RFI). –Philippines kêu gọi ASEAN đoàn kết về vấn đề Biển Đông (VOA).
- Chiến lược Châu Á Thái Bình Dương, một năm sau ngày được Mỹ công bố (RFI). -Hoa Kỳ tỏ quyết tâm lập thế cân bằng ở châu Á (RFA). – Sự thật chiến lược Mỹ đặt châu Á làm trọng tâm (VNN). – Hillary Clinton : Úc không cần phải chọn lựa giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc (RFI).  – Phân tích gia: Ðài radar của Mỹ đặt ở Australia có thể gây thêm căng thẳng với TQ (VOA).
- Mỹ và Thái Lan nâng cấp quan hệ quân sự (RFI).  - Mỹ – Thái Lan tăng cường quan hệ quốc phòng (TT). – Thỏa thuận tái khẳng định quan hệ quân sự Thái-Mỹ (VOA).  –Hoa Kỳ khẳng định quan hệ quân sự chặt chẽ với Thái Lan (RFA).
- Tàu Trung Quốc vào vùng tranh chấp của Nhật (TN).
- Trung Quốc chiếm Hoàng Sa, Trường Sa hay Hà Nội? (RFA’s blog).


- Mỹ vẫn giữ thế trung lập ở Biển Đông nhưng… (Petrotimes).
- Nhật muốn “quan hệ cùng có lợi” với Trung Quốc (LĐ).


-Trung Quốc sẽ tập trung kinh tế hay quân sự? Xu hướng hiện nay gây nghi ngờ đối với quan điểm rằng kinh tế là mối quan tâm chủ yếu của Trung Quốc. 

Căng thẳng với Nhật Bản đã khiến Trung Quốc tẩy chay một cuộc gặp của các lãnh đạo tài chính toàn cầu tổ chức ở Tokyo. Đây là một ví dụ về chính sách ngoại giao ngày càng quyết đoán của Trung Quốc, và điều đó đang gây nguy hiểm cho môi trường kinh tế đôi bên cùng có lợi mà nước này đã xây dựng với Mỹ và các đối tác thương mại khác.

Không phải lúc nào cũng như vậy. Từ năm 1997 đến 2005, Trung Quốc đã có một chính sách ngoại giao cực kỳ tinh tường. Bắc Kinh đã thực hiện rất nhiều hành động lấy được lòng các nước láng giềng, và nhiều nhà quan sát ở Mỹ.

Trung Quốc đã chi 1 tỷ USD viện trợ cho Thái Lan trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997 mà không yêu cầu các điều kiện ngặt nghèo như Quỹ Tiền tệ quốc tế đã áp dụng. Nước này còn thiết lập Thỏa thuận Thương mại Tự do Trung Quốc - ASEAN và không đòi hỏi những đặc quyền về cắt giảm thuế quan từ các thành viên ASEAN. Trung Quốc cũng khuyến khích phát triển khuôn khổ hợp tác "ASEAN + 3" để tự kết nối mình với Hàn Quốc, Nhật Bản và Đông Nam Á, và rất nhiều lần Bắc Kinh nhấn mạnh rằng Trung Quốc sẽ có một "sự trỗi dậy hòa bình". Tóm lại, Trung Quốc đã có một nỗ lực lớn nhằm thể hiện rằng ban lãnh đạo ở Bắc Kinh tập trung vào phát triển kinh tế, chứ không phải sức mạnh quân sự.

Tuy nhiên, kể từ khoảng năm 2005, Trung Quốc đã theo đuổi một chính sách ngoại giao ngày càng hiếu chiến và ít hợp tác hơn. Bắc Kinh cũng thực hiện đủ loại nỗ lực nhằm làm chậm sự tiến bộ của Hội nghị Đông Á (nơi Mỹ có chút ảnh hưởng). Quan trọng nhất là Trung Quốc đã có một lập trường hiếu chiến trong một loạt các vấn đề lãnh thổ, từ tranh chấp với Nhật Bản về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đến những bất đồng với các nước Đông Nam Á về Biển Đông. Bắc Kinh cũng khơi lại những tranh cãi với Ấn Độ về chủ quyền ở Arunachal Pradesh.Những người muốn mô tả các chính sách của Bắc Kinh một cách thiện ý cho rằng những tranh chấp lãnh thổ đó đã có từ lâu và rằng Trung Quốc chỉ đang tái khẳng định những tuyên bố cũ.


Tuy nhiên, có một số diễn biến mới khiến người ta nghi ngờ quan điểm rằng Trung Quốc chỉ đang theo đuổi một chiến lược hợp tác "kinh tế hàng đầu". Ở Biển Đông, Trung Quốc sẵn sàng sử dụng sức mạnh để áp đặt ý muốn của mình lên Việt Nam và Philippines đối với các tranh chấp chủ quyền. Để bảo vệ tuyến vận tải của mình trên Sông Mekong, Trung Quốc đã triển khai các tàu tuẩn tra có vũ trang trên một phần Mekong - gây lo ngại cho chính phủ Lào.

Hơn thế, về tranh cãi chủ quyền đối với Senkaku/Điếu Ngư, Trung Quốc đã sử dụng các chính sách rất hiếu chiến đối với Nhật Bản. Bắc Kinh cắt các nguồn cung kim loại đất-hiếm quan trọng (rất cần cho sản xuất nhiều loại thiết bị điện tử). Các tàu Trung Quốc liên tục xâm phạm lãnh hải Nhật Bản, và một chiếc thậm chí còn đâm vào một tàu của Lực lượng Tuần duyên Nhật Bản.

Giờ đây, dường như để phản đối sự chuyển nhượng chủ quyền đối với Senkaku/Điếu Ngư từ chủ sở hữu tư nhân sang cho chính phủ Nhật Bản, Bắc Kinh đã quyết định rút sự tham gia của các ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc khỏi các cuộc họp của Ngân hàng Thế giới/IMF tổ chức ở Nhật Bản trong tháng này.

Vậy chúng ta nên làm gì từ chính sách ngoại giao mới và ầm ĩ này của Trung Quốc?

Có thể, những biến chuyển thận trọng phía sau sân khấu về sự chuyển giao chính trị hiện nay là tăng cường các xu hướng dân tộc chủ nghĩa ở Trung Quốc và không ai muốn đi một bước trái ngược chấm dứt các cuộc biểu tình và hạ bớt ngôn từ.

Cũng có thể, bởi vì sự kiểm duyệt và kiểm soát của chính phủ đối với các cơ quan nghiên cứu, nhiều người trong ban lãnh đạo Trung Quốc cũng như dân chúng nước này thực sự tin rằng quần đảo Senkaku và toàn bộ Biển Đông thuộc về Trung Quốc.

Tuy nhiên, ban lãnh đạo cấp cao ở Bắc Kinh và những người đứng đầu các cơ quan nghiên cứu đều tiếp cận được với các nguồn nước ngoài. Họ biết, một cách tối thiểu, rằng các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc được phóng đại.

Không một giải thích chính thức nào được đưa ra cho việc rút lui của các ngân hàng nhà nước khỏi cuộc họp của Ngân hàng Thế giới/IMF. Kể từ khi Bắc Kinh thành công trong việc có được một công dân Trung Quốc, Min Zhu, được bổ nhiệm làm Phó Tổng giám đốc điều hành IMF, có lẽ Trung Quốc muốn giữ các mối quan hệ vừa phải với Quỹ này. Theo cách đó, thế giới có thể cảm nhận rằng điều này cần được xem như một cuộc biểu tình phản đối Nhật Bản. Vấn đề của kiểu ngoại giao thô lỗ này là nó xem ra nông nổi và khó có thể giải quyết được gì. Chỉ một đề nghị tìm kiếm sự phân xử nào đó cũng có thể sẽ đưa tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư vượt ra ngoài bầu không khí căng thẳng hiện tại.

Điều đó cho chúng ta biết gì về những vấn đề lớn hơn trong chính sách ngoại giao Trung Quốc? Liệu người Trung Quốc đã đánh giá sai những lợi thế của sự cưỡng chế? Chúng ta không biết quan điểm của ban lãnh đạo Trung Quốc về những vấn đề này, nhưng xu hướng hiện nay gây nghi ngờ đối với quan điểm rằng kinh tế là mối quan tâm chủ yếu của Trung Quốc.

Trung Quốc tiếp tục chương trình hiện đại hóa quân sự nhanh chóng, gần đây đã dùng ảnh hưởng của mình với Campuchia để ngăn chặn bất kỳ một nghị quyết nào của khối ASEAN về các vấn đề lãnh hải ở Biển Đông, và cản trở Liên Hợp Quốc xây dựng một cách tiếp cận toàn diện đối với tình hình Iran và Syria.

Thêm vào đó, mặc dù các chuyên gia không lạ gì chủ đề các tập đoàn do thám tình báo của Trung Quốc, dư luận Mỹ gần đây mới có thông tin về vấn đề này. Việc Trung Quốc thâm nhập các máy tính của chính phủ và các công ty Mỹ xảy ra thường xuyên. Tiếp đó, có một nỗ lực của Tập đoàn Ralls thuộc sở hữu của người Trung Quốc nhằm mua một trang trại gió ở Oregon nhìn ra một căn cứ quân sự Mỹ. Tháng này, việc Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ công bố thông tin rằng hai tập đoàn viễn thông Trung Quốc là Huawei và ZTE không cung cấp đủ sự minh bạch về các hoạt động của họ cho thấy các mục tiêu chiến lược chiếm ưu thế so với các mục tiêu kinh tế ở nhiều phần trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc.

Vì Trung Quốc không còn là một khách mua ròng về các trái phiếu kho bạc Mỹ và giờ đây lại muốn chuyển đổi các dòng vốn sang mua cổ phiếu, Washington đang có đòn bẩy mạnh hơn so với trước khi mà Bắc Kinh là một người bỏ vốn chính cho thâm hụt hụt tài chính Mỹ.

Trung Quốc khó mà từ bỏ chính sách ngoại giao trọng thương của nước này, vì vậy Mỹ nên đưa ra các lựa chọn cho Bắc Kinh. Nếu các lãnh đạo mới của Trung Quốc muốn một môi trường kinh tế hợp tác, thì khi ấy họ cần phải theo đuổi một chính sách ngoại giao ít hùng hổ hơn. Nếu kiểu ồn ào này tiếp tục, thì chúng ta biết rằng sự trỗi dậy hòa bình chỉ là một cụm từ - và Mỹ đang gặp phải một thách thức trực tiếp hơn.

  • David Denoon là một giáo sư về chính trị và kinh tế ở trường Đại học New York và là giám đốc Trung tâm NYU về các mối quan hệ Trung - Mỹ. Trước đó ông từng là Phó Chủ tịch Ngân hàng Xuất - Nhập khẩu Mỹ và là Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ. Ông còn là tác giả cuốn sách Sự trỗi dậy Chiến lược và Kinh tế của Trung Quốc và Ấn Độ (Palgrave Macmillan, 2007).

THEO THE NATIONAL INTEREST -Trung Quốc sẽ tập trung kinh tế hay quân sự?

Tổng số lượt xem trang