Thứ Tư, 13 tháng 5, 2015

Độc Diễn Kiểu Mỹ

-Độc Diễn Kiểu Mỹ-Vũ Linh - Việt Báo Ngày150512
...tính cho đến nay, TT Clinton đã thu được hơn 100 triệu đô tiền đọc diễn văn....
* Vợ chồng danh hài Bill và Hillary Clinton - Hý họa và chơi chữ "bills" với "Bill" của Michael Ramirez trên tờ IBD * 
Năm xưa ở xứ ta, có màn "độc diễn", ra tranh cử tổng thống mà không có ai chạy đua cùng với mình. Năm 1971, TT Thiệu ra tranh cử lại, nhưng trước đó đã tìm đủ cách loại các đối thủ, rồi sau đó lại tìm đủ cách để có đối thủ ra tranh cử cùng, cho đỡ... kỳ cục. Nhưng cuối cùng thì vẫn độc diễn và đắc cử với tỷ lệ 94% phiếu. Vẫn chưa bằng tỷ lệ của ông y tá thủ tướng ngày nay!

Thời ấy truyền thông Mỹ xúm vào chỉ trích, cho là độc diễn không thể nào thể hiện được ý dân một cách trung thực, nếu không muốn nói là gian lận. Do đó, kết quả cuộc đầu phiếu không có giá trị, và tổng thống đắc cử không chính danh.

Ấy vậy mà oái ăm thay, đó chính là cảnh ta đang thấy tại cái thành trì dân chủ này. Trong nội bộ một đảng có tên là... Dân Chủ.

Như tất cả mọi người đều biết, bà cựu Đệ Nhất Phu Nhân, cũng là cựu thượng nghị sĩ, cựu ngoại trưởng, Hillary Clinton, đang biểu diễn màn tranh cử độc diễn, có một không hai tại xứ Mỹ này. Cho tới nay, mới chỉ có một cụ già ghi danh chạy đua tranh cử cùng bà, cho dù xác suất thắng cử của cụ là... 0%. Trong tương lai gần, may ra có một vài ứng viên sẽ ghi danh tranh cử. Nhưng cho dù có hay không có ai, cũng chẳng thay đổi được tình hình thực tế, tức là thực sự, bà Hillary đang... độc tấu dương cầm.

Ngoại trừ trường hợp bà Hillary bất ngờ rút lui, hay bị ốm đau, tai nạn gì đó không tiếp tục tranh cử được, thì tất cả các chuẩn ứng viên đó đều có hy vọng đắc cử tương đương với hy vọng đắc cử của... kẻ viết này nếu kẻ viết này chán viết báo và muốn ra tranh cử tổng thống Mỹ cho vui! 
 
Xin lược sơ qua.

- Thượng nghị sĩ Bernie Sanders: Ông này là ứng viên thứ nhì chính thức tuyên bố ra tranh cử sau bà Hillary, trên danh nghĩa thuộc thành phần độc lập, tự cho mình là theo xã hội chủ nghĩa cực tả, trên thực tế luôn luôn bỏ phiếu theo đảng DC và đã chính thức xác nhận sẽ ra tranh cử trong nội bộ DC. Cụ Sanders năm nay 73 tuổi, già hơn cả bà già Hillary đến bốn tuổi. Nếu đắc cử, sẽ nhậm chức vào năm 76 tuổi. Gần cuối đời, cụ ra tranh cử cho vui, chứ không ai nghĩ cụ có chút hy vọng nào. Có người sợ cụ sẽ kiệt sức ngay khi đi vận động tranh cử vì tranh cử kiểu Mỹ này đúng là còn tốn sức hơn chạy marathon thế vận hội. Dù vậy, tỷ lệ hậu thuẫn của cụ cũng đâu khoảng 5%.

- PTT Joe Biden: Ông này đang ẫm ờ, nửa nạc nửa mỡ, đang bận thăm dò dư luận xem mình có bao nhiêu hy vọng. Vì thật ra hy vọng của ông rất ít. Những thăm dò mới nhất cho thấy sau 6 năm làm Đệ Nhị Chính Khách, tỷ lệ hậu thuẫn của ông vẫn đì đẹt trên dưới 10%.

- Bà Thượng Nghị Sĩ Elizabeth Warren: Đây là gà nòi của khối cực tả. Mới đắc cử TNS Massachusetts cuối năm 2012. Cấp tiến đến độ chê cả TT Obama là chưa đủ cấp tiến. Bà Warren đã nhiều lần khẳng định sẽ không ra tranh cử, nhưng bị áp lực nặng của khối cực tả trong đảng không thoả mãn với lập trường chưa đủ cấp tiến của bà Hillary. Nếu ra tranh cử, bà Warren không có cách nào hạ được bà Hillary, mà chỉ có thể giúp bà Hillary xây đắp hình ảnh một chính khách ôn hoà, giúp bà thu phiếu của cử tri độc lập trong cuộc tranh cử chống ứng viên Cộng Hoà thôi.

Chính vì lý do này mà đảng Dân Chủ đang cố vận động bà Warren ra để làm một công hai chuyện: tránh được độc diễn kỳ cục, và giúp tăng hy vọng chiến thắng cuối cùng cho bà Hillary. Nhưng ý tưởng thúc bà ra tranh cử không làm bà Warren vui lắm vì hiển nhiên chỉ có tính lợi dụng bà làm con thiêu thân cho bà Hillary. Bà Warren được hậu thuẫn bởi khoảng 10% cử tri Dân Chủ.

- Các chuẩn ứng viên khác là cựu Thượng Nghị Sĩ Jim Webb của Virginia, trước đây là quân nhân chiến đấu tại VN, có vợ Việt, sau làm Thứ Trưởng Lục Quân cho TT Reagan, rồi bỏ đảng Cộng Hòa nhẩy qua Dân Chủ; cựu thống đốc Maryland Martin OMalley; và cựu thống đốc Rhode Island Lincoln Chafee. Tỷ lệ hậu thuẫn của cả ba ông này cộng lại chưa tới... 5%. Cả ba ông chưa ai chính thức ghi danh, nhưng đều hăng hái đả kích bà Hillary rồi.

Tổng cộng cả 6 vị nêu trên, tỷ lệ hậu thuẫn xấp xỉ 30%, so với 70% của bà Hillary. Tóm lại, chẳng ai có tầm vóc gì hết.

Dù rằng bà Hillary lại không phải là một ứng viên hoàn hảo, lý tưởng, đến độ… độc cô cầu bại. Trái lại, trong vài tháng qua, bà đã… đụng đâu đổ đấy. Vấp phải những khủng hoảng và xì-căng-đan rất nặng,đe dọa trực tiếp đến hy vọng thắng cử trong cuộc bầu tổng thống toàn quốc.

Xì-căng-đan emails bị xóa đang bị Hạ Viện hỏi giấy, trong khi xì-căng-đan gây quỹ cũng đang bị báo chí khui tung tóe. Dĩ nhiên là nếu bị lôi ra điều trần trước quốc hội, có nhiều hy vọng bà sẽ được các đồng chí Dân Chủ nhắm mắt bênh vực triệt để, và cuối cùng có nhiều hy vọng thoát nạn, chẳng bị trừng phạt hay khiển trách gì. Nhưng trong bối cảnh bầu cử tổng thống hiện nay, quyết định cuối cùng của quốc hội không quan trọng bằng quyết định của cử tri đi bỏ phiếu. Nếu Cộng Hoà đưa ra được một nhân vật có khả năng và uy tín, không quá cực đoan cuồng tín, trong khi bà Hillary không gỡ rối được một cách rõ rệt thì bà có rất nhiều hy vọng… về ôm cháu ngoại chứ chẳng chơi.

Cả hai xì-căng-đan càng ngày càng đưa ra hình ảnh một bà Hillary như là một Nixon tân thời. Mưu mô, xảo quyệt, mánh mung, gian trá. Không hơn, không kém, dù là chưa bị bắt quả tang về bất cứ chuyện gì, vì bà lươn lẹo quá giỏi.

Trong cả hai xì-căng-đan, bất cứ một người nào không có thành kiến ủng hộ bà Hillary từ trước cũng đều ngửi thấy … khét lẹt.

Trước hết, xì-căng-đan emails.

Tại sao bà Hillary lại xài hệ thống emails riêng, bỏ tiền túi ra lập một hệ thống tại nhà riêng để chính phủ không có thể xoi mói, nhìn vào xem có gì? Đã vậy, khi bà rời chức vụ Ngoại Trưởng, bà tuyên bố đã ký giấy xác nhận khi rời nhiệm sở đã trao lại cho Bộ Ngoại Giao tất cả tài liệu, kể cả emails, liên quan đến công việc của bà cho Bộ. Nhưng Bộ này lại khẳng định bà chẳng ký gì hết mà cũng chẳng trao lại gì hết. Đến khi đó thì bà Hillary in ra giấy đâu 50.000 trang emails, đưa lại cho bộ. Nên lưu ý là bà in ra giấy rồi mới đưa. In ra giấy thì có cạo sửa thêm bớt gì trên computer cũng không ai biết được, trong khi nếu còn trong máy, thì các chuyên gia có thể tìm thấy những đoạn cạo sửa, thêm bớt. Sau đó bà còn tự ý xóa hết tất cả mọi emails trong máy, không còn dấu vết gì nữa. Bà khẳng định những emails xóa đi chỉ là emails cá nhân cho bạn bè, nói chuyện riêng tư với chồng con. Sự thật như thế nào không biết, chỉ biết ông chồng nói cả đời chỉ viết emails có hai ba lần, chưa khi nào email gì với bà vợ.

Bất kể sự thật như thế nào, câu hỏi là tại sao lại vi phạm luật, sử dụng hệ thống emails riêng? Tại sao lại tự ý xóa hết emails trong hệ thống? Ai biết đâu mà kiểm chứng? Có việc gì gian dối cần giấu diếm mà phải làm vậy?

Điều trần trước Thượng Viện, bà Joyce Barr, Thứ Trưởng Ngoại Giao, đã xác nhận việc bà Hillary sử dụng emails là “không chấp nhận” được (not acceptable). Ngày xưa, bà Hillary là một luật sư trong luật sư đoàn của đảng Dân Chủ điều tra về Watergate chống TT Nixon. Bà biết rất rõ chuyện TT Nixon xoá 18 phút thâu băng đã bị phe Dân Chủ khai thác tới mức TT Nixon phải từ chức. Bây giờ bà xoá toàn bộ cả trăm ngàn emails luôn. Khối Dân Chủ trong quốc hội nghĩ sao và có phản ứng như thế nào? Những người vẫn tôn bà làm thần tượng trả lời những câu hỏi trên như thế nào? Chính trị và truyền thông Mỹ một chiều hay hai chiều? Chúng ta chờ xem.

Rồi đến xì-căng-đan của quỹ từ thiện của hai ông bà Clinton.

Trên nguyên tắc, quỹ này phải công bố đầy đủ chi tiết về các luồng tiền ra vào, công khai tên mạnh thường quân, số tiền và ngày ủng hộ (ngày ủng hộ rất quan trọng để truy ra liên hệ giữa số tiền yểm trợ và những quyết định của Bộ Ngoại Giao), đồng thời cũng công khai hóa việc sử dụng số tiền đó, đi đâu, làm việc gì, bao nhiêu, ngày nào. Đó là cam kết của bà Hillary với TT Obama, ký trên giấy trắng mực đen. Nhưng bà Hillary đã không tôn trọng. Bị áp lực quá, bà chỉ công bố một cách đại cương, chẳng hạn như công ty XYZ yểm trợ trong “khoảng từ” xxx đô đến yyy đô, không có ghi ngày. Nhìn vào danh sách công bố (không đầy đủ, hơn một ngàn tên không được công bố), ta thấy tên của hầu hết các đại công ty nổi tiếng nhất của Mỹ, từ Microsoft cho tới AT&T.

Bất thình lình, tất cả các đại gia nhao nhao ủng hộ việc ông bà Clinton làm từ thiện, hoàn toàn vì lòng nhân ái? Không nhất thiết. Công ty General Electric đấu thầu trong một dự án bạc tỷ tại Algeria. Ủng hộ quỹ 500.000 đô. Bà Hillary, với tư cách Ngoại Trưởng mau mắn đích thân viết thư vận động TT Algeria, quảng cáo GE với ông này.

Việc chi tiêu cũng mập mờ tương tự. Theo các chuyên gia, trong số 2 tỷ thu được, chỉ có khoảng 10% được chi vào các công tác từ thiện, còn lại đều đi vào lương và tiền thưởng, chi phí vận động, du hành, văn phòng phẩm, và … bí mật không được công bố. Đã vậy, lại còn lập ra một quỹ con, chuyển tiền vào đó để rồi số tiền đó biến mất không dấu vết, không biết ai cho bao nhiêu, xài vào việc gì, khi nào.

Quý độc giả có hứng thú, có thể mua cuốn sách “Clinton Cash” của Peter Schweizer vừa phát hành tháng Năm này. “Phe ta” đã mau mắn đả kích cuốn sách này “chẳng chứng minh được gì”. Họ quên mất chính tác giả cũng đã khẳng định ngay từ đầu là rất khó chứng minh được gì vì mọi việc được khỏa lấp rất chu đáo. Mục đích của tác giả là nêu lên những câu hỏi để bà Hillary giải thích. Ta chờ xem bà Hillary có giải thích được hay không.

Truyền thông, ngay cả truyền thông phe ta là New York Times, đã khui ra hàng loạt “mạnh thường quân” ủng hộ bạc triệu cho quỹ. Chẳng hạn như một công ty Canada ký một hợp đồng giao dịch uranium với nước Kazakhstan qua sự tích cực vận động của TT Clinton (ông là thượng khách trong lễ ký hợp đồng). Công ty này sau đó yểm trợ 31 triệu đô cho quỹ từ thiện Clinton, hứa sẽ tặng thêm 100 triệu, và TT Clinton cũng lại được công ty đó mời đọc diễn văn trả 150.000 đô. Chưa hết, TT Clinton đã dùng máy bay riêng của công ty đi du ngoạn thế giới cả chục lần, hoàn toàn miễn phí. Một công ty thương mại giao dịch với chế độ độc tài Kazakhstan tặng 130 triệu để làm “từ thiện”? Không khét lẹt mùi hối lộ thì chừng nào mới là khét?

Tin giờ chót, quỹ từ thiện cho biết đang xin khai lại thuế lợi tức của năm năm qua, vì đã có “vài sơ xuất”, đại khái “quên” khai vài chục triệu tiền ủng hộ của vài công ty ngoại quốc. Quên vài chục triệu trong năm năm liền???

Ta cũng không nên quên, toàn bộ emails của bà đã bị xóa. Ai biết được trong đó có bao nhiêu bàn đến các giao dịch của quỹ từ thiện?

Bất kể những giải thích, phân bua, đối với cả thế giới, câu chuyện này khét hơn câu chuyện emails gấp bội. Một ông cựu tổng thống với bà vợ là thượng nghị sĩ, rồi ngoại trưởng, lại có 90% triển vọng làm tổng thống trong tương lai gần, làm sao có chuyện những người ủng hộ tiền chỉ nghĩ đến những mục tiêu nhân đạo của quỹ Clinton, mà không nghĩ đến ảnh hưởng chính trị hay quyền lợi kinh tế cụ thể?

Trong khoảng 15 năm từ ngày mãn nhiệm, bắt đầu đi đọc diễn văn, và quỹ được thành lập, tính cho đến nay, TT Clinton đã thu được hơn 100 triệu đô tiền đọc diễn văn khi bà vợ làm thượng nghị sĩ và ngoại trưởng, trong khi quỹ từ thiện Clinton cũng đã thu được hơn hai tỷ đô. Làm sao những số tiền khổng lồ này lại không có chút tác động nào trên bà thượng nghị sĩ, bà ngoại trưởng, và bà tổng thống Hillary Clinton sau này? Ai tin nổi chuyện này?

Bà Hillary cũng có một vấn đề lớn hơn nữa. Kế hoạch tranh cử của bà dựa trên chiêu bài bênh vực những kẻ thấp cổ bé họng chống các đại gia. Vấn đề là đại gia chính là những người như hai ông bà Clinton, cả đời ăn trên ngồi trước, tiền hô hậu ủng. Bà vợ đọc một bài diễn văn một tiếng tại trường đại học lãnh 250.000 đô trong khi các sinh viên thấp cổ bé họng đi làm bồi bàn lãnh bạc cắc để có tiền đóng học phí. Ông chồng đi Nigeria, nơi mà hàng triệu người sống với một đô một ngày, hai lần ông đọc hai bài diễn văn một tiếng đồng hồ, được trả 1,4 triệu đô, 700.000 đô cho một bài. Chưa kể tiền máy bay và khách sạn, ăn uống thượng hạng hết. Một vé máy bay khứ hồi Mỹ-Nigeria hạng kinh doanh là 15.000 đô, hạng nhất là 25.000 đô. Đi máy bay riêng thì tốn trên dưới 100.000 đô. 
 
Đây là cách ông bà Clinton tranh đấu cho dân nghèo?

Được hỏi về tương lai, TT Clinton cho biết ngay khi bà vợ tranh cử, ông cũng sẽ tiếp tục đi đọc diễn văn vì ông “cần trả tiền chi tiêu gia đình” (I've got to pay our bills. Danh từ “bills” tiếng Mỹ chỉ những chi tiêu bình thường trong gia đình như tiền chợ, tiền điện, nước, linh tinh,...). Đúng như bà Hillary đã từng nói, hai ông bà rất nghèo túng, thiếu chút nữa phải khai phá sản, bắt buộc ông cựu tổng thống phải đi kiếm hơn 100 triệu đô để trang trải tiền tiêu xài linh tinh trong nhà. Tiền hưu của ông cựu tổng thống, bà cựu thượng nghị sĩ và cựu ngọai trưởng đều quá ít. Thật là nghe muốn rớt nước mắt.

Thăm dò mới nhất của hãng thông tấn Associated Press cho thấy 61% dân Mỹ nghĩ rằng bà Hillary thiếu lương thiện. Ngay từ năm 1996, nhà báo lão thành Williams Safire đã viết trên New York Times là bà Hillary là người “nói láo bẩm sinh” (congenital liar). Câu hỏi là dân Mỹ có sẵn sàng bầu một người thiếu lương thiện như vậy làm tổng thống không? Câu trả lời “rất có thể” chỉ vì trong chính trường Mỹ, thiên hạ tin rằng tất cả các chính khách đều nói láo, do đó, đối với giới này, Dân Chủ hay Cộng Hoà cũng vậy, nói láo là chuyện bình thường, không phải là tội. Trái lại, không chừng nói láo giỏi sẽ thành tổng thống giỏi.

Bình thường mà nói, một người với nhiều hành trang như bà Hillary khó có hy vọng leo lên đến chức tổng thống. Truyền thông sẽ khui ra đủ chuyện và đánh tới chết. Nhất là nếu người đó là một ông bảo thủ Cộng Hoà. Nhưng lạ lùng thay, bà Hillary vẫn chễm trệ ngồi trên ngai, hầu như tuyệt đối bất khả xâm phạm, chỉ chờ ngày đăng quang, cho dù thỉnh thoảng có vài thăm dò cho thấy ghế bà Hillary ngồi bắt đầu rung rinh.

Nhiều yếu tố quan trọng.

Thứ nhất, phải nhìn nhận đảng Dân Chủ đang trở thành đảng của quần chúng nghèo và da màu vì chính sách trợ cấp thả dàn. Mà đây lại là khối cử tri rất chịu khó đi bầu, phần vì khá rảnh rang, phần để bảo vệ trợ cấp. Trong khi đại đa số khối cử tri trung lưu và nhất là da trắng lại lười đi bầu, bất cần chính trị vì mắc bận kiếm tiền, không rảnh bỏ một ngày làm đi xếp hàng bỏ phiếu.

Thứ nhì là đảng Dân Chủ nhất quyết muốn làm lịch sử lần thứ hai, với một phụ nữ làm tổng thống sau khi một người da đen đã vào Tòa Bạch Ốc. Hiện nay, bà Hillary là người duy nhất có thể thực hiện được chuyện này. Tất cả khối cấp tiến và đảng Dân Chủ sẽ tập trung nỗ lực khỏa lấp các “tội” của bà Hillary để giúp bà vào Nhà Trắng. Phe CH đã đưa bà Carla Fiorina ra, để chứng minh mình cũng có phụ nữ ra tranh cử, nhưng ai cũng thấy bà cựu tổng giám đốc đại công ty Hewlett-Packard này so với bà Hillary thì chẳng có kí lô nào.

Thứ ba là dù muốn hay không, bà Hillary cũng đã chứng tỏ là một người có rất nhiều kinh nghiệm, dù khả năng là chuyện khác. Hơn nhiều ông bà ứng viên Cộng Hoà. Hơn xa các ứng viên DC. Và hơn rất xa ông tổ chức cộng đồng năm xưa là Obama. Cho dù tư cách cá nhân có nhiều câu hỏi lớn.

Có một câu chuyện diễu mang khá nhiều ý nghĩa. Hai ông bà Clinton lái xe đi chơi, ghé trạm xăng để đổ xăng. Anh bán xăng chạy ra ôm chầm lấy bà Hillary, vui vẻ nói chuyện. Hoá ra anh này là bạn học hồi xưa của bà. TT Clinton bực mình, sau khi xe chạy lên tiếng trách: “Sao bà thân thiện với thằng bán xăng như vậy được? Đi với tôi, phải giữ tư cách một chút chứ”. Bà Hillary nhìn ông chồng rồi nói: “May cho ông là hồi đó tôi lựa ông chứ tôi lựa thằng đó thì bây giờ nó đã là tổng thống và ông thì đi đổ xăng rồi!”. Kiểu như Việt Nam ta có câu “không vợ đố mày làm nên” vậy. 
Vũ Linh (10-05-15)

Ngoại trưởng Hillary Clinton bị kiệnTTO - Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và Bộ Ngoại giao nước này bị kiện vì quản lý lỏng lẻo khiến tiền viện trợ dành cho chính quyền Palestine rơi vào tay “các nhóm khủng bố”, theo Hãng tin AFP ngày 28-11.
Nguyên đơn là Trung tâm luật Israel có trụ sở tại thành phố Tel Aviv, Israel.

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton - Ảnh: Reuters

Theo AFP, Trung tâm luật Israel đại diện cho 24 công dân Mỹ sống tại Israel nộp đơn kiện bà Clinton và Bộ Ngoại giao Mỹ tại Washington.
Trong đơn kiện, tổ chức này cáo buộc phía bị đơn đã “chấp thuận, khuyến khích, tạo điều kiện cho chính quyền Palestine nhận viện trợ từ Mỹ mà không áp dụng các biện pháp kiểm soát và giám sát theo quy chế liên bang”, cụ thể là đạo luật chống khủng bố người Palestine được ban hành năm 2006. Kết quả là tiền thuế của dân Mỹ rơi vào tay các nhóm khủng bố như Phong trào Hồi giáo Hamas - phong trào kiểm soát dải Gaza, các tổ chức và cá nhân bị cấm nhận tiền viện trợ.
Đối với Mỹ, Israel và các nước phương Tây, Hamas được xem là tổ chức khủng bố.
Đơn kiện nhấn mạnh các bị cáo, bao gồm bà Clinton, Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) và Bộ Ngoại giao Mỹ, phải bị xét xử vì “vi phạm quy chế liên bang”. Tổ chức này cũng yêu cầu tất cả nguồn viện trợ tài chính dành cho chính quyền Palestine phải được tạm ngưng đến khi “các bị cáo đã sẵn sàng tuân thủ theo quy chế liên bang về chống tài trợ khủng bố”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland cho biết chưa thể xác nhận thông tin về vụ kiện.
ANH DUY (AFP)- Ngoại trưởng Hillary Clinton bị kiện
- Philippines đã phạm sai lầm chiến lược tại bãi cạn Scarborough (Trương Nhân Tuấn). Vài tháng trước đây người viết có viết bài “Tranh chấp Trung-Phi tại bãi cạn Scarborough” trong đó có nhấn mạnh việc chọn lựa qui chế pháp lý cho bãi này là một quyết định chiến lược, nếu vấn đề đưa ra một trọng tài phân giải. Theo bài báo này, ta thấy Phi đã đi sai nước cờ. Lập luận của Phi là bãi cạn Scarborough nằm trong vùng Kinh tế độc quyền (EEZ 200 hải lý) do đó thuộc quyền chủ quyền của Phi. Sai lầm vì Phi đã lựa chọn qui chế cho bãi cạn Scarborough như là một “bãi chìm”, không thể chiếm hữu, trong khi trên thực tế thì bãi này là một “bãi cạn”, có nhiều đá nổi cao hơn mặt nước, mà theo Luật Biển 1982 thì bãi này có thể chiếm hữu.
Việc sẽ đến, sai lầm của Phi sẽ đưa đến việc nhìn nhận bãi cạn Scarborough “có tranh chấp” với Trung Quốc. Đó cũng là sai lầm lớn lao mà lãnh đạo và học giả VNXHCN đã phạm liên tục từ nhiều thập niên nay.
Vài chi tiết tóm lược lại từ bài trước :
Bãi cạn Scarborough, cách đảo Luçon (Luzon) của Phi khoảng 115 hải lý (215 Km), cách bờ biển VN khoảng 900 Km, cách Hồng Kông 850 Km, tọa độ 15°08’ N – 117°46’ E, có hình thể một dãi san hô tam giác chìm dưới nước, dài khoảng 10 Km, có chu vi 46 Km, bao quanh một vùng biển lặng (lagon) diện tích tổng cộng khoảng 150 Km². Bãi cạn này có một số đá nổi trên mặt nước, trong đó lớn nhất là Đá Nam (South Rock – Nam Nham), nổi trên mặt nước khoảng 1,8 mét lúc thủy triều cao. Đá này tọa lạc ở góc đông-nam, kế cận cửa (passe) vào vùng biển lặng. Cửa (passe) có chiều dài 380 mét và độ sâu từ 9 đến 11 mét. Ngoài ra còn có Đá Bắc (North Rock – Bắc Nham) cùng với một số đá khác nổi trên mặt nước. Bãi cạn Scarborough ở về phía tây bãi Macclesfield, cách 318 Km. Hai bãi này được phía Trung Quốc gộp lại chung với tên “Trung Sa quần đảo – Zhongsha Qundao”.
Về tên gọi, phía Trung Quốc cũng đã tỏ ra thiếu thống nhất. Trong các tài liệu địa chí của Trung Quốc in trước năm 1935, bãi Scarborough được ghi bằng tên quốc tế, với ghi chú tiếng Hoa là “Nam Sa quần đảo”. Đến năm 1947 bãi này được đặt là “Dân Chủ đảo – Minzhu jiao”, thuộc về “Trung Sa quần đảo”. (Như thế đến năm 1935, cái mà Trung Quốc gọi là Nam Sa – tức Trường Sa của Việt Nam hiện nay, là bãi cạn Scarborough. Đến năm 1947 họ mới “đẻ” ra tên Trung Sa, gở nhãn Nam Sa dán lên quần đảo Trường Sa, sau đó ra mặt tranh chấp với Việt Nam. Trước đó là hai bên chỉ có tranh chấp về Hoàng Sa). Đến năm 1983 thì bãi này lại đổi tên thành “Hoàng Nham – Huangyan”, gộp chung với bãi Macclesfield để tạo thành “Trung Sa quần đảo”.
Việc Trung Quốc gộp chung bãi Macclesfield, bãi chìm dưới mặt nước, vào chung với bãi Scarborough, vốn là một bãi cạn, chỉ có vài đá nổi lên mặt nước, vào thành một  “quần đảo – archipel”, là hoàn toàn gượng ép trên quan điểm địa lý, địa mạo. Hai bãi này, một bãi là “bãi ngầm” chìm dưới mặt nước khoảng 50m, một bãi là ám tiêu, đá… không có “đảo” nào có thể được gọi là “đảo” theo qui ước của quốc tế. Mặt khác, hai bãi này hoàn toàn tách biệt nhau, cách nhau đến 318 Km, thiếu sự liên tục của thềm lục địa. Nó vừa không có tính “quần” lẫn tính “đảo”.
Về chủ quyền của Trung Quốc tại “Trung Sa quần đảo”, tuyên bố năm 1951 của Chu Ân Lai, bên lề hòa ước San Francisco, nói rằng : “Quần đảo Tây Sa và đảo Nam Uy cũng như các quần đảo Nam Sa, quần đảo Trung Sa, quần đảo Đông Sa, là lãnh thổ của TQ”.
Điều đáng lưu ý là phía TQ không trưng dẫn bất kỳ bằng chứng nào, về việc khám phá hay chiếm hữu, kèm theo tuyên bố này. Tuyên bố “bên lề” này do đó mang tính “bảo lưu” hơn là một tuyên bố chủ quyền có giá trị pháp lý. Dầu vậy nó cũng được Liên Xô và các nước phe XHCN ủng hộ.
Năm 1958 Trung Quốc ra tuyên bố về lãnh hải: “Độ rộng lãnh hải của Trung Quốc là 12 hải lý. Qui định này áp dụng cho tòan lãnh thổ Trung Hoa, bao gồm phần đất trên đất liền và các hải đảo ngoài khơi… quần đảo Bành Hồ, quần đảo Đông Sa, quần đảo Tây Sa quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa…”.
VNDCCH, vì đứng trong khối XHCN, trước đó đã ủng hộ tuyên bố của Chu Ân Lai năm 1951, dịp này lại ra tuyên bố ủng hộ tuyên bố về lãnh hải của TQ.
Về phía Phi, theo Hiệp ước an ninh ký kết với Hoa Kỳ năm 1951, trong thời kỳ chiến tranh lạnh, hải quân Hoa Kỳ đóng ở Subic Bay, bãi cạn Scarborough được xem như là một tiền trạm, do vùng biển lặng của bãi này khá rộng và sâu. Tàu chiến HK thường xuyên neo ở đó. Hình thái địa lý bãi cạn này (nếu không bị chìm) thì giống như là đảo Diego Garcia ở Ấn Độ Dương, là một đảo của Anh nhưng có hợp đồng cho quân đội HK mướn dài hạn, có tầm chiến lược rất quan trọng cho chiến lược đại dương của Hoa Kỳ. Người ta ví nó là Guam thứ hai. (Guam ở Thái Bình Dương, Diego Garcia ở Ấn Độ Dương, cùng với các vị trí quân sự mới khai triển tại Úc, cho phép HK bảo vệ chặt chẽ vòng đảo thứ nhứt). Như thế, gián tiếp Hoa Kỳ đã công nhận bãi cạn này thuộc phạm vi ảnh hưởng của Phi. Ngoài ra năm 1991, nhà cầm quyền Phi có cho xây một đèn pha trên bãi, nhưng sau đó bị sập (không hiểu lý do), không còn sử dụng nữa. Điều đáng tiếc là phía nhà nước Phi không có hành vi chính thức nào nhằm tuyên bố chủ quyền của mình tại bãi này, trong khi từ 1951, phía TQ đã nhiều lần lên tiếng (đòi chủ quyền) mặc dầu chưa bao giờ họ chiếm hữu hay quản lý trên thực tế.
Một số điều cơ bản về tập quán quốc tế về biển cần nên nói ở đây. Cái gọi là “Trung Sa quần đảo” có thể xem như là một « lãnh thổ » để có thể chiếm hữu hay không ?
Về bãi Macclesfield, là một bãi ngầm chìm sâu dưới mặt nước, không có điều ước quốc tế nào, hay bất kỳ một tập quán quốc tế nào, chính thức cho phép một quốc gia được phép chiếm hữu. Điều này hàm ý, bãi ngầm này nếu nằm trong vùng lãnh hải, vùng Kinh tế độc quyền (ZEE) hay thềm lục địa của một quốc gia nào thì sẽ thuộc quyền tài phán của quốc gia đó. Từ đó, quốc gia này có thể xây dựng các đảo nhân tạo, các nhà giàn (như VN xây dựng tại các bãi Tư Chính và vùng kế cận), nhưng các kiến trúc nhân tạo này không có hiệu lực đảo (theo điều 121 của Luật Biển 1982) như là một đảo tự nhiên.
Về bãi Scarborough, là một bãi có phần chìm, có phần nổi, có phần lúc chìm, lúc nổi. Tập quán và Luật quốc tế có quan niệm gì về các cấu trúc địa lý này ?
Chiếu theo án lệ sau đây, ta có thể lấy ra một kết luận. Đó là án lệ của Tòa Án Công Lý Quốc Tế (CIJ - Cour Internationale de Justice) về tranh chấp giữa Tân Gia Ba và Mã Lai về chủ quyền của các đảo Pedra Branca/Pulau Batu Puteh, Middle Rocks và South Ledge qua phán quyết ngày 23-5-2008.
Pedra Branca (tiếng Bồ Đào Nha) hoặc Batu Puteh (tiếng Mã Lai) có nghĩa là "đá trắng". Đây là một hòn đảo đá granite, chiều dài 137 mét và chiều rộng trung bình 60 mét, diện tích khoảng 8560 mét vuông khi thủy triều xuống. Nằm ở phía đông eo biển Malacca, có tọa độ 1° 19' 48" vĩ độ bắc và 104° 24' 27 " kinh độ đông. Đảo cách khoảng 24 hải lý về phía đông của Singapour, cách 7,7 hải lý về phía nam tiểu bang Johor của Malaisie và cách 7,6 hải lý về phía bắc của đảo Bintan của Indonesie. Trên đảo có ngọn hải đăng Horsburgh được dựng lên vào giữa thế kỷ XIX.
Middle Rocks và South Ledge là hai đảo nhỏ khác kế cận Pedra Branca / Pulau Batu Puteh. Middle Rocks cách 0,6 hải lý về phía nam, bao gồm hai hòn đá nhỏ cao khoảng 0,6-1,2 m trên mặt biển, cách nhau khoảng 250 mét. South Ledge là một đảo đá chỉ thấy khi thủy triều thấp, cách Pedra Branca / Pulau Batu Puteh 2,2 hải lý về phía nam-tây nam.
Về hình thể địa lý, ta thấy bãi cạn Scarbourough có những điểm gần giống với quần thể các đảo Pedra Branca, Middle Rocks và South Ledge, nói chung là các đảo đá, có đảo nổi, có đảo lúc nổi lúc chìm tùy theo thủy triều.
Trên phương diện lịch sử, tất cả các đảo trên, kể cả lãnh thổ Singapour và Mã Lai hiện nay, đều thuộc về vương quốc Johor (từ thế kỷ 15). Tức về lịch sử, Mã Lai đã chứng minh được chủ quyền và tính liên tục quốc gia trên các đảo đó. Tuy vậy, phán quyết của CIJ cho rằng Singapour có chủ quyền ở đảo Pedra Branca. Các lý lẽ đã khiến cho Mã Lai mất đảo này là vì thái độ thụ động của quốc gia  trong việc hành sử chủ quyền. Nguyên nhân khác, quan trọng hơn hết, là tấm « công hàm » 1953 của vương quốc Johor. Công hàm này có nội dung phủ nhận chủ quyền của tiểu quốc Johor tại đảo Pedra Branca, trong khi các bằng chứng đã trình bày cho thấy điều này không đúng. Điều đáng ghi nhận, người ký công hàm thuộc về một « chính phủ lâm thời », lý ra không có thẩm quyền ký nhận.
Về đá Middle Rocks (và South Ledge), Singapour vịn lý do vì các đảo này nằm trong vùng lãnh hải của đảoPedra Branca, nếu đảo này thuộc Singapour thì các đảo kia cũng thuộc nước này. Singapour dựa lên tính liên tục địa lý. Tuy vậy, Tòa phán rằng đá này thuộc về Mã Lai (có chủ quyền lịch sử do tính liên tục quốc gia) trong khi bãi chìm South Ledge, Tòa phán rằng, đảo này nằm ở vùng lãnh hải nước nào thì sẽ thuộc chủ quyền của nước đó.
Điều đáng chú ý, về tình trạng pháp lý của đá South Ledge (lúc chìm lúc nổi), tòa đã nhắc lại án lệ tranh chấp giữa Qatar c. Bahreïn (Qatar đơn phương kiện Bahreïn lên CIJ), theo đó : “luật pháp quốc tế im lặng về tình trạng pháp lý của các bãi lúc chìm lúc nổi, các bãi này có thể xem như là một “lãnh thổ” hay không ? luật pháp hiện hành cũng không thể xác định là các bãi đó có thể xem như là một lãnh thổ tương đương với “đảo” hay không”.
Điều này cho thấy, các đá nổi thường trực lên mặt nước thì có thể chiếm hữu, và có thể hưởng qui chế đảo theo điều 121, như đá Middle Rocks và đảo Pedra Branca.
Về trường hợp đá South Ledge (lúc chìm lúc nổi), luật pháp quốc tế hiện hành không có ý kiến gì về tình trạng pháp lý của nó.
Như thế, Scarborough là một bãi cạn, có đá nổi thường trực trên mặt nước, do đó có thể chiếm hữu và có lãnh hải. Điều quan trọng nhất ở đây là bãi cạn này có thể có vùng kinh tế độc quyền (ZEE) và thềm lục địa hay không ? Tùy theo hiệu quả của việc này mà việc tranh chấp hai bên Trung-Phi có “enjeu” rất quan trọng.
Vài thí dụ về hiệu lực các đảo: Luật Quốc tế về Biển không phân biệt đảo lớn hay đảo nhỏ mà chỉ qui định rằng đảo nào có thể cho người sinh sống và tạo được một đời sống kinh tế tự túc là có thể có vùng ZEE và thềm lục địa đến 200 hải lý.
Đảo Clipperton: có diện tích khoảng 6 Km², không có người ở, tọa lạc ở phía đông Thái Bình Dương, cách bờ Mễ Tây Cơ 1.120 Km, mang tên Clipperton là tên của một tên cướp biển nổi tiếng, lẩn trốn trên đảo. Năm 1858 Pháp tuyên bố chủ quyền ở đảo này. Năm 1897 Mễ chiếm đảo và tuyên bố chủ quyền. Năm 1931, Pháp đưa tranh chấp ra tòa án quốc tế, được xử thắng kiện. Năm 1979 Pháp tuyên bố vùng kinh tế độc quyền ZEE và thềm lục địa cho các đảo thuộc Pháp, trong đó có Clipperton. Năm 2009, Pháp đệ trình hồ sơ thềm lục địa mở rộng cho cả đảo này và không gặp phản đối của nước nào. Đảo này chỉ là một đảo san hô, không có người ở, hoạt động kinh tế duy nhất là đánh cá.
Các đá St-Pierre và St-Paul: Đây là một tập hợp 12 đá nhỏ do núi lửa cũ cấu thành, ở phía đông Brésil. Đá cao nhất 22,5 mét. Đá lớn nhất có kích thuớc 350 mét X 200 mét, diện tích khoảng 10.000 m². Một ngọn hải đăng được dựng nơi đây. Đá này còn nhỏ hơn bất kỳ đá nào ở TS, nhưng nó được đầy đủ vùng ZEE và thềm lục địa. Năm 2004, Brésil đệ trình hồ sơ thềm lục địa mở rộng, xác định vùng biển và thềm lục địa tại hai đá này. Hồ sơ không bị bác, với 15 phiếu thuận và 2 phiếu chống.
Các đảo McDonald và Herald của Úc: Các đảo này không có người sinh sống cũng như không có hoạt động kinh tế nào. Tuy vậy đệ trình của Úc về thềm lục địa mở rộng vẫn tính hiệu lực hai đảo này.
Đảo Okinotorishima của Nhật: Đảo này thực ra là một đảo đang chìm, chỉ còn nổi lên mặt ba hòn đá nhỏ. Nhật ra sức củng cố đảo để không cho nó chìm xuống. Năm 2008, Nhật đã đệ trình hồ sơ thềm lục địa mở rộng, trong đó đảo này được tính đầy đủ hiệu lực.
Nếu vấn đề đưa ra một trong tài quốc tế:
Các thí dụ ở trên cho thấy một đảo, đá, không có người sinh sống và nền kinh tế tự túc, đôi khi vẫn có hiệu lực đầy đủ về ZEE và thềm lục địa. Nếu so sánh các đảo HS và TS (có người sinh sống), thậm chí bãi cạn Scarborough, với các đảo trên, đồng thời xét qua các án lệ về chủ quyền và tình trạng pháp lý của các đảo, ta thấy các đảo HS, TS hay bãi cạn Scarborough có thể được xem là “lãnh thổ”. Từ đó một nước có thể chiếm hữu, có thể đòi hiệu lực về ZEE và thềm lục địa.
Ý thức được điều này, ta sẽ thấy việc lựa chọn để đưa ra trọng tài phân xử trong trường hợp tranh chấp Scarborough là một lựa chọn chiến lược, có nhiều “options” riêng biệt:
1/ Dựa trên ZEE và thềm lục địa. Bãi Scarborough là một bãi đá không có giá trị “lãnh thổ” để có thể chiếm hữu như đảo. Bãi này tọa lạc trong vùng kinh tế độc quyền 200 hải lý của Phi, do đó thuộc quyền tài phán của Phi.
2/ Dựa lên chủ quyền của Phi tại bãi cạn Scarborough, đồng thời vùng biển chung quanh thuộc về vùng kinh tế độc quyền của Phi. Bãi cạn này, theo hình thể địa lý của nó, theo các án lệ quốc tế và luật quốc tế về Biển, là một “lãnh thổ” như là đảo, có thể chiếm hữu. Từ lâu Phi đã hành sử chủ quyền và quyền tài phán tại bãi cạn này, qua việc cho phép hải quân Hoa Kỳ đóng tại đây cũng như việc xây hải đăng (không thành) trong quá khứ.
Theo tuyên bố của nhà chức trách Phi, hiện nay nước này có vẻ chú tâm nhiều tới “Option 1”, lấy hứng từ tổ hợp luật sư Covington & Burling ở Washington, qua hồ sơ Việt Nam tại bãi Tư Chính, phía TQ gọi là Vạn An Bắc, vào thập niên 90, khi phía TQ ngang nhiên ký giấy phép cho các công ty nước ngoài khai thác khu vực này. Lập luận của các luật sư này, qua hồ sơ “Những yêu sách đối kháng của Việt Nam và Trung Quốc ở khu vực bãi ngầm Tư Chính và Thanh Long trong biển Đông” do Brice M. Claget thành lập, theo đó bãi Tư Chính nằm trên thềm lục địa của VN, không liên quan đến Trường Sa. Tuy vậy, nếu Phi áp dụng phương pháp này sẽ phạm nhiều sai lầm chiến lược : a) Phi không bị mất tố quyền (forclusion) như trường hợp Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa và sự khác biệt giữa hai khu vực một bên là bãi cạn, một bên là bãi ngầm. b) Bãi ngầm Tư Chính không thể chiếm hữu, do đó không thể đòi hỏi ZEE và thềm lục địa. Trong khi bãi cạn Scarborough thì có thể xem như  là lãnh thổ, có thể chiếm hữu và có thể đòi hỏi lãnh hải, ZEE và thềm lục địa.
Theo “option 1”, Phi gián tiếp không nhìn nhận tình trạng pháp lý bãi cạn Scarborough như địa mạo của nó đã được tập quán quốc tế công nhận, lại xem nó như là một bãi ngầm. Trong khi TQ tận dụng yếu tố pháp lý này, lợi dụng sự ngập ngừng của Phi về bãi cạn Scarborough, để đặt căn bản đòi vùng biển của họ. Phía TQ đã lập lại những gì họ đã làm đối với VN ở khu vực Tư Chính từ hai thập niên trước, cho Phi ở khu vực Scarborough hiện nay.
Lập trường phía TQ : đòi quyền quản lý biển mà không cần chứng minh quyền chủ quyền các “lãnh thổ” từ đó sinh ra vùng biển (mà họ đòi quản lý). Lập trường của Phi (và VN) : ám thị từ bỏ các quyền của mình tại các vùng biển phát sinh từ các lãnh thổ trên biển mà mình có thể dễ dàng chứng minh chủ quyền, đặt lập luận trên quyền quản lý biển từ lãnh thổ trên đất liền.
Việc này làm yếu đi tư thế của Phi (cũng như của VN tại TS). Tranh chấp trên bề mặt là tranh chấp về biển sẽ che khuất tranh chấp chủ quyền các “lãnh thổ” trên biển. Phía TQ chỉ chờ có bấy nhiêu để nhân dịp đó để tuyên truyền chủ quyền của họ ở các “lãnh thổ trên biển”. Bởi vì, khi hai bên chấp nhận là có tranh chấp về biển, tức là hai bên mặc nhiên đồng ý “lãnh thổ” sinh ra “vùng biển đang tranh chấp” cũng có tranh chấp.
Vài điều nói thêm:
Vấn đề, lẽ ra chỉ là việc “bảo vệ chủ quyền” lại trở thành việc giải quyết  “tranh chấp chủ quyền”.
Hành động của TQ tương tự một tên cướp, vào nhà người ta đòi chia hai ngôi nhà với chủ.
Trường hợp này chủ nhà sẽ “bảo vệ” chủ quyền ngôi nhà của mình hay là tìm phương pháp giải quyết “tranh chấp” với kẻ cướp ? Dĩ nhiên là “bảo vệ”. Nếu bảo vệ bằng sức không được thì bảo vệ bằng công lý của Tòa án.
Việc này Phi đang làm. Nhưng nếu hồ sơ của Phi nhìn nhận “có tranh chấp” ở bãi cạn Scarborough, theo kinh nghiệm của nhiều bản án mẫu của CIJ, bãi này sẽ chia hai. Khôn hay dại chỉ đường tơ kẻ tóc.
- Hộ chiếu in hình lưỡi bò: Gây mất lòng tin, tạo căng thẳng (TT). – Người dân Trung Quốc cũng lo ngại về ‘hộ chiếu lưỡi bò’(Petrotimes). – Mỹ sẽ nêu quan ngại hộ chiếu lưỡi bò với Trung Quốc (LĐ).
- Giảm giá chủ quyền (Người Buôn Gió). - Trung Quốc: “Xây dựng quân đội không phải để đe dọa nước khác” (Infonet).  – Trung cộng còn giở trò nguy hiểm (Nguyễn Thông).
- ĐỨA CON CỦA CẢ NƯỚC (Mai Thanh Hải).
- BƯỚC NGOẶT CỦA CHỦ NGHĨA DÂN TỘC NHẬT BẢN (Project Syndicate/ Hồ Hải).
- Bất đồng về nước X (SGTT).- Nuôi chữ bên chân sóng (QNĐT).  – Dấu ấn “biên giới – biển đảo” giữa lòng Cố đô Huế (BP).   – Cứu 1 ngư dân nước ngoài 6 ngày trôi dạt trên biển (ANTĐ).  – Rùng rợn săn cá mập ở Trường Sa (kỳ 1);  – Rùng rợn săn cá mập ở Trường Sa (kỳ 2) (CATP/ĐV).
- Sự phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông.  – Lộ rõ tham vọng (ANTĐ).  – ‘Hộ chiếu đường lưỡi bò sẽ khiến Trung Quốc bị cô lập’ (VNE).  – Các nhà Việt Nam học đề xuất nghiên cứu riêng về biển Đông (VNE).  – Dư luận phản ứng gay gắt hộ chiếu in “đường lưỡi bò” (TQ).  – Mỹ sẽ bàn với Trung Quốc về hộ chiếu “lưỡi bò” (NLĐ).
- Cử tri bức xúc về chủ quyền biển đảo (LĐ), - Báo Trung Quốc lên tiếng vụ “hớ” trước báo Mỹ (DT).  – Trung Quốc: Phó chủ tịch phường tậu 80 căn nhà, 20 xe hơi (NLĐ).  – Điều tra quan chức có 80 ngôi nhà (VNE).  – TQ: Bắt người tố cáo Chủ tịch phường “kiếm” 80 biệt thự, 20 xe hơi (GDVN).

Báo Đảng Trung Quốc 'mắc lỡm'
BBC Tiếng Việt
Báo điện tử của Đảng Cộng sản Trung Quốc vừa bị 'mắc lỡm' khi đăng lại tin lấy từ website chuyên các chuyện châm biếm The Onion, nói lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un được bầu là "Người đàn ông sexy nhất thế giới". Thứ Ba 27/11, Nhân dân Nhật báo ...
Báo Trung Quốc "mắc lỡm" về Kim Jong-un lên tiếngLao động
Báo Trung Quốc lên tiếng vụ “hớ” trước báo MỹDân Trí
Báo Trung Quốc “hố” nặng tin về Kim Jong-unThanh Niên
Tuổi Trẻ -Đài Á Châu Tự Do -Vietnam Plus
Tuoitre - Vntime
-Truyền thông Châu Á bị lừa vụ ông Kim Jong Un là ‘Người đàn ông quyến rũ nhất’
Truyền thông châu Á bị lừa về vụ ông Kim Jong Un được bầu là ‘Người đàn ông đương thời quyến rũ nhất’ năm nay


Tổng số lượt xem trang