Tiến sĩ Ian Storey thuyết trình. Ảnh: Hữu Tiệp.
Thiếu đại diện thuyết trình trong hội thảo về tranh chấp trên Biển Đông diễn ra tại Praha 9.11.2012, nhưng người Việt đã đến dự một cách đông đảo, chủ động lái trọng tâm cuộc họp về phía mình.
“Đương nhiên mình theo dõi tình hình ở Việt Nam. Đó là quê hương, nơi đã tạo ra con người mình. Mình muốn nghe quan điểm của các chuyên gia về vấn đề tranh chấp đang diễn ra,“ sinh viên kinh tế Duong Nguyen cho biết. Ngoài hàng chục bạn trẻ, đến với buổi họp còn có thế hệ người lớn tuổi trong cộng đồng Việt Nam và những khán giả Séc.
Hội thảo South China Sea: Mare nostrum Sinense? (Biển Nam Hoa: Biển của Trung Quốc?) diễn ra tại trường Metropolitan University, Praha, với các phần thuyết trình của những chuyên gia đến từ khắp thế giới. Người được biết đến nhiều nhất là tiến sĩ Ian Storey đến từ Singapore, nhà Đông Nam Á học đã có màn thuyết trình khai mạc tóm lược bao quát được toàn bộ tình hình.
Trung Quốc đã chiếm đóng Hoàng Sa, Trường Sa
Nam Hoa là vùng biển lớn đóng vai trò nút giao thông hàng hải Âu-Á, chứa các tài nguyên dầu thô, dầu khí hay cá biển. Tại đây, hàng trăm đảo lớn nhỏ chính là chủ đề tranh chấp giữa các nước Trung Quốc, Việt Nam, Phillipines, Malaysia, Indonesia hay Brunei. Sau một thời gian dài yên bình phát triển kinh tế, căng thẳng giữa họ bắt đầu leo thang trở lại từ năm 2007 và đạt đỉnh điểm vào năm 2010 khi Trung Quốc nhận thức được rõ ràng lợi ích từ việc mở rộng lãnh thổ.
Trọng tâm của vùng tranh chấp, đó là 2 quần đảo Paracels – Hoàng Sa và Spratlys – Trường Sa. “Hoàng Sa bị Trung Quốc chiếm đóng vào năm 1974 nhưng Việt Nam lúc đó không biết nên vẫn tiếp tục sử dụng,“ Storey nói. Sau đó, Trung Quốc tiếp tục làm vậy với Trường Sa, nơi mà các đảo thực chất thường chỉ là những bãi đá.
Từ năm 1999, Trung Quốc bắt đầu hiện đại hóa quân đội, tới nay đã có đội quân lớn thứ hai thế giới (chỉ sau Mỹ) và mạnh nhất châu Á. Cùng với đó, họ tiến hành hợp thức hoá các đảo xâm chiếm bằng việc xây dựng đơn vị hành chính ở cả hai đảo trên, trong tiếng Tàu là Tây Sa và Nam Sa. Trong buổi thuyết trình, hình chữ U – đường lưỡi bò cũng được nhắc đến. Đây là bản đồ khoanh vùng lãnh hải của Trung Quốc, được vẽ dựa trên quyền "lịch sử“, dù luật biển quốc tế không công nhận chủ quyền dựa trên điều này.
Phản ứng với hành động của Trung Quốc, các phong trào người dân biểu tình chống Tàu ở một số nước như Việt Nam, Phillipines đã rộ lên. Theo nhận định của Storey, những hoạt động mang đậm tính “chủ nghĩa dân tộc“ này rất nguy hiểm cho tình hình tranh chấp hiện nay. Trái với người dân, nhà nước Việt Nam và Phillipines chọn cách cầu viện Mỹ can thiệp, hành động này được Trung Quốc gọi là cho Mỹ “xía mũi“ vào chuyện của người khác.
Đường lưỡi bò theo sát các bờ biển Việt Nam, Phillipines, thậm chí đến cả Malaysia. Ảnh: Nghiêm Trang - vietinfo.eu.
Vai trò của Mỹ và ASEAN
Trên thực tế, Mỹ từng không muốn lọt vào tình thế này, song họ vẫn có các chính sách kinh tế và chiến lược nhất định trong vùng biển Đông Nam Á. Tranh chấp càng khiến họ có lí do tăng cường sự hiện diện quân đội ở Phillipines, gửi nhiều tàu hạm chiến đến khu vực này và tập trận cùng nhiều nước liên quan. Tuy nhiên, Ian Story vẫn cho rằng Mỹ không thể làm gì một mình nếu thiếu ASEAN.
Các nỗ lực trong việc đàm phán vấn đề Biển Đông dưới tư cách khối ASEAN đã được bắt đầu từ năm 2002. Việt Nam và cả Phillipines đều muốn ASEAN can thiệp vào với tiếng nói chung của cả một khối 10 nước, song không phải nước nào cũng đồng tình.
Ian Storey chia ASEAN làm 2 nhóm. Nhóm đầu tiên bao gồm Thái, Lào, Campuchia và Myanmar, cả 4 nước đều không muốn liên quan đến tranh chấp này. Nhóm thứ hai gồm Việt Nam và Phillipines, những nước tranh chấp trực tiếp, Malaysia và Brunei, các nước không muốn Trung Quốc có thế lực cao ở khu vực này, và cuối cùng là Indonesia và Singapore, những nước muốn giải quyết tranh chấp ổn thỏa, yên bình.
Vấn đề nằm ở chỗ, trong cuộc họp ASEAN lần trước vào năm 2010, ghế chủ tịch được nắm bởi Campuchia. Với sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc, Campuchia đã phá vỡ kế hoạch xây dựng ASEAN đồng lòng, có tiếng nói chung trong vấn đề tranh chấp biển đảo. Thế nhưng đến tháng 11/2011, ASEAN vẫn bày tỏ mong muốn đàm phán với Trung Quốc về biển Nam Hoa, còn Trung Quốc vào tháng 7/2012 lại tuyên bố chưa chuẩn bị sẳn sàng để đàm phán với cả 10 nước. Trong vấn đề này, họ đề nghị được đàm phán song phương giữa hai nước liên quan, đó là Trung Quốc và Việt Nam hay Trung Quốc với Phillipines. Tuy nhiên, Ian Storey vẫn nhìn nhận rằng các bước đàm phán dưới tư cách Trung Quốc – ASEAN sẽ bắt đầu nhúc nhích từ năm 2013.
Ông Ian Storey trả lời riêng vài câu hỏi cho Vietinfo. Ảnh: Hữu Tiệp
Câu hỏi liên tiếp từ phía Việt Nam
Sau mỗi phần thuyết trình, khán giả có thể thảo luận mở với các chuyên gia. Với số người Việt tham gia đông đảo, các câu hỏi được đặt ra dần dần lái trọng tâm của hội thảo nhằm vào Việt Nam và Trung Quốc.
Trong số khán giả Việt Nam, người hay hỏi nhất là ông Ivo Vasilijev, một nhà nghiên cứu về Việt Nam. Ông hỏi như đang thuyết trình, mà chính trong câu hỏi cuối cùng đã nói rằng cảm thấy có nghĩa vụ đại diện cho Việt Nam nói vài điều trong cuộc họp này. Một số người đến xem đồng tình với ông, cho rằng khi ông Tây nói về Việt Nam thì nghe khách quan hơn, người khác lại cảm thấy một người Tây thì không nên nói thay cho Việt Nam.
Còn từ những người Việt Nam chính gốc, các câu hỏi đặt ra thường không nhằm vào đâu khác, ngoài cách hành xử của Trung Quốc.
“Trung Quốc tuyên bố không đàm phán. Làm sao để bắt nước này đàm phán khi họ cứ nhất quyết im lặng. Họ nói sẽ không bao giờ đàm phán, rồi sau đó họ sẽ lại xâm lược, xâm lược, xâm lược,“ một cô gái Việt Nam hùng hổ phát biểu. Ngay trong lúc cô gái nói, ông Ian Storey đã lập lức trấn an khán giả trong thính phòng rằng không tồn tại sự xâm lược chiếm đóng nào cả, ít nhất kể từ năm 2000.
“Chúng ta không thể ép Trung Quốc đàm phán, cũng không thể ép bất cứ một nước nào đàm phán, họ sẽ đàm phán khi họ muốn. Trung Quốc không tuyên bố sẽ không bao giờ đàm phán, họ chỉ chưa sẵn sàng,“ Storey trả lời. Với một câu hỏi tương tự sau đó, ông cho rằng nếu chọn đàm phán với 10 người hoặc 1 người, không ai chọn 10 cả, tương đương với việc Trung Quốc muốn đàm phán song phương thay vì với cả 10 nước ASEAN.
Nghiêm Trang – vietinfo.eu-Tranh chấp Biển Đông từ buổi tọa đàm tại Praha