Thứ Năm, 29 tháng 11, 2012

Vụ 1 đô mua doanh nghiệp nợ triệu đô: Lộ diện chiêu lừa đảo

Vụ 1 đô mua doanh nghiệp nợ triệu đô: Lộ diện chiêu lừa đảo Đại bản doanh của “đại gia” sắt thép Phạm Văn Thụ đã bị Nguyễn Hà Quảng thâu tóm. Ảnh: H.H-Rất đáng ngờ, sau khi hoàn thành (trên giấy) việc chuyển nhượng 14 doanh nghiệp tại Hải Phòng, Cty Trường Sa không hề đả động đến phương án tái cấu trúc doanh nghiệp cũng như trách nhiệm đối với người lao động.

Trên diễn đàn, TGĐ Cty CP tư vấn và đầu tư Trường Sa Ngô Quốc Hùng khẳng định: “Vốn điều lệ của Trường Sa là hơn 4 tỉ đồng, gấp nhiều lần 20.000 đồng…”. Nhưng, có một sự thật là số tiền hơn 4 tỉ đồng không đủ để mua những chiếc xe Lexus mà ông Ngô Quốc Hùng và Cty Trường Sa vừa “sang tay” từ Cty Thái Sơn.

Rất đáng ngờ, sau khi hoàn thành (trên giấy) việc chuyển nhượng 14 DN tại Hải Phòng, Cty Trường Sa và TGĐ Ngô Quốc Hùng cùng các chủ tịch HĐTV Nguyễn Hà Quảng và Nguyễn Văn Quang không hề đả động đến phương án tái cấu trúc DN cũng như trách nhiệm đối với người lao động.

Bi hài thương vụ… 1USD

Trên thế giới, có những nhà tài phiệt từng mua lại một tập đoàn đang ăn nên làm ra với giá chỉ 1USD và có những CEO công khai thừa nhận mức lương: 1USD. Hơn ai hết, các doanh nhân hiểu rằng con số nhỏ nhoi ấy chỉ có ý nghĩa tượng trưng về giá trị. Phía sau những thương vụ kiểu 1USD là lợi tức và danh thơm mà các DN và CEO chắc chắn sẽ thu về, nhờ biết cách tận dụng thời cơ để thay đổi phương án đầu tư và ký kết hợp đồng “làm ăn” mới. 

Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.Hải Phòng Đan Đức Hiệp phân tích: “Quanh thương vụ mua bán DN giữa Cty Trường Sa và Cty Thái Sơn, điều dễ nhận thấy là bên bán có lợi thế về đất đai, nhà xưởng, máy móc thiết bị, lực lượng lao động nhưng đang ôm cả ngàn tỉ đồng nợ quá hạn; bên mua là DN mới thành lập, vốn pháp định ít ỏi và không có kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh sắt thép”. 

Theo điều tra của PV Báo Lao Động, đến thời điểm này Cty Trường Sa và cá nhân liên quan đến Cty này đã hoàn tất thủ tục đăng ký kinh doanh trên cơ sở chuyển nhượng hầu hết cổ phần của 14 DN, với tổng số vốn điều lệ đăng ký của các DN hơn 1.400 tỉ đồng, tổng số vốn góp (trên giấy) xấp xỉ 1.250 tỉ đồng. Trong thực tế, những người chủ mới không có bất cứ động thái nào thể hiện kế hoạch tái cơ cấu sản xuất, tái cấu trúc DN và không thực hiện nghĩa vụ tiếp nhận thanh toán nợ cho những Cty đã mua. 

Chẳng hạn, tại Cty kim khí Hải Phòng, trong quá trình thương thảo chuyển nhượng cổ phần, phía Cty Trường Sa cam kết mua nguyên trạng DN, gồm khối nợ 86,5 tỉ đồng và lãi phát sinh, đồng thời sẽ tích cực hỗ trợ tài chính để trả nợ. Những cổ đông lớn của Cty kim khí Hải Phòng đồng ý bán 97,48% cổ phần- trị giá 16,8 tỉ đồng cho phía Cty Trường Sa và từ ngày 4.10.2011 (được cấp phép thay đổi đăng ký kinh doanh) đã bàn giao quyền điều hành Cty cùng với toàn bộ tài sản hiện hữu cho ban lãnh đạo mới, nhưng sau hơn 1 năm trôi qua, đến thời điểm này chưa cổ đông nào được thanh toán tiền, công nhân không có lương, sản xuất tê liệt và khối nợ các ngân hàng mỗi tháng phình to thêm 3 tỉ đồng tiền lãi!

Lộ diện nhiều khuất tất

Ngay sau khi thực hiện thành công thương vụ đầu tiên tại Cty kim khí Hải Phòng, tháng 11.2011 ông Nguyễn Hà Quảng và Cty Trường Sa tiếp tục chuyển nhượng 33,35% cổ phần trong Cty CP công nghiệp tàu Shinec của Tập đoàn CN Tàu thủy Việt Nam - ông Quảng làm Chủ tịch HĐTV, nắm giữ 19,46% cổ phần (9,73 tỉ đồng), Cty Trường Sa: 13,89% cổ phần (6,946 tỉ đồng). Riêng thương vụ mua bán Cty CP công nghiệp - thương mại Thái Sơn (tháng 4.2012), ông Quảng đã chuyển nhượng toàn bộ cổ phiếu đứng tên ông Phạm Văn Thụ - tổng trị giá 521,1 tỉ (chiếm 86,85%).

Căn cứ giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của Cty Trường Sa, “nhân vật số 1” của Cty Trường Sa chính là Nguyễn Hà Quảng - sáng lập viên góp vốn nhiều nhất (40%). Ở một diễn biến khác, theo điều tra của PV Báo Lao Động, ông Nguyễn Hà Quảng hiện là bị đơn trong một vụ án kinh doanh thương mại tại TP.Hồ Chí Minh. Ngày 20.8.2012, TAND TP.Hồ Chí Minh đã gửi văn bản đề nghị Bộ Tư pháp tiến hành thủ tục ủy thác tư pháp cho cơ quan có thẩm quyền của Mỹ tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu và thu thập, cung cấp chứng từ để giải quyết vụ án kinh doanh thương mại tại Việt Nam. Theo đó, buộc ông Nguyễn Hà Quảng phải thực hiện nghĩa vụ bồi thường và thanh toán nợ xấp xỉ 6,7 tỉ đồng cho 1 DN tại TPHCM!

Xin nói thêm, trên giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, ông Nguyễn Hà Quảng thường trú tại 225, tổ 9, P. Hoàng Văn Thụ, Q.Hoàng Mai, Hà Nội. Nhưng, sự thật là Việt kiều Nguyễn Hà Quảng đã và đang định cư tại 1778 Bush Avenue, Saint Paul, MN 55106, USA(!?).

Cty CP tư vấn và đầu tư Trường Sa (mã số DN 0310762008) được Sở KHĐT TPHCM cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần đầu ngày 7.4.2011, đăng ký thay đổi lần thứ nhất ngày 27.6.2011, vốn điều lệ 4,9 tỉ đồng, do 4 cổ đông sáng lập, gồm Nguyễn Hà Quảng - trú tại 225, tổ 9, P.Hoàng Văn Thụ, Q.Hoàng Mai, Hà Nội - góp 1 tỉ 960 triệu đồng (40%); Trần Thị Kim Dung - trú 76/3B, khu phố 7, P.Tân Hưng Thuận, Q.12, TPHCM - góp 1 tỉ 470 triệu đồng (30%); Ngô Quốc Hùng - trú 183/34 Nguyễn Hữu Cảnh, P.22, Q.Bình Thạnh, TP.Hồ Chí Minh - góp 980 triệu đồng (20%), và Trần Thị Thu Hiền - trú khu tập thể Z179, xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội - góp 490 triệu đồng (10%). Người đại diện theo pháp luật là ông Ngô Quốc Hùng. Chi nhánh Cty Trường Sa tại Hà Nội (mã số 0310762008.001), địa chỉ: số 28 ngõ 34A/24 Trần Phú, P.Điện Biên, Q.Ba Đình. 

Ngày 15.11, Phòng Điều tra tội phạm kinh tế- CA Hải Phòng đã triệu tập ông Ngô Quốc Hùng, ngày 19.11 các cổ đông của Cty kim khí Hải Phòng đã gửi đơn kiến nghị CA Hải Phòng điều tra hành vi chiếm đoạt DN của Cty Trường Sa. Và, ngày 20.11.2012, CN NH Phát triển VN tại Gia Lai đã gửi thông báo yêu cầu ông Ngô Quốc Hùng trả nợ gốc và lãi vay vốn thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh (với tư cách Chủ tịch HĐQT Cty CP ximăng puzơlan Gia Lai) tổng cộng hơn 6,3 tỉ đồng. B.C - H.H

Vụ 1 đô mua doanh nghiệp nợ triệu đô: Lộ diện chiêu lừa đảo

->> Chi 1 đô mua doanh nghiệp nợ... triệu đô

Thương vụ mua bán một doanh nghiệp vốn thuộc top 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất của Việt Nam với giá chỉ 1USD tại Hải Phòng là hiện tượng xưa nay chưa có.

3 tháng trước, Cơ quan CSĐT - Bộ Công an bắt giam Chủ tịch kiêm TGĐ Cty CP công nghiệp - thương mại Thái Sơn Phạm Văn Thụ với tội danh “lừa đảo, chiếm đoạt tài sản”.

Theo Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.Hải Phòng Đan Đức Hiệp, trước lúc vào trại, ông Thụ đã chuyển nhượng toàn bộ cổ phần trong tất cả các Cty “mẹ” và “con” của mình cho một DN mới thành lập ở TPHCM là Cty CP tư vấn và đầu tư Trường Sa.

Vẫn biết, cơ chế thị trường cho phép các doanh nghiệp mua, bán nợ theo đúng quy định của pháp luật, nhưng thương vụ nói trên là hiện tượng lạ. 

Tại Hải Phòng, đây là trường hợp đầu tiên công bố mua - bán doanh nghiệp với mức giá tượng trưng chỉ 20.000 đồng (tương đương 1USD). Nhưng, từ lạ đến… sốc, khi cơ quan quản lý nhà nước đã phát hiện bên bán cũng như bên mua không có khả năng thanh toán tổng số nợ lên đến 1.300 tỉ đồng.

Vụ mua bán doanh nghiệp chỉ 1USD:
Bài 1: Mua bán trước giờ vỡ nợ

Cùng bị bắt với tội danh “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” còn có Phạm Hải Thanh - nguyên Tổng Giám đốc Cty CP CN-TM Thái Sơn (viết tắt là Cty Thái Sơn), Giám đốc Cty TNHH thép Minh Thanh và Dương Hoàng Sơn - nguyên Tổng Giám đốc Cty TNHH MTV sắt thép Thanh Sơn. Đây thực sự là cú sốc đối với người dân đất cảng; bởi lẽ năm 2011 Cty Thái Sơn là doanh nghiệp xuất nhập khẩu sắt thép lớn nhất Hải Phòng, có tên trong danh sách 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam.

Nợ chồng lên… nợ

Ngày 8.8.2012, ông Phạm Văn Thụ - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Cty Thái Sơn (trụ sở tại xã Nam Sơn, huyện An Dương, TP.Hải Phòng) - cùng con trai là Phạm Hải Thanh và cộng sự đắc lực là Nguyễn Hoàng Sơn đã bị bắt tạm giam do liên quan đến các khoản “nợ xấu” hơn 1.300 tỉ đồng. 

Giới kinh doanh tại Hải Phòng biết rõ ông Phạm Văn Thụ đã thu bộn bạc nhờ kinh doanh phế liệu từ việc phá dỡ tàu cũ, rồi sau đó chuyển sang buôn bán sắt thép. 

Nhưng đến năm 2008, tại thời điểm giá sắt thép trên thị trường giảm gần một nửa, Cty Thái Sơn đã nhập về lượng lớn sắt thép dẫn đến thua lỗ gần 250 tỉ đồng, cộng thêm việc đầu tư xây dựng nhà máy đóng mới và sửa chữa tàu biển ở xã Lê Thiện, huyện An Dương; đó là chưa kể khoản tiền bị “đóng băng” do dự án đóng mới 3 con tàu chở hàng trọng tải 7.200 tấn cho Cty cho thuê tài chính II chỉ giải ngân được 85% trong tổng số 110 tỉ đồng... 

Khoảng 2 - 3 năm tiếp theo, hàng tồn vẫn không bán được mà lãi suất ngân hàng liên tục tăng cao, Cty Thái Sơn lâm cảnh “nợ chồng lên nợ”. Tính đến cuối tháng 2.2012, Chủ tịch Cty Thái Sơn Phạm Văn Thụ nợ 12 ngân hàng và 1 Cty tài chính tổng số tiền 725 tỉ. Theo nhận định của các chủ nợ, tất cả khoản vay nói trên đến nay đã quá hạn và mất khả năng thanh toán. 

Ngoài ra, Cty Thái Sơn còn nợ 7 doanh nghiệp khác không dưới 180 tỉ đồng. Riêng Cty TNHH thép Minh Thanh ở TPHCM của con trai ông Thụ nợ 380 tỉ đồng... 

Và, điều cần lưu ý là mặc dù hàng tồn kho “ngập đầu”, nhưng cuối năm 2010, ông Phạm Hải Thanh - đại diện Cty thép Minh Thanh - vẫn xoay xở để được vay tiếp 270 tỉ đồng của Chi nhánh Ngân hàng Đông Á tại TPHCM để mua thêm 12.000 tấn sắt thép.

Ngay sau đó, Phạm Hải Thanh bán toàn bộ số thép vừa mua cho Cty Thái Sơn của cha ruột, để rồi ông Phạm Văn Thụ lại dùng số hàng mua bằng vốn vay đi thế chấp vay vốn của nhiều ngân hàng khác.

Trong thực tế, các doanh nghiệp liên quan đến đường dây mua bán lòng vòng của Cty Thái Sơn đều là “con”, “cháu” của Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Cty Thái Sơn Phạm Văn Thụ.

Chuyển nhượng cổ phần 

Những người trong cuộc hiểu rõ “nợ xấu” như quả bom hẹn giờ, nhưng có lẽ “vụ nổ” Cty Thái Sơn còn lâu mới bị “kích hoạt” nếu không xuất hiện “đối tác” thứ ba - Cty tư vấn và đầu tư Trường Sa (viết tắt là Cty Trường Sa), trụ sở tại nhà riêng của TGĐ Ngô Quốc Hùng - 183/34 Nguyễn Hữu Cảnh, P.22, Q.Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh. 

Theo Sở KHĐT Hải Phòng, đến cuối tháng 4.2012, Cty Trường Sa và những người sáng lập ra Cty này đã đạt được thỏa thuận “mua” hầu hết cổ phần trong tất cả các Cty của gia đình ông Phạm Văn Thụ. 

Việc mua bán các DN có số nợ lớn nêu trên mới được công khai sau khi Sở KHĐT Hải Phòng báo cáo lên UBND TP, đồng thời gửi văn bản đến Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.Hải Phòng để “tìm hiểu thông tin về hiện tượng khác thường trong quá trình cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp”. 

Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.Hải Phòng Đan Đức Hiệp phân tích: “Cơ chế thị trường cho phép các DN mua, bán nợ công khai theo đúng quy định của pháp luật. Nhưng Cty Trường Sa mới thành lập năm 2011, vốn nhỏ (tổng vốn đăng ký chỉ 4,9 tỉ đồng), năng lực chưa được chứng minh lại đi mua những DN có số nợ rất lớn như Cty Thái Sơn, dẫn tới những nghi ngờ về khả năng tái cơ cấu lại DN là khó thực hiện”.

Trong thực tế, ông Phạm Văn Thụ đã bàn giao toàn bộ cơ sở vật chất của Cty Thái Sơn cùng với con dấu cho các “đối tác” mới quản lý, điều hành. Nhưng Cty Trường Sa chỉ chú ý đến mấy chiếc xe Lexus cùng những tài sản có giá trị còn “khai thác” được của Cty Thái Sơn mà không đề cập đến nghĩa vụ trả nợ và cũng chẳng thèm quan tâm đến quyền lợi của các cổ đông!

Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.Hải Phòng Đan Đức Hiệp: “Thâu tóm doanh nghiệp tại thời điểm này, người nhận chuyển nhượng được hưởng lợi từ việc mua rẻ doanh nghiệp, đồng thời hy vọng thời gian tới Nhà nước sẽ có chính sách dãn nợ, xóa nợ đối với một số khoản tín dụng. Tới đây, Ban chỉ đạo đổi mới DN thuộc UBND TP.Hải Phòng sẽ làm rõ những uẩn khúc trong việc chuyển nhượng cổ phần, chuyển đổi sở hữu chủ tại các DN không còn khả năng trả nợ ngân hàng. Nếu người nhận chuyển nhượng cổ phần không thực hiện nghĩa vụ tài chính, vi phạm các quy định của Luật DN, lãnh đạo UBND TP.Hải Phòng sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng áp dụng biện pháp ngăn chặn và xử lý nghiêm”. 

Tổng số lượt xem trang