Thứ Bảy, 8 tháng 12, 2012

10 ảnh khoa học được xem nhiều nhất năm 2012

TTO - Tạp chí National Geographic (Mỹ) vừa giới thiệu top 10 ảnh khoa học được xem nhiều nhất trong năm 2012, trong đó có ảnh tắc kè hoa nhỏ nhất thế giới, ảnh nhện giăng trắng vùng lũ...

TTO giới thiệu đến bạn đọc top 10 ảnh này (xếp theo thứ tự từ dưới lên):

10. Bộ xương “ma cà rồng”

Ảnh: Nikolay Doychinov, Getty Images

 

Một bộ xương “ma cà rồng” 700 năm tuổi bị một thanh sắt đâm xuyên qua ngực -  bị chôn vùi trong đống đổ nát nhà thờ ở thị trấn Sozopol nằm trên bờ biển Đen thuộc phía nam Bulgaria - được các nhà khảo cổ khai quật và hiện trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử tự nhiên quốc gia từ tháng 6-2012.

Theo tục lệ vào thời Trung Cổ, những người bị xem là xấu sau khi chết sẽ bị xuyên qua ngực bằng một thanh sắt để họ không thể trở thành “ma cà rồng”.

9. Nhện giăng trắng vùng lũ

 

Ảnh: Daniel Munoz, Reuters

 

Tựa như một cơn ác mộng, bầy nhện giăng tơ phủ kín cây cỏ khi lũ lụt tàn phá một vùng rộng lớn ở gần thành phố Wagga Wagga, New South Wales (Úc). Trong tháng 3-2012, sau gần một tuần mưa đạt mức kỷ lục, nước lũ dâng cao gây ngập khắp miền đông nước Úc buộc ít nhất 13.000 người phải rời bỏ nhà cửa và khiến lũ nhện phải ồ ạt di cư khỏi mặt đất.

8. NASA khẳng định không có ngày tận thế theo lịch của người Maya

 

Ảnh minh họa Trái đất bị tiểu hành tinh đâm trúng của Nicolle Rager-Fuller, NSF

 

Ngày tận thế được đồn thổi là ngày 21-12-2012 theo lịch cổ của người Maya. Một số lời tiên tri về ngày tận thế là Trái đất sẽ đổi cực trong năm 2012, Trái đất sẽ bị một tiểu hành tinh đâm vào, hố đen sẽ nuốt chửng Trái đất hay sự bùng nổ của Mặt trời: những bức xạ có hại có thể tiêu diệt mọi sự sống trên Trái đất. Nhưng những nghiên cứu gần đây của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) khẳng định không có chuyện đó xảy ra và sẽ không có vụ va chạm nào giữa Trái đất với hành tinh khác.

7. Bãi biển phát sáng

 

Ảnh: Doug Perrine, Alamy

 

Trong một nghiên cứu hồi tháng 3-2012, các nhà khoa học ĐH Harvard (Mỹ) đã giải thích hiện tượng những con sóng phát sáng tại bãi biển trên đảo Vaadhoo thuộc quần đảo Maldives. Theo đó, nước biển phát sáng màu xanh rực rỡ là có sự hiện diện của sinh vật có khả năng phát quang với mật độ rất lớn trong nước.

6. Bão Mặt trời “kích hoạt” cực quang

 

Ảnh: Ole C. Salomonsen

 

Các cực quang mạnh nhất thường diễn ra sau sự phun trào hàng loạt của Mặt trời. Các dải sáng này liên tục chuyển động và thay đổi làm cho chúng trông giống như những dải lụa màu trên bầu trời. Trong ảnh là ánh sáng Bắc cực (Bắc cực quang) đang “nhảy múa” trên bầu trời dãy núi Lyngen Alps, Na Uy hồi tháng 1-2012. Ánh sáng cực quang rực rỡ đó được sinh ra do sự tương tác của các hạt mang điện tích từ gió Mặt trời với tầng khí quyển bên trên của hành tinh.

5. “Thế giới đã mất” ở Nam cực

 

Ảnh: NERC CHESSO Consortium

 

Bầy cua Yeti sống tràn ngập xung quanh những miệng phun thủy nhiệt có nhiệt độ rất nóng ở độ sâu khoảng 2.400m dưới vùng biển Nam cực. Ngoài ra, trong bản báo cáo công bố hồi tháng 1-2012, các nhà khoa học cho biết cũng phát hiện tại đây nhiều loài mới như hàu, cua, cỏ chân ngỗng và thậm chí cả bạch tuộc sống hoàn toàn trong bóng tối.

4. Cá mập thảm nuốt cá mập tre vằn

 

Ảnh: Tom Mannering

 

Trong tháng 2-2012, các thợ lặn Trung tâm Nghiên cứu cấp cao về các rạn san hô (Úc) công bố "chộp" được cảnh tượng cá mập thảm nuốt cá mập tre vằn tại rạn san hô Great Keppel (thuộc rạn san hô ngầm lớn nhất thế giới The Great Barrier). Đây là phát hiện hiếm bởi cá mập thảm chỉ thường săn những con mồi là động vật không xương sống và cá nhỏ.

3. Khỉ chuyên sống về đêm

 

Ảnh: Alexander Pari

 

Loài khỉ chuyên sống về đêm có trọng lượng cơ thể 0,9kg và chiều cao 0,3m, được công bố phát hiện trong tháng 9-2012. Đây là một trong tám loài động vật có vú mới phát hiện tại khu bảo tồn quốc gia Tabaconas Namballe (Peru).

2. Loài lưỡng cư không chân

 

Ảnh: S.D. Biju

 

Lần đầu tiên các nhà khoa học phát hiện một “gia đình” động vật lưỡng cư không chân mới, được đặt tên là Chikilidae, sống dưới lớp đất rừng ở đông bắc Ấn Độ. Chúng rất khó bị phát hiện bởi sống trong lòng đất hoặc dưới lớp thảm lá rụng trong rừng. “Mẹ” lưỡng cư dạng giun thường cuộn mình xung quanh ổ trứng, ấp trứng, sau đó phôi hình thành và phát triển trong trứng từ 2-3 tháng rồi nở trực tiếp thành con. Phát hiện trên được công bố tháng 2-2012.

1. Tắc kè hoa nhỏ nhất thế giới

 

Ảnh: Frank Glaw

 

Trong tháng 2-2012, các nhà khoa học ở Madagascar công bố phát hiện một loài tắc kè hoa chỉ dài khoảng 2,9cm, thân chỉ to bằng một đầu que diêm và nằm gọn trên đầu ngón tay của một người. Họ tin rằng đây là một trong những loài bò sát nhỏ nhất thế giới, được đặt tên khoa học là Brookesia micra.

THIÊN NHIÊN-10 ảnh khoa học được xem nhiều nhất năm 2012 (08/12) SlideShow

10 ảnh khoa học được xem nhiều nhất năm 2012 (08/12) SlideShow

 

TTO - Đèn thành phố lấp lánh, lửa cháy rừng, cực quang đầy màu sắc… đã tạo nên “bộ mặt” tuyệt đẹp của Trái đất vào ban đêm nhìn từ trên không.

Những bức ảnh dưới đây do vệ tinh Suomi NPP của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), Cơ quan Quản lý đại dương và khí quyển quốc gia Mỹ (NOAA) chụp và được NASA giới thiệu mới đây.

 

Toàn cảnh Trái đất ban đêm nhìn từ trên không

 

 

Các châu lục được điểm tô bởi ánh sáng đèn khi đêm xuống

 

 

Khu vực Anh, Ireland và một phần tây Âu về đêm

 

 

Châu Âu, châu Phi và Trung Đông khi đêm xuống

 

 

Sông Nile vào ban đêm nhìn từ trên cao

 

 

Bờ đông nước Mỹ lung linh ánh đèn

 

TƯỜNG VY

TTO - Ảnh màu hình Trái đất đầu tiên trong lịch sử loài người sẽ được đấu giá tại London, Anh với giá dự kiến khởi điểm là 5.000 bảng Anh (khoảng 8.000 USD, tương đương 167 triệu đồng).

 

Ảnh màu Trái đất đầu tiên trong lịch sử loài người - Ảnh: Daily Mail

 

Bức ảnh màu Trái đất này có sức ảnh hưởng lớn trên toàn cầu, được chụp năm 1967 bởi vệ tinh dự báo thời tiết Trái đất ATS-III của NASA, đặt ở vị trí phía trên Brazil khoảng 36km trong không trung.

Một máy quay trên vệ tinh đã chụp loạt ảnh sau mỗi 24 phút và gửi về Trái đất thông qua tín hiệu radio. Bức ảnh đầy màu sắc được tạo từ 2.400 dòng tín hiệu riêng biệt.

Sarah Wheeler - chuyên gia hình ảnh của Bloomsbury - cho biết: “Bức ảnh này thật sự gây ấn tượng sâu sắc cho mọi thời đại và có sức ảnh hưởng lớn trên khắp thế giới. Đây là bức ảnh màu đầu tiên giúp con người hiểu được vẻ đẹp của Trái đất”.

TRÙNG DƯƠNG (Theo Daily Mail)

 

TTO -  Khỉ chuyên sống về đêm ở Peru, nhện nhảy có răng nanh ở Borneo, khủng long "ma cà rồng" và "cá sấu bọc sắt" đều nằm trong top 10 loài mới phát hiện trong năm 2012 của tạp chíTime (Mỹ).

TTO giới thiệu đến bạn đọc top 10 loài này (xếp theo thứ tự từ dưới lên):

10. "Cá sấu bọc sắt"

 

 

Hóa thạch hộp sọ của cá sấu cổ đại Aegisuchus witmeri - tổ tiên của cá sấu châu Phi ngày nay, có niên đại 95 triệu năm được các nhà khoa học ĐH Missouri (Mỹ) phát hiện tại Morocco. Loài cá sấu cổ đại này có chiều dài cơ thể khoảng 9,5m. Nó có một lớp da dày phủ kín đầu nên còn được gọi là “cá sấu bọc sắt”.

9. Cá mập mèo

 

 

Các nhà nghiên cứu ở Học viện khoa học California (Mỹ) đã phát hiện loài cá mập mèo (tên khoa họcBythaelurus giddingsi) sống dưới đáy biển thuộc quần đảo Galapagos, Ecuador. Loài cá mập này có chiều dài khoảng 0,6m, trên cơ thể có màu sôcôla và có nhiều đốm màu trắng với hình dạng khác nhau nằm xen kẽ.

8. Nhện Myrmekiaphila tigris

 

 

Trong tháng 5-2012, Viện Côn trùng học và bệnh học thực vật tại ĐH Auburn (Mỹ) công bố phát hiện loài nhện nâu vàng có tên khoa học Myrmekiaphila tigris sống tại thành phố Auburn, bang Alabama.

Nhện cái dành phần lớn thời gian sống trong hang ngầm dưới lòng đất, phần trên cửa hang được che chắn bằng một cửa có bản lề làm từ hỗn hợp tơ và đất - đây là cái bẫy để bắt con mồi. Trong mùa sinh sản giữa tháng 11 và 12, con đực sau khi tìm bạn đời giao phối xong thường bò lên với số lượng tương đối lớn trên vỉa hè ở các khu phố, trong hồ bơi và ngay cả trong nhà để xe ở Auburn.

7. Chuột cổ đại chinchilla

 

 

Các nhà khoa học tại Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Mỹ đã phát hiện hóa thạch của loài chuột cổ đại chinchilla (tên khoa học Andemys Termasi) từng sống cách đây 32,5 triệu năm gần một dãy núi lửa ở Nam Mỹ - nay là thung lũng sông gần dãy Andes, địa phận Chile.

Phân tích hóa thạch răng của loài này là bằng chứng cho thấy chúng sống trong môi trường khô hạn trước khi đồng cỏ xuất hiện trên thế giới cách nay 15 triệu năm. Các nhà khoa học nói khá bất ngờ khi tìm được hóa thạch chuột chinchilla trong đá núi lửa, bởi nó thường quá nóng để bảo quản tốt.

6. Nhím bí ẩn

 

 

Loài nhím bí ẩn được các nhà khoa học phát hiện ở vùng rừng rậm Peru. Họ gọi là nhím bí ẩn vì lông của nó rất dài, không giống bất kỳ loài nhím nào khác.

5. Chuột chù tai nhỏ

 

 

Chuột chù tai nhỏ cũng được tìm thấy tại vùng rừng rậm Peru. Loài chuột chù này có kích thước nhỏ hơn nhiều so với họ hàng. Mắt của loài này cũng “tí hon”. Hiện chưa có nhiều thông tin về chúng, được phân loại ở mục “thiếu dữ liệu” trong Sách đỏ của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN).

4. Khỉ nhiều màu ở Congo

 

 

Loài khỉ nhút nhát Cercopithecus lomamiensis có bộ lông màu vàng, xám và đỏ được tìm thấy trong khu rừng nhiệt đới ở miền trung CHDC Congo. Đây là lần đầu tiên trong 28 năm qua, một loài khỉ mới được phát hiện ở châu Phi.

3. Khủng long “ma cà rồng”

 

 

Sau khi phân tích hóa thạch, các nhà khoa học ĐH Chicago (Mỹ) đã công bố phát hiện loài khủng long mới, tên khoa học Pegomastax africanus sống cách nay 150 triệu năm. Nó có kích thước tương đương một con mèo, gọi là khủng long “ma cà rồng” vì có răng nanh để nghiền thực phẩm và lông chúng cứng như nhím.

2. Nhện nhảy có răng nanh

 

 

Được phát hiện vào tháng 9-2012 tại công viên Kinabalu ở đảo Borneo, loài nhện nhảy có răng nanh sử dụng răng nanh dài bất thường để chiến đấu với kẻ thù, nhưng cũng có ý kiến cho rằng nó sử dụng răng nanh trong những nghi thức tán tỉnh và giao phối. “Chúng tôi sẽ nghiên cứu thêm mục đích chính xác của răng nanh”, trưởng nhóm thám hiểm Menno Schilthuizen, làm việc tại Trung tâm Đa dạng sinh học Naturalis, Hà Lan, cho biết.

1. Loài khỉ chuyên sống về đêm

 

 

Loài khỉ chuyên sống về đêm có trọng lượng cơ thể 0,9kg và chiều cao 0,3m. Nó là loài ăn đêm, khó tìm và khó thống kê số lượng ngay cả khi chúng ở trước mắt. Hộp sọ loài khỉ này nhỏ hơn so với họ hàng của chúng. Đây là một trong tám loài động vật có vú mới phát hiện tại khu bảo tồn quốc gia Tabaconas Namballe (Peru) rất hiếm thấy và ít được nghiên cứu. Loài “khỉ đêm” mới chưa được đặt tên khoa học này được phân loại “dễ bị tổn thương” trong Sách đỏ của IUCN.

THIÊN NHIÊN

TTO - Kỷ niệm sự kiện “Lần đầu tiên phóng vệ tinh quan sát Trái đất” vào năm 1960, Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) vừa phát hành tuyển tập những bức ảnh tuyệt đẹp về Trái đất được chụp bởi vệ tinh chưa từng công bố.

Vệ tinh quan sát Trái đất được NASA phóng đầu tiên vào năm 1960 giúp các nhà khoa học quan sát sự biến đổi môi trường trên toàn cầu, cũng như cung cấp thông tin giúp chúng ta hiểu được vẻ đẹp, sự nguy hiểm, rủi ro của  những vùng đất trên khắp thế giới. 

Sau đây là một số hình ảnh tuyệt đẹp về đất, đại dương, băng, không khí... ở một số nơi trên thế giới được vệ tinh quan sát Trái đất của NASA chụp được trong thời gian qua.

 

Tuyết phủ trắng xóa phía đông dãy Hy Mã Lạp Sơn, cùng những lằn núi tạo ra sự chắp vá không đều giữa các con sông lớn ở Tây Tạng và phía tây nam Trung Quốc. Màu đỏ trong bức ảnh là thảm thực vật ở độ cao thấp hơn 5.000m. Bức ảnh chụp năm 2001 - Ảnh: Daily Mail

 

 

Đảo Akpatok, Canada là hòn đảo dường như không có cây, phẳng. Có chiều rộng 23km, dài 45km, cao từ 150-250m. Bức ảnh được chụp năm 2001 khi toàn bộ hòn đảo bao phủ trong tuyết và băng - Ảnh: Daily Mail

 

 

Sa mạc Sahara nằm ở trung tâm Algeria được điểm xuyến bởi các dãy núi bị phân mảng (màu nâu, nằm dưới bên phải bức ảnh). Bức ảnh được chụp năm 2009 - Ảnh: Daily Mail

 

 

Núi lửa Anyuyskiy nằm ở phía bắc bán đảo Kamchatka, miền đông nước Nga, hiện tại không hoạt động. Hình ảnh chụp năm 2001, thực vật màu xanh lá cây, đá và băng màu đỏ tươi, nước màu xanh dương. Khu vực này khó tiếp cận vì địa hình khá gồ ghề, đỉnh núi lửa cao chót vót, thung lũng dốc với những con sông, suối bị tuyết ăn - Ảnh: Daily Mail

 

 

Hồ phù du Carnegie, Tây Úc được chụp năm 1999. Khi đủ lượng mưa, hồ đầy nước, nhưng trong những tháng khô hồ là một đầm lầy, bùn. Màu xanh lá đậm trong hình thể hiện thảm thực vật, màu sắc còn lại là cát, đất và các khoáng chất - Ảnh: Daily Mail

 

TRÙNG DƯƠNG (Theo Daily Mail)

 

TTO - Theo bình chọn của tạp chí National Geographic (Mỹ), sự kiện khai quật ngôi đền cổ của người Maya ở thành phố cổ El Zotz, Guatemala là phát hiện khoa học nổi bật nhất năm 2012.

Phát hiện được công bố tháng 7-2012.

 

Ngôi đền cổ của người Maya có đắp hoa văn thần Mặt trời - Ảnh: National Geographic

 

Ngôi đền cổ được phát hiện phía sau ngôi mộ hoàng gia nằm trên cấu trúc kim tự tháp Diablo thuộc vùng rừng rậm phía bắc thành phố cổ El Zotz, Guatemala, gần biên giới Mexico.

Ngôi đền được xây dựng cách đây 1.600 năm để tôn thờ vị vua Maya của triều đại El Zotz. Các cạnh bên ngôi đền có trang trí các hình dạng khuôn mặt thần Mặt trời được đắp nổi từ vữa, thể hiện các giai đoạn của Mặt trời khi di chuyển từ đông sang tây trong một ngày.

“Tôn thờ thần Mặt trời chiếm vị trí quan trọng trong nền văn minh người Maya”, trưởng nhóm khảo cổ Stephen Houston, làm việc tại ĐH Brown (Mỹ), cho biết. “Ngôi đền có thể có đến 14 khuôn mặt thần Mặt trời nhưng chúng tôi chỉ mới khai quật được 8, đó là lý do tại sao cuộc khai quật vẫn đang được tiến hành”, thành viên nhóm khảo cổ Edwin Roman tại ĐH Austin (Mỹ) nói.

Chín phát hiện nổi bật còn lại trong năm 2012 do National Geographic bình chọn gồm: cá sấu lớn nhất thế giới dài 6,2m bắt được tại Philippines, hành tinh mới ở vành đai tối hệ Mặt trời, sự tồn tại “hạt của Chúa”, “Thế giới đã mất” ở Nam cực, hệ hành tinh lớn hơn hệ Mặt trời, nhiều loài động vật có vú mới ở Peru, loài lưỡng cư không chân ở Ấn Độ, bí mật văn minh Maya dần dần hé mở.

THIÊN NHIÊN

 

Tổng số lượt xem trang