Thứ Năm, 6 tháng 12, 2012

"Anh đá Tôi một, Tôi sẽ đá Anh hai": Chính sách Biển Đông mới của Trung Quốc và sự thay đổi bối cảnh trong nước

-Bài viết xem xét chính sách mới của Trung Quốc, tìm hiểu những thay đổi trong nội bộ Trung Quốc liên quan đến vấn đề Biển Đông. Tác giả tìm cách đưa ra lý giải đầy đủ nhất cho câu hỏi các nhân tố trong nước ảnh hưởng như thế nào đến chính sách mới của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông những năm qua. 

Tóm tắt

Những năm vừa qua là giai đoạn xảy ra nhiều biên cố trong tranh chấp Biển Đông – vấn đề luôn được cọi là trọng yếu đối với hòa bình và ổn định của khu vực Đông Á. Mối quan hệ giữa Trung Quốc và một số nước yêu sách thuộc khối ASEAN, do ảnh hưởng của những căng thẳng và tranh chấp, đã trở nên xấu hơn và những thế lực lớn bên ngoài cũng tìm cách gia tăng can dự đến vấn đề Biển Đông.

Với vai trò là nước có sức mạnh nhất và có liên quan tới ba cuộc xung đột quân sự trong khu vực tranh chấp lãnh thổ, chính sách của Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong định hình những việc diễn biến sắp tới của tranh chấp cũng như đối với tình hình an ninh khu vực. Bài viết này xem xét chính sách mới của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Ngoài ra, bài viết cũng tìm hiểu những thay đổi trong nội bộ Trung Quốc liên quan đến vấn đề Biển Đông. Tác giả tìm cách đưa ra một lý giải đầy đủ nhất cho câu hỏi các nhân tố trong nước ảnh hưởng như thế nào đến chính sách mới của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông những năm qua. Tác giả sẽ thảo luận và phân tích những yếu tố trong nước này trong bối cảnh cuộc cải tổ lãnh đạo sắp tới và tìm hiểu những ảnh hưởng có thể có của nó đối với chính sách của Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp Biển Đông.

Tham luận

Những năm vừa qua là giai đoạn đầy biến động trong tranh chấp Biển Đông, có ảnh hưởng vô cùng quan trọng tới nền hòa bình và ổn định tại khu vực Đông Á. Năm 2009, việc các nước tham gia tranh chấp gửi tới Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của Liên Hợp Quốc bản đăng ký đường ranh giới ngoài thềm lục địa đã khơi mào những cuộc đấu tranh ngoại giao đầu tiên. Bản đồ vẽ “đường chín đoạn” trong Biển Đông của Trung Quốc được gửi tới Liên Hợp Quốc thực sự đã khiến các nước cũng có tuyên bố chủ quyền khác lên tiếng phản đối mạnh mẽ. Những tranh cãi ngoại giao tại Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) trong năm 2010 tại Hà Nội, đặc biệt là giữa các quan chức Mỹ và Trung Quốc, đã đánh dấu sự gia tăng căng thẳng chưa từng có trong hơn một thập kỷ trở lại đây trong vấn đề Biển Đông. Trong nửa đầu năm 2011, một loạt các sự cố, bao gồm các hành động cứng rắn của Bắc Kinh đối với các ngư dân Philippines và Việt Nam, và các hoạt động khai thác năng lượng ở Biển Đông, càng làm xấu đi mối quan hệ giữa các bên liên quan trong cuộc tranh chấp. Kết quả của các diễn biến trên là mối quan hệ giữa Trung Quốc và một số nước ASEAN có yêu sách trở nên tồi tệ và các cường quốc bên ngoài khu vực ngày càng can dự nhiều hơn vào vấn đề Biển Đông.

Những căng thẳng chiến lược và áp lực ngoại giao đối với Bắc Kinh đã buộc các nhà hoạch định chính sách và các nhà phân tích Trung Quốc chú ý đến tranh chấp một cách nghiêm túc, bằng cách nghiên cứu chính sách của các nước khác, cân nhắc phản ứng và các chính sách thích hợp cho Trung Quốc trong tương lai. Bài viết này điểm lại các cuộc tranh luận trong nội bộ Trung Quốc có liên quan đến tranh chấp Biển Đông từ năm 2009. Mục tiêu của bài biết là cung cấp một cái nhìn tổng quan về các cuộc tranh luận trong nội bộ Trung Quốc trên ba vấn đề: (1) cách nhìn nhận tranh chấp Biển Đông trong các trường phái tư tưởng khác nhau, (2) các khuyến nghị chính sách đã được đề xuất, và (3) những vấn đề vẫn còn tồn tại cả sự đồng thuận và bất đồng. Tác giả cũng sẽ cố gắng phân tích mối liên hệ giữa những cuộc tranh luận này và quan điểm chính thức, chính sách và cách hành xử trên thực tế của Trung Quốc trong tranh chấp. Là một bên có yêu sách mạnh nhất và đã từng tham gia vào ba cuộc xung đột quân sự trong tranh chấp lãnh thổ, chính sách của Trung Quốc giữ vai trò quan trọng trong việc định hình sự phát triển tương lai của tranh chấp và cũng là động lực của an ninh khu vực. Từ cách nhìn tổng quan này, có thể rút ra được một số cơ sở hữu ích để hiểu rõ hơn phản ứng của Trung Quốc đối với tranh chấp Biển Đông trong những năm tới.

Có bốn ý kiến đáng chú ý đã nổi lên trong các cuộc tranh luận trong nội bộ Trung Quốc. Thứ nhất, trái với những chỉ trích phổ biến từ bên ngoài về sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc, hầu hết các nhà phân tích Trung Quốc coi tất cả những căng thẳng và tranh chấp chủ yếu là do thỏa thuận ngầm giữa Mỹ và các nước có yêu sách trong khu vực gây ra. Thứ hai, ý kiến về việc Trung Quốc nên chủ động hơn trong vấn đề Biển Đông để thay đổi thế bị động hiện nay đã thường xuyên được đề xuất. Cho rằng Trung Quốc có thể đạt được mục tiêu này bằng sáng kiến trong ba lĩnh vực: đẩy mạnh khai thác các nguồn tài nguyên ở Biển Đông, hạn chế sự tham gia của Mỹ trong vấn đề Biển Đông, và linh hoạt hơn trong việc thực hiện các biện pháp đa phương để đối phó với các thách thức an ninh phi truyền thống khác nhau ở Biển Đông. Thứ ba, phần lớn các nhà phân tích và các quan chức Trung Quốc tin rằng các tranh chấp ở Biển Đông trong những năm qua đã làm môi trường an ninh khu vực của Trung Quốc xấu đi. Thứ tư, có một sự đồng thuận mới về việc Bắc Kinh nên thực hiện chính sách ôn hòa hơn ở Biển Đông trong thời gian tới.

Có hai phe trong những cuộc tranh luận nội bộ ở Trung Quốc: phe bảo thủ và phe ôn hòa.[1] Nghiên cứu này cho rằng, cần chú ý tới trường phái ở giữa dung hòa hai quan điểm trên, với đề xuất chính sách cứng rắn hơn để bảo vệ quyền lợi của Trung Quốc tốt hơn, và đồng thời, duy trì thế không đối đầu với các cường quốc bên ngoài và các quốc gia khác có tuyên bố chủ quyền trong khu vực. Dựa trên những kết luận này, tác giả cho rằng Bắc Kinh có khả năng sẽ áp dụng chính sách quyết đoán nhưng không đối đầu (non-confrontational assertiveness) trong tranh chấp Biển Đông trong tương lai gần.

Các quan điểm của Trung Quốc về nguyên nhân căng thẳng tại Biển Đông

Nói chung, trong những năm gần đây, có ba trường phái lập luận về nguyên nhân những căng thẳng ở Biển Đông. Nhiều chuyên gia bên ngoài cho rằng do Trung Quốc đã thực hiện chính sách quyết đoán trên Biển Đông nên đã tạo ra những căng thẳng trong khu vực.[2] Quan điểm này khá phổ biến trên các phương tiện truyền thông quốc tế và trong các quan sát viên và các quan chức nước ngoài. Một số ít quan sát viên quốc tế cho rằng, trong hầu hết các trường hợp, Trung Quốc chỉ đơn giản là đã phản ứng lại hành động của các bên có yêu sách khác mà Bắc Kinh cho là thách thức đối với lợi ích và yêu sách của mình.[3] Các cuộc tranh luận ở Trung Quốc cho thấy một cái nhìn thứ ba, chỉ ra sự khác biệt lớn giữa quan điểm của Trung Quốc và thế giới bên ngoài về nguyên nhân của những căng thẳng và xung đột ở Biển Đông trong những năm gần đây. Quan điểm chủ đạo ở Trung Quốc là các quốc gia có yêu sách trong khu vực và Mỹ đã cấu kết chống lại Trung Quốc. Trung Quốc tin rằng những cấu kết này là nguyên nhân gây ra những căng thẳng và xung đột ở Biển Đông từ năm 2009.[4]

Các nhà phân tích Trung Quốc cho rằng, chiến lược “quay trở lại châu Á” của Washington là nguyên nhân sâu xa của các tranh chấp ở Biển Đông trong những năm gần đây.[5] Nhiều người Trung Quốc tin rằng mục tiêu chính của chiến lược “quay trở lại châu Á” của Mỹ là nhằm ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc. Quan điểm của Chuẩn Đô đốc (đã nghỉ hưu) Yang Yi tiêu biểu cho trường phái chống Mỹ ở Trung Quốc. Yang cáo buộc Mỹ “đẩy mạnh chính sách ngăn chặn Trung Quốc đã có bấy lâu: Một mặt, Washington muốn Trung Quốc giữ vai trò quan trọng trong các vấn đề an ninh khu vực. Mặt khác, lại tham gia vào vòng vây ngày càng xiết chặt xung quanh Trung Quốc và liên tục thách thức lợi ích cốt lõi của Trung Quốc”[6]. Các nhà phân tích Trung Quốc theo trường phái này cho rằng, hỗ trợ các nước có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc là một phần trong chiến lược của Washington.[7] Và sự can dự ngày càng tăng của Mỹ trong tranh chấp Biển Đông đã được các nước trong khu vực như Việt Nam và Philippines ủng hộ.[8] Các tuyên bố chính thức của Trung Quốc dường như đã chứng thực cho những giải thích này.[9]

Một số nhà phân tích khác lại cố gắng xem xét các nguyên nhân gây căng thẳng ở Biển Đông một cách tổng thể. Theo một bài đăng trên báo People’s Daily, có ba yếu tố chính tạo nên căng thẳng ở Biển Đông trong những năm gần đây. Thứ nhất, các nước trong khu vực đang ngày càng quan tâm đến khai thác lợi ích kinh tế, chủ yếu là nguồn tài nguyên năng lượng ở Biển Đông. Bài viết đề cập cụ thể trong năm 2010, các khoản thu từ khai thác dầu khí chiếm 24% trong tổng GDP của Việt Nam. Thứ hai, liên quan tới sự thay đổi chiến lược của Mỹ đối với Đông Á. Washington đã sử dụng con bài Biển Đông để duy trì vị trí an ninh chủ đạo trong khu vực và điều này lại phù hợp với mong muốn của một số nước trong khu vực nhằm quốc tế hóa vấn đề Biển Đông. Thứ ba, sự trỗi dậy nhanh chóng của Trung Quốc đã khiến các nước trong khu vực lôi kéo Mỹ để cân bằng với Trung Quốc.[10] Cuối cùng, có một số chuyên gia về Đông Nam Á của Trung Quốc cho rằng Trung Quốc cần nhìn lại bản thân để có thể hiểu được vấn đề. Theo Ma Yanbing, một chuyên gia về Đông Nam Á tại Viện Quan hệ quốc tế đương đại Trung Quốc (CICIR), sự gia tăng sức mạnh của Trung Quốc, đặc biệt là sức mạnh hải quân ở Đông Nam Á, đã góp phần làm cho Việt Nam lo lắng. Điều này đã khiến cho giới tinh hoa Việt Nam nghĩ rằng, họ nên chớp lấy cơ hội cuối cùng này để tham gia trò chơi trên Biển Đông trước khi Trung Quốc trở nên quá mạnh.[11]

Trong những năm vừa qua, chủ đề thường xuyên được đề cập trong tranh chấp Biển Đông là tự do hàng hải. Đặc biệt các nhà phân tích Trung Quốc cho rằng, Washington đã dựng lên những huyền thoại về “tự do hàng hải” và sử dụng như một công cụ để gây áp lực đối với Trung Quốc. Họ lập luận rằng, Mỹ đã dựng lên một luận điểm sai lầm về mối đe dọa đến tự do hàng hải ở Biển Đông. Mỹ chỉ đơn giản là sử dụng huyền thoại về “tự do hàng hải” như một cái cớ để can thiệp vào tranh chấp Biển Đông nhằm duy trì ưu thế quân sự của Mỹ trong khu vực.[12] Nhiều nhà phân tích Trung Quốc tin rằng, luận điệu của Mỹ về tự do hàng hải ở Biển Đông bao biện cho việc Mỹ tự do tiến hành các hoạt động khảo sát quân sự trong vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc, thể hiện rõ qua sự cố Impeccable.[13] Một bài viết đăng trên báo Thời báo Quân sự chú ý rằng, Mỹ đã cử nhiều tàu giám sát quân sự để thu thập thông tin tình báo về các quốc gia ven biển trong Biển Đông, đe dọa nghiêm trọng an ninh quốc gia của các nước này. Tác giả tuyên bố rằng “tự do hàng hải thực sự mà Mỹ muốn duy trì là tự do đe dọa quân sự các nước khác”.[14] Đây cũng là quan điểm chính thức của Trung Quốc. Bộ trưởng Ngoại giao Dương Khiết Trì, tại Diễn đàn Khu vực ASEAN trong tháng 7 năm 2010, đã phản đối tuyên bố của bà Hillary Clinton về Biển Đông bằng cách phủ nhận rằng tự do hàng hải là một vấn đề. Kể từ đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nhiều lần nói rằng, Washington đã dùng luận điệu tự do hàng hải để nhằm đạt được các lợi ích chiến lược và ngoại giao.[15]

Đọc toàn bộ bài viết tại đây

Li Mingjiang, Phó Giáo sư,Trường Nghiên cứu Quốc tế S.Rajaratnam  (RSIS),Đại học Kỹ nghệ Nanyang, Singapore

Nghiên cứu Biển Đông



[1] Sarah Raine, “Beijing’s South China Sea Debate,” Survival, 53:5 (2011): trang 69-88.

[2] Xem ví dụ, Mingjiang Li, “Reconciling Assertiveness and Cooperation?  China’s Changing Approach to the South China Sea Dispute,” Security Challenges, vol 6, no.2, (Winter 2010), trang 49-68; Michael D. Swaine, “Perceptions of an Assertive China,” China Leadership Monitor, No. 32, 2010; Ian Storey, "China’s Missteps in Southeast Asia: Less Charm, More Offensive," China Brief, December 17, 2010; Sarah Raine, “Beijing’s South China Sea Debate,” Survival, 53:5 (2011): trang 69-88; and Edward Wong, “China Navy Reaches Far, Unsettling the Region,” New York Times, ngày 14 tháng 6 năm 2011.

[3] Michael D. Swaine and M. Taylor Fravel, “China’s Assertive Behavior; Part Two: The Maritime Periphery,” China Leadership Monitor, số 35, 2011.

[4] Ji Peijuan, “zhongguo xu jiasu kaifa nanhai” [Trung Quốc cần đẩy nhanh các diễn biến trên Biển Đông], National Defense Times, ngày 29 tháng 6 năm 2011.

[5] Các cuộc phỏng vấn của tác giả với hơn 10 học giả hàng đầu Trung Quốc vào tháng 5  tháng 6 năm 2011 tại Bắc Kinhvà Thượng Hải.

[6] PLA Daily, ngày 13 tháng 8; Reuters, ngày 13 tháng 8; China Daily, ngày 13 tháng 8; xem thêm Willy Lam

, “Hawks vs. Doves: Beijing Debates “Core Interests” and Sino-U.S. Relations,”China Brief, Volume 10, Issue17, ngày 19 tháng 8 năm 2010

.

[7] Wang Xi, “zhongguo zai nanhai qiaomiao fanji meiguo ‘ruan e zhi’,” [Trung Quốc mưu trí chống lại “”ngăn chặn mềm” của Mỹ], National Defense Times, ngày 5 tháng 8 năm 2011.

[8] Ji Peijuan, “zhongguo xu jiasu kaifa nanhai” [Trung Quốc cần đẩy nhanh các diễn biến trên Biển Đông], National Defense Times, ngày 29 tháng 6 năm 2011.

[9] Xem ví dụ, những bình luận của Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 21 tháng 9 và ngày 14 tháng 10 năm 2010 tại các địa chỉ:

 http://www.fmprc.gov.cn/chn/gxh/tyb/fyrbt/jzhsl/t761090.htm vàhttp://www.fmprc.gov.cn/chn/gxh/tyb/fyrbt/jzhsl/t754554.htm,

truy cập ngày 10 tháng 11 năm 2011.

[10] Ding Gang, “nanhai wenti yuanhe hui bei chaore” [tại sao vấn đề Biển Đông lại nóng lên], People’s Daily, ngày 2 tháng 8 năm 2011.

[11] Zhou Biao and Jiao Dongyu, “nanhai boyi xiyibu” [bước tiếp theo trong trò chơi ở Biển Đông], National Defense Times, ngày 17 tháng 8 năm 2011.

[12] Li Xiaokun, “Navigation in South China Sea ‘not a problem’”, China Daily, ngày 23 tháng 10 năm 2010.

[13] Zhang Jie, et al., “mei qiang tui nanhai wenti guojihua, yang jiechi qi bo xi lali ‘wailun’” [Mỹ đẩy mạnh quốc tế hóa Biển Đông, Dương Khiết Trì dùng bảy lập luận phản bác lại những quan điểm sai lệch của Hillary], Dongfang zaobao [bưu điện phương Đông buổi sáng], ngày 26 tháng 7 năm 2010.

[14] Liu Feitao, “shui shuo nanhai buneng “ziyou hangxing?” [ai nói là không có tự do hàng hải trên Biển Đông?], National Defense Times, ngày 12 tháng 11 năm 2010.

[15] http://www.fmprc.gov.cn/chn/gxh/tyb/fyrbt/jzhsl/t834597.htm, truy cập ngày 10 tháng 12 năm 2011.

"Anh đá Tôi một, Tôi sẽ đá Anh hai": Chính sách Biển Đông mới của Trung Quốc và sự thay đổi bối cảnh trong nước

 

- Ứng cứu kịp thời tàu cá với 12 ngư dân gặp nạn (TN). – Ngư dân bị ngân hàng “làm khó” (TN). – Trong tháng này ra mắt Cục Kiểm ngư(TP). – Gấp rút lập Cục kiểm ngư (NNVN).
- Trung Quốc: Ấn Độ không được thăm dò dầu khí ở Biển Đông (Infonet). – Trung Quốc cảnh báo Ấn Độ không nên ‘dây’ vào Biển Đông(Petrotimes). – Cố vấn an ninh quốc gia Ấn Ðộ thăm Trung Quốc (VOA).
- Thấy gì từ chiến lược quân sự của Trung Quốc (CATP). – Lật tẩy trò “đánh lận con đen” (ĐĐK).
- Mỹ yêu cầu Trung Quốc giải thích về kế hoạch khám xét tàu nước ngoài ở Biển Đông (Petrotimes). – Mỹ muốn Trung Quốc làm rõ quy định khám xét tàu trên Biển Đông (ANTĐ).

- Quan chức cấp cao Trung Quốc đầu tiên bị điều tra sau đại hội Đảng (DT).  – Trung Quốc: Một giới chức cao cấp Tứ Xuyên bị điều tra tham nhũng (VOA).
- Kim Jong-un có tên trong top quyền lực nhất thế giới (VNN). – Thế giới “nóng lên” cùng kế hoạch phóng tên lửa của Triều Tiên(Petrotimes).
- Hòa giải dân tộc – Viễn cảnh ở Myanmar? (PL&XH).
- Lãnh tụ đối lập Nga: Putin sẽ không giữ quyền lực lâu (VOA).

 

Tổng số lượt xem trang