Lữ Giang
Tháng 12 này có hai sự kiện được nhiều người Việt trong và ngoài nước chú ý:
Sự kiện thứ nhất là bài nói chuyện của Đại Tá Trần Đăng Thanh, giảng viên Học Viện Chính Trị Bộ Quốc Phòng, về vấn đề Biển Đông tại hội nghị các “đồng chí” phụ trách về giáo dục đại học. Có thể coi đây là một bài “giải độc” về vấn đề Biển Đông rõ ràng nhất. Qua bài này, chúng ta có thể biết được cách nhìn của Đảng CSVN về những biến cố lớn đang xẩy ra trên thế giới, nhất là đối với Trung Quốc và Mỹ.
Sự kiện thứ hai là cuốn “Bên Thắng Cuộc” của Huy Đức vừa mới được phổ biến Cuốn I. Tác giả từng là bộ đội rồi làm ký giả, được đi tu nghiệp ở Mỹ, nay đang ở Boston, Massachusetts. Tác giả đã thu nhặt và ghi lại những biến cố từ 30.4.1975 đến nay theo cách nhìn của tác giả. Phe khuyến khích phong trào xét lại ca tụng sách của ông như là một tài liệu lịch sử, còn phe chống cộng theo kinh điển, lên án đây là một hình thức thi hành nghị quyết 36 của Đảng CSVN.
Chúng tôi sẽ bàn về hai sự kiện này.
CHUYỆN “BÊN THẮNG CUỘC”
1.- Vài dòng về tác giả
Theo sự kê khai của tác giả, chúng ta biết được Huy Đức có tên thật là Trương Huy San, sinh ngày 20.8.1962 tại Hà Tĩnh, đã tham gia bộ đội trong 8 năm, trong đó có hơn 3 năm ở Kampuchia, đã từng viết cho tờ Văn nghệ Quân đội. Rời bộ đội, Huy Đức viết cho báo Tuổi Trẻ, báo Thanh Niên, báo Diễn đàn Doanh nghiệp, báo Nông thôn Ngày nay, báo Thời báo Kinh tế Sài Gòn và báo Sài Gòn Tiếp thị. Huy Đức có lối viết khá hấp dẫn. Năm 2005-2006 anh được đi tu nghiệp ở Mỹ tại tiểu bang Maryland. Nay nghe nói anh đang được học bổng Nieman Fellowship đi tu học tại Đại học Havard ở Boston.
2.- Lý do viết cuốn sách
Huy Đức kể lại rằng năm 1975, khi nghe tin “Sài Gòn giải phóng” anh mới 13 tuổi. Theo như anh được học, thế là chấm dứt “hai mươi năm rên xiết lầm than”. Anh muốn vào Nam để “giáo dục các bạn thiếu niên lầm đường lạc lối”. Thế nhưng:
"Cuốn sách của tôi bắt đầu từ ngày 30-4-1975, ngày nhiều người tin là miền Bắc đã giải phóng miền Nam. Nhiều người thận trọng nhìn lại suốt hơn ba mươi năm, giật mình với cảm giác bên được giải phóng hóa ra lại là miền Bắc."
Tác giả đã tóm lược cuốn “Bên Thắng Cuộc” của mình như sau:
“Cuốn sách của tôi đơn giản chỉ kể lại những gì đã xảy ra ở Sài Gòn, ở Việt Nam sau ngày 30-4: cải tạo, đánh tư sản, đổi tiền… Cuốn sách của tôi cũng nói về hai cuộc chiến tranh cuối thập niên 1970, một với Khmer Đỏ và một với người Trung Quốc. Cuốn sách của tôi cũng nói về làn sóng vượt biên sau năm 1975, và về sự “đồng khởi” của nông dân, của các tiểu chủ, tiểu thương để dành lấy cái quyền được tự lo lấy cơm ăn áo mặc…”
Tác giả cho biết tác giả đã đi gặp nhiều nhà xuất bản trong nước, nhưng không nhà xuất bản nào chịu in. Tác giả quyết định cho in ở hải ngoại và phổ biến trên Internet. Và cuốn sách đã ra mắt độc giả bằng bản điện tử trên amazon.com ngày 12.12.2012.
KHAI THÁC “BÊN THẮNG CUỘC”
Cuốn sách chỉ mới được phổ biến Cuốn I, Cuốn II chưa phổ biến, nhưng đã có nhiều cuộc tranh luận trên các cơ quan truyền thông. Có những người chưa đọc cũng nhảy ra tranh luận vì “chiến tuyến” khác nhau.
1.- Công cụ chiến tranh tâm lý
Tôi biết được tác phẩm “Bên Thắng Cuộc” qua sự giới thiệu của hai cơ quan “chống cộng” hàng đầu ở hải ngoại, đó là Đài BBC của Anh và Đài Á Châu Tự Do (RFA) của Mỹ.
Đài BBC nhanh nhẩu hơn cả: Với đầu đề “Về cuốn Bên Thắng Cuộc” được phổ biến đúng vào ngày ra mắt sách, Nguyễn Giang, Trưởng Ban Việt Ngữ của Đài BBC, đã lược qua nội dung quyển sách với kết luận:
“‘Bên Thắng Cuộc’ còn nhiều phần phát hiện thú vị khác về ‘người trong cuộc’ mà tôi tin là bạn đọc sẽ đánh giá cao, và nếu những gì tác giả viết ra có gây dư luận khen chê hay tạo ra tranh luận thì cũng là điều tốt vì đã lâu người đọc tiếng Việt chưa có trong tay một bộ sách đầy đủ, chân thực và nhiều tính gợi mở như thế về đất nước họ.”
Đài RFA đi chậm hơn một ngày nhưng “ca cải lương” mùi hơn. Với đầu đề “Bên Thắng Cuộc” Mặc Lâm đã vào đề rất hấp dẫn:
“Bên thắng cuộc” là cuốn sách đang gây sôi nổi cho cư dân mạng cả trong và ngoài nuớc. Quyển sách được viết bởi nhà báo Huy Đức, người nổi tiếng với trang blog Osin với những bài chính luận độc đáo có số người đọc rất cao.”
Sau khi đọc hai bài giới thiệu của BBC và RFA, tôi hiểu rằng cuốn “Bên Thắng Cuộc” đang được xử dụng như một công cụ chiến tranh lý với hy vọng nó sẽ góp phần vào việc làm xói mòn niềm tin của những người thuộc “bên thắng cuộc”. Tác dụng của nó ít ra cũng có hiệu quả như Mặt Thật của Bùi Tín, Thiên Đường Mù của Dương Thu Hương, Đêm Giữa Ban Ngày của Vũ Thư Hiên, Hoa Điạ Ngục của Nguyễn Chí Thiện, Thằng Hèn của Tô Hải, v.v.
BBC và RFA là những cơ quan truyền thông hoạt động có chỉ đạo, có đường lối, có chiến lược và chiến thuật, nên khi họ thổi “Bên Thắng Cuộc” lên to như vậy, chúng ta phải hiểu mục tiêu của họ.
2.- Khuynh hướng tẩy chay
Ba sĩ quan VNCH đã lên tiếng phản đối phần ông Huy Đức viết về vụ phá sập cầu Sài Gòn hôm 30.4.1975, đó là Thiếu Tá Lê Quang Liễn (TQLC), Thiếu Tá Nguyễn Văn Nghiêm (Dù) và Thiếu Tá Nguyễn Trọng Nhi (Dù). Thiếu tá Lê Quang Liễn còn phản đối lời phát biểu của cựu dân biểu Phan Xuân Huy liên quan đến người vợ cũ của ông.
Vụ phản đối bắt đầu nổ lớn hơn khi nhật báo Người Việt quảng cáo việc báo này đứng ra phát hành sách “Bên Thắng Cuộc”. Ngày 24.12.2012, một tổ chức được gọi là “Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Hoa Kỳ” đã ra tuyên cáo phê phán cuốn sách “Bên Thắng Cuộc” là “mang nhiều thiên kiến sai lạc, chủ quan từ nhận thức của người viết, mà không lột tả đúng thực tế lịch sử Việt Nam trong giai đoạn Cộng Sản nắm quyền” và lên án tập đoàn báo Người Việt ở Orange County đã “giới thiệu một cuốn sách mà tác giả vẫn còn đứng trên quan điểm của phía đối nghịch”.
MỘT VÀI NHẬN XÉT
Bây giờ tác giả chỉ mới cho phổ biến Cuốn I trên amazon. Khi đọc thêm Cuốn II chúng ta sẽ thấy còn nhiều điểm cần phải được hiệu đính, vì tầm nhìn của tác giả có giới hạn. Đó không phải là khuyết điểm riêng của tác giả. Diễn biến của cuộc chiến Việt Nam trước và sau 30.4.1975 rất phức tạp. Ngay một cuốn sách nổi tiếng như cuốn Vietnam a History của Stanley Karnow, phát hành năm 1987, nay đọc lại cũng thấy có rất nhiều chỗ sai.
Tôi thấy không thể nói cuốn Bên Thắng Cuộc là “quyển sách hay nhất về lịch sử Việt Nam sau 1975” như Giáo sư Trần Hữu Dũng ở Đại Học George Mason, Virginia đã nói, vì sự hiểu biết và tầm nhìn của tác giả có giới hạn. Quả thật tác giả có ghi lại được một số dữ kiện mà chúng tôi chưa biết, chẳng hạn chuyện Nhật đứng ra hoà giải giữa Trung Quốc và Việt Nam, nhưng bảo “Nó là một kho tàng dữ liệu quý báu, có thể làm ngạc nhiên cả những chuyên viên theo dõi chính trị Việt Nam trong nhiều thập niên qua” như nhận xét của Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng ở Đại học George Mason, Virginia, là quá đáng. Nhưng tôi hiểu, trên phương diện chiến tranh tâm lý, thổi lên như vậy rất có tác dụng: Qua Huy Đức, một thông điệp nữa được gởi đến “bên thắng cuộc”: Đã đến lúc phải thay đổi. Người Mỹ ít quan tâm “bên thua cuộc” nghĩ gì hay muốn gì.
Tôi đồng ý với nhiều nhà phê bình khách quan: Chỉ nên coi cuốn Bên Thắng Cuộc như là một tập bút ký qua đó tác giả đã ghi lại những sự kiện mắt thấy, tai nghe hay cảm nhận được. Đúng hay sai người đọc và lịch sử sẽ phê phán.
MỸ CHƯA BAO GIỜ TỐT THẬT SỰ
Báo chí trong nước không tường thuật buổi nói chuyện của Đại Tá Nguyễn Đăng Thanh nên chúng ta không biết được buổi nói chuyện đó đã được tổ chức tại đâu và lúc nào. Chúng ta chỉ biết khi bài nói chuyện này được phổ biến trên website anhbasam ngày 19.12.2012 dựa trên một cuốn băng ghi âm. Đây là lối tránh né, không muốn cho Trung Quốc và Mỹ nói rằng đây là tiếng nói của chính thức của Đảng CSVN.
Đại Tá Thanh được giới thiệu là một nhà giáo ưu tú, Phó giáo sư Tiến sĩ thuộc Học viện Chính Trị Bộ Quốc phòng. Ông đã đi thuyết trình nhiều nơi về vấn đề Trung Quốc và Biển Đông.
Bài nói chuyện khá dài, khoảng 21 trang đánh máy, nên việc tóm lược lại những ý chính trong vài trang không phải là chuyện dễ dàng.
Trước hết ông cho cử tọa xem video nói về tình hình thế giới, sau đó trình bày về tình hình Biển Đông và “vấn đề về các thế lực thù địch mà đang chống phá chúng ta trong tình hình hiện nay.”
Về tình hình thế giới, ông nói về nước Mỹ, nước Nga, Trung Quốc, Cộng hòa dân chủ Hồi giáo Iran và Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên. Diễn giả có những nhận xét rất là ngộ nghĩnh, đặc biệt về “anh bạn là sơn thủy thì tương liên, lý tưởng thì tương thông, văn hóa thì tương đồng, vận mệnh thì tương quan.” Hôm nay chúng tôi chỉ nói đến nhận xét của ông đối với Anh Hai Chống Cộng và Anh Hai Nhân Quyền của người Việt chống cộng.
1.- Nhận định về nước Mỹ.
Diễn giả nói “theo tin báo là đến năm 2030, 2040, 2050 thì chưa có một cường quốc nào vượt qua nước Mỹ”.
“Mỹ vẫn là đầu tầu số 1 thế giới về kinh tế, tổng thu nhập GDP của nước Mỹ là một năm 14.700 tỷ đô la, gấp chúng ta khoảng 150 lần. Thứ hai về sức mạnh quốc phòng của Mỹ thì hiện nay một năm nước Mỹ, tính đến năm 2011 nước Mỹ chi mỗi năm khoảng 680 tỷ đô la đến 700 tỷ đô la cho quốc phòng. Và hiện nay nước Mỹ vẫn đang thực hiện chiến lược quốc phòng tiến công chặn trước, đánh đòn phủ đầu...
“Nước Mỹ hiện nay có hơn 80 căn cứ quân sự ở nước ngoài và ngay khu vực Đông Bắc Á, báo cáo các đồng chí riêng Đông Bắc Á là nước Mỹ đang đóng quân đồn trú tại Nhật Bản là 70.000 quân, Hàn Quốc là 28.000 quân. Và các nước này, Nhật Bản và Hàn Quốc phải nuôi toàn bộ từ A tới Z cho nước Mỹ để bảo vệ an ninh cho Nhật Bản và Hàn Quốc. Nước Mỹ đang có hai liên minh quân sự ở Đông Nam Á là liên minh quân sự Mỹ - Philippines, liên minh quân sự Mỹ - Thái Lan v.v…”
2.- Chính sách của Mỹ đối với Việt Nam.
Về chính sách của Mỹ đối với Việt Nam, diễn giả nhận xét tổng quát:
“Thực ra mà nói, Mỹ đang thực hiện chiến lược hai mặt. Một mặt đang dùng Việt Nam như một lực lượng tiên phong để chặn Trung Quốc. Mặt thứ hai đang tìm mọi cách để phá vỡ mối quan hệ đoàn kết lâu đời của Việt Nam, giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Trung Quốc mà người hưởng lợi sẽ là nước Mỹ...”
“Thứ hai, với Mỹ. Xin thưa với các đồng chí trong giáo dục đặc biệt là phòng sinh viên và đoàn thanh niên các đồng chí nhớ người Mỹ chưa hề, chưa từng và không bao giờ tốt thật sự với chúng ta cả. Phải nói rõ luôn. Nếu có tốt chỗ này, có ca ngợi chúng ta chỗ kia, có ủng hộ chúng ta về Biển Đông chẳng qua vì lợi ích của họ. Họ đang thực hiện “thả con săn sắt, bắt con cá rô”. Họ chưa bao giờ tốt thật sự với chúng ta, tội ác của họ trời không dung, đất không tha.
“Tôi xin thưa với các đồng chí biết, trong lĩnh vực giáo dục đào tạo ngày nay tôi xin nói rõ luôn, tôi nói câu này, tôi định tí nữa nói nhưng mà tôi xin nói luôn, báo cáo với các đồng chí các chuyên gia quân sự, và các chuyên gia kinh tế của họ đang nói với chúng ta, xin thưa với các đồng chí đối với giáo dục đào tạo của chúng ta, họ nói một câu như thế này các đồng chí suy nghĩ: Để thay đổi Việt Nam, Mỹ cần phải dựa vào kinh tế và chất xám của thế hệ trẻ Việt Nam được học tập và đào tạo tại Mỹ và phương Tây. Và họ khẳng định hợp tác giáo dục là con đường ngắn nhất để cải thiện hình ảnh con người Mỹ trong con mắt người Việt Nam ở thế hệ tương lai. Thông qua giáo dục đào tạo là con đường ngắn nhất, con đường hiệu quả nhất để cải thiện hình ảnh người Mỹ trong con mắt thế hệ trẻ người Việt Nam. Cho nên một trong 9 mũi tiến công là người Mỹ đang thực hiện diễn biến hòa bình trên lĩnh vực giáo dục đào tạo của chúng ta. Đấy, tôi phải nói rõ là như vậy. Như vậy, với Trung Quốc, với Mỹ.”
Những đoạn nhận xét về Mỹ như nói trên đã làm Đài Á Châu Tự Do (RFA) phẩn nộ. Đài này đã viết hai bài khá cay cú để phản bác lại. Bài thứ nhất phổ biến ngày 19.12.2012, đặt câu hỏi: “Căm thù Mỹ, mang ơn Trung Quốc có phải là chính sách?” Bài thứ hai dưới đầu đề “ĐT Trần Đăng Thanh vô tình tiết lộ bí mật quốc gia” phổ biến ngày 23.12.2012. Trong bài này Mạc Lâm đã phỏng vấn nhà ngoại giao David Brown “để biết thêm quan điểm của một người làm công tác ngoại giao trước những khẳng định của ông Thanh đối với chính phủ Mỹ.”
Người Việt chống cộng ở hải ngoại thường bảo nhau rằng Đảng CSVN đang ở vào thế tấn thoái lượng nan: “Theo Trung Quốc thì mất nước, theo Mỹ thì mất Đảng.” Chọn thế nào cũng kẹt.
Nhưng qua bài nói chuyện trên, chúng tôi nhận thấy Đảng CSVN đã có quyết định dứt khoát rồi. Hoàng Sa và Trường Sa kể như đã mất, nên Đảng CSVN sẽ không nghe lời Mỹ xúi “thực thi dân chủ và nhân quyền” để mất luôn Đảng. Giữa Mỹ và Trung Quốc, Đảng CSVN quyết định tiếp tục theo Trung Quốc. Đây là vấn đề sẽ được chúng tôi bàn đến trong bài tiếp theo.
Ngày 27.12.2012
Lữ Giang
-Lý thuyết sổ hưu của Đại tá Thanh
-Trần Vinh Dự
Đại tá, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Ưu tú Trần Đăng Thanh thuộc Học viện Chính trị của Bộ Quốc phòng (anhbasam.wordpress)Trong những ngày cuối năm 2012 này, một nhân vật bình thường của Việt Nam bỗng trở nên nổi tiếng/tai tiếng. Bài phát giảng được thu âm của ông Trần Đăng Thanh về chính trị và quốc phòng cho lãnh đạo các trường đại học ở Hà Nội không những trở thành một chủ đề nóng được đem ra bình luận ở khắp nơi trong số các nhóm người Việt trong và ngoài nước mà còn được Asia Times đưa tin với tựa đề giật gân “các bí mật quốc gia bị tiết lộ ở Việt Nam”.
Theo giới thiệu trong băng ghi âm, người giảng/báo cáo là Đại tá, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Ưu tú Trần Đăng Thanh thuộc Học viện Chính trị của Bộ Quốc phòng. Người nghe là các lãnh đạo đảng ủy khối, lãnh đạo đảng, tuyên giáo, công tác chính trị, quản lý sinh viên, đoàn, hội thanh niên các trường đại học - cao đẳng Hà Nội. Nội dung chính của bài giảng là về tình hình Biển Đông và chính sách của nhà nước Việt Nam về Biển Đông.
Ông Trần Đăng Thanh tỏ ra khá am hiểu về tình hình tranh chấp trên Biển Đông. Ông khẳng định Trung Quốc là nước có nhiều hành động xâm lấn “hơn”. Ông cho rằng “Nhiều hơn là Trung Quốc. Một là họ đẩy mạnh tuyên truyền Biển Đông là của Trung Quốc tạo dựng hành lang pháp lý với quốc tế, đấy là việc làm đầu tiên của họ. Thứ hai là đẩy mạnh đầu tư nâng cấp vùng chiếm đóng đặc biệt là Hoàng Sa […]. Thứ ba là ngăn cản phá hoại các hoạt động kinh tế trên Biển Đông của ta. Thứ tư là đẩy mạnh đánh bắt thủy sản tạo ra vùng đánh bắt truyền thống. Thứ năm, thăm dò, khảo sát, mời thầu vùng tài nguyên trên biển của chúng ta. Thứ sáu, tìm mọi cách để hạ đặt giàn khoan trên biển của ta nếu ta không ngăn chặn kịp thời. Thứ bảy là chiếm bãi cạn của ta trong trường hợp ta không có người chốt giữ, nếu mà ta sơ xểnh cái là nó cướp luôn. Và đích cuối cùng là độc chiếm Biển Đông.”
Tuy nhiên, lý thuyết mà Đại tá Thanh đưa ra liên quan đến cách đối phó với Trung Quốc, hay nói cách khác, là chính sách của nhà nước Việt Nam về Biển Đông, cái mà ông gọi “là cốt lõi nhất để định hướng cho các thầy và các thầy lại truyền lửa cho sinh viên đấy” thì lại rất hoang đường.
Không chỉ chĩa mũi dùi vào Trung Quốc
Đầu tiên, ông cho rằng về mặt nhận thức chung, thì Việt Nam không “được phép là chĩa mũi dùi vào một phía nào đó mà hiện nay thiên hướng là cứ tập trung vào mỗi ông Trung Quốc”. Ông cho rằng nếu chúng ta chỉ tập trung vào mỗi một mình Trung Quốc là hoàn toàn chưa đúng, chưa chính xác mà phải đặt trong mối quan hệ tổng thể Việt Nam với Trung Quốc, Việt Nam với Mỹ, và Việt Nam với các nước ASEAN.
Lý do theo ông Thanh là, mặc dù Trung Quốc trong suốt lịch sử thời phong kiến đã có tới “trên dưới hai chục lần các triều đại phong kiến Trung Quốc đã từng xâm lược Việt Nam”, thế nhưng “trong 4 năm kháng chiến chống Pháp, 21 năm chống Mỹ, nhân dân Trung Quốc, nhà nước Trung Quốc đã từng nhường cơm xẻ áo dành cho chúng ta từ hạt gạo, từ khẩu súng, từ đôi dép để chúng ta giành thắng lợi trong kháng chiến chống Pháp và thắng Mỹ. Như vậy ta không quên họ đã từng xâm lược chúng ta nhưng ta cũng không được quên họ đã từng nhường cơm xẻ áo cho chúng ta. Ta không thể là người vong ơn bội nghĩa.”
Ngược lại, Phó Giáo sư Thanh, người không biết nói tiếng Anh, cho rằng nước “Mỹ chưa hề, chưa từng và không bao giờ tốt thật sự với chúng ta cả. Phải nói rõ luôn. Nếu có tốt chỗ này, có ca ngợi chúng ta chỗ kia, có ủng hộ chúng ta về Biển Đông chẳng qua vì lợi ích của họ. Họ đang thực hiện ‘thả con săn sắt, bắt con cá rô’. Họ chưa bao giờ tốt thật sự với chúng ta, tội ác của họ trời không dung, đất không tha.” Ông khuyến cáo “Để thay đổi Việt Nam, Mỹ cần phải dựa vào kinh tế và chất xám của thế hệ trẻ Việt Nam được học tập và đào tạo tại Mỹ và phương Tây […] Cho nên một trong 9 mũi tiến công là người Mỹ đang thực hiện diễn biến hòa bình trên lĩnh vực giáo dục đào tạo của chúng ta.”
Ba không bốn tránh
Về mặt nguyên tắc để xử lý vấn đề Biển Đông, ông Thanh đưa ra 7 nguyên tắc mà ông gọi là “3 không, 4 tránh”.
Ba không, theo ông là thứ nhất không được mất là chủ quyền và quyền chủ quyền. Thứ hai không được mất là môi trường hòa bình, và thứ ba không được mất là mối tình đoàn kết giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Trung Quốc.
Ông cho rằng nếu hai cái “không” đầu tiên mâu thuẫn với nhau, thì “phải ưu tiên tối thượng là giữ được môi trường hòa bình” - tức là ông đặt hoà bình lên trên việc mất chủ quyền. Lý do theo ông Thanh là nếu “để xảy ra chiến tranh, xin thưa với các đồng chí vất vả lắm”.
Biện minh cho cái “không” thứ ba, ông lập luận “lịch sử giao cho dân tộc chúng ta phải sống bên cạnh cái nước ta bảo họ tư tưởng nước lớn, không phải tư tưởng, họ là nước lớn thật sự. Nói tư tưởng thế nào được, họ là nước lớn thật sự. Dân số của họ là 1 tỷ 354 triệu người dân, ta có 87 triệu, họ là nước lớn thật sự”. Vì thế, ông cho rằng “cho nên ta phải học tập cha ông chúng ta”. Ông dẫn ra câu chuyện của nhà Lê sau khi chém Liễu Thăng vẫn phải “sang cống nạp để làm sao hòa hiếu giữ cho muôn đời không phải chiến tranh”.
Bốn cái tránh, theo Đại tá Thanh là (1) tránh đối đầu quân sự, (2) tránh đối đầu toàn diện, (3) tránh bị bao vây cô lập, và (4) tránh lệ thuộc nước ngoài. Ông không đưa ra giải thích nào về việc tại sao phải có 4 cái tránh này.
Kiên quyết bảo vệ chủ quyền bằng phản đối chính thức
Theo Đại tá Thanh, việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông là phải “kiên quyết, kiên trì, khôn khéo, không khiêu khích, không mắc mưu khiêu khích và phải kiên định, đấu tranh bằng biện pháp hòa bình.” Đó là các nguyên tắc chung, nhưng các hành động cụ thể là gì?
Ông đưa ra hai ví dụ. Ví dụ đầu, theo ông, là “hành động đấu tranh kiên quyết, kiên quyết đỉnh cao”. Đó là việc “đồng chí Tổng Bí thư của chúng ta sang tận bên kia nói rõ, và nói rõ với Hồ Cẩm Đào rằng: Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam. Việt Nam có đầy đủ cơ sở lịch sử và pháp lý, các đồng chí không nhất trí, tôi với các đồng chí cùng ra tòa quốc tế. Tòa án quốc tế xử lý như thế nào thì tôi chấp nhận như thế. Tổng Bí thư ta đã khẳng định như vậy đấy.” Ông cho rằng “như vậy là rất kiên quyết rồi, không có úp mở gì cả, ta không có né không có tránh gì cả.”
Ví dụ thứ hai mà Đại tá Thanh đưa ra là “vừa rồi cuộc đấu tranh mới nhất là Bộ Quốc phòng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Tổng tham mưu trưởng Trung Quốc đã trả lời rất rõ: vấn đề đó là của Việt Nam.”
Ông Thanh không đưa ra khuyến nghị nào hướng dẫn cho sinh viên, thanh niên tham gia đấu tranh bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông. (còn tiếp)Không được cho sinh viên biểu tình
Cuối phần trình bày, ông Thanh xoáy vào việc quản lý sinh viên của lãnh đạo các trường đại học. Theo ông, “bất cứ một quốc gia nào cũng thế, lực lượng thanh niên, lực lượng sinh viên là đội ngũ trí thức, là rường cột của quốc gia.” Và vì thế, “các thế lực thù địch đang lợi dụng vấn đề này để […] gây rối loạn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội”.
Theo ông Thanh, chỉ có một số bộ phận nhỏ sinh viên tham gia vào các hoạt động biểu tình “chứ đại bộ phận học sinh, sinh viên của chúng ta là tốt. Và số này rất ít thôi nhưng nó đang lợi dụng vấn đề này để mà gây rối, yêu nước nhưng mà phải đúng lúc.”
Ông còn mỉa mai những thanh niên tham gia biểu tình rằng “tôi bảo với các đồng chí, mấy vị biểu tình ấy viết đơn tình nguyện ra Hoàng Sa, Trường Sa đi xem có đi không hay lúc đó lại kêu em đau khớp, kêu em đau dạ dày.” Ông cũng ám chỉ các sinh viên này được ai đó cho tiền để tham gia biểu tình gây rối khi nói rằng “nhưng nó cho mấy chục nghìn để thế nọ thế kia.”
Đại tá Thanh cũng doạ lãnh đạo các trường rằng “nếu trường đại học nào còn để sinh viên tham gia biểu tình bất hợp pháp trước hết khuyết điểm thuộc về các đồng chí hiệu trưởng và ban giám hiệu trường đó, trước hết thuộc về bí thư đảng ủy - phòng quản lý sinh viên của trường đại học đó. Nếu để cho công an thành phố Hà Nội hoặc v..v… người ta giữ sinh viên của mình, người ta điện mời thầy nọ mời thầy kia, ở trường nọ ở trường kia đến nhận sinh viên của mình thì đấy là khuyết điểm của chúng ta”.
Lý thuyết sổ hưu của Đại tá
Xâu chuỗi các quan điểm của Đại tá Thanh qua phần trình bày của ông, có thể thấy một “lý thuyết” mà ông thực sự tin vào. Đó là:
Thứ nhất, tranh chấp ở Biển Đông không chỉ giữa Việt Nam và Trung Quốc. Có nhiều nước khác tham gia vào cuộc cờ này. Nếu không khéo, Việt Nam sẽ bị lợi dụng để trở thành quân bài của nước khác.
Thứ hai, trong số các nước tranh chấp, mặc dù Trung Quốc là bên có nhiều hành động xâm lấn, nhưng họ vẫn là bạn tốt. Họ đã từng giúp đỡ Việt Nam một cách thực lòng trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ (ông quên không nhắc tới việc Trung Quốc đánh Việt Nam hồi năm 1979). Khác với phương Tây (mà cụ thể là Mỹ), là những nước “chưa bao giờ tốt thật sự với chúng ta”, đã từng gây tội ác ở Việt Nam, và “tội ác của họ trời không dung, đất không tha”. Thế nên không bao giờ được ngộ nhận và ngả theo Mỹ trong vấn đề Biển Đông.
Thứ ba, có vẻ như ông tưởng rằng với tư cách là bạn tốt, nếu Việt Nam cứ mềm mỏng thì Trung Quốc sẽ không làm quá. Mặc dù họ vẫn có hành động xâm lấn nhưng có nhiều khả năng Trung Quốc sẽ không tấn công quân sự để chiếm các đảo đang thuộc quyền quản lý của Việt Nam. Đây cũng là đúc kết lịch sử của ông về việc các triều đại phong kiến của Việt Nam luôn nhũn nhặn với Trung Quốc, ngay cả khi chiến thắng vẫn nộp cống và xưng thần. Đó là cách để tránh chiến tranh.
Thứ tư, Trung Quốc là nước lớn. Trung Quốc quá mạnh và Việt Nam quá yếu. Vì thế cho dù Việt Nam không muốn nhẫn nhịn thì cũng không được. Khi Trung Quốc “đá” thì Việt Nam phải “né” chứ không được đá lại. Nếu đá lại, Việt Nam sẽ phải đối mặt với chiến tranh, mà nếu “để xảy ra chiến tranh, xin thưa với các đồng chí vất vả lắm”.
Thứ năm, kết hợp các yếu tố trên, cái tốt nhất mà Việt Nam có thể làm là đấu tranh với Trung Quốc trên danh nghĩa tình đồng chí, và tranh luận thẳng thắn với Trung Quốc trên danh nghĩa tình đồng chí. Ông đưa ra ví dụ về chuyện Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói với ông Hồ Cẩm Đào để chứng minh sự quyết liệt của Việt Nam. Đương nhiên ai cũng hiểu Trung Quốc không bao giờ chịu ra toà án quốc tế. Vì vậy đưa ra toà án quốc tế không phải là cách có thể thực hiện được.
Thứ sáu, những kênh đấu tranh khác như biểu tình là không thể chấp nhận được. Ông không nói rằng biểu tình sẽ làm phật ý Trung Quốc nhưng ông cho rằng biểu tình sẽ gây nguy hiểm đến an ninh chính trị, để các thế lực chống phá lợi dụng lật đổ chế độ.
Theo ông, việc chống biểu tình vì thế là một việc rất thiết thực. Thiết thực vì nó ảnh hưởng đến chính miếng cơm manh áo của những người như ông và lãnh đạo các trường học, những người đang có hoặc sẽ có “sổ hưu”. Ông nói “Bảo vệ tổ quốc Việt Nam thời XHCN hiện nay có rất nhiều nội dung, trong đó có một nội dung rất cụ thể, rất thiết thực với chúng ta đó là bảo vệ sổ hưu cho những người đang hưởng chế độ hưu và bảo vệ sổ hưu cho những người tương lai sẽ hưởng sổ hưu, ví dụ các đồng chí ngồi tại đây.”
Lửa thiêng hay thuốc tê
Lý thuyết của Đại tá Thanh thể hiện sự lạc hậu về tư tưởng. Ông vẫn còn tư duy thời Chiến tranh lạnh khi nhận xét về chính trị thế giới, về diễn biến hoà bình, về tình đồng chí giữa Việt Nam và Trung Quốc… Lý thuyết này ít nhiều mang tâm thế của một kẻ nô lệ trong quan hệ với Trung Quốc khi cho rằng Việt Nam không được xử sự theo kiểu “vong ân bội nghĩa”.
Nó cũng thể hiện sự bạc nhược của một người sắp đến tuổi lấy sổ hưu. Bạc nhược ở chỗ nó thừa nhận gần như bế tắc trong chiến lược đối phó với Trung Quốc. Nó không đưa ra được bất cứ cách phản ứng thông minh nào hơn là các phản đối chính thức theo kiểu tình đồng chí. Nó cũng bạc nhược ở chỗ lo sợ các hoạt động biểu tình của sinh viên, thanh niên, trí thức (dù ông có nói đó chỉ là một bộ phận nhỏ), vì lo các cuộc biểu tình này sẽ hướng mũi dùi vào nhà nước, và vì thế gây nguy hại tới “cái sổ hưu” của những người như ông.
Thế giới đã thay đổi và đang tiếp tục thay đổi mau chóng. Quan hệ chính trị giữa các nước hiện nay không còn dựa nhiều vào ý thức hệ và tình đồng chí như hồi thế giới bị phân làm hai cực. Các lợi ích chiến lược giữa các nước hiện nay đan xen chồng chéo vào nhau, và các bên đều hành động vì lợi ích cao nhất của đất nước mình. Câu chuyện phương Tây đang thực hiện “diễn biến hoà bình” để lật đổ chế độ cộng sản ở nước khác vì lý do ý thức hệ là câu chuyện tưởng tượng hoang đường.
Trong một môi trường chính trị như vậy, lối tư duy thời Chiến tranh lạnh trước đây không còn thích hợp nữa. Nếu cố tình sử dụng lối tư duy này thậm chí có thể gây ra những sai lầm và tổn thất tai hại cho đất nước.
Đại tá Thanh chỉ là một giáo viên giảng dạy chứ không phải là một nhà hoạch định chính sách. Phát ngôn của ông cũng không mang tính đại diện cho đường lối và chủ trương của nhà nước Việt Nam. Vì thế, bài giảng này không có cái gì là bí mật quốc gia giống như Asia Times giật tít.
Thế nhưng nói như thế không phải là nó không nguy hiểm. Vì nó là bài giảng mang tính định hướng tư tưởng cho nhóm người mà ông Thanh gọi là “nguyên khí quốc gia” - tức là các lãnh đạo của các trường đại học và cao đẳng ở Việt Nam. Những người mà, theo cách nói của ông Thanh, sẽ có vai trò truyền lại “lửa” cho học sinh sinh viên của nước nhà. Có vẻ như lý thuyết và tư tưởng của ông Thanh không phải là ngọn lửa thiêng giúp thanh niên, sinh viên, và trí thức phấn khởi đóng góp vào xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Đổi lại, nó giống như một liều thuốc tê làm tê liệt mọi sự hứng khởi và tin tưởng, nó góp phần tạo ra một bầy cừu, một bầy cừu chỉ biết im lặng kể cả khi phải sắp hàng đi vào nhà máy giết mổ. -http://www.voatiengviet.com/content/ly-thuyet-so-huu-dai-ta-thanh/1574277.html