Thứ Sáu, 21 tháng 12, 2012

Nhân đọc bên thắng cuộc (4) : HÌNH ẢNH THƯ GIÃN CỦA LÍNH GÁC TRẠI TẬP TRUNG AUSCHWITZ LÀM NGƯỜI ĐỨC KINH HOẢNG

-Lề Trái dịch Việt Ngữ
 (Người dịch gửi đăng)
 Lời người dịch: Lý do tôi dịch bài này vì đọc phải “’Bên Thắng Cuộc’ lột trần nhiều “huyền thoại” về một số lãnh đạo Đảng Cộng Sản Việt Nam. Họ không phải là những ác quỷ “bán nước” (thậm chí “vô luân” trong đời sống cá nhân) như những người thù ghét họ thường khẳng định” của Giáo Sư Tiến Sĩ Trần Hữu Dũng bên viet-studies trong bài nhận định về cuốn sách mới của nhà báo Huy Đức (*). Đúng, họ không mang hình thù “ác quỷ”, và theo nhiều nghiên cứu, một số sĩ quan và nhân viên của Đức Quốc Xã (**) thậm chí đã là những người chồng, người cha tốt, người con hiếu thảo, những viên chức cần mẫn và công dân tốt trong xã hội mình – lập lại lời nhận định của Hannah Arendt. Tôi tưởng tượng một tình huống Giáo Sư Tiến Sĩ Trần Hữu Dũng đang thưởng lãm những bức ảnh này, và gần như có thể đọc được lời bình của ông, rằng những bức ảnh trong bộ sưu tập này “đã lột trần nhiều ‘huyền thoại‘ về một số những sĩ quan SS. Họ không phải là ác quỷ (thậm chí “vô luân” trong đời sống cá nhân) như những người thù ghét họ thường khẳng định.”

(*)http://viet-studies.info/THDung/THDung_DocHuyDuc.htm
(**) Chủ Nghĩa Quốc Xã hay Phát Xít, từ đúng là Chủ Nghĩa Xã Hội Quốc Gia (National Socialism). Ở đây tôi dùng theo cách thông thường –nhưng không đúng- là Quốc Xã hoặc Phát Xít (Nazis, Fascism).
Tuần qua, những bức hình mới phát hiện của các nhân viên SS ngồi ghế bố, tham gia ca hát tập thể và tận hưởng thời gian rảnh rỗi trong khu nhà nghỉ gần Auschwitz đã làm nhiều người ở Đức xửng sốt.
Mười hai người nhân viên SS cấp thừa hành ngồi trên cây ngang hàng rào ăn dâu xanh (blueberries) do một nhân viên SS đưa. Tấm hình được chụp vào năm 1944 ở Solahutte, một nhà nghỉ gần Auschwitz cho đội SS phụ trách điều hành trại tập trung này. Tấm khác là những lính thừa hành này giả bộ khóc giỡn khi đĩa của họ hết dâu.
Trên đây chỉ là 2 trong số 116 bức hình trong bộ ảnh do Viện Bảo Tàng Quốc gia về Holocaust ở Washington đưa ra tuần này. Bảo tàng nhận được bộ ảnh hồi đầu năm nay từ một nhân viên ngành tình báo đã nghỉ hưu của Mỹ, tình cờ thấy bộ ảnh trong một căn hộ ở Frankfurt và bây giờ tặng lại cho viện bảo tàng.
Những tấm hình này được chụp khoảng từ tháng Năm đến tháng Mười Hai 1944, và cảnh là những nhân viên và lính gác đang thư giãn và vui đùa cùng nhau – trong khi vô số người đang bị giết và thiêu ở trại tử thần gần đó.
Trong một số hình, có thể thấy những nhân viên SS ca hát. Trong số khác, họ đi săn và trong một tấm khác một người đang trang trí cho cây thông Giáng sinh trong một thứ có thể coi là mùa lễ trong địa ngục.
“Những bức hình đặc biệt này diễn tả rất sinh động cuộc sống thỏa mãn của họ trong khi phụ trách một thế giới (khác) với những đau khổ vô song,” Sarah Bloomfield điều hành viện bảo tàng đã nói trong một phát biểu. “Chúng đưa ra một cách nhìn quan trọng về tâm lý của những kẻ gây ra diệt chủng”.
Người phụ trách bộ sưu tập nhiếp ảnh của viện bảo tàng, Judith Cohen nói rằng không có bức nào mà không mô tả về những điều bình thường, “và chính vì vậy mà chúng trở thành kinh khủng”.
Báo Berliner Morgenpost viết, những bức ảnh này đáng chú ý vì ngày nay còn lại rất ít những hình ảnh về “cuộc sống đời thường ” của những nhân viên SS chịu trách nhiệm về việc giết người với số lượng lớn (mass murder) ở Auschwitz. Tờ báo cho rằng đây là những hình ảnh đầu tiên được khám phá về những sĩ quan SS của trại tập trung này, mặc dù có những hình ảnh tương tự ở các các trại khác, kể cả ở Sachsenhausen, Dachau và Buchenwald.
Vui Đùa cạnh Phòng Hơi Ngạt
Với hơn 4 triệu độc giả, Bild, tờ báo có số lượng lớn của Đức nói những tấm hình này là “những hình ảnh làm phẫn nộ thế giới!”
“Không cái tên nào làm liên tưởng tới những tàn bạo và kinh hoàng hơn” như Auschwitz, một bài báo trong số thứ Sáu của tờ báo trên nói. “Trại tử thần này là đỉnh điểm của Phát xít giết người Do Thái … Và bây giờ, hình ảnh của những kẻ gây ra tội ác đã xuất hiện, những văn bản của ác mộng cho thấy các thành viên đội SS đã vui đùa cạnh phòng hơi ngạt một cách vô liêm sỉ và vô tư đến cỡ nào”.
Tập ảnh thuộc về Karl Hocker, phụ tá cho sĩ quan chỉ huy cuối cùng của Auschwitz, Richard Baer. Hocker chụp những tấm hình này cho riêng mình. Tập hình còn có 8 tấm ảnh của Josef Mengele –là một phần trong số rất ít hình ảnh của ông bác sĩ khét tiếng của trại tập trung này trong thời gian ông ta làm việc ở đây (ND: Tất nhiên, những bức hình cũng đánh tan “những huyền thoại” cho rằng Mengele cũng không phải là ác quỷ [thậm chí “vô luân” trong đời sống cá nhân] như những người thù ghét ông thường khẳng định).
Trước khi Đồng Minh giải phóng trại, Hocker trốn khỏi Auschwitz. Sau chiến tranh, hắn làm việc hàng nhiều năm cho một ngân hàng mà không bị phát hiện. Nhưng vào năm 1963 hắn bị buộc phải trả lời cho những cáo buộc về vai trò của mình ở Auschwitz, tại một tòa án ở Frankfurt. Trong lời nói cuối của mình, Hocker cho rằng: “Tôi không có bất cứ một khả năng nào có thể ảnh hưởng tới những gì xảy ra và tôi không muốn chúng xảy ra cũng như không muốn tham gia. Tôi không hại ai và không ai chết ở Auschwitz vì tôi”. Dù vậy, cuối cùng, hắn bị kết án về những tội giúp đỡ và tạo điều kiện cho việc giết 1000 (một ngàn, ND) người Do Thái và bị tuyên án 7 năm tù. Hắn được thả ra sau 5 năm thi hành án, đã chết vào năm 2000 ở tuổi 88.
Cho tới nay, chỉ có khoảng 320 tấm hình được chụp trước khi Nga giải phóng Auschwitz được mọi người biết đến. Những hình ảnh này thuộc về bộ sưu tập được gọi là “Auschwitz Album”, đưa ra cho công chúng vào năm 1980. Những tấm hình ghi lại sự kiện dân Do Thái gốc Hung tới trại tử thần này và được/bị các nhân viên SS thanh lọc.
Những tấm ảnh vừa được khám phá về cuộc sống thường ngày vô tư của (nhân viên) Phát Xít ở Auschwitz cho thấy một sự tương phản ma quái so với bộ sưu tập (Auschwitz Album, ND) trên.
Nguồn: http://www.spiegel.de/international/germany/laughing-at-auschwitz-leisure-photos-of-camp-guards-shock-germans-a-507175.html

Nguồn: -HÌNH ẢNH THƯ GIÃN CỦA LÍNH GÁC TRẠI TẬP TRUNG AUSCHWITZ LÀM NGƯỜI ĐỨC KINH HOẢNG







Tổng số lượt xem trang