Chủ Nhật, 17 tháng 1, 2016

Hiệp định Paris khiến VNCH sụp đổ?

-TT Thiệu ký kết Hiệp Định Paris tháng 1 năm 1973

Nguyễn Đức Thọ và henry Kissinger. Ảnh Internet

Cuộc Hòa đàm Paris được khai mạc vào ngày 10-5-1968 và kết thúc bằng Hiệp định Hiệp Định Chấm dứt Chiến Tranh và Phục Hồi Hòa Bình tại Việt Nam (Agreement on Ending the War and Restoring peace in Vietnam) ký kết ngày 27-1-1973 giữa Hoa Kỳ, Việt Nam Cộng Hòa, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam (Mặt trận giải phóng). Phía Cộng Sản Bắc Việt phát biểu “đó là kết quả của cuộc thương thuyết dài nhất thế kỷ, nó kéo dài 4 năm và chín tháng, gồm 202 phiên họp công khai và 24 phiên họp kín (1)


Có lẽ đây là một Hội nghị dài nhất trong lịch sử ngoại giao quốc tế, kéo dài tám tháng dưới nhiệm kỳ Tổng thống Johnson (tháng 5-1968 tới tháng 12-1969) sang hết nhiệm kỳ đầu của Tổng Thống Nixon (1969 -1972) và một tuần trong nhiệm kỳ hai của ông (từ 21 tới 27-1-1973). Nixon và Kissinger mới đầu tưởng trong một năm sẽ giải quyết được nhưng không ngờ bị sa lầy trong chính sách “trường kỳ đàm phán” của Hà Nội, nó rập khuôn chiến lược “trường kỳ kháng chiên” của Trường Chinh. Đây là một đường lối thương thuyết dai như đỉa đói cắn cầy, mục đích làm cho đối phương phải kinh tởm và bỏ cuộc.

Việc thương thuyết thực ra do mật đàm, đi đêm giữa Tiến sĩ Henry Kissinger, Phụ tá TT Nixon và Lê Đức Thọ, Cố vấn đặc biệt của CSBV bắt đầu từ 4-8-1969. những năm 1969, 1970, 1971 cuộc hòa đàm không tiến triển vì CSBV khăng khăng đòi Mỹ đơn phương rút quân, loại bỏ Nguyễn Văn Thiệu, cắt viện trợ VNCH, trung lập hóa miền Nam… nghĩa là ra đòi Mỹ đầu hàng không điều kiện. Sở dĩ họ ngoan cố như vậy vì dựa vào sự chống đối của người dân và Quốc hội Mỹ.

Hòa đàm Paris chỉ thực sự biến chuyển bắt đầu từ tháng 10-1972 cho tới tháng 1-1973. Cộng quân thảm bại trong trận tổng tấn công 1972 (Mùa hè đỏ lửa), khoảng 100,000 cán binh bị giết 700 xe tăng bị bắn cháy (2). Ngoài ra phần vì BV muốn ký sớm trước cuộc bầu cử Tổng thống ngày 7-11-1972, họ biết chắc Nixon sẽ tái đắc cử, khi ấy ông ta sẽ cứng rắn hơn.

Tôi xin chia làm hai giai đoạn
Từ tháng 10 tới tháng 12-1972
Tháng 10 -1972 Hà Nội nhượng bộ gần hết những khoản chính như không đòi lật đổ Thiệu, không đòi Liên hiệp, cắt viện trợ miền nam… đổi lại Cộng quân được ở lại miền nam VN. Ngày 9-10-1972 hai bên Mỹ và BV ký bản Dự thảo, ngày 11-10  Kissinger về Mỹ báo tin cho Nixon, ngày 19 ông sang Sài Gòn để bàn với TT Thiệu, sau đó sẽ đi Hà Nội, dự trù sẽ ký chính thức vào ngày 25, 26 hai tuần trước bầu cử Tổng thống Mỹ 7-11-1972. Ngày 19 Tiến sĩ Kissinger sang Sài Gòn đưa bản Dự thảo cho ông Thiệu coi và hy vọng sau đó ký kết.
Kissinger vô cùng phấn khởi y như mở cờ trong bụng, Hiệp định ký trước ngày bầu cử sẽ đưa ông lên tột đỉnh danh vọng, tha hồ mà khoe khoang công trạng đã giúp cho Nixon đắc cử vẻ vang.
Quá sốt sắng với bản Hiệp định, Kissinger đã đánh giá thấp Thiệu, tưởng Mỹ nói gì Thiệu cũng phải nghe (3) vả lại lần này chính phủ Thiệu không bị loại bỏ vì BV đã nhượng bộ không đòi ông từ chức. Trái với mong đợi của Kissinger, VNCH chống đối bản Dự Thảo dữ dội, Thiệu nhất quyết đòi sửa nhiều điều khoản nhất là Cộng quân phải rút hết về Bắc (4)
Trước ngày về Mỹ, Kissinger đánh điện cho Nixon nói VNCH gây trở ngại và đề nghị Mỹ ký riêng với Hà Nội không cần miền nam VN nhưng trước sự ngạc nhiên của ông ta, Tổng thống Mỹ không đồng ý. Nixon vốn không ưa gì người phụ tá này, thừa biết tham vọng của Kissinger muốn ký cho nhanh trước bầu cử để khoe công trạng um lên (5). Qua thăm dò Nixon đả vượt quá xa đối thủ McGovern nên chẳng cần ký trước bầu cử để phải chịu ơn Kissinger và ông ủng hộ TT Thiệu bác bỏ bản Dự thảo tháng 10.
Theo George Moss (6) Nixon đồng ý với Thiệu chống bản Dự thảo này, ông cũng biết cựu Tư lệnh MACV Westmoreland và giới Lãnh đạo quân sự Mỹ chống Hiệp định nên ông cũng không cho ký.
Đầu tháng 11 tại Hòa đàm Paris Kissinger đưa ra 69 điểm đòi sửa chữa theo yêu cầu của VNCH, đòi BV phải rút hết quân, Kissinger cũng đe dọa BV nói Nixon sẽ đắc cử nay mai, ông ta sẽ cứng rắn hơn. Hà Nội không tin như vậy, họ vẫn thường nghĩ Thiệu chỉ là bù nhìn tay sai, Mỹ bảo sao nghe vậy, chuyện này chắc do Mỹ lươn lẹo bầy ra. Thọ bác bỏ yêu cầu này và lại đòi loại bỏ Thiệu như trước.
Nixon đại thắng trong cuộc bầu cử 7-11, tái đắc cử với 520 phiếu cử tri đoàn (trên 49 tiểu bang, chiếm tỷ lệ 96.65% tổng số). Đối thủ McGovern đảng Dân chủ được 17 phiếu cử tri đoàn của bang Massachusetts và District of Columbia (tỷ lệ 3.16%)
Nixon được 47,168,710 phiếu phổ thông, tỷ lệ 60.7%, McGovern 29,173,222 phiếu, tỷ lệ  37.5%, đây là lần thắng lớn thứ tư (landslide) trong lịch sử Mỹ.
Cuối tháng 11 ông vội viện trợ cho VNCH khoảng một tỷ quân viện vì sau khi ký Hiệp định sẽ chỉ được viện trợ trên căn bản một đổi một (7). Hai đợt viện trợ Enhance và Enhance Plus gồm nhiều nhất là máy bay, hơn 600 phi cơ trong đó có hơn 200 phản lực chiến đấu và trên 300 trực thăng. Nhờ đó Không quân VNCH đứng thứ tư trên thế giới về số lượng tổng cộng 2,075 máy bay đủ các loại (8). Năm 1974, 1975 sau những đợt cắt giảm viện trợ của Quốc hội, số máy bay này phần nhiều nằm ụ vì thiếu cơ phận thay thế và không đủ săng để cất cánh. (9)
Tháng 11 và 12 năm 1972 ông Thiệu mở chiến dịch lên án Kissinger và Hành pháp Mỹ ép buộc miền nam ký Hiệp ước bất bình đẳng và nêu rõ chủ trương không đầu hàng CS, không cắt đất cho CS, không trung lập liên hiệp….TT Nixon tức giận BV ngoan cố và cũng khó chịu về sự chống đối Dự Thảo kéo dài của VNCH
Giữa tháng 11-1972 Nixon đã gửi nhiều thư hứa hẹn vói Thiệu sẽ trừng trị mọi vi phạm của địch:
“Tôi xin cam kết với ông nếu Hà Nội vi phạm Hiệp định , tôi sẽ giáng trả họ nhanh chóng và ác liệt.”(10)
Tháng 11 cuộc thương thuyết bế tắc, sang tháng 12 tình hình còn bi đát hơn, Hà Nội để lộ âm mưu phá hoại đàm phán chờ phiên họp mới của Quốc hội Mỹ đầu năm 1973, họ tin là Lập pháp sẽ ra luật chấm dứt chiến tranh buộc chính phủ phải rút quân và cắt viện trợ quân sự, miền nam sẽ không thể tồn tại (11). Hòa đàm tan vỡ ngày 14-12, Lê đức Thọ bỏ Hội nghị về Hà Nội không hẹn ngày trở lại
Nixon phẫn nộ chồng chất từ bốn năm qua  do sự ngoan cố của Hà Nội (12) và phải gấp rút đưa CSVN trở lại bàn Hội nghị để cứu miền nam VN, ông đã cho oanh tạc Hà Nội, Hải Phòng bằng B-52 kéo dài từ 18 cho tới 29-12. Chiến dịch  xử dụng 207 pháo đài bay và hàng nghìn máy bay chiến thuật (luân phiên) ném 20,000 tấn bom xuống các mục tiêu quân sự, kinh tế như kho hàng, nhà máy điện, ga xe lửa, kho nhiên liệu, phi trường …Mỹ bị thiệt hại 27 máy bay trong đó có 15 chiếc B-52
Chiến dịch mặc dù bị dư luận trong nước và quốc tế chống đối nhưng đã có kết quả tốt, đưa Hà Nội  trở lại bàn hội nghi vào đầu tháng 1-1973, cứu được miền nam.
Tháng 1-1973
Phía VNCH, TT Thiệu vẫn tiếp tục chống đối ký kết Hiệp định mà ông cho là bất bình đẳng, đòi “Cộng sản BV phải rút hết về Bắc”
Đảng Dân chủ chiếm đa số tại Quốc hội hăm dọa ra luật chấm dứt chiến tranh nếu Hiệp định bị trở ngại. Ngày 2-1-1973 Hạ viện Dân chủ bầu nội bộ với  lệ 154 thuận và 75 chống để cắt hết viện trợ  mọi hoạt động quân sự ở Đông dương  vừa khi đã rút quân về nước và lấy lại tù binh. Hai ngày sau, Dân chủ Thượng viện bầu nội bộ cũng thông qua Dự luật tương tự với số phiếu 36 thuận và 12 chống. (13)
Trận oanh tạc long trời lở đất đã khiến cho BV hết hồn nhất là thấy hai đàn anh vĩ đại Nga, Trung Cộng chỉ phản đối xuông không cứu được đàn em. Bộ Chính trị CSVN hốt hoảng, hồn vía lên mây xanh nghĩ tới trận kế tiếp nên vội chấp nhận trở lại bàn Hội nghị.
Ngày 6-1 Lê Đức Thọ trở lại Paris, hôm sau Kissinger cũng đến. Hai bên đều có thiện chí giải quyết để cùng đạt Hiệp định ngưng bắn. Phía Mỹ cũng muốn ký cho nhanh vì sợ Quốc hội ra luật chấm dứt chiến tranh nều Hiệp định trở ngại. Ngày 8 và 9 -1 hai bên thảo luận tốt đẹp ngày 11 bên bàn thủ tục ký kết
Ngày 7-1 tại Sài gòn ông Thiệu chưa trả lời, ngày 14-1 Nixon cử Tướng Haig sang Sài Gòn để thuyết phục Thiệu, ông ta mang thư của Nixon cho biết
“ Tôi đã quyết định ký chính thức ngày 27-1-1973 tại Paris, nếu cần Mỹ sẽ ký một mình, trong trường hợp này tôi sẽ nói VNCH gây trở ngại hòa bình, kết quả là sẽ bị cắt viện trợ kinh tế quân sự và sẽ có thay đổi trong chính phủ của ông”. Nixon vừa cây gậy vừa cà rốt, ông ta cũng tháu cáy Thiệu, dọa cho đảo chính (14). Ngày 17-1 Thiệu đòi sửa một số điều khoản nhưng Nixon từ chối.
TT Nixon đã gửi nhiều thư cam kết hứa hẹn với ông Thiệu từ mấy tháng nay, những lời hứa này không có giá trị pháp lý đối với nước Mỹ vì nó không được đưa ra Quốc hội. Đó chỉ là lời húa riêng giữa cá nhân hai ông Tổng thống (tôi đã viết riêng một bài về vấn đề này).
Ngày 20-1 ông Thiệu cử Tổng trưởng ngoại giao Trân Văn Lắm đi Paris, TS Kissinger nói là một cách để đỡ mất mặt, ông này xỏ xiên vì  rất cay cú TT Thiệu, tác giả Mark Clodfelter (15) cho là sự trì hoãn của TT Thiệu để giữ thể diện hơn là chống đối. Thật ra ông Thiệu quyết tâm chống đối chứ không phải để giữ thể diện mà vì quá sợ hãi bản Hiệp định.
Clodfelter nói mặc dù nếu không có trận oanh tạc Giáng Sinh ta không biết Quốc hội có cắt viện trợ VNCH hay không, nhưng sau trận oanh tạc Lập pháp phẫn nộ và việc cắt viện trợ miền Nam chắc chắn sẽ xẩy ra nếu TT Thiệu từ chối ký kết Hiệp định. Nhà lãnh đạo miền nam không dám liều lĩnh như vậy, không có viện trợ, không thể sống còn. Ông ta đồng ý ký nhưng sau hạn chót của Nixon (16)
Theo Davidson, TT Nixon cử Tướng Haig sang Saigon giữa tháng 1-1973 nói với TT Thiệu mặc dù Hiệp định không hoản hảo nhưng trong tình thế này phải chấp nhận. Ông hứa sẽ bảo đảm bằng vũ lực nếu địch vi phạm và hứa thúc đẩy Quốc hội tiếp tục viện trợ VNCH đồng thời cũng hăm dọa sẽ ký riêng với Hà Nội nếu cần và sẽ cắt viện trợ miền Nam. Đứng trước cái gậy to, củ cà rốt bé, Thiệu đồng ý ký (17).
George Herring nói Nixon hứa hẹn Thiệu sẽ bảo đảm thi hành Hiệp định, tiếp tục viện trợ miền nam VN và hăm dọa sẽ cắt viện trợ cũng như ký riêng, cũng tháu cáy Thiệu dọa đảo chinh. Nhà lãnh đạo Sài Gòn đành chịu thua, ông không nói rõ là chịu ký mà chỉ cho biết không chống đối nữa (18)
Nhận xét và kết luận
Cuối cùng TT Nixon ký Hiệp định Paris với Hà Nội ngày 27-1-1973, nó cũng giống như  bản Dự thảo từ tháng 10-1972 (trước đó ba tháng), một điểm quan trọng là BV vẫn đóng quân tại miền nam VN. Bản Dự thảo tháng 10 và Hiệp định tháng 1-1973 có khác nhau chút xíu mà các nhà sử gia Mỹ gọi là đồ trang sức (cosmetic) cho vui. Trận oanh tạc long trời lở đất với 20,000 tấn bom và cuộc thảo luận kéo dài hơn bốn năm cuối cùng vẫn không đuổi được Cộng quân rút về Bắc
Bản Dự thảo tháng 10-1972 mà Kissinger muốn ký cho nhanh để Nixon đắc cử rồi sẽ khoe khoang công trạng ầm ĩ. Nixon không muốn để Kissinger lên quá, qua mặt ông vì thế ông đã ủng hộ TT Thiệu chống bản Dự thảo này.  Nixon ủng hộ Thiệu phần vì muốn khống chế tham vọng Kissinger và vì giới Lãnh đạo quân sự chống Dự thảo. Mặc dù thắng lớn về ngoại giao nhưng hai nhà lãnh đạo Kissinger và Nixon nói xấu nhau, dành khoe khoang công trạng (19).
Rồi tình hình ngày một khó khăn, Quốc hội thúc ép, đầu tháng 1-1973 Lưỡng viện Dân chủ bầu nội bộ để cảnh cáo Hành pháp cũng như VNCH nếu ngăn trở Hiệp định họ sẽ ra luật chấm dứt chiến tranh, cắt viện trợ miền nam VN. Lúc này Nixon không thể ủng hộ Thiệu được nữa mà đòi Thiệu ký. Cuối cùng ông Thiệu chấp thuận ký Hiệp định Paris không phải do Nixon ép buộc, đe dọa mà vì ông biết chắc sẽ bị Quốc hội Dân chủ thẳng tay bức tử như Clodfelter đã nói trên. TT Thiệu nhận định như vậy chứ không phải ông không hay biết gì như nhiều người lầm tưởng.
Suốt thời kỳ chiến tranh VN, đảng Dân chủ luôn chiếm đa số tại Quốc hội, năm 1972 họ nắm giữ 56% Hạ viện và 57% Thượng viện, DC chống chiến tranh dữ dội. TS Kissinger than phiền trong hồi ký về đảng Dân chủ (20), ông ta cho biết DC đã gây ra cuộc chiến sa lầy tại VN với nửa triệu quân do TT Johnson đưa vào. Nay họ trở mặt chống chiến tranh gây nhiều khó khăn cho Hành pháp.
Thật vậy, ỷ vào quyền lực của mình tại Lưỡng viện Quốc hội, họ luôn hăm dọa cắt hết mọi ngân khoản chiến tranh để đổi lấy hòa bình dù phải đầu hàng CS. Những năm 1964, 1965 Hành pháp DC tích cực tham chiến đưa quân vào VN vì theo thăm dò tỷ lệ ủng hộ người dân rất cao (60%, 70%) nay người dân quá chán chiến tranh, họ vội trở cờ hùa theo phong trào phản chiến. Với tinh thần cơ hội chủ nghĩa, DC sẵn sàng làm bất cứ chuyện gì để lấy lòng dân thủ lợi.
Nhiều người than phiền ký kết Hiệp định Paris như vậy coi như đã chịu thua, nhưng thà ký còn hy vọng sống thêm vài năm hơn là bị người ta bức tử vào thời điểm này. Giữa hai cái cùng tồi tệ chỉ có thể lựa cái bớt xấu hơn và ông Thiệu đã sáng suốt vào giờ thứ 25.
Từ hạ tuần tháng 10-1972 cho tới hạ tuần tháng 1-1973, ông Thiệu nhất quyết đòi CSBV phải rút hết về Bắc, TT Nixon đã ủng hộ ông  một thời gian nhưng sau đó cũng bất lực. Nixon nói nếu đạt thỏa hiệp đòi BV trả lại đất cho VNCH thì họ sẽ không ký Hiệp định. Có nghĩa là không thể nào đòi họ rút về Bắc (21). TT Nixon đã khuyên ông Thiệu không nên quan tâm việc quân địch còn đóng tại một số vùng dân cư thưa thớt, mà vấn đề quan trọng ở chỗ Quốc hội Mỹ có tiếp tục viện trợ và ủng hộ chúng ta hay không (22)     Đúng như Nixon đã tiên đoán, năm 1975 Sài Gòn sụp đổ không phải vì BV còn đóng quân ở lại mà vì Quốc hội đã cắt viện trợ bức tử miền nam.
Chiến dịch vận động của ông Thiệu để có một Hiệp định bình đẳng hơn và giữ thể diện quốc gia mới đầu có ý nghĩa nhưng sau dần dần đã đi quá đà nhất là từ đầu tháng 1-1973.  Nó gây chia rẽ trầm trọng giữa Sài Gòn và Hoa Thịnh Đốn mà Hà Nội đã khai thác triệt để tại bàn Hội nghị, họ bác bỏ tất cả những đề nghị sửa lại nhiều điểm của VNCH do Kissinger đưa ra.
Ông Thiệu đã không quan tâm đến tình thế bấp bênh khi mà ngoài CSBV ra, miên nam VN còn phải đối diện với một kẻ thù vô cùng nguy hiểm: Quốc hội Dân chủ thù nghịch (hostile Congress) chỉ chờ cơ hội để sát hại VNCH. Gió đã đổi chiều, đối với Quốc hội DC Mỹ, Đông Dương nay không còn là tiền đồn chống Cộng như ông Thiệu tưởng, người ta đã bắt tay được Trung Cộng và hòa với Nga từ hơn nửa năm về trước. Thuyết Domino không còn ý nghĩa, nay họ chỉ muốn hòa bình, lấy lại tù binh. Nói khác đi sinh mạng của 580 người tù binh Mỹ mới thực sự quan trọng vào lúc này, sinh mạng của cả Đông dương không nghĩa lý gì.
Ở cương vị nhà lãnh đạo, ông Thiệu hiểu rõ thực trạng vấn đề hơn ai hết, nhưng hai năm sau vào giữa tháng 3-1975, ông ban lệnh rút bỏ Pleiku giả vờ thua chạy để tháu cáy Mỹ. Ngay như Đại tá tham mưu trưởng Quân đoàn II cũng nghi ngờ ông Thiệu vờ thua chạy đưa tới hậu quả thảm khốc khiến bao nhiêu người mạng vong trong cơn khói lửa.
Chiến dịch chống bản Hiệp định bất bình đẳng mà ông Thiệu nhằm vào Hành pháp tháng 1-1973 là một sai lầm lớn vì ngoài Nixon ra, tại Mỹ hầu như không còn ai ủng hộ cuộc chiến tranh này, người ta đều khao khát hòa bình. Nixon đã nói với Nguyễn Phú Đức (đại diện VNCH) cuối tháng 11 vừa qua: không ai hết lòng với sự sống còn của miền nam VN bằng ông (23). Nixon-Kissinger cũng đã có lần nói với Thiệu rồi ông sẽ thấy ai là bạn, ai là thù. Chống lại Hành pháp lúc này là thất sách trong khi chúng ta chỉ còn dựa vào họ, vả lại Nixon phải chạy đua với thời gian (we were racing the clock) vì đã hứa sẽ mang lại hòa bình trong nhiệm kỳ, mà nay đã sang nhiệm kỳ mới.
Cho tới khi sự nghiệp chính trị của TT Nixon phá sản, nhiều người Việt kể cả ông Thiệu vẫn chưa tỉnh cơn mê, vẫn còn oán trách người Mỹ không giữ lời cam kết. Thực ra những lời “cam kết chui” mà Nixon-Kissinger dấu không đưa ra Quốc hội đã khiến cho họ phẫn nộ khi được biết vào tháng 4-1975 và đã thẳng tay với VNCH.
Nửa năm sau Hiệp định Paris, Quốc hội Dân chủ ra luật cắt hết mọi ngân khoản dành cho chiến tranh Đông Dương của Hành pháp. Nixon không còn quyền hành để bảo vệ đồng minh tại nơi đây.
Viễn tượng sụp không còn xa nhưng dù sao việc ký kết Hiệp định Paris tháng 1-1973 đã giúp Đông dương sống còn thêm được vài năm nữa.
© Trọng Đạt
© Đàn Chim Việt
 ———————————————–
Chú thích
(1) Lewis Sorley: A Better War, The Unexamined Victories and Final Tragedy of America’s Last Years In Vietnam trang 361
(2) Nguyễn Đức Phương: Chiến Tranh Việt Nam Toàn Tập, 1963-1975 trang 587
(3) George C. Herring:  America’s Longest War, The United States and Vietnam, 1950-1975 trang 277
(4) Larry Berman:  No Peace No Honor, Nixon, Kissinger and Betrayal in Vietnam-  chapter 9 -Thieu kills the deal  trang 160)
(5) George C. Herring:  America’s Longest War trang 277
(6) George Donelson Moss: Vietnam, An American Ordeal trang 365
(7) Nixon: No More Vietnams trang 170, 171
(8) Nguyễn Đức Phương: Chiến Tranh Việt Nam Toàn Tập trang 877
(9) Cao Văn Viên: Những Ngày Cuối Của Việt Nam Cộng Hoà trang 82-88
(10) No More Vietnams trang 156
(11) sách kể trên trang 170 “to legislate an end to our involment”
(12) America’s Longest War trang 280
(13) Nixon: No More VN trang 169, 170; Larry Berman:  No Peace No Honor trang 221
(14)  Mark Clodfelter: The Limits of Air Power trang 200
(15) sách kể trên trang 200
(16) sách kể trên trang 200
(17) Phillip B. Davidson: Vietnam at War The History 1946-1975
trang 730
(18) America’s Longest War trang 281, 282
(19) Sách kể trên trang 283
(20) Henry Kissinger: White House Years trang 227
(21) Nixon: No More Vietnams trang 152 “But one major issue we could not budge the North Vietnamese from their positions: They refused to withdraw their forces from South Vietnam”
(22) Sách kể trên trang 155
(23) Larry Berman:  No Peace No Honor trang 200







-
Hai tổ̀ng thống Richard Nixon và Nguyễn Văn Thiệu ở Sài Gòn đầu năm 1969
-Trần Gia Phụng: Hội Nghị Paris (Bài 1) – Phái Đoàn Và Lập Trường
Sau khi phái đoàn chuyên viên Hoa Kỳ và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (VNDCCH) tức Bắc Việt Nam (BVN) quyết định về thủ tục và chi tiết kỹ thuật trong cuộc họp ngày 10-5-1968, hội nghị Paris chính thức bắt đầu ngày 13-5-1968 giữa Hoa Kỳ và BVN.
Từ ngày 25-1-1969, có thêm hai phái đoàn Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) tức Nam Việt Nam (NVN) và Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam (MTDTGP) tham dự.

Hội nghị Paris kết thúc ngày 27-1-1973 khi bốn bên lâm chiến ký kết Hiệp định chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam (Agreement on Ending the War and Restoring Peace in Vietnam), gọi tắt là Hiệp định Hòa bình Paris (Paris Peace Accords).
Hội nghị diễn ra tại Trung Tâm Hội Thảo Quốc Tế (Centre de Conférences International), trong khách sạn Majestic, số 19 đường Kléber, kéo dài trong bốn năm chín tháng, ban đầu với 28 phiên họp tay đôi giữa Hoa Kỳ và BVN, và sau đó với 174 phiên họp khoáng đại giữa bốn phái đoàn. (Paul Kerasis, Transcripts and Files of the Paris Peace Talks on Vietnam, 1968-1973, Frederick MD: University Publications of America, INC, tt. 1-9.) Ngoài ra, theo một số tài liệu (đưa lên Internet), từ khi mở đầu đến khi kết thúc, tại Paris diễn ra 24 cuộc mật đàm giữa lãnh đạo và cố vấn các phái đoàn Hoa Kỳ và VNDCCH. Hội nghị không họp liên tục, không theo một nghị trình hay thời biểu nhất định, mà chỉ do sự thỏa thuận của các bên tham dự trong từng giai đoạn. Có khi một trong hai bên hay bốn bên hủy bỏ cuộc họp, dầu đã thỏa thuận trước.
1.- CÁC PHÁI ĐOÀN THAM DỰ
Khi hội nghị Paris chính thức bắt đầu ngày 13-5-1968, chỉ có Hoa Kỳ và VNDCCH họp tay đôi. Về phía Hoa Kỳ, tổng thống Johnson cử đại sứ Averell Harriman dẫn đầu phái đoàn Hoa Kỳ, Cyrus Vance làm phó trưởng đoàn. Hai ông nầy là hai chính khách kỳ cựu đảng Dân Chủ. Harriman là người Mỹ gốc Do Thái, từng làm trưởng phái đoàn Hoa Kỳ tại hội nghị Genève về việc trung lập hóa Lào năm 1962 và áp lực tổng thống Ngô Đình Diệm phải chấp nhận bản hiệp ước nầy.
Về phía VNDCCH, cựu ngoại trưởng Xuân Thủy, ủy viên Trung ương đảng Lao Động (LĐ) tức đảng Cộng Sản Việt Nam, làm trưởng đoàn và Hà Văn Lâu làm phó trưởng đoàn. Phái đoàn Xuân Thủy được đặt dưới quyền một cố vấn là Lê Đức Thọ, ủy viên Bộ chính trị đảng LĐ, đến Paris ngày 3-6-1968. Lê Đức Thọ là người sẽ mật đàm với Kissinger, cố vấn phái đoàn Hoa Kỳ.
Trước khi đến Paris dự phiên họp đầu tiên ngày 13-5-1968, Xuân Thủy ghé Bắc Kinh gặp thủ tường Chu Ân Lai. Chu Ân Lai nói với Xuân Thủy rằng BVN đồng ý điều đình với Hoa Kỳ quá sớm, chưa đúng lúc. Chu Ân Lai khuyên BVN nên trì hoãn hội nghị, kéo dài thời gian vì Hoa Kỳ sẽ không chịu rút lui khi chưa thất bại. (Larry Berman, No Peace, No Honor: Nixon, Kissinger, and Betrayal in Vietnam, Nguyễn Mạnh Hùng dịch, Không hòa bình, chẳng danh dự – Nixon, Kissinger và sự phản bội ở Việt Nam, California: Nxb. Việt Tide, 2003, tr. 46.) Bắc Việt Nam sẽ thực hiện kế hoạch nầy. Ngoài ra, khi gặp những vấn đề quan trọng, Lê Đức Thọ từ Paris về Hà Nội tham khảo với Bộ chính trị đảng LĐ, đều ghé lại Moscow và Bắc Kinh để thỉnh thị ý kiến.
Sau hai cuộc họp đầu tiên ngày 13 và 15-5-1968, phó trưởng đoàn Hoa Kỳ Cyrus Vance tuyên bố ngày 16-5-1968 rằng nếu bàn về các vấn đề chính trị, phải có sự tham gia của VNCH. (Đoàn Thêm, 1968, việc từng ngày, California, Nxb. Xuân Thu tái bản, 1989, tr.173.) Hoa Kỳ còn đề nghị mời thêm MTDTGP (Lưu Văn Lợi – Nguyễn Anh Vũ, Các cuộc thương lượng Lê Đức Thọ – Kissinger tại Paris, Hà Nội: Nxb. Công An Nhân Dân, 2002, tt. 30-31.) Phía CSVN đồng ý ngày 26-10-1968 nên hai bên dự tính cuộc họp đầu tiên có cả VNCH và MTDTGP sẽ diễn ra ngày 6-11-1968.
Tuy nhiên, ngày 2-11-1968, ra trước lưỡng viện quốc hội ở Sài Gòn, tổng thống Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố VNCH chỉ chấp nhận thương thuyết với VNDCCH, không nhìn nhận MTDTGP, không đồng ý giải pháp liên hiệp, và không tham dự hội nghị Paris ngày 6-11-1968. Ngày 8-11-1968, tổng thống Thiệu lên đài truyền hình đưa ra công thức mới để hòa đàm: nói chuyện song phương, mỗi bên một phái đoàn; VNCH và Hoa Kỳ một bên, VNDCCH và MTDTGP một bên. (Đoàn Thêm, sđd. tt. 358-365.)
Ngày 27-11-1968, chính phủ VNCH tuyên bố rằng Hoa Kỳ ủng hộ lập trường ngày 2-11 và 8-11 của VNCH, nên VNCH quyết định tham dự hòa đàm Paris. Tổng thống Thiệu cử phó tổng thống Nguyễn Cao Kỳ làm cố vấn, phụ trách theo dõi; Phạm Đăng Lâm làm trưởng phái đoàn VNCH, cùng Nguyễn Xuân Phong, Nguyễn Ngọc Huy, Vương Văn Bắc, Nguyễn Thị Vui, Nguyễn Triệu Đan và 40 chuyên viên sang Paris tham dự hội nghị. Phái đoàn rời Sài Gòn ngày 7-12-1968. (Đoàn Thêm, sđd. tt. 387, 399.)
Trong phiên họp bàn về thủ tục ngày 18-1-1969, Nguyễn Xuân Phong làm trưởng đoàn VNCH. Từ phiên họp khoáng đại chính thức đầu tiên ngày 25-1-1969, mà Hoa Kỳ và VNCH gọi là cuộc họp khoáng đại hai bên, phía CS gọi là cuộc họp bốn bên, Phạm Đăng Lâm làm trưởng đoàn VNCH.
Công cụ của đảng LĐ tại miền Nam là Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam Việt Nam (MTDTGP), thành lập tại Hà Nội ngày 12-12-1960 và ra mắt ngày 20-12-1960 tại xã Tân Lập, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh, thuộc vùng chiến khu cũ của Việt Minh thời kháng Pháp là chiến khu Dương Minh Châu. Trong ngày ra mắt, MTDTGP công bố “Tuyên ngôn” và “Chương trình 10 điểm” làm căn bản hoạt động của Mặt trận. (Một nhóm tác giả, Chung một bóng cờ, Hà Nội: Nxb Chính Trị Quốc Gia, 1993, tt. 957-962.) Ngoài quân du kích ở miền Nam, Hà Nội dần dần đưa vào Nam lực lượng chính quy do sĩ quan và tướng lãnh BVN chỉ huy.
Khi tham gia hội nghị Paris, MTDTGP chưa lập chính phủ lâm thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam. Ngày 12-12-1968 MTDTGP đề cử Trần Bửu Kiếm, làm trưởng phái đoàn MTDTGP. Trần Bửu Kiếm là Ủy viên Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương kiêm trưởng ban Đối ngoại MTDTGP. Trần Bửu Kiếm tham dự hội nghị Paris từ 25-1-1969 đến 5-6-1969 (20 cuộc họp).
Để phái đoàn MTDTGP tương xứng với các phái đoàn khác, từ ngày 6 đến 8-6-1969, MTDTGP họp cùng với Liên Minh Các Lực Lượng Dân Tộc Dân Chủ Và Hòa Bình Việt Nam, tại mật khu gần biên giới Cao Miên trên quốc lộ 22, và bầu ra chính phủ lâm thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam (CHMNVN), trong đó Huỳnh Tấn Phát làm chủ tịch (thủ tướng), Trần Bửu Kiếm làm bộ trưởng Phủ chủ tịch, Nguyễn Thị Bình làm bộ trưởng bộ Ngoại giao. Từ phiên họp thứ 21 ngày 10-6-1969, phái đoàn CPLTCHMNVN do Nguyễn Thị Bình dẫn đầu thay thế phái đoàn MTDTGP tại Paris. (Nguyễn Thị Bình và tập thể tác giả, Mặt trận Dân tộc Giải phóng – Chính phủ Cách mạng lâm thời tại hội nghị Paris về Việt Nam (Hồi ức), Hà Nội: Nxb. Chính Trị Quốc Gia, 2001, tt. 53-54.)
2.- LẬP TRƯỜNG CĂN BẢN
Bốn phái đoàn tham dự hội nghị Paris dựa trên các lập trường căn bản như sau:
Dưới thời tổng thống Johnson, Hoa Kỳ đòi trở lại khu phi quân sự, BVN phải xuống thang chiến tranh, tương xứng với việc ngưng oanh kích BVN, để miền Nam cho người miền Nam tự giải quyết chuyện nội bộ. Khi ứng cử tổng thống, Richard Nixon chủ trương không giảm quân. (Đoàm Thêm, sđd. tr. 317.) Tuy nhiên, sau khi đắc cử tổng thống, Richard Nixon đưa ra kế hoạch Việt Nam hóa chiến tranh và chủ thuyết Nixon vào giữa năm 1969, thay đổi chiến lược quân sự, và thay đổi luôn chiến lược ngoại giao toàn cầu, bắt đầu thân thiện với Trung Quốc.
(Việt Nam hóa (Vietnamization) chiến tranh là chuyển gánh nặng quân sự cho quân lực VNCH, để quân đội Hoa Kỳ dần dần không tham chiến nữa, rút lui về nước. Chủ thuyết Nixon chủ trương rằng từ nay Hoa Kỳ sẽ viện trợ quân sự và kinh tế cho những nước nào chiến đấu bằng nhân lực của chính mình để tự bảo vệ mình, và Hoa Kỳ sẽ không gởi quân chiến đấu đến nước đó.)
Việt Nam Cộng Hòa chỉ chấp nhận nói chuyện với VNDCCH, không công nhận MTDTGP. Lập trường của chính phủ VNCH khá cứng rắn, đòi hỏi VNDCCH phải rút quân về Bắc, ngưng xâm nhập và đừng xen vào công việc nội bộ miền NVN. Tuy nhiên, do áp lực của Hoa Kỳ, VNCH đành phải tham dự hội nghị Paris, có cả sự hiện diện của MTDTGP. Năm 1971, khi vận động tranh cử tổng thống nhiệm kỳ 2 nền Đệ nhị Cộng hòa, tổng thống Thiệu đưa ra lập trường “bốn không”: không liên hiệp, không cắt đất, không hòa giải, không chấp nhận cộng sản. (Chính Đạo, 55 ngày đêm cuộc sụp đổ của Việt Nam Cộng Hòa, Houston, Nxb. Văn Hóa, 1999, tr. 404.)
Về phía CS, đại diện VNDCCH tại Paris đòi thực thi chương trình bốn điểm mà Phạm Văn Đồng, thủ tướng BVN, đã đưa ra trước quốc hội BVN ngày 8-4-1965, và nhấn mạnh hai việc chính: 1) Thứ nhất Hoa Kỳ phải dứt khoát vĩnh viễn ngưng oanh tạc BVN. 2) Thứ hai, Hoa Kỳ ngưng tất cả những hành động chiến tranh, rút quân về nước, ngưng yểm trợ cho NVN. Cộng sản không đề cập gì đến quân BVN vào NVN.
Mặt trận DTGP đương nhiên cùng lập trường với VNDCCH. Ngày 3-11-1968, MTDTGP đưa ra “Giải pháp 5 điểm” làm chính sách căn bản, đại để là: 1) MTDTGP phấn đấu thực hiện độc lập, dân chủ, hòa bình, trung lập, tiến tới thống nhất, 2) Mỹ phải chấm dứt xâm lược, rút quân khỏi miền NVN. 3) Công việc nội bộ miền NVN do nhân dân miền Nam tự giải quyết theo Cương lĩnh của MTDTGP. 4) Việc thống nhất đất nước sẽ do nhân dân hai miền giải quyết bằng hòa bình. 5) Miền Nam thực hiện chính sách ngoại giao hòa bình, trung lập. (Nguyễn Thị Bình, sđd. tr. 38.)
Đó là lập trường căn bản của bốn bên tham dự khi hội nghị Paris bắt đầu. Lập trường cũng như chiến thuật và ngôn ngữ ngoại giao mỗi bên thay đổi tùy giai đoạn và hoàn cảnh chính trị.
Hội nghị dậm chân tại chỗ trong nhiều năm. Đến năm 1971, khi Hoa Kỳ làm thân với Trung Quốc, Henry Kissinger (cố vấn An ninh Quốc gia của tổng thống Richard Nixon) qua Trung Quốc, cho các lãnh tụ Trung Quốc biết Hoa Kỳ quyết định sẽ đơn phương rút quân khỏi Việt Nam. Quyết định nầy được tổng thống Nixon lập lại với các lãnh tụ Trung Quốc lần nữa trong chuyến viếng thăm nước nầy vào tháng 2-1972. Trình bày kế hoạch rút quân của Hoa Kỳ với các lãnh tụ Trung Quốc, chẳng khác gì Hoa Kỳ nhờ các lãnh tụ Trung Quốc nói lại và làm chứng với nhà cầm quyền BVN.
Sau khi Nixon về nước vào cuối tháng 2-1972, Chu Ân Lai đến Hà Nội ngày 4-3-1972, thuật lại cho giới lãnh đạo đảng Lao Động (LĐ) nội dung cuộc gặp gỡ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, đồng thời tái khẳng định sự ủng hộ của Trung Quốc đối với BVN. (Qiang Zhai, China & Vietnam Wars, 1950-1975, The University of North Carolina Press, 2000, tr. 200.)
Biết được Hoa Kỳ dứt khoát bỏ rơi VNCH, đơn phương rút quân, BVN phản ứng bằng hai cách: 1) Mở cuộc tấn công “mùa hè đỏ lửa” từ cuối tháng 3-1972 để thử thách. 2) Tại Paris, dưới áp lực của Liên Xô, BVN bãi bỏ điều kiện tiên quyết của CSVN trong hội nghị là giải thể chế độ VNCH, để Hoa Kỳ chấp nhận và khai thông hội nghị Paris từ giữa năm 1972, đi đến ký kết hiệp định, trao trả tù binh cho Hoa Kỳ, và Hoa Kỳ nhanh chóng rút lui. Khi đó, CSVN mới tiếp tục cuộc chiến tay đôi với VNCH.
Vì vậy, hội nghị Paris chấm dứt chiến tranh và tái lập hòa bình ở Việt Nam có thể chia thành ba giai đoạn: giai đoạn thứ nhất là các cuộc họp tay đôi giửa Hoa Kỳ và VNDCCH. Giai đoạn thứ hai là các cuộc họp bốn bên bị CS trì hoãn (1968-1972) và giai đoạn thứ ba là giai đoạn kết thúc (1972-1973). (Còn tiếp) (Trích Việt sử đại cương tập 7, sẽ xuất bản.)
TRẦN GIA PHỤNG
(Toronto, 12-1-2013)
-

Trần Gia Phụng: Hội Nghị Paris (Bài 2) – Giai Đoạn 1 Và 2 Hội Nghị Paris

Hội nghị Paris (1968-1973) có thể chia thành ba giai đoạn. Bài nầy xin trình bày hai giai đoạn đầu của hội nghị Paris.
1.- GIAI ĐOẠN THỨ NHẤT (1968)
Giai đoạn nầy kéo dài từ ngày 13-5-1968 đến ngày 30-10-1968, gồm 28 cuộc họp công khai tay đôi giữa Hoa Kỳ và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (VNDCCH), (Paul Kerasis, sđd. tr. 2) và 8 lần mật đàm riêng giữa lãnh đạo hai phái đoàn. Đây là khúc dạo đầu giữa hai bên, thăm dò, tìm hiểu, tuyên truyền và tố cáo lẫn nhau. Hoa Kỳ đòi hỏi tái lập vùng phi quân sự, Bắc Việt Nam (BVN) ngưng xâm nhập, rút quân về Bắc, xuống thang chiến tranh, để cho dân chúng miền Nam tự quyết, tôn trọng nền trung lập Lào. Bắc Việt Nam yêu sách Hoa Kỳ phải chấm dứt oanh tạc BVN vô điều kiện, chấm dứt các hành động chiến tranh, thừa nhận quyền dân tộc tự quyết của người Việt Nam.
Ngay từ đầu, Hoa Kỳ đòi hỏi các cuộc họp phải có sự tham dự của Việt Nam Cộng Hòa (VNCH). Sau đó, Hoa Kỳ đề nghị thêm Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng (MTDTGP). (Đã viết trong bài 1.) Trong giờ giải lao tại phiên họp công khai thứ 26 ngày 16-10-1968, Harriman trao cho Xuân Thủy một thư trong đó có viết rằng khi nào BVN chịu họp với VNCH và MTDTGP thì Hoa Kỳ sẽ ngưng ném bom BVN. Trong cuộc mật đàm ngày 26-10-1968, Xuân Thủy trả lời rằng BVN đồng ý với đề nghị của Hoa Kỳ. (Lưu Văn Lợi – Nguyễn Anh Vũ, sđd. tt. 15-44. )
Giữ đúng lời hứa, ngày 31-10-1968 tổng thống Lyndon Johnson tuyên bố chấm dứt chiến dịch Rolling Thunder, ngưng ném bom BVN, và cuộc họp dự tính ngày 6-11-1968 sẽ có mặt thêm đại diện hai phái đoàn VNCH và MTDTGP. Tuy nhiên, phía VNCH chưa chấp nhận tham dự hội nghị. (Đoàn Thêm, 1968, sđd. tt. 355, 358), vì vậy cuộc họp ngày 6-11-1968 phải đình hoãn.
Có tài liệu giải thích rằng sở dĩ phái đoàn VNCH chưa tham dự hội nghị Paris vì chính phủ Nguyễn Văn Thiệu muốn gây trở ngại cho nỗ lực vận động tranh cử tổng thống ở Hoa Kỳ vào ngày 5-11-1968 của ứng cử viên đảng Dân Chủ là Hubert Humphrey, và ủng hộ ứng cử viên đảng Cộng Hòa Richard Nixon. Người ta cho rằng theo tổng thống Thiệu, ứng cử viên Richard Nixon tỏ ra cứng rắn đối với cộng sản hơn Humphrey. (Nguyễn Tiến Hưng và Jerrold L. Schecter , Hồ sơ mật dinh Độc Lập, Los Angeles: C & K Promotions, Inc., tt. 39-50.)
Ngang đây, các bên lại tranh cãi về hình thức cái bàn ngồi họp trong gần ba tháng. Cuối cùng, các bên đồng ý chọn bàn tròn bằng phẳng, không có cờ, phía sau mỗi bên, cách 0,45 m có một bàn hình chữ nhật cho thư ký mỗi bên làm việc.
2.- GIAI ĐOẠN THỨ HAI (1969-1972)
Ngày 25-1-1969 bắt đầu các phiên họp hai/bốn bên, tùy theo cách gọi của mỗi bên, đến ngày 4-5-1972, kéo dài, gần ba năm rưỡi, qua 149 phiên họp.
Sau khi đắc cử ngày 5-11-1968, tân tổng thống Richard Nixon cử Henry Cabot Lodge, một chính khách đảng Cộng Hòa, làm trưởng đoàn Hoa Kỳ. Lodge cầm đầu phái đoàn cho đến cuối năm 1969. Đầu năm 1970, David K. E. Bruce thay. Qua năm 1971, William James Porter làm trưởng đoàn Hoa Kỳ cho đến khi hội nghị chấm dứt. Thật ra, từ tháng 7-1969, cố vấn An ninh Quốc gia của Nixon là Henry Kissinger đến Paris mật đàm với Xuân Thủy và Lê Đức Thọ, và hầu như giữ vai trò chính trong phái đoàn Hoa Kỳ.
Trong giai đoạn nầy, các bên tiếp tục tranh cãi những vấn đề chung quanh chuyện đình chiến và tái lập hòa bình. Phía CS cố tình kéo dài thời gian (theo kế hoạch Chu Ân Lai đã viết trong bài 1), vừa đàm trên bàn họp, vừa đánh trên chiến trường, chờ đợi người Mỹ rút quân dần dần theo chủ trương Việt Nam hóa chiến tranh của tổng thống Nixon. Trong thời gian nầy, tại hòa hội Paris, các bên đưa thêm những kế hoạch mới, bổ túc cho chính sách của mình.
Tại VNCH, ngày 7-4-1969, trong thông điệp đọc trước quốc hội, tổng thống Nguyễn Văn Thiệu trình bày chương trình 6 điểm, còn được gọi là “Chính sách quốc gia hòa giải”: 1) CS phải chấm dứt xâm lăng. 2) CS phải triệt thoái quân đội ra khỏi miền NVN. 3) CS không được xâm lăng các nước láng giềng nhằm xâm nhập VNCH. 4) VNCH sẽ áp dụng chính sách hòa giải và đại đoàn kết. 5) Thống nhất đất nước do toàn dân quyết định. 6) Cần có hệ thống kiểm soát quốc tế hữu hiệu chống CS xâm lăng. (Đoàn Thêm, 1969 (việc từng ngày), California, Nxb. Xuân Thu tái bản, 1989, tr. 119.)
Phía MTGPMN, sau “giải pháp 5 điểm” đưa ra ngày 3-11-1968 (đã viết trong bài 1), trong phiên họp hai/bốn bên thứ 16 ngày 8-5-1969, MTDTGP đưa thêm “Giải pháp toàn bộ 10 điểm”. (Nguyễn Thị Bình, sđd. tr. 51.) Điểm chính yếu là đòi hỏi Hoa Kỳ rút quân về nước, chuyện miền NVN để cho dân Việt Nam tự giải quyết.
Đáp lại, ngày 14-5-1969, tổng thống Nixon công bố kế hoạch 8 điểm: 1) Hoa Kỳ, đồng minh và BVN rút quân ngay sau khi có thỏa hiệp. 2) Mười hai tháng sau, nếu chưa rút hết, sẽ tới đóng ở những địa điểm được chỉ định và không tác chiến. 3) Sẽ rút song phương tất cả cùng một lúc ra khỏi cả Miên và Lào. 4) Sẽ có cơ quan kiểm soát quốc tế. 5) Cơ quan nầy sẽ hoạt động theo chương trình được hai bên thỏa hiệp. 6) Bắt đầu tổ chức tổng tuyển cử với sự kiểm soát quốc tế. 7) Trao đổi tù binh. 8)Hai bên cam kết tôn trọng các hiệp định Genève về Việt, Miên và Lào. (Đoàn Thêm, 1969, sđd. tt. 161-162.) Tức thì, ngày 22-5-1969, phát ngôn viên MTGPMN tuyên bố đề nghị của Nixon khác với giải pháp 10 điểm của MTDTGP như ngày và đêm. (John S. Bowman, sdd. tr. 143.)
Trong khi các phái đoàn VNCH và VNDCCH không có gì thay đổi, thì phái đoàn MTDTGP thay đổi danh xưng và trưởng đoàn. Nguyên từ 1960 đến 1968, MTDTGP chưa thành lập chính phủ. Để phái đoàn MTDTGP tương xứng với các phái đoàn khác, từ ngày 6 đến 8-6-1969, MTDTGP họp cùng với Liên Minh Các Lực Lượng Dân Tộc Dân Chủ Và Hòa Bình Việt Nam, tại mật khu gần biên giới Cao Miên trên quốc lộ 22, và bầu ra chính phủ lâm thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam (CHMNVN), trong đó Huỳnh Tấn Phát làm chủ tịch, Trần Bửu Kiếm làm bộ trưởng Phủ chủ tịch, Nguyễn Thị Bình làm bộ trưởng bộ Ngoại giao. Phái đoàn CPLTCHMNVN do Nguyễn Thị Bình dẫn đầu thay thế phái đoàn MTDTGP tại Paris từ phiên họp thứ 21 ngày 10-6-1969. (Nguyễn Thị Bình sđd. tt. 53-54.) (Liên Minh CLLDTDC là một hình thức mặt trận cũng do CS hậu thuẫn, kết hợp thêm những thành phần thiên tả còn đứng ngoài MTDTGP.)
Tại cuộc họp ngày 10-6-1969, Nguyễn Thị Bình đưa ra “Chương trình hành động 12 điểm” của chính phủ lâm thời CHMNVN. Chương trình nầy không khác giải pháp 10 điểm của MTDTGP. Theo chương trình mới, MTDTGP là người tổ chức và lãnh đạo cuộc chống Mỹ “xâm lược”. (John S. Bowman, sđd. tr. 145.)
Ngày 15-7-1969, Richard Nixon gởi thư cho Hồ Chí Minh, nhờ Jean Sainteny, một người Pháp, chuyển cho Xuân Thủy tại Paris. Trong thư, Nixon tỏ ý muốn tìm một nền hòa bình công chính và hai bên nên hướng về hòa giải hơn là đối đầu và chiến tranh. Hồ Chí Minh trả lời thư cho Nixon ngày 25-8-1969, nói rằng nếu Nixon thật sự muốn mưu tìm hòa bình công chính, thì Hoa Kỳ phải chấm dứt chiến tranh xâm lược, rút quân đội ra khỏi NVN, tôn trọng quyền của người miền Nam và của dân tộc Việt Nam tự quyết định mà không có ảnh hưởng nước ngoài. (Richard Nixon, The Memoirs of Richard Nixon, New York: Grosset & Dunlap, 1978, tt. 393, 397.) Thư nầy ký tên Hồ Chí Minh ngày 25-8-1969. Lúc đó, Hồ Chí Minh đang bệnh và sau đó chết ngày 2-9-1969.
Trong thời gian đàm phán tại Paris, chính phủ Nixon bị áp lực nặng nề của giới phản chiến ở trong nước Mỹ. Trong niên khóa 1969-1970, xảy ra 1,800 cuộc biểu tình, 7,500 bị bắt giữ, 247 vụ đốt phá, 462 người bị thương mà hai phần ba (2/3) là cảnh sát và 8 người chết. Nạn bạo động trở thành một bệnh dịch trên toàn quốc Hoa Kỳ. Từ tháng 1-1969 đến tháng 2-1970 có 40,000 vụ ném bom, hay âm mưu ném bom, hay đe dọa ném bom liên hệ đến chiến tranh, gây thiệt hại 21 triệu Mỹ kim, hàng trăm người bị thương và 43 người chết. (Richard Nixon, No more Vietnams, London: W. H. Allen, 1986, tr. 126.)
Nhân phong trào phản chiến lên cao tại Hoa Kỳ năm 1969, Phạm Văn Đồng, thủ tướng BVN viết thư gởi dân chúng Hoa Kỳ, hy vọng các cuộc phản đối sẽ buộc chính phủ Hoa Kỳ rút lui hoàn toàn và vô điều kiện quân đội Hoa Kỳ về nước. (http://www.historyplace.com/unitedstates/vietnam/index-1969.html.) Quốc hội Hoa Kỳ liền đưa ra nghị quyết 275 ngày 15-10-1969 phản đối BVN đã can thiệp vào công việc nội bộ của Hoa Kỳ. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng lên tiếng phê phán việc nầy. (U. S. Congressional Documents – 1969, HeinOnline, p. 1651.)
Tháng 4-1970, liên quân Việt Mỹ tiến qua Cao Miên, truy đuổi CSVN. Phong trào phản chiến tại Hoa Kỳ bùng lên mạnh mẽ. Ngày 2-5-1970, sinh viên các đại học Hoa Kỳ phát động biểu tình rầm rộ, phản đối cuộc hành quân nầy. Tại đại học Kent, tiểu bang Ohio, ngày 4-5-1970, Vệ binh Quốc gia bắn chết bốn sinh viên biểu tình và làm bị thương chín người khác. Sự kiện nầy khiến làn sóng phản đối chiến tranh dâng cao trên toàn nước Mỹ.
Sau biến cố trên, thượng viện Hoa Kỳ trong phiên họp ngày 24-6-1970, ra quyết định bãi bỏ “Nghị quyết vịnh Bắc Việt”, (John S. Bowman, sđd. tr. 166), giới hạn quyền hành của tổng thống trong việc điều khiển chiến tranh ở nước ngoài.
Sự kiện nầy càng khuyến khích CSVN kéo dài hội nghị Paris, vừa đàm vừa đánh, vừa đánh vừa đàm, chờ đợi những đòi hỏi và áp lực càng ngày càng gia tăng của giới phản chiến đối với chính phủ Nixon và chờ đợi Nixon rút quân Hoa Kỳ khỏi Việt Nam theo chủ trương Việt Nam hóa chiến tranh. Quân số Hoa Kỳ tại Việt Nam cuối năm 1968 là 536,100 người. Tháng 12-1969 số quân nầy giảm xuống còn 475,200; cuối năm 1970, còn lại 334,600 quân và tháng 12-1971, còn 156,800 quân.
Từ cuối tháng 1 đầu tháng 2-1971, VNCH mở cuộc hành quân Lam Sơn 719 đánh qua Lào, với sự giúp sức của Không quân Hoa Kỳ. Sinh viên và cựu chiến binh Hoa Kỳ trước đây tham chiến ở Việt Nam lại tổ chức biểu tình rầm rộ vào tháng 4 và tháng 5-1971 tại Washington DC và nhiều nơi ở Mỹ.
Tại Paris, trong phiên họp thứ 84 ngày 17-9-1970, Nguyễn Thị Bình đưa ra “8 điểm nói rõ thêm”, chủ yếu là đòi Mỹ rút hết quân trước ngày 30-6-1971, sẵn sàng nói chuyện với một chính quyền Sài Gòn không có Thiệu – Kỳ – Khiêm. Phía Hoa Kỳ đưa ra “Kế hoạch hòa bình 5 điểm” ngày 7-10-1970, rồi ngày 31-5-1971, trong cuộc mật đàm, Kissinger điều chỉnh thành “đề nghị 7 điểm”. Đáp lại, ngày 26-6-1971, cũng mật đàm, Lê Đức Thọ trình bày “Sáng kiến hòa bình 9 điểm của chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa”. Ngày 1-7-1971, trong phiên họp hai/bốn bên thứ 119 ngày 1-7-1971, Nguyễn Thị Bình công bố “Sáng kiến mới gồm 7 điểm nhằm giải quyết hòa bình miền Nam Việt Nam”. Ngày 11-10-197, Hoa Kỳ lại chuyển đến phía CVSN “Đề nghị 8 điểm” khác. (Nguyễn Thị Bình, sđd. tt. 61-79.)
Cứ thế, trong hai năm 1970, 1971, trong các cuộc họp, các bên đưa ra những chương trình hay kế hoạch mới, rồi tranh cãi, tố cáo và đòi hỏi liên tục, không đi vào mục đích cụ thể của cuộc hòa đàm nhằm tìm ra giải pháp chấm dứt chiến tranh. Chỉ có một thay đổi nhỏ về chính trị năm 1970 là MTDTGP từ nay chấp nhận sự hiện diện của chính quyền Sài Gòn không có Thiệu Kỳ Khiêm, và một thay đổi khác từ năm 1971 là hội nghị Paris bắt đầu đề cập đến vấn đề tù binh mà Hoa Kỳ đang rất muốn giải quyết. Cũng trong cuộc họp ngày 29-7-1971, Nguyễn Thị Bình đề nghị lập danh sách tù binh khi nào Hoa Kỳ ấn định cụ thể thời biểu rút lui toàn bộ lực lượng Hoa Kỳ. (John S. Bowman, sđd. tr. 182.)
Khi bị dư luận Mỹ chỉ trích là chính quyền không cố gắng hết sức để chấm dứt chiến tranh, ngày 25-1-1972, Nixon tiết lộ rằng từ 4-8-1969 đến 16-8-1971, cố vấn An ninh Quốc gia Henry Kissinger đã mật đàm 12 lần với Lê Đức Thọ và Xuân Thủy. Ngoài ra, ngày 11-10-1971, Kissinger đã đưa riêng cho phái đoàn BVN đề nghị 8 điểm, đại để như sau: Rút hết quân đội Hoa Kỳ, quân đội Đồng minh và quân đội cộng sản ra khỏi NVN, Lào và Cao Miên trong vòng 6 tháng kể từ ngày ký hiệp định; cùng một lúc thả tù quân và dân sự tất cả các bên; một Ủy hội Quốc tế kiểm soát đình chiến việc thực thi hiệp định; các thành phần liên hệ kể cả MTDTGP phối hợp tổ chức và kiểm soát cuộc bầu cử tổng thống; tổng thống Thiệu và phó tổng thống Hương từ chức một tháng trước ngày bầu cử. Tuy nhiên những cố gắng nầy không thành công. (John S. Bowman, sđd. tr. 188.)
Hôm sau, 26-1-1972, Kissinger còn tiết lộ thêm rằng trong kế hoạch 9 điểm do CSVN mới đưa ra, có hai điểm không thể chấp nhận được. Đó là CSVN đòi Hoa Kỳ ngưng ủng hộ chính phủ VNCH và đòi Hoa Kỳ rút quân thì phải rút luôn võ khí, quân nhu, quân dụng mà Hoa Kỳ cung cấp cho quân đội VNCH sử dụng. Làm như thế, chế độ VNCH sẽ sụp đổ. (John S. Bowman, sđd. tr. 188.)
Bắc Việt Nam liền tố cáo ngày 31-1-1972 rằng phía Hoa Kỳ đơn phương tiết lộ các cuộc mật đàm. Bắc Việt Nam công bố “Sáng kiến hòa bình 9 điểm” của Lê Đức Thọ, “Sáng kiến 7 điểm” của Nguyễn Thị Bình và “Đề nghị 7 điểm” của Kissinger đã được đưa ra tại Paris. (Đã ghi ở trên.) Ngoài ra Hà Nội cũng công bố bản văn dự tính giao cho Kissinger trong cuộc họp mật ngày 20-11-1971, nhưng cuộc họp nầy bị hủy bỏ. Theo bản văn nầy, có hai điểm khác biệt chính giữa chủ trương của BVN và Hoa Kỳ: Hoa Kỳ muốn rút tất cả lực lượng ngoại nhập khỏi Nam Việt Nam với sự thỏa thuận về nguyên tắc cho một giải pháp cuối cùng. Trong khi BVN chỉ muốn Hoa Kỳ và Đồng minh rút toàn bộ lực lượng ra khỏi Đông Dương không điều kiện. Hà Nội còn muốn chính phủ Thiệu từ chức và cuộc bầu cử sẽ do một chính quyền ba thành phần là BVN, NVN và MTDTGP đứng ra tổ chức. (John S. Bowman, sđd. tr. 189)
Trong cuộc thăm viếng Trung Quốc vào tháng 2-1972, tổng thống Nixon chính thức công nhận chỉ có một nước Trung Quốc, đồng thời Nixon cho các nhà lãnh đạo CS Trung Quốc biết rằng Hoa Kỳ sẽ đơn phương rút quân khỏi Việt Nam. Được Chu Ân Lai báo lại cho biết tin nầy, các lãnh tụ CSVN mở cuộc tấn công lớn trên toàn lãnh thổ VNCH từ cuối tháng 3-1972.
Dầu chiến đấu đơn độc sau khi quân đội Hoa Kỳ rút về nước, quân đội VNCH đã đẩy lui quân CS trong “mùa hè đỏ lửa” năm 1972 trên tất cả các mặt trận. Hoa Kỳ phản ứng đối với cuộc tấn công của CS bằng hai cách: 1) Tại Paris, ngày 23-3-1972, trưởng phái đoàn Hoa Kỳ William Porter tuyên bố theo lệnh của tổng thống Nixon, ngưng hội đàm vô thời hạn, đòi hỏi CS phải chấm dứt tấn công VNCH trước khi tiếp tục thương thuyết. 2) Ngày 10-4-1972, phi cơ B-52 của Hoa Kỳ tái oanh kích BVN. Ngày 16-4-1972, B-52 thả bom ở cả hai thành phố Hà Nội và Hải Phòng, lần đầu tiên kể từ 01-11-1968. Từ các hàng không mẫu hạm, hàng trăm phi cơ oanh kích các cơ sở quân sự quanh hải cảng Hải Phòng và khoảng 60 phi cơ oanh kích các kho chứa nhiên liệu ở Hà Nội. Người Mỹ còn báo cho biết sẽ bắn phá tất cả các cơ sở quân sự bất cứ nơi đâu ở BVN. Tức thì, sinh viên tại khắp các tiểu bang lớn ở Hoa Kỳ biểu tình phản đối chuyện ném bom.
Trước áp lực của Hoa Kỳ, dầu vẫn bị ném bom liên tục, BVN và MTDTGP trở lại bàn hội nghị ngày 27-4-1972. Tuy nhiên, hội nghị vẫn không có gì tiến bộ nên trong cuộc họp hai/bốn bên thứ 149 tại Paris ngày 4-5-1972, hai phái đoàn Hoa Kỳ và VNCH cùng đồng ý tạm ngưng họp vô thời hạn. Nhiều cuộc mật đàm diễn ra để tìm cách giải tỏa bế tắc, nhưng cũng chẳng đi đến đâu, vì bên nào cũng khư khư bảo thủ ý kiến của mình.
Tạm ngưng họp ở Paris, ngày 8-5-1972, tổng thống Nixon ra lệnh mở chiến dịch Linebacker, phong tỏa và đặt mìn các hải cảng BVN, oanh tạc các cầu, đường vận chuyển võ khí từ Trung Quốc sang BVN. Làn sóng phản đối chiến tranh lan rộng trong các trường Đại học, mạnh nhất ở Boston, San Jose, Florida. Ngày 9-5-1972, các thượng nghị sĩ đảng Dân Chủ thông qua một quyết nghị bác bỏ cuộc leo thang chiến tranh tại Việt Nam.
Lúc đó, BVN không thể chiến thắng quân đội VNCH trong “mùa hè đỏ lửa”, dầu lực lượng Hoa Kỳ giảm xuống chỉ còn dưới 70,000 vào tháng 5-1972. Bắc Việt Nam còn bị thấm đòn oanh tạc nặng nề của Không quân Hoa Kỳ, nên BVN thay đổi sách lược, trở lại bàn hội nghị, kiếm cách thỏa hiệp với Hoa Kỳ để Hoa Kỳ ngưng oanh tạc, nhanh chóng rời khỏi NVN, như tổng thống Nixon đã báo trước cho các lãnh tụ cộng sản Trung Quốc. Hội nghị Paris bước qua giai đoạn thứ ba.
(Còn tiếp) (Trích: Việt sử đại cương tập 7, sẽ xuất bản.)
TRẦN GIA PHỤNG
(Toronto, 14-1-2013)
-

Giai đoạn 3 Hội nghị Paris »

Hội nghị Paris (Bài 3) Bài 1
khoanh-khac-ha-noi-bi-rai-bom-nam-1972-9e1c1f
Hội nghị Paris (1968-1972) có thể chia làm ba giai đoạn. Hai giai đoạn đầu đã được trình bày trong bài 2.  Nay xin trình bày giai đoạn thứ ba của Hội nghị Paris.
Sau hơn hai tháng gián đoạn, cuộc họp lần thứ 150 diễn ra ngày 13-7-1972, mở đầu giai đoạn thứ ba của hội nghị Paris.  Giai đoạn nầy kéo dài cho đến khi kết thúc bằng cuộc họp thứ 174 (cuối cùng) ngày 18-1-1973, tức hơn sáu tháng.  Từ đây, các cuộc họp diễn ra đều đặn hàng tuần vào ngày Thứ Bảy.
Trong cuộc họp ngày 13-7-1972, hai bên vẫn giữ lập trường cũ, chưa có gì mới.  Trọng tâm cuộc họp là vai trò tương lai của chính phủ Sài Gòn.  Ngày 19-7-1972, Henry Kissinger họp mật lần thứ 14 với Lê Đức Thọ và Xuân Thủy.  Theo sự thỏa thuận giữa hai bên, hai bên sẽ giữ bí mật nội dung cuộc họp nầy. (John S. Bowman, sđd. tr. 200.)
Theo tài liệu sau nầy về phía CS, thì lúc đó, Kissinger cho biết Hoa Kỳ đã thân thiện trở lại với những kẻ thù cũ [tức Trung Quốc và Liên Xô], rằng Hoa Kỳ có thể chung sống với Bắc Kinh và Moscow, thì Hoa Kỳ có thể chung sống với Hà Nội.  (Điều nầy, Kissinger đã nói với Chu Ân Lai tại Bắc Kinh).  Lần đầu tiên Kissinger đề nghị ngừng bắn tại chỗ, Hoa Kỳ hợp tác gỡ mìn ở miền Bắc, rút quân Hoa Kỳ và Đồng minh, không đòi hỏi BVN rút quân, và BVN trao trả tù binh và thường dân.  (Lưu Văn Lợi-Nguyễn Anh Vũ, sđd. tt. 225-233)  Như thế là Hoa Kỳ bãi bỏ điều kiện tiên quyết của Hoa Kỳ là BVN rút quân ra khỏi miền NVN cùng lần với Hoa Kỳ.  Hoa Kỳ không thông báo cho phía VNCH biết điều nầy.
Sau hai cuộc mật đàm ngày 1-8-1972 (thứ 15) và ngày 14-8-1972 (thứ 16), Lê Đức Thọ về Hà Nội, (Lưu Văn Lợi-Nguyễn Anh Vũ, sđd. tr. 259.) để báo cáo, trong khi Henry Kissinger qua Sài Gòn ngày 17-8-1972, thông báo tin tức, thảo luận và áp lực tổng thống Thiệu (Nguyễn Tiến Hưng, sđd. tr.113.)
Tổng thống Thiệu đòi hỏi phải có sự rút quân song phương cả Mỹ lẫn BVN, phản đối chuyện liên hiệp với MTDTGP và phản đối sự thành lập Ủy ban Hòa giải Hòa hợp.  “Kissinger với Thiệu giống như hai người ông nói gà bà nói vịt.” (Nguyễn Tiến Hưng và Jerrold L. Schecter, sđd. tr. 114.)  Cuộc gặp gỡ không đưa đến kết quả.  Vào giữa tháng 8-1972, lực lượng Hoa Kỳ còn lại ở Việt Nam khoảng 44,600 quân. (John S. Bowman, sđd. tr. 201.)
Trong khi đang tiến hành chiến dịch Linebacker, tổng thống Nixon cùng cố vấn An ninh là Kissinger đi thăm Liên Xô từ 22 đến 30-5-1972, và ký thỏa ước SALT (Strategic Arms Limitation Treaty) ngày 26-5-1972 với Leonid Brezhnev.  Trong cuộc thương thuyết Mỹ-Liên Xô, phía Mỹ hứa hẹn sẽ cho Liên Xô được hưởng quy chế tối huệ quốc (most favored nation), mở đường giao thương với Hoa Kỳ và Tây Âu.  Để đáp lại thiện chí của Hoa Kỳ, Liên Xô áp lực với CSVN ngưng đòi hỏi điều kiện tiên quyết là loại bỏ tổng thống Thiệu để khai thông hội nghị. (Trần Đông Phong, Việt Nam Cộng Hòa 10 ngày cuối cùng, California: Nxb. Nam Việt, 2006, tt. 17-18.)
Vì vậy, khi trở lại Paris, trong cuộc họp mật lần thứ 17 ngày 15-9-1972, lần đầu tiên Lê Đức Thọ cho biết CSVN chấp nhận sự tồn tại của chính quyền Sài Gòn (chữ của CSVN) song song với chính phủ lâm thời CHMNVN (chữ của CSVN), (Lưu Văn Lợi – Nguyễn Anh Vũ, sđd tt. 262-263), nghĩa là CSVN bãi bỏ điều kiện tiên quyết là phải giải thể chế độ VNCH.  Như thế có nghĩa là mỗi bên, Hoa Kỳ và VNDCCH bãi bỏ một điều kiện tiên quyết, nên hai bên bắt đầu đi vào bàn luận những vấn đề chuyên môn cụ thể cho cuộc đình chiến.
Trong cuộc họp mật lần thứ 18 (26 và 27-9-1972), hai bên đưa thêm những đề nghị mới, những chi tiết mới, thảo luận, cọ sát, so sánh ý kiến hai bên để tìm kiếm những điểm chung hai bên có thể chấp nhận được, nhằm đi đến hiệp định đình chiến.  Phía CSVN, Lê Đức Thọ điện về Hà Nội xin ý kiến, trong khi phía Mỹ, Kissinger về Mỹ và đề cử người phụ tá là tướng Alexander Haig qua Sài Gòn để thảo luận với tổng thống Thiệu.
Tổng thống Thiệu tiếp Haig hai lần.  Lần thứ nhất ngày 2-10 và lần thứ hai ngày 4-10-1972.  Cuộc gặp ngày 4-10 có cả các nhân vật trong Hội đồng An ninh Quốc gia. (Phó tổng thống Hương, thủ tướng Khiêm, bộ trưởng Ngoại giao Lắm, phụ tá Ngoại giao Đức, phụ tá đặc biệt Nhã).  Tổng thống Thiệu phản đối lập trường cũng như đề nghị của Hoa Kỳ, và trao cho Haig một bản tóm tắt lập trường của VNCH để Kissinger tham khảo trước cuộc mật đàm sắp đến với Lê Đức Thọ.
Sau khi Haig về lại Washington DC, tổng thống Nixon gởi tổng thống Thiệu văn thư đề ngày 6-10-1972, vừa thân thiện, vừa an ủi, vừa bảo đảm và vừa đe dọa. Gần cuối thư, có đoạn viết: “…Tôi xin Ngài cố áp dụng mọi biện pháp để tránh sinh ra sau nầy một không khí có thể đưa tới những biến cố tương tự như biến cố mà chúng tôi đã ghê tởm năm 1963 và chính bản thân tôi cũng đã kịch liệt phản đối năm 1968...”  (Nguyễn Tiến Hưng và Jerrold L. Schecter, sđd. tr. 128.)  Như thế, Nixon ngầm đe dọa tổng thống Thiệu có thể gặp trường hợp bị sát hại như tổng thống Ngô Đình Diệm.
Trong lần mật đàm thứ 19 tái diễn từ 8 đến 12-10-1972, phái đoàn Hoa Kỳ có thêm tướng Alexander Haig.  Cả hai bên đều đưa ra dự thảo hiệp định đình chiến của mình.  Ngày 17-10-1972, mật đàm tiếp tục.  Hai bên giải quyết những bất đồng chót, thỏa thuận dự thảo hiệp định và dự tính sẽ ký kết hiệp định đình chiến vào cuối tháng 10-1972.  Cuộc họp nầy cũng dự tính Kissinger sẽ đi Hà Nội ngày 23-10 sau khi Kissinger đến Sài Gòn để thông báo nhằm đạt sự thỏa thuận về phía VNCH.  Ngày 23-10-1972 cũng là ngày chấm dứt chiến dịch Linebacker oanh kích BVN.
Sau cuộc mật đàm nầy, Kissinger từ Paris qua Sài Gòn ngày 18-10 để thảo luận với tổng thống Nguyễn Văn Thiệu.  Trước khi Kissinger đến Việt Nam, ngày 17-10, tổng thống Thiệu nhận được một tài liệu CS bắt được ở Quảng Tín, nhan đề là “Chỉ dẫn tổng quát về việc ngừng bắn”.   Tổng thống Thiệu rất tức giận cho rằng cán bộ CS ở một tỉnh nhỏ còn biết nhiều chi tiết về hội nghị Paris hơn ông. (Nguyễn Mạnh Hùng dịch, Không hòa bình, chẳng danh dự, Nixon, Kissinger và sự phản bội ở Việt Nam,  California: Nxb. Viet Tide, 2003, tt. 221.  Nguyên bản của Larry Berman, No Peace, No Honor: Nixon, Kissinger, and Betrayal in Vietnam, New York: Simon & Schuster, 2001.)
Trong cuộc hội kiến tại Dinh Độc Lập ngày 19-10, Kissinger trình lên tổng thống Thiệu bản dự thảo hiệp ước bằng Anh ngữ.  Phía chính phủ Sài Gòn đòi xem bản dự thảo bằng Việt ngữ, nhưng  Kissinger trả lời không mang theo.  Sau hai giờ thảo luận (từ 11 giờ đến 1 giờ), cuộc họp chấm dứt.   Hôm sau, 20-10, Kissinger gặp nhóm phụ tá của tổng thống Thiệu tại tư thất của ngoại trưởng Trần Văn Lắm.  Cuộc họp khá căng thẳng.  Hoàng Đức Nhã yêu cầu Kissinger giải thích 64 điểm trong dự thảo hiệp ước, nhưng Kissinger cho rằng chỉ có 8 điểm là quan trọng.  Cuộc họp rất gây cấn vì VNCH không chịu nhượng bộ.  Sau cuộc họp, Hoàng Đức Nhã gặp tổng thống Thiệu báo cáo tình hình và đề nghị tổng thống hủy bỏ phiên họp với Kissinger dự tính vào chiều hôm đó. (Larry Berman, sđd., Nguyễn Mạnh Hùng dịch, tr. 226.)
Kissinger đành qua Pnom Penh gặp Lon Nol, rồi ngày 21-10 quay trở về Sài Gòn.  Trong cuộc họp với Kissinger ngày hôm sau 22-10-1972, tổng thống Thiệu tố cáo Hoa Kỳ thông đồng cùng Liên Xô và Trung Quốc nhằm lật đổ chế độ VNCH và tổng thống Thiệu đã bác khước hầu như từng điểm một bản dự thảo hiệp định do Kissinger đưa ra.  Hôm sau, 23-10, Kissinger đến Dinh Độc Lập thuyết phục tổng thống Thiệu lần chót nhưng không được.  Kissinger lên máy bay về nước cùng ngày. (Larry Berman, sđd., Nguyễn Mạnh Hùng dịch, tt. 219-243.)
Ngày 24-10-1972, trong khi chính phủ Hoa Kỳ tạm ngưng các cuộc oanh kích phía trên vĩ tuyến 20 ở BVN nhằm đáp lại những thỏa thuận trong các cuộc mật đàm tại Paris, thì tổng thống Thiệu tuyên bố tại Sài Gòn rằng tất cả những đề nghị hòa bình thảo luận giữa Kissinger và Lê Đức Thọ tại Paris là không thể chấp nhận và kêu gọi quân đội VNCH cương quyết quét sạch quân đội CS ra khỏi lãnh thổ miền NVN.
Trước phản ứng mạnh mẽ của tổng thống Thiệu, cả phía Hoa Kỳ lẫn phía CSVN đều tức giận.  Hoa Kỳ đổ lỗi cho VNCH gây trở ngại cho việc ký kết hiệp định.  Lúc đó, người Hoa Kỳ dọa đưa tổng thống Thiệu lên máy bay ra nước ngoài ngày 26-10-1972. (Chính Đạo, sđd. tt. 98-99.)   Hà Nội tố cáo là Hoa Kỳ phá hoại hiệp định bằng cách đổ lỗi cho những khó khăn từ phía Sài Gòn.
Theo dự tính, Kissinger sẽ có mặt ở Hà Nội ngày 23-10-1972 để ký tắt hiệp định, nhưng vì không thuyết phục được tổng thống Thiệu, nên Kissinger quay về Hoa Kỳ.  Ngày 26-10-1972, tại Hà Nội, đài phát thanh CS công bố tóm lược 9 điểm thỏa thuận giữa Hoa Kỳ và BVN về dự thảo hiệp định ngưng bắn.  Tại Paris, Xuân Thủy họp báo cho biết rằng Hoa Kỳ và BVN đã đạt được thỏa hiệp ngày 17-10-1972, trừ hai điểm: việc trao trả tù binh và chuyển giao võ khí sau ngưng bắn.  Xuân Thủy trách rằng dầu BVN đã chấp nhận tất cả những đề nghị của Hoa Kỳ về các điểm nầy, nhưng Hoa Kỳ từ chối ký kết hiệp định vào ngày 31-10-1972 và đòi hỏi phải thương lượng thêm nữa.
Tại Hoa Kỳ, trong cuộc họp báo tại tòa Bạch ốc ngày 26-10-1972, Kissinger tuyên bố rằng “Chúng tôi tin tưởng hòa bình đang ở trong tầm tay.” (Nguyên văn: “We believe that peace is at hand.”  (Richard Nixon,sđd. tr. 705.)  Tuy nhiên, Hoa Kỳ chưa chấp nhận ký kết hiệp định ngày 31-10-1972.  Tại Sài Gòn, tổng thống Thiệu tuyên bố ngày 1-11-1972 rằng sơ thảo hiệp định là “sự đầu hàng cộng sản” và “bán đứng” VNCH. (John S. Bowman, sđd. tt. 204-205.)
Dầu chưa ký hiệp định về Việt Nam, ngày 7-11-1972, Richard Nixon tái đắc cử tổng thống Hoa Kỳ, có thể nhờ đã rút khá nhiều quân Hoa Kỳ về nước và những thành công ngoại giao với Liên Xô và Trung Quốc.  Ngày 14-11-1972, Nixon gởi thư cho tổng thống Thiệu hứa sẽ bảo vệ miền NVN, bảo đảm rằng Hoa Kỳ sẽ phản ứng mạnh nếu Hà Nội vi phạm cuộc ngưng bắn và ra lệnh cho Kissinger đưa cho Lê Đức Thọ những điểm sửa đổi hiệp định do tổng thống Thiệu đưa ra. (John S. Bowman, sđd. tr. 205.)
Dầu tố cáo lẫn nhau, Kissinger và Lê Đức Thọ mật đàm trở lại lần thứ 21 ngày 20-11-1972.  Hai điểm khác biệt chính được nêu ra là vấn đề chính phủ Thiệu và chủ quyền miền Nam, và vấn đề lực lượng kiểm soát ngưng bắn tại Việt Nam, mà Hoa Kỳ đề nghị nhiều ngàn người còn BVN đề nghị chỉ 250 người.  Sau cuộc họp mật từ ngày 23 đến 25-11-1972, hội nghị gặp bế tắc.  Dư luận cho rằng hai vấn đề làm thất bại cuộc họp là sự thành lập và hoạt động của ủy ban quốc tế kiểm soát đình chiến và đòi hỏi của tổng thống Thiệu là toàn thể quân đội BVN phải rút ra khỏi NVN.
Ngày 4, 6 và 7-12 lại mật đàm lần thứ 22, nhưng vẫn khó khăn ở điểm VNCH đòi BVN phải rút quân, trong khi BVN đòi Hoa Kỳ trở lại với thỏa thuận ngày 17-10-1972.  Ngày 10-12-1972, chuyên viên hai bên bắt đầu hiệu đính hiệp định theo ngôn ngữ của mình (Anh và Việt).  Ngày 13-12, sau khi gặp lần nữa với Lê Đức Thọ, Kissinger về Hoa Kỳ trình với tổng thống Nixon.
Vấn đề khó khăn nhất là tổng thống Thiệu đòi hỏi BVN phải rút quân, hay ít nhất là phải thừa nhận chủ quyền của chính phủ VNCH ở NVN, vì điều đó cho thấy sự hiện diện của quân CS BVN là bất hợp pháp.  Kissinger đề nghị Nixon mở cuộc oanh kích BVN ngay từ lúc đó hay sẽ oanh kích mạnh mẽ BVN nếu cuộc mật đàm lần tới thất bại.
Ngày 14-12-1972, tổng thống Nixon kêu gọi Hà Nội thương thuyết nghiêm chỉnh để tránh bị dội bom.  Hai hôm sau, trong một cuộc họp báo, Kissinger cho biết cuộc hòa đàm thất bại vì Hà Nội không chấp nhận một nền hòa bình công chính và hợp lý do tổng thống Nixon đề nghị.  Hà Nội và MTGPMN vẫn nhắc lại luận điệu cũ, tố cáo Hoa Kỳ phá hỏng hòa đàm.
Ngày 18-12-1972, chính phủ Hoa Kỳ ra lệnh thực hiện chiến dịch Linebacker II, thường được gọi là cuộc “oanh kích Giáng Sinh”, tấn công dữ dội cả hai vùng Hà Nội và Hải Phòng.  Trong khi đó, tuy không mật đàm, nhưng cuộc họp công khai hai/bốn bên vẫn tiếp tục.  Trong phiên họp lần thứ 171 ngày 21-12-1972, phái đoàn VNDCCH và MTDTGP bỏ phòng họp, phản đối việc Hoa Kỳ dội bom BVN.
Ngày 26-12-1972, BVN đồng ý tái mật đàm trong vòng năm ngày sau khi ngưng dội bom.  Ngày 30-12-1972, Nixon ra lệnh ngưng oanh tạc những mục tiêu BVN ở phía bắc vĩ tuyến 20.  Phía nam vĩ tuyến nầy vẫn tiếp tục bị tấn công.
Phiên họp công khai hai/bốn bên thứ 172 tái tục ngày 4-1-1973, trong khi Kissinger và Lê Đức Thọ mật đàm trở lại bắt đầu từ ngày 8-1-1973.  Đây là cuộc mật đàm lần thứ 23 giữa hai bên.  Trong ngày 11-1-1973, Lê Đức Thọ đưa ra dự thảo nghị định thư về sự đóng góp của Mỹ sau chiến tranh nhằm tái thiết BVN và đòi hỏi số tiền lên đến 5 tỷ Mỹ kim.  Kissinger trả lời là vấn đề đó sẽ được giải quyết sau khi hiệp định đã được ký kết và tổng thống Hoa Kỳ sẽ gởi công hàm về vấn đề nầy.  (Lưu Văn Lợi – Nguyễn Anh Vũ sđd. tr. 397.)
Cũng trong ngày hôm đó, Kissinger điện cho Nixon là đã hoàn tất hiệp định kể cả dự tính ngày ký kết.  Cuộc mật đàm lần nầy kết thúc ngày 13-1-1973.  Theo Nixon, vì hòa đàm đã tiến bộ nên ngày 15-1-1973, Nixon ra lệnh chấm dứt chiến dịch Linebacker II, chấm dứt oanh tạc và chấm dứt phong tỏa BVN. (Còn tiếp) (Trích Việt sử đại cương tập 7, sẽ xuất bản.)
(Toronto, 16-01-2013)
© Trần Gia Phụng
© Đàn Chim Việt

-

Trần Gia Phụng: Hội Nghị Paris (Bài 4) – Việc Ký Kết Hiệp Định Paris



1.- TỔNG THỐNG NIXON ĐE DỌA TỔNG THỐNG THIỆU
Khi Kissinger từ Paris trở về Hoa Kỳ tường trình với tổng thống Nixon ngày 13-1-1973, thì ngày 14-1-1973 Nixon gởi tướng Alexander Haig đi Sài Gòn để thuyết phục tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Nói là thuyết phục, nhưng thực sự là phái đoàn Haig đến Sài Gòn để đe dọa, áp đặt và tìm cách bắt buộc tổng thống Thiệu phải chấp nhận hiệp định đình chiến do Hoa Kỳ và BVN soạn thảo.
Trong cuộc thảo luận riêng với Henry Kissinger về việc áp đặt và bắt buộc tổng thống Thiệu phải ký kết hiệp định theo ý Hoa Kỳ, tổng thống Nixon đã nói với Kissinger bằng những lời lẽ chẳng ngoại giao tý nào: “Tôi không biết rằng những lời đe dọa liệu có đủ hay không, nhưng tôi sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết như là – hay sẽ cắt đầu ông ta nếu cần.” (Tin AFP, thứ Ba 23-6-2009. BBC thứ Tư 24-6-2009.)
“… Sẽ cắt đầu ông ta nếu cần…” cho thấy quyết tâm của Nixon buộc tổng thống Thiệu phải ký hiệp định Paris do Mỹ và CSVN soạn thảo. Trong hồi ký của mình, Nixon không nói chuyện cắt đầu, nhưng lối viết của ông rõ ràng có tính cách đe dọa, dầu chỉ viết hồi ký để tự ghi lại những việc mình làm: “Sự lựa chọn của Thiệu thật là đơn giản, ông ta hoặc là muốn tự tử, hoặc chấp nhận sự sắp đặt có thể cứu nước ông và bản thân ông.” (Nixon, sđd. tr. 750.)
Trong lá thư do Alexander Haig cầm tay và giao cho tổng thống Thiệu trong cuộc gặp gỡ ngày 16-1-1973, Nixon nói rằng ông ta dứt khoát quyết định ký tắt hiệp định vào ngày 23-1-1973 và ký kết ngày 27-1-1973. Nếu tổng thống Thiệu từ chối hay cản trở, Nixon viết tiếp: “Trong trường hợp đó, tôi sẽ giải thích công khai rằng chính quyền của Ngài cản trở hòa bình. Kết quả không tránh khỏi là Hoa Kỳ lập tức chấm dứt viện trợ kinh tế và quân sự, mà không thể tránh trước được bằng cách thay đổi nhân sự trong chính quyền của Ngài. Dầu sao, tôi hy vọng sau những gì mà hai quốc gia chúng ta đã từng chia sẻ và từng đau khổ với nhau trong cuộc tranh chấp [chiến tranh], chúng ta sẽ cùng nhau bảo vệ hòa bình và hưởng phúc lợi hòa bình. Trong mục đích đó, tôi muốn nhắc lại cho Ngài sự bảo đảm mà tôi đã đưa ra. Vào lúc hiệp định được ký kết, tôi sẽ mạnh mẽ làm rõ rằng Hoa Kỳ thừa nhận chính quyền của Ngài là chính quyền hợp pháp duy nhất tại miền Nam Việt Nam, rằng chúng tôi không thừa nhận quyền của bất cứ quân đội nào từ bên ngoài hiện diện trong lãnh thổ miền Nam Việt Nam và rằng chúng tôi sẽ phản ứng mạnh mẽ việc vi phạm hiệp định. Cuối cùng, tôi xin nhấn mạnh tôi không ngừng bảo vệ nền tự do và sự tiến bộ của Việt Nam Cộng Hòa. Đó là ý định tôi cương quyết viện trợ kinh tế và quân sự đầy đủ…” (The Memoirs of Richard Nixon, sđd. tt. 749-750.)
So với lá thư ngày 6-10-1972 đe dọa sinh mạng tổng thống Thiệu, lời lẽ lá thư nầy của Nixon tuy lịch sự, nhưng cương quyết và cứng rắn, ép tổng thống Thiệu vào tình thế hết sức khó khăn và tế nhị. Nếu tổng thống Thiệu không chịu ký hiệp định, thì Hoa Kỳ “sẽ giải thích công khai rằng chính quyền của Ngài [tổng thống Thiệu] cản trở hòa bình. Kết quả không tránh khỏi là Hoa Kỳ lập tức chấm dứt viện trợ kinh tế và quân sự…” Khi đó, tổng thống Thiệu chẳng những bị dư luận quốc tế công kích là cản trở hòa bình, mà ông còn bị cả dân chúng NVN kết tội là đã làm mất đi nguồn viện trợ từ phía Hoa Kỳ.
Cuối cùng, tổng thống Thiệu không còn cách chọn lựa nào khác là đành phải chấp nhận hiệp định sắp xếp giữa Hoa Kỳ và BVN, Tuy nhiên, tổng thống Thiệu còn cố gắng đòi hỏi thêm trong thư trả lời Nixon trao cho Alexander Haig trong cuộc gặp ngày 17-1-1973, nhưng vô ích vì mọi thứ đã được ấn định, chỉ còn chờ ngày ký kết. Nhiều người trách tổng thống Thiệu nhượng bộ vì quá sợ bị ám sát, nhưng ở trong hoàn cảnh của tổng thống Thiệu lúc đó, thử hỏi có cách nào làm gì khác hơn được?
Phiên họp công khai hai/bốn bên thứ 174, tức phiên họp chót mở ra ngày 18-1-1973. Hai ngày sau, 20-1-1973 Richard Nixon tuyên thệ nhận chức tổng thống lần thứ hai tại Washington D.C. Lúc đó, có tin cựu tổng thống Lyndon Johnson từ trần ngày 22-1-1973.
Cuộc mật đàm cuối cùng (lần thứ 24) bắt đầu lúc 9:35 sáng 23-1-1973. Lê Đức Thọ trở lại việc đòi hỏi Hoa Kỳ viện trợ kinh tế cho Bắc Việt Nam sau chiến tranh, nhưng Kissinger lập lại rằng sẽ bàn luận việc nầy sau khi hai bên ký kết hiệp định và sau khi quốc hội Hoa Kỳ nghiên cứu và phê chuẩn hiệp định. (Henry Kissinger, sđd. tr. 1472.)
2.- VIỆC KÝ KẾT
Cuối cùng, ngày 27-1-1973, Hiệp định chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam (Agreement on Ending the War and Restoring Peace in Vietnam), còn được gọi là Hiệp định Hòa bình Paris (Paris Peace Accords) được ký kết tại nơi bắt đầu, tức Trung Tâm Hội Thảo Quốc Tế (Centre de Conférences International), trong khách sạn Majestic, số 19 đường Kléber, Paris.
Hiệp định Paris gồm 9 chương, 23 điều, có hai bản. Bản thứ nhất giữa bốn bên VNCH, Hoa Kỳ và CHMNVN, VNDCCH. Bản thứ hai giữa hai bên Hoa Kỳ và VNDCCH.
Hai bản chỉ khác nhau ở phần mở đầu và điều 23, còn giống nhau từ điều 1 đến điều 22. Vì có hai bản, nên hiệp định Paris được ký kết hai lần: Bốn bên VNCH, Hoa Kỳ, VNDCCH và CHMNVN ký kết vào buổi sáng 27-1-1973. Hai bên Hoa Kỳ và VNDCCH ký kết vào buổi chiều 27-1-1973. Bộ trưởng Ngoại giao bốn bên ký vào hiệp định Paris là: Trần Văn Lắm (VNCH), William Rogers (Hoa Kỳ), Nguyễn Duy Trinh (VNDCCH) và Nguyễn Thị Bình (CHMNVN). Đại diện hai bên Hoa Kỳ và VNDCCH ký vào hiệp định chiều 27-1-1973 là: William Rogers (Hoa Kỳ) và Nguyễn Duy Trinh (VNDCCH). Hiệp định có hiệu lực từ 0 G. giờ quốc tế GMT đêm 27 rạng 28-1-1973, tức 8 giờ sáng giờ Việt Nam ngày 28-1-1973.
Những điểm chính của hiệp định Paris là: Ngưng bắn trên toàn lãnh thổ Việt Nam; Hoa Kỳ rút quân đội và cố vấn còn lại (khoảng 23,700) trong 60 ngày; Hoa Kỳ triệt phá tất cả các căn cứ trong 60 ngày; trao trả tù binh Hoa Kỳ và các tù binh khác trong 60 ngày; quân đội Bắc Việt tiếp tục đóng giữ tại chỗ ở Nam Việt Nam; rút tất cả các lực lượng ngoại nhập tại Lào và Cao Miên; cấm lập căn cứ và chuyển quân qua hai nước nầy; duy trì khu phi quân sự tại vĩ tuyến 17 làm ranh giới tạm thời cho đến khi nào thống nhất đất nước bằng một giải pháp hòa bình; thành lập Ủy ban Kiểm soát Quốc tế gồm có người các nước Canada, Hungary, Ba Lan và Indonesia với 1,160 thanh tra kiểm soát việc thi hành hiệp định; Nguyễn Văn Thiệu vẫn là tổng thống miền Nam Việt Nam cho đến khi có bầu cử; Bắc Việt Nam tôn trọng quyền tự quyết của dân chúng Nam Việt Nam; không chuyển quân qua khu phi quân sự; không sử dụng võ lực để thống nhất đất nước. (John S. Bowman, sđd. tr. 210.)
3.- CÁC NGHỊ ĐỊNH THƯ VÀ ĐỊNH ƯỚC QUỐC TẾ
Nghị định thư là những thỏa thuận về một hay nhiều vấn đề chuyên biệt, chưa quy định và đầy đủ trong hiệp định, nay được triển khai chi tiết. Bên cạnh hiệp định Paris, có bốn nghị định thư sau đây, ký ngày 27-1-1973, bằng hai thứ tiếng Anh và Việt:
* Nghị định thư về Ủy ban Quốc tế kiểm soát và Giám sát của Hiệp định chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam, gồm 18 điều. Bốn bên đều ký.
* Nghị định thư về việc trao trả nhân viên quân sự bị bắt, thường dân nước ngoài bị bắt và nhân viên dân sự Việt Nam bị bắt và giam giữ của Hiệp định chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam gồm 14 điều. Bốn bên đều ký.
* Nghị định thư về ngưng bắn ở miền Nam Việt Nam và về các Ban Liên hợp Quân sự của Hiệp định chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam, gồm 19 điều. Bốn bên đều ký.
* Nghị định thư về việc tháo gỡ và vô hiệu hóa mìn trên các thủy lộ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa của Hiệp định chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam, gồm 8 điều, ký kết giữa Hoa Kỳ và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.
Ngoài ra, điều 19 chương VI Hiệp định Hòa bình Paris quy định rằng các bên thỏa thuận về việc triệu tập một hội nghị quốc tế trong vòng ba mươi ngày kể từ khi ký Hiệp định nầy để ghi nhận các hiệp định đã được ký kết, bảo đảm chấm dứt chiến tranh, giữ vững hòa bình ở Việt Nam, tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam và quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam, góp vào hòa bình và bảo đảm hòa bình ở Đông Dương.
Dựa vào điều nầy, HỘI NGHỊ QUỐC TẾ đã được triệu tập từ 26-2 đến 2-3-1973 tại Paris, gồm bốn bên trong hội nghị Paris, cùng bốn nước trong Ủy ban Quốc tế Kiểm soát đình chiến là Canada, Hungary, Indonesia, Poland và bốn nước Anh, Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc, Liên Xô và Pháp.
Hội nghị quốc tế gồm 12 thành viên trên đây đi đến ký kết một văn bản được gọi là “Định ước của Hội nghị Quốc tế về Việt Nam”, ngày 2-3-1973, gồm 9 điều, “nhằm mục đích ghi nhận các hiệp định đã được ký kết, bảo đảm chấm dứt chiến tranh, giữ vững hòa bình ở Việt Nam…”. Đại diện các bên tham chiến và đại diện chính phủ các nước trên đây đã ký vào bản định ước nầy trước sự chứng kiến của tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, lúc đó là Kurd Waldheim (người Áo, tổng thư ký LHQ từ 1972 đến 1981).
Dầu có sự chứng kiến của vị tổng thư ký LHQ và các cường quốc trên thế giới cùng các thành viên Ủy ban Quốc tế Kiểm soát đình chiến, chỉ vài tháng sau khi hiệp định Paris được ký kết, CS vi phạm hiệp định, xua quân tấn công VNCH.
KẾT LUẬN (TOÀN BÀI “HỘI NGHỊ PARIS”)
Như thế là hội nghị Paris kéo dài trong bốn năm chín tháng, từ 13-5-1968 đến 27-1-1973, đưa đến Hiệp định chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam (Agreement on Ending the War and Restoring Peace in Vietnam), gọi tắt là Hiệp định Hòa bình Paris (Paris Peace Accords).
Hoa Kỳ đến NVN nhắm mục đích giúp NVN ngăn chận sự bành trướng của chủ nghĩa CS xuống NVN và Đông Nam Á. Năm 1964, trước khi đem quân vào Việt Nam năm 1965, ngoại trưởng Hoa Kỳ Dean Rusk qua Ottawa (Canada) gặp Blair Seaborn, trưởng đoàn đại diện Canada trong Ủy ban Kiểm soát Quốc tế, (International Control Commission), thông báo cho Hà Nội biết là Hoa Kỳ không muốn lật đổ chế độ Hà Nội mà chỉ muốn hòa bình, và thúc giục Hà Nội chấm dứt thù địch để đổi lấy viện trợ kinh tế của Hoa Kỳ. Seaborn đã tin cho Phạm Văn Đồng biết điều nầy trong cuộc gặp tại Hà Nội ngày 18-6-1964. (Mark Moyar, Triumph Forsaken, the Vietnam War, 1954-1965, New York: Cambridge University Press, 2006, tr. 307.)
Chiến lược phòng thủ NVN (không đánh ta Bắc như ở Nam Triều Tiên), dựa trên võ khí tối tân của Hoa Kỳ không phải là đối sách hữu hiệu đối với chiến tranh du kích và khủng bố của CSVN trong bối cảnh địa lý rừng núi NVN, nên quân đội Hoa Kỳ không thành công tại NVN. Muốn chiến thắng du kích CS ở NVN, thì phải tận diệt nguồn gốc, hang ổ tiếp tế cho CS ở NVN. Đó chính là BVN. Tuy nhiên, Hoa Kỳ chủ trương không lật đổ chế độ Hà Nội, nên không đưa bộ binh đánh BVN.
Dầu chưa thua trận nào từ cấp tiểu đoàn trở lên, nhưng quân đội Hoa Kỳ tại NVN càng ngày càng hao mòn, số thương vong mỗi ngày mỗi ít, cộng lại càng ngày càng cao nên dân chúng Hoa Kỳ càng ngày càng phản đối. Trong khi đó, để mở đầu liên lạc với Trung Quốc, làm hòa với Liên Xô, Hoa Kỳ quyết định thay đổi sách lược ngoại giao toàn cầu, quay qua bắt tay với Trung Quốc, rút quân khỏi NVN, bỏ rơi VNCH.
Khi muốn rút quân ra khỏi NVN, Hoa Kỳ có thể tự động âm thầm rút đi, nhưng vì bận tâm về những tù binh Hoa Kỳ trong tay CSVN, nên Hoa Kỳ phải họp hội nghị Paris để gọi là tìm kiếm “một nền hòa bình trong danh dự”, nhưng thật sự nhằm đưa tù binh Hoa Kỳ về nước.
Biết được chủ đích của Hoa Kỳ, CSVN nhởn nhơ vừa đàm vừa đánh, cho đến khi đạt được đòi hỏi của CSVN. Tại Paris, mỗi bên đặt lên bàn hội nghị một điều kiện tiên quyết. Hoa Kỳ đồng ý rút quân nhưng đòi hỏi BVN phải cùng rút quân. Bắc Việt Nam rất mong đợi Hoa Kỳ rút quân, nhưng đòi hỏi Hoa Kỳ phải giải thể chế độ Nguyễn Văn Thiệu trước khi rút quân và chỉ muốn đình chiến tại chỗ, BVN không rút quân.
Để nhanh chóng đi đến kết thúc, ký kết hiệp định trước ngày bầu cử tổng thống (7-11-1972), Henry Kissinger nhượng bộ, bỏ điều kiên tiên quyết của Hoa Kỳ, nghĩa là bỏ ý định đòi hỏi BVN rút quân. Khi đó, dưới áp lực của Liên Xô, phía BVN mới bỏ điều kiên tiên quyết của BVN, không còn đòi Hoa Kỳ giải thể chế độ Nguyễn Văn Thiệu. Sự nhượng bộ của Kissinger bị chính những nhân viên trong phái đoàn của Hoa Kỳ phản đối, nhưng Kissinger giải thích: “Các anh không hiểu. Tôi muốn nhận những điều kiện của họ. Tôi muốn đạt thỏa thuận. Tôi muốn chấm dứt cuộc chiến nầy trước kỳ bầu cử. Điều đó có thể làm được và sẽ được làm.” (Stanley Karnow, Vietnam, a History, New York: The Viking Press, 1983, tr. 648.)
Nói cho cùng, Hoa Kỳ ký hiệp định Paris để rút chân ra khỏi NVN và để lấy lại tù binh Hoa Kỳ từ tay BVN, chứ Hoa Kỳ cũng dự tính trước rằng với tham vọng xâm lược của BVN, hiệp định Paris sẽ bị CS vi phạm. Điều nầy sẽ có lợi cho Hoa Kỳ, vì một khi BVN vi phạm hiệp định Paris, thì không có lý do gì BVN đòi hỏi Hoa Kỳ phải tôn trọng hiệp định Paris. Khi đó, Hoa Kỳ sẽ khỏi phải viện trợ hậu chiến, một hình thức bồi thường chiến tranh cho BVN theo điều 21 chương VIII hiệp định Paris. Trong cuộc mật đàm ngày 11-1-1975, Lê Đức Thọ yêu cầu Hoa Kỳ đóng góp 5 tỷ Mỹ kim để tái thiết BVN. (Đã chú thích ở trên.) Phải chăng chính trong tính toán đó, Kissinger đã từng chỉ đường cho BVN tiếp tục tấn công NVN khi nói với Chu Ân Lai ngày 22-6-1972: “Nếu chúng tôi có thể sống với một chính phủ cộng sản ở Trung Quốc, chúng tôi phải có khả năng chấp nhận điều đó ở Đông Dương.”(Biên bản cuộc họp giữa Henry Kissinger và Chu Ân Lai ngày 22-6-1972, được giải mật năm 2006. (Nguồn: www.boston.com/news/nation/washington/articles/2006/05/27/kissinger)
Chưa hết, sau đó khi Đà Nẵng bị CSVN chiếm vào cuối tháng 3-1975, VNCH vẫn tiếp tục chiến đấu, Henry Kissinger đã thốt ra vào đầu tháng 4-1975: “Tại sao họ không chết lẹ đi cho rồi?” (Nguyễn Tiến Hưng và Jerrold L. Schecter, sđd. tr. 512.) Việt Nam Cộng Hòa chết lẹ thì Hoa Kỳ sẽ chấm hết tất cả những ràng buộc về Việt Nam, trong đó có cả việc thoát luôn khỏi bồi hoàn tái thiết cho BVN vì BVN xé bỏ hiệp định Paris, xâm chiếm miền NVN, thì Hoa kỳ không có lý do gì để bồi hoàn cho BVN.
Riêng đối với dân chúng Hoa Kỳ, chính phủ Nixon đã thành công và làm tròn lời hứa, kết thúc chiến tranh, rút quân đội Hoa Kỳ ra khỏi Việt Nam và đem tù binh về nước. Tuy nhiên, đối với VNCH, Hoa Kỳ bỏ rơi đồng minh đã từng cùng Hoa Kỳ chiến đấu chống CS, và lúc đó đang còn chiến đấu chống CS. Hoa Kỳ đến Việt Nam vì quyền lợi của Hoa Kỳ thì cũng vì quyền lợi của Hoa Kỳ, Hoa Kỳ ra đi. Chẳng những Hoa Kỳ mà tất cả các nước ngoài, dù CS hay tư bản đến giúp BVN hay NVN đều vì quyền lợi của họ, chẳng có nước nào đế giúp vô vị lợi. Đây là một tấm gương luôn luôn cần được ghi nhớ.
Đối với VNDCCH và công cụ là MTDTGP, Hiệp định Hòa bình Paris, ngưng bắn tại chỗ, là một thắng lợi lớn lao vì: 1) Trong khi Hoa Kỳ rút quân ra khỏi NVN, VNDCCH vẫn đóng quân trên những vùng họ đã chiếm đóng thuộc lãnh thổ VNCH theo thế da beo. 2) Hoa Kỳ không còn dùng phi cơ để oanh kích BVN là cơ hội cho CS tái thiết BVN, bổ sung quân số, chấn chỉnh lực lượng, và tăng cường võ khí cho quân đội CS ở miền Nam. Như thế nghĩa là CS chỉ ký Hiệp định Hòa bình Paris để tạm hưu chiến cho Hoa Kỳ lui quân, rồi CS sẽ tiếp tục tấn công một mình VNCH, xâm chiếm NVN.
Đối với VNCH, Hiệp định Hòa bình Paris là một thất bại chính trị quan trọng. Hiệp định nầy chỉ chấm dứt chiến tranh giữa Hoa Kỳ và VNDCCH, chứ không phải giữa VNCH và VNDCCH. Việt Nam Cộng Hòa vẫn phải tiếp tục tự vệ trước âm mưu xâm lăng của VNDCCH.
Sau hội nghị Paris, cả Hoa Kỳ lẫn CS đều tự cho là mình đã giành thắng lợi. Tuy nhiên, những tính toán chính trị sâu xa và lâu dài trên bàn cờ chính trị thế giới mới là câu trả lời ai là người thắng cuộc. Cho đến nay, sau khi khối CS Đông Âu sụp đổ năm 1990 và CS Việt Nam trải thảm đỏ rước Hoa Kỳ trở lại Việt Nam năm 1995, đã cho thấy rõ ràng rằng bên hiu hiu tự đắc thắng cuộc năm 1975 nay bị cả toàn dân Việt Nam lên án, thế giới khinh thường, Trung Cộng hiếp đáp, là thắng hay thua?
Điểm đáng ghi nhận thêm là nhờ Hội nghị Paris và nhờ hiệp định Paris mà ngày 16-10-1973, Henry Kissinger và Lê Đức Thọ được trao giải thưởng Hòa bình Nobel năm 1973. Lê Đức Thọ không nhận vì với Lê Đức Thọ, hiệp định Paris chỉ tạo cơ hội cho Hoa Kỳ rút quân và CS tiếp tục xâm lăng VNCH. (Trích Việt sử đại cương tập 7, sẽ xuất bản.)
TRẦN GIA PHỤNG
(Toronto, 26-1-2013)

Hiệp định Paris khiến VNCH sụp đổ? (BBC). -Gabriel Kolko
Viết từ Amsterdam


Hiệp định Hòa bình Paris về Việt Nam năm 1973 là một việc dùng sai thuật ngữ vì hòa bình chỉ đến với Việt Nam vào tháng 4 năm 1975, và chắc chắn không phải theo cách các điều khoản chính thức của Hiệp định đó đề ra.

Về cơ bản, Hiệp định tách rời vấn đề quân sự và chính trị, trong đó quân sự thì khá cụ thể nhưng chính trị thì cần nhiều đàm phán trong việc thực hiện những điều khoản này và nó không thể xảy ra một cách có hiệu quả.
Hiệp định lập ra một Ủy ban quân sự hỗn hợp, nhưng vì các quyết định của Ủy ban phải được nhất trí hoàn toàn giữa các bên nên nó sẽ chỉ có thể dẫn tới thất bại.
Hiệp định tạo ra một Ủy ban quốc tế kiểm soát và giám sát gồm các thành viên từ các quốc gia NATO, các nước trung lập, và các quốc gia Cộng sản, nhưng quyết định của Ủy Ban này cũng phải được nhất trí hoàn toàn, do vậy Ủy ban cũng chỉ hoàn toàn có tính nghi lễ.
Sau khi hoàn tất văn bản cuối cùng, ông Nixon tuyên bố rằng Hoa Kỳ công nhận Việt Nam Cộng Hòa, với Tướng Nguyễn Văn Thiệu là người đứng đầu, là "chính phủ hợp pháp duy nhất của miền Nam Việt Nam".
Điều đó cũng có nghĩa là ông sẽ ủng hộ những bên tham gia Hiệp định mà ông chọn và bỏ qua các bên còn lại.
Chế độ của ông Thiệu lần lượt từ chối hoàn toàn không công nhận Chính phủ Cách mạng lâm thời (Việt Cộng), và sẽ chỉ ký một thỏa thuận riêng biệt không có bất cứ tham chiếu nào nhắc tới họ.
Như vậy mỗi bên ủng hỗ những điều khoản có lợi cho họ, điều này có nghĩa trên tổng thể Hiệp định Paris là vô nghĩa.

Ảo tưởng

Các cuộc chiến tranh cách mạng rất hiếm khi kết thúc qua con đường ngoại giao.

Hai ngoại trưởng Mỹ (Henry Kissinger) và Liên Xô (Andrei Gromyko): các cường quốc có những tính toán riêng trên chủ đề Việt Nam
Đối với Tổng thống Hoa Kỳ, ông Richard Nixon, và cố vấn an ninh quốc gia của ông, ông Henry Kissinger, thì Hiệp định Paris đem lại cho họ thời gian mà họ hy vọng sẽ thắng trong cuộc chiến tranh Việt Nam bằng cách nói với Trung Quốc và Nga, hai quốc gia đang bắt đầu chia rẽ sâu sắc, rằng nếu họ không hợp tác với Hoa Kỳ bằng cách cắt viện trợ quân sự cho phe Cộng Sản Việt Nam, thì Hoa Kỳ sẽ thực hiện các biện pháp tăng cường cho kẻ thù Cộng Sản của họ, và như vậy đe dọa sẽ dùng chính hai quốc gia cộng sản lớn này đối chọi lẫn vào nhau - được gọi là "đòn tay ba".
Niềm tin rằng ngoại giao thông minh sẽ có hiệu quả đã làm Chính phủ Mỹ bất di bất dịch, và họ tin vào ảo tưởng này cho đến khi thực tế ở Việt Nam trở nên không thể đảo ngược.
Hoa Kỳ nói rõ ràng với phía Việt Nam Cộng hòa Dân chủ (VNDCCH), tức Bắc Việt, rằng sẽ có viện trợ kinh tế như một "động lực hữu hình" nếu họ ngưng "các hoạt động xâm lược" miền Nam.
Điều đáng ngạc nhiên là VNDCCH vẫn coi những hứa hẹn đó mà họ lên kế hoạch (mặc dù không bao giờ có ý định thực hiện), là biện minh chính đáng cho việc yêu cầu bồi thường chiến tranh và viện trợ, thậm chí tới tận ngày nay.

Viện trợ quân sự

Tuy nhiên, những người Cộng sản đã kiệt lực, tụt xa về số lượng và trang thiết bị so với lực lượng của ông Thiệu, vốn được nhận dòng cung ứng khổng lồ các thiết bị quân sự từ Hoa Kỳ mà rất nhiều trong số đó họ không thể duy trì hoặc vận hành.
Những vũ khí mới này không chỉ vi phạm Hiệp định Paris mà chúng còn khuyến khích ông Thiệu có hành động liều lĩnh về quân sự mà cuối cùng đã khiến ông thua trận.
Thật vậy, thực tế này đã khiến một số người trong quân đội Mỹ kết luận rằng cung cấp thêm vũ khí cho chế độ Sài Gòn là một sự lãng phí tiền bạc (mà nó được chứng minh).
"Hiệp định Paris cũng gây chia rẽ trong giới lãnh đạo miền Bắc Việt Nam, một số người nghĩ rằng nó có thể phải mất một hoặc nhiều thập niên nữa trước khi có chiến thắng."
Hơn nữa, tới năm 1973 nhiều sĩ quan Mỹ cũng nhận thức được thực tế rằng chức năng chủ yếu của giới sĩ quan chỉ huy quân đội của ông Thiệu là củng cố quyền lực chính trị cá nhân của họ chứ không phải là phục vụ như là một lực lượng chiến đấu hữu hiệu và như vậy thì ưu thế quân sự của họ là vô nghĩa.
Ông Thiệu cũng tin rằng Hoa Kỳ sẽ trở lại cuộc chiến bằng máy bay B-52: các mục tiêu được lên danh sách, giới điều phối không lưu Mỹ ở Thái Lan luôn sẵn sàng. Vụ bê bối Watergate của ông Nixon, cuối cùng đã dẫn tới việc ông phải từ chức Tổng thống Mỹ, cũng đã kết thúc khả năng này.
Ông Thiệu, tuy nhiên, không bao giờ thực sự nhận ra rằng đồng minh đầy sức mạnh và thân cận nhất của ông lúc này đã không còn nữa.
Hiệp định Paris cũng gây chia rẽ trong giới lãnh đạo miền Bắc Việt Nam, một số người nghĩ rằng nó có thể phải mất một hoặc nhiều thập niên nữa trước khi có chiến thắng.
Một đợt vũ khí, và khoảng 23.000 cố vấn Mỹ và nước ngoài tới dạy cho Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa cách sử dụng và duy trì những vũ khí đó đã khiến ông Thiệu thêm tự tin, và ngày càng tự tin hơn nhờ cam kết bí mật của Nixon rằng không lực Mỹ có thể trở lại tham gia cuộc chiến nếu phía VNDCCH đưa quân trở lại vào miền Nam, một điều Quốc hội Mỹ không hề biết gì và rất có thể sẽ phản đối nếu điều đó xảy ra.

Yếu tố quyết định

Tuy nhiên, cả Trung Quốc và Liên Xô, mặc dù ngày càng chia rẽ, đều đã không phản bội những người Cộng sản Việt Nam theo cách thức và thời gian mà chiến lược ngoại giao phức tạp của ông Kissinger đã hy vọng.

Trung Quốc chuyển hướng: tiến sỹ Henry Kissinger (trái) với Chu Ân Lai và Mao Trạch Đông năm 1972
Ảo tưởng rằng đường lối ngoại giao lớn sẽ thành công ở nơi mà sức mạnh quân sự thất bại đã trói buộc Nixon và Kissinger cho đến khi đã quá muộn. Hơn nữa, các yếu tố quyết định kết quả cuối cùng cuộc chiến rất dài này vượt ra ngoài tầm kiểm soát của Mỹ, ngay cả Bộ Chính trị ở Hà Nội không hiểu hoặc đánh giá đúng những yếu tố đó.
Ông Thiệu dùng thời gian ngưng nghỉ mà Hiệp định Paris đem lại để cố gắng củng cố quyền lực của mình và trong quá trình đó bắt đầu làm cho các thành phần trong dân số miền Nam, những người không phải là "Cộng sản" nhưng muốn chấm dứt cuộc xung đột đã làm tổn thương đất nước Việt Nam suốt nhiều thập kỷ, trở nên xa lánh, chán ghét ông.
Hiệp định được lập ra với chủ ý, ít nhất là bề ngoài, mang lại hòa bình và hòa giải, chấm dứt chiến tranh. Họ không biết gì về các học thuyết của ông Kissinger cho phép Mỹ cứu vớt "tín nhiệm" của Mỹ.
Dân thành thị ở miền Nam Việt Nam lúc này bị đàn áp chưa từng có từ chế độ của ông Thiệu, đặc biệt là các Phật tử. Báo chí và truyền hình bị kiểm soát ở mức độ mới, và tình trạng đàn áp đã khiến một bộ phần ngày một lớn dân thành thị trở nên chán ghét lánh xa. Những người này vốn không phải là Cộng sản nhưng ông Thiệu khiến các đồng minh tự nhiên của ông trở nên xa lánh: nhiều người đã trở thành trung lập.
Những người tị nạn muốn trở lại làng quê mình ở khu vực do phe Cộng sản kiểm soát nhìn chung đã không được phép - một việc vi phạm các điều khoản của Hiệp định Paris.
Gạo mà nông dân ở vùng đồng bằng sông Cửu Long được phép dự trữ và bán ra đã bị giám sát cẩn thận để ngăn chặn gạo được chuyển qua cho các lực lượng quân giải phóng.
Ông Thiệu, trong khi đó, sử dụng nguồn cung ứng dồi dào về vũ khí mà Mỹ đã gửi cho ông, đặc biệt là pháo, và đến năm 1974, các cuộc pháo kích được tái tục với tổng lực (nhưng mà không có sự tham gia của lực lượng Mỹ), với Quân Lực VNCH bắn một lượng lớn hơn nhiều so với phía những người Cộng sản.
Trong thực tế, bất kể mục đích lập ra để làm gì thì Hiệp định Paris 1973 chỉ mang lại đoạn dạo đầu trong cuộc chiến tranh Việt Nam.
Sai lầm của ông Thiệu là đã không cố gắng làm cho Hiệp định hòa bình có hiệu quả, chia sẻ một số quyền lực với giới Phật tử, tầng lớp trung lưu, thậm chí một số người Cộng sản trên danh nghĩa - nhất là những người thực sự theo đường lối dân tộc chủ nghĩa.
Thay vào đó, ông tưởng rằng sức mạnh vượt trội về vũ khí của ông sẽ cho phép ông hoàn toàn giành chiến thắng. Ông đã rất sai lầm trái, và kết cục là phải sống lưu vong khi quân đội của ông tan rã vào mùa xuân năm 1975.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, một sử gia cánh tả đã viết nhiều về Việt Nam. Tư liệu trong bài dựa trên cuốn 'Anatomy of a War: Vietnam, the US and the Modern Historical Experience' từng được NXB Quân đội Nhân dân dịch và ấn hành ở Việt Nam nhưng tác giả nói đã bị "bỏ rất nhiều" những đoạn có tính chỉ trích. Ông cùng vợ từng thăm Việt Nam tháng 12/1973 và đã đi viếng hai bên vùng vĩ tuyến 17 ở tỉnh Quảng Trị. Ông thăm Việt Nam lần cuối năm 1987 và không còn trở lại sau khi phê phán chính sách Đổi mới của Việt Nam.

Hiệp định Paris khiến VNCH sụp đổ? (BBC). – Phỏng vấn GS Ngô Vĩnh Long: ‘Ông Thiệu đã bỏ lỡ cơ hội hòa bình’(BBC). – Trần Gia Phụng: Hội Nghị Paris: Phái đoàn và lập trường (ĐCV). – Hiệp định Paris và Robot lập trình (DLB).
Paris By Night ‘là phi chính trị’ (BBC). . - Bích Huyền ‘không hề đi Việt Nam làm show’ (Người Việt).-- Viết Lê Quân ( Phạm Chí Dũng) Súng đạn thách thức lịch sử của Mỹ: Kỳ 2: Bất lực vì lợi ích nhóm (TN).

Tổng số lượt xem trang