Thứ Bảy, 5 tháng 1, 2013

Nam Hà - Chuyện cuối năm

- x-cafevn.org -
Cách đây 12 năm (một giáp) Nhà Văn, nguyên Trung Tướng, nguyên Phó Chủ Tịch Quốc hội nước ta, Trần Độ đã vắt kiệt những giọt tinh túy cả một cuộc đời “làm cách mạng” của mình để viết những trang Nhật Ký Rồng Rắn, gửi cho đảng, cho các đồng chí của mình, góp ý về tương lai đất nước.
Cuốn Nhật Ký đã bị Công an tịch thu, may thay những người yêu ông còn giữ được bản thảo làm đối chứng cho sự vu khống Trần Độ chống đảng, Trần Độ đã trở thành phần tử “phản” cách mạng.
Đến nỗi trong đám tang ông, một lũ mặt dày bao vây o bế, ngăn cản, đe dọa người đến viếng. Thậm chí những vòng hoa gửi đến đều phải xóa đi dòng chứ “Vô cùng thương tiếc” hay không được gọi ông là Trung Tướng, mặc dù ông chưa hề bị cách chức (vòng hoa của Đại Tướng Võ Nguyên Giáp). Trên đường đưa linh cữu của ông về an táng tại quê nhà (Thái Binh), cái đám đầu trâu mặt ngựa ấy còn tìm trăm phương ngàn kế ngăn chặn những xe của cựu chiến binh đưa tiễn ông. Những người đó là ai? Họ không thể nhân danh cách mạng, không thể nhân danh dân tộc để làm những việc ấy. Cũng không phải là những việc làm tự phát do tư thù tư hận, mà do sự chỉ đạo của một nhóm người, họ cho rằng họ là những người cách mạng nhất xứ này.          
Trước sau với Tổ Quốc, với nhân dân, Trần Độ vẫn là một chiến sĩ công huân. Khi ông lăn lộn với các chiến sĩ quyết tử bảo vệ Hà Nội (1946), khi ông làm Chính Ủy Đại Đoàn 312, lừng danh trong kháng chiến chống Pháp, khi ông vào Nam trực tiếp chỉ đạo sự nghiệp chống Mỹ cứu nước thì những người chống ông hôm nay họ ở đâu? Họ làm gì? Ai cho phép họ hỗn xược như thế với một ông già, chưa nói tới một ông già có công trạng không xoàng. Vẫn bài bản cũ rích họ tạo ra một hồ sơ giả để tố điêu ông lạm dụng tình dục, lôi kéo bè phái chống đảng (?). Thật ghê cho cái bọn lưu manh ngậm cứt phun người.
Ta hãy xem Trần Độ đã viết những gì:
 …Hãy nhìn lại xem: từ năm 1975 đến 1985, mười năm xây dựng xã hội chủ nghĩa trong cả nước và nước có tên là: “Cộng hoà xã hội chủ nghĩa” thì đất nước ra thế nào ? Có phải suýt chết đói, suýt rơi xuống vực thẳm rồi không ? Thắng lợi 1975, ta đã thu lại một nửa nước no đủ và đầy hàng hoá, thế mà ta đã phát huy thắng lợi đó ra sao, mà đến những năm đầu của thập kỷ 80, cả nước đói nghèo, ngắc ngoải.
Đó có phải là một sự thật hiển nhiên không ?
Đảng cộng sản chân chính thì coi việc “phát triển đất nước” là quan trọng hơn là cố giữ vững và đề cao vai trò của Đảng. Mọi tư duy phải xuất phát từ điểm này. Hồ Chí Minh cũng luôn nói về Đảng rằng Đảng không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của đất nước và dân tộc. Thế là rất đúng….
…Vậy hãy cứ xem quanh ta: Đài Loan, Đại Hàn, Singapore và thêm nữa, Thái Lan và Malaysia, mấy nước này có do chủ nghĩa Mác-Lênin hướng dẫn không ? Những nước ấy có cần có một Đảng cộng sản lãnh đạo tuyệt đối theo chủ nghĩa xã hội không ? Thế mà cả 5 nước ấy, khi bắt đầu còn nghèo khổ, vậy mà chỉ sau khoảng 20-30 năm họ đã trở thành những nước phát triển rõ ràng, nhân dân đa số có đời sống khá phong lưu.  Họ không có một Đảng cộng sản “tài tình”, “sáng suốt”, mà chỉ có những chính khách, có được chính sách kinh tế xã hội thông minh và có hiệu quả… 
…Không nên lạm dụng chữ cách mạng. Ta bây giờ không phải là cách mạng chống ai cả, không phải đánh đổ ai cả. Xây dựng hoà bình thì phải đoàn kết, có gì trở ngại thì hoá giải nó để tiến lên. Ta đã làm chủ đất nước. Vậy thì ta thực hiện cái nguyên lý mà Đảng cộng sản đã nêu ra và đề cao chất ngất. Đó là phê bình và tự phê bình. Ta có thể tự phê bình dân tộc, tự phê bình chính quyền, tự phê bình các cơ quan. Tự phê bình thì sẽ tiến bộ và có dân chủ. Tự ca ngợi, lại tự ca ngợi quá nhiều, quá đáng, thì đó là chỉ dấu báo hiệu sự tàn tạ.
Không được lạm dụng chữ cách mạng. Ta đang xây dựng thì chỉ có xây dựng: xây dựng xã hội chủ nghĩa, chứ không phải làm cách mạng xã hội chủ nghĩa, không thể lúc nào cũng phải có chương trình hoạt động cách mạng, lúc nào cũng phải hành động cách mạng.
 …Không biết tương lai loài người sẽ phát triển, tiến bộ thế nào và do đó đất nước ta sẽ gặp những tình huống thế nào ? Nhưng chắc chắn là những bước đi sắp tới của ta cũng không có thể lặp lại y nguyên những tình hình trước đây. Tuy nhiên, trước mắt ta thấy rất rõ là đất nước ta đang ở chỗ đã thực hiện được 3 chữ trong 5 chữ của chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra: đó là một nước Việt Nam hoà bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh.  Ta đã đạt 3 chữ hoà bình, độc lập, thống nhất. Ta đang phải thực hiện cho được 2 chữ dân chủ và giàu mạnh.
Theo cách khác, cũng do Hồ Chí Minh nêu ra 3 chữ:
1. Độc lập,
2. Tự do,
3. Hạnh phúc.
Ta đã đạt được độc lập và phải tiếp tục thực hiện nốt tự do và hạnh phúc, cũng tức là hai chữ dân chủ và giàu mạnh.  Hồ Chí Minh đã nói một câu mà bây giờ rất nhiều người biết và nhắc đến: “Độc lập mà không có tự do, hạnh phúc thì độc lập cũng vô nghĩa”...
 …Nhưng tôi muốn kết thúc đoạn nhật ký này ở đây. Tôi chỉ biểu thị mong ước của tôi là các nhà lãnh đạo nên có sự đối thoại trực tiếp (đối thoại thực sự, chứ không phải là gặp qua loa lấy tiếng) với các bậc lão thành và các nhà trí thức có ý kiến khác. Đó là những người về tuổi tác, từng trải, kinh nghiệm và học vấn đều hơn rất nhiều so với phần đông những người có trách nhiệm ở bộ máy lãnh đạo và quản lý xã hội hiện nay. Tôi cũng cho rằng, cần phải truất bỏ ngay những thủ đoạn của các cơ quan Công an như:
• Quản chế khi không đủ lý lẽ và chứng cớ để kết tội (Hà Sỹ Phu, Mai Thái Lĩnh)
• Bắt giam người vô tội vạ (Nguyễn Thanh Giang trước đây). Đón bắt dọc đường như bắt cóc (gần đây: Vũ Cao Quận- Hải Phòng)
• Cho công an, những chú nhỏ đáng tuổi cháu nội, cháu ngoại đến nhà hạch sách, đòi gọi các cụ nhiều lần (Lê Hồng Hà, Hoàng Minh Chính).
• Khám nhà lấy tài liệu, cả khi vắng mặt (Vũ Cao Quận), và giữa đêm hôm (Lê Hồng Hà).
• Theo dõi, nghe trộm điện thoại, phá rối điện thoại, ngăn chặn điện thoại một cách tuỳ tiện, xâm phạm quyền thông tin và thư tín. (Hoàng Minh Chính, Trần Độ)
v. v…v. v…
Những hành vi đó không chỉ mất dân chủ, phi luật pháp, xâm phạm quyền tự do công dân, mà còn là những hành vi man rợ, vô văn hoá, bất lịch sự, rất đáng lên án và phỉ nhổ.
Tôi biết rất rõ là những ý kiến của tôi chưa thể đầy đủ, và chưa thể hoàn toàn chính xác. Tôi rất mong có dịp được gặp gỡ với những người có khả năng xét đoán để trao đổi ý kiến, và tôi sẽ được tranh luận, bổ sung, đào sâu hơn.
Việc này bộ phận lãnh đạo chủ chốt đứng ra chủ trì thì tốt nhất. Còn nếu chúng tôi có gặp nhau năm bẩy người thì lập tức lại có sự dò xét, theo dõi, và rồi lại xì xào cho là chúng tôi bàn chuyện chống đối. Còn nếu chúng tôi có định hướng cho rõ ràng theo Hiến pháp thì lại phải xin phép "theo luật định" và xin phép thì chắc chắn không được cho phép.
Rõ ràng là dân chủ hoá là yêu cầu cấp bách quá rồi. Không thể để đất nước quá ngột ngạt như thế này.
Tôi nói đây là nói với tất cả mọi người, nhưng cũng muốn được coi như là nói riêng với các nhà lãnh đạo chủ chốt.
Tôi kết thúc tập nhật ký này ở đây.
Ngày 30 tháng 4 và ngày 7 tháng 5 năm 2001
 Đó! Trần Độ đã chống Đảng, đã phản cách mạng như thế đó!
 Tôi cho rằng có nhiều điểm Trần Độ nêu ra đã được Nguyễn Phú Trọng đưa vào Nghị quyết Trung Ương 4 khóa XI, như vấn đề phát động Phê và Tự Phê, lập lại dân chủ bền vững trong đảng v.v…
 Để kết thúc “Câu Chuyện Cuối Năm” xin kể lại một câu chuyện không nên có như sau:
 Vào dịp kỷ niệm 50 năm Chiến Thắng Điện Biên Phủ (2004) tôi đã nghỉ hưu, nhưng có hợp tác với VTV làm phim “Điện Biên Phủ Sự Kiện và Nhân Chứng”. Trong những nhân vật của chiến thắng lịch sử ấy có Trần Độ, nguyên Chính ủy Đại Đoàn 312. Trần Độ đương nhiên là một nhân chứng lịch sử. Có một cảnh, tôi đưa 15 giây lời phát biểu của Trần Độ nói về việc học tập chính trị chống hữu khuynh trong chiến dịch. Trong kho tư liệu của tôi có nguyên hình ảnh Trần Độ phát biểu, tôi thu từ năm 1994. Nhưng sau vụ Đám tang Trần Độ, tôi đã tế nhị chỉ đưa lời nói, còn hình, tôi thay vào đó một ảnh Trần Độ đội mũ lưới trong chiến dịch. Thế mà cũng có kẻ tâu lên là đạo diễn Nam Hà đưa Trần Độ phát biểu trong phim. Vũ Văn Hiến lúc đó là Tổng Biên Tập VTV đã nói với tôi: “Em rất hiểu bác, nhưng xin bác bỏ cái cảnh đó đi, bác đừng tham bát bỏ mâm mà có khi phim không ra được…!” Quả nhiên sau đó, phim chưa hoàn tất mà Nguyễn Khoa Điềm (Trưởng ban Văn hóa và Tư tưởng) đòi duyệt phim. Phim đưa duyệt, Khoa Điềm đã căng mắt mà không thấy Trần Độ đâu. Chỉ vì phút chót tôi đã bứng nguyên khúc Trần Độ mà thay vào đó là Cao Pha (nguyên Cục phó cục Quân Báo, đã từng đi với mũi 312)…
Tôi đã nói với Vũ Văn Hiến: Trong đám tang Trần Độ, đảng đã tự bôi gio trát trấu vào mặt mình, tôi đã giúp các anh rửa bộ mặt nhem nhuốc, nhưng các anh không muốn thì tôi cũng đành chịu.
 Ấy đấy, cuối năm “Rồng leo” kể chuyện “Mèo mửa” để bà con nghe chơi. 
  Nam Hà 
Tác giả gửi cho X-Cafevn.

Tổng số lượt xem trang