Tiêu Dao Bảo Cự
Cuốn sách Bên thắng cuộc của tác giả Huy Đức vừa mới ra đời đã tạo thành một hiện tượng, nhiều người tìm đọc, giới thiệu cho nhau, ngợi ca và phê phán. Một cơn sốt trong dư luận như thế này là điều hiếm có từ một cuốn sách khá khô khan.
Về bản thân cuốn sách Bên thắng cuộc
Nội dung của Bên thắng cuộc không phải là vấn đề mới. Lịch sử Việt Nam sau 1975, ai đã từng trưởng thành trong giai đoạn này mà không sống trải, chiêm nghiệm hay nghe, biết ít nhiều về những gì đang trào sôi trên đất nước và ảnh hưởng đến từng số phận con người. Cái mới ở chỗ tác giả đã tập trung vào một số chủ đề nổi cộm với cách trình bày sáng sủa, đầy ắp tư liệu để cung cấp cho người đọc một cái nhìn tổng thể, sinh động và liên tục.
Có người nói cuốn sách không trình bày được toàn bộ sự thật về giai đoạn lịch sử này. Điều ấy tất nhiên và đòi hỏi đó là một yêu cầu vô lý. Ai, cuốn sách nào có thể trình bày được như thế? Không ai cả, nếu không phải là hàng trăm cuốn sách và một độ lùi lịch sử vài ba chục năm nếu tình hình thuận lợi, không còn độc đảng toàn trị, độc quyền viết lịch sử.
Có người ở ngành lịch sử trong nước than: ước gì chúng tôi có thể có tư liệu và tự do để viết như Huy Đức, một người làm báo. Người viết sử chính thức trong hệ thống chỉ được phép sử dụng tư liệu chính thống và viết theo quan điểm chính thống. Làm sao có sự thật lịch sử.
Có người còn nói về thể loại, cho rằng Bên thắng cuộc không phải là sách lịch sử, không có giá trị. Sao lại phải gọt chân cho vừa giày? Thiếu gì sách lịch sử “đúng kiểu” mà lại chẳng có bao nhiêu lịch sử trong đó. Tác phẩm làm ra các thể loại chứ không phải thể loại làm ra tác phẩm. Điều này đúng không phải chỉ cho lịch sử mà còn trong văn học nghệ thuật. Thí dụ có nên tranh cãi tiểu thuyết và truyện ngắn cần phải có cốt truyện hay không. Đơn giản là cuốn Bên thắng cuộc viết về đất nước thời kỳ sau 1975 và giá trị của nó ở chỗ mang lại điều gì có ích cho người đọc.
Bên thắng cuộc có nhiều điều mới và không mới, đúng và không đúng, đối với người này người khác. Chuyện “tuẫn tiết”, tù cải tạo, vượt biên, không thể nào Huy Đức biết được nhiều, đầy đủ và thấm thía bằng những người trong cuộc, nhất là khi nhiều người trong số họ sau khi ra nước ngoài đã viết bút ký, hồi ký về chuyện của mình và những người đồng cảnh. Cũng những chuyện đó và nhiều chuyện khác, thế mạnh của Huy Đức là người có hiểu biết, có tư liệu đặc biệt của bên thắng cuộc mà nhiều vấn đề đến nay vẫn chưa được phổ biến công khai. Những cuộc phỏng vấn, chuyện trò cá nhân, các hoàn cảnh và tâm tình riêng tư của giới lãnh đạo được đưa vào không phải là những “chuyện vặt vãnh” mà chính là giúp soi rọi thêm tình hình, vì lịch sử không chỉ là những sự kiện khô khan, những con số, ngày tháng, chủ trương chính sách mà do con người cụ thể tác động, nhất là những người nắm quyền lực.
Có những vấn đề tuy đã chú ý tập trung nhưng Huy Đức cũng không thể nào giới thiệu đầy đủ như chuyện “cởi” và trói” thời Nguyễn Văn Linh, chỉ riêng trong lĩnh vực văn học nghệ thuật và báo chí. Tác giả đã không đề cập cơn sóng phản kháng đòi tự do dân chủ cuồn cuộn trong giới văn nghệ và báo chí ở nhiều tỉnh Miền Trung, Tây Nguyên, Miền Nam, kể cả trong một số báo Đảng và những hệ lụy sau đó. Đây chỉ là một nhận xét, dĩ nhiên không thể đòi hỏi quá nhiều ở tác giả trong một cuốn sách viết toàn diện về một thời kỳ dài phức tạp như thế.
Giá trị nội dung của bản thân Bên thắng cuộc, chính là lịch sử, hay hoàn cảnh đất nước từ sau 1975, được tái hiện một cách công phu, tập trung, với tư liệu phong phú, có thể tin cậy, một cách tương đối khách quan, bằng bút pháp trong sáng của một nhà báo có tâm, có nghề, được chuẩn bị một cách có ý thức và khoa học qua nhiều năm tháng, với ý chí và ý định rõ rệt muốn mang lại sự thực cho một giai đoạn lịch sử hiện tại, đáng lý rõ rệt thì lại quá mù mờ.
Các nguồn tư liệu riêng và chung phong phú, với hàng nghìn chú thích nghiêm túc (cuốn I có 608 chú thích, cuốn II có 654 chú thích), không chỉ về những vấn đề sau 1975 mà còn ngược về quá khứ nhiều năm trong những sự kiện liên quan, cho thấy sự làm việc cẩn trọng, cần mẫn của tác giả. Có thể đã có những sai sót đây đó nhưng có lẽ do vô tình chứ không phải cố ý của tác giả.
Vì mục đích nói về bên thắng cuộc nên những tư liệu đưa ra cũng chủ yếu của bên này. Có những tư liệu chứng tỏ sự dối trá rõ rệt và đó là dối trá của nhà cầm quyền chứ không phải là dối trá của người trích dẫn, như ta có thể thấy khi tác giả đưa ra những tư liệu trái ngược chung quanh chuyện cải tạo. Thí dụ một trích dẫn trên báo Tin Sáng mô tả “không khí trong các trại cải tạo từa tựa như một trại hè” trước khi giới thiệu một lá thư của người chồng là sĩ quan đang cải tạo gởi cho vợ. Người đọc có thể thấy dụng ý mỉa mai của tác giả chứ không phải đồng tình khi cố ý đưa ra trích dẫn đó một cách khách quan và đặt trong bối cảnh bi đát của toàn bộ chuyện cải tạo.
Những cách đọc Bên thắng cuộc
Bên thắng cuộc chắc chắn là một cuốn sách đáng để đọc, nội dung của nó không tranh luận, tranh cãi với ai nhưng vừa mới ra mắt đã tạo nên nhiều dư luận ngược chiều, tranh luận, tranh cãi đến mức cực đoan và chắc chắn chuyện này còn tiếp diễn. Đây là hiệu ứng thành công và đáng mừng của một tác phẩm.
Trừ một số bài viết dù ở bên này hay bên kia, có nhận định một cách khách quan, phần lớn các bài viết chống cuốn sách ở cả hai phía thắng và thua cuộc (kể cả việc biểu tình chống dù chưa đọc sách), đều chứng tỏ “hội chứng chính nghĩa” của cuộc chiến trước đây đến nay vẫn chưa chấm dứt mà còn tiếp diễn một cách gay gắt khi sự ra đời của cuốn sách kích động lên.
Dĩ nhiên có một số sự kiện lịch sử trước và sau 1975 vẫn chưa được soi sáng đầy đủ và chưa có nhận định thống nhất từ nhiều phía do tính chất mù mờ phức tạp của lịch sử và quan điểm, chính kiến của người trong cuộc. Tuy nhiên tâm trạng rõ rệt của những người chống cuốn sách vẫn là phe ta, đường lối chính sách của phe ta có chính nghĩa, ai nói khác đi đều là thứ phản bội, tội đồ của dân tộc. Chính điều này đã góp phần làm lịch sử “giẫm chân tại chỗ” khi đáng lý phải vùng vẫy thoát ra khỏi vũng bùn của máu và nước mắt.
Về tựa đề Bên thắng cuộc và tên hai phần của cuốn sách (Giải phóng vàQuyền bính), có lẽ tác giả Huy Đức đã nghiền ngẫm sâu xa và sự lựa chọn có sức gợi nhiều ý nghĩa.
Bên thắng cuộc vì sau 1975 đất nước thuộc về bên thắng cuộc, bên phải chịu tránh nhiệm trước dân tộc và lịch sử, hiện tại và mai sau. Tác giả là người đã trưởng thành, làm việc và chiêm nghiệm trong bộ máy cai trị, có cái nhìn cận cảnh từ bên trong, hi vọng có thể đưa ra một tiếng nói về sự thật, khác với tiếng loa đồng ca một chiều đinh tai nhức óc như hình chụp dùng làm bìa cho tác phẩm.
Giải phóng nhưng những điều diễn ra sau đó với cải tạo, vượt biên, đánh tư sản, ngăn sông cấm chợ… lại không hề mang ý nghĩa giải phóng. Ngược lại thực tế đã chứng minh nhân dân Miền Nam và cả nước lại đi vào vòng trói buộc, vào cảnh trì trệ thay vì cất cánh như đáng ra phải có sau khi đã “thống nhất đất nước, quy giang sơn về một mối”. Chưa kể đến gợi ý trong lời mở đầu của tác giả, đây là Miền Bắc giải phóng Miền Nam hay ngược lại.
Quyền bính bộc lộ bản chất của một tập đoàn khi đã nắm được quyền lực cai trị. Trình độ kém cỏi trong xây dựng đất nước thời bình, bệnh giáo điều, chủ quan duy ý chí và kiêu ngạo cộng sản; sự quyết đoán của những cá nhân lãnh đạo không đủ tầm và tâm; các cuộc đấu đá nội bộ để tranh giành quyền lực; “lỗi hệ thống” mang tính bao trùm mà những cá nhân dù có thiện chí và ý chí cũng không sao xoay chuyển…
Trong Quyền bính không phải không có những điều tích cực nói về những người lãnh đạo và những người cộng sản. Sinh ra và trưởng thành trong nô lệ và chiến tranh, nhiều người không được học hành. Họ thường xuất thân là nông dân nghèo, làm thuê, ở đợ rồi “tham gia cách mạng”. Không được học hành không phải lỗi ở họ. Tuy nhiên sau đó họ đã học trong trường đời và đấu tranh cách mạng, với ý chí kiên cường, chịu đựng gian khổ và chấp nhận hi sinh lớn lao. Khi ở vai trò lãnh đạo, nhiều người cũng đã hết sức ưu tư về tình hình đất nước, khiêm tốn học hỏi, lắng nghe các trí thức chuyên gia để tìm ra những quyết sách đúng. Tác giả cũng đã không giấu thiện cảm đối với một số người, đặc biệt đối với cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Đội ngũ các chuyên gia và các trí thức tham mưu cũng đã ra sức tìm tòi cái mới của thời đại, học hỏi các nước láng giềng và phương Tây, tham mưu cho lãnh đạo thoát khỏi bế tắc. Nổi bật là vấn đề kinh tế thị trường, cho dù vẫn còn “cái đuôi định hướng xã hội chủ nghĩa”, sử dụng công nghệ thông tin tiên tiến, đa phương hóa, từng bước đi vào hội nhập toàn cầu. Kết quả dù quá chậm nhưng đất nước đã không rơi vào vực thẳm.
Tuy nhiên mọi cố gắng đó đều chỉ đạt thành tựu rất thấp, không tương xứng với năng lực của một dân tộc không kém cần cù và thông minh so với bất cứ dân tộc nào khác, sau khi đất nước đã thống nhất. Nguyên nhân chính là “lỗi hệ thống”, bắt nguồn từ sự độc tài đảng trị, bám chặt giáo điều cổ hủ vì sợ “chệch hướng xã hội chủ nghĩa” và sự vận hành của guồng máy đã đè bẹp mọi cá nhân có ý muốn cưỡng lại, cho dù họ ở cấp cao nhất như Võ Văn Kiệt, Trần Xuân Bách, Trần Độ…
Bên cạnh đó, vì liên minh ý thức hệ và muốn có chỗ dựa để giữ vững độc quyền lãnh đạo, những người cộng sản cầm quyền đã lọt vào gọng kềm của Trung Quốc, trở thành một mối họa lớn cho dân tộc. Đảng Cộng sản rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan, loay hoay giữa hai nguy cơ “mất nước hay mất Đảng”.
Tác giả Bên thắng cuộc không minh nhiên nói ra những điều trên nhưng qua những gì được trình bày một cách khách quan, chi tiết, cả chiều rộng và chiều sâu, người đọc có thể cảm nhận rất rõ thông điệp nào đã được gởi đi từ cuốn sách.
Cho dù những điều trên là đúng như thế, tác giả có phải là một kẻ nói xấu Đảng, phản bội đất nước như một số báo chí trong nước quy chụp, hay là một tên cộng sản tay sai tuyên truyền cho Nghị quyết 36 như một số người ở hải ngoại quy kết? Thật nực cười khi có hai kết luận trái ngược nhau như thế về cùng một cuốn sách và một tác giả.
Lịch sử đã qua và đang đi qua từng ngày. Phải nhận rõ quá khứ nhưng càng phải thấy rõ hơn bước đi cho hiện tại và tương lai. Hận thù hay kiêu căng về quá khứ để tranh phần chính nghĩa không ích lợi gì cho số phận và tương lai dân tộc. Thực tế lịch sử, những người cộng sản đã là bên thắng cuộc và cũng thực tế họ đang đưa đất nước vào nguy cơ. Vấn đề là phải làm gì có hiệu quả để giải quyết nguy cơ trước mắt và kiến tạo tương lai chứ không phải nguyền rủa nhau. Đọc Bên thắng cuộc chính là cơ hội để mọi người nhìn lại toàn bộ tình hình một cách tỉnh táo.
Trong những ngày tháng gần đây không ít người thuộc nhiều thành phần, trước hết là trí thức và đảng viên có lương tri thực sự lo cho dân tộc đã đặt ra những vấn đề cấp thiết, đặc biệt mới nhất trong Lời kêu gọi thực thi quyền con người và Kiến nghị về sửa đổi Hiến pháp 1992: Dân chủ hóa đất nước, chống độc tài đảng trị, giải quyết nguyên nhân của mọi nguyên nhân đưa đến tham nhũng, kinh tế suy thoái, văn hóa, đạo đức xã hội trên đà băng hoại, trước mắt cấp bách là chống Trung Quốc xâm lược.
Đây là nhiệm vụ của toàn dân tộc không trừ bất kỳ ai, kể cả Đảng Cộng sản cầm quyền nếu Đảng muốn còn tồn tại dù có cầm quyền hay không. Ai phá hoại nhiệm vụ này mới là kẻ phản bội tổ quốc.
Đà Lạt 31/1/2013
© 2013 Tiêu Dao Bảo Cự & pro&contra
- Osin Huy Đức với BÊN THẮNG CUỘC, hay là “Người Mohican cuối cùng” Kình
Vậy là đã non một tháng kể từ cái ngày 12 tháng 12 – thời điểm BÊN THẮNG CUỘC chính thức phát hành. Tác giả cuốn sách – nhà báo Huy Đức – đã nhận được không ít hồi âm trái chiều nhau, người tán dương nhiều mà kẻ ném đá cũng không ít. Thế nhưng, phải chăng đã tới lúc nhận diện toàn cảnh sự kiện này ?
Không như nhiều người lầm tưởng, BÊN THẮNG CUỘC không phải hồi ký mà là một cuốn sách phản tỉnh lịch sử – xã hội, tác giả của nó không hề trải qua hoặc tận mắt chứng kiến những sự kiện xảy ra từ thời điểm 30 tháng 4 năm 1975 đến nay mà phản ánh lại hồi ức của các nhân vật từng tham dự hay ít nhiều có liên quan. Mặc dù ra đời ở một thời khắc đặc biệt – 12 tháng 12 năm 2012 – và cách phát hành cũng khác lạ so với truyền thống xuất bản Việt Nam – ebook mạng Amazon, nhưng BÊN THẮNG CUỘC đề cập đến những vấn đề không mới trong mối quan tâm của cộng đồng Việt Nam – kẻ biết thì nhiều mà người hiểu thì ít. Nếu coi BÊN THẮNG CUỘC như một hồi ký, thì nó nằm trong xu thế chung của dư luận đọc sách Việt Nam. Kể từ đầu thập niên 1990, khi xã hội Việt Nam chuyển hẳn từ cơ chế khép kín sang cởi mở, thì con người có nhiều cơ hội tiếp xúc với các trào lưu văn hóa – xã hội toàn cầu, do đó mà kích thích nhu cầu phản tỉnh ;
sự phản tỉnh bao gồm việc xem xét lại những vấn đề thuộc về quá khứ và nhận diện lại đời sống hiện tại.
Giai đoạn thập niên 1990, khi Internet còn chưa phổ biến tại Việt Nam và truyền thông đại chúng nằm trong tay Nhà nước, thì những vấn đề có xu hướng đối lập với quan điểm của người đương quyền (“Đảng và Nhà nước”) được truyền tay lén lút thông qua những tập giấy photocopy nhòe nhoẹt hoặc sách báo đem từ nước ngoài về. Cho đến khoảng đầu thế kỷ này, cùng với sức tăng trưởng nhanh nhạy của nền kinh tế thì công nghệ thông tin cũng được thỏa sức vẫy vùng, bất chấp lạm phát và vật giá tăng chóng mặt thì các thiết bị điện tử – vi tính lại mỗi lúc một rẻ, điều kiện tuyệt vời đó tạo ra sự chắp cánh cho nhu cầu phản tỉnh xã hội mà hiện nay Đảng Cộng sản Việt Nam đang vò đầu bứt tai để ngăn chặn. Bắt đầu từ những hồi ký của nhà báo lão thành Bùi Tín (Hoa xuyên tuyết – 1991, Mặt thật – 1993) cho đến Đêm giữa ban ngày (1997) của Vũ Thư Hiên, Đi tìm cái Tôi đã mất (2006) của Nguyễn Khải rồi sự kiện tái bản cuốn Giọt nước trong biển cả (1987) của chính trị gia Hoàng Văn Hoan, dư luận hải ngoại đã quá quen với việc, bộ mặt vừa ngây thơ vừa uy dũng của Đảng Cộng sản Việt Nam bị chính những người “nằm trong chăn” vạch trần ; bởi trước nay họ chỉ quen với những tập hồi ký, trước tác văn học của chính cộng đồng mình – tức là cái nhìn của những người không thuộc bộ máy lãnh đạo Đảng Cộng sản. Còn trong nước, mọi sự dù sốc nhưng cũng chỉ lưu truyền trong giới trí thức, dư luận đại đa số là bán tín bán nghi.
Nhưng kể từ năm 2008, tập hồi ký của giáo sư văn học Nguyễn Đăng Mạnh được Nhà xuất bản Thanh Niên ấn hành rồi bị giới kiểm duyệt xử phạt, công nhiên xóa sổ khỏi hệ thống phát hành sách ; cuốn sách được đăng tải trên Internet và gây nên “cơn sóng thần” dư luận chưa từng có. Tại hải ngoại, người ta tán dương nhiệt liệt vì một học giả con cưng của chế độ mà chửi chế độ… như hát hay, chửi đã quá, sướng… mắt quá ; ở trong nước, cư dân mạng xôn xao bàn tán, họ không phủ nhận rằng nó là cú sốc trong cảm quan nhận biết chính trị – xã hội của mình. Nhưng các học giả thì ung dung hơn, nhiều nhân vật có uy tín trong nước nói toạc móng heo : “Chẳng có gì mới, những điều này đã được các sách báo trước đây nói cả rồi !”. Được hơn một năm thì hiệu ứng dư luận lịm tắt.
Đến năm 2009, dư luận trong nước lại lần thứ nhì nổi sóng khi cuốn Hồi ký của một thằng hèn của nhạc sĩ Tô Hải được nhà xuất bản Tiếng Quê Hương (Hoa Kỳ) ấn hành. Lần này, không còn trạng thái sốc vì sự thật quá đắng nữa, mà cộng đồng đã đón nhận những miếng đắng với ham muốn được tìm hiểu… rộng hơn, sâu hơn và cũng… sốc hơn. Tập sách ra đời như một ly trà chanh mát lạnh giữa trưa hè oi ả vậy ! Nhưng cũng chỉ được một thời gian rất ngắn, cả dư luận trong và ngoài nước xôn xao rồi im lìm.
Khoảng tháng 4 năm 2011, cuốn sách Tổ quốc ăn năn của Nguyễn Gia Kiểng ra mắt trên website e-ThongLuan và được ấn hành nửa công khai tại Việt Nam, dư luận trong và ngoài nước đã đón nhận với tinh thần điềm tĩnh hơn, hào hứng hơn. Sự rộng lượng của dư luận cũng tương quan với những vấn đề được đề cập trong cuốn sách – nó được xây dựng trên thiện ý “cách nhìn mới về những vấn đề không mới”. Có thể xem Tổ quốc ăn năn là tập sách phản tỉnh lịch sử – văn hóa quý báu cho những ai bấy lâu thờ ơ với đại cuộc quốc gia, tuy nhiên, càng về sau càng có sự phân rẽ dư luận trong việc tiếp thu nội dung Tổ quốc ăn năn. Nhìn chung, ít nhiều cộng đồng cũng đồng cảm với những trăn trở của người viết, song làn sóng dư luận trong khoảng một năm qua đã không phản ánh được giá trị thực của cuốn sách.
Và bây giờ thì BÊN THẮNG CUỘC ra lò, giữa lúc nền chính trị – xã hội Việt Nam bấn loạn vì những dấu hiệu tan vỡ của một hình thái kinh tế… chẳng giống ất giáp nào cùng nguy cơ rơi vào biển lửa giữa hai thái cực kẻ lạm quyền muốn củng cố uy quyền và người khai phóng sơn hà đang bế tắc vì đường lối đấu tranh. Nhưng, phải chăng BÊN THẮNG CUỘC là… “người cuối cùng của bộ lạc Mohican” ?
Trong các xã hội có ít nhiều những tính cách của nền văn minh, đọc sách là một nhu cầu thiết yếu, nhưng để nhận diện trạng thái xã hội đó thì cần biết người đọc là ai và họ thường đọc loại sách nào. Tại nhiều quốc gia phát triển (chỉ số HDI, mức sống, văn hóa – giáo dục và an ninh cao) thì độc giả thường ở lứa tuổi mới lớn hoặc độ tuổi lao động, thị hiếu thường là các loại văn hóa phẩm có tính chất giải trí và học thuật – tất cả đều có ích cho công việc, học tập. Còn tại một số quốc gia sùng đạo, đối tượng đọc sách là người ái mộ tôn giáo, họ yêu thích việc đọc các loại sách có liên hệ với niềm tin của mình. Nhưng riêng tại Việt Nam, trong nhiều năm gần đây, xu hướng của con người là tìm đọc các loại sách có tính chất tự thuật, mang tính cách tư liệu (hồi ký, tùy bút, sách tâm hồn…), đối tượng độc giả khá tạp nham, nhưng chủ yếu là tầng lớp bình dân và một lượng đáng kể trí thức. Họ không đòi hỏi những bìa sách đẹp, giá cả phải chăng và nội dung ly kỳ, ấn tượng ; vậy họ đọc sách để làm gì ?
Đặc điểm của loại sách tự thuật là nội dung thuộc về trải nghiệm, cảm quan riêng tư của tác giả chứ không chắc phản ánh hầu hết những gì diễn ra trong đời sống. Nhưng bằng góc nhìn riêng, với những khía cạnh khu biệt được đề cập, thì độc giả dựa vào đó để lý giải đời sống có chiều sâu hơn. Chúng ta cũng thấy rằng, xã hội Việt Nam giống như một guồng xoay chóng mặt, con người bị cuốn vào đó với mọi hỉ-nộ-ái-ố xoay quanh chỉ một thứ : Lợi nhuận, đồng tiền ngự trị tâm hồn và chi phối mọi hành vi ứng xử của con người ; bên cạnh đó, mọi lĩnh vực đời sống bị chính trị hóa một cách công khai, tàn nhẫn. Sống trong xã hội như thế, con người bị che mắt bởi lớp lớp sương lúc mờ lúc tỏ, họ tìm đến những thú vui đời thường (xem phim, đọc sách, chơi thể thao…) vừa để giải trí vừa muốn được sống thật với chính mình. Thực tế, đối tượng độc giả của những hồi ký gây xôn xao dư luận nhiều năm qua, đa phần đều đọc sách như một cách giải tỏa tâm lý, nó giống ý nghĩa tên gọi một cuốn sách của Spencer Johnson – Phút nhìn lại mình.
Sách tự thuật là thứ văn hóa phẩm được ấn hành công phu nhất tại Việt Nam, luôn đứng đầu bảng những loại sách được chọn mua. Nguyên cớ đã quá rõ ràng, trong một xã hội bị chính trị độc đoán kiểm soát tới tận răng, đời sống luôn căng thẳng, bế tắc vì những “thanh gươm Damokles” mang tên “tế nhị, nhạy cảm, cấm chỉ, bí mật…” chực chờ rơi xuống thì nhu cầu con người luôn có xu hướng xích lại những ý kiến phản biện, có tính cách trái ngược chủ kiến của người cầm quyền. Đó chẳng phải tất yếu khó cưỡng ư ? Người Việt Nam đọc hồi ký để tìm kiếm sự thật đời sống, tìm kiếm cái bản Ngã của mình, chứ không phải đọc để hiểu tác giả của nó là ai, vận dụng lối thi pháp gì và viết để làm gì.
Thế nhưng, trước khi ra mắt BÊN THẮNG CUỘC, tin chắc rằng nhà báo Huy Đức đã sắp sẵn tinh thần để nhận hỉ-nộ-ái-ố từ những công chúng hết sức đặt biệt của mình – những con người thuộc về lịch sử. Hoa cũng nhiều mà cà chua, trứng thối, mắm tôm… không ít đâu. Đơn giản vì, Huy Đức đã chạm tới bức thành trì định kiến của cộng đồng người Việt Nam từng tham dự những sự kiện đau thương trong quá khứ. Ôi, cái quá khứ đẫm máu và nước mắt của nước Việt Nam thân yêu ! Cuốn sách này là cây kích để Huy Đức (lúc này đã đóng vai trò của Don Quixote) lao thẳng vào “cối xay gió” định kiến cố hữu và những người tôn trọng cũng như ủng hộ ông thì chỉ có thể làm bác Sancho thật thà, vui tính mà thôi.
Đã tới lúc rút ra mấy nhận định về sự kiện BÊN THẮNG CUỘC :
◆ Đối với dư luận trong nước nói chung, những vấn đề được đề cập trong cuốn sách này không mới, thậm chí một số đã tỏ ra vô hiệu ứng với tiến trình lịch sử – xã hội. Sức lan tỏa của BÊN THẮNG CUỘC chỉ tùy thuộc vào khoảng thời gian tập 1 ra mắt cho đến khi tập 2 được xuất bản và không lâu sau đó. Tức là, BÊN THẮNG CUỘC khó có tác động đáng kể đối với dòng chảy xã hội cũng như nhu cầu phản biện trong dư luận.
◆ Đối với dư luận hải ngoại, BÊN THẮNG CUỘC gây ra những tranh cãi trái chiều gay gắt, nếu không nói rằng cuốn sách này làm chia rẽ dư luận hải ngoại xung quanh vấn đề chính danh của Việt Nam Cộng hòa và tội lỗi của Đảng Cộng sản đối với đồng bào miền Nam. Dư luận hải ngoại trong những ngày này đang rất xôn xao, nhìn chung tỏ ra phẫn nộ vì cho rằng tác giả cuốn sách không khách quan như tuyên bố, lại có vẻ “bợ đỡ” chính thể trong nước và nhục mạ những người có liên hệ với Việt Nam Cộng hòa.
Về nội dung cuốn sách, có thể thấy :
■ Huy Đức xây dựng cuốn sách bằng sự tổng hợp những quan điểm trái chiều về một sự kiện cụ thể chứ bản thân ông ít tự đánh giá.
■ Trên nguyên tắc tôn trọng tất cả các vấn đề – sự kiện – nhân vật, người viết không hàm ý biểu dương bên này và chê bôi bên nào.
■ Các sự kiện được sắp xếp gần với trình tự thời gian từ 1975 đến hiện nay, bên cạnh đó, tác giả cuốn sách cũng không bỏ qua những sự kiện là tiền đề cho sự kiện được đề cập. Tất cả các đối tượng đều có lịch sử, vai trò của riêng mình.
Nhưng, vấn đề tiếp nhận BÊN THẮNG CUỘC đã cho những tín hiệu sau :
▄▄▄ Đa phần người Việt Nam chúng ta đón nhận những ý kiến phản biện bằng sự suồng sã của con vẹt và thói hách dịch của kẻ bề trên. Nó là biểu hiện cho sự cùm trói tư duy, không chấp nhận bất cứ quan điểm nào khác chủ kiến của mình và chỉ gìn giữ những định kiến mà không cần liên hệ với giá trị hiện thời – tự coi tầm hiểu biết của mình là chân lý bất biến.
▄▄▄ BÊN THẮNG CUỘC không những gây sửng sốt cộng đồng hải ngoại mà còn cho thấy, sự thiển cận đáng ngạc nhiên trong cộng đồng hải ngoại khi nhận diện tình hình đất nước. Nhiều ý kiến tại hải ngoại cho rằng, Huy Đức viết sách với lời lẽ của giới tuyên giáo cộng sản và “chỉ nói một nửa sự thật” ; cũng không hiểu cái “sự thật” trong cảm quan của họ là gì, nhưng dường như họ muốn buộc Huy Đức phải thừa nhận rằng : Chủ nghĩa cộng sản là quái thai lịch sử và Đảng Cộng sản giống như bầy quỷ dữ, xã hội Việt Nam chịu sự cai trị hà khắc của Đảng Cộng sản nên thành bại hoại, tối đen… Tức là, họ cho rằng, mọi thảm kịch cũng như thực trạng Việt Nam hiện tại đều có nguồn cơn là Đảng Cộng sản – với tư cách kẻ tội đồ bán nước hại dân.
▄▄▄ Rất có thể, sau BÊN THẮNG CUỘC sẽ không còn cuốn sách phản tỉnh nào tạo được làn sóng dư luận nữa. Bởi vì những “thâm cung bí sử” của Đảng Cộng sản đã được bạch hóa và phân tích nhiều, bên cạnh đó, trong cộng đồng không tìm ra sự đồng thuận trong việc khắc phục thảm trạng đổ vỡ chính thể và kiến thiết quốc gia mới hòa hợp – phát triển, cho nên sự ì trệ đã len lỏi vào phong trào đấu tranh nhân quyền – dân chủ và gây ra sự bế tắc, ăn xổi ở thì. Con người chỉ muốn cầu an hoặc hành động một cách chiếu lệ, miễn sao không gây mếch lòng nhà cầm quyền, vì thế, những cuốn sách phản tỉnh tuy có thể làm biến cải tư duy nhưng không tạo ra được những đổi mới trong cuộc vận động vì tương lai tốt đẹp của đất nước.
Vậy mới lo rằng, BÊN THẮNG CUỘC là “người Mohican cuối cùng”, một dấu chấm hết đậm đà cho phong trào dân chủ – nhân quyền chăng ?
Xem tin nguồn: http://www.ttxva.org/osin-huy-duc-voi-ben-thang-cuoc-hay-la-nguoi-mohican-cuoi-cung/#ixzz2Gj1Ku3iU