Thứ Sáu, 18 tháng 1, 2013

Nhân đọc bên thắng cuộc (18) - Cái nhìn thiên kiến về lịch sử

-Gửi bạn Nguyễn Đức Hiển Bauxite Việt Nam 
 thời điểm đề nghị đưa vào áp dụng nghị định “người có vòng ngực dưới 70 cm không được điều khiển xe gắn máy”, tại blog “Bố cu Hưng” của bạn có bài viết “Vú trên bàn nghị sự” với cách viết dí dỏm, châm biếm phê phán những người phát minh ra những cái gọi là “sáng kiến” ruồi bu này. Rồi đến bài “Gửi em ở cạnh sông Hồng”, được viết dưới dạng một bức thư của một anh chàng gửi cho cô gái anh yêu, trong cái cảnh lụt liên tỉnh (từ Bắc vào Nam) mỗi khi có mưa bão mà nhà cầm quyền không có cách khắc phục đẩy lùi những cơn lũ lụt mang tính lịch sử đó. Tôi rất ngưỡng mộ những bài viết mang tính tích cực đứng về lợi ích dân sinh của bạn. Một hôm nhân có cuộc ngồi chơi cùng anh em giới văn nghệ sĩ, có ai đó nói về bạn đó là một thằng“bồi bút”, tôi không tin và đã bẻ lại họ bằng những bài viết vì lợi ích của con người của bạn. 

Tôi đã đọc Phần 1 cuốn “Bên thắng cuộc” của tác giả Huy Đức.
Tôi cũng đã được đọc chính kiến của bạn Nguyễn Đức Hiển về cuốn “Bên thắng cuộc” của Osin Huy Đức qua bài viết “ Huy Đức cái nhìn thiên kiến về lịch sử”. Thật sự tôi vô cùng thất vọng về bạn!
Tiếp theo bài viết của bạn là một loạt bài của những cây bút “bên thua cuộc” đáp trả lại rất nặng ký về bài viết của bạn, nổi bật là bài viết của Vũ Ánh, của Đồng Phụng Việt  phê phán sâu sắc và chính xác trong nhìn nhận của họ về lịch sử mà bạn Nguyễn  Đức Hiển đã cố tình không chịu hiểu để cứ thế khoét sâu thêm mối bất hòa giữa 2 bên “thắng cuộc” và bên “thua cuộc”, nhấn sâu vào nỗi đau của những người Việt cùng dòng máu Lạc Hồng đã một thời cầm súng bắn giết lẫn nhau trong cuộc nội chiến 1955-1975 mà bên“thắng cuộc” cho mình là thực hiện “chính nghĩa”. Bạn sẽ nghĩ gì về 2 dẫn chứng đau thương của người dân mà tác giả Đồng Phụng Việt đã nêu trong bài viết của mình?
- “Chuyện thứ nhất là vụ ném lựu đạn vào buổi lửa trại, tổ chức cho các Hướng đạo sinh, thành viên Gia đình Phật tử và học sinh các trường trung học ở Quy Nhơn, tại sân vận động Quy Nhơn (nay là thành phố Qui Nhơn, tỉnh Bình Định), vào đêm 9 tháng 1 năm 1972, để giết tỉnh trưởng Nguyễn Văn Chức, nhưng ông Chức không chết, chỉ có vài chục người là giáo viên, học sinh chết, bị thương. Người tổ chức vụ ném lựu đạn này là bà Huỳnh Thị Ngọc – đã được Đảng và Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng Vũ trang” hồi Quốc khánh năm 1995, báo Quân đội Nhân dân có bài ca ngợi (tựa là “Giả điên trong tù”, đưa lên Internet hôm 16 tháng 7 năm 2007). Sau khi đọc “Giả điên trong tù”, bạn có thể tìm gặp những người dân Quy Nhơn, nay trong độ tuổi khoảng 60, để hỏi thăm và nghe thêm về bản chất – kết quả thật sự của một “chiến công”, trong cuộc chiến được bảo là chính nghĩa đó”.
- “Chuyện thứ hai là vụ pháo kích vào Trường Tiểu học Cộng đồng ở thị trấn Cai Lậy, tỉnh Định Tường (nay là huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang), ngày 9 tháng 3 năm 1974, khiến 32 học sinh chết tại chỗ và 55 học sinh khác bị thương. Những người dân Cai Lậy, Tiền Giang, nay trong độ tuổi khoảng 55, cũng có thể kể để bạn biết thêm về “chiến công” tệ hại này”.
Trước hết nếu bạn là một con người có lương  tâm thì chắc chắn bạn sẽ phải nhỏ lệ và chia sẻ về cái chết tức của những người dân hiền lành vô tội ở bên kia chiến tuyến! Nếu là một nhà báo lại không phải là “bồi bút” thì bạn sẽ phải thể hiện chính kiến của mình để chặn đứng hành động tàn sát đồng bào của mình bất cứ từ phía nào?
Nói về nhà tù của chính quyền VNCH đối với những người cộng sản rất tàn khốc như bạn đã nói trong bài viết: “Nhấn mạnh “chế độ hà khắc” của các trại cải tạo nhưng cuốn sách lại không nhắc đến những trại tù và cách ứng xử của chế độ Sài Gòn cũ đối với những người yêu nước. Không nhắc đến một thực tế là đã không có người tù cải tạo nào bị tra tấn bằng vôi bột, bị đóng đinh, gí điện, bị đánh đến tàn phế… như những gì mà nhiều người trong số họ từng đối xử với đối phương của mình ở Phú Lợi, Côn Đảo, Phú Quốc, Chuồng cọp Sở thú và hàng trăm nhà tù khác khắp miền Nam. Cuốn sách cũng đã không nói rằng sau khi tiếp quản, không hề có việc lê máy chém đi khắp miền Nam như chế độ cũ đã làm với cán bộ cách mạng và thân nhân trong Luật 10-1959″.
Thực tế, những người tù cộng sản khi trở về đời thường bị thương tật hay mất đi một số chức năng sống là điều có thật. Chồng tôi là một nhân chứng sống của người tù trở về đời thường. Anh ấy là người tù “câu lưu” tức là loại tù không qua tòa án xét xử. Cứ 2 năm mà không chiêu hàng quốc gia thì lại tăng thêm 2 năm tù. Hết 2 năm mà vẫn cứ không chịu ly khai cộng sản thì lại tăng thêm 2 năm nữa. Cứ thế chồng tôi là người có thâm niên lâu nhất trong nhà tù Côn Đảo (20 năm) đã qua đủ hết tất cả những thủ đoạn tra tấn man rợ nhất trả thù cộng sản của nhà tù VNCH. Ngày chúng tôi mới kết hôn, có bữa tôi vừa mua cho anh ấy một đôi dép nhựa mới. Một người bạn đến chở anh ấy đi bằng xe gắn máy. Khi trở về thì chỉ còn một chiếc dép chân trái. Chồng tôi nói là tê chân dép rơi mà không biết. Tôi lại đi mua một đôi khác cho chồng. Vài ngày sau, khi ngồi phía sau xe gắn máy ra đường trở về là chồng tôi lại chỉ còn một chiếc dép chân trái. Trong nhà tôi có một đống toàn là dép chân trái, tôi cằn nhằn, chồng tôi giải thích: “Ngày ở tù anh từng có thời gian bị biệt giam và còng chân phải tới 8 năm. Sau đó anh tuyệt thực phản đối và cuối cùng nhà tù phải nhượng bộ thả còng vào năm 1970. Ngày giải phóng đảo ra về bước đi của anh còn chưa vững, anh em phải dìu và mất một thời gian dài chạy chữa mới tạm thời tự đi lại một mình được, nhưng chân phải bị tê mất cảm giác là chuyện thường ngày”.
Mỗi lần chồng tôi kêu đau là ruột gan tôi như thắt lại. Anh ấy đau một tôi đau tới mười. Nhưng không vì thế mà tôi đồng tình với việc cầm tù những sĩ quan VNCH trong những trại tù cải tạo trong khi miền Bắc đã thâu trọn quyền bính trong tay. Là người có nhiều năm làm công tác nghiên cứu lịch sử Đảng nên tôi hiểu được rằng cuộc chiến tranh Nam Bắc chẳng qua là anh em bắn giết lẫn nhau cho Trung Quốc “tọa sơn xem hổ đấu”, đánh thuê cho Trung Quốc và Liên xô bằng chính máu của người Việt mình mà thôi. Nhưng vì còn hèn nên tôi đã không dám công khai những nghiên cứu của mình về ý nghĩa của cuộc chiến. Một điều xấu hổ của tôi.
Bởi thế khi Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ công khai môt loạt bài về chính kiến của mình trong đó có bài “Đại xá toàn bộ tù nhân chính trị…” với những giải pháp mang tính khoa học và nhân văn cho vấn đề hòa giải, hòa hợp dân tộc rất có giá trị về mặt lịch sử đối với công cuộc hàn lại những vết thương sau cuộc chiến ở thời điểm gần 4 thập kỉ qua đi, đủ độ lùi về thời gian để “từ nay người biết yêu người, từ nay người biết thương người” bất chấp nhà tù và còng số 8. Chính kiến của nhà cách mạng Cù Huy Hà Vũ  đã đi vào lòng người, bởi nó nói lên khát vọng của dân tộc là hòa giải và hòa hợp dân tộc. Vì thế lần đầu tiên trong lịch sử ngành tư pháp nước ta vụ án công dân Cù Huy Hà Vũ được đông đảo nhân dân ký tên trong kiến nghị yêu cầu nhà cầm quyền trả tự do không điều kiện cho người công dân yêu nước này. Những giải pháp  mang tính khoa học của người tiến sĩ yêu nước ấy, với tôi anh là bậc thầy.
Cứ với những định  kiến của bạn thì biết khi nào dân tộc ViệtNammới hòa hợp để tăng sức mạnh, để hàn lại nỗi đau khép lại quá khứ, hướng về phía trước?
Theo bạn thì Osin Huy Đức phải viết như thế nào để không bị “thiên kiến về lịch sử”?
Viết đến đây tôi lại nhớ về cái thời sau Cải cách ruộng đất ở miền Bắc. Lúc đó theo lệnh từ tổ dân phố nhà nào cũng phải treo ảnh của các vị Các Mác, Ăng-ghen, Lê-nin, Stalin, Hồ Chí Minh, Mao Trạch Đông, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng. Trong xóm nhà tôi, nhà nào cũng treo ảnh một vài ông trong danh sách nêu trên. Có nhà để lấy điểm với tổ dân phố, treo cho đủ ảnh các vị trên tường nhà. Ở ngoài Bắc lúc đó, mỗi nhà vẻn vẹn có chừng 20 đến 30 m2. Vào nhà nhìn khắp trên tường thấy toàn những ông này. Riêng nhà tôi thì cha tôi không cho bất kỳ một ông nào lên tường trong căn phòng 16m2.  Tổ trưởng dân phố nhắc nhở cha tôi treo ảnh lãnh tụ nhiều lần, ông chỉ vâng thật to “ lát nữa em treo”. Ngày mai nhắc nữa ổng cũng trả lời giống hệt hôm qua. Vì thế mà nhà tôi có tên trong sổ đen của công an. Bạn Hiển nên nhớ rằng, bây giờ là giai đoạn @ rồi, không còn là giai đoạn giáo điều như khi xưa mà “bắt phong trần phải phong trần” nữa, để mà bắt Huy Đức phải viết theo công thức định hướng “chủ nghĩa tư bản đang giãy chết”cho bạn đọc. Xưa rồi, xưa như trái đất rồi.
Để kết thúc bài viết này,  tôi đồng tình với ý kiến của tác giả Đồng Phụng Việt về bạn hãy  Nhìn – Nghe – Đọc – Hỏi là những điều rất cần thiết đối với nhà báo. Nói như ông bà ta: “uốn lưỡi bảy lần trước khi nói” để tôn trọng mình và cũng là tôn trọng người khác.
Bạn,
N.T.H.L.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN-
Những "Cái nhìn thiên kiến về lịch sử"

Facebook Trần Minh Khôi -Trong một không gian mà ở đó sự kiện, của cả quá khứ và hiện tại, luôn bị bóp méo để phục vụ cho quyền lực chính trị, sự khao khát sự thật của những điều đã xảy ra dẫn chúng ta vào một ngõ cụt: khao khát một thứ lịch sử không thiên kiến. Điều này là bất khả; tất cả những cái nhìn về quá khứ đều thiên kiến.

Chúng ta lẫn lộn giữa quá khứ và cái chúng ta gọi là lịch sử. Lịch sử không phải là quá khứ; lịch sử là cái nhìn về quá khứ với tham vọng giải thích quá khứ, giải thích hiện tại, và dự phóng tương lai. Không có cái nhìn và cách giải thích duy nhất. Ngay cả khi có một phiên bản lịch sử nào đó được số đông chấp nhận thì nó cũng không loại trừ những phiên bản lịch sử khác của thiểu số. Các phiên bản lịch sử này có giá trị như nhau, cho đến khi có ai đó cố gắng áp đặt, trong nhiều trường hợp bằng bạo lực, một tiêu chuẩn duy nhất “đúng”, “sai” cho chúng: những người chủ trương độc quyền lịch sử.



Vấn đề vẫn là: chúng ta có khả năng tạo dựng lại quá khứ không? Câu trả lời là có, và quá khứ luôn luôn được tạo dựng lại dưới ánh sáng của những hiểu biết mới, của những nhu cầu mới, và quan trọng hơn hết là của sự thôi thúc hướng tới tương lai. Nhưng chúng ta chỉ có thể làm được điều này với sự bao dung trước thực tại đa nguyên của lịch sử. Những kẻ độc quyền lịch sử không có khả năng hiểu những gì đã xảy ra. Và do đó, họ đi vào tương lai, nhắm mắt.

Chúng ta lăn tăn với những ý tưởng mà trong một không gian đa nguyên không còn ý nghĩa nữa. Thế nào là một cuốn sách sử? Thế nào là viết sử? Thời đại của những cuốn sách sử, với cái nhìn đơn nguyên (thường là của quyền lực chính trị), mà chúng ta trông đợi đã đi qua. Quá khứ sẽ được tạo dựng lại rõ ràng hơn, chính xác hơn từ những thiên kiến lịch sử đối nghịch.

Trở về lại với “cái nhìn thiên kiến về lịch sử”.

Nguyễn Đức Hiển đã chọn một vấn đề cốt lõi để bàn về cuốn Bên Thắng Cuộc của Huy Đức: nền tảng tư duy lịch sử của nó. Nếu cái nền tảng tư duy này sụp đổ thì toàn bộ cuốn sách sụp đổ. Nguyễn Đức Hiển không chấp nhận tư duy lịch sử của Huy Đức, do đó không chấp nhận những vấn đề còn lại. Đơn giản như thế. Nếu để “đánh”, Nguyễn Đức Hiển cũng chỉ cần đánh vào một điểm đó thôi là đủ.

Chúng ta không có lý do gì để có thể nghĩ khác hơn và sẽ dừng lại ở giả định rằng việc Nguyễn Đức Hiển chia sẻ tư duy lịch sử của quyền lực chính trị chỉ là một sự trùng hợp. Điều này bình thường. Bất cứ ai cũng có quyền sở hữu hoặc chia sẻ bất cứ một tư duy lịch sử nào. Điều đáng tiếc có lẽ là ở chổ tác giả bài báo đó đã không chọn một không gian truyền thông tự do để bày tỏ quan điểm của mình. Tranh luận về ý tưởng chỉ có ý nghĩa khi nó xảy ra trong không gian truyền thông tự do. Trong không gian truyền thông độc đoán không có tranh luận mà chỉ có áp đặt. Với chọn lựa đó, có vẻ như Nguyễn Đức Hiển đã hành xử theo thói quen của những kẻ độc quyền lịch sử: tác giả chọn một kênh truyền thông mà ở đó tác giả có thể nói và không ai có thể nói điều ngược lại. Tuy nhiên điều này chỉ đáng tiếc chứ không thể là lý do cho những tấn công cá nhân đối với tác giả của bài báo. Làm như thế là không xứng đáng. Phải hành xử tử tế mới có đủ sự tử tế để bàn về lịch sử. Phải tôn trọng nhân phẩm của người khác thì mới có đủ nhân phẩm để bàn về lịch sử.

Một vấn đề khác nữa là nhiều người nghi ngờ sự bám víu vào thiên kiến lịch sử của quyền lực gợi ý về một cố gắng bám víu vào chính quyền lực. Đối với một cuộc tranh luận thì điều này vô nghĩa: chúng ta tranh luận về ý tưởng của một người chứ không tranh luận về cá nhân của họ. Nguyên tắc tôn trọng nhân phẩm cũng không cho phép chúng ta giả định thêm.

Nguyễn Đức Hiển không nói điều gì mới. Cái tư duy lịch sử mà tác giả thể hiện trong bài báo đó là tư duy lịch sử chính thống của quyền lực chính trị hiện tại. Nó biện minh cho tính chính đáng của quyền lực, và trong trường hợp của những sự kiện xảy ra được đề cập đến trong Bên Thắng Cuộc, nó biện minh cho tội ác mà quyền lực đã gây ra. Nó là một thiên kiến lịch sử. Như đã nói, nó chỉ có giá trị như những thiên kiến khác. Thiên kiến lịch sử này sẽ tiếp tục tồn tại ngay cả khi mà quyền lực chính trị đẻ ra nó sụp đổ.

Chúng ta đang cố gắng xây dựng một không gian tư duy mà ở đó không có ý tưởng/hệ thống ý tưởng nào là duy nhất hay duy nhất đúng. Trong tất cả những ý tưởng về đa nguyên, đa nguyên lịch sử là quan trọng nhất. Sự hiểu biết về quá khứ chi phối hành xử hiện tại và toan tính cho tương lai. Không có đa nguyên lịch sử thì sẽ không có đa nguyên, và do dó sẽ không có một xã hội tự do. Không phải ngẫu nhiên mà quyền lực chính trị độc đoán, ở mọi thời đại, cộng sản hay không, muốn và sẽ làm tất cả những gì cần thiết, kể cả bạo lực, để duy trì một tư duy lịch sử duy nhất do nó tạo ra. Bất cứ sự xuất hiện của tư duy lịch sử nào khác đều được coi là mối đe dọa và cần phải tiêu diệt. Điều này đặc biệt quan trọng đối với những người chia sẻ hay vay mượn tư duy lịch sử của quyền lực chính trị: anh có nguy cơ trở thành những kẻ độc quyền lịch sử, nghĩa là nguy cơ trở thành độc tài.

Sự thay đổi số phận của một quốc gia luôn luôn được bắt đầu bằng sự thay đổi tư duy lịch sử. Khi có đủ một số đông không còn chia sẻ tư duy lịch sử do quyền lực chính trị tạo ra thì quyền lực đó không còn lý do chính đáng để tiếp tục tồn tại nữa.

Và chính ở đây chúng ta bắt gặp sự hứa hẹn và đe dọa của Bên Thắng Cuộc.

- Báo VN lần đầu phê ‘Bên Thắng Cuộc’ (BBC)Lần đầu tiên từ khi cuốn sách ‘Bên Thắng Cuộc’ của nhà báo Huy Đức xuất bản tập một trên mạng Internet, một tờ báo Việt Nam lên tiếng cho rằng cách nhìn của tác giả về lịch sử Việt Nam là ‘thiên kiến’.


Cuốn sách vẫn tiếp tục thu hút sự chú ý của dư luận Việt Nam

Bài trên trang BấmPháp luật TP Hồ Chí Minh của Nguyễn Đức Hiển cũng phê phán cách viết về chiến tranh mà “mục đích chống xâm lược giành độc lập và thống nhất nước nhà bị bỏ qua”.

Theo tác giả bài báo cách viết này “không thể lý giải thỏa đáng nguyên nhân và ý nghĩa của chiến thắng” và “còn bóp méo sự thật lịch sử dù với bất cứ lý do gì thì đều là tệ hại”.

Tuy tác giả Nguyễn Đức Hiển không có ý định đi sâu vào "tính chính xác của từng sự việc, từng chi tiết” nhưng cũng nêu ra các ví dụ về tù nhân chiến tranh của hai phía Nam và Bắc Việt Nam để nói sách mang tính thiên kiến.
Ai thiếu nhân văn?

Ví dụ, bài báo cho rằng “Bên thắng cuộc” đã hướng suy nghĩ của người đọc rằng chế độ mới thiếu nhân văn khi nói về điều kiện sống của những sĩ quan chế độ Sài Gòn bị đưa đi học tập.

Tác giả Nguyễn Đức Hiển cũng để cụm từ ‘tù cải tạo’ vào ngoặc kép, theo ý bác bỏ định nghĩa này và cho rằng chuyện đưa hàng vạn quân nhân cán chính Việt Nam Cộng hòa vào các trại lao cải sau 1975 chỉ là chuyện đi học tập có tính “nhân văn”.

Gọi chuyện giam cầm không án nhiều năm với nhiều người chỉ là 'cái khó khăn', bài báo đặt câu hỏi về cuốn sách:

“Thật ra cái khó khăn mà những sĩ quan cao cấp đó gánh chịu chỉ bằng một phần rất nhỏ những gì mà quân và dân Việt Nam chịu đựng suốt trong hai cuộc kháng chiến, không lẽ tác giả không biết?”



"Thật ra cái khó khăn mà những sĩ quan cao cấp đó gánh chịu chỉ bằng một phần rất nhỏ những gì mà quân và dân Việt Nam chịu đựng suốt trong hai cuộc kháng chiến, không lẽ tác giả không biết?"


Nguyễn Đức Hiển

“Nhấn mạnh 'chế độ hà khắc' của các trại cải tạo nhưng cuốn sách lại không nhắc đến những trại tù và cách ứng xử của chế độ Sài Gòn cũ đối với những người yêu nước.”

“Không nhắc đến một thực tế là đã không có người tù cải tạo nào bị tra tấn bằng vôi bột, bị đóng đinh, gí điện, bị đánh đến tàn phế... như những gì mà nhiều người trong số họ từng đối xử với đối phương của mình ở Phú Lợi, Côn Đảo, Phú Quốc, Chuồng cọp Sở thú và hàng trăm nhà tù khác khắp miền Nam,”

“Cuốn sách cũng đã không nói rằng sau khi tiếp quản, không hề có việc lê máy chém đi khắp miền Nam như chế độ cũ đã làm với cán bộ cách mạng và thân nhân trong Luật 10-1959”.

Hiện chưa rõ sau bài trên trang Pháp luật TPHCM sẽ có các bài khác trên truyền thông Việt Nam phê phán cuốn sách tác giả Huy Đức công bố khi ông đang làm nghiên cứu tại Đại học Harvard, Hoa Kỳ, hồi tháng 12/2012 nữa hay là không.

Sinh năm 1962, nhà báo Huy Đức, như chính bài báo ghi nhận "là phóng viên của nhiều tờ báo lớn như Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn, Sài Gòn Tiếp Thị nên có cơ hội tiếp cận với nhiều thông tin" trong lính vực nội chính ở Việt Nam.

Ông nổi tiếng với blog bình luận chính trị - xã hội với cái tên BấmOsin, được tạp chí Time trích trong một Bấmbài gần đây về không gian mạng ở Việt Nam.

Bài trên Pháp luật TPHCM cũng ghi nhận việc "sưu tập tư liệu" cho cuốn sách nhưng phê phán về cách đặt vấn đề của ông Huy Đức:

"Công bằng mà nói, lao động và khả năng của Huy Đức đối với việc sưu tập tư liệu cho cuốn sách là điều cần được nhìn nhận...Rất tiếc những thông tin ấy được cố ý sắp đặt để phục vụ chủ kiến của tác giả, vì vậy nó hoàn toàn không chân thật."

Cho đến đầu giờ sáng 2/1/2013 theo giờ miền Đông Hoa Kỳ, trên trang Facebook của Osin đã có trên 160 bình luận liên quan đến bài viết của tác giả Nguyễn Đức Hiển.

Có những ý kiến chia sẻ cách phê phán 'Bên Thắng Cuộc' của ông Nguyễn Đức Hiển (blogger Bố Cu Hưng) chẳng hạn như của Huong Tran:

"Nhà báo Đức Hiển đã rất thẳng thắn nói rõ quan điểm của mình. Tôi phục những người có cái nhìn tỉnh táo và có quan điểm riêng, không a dua theo số đông..."

Trong những số ý kiến phê bình lại chính tác giả Nguyễn Đức Hiển hiện chiếm nhiều hơn có các câu bình luận như của Nam Huynh gọi đây là "lối viết cao đạo, ngụy biện mang âm hưởng tuyên giáo":

"Chứng tỏ ông nhà báo này là đỉnh của đỉnh cao trí tuệ thật. Đoạn lý luận về 'Hợp tác xã và thời bao cấp' đúng là tột cùng của sự thảm hại."



. Báo nhà nước bắt đầu tấn công ‘Bên Thắng Cuộc’
Nguoi Viet Online
‘Cái nhìn thiên kiến về lịch sử’
SÀI GÒN (NV) - Hai mươi ngày sau khi phát hành bản điện tử trên Amazon, cuốn sách Bên Thắng Cuộc (phần 1 tựa đề “Giải Phóng”) của nhà báo Huy Ðức (Osin) bắt đầu bị báo của nhà nước Việt Nam - báo “lề phải” - tấn công.



Bìa cuốn sách ‘Bên Thắng Cuộc - Tập 1: Giải Phóng’ của Huy Ðức.

Bài báo chỉ trích cuốn sách “Bên Thắng Cuộc” được đăng trên báo ‘Pháp Luật TP. HCM online’, hôm 2 Tháng Giêng, 2013.

“Với ưu thế là phóng viên của nhiều tờ báo lớn như Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn, Sài Gòn Tiếp Thị, anh có cơ hội tiếp cận với nhiều thông tin. Rất tiếc những thông tin ấy được cố ý sắp đặt để phục vụ chủ kiến của tác giả, vì vậy nó hoàn toàn không chân thật.”

Tác giả bài báo, ông Nguyễn Ðức Hiển, tổng thư ký tòa soạn báo Pháp Luật TP. HCM, viết như vậy trong bài “Cuốn sách ‘Bên Thắng Cuộc’ của Huy Ðức: Cái nhìn thiên kiến về lịch sử”.

Ông Nguyễn Ðức Hiển và báo Pháp Luật là cơ quan báo chí đầu tiên, trong hơn 700 tờ báo và tạp chí do nhà cầm quyền Việt Nam quản lý, lên tiếng về cuốn sách này, trong lúc dư luận trên mạng xã hội và truyền thông ‘lề trái’ trao đổi bàn luận, khen chê và đặc biệt quan tâm trong hơn nửa tháng qua.

‘...bên được giải phóng hóa ra lại là miền Bắc’

“Bên Thắng Cuộc” (tập 1) của nhà báo Huy Ðức do ông tự xuất bản đã phát hành bản điện tử trên Amazon hôm 12 Tháng Mười Hai, và bản in sắp phát hành nay mai, đề cập đến những chính sách từ chính trị, xã hội, đến kinh tế... mà “phe thắng cuộc” áp đặt lên miền Nam Việt Nam kể từ sau biến cố 30 Tháng Tư, 1975.

Những chính sách này là “Ðổi Tiền,” “Cải Tạo”, “Vượt Biên”, “Thanh Trừng Nội Bộ,” “Ðánh Tư Sản,” v.v.

Trong phần mở đầu, nhà báo Huy Ðức, hay bloger Osin, hiện đang có học bổng nghiên cứu báo chí tại Ðại Học Harvard, Hoa Kỳ, viết: “...Cuốn sách của tôi bắt đầu từ ngày 30 Tháng Tư năm 1975, ngày nhiều người tin là miền Bắc đã giải phóng miền Nam. Nhiều người thận trọng nhìn lại suốt hơn 30 năm, giật mình với cảm giác bên được giải phóng hóa ra lại là miền Bắc.”

Trở lại bài báo trên tờ ‘Pháp Luật TP. HCM’, ông Nguyễn Ðức Hiển thừa nhận “không có ý định đi sâu vào tính chính xác của từng sự việc, từng chi tiết bởi nó không mới và không hẳn cần thiết” mà ông lại chỉ căn cứ vào “những phản hồi bất bình của những nhân vật trong sách, từ cả hai phía, về tính chính xác của các sự kiện và cách trích dẫn cắt cúp, tách bối cảnh ra khỏi sự kiện” để cáo buộc Huy Ðức “gián tiếp giải thích nguyên nhân theo chủ kiến của tác giả”.

Và rằng, “Nếu lịch sử được mô tả chỉ từ một hướng với sự sắp đặt thiên kiến thì nó không còn là lịch sử nữa.”

Ðể chứng minh cho lập luận của mình, khi đề cập đến chính sách ‘tù cải tạo’ trong cuốn sách của Huy Ðức, ông Nguyễn Ðức Hiển đặt câu hỏi:

“Bên Thắng Cuộc hướng suy nghĩ của người đọc rằng chế độ mới thiếu nhân văn khi nói về điều kiện sống của những sĩ quan chế độ Sài Gòn bị đưa đi học tập. Thật ra cái khó khăn mà những sĩ quan cao cấp đó gánh chịu chỉ bằng một phần rất nhỏ những gì mà quân và dân Việt Nam chịu đựng suốt trong hai cuộc kháng chiến, không lẽ tác giả không biết?”

Bài báo viết tiếp, “Nhấn mạnh ‘chế độ hà khắc’ của các trại cải tạo nhưng cuốn sách lại không nhắc đến những trại tù và cách ứng xử của chế độ Sài Gòn cũ đối với những người yêu nước. Không nhắc đến một thực tế là đã không có người tù cải tạo nào bị tra tấn bằng vôi bột, bị đóng đinh, dí điện, bị đánh đến tàn phế... như những gì mà nhiều người trong số họ từng đối xử với đối phương của mình ở Phú Lợi, Côn Ðảo, Phú Quốc, Chuồng cọp Sở thú và hàng trăm nhà tù khác khắp miền Nam.”

Tác giả cũng ‘kết tội’ cuốn sách rằng “Ðã không nói rằng sau khi tiếp quản, không hề có việc lê máy chém đi khắp miền Nam như chế độ cũ đã làm với cán bộ cách mạng và thân nhân trong Luật 10-1959.”

Việt Nam từng từ chối xuất bản

Người ta không thể đoán được rằng, sau bài viết trên tờ ‘Pháp Luật TP. HCM’ sẽ có thêm tờ báo nào khác của nhà nước đề cập hay ‘tấn công’ cuốn sách của Huy Ðức nữa hay không?


Cuốn sách, như lời nhà báo Huy Ðức bày tỏ, đã bị nhiều nhà xuất bản ở Việt Nam từ chối và chính ông đã tìm cách tự xuất bản ở Hoa Kỳ, cách xa Việt Nam nửa vòng trái đất.

Trên các trang mạng xã hội, đặc biệt là Facebook, tiếp tục bàn luận về cuốn sách này, trong đó có nhiều nhận định của những người tự nhận là ‘bên thua cuộc’.

Trong đó có bài viết của Tiến Sĩ Vũ Thị Phương Anh, hiện đang sống tại Sài Gòn, viết: “Không biết đến bao giờ thì những người anh em thắng cuộc mới thực sự hiểu đầy đủ những người thua cuộc, và ý thức rõ những điều phi nghĩa, phi nhân mà họ đã làm đối với những người anh em kém may mắn của họ?”

Và rằng, “Nếu bên thắng cuộc không chịu thực tình tìm hiểu và không chân thành nhận lỗi, thì sẽ không bao giờ có sự hòa giải thực sự... Bên thắng cuộc chỉ có một cơ hội duy nhất để có thể dễ dàng có được sự hòa giải thôi, đó là có sự độ lượng và công bằng đối với bên thua cuộc ngay khi họ vừa chiến thắng.” (K.N.).


-Pháp luật TPHCM -(PL)- Chưa bàn đến những chi tiết cụ thể của cuốn sách này, góc tiếp cận của tác giả đã khó vươn tới điều mình muốn: Hiểu đúng về bản chất của cuộc chiến tranh.


Bìa cuốn sách Bên thắng cuộc do Huy Đức xuất bản với tư cách cá nhân và phát hành trên mạng Internet tháng 12-2012.
Bên thắng cuộc là cuốn sách gồm hai tập của Huy Đức. Phần I với tựa đề Giải phóng đã phát hành trên mạng Internet từ trung tuần tháng 12-2012. Nội dung xoay quanh những diễn biến tại Việt Nam từ sau ngày thống nhất 30-4-1975. Lời đầu sách, tác giả viết “không ai có thể bước tới tương lai một cách vững chắc nếu không hiểu trung thực về quá khứ. Nhất là một quá khứ chúng ta can dự và có phần cộng đồng trách nhiệm”.
Ngày thống nhất
30-4-1975 là ngày kết thúc chiến tranh Việt Nam. Ngày mà những người anh em miền Nam buông súng đầu hàng miền Bắc. Ngày chấm dứt hơn 20 năm “da thịt tàn nhau, vạ trong tường vách”.
Ngay những dòng đầu tiên của chương đầu tiên, tác giả đã gói cuộc chiến chống ngoại xâm vỏn vẹn vào 20 năm. Song cuộc kháng chiến ấy thật sự bắt đầu từ hơn một thế kỷ trước đó, khi người lính đầu tiên của quân xâm lược Pháp đặt chân lên đất nước Việt Nam. Từ đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Pháp, người Mỹ đã bộc lộ âm mưu can thiệp vào Việt Nam từ trận Điện Biên Phủ. Cuộc kháng chiến giành độc lập vì vậy đã trải qua thêm một chương bi tráng và khốc liệt: chống Mỹ.
Sự thật không thể phủ nhận là người Pháp đã khởi đầu chiến tranh, người Mỹ thay vai chuyển nó sang một giai đoạn khác và cả dân tộc này đã đổ máu xương để kết thúc nó. Không phải chỉ có 20 năm và càng không thể là cuộc chiến“da thịt tàn nhau, vạ trong tường vách”như Huy Đức đã viết.
Lịch sử diễn ra liên tục nhưng trong Bên thắng cuộc, nó bị cắt khúc ra, nhìn nhận như là cuộc chiến ý thức hệ, cuộc nội chiến Nam-Bắc của nội bộ người Việt từ năm 1954 đến ngày 30-4-1975. Cách lập luận này, người Mỹ đã nói từ mấy chục năm trước đó khi muốn có cớ can thiệp vào đất nước ta. Dù vậy, người Mỹ không thể phủ nhận sự thật là người Việt đang chiến đấu vì Tổ quốc mình.
Cuộc chiến giành độc lập của người Việt Nam thực sự đã nổ ra từ trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời vào năm 1930 với rất nhiều cuộc khởi nghĩa và những phong trào đấu tranh, dù bị đàn áp, thất bại nhưng chưa bao giờ quy phục. Những người cộng sản chỉ nối tiếp sứ mệnh mà lịch sử giao phó. Vì thế, nó là cuộc chiến không của một chính thể mà của cả dân tộc. Càng không là cuộc chiến của miền Bắc XHCN với nửa nước còn lại. Vì thế, 30-4-1975 là ngày đất nước thống nhất sau hơn một thế kỷ bị xâm lược, đô hộ và chia cắt, không phải “Ngày mà những người anh em miền Nam buông súng đầu hàng miền Bắc”. Đó không phải là chiến thắng của một “bên thắng cuộc” hạn hẹp mà là chiến thắng của mọi người Việt Nam, trong đó cả những người từng ở phía bên kia.
Một nhân vật trong cuốn Bên thắng cuộc sau khi đọc sách đã nói rằng nếu không vì lòng yêu nước và tinh thần dân tộc mà chỉ là cuộc chiến Bắc-Nam thì sẽ không có những người ở Lạng Sơn, Thái Bình xung phong lên đường ra trận và chết ở Cà Mau. Và đâu phải chỉ có bộ đội miền Bắc vào Nam đánh Mỹ, chính nhân dân cả miền Nam đã làm nên Nam Bộ kháng chiến thời kháng Pháp rồi cùng nổi dậy Đồng khởi từ khi chính quyền Ngô Đình Diệm phá hủy hiệp định đình chiến và truy sát những người kháng chiến. Người Việt ở cả hai miền đã cùng cầm súng chống ngoại xâm.
Viết về chiến tranh không thể không nói đến mục đích, ý nghĩa, đối tượng, quy mô, thời gian và các bên tham chiến. Khi mục đích chống xâm lược giành độc lập và thống nhất nước nhà bị bỏ qua, sẽ không thể lý giải thỏa đáng nguyên nhân và ý nghĩa của chiến thắng, còn bóp méo sự thật lịch sử dù với bất cứ lý do gì thì đều là tệ hại.
Ngày cuối chiến tranh và “tù cải tạo”
Huy Đức viết: “Cuốn sách này bắt đầu từ những câu chuyện xảy ra trong ngày 30-4-1975. Ngày mà tôi, một cậu bé 13, trước giờ học chiều, đang vật nhau ven đồi thì nghe loa phóng thanh truyền tin “Sài Gòn giải phóng”.
Tác giả đòi hỏi “hiểu trung thực về quá khứ” nhưng lại nói về “bên thắng cuộc” bằng cách ghi nhận chỉ một phần những gì diễn ra với một số ít người ở phía bên kia. Nhiều trang sách đề cập những tướng lĩnh quân đội Sài Gòn tự sát trong ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh, mà tác giả gọi là “tuẫn tiết”. Sự tuyệt vọng dẫn đến cái chết ấy ở đây xin không bình luận. Nhưng tác giả từng là lính, không thể không biết những đồng đội thế hệ trước mình đã làm gì trong những ngày ấy. Hình ảnh ngày cuối chiến tranh không đơn giản chỉ là những chiến xa bánh xích hiền lành với những anh bộ đội miền Bắc lạ lẫm ở Dinh Độc lập sáng 30-4-1975.
Hơn 10 năm trước, một đoàn làm phim của hãng BBC qua Việt Nam, họ muốn làm một bộ phim về ngày cuối chiến tranh từ trận đánh cầu Rạch Chiếc. Nơi đó, trong ba ngày cuối cùng, một đơn vị bộ đội biệt động đã quần nhau với hai tiểu đoàn Trâu Điên giữ cầu và nhà máy điện Thủ Đức cùng với lực lượng chi viện hùng hậu. Nhiều người lính đã hy sinh trên cầu để chiếc cầu, nhà máy điện được giữ nguyên, cửa ngõ ấy mở ra cho những đoàn tăng T.54 vào giải phóng và góp phần giữ nguyên vẹn Sài Gòn cho hôm nay. Và trong những ngày ấy, có rất nhiều sự hy sinh như thế của những người lính giải phóng.
Bên thắng cuộc hướng suy nghĩ của người đọc rằng chế độ mới thiếu nhân văn khi nói về điều kiện sống của những sĩ quan chế độ Sài Gòn bị đưa đi học tập. Thật ra cái khó khăn mà những sĩ quan cao cấp đó gánh chịu chỉ bằng một phần rất nhỏ những gì mà quân và dân Việt Nam chịu đựng suốt trong hai cuộc kháng chiến, không lẽ tác giả không biết? Nhấn mạnh “chế độ hà khắc” của các trại cải tạo nhưng cuốn sách lại không nhắc đến những trại tù và cách ứng xử của chế độ Sài Gòn cũ đối với những người yêu nước. Không nhắc đến một thực tế là đã không có người tù cải tạo nào bị tra tấn bằng vôi bột, bị đóng đinh, gí điện, bị đánh đến tàn phế... như những gì mà nhiều người trong số họ từng đối xử với đối phương của mình ở Phú Lợi, Côn Đảo, Phú Quốc, Chuồng cọp Sở thú và hàng trăm nhà tù khác khắp miền Nam. Cuốn sách cũng đã không nói rằng sau khi tiếp quản, không hề có việc lê máy chém đi khắp miền Nam như chế độ cũ đã làm với cán bộ cách mạng và thân nhân trong Luật 10-1959.
Cần phải đặt trong sự tương quan khi nhận định về sự nhân văn nhưng tác giả cuốn Bên thắng cuộc đã không làm hoặc không muốn làm điều đó.
Để có bản tin giải phóng trên loa phóng thanh mà cậu bé 13 tuổi nghe khi đang vật nhau với bạn ven đồi, phải trả giá bằng trăm ngàn mất mát, đau thương chứ không đơn giản chỉ là việc húc đổ cổng Dinh Độc lập và cắm cờ trên nóc.
Nếu lịch sử được mô tả chỉ từ một hướng với sự sắp đặt thiên kiến thì nó không còn là lịch sử nữa.
Trên đây chỉ là một số nhận xét về cuốn sách. Người viết không có ý định đi sâu vào tính chính xác của từng sự việc, từng chi tiết bởi nó không mới và không hẳn cần thiết. Tuy nhiên, đã có phản hồi bất bình của những nhân vật trong sách, từ cả hai phía, về tính chính xác của các sự kiện và cách trích dẫn cắt cúp, tách bối cảnh ra khỏi sự kiện để gián tiếp giải thích nguyên nhân theo chủ kiến của tác giả.
Công bằng mà nói, lao động và khả năng của Huy Đức đối với việc sưu tập tư liệu cho cuốn sách là điều cần được nhìn nhận. Với ưu thế là phóng viên của nhiều tờ báo lớn như Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn, Sài Gòn Tiếp Thị, anh có cơ hội tiếp cận với nhiều thông tin. Rất tiếc những thông tin ấy được cố ý sắp đặt để phục vụ chủ kiến của tác giả, vì vậy nó hoàn toàn không chân thật.
NGUYỄN ĐỨC HIỂN
TP.HCM ngày 31-12-2012
Hợp tác xã và thời bao cấp

Không thể phủ nhận nền kinh tế bao cấp đã không còn phù hợp sau một thời gian áp dụng nhưng cũng không thể chỉ nhìn thời bao cấp ở những trì trệ trong những ngày cuối cùng của nó. Tại một giai đoạn lịch sử nhất định, nhất là tại miền Bắc trước năm 1975, nó đã góp phần quan trọng tạo nên một hậu phương vững chắc để phục vụ kháng chiến chống Mỹ. Vì vậy khi phê phán hay rút kinh nghiệm đều cần phải đặt trong bối cảnh, thời điểm đặc biệt. Một doanh nhân đã nói: Có thể xem nền kinh tế bao cấp như một thai nhi nằm trong bụng mẹ. Thằng anh ra trước không thể chê trách thằng em mày có miệng, có mũi sao không thể tự ăn mà lại ăn qua dây rốn. Nhưng khi đã ra đời, sẽ là vô lý khi thằng em đã thành người mà vẫn phải nuôi sống mình bằng sợi dây rốn ấy. Thời bao cấp cũng cần được nhìn nhận như thế.
Bên thắng cuộc phê phán mô hình hợp tác xã ở miền Bắc trước giải phóng nhưng không nhìn thấy một điều: Nếu thời điểm ấy chia ruộng khoán ngay, những gia đình có con em đi bộ đội sẽ không còn nhân lực lao động. Ai sẽ yên tâm đi chiến đấu khi ở nhà không có người nhận khoán? Hợp tác xã đã giải quyết được vấn đề này và nhiều vấn đề khác vào thời điểm ấy.
--

Lê Duy San đã nói


Một cái nhìn khác về cuốn sách “Bên thắng cuộc”
“Phê Bình” hay “Bưng Bô” ?
Lê Duy San
Một cuốn sách, sau khi được phát hành, nếu là một cuốn sách có giá trị, thường được các nhà phê bình lưu ý tới bằng những bài viết nhận định về cuốn sách đó. Đôi khi cũng có những cuốn sách chẳng có giá trị gì, nhưng vì tình văn hữu, nên cũng được một số bạn bè tâng bốc, mà người đời thường nói là “áo thụng vái nhau”. Dù ở trong trường hợp nào thì cũng chỉ là chuyện thường tình, chẳng có gì đáng phải tranh luận để gây nên một cuộc bút chiến. Vậy mà cuốn sách “Bên Thắng Cuộc” của Huy Đức, do một tên Việt Cộng “con” (1) viết ra, có gì đặc biệt hơn mà lại gây nên nổi sóng, nổi sóng chứ không phải nổi tiếng trong cộng đồng người Việt tỵ nạn?
* Cuốn sách “Bên Thắng Cuộc” của Huy Đức đã nói gì?
* Tại sao cuốn sách này lại “nổi sóng”?
1/ Cuốn sách “Bên Thắng Cuộc” của Huy Đức đã nói gì?
Phải nói là bộ sách “Bên Thắng Cuộc” mới đúng vì bộ sách này gồm có 2 cuốn: Cuốn 1 nói về Giải phóng và Cuốn 2 nói về Quyền bính.
Cuốn 1 gồm có 2 phần.
Phần 1 nói về Miền Nam gồm có 7 chương: Chương 1 nói về 30 tháng 4, 1975, Chương 2 nói về Cải tạo, Chương 3 nói về Đánh tư sản mại bản, Chương 4 nói về Nạn kiều hay nói cho đúng hơn là Nạn người Hoa kiều (Tầu), Chương 5 nói về Chiến tranh tức nói về nguyên nhân của 2 cuộc chiến tranh năm 1979 với Trung Cộng và Campuchia, Chương 6 nói về Vượt biên và Chương & nói về Giải phóng.
Phần 2 Thời Lê Duẩn gồm có 4 chương: Chương 8 nói về Thống nhất, Chương 9 nói về Xé rào tức nói về việc thay đổi chính sách kinh tế từ nền kinh tế chỉ huy sang nền kinh tế thị trường theo định hướng CHCN, Chương 10 nói về Đổi mới và Chương 11 nói về Campuchia tức nói về cuộc chiến tranh với Campuchia.
Không cần đọc vào chi tiết, chỉ cần đọc tiêu đề của 11 chương của cuốn 1, chúng ta cũng đã biết biết dược hết tất cả nhưng vấn đề này, không những thế, chúng ta còn biết rõ hơn tác gỉa là khác vì chúng ta không những là nhân chứng mà còn là nạn nhân của những chính sách này. Cứ cho là tác giả khách quan, nhưng liệu tác giả có dám viết hết những điều mình thấy, mình nghĩ không một khi tác giả chính là Việt Cộng, viết về Việt Cộng và rất có thể viết theo lệnh của Việt Cộng?
Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã nói một câu để đời rằng: ”Đừng nghe những gì Cộng Sản nói, mà hãy nhìn kỹ những gì Cộng Sản làm”.
Vì thế nếu có thấy một vài điều tác gỉa viết ra có vẻ khách quan, trung thực hay thấy một vài câu trả lời của các lãnh tụ Cộng Sản mà tác giả đã ghi lại mà tưởng rằng chúng (Việt Cộng) đã thay đổi “tư duy” hay đã ăn năn, hối cải. Chúng ta nên nhớ rằng, tất cả nhưng gì chúng nói, chúng làm đều có mục tiêu, và đều dựa vào một chính sách nào đó.
Như chúng ta đã biết, ngày nay, bọn Việt Cộng không còn có thể lừa bịp đồng bào trong nước cũng như thế giới được nữa; Chính nghĩa mà bọn Cộng Sản Việt Nam rêu rao do sự tuyên truyền và lừa bịp mà có được, không còn nữa. Chúng đã phải bấu víu vào cái xác chết thối tha Hồ Chí Minh mà chúng coi là thần tượng và những tư tưởng ăn cắp và những lời nói gian dối của ông ta mà chúng cho là chân lý. Nhưng thần tượng của chúng cũng đã xụp đổ. Biết bao nhiêu là những thâm cung bí sử về Hồ Chí Minh và tội ác của ông ta đã được phơi bầy ra ánh sáng. Ngày nay chỉ có những tên Việt Cộng mới gọi ông Hồ Chí Minh là Bác, là cố Chủ Tịch còn đại đa số dân chúng đều gọi ông Hồ là thằng, thằng Hồ Chí Minh, thằng bán nước Hồ Chí Minh hay Hồ Dâm Tặc hay Hồ Tặc. Chính vì vậy mà chúng đã phải ban hành nghị quyết 36 để mong xóa bỏ được làn ranh quốc cộng. Cuốn sách mà tên Việt Cộng “con” (1) Huy Đức viết ra cũng không ngòai mục đích đó. NHưng chúng đã thất bại.
2/ Tại sao cuốn sách này lại “nổi sóng”?
Việc một cuốn sách sau khi phát hành, được độc giả khen chê là một chuyện bình thường vì đó là quyền tự do ngôn luận của mọi người. Cuốn sách “Bên Thắng Cuộc” của Huy Đức viết đúng hay sai, chủ quan hay khách quan, chê trách hay nhục mạ quân dân miền Nam (VNCH) đến đâu, tâng bốc, đề cao quân dân miền Bắc (Việt Cộng) đến đâu, cũng chẳng có gì đáng nói vì cuốn sách này do một tên Việt Cộng “con” viết về bên Thắng Cuộc là tên Việt Cộng “cha” thì dĩ nhiên phải là như thế. Nhưng sở dĩ cuốn sách “Bên Thắng Cuộc” của Huy Đức đã “nổi sóng” vì nó đã được những tên mang danh là trí thức, lại là những người Việt tỵ nạn Cộng Sản đề cao và tâng bốc. Như sau:
“Bên Thắng Cuộc là tác phẩm ‘thực’ nhất, cho đến thời điểm này, ghi lại một giai đoạn lịch sử khốc liệt, thông qua tư liệu, của dân tộc từ biến cố 1975 đến nay.” – Đinh Quang Anh Thái, Nhật báo Người Việt, California, USA.
“Cuốn sách phân tích tình hình Việt Nam từ năm 1975 – của một nhà báo sinh ra và lớn lên trong chế độ cộng sản – một cách chuyên nghiệp và công bằng hiếm có. Nó là một kho tàng dữ liệu quý báu, có thể làm ngạc nhiên cả những chuyên viên theo dõi chính trị Việt Nam trong nhiều thập niên qua.” – Nguyễn Mạnh Hùng, Đại học George Mason, Virginia, USA
“Bên Thắng Cuộc của Huy Đức là quyển sách hay nhất về lịch sử Việt Nam sau 1975 mà tôi được biết.” – Trần Hữu Dũng, Đại học Wright, Ohio, USA.
Còn Tiến Sĩ Lê Mạnh Hùng thì khen nhẹ nhàng hơn:
“Trước hết phải công nhận là ông Huy Ðức đã có những cố gắng viết lên những gì mà những người miền Bắc chưa hề dám viết ra”.
“Cuốn sách Bên Thắng Cuộc của ông khi đưa ra đã gây được nhiều ồn ào trong dư luận vì được coi như là đã trung thực dám kể lại những gì xảy ra tại miền Nam trong suốt hơn 10 năm đầu sau ngày 30 tháng 4 với những đau khổ của người dân miền Nam dưới chế độ cai trị của miền Bắc”.
“…cuốn Bên Thắng Cuộc cũng là một cố gắng lớn của tác giả, và đối với những người còn sống tại Việt Nam, đây là một cuốn sách rất có ích vì nó cho họ biết một số khía cạnh về quá khứ mà họ vẫn bị che giấu”.
Không những thế, cuốn sách “Bên Thắng Cuộc” của Huy Đức còn được một tờ báo mang danh là của Người Việt tỵ nan quảng cáo một cách qúa lố.
Một cuốn sách chưa phát hành mà đã dám nói là 1st best seller on Southeast Asia History và 2nt best seller on Asia History và lại còn dám nói rằng “tài liệu mật chưa từng công bố” . Trong 11 chương của cuốn 1, thì hầu hết dân miền Nam đều biết, không là nạn nhân thì cũng là nhân chứng, cần gì phải công bố? Chỉ có tác gỉa coi là mật vì lúc đó tác giả mới có 13 tuổi còn mải mê đánh bi, đánh đáo nên khộng biết? (1)
Tóm lại, cuốn “Bên Thắng Cuộc” của Huy Đức chẳng có gì đáng nói và cũng chẳng có gì gọi là “tài liệu mật chưa từng công bố” để đáng xem vì đây chẳng qua cũng chỉ là một cuốn sách của một tên Việt Cộng viết về những chính sách của Viết Cộng sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 như bao nhiêu cuốn sách khác do Việt Cộng viết. Tuy nhiên tôi cũng cám ơn tác giả Huy Đức vì nhờ cuốn sách này mà tôi thấy các ông trí thức Đinh Quang Anh Thái, Nguyễn Mạnh Hùng và Trần Hữu Dũng đáng được vinh danh là những Việt Kiều bưng bô bằng miệng nổi danh nhất trong năm 2012. Mong rằng các ông sẽ nhận được bằng Tưởng Lệ của chính quyền bán nước Việt nam trong một ngày gần đây.
(1) Theo Wikipedia thì Huy Đức tên thật la Trương Huy San, người Hà Tĩnh, sinh năm 1962.

Tổng số lượt xem trang