Sáng 30-4-1975, khi xe tăng cộng sản miền Bắc ủi sập cổng để tiến vào Dinh Độc Lập, cơ quan chính quyền cao cấp nhất của Việt Nam Cộng hoà, thì chỉ ít phút sau tổng thống cuối cùng của miền Nam là Tướng Dương Văn Minh được bộ đội áp tải đến đài phát thanh để đọc lệnh đầu hàng.
Trang nhất báo Nhân Dân ngày 1-5-1975 chạy hàng tít lớn: “Hoan hô Sài Gòn giải phóng”. Ngày hôm sau báo này lại lên tít: “Miền Nam hoàn toàn giải phóng”. Đối với lãnh đạo miền Bắc, mục tiêu “chống Mỹ cứu nước”, “giải phóng miền Nam”, “thống nhất đất nước” của họ đã đạt được sau 20 năm.
Ngày đó có một thiếu niên ở miền Bắc tuổi mới 13 đang nô đùa vật lộn với bạn, khi nghe tin “Sài Gòn giải phóng” đã ngừng chơi và trong đầu nẩy ra ý nghĩ “Phải nhanh chóng vào Nam để giáo dục các bạn thiếu niên lầm đường lạc lối.”
Ba mươi bảy năm sau, thiếu niên 13 tuổi ngày trước nay là nhà báo Huy Đức đã viết về ngày 30-4: “là ngày kết thúc chiến tranh Việt Nam. Ngày mà những người anh em miền Nam buông súng đầu hàng miền Bắc. Ngày chấm dứt hơn hai mươi năm “da thịt tàn nhau, vạ trong tường vách”. Nhưng, không phải cứ súng ống vất đi là sẽ có hoà bình.”
Nhận xét của Huy Đức phản ánh thực tế Việt Nam trong nhiều năm sau đó. Không những đất nước đã không có hoà bình vì phải đương đầu với hai cuộc chiến, ở phiá bắc và phiá tây nam, còn trong lòng nhiều người Việt nào có được an vui. Cuộc chiến kết thúc đã kéo theo nhiều hệ lụy mà cho đến hơn một phần tư thế kỷ sau chiến tranh, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng đã phải nhìn nhận rằng ngày 30-4 “triệu người vui mà cũng có triệu người buồn”.
Trong nước, người vui đã hoan hỷ kể đi kể lại câu chuyện của họ từ gần bốn mươi năm trên biết bao trang báo, thước phim, tác phẩm. Còn kẻ buồn, người bị tù đày, gia đình tan nát vì những chính sách “Bắc hoá” miền Nam, theo cách gọi của Huy Đức, đến giờ chưa có được cơ hội nói lên hay viết ra trên đất nước của họ. Những đề tài như tù cải tạo, đánh tư sản, vượt biển vượt biên vẫn còn là điều nhạy cảm đối với truyền thông trong nước.
Tác phẩm Bên Thắng Cuộc (OsinBook 2012) của Huy Đức cố gắng nói lên một phần của những nỗi đau đớn, oan khiên đó trong tổng thể thực trạng Việt Nam từ ngày 30-4-1975.
Là một nhà báo có tiếng trong nước, là phóng viên của nhiều cơ quan truyền thông lớn như Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Sài Gòn Tiếp Thị, nhưng ông đã rời những cơ quan này để được viết một cách độc lập và tự do hơn. Từ đó Blog Osin Huy Đức ra đời với những nhận định sâu sắc thu hút nhiều độc giả trong nước và hải ngoại.
Trong vai trò một nhà báo, tác giả đã có nhiều gặp gỡ, phỏng vấn quan chức lãnh đạo, nhận thức tình hình, sau lại có cơ hội đến Mỹ học hỏi và nghiên cứu về những vấn đề liên quan đến Việt Nam, Bên Thắng Cuộclà đúc kết của những tư liệu và tài liệu tác giả thu thập được.
Huy Đức đặt lại chuyện gọi miền Nam được “Giải phóng” hay ngược lại chính là miền Bắc.
Việc này từ hơn hai thập niên trước cũng đã được nhà văn Dương Thu Hương đặt ra. Còn nhà báo Mỹ David Lamb từng có mặt tại miền Nam thời chiến, sau năm 1975 đã trở lại làm đại diện cho nhật báo Los Angeles Times ở Hà Nội, đã viết trong tác phẩmVietnam, Now (2002) về đất nước này thời đương đại và cũng nêu câu hỏi là người miền Nam đã được miền Bắc giải phóng khỏi cái gì.
Trong Bên Thắng Cuộc tác giả ghi lại hai câu thơ dân gian: “Nam Kỳ Khởi Nghĩa tiêu Công Lý / Đồng Khởi lên rồi hết Tự Do” là cách đặt vấn đề một cách tinh tế nhất.
Nhiều điều cấm kỵ trong nước được Huy Đức ghi lại, từ giam cầm văn nghệ sĩ như chuyện tù của nhà văn Duyên Anh, những trại học tập cải tạo, đánh tư sản mại bản, càn quyét văn hoá Mỹ-Ngụy, chuyện chìm tàu vượt biển ở Cát Lái, chuyện sống sót sau hành trình vượt biển của Phạm Thanh Tùng, chuyện vượt biên của con của thi sĩ Trần Dạ Từ và nhà văn Nhã Ca, chuyện học tài thi lý lịch.
Liên quan đến chính sách đối ngoại ngay sau khi cuộc chiến chấm dứt, Huy Đức đưa ra những dữ kiện, không mới, căn cứ vào hồi ký của nhà ngoại giao Trần Quang Cơ, cho thấy Việt Nam đã bỏ mất cơ hội bang giao với Hoa Kỳ vào cuối thập niên 1970 khi nhất định đòi Hoa Kỳ 3.2 tỉ đô-la bồi thường chiến tranh, cùng lúc Việt Nam liên minh với Liên Xô chống lại Trung Quốc nên đất nước lại có chiến tranh, sa lầy ở Kampuchia và gây kiệt quệ thêm cho nền kinh tế.
Sách đề cập đến một số vấn đề còn gây tranh luận cho đến nay. Như về cải cách ruộng đất, tài liệu trích dẫn cho thấy Hồ Chí Minh bị Mao Trạch Đông ép buộc thực hiện kiểu Trung Quốc để đổi lấy viện trợ. Theo tác giả việc hàng triệu người đã bỏ miền Bắc di cư vào Nam là vì chính sách cải cách ruộng đất được áp dụng.
Việc đưa quân sang chiếm đóng Kampuchia thì Lê Duẩn, lúc đó là Tổng Bí thư, như không tán thành qua biểu lộ chẳng chút hồ hởi hay vui mừng khi nghe tin bộ đội đã tiến vào thủ đô Phnom-Penh.
Về cách làm chính sách, tác giả như muốn quy trách nhiệm những chính sách sai lầm cho một vài cá nhân lãnh đạo: “Nhiều chính sách làm thay đổi số phận của hàng triệu sinh linh như “Phương án II”, như “Z 30” cũng chỉ được quyết định bởi một vài cá nhân, nhiều người là ủy viên Bộ chính trị cũng không được biết.”.
Lập luận này không thuyết phục vì sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trước nay mang tính tập thể. Nếu một cá nhân có thể đưa ra những quyết định quan trọng làm thay đổi đất nước thì đã có người có thể làm như thế, chẳng hạn như Thủ tướng Võ Văn Kiệt được tác giả nói đến nhiều. Bên Thắng Cuộc ghi lại rất nhiều hoạt động của ông Kiệt từ những ngày của tháng 4-1975, mà trước nay có ít sách vở nói đến, cho đến lúc ông làm thủ tướng, đã được dư luận trong nước cho là người có đầu óc cải cách. Nhưng ông Kiệt dù có muốn cũng chỉ làm được tới đó vì tập thể lãnh đạo, tức Bộ Chính trị, không cho phép cải cách đi xa hơn nữa.
Gần đây là trường hợp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Tuy kém khả năng lãnh đạo nhưng ông vẫn không phải từ chức hay bị mất chức vì Đảng vẫn đặt ông ở đó, như ông tự nhận. Điều này cho thấy lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam mang tính tập thể.
Đọc Bên Thắng Cuộc để thấy kế hoạch cai trị được Đảng Cộng sản áp dụng tại miền Nam sau ngày 30-4-1975 giống như chính sách đã được thực hiện sau ngày tiếp quản Hà Nội 10-10-1954. Ở miền Bắc thời đó là “cải tạo thương nghiệp”, sau ngày 30-4-1975 tại miền Nam gọi là “cải tạo tư sản mại bản”. Hai dấu mốc thời gian khó quên cho người dân Việt vì hơn nửa thể kỷ áp dụng xã hội chủ nghĩa đất nước đã không tiến nhanh, trong khi đó hàng triệu người đã trở thành nạn nhân và hệ lụy của những chính sách này còn kéo dài cho đến ngày nay.
Bên Thắng Cuộc không phải là quyển sách sử. Tác phẩm là một đóng góp nữa cho kho tài liệu viết về cùng một giai đoạn lịch sử ở Việt Nam, có thể kể: Winds and Shadows của Robert Templer; Vietnam: Rising Dragon của Bill Hayton; Cruel April, nguyên bản tiếng Pháp, của Olivier Todd; The Will of Heaven của Nguyen Ngoc Ngan; After Saigon Fell của Nguyen Long; The Refused của Barry Wain; South Wind Changing của Jade Huynh Quang Ngoc; Prisoner of Words của Le Huu Tri; Boat People: 1954, 1975-1992 của Vo M. Nghia hay Đêm Giữa Ban Ngày của Vũ Thư Hiên, Đại Học Máu của Hà Thúc Sinh, Đáy Địa Ngục của Tạ Tỵ.
Khác chăng là lý lịch của tác giả Huy Đức. Ông là nhà báo lớn lên trong môi trường xã hội chủ nghĩa, bị bưng bít thông tin nhưng đã cố gắng tìm hiểu mọi phiá và can đảm viết lên một cách chuyên nghiệp và trung thực bằng với khả năng của mình.
Bên Thắng Cuộc quyển I: Giải phóng là quyển sách cần đọc. Quyển II: Quyền bính, mới nghe tựa đã thấy lôi cuốn những ai muốn tìm hiểu về Việt Nam đương đại.
© 2013 Buivanphu