* MINH DIỆN
Ngôi biệt thự kín cổng cao tường, có cây sa kê cổ thụ trùm bóng xuống sân, lúc nào hai cánh cửa gang nặng nề cũng đóng kín. Chỉ khi một chiếc xe hơi trờ tới, chiếc cổng mới từ từ mở ra cho xe vào, rồi nhanh chóng khép lại. Suốt ngày đêm hai chiến sỹ công an sắc phục chình tề đứng gác. Ngoài ra còn có nhân viên an ninh mặc thường phục lảng vảng vòng ngoài bảo vệ.
Chủ ngôi biệt thự ấy là Chín Dương, một cán bộ cao cấp.
Chín Dương đã có vài ngôi biệt thự ở thành phố này, dành cho con trai, con gái ông ở, ngoài ra còn ngôi biệt thự rất to đẹp trung tâm thành phố, nhà nước tịch thu của một gia đình tư sản bị đuổi đi kinh tế mới năm 1979, giao cho ông với đầy đủ tiện nghi, từ cái bếp ga đến chiếc đàn dương cầm của Thụy Sỹ. Ngôi biệt thự ấy Chín Dương cho một công ty Hàn Quốc thuê 15.000 đô la một tháng, rồi chuyền đến khu Cát Tường này tử năm 1992.
Cát Tường xưa là đất của xứ đạo, sau giải phóng, nhà nước thu hồi, giao cho một hợp tác xã nông nghiệp trồng rau, theo mô hình kinh tế tập thể. Những căn nhà của người nghèo mọc lên bên những liếp rau xanh từ những năm đầu thập kỷ 80.
Tốc độ đô thị hóa nhanh, Cát Tường trở thành khu đô thị mới hấp dẫn quận này, và Phan Huy, được giao làm chủ đầu tư dự án .
Tôi còn nhớ như in hình ảnh cưỡng chế thu hổi đất diễn ra ở đây. Chủ tịch quận trực tiếp chỉ huy lực lựng cưỡng chế. Đó là một người đàn bà dáng lực sĩ nhưng cũng xinh đẹp, xuất thân ngành y, có nước da mỡ màng, cặp mắt lá răm đa tình và bộ ngực phây phây gợi cảm, mơn mởn. Nghe nói Sáu Mây là người tình của ông Sáu Dẹo, một cán bộ cấp trên, nhờ vậy được nâng đỡ rất nhiều.
Dù là một người đàn bà đẹp nhưng Sáu Mây chì huy cưỡng chế hung hăng sắt máu hơn đàn ông. Bà ta đeo súng ngắn lủng lẳng bên hông, ưỡn bộ ngực đồ sộ, bước đi oai vệ như một con bọ ngựa, miệng hô hét, quát tháo ỏm tỏi. Dưới sự chỉ huy cùa nữ tướng, những căn nhà tôn, nhà lá của dân ngèo bị đập nát, giường chiếu hất chỏng trơ, bàn thờ Phật, thờ Chúa, bàn thờ ông bà phơi giữa nắng mưa.
Bấy giờ chẳng ai dám chống đối, dù chỉ một lời cũng không dám cất lên, đừng nói một hành động, bởi cái mũ phản động, ngụy quân, ngụy quyền luôn rình rập sẵn sàng chụp lên đầu kẻ nào dám ho he. Người dân im lặng như câm điếc, nuốt nước mắt, nhẫn nhục thu vén từng mảnh tôn, manh lá, gói gém áo quần tìm nơi tá túc.
Tôi nhớ mãi hình ảnh bà cụ Cúc bảy mươi tám tuổi quỳ lạy Sáu Mây xin đừng đập cái bát nhang của bà, ba gục xuống bất tỉnh trên nền căn nhà vừa bị phá, mặt Sáu Mây vẫn tỉnh bơ.
Mấy chục hec-ta đất khu Cát Tường được rạch ngang dọc thành tấm thành miếng, phân lô, vạch nền kinh doanh địa ốc, một ít xây nhà tái định cư dân Kinh Thối, còn chia chác nhau. Người có chức, có quyền đều có phần. Quan to phần lớn quan nhỏ phần bé. Họ bịt miệng công luận bằng cách dựng lên cái gọi là “Làng Báo ”, nhưng chỉ một số rất ít quan báo, nhà báo được hưởng ân huệ ấy.
Những người hưởng lợi lộc nhất là Bảy Bông bí thư, Sáu Mây chủ tịch, Hai Minh phó chủ tịch quận và Phan Huy giám đốc công ty TMC, chủ đấu tư dự án Cát Tường. Nhờ ban phát đất Bảy Bông, Sáu Mây, vụt sáng như sao, Bảy Bông nhảy lên Trung ương, Sáu Mây làm Phó chủ tịch thành phố, Phan Huy lên chức Tổng giám đốc công ty TMC, con cưng của lãnh đạo.
Một trong số được ưu ái cấp đất khu đô thị Cát Tường là Chín Dương, cán bộ lão thành cách mạng, ông trùm ngành nội chính. Lô đất của ông ngang ba chục mét, dài ba chục mét, diện tích chín trăm mét vuông, gấp chín lần tiêu chuẩn dành cho những cán bộ khác. Ông được cho không, chẳng mất đồng xu cắc bạc nào, thậm chí không phải mất công ký một chữ.
Đất vừa cấp xong, đội quân xây dựng có mặt. Xe ủi, xe cào, máy khoan máy đóng cọc rầm rầm. Gạch, xi măng, sắt thép ùn ùn chở đến công trường xây dựng giữa thời buổi kinh tế kế hoạch, phân phối theo “nhu cầu thích hợp”, một bao xi măng quý ơn bao gạo.
Đội quân xây dựng, đầy đủ trang bị, dốc sức lao động ròng rã hơn năm trời, ngôi biệt thự kiến trúc kiểu gô tích lai Pháp hoành tráng mọc lên, có hồ bơi trong nhà, bể xông hơi và đầy đủ tiện nghi sang trọng.
Hơn một năm trời xây dựng ngôi biệt thự Chín Dương chỉ ghé qua một lần vào ngày sắp khánh thành. Ông đứng giữa vòng vây của hàng chục cán bộ, khẽ gật đầu biểu lộ sự hài lòng về ngôi biệt thự rồi lên xe.
Rất ít người dân trong khu phố biết chủ nhân ngôi biệt thự là ai, càng hiếm người có may mắn được vào ngôi biệt thự. Tuy ở giữa khu dân cư nhưng gia đình ông Chín sống tách biệt, không nhìn ngó ai, không có bất kỷ mối liên hệ nào. Người khu phố mỗi khi đi ngang, chỉ đảo mắt nhìn qua ngôi biệt thự, không dám đứng lại ngắm nghía bởi cặp mắt cảnh giác cùa người công an gác cổng. Những kẻ buôn thúng bán bưng không được bén mảng đến gần ngôi biệt thự. Mấy gia đình gần ngôi biệt thự không được gây tiếng ồn và hạn chế khách khứa. Ở gần nhả quan lớn phải khép nép như ở gần hang cọp! Tuy nhiên khu phố chúng tôi lại được hưởng ké sự ưu tiên dành cho ông Chín, là không bao giờ bị cúp điện luân phiên ngay cả khi thành phố thiếu điện trầm trọng. Nếu không may xảy ra sự cố là lập tức nhà đèn phái người tới ngay và ánh sáng từ ngôi biệt thự rực lên báo tin vui cho cả khu phố.
Tôi được ông Chín mời sang chơi lần đầu khi ông về sống trong ngôi biệt thự ba tháng. Nói mời cho oai, thực ra là ông cho lái xe sang gọi:
- Chú Chín nói anh sang gặp ổng!
Tôi đã nghiệm ra rằng, các sếp lớn luôn dành cho mình quyền sai khiến cấp dưới. Hình như họ nghĩ cấp dưới được cấp trên sai khiến là một ân huệ. Dù biết tôi là một nhà báo, ông Chín vẫn sai khiến theo thói quen của ông.
Bấy giờ là bốn giờ chiều ngày chủ nhật, Chín Dương đang ngồi trên ghế xích du dưới gốc sa kê, ngắm những dò phong lan cẩm bào và tuyết nhung quý hiếm vừa trổ bông. Thấy tôi ông nhích mép cười, chỉ cái ghế đá đối diện:
- Ngồi đi!
Ông nhìn tôi từ đầu đến chân, suồng sã:
- Chú mày chưa biết tao nhỉ?
Tôi nghĩ: Tôi còn lạ gì ông? Trước giải phóng ông là bộ trưởng trong chính phủ cách mạng lâm thời, cái bộ trên danh nghĩa, sau giải phóng làm phó ban cải tạo tư sản, nổi tiếng sắt máu, tham lam, có năm người con đều làm giám đốc doanh nghiệp nhà nước, một trong số đó là Bảy Móm, giám đốc công ty IMC, tôi mới viết bài phóng sự điều tra cách một tuần. Tôi nói:
- Hình như anh Chín có gì sai bảo?
Ông Chín nhếch mép cười, trán hằn mấy nếp nhăn sâu, má chảy xệ, mắt lừ lừ như mắt rắn:
- Nghe Bảy Món nói chú mày ở gần chủ nhật gọi qua cho biết.
Tôi chào ông Chín ra về.
Chủ nhật tuần sau ông gọi sang nói:
- Tao đã gọi điện cho Tổng biên tập của chú em về bài báo chú bôi bác IMC. Thôi bỏ qua, từ nay không nói tới nữa!
Thảo nào mấy phần tiếp theo bài phóng sự tôi gửi ra đều bị ách lại. Tôi nói:
- Tôi đâu có bôi bác IMC anh Chín?
Ông Chín nói:
- Không tranh cãi nữa! Tôi nói bôi bác là bôi bác!
Ông đứng dậy, ném cho tôi cái nhìn đe dọa rồi phầy tay đuồi về. Từ đó ông không kêu tôi qua nữa.
Rằm Trung Thu năm ấy tình cờ tôi anh Lâm gặp lái xe của Chín Dương chở một thùng Carton bánh Trung Thu sang trường mẫu giáo Mầm Xanh cho các cháu. Nhìn những cái bánh Trung Thu bị cắt ngang, cắt đọc, tôi hỏi anh Lâm:
- Sao cắt nát ra như vậy rồi mới cho các cháu?
Lái Lâm nói:
- Ông bà Chín bảo mang giục đống rác, tôi tiếc mang cho các cháu !
Nhìn trước nhìn sau không có ai, Lâm nói nhỏ với tôi:
- Cắt ra tìm nhân bằng vàng như báo chí nêu đấy!
- Có vàng không?
- Em làm sao biết được?
Lâm chắp tay van tôi đừng nói cho ai biết, nhất là đừng đưa lên báo, kẻo anh mất việc.
Tết âm lịch năm ấy, Lâm mang cho tôi chai rượu Remymartin, để trả ơn sự im lặng. Biết tôi là người biết giữ mồm giữ miệng anh khoe:
- Riêng rượu bán đi, đã thu được hơn một tỷ !
Theo anh Lâm, mỗi cái tết cổ truyền, gia đình ông Chín thu được ít nhất mười tỷ.
Có lẽ anh Lâm không nói ngoa bởi suốt từ đầu tháng Chạp xe pháo đã nườm nượp ra vào nhà Chín Dương. Trong dòng xe đông đúc không đếm xuể ấy có xe của Bảy Bông, Sáu Mây, Hai Minh, Phan Huy. Đặc biệt Phan Huy còn chở tới những cây mai kiểng đẹp nhất ở triển lãm hoa xuân cho ông Chín Dương chơi tết.
Cây mai tết năm ấy chưa nở hết bông thì vụ án TMC xảy ra, Phan Huy bị bắt và cuộc điều tra mở rộng liên quan đến Bảy Bông, Sáu Mây, Hai Minh. Một trong những người chỉ đạo ban chuyên án là ông Chín Dương.
Mấy lần ông gọi tôi sang, bằng hình thức gián tiếp cung cấp cho tôi hướng đi của vụ án, đồng thời thăm dò và ngăn chặn tôi tiết lộ mối quan hệ giữa ông và Phan Huy, Sáu Mây.
Vụ án TMC rúng động thành phố. Tiền bạc, đất đai, xe pháo và những mối quan hệ nhằng nhịt. Phan Huy là thủ phạm, là đầu mối chính các điều tra viên tập trung truy xét và là tiêu điểm để báo chí khai thác. Bằng nguồn tin riêng, tôi được biết Phan Huy vẫn hy vọng được cứu, mà người cứu anh ta chính là Chín Dương. Vì vậy Phan Huy không hề khai bất kỳ điều gì về Chín Dương.
Ngoài Phan Huy, Sáu Mây và Hai Minh cũng vậy. Họ tin Chín Dương sẽ vung lá chắn lên đúng lúc che chở cho họ. Bởi thế hôm đầu phiên tòa sơ thẩm, Sáu Mây, Hai Minh đi xe hơi tới dự với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Nhưng niềm hy vọng vào Chín Dương tắt ngấm khi kết thúc phiên tòa phúc thẩm, với bản án tử hình dành cho Phan Huy bà hai bản án tủ treo cho Sáu Mây và Hai Minh
Tôi gặp Sáu Mây sau phiên tòa. Nhìn gương mặt xám ngoét cùa bà, tôi hỏi:
- Chị Sáu có nhớ bà cụ Cúc không?
- Dạ Cúc nào anh nhỉ, Sáu không nhớ ?
Giọng nhỏ nhẹ, khiêm tốn của Sáu Mây khác hẳn cái ngày bà ta quát tháo ra lệnh cưỡng chế. Tôi nói:
- Bà cụ Cúc ôm cái bát nhang quỳ lạy chị ở Cát Tường ấy! Bà cụ chết ngay đêm đó!
- Trời ơi vậy hả anh! Tội nghiệp cụ!
- Chị nghĩ có quả báo không ?
Nghe tôi hỏi, Sáu Mây gục mặt xuống, hai vai run lầy bẩy.
Tôi nghĩ Phan Huy có tội nhưng không đáng chết. Anh ta như một kẻ cầm dao xẻ thịt con heo còn chia cho ai miếng to miếng nhỏ, miếng nạc miếng mỡ là quyền người khác. Vì vậy từ tòa án về tôi sang nhà Chín Dương kể cho ông nghe diễn biến phiên tòa, và sau đó tôi nói với ông ta:
- Phan Huy vẫn hy vọng anh Chín cứu ? Anh nghĩ sao?
Ông Chín nói:
- Cứu sao nổi mầy ơi!
Tôi nói:
- Anh bên nội chính thừa sức cứu!
- Thôi đừng nhắc ba chuyện đó phức tạp ra mầy ơi!
Khuôn mặt Chín Dương dài nghệt ra, xám ngoét vô cảm như nặn bằng sáp.
Phan Huy bị thi hành án, để lại người mẹ già và hai đứa con côi vì trước đó vợ anh đã chết vì căm bệnh ung thư.
Sáu Mây bị án treo, mất hết chức tước, vừa tiếc thời vàng son, vừa hậm hực người tình Sáu Dẹo và các quan trên không cứu mình, vừa xấu hổ với bạn bè . Chồng Sáu Mây trước kia biết bị cắm sừng vẫn chịu đựng, bao gái chân dài xả láng “trả thù”, ông ăn chả bà ăn nem, nay chửi thẳng vào mặt Sáu Mây là “con điếm” rồi bắt ký vào đơn ly dị. Hai thằng con một thời cậy thế mẹ ăn chơi sa đọa, không ai dám đụng tới sợi lông chân, giờ bị bắt nghiến trong vũ trường khi đang xái thuốc lắc.
Hai Minh bi đát hơn vì hai đứa con bị chết do sốc ma túy.
Một hôm tôi gặp Hai Minh ở chùa Hoằng Pháp. Mái tóc bạc gần hết, khuôn mặt vốn no nê, hồng hào, giờ xám đem, hai hốc mắt trũng sâu u tối. Bà nói với tôi:
- Chị ân hận quá Minh Diện ạ! Hồi đó chị đã không phải với em!
Bà khóc nấc lên.
Tôi nhớ buổi chiều ấy trong phòng làm việc của phó chủ tịch quận, tôi nói với bà: “Chị là vợ một liệt sỹ không quân anh hùng, là dâu một vị tướng đáng kính, mà không duyệt cho một đồng chí thương binh 60 mét vuông đất trong khi duyệt cho ông Chín Dương 900 trăm mét là đồ tồi!”. Bà Hai Minh nói: “Chú ra khỏi phòng tôi ngay”.
Tôi hỏi bà Hai Minh có tới thăm Chín Dương không? Bà nói:
- Chị không muốn nhìn thấy mặt lão già đó nữa!
Ông Chín Dương nghỉ hưu ở tuổi bảy mươi. Đã ở cái tuổi gần đất xa trời ấy nhưng vẫn còn nuối tiếc quan trường lắm. Ông ta ra điều kiện với lãnh đạo, bố trí cho ông ta một căn phòng trong cơ quan để ông ta tới ngồi với tư cách cố vấn. Mấy ngày đầu tay thủ trưởng mới chiều ý làm theo, sau bỏ, Chín Dương tức chửi um.
Một hôm tôi sang chơi, thấy Chín Dương ngồi nghiêm trang trước một đống giấy, tay cầm bút ký nhoay nhoáy. A, thì ra ông vẫn thèm ký! Làm lãnh đạo cả đời, ký hàng vạn chữ rồi, chả biết có chữ nào lợi cho dân cho nước không mà còn thèm?
Ông kéo tôi ngồi xuống bàn nói:
- Mấy thằng cha ấy làm bậy hết! Phá hoại hết trơn rồi!
Tôi hỏi:
- Anh Chín nói mấy cha nào ?
Ông Chín bĩu dài thượt, lừ hai mắt rắn, chỉ tay lên trời:
- Mấy cha đó đó?
Tôi hiểu ông Chín nói những người đương chức đấy. Cùng một duộc mà chê nhau nỗi gì?
Tôi và Chín Dương đang ngồi nói chuyện thì một người đàn ông từ trên lầu xuống. Ông ta khoảng ngoài năm chục tuổi, mặt gồ ghề, hai con mắt trắng dã, miệng cười ngô nghê nhưng toát lên vẻ giảo hoạt.
Ông Chín giới thiệu
- Cha này là đại tá anh hùng đấy! Chồng của Năm Thi con gái út tôi!
Tôi chìa tay viên đại tá không thèm bắt, mắt cứ láo liêng miệng cười cười, ngây ngô, nhe hai hàm răng vàng xỉn nhìn rất sợ.
Tôi chào ông Chín, vội vã ra về.
- Đoàng! Đoàng!
Tôi vừa ra đến đường thì hai phát súng vang lên đanh gọn. Tôi tông cổng vào thấy người đàn ông đã gục chết, đè lên xác ông Chín Dương, tay ông ta vẫn cầm khẩu súng K59.
Hôm sau tôi được biết người đàn ông đó là Hai Thủ, từng là lính bảo vệ ông Chín ở R, và là người yêu của Năm Thi, con gái út ông Chín. Khi Năm Thi ra Bắc và đi học ở nước ngoài, Hai Thủ cứ chờ đợi, nhưng Năm Thi đã có người khác, khiến Hai Thủ căm giận, phẫn uất, lâu dần mắc bệnh tâm thần.
Cách đó không lâu, Hai Thủ nói với ông Chín về ở với ông, cho vui, ông đồng ý, không ngờ kết cục như vậy.
Tôi cảm thấy rùng mình khi nghĩ đến hai tiếng Nhân Quả!
Theo Kinh Phật: “Thật ra, nhân quả không phải là chuyện thấp nhỏ, vì từ chúng sinh đọa tam đồ cho đến chư Phật thành Chính Giác đều không ngoài nhân quả”. Tôi viết lại câu chuyện hoàn toàn có thật này với mong muốn mỗi chúng ta, nhất là những người có chức có quyền hãy cố giữ lấy cái tâm thiện, bởi luật nhân quả luôn hiện hữu, áp vào kiếp người bất cứ lúc nào, không trừ một ai!
M.D -NHÂN QUẢ-