Thứ Năm, 24 tháng 1, 2013

NHỮNG CHÙM NHO DI VẬT- Làm gì trong tù?

-Làm gì trong tù?
Mộc Lan DCVOnline
Gần đây, tôi hay nghĩ đến điều này: “Nếu như bị tù cộng sản thì mình sẽ như thế nào?” Câu hỏi sẽ làm nhiều người bật cười, ở tù dĩ nhiên là khổ, tù cộng sản, dĩ nhiên, nhiều lần khổ hơn; nếu không khổ thì đâu đe nẹt được ai. Câu hỏi đúng ra là: “Nếu như bị cộng sản giam cầm thì mình sẽ làm gì trong tù?” Câu hỏi cũng sẽ làm bật cười, tù thì làm được gì!

Kẽm gai
Nguồn ảnh: OntheNet

Trong những ngày sắp Tết Nguyên Đán, tin 13 thanh niên Thiên Chúa giáo và Tin Lành bị kết án nặng nề khiến câu hỏi bỗng thành nặng trĩu. Những người trẻ tuổi kia nếu ở ngoài đời họ sẽ là những sinh viên, những doanh nhân, những công nhân ham học ham làm. Nhưng cánh cửa tù đã hạ xuống, nó không chỉ tước đoạn sự tự do mà còn dựt mất đi cái quyền chân chính nhất của một người: quyền làm việc.



Tôi biết sẽ không bao giờ có câu trả lời khi chính mình chưa nếm mùi ngục tù cộng sản. Dù sao, ước mong tìm hiểu vẫn thôi thúc vì thế tôi chỉ có thể thâu lượm và ghi lại kinh nghiệm của những người từng là tù nhân cộng sản, những người - theo tôi - đã chứng tỏ tinh thần trước sau như một: không lùi bước, không bỏ cuộc, và không thù hận.

Người tù đầu tiên tôi nghĩ tới là Nguyễn Liệu, người đề xướng và sáng lập Quảng Ngãi Nghĩa Thục.

Quảng Ngãi Nghĩa Thục - noi theo gương Đông Kinh Nghĩa Thục (1) do chí sĩ Lương Văn Can, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Tăng Bạt Hổ sáng lập - là trường trung học dành cho trẻ em nghèo tại Quảng Ngãi trong những năm 1971-1975. Đặc biệt một điều, không phân biệt con em quốc gia hay cộng sản. Để có thể là trường hoàn toàn miễn phí cho học sinh, tất cả giáo sư trong trường đều tình nguyện làm việc không lương. Vậy mà, sau tháng Tư 1975, Quảng Ngãi Nghĩa Thục vẫn bị đổi tên, tượng Lương Văn Can bị đập nát, và rất nhiều thày giáo của trường bị bắt đi tù cải tạo, trong đó có Nguyễn Liệu.

Tôi biết Nguyễn Liệu khi tìm hiểu Quảng Ngãi Nghĩa Thục qua sự trò chuyện với một số cựu giáo sư và cựu học sinh của trường. Các anh vốn là học sinh xuất sắc được trường giúp lên Sài Gòn theo học bậc đại học và sau 1975 đến định cư ở Hoa Kỳ. Tất cả những người tôi gặp đều nhớ tới Nguyễn Liệu như một người luôn luôn bận bịu cho công việc chung.

Nguyễn Liệu được mô tả có sức vóc hơn người, “một bữa ăn 7 tô cơm” (theo Uyên Thao). Trong trận bão Hester, Nguyễn Liệu đã “chạy đuổi theo những tấm tôn, bất chấp nguy hiểm do những vật đè rơi” (theo Hoàng Ngọc Lễ). Một người cuồn cuộn sức sống như Nguyễn Liệu khi bị cùm bó chắc chắn rất bức bối khó chịu, nhưng dù vào tù, ông cũng không chịu ngồi yên, cũng phải tìm cách loay hoay làm ra cái này, chế tạo cái khác .

Tại trại tù Kim Sơn – Bình Định, Nguyễn Liệu được cho vào đội lò gạch. Thấy tình hình vệ sinh trong trại quá tồi tệ không có nơi riêng để đi tiêu đi tiểu, Nguyễn Liệu xin làm một cầu tiêu. Phó giám thị trại chưa nghe hết đã gay gắt bảo:


“Các anh lúc nào cũng tiểu tư sản, phải có cầu tiêu mới là được à? Hai mươi mấy năm trên rừng, chúng tôi có mấy cái cầu tiêu mà đánh thắng Mỹ-Ngụy. Nay các anh đi cải tạo mà đòi cầu tiêu. Các anh quen cách sống sang trọng tội lỗi, lúc nào cũng cầu tiêu, buồng tắm xa hoa trong lúc nhân dân đang thắt lưng buộc bụng chống Mỹ cứu nước. Bây giờ xây dựng dựng hòa bình, đáng lẽ các anh phải thấy tội ác mình, ăn năn hối cải để trở thành người lương thiện về sống với nhân dân.” (Trích hồi ký “Đời Tôi” – Nguyễn Liệu)
Kế hoạch xây cầu tiêu thất bại thảm hại. Hóa ra xin đất xây trường học thời Việt Nam Cộng Hòa còn dễ dàng hơn xin đất xây cầu tiêu thời Việt Nam Cộng Sản. Nhưng Nguyễn Liệu không bỏ cuộc, ông chờ một cơ hội khác. Lần sau, với lời hứa chỉ một mình ông tự lo để không ảnh hưởng tới năng suất cả đội, Nguyễn Liệu đã thực hiện được ước mơ “đổi đời”: xây một cầu tiêu. Làm xong cầu tiêu, Nguyễn Liệu “thừa thắng xông lên” đòi đào giếng. Chưa xong, ông còn nghĩ tới làm hệ thống lọc nước để không uống phải nước độc trong rừng. Rồi tiếp theo làm những chỗ để tiểu, đổ tro vào rồi lấy tro trộn nước tiểu làm phân bón rau. Các vồng rau, cải, bí, cà chua, mọc lên xanh om giúp cải thiện bữa ăn héo hắt trong tù.

Thế nhưng, dù cuộc sống trong trại có vẻ ổn định, Nguyễn Liệu biết rằng nguy hiểm vẫn luôn luôn rình rập, một số cán bộ muốn đẩy ông ra khỏi đội lò gạch để chúng dễ bề mua bán đổi chác hòng thủ lợi riêng. Sau cùng, Nguyễn Liệu bị đổi qua trại Xuân Phước.

Người tù thứ hai tôi nhớ tới là Cung Trầm Tưởng.

Trước đây, nếu có ai nói có ngày tôi được gặp tác giả câu hát trữ tình “Lên xe tiễn em đi, chưa bao giờ buồn thế…” tôi sẽ cười, cho là ăn ốc nói mò, không ngờ tôi có được cái may mắn ấy thật. Mùa thu vừa rồi, Cung Trầm Tưởng ghé thăm Virginia, bị kẹt bão Sandy cả tuần lễ, nhờ thế tôi có dịp gặp nhà thơ.

Giữa những tách café bốc khói và những chiếc bánh ngọt, Cung Trầm Tưởng kể về những lúc trong tù. Ngạc nhiên thay, Cung Trầm Tưởng – người được đào tạo ở Pháp, có cả bạn gái là đầm Pháp chính gốc – lại có những giòng thơ thân thiết với các thi sĩ thời Đường. Cung Trầm Tưởng bật mí rằng ông học thơ Đường chính từ trong tù! Một người bạn tù, một đàn anh, thông thạo cả Tây học lẫn Hán học đã dạy ông những bài thơ của Đỗ Phủ, Lý Bạch, Bạch Cư Dị. Trong tù ngày dài tháng rộng, có dịp học, cớ sao không học?

Cung Trầm Tưởng cũng không quên làm thơ, hết làm thơ tình thì làm thơ tù vậy. Không bút, không giấy, vẫn có thơ, đó là những “Lời Viết Hai Tay”, hai tay bị cùm chặt, hai tay bị cấm viết, nhưng chính vì bị cùm bị cấm mới ra thơ tù, để rồi trọn vẹn “Một hành trình thơ Cung Trầm Tưởng” (tên tác phẩm thơ vừa được phát hành).
Hệ thống tù lao động cải tạo là cách thâm độc của cộng sản nhằm triệt hạ ý chí và sức sống của quân nhân miền Nam hòng biến họ thành hèn nhát, sợ sệt. Ngờ đâu, những hiểm nguy đời tù lại giúp cho Cung Trầm Tưởng tìm ra những ý tưởng mới lạ. “Những dấu chân ngang trên một triền phiếm định(2)”, cái tựa này sẽ rất khó hiểu cho những ai không từng đi tù cộng sản, phải là người đã từng vác trên vai một bó vầu vừa dài vừa nặng rồi đi xuống trên triền dốc thẳng đứng, trơn trượt. Hai người tù, mỗi người một đầu, vác không khéo, trượt chân, bạn mình cũng té nhào theo. Để không té ngã thì không được đi thẳng mà phải đi ngang, nên thành “Những Dấu Chân Ngang”. Chính vì đi ngang - thật ra đi xéo xéo – nên có thể thấy được cả hai phía, phía trước mặt và phía sau lưng, như thể thấy cả quá khứ và tương lai; và thi sĩ chợt bừng hiểu: tất cả chỉ là hư ảo, tất cả chỉ là “Một Triền Phiếm Định”.

Tôi xin ký thác ngân hàng
Gian truân còn lại chút vàng châu thân.
Sách đời dày nghĩa nhân luân,
Văn hay ý đẹp đánh vần dạy tôi.


Ước gì những cán bộ quản giáo, giám thị cộng sản có dịp đọc bài thơ “Chuyến Chót” của Cung Trầm Tưởng. Ít ra, một lần, dù chỉ thoáng qua, họ có dịp thấy được bao nhiều mưu đồ của họ cuối cùng đã thất bại, họ dễ dàng lấy đi mạng sống của người tù nhưng không bao giờ tước đoạt được khả năng cảm ứng với cái đẹp của người thơ.

Người tù thứ ba, không chỉ riêng tôi, mà còn được nhiều người tưởng nhớ, đó là Hồng y Nguyễn Văn Thuận.

Năm 1975, nhà nước Việt Nam Cộng Sản đã bắt Giám Mục (Gm) Nguyễn Văn Thuận mà không qua một phiên tòa xét xử tội danh nào. Không chỉ bắt bớ vô cớ, cộng sản còn buộc ông 9 năm biệt giam, không bạn tù, không được cả ra ngoài lao động. Cuộc sống bức bối cô đơn khiến nhiều lúc làm Gm Thuận muốn phát điên, nhưng nỗi dày vò lớn hơn cả là cảm thấy mình vô dụng, ở tuổi 48, tuổi tràn đầy sinh lực và khả năng làm việc vậy mà phải bỏ phí thời gian giữa bốn bức tường ngục tù, thật quá oan uổng. Thế nhưng, trong tận cùng u tối, Gm Thuận đã tìm được ánh sáng, ông hiểu ra thế nào là “Chúa” và thế nào là “Việc của Chúa” .

“Việc của Chúa” là những công việc một tu sĩ Thiên Chúa Giáo được giao phó tùy chức vụ và khả năng, như trường hợp một giám mục thì đó là kinh lý giáo phận, huấn luyện nam nữ tu sĩ, giáo dân, thanh niên; kiến thiết thánh đường, cư xá sinh viên; mở mang các thí điểm truyền giáo, v.v. Còn “Chúa” hay “Thánh Ý Chúa” là cách sống, cách hành xử như những lời Đức Ki-Tô đã dạy, như lời Kinh Hòa Bình: “Lạy Chúa từ nhân, xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người.”
Và GM Nguyễn Văn Thuận đã tuân theo tiếng gọi thiêng liêng ấy, ông không còn coi mình như một giám mục xông xáo năng động và thành công nữa; kể từ bấy giờ, ông chấp nhận một sứ mạng mới: sứ mạng tông đồ truyền giáo giữa chốn lao tù, một thứ “khí cụ bình an của Chúa” để “đem tin kính vào nơi nghi nan, đem trông cậy vào nơi thất vọng…” Nhờ ở tâm tình khiêm tốn và hiến dâng ấy, Gm Thuận đã trải qua 13 năm lao tù với sự bình an, thanh thản.

Trên đây là 3 người tù của nước Việt Nam Cộng Hòa, 3 người có nghề nghiệp khác nhau, người dạy học, người làm lính, người đi tu. Cả 3 đều là cái gai của chế độ Cộng Sản, đều phải bị hạ nhục, bị bẻ gãy, và ghê gớm hơn, bị làm cho tha hóa để không còn có thể giữ được trí tuệ, phẩm cách và nhân tính nữa. Thế nhưng…

Cả 3 đều đã ra tù, đều sống bình yên vui vẻ bên sự nể trọng và thương yêu của gia đình, bạn bè, đồng đội. Nguyễn Liệu vẫn sung sức, hàng ngày chăm sóc mảnh vườn Quảng Ngãi Nghĩa Thục, chuyển lửa về trong nước. Cung Trầm Tưởng dù nhất định không đụng tới cái computơ vẫn bận rộn với các bài thơ của ông. Và Hồng y Nguyễn Văn Thuận, nay không còn nữa, nhưng trước khi ra đi ông đã để lại tác phẩm “Đường Hy Vọng” – kinh nghiệm sống của một người bị đày ải nhưng không hề tuyệt vọng.

Tôi nghĩ tới những người đấu tranh đang bị Cộng Sản giam cầm: Việt Khang, Paulus Lê Sơn, Tạ Phong Tần,… tôi lại nghĩ tới 3 người tù kia. Tôi biết mỗi người là một hoàn cảnh, không ai giống ai; nhưng mong sao tất cả những anh em trong tù sẽ tìm được phương cách riêng cho mình, Việt Khang vẫn viết nhạc, Lê Sơn vẫn rao giảng lời Chúa, Phong Tần vẫn viết văn. Biết đâu chừng, khi những người ấy ra tù, chúng ta sẽ có thêm những tác phẩm mới – những sáng tác đánh dấu một vận hội mới của một Việt Nam mới.


© DCVOnline





DCVOnline: (1) Đông Kinh Nghĩa Thục là một phong trào nhằm thực hiện cải cách xã hội Việt Nam vào đầu thế kỷ 20. Hai mục tiêu chính: môt là bỏ tư tưởng Khổng giáo, Tống nho, Hán nho, du nhập những tư tưởng mới, phát triển văn hoá, thúc đẩy sử dụng chữ quốc ngữ bằng các hoạt động giáo dục (dịch, viết sách giáo khoa), báo chí, tuyên truyền, cổ động. Hai là chấn hưng thực nghiệp. Mở tiệm buôn, phát triển công thương. Phương tiện đã được hoạch định là mở những lớp dạy học không lấy tiền (nghĩa thục) và tổ chức những cuộc diễn thuyết để trao đổi tư tưởng cùng cổ động trong dân chúng. Phong trào kéo dài được 8 tháng (tháng 3-11 năm 1907). [Nguồn: Wikipedia.org]. ĐKNT và Quảng Ngãi NT giống nhau ở điểm “những lớp dạy học không lấy tiền”.
(2) Phiếm định: nghia trong vật lý là thế cân bằng của một vật, đặt ở bất kỳ vị trí nào cũng vững. Cân bằng phiếm định [Indifferent (neutral) equilibrium].



-NHỮNG CHÙM NHO DI VẬT -Tạp chí Da Màu - Chu Thụy Nguyên
Nó không định giương cánh cung bắn về phía mảnh linh hồnđang rữa mục. Ý niệm của nó luôn xoay quanh những địa tầng. Nỗi nghi hoặc lớn dần trong nó cũng là một loại địa tầng. Những địa tầng ngày càng chôn chặt nó lún sâu hơn. Quanh nó chẳng còn ai dám tin ai, ngờ vực tất cả, thậm chí chẳng còn ai
tô môi son lên những chiếc bệ phóng da người. Ngày tháng cứ qua đi trong tuyệt vọng. Nó nghe phong phanh tin vợ con nó đã xuống thuyền vượt biển. Một mình nó nằm lại trong ngục thất lớn. Mỗi ngày nó có nhiệm vụ chăn bốn con heo cho những kẻ đã chiến thắng. Mỗi đêm chân nó vẫn phải cùm. Nó cho heo ăn, tắm heo, dọn chỗphân heo vừa thải ra cho những bạn tù khác lấy phân bón rau. Bụng nó luôn cồn cào muôn lời phẫn nộ bởi đói. Lắm lúc nó thấy heo còn sướng hơn nó.
Mặt trời cứnhìn lom lom vào nó xám ngoét. Lắm lúc nhìn trời, nhìn lũ chim sẻ đang ríu rít chuyền cành, nó ước mơ chỉ một đôi cánh mong manh thôi. Và từng đêm về, nó vẫn hằng ủ cho mình giấc của loài thú hoang, và những ụ rơm đã nhoi lên từng chóp nấm cổ tích. Những chùm nho hy vọng vẫn đong đưa giấc mộng khuya, những chùm nho nhân bản vẫn thơm lừng tháng ngày quá khứ. Nhưng rồi tiếng kẻng chói buốt mỗi sáng đã cắt sạch những nhánh cành, rụng nát những chùm nho vừa căng mọng chốn thần tiên. Nó dụi mắt thật nhiều lần để nhìn đủ rõ manh áo vá chằng vá đụp, những ngày rách bươn trước mắt, lũ heo đang nhao nháo chờ ăn, và bóng dáng vợ con đã diệu vợi xa …-NHỮNG CHÙM NHO DI VẬT

4 Đoạn San Pedro, Belize
Tạp chí Da Màu - Ngu Yên-

Ngày 10


Belize
có nhiều chó
gặp khách lạ
vẩy đuôi
        – Chào quan khách. Ông đến đây làm gì?
        – Tắm chữ nghĩa.
        – San Pedro có Lỗ Xanh(*). Nhìn đời sống nước mặn.
        Có dòng trong nhìn văn lặn thơ bơi.
Belize
chó lãng du khắp phố thị.
Nơi tôi ở
cũng nhiều chó
gặp người lạ
sủa dữ
bỏ chạy
sẽ cắn
đứng lại
cũng cắn.
Gặp thơ lạ
sủa
chạy
cắn
đứng
cắn.
Quì
chỉ có quì
chó bỏ đi.
Belize
dân bản xứ nói:
văn là trời
thơ là biển
mênh mông
rộng lắm không ai tranh dành.
Belize
dân bản xứ nói:
những người làm thơ
không vì yêu thơ
sẽ bị chó cắn.

(*) Blue Hole: nơi lặn sâu vào lòng đất để xem đời sống dưới đại dương.


Ngày 11


Belize
Có nhiều rùa
ban ngày màu vàng
ban đêm hóa đen.
Mỗi đêm trăng sáng
rùa lại hóa vàng.
Trăng ẩn đáy hồ
đàn rùa xúm xít mơ trăng
người ngồi bờ hồ
nhìn trời mơ trăng.
- Này bạn, xuống đây chơi trăng.
- Trăng ở trên trời.
- Dốt thật. Trăng ở dưới nước.
- Không, trăng trên trời.
- Chúng tôi sống lâu thành học giả.
Trăng ở đáy hồ.
Belize
có nhiều rùa
sống quá trăm tuổi
chậm
vì tranh cãi.
Quê nhà tôi
nhiều rùa
nói rằng:
- Trăng không trên trời
   không dưới hồ
   ở trong tim.
Những con rùa
chậm
vì lãng mạn.


Ngày 12


San Pedro
có nhiều chim Mỏ Bìu(*)
mỏ dài
bìu lớn
bay thấp
kêu to.
San Pedro
dừa ngồi, nằm, quì, cong vì gió biển
tóc dừa chải ra sau
bay một chiều
có cây rụng hết lá
trọc đầu
nơi Mỏ Bìu đậu.
San Pedro
biển
bùn sát bờ
ngoài xa xanh ngọc thạch
Mỏ Bìu bay gần uống nước rong
Hải Âu bay xa tắm nước ngọc
Mỏ Bìu đớp cá cạn
vổ cánh mừng rằng sâu
thơ có cạn
thơ có sâu
thơ có màu bùn đến màu ngọc.
Chiều thứ Sáu
trời thiu thiu
hai con Mỏ Bìu đậu trên dừa trọc
ngưỡng mộ nhau
- Chào, thi sĩ.
- Chào thi sĩ kiêm nhà phê bình.
- Hãy đối thoại về tôi và anh.
- Cho văn học sẽ biết.
gió mạnh
nghe không rõ.
                “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng
                để làm gì anh biết không”(**)
Gió thổi
San Pedro
có nhiều gió
từ biển ngọc thạch.

(*) Pelican. Còn gọi là bồ nông
(**) Lời nhạc Trịnh Công Sơn.


Ngày 13


San Pedro
có nhiều cá.
Bỏ câu thơ giả xuống biển
cá không ăn.
Bỏ bàn tay thật xuống biển
sợ cá mập.
Ra giữa biển
theo nắng mặt trời xem thú biết bơi
mới hay
người
không bằng cá.
Người có trời xanh
cá có nước xanh
người có thơ
cá có thở
thơ giả không chết người
thở giả chết cá.
Cá nướng thơm mùi gia vị đảo
cá nào không có xương?
thơ nào không có chữ?
thịt mọc trên xương thấm thía thơ người.
San Pedro
rửa mặt bằng nước mặn
ướp ý nghĩ bằng muối
nướng da bằng nắng
thơ bốc hơi
Cuối cùng
tôi học được
người Belize
nụ cười hiền hòa
họ nói:
ở đây tất cả rồi sẽ mưa
chí lý
tôi chờ thơ gặp lạnh rồi sẽ hóa mưa




San Pedro, Belize. 10-13 tháng 1 năm 2013.

Tổng số lượt xem trang