Thứ Tư, 20 tháng 2, 2013

Phản phản biện - Tuyên ngôn blogger

-1625. Đảng Xanh không tham chính Đôi lời: Tiếp nối bài “Marx đã đúng: Chủ nghĩa tư bản đang giãy chết!”, dưới đây là bài thứ 2 liên quan tới chủ đích thử đặt mình vào địa vị “người nhà nước” để biện hộ cho những chủ trương, đường lối của ĐCS và nhà nước VN từ nhiều năm qua. *
Ba Sàm
1. Khơi mào
Có hai cây viết quen thuộc trên trang này, thấy BS hay quan tâm chuyện môi trường, và hình như họ cũng muốn nhắn nhủ một điều gì đó, đã nửa đùa nửa thật: “Lập cái đảng Xanh đi!” **

Lại thấy thương cho tình cảnh cả hệ thống đảng, chính quyền, đoàn thể cứ ngày càng khốn khổ trong công cuộc cố níu giữ sự lãnh đạo tuyệt đối của đảng, chống lại đòi hỏi đa nguyên, thậm chí còn nói liều chẳng “biện chứng” tẹo nào, kiểu như “vĩnh viễn không đa đảng”, mà không tìm ra cách gì thuyết phục dân tin theo, hay tìm cho mình lối thoát, có bước chuẩn bị dần một cách khéo léo cho những biến động mới rất có thể xảy ra.
Một câu chuyện khác, là khi nói về độc giả của trang Ba Sàm, một vị giáo sư có tiếng đã thắc mắc: BS khoe hàm lượng tri thức trong số độc giả của mình vào loại cao mà sao phản hồi của họ chủ yếu chỉ thấy toàn những câu chữ bực bội, có khi thì xỉ vả nặng lời, số trao đổi, tranh luận sâu sắc còn ít quá.
Quả tình, nhìn ở một khía cạnh nào đó dễ có cảm giác độc giả ở đây hình như hơi bị “độc tài”, nghĩa là đại đa số cùng chung một quan điểm chính trị trái với giới cầm quyền CSVN, nên họ chủ quan, khinh thường “đối thủ”, ít khi chịu kiên nhẫn giảng giải cặn kẽ cho những kẻ còn u mê, cho chính những người trong chính quyền còn thiếu thông tin và quen ra lệnh, … mà thường là mắng té tát cho bõ tức.
Từ mấy điều kể trên, cùng với những lý do khác từng được nêu, đã khởi đầu cho bài viết thứ nhất, mà tựa đề lại là nhìn nhận của Marx về tương lai CNTB.
Thế rồi, nhiều độc giả của BS đã như bị “mắc bẫy” qua cái tựa đề đó, cho hắn không ít “cà chua trứng thối”. Tội cho BS, hắn đâu có bênh Marx với thứ “tiên tri” kiểu may rủi của ông ta.
2. Tranh luận
Trong ngót 145 phản hồi, chỉ vài độc giả chia sẻ với BS mối quan tâm tới môi trường – là toàn bộ nội dung của bài viết thứ nhất. Thậm chí, có người còn nhớ tới lời tâm sự của hắn từ lâu về “đảng Xanh.
Nhiều độc giả sa vào tranh luận về bản chất Chủ nghĩa Marx, CNTB, nhưng không có gì liên quan tới vấn đề chính của bài – môi trường.
Có người đã lầm, cho là BS coi CNTB là một học thuyết. Hắn chẳng bao giờ nghĩ vậy, và nhất là nội dung bài viết lại càng như vậy. CNTB chỉ là một hình thái kinh tế – xã hội mà thôi. Khái niệm “chủ nghĩa” được gán cho nó chẳng qua cũng chỉ là ngôn từ thông dụng của toàn thế giới hàng trăm năm nay.
Có phản hồi cũng tìm cách biện hộ cho CNTB biết bảo vệ môi trường, nhưng tiếc là chỉ có thể đưa ra những ví dụ nhỏ nhặt. Kể cả có độc giả công phu trích dẫn nhiều bài viết cho thấy những cố gắng thay đổi, với hy vọng cứu chữa được “căn bệnh nan y” của CNTB. Trong khi đó, lập luận của BS là đi vào những khía cạnh nền tảng, gốc rễ là căn nguyên dẫn tới những thảm họa môi trường mà CNTB không thể cưỡng lại được. Cũng như có độc giả cho rằng CNTB luôn biết tự thay đổi để thích nghi. Đúng vậy! Nhưng nó mới chỉ chứng tỏ điều này khi phải đối đầu với khủng hoảng kinh tế, với CNCS, chứ với chính mình một khi đã trở nên “vô địch”, với tài nguyên – môi trường mà nhờ đó nó mới tồn tại, phát triển rực rỡ, thì … vô vọng.
Khá nhiều độc giả hình như chỉ đọc cái tựa, hoặc đi xa hơn chút, thấy những ý chê Mỹ, chê phương Tây, thế là … nổi xung. Họ đã “mắc bẫy”, đúng hơn là bị đi lạc đề.
Có thể nhiều độc giả thừa khả năng tranh luận, cùng giúp nhau nâng cao dân trí, không chỉ với đề tài này, nhưng đã không viết ra. Họ vào đây chỉ đọc, lấy thông tin và kiến thức. Nhiều lý do dễ hiểu, nhưng có một lý do BS muốn trao đổi với vị giáo sư đã có nhận xét trên và nhiều trí thức thời nay. Các vị dễ mắc căn bệnh tạm gọi là “chỉ thích nhìn lên, ít chịu nhìn xuống”. Nghĩa là muốn tiếng nói, kiến thức của mình phải có trọng lượng, tác động ngay vào giới cầm quyền, phải có danh có giá “chính thống”, còn thì ít có ý thức là mình nên đem nó ra phục vụ nhân dân là chính, có thể chỉ là âm thầm thôi, vừa giúp dân hiểu biết thêm, lại động viên khích lệ họ nuôi dưỡng niềm tin mà sống, tranh đấu cho tương lai tốt đẹp hơn. Thế là khi đám quan lại ở trên nó không nghe lời các vị, các vị chán, ngồi một chỗ ta thán, làm cho dân nản theo. Những kẻ chỉ muốn ngu dân thì rất mừng. Cái “mừng” này được chứng minh ngay mỗi khi có các kiến nghị, thư ngỏ mà giới trí thức khởi xướng, cứ thấy xuất hiện những giọng điệu hiểm độc chỉ trích, bàn ngang làm thối chí các vị trí thức. Đừng để tâm tới đám rác rưởi đó. Hãy tin rằng dân đang trông chờ quý vị rất nhiều. Ngoài ra, nhiều vị có thể còn e ngại phải cọ sát với kiến thức, tư tưởng mới của dân mà mình không dễ bắt kịp, thế là sợ thua kém, rồi tránh né. Cái sĩ diện nó lớn quá! Mạnh dạn xông pha tham gia phản hồi như các Nhà giáo Hà Văn Thịnh, Phạm Toàn, KTS Trần Thanh Vân, GS Huệ Chi, … là rất ít.
Còn nhiều điều nữa có thể trao đổi, trong đó một ý nghĩa đáng kể là qua bài thứ nhất, độc giả của BS đã bắt đầu thử bước vào một “mặt trận” mới, còn các “cây viết chính luận”, “dư luận viên” của ban tuyên giáo cũng biết nhìn vào đây mà tìm ra lối đi văn minh cho mình.
3. Đảng Xanh không tham chính cho Việt Nam
Một nỗi đau đớn, cảm giác bất lực không gì so sánh được của những người CSVN trong nhiều năm nay là biết mình như lỡ chui vào trong một “Tổ Nhện độc khổng lồ”, nhưng không biết làm sao thoát ra được. Mạng nhện gắn kết họ, nọc độc vừa ru ngủ vừa hủy hoại, còn nanh vuốt nhện vừa kiếm mồi vỗ béo vừa túm chặt. Còn những ai không bị lỡ chui vào nó thì lại ít hiểu cho tình cảnh của họ, chỉ biết đứng ngoài la lối, xỉ vả.
Không thoát ra được, người ta đành sống chung với nó, cố kiết bảo vệ và diệt trừ bất cứ kẻ thù nào của “Nhện độc”.
Thế là đất nước này luôn ở vào tình cảnh bế tắc mãi: không có một lực lượng chính trị nào đủ mạnh. Nói rộng ra là “xã hội dân sự” bị bóp nghẹt, mọi sinh hoạt chính trị, dân chủ tối thiểu (như biểu tình, đình công, hội họp, lập hội, trưng cầu dân ý, …) đều không có. Vậy nên, dẫu có giải tán được ngay ĐCSVN, thì nền chính trị cũng sẽ dễ rơi vào “khoảng trống quyền lực”, sẽ loạn, khi chưa có được một chính đảng nào đủ uy tín, sức mạnh để lãnh đạo dân chúng.
Kể cả việc cho phép đa đảng ngay cũng dễ bị những cản trở khác, ví như từ trong lòng đảng cầm quyền, khi những con người mụ mị “kiên định lập trường” còn chưa được làm quen một thế chế chính trị đa đảng, chưa được hình dung nó cần thiết tới đâu, và không đáng sợ như họ vẫn tưởng.
Việc phục hồi hai đảng bù nhìn đã bị giải tán là Dân chủ và Xã hội cũng không phải dễ đối với người CSVN hiện nay. Ít nhất, họ không chịu thừa nhận là đã mắc sai lầm trong quá khứ. Ngoài ra, những thành viên cũ của hai đảng này giờ đã “đi gặp các cụ Các Mác, cụ Lê Nin” rồi, nếu khôi phục bằng những thành phần mới thì lại là điều ĐCSVN rất lo ngại.
Vậy phải tập dượt!
Cuộc “tập dượt” đó chính là việc cho phép một chính đảng khác được thành lập, song để làm quen dần, yên lòng những kẻ đa nghi không ngừng sợ hãi bị mất quyền lực, bị lật đổ, hãy ràng buộc chính đảng đó bằng một quy định nghe có vẻ vô lý: không được tham chính.
Mà chính đảng được lựa chọn đó, không gì hơn, chính là “Đảng Xanh”. Đó là một đảng đặt lên hàng đầu vấn đề bức thiết nhất của toàn nhân loại – bảo vệ môi trường, đồng thời cũng mang hình ảnh như bức thông điệp gửi tới đảng CSVN “đối lập”: chúng tôi không tranh giành quyền bính, không bạo lực cách mạng.
Không đâu như ở Việt Nam, nơi mà với đường lối phát triển kinh tế xã hội quá khập khiễng, lại nóng vội, đã dẫn tới hủy hoại môi trường, khai thác cạn kiệt tài nguyên với tốc độ khủng khiếp nhất. Chỉ có một tổ chức có mô hình, chính cương, điều lệ hoạt động chặt chẽ, đủ sức thu hút sự chú ý của dư luận toàn xã hội, kể cả quốc tế, mới có được vai trò đáng kể kìm hãm tốc độ hủy diệt đó.
Tuyên ngôn sáng lập của đảng Xanh sẽ có câu: một khi Hiến pháp chưa cho phép đa đảng, thì Đảng Xanh sẽ không tham chính, không tranh giành quyền lãnh đạo đất nước với ĐCSVN. Có thể, khi thuận lợi, đảng này chỉ tham gia cơ quan dân cử và chính quyền ở cấp cơ sở. ***
BS
—-
** Đảng: Nhóm người kết hợp với nhau để cùng thực hiện một mục đích chung nào đó, trong sự đối lập với những nhóm người khác (Từ điển tiếng Việt, TT Từ điển học, 2007, tr.455).

*************
Đôi lời: Như đã từng trình bày trong tham luận “Đặc khu Thông tin” tại Hội thảo “Tác động của truyền thông xã hội lên tác nghiệp báo chí”và bài “Phản phản biện”với ý tưởng muốn tìm cách giúp cho các cơ quan tuyên truyền của đảng, chính quyền mở lối thoát, tranh luận một cách sòng phẳng, bớt đi lối quy chụp, một chiều với những phản biện của người dân, chúng tôi mạo muội thử đặt mình vào vị thế của “người nhà nước” để bảo vệ cho những luận điểm của họ, qua các bài viết đề cập tới nhiều vấn đề đang được dư luận quan tâm.
Đương nhiên, trong mỗi bài đều có ít nhiều quan điểm riêng của người viết, được lồng trong những vấn đề mà chính quyền cần có cách đối thoại với dân.
Do chưa mở thêm một blog riêng như đã nói, nên những bài ở dạng này sẽ được chúng tôi lần lượt đăng tải trên trang Ba Sàm. Hy vọng còn có các bài viết khác của “người nhà nước” hoặc “đóng vai”, cùng những tranh luận, ý kiến đóng góp của độc giả.
Có điều, cái “đúng” của ông chỉ là may rủi.
Ba Sàm
Trong suốt hơn 20 năm qua, kể từ khi hệ thống XHCN sụp đổ hàng loạt ở Liên Xô và các nước Đông Âu, những lý luận gia ủng hộ nhiệt thành cho chủ thuyết cộng sản của Marx đã dần dần phải hạ giọng, chỉ còn luẩn quẩn với vài ba lời tự an ủi, rằng thoái trào chỉ có tính tạm thời. Họ lại càng lúng túng hơn khi các quốc gia cộng sản còn lại như Trung Quốc, Việt Nam cũng đã phải chuyển đổi sang mô hình kinh tế thị trường TBCN, kể cả Cuba quá quẫn bách đã phải thử nghiệm theo với vài bước dò dẫm ban đầu.
Thực ra, nhìn vẻ bên ngoài CNTB hiện đang thắng thế trên toàn cầu, nhưng trong bản chất sâu xa, nó không những đang giãy chết, mà còn kéo theo cả nhân loại lao nhanh vào con đường tuyệt diệt, hay nói đúng hơn là tự sát.
*
Từ buổi ban đầu cách đây cả nửa Thiên niên kỷ cho tới nay, CNTB luôn chứng tỏ sức mạnh vượt trội bằng giải phóng trí tuệ và sức lao động con người, khuyến khích quyền tự do cá nhân, phát triển khoa học công nghệ, mở rộng giao thương, xây dựng những mô hình nhà nước pháp quyền văn minh dân chủ. Từng con người được khích lệ ghanh đua tài năng, không ngừng chạy theo nhu cầu tiện nghi cao độ. Các nhà sản xuất, cơ sở kinh doanh thi đua, cạnh tranh khốc liệt để đáp ứng đòi hỏi tăng cao không ngừng của khách hàng. Các chính quyền dân cử đặt lên hàng đầu vấn đề tăng trưởng, nâng cao đời sống, phúc lợi xã hội trong khi gắng che đậy những mặt trái của cuộc chạy đua phát triển này. Giữa các quốc gia cũng là cạnh tranh, chiến tranh, giành giật ảnh hưởng dựa chủ yếu trên nền tảng phát triển kinh tế TBCN. 
Tất cả những hiện thực trên đã làm cho loài người lao vào một cuộc tự hủy hoại nhanh chóng, bằng tàn phá môi trường, cạn kiệt tài nguyên, gây mất cân bằng nghiêm trọng sinh, lý, hóa học, nhân chủng học, … Một trái đất từ chỗ đa dạng sinh học, tài nguyên, chủng tộc trong hàng vạn, triệu năm, nhưng chỉ trong có mấy trăm năm nó đã ngày càng trở nên đơn nhất. Các dân tộc nhỏ bé biến mất dần hoặc bị đồng hóa, các giống loài động, thực vật tuyệt chủng không cách gì kìm hãm nổi; trong khi đó thì dân số tăng ngày càng nhanh, không thể kiểm soát. Trái đất đã trở nên hết sức chịu đựng!  
Nguy hiểm hơn, khi hầu hết các nước nghèo nay cũng vào cuộc ghanh đua. Rồi hệ thống các nước XHCN ra đời, cố giành ưu thế vượt trội hơn mô hình TBCN. Từng bị nước giàu mạnh cướp phá nhân lực, vật lực, nay lạc hậu về công nghệ và quản lý, mô hình tổ chức nhà nước bất hợp lý, dân trí còn rất thấp, nhưng lại phải chạy theo những mô hình cóp nhặt từ các nước TBCN phát triển, trong khi hoàn toàn thiếu những yếu tố nền tảng cần thiết, các quốc gia đi sau này đã phải trả giá nhiều hơn gấp bội, trong đó nghiêm trọng nhất là môi trường và tài nguyên. Các chính phủ ở đó làm như không hiểu một điều đơn giản rằng, để có như ngày hôm nay, các nước TBCN phát triển đã qua hàng trăm năm tích lũy bằng vơ vét tài nguyên, sức lao động của họ – các nước nghèo; khởi đầu là cuộc cướp bóc vĩ đại châu Mỹ 500 năm trước, là tàn sát thổ dân, chiếm hữu nô lệ Phi châu. Còn nay, các nước kém phát triển chỉ có thể “cướp phá” từ chính người dân nghèo khó tăm tối và đất nước đã cạn kiệt của mình, trong lúc bất lực chịu cho hậu duệ của kẻ cướp ngày xưa, khôn ngoan hơn mình gấp bội, tiếp tục tước đoạt theo đủ các phương cách tinh vi.
Gần đây hơn, có thêm chủ nghĩa khủng bố, ít nhiều trong hoàn cảnh như chủ nghĩa cộng sản, đều “đẻ” ra từ đói nghèo mà các nước lớn giàu có và ích kỷ đưa lại. Những trợ giúp từ nước giàu đối với các nước nghèo chẳng là bao so với sự cướp bóc vô độ của cha ông họ để kiến tạo nên CNTB hùng mạnh. Để chiến thắng tuyệt đối những kẻ thù hèn yếu này, CNTB càng dấn sâu hơn vào cuộc chạy đua phát triển khoa học công nghệ, vũ khí hủy diệt hàng loạt, chỉ trong một thời gian ngắn đã làm cạn kiệt tài nguyên tích tụ từ hàng triệu  triệu năm, và truyền bá lối sống phương Tây, đặc biệt là văn hóa Mỹ, áp đảo các nền văn hóa khác. Những con người “Tây hóa” không ngớt đòi hỏi quyền tự do cá nhân, cuộc sống tiện nghi, ngốn ngấu đến cả những sinh vật hoang dã còn sót lại, gây sức ép buộc chính phủ nước mình muốn đứng vững phải có đường lối phát triển đất nước bằng mọi giá; nền tảng văn hóa, xã hội được xây dựng, tồn tại từ ngàn đời bị biến dạng theo mà mọi cố gắng níu giữ ngày càng trở nên vô vọng.
Ngay tại Mỹ, kẻ đầu têu cho cuộc chạy đua “hưởng lạc”, lực lượng có thể tạo nên đối trọng, ví như các đảng cánh tả, Xã hội từ lâu không còn chỗ đứng. Quyền lực dân chúng ngày càng lớn, chính phủ yếu đi, tồn tại bằng những lá phiếu và cổ phiếu của những cá thể nghiện cuộc sống tiện nghi, hưởng thụ, trong khi tự xoa dịu lương tâm bằng vài cử chỉ gia ơn cho những kẻ nghèo khốn. Hai đảng thay nhau cầm quyền thực ra chỉ như một. Bên cạnh đó, quyền lực của giới tư bản lại ngày càng lớn hơn nữa, quyết định mọi chính sách phát triển, vì lợi nhuận, bất chấp hậu quả môi trường, văn hóa, lối sống xã hội về lâu dài. Không như mâu thuẫn giữa người với người trong đấu tranh giai cấp, cơ sở cho đối kháng cộng sản – tư bản, mâu thuẫn đang bàn tới ở đây là giữa con người với môi trường sống, “kẻ” không có chính đảng nào đủ mạnh để bảo vệ. 
Những nỗ lực cải thiện môi trường, cải tiến công nghệ xanh sạch, thậm chí mơ tới hành tinh khác, v.v.. chỉ như muối bỏ bể, luẩn quẩn, hoặc mang tính mị dân, tự dối mình. Các nước nghèo lép vế trước những nước giàu, không bao giờ ngóc đầu lên nổi, người dân bị giới chính trị, giới con buôn đạo đức giả lừa phỉnh; vài mô hình “rồng”, “cọp” nhất thời chỉ nuôi thêm ảo tưởng.
Tất cả các quốc gia không ai bảo được ai, tập hợp trong một tổ chức lỏng lẻo có tên là Liên hiệp quốc, khoanh tay trước hai gã khổng lồ đi đầu tận diệt tài nguyên, môi trường là Hoa Kỳ và Trung Quốc.
*
Bây nhiêu đó có lẽ cũng đủ để thấy CNTB “đang giãy chết” thực sự, nhưng không phải theo lối mà Marx đã “tiên đoán”. Thứ “hủy hoại mang tính sáng tạo” của CNTB, mà người ta từng ca ngợi, ngày nay không còn đáng kể nữa, mà là những “sáng tạo mang tính hủy diệt”. Nó là kẻ đầu têu và dẫn dắt toàn nhân loại vào một lối sống nguy hiểm, chỉ biết có hôm nay, mà hy sinh thế hệ con cháu và sự sống dài lâu của muôn loài trên trái đất, không có cách gì ngăn cản nổi. 
Nếu vậy thì liệu có lối thoát nào không? Xin được bàn tới trong một bài viết khác.
BS

Cat đã nói


Có bao giờ các ông các bà tự hỏi là làm cách nào người ta làm ra được thứ này, thứ kia không ?
Phần đông thường chỉ thích tiêu xài, hưởng thụ tiện nghi, như đi máy bay êm nhanh, lái xe hơi xịn, xài điện thoại đời mới nhất, lươt web, xem TV hàng trăm kênh, dùng những loại thuốc đắt tiền, công hiệu nhất, chữa bệnh ở những bệnh viện trang bị máy móc tối tân nhất, … nhưng chả bao giờ thắc mắc là ai, đã làm thế nào để tạo ra những thứ tuyệt hảo này. Đa số cứ thản nhiên xem những thứ này như tự nhiên vẫn có từ bao giờ, từ trên trời rớt xuống, dưới đất chui lên. Thái độ không quan tâm của đám đông đối với vấn đề này cũng dễ hiểu, bởi vì đây thực ra là vấn đề thuộc phạm vi quan tâm và tạo cảm hứng chỉ cho một thiểu số tinh hoa, tầng lớp đang góp phần lớn nhất thúc đầy sự tiến bộ của nhân loại !
Chính cái vấn đề mà đa số không quan tâm đến, không thấy thích thú, lại là ngọn nguồn của các vần đề xã hội khác mà họ đang phải đối đầu !
Vấn đề hiện tại của xã hội các nước tư bản phát triển một phần lớn là xuất phát từ sự tiến bộ quá nhanh chóng, ngày càng nhanh hơn của nó, đặc biệt trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, sản xuất công nghiệp, khiến cho một bộ phận lớn dân cư không ‘tiến hóa’ theo kịp, bị bỏ lại phía sau. Một bộ phận thiểu số các tinh hoa đang hưởng phần lớn phúc lợi do tiến bộ công nghệ mang lại, trong lúc đa số yếu thế hơn phải đang chịu thiệt thòi. Nếu suy xét theo lối duy lý, sự mất cân bằng trong phân phối của cải xã hội này chưa hẳn đã là bất công, nhưng có lẽ là ‘bất nhân’, về mặt xã hội nó đang tạo ra nhiều hệ lụy rất xấu. Các xã hội phương Tây đang gặp rắc rối không phải vì đói, vì thiếu ăn, vì thiếu thốn của cải, vấn đề bất bình đẳng xã hội mà họ đang phải giải quyết có gốc gác từ sự không đồng đẳng bẩm sinh của con người.
Cào bằng thì làm nhụt chí tiến thủ, phản tiến bộ, đề cao cạnh tranh cá nhân đề thúc đẩy sáng kiến, tạo ra tiến bộ thì lại dẫn đến vấn nạn chênh lệch mức sống quá mức giữa thiểu số tinh hoa và đám đông không theo kịp thời thế, do năng lực bẩm sinh kém.
Rút cuộc lại vẫn là câu chuyện muôn thưở, cho và nhận của từng con người, và của cả cộng đồng xã hội.
Chừng nào loài người còn kẻ giỏi người kém, kẻ khôn người dại, kẻ mạnh người yếu thì con người còn mãi đi tìm phương thức để tạo dựng một xã hội hài hòa. Có lẽ không thể có giải pháp duy lý hoàn hảo, khả dĩ giúp con người đạt được mục đích tốt đẹp này, cho nên tôn giáo vẫn đang tiếp tục đóng vai trò như một điểm tựa tinh thần, nguồn ánh sáng soi rọi lương tâm, hướng con người tiếp bước trên nẻo đường hướng về chân thiện mỹ, mặc dù vẫn biết là cái đích đằng xa không bao giờ đến được.

Ba Láp đã nói

Sai lầm của BS cũng như nhiều người VN vừa ra khỏi lò Mac-Lê là coi CNTB như là một học thuyết. CNTB KHÔNG PHẢI LÀ MỘT HỌC THUYẾT. CNTB có những qui luật vận hành của riêng nó mà các nhà nước cũng không thể khống chế nó. Không ai đã dám vỗ ngực là chế ra nó và những kẻ tìm cách giết nó đã chết trước nó. CNTB là một phần của con người, bên trong con người. ÍT’S PART OF YOU; IT’S INSIDE YOU. Và do đó tất cả những ưu điểm và khuyết tật của CNTB là ưu điểm và khuyết tật của con người.
Cần phải hiểu rõ nguồn gốc của tình trạng nợ nần của nước Mỹ hiện nay.
Bush con, TT tồi dở nhất lịch sử Mỹ, tiến hành cuộc chiến tranh Iraq rất vô lý và tốn kém nhưng lại không dứt điểm Bin Laden ở Afghanistan, nhưng lại cắt thuế trong lúc chiến tranh. Nên nhớ là dưới thời TT Bill Clinton, ngân sách Mỹ có thặng dư surplus.
Thị trường nhà đất sụp đổ ở Mỹ là một tình trạng xảy ra tương tự như ở Nhật hồi những năm 80 và vẫn còn dư âm trong nền KT Nhật cho đến ngày nay. Có ai giải quyết nổi tình trạng THAM TẬP THỂ đến mất lý trí của con người. Cái này chỉ có CHÚA và PHẬT mới có thể giúp con người, hơn là những triết gia KT và chính trị.
Một trong những nguyên nhân sụp đổ của thị trường nhà đất ở Mỹ là do lỗi lầm của anh em nhà Fannie Mae và Freddie Mac, những tổ chức KT theo kiểu “thị trường định hướng XHCN”, CAPITALIZE YOUR GAIN AND SOCIALIZE YOUR RISK. Chuyện cứ giống như đùa ở triều đình Nhà Sản. Tức là những nguyên tắc căn bản của thị trường bị vi phạm thay vì lỗi của thị trường. Một lý do khác là do QH Mỹ gỡ bỏ Glass-Steagall Act, một đạo luật đặt ra trong thời đại khủng hoảng 1933 để ngăn chặn sự sụp đổ hệ thống (systemic failure) và dẫn đến laissez-faire capitalism.
Chủ nghĩa tiêu dùng là một phần của KT thị trường. Sự tiêu xài của một người này là một sự thu nhập của người khác. IT’S NOT A ZERO SUM GAME. Xài quá trớn hay tiết kiệm quá trớn ĐỀU CÓ HẠI cho nền KT. Nhưng thị trường, tức là các cá nhân tham gia vào thị trường, sẽ tự điều chỉnh thay vì những mệnh lệnh của một nhà nước với “chính phủ mạnh”, như BS đang mê, có lẽ do nhiễm cái chủ nghĩa “siêu nhà nước” của CS.
Tình trạng nợ nần của nước Mỹ hiện nay một phần rất lớn là do SỰ NGU XUẨN CỦA MỘT SỐ CHÍNH TRỊ GIA.
CNTB không chỉ có ở Mỹ. Sự trì trệ KT ở Nhật là do dân Nhật lười biếng chỉ biết hưởng thụ hay là do XH Nhật bị LÃO HOÁ, là kết quả của một sự thành công KT?!
Bài có rất những nhận xét đầy cảm tính, có lẽ do nhiễm nhiều bài vở giật gân của báo chí phương Tây, cho những vấn đề KT chính trị vô cùng phức tạp.
XH Mỹ không phải là một XH giáo điều, nước Mỹ đang điều chỉnh.
Mô hình KT Mỹ hiện nay được thiết lập sau chiến tranh thế giới thứ II, rất phí năng lượng, và phải cần điều chỉnh. Điều đáng bàn là các nước theo sau, đáng kể nhất là TQ và Ấn Độ rất là đông dân, đang copy mô hình này muốn sống theo kiểu Mỹ. Nếu hơn hai tỉ người đạt được mức sống của giới trung lưu ở Mỹ thì sự tiêu thụ năng lương trên thế giới sẽ gia tăng rất lớn. CHIẾN TRANH CÓ THỂ NỔ RA DO TRANH DÀNH TÀI NGUYÊN. Chính vì thế bài này nói đến mô hình đô thị Walkable community để tiết kiệm năng lượng.
Giới thiệu BS bài này
A New U.S. Grand Strategy
Why walkable communities, sustainable economics, and multilateral diplomacy are the future of American power.
http://www.foreignpolicy.com/articles/2013/01/09/a_new_US_grand_strategy

*************
-Tuyên ngôn blogger -Ba Sàm vừa có bài đăng "Phản phản biện". Có thể nói đây là bài viết mà Ba Sàm đã dành khá nhiều tâm huyết và nó liên quan trực tiếp tới cái gọi là "đặc khu thông tin" do blogger này đề xuất. Tuy nhiên nội dung bài viết có một số điểm không thỏa đáng như việc chủ trang này đã áp đặt một số tiêu chí để phân loại blogger, hay việc hình thành cái gọi là "đội quân thứ 4" phản phản biện một cách có văn hóa và khoa học hơn.  

1. Phải - Trái hai lề
Một bên Lề Phải với đầy đủ ban nọ bệ kia, với tiền của Nhà nước (xin nói thẳng là cả tiền công dân đóng thuế), với quá nhiều nhà báo, quá nhiều những kẻ mang danh là nhà lý luận. Bản thân TBT Nguyễn Phú Trọng cũng phải thốt lên đại ý rằng: Chưa bao giờ chúng ta có được bộ máy tuyên truyền đồ sộ với trang thiết bị hiện đại như thế này.

Phía bên này Lề Trái, phần đa là dân logger. Họ (chúng ta, tôi) biên log theo đúng cái kiểu tay trái: không mấy người sống được nhờ biên log phản biện (công kích) Nhà nước - càng không có mấy người mạo hiểm kiếm sống từ "nghề" này. 

Không phải ai cũng làm nghề viết rồi trở thành logger phản biện.

Logger chỉ có tay không, không tiền đài thọ, không thế lực, không che chắn và phải đối mặt với một tương lai bị hăm dọa. Thứ duy nhất mà chúng ta có được đó là cái đầu và trái tim của mình.

Nhưng tao ngộ chiến Lề Phải - Lề Trái nhiều lần rồi, Lề Phải tỏ ra không phải là đối thủ xứng tầm của Lề Trái. Bài cùn cuối cùng mà Lề Phải bung ra sẽ là ca ngợi Đảng Quang Vinh, nhân dân chọn lựa, còn bên kia là thù địch, kích động lôi kéo. 

Cả một bộ máy tuyên truyền đồ sộ, tốn tiền tốn của nhưng lại thường xuyên phải chịu thất bại thảm hại trước blogger (những kẻ tay không biên log). Đó là tại sao? Là tại công cụ tuyên truyền của Nhà nước đã trở nên quá thiểu năng, phiến diện và cạn đáy về tư duy.

Nhìn ở chiều sâu hơn, điều này chỉ biểu thị tư duy đã cạn kiệt của chính những người cầm quyền.

Thời gian gần đây xuất hiện cái gọi là "Dư luận viên" nhưng cá nhân tôi tin rằng chẳng mấy chốc họ sẽ bị đào thải. Lào xào có đấy, cũng sẽ xôm tụ chút ít nhưng cuối cùng họ với sự non yếu về lý luận của mình cũng sẽ chỉ tụ lại với nhau thành từng nhóm và không làm việc gì hoàn hảo hơn là tự diễu cợt chính mình, qua đó diễu cợt ngay cả người đài thọ cho họ

Cơ chế không cho phép có được người tài trong "bộ máy Dư luận viên". Một thực tế rất hiển nhiên, nhiều người vốn dĩ từ Lề Phải (báo chính thống) đã chuyển sang thành Lề Trái hoặc không lề. Đơn giản khi ham đọc, ham hiểu, ham khám phá thì sẽ tìm ra chân lý và khát khao được nói tiếng nói của mình.

Tuyên ngôn blogger
Chúng ta là blogger, những kẻ tay không viết log và đầu óc mơ về một thứ tưởng như điên rồ cho cả xứ sở này: Dân Chủ - Thịnh vượng. Chúng ta không có gì ngoài cái đầu và trái tim của mình, chúng ta không có gì ngoài sự trải nghiệm những buồn vui và cả nước mắt của mình.

Chúng ta có quyền phát ngôn theo ý riêng của mình, chúng ta có cái đầu để tư duy, có con tim để yêu cái phải, cái đúng, ghét cái ác, cái giả dối. 

Chúng ta là blogger chúng ta trịnh trọng tuyên bố về quyền bình đẳng, quyền dân chủ, quyền được nói của chính mình. Bằng tiếng nói của mình, chúng ta chiến đấu để bảo vệ quyền đó cho không chỉ riêng chúng ta. 

Thứ quyền mà không một thế lực nào, một quyền lực nào có thể cướp đoạt được.

Và chúng ta bình đẳng như nhau.

Và do vậy mọi áp đặt phân vai đều là không thể chấp nhận được. Tôi - blogger do vậy tôi nói tiếng nói của tôi. Đó là quyền của blogger, quyền của cá nhân blogger. Đừng tự đẻ ra luật và áp đặt những tiêu chí dị hợm của bất cứ một vị nào lên tôi. 

Chỉ có bình đẳng, đa chiều ngôn luận và mở rộng tranh luận thì mới có dân chủ, và logger sống trên cộng đồng Internet này là vì điều đó.

3. Đội quân thứ 4: Phản phản biện.
 Ba Sàm đề xuất việc ra đời của "đội quân thứ 4" phản phản biện một cách khoa học và có văn hóa. Tôi nói thẳng với tôi đó là điều quái thai và dị hợm, nó không khác gì đội quân "Dư luận viên" cả - có chăng cũng chỉ là ở tầm cao hơn, chuyên nghiệp hơn.

Hình thành đội quân này có nghĩa là phải có tiền, có công sức để đầu tư cho đội quân ấy. Tiền ấy ở đâu ra? Xin thưa rằng từ thuế của tôi - Của công dân. Với tư cách người đóng thuế, tư cách công dân tôi thì một xu tôi cũng không cho đội quân phản phản biện, dù cho nó có văn hóa và khoa học như thế nào đi chăng nữa.

Gần bẩy trăm tờ báo, sáu bẩy chục nhà đài hàng chục vạn người sống nương theo đó chưa đủ à? Qua những gì mà chúng ta đã được trải nghiệm qua các lần tao ngộ chiến giữa Lề Phải với Lề Trái thì việc hình thành được đội quân thứ 4 như BS nói (hay việc báo chí chính thống có thể làm được điều này) là viễn mơ, không thực tế.

Cá nhân tôi không cần "đội quân thứ tư", tôi không có nhu cầu đóng thêm thuế.


Thay vì hình thành ra đội quân phản phản biện thì Nhà nước hãy đối thoại với công dân. Hơn lúc nào hết nhà nước cần có một tư duy đối thoại với công dân. Còn khi nhà nước từ chối đối thoại thì có nghĩa công dân còn tiếp tục công kích, tiếp tục xa rời nhà nước, rời xa những người cầm quyền. 

Con gà và quả trứng, con gà có trước, hay quả trứng có trước?

Mong cầu đối thoại dân chủ, cởi mở trên không gian hiện đại, bắt đầu từ việc Nhà nước và Công Dân đối thoại, bắt đầu từ việc dẹp bỏ luôn và ngay những quy chụp vớ vẩn, lố bịch từ không ít báo chính thống. Chứ không phải từ đặc khu thông tin, hay "từ đội quân thứ 4" phản phản biện văn hóa và khoa học.
-Tuyên ngôn blogger

***************

Nếu gọi những ý kiến của người dân đóng góp cho chính sách, luật pháp mà nhà nước đặt ra là “phản biện” thì trong bài này xin được tạm gọi “phản phản biện” là những ý kiến từ phía nhà nước hoặc những ai thử đặt mình vào địa vị của nhà nước để trao đổi lại với những phản biện của người dân.
1- Yếu kém. Từ lâu, nhiều lần, chúng tôi đã nêu lên một thực trạng không có lợi chút nào cho nhà nước Việt Nam, đương nhiên cũng tác động dội lại làm cho dân khổ, đó là họ rất yếu trong đối thoại với người dân. Mà một lý do quan trọng là họ hầu như không có những cây viết có trình độ, thực tâm, và có phương pháp khoa học, văn minh để trao đổi, tranh luận với người dân trên báo chí của nhà nước và mạng xã hội nhằm cho dân hiểu hơn về mình, rằng có những điều khó nói, có những khó khăn chưa thể vượt qua, có những hiểu lầm do chính bộ máy yếu kém, không thống nhất đã không hoàn thành trách nhiệm của mình, v.v..


Một phần vì vậy mà không thể không thấy có những cái nhìn quá nghi kỵ, đánh giá quá xấu với toàn bộ bộ máy nhà nước, hệ thống chính trị, kể cả toàn báo giới được gọi là “lề phải”. Cái “quá” ở chỗ người dân khó thấy trong lòng cỗ máy khổng lồ đó, có rất nhiều con người giỏi giang, có nhiệt tâm, âm thầm cố làm được những gì ích nước lợi dân, hoặc chí ít thì cũng bớt càng ít càng tốt những gì có hại cho dân trong công việc làm, quyết định của mình hàng ngày. Họ cần được khích lệ bằng cách nào đó!
2- Cụ thể. Vậy cái đang được gọi là “phản phản biện” của nhà nước hiện nay trước “phản biện” của dân có hình hài ra sao? Xin tạm chia nó ra làm 3 loại.
Loại thứ nhất, là những bài viết chụp mũ, nói xấu vu vơ, bới móc đời tư đối tượng cần tấn công, mà thiếu lý lẽ thuyết phục và không bao giờ có tranh luận trực diện; ví như với một chủ đề nào đó, bài của “người nhà nước” và người dân phải được đăng tải công khai như nhau, được tiếp nhận đầy đủ ý kiến độc giả. Trong hàng ngũ này gần như không có một cây viết nào trong số nhà báo, nhà nghiên cứu, hàng ngũ trí thức được độc giả tin cậy, hoặc có thì lại không “dám” công khai danh tính. Thứ sản phẩm này hầu như mới chỉ có trên báo Quân đội Nhân dân, gần đây có thêm báo Nhân dân.   
Loại thứ hai, mới đây xuất hiện kha khá, trên các blog, trang mạng tự do, là những “độc giả” lên tiếng bảo vệ cho cá nhân lãnh đạo nào đó, cho chế độ, mà mấy hôm trước đã được ông Trưởng ban Tuyên giáo Hà Nội công khai cho biết. Cách “làm việc” và chất lượng thông tin mà những nhân vật này thực hiện là rất tệ, phản tác dụng.
Loại thứ ba, đáng chú ý, đáng bàn nhất. Họ có thể nằm trong số những blogger, những cây viết tiếng tăm trên mạng, các nhà báo, nhà văn ít nhiều có được cảm tình của người đọc. Họ có thể là người có những quan điểm không giống với đại chúng, có những cảm thông chân thành với phía nhà nước trong một số vấn đề, nhưng không dễ trình bày thẳng thắn mà không sợ bị độc giả chỉ trích, quay lưng. Họ có thể là những người hôm qua còn chỉ trích nhà nước rất nhiều, nhưng hôm nay đã thay đổi, vì một lẽ nào đó. Hoặc, không như nhiều người, cũng có thể có những điều họ không tán thành với nhà nước, nhưng phần lớn là ngược lại, họ ủng hộ nhiệt thành. Trong con người họ, những thói quen, nhận thức khuôn sáo, phản tiến bộ của một thời, khó gột rửa hết ngay được. Những nhân vật trên có thể nhận được “đơn đặt hàng” chính thức từ người của nhà nước, nhưng cũng có thể họ chỉ nhận được một lời nhờ vả có tính “bạn bè”, mà đằng sau là ý muốn của cơ quan chức năng nào đó. Thậm chí, có khi chỉ vì muốn thể hiện mình “không giống ai”, không theo “tâm lý bầy đàn”, … họ liền trình diễn màn xảo ngôn, theo đúng ý đồ của kẻ khác, mà quên rằng thiên hạ giờ đây đâu có còn khờ nữa. Họ đã thiếu trách nhiệm với cộng đồng, đặt cái “tôi” của mình quá cao, quên mất một điều quan trọng mà sơ đẳng là càng có ảnh hưởng trong dân chúng, thì càng phải cẩn trọng và có trách nhiệm hơn với lời lẽ của mình. Như vậy, nghiễm nhiên họ trở thành “đội quân thứ ba” một cách vô tình mà không hay biết. Dạng cuối cùng, họ có thể là người của nhà nước, được giao trọng trách trong thời gian đầu hãy bằng mọi cách giành được sự tin yêu nơi độc giả, trở thành “người của công chúng”, để rồi dần dần lái dư luận theo hướng có lợi cho nhà nước theo cách mà đông đảo người dân không muốn, hoặc đôi lúc cần thì “xuất chiêu” trong một “phi vụ” cụ thể để tránh cho nhà nước, cho các vị lãnh đạo phải chịu một áp lực tức thời không lợi cho họ từ phía người dân, sau đó lại “thu quân”.
Điểm yếu nhất của các cây viết thuộc “đội quân thứ ba” là bị thiếu đi lối viết ngay thẳng, thường phải chuyển tải ý tứ của mình bằng cách nói vòng vo, ám chỉ, “ngồi lê đôi mách”, bới móc đời tư, tung tin vu vơ, hèn hạ, tinh vi, hiểm độc, khai thác sở thích tò mò, thói thóc mách, nganh ghét, đố kỵ, nghi ngờ, cố dùng lời lẽ dung tục – tầm thường hóa đối tượng cần chỉ trích, từ đó đánh lạc hướng dư luận lao vào tranh cãi hoặc tìm hiểu, không còn quan tâm mấy tới chủ đề chính nữa, … Người đọc đôi khi khó thấy ngay “chiến thuật” này, nhưng nó chỉ dễ “sống” được ở thời báo giấy, còn thời đại Internet ngày nay thì lại nguy hiểm cho chính người viết, dễ bị lộ mặt, mất “giá” hoàn toàn.  
Ngay từ những ngày đầu ra đời blog này, cách đây 5 năm 4 tháng, chúng tôi luôn xác định việc đăng bài vở, điểm báo, blog và bình luận, đều hướng tới thông tin đa chiều, công bằng, cố tránh cảm tính, định kiến, ác cảm. Nhiều báo, đài, blogger, nhiều cây viết nhận được những góp ý thẳng của chúng tôi, có khi tỏ ra khó chịu và hiểu lầm, thậm chí có cả lời lẽ miệt thị đáp trả. Nhưng rồi chính họ cũng lại vẫn nhận được ở chúng tôi những lời nhận xét trân trọng khi có những bài viết hay, những ứng xử mà người khác đáng phải noi theo.
Bằng cách làm đó, chúng tôi không cố công phát hiện “đội quân thứ ba” nói trên để phân biệt họ với những người khác. Tự những bài viết của họ, cùng với bình luận của độc giả và của chúng tôi, sẽ cho thấy dần họ là ai, hoặc hôm qua, có lúc họ như vậy, nhưng hôm nay đã khác rồi, theo chiều hướng tốt, hay ngược lại. Những ai có điều kiện theo dõi kỹ sẽ nhận ra điều này. Vài lo ngại, khó chịu của độc giả, hoặc chính đối tượng mà chúng tôi bình luận, sẽ được “hóa giải” bằng thực tế qua cách làm việc, xử sự của chúng tôi.
3- Thử nghiệm. Từ những đánh giá nói trên, chúng tôi từng nghĩ tới ý định lập nên một blog nữa, chỉ chuyên về “phản phản biện”, thử đặt mình vào địa vị người nhà nước, để tranh luận với những “phản biện” của người dân về nhiều vấn đề liên quan tới chính sách của nhà nước. Làm “thị phạm” một thời gian, để khích lệ những người khác cùng tham gia.
Rất muốn thực hiện điều đó, trước hết vì từng lăn lộn trong cơ quan nhà nước, thấy không ít điều trong gan ruột của nó, những cái dở người dân nhìn thấy, nhưng cũng có những cái tốt, người tốt thì người dân lại khó thấy được. Những người kém cỏi, vụ lợi, thiếu công minh trong nhà nước thì cứ chiếm thế thượng phong, còn người tốt, tài giỏi, có thực tâm, thì thiếu chỗ để cất lên tiếng nói của mình. Kể cả không ít người lãnh đạo thực sự muốn thay đổi tốt lên, nhưng họ bị phong tỏa, đầu độc thông tin, họ bị dân nghi ngờ, đánh giá xấu hết thảy. Tình trạng này càng kéo dài thì “người nhà nước” và người dân càng xa cách nhau.
Lực lượng “phản phản biện” mà chúng tôi muốn có này có thể coi là “đội quân thứ tư” thuộc về nhà nước, để đối thoại một cách sòng phẳng, bình đẳng, công khai với người dân, không như ba “đội quân” kia.
Một “lối thoát” khác cũng đã được chúng tôi đưa ra trong cuộc Hội thảo Tác động của truyền thông xã hội lên tác nghiệp báo chí mới đây, với tham luận “Đặc khu Thông tin”; đã có một số độc giả thắc mắc, nghi ngờ mục đích, mà chúng tôi chưa có dịp trình bày kỹ hơn.
4- Vài ví dụ, để thử nghiệm một lối tranh luận, đối thoại ngay thẳng giữa nhà nước với người dân:  
- Mới đây nhất là chuyện Nghệ sĩ Kim Chi. Dễ hiểu là phía nhà nước lo ngại, với ít nhất 2 lý do. Họ sợ thái độ “bất kính” với giới lãnh đạo lây lan trong nhân dân và cán bộ, niềm tin vào đảng, nhà nước giảm sút. Họ sợ “mất giá” những loại giải thưởng, danh hiệu này nọ, “công tác tư tưởng”, tuyên truyền theo kiểu truyền thống bị thách thức.
Tiếc là họ hầu như chỉ có một cách đối phó duy nhất, khi mà bà Kim Chi không phải thuộc diện “thế lực thù địch” để có thể có những bài viết công kích trên mặt báo. Thế là báo chí tự biết phải lờ đi và trên mạng tự do thì  họ tìm cách giảm nhẹ hiệu ứng lan truyền, bằng cách làm cho hình ảnh bà có đôi chút lem luốc, tầm thường. “Đội quân thứ hai” đã được huy động. Còn “đội quân thứ ba” … có lẽ đã được tận dụng?
Và đây là cách lập luận giả định cho “đội quân thứ tư” mà chúng tôi muốn nhà nước cần thử nghiệm:
Việc bà Kim Chi coi ông thủ tướng như là người phải chịu trách nhiệm duy nhất, cao nhất cho việc “làm nghèo đất nước, làm khổ nhân dân” là không chuẩn xác. Ông chẳng qua chỉ là gã tài xế bị buộc phải chọn cỗ xe kỳ dị “kinh tế thị trường định hướng XHCN”, mà trên đó là một đám lơ xe lười nhác, dối trá nhưng ông không thể đuổi việc được, mỗi ý định của ông đều phải xin ý kiến cả một đám chủ xe. Dẫu có ông Trời cầm lái cỗ xe đó cũng không thể cho nó đi tới nơi tới chốn. Chưa bao giờ chuyện này được đem ra mổ xẻ công khai. Rất có thể khi được “phân xử” một cách công minh, thì người chịu trách nhiệm lớn nhất cho việc “làm nghèo đất nước” này lại chính là người nắm quyền cao nhất nhưng cứ ôm khư khư cái “định hướng XHCN”, liệu có phải là ông thủ tướng nữa không?Nên bà Kim Chi đã có nhận định cảm tính, thiếu hiểu biết về cơ chế vận hành của cỗ xe này.
- Một ví dụ về cuốn “Bên thắng cuộc” của Nhà báo Huy Đức đang được dư luận rất quan tâm. Thay cho lý sự nóng vội và chụp mũ của Nhà báo Đức Hiển, ta thử giả định một lập luận khác xem sao, đó là:
Ông Huy Đức là một nhà báo, nhưng có được nhiều tư liệu sử, một lĩnh vực dù sao cũng xa lạ với ông, vậy tại sao ông không đem những tư liệu này trao đổi với giới sử học, cùng tìm tới một cách sử dụng hữu ích, khả dĩ chấp nhận được cho nhà nước này, từng bước làm biến chuyển những đầu óc bảo thủ, cứ muốn bưng bít sự thực lịch sử mãi? Vì chắc chắn giới lãnh đạo hiện nay cũng không được biết nhiều thông tin, những khúc mắc của lớp đàn anh mà ông Huy Đức có được và đưa ra trong cuốn sách. Nếu họ được tiếp cận theo một phương pháp khéo léo, rất có thể sẽ tốt cho họ, hơn là phải tiếp cận “thụ động” và rất sốc như hiện nay khi cuốn sách được xuất bản ở Mỹ, từ một NXB người Việt hải ngoại.
Sẽ là chưa muộn để phía chính quyền và ông Huy Đức, cùng nhiều người khác đã, đang viết những cuốn hối ký, sách lịch sử gặp nhau ở một điểm chung, hơn là sự đối đầu. Còn đem nghị định nào đó ra áp dụng để xử lý hình sự, như ông thứ trưởng Đỗ Quý Doãn nói, thì chỉ bế tắc thêm.
- Về quan hệ với Trung Quốc. Có những khó khăn mà không dễ nói ra với mọi tầng lớp nhân dân. Thử một cách lập luận sau:
Giới lãnh đạo trong nhiều nhiệm kỳ vừa qua đều phải chịu một gánh nặng hậu quả ghê gớm từ những gì mà lớp đàn anh đã làm trong hàng chục năm, thậm chí có nhiều điều họ còn chưa biết, liên quan tới quan hệ Việt – Trung. Họ buộc phải thực hiện cuộc lội suối dò đường trong mối quan hệ này. Không khéo, có thể phía “bạn” chơi khăm, tung ra một loạt tư liệu động trời làm sửng sốt người dân, từ đó gây bất ổn xã hội, chỉ có lợi cho Trung Quốc. Một phần vì vậy mà người dân cứ thấy có vẻ như họ lúng túng, che đậy nhiều quyết định, thông tin quan trọng mà lẽ ra người dân phải được biết. Có lẽ họ đang âm thầm xử lý khéo léo chăng?   
- Về đường lối xây dựng, phát triển đất nước trong nhiều năm qua, luôn bị đông đảo người dân cho là có nhiều sai lầm. Xin gợi ý một cách nhìn nhận vấn đề theo hướng khác:
Đó là thực ra chúng ta đang phải chịu cả một sai lầm “vĩ đại” của cả nhân loại từ khi khoa học công nghệ, chủ nghĩa tư bản, thậm chí cả văn minh phương Tây với đề cao tự do, phát triển năng lực cá nhân, ngày càng được coi là thứ ưu việt tuyệt đối. Chính những thứ này đã lôi cuốn cả thế giới vào một cuộc chạy đua mù quáng, tàn phá ngôi nhà chung của nhân loại, thỏa mãn nhu cầu tiện nghi vô độ của hiện tại, gây hậu quả khôn lường lên các thế hệ mai sau, đẩy toàn nhân loại ngày càng nhanh tới thời điểm diệt vong. Một cuộc tự sát từ từ, hầu như chưa có cách nào thoát khỏi. Vô tình Marx đã đúng một phần: CNTB không những “giãy chết” mà nó sẽ còn kéo theo cả nhân loại chết theo.  
 5- KếtMấy ví dụ trên để nói lên một điều rằng nếu như có những bài viết với những lập luận tương tự, được đăng trên các trang “không chính thống” thì sẽ giúp tạo nên không khí đối thoại công khai, bình đẳng, tạo sự cảm thông nhất định giữa người dân và chính quyền, mà chính quyền thì có thể tránh bị ràng buộc vào những nguyên tắc cứng nhắc nhất định của thể chế chính trị chưa thể sớm gỡ bỏ ngay được.
Với phương pháp này, qua “đội quân thứ tư”, cũng là để giảm bớt dần 3 đội quân kia, là thứ “hắc ám” không phù hợp với một xã hội văn minh, dễ làm lòng dân thêm căm ghét và xa cách, cần sớm được dẹp bỏ.
BS-Phản phản biện-Phản phản biện (Ba Sàm). – Tham khảo thêm: Chửi tục trên mạng (TT).


Cục Đất đã nói

 
Tui bận quá trời nhưng cũng xin dành vài chục phút phản biện bài này của ABS.
Về đại thể, tôi không đồng ý với anh ở nhiều điểm:
1. Cách gọi: gọi phản phản biện nghe đối nghịch quá, có lẽ nên gọi là trả lời phản biện thôi. Như một cuộc bảo vệ tốt nhiệp, phải trả lời phản biện, trong đó có ý kiến chấp nhận cũng như không chấp nhận đối với ý kiến phản biện; điều đó là bình thường, không có gì là đối nghịch cả. Ngay cả trong chính trị, lực lượng đối lập cũng có tác dụng hỗ trợ cho chính phủ (xem bài Đối lập chính trị của GS Nguyễn Văn Bông thời VNCH)
2. Cách phân loại phản phản biện của anh mang tính qui chụp, cảm tính, nhất là dạng thứ 3. Đơn giản là vì có những blogger độc lập chỉ nói theo nhận thức của họ, chứ không mang một sứ mệnh nào cả, dễ bị qui vào loại này.
3. Cái gọi là thử nghiệm của anh không có gì là mới mẻ. Hình như nó chỉ khác mấy loại kia ở chỗ trình độ lý luận cao hơn, và có tính “chân thật” ở mức độ nào đó, và vì thế sự phân loại lại mang tính võ đoán. Nó đã có ở đâu đó rồi, thậm chí rất nhiều, như ở tạp chí Cộng sản.
4. Điều quan trọng nhất: Anh đang xúi một người lạc vào rừng rậm nên đi tới, hay rẽ phải, hay rẽ trái, mà không nói cho họ biết là ngã nào cũng là rừng rậm cả. Còn một ngã mà anh không chỉ ra: Đó là đi lui để thoát khỏi rừng rậm.
Phản phản biện đâu có cần thiết gì, khi mà các phiên tòa ô nhục sẵn sàng chờ đón những người chỉ có tội là “phát biểu”. Phản phản biện đâu có ý nghĩa gì, khi mà chính tác giả của nó thừa biết là mình đang nói dối. Và nữa, phản phản biện chắc chắn phải đầu hàng nếu nó bảo vệ cái điều mà lịch sử cận đại và hiện đại trên toàn cầu đã chứng minh là phi nghĩa.
Thôi, nói ít hiểu nhiều, có gì không phải xin lĩnh giáo.

Nicecowboy đã nói

 
CAÍ TRỨNG VÀ CON GÀ
Đọc bài viết “Phản phản biện” của anh Ba Sàm rất lý thú, nhất là cách anh khái quát hóa, phân loại các cây viết “phản phản biện” thành 3 loại. Tôi cũng từ lâu hình dung trong đầu mình, tuy chưa hệ thống rõ rệt như anh 3S, về các loại phản phản biện này, để có một thái độ ứng xử thích hợp khi cần thiết với các loại phản phản biện này !
Nhưng về việc anh đề nghị thử nghiệm, thành lập một blog, một lực lượng “phản phản biện” để tranh luận, “đối thoại một cách sòng phẳng, bình đẳng, công khai với người dân”… thì Cao bồi thấy có điều gì đó chưa ổn, ảo tưởng và không khả thi. Tại sao ? .
Phải nói rằng nếu tổ chức được lực lượng “thứ tư” như anh Ba Sàm đề xuất, thì tốt quá, như một vài ví dụ về “phản phản biện” anh nêu ra trong bài của mình.
NHƯNG, sự đời là ở chữ nhưng này, thành lập lực lượng hay là hẳn một blog để phản phản biện lại các phản biện của người dân một cách DÂN CHỦ, BÌNH ĐẴNG là nhằm mục tiêu gì cuối cùng ? Có phải là nhằm mang đến một không khí, khuynh hướng dân chủ trong đời sống xã hội, mà trước hết là dân chủ trong tự do đối thoại ? Nếu vì mục tiêu cuối cùng như thế (tôi tin là thế) thì anh Ba Sàm lại bị luẩn quẩn trong cái vòng Con gà cái trứng rồi !
Vì hiện nay ta đang thiếu dân chủ trầm trọng, phải thông qua các tranh đấu đa dạng khác, nhiều hình thức và nội dung khác nhau : yêu cầu thay đổi hiến pháp, xóa bỏ các qui định thiếu dân chủ… thì dần dần chúng ta mới có được dân chủ. Khi đã có dân chủ thì mới nói đến việc tranh luận công khai, bình đẵng giữa những người bất đồng chính kiến, giữa dân và chính quyền, giữa phản biện và phản phản biện…như ở các nước dân chủ phương Tây.
Hiện nay chưa có dấu hiệu gì chính quyền muốn mở rộng dân chủ (xem dự thảo sửa đổi Hiến pháp thì thấy), thì làm sao có thể thành lập được một lực lượng phản phản biện thứ tư lý tưởng như vậy (tạm gọi là : tuyên truyền viên một cách dân chủ của nhà nước, Fair State propagator). Chính vì thế NCB mới nghi ngờ về tính khả thi trong đề xuất của anh BS ! Con gà có trước hay cái trứng có trước ?


Mr Kitchenhand đã nói


Gửi anh Ba Sàm,
Theo lời BTV nói là anh có thể bận việc khác mà không “canh” comments. Vì thế, khi anh có thời gian và đọc đến comment của tôi thì tôi xin được gửi lời chào chân thành đến cá nhân anh!
Về bài viết “Phản phản biện” của anh, tôi xin mạo muội được chia sẻ cùng anh. Nếu có gì khó nghe thì cũng mong anh hiểu rằng tôi đang dựa trên tinh thần trao đổi chân thành, không ngại né tránh, và thành tâm cầu thị.
1. “Yếu kém”
Tôi hoàn toàn đồng ý với anh khi đề cập đúng bản chất của hệ thống lý luận và tuyên truyền của nhà nước nước CHXHCN Việt Nam do duy nhất đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Anh đã đúng khi cho rằng đội ngũ lý luận và tuyên truyền “hầu như không có những cây viết có trình độ, thực tâm, và có phương pháp khoa học, văn minh để trao đổi, tranh luận với người dân trên báo chí của nhà nước và mạng xã hội nhằm cho dân hiểu hơn về mình, rằng có những điều khó nói, có những khó khăn chưa thể vượt qua, có những hiểu lầm do chính bộ máy yếu kém, không thống nhất đã không hoàn thành trách nhiệm của mình, v.v..”
Theo tôi, cái sai mang tính nền tảng đã giới hạn mọi không gian tư duy và tranh luận của họ. Về mặt cá nhân, tôi tin nhiều người trong số họ có cái tâm, có cái tầm, có trình độ và phương pháp khoa học. Nhưng họ đã chấp nhận thúc thủ trước những cân đối lợi ích, để rồi trở thành những kẻ tiếp tục vuốt ve những mớ lý luận mà họ biết rằng chẳng sớm thì muộn cũng sẽ lụi tàn. Họ đã tự biến mình thành một “nhân vật lịch sử” dơ dáy!
2. Đội quân phản phản biện
Cảm ơn anh đã nêu đích danh hai loại đầu tiên, nó (loại 1) có tên tuổi rõ ràng là báo Quân đội nhân dân và báo Nhân dân. Loại hai tuy chưa thể chỉ mặt đặt tên nhưng anh cũng đã khoanh vùng cụ thể.
Nhưng còn loại thứ ba thì sao???? Anh đã đọc kỹ những gì anh viết chưa?
Anh viết thế này nhé:
3. Loại thứ ba, đáng chú ý, đáng bàn nhất.
3.1. Dạng 1:
Họ có thể nằm trong số những blogger, những cây viết tiếng tăm trên mạng, các nhà báo, nhà văn ít nhiều có được cảm tình của người đọc.
3.2. Dạng 2:
Họ có thể là người có những quan điểm không giống với đại chúng, có những cảm thông chân thành với phía nhà nước trong một số vấn đề, nhưng không dễ trình bày thẳng thắn mà không sợ bị độc giả chỉ trích, quay lưng.
3.3. Dạng 3:
Họ có thể là những người hôm qua còn chỉ trích nhà nước rất nhiều, nhưng hôm nay đã thay đổi, vì một lẽ nào đó.
3.4. Dạng 4:
Hoặc, không như nhiều người, cũng có thể có những điều họ không tán thành với nhà nước, nhưng phần lớn là ngược lại, họ ủng hộ nhiệt thành. Trong con người họ, những thói quen, nhận thức khuôn sáo, phản tiến bộ của một thời, khó gột rửa hết ngay được.
Những nhân vật trên có thể nhận được “đơn đặt hàng” chính thức từ người của nhà nước, nhưng cũng có thể họ chỉ nhận được một lời nhờ vả có tính “bạn bè”, mà đằng sau là ý muốn của cơ quan chức năng nào đó.
Thậm chí, có khi chỉ vì muốn thể hiện mình “không giống ai”, không theo “tâm lý bầy đàn”, … họ liền trình diễn màn xảo ngôn, theo đúng ý đồ của kẻ khác, mà quên rằng thiên hạ giờ đây đâu có còn khờ nữa.
Họ đã thiếu trách nhiệm với cộng đồng, đặt cái “tôi” của mình quá cao, quên mất một điều quan trọng mà sơ đẳng là càng có ảnh hưởng trong dân chúng, thì càng phải cẩn trọng và có trách nhiệm hơn với lời lẽ của mình.
Như vậy, nghiễm nhiên họ trở thành “đội quân thứ ba” một cách vô tình mà không hay biết.
3.5. Dạng 5:
Dạng cuối cùng, họ có thể là người của nhà nước, được giao trọng trách trong thời gian đầu hãy bằng mọi cách giành được sự tin yêu nơi độc giả, trở thành “người của công chúng”, để rồi dần dần lái dư luận theo hướng có lợi cho nhà nước theo cách mà đông đảo người dân không muốn, hoặc đôi lúc cần thì “xuất chiêu” trong một “phi vụ” cụ thể để tránh cho nhà nước, cho các vị lãnh đạo phải chịu một áp lực tức thời không lợi cho họ từ phía người dân, sau đó lại “thu quân”.
Cuối cùng, ABS đưa ra một nhận xét tổng hợp về đội quân thứ 3 như sau: “Điểm yếu nhất của các cây viết thuộc “đội quân thứ ba” là bị thiếu đi lối viết ngay thẳng, thường phải chuyển tải ý tứ của mình bằng cách nói vòng vo, ám chỉ, “ngồi lê đôi mách”, bới móc đời tư, tung tin vu vơ, hèn hạ, tinh vi, hiểm độc, khai thác sở thích tò mò, thói thóc mách, nganh ghét, đố kỵ, nghi ngờ, cố dùng lời lẽ dung tục – tầm thường hóa đối tượng cần chỉ trích, từ đó đánh lạc hướng dư luận lao vào tranh cãi hoặc tìm hiểu, không còn quan tâm mấy tới chủ đề chính nữa, … Người đọc đôi khi khó thấy ngay “chiến thuật” này, nhưng nó chỉ dễ “sống” được ở thời báo giấy, còn thời đại Internet ngày nay thì lại nguy hiểm cho chính người viết, dễ bị lộ mặt, mất “giá” hoàn toàn”
Thưa anh Ba Sàm,
Khi đọc đến đây, tôi có cảm giác anh vừa ban hành một bộ Luật cho giới blogger. Anh thử kiểm nghiệm lại xem, có blogger nào nằm ngoài 5 dạng mà anh nêu trong đội quân thứ ba hay không?
Và chỉ cần họ vi phạm cái “điểm yếu” mà anh đưa ra thì được coi là đội quân “phản phản biện”, phải không anh?
Nhiều người trong chúng ta đã bị chính quyền nước CHXHCN Việt Nam quy chụp cho cái gọi là “thế lực thù địch”, rồi “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Nay nếu không biết giữ mình thì sẽ bị gán cho cái danh “phản phản biện”, vô tình hoặc cố tình phục vụ cho sự cai trị của chính quyền Hà Nội.
Thương thay!
Liên quan đến sự việc blog Hiệu Minh, tôi và nhiều ban đọc khác mong ở anh một lời giải thích, không phải vì bênh vực Hiệu Minh, mà vì một sự tôn trọng, chân thành, minh bạch trong lối ứng xử của giới blogger.
Nhưng anh không đăng lời bình, thay vào đó là bài “Phản phản biện”, trong đó có nói bóng gió đến sự việc.
Đến đây, tôi càng tha thiết anh minh bạch những gì anh đã phát biểu, đừng né tránh hay lập lờ nữa!
Nếu đúng blog Hiệu Minh là đối tượng anh đã đề cập trong bài viết “Phản phản biện” thì anh hãy công khai bằng chứng tố cáo chủ blog. Để cho tôi và nhiều bạn đọc khác nhận ra bản chất của vấn đề, tẩy chay blog Hiệu Minh!
Nếu anh không công khai bằng chứng để đi đến kết luận “ghê tởm”, để cho bạn đọc hiểu đúng về blog Hiệu Minh, thì bài viết “phản phản biện” của anh là thể hiện cách làm “y chang” của chính quyền Hà Nội, đó là “chụp mũ”!
Kính chúc anh sức khỏe!

Tổng số lượt xem trang