-– Bùi Tín: Vài chuyện đã rõ về ông Hồ (VOA’s blog). – 18.02.2013
Tôi vừa nhận đựơc bức thư ngỏ của anh về ý kiến của nhà sử học Dương Trung Quốc đối với cuốn sách nhỏ “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch”. Tôi hơi sửng sốt khi được tin này. Vì tôi quen anh Quốc, lại vừa có dịp gặp anh Quốc ở California, Hoa Kỳ 2 năm trước.
Có người mới đây phàn nàn là anh Quốc đã đồng lõa với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, “kẻ tung người hứng” nhịp nhàng như để mớm lời cho ông Dũng có dịp thanh minh trước Quốc hội rằng ông luôn tuân theo ý Đảng, không bao giờ xin xỏ điều gì, nay Đảng không thi hành kỷ luật ông thì ông phải phục tùng thôi.
Tôi không nghĩ trong vụ này nhà sử học họ Dương, một kẻ sỹ Bắc Hà chính cống, lại tệ đến thế. Tôi còn ngầm khen anh Quốc đã mạnh dạn đặt một câu hỏi hóc búa, có tính chất móc máy nữa, khi gợi ý về nền văn hóa từ chức vốn bình thường trong một xã hội văn minh. Cứ nhìn sắc mặt tái, thái độ lúng túng của ông Dũng khi ấp úng trả lời là có thể hiểu như thế.
Đến chuyện mới xảy ra, tôi thật sử sửng sốt. Vì chuyện Trần Dân Tiên đích thị là Hồ Chí Minh đã rành rõ như 1+1 là 2. Từ năm 1990, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh ông Hồ, báo Nhân Dân đã có bài tư liệu thống kê hơn 30 tên và bí danh của ông, trong đó có tên Trần Dân tiên, coi như tài liệu gốc cho dịp này. Nhà chính trị Nguyễn Khánh Toàn, vốn là giáo sư đỏ ở Nga, có bài viết trên báo Nhân Dân cũng nói rõ như thế. Nhà sử học Hà Minh Đức cũng có bài trên báo Văn Nghệ nói rõ chuyện này, cho biết không chỉ Trần Dân Tiên, mà T. Lan viết cuốn “Vừa đi đường vừa kể chuyện” cũng là ông Hồ.
Tôi không thể hiểu nổi tại sao nhà sử học họ Dương lại có lỗ hổng kỳ lạ trong trí nhớ đến vậy. Hay là ông cố tình kể lại chuyện thuần túy của ngày xưa khi còn đi học, còn thơ và ngây. Nay chuyện Trần Dân Tiên đích danh là ông Hồ không nên bàn thêm thực hư nữa, vì đã rõ quá đi rồi.
Còn chuyện ông Hồ có được UNESCO tuyên dương là Anh hùng dân tộc, nhà Văn hóa kiệt xuất của thế giới và được UNESCO long trọng kỷ niệm năm 1990 hay không? Hình như tôi đã có trả lời ngắn gọn vấn đề này khi anh Phương Nam – Đỗ Nam Hải còn ở bên Úc. Tôi có dịp ghé qua trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York, rồi đến trụ sở UNESCO bên bờ trái sông Seine, giữa Paris, chỉ để tìm cho ra lẽ vấn đề này. Tóm tắt lại, có thể nói UNESCO có hoan nghênh và ủng hộ việc này, qua lá thư của Bộ trưởng Võ Đông Giang thông báo cho LHQ là Việt Nam sẽ tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của “Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc của VN và Danh nhân văn hóa thế giới “. Tổng thư ký UNESCO ghi nhận thông báo đó của phía VN, cho ghi vào tập văn kiện lưu trữ của UNESCO . Không hề có một nghị quyết nào riêng của LHQ về vấn đề này. Ngoài ông Hồ còn có kỷ niệm ông Mahatma Gandhi và một số nhà chính trị, nhà kiến trúc khác.
Thế nhưng trong thực tế, việc hoan nghênh và ủng hộ của LHQ không hề được thực hiện, còn bị chính UNESCO thu hẹp và cấm đoán. Lý do là có sự chống đối mạnh mẽ của một bộ phận cộng đồng người Việt ở Pháp, Đức, Hoa Kỳ, Úc, của một số người Pháp mà người thân bị mất tích trong chiến tranh, của Hội cựu chiến binh Pháp đang đòi chính phủ Hà Nội phải trả lời về số phận hơn 2.000 quân sỹ Pháp bị mất tích sau khi bị bắt. Bà Catherine giữ tài liệu ở UNESCO cho tôi biết hồi ấy hồ sơ về ca ngợi ông Hồ hầu như không có, trái lại hồ sơ về tội của ông thì khá nhiều, có cả những gia đình kháng chiến có người thân bị chôn sống trong Cải cách ruộng đất và nhiều thư tố cáo các hố chôn sống người ở Huế trong biến cố Tết Mậu thân 1968.
Do những sự việc trên nên Tổng Thư ký UNESCO đích thân quyết định không có một hình thức kỷ niệm gì ở trụ sở chính UNESCO tại Paris, cũng không cử đại diện nào đi dự lễ chính thức ở Hà Nội. Xin nhớ lúc ấy là sau khi bức tường Berlin sụp đổ, Liên Xô bị tụt giảm thanh thế, Việt Nam và ông Hồ cũng bị tụt giảm theo.
Để vớt vát, sứ quán Việt Nam ở Pháp thuê một phòng nhỏ trong trụ sở UNESCO để tổ chức, chỉ có người của sứ quán, người thân sứ quán và một số cán bộ của đảng CS Pháp tham gia. Không một viên chức nào của UNESCO tham dự tuy được khẩn khoản mời. Chính quyền Pháp và chính quyền Paris cũng không có một đại diện nào đến. Người cai quản trụ sở này còn giao hẹn trước không được cắm cờ, treo ảnh ở ngay trong phòng họp, ngoài hành lang không được triển lãm sách báo tranh ảnh. Họ còn quy định rõ không được dùng từ “danh nhân văn hóa” nơi công cộng và giấy mời không được ghi là kỷ niệm ai, chỉ được ghi là buổi “sinh hoạt văn nghệ”, với một cuộc trình diễn cải lương.
Đấy là tất cả sự thật về chuyện Bác Hồ được suy tôn là Danh nhân văn hóa thế giới, cay đắng mỉa mai lắm. Bộ ngoại giao ở Hà Nội biết quá rõ, nhưng họ vẫn làm như không có gì trở ngại.
Tôi hoàn toàn tán đồng ý kiến của anh Phương Nam băn khoăn hoài nghi về tập thơ Ngục trung nhật ký, cứ như của người Tàu, phong cảnh Tàu, cảm khái Tàu, lịch sử Tàu, hồi tưởng Tàu, hình ảnh Tàu. Không một tên làng, tên huyện, tên tỉnh VN, không tên tuổi một anh hùng, di tích lịch sử VN, không một con sông ngọn núi VN. Chưa có nhà phê bình văn học thơ ca nào nghiên cứu kỹ về điểm này.
Nhưng về ông Hồ điều đáng trách nhất là không chỉ ra cho đất nước cần xây dựng theo mô hình nào. Điều này anh Đặng Quốc Bảo đã kể với Đại tá Quách Hải Lượng rằng đã trao đổi vấn đề này với ông Hồ; ông Hồ công nhận rằng “thành công của Bác là giành lại độc lập cho dân tộc, mà thất bại của Bác cũng là về dân tộc, Bác không tìm ra, chỉ ra được xây dựng đất nước ra sao” ( mở mạng Google, tìm “Đặng Quốc Bảo”).
Theo tôi, ông Hồ có mang về mô hình “chiếc gông chuyên chính vô sản” đấy chứ.
Hai nhà sử học William Duiker và Sophie Quinn-Judge đều nói với tôi Hồ Chí Minh là con người rất nhiều vẻ mặt, mang nhiều màu sắc khác nhau ( versatile , un camélion, mille faces) đóng kịch giỏi – do ông phải khôn ranh trốn lủi mật vụ đủ loại, rất khó nắm bắt thực chất. Trong đó còn có hàm ý là xảo trá, giỏi đánh lừa. Dễ khóc, dễ cười, khóc nhiều kiểu, mà cười cũng nhiều ý.
Một giáo sư người Nhật, ông Tsuboi Yoshiharu, đã cất công nghiên cứu chuyên sâu về ông Hồ để đi đến kết luận rằng bản chất ông Hồ là một người cộng hòa, một nhà dân chủ hơn là một người Cộng sản.
Tôi không đồng ý với lập luận đó.
Nếu ông Hồ mê say chế độ dân chủ kiểu Mỹ và của Pháp thật lòng để trích dẫn ra, ngay khi mở đầu Tuyên ngôn Độc lập 2/9/1945 , hai bản Tuyên ngôn lịch sử của Mỹ và của Pháp, thì trong đúng 24 năm làm chủ tịch đảng và chủ tịch nước, ông đã có dịp làm bao nhiêu việc ích quốc lợi dân theo hướng dân chủ và cộng hòa! Ngược lại, ông thực hiện chuyên chính vô sản, chuyên chính độc đảng, Đảng Dân chủ và Đảng Xã hội do ông lập ra chỉ làm trang sức cho đảng CS; ông thủ tiêu triệt để tự do báo chí, ông đóng cửa trường Luật. Báo chí và tòa án kém xa thời thuộc địa. Thế thì ông là người dân chủ hay người thủ tiêu quyền dân chủ?
Tự do, bình đẳng của công dân không có trong tư duy của ông chủ tịch nước VN Dân chủ Cộng hòa. Công dân thường không ai có hộ chiếu xuất ngoại. Tự do kinh doanh bị hủy bỏ triệt để, cho quốc doanh hoành hành. Ông mặc cho bà Năm bị bắn, cho ông Vũ Đình Huỳnh thân tín vào tù rồi chết thê thảm, mặc cho ông Nguyễn Hữu Đang bị đọa đầy, cho chừng 20 ngàn trung nông yêu nước giỏi kinh doanh nghề nông bị quy oan là địa chủ để bị bắn và chôn sống.
Tôi đã nói về chuyện này trong bài viết trên VOA mới đây ( bài “Tôi thưa Bác Hồ” ).
Việc đánh giá ông HCM là rất cần thiết, không nên e ngại, tránh né. Có thể đi cả vào đời tư lắm bi kịch, nhưng cái chính là đường lối chính trị, mô hình xây dựng đất nước dân chủ bình đẳng và phồn vinh cho mọi người chung hưởng. Ông Hồ đã bỏ lỡ thời cơ ngàn năm một thủa.
Một điều cuối cùng có thể châm chước cho ông là ông không cố tình phá hại đất nước. Do văn hóa thấp, mới học hết bậc tiểu học, lại còn quá trẻ nên khi đọc bài của Lenin về giải phóng dân tộc, ông đã nhẹ dạ theo ngay Mác, Lenin , rồi Stalin, rồi Mao cho đến suốt đời, cả sau khi chết. Có thể đến khi chết ông vẫn đinh ninh là con đường mình đi nhìn chung là đúng, tuy có lúc ông công nhận rằng ông thất bại trong xây dựng đất nước. Đến khi chết ông vẫn hài lòng nghĩ mình là một lãnh tụ yêu nước và cứu nước. Theo tôi một nhà lãnh đạo dân tộc mà yêu nước kiểu như vậy thì bằng mười làm hại đất nước, dân tộc, thà ông không yêu nước thì có khi lại là may cho nhân dân. Hiện ta thua xa Thái Lan, Inđonesia, Singapore, Malaysia… là vì vậy.
Tôi đã để hơn 20 năm nghiền ngẫm, đắn đo, suy nghĩ đánh giá cẩn trọng về nhân vật Hồ Chí Minh. Có khi khó khăn, dằn vật, buồn tiếc, thương cho dân mình, nhất là từng lớp trẻ. Nhưng cuối cùng nhẹ nhõm khi tiếp cận được chân lý. Cần có dũng khí làm người. Dám suy tư độc lập, bằng chính bộ óc tỉnh táo của chính mình. Không sợ nói trái ý đa số còn bị mê hoặc.
Còn về thi hài ông Hồ, tôi thấy cần vận động nhân dân tán đồng đưa đi an táng vì nhiều lẽ chính đáng về đạo lý, khoa học và môi trường. Không có gì tệ hơn là độc đoán bác bỏ yêu cầu cuối cùng thiêng liêng ghi trong di chúc của ông Hồ là hỏa thiêu. Cũng không có gì xúc phạm ông hơn là chia cắt nát thi thể ông ra không còn nguyên vẹn suốt hơn 40 năm ròng, nay vẫn chưa được nhập trọn vẹn vào đất nước quê hương. Điều này quá độc ác, và tệ bạc.
Có một nét nhỏ, ngoài lề, vui vui, đó là chuyện anh bạn nhà báo người Nga tên A.V. từng làm việc ở Hà Nội tôi gặp lại ở Paris, bảo tôi : “Lăng Hồ Chí Minh tớ quan sát kỹ thì cái mái cao của nó giống như chiếc mũ dạ của các chiến sỹ Cossack hay đội mùa đông. Đứng xa càng thấy giống…” Tôi bảo các nhà kiến trúc Việt Nam tự hào là nó theo dáng của đình chùa Việt Nam đấy chứ. Anh Phương Nam thấy thế nào?
Thư đã dài. Cám ơn anh Phương Nam – Đỗ Nam Hải và nhà báo tài năng Huy Đức cho tôi có dịp nói lên vài sự thật về một nhân vật trung tâm của chiến cuộc trên đất nước đau thương đang thức tỉnh này.
*****
Nguồn:
http://www.voatiengviet.com/content/vai-chuyen-da-ro-ve-ong-ho/1606014.html************
-Tôi thưa Bác Hồ
Cuốn sách đồ sộ của nhà báo Huy Đức dài hàng nghìn trang Bên Thắng Cuộc đang được bàn luận sôi nổi. Người khen cũng nhiều, người chê cũng lắm. Điều bổ ích là nó giúp cho xã hội nhìn lại cuộc chiến. Có thiếu sót là tác giả không đề cập đến nhân vật Hồ Chí Minh, một nhân vật trung tâm của cuộc chiến.
Nhân dịp này, tôi muốn chia sẻ vài ý kiến riêng do nghiên cứu thời gian qua.
Rất cần nhận định, đánh giá, không định kiến, không theo đường mòn nhân vật lịch sử này, cũng không chửi rủa thô tục, phủ định sạch trơn cho hả giận. Hai năm trước tôi đã có bài trả lời lập luận của giáo sư Nhật Bản Tsuboi Yoshiharu khi ông khẳng định về bản chất Hồ Chí Minh là “một người dân chủ theo chế độ cộng hòa “, chứ không phải là người Cộng sản.
Khi tôi còn trong nước. tệ sùng bái ông Hồ lên đến cực điểm. Ông là nhà chính trị kiệt xuất, nhà ngoại giao xuất chúng, nhà báo tuyệt vời, nhà thơ thượng thặng, nhà đạo đức khuôn mẫu, nhà trí thức siêu đẳng, nhà dự đoán tài ba, nhà ngôn ngữ uyên bác, gỉ gì gi nữa…HCM là số một hết. Hai mươi năm nay, trong tôi những giá trị nặng về ảo ấy lần lượt rơi rụng lả tả. Chỉ cần khách quan, tỉnh táo, công bằng.
Tôi lấy làm lạ có một nhân vật sống ở miền Nam, trong quân ngũ VN Cộng hòa, sỹ quan, trí thức có học hàm, lại ca ngợi tâng bốc ông Hồ đến mức sùng bái, vái lạy “cha già dân tộc”, rồi tự hào cho thế mới là thái độ trí thức dám tìm ra và nói lên sự thật. Đó là ông “tiến sỹ” Trần Chung Ngọc, thường viết trên mạng Giao Điểm. Ông sùng bái ông Hồ hơn ai hết, với những luận văn dài, toàn trích dẫn các học giả phương Tây. Sự kiện kỳ lạ này thúc đẩy tôi tìm hiểu sâu thêm.
Tất cả tài liệu Mỹ, Pháp, Anh, Tàu…ông Ngọc trưng ra, trich dẫn tôi chăm chú đọc. Tôi còn gặp trao đổi lâu với ông William Duiker, bà Sophie Quinn-Judge ở Mỹ, các bạn tôi Pierre Brocheux, Jean Couturier, Olivier Todd, Alain Russio… ở Pháp về nhân vật HCM. Nhiều lần tôi sang Texas, Hoa Kỳ, ghé xuống Lubbock nơi có Trung tâm tài liệu về chiến tranh VN cực kỳ phong phú, cũng như ở Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ, là thư viện đầy đủ nhất thế giới, cũng để nghiên cứu tiếp về HCM. Tôi xem 6 lá thư ông Hồ gửi cho Tổng thống Harry Truman, những nhận định sắc sảo, tỉnh táo, cụ thể về ông Hồ của CIA, các cựu ngoại trưởng Mỹ James Byrnes, George Marshall và John Foster Dulles, đối chiếu với những nhận định của Phòng Nhì tình báo Pháp, của những Georges Bidault, Charles de Gaulle, Georges Catroux, Georges Thierry d’Argenlieu, Maurice Thorez, Jean Duclos…về ông Hồ.
Tôi tóm tắt kết quả tìm tòi, đối chiếu của tôi hơn 12 năm qua là: ông Hồ khi nhỏ học chữ nho ở quê có tiếp thu môi trường chống Pháp của sỹ phu yêu nước vùng Nghệ Tĩnh, do đó khi học trường Quốc học Huế có tham gia phong trào chống thuế. Khi cha ông bị án phạm tội giết người, bị mất chức tri huyện, loại khỏi ngạch quan lại, vì sỹ diện và sinh kế, 2 cha con phiêu dạt vào Nam, cha làm thầy thuốc vùng Sa đéc, con xin dạy môn phụ ở trường Dục Thanh, Phan Thiết. Khi xuất dương anh Thành chưa có ý thức cứu nước rõ rệt. Cho đến khi sang Pháp, anh mới có ý thức làm chính trị từ khoảng 1918 đến 1922 hoạt động trong Đảng Xã hội (sau đổi tên là Đảng Cộng sản Pháp). Có thể nói lúc đó anh có lập trường yêu nước, chống thực dân Pháp, tinh thần dân tộc. Với báo Paria anh có tinh thần đoàn kết quốc tế với các dân tộc thuộc địa. Nhưng từ khi sang Nga năm 1923, 1924, anh bắt đầu gắn bó với Đệ tam Quốc tế Cộng sản, học và nhận việc ở Ban phương Đông Quốc tế Cộng sản, về sau nhận công việc trợ lý cho Michael Borodin một chuyên gia CS lão luyện. Cả thời gian ấy là thời hoàng kim của Stalin, triệt hạ mọi kẻ đối lập bằng bàn tay sắt. Ảnh hưởng thời gian này khá sâu đậm khi anh Thành đã đủ chin chắn, trên 34 tuổi, để sau này anh chửi rủa “bọn Menchevik” phản bội, gọi những người trốt-kít là chó săn cho đế quốc , gọi Quốc dân đảng, Đại Việt là Việt gian. Trong Hồ Chí Minh đã sớm định hình một nếp nghĩ kiểu Stalin là không là ta ắt là kẻ thù, là việt gian, phải trừ khử không chút thương tiếc. Anh được rèn, đúc, tôi luyện trong khuôn Stalin và Béria.
Ông Hồ thông minh thật, nhưng với nghĩa khôn ngoan, mưu mẹo chứ không mưu lược, không phải là nhà tư tưởng, nhà lý luận. Văn ông giản dị, bình dân, đến độ tầm thường. Ông không lập luận được dài, sâu. Tinh khôn theo nghĩa tinh ranh, mưu kế, khôn vặt thì không thiếu. Ông Hồ khi về nước hiểu rất rõ chủ nghĩa Cộng sản (CNCS) không được hầu như toàn thế giới chấp nhận, còn bị xa lánh, ghê tởm, e sợ, nên ông cố che dấu kỹ bản chất Cộng sản; ông cũng biết ở VN Cộng sản bị ngay dân Nghệ Tĩnh kinh sợ qua Xô Viết Nghệ Tĩnh với chủ trương tả khuynh diệt trí phú địa hào, đào tận gốc trốc tận rễ. Đưa ra Việt Nam Độc lập Đồng minh (Việt Minh), với các Hội thanh niên, phụ nữ, nông dân, công nhân, học sinh Cứu quốc, rồi Đảng Lao động VN, Mặt trận Liên Việt… đều là hỏa mù, bình phong che dấu thật kỹ bản chất Cộng sản đậm đặc trong con người ông. Ông có cái mặc cảm tự cho là ở phía xấu, nhưng không có bản lĩnh thoát ra. Tôi đã trao đổi với William Colby, giám đốc CIA, về HCM nhân cuộc họp năm 2007 ở Chicago; ông Colby cho biết Stalin cũng bị ám ảnh bởi cái mặc cảm Cộng sản là xấu xa bị dân chúng ghét bỏ, nên đã cùng Djanov và Dimitrov bày trò giả vờ giải thể Đệ tam Quốc tế, lập ra Comintern – Cục thông tin quốc tế. Sau này ông Hồ cũng bày trò “giải thể Đảng Cộng sản Đông Dương” tháng 11/1945. Stalin và Djanov còn nghĩ ra cái tên chế độ “Dân chủ nhân dân”chung cho mọi nước Cộng sản, cũng là màn khói che thương hiệu CNCS rất khó bán mà thôi.
Người ta hay viện ra Tuyên ngôn Độc lập 2/9/1945 với trích dẫn ngay từ đầu Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ và Tuyên ngôn Nhân quyền của Pháp để biện minh cho tư tưởng dân chủ của ông Hồ. Tôi đã trao đổi lý thú với ông Archimed Patti của OSS tháng 9/1990 ở Hà Nội nhân dịp kỷ niệm thứ 100 ngày sinh của ông Hồ. Ông Patti từng giúp ông Hồ trích dẫn chính xác Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ. Nếu chân thành là nhà dân chủ thứ thiệt, làm chủ tịch nước 24 năm, sao ông không cho dân được hưởng chút tự do báo chí, tự do kinh doanh nào? Sao ông đóng cửa trường luật? Sao ông dửng dưng trước thân phận bà Năm, ông Huỳnh, ông Việt Phương, ông Đang…? Sao ông chịu để Tàu chia cắt nước ta? Sao lại lấy tên Trần Dân Tiên Tự để tự vỗ ngực?
Người cộng hòa, người dân chủ không bao giờ cư xử như thế.
Những tài liệu ở Lubbock và Thư viện Quốc hội Mỹ cho tôi thấy tại hội nghị Yalta (2/45) và Postdam (7/45) đã manh nha cuộc đối đầu cực kỳ quyết liệt giữa Dân chủ và Cộng sản tranh dành từng vùng, ừng nước, từng nửa nước một. Suýt nữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ bị Stalin lấy. Ttheo dõi chặt chẽ tình hình qua một cái đài nhỏ nhưng mạnh của ông Patti cho, ông Hồ hiểu rõ rằng nước VN độc lập non trẻ mà bị coi là đối tượng của Mặt trận Dân chủ thì sẽ khốn nạn, cả châu Á chưa có nước CS nào, Liên Xô thì quá xa. Ve vãn Pháp, Mỹ bằng mọi thủ đoạn để tránh bị bóp chết, nhưng không đủ bản lĩnh để từ bỏ CNCS là bi kịch lớn nhất trong tư duy chính trị của ông Hồ, cũng là thảm kịch ông gây ra cho dân ta. Nếu như ông Hồ trở về chủ nghĩa dân tộc như Gandhi, Nehru, Sukarno, U nu… thì may cho dân ta biết bao. Có thể thoát chiến tranh, vẫn có độc lập, dân chủ, phát triển, nhân dân hạnh phúc. Nói trắng ra HCM là một nhân vật tiêu cực là chính, tích cực không nhiều, xét về toàn cục và về lịch sử của đất nước, lợi ích của nhân dân.
Thế là ông Hồ dùng bộ mặt nạ giả dân chủ làm chiến thuật, làm chiếc khiênđỡ bên tay trái, phòng thủ chặt để tự bảo vệ mình, nhằm thực thi chiến lược CS, lập trường CS, sứ mạng CS như một thanh bảo kiếm trong tay phải tấn công dũng mãnh diệt mọi kẻ thù theo chỉ thị của quốc tế CS. Từ năm 1924 ông Hồ là đại diện đảng CS Đông Dương, rồi 1945 là lãnh tụ CS cao nhất, ông tự tin tự hào mang sứ mạng thiêng liêng nhuộm đỏ toàn liên bang Đông Dương, cả Đông Nam Á và toàn thế giới. Đó là thực chất HCM.
Hoàn toàn rõ ràng là tình báo Pháp, Anh, Đức, CIA Hoa Kỳ, các hội đồng an ninh quốc gia Mỹ và Pháp không bị lừa, vì họ theo dõi kỹ tung tích, hồ sơ, hoạt động và đánh giá rất rành mạch nhân vật này.
Rất nhiều người khuyên tôi đừng có dại mà đụng đến ông Hồ. Vì ông còn được đông đảo nhân dân ngưỡng mộ. Cả dân tộc mình có được một vị “anh hùng” được thế giới ngưỡng mộ, sao lại đi phủ định.
Tôi nghĩ khác. Không có gì cao hơn sự thật. Không có gì thấp hơn sự dối trá. Nếu nói tôi vô lễ hỗn xược với bác Hồ mà tôi từng khâm phục, ngợi ca, hãy cho tôi thắp một thẻ hương và thưa với Bác rằng :
“Thưa Bác, theo nghiên cứu kỹ lưỡng công bằng thì Bác đã sai lầm, dẫn dân tộc đi sai đường lạc lối rõ ràng về chính trị, con đường Cộng sản Mác – Lênin chuyên chính vô sản độc đảng đã bế tắc hoàn toàn. Nếu quả Bác có tinh thần tự phê bình, Bác đã dễ dàng nhận ra điều đáng tiếc ấy. Bác hãy phù hộ cho nhóm lãnh đạo CS hiện nay thành khẩn nhận ra sai lầm, cùng toàn dân chuyển sang Kỷ nguyên Dân chủ đa nguyên đa đảng trong trật tự và luật pháp, cùng toàn dân xây dựng Hiến pháp dân chủ 2013 , bước vào thời kỳ phát triển mới mà thành quả toàn dân sẽ được chung hưởng.”
-'Bên thắng cuộc' mới nói được 1/3 sự thực -Nhà báo Bùi Tín bình luận về phần một cuốn sách "Bên Thắng Cuộc" và cho rằng tác giả Huy Đức mặc dù đã có những nỗ lực và đóng góp, mới chỉ đề cập được 'một phần ba' với tư cách là đóng góp mới hay tính mới về sự thực lịch sử dân tộc và sách còn rất nhiều sai sót cần được sửa.
Trao đổi với BBC Việt ngữ từ Paris hôm 05/1/2013, cựu đại tá nhà báo Quân đội Nhân dân Việt Nam, Bùi Tín cho rằng cuốn sách chưa nói được hết những sự thực về đảng cộng sản Việt Nam, về cá nhân lãnh tụ Hồ Chí Minh cùng nhiều sự thực khác.
"Tôi nghĩ là tính được 33% hay một phần ba... bởi vì nếu Ban Tuyên huấn Trung ương duyệt, thì nó phải bỏ đi, gọi là âm, dưới 100%, vì phần nhiều là lừa dối hết. Thì cái này đã nói được một phần sự thật, được 33%.
"Còn muốn đạt đến sự thật, còn phải cố gắng hai phần ba nữa mới có thể gọi là phản ánh đúng sự thực lịch sử."
Về mặt đóng góp của cuốn sách, ông Tín dành những lời lẽ 'tích cực' nhất đánh giá các nỗ lực của nhà báo Huy Đức, khi cố gắng phản ánh lịch sử của cận đại của Việt Nam, nhất là trong giai đoạn cuộc chiến từ năm 1954-1975 cũng như giai đoạn trước, trong và sau đổi mới.
Gọi cuốn sách là một công trình, ông Bùi Tín nhận xét: "Tôi thấy là anh ấy đã làm một việc rất đáng khen. Tôi có thể nói là đáng phục nữa. Bởi vì ở trong nước ít có nhà báo nào có gan, có sự táo bạo, tự mình nghiên cứu, tự mình viết một quyển đến 600 trang như thế.
"Có thể nói anh đã tiếp cận với một loạt người rất phong phú và công phu ghi lại những suy nghĩ của họ. Thì tôi thấy đó là một tài liệu rất đáng khen"
Bùi Tín
"Tôi thấy anh ấy là một nhà báo trẻ, một nhà báo có một chí lớn hiếm có tự mình nghiên cứu, để viết theo quan điểm của mình, chứ không phải của lãnh đạo, của người khác, để viết nên một tài liệu lớn đến như thế."
"Đây quả là một công trình hiếm có, công phu, bởi vì anh có gan, có ý chí tiếp cận tất cả các nhân vật lịch sử, trong đó có những người đã mất. Những người đó là những nhân vật lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng, từ Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, từ Thủ tướng, nhiều Ủy viên Bộ chính trị, nhiều Bí thư Trung ương Đảng.
"Cho đến lấy các tài liệu từ cả những người dân thường ở Sài Gòn mới giải phóng, ở Huế, ở Hải Phòng v.v... Có thể nói anh đã tiếp cận với một loạt người rất phong phú và công phu ghi lại những suy nghĩ của họ. Thì tôi thấy đó là một tài liệu rất đáng khen."
'Sai sót phải sửa'
Ông Bùi Tín nói 'Bên Thắng Cuộc' là một công trình đáng khen, đáng phục
Về mặt được cho là các sai sót hay hạn chế của cuốn sách, nhà báo Bùi Tín nhận xét:
"Tất nhiên, tôi đọc rải rác chỗ này chỗ khác thì nhiều cái sai lắm. Nhưng tôi cũng không trách gì, bởi vì hàng nghìn người, ghi chép hàng sáu trăm trang như thế thì chỗ nào cũng có chi tiết sai cả."
Khi được hỏi đâu là những sai sót quan trọng nhất không thể không sửa để bảo đảm tốt hơn tính khách quan khi tìm kiếm sự thật lịch sử ở các giai đoạn và phân kỳ lịch sử mà "Bên Thắng Cuộc" phần I đã đề cập, cựu Tổng Biên Tập tờ Nhân Dân Chủ Nhật nói:
"Nhược điểm của anh Huy Đức là anh ấy là người đến sau, là người không chứng kiến được trực tiếp, nghe ngóng sau khi các sự kiện đó đã xảy ra... Anh ấy là người lượm lặt, thu góp, mà không phải là quan sát trực tiếp. Cho nên cái gián tiếp sai nhiều lắm.
"Tôi nói riêng ngày 30/4, anh ấy lấy được nhiều tài liệu hay, nhưng cũng có kha khá các điểm là dở, là không đúng. Nhưng cái này tôi không trách anh ấy, mà tôi trách là trách những người đã gặp anh ấy, có nhiều người nói không đúng sự thật."
Nhà báo Thành Tín đưa ra ví dụ: "Những câu nói rằng là các ông không có gì để mà giao. Khi mà Dương Văn Minh nói "quý ông", buổi sáng mà giao chính quyền, thì chính tôi là người trả lời như thế chứ không phải là Bùi Văn Tùng."
"Những câu mà nói rằng là các ông không có gì để mà giao. Khi mà Dương Văn Minh nói là "quý ông," buổi sáng mà giao chính quyền, thì chính tôi là người trả lời như thế chứ không phải là Bùi Văn Tùng"
Bùi Tín
"... Nếu mà gọi là cán bộ cao cấp đầu tiên cũng như cán bộ cao cấp duy nhất mà gặp họ trong ngày 30/4 thì chính là tôi... Chứ ông Nam Long cũng không hề gặp và cũng không có ông tướng nào gặp họ trong những ngày đó cả."
Ông Bùi Tín cho rằng thuật ngữ mà tác giả lựa chọn và đề cập cuộc chiến tranh ở Việt Nam trong suốt 30 năm ở nửa sau của thế kỷ trước là "sự nghiệp chống Mỹ cứu nước" hay chống "đế quốc Mỹ xâm lược" cũng "sai bét tất," ông nói:
"Những thiếu sót gốc phải gia công hơn nữa, ví dụ như là 'cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước' nói như thế có đúng hay không, theo tôi là không đúng. Thế còn nói 'ngày toàn thắng,' 'ngày giải phóng,' thì ngay cái tít 'giải phóng' cũng đã là mỉa mai rồi.
"Mà tôi nói là cái chiếm đóng của Miền Bắc đối với Miền Nam, cái này không phải là cái công để phục vụ nhân dân, mà Đảng cộng sản lấy danh nghĩa là chiến tranh giải phóng để cướp quyền lãnh đạo và từ đó nhằm lợi ích riêng của Đảng, không có phục vụ lợi ích của toàn dân.
Những điều này, theo ông Bùi Tín, cần được "đánh giá lại một cách sâu sắc."
"Phản ứng dè dặt"
Nhà báo Huy Đức nổi tiếng sắc sảo với các bài bình luận thời sự và chính sách trên trang blog Osin của ông
Khi được hỏi liệu 'có điều gì' có thể ảnh hưởng đến cá nhân tác giả nếu nhà báo Huy Đức quyết định trở về nước sau khi xuất bản toàn phần cuốn "Bên Thắng Cuộc", cũng như chính quyền, đặc biệt là ngành Tuyên Giáo trong nước, có thể sẽ 'đối đãi' ra sao với cuốn sách, ông Bùi Tín nói:
"Họ tiếp nhận rất dè dặt, mới có hai ba bài báo, nhưng cũng đã có vẻ như là không tán đồng rồi. Bởi vì nhất định là cách nhìn của Huy Đức so với cách nhìn của Ban Tuyên huấn Trung ương, của Bộ Chính trị , của 14 ông vua tập thể là khác hẳn nhau rồi...
"Bởi vì ngay cái 'giải phóng' đã hàm ý mỉa mai rồi. Cho nên họ không thể coi đó là một tài liệu tiến bộ được. Họ miễn cưỡng phải đề cập, nhưng họ sợ, họ lo vì so với cách nhìn của Đảng Cộng sản, nó đã chệch đi đến 90 độ.
"Nhưng mà nói là đã thực sự phản ánh sự thực chưa, thì tôi nghĩ là cũng phải quay hơn 90 độ nữa thì mới có thể coi đúng là phản ứng sự thực."
"Bây giờ ông ấy về nước chẳng sao cả đâu. Bởi vì ông ấy viết theo quan điểm có chống đối gì mạnh mẽ lắm đâu, chỉ là uốn nắn lại một vài sự thực lịch sử, cho nên tôi nghĩ là ông ấy chưa phải là một người viết sử thực sự, dám đụng thật đến sự thật"
Bùi Tín
Cựu đại tá Bùi Tín cho rằng cá nhân tác giả của cuốn sách sẽ không gặp vấn đề gì khi về nước, ông nói:
"Bây giờ ông ấy về nước chẳng sao cả đâu. Bởi vì ông ấy viết theo quan điểm có chống đối gì mạnh mẽ lắm đâu, chỉ là uốn nắn lại một vài sự thực lịch sử, cho nên tôi nghĩ là ông ấy chưa phải là một người viết sử thực sự, dám đụng thật đến sự thật.
"Một cái người chỉ mới thay đổi cách nhìn hơi tiến bộ một chút chứ chưa phải là một cuộc cách mạng nhân dân, một cách nhìn thực sự đứng về phía nhân dân, đứng về phía chân thực của lịch sử."
Ông Bùi Tín, người đã đã trở thành nhà bất đồng chính kiến và một cây bút cổ vũ cho dân chủ và cải tổ ở Việt Nam tại hải ngoại từ sau 9/1990, cho biết ông tin rằng những hạn chế của Bên Thắng Cuộc, điều mà ông gọi là 2/3 sự thực lịch sử còn lại, sẽ được các thế hệ tương lai giải quyết.
"Phải là các bạn trẻ hơn nữa viết ra, có những người có quan điểm tiến bộ hơn nữa, tôn trọng lịch sử và có ý thức dân chủ thì mới có thể viết nổi," ông nói với BBC.-'Bên thắng cuộc' mới nói được 1/3 sự thực
-Nghe Bùi Tín nói về "Bên Thắng Cuộc"Nghe16:24
Nhà báo Bùi Tín bình luận về cuốn sách "Bên Thắng Cuộc", phần một, của tác giả Huy Đức.
Mở bằng chương trình nghe nhìn khác
Nhà báo Bùi Tín nhận xét về cuốn sách Bên Thắng Cuộc, phần I, công bố gần đây của tác giả Huy Đức, và cho rằng cuốn sách là một "công trình" hiếm có, can đảm, đáng khâm phục.
Tuy nhiên ông cũng cho rằng sách còn nhiều hạn chế về quan điểm và nhầm lẫn, sai sót khách quan về các chi tiết sự kiện và sự thực lịch sử, điều mà ông cho rằng cần sửa chữa và có thể được khắc phục tốt hơn bởi một thế hệ có tầm nhìn và quan điểm mới hơn về dân chủ và khách quan lịch sử.
Xin mời quý vị theo dõi toàn văn cuộc trao đổi giữa BBC Việt ngữ và cựu Đại tá Bùi Tín ở mục nghe xem và bài viết giới thiệu ý kiến của ông ở mục bài viết liên quan dưới đây.
Nhà báo Bùi Tín nhận xét về cuốn sách Bên Thắng Cuộc, phần I, công bố gần đây của tác giả Huy Đức, và cho rằng cuốn sách là một "công trình" hiếm có, can đảm, đáng khâm phục.
Tuy nhiên ông cũng cho rằng sách còn nhiều hạn chế về quan điểm và nhầm lẫn, sai sót khách quan về các chi tiết sự kiện và sự thực lịch sử, điều mà ông cho rằng cần sửa chữa và có thể được khắc phục tốt hơn bởi một thế hệ có tầm nhìn và quan điểm mới hơn về dân chủ và khách quan lịch sử.
Xin mời quý vị theo dõi toàn văn cuộc trao đổi giữa BBC Việt ngữ và cựu Đại tá Bùi Tín ở mục nghe xem và bài viết giới thiệu ý kiến của ông ở mục bài viết liên quan dưới đây.