-Trần Quốc Việt (Danlambao) - Việt Cộng bắt ông về lại, chặt đứt lìa hai bàn chân của ông trước sự hiện diện của nhiều người tù khác, và rồi khi ông nằm lăn lộn trên mặt đất la thét vì đau đớn, họ giết ông bằng một viên đạn từ khẩu súng lục bắn vào miệng ông...
*
Người trốn thoát kể lại thảm sát ở Huế
HUẾ, Nam Việt Nam, 12 tháng Tư 1969 (AP) -Viên chức làng Phan Duy thoát chết trong vụ thảm sát ở cồn cát tại Huế trong lúc đội hành quyết của Việt Cộng đang đào mồ chôn ông.
Ít ai được may mắn như thế. Những người đào mồ sàng lọc thật kỹ ba hố chôn tập thể ở phía đông cố đô và đã tìm thấy xác của hơn 500 đàn ông, đàn bà và trẻ em. Tất cả nạn nhân đều bị kẻ thù đánh chết và bắn chết trong cuộc tấn công vào dịp Tết 1968.
Ông Duy, một viên chức quan trọng ở làng An Hạ cách Huế 11 cây số về phía đông, biết mình có tên trong danh sách hành quyết của Việt Cộng. Cho nên khi những người cộng sản Miền Bắc và những người kháng chiến Việt Cộng chiếm Huế vào tháng Hai 1968, ông đã rời làng đến trốn tại một ngôi nhà nhỏ ở ngoại ô Huế với hy vọng tránh bị phát hiện trong dân chúng đông đúc hơn của thành phố Huế.
Ông trốn được suốt trong một tháng chiếm đóng của kẻ thù, nhưng khi quân đội Mỹ và quân đội Miền Nam tái chiếm Huế, kẻ thù rút quân ngang qua vùng ông đang trốn. Vào ngày 28 tháng Hai năm Việt Cộng bước vào nhà ông Duy.
Bị giải đến Cồn Cát
Sau khi trói tay ông, Việt Cộng giải ông đi mười một cây số về hướng nam tới một dãy nhà gần các cồn cát. Ông Duy kể họ đẩy ông vào một ngôi nhà nơi có bốn người tù khác.
Năm người bị nhốt trong nhà bảy ngày, chỉ được đi ra ngoài mỗi lần cần đi vệ sinh. Vào những dịp được ra khỏi nhà như thế ông Duy kể ông thấy hơn 100 người bị bắn ở những ngôi nhà khác.
Vào đêm thứ bảy, ông Duy và chín người khác, tất cả đều cùng bị trói chung vào một cọc tre, được bảo rằng họ sẽ được đưa đến một nơi khác để "học tập cộng sản".
Nhưng lần này họ bị giải đi chỉ được độ 300 mét. Tay của những người tù được mở trói rồi họ được lệnh cởi áo quần ra vì họ sắp sửa lội qua sông.
Khi ông Duy cởi áo quần ra ông nghe những lính canh tù nói chuyện với một nhóm lao công Việt Cộng.
"Các anh đào chiến hào xong chưa?" Họ hỏi.
"Chưa, chưa xong, có quá nhiều người nhưng không đủ thời gian." Những người lao công đáp.
Ba trong số sáu người lính canh tù nghe vậy bỏ đi để giúp đào hào, trong khi ba ngưòi lính còn lại trói lại tay của ông Duy và chín người bạn tù.
"Trời rất lạnh. Lúc ấy vào độ nửa đêm," ông Duy kể. "Tôi tìm cách cởi trói vì tôi biết trong vài phút nữa mình sẽ chết."
Ông Duy kể ông mở được sợi dây thừng và lao người về phía trước thì một người lính bắn theo độ hai mươi phát.
"Tôi chạy được độ 300 mét thì thấy một cái hồ nước," ông Duy kể. "Tôi nhảy xuống hồ và lấy cây sậy che kín người."
Hàng giờ sau ông mới ra khỏi hồ và đi về hướng ánh sáng ngọn đèn pha của tháp đài phát thanh Huế. Ông lảo đảo bước vào trụ sở quận Phú Vang và tường thuật lại tất cả mọi chuyện.
"Tôi nhớ vào ngày thứ hai tôi bị giam trong ngôi nhà ấy," ông nói, "có người cùng làng bảo tôi Việt Cộng đã vào nhà tôi và giết mẹ tôi. Khi tôi trở về tôi thấy xác mẹ tôi vẫn còn ở trong nhà. Tôi là người con duy nhất của bà."
Nguồn: Washington Post 13/4/1969
*
Chết nhiều lần trước khi lìa đời
Trần Quốc Việt (Danlambao) dịch - Ông Hương, một cựu binh sống với vợ và sáu con tại làng Bao Vinh thuộc ngoại ô Huế, bị một toán Việt Cộng vào nhà bắt vào ngày thứ ba của cuộc chiếm đóng. Họ tố cáo ông trước đây là lính, vì vậy ông phải "trả nợ cho tội ác chống lại nhân dân," rồi bắt ông đi đến nơi giam giữ nhiều người khác trong làng.
Mặc dù hai cánh tay ông Hương bị trói đằng sau lưng, ông vẫn lẻn trốn đi được, nhưng rồi bị bắt lại cách nơi giam giữ vài trăm mét.
Việt Cộng bắt ông về lại, chặt đứt lìa hai bàn chân của ông trước sự hiện diện của nhiều người tù khác, và rồi khi ông nằm lăn lộn trên mặt đất la thét vì đau đớn, họ giết ông bằng một viên đạn từ khẩu súng lục bắn vào miệng ông. (1)
(1) Theo Như Hà, "Khi năm Tuất đến, Huế vẫn còn khóc cho Tết năm Thân", nhật báo Chính Luận, phần 3 của chuyên đề 3 phần, ngày 1 tháng Hai 1970, trang 7. Một người hàng xóm chứng kiến vụ hành quyết đã kể lại cho vợ của nạn nhân.
Nguồn: Vietnam Center and Archive
Study of the Hue Massacre [March 1968], trang 49. Tựa đề của người dịch.
-Chuyên đề Mậu Thân - Bài 7 - "Khi năm Tuất đến, Huế vẫn còn khóc cho Tết năm Thân..."
-Chuyên đề Mậu Thân - Bài 6 Việt Cộng là ai?
Trần Quốc Việt (Danlambao) dịch - Lệ Xá Tây, Nam Việt Nam, 12 tháng 11, 1969 (AP) - Dưới bóng cây nhiều mấu xù xì bà Phan Thị Dân lặng lẽ khóc chồng. Thỉnh thoảng bà vuốt ve tấm vài nhựa màu xanh đựng thi hài chồng được bó chặc bằng sợi dây ny lon - một vài cái xương, những mẩu vải áo quần còn sót lại, và chiếc sọ lộ rõ hai chiếc răng vàng còn nguyên vẹn.
"Việt Cộng?" bà đáp lại câu hỏi. "Chúng tôi cùng chung giòng giống, chúng tôi cùng chung màu tóc, chúng tôi cùng chung ngôn ngữ. Nhưng họ vô gia đình, vô tổ quốc, vô tôn giáo. Và giờ đây chúng tôi biết rằng họ còn vô nhân đạo."
Lời phát biểu này không biểu lộ hận thù, càng không biểu lộ nhiều xúc cảm. Bà Dân, cô giáo 45 tuổi, suốt trong 21 tháng trời bà biết chồng bà chắc đã chết, một trong hơn 3.000 người bị các toán hành quyết Việt Cộng sát hại trong trận chiến ở Huế trong cuộc tấn công vào dịp Tết năm ngoái.
Nhiều người bị chôn sống
Tuần này là lần thứ 14 bà đến nơi những người lao động dính đầy bùn đất vất vả khai quật thi hài và những người tình nguyện trẻ xem xét và phân loại các thi hài một cách cẩn thận và tỉ mỉ để tìm ra những thông tin mà có thể giúp nhận diện các nạn nhân.
Bà Dân là một trong có lẽ độ 100 người phụ nữ đến từ một quận nằm hơi xa về hướng đông nam thành phố Huế. Trong hàng tháng trời họ đã chờ đợi và theo dõi khi các thi hài được khai quật ở những nơi mà Việt Cộng đã dẫn các nạn nhân đến, rồi giết họ bằng đạn và gậy hay chôn sống họ.
Bà trở thành người có nhiều kinh nghiệm trong việc nhận diện những xác bị chôn đã lâu.
"Ta có thể biết được xác phụ nữ lớn tuổi nhờ hàm răng và xác của những phụ nữ trẻ nhờ mái tóc dài." bà giải thích.
Trong trường hợp đàn ông- đa số nạn nhân là đàn ông- việc nhận diện xác khó hơn rất nhiều. Đôi khi giấy căn cước, cái bật lửa hay một đồ vật mang tên nạn nhân nằm trong các hố chôn tập thể. Thông thường hơn hy vọng duy nhất là hàm răng, vụn vải áo quần hay chỉ nhờ linh tính của người vợ hay người mẹ.
Chồng bà Dân, công chức 50 tuổi, Tôn Thất Lang, là một trong số 150 người ở làng ông bị lùng bắt rồi bị giải đi vào ngày thứ tư của trận chiến. Bà không biết tại sao họ bắt ông.
Tuần qua thi hài của hơn 100 người đã được tìm thấy ở vài địa điểm. Nhiều xác chết nằm chồng lên nhau, chứng tỏ những kẻ hành quyết Việt Cộng đã bắt họ sắp hàng rồi bắn họ hay dùng gậy đánh họ để họ rơi vào những hố mới đào.
Những thi hài được chất lên chiếc thuyền máy để đưa về trụ sở quận Phú Thứ cách đấy hơn ba cây số. Những thi hài được đặt ở ngoài sân và người ta đọc trên loa bảng liệt kê những vết tích tìm được của mỗi thi hài.
Hàng chục người, đa phần phụ nữ, chen lấn lên để xem xét thật kỹ các thi hài. Nhưng ít người tìm được dấu tích của người thân.
Nguồn: New York Times 13/11/1969. Tựa đề của người dịch
_________________________________
Dân Làm Báo - Họ tiếp tục hát trên những xác người, chối bỏ tội ác, đổ thừa tội phạm, chà đạp lịch sử để tự vinh danh những kẻ sát nhân lẫn một chế độ sát nhân. Và vì thế những tang thương quá khứ đành phải lật lại vì sự thật của lịch sử:
-Chuyên đề Mậu Thân - Bài 6
--- Hãy trả sự thật cho lịch sử (Vietinfo). - Những Nhân Chứng có Thẩm Quyền của Bộ Phim Mất Dạy “Tài Liệu Mậu Thân 1968” (Hưng Việt).- -- - -Thép Súng/
Đem Đại Nghĩa để thắng Hung Tàn - Lấy Chí Nhân mà thay Cuồng Bạo
Thép Súng 1
Thép Súng 2
Thép Súng 3
Thép Súng 4
Thép Súng 5
Thép Súng 6