Thứ Năm, 21 tháng 2, 2013

Từ "Má Hồng" Đến "Những Mảnh Đời Tị Nạn" - Nguyễn Mạnh Trinh

-tvvn.org: Thập niên 60 là những năm mà chiến tranh Việt Nam ở mực độ ác liệt nhất. Ở ngoài chiến trường, địch quân gia tăng cường độ tấn công. Trong khi đó ở hậu phương, thì hỗn loạn chính trị và đời sống vẫn ở trong những tình trạng tha hóa đáng buồn. Trong hoàn cảnh đó, nhà văn Đỗ Tiến Đức viết “Má Hồng”…


Nhan đề gợi từ câu thơ của cụ Tiên Điền Nguyễn Du “Lạ gì bỉ sắc tư phong. Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen”, “Má Hồng” là một thiên tự truyện nhằm lột tả lại một thời kỳ đặc biệt của xã hội miền Nam. 

Và nhân vật xưng tôi là một trí thức trẻ xuất thân từ Học Viện Quốc Gia Hành Chánh giữ chức vụ phó quận châu thành của một tỉnh lỵ nào đó trong lãnh địa miền Nam Việt Nam. Câu chuyện kể chung quanh những ngày tháng làm việc không mấy hứng thú với những nhân vật chỉ huy bộ máy chính quyền tỉnh. Nói chung thì nhiều tiêu cực hơn là tích cực, nhiều vui chơi cá nhân hơn là chăm lo công việc.

Đến nỗi, nhà văn Nguyễn Hiến Lê khi đọc từng kỳ trên tạp chí Bách Khoa đã nhận xét rằng nếu với những bối cảnh xã hội tả trong Má Hồng thì chế độ Miền Nam sẽ xụp đổ trong vòng mười năm tới. Quả nhiên, tới năm 1975, câu tiên tri ấy đã thành sự thực. 

Với tôi, là một độc giả, khoảng cách hơn ba chục năm đã gây cho tôi những cảm giác khác nhau khi đọc “Má Hồng”. 

Lúc trước, là sự tò mò với những liên tưởng bật ra những câu hỏi. Tác giả đang viết về một câu chuyện trong bối cảnh của tỉnh nào? Miền Trung nơi tác giả đã làm việc hay một nơi nào khác? Ông tỉnh mà tác giả kể đến có phải là Tướng Y, Tướng Z, … về sau này? Những diễn biến của tiểu thuyết có phải phản ảnh trung thực từ cuộc sống thực? Chẳng lẽ, những người trẻ trong câu chuyện mà lại có tư tưởng bi quan yếm thế trong hoàn cảnh của một đất nước chiến tranh đòi hỏi sự hy sinh của mọi người? Chẳng lẽ, cái dục tính lại quan trọng quá thể đối với nhiều nhân vật trong “Má Hồng” như vậy ?…

Những câu hỏi được đặt ra và hình như tác giả không muốn trả lời một cách rốt ráo! Nếu muốn tách bạch mọi sự, “Má Hồng“ chỉ là một thiên ký sự với những chi tiết mà có lẽ quá thông thường với độc giả. Viết một ký sự có lẽ dễ dàng hơn viết một tiểu thuyết với thực tại và hư cấu trộn lẫn? 

Còn ở đây với nghệ thuật viết của tác giả, một không khí lãng đãng nửa thực nửa giả làm người đọc bị lôi đi trong sự hồ nghi. Chuyện này có thực không, bao nhiêu lời đồn thổi, bao nhiêu sự xác định ? Chính người trong cuộc cũng chưa hiểu thấu. Người ta sống trong sự hoài nghi của những tin đồn, nửa thật nửa giả. Chính điều đó làm nổi bật lên những nét tha hóa của những người sống trong một thời đại mà cái chết và cái sống chỉ là một gang tấc. 

Chiến tranh hiện diện với tiếng súng từ gần xa vọng về cũng như những lần cư dân tỉnh lỵ nhìn những chiếc máy bay phản lực thả bom mà tác giả đã gọi là“ niềm vui tỉnh nhỏ“. Chiến tranh dù là một cái bóng nhưng sự chết chóc cũng gần lắm với những đoạn đường bị gài mìn, những cái chết không tòan thây, rồi pháo kích, rồi ám sát những viên chức hạ tầng, rồi trại tạm cư, rồi những cảnh cười ra nước mắt của những người dân một cổ hai tròng:

“… Bác tiếp tế cho tụi nó những gì?

Một cánh tay bà bỏ thòng chạm đất, mấy ngón tay quều quào gãi gãi mép bàn chân nứt nẻ. Một vài tiếng nói ngắt quãng bay ra:

- Sữa. Cơm. Thuốc nhức đầu. 
- Tụi nó gặp bác ở đâu để lấy đồ?
- Ngoài ấp. 

Im lặng. Có tiếng chim líu ríu trên cành. Chắc một đôi vành khuyên đang tập bay chuyền. Tôi hỏi tiếp:

- Bác thích tụi nó lắm sao?

Vuông khăn đen động đậy qua lại:

- Không
- Sao bác giúp tụi nó ?
- Nó là con trai tôi…”

Và một đoạn khác, những đối thoại chân thực mà đầy chất sống. Những chuyện không thể nghĩ tới, từ một nơi chốn đầy đe dọa chém giết. 

”… Bà già khóc nhỏ hơn lúc nãy. Cái đầu bà nằm bẹp xuống khuỷu tay đặt khòng khoèo trong lòng. 

- Sao ông Tỉnh Trưởng biết bác tiếp tế?
- Tôi nói cho ổng nghe
- Bác nói làm chi?
- Ổng hỏi. 

Tôi gắt như với một người thân thiết, trời, phải giấu chứ. Ông ấy bắt là đúng lắm…. ”
Những đoạn như thế có rất nhiều trong “Má Hồng”. Chỉ mô tả thôi nhưng chứa đựng bao nhiêu điều muốn nói, muốn ngỏ. Một cuộc chiến kỳ lạ. Và một đời sống cũng cực kỳ lạ lùng. Chẳng ai hiểu nổi cái mặt trái và mặt phải của chiến tranh. 

Bây giờ đọc lại những trang sách sau ba mươi năm sau, những liên tưởng mà hồi trước đã có như biến dạng đi. Thay vào đó, là những suy nghĩ khác. Chiến tranh đã chấm dứt. Những dư âm cũng dần dần mai một. Chuyên chết chóc đau thương nhiều quá đã thành nhàm chán. Nếu tính sổ, những cái chết oan khuất của hai bên lên tới cả triệu sinh linh. Có những câu hỏi. Tại ai? Vì sao? Mà nên nông nỗi…

Đọc lại tác phẩm tái bản, tự nhiên tôi thấy lại những chân dung con người thực. Họ sống, thản nhiên, bình thường cả những cái chết và những cái sống. Trong nhân vật của “Má Hồng“ không có điểm tô vẽ vời. Và chính vì thế mà qua đãi lọc của thời gian, những nhân vật ấy vẫn còn sức lôi cuốn. Đời sống một thời vẫn còn hiển hiện những nét của con người chân thực

Một tác phẩm khác của nhà văn Đỗ Tiến Đức viết ở hải ngoại. 

Truyện dài ”Tháng Tư,1975”. Đó là một thời điểm lịch sử mở ra biết bao nhiêu là sự kiện. Chiến tranh đã hết ngoài chiến trường nhưng một cuộc chiến khác bắt đầu khốc liệt. Một mặt trận của những người tự coi là chiến thắng muốn xóa bỏ một xã hội của những người bị coi là thua trận. Mặt trận ấy, cũng có số tổn hại khá lớn. Hàng ngàn người chết trong lao ngục và hàng trăm ngàn người chết khi vượt biển Đông. Đất nước rơi vào một tình trạng kiệt quệ, đói nghèo và bị cô lập. Sau tháng năm ấy, là một thời kỳ rất là u ám của đất nước Việt Nam. Bây giờ, nhìn lại, hình như trong văn chương vẫn chưa đủ để lột tả hết thực trạng lúc ấy. Mặc dù, đã có nhiều tác phẩm viết về, nói về. 

"Tháng tư, 1975”. Cũng là nhan đề của một tác phẩm của nhà văn Đỗ Tiến Đức. Một cuốn sách khởi đầu từ những trang nhật ký của một người lính của quân lực VNCH, trung tá Phan Trần Lê, người đã trải qua những ngày thơ ấu ở miền Bắc, di cư vào Nam năm 1954 và trưởng thành ở xã hội miền Nam. Câu chuyện kể từ những hồi ức ấy có nét chung mang của những người chung thời thế hoạn nạn từ định mệnh của cơn hồng thủy. Một điều trớ trêu là người con của nhân vật Phan Trần Lê ấy lại không đủ khả năng Việt ngữ để đọc và hiểu tập nhật ký nên tác giả là người đọc và kể lại cuộc đời đầy bi kịch. 

Trong “Tháng tư, 1975”, một xã hội vỡ vụn tan tác được phác họa. Nhất là số phận thảm thương của những người bại trận. Nhân vật chính thì gia đình ly tán, cố gắng vùng vẫy tìm phương tiện để ra đi nhưng vô vọng, rồi vào tù, trải qua những cảnh đầy ải khốn khổ. Nhân vật Quỳnh Lan thì vì tình yêu mà trốn gia đình ở lại, bị cưỡng hiếp rồi đuổi khỏi ngôi nhà của gia đình, rồi khi đi vượt biển thì bị bắt, bị lột trần truồng, bị xúc phạm xác thịt đến nỗi ngất xỉu. Thế mà sau này lại trở thành vợ của một thứ trưởng bộ Công An đầy quyền uy của chế độ Cộng Sản. Những chuyện ấy, đối với mọi người có lẽ không lạ. Bởi ở xã hội Việt Nam, đã xảy ra thường hằng những chuyện như vậy. Nhưng với những người trẻ lớn lên, nhất là ở ngoài nước khó mà tưởng tượng được. Thành ra, ăn cơm mới nói chuyện cũ có phải là một phương cách để làm sống lại lịch sử. Những tội ác phải được nhắc đến, sự thực phải được tôn trọng sự chân thực. 

Như bây giờ, dù câu chuyện đã xảy ra từ hơn nửa thế kỷ mà vẫn có nhiều người cầm bút trong nước kể về, viết về phong trào cải cách ruộng đất, về vụ án Nhân Văn giai phẩm, về những oan khuất chập chùng, những khổ ải đớn đau, mà nạn nhân không phải riêng một cá nhân mà còn ảnh hưởng đến mọi người thân như kiểu “tru di tam tôc» ngày xưa nữa. 

Viết về tháng tư, 1975 trong văn học có nhiều người viết, ở trong nước. Từ những chiến tuyến, sự thật được nhìn ngắm khác nhau nên chỉ là một góc sự thật. Và diễn tả sự thật ấy theo một phương cách làm méo mó sự kiện đi. Như Bảo Ninh, viết vớisự chỉ đạo để có chân dung một người lính Bắc quân, tuy có sắt máu với đối phương nhưng khoan hòa với dân chúng. Dù tới nay, đã có nhiều chuyển biến, nhưng cái nhìn vẫn chưa đổi. Trong một tâp truyện ngắn mới nhất của Bảo Ninh “Lan man khi kẹt xe “, vẫn thái độ mỉa mai những người thua trận, và đánh bóng những người chiến thắng. Như truyện ngắn ”301“ chẳng hạn. Lối nhận định địch ta đã làm Bảo Ninh nhắm vào cả xã hội miền Nam thành kẻ thù. Một người đã nhìn chiến tranh với con mắt khác lề lối tuyên truyền một chút còn như thế, huống chi cả chục, cả trăm nhà văn khác đang đồng ca một dàn hợp xướng theo sự chỉ đạo của chế độ. 

Đọc Tháng tư, 1975, độc giả sẽ tìm được những sự kiện chân thực của một thời đại đầy bi kịch. Những chuyện mà sau này dẫn đến tình cảnh “cây cột đèn đường mà cũng muốn bỏ đất nước để vượt biển ra đi”. Sau tháng tư, 1975 là cơn hồng thủy cuốn trôi đi tất cả. Thân phận những người như Phan Trần Lê cũng như thế. Họ cuốn theo cơn loạn cuồng của thời thế. Cuộc đời của nhân vật này có nhiều kỳ lạ, có vợ và con ngoài Bắc trước lúc di cư rồi lại tình cờ gặp lại đứa con trong trại tù với địa vị của người tù và người quản giáo, rồi những mối tình và liên hệ xác thịt với Thanh, với Quỳnh Lan, với Yến, đều là những chuyện tình cờ ít ai tưởng tượng được. Có lẽ, trong những giây phút đặc biệt, trong những hoàn cảnh đặc biệt, tình cảm cũng như xác thịt đã gây ra những hậu quả tuy bất thường nhưng lại là thường tình với những người sống trong thời thế ấy. 

Chuyện mà ai cũng biết nhưng vẫn lạ lùng trong thời đại bây giờ, những chuyện ông thành thằng, thằng lên ông, những người bất đắc dĩ đóng những vai trò ngoài ý muốn, những câu chuyện thật của những người miền Bắc vào Nam òa vỡ những điều bị chế độ tuyên truyền xuyên tạc làm thành bức màn che giấu sự thực… Tất cả những điều ấy, đã được nói, đã được viết từ nhiều người nhưng dường như chẳng đủ. Có người cho rằng những đề tài như thế đã bị bão hòa, đã thành những điều quá quen thuộc đối với độc giả và không thể nào trở thành một đề tài lớn cho văn học. Tôi phân vân về chữ “đề tài lớn”. Nếu cần phân tích không thể chỉ vài dòng chữ là đủ và những đề tài mà có người cho là đề tài có tính thời sự như thế theo thời gian sẽ bị lu mờ và đào thải. Theo tôi thì nghĩ ngược lại. Dù thời gian đã lâu, những đề tài như vậy vẫn cần thiết để nhắc lại. Để cho lớp sau, nhìn vào quá khứ thương đau với những kinh nghiệm chua xót, để có cái tâm trong trẻo hơn và tầm mắt viễn kiến hơn, cho một đất nước tốt đẹp hơn. . . 

Đọc “Tháng tư, 1975” của tác giả Đỗ Tiến Đức, tôi lại nghĩ tới những ngày tháng ấy của tôi. Dù giống như trăm ngàn người khác nhưng cũng đầy dủ bi thảm, thất vọng, hy vọng của một tấn kịch thời thế. Đọc lại những trang sách, nhớ lại những tháng ngày, tôi đã ngạc nhiên khi soi rọi lại chính cuộc đời mình và tự hỏi tại sao mình đã vượt qua được những khổ nạn như thế để có ngày hôm nay, có một nghề nghiệp để nuôi thân, có một gia đình êm ấm và một đời sống tinh thần thoải mái tự do. Tôi chạnh nghĩ tới những người, vì lý do này hay lý do khác, vẫn còn tìm đủ lý do để bào chữa cho kẻ ác, dù họ cũng bị nhiều nghiệt ngã khi sống trong nước. Qua đây, sống tự do, họ quay lưng lại cái quá khứ đen tối mà họ phải chịu, để cam tâm chạy theo những mưu đồ những thủ đoạn của bạo quyền. Họ nói trong nước đã thay đổi khác trước. Nhưng, có khác được không, cái tâm của những kẻ không từ một thủ đoạn nào để tạo thành một thời đại của lừa gạt và che dấu của chế độ độc tài toàn trị như nhà văn Solzhenytsin giải Nobel văn chương đã lớn tiếng lên án. 

Chiến tranh. Tị nạn. Vượt biển. Định cư. Hội nhập. Tất cả những đề tài ấy có lẽ sẽ là những pho sách triệu triệu trang của các tác giả, không phải với riêng người Việt Nam mà cả với những tác giả ngoại quốc khác. Bên cạnh những nét tích cực, những tấm gương cần cù, can đảm làm lại cuộc đời từ bàn tay trắng còn có những nét tiêu cực, của những bi kịch, của những hãnh tiến, của những người lợi dụng thời htế để sống cho mình và hưởng thụ cho mình. Trong đời sống có nhiều mặt tương phản ấy, tác giả Đỗ Tiến Đức vừa là người kể chuyện, vừa là người diễn tả một phần nào tâm tư của mình, đã phác họa bằng văn xuôi, bằng truyện phim, bằng thơ trong tác phẩm “những chuyện rất Việt Nam”. Có chủ đích muốn diễn tả những mảng đời, có thể là điển hình của một thời đại đầy biến động của đất nước, tác giả muốn tác phẩm của mình như một tấm gương soi để phản ánhlại một thế thời… 

Trước năm 1975, Đỗ tiến Đức viết “Má Hồng“, một tiểu thuyết có tham vọng muốn ghi chép lại để mô tả một xã hội chiến tranh, mà ở đó những người trí thức trẻ đã hoặc tự lao vào hoặc bị lôi kéo đưa đẩy vào một thời thế mà những chuyện bi đát thương tâm xảy ra thường hằng một cách lạnh lùng bình thản. Sau năm 1975, ông bị tù cải tạo và vượt biển sang Mỹ. Đời sống của ông và những người chung quanh đã tạo nhiều cảm hứng cho văn chương ông. Ba tuyển tập truyện ngắn: Lối Vào, Vầng Trăng Trong Mưa, Tiếng Xưa, hình như đều có chung một mục đích mô tả những nhân vật có nét biểu trưng độc đáo của những người Việt Nam lưu lạc xứ người. Mỗi khuôn dáng, đều có ẩn tàng hoặc chuyên chở theo những nỗi niềm tâm sự, mà những bất hạnh dường như nhiều hơn và che khuất hạnh phúc. 

Đến những truyện ngắn trong tuyển tập này như: Một Chuyện Rất Việt Nam, Cõi Trần, Sợi Tóc, những bi kịch dường như bất tận với các nhân vật. Từ mối tình vượt qua chiến tuyến giữa ông bác sĩ “ngụy” và cô sĩ quan Công An trong “Một Chuyện Rất Việt Nam“ đến người đàn bà thân phận long đong như Thúy Kiều của cụ Tiên Điền, đã lỡ làng với mấy đời chồng mà khi nhắm mắt lâm chung chẳng có ai là thân nhân ruột thịt đưa tiễn của truyện “Sợi tóc”. Đời sống, dù ở trong nước nghèo khổ, hay ở nước ngoài sung túc cũng đều trải dài những nỗi buồn, mà, đôi khi do chính loài người tạo ra cho nhau. 

Có phải những nhân vật như thế rất gần với chúng ta? Ông bác sĩ dù vẫn còn yêu người tình cũ nhưng vẫn phải giả ngơ dưới bàn tay chỉ đạo của người vợ hiện tại- Chuyện ấy, không lạ với chúng ta, có rất nhiều những người “tương cận” với ông Nguyễn Ngọc Luận trong “Một chuyện rất Việt Nam»! Hay, những chuyện luyến ái giữa các cụ cao niên ở những trung tâm người già, có biết bao nhiêu những người giống như ông Henry Trần bệnh hoạn dâm đãng đầy dẫy trong xã hội người tị nạn chúng ta trong truyện ngắn “Sợi tóc”? Chuyện trở về du lịch hoặc sống ở Việt Nam luôn luôn vẫn là đề tài gây nhiều tranh cãi và tác giả đã kể chuyện một vị tướng cảnh sát thời VNCH về thăm quê hương với những chuyện bi thảm xảy ra trong cuộc hành trình ấy. Dĩ vãng, và hiện tại, là những cơn ác mộng. Trong xã hội tha hóa, con người hình như đánh mất đi những nét thiên lương và, bóng tối mầu đen đã phủ chụp lên những tầm mắt, những cảm nghĩ. Đọc “Cõi Trần“, để thấy rằng dù ở đâu, xứ người hay quê nhà, chúng ta vẫn còn rất nhiều nạn nhân chiến cuộc, dù cuộc chiến tranh ấy đã dứt hơn ba chuc năm …

Tác giả Đỗ Tiến Đức còn là một đạo diễn phim ảnh và một người viết truyện phim chuyên nghiệp. Tác phẩm mới này có lẽ là tất cả những sở trường của ông, nên có một truyện phim “Khu chợ ở Little Saigon”. Lại là một phản ánh đời sống, vừa xác thực, lại vừa có tính thời đại. Những hoạt cảnh của một đời sống mà thực giả, đạo đức và vô đạo đức, trộn lẫn trong đời sống đã có nhiều phức tạp mà tốt xấu như trong trạng thái mù mịt không phân tỏ được. 

Cũng có vài bài thơ, mà, tác giả đã làm trong những cảnh huống đặc biệt của đời mình. Riêng tôi, bài thơ cuối cuốn sách làm tôi cảm xúc. Bài thơ Tạ Ơn Anh:

“Bài thơ được viết vào một dịp Lễ Tạ Ơn khi một độc giả gửi tới cho Thời Luận tấm hình chụp anh phế binh lê lết xin ăn ở một tỉnh lẻ Miền nam Việt nam và cùng lúc nghe tin một hội cựu quân nhân tổ chức khiêu vũ Thanksgiving ở vũ trường thủ đô tị nạn:

Anh không còn đôi chân
Lướt trên sàn khiêu cũ
Anh không còn đôi tay 
Gối đầu em giấc ngủ
Anh không còn là người
Cũng không thành con thú
Môi anh sao vẫn cười
Mắt như vì tinh tú. 
Anh ngày xưa ngày xưa
Là thiên thần Mũ Đỏ
Chân anh mang giày sô
Tay lái dù trong gió?
Hay anh là nghĩa quân
Giữ làng cho dân ngủ
Hay anh là Mũ Xanh
Tuyến đầu anh trấn thủ?
Đất mẹ chưa ru anh
Cuộc chiến tàn cờ rủ
Tay chân làm phân xanh
Vài ba bông dại nở
Xưa lựu đạn dao găm
Nay chiếc lon nho nhỏ
Xưa đánh pháo diệt tăng
Nay cơm thừa nước đổ
Xưa đồng đội như rừng
Gót giày vang mặt phố
Nay xa cách muôn trùng
Một thân nơi xó chợ
Những người hai mươi năm
Thoảng như cơn mộng dữ 
Còn mỗi khúc thân tàn
Vinh danh ngày tháng cũ.”

Đỗ Tiến Đức là một khuôn mặt văn chương đa diện. Dù bất cứ trong vị trí của công việc nào, làm thơ, viết văn, làm báo, đạo diễn ông vẫn là người quan tâm nhiều đến đất nước và dân tộc với cả tâm huyết của mình. Vai trò một chứng nhân lịch sử để ghi chép lại một thời đại bằng những nét phác thảo sắc nét đã khiến ông viết được những tác phẩm phản ánh được nỗi niềm của thời thế. Đọc văn ông, có lúc như nhìn thấy chính mình trong cơn lốc cuồng quay mà mọi người như chia sẻ với nhau những cảnh ngộ tưởng chỉ có trong tiểu thuyết… -Từ "Má Hồng" Đến "Những Mảnh Đời Tị Nạn" - Nguyễn Mạnh Trinh

 

-US senator hopeful Vietnam adoptions to start soon

February 21, 2013 2:42 PM
HANOI (AP) - A visiting US senator says that Vietnam and the United States are close to an agreement that would allow Americans to adopt Vietnamese children, five years after a ban was imposed because of allegations that baby-selling was rife

Khởi động nối lại chương trình con nuôi giữa Việt Nam và Mỹ
Dân Trí
(Dân trí) - Đoàn nghị sĩ Hoa Kỳ đã gặp gỡ, làm việc với một số cơ quan hữu quan Việt Nam để thảo luận về vấn đề phúc lợi của trẻ em, cũng như thống nhất khởi động việc nối lại chương trình cho nhận con nuôi giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Đoàn nghị sĩ Hoa ...
Việt - Mỹ sẽ nối lại chương trình cho - nhận con nuôiTuổi Trẻ
Nghị sỹ Mỹ thảo luận cho nhận con nuôi tại VNTiền Phong Online
Mỹ thảo luận với Việt Nam về con nuôiVNExpress

 

Tổng số lượt xem trang