Thứ Sáu, 8 tháng 2, 2013

Về cựu Hoàng đế Bảo Đại

-Về cựu Hoàng đế Bảo Đại (I)-Phạm Cao Dương
Bài này được viết theo lời yêu cầu của một số người trẻ trong đó nhiều người là sinh viên đại học nhằm bổ khuyết cho sự hiểu biết của anh chị em này nói riêng và giới trẻ Việt Nam nói chung về vị vua cuối cùng của Nhà Nguyễn nhân dịp 100 năm năm sinh của ông cũng như về một giai đoạn lịch sử có quá nhiều góc tối hay góc khuất, luôn cả oan khuất và cũng nhân dịp đầu Xuân Quý Tỵ 2013 sắp tới.Yêu cầu này cũng đến không lâu khi Cựu Hoàng Norodom Sihanouk của nước láng giềng thân cận nhất của Việt Nam, Vương Quốc Khmer hay quen thuộc hơn, Căm Bốt, vừa mới băng hà và thi thể còn được quàn tại hoàng cung chờ ngày quốc táng. Khi liên lạc với tôi, như để chắc ăn, một trong những vị này đã dùng cả điện thoại lẫn điện thư và để lại lời nhắn. Để đáp lễ, tôi cũng trả lời anh bằng điện thư trước rồi sau đó gọi điện thoại cho anh. Hai chúng tôi thảo luận với nhau rất lâu, không dưới một giờ đồng hồ về đề tài không mấy đơn giản nhưng vô cùng cần thiết này.


Câu chuyện phải nói là vô cùng hào hứng giữa hai người không cùng thế hệ. Vì vậy thay vì viết một bài dưới hình thức khảo cứu, tìm hiểu hay bài học dùng trong lớp học như tôi thường làm, tôi xin được tóm tắt những gì chúng tôi đã chia sẻ với nhau cho bài viết bớt khô khan và nhẹ nhàng hơn hầu người bạn trẻ của tôi có thể đăng trên báo xuân của anh và các bạn của anh. Tôi cũng tránh không nêu tên anh và tổ chức của anh để bài viết có thể được dễ dàng phổ biến rộng rãi hơn cho những anh chị em thuộc những nhóm khác.
Nhu cầu cần được xét lạiCựu Hoàng Bảo Đại, như sau này người ta thường gọi ông kể từ ngày ông thoái vị, thường bị nhiều người, Việt Nam có, ngoại quốc có, tệ hơn trong đó có cả các sử gia, máy móc theo nhau gọi là vua bù nhìn, tay sai của hết Tây đến Nhật, một ông vua chỉ ham ăn chơi đàng điếm, một thứ playboy do người Pháp nặn ra và đặt lên ngôi để dễ sai bảo. Ngay cả Sử Gia Trần Trọng Kim, khi được Học Giả Hoàng Xuân Hãn khuyên là nên gặp ông để tìm hiểu, lúc đầu cũng đã từ chối, gọi ông là “thằng ngốc”- “thằng ngốc, gặp nó làm gi?” Nhưng sau khi đã gặp rồi, nhà học giả kiêm sử gia này đã phải thay đổi hoàn toàn nhận định mà ông đã có từ trước.
Hoàng tử Vĩnh Thụy sau lưng Vua Khải Định nhân dịp đi xem đấu xảo ở Pháp 1922 (t). Vua Bảo Đại ở Pháp khoảng cuối thập niên 1920 (p)
Nguồn ảnh: OntheNet

Ở đây tôi không bàn về chuyện này mà chỉ nói tới những gì Bảo Đại đã làm ngay từ khi vị cựu hoàng này còn là Đương Kim Hoàng Đế hay sau này là Cựu Hoàng và là Quốc Trưởng của Quốc Gia Việt Nam. Đây là những đóng góp tôi nghĩ là không nhỏ, nếu không nói là vô cùng lớn lao so với những đóng góp của những lãnh tụ khác của Việt Nam, trong công cuộc đấu tranh giành độc lập và thống nhất cho quốc gia và dân tộc của ông bằng đường lối hòa bình, phi bạo lực. Cho cá nhân ông, những nỗ lực của ông đã không mang lại được những thành quả mà ông mong muốn. Ông đã không bảo vệ được di sản mà tổ tiên ông để lại, đã không xây dựng được một chế độ quân chủ lập hiến cho đất nước và thần dân của ông, điều ông muốn làm ngay từ đầu, không giữ được sự đoàn kết dân tộc mà ông trịnh trọng ghi trong chiếu thoái vị... Cuối cùng ông đã bị mọi người trách cứ, bỏ rơi và chết ở xứ người(1). Thần dân cũ của ông không mấy ai để ý tới sự qua đời của ông, trái với cái chết của một quốc vương khác trẻ hơn ông nhưng đồng thời với ông và cũng phải đối phó với vấn đề độc lập của quốc gia giống như ông sau này. Tôi muốn nói tới Cựu Hoàng Norodom Sihanouk của xứ Căm Bốt. Giống nhưng khác với Bảo Đại(2) ở đường lối đấu tranh vì trong đời ông, Sihanouk đã có thời dùng bạo lực để đàn áp đối lập, đã cộng tác với Khmer Đỏ, tổ chức Cộng Sản Căm Bốt chịu ảnh hưởng của Trung Cộng của các lãnh tụ Pol Pot và Ieng Sary, một thời đã mang họa diệt chủng đến cho xứ Căm Bốt khiến cho hàng triệu người dân của xứ này bị tàn sát bằng đủ mọi phương tiện với hàng núi xương được phát hiện, cho đến nay vẫn được bảo tồn coi như di tích của một thời đen tối nhất trong lịch sử của dân tộc Khmer. Còn Bảo Đại thì tuyệt đối không, kể cả việc ông đã từ chối không chấp nhận cho người Nhật đứng ra bảo vệ lãnh thổ, hoàng cung và an ninh cho chính ngôi vị và bản thân ông, chống lại cuộc nổi dậy của Việt Minh và những người Cộng Sản hối Tháng Tám năm 1945 theo trách nhiệm giữ gìn trật tự mà quốc tế giao cho họ. Lý do đơn giản là vì Bảo Đại không muốn dùng ngưới ngoại quốc để chống lại người Việt Nam, đồng bào của ông và thần dân của ông. Sihanouk đã được chính quyền và người dân Căm Bốt thương tiếc bằng những giọt nước mắt nhỏ xuống bên lề đường hay ở trên công viên trước hoàng cung ở Nam Vang hay ở nhiều nơi ở Căm Bốt. Người ta đã long trọng đón thi hài của ông từ Bắc Kinh được đưa về Nam Vang và long trọng làm quốc tang cho ông trong bốn ngày đầu tháng 2 năm 2013, vào lúc người Việt Nam ở trong nước cũng như ở Hải Ngoại sửa soạn mừng đón Xuân Quý Tỵ.

Nỗ lực canh tân đầu tiên với Phạm Quỳnh và Ngô Đình Diệm
Văn thư của ông Tổng lý Đại thần Phạm Quỳnh [ảnh góc] gởi Vua Bảo Đại xin trao huy chương tứ hạng Long Tinh cho Chánh Cai đội Khố xanh Louis Fontan theo yêu cầu của Khâm sứ  Pháp Maurice Fernand Graffeuil (3/2/1939)
Nguồn ảnh: Phan Thuận An/OntheNet

Trở về với những cuộc tranh đấu của Cựu Hoàng Bảo Đại. Nhà vua đã bắt đầu sự nghiệp này của mình từ rất sớm, ngay từ khi ông mới từ Pháp trở về nước đế chính thức lên ngôi, sau hơn mười năm du học và hấp thụ được cả hai nền văn hóa Đông Tây qua sự rèn luyện của Cựu Khâm Sứ Charles về phía người Pháp và Cử Nhân Lê Như Lâm với tư cách là giảng tập hồi nhà vua còn ở Việt Nam rồi phụ đạo trong suốt thời gian ông ở Pháp về phía người Việt, chưa kể những gì ông đẵ hấp thụ được từ các trường trung học Pháp nhất là trường Khoa Học Chính Trị ở Paris trong các năm các năm 1922-1932 [Hoàng tử Vĩnh Thụy - Vua Bảo Đại lúc này 9-19 tuổi - DCVOnline], rèn luyện để làm vua và làm nguyên thủ quốc gia, điều các nhà lãnh đạo sau ông trong lịch sử Việt Nam hiện đại không có được. Tranh đấu này mang tính cách của một cuộc cải cách và đã được khơi mào bởi những vận động của giới trí thức đương thời trước đó, đại diện là học giả Phạm Quỳnh của báo Nam Phong xuyên qua những bài viết của họ Phạm về một chế độ quân chủ lập hiến và về nhu cầu trả lại cho nhà vua quyền nội trị ở hai xứ Bắc Kỳ và Trung Kỳ và trả lại tổ quốc cho ngươòi Việt Nam. Mở đầu, ngay từ tháng 9 năm 1932 Phạm Quỳnh đã được cử làm Ngự Tiền Tổng Lý Văn Phòng hàm Thượng Thư để trực tiếp làm việc với nhà vua. Tiếp theo, ngày 10 tháng 12 năm 1932 bằng một đạo dụ, nhà vua loan báo chính thức cầm quyền qua một chính thể quân chủ lập hiến kèm theo với những dự án cải tổ guồng máy cai trị, hệ thống quan lại, tổ chức giáo dục và tư pháp, Viện Dân Biểu Trung Kỳ... Để thực thi những dự án này, ngày 2 tháng 5 năm 1933, như một biến cố bất ngờ, Bảo Đại lại ký một dụ khác loan báo tự mình chấp chánh và thay thế sáu vị thượng thư già bằng những nhân vật trẻ trong đó có Ngô Đình Diệm giữ Bộ Lại, Phạm Quỳnh giữ Bộ Học, Bùi Bằng Đoàn Bộ Hình…

Những việc làm đầu tiên kể trên của Bảo Đại, mặc dầu đã đem lại những tia hy vọng cho người dân ở hai xứ Bắc và Trung Kỳ về một vận hội mới cho đất nước, đã không tồn tại lâu dài, một phần vì người Pháp cản trở vì trả lại quyền nội trị ở Bắc Kỳ và ở Trung Kỳ là trở lại với Hòa Ước 1884(3) từ đó sẽ động tới các chức thống sứ Bắc Kỳ và Khâm sứ Trung Kỳ, một phần là do mâu thuẫn nội bộ giữa phe quan lại cũ và những trí thức mới, giữa những người đi vào hoạn lộ qua ngả quan trường và những ngưuời đi vào đường này qua đường tắt cũng như giữa hai nhân vật chủ cốt là Phạm Quỳnh và Ngô Đình Diệm mà nhà vua đặt hết tin tưởng vào coi như đôi xe bổ khuyết, hỗ trợ cho nhau. Cuối cùng Ngô Đình Diệm đã từ chức, lôi cuốn theo một vài nhân vật mà nhà vua tin cậy khác. Thất bại trong cố gắng đầu đời, nhà vua trở thành “cô đơn, chỉ có một mình” để đến khi Hoàng Xuân Hãn nhắc ông là phải làm gì vì giới thanh niên mong đợi, nhà vua đã hỏi lại “Làm gì? Làm với ai?” Có điều ông vẫn không hoàn toàn mất hết hy vọng như sau này ông ghi trong hồi ký của ông: “Dù sao đi nữa, sự có mặt của tôi trên ngôi vẫn làm cho giới trẻ giữ được niềm hy vọng. Những người như Ngô Dình Diệm và Nguyễn Đệ lúc ấy sẽ lại ra giúp tôi theo chiều hướng này” “Chắc ngưòi Pháp cho rằng tôi đã ngoan ngoãn biết nghe theo lời của họ. Dù họ có tin rằng họ đã thắng một cách dễ dàng, tôi cũng chẳng nên có lý do gì ngờ vực tôi. Tôi tin rằng nhân dân sẽ hiểu các hình thái buông thả bên ngoài của tôi, bởi cái hình thái ấy cho thấy sự thờ ơ, lơ là với nhiệm vụ của tôi…” và ông đã sống sót để chờ thời, không bị rơi vào số phận của các VuaThành Thái và Duy Tân mà ông hiểu rõ hơn ai hết cũng như bị mất tinh thần và trở thành một con người vô dụng.
Ảnh Vua Bảo Đại tặng vợ chồng Tòan Quyền Đông Dương, 15/01/1934- 09/1936, Eugène Jean Louis René Robin (6/8/1934)
Nguồn ảnh: AUDAP - MIRABAUD

(Còn tiếp)

Bài do tác giả gởi. DCVOnline chú thích, minh hoạ và đề tựa.
(1) Sinh năm 1913. Khi 9 tuổi sang Pháp học. Làm Vua Việt Nam từ 1926 đến 1945,dưới thời bảo hộ trong Liên hiệp Pháp, nhưng ở Paris đến năm 1932 mới về nước lên ngôi. Ngày 25 tháng 8 1945, Vua Bảo Đại thoái vị trao quyền lại và nhận chức Cố vấn tối cao cho Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Hồ Chí Minh lãnh đạo từ 2/9/1945 đến 11/1946 khi Pháp trở lại Việt Nam. Từ 11/1946 cựu hoàng Bảo Đại bỏ Việt Nam sang sống ở Hong Kong và Trung Hoa. 1949 chính quyền Pháp đưa ông vào vai trò Quốc Trưởng Việt Nam, ông trở về sống tại Pháp. Sau Hiệp định Geneva 1954, cựu hoàng Bảo Đại trở thành Quốc trưởng Nam Việt Nam và bổ ông Ngô Đình Diệm làm Thủ tướng. 13/10/1955 Thủ tướng Ngô Đình Diệm tổ chức trưng cầu dân ý, truất phế Quốc trưởng Bảo đại. Cựu hoàng Bảo Đại qua đời năm 1997 tại Paris, an táng trong nghĩa trang Passy.

(2) Norodom Sihanouk (31/10/1922 – 15/10/2012) làm Vua của Cambodia từ 1941-1955. Thời gian ông có thực quyền là từ 11/1953 - sau khi độc lập với Pháp - đến tháng 11, 1970 khi bị Thủ tướng Lon Nol và Quốc hội lật đổ. Sau khi bị lật đổ, cựu hoàng Shihanouk sang Bắc Kinh lập Mặt trận Thống nhất Giải phóng Kampuchea, ủng hộ Khmer Đỏ, chống chính phủ Lon Nol. Trong suốt thời gian Chính phủ Lon Nol năm quyền ông Shihanouk sống ở Bắc Hàn. 1975, khi Cambodia dưới sự kiểm soát của chính quyền Pol Pot (Khmẻ Đỏ), ông Shihanouk trở thành Quốc trưởng “tượng trưng”. 1976 Chính quyền Pol Pot giải nhiệm ông Quốc trưởng tượng trưng. 1978, Việt Nam xâm lăng Canbodia, ông Shihanouk sang New York vận động chống Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc - không ủng hộ chính phủ Hen Samrin do Việt Nam dựng lên - và về tị nạn tại Pyongyang, Bắc Hàn. 1982 Shihanouk trở thành Chủ tịch Chính phủ Liên hiệp Dân Chủ Kampuchea (gồm phe Quân đội Quốc gia Shihanouk, MTGP Khmer của Son Sann, và Khme Đỏ). 1989 Việt Nam rút quân khỏi Cambodia để lại chính phủ Cộng hòa Nhân dân Kampuchea, theo Việt Nam, dưới quyền lãnh đạo của của Khmer Đỏ Hun Sen. 1991 Shihanouk lại trở về Cambodia sau hiệp định Paris ký kết giữa 2 chính phủ Liên hiệp Dân Chủ Kampuchea và Cộng hòa Nhân dân Kampuchea. 1993 Shihanouk lại trở thành Quốc vương của Cambodia. Từ tháng Giêng 2004 Quốc vương Shihanouk, vì nhiều bệnh, chọn đời sống lưu vong ở Bình Nhưỡng, Bắc Hàn và sau đó tại Bắc Kinh, Trung Hoa. Trong thời gian này Chea Sim tạm thời là Quốc trưởng Cambodia. Đế tháng 10, Hội đồng Hoàng gia chọn Norodom Sihamoni, một con trai của Shihanouk, làm Quốc vương. Và Shihanouk trở thành Thái thượng Hoàng của Cambodia. Ông Shihanouk qua đời ngày 15 tháng 10, 2012 tại Bắc King sau một cơn dồn máu cơ tim.

(3) 26 tháng Giêng 1928 (Năm thứ ba Triều Bảo Đại) Cơ Mật Viện, trong một thông báo cho quan triều đình và ở địa phương nhắc lại Điều 13 Hòa ước Paternotre: 1/ “Chỉ có Thiên chúa giáo mới có quyền truyền đạo và hoạt động trong tại Việt Nam.”2/ Đạo Cao Đài và Tin Lành phát triền ở Nam Kỳ thuộc địa có thể gây bạo loạn tại các khu thuộc xứ bảo hộ Trung Kỳ. 3/ Theo lệnh của Khâm sứ Đại thần cấm chỉ mọi hoạt động của hai đạo Tin Lành và Cao Đài. [Bulletin Officiel en Langue Indigène (Trung Kỳ Bảo Hộ Quốc Ngữ Công Báo), No. I, 1928, p. 6.]

Thực dân Pháp, theo Hòa ước Paternotre chia Việt Nam thành 3 kỳ: Nam Kỳ là thuộc địa của Pháp, Trung Kỳ (An Nam, từ phía nam tỉnh Bình Thuận đến phía nam tỉnh Ninh Bình) và Bắc Kỳ (Tonkin) là 2 xứ thuộc quyền bảo hộ của Pháp.

20/5/1928 cùng năm, Khâm Sứ Jules Friès ra Nghị định 1321 cấm xuất bản cuốn Thánh Ngôn Thần Tiên Đại Pháp (Messages des Grands Esprits de France) của Nguyễn Ngọc Thơ (1873-1950) [Bulletin Officiel en Langue Indigène (Trung Kỳ Bảo Hộ Quốc Ngữ Công Báo), No. VII, 1928, p. 100.], một chức sắc cao cấp của đạo Cao Đài sau này là Thủ tướng từ tháng 11 năm 1963 đến cuối tháng 1 năm 1964 sau cuộc  đảo chính lật đổ và giết Tổng thống Ngô Đình Diệm.

19/6/1935 (Năm thứ mười ba Triều Bảo Đại), Thượng thư Bộ Lễ, Tôn Thất Quảng ra Thông báo 1104 gởi tất cả quan lại xứ Trung Kỳ bảo hộ - được Patau, Bí thư của Khâm sứ Maurice Fernand Graffeuil duyệt ngày 22 tháng 6, 1935 - nhắc lại lệnh cấm đạo Cao Đài đã ban trong Thông báo số 40 ngày 6 tháng 3, 1929 (Năm thứ tư Triều Bảo Đại) [Bulletin Administratif de l’Annam (Tạp San Hành Chánh Trung Kỳ), No. 12, Huế: 10 July 1935, pp. 801-802.]

[Nguồn: Huệ Khải Lê Anh Dũng, Cấm Đạo Cao Đài Ở Trung Kỳ 1928-1950 - Caodaism Under Persecution In Central Vietnam 1928-1950, Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2012].

**************
Về cựu Hoàng đế Bảo Đại (Kết)


Tiếp theo phần I

Cơ hội mới: Nhật đảo chính Pháp, 9 tháng 3 năm 1945 - Chính Phủ Trần Trọng Kim hay là Cuộc Cách Mạng Phi Bạo Lực bị bỏ lỡ

Niềm hy vọng và sự kiên nhẫn của Bảo Đại kể trên đã không uổng. Mười hai năm sau, năm 1945, cơ hội lại đến với nhà vua một lần nữa. Lần này do người Nhật mang lại sau cuộc đảo chính ngày 9 tháng 3 năm 1945 lật đổ người Pháp của họ. Không còn con đường nào khác tốt hơn và cũng không để lỡ cơ hội bước đi nhũng bước khởi đầu, khi được người Nhật yêu cầu nhà vua đã cho công bố bản Tuyên Ngôn Độc Lập đầu tiên trong lịch sử Việt Nam hiện đại(4). Chính Phủ Trần Trọng Kim đã được thành lập với các bộ trưởng đều là những nhà tân học có khả năng, và đạo đức nổi tiếng đương thời(5) đứng đầu bởi nhà giáo kiêm học giả Trần Trọng Kim, tác giả của những bộ sách Giáo Khoa Thư và nhất là bộ Việt Nam Sử Lược cho tới khi bài này được viết vẫn còn thông dụng, với sự cộng tác của những tên tuổi quen thuộc với học giới dương thời như Giáo Sư Hoàng Xuân Hãn, Luật Sư Vũ Văn Hiền, Luật Sư kiêm nhà báo Phan Anh, Luật Sư Trần Văn Chương…



Nội các Trần Trọng Kim, từ trái sang phải : Hoàng Xuân Hãn, Hồ Tá Khanh, Trịnh Đình Thảo, Trần Trọng Kim (bị micro che mặt), Vũ Ngọc Anh, Trần Văn Chương,Trần Đình Nam, Vũ Văn Hiền, Phan Anh, Nguyễn Hữu Thi .
Nguồn ảnh: Trung Bắc Chủ Nhật, 20.5.1945, Thư viện Quốc gia Pháp




Mặc dầu không tồn tại lâu dài, tất cả chỉ được hơn bốn tháng, thực tế còn ngắn hơn nhiều, hoạt động trong hoàn cảnh chiến tranh, bị Việt Minh đánh phá ngay từ đầu rồi tuyên truyền phá hoại và thiếu thốn đủ mọi phương tiện, Chính Phủ Trần Trọng Kim đã tạo được những thành tích đáng ca ngợi. Cả một chương trình hành động nhằm xây dựng một nước Việt Nam mới đã được dự trù bao trùm mọi phạm vi sinh hoạt từ soạn thảo hiến pháp, cải tổ thuế má, Việt Nam hóa giáo dục, thu hồi các nhượng địa, kể cả xứ Nam Kỳ, cứu đói, chống nạn mù chữ … đều đã đồng thời được thực hiện. Quốc hiệu Việt Nam với danh xưng đầy đủ là Đế Quốc Việt Nam (6) đã được lựa chọn cùng với bài Đăng Đàn Cung làm quốc ca, cờ quẻ ly nền vàng ba sọc đỏ với hai sọc trên liền, sọc giữa đứt đoạn làm quốc kỳ. Danh xưng bộ trưởng để gọi những người đứng đầu các bộ được dùng để thay thế bằng danh xưng thượng thư của thời trước, các tên Bắc Bộ, Trung Bộ, Nam Bộ thay thế cho các tên Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ mang nặng dấu vết của thời thuộc địa. Chương trình giáo dục bằng tiếng Việt được biết dưới tên Chương Trình Hoàng Xuân Hãn đã được soạn thảo và áp dụng và đã trở thành nền tảng cho nền giáo dục sau này, rõ hơn những năm đầu của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà, thời Quốc Gia Việt Nam và hai thời Đệ Nhất và Đệ Nhi Cộng Hoà ở Miền Nam. Bài Đăng Đàn Cung tuy được chọn làm quốc ca nhưng trên thực tế thì bài Tiếng Gọi Sinh Viên đã được giới thanh thiếu niên, dưới sự hướng dẫn của các thày giáo ở các trường hát mỗi ngày một nhiều, đã được phổ biến hơn không phải chỉ ở miền Bắc và miền Trung mà luôn cả ở Miền Nam, miền đất cho đến khi Chính Phủ của Thủ Tướng họ Trần được thành lập vẫn chưa thực sự được trả về với lãnh thổ quốc gia, để sau này trở thành quốc ca, một hiện tương đã nằm trong ký ức của những người thuộc thế hệ trẻ đương thời tới nay vẫn chưa hề phai nhạt.

Nỗ lực lần thứ hai của Bảo Đại tuy nhiên cũng không tồn tại được lâu dài. Thế Chiến Thứ Hai chấm dứt với sự đầu hàng của Nhật Bản đã một lần nữa làm cho nhà vua phải bỏ dở. Lợi dụng cơ hội, Việt Minh cướp chính quyền ở Hà Nội và các tỉnh miền Bắc và áp lực những thành phần thiên Cộng khiến cho ngày 25 tháng 8 năm 1945 ông phải xuống chiếu thoái vị trao quyền cho Hồ Chí Minh và chính phủ lâm thời của ông này do Việt Minh lãnh đạo. Với Chiếu Thoái Vị (7), Bảo Đại đã trở thành nổi tiếng với câu nói: “Trẫm để hạnh phúc của dân Việt Nam lên trên ngai vàng của Trẫm. Trẫm thà làm dân một nước độc lập còn hơn làm vua một nước nô lệ.”



Ấn vàng Hoàng đế chi bửu và Kiếm vàng ghi “Khải Định Niên chế” trong lễ thoái vị của vua Bảo Đại (8, 1945)
Nguồn ảnh: OntheNet




Nỗ lực lần thứ ba: Hiệp Định Élysée và sự thành Lập Quốc Gia Việt Nam – Thâu Hồi xứ Nam Kỳ về cho lãnh thổ của dân tộc 



Bảo Đại ở Hong Kong (June 1948)
Nguồn ảnh: LIFE




Bỏ qua những cố gắng của ông thời đầu thập niên ba mươi của thế kỷ trước và những cố gắng của ông sau khi ông tuyên bố độc lập ngày 11 tháng 3 năm 1945 mà tôi tóm tắt như trên, những biến cố ít người được biết đến, công lao lớn nhất mà Hoàng Đế Bảo Đại đã thực hiện được cho những người Việt Quốc Gia không chấp nhận chế độ Cộng Sản hay không sống nổi với chế độ Cộng Sản, đã ở lại, đã về hay dự tính về những vùng kiểm soát của người Pháp vào nửa cuối thập niên 1940 là Hiệp Định Élysée mà ông đã đạt được ngày 8 tháng 3 năm 1949, sau một thời gian dài thương thuyết, dưới hình thức trao đổi văn kiện giữa ông và Tổng Thống Pháp Vincent Auriol. Với Hiệp Định Élysée(8) Quốc Gia Việt Nam đã hình thành để những ai không chấp nhận chính quyền Cộng Sản do Hồ Chí Minh lãnh đạo có chỗ trở về trong danh nghĩa của những công dân của một nước Việt Nam độc lập. Không có Bảo Đại, không có Quốc Gia Việt Nam, tất cả đều được nhìn hoặc như là theo Pháp để trở thành Việt gian làm bồi cho thực dân, đế quốc, hoặc là phải ở lại vùng Việt Minh kiểm soát để sớm muộn cũng bị loại trừ và tiêu diệt. Điều này đã xảy ra. Nói cách khác, Bảo Đại và Hiệp Định Élysée đã đem lại chính nghĩa cho những người đương thời không chấp nhận chủ nghĩa và chế độ Cộng Sản. Chưa hết, với Hiệp Định Élysée, Bảo Đại đã thâu hồi lại xứ Nam Kỳ cho Tổ Quốc Việt Nam một cách hòa bình, không đổ máu mà Hồ Chí Minh và Chính Phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa trước đó qua những thỏa ước 6 tháng 3 rồi 14 tháng 9 năm 1946 hay hội nghị Đà Lạt và Fontainebleau đã không làm được. Lễ thâu hồi đã chính thức được cử hành vào ngày 14 tháng 6 năm 1949. Với tư cách Quốc Trưởng của Quốc Gia Việt Nam, lần đầu tiên ông đã từ Đà Lạt, thủ đô tạm thời của ông về Saigon để long trọng đón phần đất đã từng là thuộc địa của Pháp từ năm 1862 trở về với lãnh thổ quốc gia và người dân Nam Kỳ đã trở thành công dân của Quốc Gia Việt Nam để cùng tham gia xây dựng lại đất nước dù là ở miền Nam, miền Trung hay miền Bắc. Một người dân miền Nam không lâu sau đó đã được bổ nhiệm đứng đầu miền Bắc. Đó là Đốc Phủ Sứ Nguyễn Văn Tâm, với danh vị Thủ Hiến Bắc việt. Đây là một sự thực không ai có thể chối cãi được và khi nói xấu ông người ta chỉ còn cách lơ đi không nói tới mà thôi.

Quốc Gia Việt Nam thường được hiếu là tiền thân của Việt Nam Cộng Hòa, từ đó bị ngộ nhận là có lãnh thổ chỉ là lãnh thổ của Miền Nam Việt Nam sau này tức từ vĩ tuyến 17 trở xuống. Điều này không đúng. Bắt đầu từ thời điểm 14 tháng 6 năm 1949, khi Nam Kỳ trở về với lãnh thổ của Quốc Gia Việt Nam và cho đến khi Hiệp Định Genève(9) được thông qua và trở thành có hiệu lực, Chính Quyền Quốc Gia Việt Nam của Quốc Trưởng Bảo Đại đã chính thức và hợp pháp kiểm soát những miền đất phía trên vĩ tuyến này, từ Lào Kay, Lai Châu, Cao Bằng, Lạng Sơn, Móng Cáy… cho tới Hà Tiên và mũi Cà Mau, từ đồng bằng cho tới các cao nguyên do người Pháp chiếm giữ trước đó và trao trả. Nói cách khác, Quốc Gia Việt Nam có lãnh thổ bao trùm đất đai của người Việt từ Bắc chí Nam, từ Biển Đông với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (mà Thủ Tướng Chính Phủ Quốc Gia Việt Nam Trần Văn Hữu đã long trọng xác nhận ở Hội Nghị San Francisco vào hai ngày 6 và 7 tháng 9 năm 1951) tới các cao nguyên và miền núi, sau này, từ ngày 14 tháng 6 năm 1949, bao gồm luôn cả Miền Nam hay Nam Kỳ Lục Tỉnh thay vì chỉ có Miền Nam Việt Nam từ vĩ tuyến 17 trở xuống tức lãnh thổ Việt Nam Cộng Hoà về sau này. Cờ vàng ba sọc đỏ và bài Tiếng Gọi Thanh Niên sau này là Tiếng Gọi Công Dân đã được tung bay hay được hát ở khắp nơi hay đới với giới trẻ đương thời, được học sinh các trường trung và tiểu học, mới được mở cửa trở lại sau những ngày đầu của chiến tranh, hát lên buổi sáng trước khi vào lớp. Quốc kỳ này và quốc ca này đã được lựa chọn cùng thời với danh xưng Quốc Gia Việt Nam đã liên tục được duy trì qua các thời Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hoà của Miền Nam Việt Nam trong suốt hai mươoi năm tồn tại. Sau này cả hai vẫn được bảo tồn và bảo vệ ở Hải Ngoại coi như tượng hai biểu tương vừa thiêng liêng vừa thân thiết nhất của người Việt ở khắp nơi trên thế giới. Một sinh hoạt bình thuờng đã thực sự hồi sinh. Các cơ cấu từ chính trị, hành chánh, quân sự, văn hóa, giáo dục mang màu sắc nhân bản vừa cổ truyền, vừa tân tiến theo trào lưu mới đã từng bước một thành hình và làm nền tảng cho các sinh hoạt ở Miền Nam trước khi bị những người Cộng Sản phá bỏ để thay thế bằng những tổ chức riêng của họ. Nên nhớ là với Thỏa Ước Sơ Bộ ngày 6 tháng 3 năm 1946 Hồ Chí Minh ký với đại diện Cao Ủy Pháp ở Đông Dương Jean Sainteny và Tạm Ước 14 tháng 9 ký với Bộ Trướng Pháp Quốc Hải Ngoại Marius Moutet vấn đề thống nhất xứ Nam Kỳ chưa được giải quyết. Nói cách khác Nam kỳ cho tới ngày 14 tháng 6, trước khi được Bảo Đại thu hồi vẫn thuộc quyền cai quản của người Pháp theo các Hòa Ước 1862 và 1874. Sau ngày 14 tháng 6 năm 1954, xứ này mới thực sự trở về với lãnh thổ của Quốc Gia Việt Nam, sau này là Việt Nam Cộng Hòa và luôn luôn nằm ngoài lãnh thổ của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà cho mãi đến sau ngày 30 tháng 4 năm 1975.

Đối với những người thuộc thế hệ sinh từ cuối thập niên 1920 và hai thập niên 1930, 1940, sự hình thành của Quốc Gia Việt Nam đã đem lại cho họ một nền giáo dục nhân bản và tiến bộ, vừa mang những đặc tính của thời xưa, vừa cởi mở, khai phóng để đón nhận những tinh hoa của thời đại thay vì lang thang không được đi học trong nhiều năm trong vùng “kháng chiến”. Nền giáo dục này đã cung cấp cho họ những điều kiện cơ bản để tiến xa hơn về sau này. Cũng vậy với sự thành lập Quân Đội Quốc Gia Việt từ đầu thập niên 1950 mà người ta hầu như đã quên.

Đối với những người làm văn chương, âm nhạc và nghệ thuật sự thành lập Quốc Gia Việt Nam là thời kỳ mở dầu cho một giai đoạn phát triển mới vừa tiếp nối giai đoạn canh tân, trẻ trung, đầy sinh lực và lãng mạn của thời cuối thập niên 1930, đầu thập niên 1940 vừa tràn ngập hân hoan, hào hứng và tin tưởng vào cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất lãnh thổ và phát triển quốc gia dưới một chính quyền mới không Cộng Sản. Rõ rệt nhất trong hiện tượng này là trường hợp của các nhạc sĩ trong đó có Phạm Duy, Thẩm Oánh, Hùng Lân, Phạm Định Chương…, chỉ kể một vài tên tuổi quen thuộc.

Nói về Hiệp Định Élysée và những thỏa thuận giữa Bảo Đại và người Pháp trước đó, nhiều người cho rằng Cựu Hoàng đã vội vã và không đòi hỏi đúng mức những gì co thể đòi hỏi được. Các vị này chủ trương là phải đòi độc lập hoàn toàn. Điều này đúng nhưng không thực tế. Thời điểm của những năm 1948, 1949 với sự thắng thế mỗi ngày một rõ của Hồng Quân Trung Hoa ở Trung Quốc, cả hai phía người Pháp và Bảo Đại phải cấp tốc giải quyết vấn đề. Không những thế, đuổi Pháp đi thì ngay lập tức lấy gì để chống Việt Minh và ngay lập tức điều hành toàn thể mọi sinh hoạt của đất nước? Vấn dề không đơn giản. Người ta không thể điều đình mà không tương nhượng và dự trù cho những sự hợp tác tương lai.

Đóng góp cuối cùng: Hiệp Ước Paris 04 tháng 06 năm 1954 - một nền Độc Lập hoàn Toàn cho Quốc Gia Việt Nam



Tem HĐ Bảo Đại, Xứ Trung Kỳ Bảo hộ (Annam)
Nguồn ảnh: LIFE




Hiệp Định Élysée chỉ là khởi đầu. Nền độc lập do hiệp ước này mang lại chưa thực sự hoàn toàn. Nhiều bước tiến khác còn phải được thực hiện. Bảo Đại đã tiếp tục và đã hoàn tất được công tác này với sự trợ giúp của những trí thức hiểu rõ nước Pháp và người Pháp, giỏi về chính trị và luật pháp có mặt ngay trên đất Pháp và giảng dạy ngay tại các đại học Pháp, những người có đầy đủ học vị, thực học và kinh nghiệm. Đích thân ông, ông đã phải sang Pháp, ở tại chỗ nhằm tự mình theo dõi và đôn đốc. Sau một tiến trình đàm phán gay go và lâu dài, hai hiệp ước đã thành hình. Với hiệp ước thứ nhất, Pháp công nhận hoàn toàn nền độc lập và chủ quyền toàn vẹn của Quốc Gia Việt Nam và qua hiệp ước thứ hai, Việt Nam thỏa thuận gia nhập Liên Hiệp Pháp. Đại Diện cho nước Pháp là Thủ Tướng Joseph Laniel và đại diện cho Việt Nam là Thủ Tướng Bửu Lộc. Ngày được ghi là 04 tháng 6 năm 1954 và địa điểm là Paris, thủ đô của nước Pháp. Bảo Đại đã không có được niềm hạnh phúc mà cả đời ông ấp ủ là được chứng kiến lễ ký kết những hiệp ước này. Ngày 7 tháng 5, Điện Biên Phủ thất thủ, Hiệp Định Genève đang thành hình và cả hai văn bản đã bị vĩnh viễn xếp lại. Một lần nữa thành công của vị Hoàng Đế cuối cùng của Triều Nguyễn đã không trọn vẹn. Điều ta nên nhớ là trong nỗ lực cuối cùng này, ông đã phải rời bỏ quê hương của ông sang Pháp để đích thân gặp các nhân vật lãnh đạo Pháp, kể cả Tổng Thống Auriol, theo dõi và đôn đốc các đại diện của mình, bị báo chí Pháp công kích vì đã đòi hỏi quá nhiều, sau này lại còn bị mang tiếng là ham sống ở nước ngoài không chịu về nước. Dù sao với hai hiệp ước(10) đề ngày 04 tháng 6 này, ông đã đem lại được những gì ông mong ước cho đất nước và cho thần dân Việt Nam của ông. Thiên Mạng của ông sau đó không còn nữa. Điều đáng tiếc là ông đã không còn trở về quê hương của ông để làm công dân một nước độc lập như ông mong muốn được nữa. Người đời đã quên ông và thần dân của ông dã quên ông hay nếu nhớ tới ông chỉ là nhớ để trách cứ. Mà trách cứ thì luôn luôn dễ hơn là ghi nhận và nhất là ghi ơn.

Người ta đã đòi hỏi ở ông quá nhiều mà quên mất một điều là dù là vua, là thiên tử, ông vẫn chỉ là con người, con người với tât cả mọi nhược điểm của con người, nhiều khi không phải do bản chất của người ấy mà do hoàn cảnh gây ra. Bảo Đại đã lên ngôi vào lúc chế độ quân chủ ở Việt Nam đang ở tình trạng suy đồi và bị tấn công từ nhiều phía trong lúc chủ trương dân chủ mỗi ngày mỗi thêm thắng thế. Người ta không biết có bao nhiêu giọt nước mắt đã nhỏ xuống cho ông khi ông qua đời như chúng đã được nhỏ xuống khi ông đọc chiếu thoái vị trước cửa Ngọ Môn hồi năm 1945. Phải chăng sau hơn nửa thế kỷ, hơn 52 năm sau, tất cả đều đã thay đổi? Có điều đất nước Việt Nam vẫn không hề tiến bộ hơn, lãnh thổ quốc gia mà Bảo Đại đã thâu hồi hay xác nhận chủ quyền và để lại cho những người kế vị ông đã bị hao mòn không ít, và người dân Việt Nam bình thường vẫn chưa tìm lại được cuộc sống thanh bình, no ấm mà bất cứ một vị vua nào trong lịch sử nước nhà đều mong mỏi với một xã hội trong đó “Triệu tính âu ca lạc thịnh thì” như Trần Nguyên Đán đã miêu tả xã hội Đại Việt cuối thời Nhà Trần.

Huntington Beach, CA ngày 03 tháng 02 năm 2013
(Trích “Lịch Sử Nào Cho Tuổi Trẻ Việt Nam?”)


Bài do tác giả gởi. DCVOnline chú thích, minh hoạ và đề tựa.

(4) 11 tháng Ba năm 1945: “Cứ tình hình chung trong thiên hạ, tình thế riêng cõi Đông Á, chính phủ Việt Nam tuyên bố từ ngày này điều ước bảo hộ với nước Pháp bãi bỏ và nước Nam khôi phục quyền độc lập.

Nước Việt Nam sẽ gắng sức tự tiến triển cho xứng đáng một quốc gia độc lập và theo như lời tuyên ngôn chung của Đại Đông Á, đem tài lực giúp cho cuộc thịnh vượng chung. Vậy Chính Phủ Việt Nam một lòng tin cậy lòng thành ở Nhật Bản đế quốc, quyết chí hợp tác với nước Nhật, đem hết tài sản trong nước để đạt được mục đích như trên.”
 [Nguồn: Phạm Cao Dương, “Hai bản tuyên ngôn độc lập cho Việt Nam” trích lại từ Dương Trung Quốc, Việt Nam: Những Sự Kiện Lịch Sử (1919-1945). HàNội: Nhà Xuất Bản Giáo Dục, tr. 388; Nguyễn Vỹ, Tuấn, Chàng Trai Nước Việt (Chứng Tích Thời Đại Từ 1900 đến 1970, Quyển II. Saigon, ? , 1970. Fort Smith, AR tái bản ở Hoa Kỳ, ?. tr. 512.; S.M. Bao Dai. Le Dragon d'Annam. Paris, Plon. 1990. Cameron, Allan W., Viet-Nam Crisis, A Documentary History, Volume I: 1940-1956. Ithaca, N.Y. Cornell University Press, 1971.. tr. 31-32.]

(5) Nội các Trần Trọng Kim (17/4/1945) còn có những nhân vật khác như luật sư Trịnh Đình Thảo (sau là Phó Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà Miền Nam Việt Nam, uỷ viên Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam), luật sư Phan Anh (sau là Bộ trưởng Bộ Ngoại thương, Phó chủ tịch Quốc hội Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), Phan Kế Toại (sau là Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Nội vụ Việt Nam Dân chủ cộng hòa), Đặng Văn Hướng (sau là Quốc vụ khanh đặc trách công tác ở 3 tỉnh Thanh- Nghệ - Tĩnh của Việt Nam Dân chủ cộng hòa), Kha Vạng Cân (sau là Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nhẹ Việt nam Dân chủ cộng hòa).

(6) Chiến dịch Đông Dương (1945) hay việc Nhật xóa bỏ sự cai trị của Chính phủ Vichy Pháp tại Đông Dương, thành lập Đế quốc Việt Nam thống nhất ba xứ Bắc Kỳ, Trung Kỳ vốn nằm dưới sự bảo hộ của Pháp và Nam Kỳ, thuộc địa của Pháp; Bảo Đại là Hoàng đế và Trần Trọng Kim là Thủ tướng của  Đế quốc Việt Nam kéo dài 5 tháng (từ 17 tháng 4, 1945 - 23 tháng 8, 1945). Đại Đông Á hay Khối thịnh vượng chung Đại Đông Á là khái niệm địa chính trị có từ thời Chiêu Hòa của Nhật được chính phủ Fumimaro Konoe dùng như một chiêu bài bình phong cho chủ nghĩa đế quốc, xâm lược, bành trướng tại Đông Á phục vụ quyền lợi của đế quốc Nhật.

(7) Tuyên ngôn Thoái vị của Vua Bảo Đại ngày 25/8/1945
Vì hạnh phúc của dân tộc Việt Nam,

Vì nền độc lập của Việt Nam,

Để đạt hai mục đích ấy, Trẫm tuyên bố sẵn sàng hy sinh tất cả, và ước mong rằng sự hy sinh của Trẫm đem lại lợi ích cho Tổ quốc.

Nhận định rằng sự đoàn kết của toàn thể đồng bào chúng ta vào giờ phút này là một sự cần thiết cho Tổ quốc chúng ta, ngày 23 tháng 8, Trẫm đã nhắc lại cho toàn thể nhân dân ta là: “Ở giờ phút quyết định này của Lịch sử, đoàn kết có nghĩa là sống, mà chia rẽ là chết.”

Chiếu đà tiến dân chủ đang đẩy mạnh ở miền Bắc nước ta, Trẫm e ngại rằng một sự tranh chấp giữa miền Bắc với miền Nam khó tránh được, nếu Trẫm đợi sau cuộc trưng cầu dân ý, để quyết định thoái vị. Trẫm hiểu rằng, nếu có cuộc tranh chấp đó, đưa cả nước vào sau hỗn loạn đau thương, thì chỉ có lợi cho kẻ xâm lăng.

Trẫm không thể không ngậm ngùi khi nghĩ đến các tiên đế đã chiến đấu trên bốn trăm năm để mở mang bờ cõi từ Thuận Hóa đến Hà Tiên. Trẫm không khỏi tiếc hận là trong hai mươi năm ở ngôi, Trẫm không thể làm gì đem lại lợi ích đáng kể cho đất nước.

Mặc dù vậy, và vững mạnh trong sự tin tưởng của mình, Trẫm đã quyết định thoái vị, và Trẫm trao quyền cho Chính phủ Dân chủ Cộng hòa.

Trước khi từ giã ngai vàng, Trẫm chỉ có ba điều muốn nói:

- Thứ nhứt: Trẫm yêu cầu tân chính phủ phải giữ gìn lăng tẩm và miếu mạo của hoàng gia.

- Thứ hai: Trẫm yêu cầu tân chính phủ lấy tình huynh đệ đối xử với các đảng phái, các phe nhóm, các đoàn thể đã chiến đấu cho nền độc lập của đất nước, mặc dù không theo cùng đường hướng dân chủ của mặt trận, như vậy có thể giúp cho họ được tham gia vào sự kiến thiết đất nước, và chứng tỏ rằng tân chế độ đã được xây dựng trên tình đoàn kết dứt khoát của toàn thể nhân dân.

- Thứ ba: Trẫm yêu cầu tất cả các đảng phái, các phe nhóm, tất cả các tầng lớp xã hội cũng như toàn thể hoàng gia phải đoàn kết chặt chẽ để hậu thuẫn vô điều kiện cho Chính phủ Dân chủ Cộng hòa, hầu củng cố nền độc lập quốc gia.

Riêng về phần Trẫm, trong hai mươi năm ở ngôi, Trẫm đã trải qua bao nhiêu cay đắng. Trẫm muốn được làm Dân một nước tự do, hơn làm Vua một nước bị trị. Từ nay Trẫm lấy làm sung sướng được là dân tự do, trong một nước độc lập. Trẫm không để cho bất cứ ai được lợi dụng danh nghĩa Trẫm, hay danh nghĩa hoàng gia để gieo rắc sự chia rẽ trong đồng bào của chúng ta.

Việt Nam độc lập muôn năm,

Việt Nam Dân chủ Cộng hòa muôn năm,

Huế, điện Kiến Trung ngày 25 tháng 8 năm 1945.
Source: Bảo Đại, Con Rồng Việt Nam, Nguyễn Phước Tộc Xuất Bản, 1990, trang 186-188
The happiness of the people of Vietnam!

The Independence of Vietnam!

To achieve these ends, we have declared ourself ready for any sacrifice and we desire that our sacrifice be useful to the people.

Considering that the unity of all our compatriots is at this time our country's need, we recalled to our people on August 22: “In this decisive hour of our national history, union means life and division means death.”

In view of the powerful democratic spirit growing in the north of our kingdom, we feared that conflict between north and south could be inevitable if we were to wait for a National Congress to decide us, and we know that this conflict, if it occurred, would plunge our people into suffering and would play the game of the invaders.

We cannot but have a certain feeling of melancholy upon thinking of our glorious ancestors who fought without respite for 400 years to aggrandise our country from Thuan Hoa to Hatien.

Despite this, and strong in our convictions, we have decided to abdicate and we transfer power to the democratic Republican Government.

Upon leaving our throne, we have only three wishes to express:

l. We request that the new Government take care of the dynastic temples and royal tombs.

2. We request the new Government to deal fraternally with all the parties and groups which have fought for the independence of our country even though they have not closely followed the popular movement; to do this in order to give them the opportunity to participate in the reconstruction of the country and to demonstrate that the new regime is built upon the absolute union of the entire population.

3. We invite all parties and groups, all classes of society, as well as the royal family, to solidarize in unreserved support of the democratic Government with a view to consolidating the national independence.

As for us, during twenty years' reign, we have known much bitterness. Henceforth, we shall be happy to be a free citizen in an independent country. We shall allow no one to abuse our name or the name of the royal family in order to sow dissent among our compatriots.

Long live the independence of Vietnam!

Long live our Democratic Republic!

Source: La Republique [Hanoi], Issue no.1 (October 1, 1945), translated in Harold R. Isaacs (ed.), New Cycle in Asia (1947), pp. 161-162.









(8) Ký ngày 8/3/1949 giữa Vua Bảo Đại và Tổng thống Pháp Vincent Auriol được quốc hội Pháp thông qua vào tháng Giêng 1950. Theo Hiệp đinh Elysee, Pháp hứa sẽ hội nhập Cộng hòa Nam kỳ quốc (Republic of Cochin China) vào Quốc gia Viêt Nam (State of Vietnam) và Quốc gia Việt Nam là một quốc gia thuộc Liên hiệp Pháp. Thực tế, theo cấu trúc hiến định của Liên hiệp Pháp, Quốc gia Việt Nam không thể có độc lập hoàn toàn tuy được cho phép tự trị. Pháp cho phép Việt Nam có quan hệ ngoại giao với vài quốc gia như Trung Hoa, Thái Lan và Vatican. Nhưng vì cộng sản chiếm Hoa lục, sau đó Ấn Độ Độ là quốc gia được Pháp thay vào chỗ của Trung (Hoa) Cộng (sản); tuy nhiên Ấn Độ không công nhận chính phủ Bảo Đại. Quốc gia Việt Nam công nhận quyền kiểm soát của Pháp tại Việt Nam về mặt quân đội và ngoại giao cũng như sự thống trị của Pháp về mặt kinh tế - dùng đồngpiastre, đồng tiền chung cho Việt Nam, Lào, và Cambodia, của Ngân hàng Đông Dương. Cũng theo Hiệp đinh Elysee, Quốc gia Việt Nam đồng ý gởi đại biểu vào Quốc hội (Asembly) Pháp cũng như Thượng Hội đồng (High Council) của Liên hiệp Pháp - hai cơ quan cố vấn mới của Pháp chiếu theo Hiến pháp 1946. Stanley Karnow dẫn lời của Vua Bảo Đại, “Cái mà họ gọi là Giải pháp Bảo Đại hóa ra là Giái pháp Pháp” [Ref: 1/ Spencer C. Tucker (ed.), Elysee Agreement, The Encyclopedia of the Vietnam War: A Political, Social, and Military History, 2nd ed., trang 343; ABC-CLIO , LLC 2011. 2/ Ellen Joy Hammer ,An Associate State, The Struggle for Indochina: 1940-1955, trang 234, 236.]





Một đồng vàng - tiền Đông Dương 1949
Nguồn ảnh: OntheNet



(9) Hiệp đinh Geneva 1954: sông Bến Hải, vĩ tuyến 17, được dùng làm giới tuyến quân sự tạm thời chia Việt Nam làm hai vùng tập kết quân sự tạm thời. Chính quyền và quân đội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tập trung về miền Bắc Việt Nam; chính quyền và các lực lượng quân sự của Quốc gia Việt Nam, theo quân đội Pháp tập trung về miền Nam Việt Nam. Ông Trần Văn Đỗ, trưởng đoàn đại diện của Quốc gia Việt Nam nhất quyết không ký vào Hiệp định Genève vì không chấp nhận việc chia cắt Việt Nam.

(10) DCVOnline không tìm thấy văn bản của hai hiệp ước ký ngày 4 tháng 6 tại Paris giữa hai Thủ tướng Joseph Lanie bà Bửu Lộc tại các thư viện trực tuyến trừ tiêu đề “Thủ tướng Pháp Joseph Laniel và Thủ tướng Việt Nam Bửu Lộc ký điều ước quốc tế ở Paris cho Việt Nam “độc lập hoàn toàn” (đọc lập hoàn toàn trong ngoặc kép) [French Premier Joseph Laniel and Vietnamese Premier Buu Loc initialed treaties in Paris granting “complete independence” to Vietnam] và một mẩu tin của Reuteur đăng ngày 5 tháng 6, 1954 trên báo The Sigapore Free Press, “VIETNAM IS NOW FREE-PACT IS SIGNED […] treaties granting total independence to Vietnam, and providing for her future association with France in the French Union were initialled by the French and Vietnamese premiers in Paris yesterday Premier Joseph Laniel for France and Prince Buu Loc for Vietnam signed the...”











Bài viết chưa chấm dứt, tôi chỉ xin có vài đóng gỏp vài chi tiết nhỏ:
1.
Chú thích (1), có đoạn: "1949 chính quyền Pháp đưa ông vào vai trò Quốc Trưởng Việt Nam, ông trở về sống tại Pháp. Sau Hiệp định Geneva 1954, cựu hoàng Bảo Đại trở thành Quốc trưởng Nam Việt Nam và bổ ông Ngô Đình Diệm làm Thủ tướng."

Theo các sử liệu, như cuốn "Histoire du Vietnam, 1940-52" của P.Devillers:
- 12/1946 kháng chiến toàn quốc bùng nổ, , Pháp chiếm các thành phố, Việt Minh (CS) kéo vào "chiến khu". Các thành phần "quốc gia" tan tác khắp nơi, phần lớn ở nước ngoài, dân dân tìm cách kết hợp lại. 
- 2/1947 "Mặt trận Thống nhất Quốc gia Liên hiệp" (MTQG) được thành lập ở Nam Kinh, với sư tham gia của hầu hết các nhóm chính trị "không cộng sản". Chủ trương của MTQG dựa trên "dân tộc", đối lập với CS và chống Pháp. Vì thế, người Pháp gọi phe Quốc Gia là "Thành Phần Thứ Ba" - không theo CS mà cũng không theo Pháp.
- Vì người Pháp không có dân và phe Quốc Gia không có đất, hai bên bắt đầu thương thảo với nhau, cuối cùng thỏa thuận: phe Quốc Gia tạm thời ủng hô Pháp với điều kiện Pháp trao quyền hành chánh cho một chính phủ Quốc gia VN và giúp VN dân dần tạo dựng lên một quâc đội Quốc Gia (tiền thân của QLVNCH).
- Người Pháp "sợ" các lãnh tụ Quốc Gia, tiêu biểu là Nguyễn Tường Tam, Ngô Đình Diệm... vốn quyết liệt chống Pháp. Sau cùng "Thành Phần Thứ Ba" đưa ra "Giải Pháp Bảo Đại" và Pháp chấp thuận. 
- Quốc Gia Việt Nam được thành lập 1949, chẩm dứt 1955. Suốt thời kỳ đó Quốc Trưởng là Bảo Đại. Ngô Đình Diệm là thủ tướng cuối cùng (1954-1955).

- 10/1955 Thủ tướng NĐD truất phế Bảo Đại, lên làm Quốc trưởng nước VN. Bầu cử Quốc Hội Lập Hiến
- 10/1956 Hiến Pháp VNCH được ban hành. Ô.NĐD lên làm Tổng Thống đầu tiên của VNCH (Republic of Vietnam).

Tóm lại, những phần tôi in đậm ở trên trong Chú thích (1), không chính xác đối với sử liệu:
- Bào Đại không bao giờ là "Quốc Trưởng miền Nam VN", mà suốt thời gian từ 1949-1955 làQuốc Trưởng của (Quốc Gia) Việt Nam>.
- Từ 1955-56, Ngô Đình Diệm thay thế Bảo Đại trong chức vụ Quốc Truởng, cho đến khi ông Diệm trở thành Tổng Thống của VNCH, 10/1956.

2.
Phần đầu, tác giả có nhắc đến Chiếu Thoái Vị của vua Bảo Đại. Theo tôi đây là một tài liệu rất quan trọng trong giai đoạn lịch sử lúc bấy giờ. Nhờ có Chiếu Thoái Vị, chính phủ lâm thời của HCM mới có được danh nghĩa một chính quyền.

Đó cũng là lý do tại sao HCM đã phải cử ngay phái đoàn (gồm Trần Huy Liệu và Huy Cận) vào Huế để đòi Bảo Đại thoát vị ("Chiếu" được Bảo Đại đọc ở kinh đô Huế, tám ngày trước ngày tuyên bố độc lập 2/09/1945).

Mặt khác, trong chiếu chỉ vua Bảo Đại đã đưa ra một số điều kiện cho chính phủ mới, quan trong nhất là điều số 2:
"Trẫm đòi hỏi tân chính phủ phải đổi xử với tất cả các đảng phái và phe nhóm (chính trị) đã tranh đấu cho nên độc lập của quốc gia như anh em một nhà, cho dù quan điểm chính trị có khác nhau thế nào đi nữa [...]".

Khi nhận Chiếu chỉ đó, Việt Minh coi như ràng buộc vào những điều kiện do vua Bảo Đại đưa ra, nhưng thực tế họ đã làm ngược lại, nhất là Điều 2 này: thay vì đối xử những người yêu nước không ý thức hệ CS như anh em ruột thịt, cùng lúc với Chiếu chỉ, HCM đã ra lệnh tàn sát nhiều người yêu nước, nhưng không theo CS: từ Phạm Quỳnh, Ngô Đình Khôi, Tạ Thu Thâu... chỉ để kể vài trong số hàng trăm hàng ngàn người năm trong danh sách cần phải tiêu diệt...

Tóm lại, 1945, Việt Minh không chỉ "cướp chính quyền" mà còn chuẩn bị đạt nền móng cho một chế độ độc tài "chuyên chế vô sản" lâu dài ("muôn năm") trên đất nước Việt Nam.

LV
TB. Hinh như CSVN không bao giờ đề câp đến toàn bộ nội dung của Chiếu Chỉ này, mà lại luôn luôn nhắc đến một câu trong đó (gần cuối): "" Từ nay, Trẫm sung sướng được làm công dân tự do của một nước độc lập"., nhưng thường là bỏ đi chữ "tự do" (?!). Tôi đã có lần kêu gọi một số vị giỏi tiếng Việt lẫn tiếng Pháp dịch và công bố Chiếu Thoái Vị này nhưng vẫn chưa thấy nó đâu cả. Có ai "gặp nó" đâu đó xin cho biết (đễ tôi khỏi phải dịch!).

Viết thêm: "Thủ Tiêu" vá "Ám Sát". Ờ VN, hai danh từ rất quen thuộc từ khi Cách mạng CS nổi lên...

Cả hai từ này ý nghĩa nà ná, đều hạ sát đối thủ, kẻ thù, nhưng cách thực hiện khác nhau và mục đích cũng khác.

- Với "thủ tiêu", ngưòi ngoài cuộc không thể biết đích xác chuyện xảy ra thế nào, thủ phạm là ai. Có đoán ra cũng không bằng chứng để buộc tội.

"Thủ tiêu" cần thiết, đối với những đối thủ có tăm tiếng, ảnh hưởng đối với quần chúng. "Thủ tiêu" để giệt trừ đối thủ, chiếm thế độc tôn, mà không bị quần chúng oán ghét (vì không biết ai là thủ phạm). Việt Minh dùng thủ đoạn này rất nhiều, với danh sách nạn nhân không ai biết rõ là bao nhiêu. Những người bi CS thủ tiêu nổi tiếng nhất: Đức Huỳnh Phú Số (PG Hòa Hảo), Lý Đông A (lãnh tụ "Duy Dân"), Trương Tử Anh (Đại Việt), Tạ Thu Thâu ("Đệ Tứ"), Phạm Quỳnh, Khái Hưng... Nguyễn Bình ("Hùm Xám Nam Kỳ" - CS)...

Phe "quốc Gia" cũng "thủ tiêu", nhưng lạ thay chỉ thủ tiêu những tay CS "cắc ké"! Nếu không trong thời gian 1945-46, những lãnh tụ CS đâu có an toàn như thế... Âu cũng là cái số!

- "Ám sát" là chuyện công khai, càng nhiều người biết cành tốt. Các đảng phái Quốc gia "ám sát" khá nhiều, nổi tiếng là những vụ "Ám sat toàn quyền Merlin" ở Quảng Châu, không thành (do TâmTâm Xã của cụ Phan Bội Châu chủ mưu), ám sát ông cò Bazin v.v. (VNQDĐ của NTHọc).

Trước 75, CS thực hiện nhiều cuộc ám sát ở miền Nam, thường nhắm vào những trí thức (GS Nguyễn Văn Bông, GS Y Khoa Trần Anh) hay nhà báo (Từ Chung, Chu Tử)... không phải là những người thân chính phủ VNCH (!). Mục đích cũng không khó nghĩ ra. LV


Lê Văn
Bài viết trích một câu (nói rằng) từ Chiếu Thoái vị của vua Bảo Đại: “Trẫm để hạnh phúc của dân Việt Nam lên trên ngai vàng của Trẫm. Trẫm thà làm dân một nước độc lập còn hơn làm vua một nước nô lệ.”. 

Nguyên bản (dịch?) Chiếu Thoái Vị tiếng Việt trong phần phụ chú, cũng có câu này, nhưng bản tiếng Anh kèm theo bên cạnh lại không có. Bản tiếng Pháp từ cuốn "Lịch sử Vietnam 1940-52" của sử gia P.Devilliers (xb 1952), tôi có trong tay, giống bản tiếng Anh 100/100, dĩ nhiên cũng không có câu này.

Vậy bản tiếng Việt hay bản tiếng Pháp và bản tiếng Anh đúng? Theo tôi bản tiếng Việt chắc chắn sai, vì hai bản tiếng Pháp và Anh không thể nào sai cùng lúc được. Hơn nữa, đọc kỹ bản tiếng Việt, sẽ thấy câu này tương tự như câu sau đó (*) - cũng có trong bản tiếng Anh và tiếng Pháp. Một bản chiếu chỉ của nhà Vua mà được viết "tài tử" như vậy sao?

Câu hỏi chỉ là sai từ lúc nào, ai bịa ra và vì sao? Để trả lời thì người chịu trách nhiệm biên tập cuốn "Bảo Đại, con rồng Việt Nam" có thể trả lời được, vì họ phải biết là lấy từ đâu ra? Nếu tư tay dịch, thì không ai lại tự nhiên bỏ nguyên một câu thừa thãi vào!

Cá nhân tôi thì đoán "thủ phạm" là chính phủ cách mạng lâm thời của HCM (thành lập vào 09/1045). Tai sao tôi nghĩ vậy? Giản di đó là câu duy nhất "trong" Chiếu Thoái Vị mà Việt Minh (CSVM) nhắc tới mỗi khi đề cập đến "Chiếu chỉ" (dù nó không có trong đó!). CSVN nhắc tới câu đó vì nó tuyên dương "chính nghĩa" của họ: Việt Nam trước khi "cách mạng về" chỉ là một nước nô lệ, Bảo Đại chỉ là vua của một nước nô lệ...


(Chú thích bị cắt)
(*) Câu sau đó là: "Từ nay Trẫm lấy làm sung sướng được là dân tự do, trong một nước độc lập" (theo cuốn "Bảo Đại, Con Rồng". Bản dịch nay bậy bạ: "cụm từ "dân tư do" hoàn toàn vô nghĩa. Theo tôi dịch chính xác hơn phải là: "Từ nay, Trẫm sung sướng được làm công dân tự do của một nước độc lập". (trong ý kiến của tôi ở bài I).

Viết thêm.
Câu được thêm vào Chiếu Thoái Vị, "Từ nay Trẫm lấy làm sung sướng được là dân tự do...", thật ra nằm trong lá thư của vua Bảo Đại gửi cho Hoàng Tộc (tiếng Pháp gọi là rescrit, lá thư của một vị vua) cũng vào dịp đó, bắt đầu như sau (phỏng dịch): Trẫm đã chọn tôn chỉ "Dân tộc trên tất cả" và đã tuyên bố (truớc toàn dân) rằng Trẫm chọn làm một người dân thường của một Quốc gia độc lập thay vì làm vua của một nuớc lệ thuộc, Trẫm đã quyết định thoái vị [...]".

(.. que je préferais étre simple citoyen d'un État indépendant que roi d'une nationsubjuguée...). Chữ chính ở đây là "subjuguée" (tiến Anh là "subdued"), có nghĩa kém cỏi, thứ yếu... dịch "nô lệ" là sai. Và, chả lẽ Bảo Đai lại nhận mình là vua của một đám nô lệ?!!!

Xin tác giả và quý độc giả lưu tâm chú ý cho.

Xin tóm tắt lại những phân tích của tôi liên quan đến Chiếu Thoái Vị của vua Bảo Đại, ở trên cũng như dưới bài I:
1.
Tôi tin là có hai bản gốc, tiếng Pháp và tiếng Việt.

2.
Bản tiếng Việt trong phụ chú, lấy từ cuốn "Bảo Đại, Con Rồng Việt Nam" không thể là bản tiếng Việt gốc, mà đã được sửa lại. Bằng chứng, như nói ở trên, có thêm hẳn một câu không thể có!

Do đó, tôi cho là chỉ có bản tiếng Pháp, từ cuốn sách đã dẫn của nhà sử học P.Devilliers, có thể tin cậy là bản gốc. (Bản tiếng Anh, ở trên, giống hệt bản tiếng Pháp, nhưng thiếu một câu không quan trọng).

3.
Nếu có sự trí trá to lớn như thế, thì cũng có thể còn những trí trá khác. Thực vậy So sánh bản tiếng Pháp với bản tiếng Việt (ở trên) tôi thấy nhiều chữ đáng ngờ.

Đáng nói nhất phải kể đoạn văn ngắn trong "đòi hỏi" số 2 của Bảo Đại: "Trẫm yêu cầu tân chính phủ lấy tình huynh đệ đối xử với [...] mặc dù (họ) không theo cùng đường hướng dân chủ của mặt trận" (bản tiếng Việt phụ chú).

Viết như thế ai đọc cũng phải hiểu là chỉ có "mặt trận (Viêt Minh?!)" là "dân chủ", còn các đảng phải, tổ chức khác là "phản dân chủ"! Nhưng vua Bảo Đại không thể nào nói ngược ngạo như thế được!

Theo bản "gốc" tiếng Pháp (hay bản tiếng Anh ở trên) thì câu đó phải (dịch nghĩa) là: "... mặc dù (các đảng phái, các phe nhóm, các đoàn thể đó) có đường hướng không hoàn toàn giống trào lưu của dân chúng" (popular movement). Hoàn toàn không có chữ "dân chủ" trong đó!





BS Trần Ngươn Phiêu , Lý Do Csvn Ám Hại Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ [vietbao.com]

Tổng số lượt xem trang