Thứ Tư, 13 tháng 3, 2013

Chấp nhận sở hữu tư nhân đất đai trong hiến pháp ?

-Land ownership (Giang Le)

Nhà kinh tế người Peru Hernando de Soto, tác giả cuốn Bí mật của Tư bản (The Mystery of Capital), cho rằng vấn nạn của hầu hết các nước nghèo là hệ thống ghi nhận và bảo vệ quyền sở hữu tài sản nói chung và đất đai  nói riêng không rõ ràng. Ông tin rằng một trong trong những biện pháp hữu hiệu nhất cho phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo ở các nước thuộc Thế giới Thứ ba là xây dựng một hệ thống sở hữu đất đai cho người dân. Chính sách này nếu thực hiện thành công sẽ đem lại ba lợi ích chính.

Thứ nhất, với đại đa số người dân ở các nước nghèo, đất đai là tài sản lớn duy nhất của họ. Khi quyền sở hữu chuyển từ những qui ước truyền thống, thoả thuận miệng, hay đe doạ vũ lực, sang một bằng khoán giấy trắng mực đen, người dân tiến một bước dài vào một xã hội pháp trị (rule of law). Không chỉ hiểu biết và tôn trọng pháp luật hơn, họ sẽ có thêm động lực tham gia tích cực vào việc xây dựng và bảo vệ hệ thống luật pháp đó. Lịch sử nhiều nơi cho thấy chính sở hữu tư nhân là tiền đề cho một hệ thống pháp luật vững vàng chứ không phải ngược lại. Quyền sở hữu đất đai luật định cần được xác lập và thực thi trước nhất.

Thứ hai, sở hữu tư nhân là tiền đề cho một thị trường đất đai phát triển. Khi thiếu vắng thị trường giá cả của tài nguyên này dễ bị bóp méo bởi các nhóm lợi ích khác nhau hoặc các qui định hành chính cứng nhắc. Điều này vừa dễ dẫn đến tranh chấp, thậm chí sung đột giữa các đối tượng kinh tế liên quan, vừa làm sai lệch quá trình phân bổ tài nguyên đất đai không đem đến kết quả tối ưu cho xã hội. Việc thị trường chính thống không phát triển còn dẫn đến sự gia tăng các hoạt động giao dịch ngoài luồng (shadow economy), gây khó khăn cho các chính sách quản lý và điều tiết kinh tế của nhà nước trung ương. Khi người dân buộc phải giao dịch và thực hiện các hoạt động kinh tế bên ngoài hệ thống chính thức, họ dễ bị đẩy ra xa thêm khỏi hệ thống pháp luật.

Thứ ba, một hệ thống sở hữu đất đai rõ ràng sẽ giúp người dân dễ tiếp cận vốn vay từ hệ thống ngân hàng hơn vì họ có thể sử dụng đất thế chấp cho các khoản vay. Họ cũng có thể dùng đất để góp vốn vào các liên doanh kinh tế khác. Một số người lo ngại rằng chế độ sở hữu đất đai tư nhân sẽ dẫn đến tình trạng tập trung đất đai vào một số cường hào địa chủ, đẩy đa số dân nghèo vào phận làm thuê. Trên thực tế nông dân mất đất chủ yếu vì họ phải vay nặng lãi cho những nhu cầu đột xuất hoặc một vài vụ mùa thất bát. Một hệ thống tín dụng hiệu quả có tác dụng phòng ngừa bần cùng hoá nông dân tốt hơn nhiều việc nhà nước đứng ra sở hữu đất đai giúp họ.

Từ những năm 1980 de Soto và viện ILD của ông đã triển khai rất thành công những hệ thống xác lập và bảo vệ quyền sở hữu tư nhân, chủ yếu liên quan đến sở hữu đất đai, ở Peru và hàng chục quốc gia đang phát triển khác. Sáng kiến và nỗ lực của ông đã được nhiều tổ chức quốc tế như Liên hiệp quốc, World Bank, IMF ghi nhận. Ông đã nhận được giải thưởng, huy chương của nhiều nước, đã được các tạp chí lớn như The Economist, Forbes, Time, Foreign Policy vinh danh. Bài học cho Việt Nam là hãy bắt đầu bằng việc chấp nhận sở hữu tư nhân đất đai trong hiến pháp.


[Một version của bài viết này đã được đăng trên TBKTSG]

Tài liệu nên giữ: Bảng so sánh giữa hiến pháp năm 1992 và dự thảo sửa đổi hiến pháp năm 1992 -- Dự thảo này là của Ủy ban Dự Thảo Sửa Đổi Hiến Pháp, không phải của dân! (Soạn đã xong (tứ tháng 12) rồi! Còn hỏi ý kiến gì nữa?)
'Ba kịch bản chính trị Việt Nam' (BBC 11-3-13)
Đất ngày xưa: Chính sách ruộng đất của Trung ương cục Miền Nam và MTDTGPMNVM trong kháng chiến chống Mỹ (VHNA 12-3-13)
- Góp ý sửa đổi Hiến pháp: Làm rõ quyền tài sản và tài sản trong đất đai (TT).  – Trần Vinh Dự: Về sở hữu đất đai trong hiến pháp mới (VOA’s blog). - Góp ý sửa đổi Hiến pháp: Bàn về vai trò kinh tế Nhà nước (VOV).
- (VTV-Thời sự, 19h  Từ phút thứ 18’).
- “Thu hồi đất giá rẻ, bán giá đắt: dân không chịu đâu” (TT).  - Bỏ hạn điền đối với đất nông nghiệp (DV). - Khuyến khích dân góp vốn bằng quyền sử dụng đất (TN). - Thu hồi đất, phần thiệt về dân: 1m2 đất chỉ bằng… bát phở (DV). - Chênh lệch lớn về giá đất trước và sau thu hồi (DV). – Sự thật về dự án cải tạo nút giao thông Nguyễn Sơn – Nguyễn Văn Cừ (Q.Long Biên, Hà Nội): Phá nhà dân, xây tiểu cảnh (LĐ). – Dự án mở rộng xa lộ Hà Nội đoạn TP.HCM – Bình Dương – Đồng Nai: Chủ đầu tư cũng không biết ngày xong (SGTT). - Công bố quy hoạch 21.000 ha quanh sân bay Long Thành (TT).
- Kiểm tra việc chấp hành pháp luật về đất đai tại Đà Nẵng (TN).

Tổng số lượt xem trang