Thứ Hai, 18 tháng 3, 2013

Không 'ban ơn' quyền con người

Không 'ban ơn' quyền con người (VNN 18-3-13) --

Không còn sử dụng những cụm từ có tính “ban ơn”, quyền con người trong dự thảo Hiến pháp sửa đổi đã đề cập trực diện, mặc nhiên như phải có. 

PGS.TS Nguyễn Như Phát (phải)

Đó là ý kiến của PGS.TS Nguyễn Như Phát, Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật (NN&PL) khi đề cập chung những quy định trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. 

So với cấu trúc Hiến pháp 1992, dự thảo sửa đổi đã đặt chương về quyền con người vào một trong những vị trí quan trọng bậc nhất theo hướng khắc định mạnh mẽ quyền con người.

PGS.TS Phát cho rằng, điểm tích cực lớn mà ông nhận thấy, đó là dự thảo đã khắc phục tư duy “ban ơn” thể hiện trong việc sử dụng ngôn ngữ pháp lý liên quan quyền con người. 

Hiến pháp trước kia hay sử dụng các cụm từ “Nhà nước đảm bảo”, “Nhà nước bảo hộ”, “Nhà nước tạo điều kiện”… Ông cho rằng, việc sử dụng ngôn từ như vậy tạo cảm giác “nhà nước ban ơn” cho công dân, chứ không phải mặc nhiên được hưởng các quyền này. 


Thay vào đó, dự thảo Hiến pháp sửa đổi bắt đầu bằng các cụm từ “Công dân có quyền”, “Mọi người có quyền”…

Trong khi đó, PGS.TS. Nguyễn Thị Việt Hương, một đồng nghiệp của ông Phát lại mang cảm nhận cơ chế bảo đảm, bảo vệ quyền con người của Nhà nước như dự thảo Hiến pháp sửa đổi quy định vẫn mang tính “bị động”, thậm chí “đối phó”, “cảnh giác”. 

Theo bà, Hiến pháp phải ghi rõ cam kết của các cơ quan nhà nước, công chức, nhân viên nhà nước về bảo đảm, bảo vệ quyền con người. 

“Trách nhiệm bảo đảm, bảo vệ quyền con người trước hết thuộc về nhà nước và cần được cụ thể hóa cho từng cơ quan nhà nước trong hoạt động lập pháp, hành pháp, tư pháp” - bà Hương nhấn mạnh. 

Xung quanh quyền con người và quyền công dân, theo PGS.TS Phát, dự thảo Hiến pháp sửa đổi đã có sự tiến bộ khi phân biệt rõ ràng, rành mạch hai quyền này, không lẫn lộn, đồng nhất như nêu trong các bản Hiến pháp trước. 

GS Chu Hảo, Giám đốc nhà xuất bản Tri thức, bày tỏ: “Đây là lần đầu tiên, kể cả với giới học thuật nước nhà, chúng ta nhận thức một cách rõ ràng, phân biệt giữa quyền con người và quyền công dân”.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Đình Lộc, nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp, trưởng ban biên tập Hiến pháp 1992, không đồng tình với ý kiến trên. Theo ông Lộc, không thể tách bạch quyền con người và quyền công dân. 

“Vì công dân có những quyền đó là bởi họ là con người, nếu không phải là con người thì không trở thành công dân được”. 

Lo quyền treo

Một số điều liên quan quyền con người, quyền công dân trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp có những quan điểm đánh giá khác nhau, thậm chí trong chừng mực bị đánh giá thể hiện còn “dè dặt”. 

Theo PGS.TS. Phạm Hữu Nghị, Viện NN&PL, quan điểm tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người chưa được thể hiện một cách rõ ràng, nhất quán trong toàn bộ nội dung bản dự thảo.

 

Ảnh: Mỹ Hòa

Bà Phạm Thị Lan, Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF), chỉ ra rằng các quyền tham gia của con người, công dân trong chương 2 mới chủ yếu nói đến quyền tham gia các hoạt động văn hóa. Trong khi, quyền tham gia trong các công ước quốc tế rất rộng, trong đó bao gồm tham gia trong đời sống chính trị, tức là người dân phải có quyền tham gia vào mọi mặt, mọi quyết định ảnh hưởng đến họ.. 

Dẫn ra điều 26 về quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, hội họp, biểu tình… PGS.TS Nguyễn Minh Phương, Viện Khoa học tổ chức nhà nước - Bộ Nội vụ, lo lắng có nguy cơ các quyền này trở thành “quyền treo” khi đi kèm điều kiện “theo quy định của pháp luật”. 

Bởi, hiện nay, vẫn còn thiếu các văn bản quy phạm pháp luật cụ thể. Như liên quan biểu tình vẫn chưa có luật biểu tình cụ thể trong khi một số văn bản quy phạm pháp luật khác có phần hạn chế công dân thực hiện quyền này.

“Nhà nước muốn quản lý các hoạt động thực thi quyền của công dân thì phải ban hành luật, chứ không phải ngược lại, công dân muốn thực hiện quyền hiến định của mình thì phải đợi nhà nước ban hành luật” - bà Phương thúc giục.

Trong khi đó, PGS.TS Phát nêu quan điểm cho rằng, liên quan việc đảm bảo quyền, nghĩa vụ công dân như hiến định, Hiến pháp phải có “hiệu lực trực tiếp”.

 

"Phi chính trị hóa lực lượng vũ trang là mắc kế địch" (VN+ 17-3-13) -- Bài của thứ trưởng công an Tô Lâm

Góp ý về Hiến pháp Hoàng Tụy 18/03/2013

(tọa đàm ngày 15/03/2013 tại Viện Nghiên cứu Lập pháp, về các vấn đề kinh tế xã hội trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992) 

Tôi rất hoan nghênh chủ trương của Quốc hội kéo dài thời gian lấy ý kiến nhân dân về Hiến pháp đến hết tháng 9, đồng thời tổ chức tọa đàm rộng rãi trong giới trí thức xung quanh những vấn đề lớn đang có nhiều tranh cãi.

Song sẽ là tốt hơn nếu trước đó không có những quy kết tùy tiện đối với những ý kiến trái chiều, dù những ý kiến này thật ra rất xây dựng và xuất phát từ những công dân chỉ có một tội là thiết tha với đất nước và ngày đêm trăn trở vì sự nghiệp độc lập, thống nhất của Tổ quốc và tự do, hạnh phúc của nhân dân – hay theo cách nói sau này: dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh – một sự nghiệp mà vì nó biết bao người con ưu tú của đất nước đã ngã xuống và cả dân tộc đã chịu đựng biết bao hy sinh, nhọc nhằn trong mấy chục năm chiến tranh tàn khốc mà đến nay phần lớn mục tiêu vẫn đang còn ở phía trước. Sẽ là tôt hơn nữa nếu Ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp chưa vội tuyên bố bảo lưu tất cả những điểm chính, vì như thế khác nào thừa nhận việc hô hào nhân dân góp ý chỉ là hình thức, và bao nhiêu thời gian, của cải, công sức, của dân bỏ ra để góp ý chỉ là một sự lãng phí vô trách nhiệm.

Trước tình hình đó, những ai trăn trở về vận nước nguy vong làm sao không đắn đo suy nghĩ được. Tôi nghĩ vào lúc này, khi kinh tế lụn bại, xã hội nhiễu nhương, tham nhũng hoành hành, bờ cõi biên cương hải đảo đang bị uy hiếp nghiêm trọng, thì mọi người tử tế nên dẹp mọi suy tính cá nhân, cùng nhau vận dụng trí tuệ suy nghĩ tìm một lối ra ít đau đớn nhất cho dân tộc thay vì cố thủ trong những thành kiến, định kiến đã lỗi thời.

Trên tinh thần đó, tôi xin phát biểu thẳng thắn một số ý kiến về đề tài tọa đàm hôm nay, chủ yếu tập trung về hai Điều 54 và 57 trong bản Dự thảo.

Nói vắn tắt, đây thực chất cũng chỉ là những ý kiến đã được trình bày cô đọng nhưng khá đầy đủ trong bản Kiến nghị bảy điểm về sửa đổi Hiến pháp 1992 của 72 công dân.

1. Điều 54, Mục 1 ghi: “Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế”. Xin đề nghị bỏ hẳn cụm từ “định hướng xã hội chủ nghĩa” vì nội hàm rất mù mờ mà theo kinh nghiệm thực tế nhiều năm qua chỉ là cái cớ để hạn chế, cản trở, thu hẹp thị trường, khiến nhiều nước đến nay vẫn chưa chịu công nhận kinh tế thị trường cho ta. Có lẽ vì cái định hướng xã hội chủ nghĩa đó nên mới cố bám chặt cái chủ trương lấy kinh tế nhà nước làm chủ đạo, dốc hết vốn liếng tiền của, tài nguyên trí lực vào đó, chẳng những không có hiệu quả, mà còn cản trở sự phát triển lành mạnh của đất nước, làm cho đất nước kiệt quệ, chồng chất nợ nần không biết bao giờ mới trả hết được, lại gây ra biết bao tệ nạn trong xã hội. Có thể nói mọi tai ương bắt nguồn từ cái nhận thức sai lầm về chủ nghĩa xã hội theo kiểu giáo điều Liên Xô cũ. Giờ đây bản Dự thảo đã mạnh dạn từ bỏ vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, đó là một bước tiến đáng kể, thế thì còn lý do gì bám giữ cái đuôi “định hướng xã hội chủ nghĩa” cho rắc rối.

Lần lại lịch sử có thể thấy rằng trước đây, theo lý luận chủ nghĩa xã hội của Liên Xô cũ (cũng là lý luận chính thống của Đảng Cộng sản ViệtNamlúc đó), kinh tế xã hội chủ nghĩa là kinh tế kế hoạch hóa tập trung, không chấp nhận cơ chế thị trường. Cho nên năm 1968 khi nhà lãnh đạo Tiệp Khắc Dubcek chủ trương sử dụng cơ chế thị trường trong chủ nghĩa xã hội thì lý thuyết “chủ nghĩa xã hội thị trường” ấy của Dubcek đã ngay lập tức bị Liên Xô và cả phe xã hội chủ nghĩa, gồm cả Việt Nam, lên án là lý thuyết phản động nguy hiểm. Đến mức để cứu chủ nghĩa xã hội ở Tiệp Khắc, Liên xô đã đưa quân đội vào Tiệp Khắc lật đổ Dubcek, và cuộc can thiệp quân sự tàn bạo ấy đã được ViệtNamvà cả phe xã hội chủ nghĩa lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ. Thế mà chưa đầy hai mươi năm sau đó, để vượt qua khủng hoảng kinh tế xã hội giữa thập kỷ 80 thế kỷ trước, chúng ta đã chấp nhận chính cái kinh tế thị trường trước đây đã từng bị phê phán kịch liệt và, như để tự trấn an, cái đuôi “định hướng xã hội chủ nghĩa” được gán thêm vào, tương tự như cái tên chủ nghĩa xã hội thị trường của Dubcek.

Qua đó thấy rõ ngay trong nội bộ Đảng và các nhà cầm quyền nhận thức về chủ nghĩa xã hội cũng đã thay đổi ngược hẳn lại, ngay ở những nội dung cơ bản. Gì thì gì, thực tiễn chứ không phải giáo điều mới có thể có tiếng nói quyết định cuối cùng cho chính sách và hành động của một đảng thật sự vì dân.

Cũng có người cho rằng cái đuôi “định hướng xã hội chủ nghĩa” là để hạn chế những mặt trái của kinh tế thị trường. Thật ra kinh tế thị trường chẳng có mặt trái nào cả, những tiêu cực phát sinh chẳng qua là do hiểu và thực hiện không đúng kinh tế thị trường. Một xã hội muốn phát triển lành mạnh, bền vững, thì cùng với Nhà nước pháp quyền, và kinh tế thị trường, còn rất cần một nhân tố nữa là xã hội dân sự. Chính cái xã hội dân sự này giúp điều chỉnh những lệch lạc tự phát khi vận hành bộ máy nhà nước và kinh tế thị trường. Một khi xã hội dân sự còn rất yếu kém, chẳng những không được khuyến khích phát triển, trái lại còn bị xem là kế sách của các thế lực thù địch đang âm mưu thực hiện “diễn biến hòa bình” thì bộ máy nhà nước dễ dàng xa dân, quên dân, đối lập với dân, và kinh tế thị trường cũng dễ dàng bị méo mó, xuyên tạc, nhất là về mặt đạo đức xã hội. Cho nên bàn về kinh tế lại không thể không quay về quyền con người và quyền công dân là những quyền đương nhiên phải được hiến định minh bạch và triệt để tôn trọng thì mới có thể có xã hội dân sự phát triển.

2. Điều 57 ghi: “Đất đai, …, thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý theo quy định của pháp luật”. Dù muốn biện minh cách gì cũng không thể phủ nhận đây là điểm mắc mứu quan trọng đã gây nên biết bao thảm cảnh đau lòng những năm qua, đẩy người dân hiền lành đến chỗ có lúc không chịu nổi, phải đứng lên chống lại chính quyền địa phương để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình bỗng nhiên bị xâm phạm, bị tước đoạt không phải vì lợi ích của đất nước mà chẳng qua vì lòng tham ích kỷ của quan chức các cấp, nhân danh Nhà nước bắt tay với nhiều tư nhân, doanh nghiệp để trục lợi, hại dân. Đã có quá nhiều ý kiến đề nghị nên thay đổi quy định này, dựa trên những cơ sở pháp lý vững chắc. Bản Kiến nghị của 72 công dân cũng đã nói rõ vì sao quy định này là một trong những điều bất công tệ hại nhất đã làm giảm nghiêm trọng niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Vì vậy có lẽ không cần thiết phải nói thêm gì nữa về tác hại của một chủ trương mà thực tế đau buồn hai mươi năm qua đã hoàn toàn bác bỏ.

Tuy nhiên giở lại lịch sử có thể soi sáng thêm bản chất vấn đề. Quan điểm đất đai thuộc sở hữu toàn dân xuất hiện đầu tiên trong Hiến pháp 1980 chỉ là sao chép theo Hiến pháp Liên Xô cũ và do đó được cho là dựa theo lý luận chính thống xây dựng chủ nghĩa xã hội. Hồi đó, sau hàng loạt biểu hiện tráo trở của Trung Quốc và nhất là sau cuộc chiến xâm lược của họ năm 1979, Liên Xô đối với Việt Nam trở thành nhà nước xã hội chủ nghĩa mẫu mực. Trong chế độ xã hội chủ nghĩa đó, toàn thể nông thôn đã hợp tác hóa từ lâu, đất đai thuộc sở hữu toàn dân là đương nhiên. Miền Bắc nước ta khi ấy cũng đã hợp tác hóa rồi, MiềnNamthì đang trên con đường hợp tác hóa, theo khẩu hiệu cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hộị. Trong khung cảnh quốc tế và nội tình đó, sự xuất hiện quan điểm đất đai thuộc sở hữu toàn dân trong Hiến pháp cũng là dễ hiểu. Không ai, kể cả những người cấp tiến trong giới cầm quyền lúc bấy giờ, có thể tiên lượng được hết những hệ lụy gì của quan điểm đó khi tình hình thay đổi.

Những hệ lụy này chỉ mới dần dần hiện rõ và trở nên ngày càng trầm trọng trong tiến trình đổi mới. Một mặt, hợp tác xã ở Miền Bắc dần dần tan rã, còn ở MiềnNamkhông còn ai dám nghĩ đến hợp tác hóa như ở Miền Bắc trước kia nữa. Mặt khác, đội ngũ cán bộ quan chức ngày càng tha hóa, biến chất, một bộ phận không nhỏ mà ngày càng lớn dần trở nên hư hỏng hoàn toàn. Trong tình hình mới đó, những quy định luật pháp lỏng lẻo đi liền với quyền sở hữu toàn dân về đất đai trở thành chỗ dựa pháp lý lý tưởng để các quan chức mọi cấp ra sức trục lợi trên lưng nông dân nghèo khổ. Hệ lụy tất yếu là đấu tranh, khiếu kiện ngày càng lan rộng, ban đầu tự phát càng về sau càng có ý thức. Hết Tiên Lãng đến Văn Giang và nhiều nơi khác, mà đó chỉ mới là phần nổi của tảng băng chìm. Rõ ràng quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân trước đây có vẻ đương nhiên trong chế độ toàn nông thôn hợp tác hóa nay đã trở nên mâu thuẫn gay gắt với những đổi mới ở nông thôn. Nó hoàn toàn không phù hợp nữa, chí ít cũng không hợp lòng dân ở giai đoạn này và trong tình hình sa sút đạo đức nghiêm trọng của cả hệ thống chính trị rất dễ dàng bị lợi dụng để đè nén, áp bức, nhũng nhiễu dân mà vẫn không bị pháp luật trừng trị.

Bài học rút ra từ những chuyện bàn ở trên là không có, không bao giờ có thể có, một lý thuyết hoàn thiện về chủ nghĩa xã hội để rồi cứ thế mãi mãi áp dụng thành công. Mục tiêu phấn đấu của toàn thể cộng đồng dân tộc Việt Nam và cũng là mục tiêu phấn đấu cao cả nhất của một đảng thật sự vì dân vì nước chỉ có thể là: dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, theo những tiêu chí phổ quát của nhân loại đương thời. Chỉ có trên quan điểm đó mới có thể có một Hiến pháp quy tụ, đoàn kết được mọi tầng lớp nhân dân, thực hiện hòa giải dân tộc, vượt qua khủng hoảng và tình hình nguy cấp hiện tại để tiến lên một giai đoạn phát triển mới đầy hứa hẹn của đất nước.

H. T.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Tranh chấp giữa chủ tịch nước và thủ tướng chính phủ ? Nguyễn Van Huy -16 Tháng 3 2013 20:33
Hà Nội: Một chế độ mất tin tưởng vào chính mình    
Lê Mạnh Hùng
Đảng đang sợ? Thanh Quang, phóng viên RFA -2013-03-17
Xã hội dân chủ: xu thế tất yếu của thời đại Trần Ngọc Thạch 18/03/2013


Đảng lại bày trò đại bịp về sửa luật đất đai Bảng Đỏ   18-3-2013- Vấn đề giá cả đền bù trong dự thảo Luật Đất đai mới (VOV).
- Bộ tư pháp: Kết luận về sai phạm của Đà Nẵng bảo đảm tính pháp lý (TT).  - Kết luận về sai phạm của Đà Nẵng có cơ sở pháp lý (VNE).
- Sang quá hóa hỏng! (PT).


Ba Dũng: Thanh tra đất ở Đà Nẵng: Bộ tư pháp khẳng định TT Chính phủ làm đúng (GD 17-3-13) Bá Thanh: Ban Nội chính T.Ư xử lý vụ án liên quan cán bộ cấp cao (GD 16-3-13)

Bộ Tư Pháp Việt Nam: Thanh tra đúng, Ðà Nẵng sai
Nguoi Viet Online--Thanh Tra Nhà Nước CSVN đã đưa ra các kết luận “có cơ sở pháp lý” về việc nhà cầm quyền thành phố Ðà Nẵng làm bậy, gây thất thoát lớn cho ngân sách nhà nước.
Chỉ tiêu và con đường dối trá
Nguoi Viet Online -Từ ngày vào trại tập trung cộng sản, tôi mới nghe nhiều đến hai tiếng “chỉ tiêu,” và cũng khốn khổ vì hai tiếng này. Người tù ăn theo định mức nhưng làm theo chỉ tiêu. Mỗi ngày theo lệnh trại, dưới sự quản chế của cai tù, nhất là với sự đốc thúc của những tên đội trưởng chỉ huy, đội phó kế hoạch, mà trước đây chính là “chiến hữu” của mình, theo dõi, kiểm soát.
Bộ công an toan tính thêm quyền lực để lạm quyền hà hiếp dân Nguyễn Dư - 18-3-2013


Đại học tung học bổng, hotgirl ‘dụ’ thí sinh (VNN 17-3-13)
Vì sao trí thức trẻ không thích trở về? (TP 17-3-13)
Xây Bảo tàng Khoa học: Đừng tư duy nguy hiểm, lãng phí (KT 17-3-13) -- P/v TS Nguyễn Văn Huy
Hồ sơ Phan Khôi: Cha tôi - ông Phan Khôi (TT 17-3-13)
Nhà phê bình Đỗ Lai Thúy - Kẻ thích chia rẽ dư luận (TP 17-3-13)
Phía sau thảm họa dịch thuật (SGGP 17-3-13)
Những nữ nhà văn gốc Việt tỏa sáng thế giới (TN 17-3-13)
Văn chương thôi “gây chiến”, để "đối thoại" (TTVH 17-3-13) -- Trần Nhuận Minh, Nguyễn Đức Tùng
Võ Hồng Thu và phức cảm đô thị trong truyện ngắn (TTVH 17-3-13)
Tiến sĩ du học Nga: Làm việc tại quê hương là điều tuyệt vời nhất (DT 16-3-13)
Hậu quả khi học trò yêu liều (DT 17-3-13)

Tổng số lượt xem trang